Chương I : HIỂU THƯƠNG

THƯƠNG YÊU VÀ HIỂU BIẾT

Chúng tôi đã chia sẻ pháp thoại “Hoa trái của thương yêu và hiểu biết”, phân tích về hai khía cạnh rất quan trọng, theo lời Phật dạy liên hệ đến giá trị của Hiểu và Thương để thương yêu bám rễ trong quan hệ tình người.

Trước nhất, con người cần phải loại trừ bản ngã để giữa mình và người có thể sống hoà thuận và an vui.

Thứ hai, phải hoà nhập, tôn trọng những điểm cá biệt của nhau, vì mỗi người có một nghiệp tính riêng. Những  nghiệp tính khác biệt này đã tạo ra những cá tính, và sự thiên sai vạn biệt trong từng con người. Do hai nhu cầu đó mà sự thương yêu được thiết lập.

Nếu chỉ đơn thuần thương yêu thì chưa đủ, còn phải hiểu biết được tâm trạng của nhau. Nhờ sự hiểu biết mà nhịp cầu thương yêu được củng cố và bảo vệ một cách lâu dài.

Chúng ta đang thiết lập một nhịp cầu trong đó điểm khởi đầu là mình và điểm kết thúc là người kia và ngược lại. Trong sự khởi đầu và kết thúc đó không có yếu tố nào của người thứ hai, thứ ba can thiệp vào. Mỗi khi có sự can thiệp về phương diện cảm xúc và tình yêu, thì trạng thái của sự yêu thương bị cắt đứt, phá vỡ, hay có thể ví như lúc đó vàng có thể bị pha trộn bởi các hợp chất kim loại khác, do đó bản chất của vàng không còn là vàng nữa, điều đó rất đúng trong tình huống cảm xúc yêu thương.

Cần hiểu biết để thiết lập sự tôn trọng tuyệt đối giữa ta và một đối tác trong tình yêu, tình thương. Thiết lập được mối quan hệ này là tạo ra được bản lề hạnh phúc gia đình, chính là cách để mở cửa tâm hồn và cũng là cách thức để đóng giữ không khí an lành hạnh phúc, giữ những vật được trang trí trong căn nhà, giữ tất cả những vật liệu, công cụ để sinh hoạt, để hương thơm hoa trái của sự thương yêu được triển nở. Chúng ta giữ lại trong phạm vi mối liên hệ giữa ta và người đặt trên nền tảng sự thương yêu.

Có thể nói, sự hiểu biết giống như mối hàn để thiết lập, kết nối, tạo chất keo nối liền giữa cảm xúc thương yêu giữa mình với người khác. Đó là sự kết nối trực tuyến, không phải là những biểu hiện giả tạo thuộc ngoại giao hay tâm lý khéo léo, mà nó phải được thể hiện bằng tấm lòng chân thật. Tấm lòng chân thật đó có thể rất vụng về, thiếu sót, lập cập lẩm cẩm, có thể rất đơn sơ mộc mạc, người tiếp nhận sẽ thấy được giá trị của trái tim, tấm lòng, dòng cảm xúc và giá trị của những gì người đó tặng cho mình bằng tất cả sự trân trọng.

Chúng ta có thể nói sự hiểu biết như một nhịp cầu để hàn gắn giữa ta và người, giữa hai trái tim đang thổn thức. Nếu thương yêu mà thiếu hiểu biết, thì bản chất của sự thương yêu đó không được trọn vẹn.

Có hai vợ chồng sống rất thương yêu, hạnh phúc, đã từng dìu dắt nhau đi suốt 30 năm trên cuộc đời và đã có với nhau mấy mặt con. Tình thương yêu của họ đã làm cho rất nhiều người phải ao ước và ghen tỵ. Bất cứ trong tình huống nào, người ta cũng chưa từng chứng kiến sự cãi vã giữa họ, nhưng rất tiếc tình yêu đó đã không được bền bỉ như mọi người mong đợi. Người chồng lâm trọng bệnh và cơn bạo bệnh đó đã làm cho ông qua đời.

Là một Phật tử, để lo tang chế cho chồng, bà đã làm hết tất cả những nghi thức Phật giáo như: tụng niệm, bái sám, tạo công đức, làm phước lành hồi hướng cho người ra đi. Đến ngày tuần thất thứ bảy, người vợ rất khổ đau, bà khóc nức nở mỗi lần nhớ đến những tình cảm đẹp mà chồng đã dành cho bà suốt 30 năm qua. Sau lần cúng dường trai Tăng hôm đó, bà đã nằm xuống chiếc giường kỷ niệm của hai vợ chồng. Sau đó bà quét dọn trong phòng, dọn dẹp các tủ giường và những kỷ vật của chồng để lại, bà phát hiện ra một quyển sổ nhật ký.

Bà đọc, thấy có nhiều lời lẽ hân hoan đằm thắm, đã được viết trong quyển sổ mà bà chưa từng biết đến. Càng đọc, bà càng hạnh phúc nhẹ nhàng, càng cảm thấy phấn chấn vô cùng, và nghĩ rằng chồng của mình là người rất có chiều sâu, là người rất chịu đựng,... tất cả những cảm xúc đẹp đó ông không nói ra cho mình biết. Hằng ngày ông vẫn sống chịu đựng những thái độ hờn dỗi, không vui của mình,... vậy mà ông vẫn để lại những kỷ niệm rất đẹp trong từng trang nhật ký.

Khi đọc đến những trang cuối cùng, bà phát hiện ra một số đại từ nhân xưng, bà không tin vào những gì đã đọc trên trang nhật ký. Bà đọc đi đọc lại đoạn viết sau cùng “Em thương yêu, anh rất lấy làm tiếc khi hứa với em sáng hôm qua mà anh đã không đến được, bởi vì bà vợ già của anh đã cản đầu, cản mũi anh”.

Đọc hết đoạn đó và bà hoảng hốt lên, vì nghĩ rằng bao nhiêu tình cảm đẹp giữa mình với ông ấy trong mấy mươi năm thì ông ấy là người chồng lý tưởng duy nhất, nhưng không ngờ lời viết của ông trong trang cuối quyển nhật ký đã làm sụp đổ thần tượng. Bao nhiêu tình cảm đẹp trong ký ức đã tan tành theo mây khói. Bà nghẹn ngào khóc lóc, đập bàn xô ghế,... đến ngay trước bàn hương án chặt nát tấm hình ra thành nhiều mảnh, dùng lửa đốt để xoá tan bớt nỗi hận thù, căm tức về người chồng phản bội. Người mà bà đã từng nghĩ đó là mẫu người lý tưởng nhất, bà đã may mắn gặp và sống chung được với nhau trong mấy mươi năm.

Rõ ràng trong tình huống vừa nêu, nỗi khổ đau xuất hiện khi người vợ biết được những sự thật về chồng. Ông là người đã từng hoa nguyệt, ong bướm, lẳng lơ và đã từng có những tình cảm khác với những cô trẻ đẹp hơn bà. Vậy mà bà cứ tưởng tình yêu của ông dành cho bà rất đẹp và cao thượng, tình cảm tốt đẹp ấy bà dành cho ông bây giờ bỗng dưng bị chết nghẹt trong lòng.

Trạng thái nghẹt thở trong tình trạng vừa nêu là phản ứng về “Hoạn Thư” mà mọi người có thể biện hộ bằng những lý lẽ rất đẹp “Nếu không có ghen thì không có yêu, càng yêu thì phải càng ghen”.

Nhiều người cho rằng, ghen là một trong những chất liệu bảo vệ tình yêu, để cho thấy được tình thân giữa ta và người mình thương, là sợi dây gắn bó rất mật thiết, đến độ không có một người thứ ba nào được quyền can dự vào mối quan hệ riêng tư đó.

Hôn nhân và tình yêu là một khế ước xã hội, được thiết lập giữa hai người thông qua những ngôn ngữ của con tim, cảm xúc, sự hiểu biết chia sẻ cảm thông trong cuộc đời. Khi khế ước này được thiết lập thì hai bên có cùng chung một vai trò là bảo bọc, giữ gìn, nuôi nấng; còn ngược lại, nếu một người xây dựng, người kia phá vỡ thì khế ước tình yêu đó khó có thể tồn tại và có được tuổi thọ lâu dài.

Trong nhà Phật khẳng định rằng: kiến thức là một trong những cửa ngõ để thiết lập sự an vui và hạnh phúc. Có kiến thức như có một cái đèn pin đi trong đêm tối, hay một ánh đuốc đi trong đêm mờ mịt, hoặc là có được mặt trời và mặt trăng để sinh hoạt, sống, biết được ngày và đêm, để vươn lên.

Nếu sự hiểu biết đó đặt trên nền tảng của bản ngã, thì có khả năng phá vỡ những giá trị hạnh phúc mà mình đã, đang, hoặc sẽ có.

