Chương II : HOA ĐẠO ĐỨC

NHẬN THỨC CÁI ĐẸP

Tháp tùng theo nhà viên chức là một đoàn tùy tùng, trong số đó, một thiếu phụ đánh rơi mảnh gỗ, có người đã nhặt lên và rất thích mảnh gỗ này vì nó được ướp trầm hương. Người nhặt được hỏi những người khác: mảnh gỗ này là gỗ gì? Có người cho rằng đây là gỗ trầm hương, có người lại nói đó là gỗ quí, anh thợ mộc xác định rất rõ đấy là một miếng gỗ bình thường.

Qua câu chuyện, chúng ta thấy chỉ một miếng gỗ bình thường, nếu chúng ta ướp trầm và hương thì gỗ này trở thành loại gỗ thơm. Thời lượng để ướp tẩm đã tạo ra giá trị cho mảnh gỗ, nếu để bình thường thì nó sẽ mất đi ý nghĩa trong cuộc đời.

Giá trị của miếng gỗ vụn có thể tạo ra nhiệt lượng khi bỏ vào bếp lửa. Phương Tây, việc đốt lửa bằng củi không còn sử dụng nữa, cho nên nó vĩnh viễn trở thành một vật rất dư thừa; nếu đem ướp hương thơm thì lại được người khác xem trọng.

Cũng vậy, hương thơm của con người nằm một phần rất căn bản ở hệ giá trị mà có thể đóng góp cho cuộc đời. Hương thơm đó, đầu tiên được sánh ví như một bông hoa, tạo ra hấp lực thu hút các loài ong và bướm. Hấp lực này dĩ nhiên khác rất nhiều so với văn chương, thi phú mô tả tính cách hoa nguyệt lãng mạn của tình yêu. Hương thơm đó đã giúp cho các loại ong bướm tăng thêm giá trị sức sống. Từ phương diện hình thức, các loài hoa có thể tăng thêm vẻ đẹp cho cuộc đời. Nhà Phật thường sánh ví loại hoa đó là hoa đạo đức, hoa của đời sống thánh hạnh, giá trị tâm linh. Những loài hoa này khi đem tặng cho những người thân thương, chắc chắn rằng giá trị đón nhận của họ rất cao, bởi vì nó làm thăng hoa cuộc sống.

Lòng thương yêu và sự hiểu biết đặt trên nền tảng chất liệu của hương thơm tinh thần. Khác biệt rất nhiều so với nét đẹp ngoại hình, cái thường làm cho con người rơi vào chủ nghĩa hình thức, cực đoan. Thế giới hiện đại, trong vòng mấy mươi năm trở lại đây, nét đẹp của người phụ nữ được ca tụng còn hơn cả Thượng đế. Người ta đã lợi dụng cơ hội làm giàu trên sắc đẹp của phụ nữ. Chẳng hạn như tổ chức những cuộc thi Hoa hậu toàn quốc, Hoa hậu Hoàn vũ, ... để tạo ra những vẻ đẹp thời trang. Đó có thể kết thành những giá trị vật chất cho đời sống con người, những chất liệu này cũng rất cần thiết.

Bên cạnh những giá trị hương thơm và nét đẹp về phương diện vật lý, chúng ta còn có những chất liệu hương thơm của tâm hồn, nội tâm, đóng vai trò rất quan trọng để thăng hoa đời sống tinh thần của con người. Một đời sống chỉ đơn thuần về vật chất hay vật lý thì rất khập khiễng. Trưởng thành, phát đạt, thịnh vượng mà lĩnh vực tinh thần bị thiếu, thì người đó chỉ phát triển mạnh về thể xác, nhưng tinh thần rất thiếu vắng trống trải. Do đó nỗi khổ niềm đau vẫn có cơ hội đột nhập khống chế, và dẫn đến khuynh hướng thiếu những giá trị khác, dễ bị rơi vào trạng thái khủng hoảng như phương Tây đã từng xảy ra trong nhiều thế kỷ qua.

 Trong kinh Đại Bát Niết Bàn, Như Lai kể câu chuyện ngụ ngôn:

Có hai chị em song sinh, người chị có nét đẹp như Hằng Nga, thục nữ tuyệt vời, ngược lại người em có một gương mặt rất xấu, đến độ nếu nhìn cô vào ban đêm, tối về có thể gặp ác mộng.

Hai chị em thương nhau như hình với bóng. Có chàng thái tử thương người chị một cách đắm đuối, và nghĩ rằng nếu thiếu cô ta thì đời sống sẽ mất hết tất cả ý nghĩa, chàng ngỏ ý kết hôn. Mặc dù cô chị rất thương anh nhưng không thể chấp nhận lời thỉnh cầu một cách đơn giản như vậy.

Cô đưa ra một điều kiện, không phải là nhà cao cửa rộng, tài sản, cũng không phải là tất cả vị trí xã hội. Đơn giản là “Nếu anh thương tôi, anh yêu tôi, liệu anh có thể chấp nhận cả cô em gái của tôi hay không? Khi cưới tôi rồi anh có xem cô em gái xấu xí của tôi như là đứa em ruột của anh hay không? Nếu anh không chấp nhận điều kiện đó thì có lẽ chúng ta khó thiết lập tình yêu mang chất liệu của hiểu biết, cảm thông một cách lâu dài và bền bỉ được”.

Cách mô tả kịch tính của bản kinh gợi lên rất nhiều suy nghĩ. Trong cấu trúc sinh học, thông thường với một cặp song sinh, nếu trong đó, một người có nét đẹp kiều diễm, thì người còn lại cũng đẹp tương tự. Cấu trúc sinh học đó có thể chính xác 99,99% cho rất nhiều tình huống mà chúng ta đã từng thấy.

Hai chị em có hai nét đẹp khác nhau, một bên rất quyến rũ còn một bên khi thấy ai cũng sợ. Nhưng tại sao cái xấu xí của người em vẫn được kinh gọi là nét đẹp.

Ở đây muốn nói: Trong mỗi con người, ai cũng có hai bộ mặt đó là xấu và đẹp. Xấu ở đây là những tâm lý tham, sân, si, mạn, nghi, hỷ, nộ, ái, ố. Đẹp là những tâm sở thuận như: Từ, bi, hỷ, xả, dịu dàng, nết na... mà ai cũng có đầy đủ. Nếu ai chấp nhận được như thế thì mới sống với nhau suốt đời được.

Như Lai Thế Tôn thấy được giá trị của nét đẹp không nằm ở bản chất của sự hiện hữu, mà nhận thức cái đẹp ở góc độ nhìn của mỗi người. Cảm tính nhận thức, đánh giá của con người thường nằm ở nghiệp lực, thông qua đó con người cho rằng đây là đẹp, đây không đẹp, đây là thẩm mỹ, đây chưa thẩm mỹ. Vì thế giá trị cái đẹp đó chỉ là tương đối. Nó không tồn tại, đôi lúc chúng ta bơm phồng lên thành những hệ giá trị phục vụ, hoặc lao theo những hệ giá trị ảo tưởng nên phải đánh mất chính mình. Nếu ai đó không có được nét đẹp kiều diễm, họ có thể gieo trong lòng cảm xúc của những tâm lý mặc cảm rất lớn, đặc biệt đó là người nữ.

Bản kinh tạo một bước ngoặt kịch tính mà không tạo ra giải pháp, vì giải pháp nằm ở sự lựa chọn của từng độc giả. Nếu chúng ta đang ở góc độ thẩm mỹ, thì chắc chắn rằng sẽ đóng vai một chàng hoàng tử sẵn sàng không chấp nhận yêu cầu rất căn bản, thiết lập trên giá trị tình người giữa cô và người em ruột. Nếu hoàng tử không quan trọng về nét đẹp kiều diễm của thân hình và thể xác thì có thể chấp nhận. Bên cạnh nét đẹp đó còn được sự hài hòa, hỗ trợ bởi cái đẹp nội tâm rất lớn ở người kia. Ít nhất người chị không bao giờ đẩy người em xấu xí của mình vào trong nỗi bế tắc cô đơn, tạo hạnh phúc cho người đã từng sanh ra cùng thời điểm với mình. Sự chia sẻ đó là giá trị của tấm lòng nhân hậu rất quí.

Nếu không đủ bản lĩnh để chấp nhận giữa cái đẹp và cái không đẹp cùng tồn tại trong con người của mình, thì câu trả lời sẽ là “NO”. Chấp nhận vì đam mê, quyến luyến nét đẹp kiều diễm mà bất chấp những cái không đẹp, không như ý muốn ở bên cạnh thì rõ ràng tình yêu lý tưởng khó có thể kéo dài, và có thể kết thúc bằng cuộc tình rất ngang trái và khổ đau. Nói cách khác nếu tình yêu chỉ đến với nhau bằng nét đẹp ngoại hình thì tình yêu sẽ cất cánh bay xa khi nét đẹp đó đã về tuổi xế chiều.

Nét đẹp của tuổi trăng tròn và tuổi bạc phơ khác nhau rất xa. Mặc dù có nhiều ông bà cụ vẫn còn nét đẹp của người già, nhưng không phải là nét đẹp mấy mươi năm về trước. Đến với nhau bằng nét đẹp ngoại hình, là một thách thức rất lớn để thử tấm lòng chung thủy của đôi vợ chồng.

Nếu chúng ta tiếp cận câu chuyện ngụ ngôn đó từ góc độ của một biểu tượng triết lý, thì giá trị của nó rất cao, gợi cho chúng ta rất nhiều suy nghĩ. Rõ ràng trong câu chuyện, những nội dung vừa nêu không có thật. Hai chị em song sinh không thể nào có cấu trúc sinh học vật lý khác nhau, một người đẹp như là Hằng Nga, một người xấu như Thị Nở. Thông thường, trong trường hợp sanh đôi, hễ người kia đẹp 10 thì người nọ cũng phải đẹp 9, người kia xấu thì người này cũng xấu, người kia da trắng thì người này phải da trắng chứ không thể là da đen.

