Chương IV : TÙY HỶ

CÔNG ĐỨC CỦA SỰ TÙY HỶ

Chúng ta cần phân định về từ “Công đức” vì có thể dẫn đến sự hiểu sai.

Nếu hiểu đơn thuần về chữ đen nghĩa trắng thì “Công đức” không có nghĩa là những thành quả tu tập của con người. Nếu hiểu theo từ nguyên của tiếng Pali và Sanskrit thì công đức được gọi là Guna. Guna được hiểu theo hai nghĩa:

Nghĩa thứ nhất là phước báu, phước lộc mà con người có được sau quá trình tu tập làm việc thiện với tấm lòng vô ngã vị tha.

Nghĩa thứ hai là những đức tính, đặc điểm tạo ra sắc thái riêng biệt về tính chủng loại, cộng đồng và cá thể.

Dựa vào nghĩa thứ hai này thì công đức được hiểu như là những nét riêng của người khác mà mình không có, nó tạo ra giá trị. Nếu chúng ta đặt trong bối cảnh lớn thì nét riêng đó là nền văn hóa, đặt trong bối cảnh nhỏ hơn thì đó là phong tục tập quán... Những nét riêng trong mỗi nền văn hóa không giống nhau, đối với nền văn hóa này có, nhưng trong nền văn hóa khác thì không.

Nét riêng đó, nếu đứng từ lập trường và thái độ độc tôn thì sẽ lấy nền văn hóa nơi mình đang sống làm trục xoay, nền tảng để đánh giá nhận định phân tích đối chiếu... đặt định tất cả các hệ giá trị và chân lý của người khác theo trục xoay đó. Hễ cái gì đi theo quỹ đạo trục xoay này thì cho rằng đúng, ủng hộ đồng tình, nếu cái gì đi ngược lại thì loại trừ và đôi lúc thanh toán thủ tiêu lẫn nhau.

Như vậy bản chất của các nền văn hóa tạo ra những nét riêng, nhưng nét riêng đó có những giá trị riêng của nó. Phải được giải mã bằng hệ ngôn ngữ, văn hóa của một cộng đồng, dân tộc. Chúng ta không thể lấy cách giải mã của nền văn hóa này áp đặt lên nền văn hóa khác, nếu làm như vậy sẽ rơi vào trạng thái sai lầm.

Tùy hỷ công đức là vui theo những nét riêng biệt của người khác, hỗ trợ tán đồng với những gì được xem như sở trường hay những đặc điểm, mà đôi lúc mình thấy rằng nó là một nhu cầu cần bổ túc, để hỗ trợ, trợ giúp cho mình và người kia có thể hoàn thiện những đặc điểm, về nhân cách, hoàn thiện về những đóng góp...

Tùy hỷ công đức phát xuất từ tấm lòng chân thật, trong trắng, không có điều kiện và thấy những việc làm cần thiết. Dù họ không thân với mình, thậm chí là kẻ thù hoặc họ quan niệm mình như là kẻ thù, nhưng mình vẫn tán đồng, nếu những việc họ làm rất cụ thể và mang lại lợi ích cho số đông, thì cứ hưởng ứng và nên ủng hộ để giúp cho chương trình công ích xã hội diễn ra tốt đẹp hơn.

Do đó Tùy hỷ công đức là thái độ tâm lý tích cực, tạo ra nguồn năng lượng giao thoa về đời sống thiện lành giữa chúng ta và người khác. Sự đồng tình và biểu đạt giao thoa đồng tình này có thể diễn ra theo cách thức là tâm của người tùy hỷ không còn phân hai chiến tuyến giữa ta và người, bạn và thù, mà ở đó chỉ nhìn con người như một thực tại hiện hữu. Thực tại đó có những yếu tố về vật lý và vô ngã, thời gian và vô thường, có những dòng cảm xúc tiêu cực và tích cực, sở trường và sở đoản, giá trị và phi giá trị... với tính chất là người phàm phu.

Khi chúng ta nhận định, đánh giá, hợp tác lâu dài hay có giai đoạn, thì phải nhìn bằng cặp mắt của một người có nhiều thiện cảm, và thấy được những giá trị tích cực của họ để giao lưu những phần tích cực, còn những phần tiêu cực thì không quan tâm đến.

Nếu có cơ hội thì xây dựng góp ý, sau khi góp ý rồi, họ có tán đồng sửa chữa thì tốt, nếu không sửa thì cũng không vì thế mà bỏ đi phần tích cực của họ. Như vậy trong những con người xấu vẫn có thể tìm được tính cách, công đức, phước báu, thành công, nét đẹp, đặc điểm sắc thái riêng để hỗ trợ và tán đồng.

Qua học thuyết Tùy hỷ công đức, chúng ta giao tế với con người thông qua những tình huống, bối cảnh, sự kiện, và thái độ cụ thể của họ diễn ra trong những bối cảnh đó.

Chúng ta không thể vì người đó là bạn thì tất mọi chủ trương chính sách, chương trình mà người đó đề xướng, mình đều phải tham gia theo kiểu “đông- vui -hao”. Rõ ràng đó không phải là Tùy hỷ công đức, đôi lúc xúi giục người khác làm những chuyện sai lầm và cả mình lẫn họ đều chung một cộng nghiệp không tốt lành ở hiện tại cũng như trong tương lai.