Vấn đề đặt ra ở đây, khi bà tiếp nhận tình cảm không được trọn vẹn như đã từng nghĩ, lòng bà cảm thấy đau nhói, đóng băng. Cảm giác đóng băng, cảm xúc trong trường hợp này đã làm cho bà không thể nào chấp nhận sự chia sẻ tình cảm ngọt ngào trong hôn nhân, và tình yêu của chồng với bất kỳ một người nào. Điều đó đã được thể hiện trong cơn giận dữ đập bàn, đập ghế, phá tan bàn hương án... đẩy tình yêu đó vào một góc xó, cắt đứt những giá trị rất đẹp mà trong bao nhiêu năm qua đã từng có với chồng.

Tri thức hữu ngã đó là một trong những tri thức rất nguy hiểm.

Chúng ta đặt ra một vấn đề, nếu bà không đọc được những trang cuối cùng của quyển nhật ký, thì trạng thái hạnh phúc trong hôn nhân giữa bà và người chồng quá cố, sẽ vẫn còn đẹp cho đến lúc bà nhắm mắt lìa đời. Cái đẹp đó có thể làm cho bà hãnh diện với thiên hạ, với thân bằng quyến thuộc và có lẽ thiên hạ không biết đến. Nhưng bây giờ mỗi lần bà đi ra ngoài đường, có dịp tiếp xúc với người khác và được khen tặng rằng gia đình bà là một gia đình mẫu mực về hôn nhân, là một gia đình có truyền thống hôn nhân đạt đến trình độ của sự lý tưởng, thì lòng bà càng đau nhói, nghẹn ngào, khó chịu và có thể tạo ra sự nghẹt thở về cảm xúc.

Dựa vào tinh thần của Hiểu và Thương mà Bồ tát Quán Thế Âm đã dạy trong phẩm Phổ môn, hoặc nói chung là những gì mà đức Phật để lại trong kinh điển rằng: phải giữ cảm xúc thăng bằng.

Trong tình huống của bà, không còn cách nào khác là tạo ra sự hài hoà về cảm xúc, bởi vì nếu không có tri thức về sự biết đủ, thì rất dễ bị cơn bệnh “Hoạn Thư” làm ách tắc những giá trị trong quá khứ mà chúng ta đã từng có.

Nói cách khác nhà Phật dạy: phải sống trong những giây phút hiện tại, và đừng tạo dây mơ, rễ má với những cái không phải tiến trình đang diễn ra. Sống như vậy là đang đặt những dòng chảy cảm xúc trong từng lời nói, cử chỉ, việc làm của mình. Nếu thiết lập những dây mơ rễ má giữa quá khứ với hiện tại, giữa hiện tại với tương lai, hoặc giữa hiện tại với những cái đã từng hoặc sẽ xảy ra trong cuộc đời, thì trạng thái an lạc sẽ bị phá vỡ.

Trong câu chuyện, khi bà phát hiện ra những trang nhật ký cuối cùng, bà cảm thấy bị hụt hẫng. Hiểu được đạo Phật thì lúc đó bà phải bình tĩnh nhiều hơn, vì người quá cố đã là người quá cố. Nếu để nỗi khổ đau, sự bực tức, cơn giận đổ dồn lên cũng không giúp ích hay giải quyết được bất cứ một việc gì, ngược lại có thể làm cho những cảm xúc đẹp của 30 năm trong quá khứ tan biến theo mây khói, đó là một điều hoàn toàn không nên.

Nếu đứng từ góc độ của sự biết đủ thì chúng ta nên nghĩ rằng, khi chồng (hay vợ) có tính hoa nguyệt, ong bướm, thế mà ông (bà) phải lén lút, giấu giếm... nhưng vẫn giữ được trách nhiệm trọn vẹn trong gia đình, biết tôn trọng, và không để cho chồng (vợ) mình biết, chồng (vợ) mình buồn. Trạng thái đó vẫn là yếu tố quan trọng, để giúp cho mình tạo ra sự thăng bằng về một sự thật rất đau buồn và hoàn toàn không như ý muốn.

Ở đây chúng ta không phủ định tính hoa nguyệt không chung thủy của người chồng, nhưng trong những nỗi khổ niềm đau đó phải làm như thế nào để tâm của mình luôn hướng về sự an vui.

Nói cách khác, không bao giờ có sự tuyệt đối trong cuộc đời dù đó là tình yêu, hôn nhân, tiền tài, địa vị, danh vọng, chức tước. Đỉnh cao tuyệt đối của tất cả những cái đó là sự tương đối.

Nếu nhìn thấy tính cách tương đối của vấn đề thì chúng ta thấy rằng mình vẫn còn may mắn. Dù thương một cô nàng trẻ đẹp hơn, nhưng ông vẫn giữ được trách nhiệm đối với gia đình, với tình cảm của mình thì đó là điều đáng quý. Sự đổ nát, phá vỡ thông qua lòng sân hận không phải là giải pháp đẹp trong tình huống vừa nêu. Nói chung, trong mọi tình huống, chúng ta phải duy trì sự hiểu biết của vô ngã.

Sự hiểu biết vô ngã này sẽ là liều thuốc bổ rất cần thiết để chữa lành những chứng bệnh về nỗi đau thuộc cảm xúc, những khuyết tật về mối quan hệ tình người giữa chúng ta và một người nào khác ở trong cuộc sống với tư cách là vợ chồng, tình nhân, cha mẹ, con cái, hay của những quan hệ đối tác.

Kiến thức về hữu ngã là một trong những kiến thức có thể tạo ra nền tảng của sự phá hoại rất lớn.

Kiến thức vô ngã là hiểu biết được tâm trạng, dòng cảm xúc, tâm tình, ý nghĩa, lời nói, việc làm của người kia. Khi đặt mình trong vai trò vị trí của họ thì sự cảm thông sẽ xuất hiện, và hiểu được rằng trong giai đoạn chồng đến với người thứ hai, là vì lúc đó do mình bận rộn về công việc, dòng cảm xúc của mình không sẵn sàng đối với ông, nên mọi thứ trong cuộc đời có thể theo đó mà thay đổi. Lúc đó chỉ cần điều chỉnh lại những gì đã bị đánh mất, thay vì đẩy người chồng về phía người khác mà mình có thể cho rằng đó là kẻ thù.

Đôi lúc chúng ta phải nhìn bằng Tha tâm thông để hiểu được tâm trạng, tính tình, cá tính của người mình đang thương yêu. Chỉ với sự hiểu biết đó mới thiết lập được sợi dây của sự thương yêu một cách lâu dài, bền bỉ, và bảo vệ nó theo quỹ đạo phải luôn luôn tốt, tích cực, an vui và hạnh phúc, chứ không phải là sự đổ nát giữa hai bên.

Để duy trì trạng thái hiểu và thương, đòi hỏi phải gieo trồng nhiều hạt giống tha thứ tích cực, để cho những giá trị đã có sẽ vĩnh viễn còn mãi. Bằng không, chỉ cần một bước ngoặt sai lầm của tâm chuyển hướng đi khác tạo ra ngõ rẽ, làm cho trái tim, sự thương yêu và tất cả những tấm lòng của người kia dành cho mình bị vỡ ra thành nhiều mảnh. Sự vỡ tan đó tạo ra nỗi đau rất thổn thức ở người mình thương và ngay trạng thái tâm thức của mình. Dĩ nhiên, phản ứng phóng thích nỗi khổ niềm đau của bà là một hành động sân hận. Bà muốn làm cho tất cả những kỷ niệm đã có không còn nữa, để quên đi một người mà bà đã từng hết lòng tôn trọng và thương yêu.

Cách thức giải quyết vấn đề trong tình trạng vừa nêu thiếu sự hiểu biết cần có. Chúng ta hãy để cho người quá cố nằm yên, để trái tim của mình giữ lại những giá trị đã có. Đừng để sự đổ nát cảm xúc giữa người đã chết và người sống tạo thành nỗi oan khiên ở kiếp sau.

Chúng ta hãy tha thứ để người kia cảm thấy được rằng vợ mình rất chung thủy, rất an vui hạnh phúc, thế mà mình đã từng có một giai đoạn sai lầm, và điều đó không cho phép mình tái lập lại lần thứ hai với bất kỳ một người nào dù là ở trong đời sống kiếp sau.

Sự tha thứ trở thành chất liệu của hiểu biết, có thể chữa lành nỗi đau đang có mặt giữa chúng ta và một người nào đó. Muốn tình thương yêu được sống mãi thì sự hiểu biết phải đặt trên nền tảng của tha thứ.

Tha thứ là một thái độ tâm lý tích cực. Trước nhất, tha thứ có thể khởi đi bằng nhận thức sáng suốt rằng: không người nào là trọn vẹn tuyệt hảo và đầy đủ, hoàn thiện về tính cách, đạo đức, nhận thức và ứng xử trong cuộc đời.

Khi chúng ta đặt ra một giả định rằng mọi người có thể sai lầm, nhận thức thêm bước thứ hai là sự sai lầm đó cần được tha thứ và sửa chữa. Với cái nhìn tích cực như vậy, để không đẩy người đã từng bị sai lầm vào chân tường. Nếu dồn họ vào thế chân tường, sẽ có phản ứng rất tiêu cực, họ sẽ phủ định sự sai lầm để chứng minh rằng vô tội. Càng chứng minh họ càng bị lún sâu trong tình trạng sai lầm nhiều hơn.