Ở đây đức Phật muốn nói, con người luôn có hai tính cách: đẹp và xấu; tính cách tích cực và tiêu cực, một con người rất hân hoan đối mặt với diễn biến trong cuộc đời, còn một người hướng nội theo chiều kích mặc cảm tự ti. Tất cả những giá trị đó đều tồn tại trong sự hiện hữu của một con người.

Khi đặt ra vấn đề, yêu một người nào đó là chúng ta đặt trên hệ giá trị của sự chấp nhận rằng, tôi bất chấp tất cả những cái đẹp và xấu của anh (em) thì liệu tình yêu đó có thể tồn tại lâu dài được hay không?

Chúng ta nói rằng tôi yêu vì thấy được nét đẹp, duyên dáng, giọng nói ngọt ngào dễ thương, điệu bộ hấp dẫn. Tình yêu đó khó có tuổi thọ lâu dài, mà nó có thể bị hoạnh tử, biến dạng và bị những ngang trái.

Trong một con người không có tính cách toàn vẹn. Sự bất toàn thường quan niệm là một thuộc tính của kiếp người. Hễ là con người thì phải có những điểm tốt, xấu, có những điều tích cực và tiêu cực. Khi nào thân xác phàm tục được chuyển hoá từ cảm xúc cho đến nhận thức và hành động, bấy giờ con người mới thật sự là con người trọn vẹn.

Cho nên chấp nhận yêu một người nào đó thì ta phải có bản lĩnh để nhìn thấy cái đẹp và cái chưa đẹp của họ.

Trong kinh tạng Pali đức Phật dạy: “Đừng để ý tướng chung và tướng riêng của con người”. Tại sao đức Phật dạy như vậy?

Quan sát con người về ngoại hình, vóc dáng, màu sắc hay thế giới của thinh trần và âm thanh, dễ bị dẫn vào thế giới của mê hồn trận. Nó được trang sức bởi những cách thức ăn mặc thời trang, các hương liệu... khi tất cả không còn, thì vẻ đẹp cũng tàn úa theo thời gian.

Quan sát vào những tướng chung là cách thức đánh giá con người theo thế thường nói: hễ là người Việt Nam thì da vàng mũi tẹt, người phương Tây thì da trắng, mũi cao. Quan niệm về tướng chung rất khác nhau. Ở phương Tây, người có miệng rộng tượng trưng cho sự giàu sang, còn người Việt Nam thì ngược lại miệng rộng thì tan hoang cửa nhà. Đó là tướng chung của một cộng đồng, dân tộc.

Chính những tướng riêng thường làm cho mắt chú ý vào, hấp lực về cảm tính của con người đặt vào đó, để nó song hành với nhau trong cuộc sống.

Tướng riêng là tiêu chí của sự thu hút giới tính rất mạnh. Nếu quan sát nhiều vào những tướng riêng, có thể làm chúng ta mê mẩn vì cô nàng có mái tóc thướt tha, hay có má lúm đồng tiền. Hoặc thương một anh chàng chỉ vì cặp chân mày rất ấn tượng quyến rũ. Khi nhìn vào là bịn rịn, quyến luyến giống như sấm sét đang nổ bên tai. Chiếc răng khểnh tượng trưng cho tính duyên dáng của một con người, hoặc dựa vào gương mặt chữ điền, hay là vóc dáng, thể hình, điệu bộ, cử chỉ, lời nói âm thanh.

Tất cả những tướng riêng đó có thể làm cho con người được nhân lên từ một cá thể trở thành tổng thể, từ một nét đẹp rất riêng trở thành nét đẹp của toàn thể một con người. Chính vì thế, khi chúng ta lấy người đó về làm vợ, chồng lúc bấy giờ mới vỡ lẽ ra mẫu người mà mình tìm kiếm không phải là người mà mình đã từng đặt trên giá trị nét đẹp của những cái riêng như vừa nêu.

Đức Phật đã tạo ra câu chuyện ngụ ngôn để đánh vào não trạng nhận thức thẩm mỹ của con người, trong quan hệ của sự thương yêu và hiểu biết.

Nếu hoàng tử là con người đặt nặng tính cách hiểu biết, thì anh ta sẽ chấp nhận điều kiện mà người yêu của mình đã đặt ra. Đó là: “Nếu anh thương tôi, anh chấp nhận tôi làm vợ thì anh phải chấp nhận người em xấu xí của tôi làm em ruột của anh”.

Tình thương, sự hiểu biết, cảm thông là như vậy. Nếu đặt tình thương yêu trên giá trị của ngoại hình, chúng ta chỉ chọn tướng riêng. Ngoài hấp lực những tướng riêng đó, lại đẩy ra bên ngoài như là một cản lực không thể nào chấp nhận được. Hoặc chúng ta có thể nói giả vờ, tôi sẵn sàng chấp nhận nhưng khi về sống chung với nhau lại xuất hiện những bế tắc trong gia đình, chúng ta có thể phân biệt đối xử với người em xấu xí đó.

Hình ảnh con người xấu xí đó có thể hiểu trên phương diện rộng hơn, chính là biểu tượng của những tính tham, sân, si, mạn, nghi... những tật xấu của mỗi con người ai cũng có. Trong chúng ta, ai cũng có hai mặt tốt và xấu. Nhưng khi yêu bao giờ mặt tốt cũng được khuếch trương còn mặt xấu che lấp đi và chỉ xuất hiện khi thật sự sống vợ chồng với nhau. Không phải là một con người, mà có thể là đứa con cùng cha khác mẹ, có thể là người thân bằng quyến thuộc bên nhà chồng, bên vợ. Liệu chúng ta có chấp nhận luôn những con người đã từng gắn bó rất mật thiết về phương diện cảm xúc hạnh phúc với người mình thương yêu hay không?

Đặt ra những vấn đề như vậy để chúng ta có cái nhìn tổng quan về những yêu cầu, ảnh hưởng rất hữu cơ, có thể tạo ra nỗi khổ niềm đau với quan hệ tình người, mà chúng ta nghĩ rằng nếu thiếu người này là mất cả một bầu trời.

Hàn Mặc Tử đã từng thốt ra lời thơ “Người đi một nửa hồn tôi mất, còn nửa hồn kia bỗng dại khờ”. Dưới cái nhìn của một nhà thơ, chịu ảnh hưởng Thiên Chúa giáo, thì cái bầu trời hạnh phúc là bầu trời của tình yêu. Một tình yêu rất mù quáng. Trong đầu bán cầu não cảm xúc không hề có chất liệu của sự hiểu biết, không hề có giá trị của lòng cảm thông với nhau. Hễ thương thì thương tất cả tấm lòng, cả những giá trị của người đó đang có và chấp nhận luôn những cái người đó chưa được hoàn thiện. Nếu tình yêu đó không được thành tựu do sự trái ngang về gia cảnh, khác tôn giáo, thì mỗi người phải đi một hướng.

Nếu chúng ta đặt giá trị thương yêu bằng cảm xúc của giới tính, của nét đẹp “Nghiêng thành đổ nước”, thì rõ ràng giá trị của tướng riêng này sẽ làm cho con người rơi vào trạng thái chiếm hữu. Cái gì mình chiếm hữu không được có thể tạo ra những bức xúc, cái đó có thể tạo ra điên loạn và dẫn đến sự quyên sinh mà chúng ta đã từng thấy rất nhiều cặp tình nhân chọn con đường bế tắc đó.

Rõ ràng khi yêu có thể cường điệu giá trị của tình yêu như giá trị bầu trời, trăng sao, trời xanh, mây bạc, ... đến nỗi có tình yêu là có tất cả bầu trời, khi về nhà lòng còn rung rung cảm xúc. Chúng tôi tin chắc rằng, ít nhất quí vị đã từng trải qua những giai đoạn cảm xúc đó.

Phương Tây, cứ sau 50 năm của hôn nhân, người ta lại hâm nóng tình yêu. Họ tìm lại mức độ rung cảm của trái tim với tất cả sự hiểu biết, sự chọn lựa và hy sinh cần phải có của hai phái. Chúng ta thấy, những giá trị cường điệu tình yêu như là bầu trời hạnh phúc, nó là một giá trị không có thực.

Hạnh phúc tình yêu đôi lứa có thể đóng vai trò 30% thôi, vì chúng ta vẫn còn tình đồng loại, tình từ bi và nhiều thứ tình khác. Nhưng khi yêu, lại quên hết tất cả những thứ tình này và cho rằng nó là tất cả. Nếu như tình yêu đó không đáp ứng lại một cách trọn vẹn, thì con người trở thành điên loạn. Đặt giá trị tình yêu vào trong một quỹ đạo bế tắc, thà rằng không yêu còn hơn là yêu mà không có giá trị cho hướng mở ra của cuộc đời.

Câu chuyện ngụ ngôn đó gợi cho ta phải làm một con người như thế nào để sự cảm thông, hiểu biết có thể thiết lập một cách trực tuyến, chứ không phải thiết lập qua các nhịp cầu của người thứ hai, thứ ba, của ông Tơ bà Nguyệt, hay cha mẹ đặt để. Chính nhu cầu đó, bản thân nó đã có được yếu tố tích cực của sự hiểu biết và cảm thông. Nơi nào có thương yêu thật sự thì nơi đó có hiểu biết và ngược lại.

Nếu lấy tướng riêng để nâng lên thành tình yêu lý tưởng, thì đó không phải là tình yêu của sự hiểu biết mà là sự lựa chọn của con mắt. Nói theo nhà Phật, thì đó là sự lựa chọn của nghiệp thức với những quán tính về tính dục, cảm xúc, nhận thức, về tình yêu, hôn nhân hạnh phúc gia đình...Quán tính đó rõ ràng không thể đặt con người trong những cách thế lao về phía trước với những giá trị của an vui, mà nó có thể bị đổ vỡ rất nhanh chóng.

Chấp nhận những người kế cận bên người yêu, là một trong những yếu tố tiên quyết, để xác lập đời sống hạnh phúc.

Nhiều người có thể thương yêu đắm đuối chồng, vợ nhưng không chấp nhận tình trạng chia sẻ thương yêu cho cha mẹ ruột của họ. Sự ghen tuông đó đã biến dạng vì muốn tất cả giá trị tình thương yêu phải thuộc về mình. Dù cho người đã mang nặng đẻ đau ra người mình thương, vẫn không được quyền chia sẻ gia tài tình thương đó.