Trong tiếng Pali, trạng thái “hỷ” gọi là mulità được biểu đạt rất nhiều cấp độ tâm thức khác nhau. Dựa vào công đức mà đức Phật triển khai qua các cấp độ thiền định. 

Trạng thái hỷ lạc của thiền định là kết quả của hai tiến trình tu tập. Trước nhất, đối với những hành giả muốn chuyển hóa những phàm tính trở thành thánh nhân, hay tối thiểu trở thành con người cao thượng. Trạng thái tùy hỷ thuộc về cảm thức tĩnh tại của đời sống nội tâm, khi con người đã chiến thắng và vượt lên trên phàm tình của đời sống tính dục.

Đời sống tính dục đối với người tại gia là một nhu cầu lớn, đến độ người ta quan niệm: hễ là người nữ thì phải lấy chồng, nam thì phải lấy vợ, hoa trái tình yêu cho ra đời những đứa con, và niềm hạnh phúc hòa quyện, gắn chặt với con người trong suốt cả cuộc đời về phương diện khế ước xã hội, về phương diện quan hệ giữa con người nói chung.

Trạng thái hỷ và lạc chia ra thành nhiều lớp khác nhau:

 Về đời sống thế gian, hỷ và lạc làm cho con người phấn chấn tích cực, hân hoan vui vẻ. Bên cạnh đó, nó còn bám víu, chấp trước, vướng bận hệ luỵ và không khéo nếu có khuynh hướng hưởng thụ thái quá, dẫn đến sự chiếm hữu một con người.

Thay vì quí trọng con người đó, nhưng mình muốn chiếm hữu. Thái độ chiếm hữu diễn ra làm cho hai bên ràng buộc lẫn nhau, và trong tình thương yêu chăm sóc lo lắng trở thành nỗi nhọc nhằn gian khó, tạo ra những ấn tượng không đẹp ở cả hai. Khi muốn có nhu cầu hỷ lạc cao hơn đối với đời sống của người tại gia, thỉnh thoảng nên dành thời giờ cho đời sống nội tâm.

Chẳng hạn vào những ngày tu tập Bát quan trai hay rằm lớn, hạn chế quan hệ tính dục vợ chồng, để tìm giá trị tâm linh và nhu cầu cao hơn. Trạng thái hỷ lạc làm tăng giá trị của đời sống hôn nhân, tức là người ta đến với nhau thương nhau không chỉ vì sự hưởng thụ giới tính, mà còn là những giá trị tinh thần đạo đức, người chồng có thể tìm thấy ở vợ và ngược lại.

Khi sống chung, bằng thái độ tùy hỷ thông qua tư cách và giá trị đạo đức, tất cả những vẻ đẹp thẩm mỹ ở bên ngoài không làm cho người chồng chao đảo mà bỏ rơi vợ. Hoặc là vợ, không chạy theo những nhu cầu vật chất của người giàu có hơn chồng mình để duy trì trạng thái hạnh phúc.

Thông thường chúng ta có thói quen mang những công việc ở công sở về nhà, tạo thêm gánh nặng, không khí trong gia đình. Thay vì khi về nhà chỉ vui với gia đình, thì lại mang một khối việc trong công sở, mà khối việc đó, những người thân không thể nào chia sẻ được. Chúng ta cũng cần có thời gian riêng nhưng lại không đáp ứng, chính vì thế tình cảm trong gia đình trở nên khô héo dần.

“Hãy cô lập bản chất của công việc ở những nơi mình cần phải có mặt”, ví dụ: từ 7 - 11giờ, là thời gian dành cho công sở, cơ quan, xí nghiệp thì hãy đầu tư hết tất cả tâm huyết, để ý thức bám theo công việc đang làm. Những chuyện khác như: gia đình, người thân, đi chơi thì tạm gác qua một bên, như vậy năng suất lao động tăng lên rất cao.

Khi trở về nhà, hãy buông hết tất cả những gánh nặng, sự căng thẳng để thưởng thức đời sống sinh hoạt gia đình. Sống với trạng thái đó là bước đầu của thân tâm như nhất, nhờ có trạng thái đó để thiết lập trạng thái chánh niệm dễ dàng hơn.

Khi chánh niệm có mặt trong tất cả động thái: đi, đứng, nằm, ngồi, sinh hoạt, giao tế, ứng xử thì con người bỗng dưng có trạng thái hỷ lạc. Tình trạng lãng trí, dễ quên, vội vã, bồng bột sẽ giảm thiểu một cách tối đa, chính vì thế tăng cường giá trị uy tín của mình.

Cho nên hỷ lạc xuất hiện như là kết quả của sự chuyển hóa, các nhu cầu tính dục làm cho con người nhẹ nhàng, thư thái vì không có những vướng bận.

Về đời sống xuất thế gian, đây là cấp độ đời sống chánh niệm định tĩnh cao. (cấp độ Nhị thiền)

Định tĩnh phải đặt trên tình trạng của nhiếp tâm, diễn ra khi ý thức đang tiếp xúc với sự vật, đối tượng.... Nhưng với thái độ không bị trần cảnh cuốn trôi, thôi thúc, dẫn đạo, chi phối. Khi nhận thức con người làm chủ, không bị chi phối, thân và tâm trở nên thống nhất, thân có mặt ở chỗ nào, thì tâm có mặt ở đó.