Cho nên, tha thứ là cách thức bịt mắt lại trước những lỗi lầm không đáng kể của người khác thông qua sự thấy, bịt lỗ tai lại để không nghe những lời nói rất chướng tai. Chúng ta có thể giữ ghì hai tay, hai chân lại để phản ứng sân hận được trì hoãn, từ đó lòng sân hận không có cơ hội thiết lập giữa mình và người.

Bản chất của sự tha thứ chính là sự hiểu biết, nhờ vào sự hiểu biết mà con người sống một cách có ý nghĩa, và tạo cơ hội mời gọi người khác trở về với sự làm mới đạo đức, để mang lại giá trị tích cực cho chính bản thân và mọi người.

THA THỨ VÀ LÀM MỚI

Trong kho tàng truyện cổ Phật giáo có câu chuyện liên hệ đến một Phật tử tên Zencay, ông là người rất bảnh trai, làm hộ vệ cho một viên tướng lỗi lạc.

Theo phong tục tập quán ngày xưa, các viên tướng và những người giàu có thường cưới những cô vợ rất trẻ, để chứng tỏ sự giàu có của mình, và để bảo bọc, thương yêu, chăm sóc... Do vì tin tưởng người hầu cận Zencay một cách tuyệt đối, nên viên tướng đã không chú ý đến mối quan hệ lén lút giữa người vợ trẻ đẹp của mình và người hầu cận.

Cuối cùng ông phát hiện ra họ có quan hệ thầm kín với nhau nên rất khổ đau. Ông suy nghĩ, nếu trừng phạt người thanh niên trẻ kia thì cô vợ chưa chắc đã trở về với mình, mà nếu không trừng phạt thì hạnh phúc kia cũng không kéo dài lâu hơn. Trong lúc ông lúng túng thì người hầu cận trẻ đã “Tiên hạ thủ uy cường,” ra tay giết chết chủ nhân.

Sau khi giết chết viên tướng, đôi tình nhân này bỏ trốn sang sinh sống ở tỉnh khác, để thay đổi danh tánh. Vì Zencay làm nghề hầu cận về thể lực (vệ sĩ), nên không được ai thuê làm công việc đó. Do đó họ đã sống vất vưởng qua ngày bằng nghề ăn xin. Dĩ nhiên, người phụ nữ trẻ đẹp kia không thể nào chấp nhận cách sống của người chồng mới này, cuối cùng cô ta đã thương một người phú hộ khác và Zencay trở thành người cô đơn đau khổ.

Trong sự cô đơn và đau khổ đó, Zencay tìm đến với đạo Phật, nhờ sự hướng dẫn của một vị thiền sư, ông đã giác ngộ và làm mới lại cuộc đời.

Thiền sư đã phân tích cho ông thấy những lỗi lầm mà ông đã gây ra.

Trước nhất, những khổ đau về nghiệp báo ông đã nhẫn tâm đem lại nỗi khổ đau thông qua sự lén lút trong tình yêu, phá vỡ hạnh phúc gia đình của người khác, do đó Zencay phải trực tiếp chịu trách nhiệm về nỗi khổ đau đó.

Thứ hai, Zencay là người hầu cận trung thành được tất cả sự tin yêu của chủ, thế mà anh phản bội lại tấm lòng cao thượng của chủ thì đó là một lỗi lầm rất lớn.

Thứ ba, khi bị phát hiện mối tình vụng trộm bất chính, lẽ ra phải ăn năn hối lỗi thế nhưng anh lại tiếp tục tạo ra nghiệp khổ lớn hơn, đó là giết hại luôn cả ân nhân để chiếm đoạt vợ người.

Cả ba nghiệp đó làm cho Zencay mang một trạng thái mặc cảm tội lỗi, giằng xé trong tâm hồn anh rất lớn cho nên anh có ý nghĩ tự vẫn. Nhờ các vị thầy hướng dẫn: chỉ khi nào phát khởi niềm tin về một tương lai tươi sáng bằng cách làm mới lại cuộc đời, ca ngợi sự thủy chung, bảo vệ sự trinh tiết của người khác; sống có ý nghĩa trong cuộc đời, với những hạt giống mới thì có thể thoát khỏi con đường bế tắc của sự tự vẫn; sự chà đạp lương tri hay trạng thái bức xúc lương tâm bắt nguồn từ mặc cảm tội lỗi... Thông thường, bế tắc này sẽ kéo theo những bế tắc khác, và tự vẫn không phải là giải pháp tích cực để giải quyết vấn đề.

Nhờ những lời khuyên đó, Zencay đã làm lại cuộc đời.

Ở nước Nhật, anh đã quan sát khắp nơi và phát hiện ra một quãng đường nằm bên triền núi rất nguy hiểm, thiếu sự an toàn. Từ triền lên đến đỉnh núi, con đường rất trơn trợt, nhiều người đã bị ngã té, đôi khi phải bỏ mạng vì con đường này. Do đó anh phát nguyện làm con đường hầm đi xuyên từ núi này, qua núi kia với độ dài khoảng 700 mét.

Anh làm hì hục, ban ngày đi làm mướn để sống, tối về anh dành thời gian để đào hầm. Ròng rã suốt 6 tháng, anh đào được 600 mét (đường kính 6 mét, chiều cao 9 mét), đó là một công trình vĩ đại.

Đến tháng thứ bảy, đứa con trai của viên tướng bị Zencay giết đã phát hiện ra nơi cư ngụ của anh. Người con trai của viên tướng là một võ sĩ rất tài ba, cậu ta có ý định tìm đến để trả thù. Lúc này Zencay đang đào đường hầm, cậu ta rút gươm ra và lao đến phía trước. Thấy vậy, Zencay đứng lên với dáng vẻ hùng dũng và nói lên những lời cầu khẩn rất tha thiết: Này chú em, tôi biết tôi đã phạm phải một lỗi lầm rất lớn không thể tha thứ được, và chú cũng sẽ không bao giờ tha thứ cho tôi. Nhưng với một kỳ nguyện, tôi đang đào con đường hầm để làm giảm bớt sự chết chóc và thương tật của những người bất hạnh khác. Với kỳ nguyện đó, tôi xin chú hãy tạm tha, cho tôi cơ hội thêm một tháng nữa để hoàn tất công trình đang làm dở dang. Khi công trình được hoàn tất, đến lúc đó chú đến đây và có thể chặt đầu, bằm thân tôi ra thành nhiều mảnh vẫn chưa muộn. Với một người phạm phải những lỗi lầm như tôi, tôi thua chú và cam đoan với chú rằng tôi sẽ giữ đúng lời hứa.

Con của viên tướng đã đồng ý, vì cảm kích tấm lòng đầy nghĩa khí cũng như công trình mà Zencay đang làm, cậu ta ở đó quan sát ngày và đêm. Trong lúc làm thì cậu ta đã trói buộc chân của Zencay bằng sợi dây xích, để không thể chạy xa hơn ra khỏi phạm vi tầng hầm.

Đúng một tháng sau, công trình đào hầm đã hoàn tất, hôm đó Zencay tắm rửa và ngồi thiền quán khoảng 15 phút, lạy Phật sám hối và mời con trai viên tướng lại nói rằng: “Tôi rất cám ơn vì chú đã tạo cơ hội cho tôi hoàn tất công trình. Nay công trình đã xong, tôi xin chú hãy giết tôi đi để trả thù cho duyên nghiệp chính tôi đã tạo ra nỗi đau cho cha của chú”.

Lúc đó cậu ta rút thanh gươm đặt trên cổ Zencay, cậu ta dùng sức lực bình sinh chặt lên tảng đá rồi quăng thanh gươm và nói rằng: “Tôi không thể nào làm việc này được, vì trong suốt thời gian một tháng, khi quan sát theo dõi ông, tôi thấy rằng ông là người rất đáng kính, tôi tôn thờ ông như là một người Thầy. Vì ông đã làm được những công trình mà hiếm có một người nào có thể làm được, bây giờ tôi tha chết cho ông và chúng ta có thể trở thành bạn thân của nhau”.

Kể từ đó, Zencay và người con trai của viên tướng đã làm được nhiều việc lợi ích cho cuộc đời.

Thái độ tha thứ là một cơ hội rất quí để biến hận thù thành bạn, giải tỏa những nỗi oan khiên, tháo gỡ những bế tắc, khai thông những sự đóng băng về cảm xúc, làm mới lại những gì đã đổ vỡ và cách tân những gì cần được phát huy trong hiện tại và tương lai.

Dựa vào câu chuyện vừa nêu, chúng ta thấy người con trai của viên tướng đã làm một nghĩa cử rất phù hợp với đạo lý nhà Phật. Chỉ “Đánh người bỏ đi, không bao giờ đánh người trở lại” đó là đạo lý dân gian trên nền tảng tạo cơ hội cho người khác làm mới chính họ, để cho người kia trở về đời sống đạo đức. Nhưng đạo lý đó không bao giờ tạo ra cơ hội tương tự cho những người ngoan cố, kém hiểu biết, không nhận ra lỗi lầm của mình. Cho nên nó vẫn còn giới hạn nào đó về phương diện cá tính, và cách thức ứng xử với nhau.