Rõ ràng chúng ta đẩy người kia vào một cách thế rất khó xử. Nếu chọn mình thì phải tách ly cha mẹ, nếu chọn cha mẹ thì phải từ bỏ mình, hoặc chọn mình thì phải từ bỏ những đứa con trước của họ hay những anh chị em ruột thịt. Cách thức loại trừ như vậy làm cho trái tim thương yêu bị nát tan, nếu như không cũng bị rỉ máu bởi sự cân đo rất căng thẳng về cảm xúc, chọn bên nào, nặng bên nào, nhẹ bên nào, bên tình hay bên hiếu.

Chúng ta cứ liên tưởng câu chuyện vừa nêu như là một công án về tình yêu hôn nhân và hạnh phúc. Thật không thể nào dễ dãi trong sự lựa chọn người trong mộng. Phải hết sức đắn đo.

Có thể chậm một bước để cho sự thiết lập tình yêu được đặt trên những viên đá, bởi con đường của sự hiểu biết và cảm thông, thì con đường tình yêu đó mới lâu dài và bền bỉ. Bằng không sự đụng chạm giữa chúng ta và họ hàng hai bên, sẽ tạo ra thách đố rất lớn cho tiến trình duy trì hạnh phúc và bảo vệ giá trị của hôn nhân trong tình yêu đời sống vợ chồng.

BẢN NGÃ TRONG TÌNH YÊU

Tất cả sự yêu thương về giới tính đều là sự yêu thương thuộc về bản ngã. Lời tuyên bố này là một thách đố rất lớn đối với các nhà tâm lý học và xã hội học về vấn đề phụ nữ và giới tính.

Quan hệ tình yêu ít nhất phải có ba vấn đề được đặt ra: đối tượng, chủ thể và chất liệu dòng cảm xúc thương yêu được thiết lập giữa đối tượng và chủ thể này.

Khi nói rằng thương một người nào đó, chúng ta không thể nói tôi thương người trong mộng. Người trong mộng là hình ảnh lý tưởng, thông qua đó thương yêu một con người cụ thể. Có những người bị bệnh tâm thần, vì không tìm được người trong mộng nên phải thương một người nào đó có vóc dáng tương tự như người mình đã từng đặt ước mơ, cho nên đối tượng đó phải là một đối tượng hiện thực.

Chỉ có nền tâm lý học Phật giáo, mới phân tích bản chất sâu sắc của sự thương yêu, đặt trên nền tảng giới tính, của hấp lực giữa nam và nữ hay giữa những người đồng giới tính. Tại sao đức Phật nói rằng giá trị của sự thương yêu đó là thương chính bản thân mình? Bởi vì khi thương yêu, chúng ta tìm kiếm một đối tượng. Trong sự tìm kiếm đó, xuất hiện một cảm xúc tâm lý, rằng tôi không thể nào chấp nhận sự cô đơn, đơn độc; tôi không thể nào sống được một mình, mà phải có một người bạn đời, người bạn tình, để gởi gắm, chia sẻ, tâm sự nỗi khổ và niềm đau.

Về phương diện thế gian, thái độ cảm xúc cô đơn của con người, thúc đẩy mình cần phải chọn một người nào đó để thương yêu. Nếu không chọn bạn tình, bạn đời ở tuổi thanh xuân mà để lớn tuổi thì sẽ bị mất giá. Sự vội vàng đó làm cho chúng ta phải chọn con người mà thật sự chưa hiểu biết gì về họ. bất chấp tất cả để tìm kiếm cái gì đó có thể bù đắp trạng thái cô đơn, trống vắng cảm xúc của mình. Cho nên thương yêu người khác,  chính là thương yêu bản thân mình.

Từ góc độ này chúng ta có thể nhận định giá trị của sự hiểu biết và cảm thông là một trong những yếu tố rất quan trọng. Có thể xác định được rằng, nếu tôi yêu một người nào đó, có ý nghĩa với giá trị hạnh phúc và an vui lâu dài, thì ít nhất tôi phải hiểu được dòng cảm xúc của tôi là gì. Nói cách khác, tôi yêu bản thân tôi dưới góc độ vô ngã, vị tha mà không có ích kỷ.

Nếu yêu bản thân mình dưới góc độ của sự ích kỷ, là chúng ta phải biến người khác trở thành bản photocopy của mình. Buộc người kia phải nói cùng một ngôn ngữ, ứng xử cùng một cách thế, ăn cùng một thực phẩm, làm cùng một hình ảnh giống như nhau,... Như vậy, chúng ta đang giam nhốt người kia trong ngục tù của lý tưởng thần tượng, mà chúng ta đặt ra và giá trị của những cái ta cần có trong cuộc đời.

Bên cạnh đó chúng ta lại vô tình không hiểu được rằng, trong thế giới tư duy của người kia cũng có những tiêu chí rất khác, mà mình buộc họ từ bỏ những tiêu chí đó.

Sự chiều chuộng trong tình yêu, người ta có thể bỏ đi những cá tính, sở thích riêng để đến với nhau, để thỏa mãn, đáp ứng, đạt được giá trị của tình yêu. Còn tuổi thọ tình yêu kéo dài được bao lâu là do cả hai đối xử với nhau. Yêu một người, cần tạo không gian cho người kia có không khí để thở, thực phẩm để ăn, áo quần để trang sức, tư duy để nhận định đánh giá, chứ không buộc người kia phải giống như mình.

Nếu như người kia giống như mình thì giá trị hấp lực sẽ không còn nữa. Biến người kia trở thành cái bóng, tức là làm cho họ lệ thuộc vào mình. Như vậy là trương sình tự ngã lên, chúng ta đang yêu tự ngã mà cứ tưởng rằng đang thương người kia, không biết rằng chúng ta đang nhốt người kia trong tự ngã của mình.

Vua Ba Tư Nặc rất tôn kính đức Phật như một bậc Thầy tâm linh, như vị cố vấn về sự phát triển giáo dục và những giá trị về đạo đức trong cuộc sống, cho nên ông thường đến với đức Phật. Những năm tháng đầu ông còn e ngại, vì lúc đó Như Lai Thế Tôn được xem là Bậc Đại giác, ở độ tuổi 35-36, bằng tuổi ông.

Ông nghĩ rằng trong truyền thống tâm linh của Bà La Môn giáo có nhiều bậc trưởng thượng cao hơn nữa, nếu có sự lựa chọn, ông sẽ chọn những bậc trưởng thượng chứ không đến những bậc trẻ trung. Vì người trẻ có thể không đảm bảo chất liệu tâm linh, tuệ giác và lòng từ bi, hay chỉ đơn thuần là tiến trình hội tụ thu thập kiến thức sách vở từ những người đi trước, về truyền bá kiến thức mà thôi. Sự dè dặt đó làm cho ông có một khoảng cách nhất định nào đó với Như Lai Thế Tôn.

Vua Ba Tư Nặc có hoàng hậu rất dễ thương là Manika (Mạc Lợi). Hai người rất tâm đầu, ý hợp. Có lần vua và hoàng hậu tâm sự với nhau sau những giờ căng thẳng trong triều chính. Vua hỏi hoàng hậu rằng: Trên cuộc đời này, ái khanh thương yêu ai nhất? (Dĩ nhiên khi đặt ra câu hỏi đó nhà vua chỉ muốn nhận câu trả lời là em thương chàng nhiều nhất).

Hoàng hậu trả lời:

- Nếu bệ hạ không bắt tội và cho phép thần thiếp trả lời đúng sự thật, thì thần thiếp mới dám nói.

Ta cho phép. Vua nói. Và câu trả lời của hoàng hậu là: “Thiếp yêu thiếp nhiều nhất”, đã làm vua choáng váng!

Vua nghĩ, có biết bao cung phi, mỹ nữ ta không màng đến, ta chỉ chọn có nàng, thế mà nàng nói không thương ta bằng thương chính nàng, thì còn gì bạc bẽo cho bằng.

Ông đau khổ, nhưng không muốn trách nhiệm đau khổ này. Ông nghĩ ngược lại, đây là cách thức mà người tình của mình nói quanh co, để ông năn nỉ, mà thiết lập tình thương và hiểu biết lẫn nhau, không dựa theo cách thức vua, tôi mà với tính cách của hai người đối diện với trái tim thương yêu, thổn thức.

Ông nói: Ái khanh hãy nói lại lần thứ hai. Hoàng hậu vẫn nói y hệt như vậy. Ông yêu cầu lập lại lần thứ ba, hoàng hậu vẫn trả lời chính xác như vậy.

Bà nói rằng, chính Đại vương cũng yêu Đại vương nhất đó thôi! Giả sử, nếu Đại vương thấy thần thiếp tư tình với một võ tướng nào khác, có phải ngài sẽ đem thần thiếp và tên võ tướng đó ra chém đầu không? Chính vì mình quá yêu tự ngã của mình nên không muốn ai tranh giành chiếm đoạt. Thần thiếp cũng vậy. Vì muốn mình được sủng ái, nên phải làm mọi cách để vừa lòng ngài thôi.

Nếu Đại vương không tin vào tấm lòng của thần thiếp, thì chúng ta hãy đến gặp Như Lai Thế Tôn, Ngài là bậc tuệ giác có thể hiểu được tất cả về tâm lý, Tha tâm thông, biết được dòng cảm xúc của Đại vương, biết được dòng cảm xúc của thần thiếp, Ngài sẽ cho chúng ta lời khuyên rất thích đáng. Vua rất mừng, vì không muốn nghe câu nói của người mình thương lập lại với góc độ làm cho mình bị thương tổn cảm xúc, cho nên cả hai người đi đến gặp đức Phật.

Gặp đức Phật, Mạc Lợi đã đặt lại câu hỏi “Khi con thương một người nào đó, chẳng hạn như Đại vương Ba Tư Nặc thì có phải là con thương chính con nhiều nhất hay không?” Như Lai Thế Tôn nói: “Đúng thật như vậy”.