Tính cách có mặt ở hiện tại sẽ tạo ra trạng thái định tĩnh và nâng cao giá trị, cũng như tăng cường hiệu suất những công việc làm đang có mặt.

Trạng thái hỷ lạc ở giai đoạn này, đòi hỏi tính cách tập trung cao độ, có phương pháp và nghệ thuật để tâm mình không rong ruổi, chạy chỗ này bám chỗ kia, thì trạng thái hỷ lạc sẽ xuất hiện.

Thông qua hai cấp độ: Sơ thiền và Nhị thiền. Là kết quả của đời sống đã chuyển hóa được các nhu cầu phàm tình của tính dục. Vượt lên trên những nhu cầu rong ruổi, bám víu vào các đối tượng giao tế khi nhu cầu thực tế không có.

Trạng thái định tĩnh biểu hiện ở con người được thể hiện qua từng bước chân thong dong, nhẹ nhàng thảnh thơi. Sự hiện hữu của ý thức bám víu song hành với từng bước đi, động tác tay chân, lời nói việc làm. Người có định thì trong dáng đi, thể hiện chất nhẹ nhàng thư thái.

Người sống bỏ quên chánh niệm, không có trạng thái định tĩnh thì họ đi giống như ma đuổi. Dân gian thường nói “Chưa nói đã cười, chưa đi đã chạy, chưa ngồi đã lúc lơ”, những người như vậy mức độ định tĩnh của họ kém lắm và hỷ lạc không bao giờ có mặt.

Khi ứng dụng trạng thái hỷ lạc vào trong pháp môn Tùy hỷ công đức, nội dung tùy hỷ ở đây hiểu khác hơn ở chỗ: trạng thái hỷ lạc vừa nêu (thiền định) thuộc về nỗ lực của tự thân, chính là chủ thể của hành động, việc làm tốt đẹp.

Trong Tùy hỷ công đức, chúng ta không phải là đối tác trực tiếp tạo sự hỷ lạc. Có thể là một quan sát viên, người không có cộng sự đối tác, đứng bên ngoài nhìn thấy, nghe nhận định đánh giá. Do đó đòi hỏi phải có thái độ khách quan tuyệt đối, chứ không dán nhãn lên đối tượng, thành kiến trong quá khứ về nỗi khổ niềm đau mà mình với họ đã từng xảy ra.    

Nói cách khác, trong tùy hỷ công đức, chúng ta không được phép tạo ra những liên minh đối lập. Vì đối lập mang tính cách loại trừ, trong khi đó tùy hỷ tạo thái độ biểu tỏ sự đồng tình tích cực chứ không nhất thiết phải liên minh.

Liên minh tạo ra phe phái, mục đích của nó để phục vụ cho các nhu cầu lợi ích vị kỷ, liên minh chính trị, kinh tế, văn hóa, nghệ thuật, nói chung tất cả những hội đoàn đều mang tính cách liên minh như vậy.

Các liên minh phải thực thi theo chính sách của cơ quan, đoàn thể cộng đồng quốc gia, đảng phái mà chúng ta trực thuộc. Vì vậy, điều tốt lẫn xấu, tích cực lẫn tiêu cực chúng ta chỉ đồng tình mà không được có ý kiến khác, nếu ai có ý kiến khác sẽ bị loại trừ.

Chúng ta có nhận định, đánh giá riêng về con người, sự kiện, học thuyết, chủ nghĩa tôn giáo, chính trị, mà không bị lệ thuộc vào bất kỳ một định chế, hay áp đặt nào.

Những gì chúng ta thấy lợi ích và cần làm thì ủng hộ bằng tất cả tấm lòng, chứ không phải chờ năn nỉ nhiều lần mới tán đồng hỗ trợ. Giống như cách thức ban ân sủng, như vậy không còn tùy hỷ nữa mà là sự trương sình bản ngã trong các mối quan hệ giao tế. Để khẳng định vai trò vị trí, với cách thức cho rằng: nếu như không có tôi ủng hộ thì các anh, chị sẽ không bao giờ thành công. Thái độ đó tạo ra thế kẹt, cho người khác trong những nỗ lực tích cực. Lẽ ra nếu chúng ta ủng hộ ngay từ đầu thì sự thành công và hiệu suất của công việc sẽ diễn ra ở mức độ cao hơn.

Thái độ bắt quàng với những người sang trọng, có vai trò vị trí xã hội, danh vị chức tước, quyền thế... thì mình làm thân với họ cũng là cách biểu tỏ thái độ đồng tình, hoan hỷ. Nhưng thái độ đó mang tính cách nịnh hót, có những nhu cầu mục đích vị kỷ nào đó thầm kín bên trong mà không nói ra. Trạng thái như vậy cũng không được xem là tùy hỷ công đức.

Ở Hoa Kỳ, chúng tôi được biết có một vài ngôi chùa và các vị trụ trì có một tâm hạnh rất đặc biệt: khi biết có Tăng, Ni ở các nước khác đến, đều thỉnh mời chia sẻ pháp thoại cho Phật tử tại bổn tự. Gương hạnh đặc biệt đó trong kinh điển nhà Phật gọi là Tùy hỷ về pháp âm. Nghĩa là muốn cho Phật tử chùa mình hiểu được đạo lý, hiểu được cách tiếp cận và hành trì lời Phật dạy, thông qua kinh nghiệm hành trì cá nhân.