Dù người kia có nhận ra lỗi lầm hay không, họ có sẵn sàng trở về con đường đạo đức hay không, thì chúng ta vẫn sẵn sàng tha thứ. Sự tha thứ trong trường hợp này là cách mở cơ hội để mời gọi họ trở về, còn về hay không lệ thuộc rất nhiều vào cá tính của họ. Nếu chúng ta tạo ra sự mời gọi thì rõ ràng về phương diện đạo đức có một chất liệu kích thích rất lớn, để người kia không còn là họ trong quá khứ xấu xa.

Tha thứ, là cách thức để thiết lập sự hiểu biết, trong sự hiểu biết này, các hạt giống của sự thương yêu đã được gieo trồng. Nói cách khác, nơi nào có sự hiểu biết nơi đó có thương yêu, nơi nào có hiểu biết và thương yêu thì con người sẽ không sân hận, sẽ không cố chấp và qui trách nhiệm, kết án xử phạt, kết liễu mạng sống của một người sai lầm, như là sự trả thù cho một duyên kiếp bẽ bàng. Thái độ đó là thái độ tích cực.

Tha thứ không chỉ là cách thức tạo ra đường hầm cho sự khai thông từ người ở trong vực thẳm này sang vực thẳm khác, từ bế tắc này sang bế tắc kia, mà còn tháo gỡ hết tất cả những nỗi oan khiên trong cuộc đời.

Khi làm con đường hầm, là rút ngắn được đoạn đường đi và giảm thiểu những tình huống gây tai nạn, chết chóc. Giá trị của sự tha thứ được sánh ví như con đường hầm, và tạo sự an toàn cho người đi cảm thấy nhẹ nhàng. Mặc dù sự đi đó có một không gian rất tối tăm, nhưng nếu ai có bản lĩnh đi trong đó, thì chắc chắn trong một khoảng thời gian ngắn họ sẽ tiếp xúc được với ánh sáng. Ánh sáng của sự làm mới, đạo đức, sự cách tân, đó là qui luật tất yếu của tâm lý và nhận thức.

Nếu trong cuộc đời này, có người nào đó đã tạo ra lỗi lầm đối với chúng ta. Với tư cách là Phật tử chúng ta hãy tháo gỡ nỗi oan khiên đó bằng cách, hãy nói với họ rằng: những gì tội lỗi và xấu xa mà anh chị, ông bà đã tạo ra cho tôi, tôi sẽ không bao giờ giữ trạng thái đó trong lòng. Tôi mong rằng quý vị đừng làm cái gì đó để sau này không cảm thấy giằng xé bứt rứt lương tâm chi phối, như vậy là tôi thấy hạnh phúc rồi.

Chúng ta nói như vậy để người kia cảm thấy lỗi lầm của họ cần chữa trị bằng tất cả sự nỗ lực làm mới, để đừng đẩy họ vào bế tắc, phải phủ định sự sai lầm của mình hay là kháng cự lại sai lầm đó. Hoặc nếu không kháng cự thì họ tìm khuynh hướng quyên sinh, giằng xé, hành hạ thân thể trở nên đau khổ. Tưởng nhờ sự đau khổ mà tâm của họ được nhẹ nhàng thảnh thơi, đó là phản ứng tiêu cực và không phải là giải pháp của vấn đề một cách tuyệt đối.

Sự hiểu biết trong thương yêu còn là chất liệu giúp chúng ta xoá bỏ lòng sân hận ở những người khó tính, xoá bỏ lòng cau có ở những người khó chịu.

Cá tính của con người thường diễn ra theo khuynh hướng: Hễ cái gì làm mình vừa lòng đẹp ý thì theo, còn nghịch ý thì đối kháng. Trạng thái thuận kéo theo sự hài lòng, sự hài lòng kéo theo trạng thái tạo ra tình thế a dua, hay tuỳ hỷ tuỳ theo tình huống và nội dung cụ thể. Nếu nội dung là những giá trị tích cực, đạo đức, tốt, thì sự kéo theo được gọi là tuỳ hỷ. Ngược lại, nội dung và giá trị của nó là tiêu cực, xấu thì sự tuỳ thuận theo trong trường hợp này là a dua.

A dua và tùy hỷ khác nhau ở giá trị của vấn đề xấu hay tốt. Khi thiết lập sự hiểu biết giữa mình và người, chúng ta đã tạo cơ hội chữa trị bệnh sân hận ở đối tác một cách trực tiếp hay gián tiếp.

HIỂU THƯƠNG CHUYỂN HÓA LÒNG NGƯỜI

Trong lịch sử Trung Hoa, Hàn Bá Du một nhân vật nổi tiếng về lòng hiếu thảo. Ông rất có hiếu, đến độ dù đã trưởng thành nhưng mỗi khi làm sai, ông sẵn sàng nằm xuống để mẹ đánh, vì biết rằng mẹ là người rất khó tính.

Ngày nào mẹ không phạt ông, bà ăn không ngon, ngủ không yên, cho nên thỉnh thoảng ông phải chiều mẹ bằng cách như vậy. Một hôm, khi ông về nhà, mọi việc làm trong gia đình đều đã xong, thì xảy ra một trục trặc nhỏ từ những người giúp việc. Người mẹ hiểu lầm cho rằng do Bá Du làm, nên yêu cầu ông nằm xuống để bà đánh phạt. Bà đánh ba roi, ông khóc nức nở, bà ngạc nhiên, vì mọi khi bà đánh 10 roi ông vẫn không khóc.

Bà hỏi: “Hôm nay con có bị oan ức hay không, nếu có, mẹ xin lỗi, nếu không, con không nên khóc, vì lỗi lầm cần phải được chữa trị bằng sự trừng phạt”. Ông khóc thêm một lúc nữa rồi nói: “Thưa mẹ, con khóc không phải vì bị oan ức (dù trên thực tế con bị oan), mà con khóc vì biết được sức khỏe của mẹ không còn như xưa.

Trước đây mẹ đánh con ba roi, để lại vết hằn trên thân thể con bầm tím, nên con biết sức khỏe mẹ vẫn tốt. Bây giờ mẹ cũng đánh con ba roi mà không làm con đau, nên con biết sức khoẻ của mẹ đã kém đi rất nhiều, do đó nếu con không chăm sóc lo lắng cho mẹ thì con sẽ mất đi những giá trị chân lý trong cuộc đời. Con khóc vì con biết mẹ đã đến tuổi gần đất xa trời”.

Câu chuyện nêu một gương hiếu thảo rất hay. Ông phản ứng rất tế nhị, chịu đựng một cách rất cực đoan để làm cho mẹ vui và nhờ đó, mà mẹ ông tháo gỡ được bệnh sân hận.

Bà ôm con vào lòng, xin được con tha thứ, vì bà đã đánh con trong mấy mươi năm qua. Đứa con không buồn vì chỉ muốn làm mọi cách để mẹ không cảm thấy khó chịu trong lòng, muốn mẹ được vui nên sẵn sàng cam chịu, dù người mẹ đã phóng thích sự khó chịu đó bằng những đòn roi.

Tình cảm thương yêu của mẹ dành cho con bằng những cây roi, đã kích động đến tâm trạng của đứa con hiếu thảo, làm cho đứa con này không bao giờ cảm thấy căm phẫn trước sự nhục mạ, hay la rầy, quở trách, mắng chửi trước sự trừng phạt của mẹ.

Qua đó, chúng ta thấy được sự chịu đựng trong hiểu biết đã tháo giải được những bế tắc, sân hận trong mối quan hệ tình thân. Có những lúc chúng ta chỉ cần chịu đựng một chút, lắng nghe những lời nói nặng, nhẹ của người kia với tất cả tấm lòng bằng thái độ hoan hỷ, thì người kia cảm thấy chắc chắn mình không đúng. Nếu mình đúng thì người này sẽ có thái độ khác hơn, còn đằng này có vẻ họ chịu đựng trong tha thứ để mình có cơ hội phóng thích nỗi khổ niềm đau ra bên ngoài. Chúng ta phải tìm cách thức rất tế nhị để người kia không duy trì trạng thái khó chịu trong lòng.

Một phương pháp tốt cũng có thể không áp dụng cho mọi trường hợp.

Là Phật tử, chúng ta không nên chọn giải pháp Hàn Bá Du đã làm. Bởi vì rất may mắn mẹ ông là người hiểu biết. Trên thực tế có nhiều người không có sự hiểu biết tương tự như vậy. Nếu dùng phương pháp áp dụng giống nhau cho mọi trường hợp sẽ tạo ra sự phản tác dụng.