Lúc đó, vua càng ngạc nhiên không hiểu tại sao đức  Phật lại đồng tình với người mình thương như vậy. Vua suy nghĩ, với cách gợi ý của đức Phật, bỗng dưng ông cảm nhận ra điều bản chất của tình yêu giới tính là sự vướng mắc, chấp thủ và chiếm hữu. Sở dĩ chúng ta muốn chiếm hữu người khác, vì chúng ta đang có nhu cầu để khỏa lấp sự cô đơn trống vắng trong tâm hồn.

Cũng vậy, chúng ta hãy quan sát đám ma, người quá cố là một bà mẹ, có tình thương bao la đồng đều với những người con, gia tài sự nghiệp, lại ra đi trong tuổi lẽ ra bà phải được hưởng thụ sự chăm sóc hiếu thảo của con cái. Những đứa con khóc gào thét, kể lể đủ cách thức khác nhau. Nếu chúng ta lắng nghe những lời gào thét đó, thỉnh thoảng bắt gặp những câu như thế này: “Mẹ ơi, mẹ ra đi bỏ con cho ai, mẹ đi rồi con sẽ sống ra sao? Rõ ràng những lời than khóc đó không hề tiếc nuối sự ra đi của người mẹ.

Nếu người con nghĩ rằng khi mẹ ra đi, giá trị của mẹ không còn nữa, con tiếc nuối lắm thì còn có ý nghĩa là người con hiếu thảo. Đằng này lại nói “Mẹ ra đi rồi con sống với ai” có nghĩa là con cô đơn quá nên con không muốn mẹ ra đi, mẹ có mặt thì con được chăm sóc, mẹ có mặt thì có mọi thứ trong gia đình này, có người nâng khăn sửa túi mà con không phải lo gì cả, mẹ có mặt thì con được hạnh phúc... Như vậy là mình thương sự cô đơn của mình chứ mình không thương người mẹ. 

Ngay trong cái chết, sự thương yêu của con người vẫn nằm ở trục xoay của bản ngã, xung quanh những giá trị mình đang có.

Nếu ai đến với tình yêu vì bản ngã, thì sau khi người bạn của mình qua đời, cũng sẽ tái giá. Vì họ cần sự chăm sóc chứ không phải cần tâm hồn yêu thương, nên khi người đó không còn, họ sẽ thay thế người thứ hai, thứ ba... chỉ để thoả mãn thôi.

Trong hệ ngôn ngữ được thiết lập qua sự đối đáp giữa vua Ba Tư Nặc và Mạc Lợi phu nhân với ngôn ngữ của lý trí, hiểu biết, cảm thông. Khi thương một người là thương bản thân mình nhiều nhất.

Phải thừa nhận đó là sự thật, để khi người kia bạc tình hay từ bỏ, không có gì là buồn, vì mình đã biết trước rồi. Ai cũng thương bản thân mình nhiều nhất, khi tình thương của người yêu mình rót vào không đủ thì sẽ chia tay.

Hiểu như vậy để chúng ta không đi vào trạng thái bế tắc, và để cho sự chấp mắc trong tình yêu không diễn ra theo một cường độ mà hai bên không làm được những gì quan trọng hơn là cứ quấn quýt, quây quần bên nhau, còn những chuyện quan trọng về đạo đức, giá trị, phục vụ, phước báu, công đức... thì không quan tâm.

Nếu yêu như vậy thì rõ ràng tạo ra vùng từ trường bế tắc. Như Lai Thế Tôn đã từng răn nhắc những người xuất gia rằng, tình yêu giới tính là vùng từ trường của sanh tử, là hấp lực nam châm để nối kết hai bản ngã lại làm một. Bản chất của hai cái khác nhau đã tạo hấp lực lúc ban đầu, nhưng về sau lại kháng cự. Hễ giống nhau thì nó đẩy ra bên ngoài. Lẽ ra khi giống thì phải có sự hòa hợp, chăm sóc bảo bọc, thế mà nó lại không có sự thiết lập, bởi vì tất cả những giá trị của sự hiểu biết và cảm thông đã không có mặt giữa hai người.

Cho nên thương một người mà muốn họ có được tuổi thọ về tình yêu bền bỉ với mình, trăm năm răng long, tóc bạc thì chúng ta hãy đến với tình yêu bằng ngôn ngữ của lý trí và sự cảm thông.

Trong khi đó, vua Ba Tư Nặc nói bằng ngôn ngữ của cảm xúc, vướng mắc, để thỏa mãn bản ngã, tự ái, sĩ diện. Cho mình là đại vương nên mọi người phải tuân phục và biến tình yêu trở thành sở hữu, nô lệ. Đó là tình yêu ức chế, chỉ có giá trị một chiều.

ĐỂ THƯƠNG YÊU BỀN VỮNG

Trong sự thương yêu chúng ta phải thiết lập hệ ngôn ngữ hay kiến thức trong đó, kiến thức cảm xúc đóng vai trò ban đầu, còn về lâu dài bền vững với nhau thì phải là hệ ngôn ngữ của sự hiểu biết và cảm thông.

Nếu thiếu vế thứ hai thì không có tình yêu nào có thể tồn tại. Nếu có, thì tồn tại một cách thương tật với nhiều sự gây gổ, kháng cự, giận dỗi, ly thân và cuối cùng dẫn đến sự ly dị và có thể biến thành kẻ thù của nhau. Do đó thiết lập thêm nhịp cầu ngôn ngữ hiểu biết trong các mối quan hệ của thương yêu, là một trong những bước tiến quan trọng để làm cho tuổi thọ của tình thương được triển nở và lâu dài theo cách thế không có bệnh tật.

Trong tình yêu cũng có nhiều bệnh tật. Ví dụ như bệnh ghen, hờn dỗi, bất cần, sĩ diện, bản ngã. Tất cả năm loại bệnh đó là kẻ thù của tuổi thọ tình yêu. Khi nào chúng ta đánh rơi giá trị của sự hiểu biết thì virus của năm loại bệnh này sẽ có mặt, nó sẽ thâm nhập vào dòng cảm xúc của chúng ta, phá luôn cả phần cứng và phần mềm của cảm xúc.

Phần mềm của yếu tố cảm xúc là những trình tự tâm lý thương tưởng, biểu tỏ bằng sự âu yếm, vỗ về, lắng nghe, cảm thông, nâng đỡ, chia sẻ.

Phần cứng của dòng cảm xúc trong tình yêu là thái độ kiên nhẫn chịu đựng, đó là sự vượt lên trên những điểm dị biệt thông thường, để kết nối hai tâm hồn khác làm một. Dĩ nhiên trong sự kết nối đó đã có sự sai lầm rồi, vì hai cái khác nhau không thể là một, mà đã có sự sai lầm thì không thiết lập được bằng nhịp cầu của ngôn ngữ hiểu biết.

Chúng ta có thể cường điệu bằng công thức “Một túp lều tranh, hai quả tim vàng” nhưng hai quả tim vàng này chỉ để trưng bày chứ không sử dụng được. Tim vàng thì đâu có đập thổn thức, cho nên tim market đó sẽ không tồn tại trong một túp lều tranh.

Nói cách khác, yếu tố về kinh tế, mối quan hệ giữa hai họ, về cảm xúc, cá tính đóng vai trò rất quan trọng, để tác động đến tính cách về sự hiểu biết và dòng cảm xúc ở trong lòng thực tại của tình thương yêu. Do đó nếu bỏ đi giá trị của sự hiểu biết thì tình thương yêu này khó có thể tồn tại bền vững, đó là điều mà chúng ta tin một cách chắc chắn.

Trong tình thương yêu, nếu tính cách của hai con người không thiết lập ở góc độ của sự hiểu biết, thì quan hệ đó sẽ khập khiễng. Ví dụ người rộng lượng, người thì keo kiệt, cố chấp, người có cá tính A, kẻ có cá tính B, người thì có sở thích này, người thì có sở thích đối lập... Tất cả những tính cách đó sẽ tạo ra vùng ảnh hưởng, chúng tôi tạm gọi là vùng tự ái. Vùng tự ái này có thể xâm nhập và khống chế tất cả cảm hứng của con người, đến độ người đó không chấp nhận những gì khác xâm nhập vào bên trong.

Trong kinh Tương Ưng tập I, đức Phật đã dạy và chúng tôi đúc kết lại: “Tự ái, sai lầm trong tình yêu và hôn nhân là tự sát”. Theo ngôn ngữ kinh điển như sau: Người nào tự ái khi được người khác nhắc nhở, khuyên bảo, tưới tẩm những hạt giống của thương yêu, hiểu biết, mà không mở lòng để đón nhận thì người đó đã thể hiện bằng những hành động xấu xa. Rất cụ thể qua lời nói, ý nghĩ, việc làm, hoặc qua sự thụ động, ù lì biến mình và người trở thành hai khoảng cách rất lớn về phương diện tâm lý. Không gian tâm lý khó có thể xóa được. Trong khi đó, không gian vật lý được thiết lập bằng nhịp cầu giữa bờ biển A với bờ biển B, giữa vực A với vực B, nhưng vùng không gian của tự ái tạo ra khoảng cách hoạt động theo chiều hướng ly tâm ngày càng xa dần, không bao giờ gặp nhau.

Cho nên tự ái là kẻ thù của tình yêu. Trong khi đó, sự hiểu biết chính là đôi bạn chí tình của tình thương yêu. Nếu buông bỏ sự hiểu biết thì vùng tự ái đó sẽ đi vào khuynh hướng rất lợi lạc là tô bồi cho bản ngã.

Mình giận hờn và nghĩ rằng tôi không có lỗi, cho nên tôi không cần phải nói, ai nói là người đó có lỗi và người đó có tịch mới rục rịch. Nếu cứ như vậy thì bế tắc của vùng tự ái này có thể lan truyền, làm cho không khí cả ngôi nhà ngạt cứng và bị đóng băng. Chúng ta đang tiếp xúc với người kia nhưng không cảm nhận được giá trị hạnh phúc mà người kia đang có và có thể mang lại cho mình.