Tùy hỷ công đức là một khái niệm đặc biệt trong tâm lý học Phật giáo, sau này được phát triển thành pháp môn của sự hành trì và tu tập.

Tùy hỷ công đức trước nhất đó là tâm niệm vui với sự thành công, hạnh phúc, thịnh vượng của người khác.

Chúng ta cần phân biệt từ Tùy hỷ, Công đức được sử dụng trong các chùa Việt Nam. Khi muốn người khác cúng dường, tùy tâm thì viết chữ “Tùy hỷ công đức”, hoặc vào những ngày lễ lớn sẽ thấy có nhiều người phát tâm làm công quả, hoặc giữ xe cho nhiều người đến chùa lễ bái được an tâm. Họ để thùng phước thiện, bên ngoài đề chữ “Tùy hỷ công đức”, làm cho chúng ta hiểu rằng chữ Tùy hỷ công đức là mời gọi người khác cúng dường, mời gọi người khác giúp đỡ. Nghĩa từ nguyên của từ này không thể hiểu như vậy.

Tùy hỷ công đức là khái niệm liên hệ một hạnh nguyện rất quan trọng của Bồ tát Phổ Hiền. Khái niệm Tùy hỷ công đức có trong Phật giáo Đại thừa, Phật giáo Nguyên thủy không có từ Tùy hỷ công đức, chỉ có từ “hỷ” mà thôi.

Từ “hỷ” được dịch từ tiếng Pali hay Sanskrit đó là mudità. Mudità đơn thuần là một trạng thái cảm xúc hòa điệu với thành công và hạnh phúc của người khác về phương diện tích cực. Khi gắn chữ “Công đức” vào thì ý nghĩa đã bị thay đổi, bởi vì từ công đức được dịch nghĩa từ tiếng Sanskrit đó là guna.

Guna có hai nghĩa: nghĩa thứ nhất là những đức tính tốt. Nghĩa thứ hai là công đức.

Thông thường người ta nhấn mạnh góc độ thứ hai nhiều hơn, tức là góc độ các đức tính tốt. Cho nên từ “Công đức” sau này được nền Phật học Trung Hoa nhân lên thành một điều rất quan trọng, liên hệ đến tiến trình tu tập, gieo trồng các hạt giống vô lậu, để giúp cho hành giả thoát khỏi sự khống chế vùng từ trường của sanh tử và khổ đau. Những việc làm phước báu, những hạnh nguyện thông thường được gọi là phước hữu lậu, chứ không được gọi là công đức.

Nền Phật giáo Trung Hoa tạo ra nội dung mới cho khái niệm công đức. Như vậy nếu đặt nội dung đó trong từ “Tùy hỷ công đức” thì có thể hiểu ít nhất theo hai nghĩa khác nhau. Nghĩa trước nhất là chúng ta vui với hạnh nguyện xuất trần tu tập, hoằng pháp dấn thân, làm Phật sự của một vị xuất gia.

Hoặc chúng ta vui với sự thành công của những pháp hữu, khi biết rằng vị pháp hữu của mình hôm nay tới chùa Tịnh Luật tham dự Bát quan trai, từ sáng đến chiều tối. Khi về nhà còn mở băng nghe giảng, hoặc có thêm một thời sám hối tụng kinh ngồi thiền, còn mình thì làm không được như vậy, nhưng mình vui với hạnh nguyện đó để cố gắng bắt chước làm theo. Vì thời gian của mình quá ít cho nên mỗi lần tiếp xúc với các thời khóa hành trì, bỗng dưng tất cả sự căng thẳng trong đầu óc được phóng thích một cách có nghệ thuật và an toàn.

Như vậy, trạng thái vui đó có thể tạo ra ảnh hưởng lây lan tâm lý về phương diện tích cực.

Trên bất kỳ quan hệ nào, nếu như có hai đối tác trở lên thì tiến trình tâm lý lây lan được diễn ra theo cách thức một cái bị phủ trùm, còn một cái được phủ trùm. Cái được phủ trùm thường là cái bị động, chịu ảnh hưởng tiêu cực nhiều hơn. Cho nên hoạt động của công việc tùy hỷ công đức tạo ra sự lây lan tích cực. Khác với sự phủ trùm, chúng ta tạo ra vùng từ trường, vùng ảnh hưởng, các hệ xúc tác, để ai dấn thân đặt chân lên vùng từ trường và ảnh hưởng đạo đức này, thì họ sẽ có niềm an lạc hạnh phúc và giác ngộ.

Đó là lý do tại sao mỗi lần về chùa tham dự những khóa tu, lòng mình cảm thấy hân hoan hạnh phúc hơn là ngồi một mình tụng kinh thui thủi ở nhà. Mặc dù có nhiều gia đình, vợ chồng con cái hạnh phúc với nhau, có thể tụng kinh cùng một lúc, thế nhưng mình cảm thấy không an vui, sung sướng như khi ngồi trong chánh điện chùa. Tác dụng ảnh hưởng của vùng từ trường tâm linh đó tạo ra những vùng ảnh hưởng công đức, sự tùy hỷ cho những người khác.