Chúng ta có thể kiên nhẫn chịu đựng nỗi đau, để có dịp sẽ giải thích trình bày. Khi sự bế tắc diễn ra thông qua sự hiểu lầm, thì đừng vội thanh minh. Sự thanh minh trong trường hợp này sẽ tạo cơ hội cho người kia suy nghĩ rằng “Có tịch nên rục rịch”, do đó người kia sẽ không bao giờ sẵn lòng lắng nghe sự giải bày. Hãy để những phản ứng sân hận của người kia giảm bớt, mới nói một cách nhẹ nhàng, thì họ sẽ hiểu rằng ngày hôm trước mình nói nặng lời là do hiểu sai, và nên sửa để không còn tái diễn. Đó là cách thức thể hiện tháo gỡ sự bế tắc do thiếu hiểu biết.

Đừng ôm những nỗi oan ức trong lòng, phải tìm cơ hội thích ứng để tháo gỡ một cách có nghệ thuật, đừng nói trả đũa, bằng phản ứng sân hận tức tối, mà nói bằng một cảm giác nhẹ nhàng, dễ chịu là đã tháo gỡ được bế tắc. Về phía người kia có lắng nghe hay không là phần của họ.

Chúng ta đừng bắt chước câu nói trong Luận Bảo Vương Tam Muội “Oan ức không cần biện bạch, vì biện bạch là hèn nhát”.

Nếu quan niệm như vậy là chúng ta đã tô bồi bản ngã về sự chịu đựng của mình để trương sình to lên. Như thế, giữa mình và người, mãi mãi bị bế tắc và không có cơ hội để tháo gỡ. Chọn cách thức giải bày, nhưng không đẩy người vào cái thế của tội lỗi, hay vu khống, mà nói để người kia hiểu, cùng tháo gỡ với mình.

Trong kinh điển Pali có một số tình huống đức Phật bị hàm oan rất lớn, có người nói rằng: Như Lai Thế Tôn là người chủ trương chủ nghĩa hư vô, đoạn diệt, yếm thế, đưa con người vào trong tội lỗi ...

Nếu chúng ta im lặng trong trường hợp này, sẽ làm cho nhiều người thiếu bản lĩnh, thiếu tự tin, bị a dua, không có lập trường nghĩ rằng đức Phật có như vậy nên mới im lặng.

Trong khi đó, đức Phật đã trình bày rất hoan hỷ rằng: “Những điều vừa nêu không có trong Tôi, Tôi không hề có chủ trương những điều này”. Ngài nói rất rõ, tin hay không là việc của họ. Ngài là đã làm tròn một phận sự của đạo đức, không tạo cơ hội gieo rắc hạt giống hiểu lầm ở những người không hề có quan hệ trực tiếp hay gián tiếp.

Chúng ta đang tuyên bố sự thật, chứ không phải tạo sự biện hộ, cải đen thành trắng, cải trắng thành đen. Nên bắt chước cách phản ứng của đức Phật trước những lời vu khống, nỗi hàm oan, lời chỉ trích đừng im lặng. Dĩ nhiên chúng ta chỉ cần nói một lần thôi trong tình huống rất cần thiết, còn chấp nhận hay không là việc của họ, bổn phận mình đã nói như vậy là xong. 

Phóng thích nỗi khổ niềm đau là vừa thiết lập sự truyền thông có thể là một cảm xúc, vừa có thể thiết lập những giá trị tích cực, lợi lạc giữa mình và người. Chúng ta có thể nêu những giá trị lợi lạc làm tiêu chí, để đánh giá vấn đề trong mối quan hệ. Nếu quan hệ đó ngày càng nghiêm trọng, bế tắc, khổ đau, thì không nên đẩy khuynh hướng đã có vào trong thế ngày càng lớn mạnh, mà phải thay đổi cách để cho những nỗi oan khiên, bế tắc giữa mình và người được tháo gỡ một cách có nghệ thuật.

Có một vị vua rất yêu thích con ngựa bạch. Mỗi lần ra thăm ngựa, ông đều ra lệnh những người tù đem ngựa ra tắm rửa, chăm sóc cho ăn, sau đó ông mới cưỡi đi. Nếu ai làm vừa lòng ông, người đó sẽ được giảm bản án.

Ngày nọ, có một tù nhân sắp bị đem ra pháp đình xử trảm, nhưng cũng phải làm công việc tắm ngựa, cho ngựa ăn tương tự như những tù nhân khác. Thế mà không biết vì sao hôm đó con ngựa này ăn trúng thuốc độc nên đã chết.

Khi nghe như vậy vua rất giận, đến độ ban chiếu đem phạm nhân ra pháp trường ngay. Nhà vua còn ra lệnh tru di tam tộc, tất cả những thân bằng quyến thuộc của anh ta đều bị bắt trói và xử trảm.

Lúc đó, quan Thượng thư - người rất có đạo đức, hiểu được đạo lý của Phật, biết rằng không thể nào ngăn cản được vua trong tình huống đang còn sân hận, nếu ngăn cản không có nghệ thuật thì chính bản thân mình cũng bị mất mạng.

Ông nghĩ ra một cách rất khôn ngoan, thưa với vua rằng: Thưa đại vương, thần biết rất rõ tên tử tù này đã làm cho ngài giận, nên tội hắn rất đáng chết, nhưng trước khi chết, xin đại vương hãy cho kẻ hạ thần này bình tội hắn trước mặt bá quan văn võ, rồi sau đó hắn và gia đình bị tru di tam tộc là một điều không thể nào chối cãi được. Nghe như vậy nhà vua rất mừng.

Quan Thượng thư bình tội: Này kẻ tử tù kia! Nhà ngươi có biết rằng, nhà vua đã tạo ra ba tội để dẫn ngươi đến mức án tử hình hay không?

Thứ nhất, lẽ ra nhà ngươi được vua tha tội, nhưng vì ngươi giết chết con ngựa quí của vua hoặc chăm sóc không kỹ lưỡng, đã tạo ra cái chết cho nó. Đây là tội thứ nhất không thể nào tha thứ được.

Tội thứ hai, nhà ngươi tạo ra sự phẫn hận bực tức cho nhà vua, làm cho vua phải giết ngươi mà không cần đến đao phủ là một điều sai với luật pháp trong chế độ hiện nay. Đó là tội đáng chết.

Tội thứ ba, nhà ngươi đã làm cho nhà vua phải mang tai tiếng với cuộc đời một cách vĩnh viễn từ đây cho đến về sau. Chỉ vì cơn giận mất đi một con ngựa mà phải giết chết một tử tù, và tru di tam tộc cả dòng họ của nhà ngươi, cho nên đó là tội không thể nào dung tha được.

Quan Thượng thư là một Phật tử, ông ta đưa ra hai chiêu thức đầu nhằm để thoả mãn bản ngã đang giận tức của nhà vua. Câu luận tội thứ ba là liều thuốc làm cho nhà vua phải suy nghĩ rất kỹ:“Ngươi đã làm cho nhà vua bực tức, nên ra lệnh giết luôn cả dòng họ nhà ngươi, như vậy nhà vua sẽ bị mang tai tiếng về lịch sử”. Đó là điều mà không có ông vua nào muốn trở thành vị hôn quân. Nhà vua nghe quan Thượng thư luận tội và cảm thấy áy náy nên ra lệnh tha tội chết cho kẻ tử tù.

Qua câu chuyện trên, chúng ta thấy rằng, nếu có hiểu biết và ứng xử khôn ngoan thì sẽ chuyển hóa được tâm sân hận. Mạng của kẻ tử tù và dòng họ thân quyến được phục hồi chỉ bằng một cách lý luận rất có nghệ thuật.

Không nên tiết kiệm lời nói, nếu như lời nói đó có thể giúp cho người khác an vui và hạnh phúc. Chúng ta không nên treo bổng trước những lời góp ý chân thành, hay những lời khuyên có ý nghĩa, hoặc chia sẻ những kiến thức mà mình có với cộng đồng, xã hội. Thái độ sống theo truyền thống gia truyền là thái độ làm cho bản ngã được trương sình, hoàn toàn ngược lại truyền thống nhà Phật.

Dĩ nhiên, những người làm kinh tế không thể nào chấp nhận truyền kiến thức cho người khác, hay thân bằng quyến thuộc, hoặc những người học trò trung thành. Vì sự truyền kiến thức đó có thể làm cho họ giàu hơn mình trong hiện tại và tương lai. Thế gian có thể lý luận như vậy. Trong nhân quả, nếu chúng ta tin như vậy là sự thật, hoặc bám víu theo truyền thống gia truyền đó, là đang gieo trồng hạt giống của sự bỏn xẻn, keo kiệt về kiến thức, tuệ giác, sự thông thái, hiểu biết, trong tương lai chắc chắn phải gánh lấy những hậu quả rất xấu.

Ta có thể bị những chứng bệnh mất trí nhớ, dù là người có trình độ, có kiến thức thế mà không có bộ nhớ tốt. Hoặc có bộ nhớ tốt, có kiến thức cao nhưng chúng ta mang những chứng bệnh tật, để kiến thức và khả năng của mình không được thể hiện một cách trọn vẹn. Hoặc chúng ta có sức lực, trình độ, phương tiện, tiềm năng thế mà vẫn bị trù dập, loại trừ, bị người khác đẩy ra khỏi cơ hội để dấn thân và phục vụ,... tức là nó xảy ra nhiều quả báo rất khác nhau.