Ở phương Tây, nếu biết cách sử dụng, có thể thiết lập giá trị của sự tỉnh thức trong lòng thực tại. Nếu không biết cách thì tự ái là cơ hội để tô bồi bản ngã và nhân tính cách cá nhân riêng tư, tính cách bản ngã phát triển.

Ví dụ: Thương xá, nhà cửa, nơi làm việc là khu độc lập. Rời khỏi các nơi đó trở về nhà, bỗng dưng hình ảnh căng thẳng của công việc, giải quyết vấn đề được phóng thích khỏi não trạng về phương diện vật lý. Nếu như người nào bám chặt công việc, hay có bệnh trách nhiệm quá lớn thì nỗi ám ảnh nặng trĩu sẽ đem về ngôi nhà của mình. Lúc đó thay vì sống với vợ con, những người thương yêu trong gia đình, chúng ta lại sống với công việc. Như vậy đang ở trong hiện tại mà lại lao về quá khứ của công sở, bế tắc, của quan hệ đối tác...

Ở phương Tây, cách thức thiết lập qui hoạch về nhà cửa phòng ốc sống có cơ hội trở về với thực tại dễ hơn. Ở châu Á, cái nhà cũng là nơi buôn bán, nơi để sinh hoạt ngủ nghỉ ăn uống, và xung quanh ngôi nhà bày biện rất nhiều thứ. Một gia đình cả ba thế hệ sống chung với nhau trong căn phòng chỉ khoảng 10 - 20 m2, làm cho con người bị tù túng, bế tắc, khó thở. Cho nên hiện tại khó có thể phóng thích quá khứ ra bên ngoài não trạng, do đó con đường tu tập và hành trì dễ dàng bị ách tắc.

Theo phong cách phương Tây, thiết lập quá nhiều cá tính cá nhân, đã làm cho con người trở thành thế giới độc lập. Trong một ngôi nhà, nếu có bốn thành viên cha mẹ con cái, thì hai đứa con ở hai phòng biệt lập với nhau.

Buổi sáng chúng đến công sở, trường lớp đến 7 – 8 giờ tối mới trở về nhà. Cha mẹ chúng cũng có công ăn việc làm riêng, nên cuối cùng gia đình gặp mặt nhau chỉ 1-2 giờ trong nhà. Làm cho tình nghĩa thiêng liêng giữa cha mẹ và con cái, vợ chồng, làng xóm, những người thân bỗng nhiên bị rút ngắn, giảm thiểu đi.

Chúng ta phải hy sinh rất nhiều tình cảm thắm thiết đó cho giá trị vật chất, thông qua cách làm ăn buôn bán để đảm bảo đời sống vật chất hằng ngày. Phải đánh mất rất nhiều giá trị để lấy cái mà chúng ta gọi là đi tìm tự do, đi tìm giá trị của hạnh phúc. Đó là sự trả giá rất đắt, nhưng không còn có sự lựa chọn nào khác hơn.

Ngoại trừ, sống trong nền văn hóa Trung Quốc và Ấn Độ, họ giữ được bản sắc văn hóa của mình ở mọi nơi, mọi chốn nhưng sinh hoạt gia đình vẫn được thiết lập.

YẾU TỐ CHIA SẺ

Theo quan niệm của người Ấn Độ, con người sống không phải là giá trị tuyệt đối thông qua những cái tìm được từ đồng tiền. Chính vì thế mà họ phân công lao động về trách nhiệm vợ chồng rất rõ. Người chồng là trụ cột kinh tế trong gia đình, làm hết mọi thứ, kiêm luôn cả việc đi chợ, lo luôn cả công việc gia đình, “Tề gia trị quốc bình thiên hạ”. Trong mọi công việc không hề có vai trò của phụ nữ. Người nữ chỉ đóng vai trò trong việc sinh đẻ, giáo dục con cái.

Chính vì thế mà tình cảm thiêng liêng giữa mẹ và con của nền văn hoá Ấn Độ được thiết lập một cách rất vững chắc. Dòng cảm xúc của họ không bị biến dạng, khô héo, trong bối cảnh văn hoá đa dạng và phong phú như đất nước Hoa Kỳ. Họ vẫn giữ được bản sắc đó trong ngôi nhà. Đây là điều mà các gia đình ở Việt Nam có thể tham khảo, để điều chỉnh một phần nào, trong sự thiết lập cảm thông.

Chúng ta cần phải gặp nhau trong bàn cơm, để có cơ hội ngồi chung với nhau cùng ăn uống, chia sẻ chăm sóc, thậm chí nếu giải trí thì cùng xem tivi trong phòng khách. Nếu một người thích xem chương trình A, một người thích xem chương trình B trong hai phòng khác nhau, thì thiết lập sự cảm thông là một ách tắc rất lớn.

Để có được tình thương yêu, cần phải thiết lập sự cảm thông. Trong trường hợp này đòi hỏi chúng ta cần phải dành thời giờ cho nhau.

Trong kinh có một ẩn dụ rất hay “Đừng bao giờ đem lửa ở ngoài đường, đốt hạnh phúc trong ngôi nhà của mình”. Dĩ nhiên lửa đó không nhất thiết tượng trưng cho cảm xúc bực dọc, khó chịu cau có, mà có thể là cạnh tranh trên thị trường với những đối thủ, người cộng sự với mình. Lửa ở đây chỉ chung cho tất cả những gì không thuộc trong đời sống gia đình hạnh phúc của mình.

Nếu mang những chuyện không liên quan gì đến gia đình về kể lại cho người thân, sẽ làm cho không khí ngột ngạt hơn. Lẽ ra, thời gian đó được dành cho vợ, chồng, con cái. Như vậy, chúng ta đang mang lửa ở bên ngoài vào trong nhà, đốt đi không khí của sự hiểu biết và cảm thông, bởi vì không còn thời gian để tâm sự với nhau.

Nhiều người bị bế tắc về cảm xúc như: hai người có cá tính lửa hoặc nước, nên cứ lời qua tiếng lại. Vì thế họ tránh né bằng cách đem kể một câu chuyện nào đó để hai bên có thể tạo niềm vui nho nhỏ, dĩ nhiên đó là giải pháp tạm thời chứ không phải là tuyệt đối.

Đức Phật dạy thêm “Cũng đừng mang lửa trong nhà đem ra đốt ở nhà của những người thân”. Ở nước Mỹ không đốt lửa theo cách đó được. Đến nhà người khác mà không báo trước thì không ai tiếp, còn nếu đến gõ cửa hoài thì người ta thưa kiện cũng phiền.

Ở châu Á, có thể mang lửa qua nhà hàng xóm thông qua những sòng bài nho nhỏ, những bữa ăn tiệc, thông qua cách thức làm việc chung với nhau, rồi kể hết tâm sự cho người kia nghe, mà họ không giải quyết được gì.

Phải hiểu và nhận dạng bế tắc trong gia đình của mình như thế nào, để tìm cách tháo gỡ thông qua sự cảm thông, thì sự bế tắc chỉ khoanh vùng giữa vợ và chồng. Chúng ta không truyền bế tắc đó qua con cái, vì như thế là đang thiết lập liên minh, kéo con về phía mình, và tạo cơ hội cho nó kháng cự lại đối phương.

Ví dụ: Hai vợ chồng đang lớn tiếng với nhau, vợ bị chồng bạc đãi. Chồng có vợ bé, bà căm thù ông, nên cũng muốn con mình có cùng thái độ là phải nguyền rủa cha nó, vì đã mang lại khổ đau cho mẹ. Nếu đứa con này không cùng trạng thái như vậy thì vô tình ta đẩy con về liên minh người cha, nghĩa là chống lại mẹ.

Như vậy chúng ta tạo cơ hội cho chúng bất hiếu đối với mẹ hoặc cha. Cho nên đức Phật dạy rằng đừng bao giờ truyền lửa cho người khác. Hãy khoanh vùng cảm xúc, đóng băng lại, để nó không lây lan, truyền nhiễm đến người khác. Vì họ là những người vô tội, hãy để họ có được không gian thở an lành, nhẹ nhàng.

Nếu có bất hòa với nhau, thì đừng tranh cãi trước mặt những người con. Ấn tượng đó làm cho chúng đau khổ và nghĩ mình sẽ không lấy vợ (chồng), bởi vì qua hình ảnh cha mẹ không có hạnh phúc. Chúng thấy những hình ảnh bạo hành, ức hiếp, chửi mắng lẫn nhau thì đâu còn ý nghĩa gì là hạnh phúc.

Dòng cảm xúc của cảm thông là một trong những yếu tố rất quan trọng, để đẩy lùi những kẻ thù của tình yêu ra khỏi biên cương bờ cõi của giá trị an lành trong đời sống.

Khoanh vùng cảm xúc bế tắc những cái gì chưa giải quyết được, để trì hoãn lại và tạo cơ hội phóng thích một cách an toàn. Đừng phóng thích theo kiểu “Giận cá chém thớt”. Như vậy là phóng thích bừa bãi và dĩ nhiên chúng ta phải chịu một phần trách nhiệm đạo đức, nhân quả với những người đó.

Có thể chúng ta không nhận ra điều này trong lúc bực dọc, khó chịu nhưng chắc chắn 100% nó phải xảy ra. Chúng ta phải gánh lấy hậu quả mà người kia đang mang khổ đau.

Những gia đình thường xuyên gây gổ thì con cái có khuynh hướng bỏ nhà đi bụi đời càng nhiều. Chúng tôi có dịp tiếp xúc với trung tâm Thanh Thiếu niên III – quận Gò Vấp - TP.HCM, có hơn 400 em trong độ tuổi từ 8 – 18 đã rời cha mẹ, mái ấm gia đình. (Dĩ nhiên sự bỏ nhà ra đi của chúng không liên hệ gì đến hoàn cảnh mồ côi, nghĩa là không có cha mẹ). Chúng không nhận được dòng cảm xúc thương yêu, cảm thông ở trong gia đình.