Ví dụ: Hôm qua làm việc quá mức để dành thời gian cho ngày hôm nay, nên mình rất buồn ngủ, nhìn thấy bạn đạo kế bên mắt tỉnh táo, lòng mình cảm thấy có cái gì xốn xang, nên phải cố gắng không ngủ gục. Như vậy sự không ngủ gục đó do từ trường ảnh hưởng tốt của những người bạn đồng tu, và do đó bản thân của những người tu tập tốt đã tạo ra vùng ảnh hưởng an lành. Nếu chúng ta chấp nhận vùng ảnh hưởng đó thì vẫn được xem là những người đang tùy hỷ công đức.

CÁCH THỂ HIỆN TÙY HỶ

Có hai vợ chồng rất có lộc ăn. Mỗi khi làng xóm có đám cưới, anh chị ăn mặc rất sang trọng, đến nỗi bên nhà gái tưởng rằng hai thực khách này ở bên nhà trai, ngược lại bên nhà trai tưởng rằng thực khách này ở bên nhà gái. Cả hai bên đều tiếp đãi anh chị rất nồng hậu cho nên ăn hoài không hết. Sau này người ta hỏi bí kiếp nào mà anh chị có lộc ăn như vậy, họ trả lời rằng “đơn giản thôi, cứ đi chia vui với thiên hạ bằng cách ăn mặc sang trọng, đâu ai biết mình thuộc bên đàng trai hay gái”.

Sự chia vui đó không phải là tùy hỷ công đức, bởi vì nó thuộc phần ăn ké. Ăn ké là cách thức mình không cần nỗ lực vẫn tạo ra thành quả, và khi người khác có thành quả (chưa chắc mình đã vui), nhưng mình lợi dụng vào thành quả đó, để hưởng một phần cho nên sự ăn ké đó là ăn cắp công đức của người khác chứ không phải là tùy hỷ công đức.

Chẳng hạn, mình thấy có người vào ăn cắp một ngân hàng lớn mà mình vui mừng với sự ăn cắp của người đó thì không phải là tùy hỷ mà là thuộc về a dua. Như vậy a dua thuộc về lỗi, và cái tội đó cũng không thua kém gì với cái tội của người ăn trộm trực tiếp, đột nhập để lấy tài sản của người khác biến thành sở hữu của mình.

Như vậy tùy hỷ khác với a dua ở chỗ là: đối tượng và nội dung của tấm lòng chúng ta đặt để đối với những người khác. Chúng ta muốn chia sẻ với người khác về cảm tình, những tâm lý, sự ủng hộ tán đồng, sự khuyến tấn... Nếu nội dung và đối tượng của sự tán đồng và hỗ trợ đó nó thuộc về chiều kích của đạo đức và tâm linh, thì thái độ đó được gọi là tùy hỷ, còn ngược lại thì gọi là a dua tức là đồng tội lỗi.

Hai tâm niệm này chỉ khác nhau trong đường tơ kẽ tóc về nhận thức tuệ giác. Nếu khéo biết cách chuyển tâm thì có vô số công đức theo dạng chia sẻ hạnh phúc với người khác. Biết rằng khả năng và điều kiện hiện có của mình không làm được, nhưng người khác làm được cho nên mình hạnh phúc vui theo. Để góp phần hỗ trợ cho công tác Phật sự, hay cho các chương trình mở mang Phật giáo, hoặc các chương trình từ thiện hay tiện ích xã hội hoàn thành tốt đẹp...

Giá trị của sự tuỳ hỷ công đức rất tích cực, nó là cánh cửa khai phóng tâm của mình ra, để không còn bị vướng bận các giới hạn biên cương, bờ cõi, phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa giữa mình và những người khác, được hanh thông xuyên suốt không bao giờ có những bế tắc.

Sự tùy hỷ có thể được biểu tỏ bằng nhiều cách thức khác nhau.

Thỉnh thoảng quí vị nghe các pháp sư giảng đạo lý phản ánh đúng tinh thần Phật dạy, mình cảm thấy tâm đắc vô cùng, lúc đó vỗ tay thì đó là tùy hỷ công đức.

Đi tham dự chương trình từ thiện, vận động cho các nạn nhân sóng thần bằng lời ca tiếng hát du dương trầm bổng. Làm cho mình lâng lâng nhẹ nhàng và ai cũng chìm vào trong nỗi khổ niềm đau chung với người khác. Mặc dù nó là sự chia sẻ niềm đau nhưng vẫn là tùy hỷ công đức, của công trình phước báu, nhường cơm xẻ áo cho những người đang có nhu cầu về khổ đau.

Hoặc chúng ta cảm thấy thái độ của mình phù hợp với khuynh hướng dấn thân, hành thiện của một người nào đó. Biết rằng mình làm không bằng, nhưng khi nghe kể về người đó thì mình nẩy lên trong đầu những ý tưởng tốt đẹp về người kia, những đức tính đặc biệt mà mình cần phải học ở họ. Hoặc là sự dấn thân phục vụ thì mình chỉ nhớ đến những đức tính tốt của họ mà thôi, cái đó gọi là tùy hỷ công đức.

Có thể chúng ta đã lớn tuổi, sức lao động không còn, lực bất tùng tâm, khi nghe giới trẻ dấn thân làm Phật sự với rất nhiều sự thử thách. Chúng ta không nói cản đà (ví dụ nói “Anh chị còn trẻ, thiếu kinh nghiệm non nớt lắm làm không nổi đâu”). Chúng ta nói những lời rất tích cực “Anh chị hãy làm đi có chúng tôi ở bên cạnh, khi nào gặp khó khăn cứ điện thoại cho tôi biết, tôi sẽ góp ý, tháo gỡ phụ ở mức độ nào hay mức độ đó. Dĩ nhiên là tôi không dấn thân ra mặt nhưng có thể đứng sau lưng để hỗ trợ, do đó anh chị hãy an tâm”.