Cho nên gieo, trồng một hạt giống tuệ giác về kiến thức, thương yêu thì chúng ta đã giúp cho người khác tháo gỡ được nỗi oan khiên, tạo ra sự tái sanh từ cảnh giới chết thành cảnh giới sống, một đời sống mới hạnh phúc hơn từ tình huống rất khổ đau.

Kẻ tử tù lẽ ra bị chết và thân bằng quyến thuộc sẽ bị chết theo, thế mà chỉ thông qua một lời lý luận rất khôn ngoan đã làm cho tình thế thay đổi. Cách thức thiết lập sự hiểu biết rất quan trọng, để xoá bỏ lòng sân hận ở con người và chuyển hóa nó một cách có nghệ thuật.

Có một ông vua sau chiến trận theo truyền thống phải đem tất cả nô lệ ra xử trảm. Qui luật đó rất khắc nghiệt, vì người ta nghĩ rằng nếu không làm như vậy thì hậu hoạn có thể xảy ra, nên để loại trừ hậu hoạn về sau phải giết hết tất cả những binh sĩ, mặc dù họ là những kẻ đang đầu hàng. Nhà vua đem hết tất cả những binh sĩ đầu hàng đó ra pháp đình. Trước khi tuyên bố tử hình, vua cho họ nói những lời ân huệ, dĩ nhiên các tử tù sẽ không nói những lời chửi mắng nguyền rủa, mà họ yêu cầu xin tha thứ.

Có một người tử tù rất bản lĩnh, anh nói những ngôn ngữ mà nhà vua không hiểu. Anh nói rằng nhà vua là kẻ ác đức, vô lương tâm, vô liêm sĩ, là kẻ mang lại cái chết cho rất nhiều người vô tội. Nếu tôi không trả thù được ông trong kiếp này thì tương lai tôi và ông sẽ tiếp tục là những kẻ thù của nhau. Anh ta nói lập đi lập lại ba lần như vậy, nhà vua không hiểu gì, nên bảo quan Thượng thư thông dịch lại.

Quan Thượng thư cảm khái được tấm lòng “Tri thủ bất năng thuyết” của anh cho nên đã diễn tả đối lập lại với nội dung mà người tù binh đã nói với nhà vua.

Thưa đại vương, kẻ tử tù đã thưa rằng: nhà vua là một người rất có ân đức, mặc dù biết rằng những kẻ tù binh rất đáng chết, đáng xử trảm thế mà nhà vua thường tạo những cơ hội cho họ sống lần thứ 2, thứ 3 để bảo vệ hạnh phúc gia đình của họ. Anh tử tù này đã sẵn sàng chết và nếu như nhà vua duy trì truyền thống tốt đẹp này thì cái chết đó rất có ý nghĩa, vì nó đã ca tụng ân đức rất vĩ đại mà nhà vua để lại cho cuộc đời. Vua nghe nói như vậy mừng rỡ, khi biết rằng có một kẻ tù binh đã nói những lời khen tặng mình, đã ca ngợi ân đức của mình, cho nên ông tha tội chết cho tất cả các tù binh.

Rất may không có một người thứ hai hiểu được ngôn ngữ của kẻ tử tù kia, nếu lúc đó có người nào nói rằng anh ta đang nguyền rủa nhà vua, thì có lẽ cả quan Thượng thư cũng bị mất đầu.

Như vậy, thiện chí trong trường hợp này là nhìn thấy được tính cách bất khuất của kẻ tử tù, và an lạc hạnh phúc trong sự thương yêu và tha thứ lẫn nhau. Anh ta đã phải lý giải, diễn dịch lại một cách trái ngược lại nội dung mà kẻ tử tù đã thóa mạ nhà vua, để cho vua không có cơ hội gây nghiệp sát đối với những người không đáng chết chém.

Thiện chí giúp ta thấy được rằng ai cũng rất đáng để thương, để giúp cho họ làm mới lại cuộc đời.

Theo Phật, sự trừng phạt bằng cách tử hình không phải là giải pháp tốt. Chúng ta có thể giết tên tội phạm đã gieo trồng những hạt giống xấu cho người khác, chuyện đó dễ dàng lắm, chỉ cần bóp còi hay hạ con dao thì người kia mất mạng, nhưng làm thế nào để chuyển hoá được tâm sai lầm của người đó là chuyện quan trọng mà đức Phật đã vạch ra.

Muốn cho cuộc đời được an bình, thịnh trị không bị khủng bố, loạn lạc, không bị các vấn nạn của xã hội chinh phục và khống chế, tốt nhất chúng ta phải gieo rất nhiều hạt giống để tháo gỡ tâm sai lầm ra khỏi đời sống nhận thức của người kia. Bằng không, dù chết trong trạng thái trừng phạt tử hình, kiếp sau đầu thai họ vẫn tiếp tục làm việc sai trái, thậm chí họ làm một cách tinh vi hơn, bởi vì qua những nỗi khổ đau, người ta rút ra được những kinh nghiệm, bài học cho lần sau.

Cường điệu sự trừng phạt như giải pháp giáo dục là chúng ta đẩy con người vào trong thế giới hận thù mà không có lối thoát. Phải hạn chế sự hành quyết, hãy gieo trồng hạt giống chuyển hoá, chính hạt giống này giúp cho bàn tay giết người trở thành bàn tay của thương yêu. Chuyển hoá làm cho tâm ác độc trở thành tâm của sự gầy dựng sự sống, tâm của lòng giận dữ trở thành tâm của sự tưới tẩm những hạt giống của tình thương và hiểu biết.

Khi chúng ta chuyển công tắc của tâm từ xấu trở thành tốt, phàm trở thành thánh, tiêu cực trở thành tích cực, những cái thiếu giá trị trở thành có giá trị. Lúc bấy giờ, con người đã được tái sanh lần thứ hai, họ đang được sanh ra, làm mới.

Theo nhà Phật, không được giết mà hãy để cho họ sống và làm lại cuộc đời, lúc đó họ sẽ làm vô số điều lành, điều tích cực, ngược lại hoàn toàn những hành động trong quá khứ.

Chỉ với cái nhìn của nhà Phật, mới có thể giúp họ chuyển hoá được cuộc đời bằng những thiện chí mà mình thấy được tiềm năng tuệ giác vốn có trong mỗi người. Hễ ai có những tiềm năng này, thì có cơ hội ứng xử như một con người đạo đức. Vấn đề ở chỗ, làm thế nào để làm cho công tắc tiềm năng tuệ giác được xuất hiện.

Khi tiềm năng tuệ giác con người xuất hiện thì sẽ không sống với lòng tham, sân, si, các phiền não, nỗi khổ đau. Tiềm năng đó chính là ánh đuốc soi đường, hào quang của sự sống, con đường chuyển hóa và chính là sự thay đổi tất cả những bế tắc.

SÂN HẬN - KẺ THÙ CỦA HIỂU THƯƠNG

Sân hận là kẻ thù của hiểu biết, thương yêu, và sự sống. Sân hận đưa đến sự đổ nát, phá vỡ, huỷ diệt; nó là quả bom nguyên tử, là hạt nhân... Nếu muốn thiết lập giá trị của sự an vui và hạnh phúc thì không thể nào không loại trừ hạt giống sân hận ra khỏi mảnh đất tâm của mình.

“Sân hận bất quá nhật,” người tu nếu có sự không hài lòng, sân hận xuất hiện trong tâm thì đừng nuôi nó quá một đêm. Trong trường hợp này thì nên bỏn xẻn, đừng cung cấp dưỡng chất để sân hận có sự sống. Chúng ta phải giam nhốt nó trong một căn phòng đầy khí cacbonic, để nó phải nghẹt thở mà chết. Lòng sân chết rồi thì sự thương yêu và hiểu biết có mặt.

Tại sao nhà Phật dạy không nên nuôi lòng sân quá một đêm? Vì chỉ trong một đêm nuôi dưỡng lòng sân có biết bao sự việc sẽ xảy ra như: có thể bị tai biến mạch máu não, loạn tim, căng thẳng đầu óc, mất ngủ, và có thể dẫn đến những chứng bệnh liên hệ đến tim mạch và đánh mất giá trị an vui hạnh phúc của mình về phương diện tinh thần. Nếu có lỡ giận người nào thì hãy buông xả, sự buông xả lòng sân là hoàn toàn có lợi.

Các nền văn học yêu nước thường ca ngợi sự trả thù. Ví dụ, ông bà tổ tiên, thân bằng quyến thuộc của mình bị người khác giết chết, con cháu phải biết trả thù nếu không sẽ trở thành kẻ bất hiếu. Nền văn học đó đã được phim ảnh Trung Hoa ca ngợi, một nghĩa sĩ nào của Trung Hoa mà không biết trả thù thì không xứng danh là “Nam tử Hán”, đó là những con đường mang lại nỗi khổ niềm đau rất lớn.