Bế tắc đó đã đẩy chúng ra ngoài, dù cha mẹ không hề đẩy chúng đi. Nhiều em có nỗi khổ, niềm đau mà không nói ra được, chẳng hạn có những bé gái 13 – 14 tuổi bị chú ruột cưỡng bức. Nếu nói ra thì cha mẹ trở thành kẻ thù của chú, cho nên phải lặng lẽ ra đi để không còn cơ hội trở thành nạn nhân của nạn cưỡng bức, khuấy nhiễu tình dục, mà tác nhân là những người rất thân với mình.

Ở phương Đông, nạn khuấy nhiễu tình dục còn xảy ra rất nhiều, nhiều người túng quẫn đến độ chúng tìm niềm vui bằng cách giao du với những trẻ khác lang thang ngoài vỉa hè, những kẻ hút xì ke ma túy, họ không còn biết đến tương lai của mình là gì. Rất may mắn, các em được đưa vào trung tâm giáo dục. Làm mới bằng cách lắng nghe những lời dạy và nguồn đạo đức đó trở thành sự sống tái sinh lại lần thứ hai, thứ ba trong cuộc đời.

Có những em, khi vào đó thì sự chai sạn về cảm xúc xuất hiện, chúng có thể trở thành đại bàng xanh, đen, đỏ. Các vấn nạn đó ở đâu cũng có thể xuất hiện. Nhìn từ chiều sâu của tiến trình giáo dục, chúng ta có thể tháo gỡ những bế tắc đó cho xã hội rất nhiều.

Những bậc phụ huynh cần phải có trách nhiệm đối với con em, tạo chất liệu thương yêu và hiểu biết trong không gian hít thở. Phải bơm rất nhiều khí ôxy vào trong quan hệ của chúng ta cho con, em không bị nghẹt thở bởi những khí cacbonic của tranh chấp, hận thù, ganh tỵ, hơn thua... để chúng không bị buộc phải chạy ra ngoài không gian xã hội, tương lai của chúng không trở thành nạn nhân. Đó là những điều mà chúng ta cần phải lưu tâm.

Nếu giữa vợ chồng có những bế tắc, cần phải tìm kiếm thời gian ngồi lại chia sẻ những nỗi niềm gia đình để tháo gỡ nỗi khổ niềm đau. Nguyên tắc tâm lý khuyến khích chúng ta hãy chọn cách thức “Nói với nhau”, chứ đừng “Nói về nhau” nhất là trong quan hệ vợ chồng.

Giận chồng, đi nói cho bà hàng xóm nghe về tính xấu của chồng; ông nghe được càng tự ái nhiều hơn, biết có lỗi nhưng sẽ không bao giờ sửa sai.

Trước nhất chúng ta thiết lập từ trường hiểu biết và cảm thông. Tự đặt câu hỏi tại sao ông lại có tính nghiện rượu, bê bối lăng nhăng như thế? Chúng ta phải tìm hiểu gốc rễ của những nỗi khổ niềm đau, tạo ra bế tắc trong gia đình, để có thể cảm thông và tạo cơ hội cho chồng trở về với gia đình. Nếu vợ không khéo sẽ đẩy chồng ra bên ngoài xã hội, vào những quán cà phê, rượu bia, cờ bạc, lăng nhăng vợ bé... để rồi các bà ghen bóng ghen gió theo dõi. Khi xảy ra sự ghen tuông, phát xuất từ trách nhiệm muốn giữ tình yêu của mình, nếu không khéo là đẩy chồng về phía cô vợ bé, và mất ông vĩnh viễn.

Người khôn khéo là biết tìm cơ hội cho người kia thấy được lỗi lầm và trở về mái ấm gia đình bằng sự cảm thông. Biết tự trách rằng, có lẽ trong giai đoạn thất nghiệp, bị căng thẳng về cảm xúc... mình không có những thái độ nhẹ nhàng với chồng, nên ông buồn chán muốn tìm niềm vui ngoài sự căng thẳng.

Nếu hiểu được như vậy chỉ cần điều chỉnh lại cá tính, thì chồng sẽ quay về. Ngược lại, đẩy vào thế bế tắc thì sẽ mất ông, chạy theo vợ bé luôn. Muốn chồng bên cạnh thì lại trở thành kẻ thù chỉ vì một ứng xử không khôn ngoan.

“Ghen tuông thì cũng người ta thường tình”. Đó là một lý do rất đơn giản. Bệnh Hoạn Thư trong mọi tình huống, phần lớn kết quả của nó để lại nỗi khổ niềm đau. Nó phá vỡ chứ không thiết lập hạnh phúc. Ghen phải có nghệ thuật, làm sao cho khéo để người kia biết mà không tự ái, không bị tổn thương và họ dễ dàng trở lại với mình. Nếu chạm tự ái lớn quá, họ phải chứng minh là không có, nhưng trên thực tế họ là người có tội lỗi gấp hai, ba lần...

Ghen có nghệ thuật là cách thiết lập sự cảm thông. Khi biết chồng, người tình của mình đến với người thứ hai, thứ ba bằng yếu tố của sự duyên dáng, thì chúng ta thiết lập sự duyên dáng nơi con người của mình, ông sẽ không bỏ nhà đi nữa. Nếu biết người kia đang cần giá trị của sự cảm thông và chia sẻ, thì chỉ cần tăng cường giá trị đó thì họ sẽ trở về với mình. Cái gì thiếu, người ta mới tìm, ngoại trừ những con người bệnh tâm thần muốn hai, ba như là một quán tính thì đó là chuyện khác.

Những lý do như: về xã hội, về cảm xúc, về sự bất hòa trong gia đình, vô tình đẩy chồng qua người thứ hai là điều mà chúng ta có thể chữa trị và làm mới lại được. Có thể xoá bỏ để thương và giúp chồng trở lại với mình, chắc chắn nếu chúng ta có nỗ lực khôn ngoan thì sẽ thành công.

Khi thiết lập tình thương yêu trên trục xoay của bản ngã và lòng tự ái, thì sân hận và trả thù sẽ có mặt song hành, trong cách thức mà chúng ta đặt cảm xúc thương yêu lên con người đó. Thương không được thì quậy cho hôi, đó là phản ứng tâm lý của rất nhiều người. Có thể chúng ta là người phản ứng như vậy trong quá khứ và hiện tại; nếu không khéo thì trong tương lai mình cũng phản ứng như vậy. Yêu không có sự hiểu biết thì sanh lòng sân hận.

Có thiếu nữ tên Magadiya, nàng hãnh diện, tự hào về vẻ đẹp kiều diễm và được rất nhiều người cầu hôn. Nàng đều từ chối vì nghĩ rằng không môn đăng hộ đối, dù có môn đăng hộ đối thì anh ta cũng không thông minh, dù anh có hai điều kiện vừa nêu, thì anh cũng không có những giá trị hơn tôi để tạo điểm dựa tinh thần cho tôi nên anh không phải là ứng cử viên sáng giá.

Biết bao nhiêu công tôn vương tử đến với nàng và đã thất vọng ra về. Cha nàng là một triệu phú, ông muốn con phải gả cho một gia đình danh giá, để hạnh phúc được đảm bảo lâu dài. Ông tìm kiếm rất nhiều nơi nhưng không tìm ra chàng trai nào xứng đáng.

Một hôm, ông đi vào thành, nhìn thấy Như Lai Thế Tôn và rất nhiều vị Tỳ kheo đang đi hành khất, dụi mắt hai ba lần không biết mình có nhìn lầm vì thấy được người rất xứng đáng để làm rể hay không. Ông nhìn kỹ, và quả thật đây là người mà ông đã từng mơ bao nhiêu năm nay. Chắc chắn rằng đối tượng này chính là ý trung nhân, mà con gái ông cũng đang mơ ước.

Như Lai Thế Tôn có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp. Mặc dù mặc chiếc y rất mộc mạc, đơn sơ cũ kỹ với màu hoại sắc. Ấn Độ xem loại màu đó chỉ còn cách bỏ sọt rác, nó là tổng thể của màu nâu, đen, vàng. Người xuất gia ngày xưa mặc màu vàng hoại sắc, chứ không phải màu vàng chanh truyền thống của người Việt Nam hay vàng cam, vàng da bò của Phật giáo Nam tông, vàng chanh nhạt của Phật giáo Khất sĩ.

Với màu hoại sắc, khi mặc vào, nó thể hiện nét đơn sơ, mộc mạc. Nét đẹp của Như Lai Thế Tôn đã làm cho ông không còn cách nào khác hơn là bày mưu, lập kế để cho con gái của mình có thể được làm vợ của Ngài (lúc đó Ngài khoảng 30 tuổi).

Ông nghĩ ra kế sách là thỉnh Như Lai về nhà để cúng dường trai Tăng. Ông căn dặn con gái ngày hôm đó phải trang điểm và dùng các đồ trang sức quí báu. Luyện tướng đi và giọng nói để khi xuất hiện trước mặt Như Lai Thế Tôn phải thật ấn tượng, ông đạo diễn cho con gái rất kỹ lưỡng.

Như Lai Thế Tôn và các vị Tỳ kheo đã đến vì nhận lời thỉnh mời của ông. Sau khi dùng cơm trưa xong, cô con gái đi tới đi lui và ca hát với dáng iểu điệu thục nữ. Nếu những người không có công lực thâm hậu giống Như Lai Thế Tôn, có lẽ cũng mê luôn. Đức Phật vẫn thản nhiên, dù cô ta làm bằng nhiều cách để quyến rũ đức Phật thiết lập tình yêu trên con người của nàng.

Theo truyền thống, sau khi nhận phẩm vật cúng dường, đức Phật thuyết giảng kinh để tạ ơn. Ngài giảng, “Cơ thể con người là một đãy da hôi thúi, bao tử là một nghĩa trang, trong đó chứa rất nhiều xác động vật chết một cách không thương tâm, mà chúng ta nghĩ rằng nó cần thiết trong đời sống của mình”.

Lời giảng của đức Phật đụng chạm đến lòng tự ái của cô nàng, “Tôi đẹp như thế mà ông dám nói tôi là cái đãy da hôi thúi”. Cô bực tức, căm thù nói với cha mình rằng, hãy xem ông này biết tay con; khi trở thành người có vai trò vị trí xã hội con sẽ trả thù.