Như vậy sự tán đồng, khuyến tấn, khích lệ đều là một trong những người bà con rất đắc lực cho hạnh nguyện tùy hỷ công đức.

Chúng ta cần phân biệt sự khác biệt rất hữu cơ giữa tùy hỷ công đức và tính ba phải.

Người có tính ba phải, khi nghe người ta giải thích hoặc quảng cáo, hay truyền thông một nội dung rất hấp dẫn, thì vội vàng định vị, dán nhãn cho những nội dung đó là chân lý. Hưởng ứng điều đó rất tích cực, đến độ cuồng tín. Rồi sau đó khi nghe chỗ khác có nội dung hấp dẫn hơn, mà đôi lúc hai nội dung này đối lập nhau, chúng ta vẫn cảm thấy hài hòa, hân hoan phấn khởi, giá trị đóng góp của nội dung đó không thực tế hoặc là không có giá trị mang lại an lạc cho cuộc đời, thế mà mình vẫn vui theo, đó gọi là ba phải, không thuộc về hạnh Tùy hỷ công đức.

Tùy hỷ công đức khác với những hiệp ước. Hiệp ước là khế ước được ký kết với một người khác, giữa hai đối tác, hai cộng đồng. Chúng ta đặt ra tiêu chí về lợi ích cho hai bên, nếu trở thành thân hữu, liên minh, cộng sự với nhau thì tôi được bao nhiêu phần trăm của sự lợi lạc, anh được bao nhiêu phần trăm, nếu chúng ta thỏa hiệp như vậy thì hãy dấn thân bắt tay vào việc.

Như vậy, cũng là sự tùy hỷ nhưng trong trường hợp này là tùy hỷ có điều kiện, và đặt trên hệ giá trị lợi ích bản ngã nhiều hơn sự dấn thân hỗ trợ, tán đồng một cách vô điều kiện với hạnh phúc và niềm vui của người khác.

Người tu theo hạnh tùy hỷ công đức sẽ không còn vướng bận về ý thức hệ, bởi vì trong quan hệ ý thức hệ có những liên minh. Chúng ta sẽ ủng hộ những người cùng mặt trận, liên minh, đồng đội với mình, còn những người khác thì cô lập họ lại.

Có những hoạt động, đẩy người kia vào trong tình thế, để cho quần chúng thấy sự sai lầm hay những gì chưa được kiện toàn, để họ không tiến tới ủng hộ đối tượng kia nữa. Như vậy, tất cả những hoạt động mang tính liên minh, đối tác, không thuộc về tùy hỷ công đức mà là về khế ước xã hội.

Khế ước đó nếu thuộc về chính trị thì gọi là khế ước chính trị, nếu tôn giáo thì mang những nội dung tôn giáo. Sự lợi lạc của hai bên nằm trên một bàn cân nhiều và ít, mình và người, bạn và thù, do đó nó không thuộc về tùy hỷ công đức.

Chúng ta có thể định nghĩa một cách rất căn bản rằng “Tùy hỷ công đức là thái độ tâm lý được biểu đạt qua những hành động rất cụ thể, về những thành công, những lợi lạc, những sự dấn thân, các cách thức làm Phật sự, mở mang các giá trị tâm linh, sự thăng tiến trên cuộc đời về phương diện thiện và lợi ích, mà mình có cảm giác vui sướng. Về đối tượng của sự đạt được thành công đó có thể là kẻ thù, mình vẫn hoan hỷ với họ, thì cái đó mới thật sự là Tùy hỷ công đức. Còn bằng không nó chỉ tùy hỷ có điều kiện, như vậy nó không phản ánh đúng tinh thần mà đức Phật đã dạy.

GIEO TRỒNG HẠNH TÙY HỶ

Để gieo trồng các hạt giống của tâm tùy hỷ và hạnh tùy hỷ, theo tinh thần nhà Phật cần phải lưu tâm một số điểm sau đây:

Tán dương là một trong những cửa ngõ để mời gọi sự tùy hỷ công đức với sự thành công của người. Chúng ta cứ tưởng rằng, một người tu tập vượt qua tám ngọn gió của thế gian, trong đó có hai ngọn gió của khen và chê, rồi chúng ta nghĩ rằng sự khen tặng đã không còn nhu cầu. Nghĩ như vậy là sai lầm.

Trong kinh A-Di-Đà, bản dịch của Ngài Cưu-Ma-La-Thập, chúng ta thấy sáu phương thế giới của Ta bà, khi nghe Như Lai Thế Tôn giảng kinh, truyền bá chánh pháp trong một thế giới được xác định rằng: Con người sống trong thế giới đó rất cứng cỏi, tâm ý khó ưa, tuổi thọ ngắn ngủi, thân phận hẩm hiu, ý thức hệ luôn bị xung đột đối kháng, luôn bị các phiền não chinh phục và khống chế, thế mà Như Lai Thế Tôn đã truyền bá thành công con đường chuyển hóa tâm linh. Chính vì thế mà sáu phương chư Phật đã ca ngợi tán dương công đức của đức Phật Thích Ca.