Nhà Phật dạy hãy để cho những nỗi khổ trong quá khứ đóng băng lại, đẩy nó lùi về quá khứ. Mình đang ở hiện tại, hãy nên tìm kiếm những giá trị của an vui và hạnh phúc, nếu như mình chưa từng có những nỗi khổ đau với một người nào khác. Giây phút hiện tại chúng ta hãy mở cánh cửa thương yêu, để cho sự hiểu biết được thiết lập, lòng sân hận bị huỷ diệt không có cơ hội xuất hiện, có như vậy mới tháo gỡ được những nỗi oan khiên ở hiện tại và sẽ không bao giờ có mặt trong tương lai.

Sự trả thù làm cho nỗi oan trái nối tiếp đến thế hệ sau, hay tiếp tục kế thừa những người bị chết sẽ tái sanh. Khi tái sanh, họ sẽ mang theo lòng hận thù trong lúc bị giết. Hạt giống này sẽ làm cho mình và họ trở thành kẻ thù lần thứ 1, lần thứ 2, lần thứ 3… Quí vị có thể quan sát tình trạng của đất nước Israel và Palestin, An Độ và Banglađet, những chiến sĩ chém giết nhau trên chiến trường, chết trong sự tức tối. Do đó khi tái sanh họ tiếp tục làm chiến sĩ với lòng sân hận và cuối cùng phải tìm những người khác để mà giết, trả thù.

Nhà Phật dạy chỉ có lòng thương yêu mới có thể tháo gỡ hận thù tuyệt đối. Sự thương yêu không thể nào thiết lập nếu thiếu sự hiểu biết. Hiểu biết trong trường hợp này là gì?

Chúng ta biết rằng kẻ thù cũng là nạn nhân của một chế độ chính trị xã hội, của sự tranh giành về kinh tế, và sự loại trừ lẫn nhau, chúng ta cũng là nạn nhân, họ cũng là nạn nhân, các chính thể cũng là nạn nhân, nói chung chỗ nào còn lòng sân hận thì chỗ đó đều là nạn nhân.

Hễ là nạn nhân thì lòng vô minh sẽ được thiết lập, lúc đó họ sẽ lao theo khuynh hướng là mình được đào tạo ra trong cuộc đời để giết người khác, nếu không thì cũng bị người khác giết lại. Trong chiến trường các chiến sĩ phải bấm cò trước để mình được tồn tại. Đó là phản ứng tự nhiên được huấn luyện khi gia nhập vào quân đội.

Hiểu được như vậy, chúng ta sẽ không hận thù, tương tự những người phê bình, chỉ trích nói xấu, vu khống, tạo ra oan khiên cho mình là vì họ còn quá nhiều sân hận, vô minh đó chính là kẻ thù chung của nhân loại. Thay vì chúng ta hận thù thì hãy mang tình thương đến để hạt giống sai lầm kia có cơ hội được tháo gỡ, chuyển hóa bằng không sẽ kéo theo bế tắc này đến bế tắc khác.

Biết được tính cách đều là nạn nhân trong sự sân hận, tham, si, đố kỵ, trong hơn thua, loại trừ… thì chúng ta phải thiết lập sự hiểu biết, chỉ có hiểu biết mới tháo gỡ được bế tắc.

Nhà Phật còn dạy, để thiết lập sự thương yêu trong hiểu biết, hành giả cần phải gieo trồng các hạt giống thiện chí.

Thiện chí là yếu tố tâm lý tích cực, nhìn thấy những giá trị của an vui, hạnh phúc, tiềm năng quí giá trong một con người mà hiện tại họ chưa thể hiện. Chúng ta thấy trước, hiểu rộng vấn đề rất xa, phân tích từ nhiều góc độ khác nhau: phương diện chủ quan, khách quan, người và mình, tác động qua lại giữa những đối tác.

Nhìn vấn đề một cách bao quát như vậy để không đổ lỗi cho ai, qui trách nhiệm về một người, mà trong đó mọi nỗi khổ niềm đau đều có phần trách nhiệm của mình. Khi thấy mình có dự phần trong nỗi khổ niềm đau, thì không lý do gì tạo ra ác cảm, thành kiến với những người khác, mà hãy tìm kiếm những giá trị có thiện chí để thiết lập.

Tính cách của thiện chí là hạt giống tạo cho sự hiểu biết có mặt. Thiện chí là một trong những hạt giống đồng hành với hiểu biết, là cách thức để nhìn thấy được những điều tích cực trong một con người, yếu tố đó rất quan trọng.

Chúng ta thường nhìn thấy lỗi lầm của người khác dễ hơn thấy khuyết tật, lỗi lầm của mình. Có thể nhìn thấy cục ghèn ở mắt người kia mà không thấy đống rác ở trước nhà của mình. Đây là chuyện rất bình thường, vì con người không có thiện chí. Chúng ta cứ tăng cường bản ngã, để cho những sai lầm của mình được nhân lên thành chân lý. Còn chân lý của người khác thì nhồi nhét nó vào một xó và cho rằng nó là những cái sai với sự thật. Cho nên ai có cặp mắt vạch lá tìm sâu, tìm lỗi người, trắng đen, thì không còn con mắt cho mình và cuối cùng sẽ bị đẩy vào con đường của tội lỗi và bế tắc.

Hãy thiết lập thiện chí, nhờ có thiện chí chúng ta mới tháo gỡ những bế tắc trong cuộc sống, và biến những nan giải trở thành cái gì đó rất đẹp ở hiện tại và tương lai.

Chúng ta có thể gieo trồng sự hiểu biết và thương yêu thông qua kiến thức của sự san sẻ. San sẻ có thể được hiểu theo hai lớp ý nghĩa:

Ví dụ: San sẻ về vật chất, nhường cơm xẻ áo, giúp đỡ người nghèo khó trong những tai nạn như: thiên tai, động đất, hạn hán, mất mùa, những người già neo đơn hay những kẻ mồ côi, người khuyết tật... những người kém may mắn hơn bản thân mình.

Dĩ nhiên trong cuộc đời, không ai có thể xem là giàu hay nghèo tuyệt đối, giàu và nghèo chỉ là tương đối mà thôi, cho nên khi nhìn lên thì có thể không bằng ai, nhưng khi nhìn xuống thì có vô số người không bằng mình. Có thể mình là một chiếc lá đang bị rách nát, thế mà vẫn còn những chiếc lá rách gấp trăm lần, ngàn lần. Cho nên sự san sẻ về đời sống vật chất là một nhu yếu về tình thương và hiểu biết rất quan trọng, để cho nỗi khổ niềm đau của xã hội được giảm đi.

 Ở những nước phương Tây, có thể nhịn một phần ăn từ 5 đến 10 đôla, chúng ta có thể duy trì mạng sống từ 30 đến 50 người trong một ngày ở những nước nghèo khó hay những nước thứ ba. Tiết kiệm thực phẩm dư thừa bằng cách, khi ăn uống đừng nấu thức ăn quá nhiều, khoảng 80% nhu cầu thực tế đang cần mà thôi. Ăn trong trạng thái đó thì cơn no đang bị tức vì nó còn thiếu. Chính vì sự thiếu này làm cho cảm giác ngon được diễn ra khi tiếp cận với thực phẩm lần thứ hai, thứ ba mà vẫn còn khao khát ăn ngon miệng.

Lấy phần giảm bớt đi 20% số tiền cung ứng thực phẩm để làm những điều phước lành, rõ ràng chúng ta đã tạo phước báu trong đời sống từ sự san sẻ ăn uống của mình. Đừng ăn chỉ có 10 mà làm 12, 13, như vậy chúng ta còn dư thừa lại 2 – 3 phần đó phải bỏ vào trong sọt rác.

Theo luật pháp của Hoa Kỳ và một số nước trên thế giới, không được bán những thực phẩm quá thời hạn sử dụng, vì sẽ bị thưa kiện, bị đóng cửa tiệm không cho bán, và sự tổn thất có thể nhiều hơn. Trong tình huống phải bỏ những sản phẩm dư thừa, cũng đừng bỏ vào sọt rác, mà tìm đến những đàn chim, con thú để cho chúng ăn, làm như vậy là chúng ta đang phóng sanh, đang gieo trồng phước báu, thiết lập những mạng sống tăng tuổi thọ. Hiểu biết và thương yêu không đợi đến tuổi già mới làm, ai cũng có thể làm được chỉ cần hiểu, thương, là có thể làm thành công.

Góc độ thứ hai trong trường hợp này là san sẻ những kiến thức, hiểu biết, đạo đức và những giá trị của tinh thần.

Người Phật tử thuần thành, biết quyến thuộc của mình chưa hiểu đạo, thì tạo cơ hội thích hợp để họ đến chùa.

Tại LasVegas có ba ngôi chùa Việt Nam, nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu tinh thần rất đang cần thiết ở một mảnh đất thường được gọi là Hoa Sen sa mạc. Một ngôi chùa là một hoa sen trên sa mạc, tạo sức sống mới cho cư dân tại đây.