Như Lai giảng xong bài pháp, Ngài ra về. Mấy tháng sau cô ta đã làm cho vua Udanna của nước Kosambi - một nước có tiềm năng về kinh tế rất lớn, mê mệt. Cô được tuyển vào cung và trở thành quý phi. Bấy giờ, cô có cơ hội trả thù ông hành khất, đã từng chà đạp nét đẹp kiều diễm của mình xuống đến mức thấp nhất. Bao nhiêu công tôn vương tử đến, cô còn không thèm, đằng này Như Lai Thế Tôn dám phủ nhận.

Cô cho gia nhân đứng ở những con đường mà Như Lai Thế Tôn thường đi khất thực ngang qua để chửi bới, cản trở, làm cho Ngài không có cơ hội vào trong cung giảng pháp cho Hoàng hậu nghe, vì Hoàng hậu đang bị bệnh. 

A Nan thưa: “Bạch Thế Tôn, Thầy trò chúng ta hãy đi nơi khác, nếu để cho cô ta làm như vậy thì nghiệp xấu phỉ báng Ngài sẽ ảnh hưởng đến tương lai của họ không tốt”.

Nếu chúng ta đến nơi khác mà nhân tình thế thái xảy ra tương tự hoặc xấu hơn thì phải giải quyết như thế nào?

A Nan thưa: “Chúng ta đi chỗ khác nữa, bầu trời này bao la, đất nước này không cùng tận, chẳng lẽ không chỗ để cho Thầy trò chúng ta dung thân sao?”

Như Lai nói:

- Nếu chúng ta làm theo công thức loại suy, chỗ nào gặp nghịch cảnh mà đào tẩu, gặp bế tắc thì tìm cách trốn lánh, sẽ không bao giờ giải quyết được mấu chốt của nỗi khổ niềm đau ngay trong hiện tại. Vấn đề tốt nhất là quan sát tìm hiểu nguyên nhân tại sao có những gút mắc đó.

Như Lai Thế Tôn không phiền não, ngược lại còn tỏ lòng thương yêu rất lớn đối với những người đang hại Ngài. Với Tha tâm thông, Ngài biết rằng tác nhân của chuyện rắc rối này chính là cô Magadiya. Khi được báo tin rằng Ngài đã vào trong cung và đang thuyết pháp, bà cảm thấy căm phẫn vô cùng. Bà suy nghĩ và tự hỏi: Tại sao một con người đứng trước những nỗi khổ niềm đau do bà tạo ra, thế mà vẫn thản nhiên, vô sự như không hề có gì tác động dòng cảm xúc, chắc chắn là một người có gì đó đặc biệt phi thường.

Từ suy nghĩ đó, bà quan sát cách thức Như Lai Thế Tôn thuyết pháp cho Hoàng hậu nghe, bà nghĩ rằng đây là con người rất đáng kính nên bà từ bỏ ý định trả thù. Dĩ nhiên cảm xúc về sự không thoả mãn bản ngã, hay cảm xúc bản ngã bị thương tổn, sĩ diện bị chà đạp, dễ dàng làm cho con người thù hận, vì tình thương yêu đã bị đốt cháy.

Cho nên thay vì phải thương yêu, chinh phục người kia về bên phía mình, nhưng lòng tự ái làm cho hạt giống hiểu biết và cảm thông không có. Hoặc nó được đặt trong mặt đất tâm khô cằn, không hề có dưỡng chất của sự sống, nó có thể ra đời với một hình dáng rất dị tật và dù có mặt trên cuộc đời vẫn không mang lại giá trị gì cho ai, đó là một tổn thất rất lớn.

Yêu mà không hiểu sẽ tạo cho người ấy rất nhiều cảm giác của sự bực dọc, có thể là từ sự chăm sóc, lo lắng mà người ấy không thích. Trong sự chăm sóc, lo lắng mà không tạo không gian cho người ấy thở, muốn họ phải chiều chuộng mình, trong khi đó mình lại không nhìn thấy những nhu cầu rất cá biệt của họ.

NHÂN VÔ THẬP TOÀN

Để thiết lập sự cảm thông, trước nhất chúng ta không nên so sánh giữa người bạn tình hay bạn đời hiện tại với người yêu lý tưởng, hay ý trung nhân của mối tình dang dở, hay mối tình đầu tiên, với tiếng sét ái tình để lại rất ấn tượng. Một nhà thơ đã nói “Nghìn năm hồ dễ mấy ai quên”.

Nếu chúng ta lấy hình ảnh lý tưởng trong quá khứ để so sánh, đối chiếu với con người hiện tại, thì hạnh phúc trong gia đình sẽ không được đảm bảo, và sự thương yêu khó có thể thiết lập, lòng hiểu biết cảm thông dễ dàng bị thui chột đi. Hãy nhìn thấy và cảm nhận được đức tính tốt của con người hiện tại. Dĩ nhiên giá trị hiện tại có hình dáng A, giá trị của quá khứ có vóc dáng B, và mỗi vóc dáng đều là những giá trị. Có giá trị thì vai trò đóng góp của nó như nhau. Nếu tiếp xúc nhận định đánh giá người bạn đời, bạn tình dưới góc độ này thì chúng ta dễ dàng hài lòng với những gì đang có. Tính chất hài lòng đó thiết lập truyền thông của hiểu biết và cảm thông.

Trong tình yêu rất đố kỵ sự so sánh. Ví dụ anh không bằng người tình của em cách đây 20 năm, em đi đâu đều được đưa đón, em ho một tiếng là biết em cần gì rồi, còn anh bây giờ không biết gì về em cả... Nếu so sánh như vậy thì người kia khổ đau lắm, bởi vì cá tính của họ không biết được những tâm lý như thế nên họ bị mặc cảm.

Khi ấy, họ sẽ kháng cự lại để bảo vệ mặc cảm bằng cách tôi bất cần, nếu em hiểu được thì tốt, còn không thì thôi, chúng ta chia tay. Rõ ràng những tâm lý đó rất nguy hiểm, nó giết chết sự hiểu biết và cảm thông.

Bỏ đi thái độ so sánh bằng cách tạo ra vế lép với người mình đang thương, và vế nặng cho người mình thương không được thì thường bị dang dở. Sống với hình ảnh lý tưởng, chúng ta đặt ra hình ảnh của người chồng với ngoại hình, tính cách, giá trị, vị trí xã hội... khác nhau theo tiêu chí mình muốn, sẽ không bao giờ gặp được.

Thậm chí khác nhau hoàn toàn. Mơ tưởng về chủ nghĩa lý tưởng, thần tượng trong tình yêu thì sự cảm thông và hiểu biết không bao giờ có mặt, kết quả kéo theo chắc chắn tình yêu đó sẽ không có cánh mà bay.

Để có sự hiểu biết thì đừng thiết lập dây chuyền của bản ngã tự ái với nhau trong mối quan hệ tình cảm vợ chồng, và trong sự thương yêu. Bản ngã tự ái có thể được thiết lập theo dòng cảm xúc thuận và nghịch chiều.

Dòng cảm xúc thuận chiều sẽ tạo ra cách thức ứng xử “Thương người thương cả đường đi”, quan niệm đó làm cho chúng ta thương luôn cả những kỷ vật của người kia đã từng sử dụng. Thương cả những con vật nuôi, những thói quen của người đó.

Mỗi lần đứng bên cạnh những vật đó thì lòng dâng trào cảm xúc. Cách thức “Thương người thương cả đường đi”, như vậy làm cho chúng ta quên mất hết những yếu tố trong kinh Đại Bát Niết Bàn đã nói đến hình ảnh của cô gái xấu xí.

Cường điệu cảm xúc trong trường hợp này dẫn đến tình trạng “Quáng gà trong tình yêu” và do đó sự thiết lập cảm thông không có, vì thương quá nên phải chiều.

Tính cách của sự chiều chuộng diễn ra theo sự an ủi mà chúng tôi tạm gọi là “Ưu bù khuyết”. Lấy những ưu điểm để bù trừ cho khuyết điểm ở người bạn tình của mình. Chúng ta có thể nghĩ và suy luận như thế này: Chồng tôi không có hoa bướm với người khác, chỉ có một chứng bệnh cờ bạc, dù sao cờ bạc không đánh mất giá trị của hạnh phúc. Bản chất của hạnh phúc là thiết lập sự thương yêu và cảm thông giữa hai trái tim với nhau. Chúng ta có thể tự an ủi như vậy, thậm chí người chồng đòi hỏi bao nhiêu cũng đáp ứng bấy nhiêu, thì lúc bấy giờ mình đẩy hạnh phúc vào trong tắc nghẽn của khổ đau.

Trong xã hội nói rằng “Cờ bạc là bác thằng bần”, khi nền kinh tế bị suy sụp, thì quan niệm “Quả tim vàng trong túp lều tranh” sẽ không còn là lý tưởng. Đức Phật nói rằng: “Cái này có tạo ra cái kia có, cái này không tạo ra cái kia không, cái này còn tạo ra cái kia còn, cái này mất tạo ra cái kia mất”. Tính cách tương thuộc, tương tác, kéo theo, luôn có trong các mối quan hệ như con người với con người, trong kinh tế, giá trị cuộc sống, dòng cảm xúc đều đóng vai trò để thiết lập sự hiểu biết và cảm thông. Nó làm cho tình thương yêu có thể dễ bị sứt mẻ, va chạm, những tỳ vết rất quan trọng.

Dòng nhập lưu của cảm xúc có thể tạo ra khuynh hướng liên hoàn “Ghét người ghét cả tông chi họ hàng”. Sự liên hoàn này tạo ra thế bế tắc, chúng kéo rất nhiều liên minh về phía bên mình, chẳng hạn kéo đứa con, dòng họ, thậm chí cha mẹ ruột của chồng cũng về phía bên mình... Như vậy không phải là giải pháp.