Nếu đọc vào bản nguyên tác chữ Sanskrit, thực tế có đến mười phương chư Phật Như Lai, nhưng vì Ngài Cưu-Ma-La-Thập muốn giản đơn, và ý muốn nói rằng tất cả chư Phật trong quá khứ, hiện tại đều tán đồng, tùy hỷ với hạnh nguyện đặc biệt mà Như Lai Thế Tôn đã làm. Cho nên rút ngắn lại chỉ còn sáu phương vẫn đủ nghĩa.

Chúng ta thấy, các Như Lai Thế Tôn đã vượt lên trên tất cả những ngọn gió của khen và chê. Thế mà các bậc Như Lai Thế Tôn khác vẫn ca ngợi, vẫn tán thán. Cho thấy rằng, công việc Phật sự mà một nhân vật tuệ giác đang làm, là đi vào quỹ đạo của chánh pháp. Do đó cần có sự hỗ trợ tinh thần, tán thán về công đức, để cho những hành giả đang tiếp nhận con đường chánh pháp cảm thấy có một niềm tin vững chãi hơn, đối với pháp môn hành trì mà Như Lai Thế Tôn đã giảng dạy ở cõi Ta bà. Như vậy, sự tán dương công đức là một trong những cửa ngõ mời gọi hạnh tùy hỷ và gieo trồng hạnh tùy hỷ một cách rất tích cực.

Trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa có đề cập đến sự kiện: khi đức Phật Tịnh Hoa Tú Vương Trí biết Như Lai Thích Ca truyền bá con đường khai mở tuệ giác, như là một tiềm năng, đánh thức ông Phật đang nằm ngủ trong dòng cảm xúc của con người, Như Lai Thế Tôn rất hoan hỷ hạnh phúc, nên yêu cầu thị giả đắc lực của mình là Bồ tát Diệu Âm sang vấn an Như Lai Thích Ca. Trước khi đi, đức Phật Tịnh Hoa Tú Vương Trí đã nhắn nhủ một điều: Ông đừng tưởng rằng Như Lai Thích Ca ở cõi Ta bà có tướng hảo trang nghiêm như ông. Ở đó, Ngài chỉ có chiều cao 2 mét, còn thân tướng của ông là 4.200 do tuần, mà mỗi một do tuần khoảng 4 mét, như vậy ông là một người rất khổng lồ, so với Như Lai Thế Tôn ở cõi Ta bà. Do đó đừng có nhận định giá trị tâm linh của Như Lai Thích Ca thông qua hình thức của Ngài. Bồ-tát Diệu Âm vâng lời dạy, sang đảnh lễ và gởi những lời chúc tụng tán thán ca ngợi của Thầy mình. Sau đó Ngài Diệu Âm phát nguyện trì kinh Pháp Hoa, và hỗ trợ cho các hành giả hành trì kinh Pháp Hoa, các vị Pháp sư truyền bá con đường đánh thức tiềm năng giác ngộ.

Câu chuyện đó không phải là huyền thoại, mà ẩn tàng một triết lý rất sâu sắc. Muốn nói lên rằng thế giới lý tưởng là một thế giới rất cao siêu, vời vợi, hấp dẫn, rộng và sâu. Thế giới đó không chỉ có chiều cao 2 mét, là thế giới mang lại an lạc, hạnh phúc từ nơi cõi đời khổ đau. Là thế giới mang lại sự chuyển hóa hận thù và có thể đem con đường của lòng từ bi dập tắt hết tất cả những cái thuộc về khủng bố... Thế giới của hiện thực là những cái mà chúng ta có thể nhìn thấy và đạt được.

Như vậy thế giới hiện thực cần phải cúi đầu đảnh lễ thế giới của lý tưởng. Nhưng ngược lại, chính thế giới lý tưởng trên thực tế lại phải qui ngưỡng đảnh lễ thế giới hiện thực. Vì sự hiện thực mới đem lại cho con người nhiều giá trị, còn lý tưởng có thể đẩy con người vào cuộc du ngoạn rất hấp dẫn ly kỳ. Giá trị đạt được trên thực tế rất là ít, so với những gì con người mong đợi.

Mỗi khi đức Phật Thích Ca giảng dạy pháp môn mới, truyền bá những tiềm năng, trao cho hành giả cõi Ta bà những chiếc chìa khóa để khai mở đời sống tâm linh. Lúc bấy giờ chư Phật ở phương này phương nọ đều sai các thị giả hoặc các Ngài đích thân đến tán thán, cúng dường, đảnh lễ cung kính, đó là hạnh nguyện tùy hỷ công đức của ba đời chư Phật.

Hành giả, đệ tử Phật cũng nên ít nhiều ảnh hưởng phong cách đó, để làm cho đời sống tâm linh không chỉ tỏa một vùng ảnh hưởng trong gia đình, mà phải tạo ra vùng từ trường như một mạng lưới giao thông đối với cộng đồng, quốc gia, rộng hơn nữa là liên quốc gia và toàn cầu. Trong cách thức làm như vậy, chúng ta sẽ có được rất nhiều giá trị của sự lợi lạc. Những người thân người thương, những quan hệ đối tác của chúng ta cũng được ảnh hưởng trực tiếp từ những giá trị tích cực đó.