Khi biết có một ngôi chùa mới xuất hiện, mọi người nỗ lực đóng góp công đức tạo cho môi trường tâm linh đó được phát triển. Gieo trồng những hạt giống như vậy là chúng ta biến sa mạc đó trở thành hương thơm của hoa sen thanh khiết, an lạc hạnh phúc. Do đó san sẻ về phương diện tinh thần thông qua việc thiết lập một ngôi chùa, khuyến khích người thân đến chùa tụng kinh, cầu phước, nghe pháp, làm những việc lành, dấn thân cùng với chư Tăng, Ni và những vị pháp hữu làm việc đáng làm thì sự chia sẻ đó rất cần thiết.

Hưng Vương là vua nước Sở, có thói quen đi săn bắn, các mũi tên không bao giờ làm bằng đồng hay bằng cây mà làm bằng vàng. Vua rất hãnh diện về những con mồi do ông bắn ngã gục. Một hôm, ông đi vào vùng sâu, sơ ý đánh rơi hết những cây tên. Các binh lính rất lo sợ, nếu như vua nổi giận thì mạng sống cũng không còn, nên chia nhau đi tìm kiếm khắp nơi. Hai tiếng sau, họ trở về gặp vua thưa rằng: “Thưa đại vương chúng tôi đã chia nhau đi khắp nơi mà không tìm được cây tên nào, xin nhà vua hãy tha tội”. Vua cười rất hoan hỷ, nói rằng: Tại sao các khanh phải tốn thời gian đi tìm tên vàng của trẫm bị đánh mất? Các khanh hãy quan niệm thế này, nếu vua Sở mất đi một bó tên bằng vàng, thì mình hãy mừng cho người dân nước Sở. Người nào nhặt được bó tên đó họ có thể thay đổi được đời sống từ nghèo trở thành giàu, ở chỗ A có thể bù đắp cho chỗ B, lõm ở chỗ này để tạo cái lồi ở chỗ khác là điều cần thiết cho nên không có gì phải buồn tiếc.

Vua nước Sở rất từ bi, hỷ xả nhưng vẫn còn hạn chế trong phạm vi những con người của nước Sở. Quan niệm rằng, mình mất một tài sản để cho những người đồng quốc dân được may mắn, thì đó chỉ là cách nói an ủi giúp cho mình không bị tiếc nuối vào những cái không tìm lại được.

Chúng ta có quan niệm tương tự, khi đi ngoài đường, lỡ tay đánh rơi cái ví có khoảng 1.000 đôla hay những vật rất quí giá, ... chúng ta có thể gào thét, buồn tủi, tiếc nuối, nhưng biết rằng nỗi buồn, tiếc nuối này sẽ không làm cho những vật bị đánh mất trở lại được, thì ta hãy quan niệm rằng: cám ơn những người đã nhặt tiền đánh rơi của mình, đem đến những nơi cần thiết, chẳng hạn như Cô nhi viện, Dưỡng lão viện... họ đang làm công việc phước báu thay cho mình.

Quan niệm như vậy sẽ làm cho nỗi khổ niềm đau được chuyển hóa. Phước báu lúc đó được tăng trưởng, mặc dù trên thực tế không tự tay cầm tiền để làm nhưng với tâm niệm làm phước báu trong tình huống mất tình cờ như vậy, vẫn gieo được hạt giống rất cần thiết và tích cực cho bản thân và cho người.

Nếu tâm lực của mình phát ra mạnh trong lúc đó, thì người lượm tiền sẽ tiếp nhận giao thoa tâm linh. Bỗng dưng họ không sử dụng tiền hoang phí mà họ sử dụng vào những việc có ý nghĩa. Chẳng hạn như là hiếu thảo với cha mẹ, giúp cho những người nghèo, hỗ trợ người cô đơn, do nó tạo ra sự giao cảm tâm linh giữa người bị mất và người nhặt được, quí vị cứ làm thì sẽ thấy đạt được những giá trị đó.

Cách nói của vua Sở quan niệm rất tích cực. Tuy nhiên chúng ta thấy vẫn còn hạn chế, nếu đặt trên nền tảng của nhà Phật. Tại sao không quan niệm rằng những mũi tên vàng này bị mất đi thì ở đâu đó có thể là người nước Sở, Trung Quốc, Việt Nam, người phương Tây hay bất cứ ai nhận được những mũi tên vàng đó, làm những công việc phước lành. Nghĩ như vậy, rõ ràng biên cương bờ cõi về cuộc đời này sẽ được mở rộng, lúc đó dân tộc tính, chủ nghĩa yêu nước hay tình đồng loại không còn là khoảng cách giữa người và người nữa vì ta có cái nhìn chung.

Chúng sinh nào có sự sống và có tình thức, ta nguyện cho họ cùng đạt được những giá trị. Trong những tình huống bất đắc dĩ chúng ta vẫn tạo được cơ hội cho sự san sẻ có mặt, như vậy phước báu vẫn được thiết lập. Đó là cách thức của hiểu biết và thương yêu, cách thức gieo trồng những hạt giống công đức và phước báu quan trọng.

Thông qua sự chia sẻ này chúng ta cố gắng làm mới lại cách thức tiếp nhận, nhận định, đánh giá vấn đề, để làm thế nào cho kết quả của các phản ứng và sự dấn thân phải là kết quả tích cực. Có như vậy chúng ta mới không bị mặc cảm rằng tôi đã từng bị lỗi lầm, từng thiết lập nỗi khổ niềm đau cho người khác, từng rất cố chấp, mặc cảm, thành kiến, khó chịu… Tất cả những điều đó có thể được làm mới, cải tạo và chuyển hóa.

THIẾT LẬP SỰ CẢM THÔNG

Khi một người dùng ánh sáng tuệ giác nhận định đánh giá và giải quyết vấn đề, lúc bấy giờ không có cái gọi là định mệnh, vận mệnh hay sự an bài, “Bắt phong trần phải phong trần, cho thanh cao mới được phần thanh cao”, mà tất cả sự hên xui, may rủi, tốt xấu, hạnh phúc khổ đau đều do chính chúng ta thiết kế nên. Chính ta là kiến trúc sư, nhà thực hiện, vừa là chủ vừa là thợ. Người trực tiếp nhận hết tất cả những giá trị dù tốt hay xấu của ngôi nhà do chính ta tạo nên.

Hiểu được như vậy thì sự có mặt của thương yêu được gieo trồng, sẽ không còn bệnh đổ thừa, trách người. Hãy nhìn lại bản thân mình một cách thật sâu sắc có hiểu biết, để từ đó mọi bế tắc được giải quyết, tháo gỡ.

Nếu ứng xử được như vậy, thì cuộc đời rất có ý nghĩa. Sống như vậy, dù là công nhân ở trên mảnh đất thiếu nhiều phương tiện, ta vẫn làm được nhiều việc có ý nghĩa. Chúng ta đừng mặc cảm, miễn là trong quá trình làm việc ta làm bằng tất cả tấm lòng, nhiệt tình, không vụ lợi mà làm để có được sự sống, sự thương yêu, và hiểu biết, có cơ hội tạo công đức và sống một cách an vui hạnh phúc trong cuộc đời. Quan niệm như vậy sẽ làm cho tất cả những bế tắc được tháo gỡ.

Tình huống thứ nhất, một người đang bị khổ đau cùng cực.

Ví dụ: một sinh viên thi bị rớt, hoặc đạt kết quả không như ý muốn, hay làm ăn thất bại, bị cô lập, chửi mắng ... sẽ tạo ra cảm giác cô đơn rất lớn. Trong sự khổ đau đó, chúng ta đến với họ, mong họ nói ra và tha thứ cho họ, thì sự cảm thông sẽ được thiết lập, lúc đó họ có thể lắng nghe và chấp nhận chúng ta.

Tình huống thứ hai, một người sống trong trạng thái hạnh phúc tuyệt đối. Chẳng hạn, người rất thành công, có xe mới, nhà mới hay những thành tựu A,B,C nào đó, khi chúng ta đến, họ ứng xử rất hoan hỷ, sẵn sàng chia sẻ nỗi niềm với chúng ta.

Tính cách ân xá của các quốc gia vào những ngày Quốc khánh, Độc lập, các tù nhân được giảm án, là một trong những cách thức rất phù hợp với tinh thần nhà Phật. Con người cũng có những khuynh hướng tương tự như vậy, trong lúc vui, thành công thì mình sẵn sàng tha thứ tất cả. Trong những tình huống đó, khi tiếp xúc với họ, giải bày sự hiểu lầm ra, thì người kia chấp nhận sự giải bày dễ dàng hơn, còn trong lúc người kia đang gặp sự bế tắc, bị tù túng thì sự giải bày sẽ không có tác dụng. Vì vậy, chúng ta phải nói đúng lúc thì mới có kết quả.

Khi có sự hiểu lầm với người nào thì đừng để cho sự hiểu lầm đó phát triển và nằm yên. Phải tháo gỡ sự hiểu lầm từ bên ngoài, lúc đó trạng thái an toàn mới có mặt bằng không mình và họ đều là nạn nhân.

 

 
00:00