Nếu người đó không theo thì mình cô lập, chụp mũ giống như cách thức dán nhãn lên vợ hay chồng. Hễ người mình thương có tính cách A thì thân bằng quyến thuộc của người đó cũng đặt theo công thức Á, đó là phản ứng tâm lý rất nguy hiểm. Bế tắc nho nhỏ về một con người đã tạo vùng từ trường xấu cho những người có quan hệ với người đó, nó không phải là cách để thiết lập sự cảm thông.

Khi thiết lập sự cảm thông, chúng ta phải hiểu và thấy được những ưu và khuyết điểm, cái đẹp, xấu, trọn vẹn và chưa trọn vẹn của người bạn đời để lòng thương yêu đó được thiết lập một cách lâu dài và bền bỉ. Nhận thấy từ chiều sâu, tại sao con người đó có những cách ứng xử sai lầm để giúp họ và kéo về phía bên mình.

Nếu biết người chồng có máu cờ bạc, thì đừng chu cấp tiền. Nếu hết tiền ông đòi hỏi, giận hờn. Lúc đó người vợ khôn khéo có thể thiết lập ra những trò chơi để thay đổi không gian cảm xúc của chồng từ cảm giác đỏ đen trở thành mảnh trời xanh của hạnh phúc gia đình. Có thể mời chồng đi xem phim hay dạo chơi công viên, cùng bàn luận vấn đề nào đó mà chúng ta tỏ vẻ tâm đắc.

Vay mượn là phương pháp tạm thời để giữ người kia lại với mình, mà không đẩy họ vào cách thế an ủi “Ưu bù khuyết”. Tính cách này không duy trì được cảm thông và hiểu biết lâu dài.

Mổ xẻ dòng cảm xúc của người kia nhỏ như sợi tơ, sợi tóc, để thấy được nhu cầu của họ là cái gì, tại sao họ khổ đau, hạnh phúc, kháng cự, không cần đối tác, tại sao họ trở nên ù lì? Tất cả không phải vô cớ mà có. Có thể những nguyên nhân sâu xa, chủ quan, khách quan làm cho mình và người có sự hiểu lầm. Hay có những cuộc chiến tâm lý phân gián của một người nào đó đang ghen tỵ với tình yêu, hạnh phúc của mình, hoặc họ lũng đoạn để cho người này bị chao đảo về phương diện tinh thần, để họ không có đủ sự khôn ngoan đối chọi về phương diện kinh tế như là cách thế đang cạnh tranh với nhau trên thị trường.

Có rất nhiều vấn đề phức tạp, nếu vội vàng đánh giá, hễ nghe là tin, có thể tạo rất nhiều nỗi hàm oan cho người mình thương. Phải có bản lĩnh sáng suốt, nghe tất cả điều thấy, tin một số điều nghe, đừng dễ bay như giấy mà nghe. Tất cả những điều nghe thấy chỉ được quan niệm như là các dữ liệu tham khảo mà thôi.

Các dữ liệu này có thể là tích cực, tiêu cực, đúng, sai. Nếu nghe mà tin liền thì chắc chắn hạnh phúc khó có thể thiết lập, sự cảm thông hiểu biết khó có thể đảm bảo lâu dài. Chúng ta phải sống theo cách thế có bản lĩnh hiểu được, tin tưởng, bảo vệ, tán đồng, dấn thân, chia sẻ... để cho tất cả sự thương yêu đó được diễn ra theo chiều hướng dìu dắt tay nhau trên cuộc đời. Cùng có mặt trong một công viên, ăn cùng mâm cơm, uống cùng ly nước, chắc chắn rằng tâm tư của chúng ta cùng chiều hướng với người đó.

Đồng sàng dị mộng là một trong những nỗi khổ niềm đau lớn nhất. Có thể vì sĩ diện của hai họ, cho nên có trường hợp không thương yêu nhau mà không muốn ly dị. Vì biết rằng sự ly dị sẽ mang lại nỗi khổ niềm đau cho những đứa con.

Trước mặt con cái, họ có thể đóng vai là những cặp vợ chồng hạnh phúc, nhưng trong tâm hồn là hai thế giới cá biệt, có những cách thức riêng tư và không ai nói với ai. Chúng tôi đã từng gặp rất nhiều cặp vợ chồng như vậy, thật đáng tiếc. Nếu có thể đóng phim, diễn trò để mọi người tưởng rằng vợ chồng mình là những người hạnh phúc, với những giấy khen về gia đình gương mẫu trong hôn nhân gia đình, thì tại sao chúng ta không dám đóng vai thật với nhau. Ứng xử vẫn y hệt như trong phim thì đó mới là giải pháp lâu dài.

Nếu bị va chạm và tự ái nên không thể nào đến với người kia để xin lỗi trước, nghĩ rằng mình không có lỗi tại sao phải nói trước. Một số người nữ thường có tính cách như thế, là nam nhi phải có chí của người anh hùng, sẵn sàng hy sinh, xin lỗi phụ nữ thì người đó mới là người biết yêu thương thật sự. Họ thích nhõng nhẽo và chiều chuộng. Nếu cứ nghĩ như vậy là chân lý, thì rõ ràng cách thức suy nghĩ đó sẽ đẩy bản ngã của người kia vào trong sự bế tắc. Người kia nghĩ rằng, tôi có sai gì đâu mà phải chiều chuộng, cho nên từ một sai lầm nho nhỏ đã làm đóng băng cảm xúc trong mối quan hệ thương yêu giữa hai người, gặp nhau như hai kẻ xa lạ, thế mà xa nhau thì nhớ.

Yếu tố hiểu biết làm cho người kia nhận thức một cách đúng đắn. Yêu người để hiểu đúng với tâm trạng mà người muốn, tạo không gian cho người thở, không khí cho họ sống... có như vậy tình yêu mới tồn tại, phát triển một cách có sức khoẻ và có tuổi thọ. Bằng không nó có thể bị cắt đứt, biến dạng, hoặc tồn tại dưới hình thức mà thôi.

Giáo dục khuyến tấn có tác dụng cao hơn giáo dục bằng cách trừng phạt. Ở những nước có nền kinh tế đang phát triển, cha mẹ có tư cách như một quan tòa, con em phải theo sự áp đặt. Cha mẹ thường trừng phạt khi chúng thi điểm kém, trốn học, không siêng năng chăm chỉ công việc gia đình... Trừng phạt bằng cách đánh đập, chửi mắng... để lại ấn tượng bị khủng bố ghê gớm trong đầu con cái. Khủng bố này biến dạng thành những bạo loạn trong gia đình và xã hội.

Nếu thay thế phương pháp trừng phạt bằng cách khuyến tấn, chúng ta nói rằng, nếu con thi có kết quả từ hạng nhất đến hạng nhì trong năm học này thì ba, mẹ sẽ cho con phần thưởng. Vì thích phần quà nên nó cố gắng học để đạt giá trị này.

Nếu chúng ta nói, năm nay mà thi rớt thì ba tống cổ con ra khỏi nhà. Với sức ép tâm lý đó, chúng không bao giờ đạt được giá trị mà nó muốn.

Chúng ta nên tạo ra những khuyến tấn, khích lệ tiềm năng để chúng cảm thấy rằng được cha mẹ tin tưởng. Mặc dù biết mình chưa có những giá trị đó, thế mà đặt hết niềm tin để mình phát huy, đó là một trong những chiều hướng giáo dục tích cực. Tìm cơ hội tạo ra những giải thưởng, bằng khen như trong kinh điển nhà Phật đề cập đến.

Trong10 hạnh nguyện của Bồ tát Phổ Hiền, có hạnh “Tán dương công đức,” dù biết rằng con chỉ có giá trị giỏi là một thôi, nhưng khen nó giỏi một rưỡi, nó sẽ mừng và cố gắng duy trì thành quả này trong tương lai, chứ không để đánh mất giá trị đó. Nếu lời khen có nghệ thuật thì bản ngã họ không bị trương sình lên. Ngược lại, còn làm cho họ tin tưởng vào vai trò vị trí của họ để phát huy thêm đóng góp cho cuộc đời.

Đôi lúc các bậc phụ huynh tạo ra cách thế “nhón chân và với tay” cho những đứa con để nó thành tựu. Chúng ta đặt kỳ vọng quá lớn vào công việc, tiềm năng của nó thì nó sẽ ỷ lại và không chịu làm, hoặc ít nhất lý tưởng đạt được là 10 thì chúng nó làm theo chỉ có 6 hay là 8. Còn nếu chỉ đặt ra tiêu chí là 2 thì nó chỉ đạt được 0,2 mà thôi. 

Nếu đặt tiềm năng của nó theo cách thế nhón và với thì nó sẽ nỗ lực làm nhiều hơn. Nghệ thuật của việc huấn luyện con cái ở chỗ là biết khích lệ tiềm năng của chúng, không phải dạy ở lời nói mà ở thân giáo nhiều hơn.

Giá trị giáo dục của nhà Phật là ở mô hình kiểu mẫu về đời sống đạo đức, và cách thức mà cha mẹ đã thành công. Khi con cái muốn đạt được những giá trị tương tự vì chúng thích bắt chước cha mẹ, lúc bấy giờ sự thiết lập truyền thông trong gia đình, họ tộc được tiếp nối truyền thừa và phát huy.

Nói là một nghệ thuật, nhưng nói dư thừa sẽ tạo ra cảm giác khó chịu. Không khéo thông qua các ngữ điệu biểu đạt lên và xuống, cách thức nhấn giọng, tạo ra những đại từ nhân xưng sẽ làm cho người nghe có cảm giác thích hoặc không thích, chấp nhận hay không chấp nhận, loại trừ hay tiếp ứng vào bên trong để biến nó thành một phần cuộc sống của mình. Làm tốt được điều đó là cả một nghệ thuật, đòi hỏi những người làm cha mẹ phải kiên nhẫn.

Vai trò làm cha mẹ cần có sự hiểu biết về cảm xúc và cá tính của con, vì quan sát cá tính con từ nhỏ, biết mỗi đứa có cá tính khác nhau. Cho nên cách ứng xử nói năng khuyên bảo cũng phải đáp ứng với căn tánh của chúng thì mới thành công. Nếu áp dụng cùng một công thức với mọi đứa con sẽ khó thành công trong việc dạy bảo. 

 

***

 
00:00