Muốn có hạnh nguyện của sự tán dương, cần phải nỗ lực gọt dũa bớt bản ngã của sự so sánh. Vì nó thường mang lại nỗi khổ niềm đau.

Chúng ta có thể chấp nhận nhờ liên tưởng mà khoa học đã phát minh, chẳng hạn so sánh con chim đang cất cánh bay trên bầu trời mà chế tạo được chiếc máy bay. Từ viên pháo đại của người Trung Hoa mà phương Tây đã tạo ra những quả bom nguyên tử.

So sánh những cái rất nhỏ, như những hạt cát ở bờ biển Nha Trang, Việt Nam, mà các kỹ sư đã tạo ra loại kiếng rất hấp dẫn, khi bị vỡ không tạo ra sự trầy sướt, đổ máu, nó có thể rớt ra như vật kết tủa với những góc cạnh hình tám giác.

Như vậy bản chất của sự so sánh thường tạo ra sự phát minh, điều đó nhà Phật chấp nhận. Tuy nhiên trong cách thức so sánh, chúng ta luôn rơi vào ba tình huống: hoặc là so sánh hơn, bằng, kém.

So sánh hơn, sự ngã mạn cống cao sẽ phát triển.

So sánh bằng, tâm lý tự phụ và ỷ lại gia tăng.

So sánh kém làm cho sự trầm cảm, mặc cảm, tự ti phát triển và nuôi lớn.

Như vậy, so sánh hơn và bằng làm cho con người nghĩ rằng, mình cao hơn người khác một cái đầu, thông minh hơn người khác một tầm nhìn, giỏi và hạnh phúc hơn người khác về phương diện này, phương diện nọ, cho nên mình khó có thể chấp nhận, những giá trị người kia đang có. Chính vì thế, mà hạnh tùy hỷ công đức nó vẫy tay chào chúng ta một cách vĩnh viễn.

Ngược lại đối với những người có tâm trạng mặc cảm tự ti, so sánh kém cứ mỗi lần thấy người khác thành công, mình có thể sinh ra đố kỵ, mặc cảm và cảm thấy buồn tủi. Cho nên tránh né không bao giờ xuất hiện trước quần chúng. Tránh những ngày tuyên dương công đức, phát văn bằng hay những ngày tán thưởng... vì mình không muốn tiếp nhận khi nhìn thấy người khác nở những nụ cười với hàng loạt tràng vỗ tay hoan hô của quần chúng.

Do đó trạng thái mặc cảm tự ti đẩy lùi mình xuống trong chiều sâu của lòng trầm uất. Sự trầm uất này tạo ra các vùng ảnh hưởng, giam nhốt mình trong bốn bức tường của bản ngã. Cuối cùng, thay vì hướng đến sự thành công của người để mình bắt chước và học tập, thì ngược lại trở thành bế tắc trong cách thế mình đang có, đã có một cách rất thấp kém so với những người khác.

Có lần, chúng tôi ra Hà Nội, đi ngang khu phố bán phở, thấy những bảng quảng cáo rất hấp dẫn, “Phở Nam Vang ngon nhất Hà Nội”; đi khoảng chừng mười căn nhà, có bảng quảng cáo khác “Phở Nam Vang ngon nhất nước Việt Nam”. (Phở Nam Vang là phở của người Campuchia, nên người Việt Nam không biết rành, dù có nấu ngon hay dở cũng không biết phở nào ngon nhất, ngon nhì..). Chúng tôi đi một đoạn nữa, thấy có bảng quảng cáo hơi khiêm tốn:“Phở Nam Vang ngon nhất khu phố này” (như vậy ngon hơn Phở toàn quốc).

Những cách quảng cáo đó, quảng cáo tạo ra bản ngã và đặt trên nền tảng trục xoay của bản ngã, không bao giờ thừa nhận người khác ngang bằng mình, hơn mình nên tạo ra cái mark, sự ảnh hưởng hay một cái gì đó để cho người khác đặt những giá trị niềm tin, quan hệ đối tác với mình.

Giá trị quảng cáo đôi lúc chỉ mang lại cho người tiêu dùng bằng 1/2 hoặc chỉ bằng 1/10 giá trị hiện thực của sản phẩm. Chúng ta có thói quen cứ nghĩ rằng cái gì được quảng cáo nhiều, được lập đi lập lại, thì tin rằng nó có những giá trị rất hấp dẫn, nếu không thì làm sao nó có đủ tiền bạc để cung ứng cho công nghệ quảng cáo? Nếu nghiên cứu về các công nghệ này thì biết, cứ mỗi năm, đối với những công ty lớn phải chi khoảng 80% tiền lời vào công nghệ quảng cáo, 20% còn lại họ có thể giàu gấp hai, gấp ba những công ty xí nghiệp không đặt nặng sự quảng cáo.

Bản chất của quảng cáo đều giết chết sự tùy hỷ của mình đối với những người khác. Là Phật tử, làm thế nào để có thể xiển dương ngành nghề mình đang làm mà không thương tổn lòng tùy hỷ công đức.

Nhà Phật dạy chúng ta hợp tác và khởi lên tâm niệm rằng, mình làm ra sản phẩm để phục vụ, mang lại giá trị kinh tế, nhưng kinh tế không phải là tất cả của cuộc đời. Do đó mình nên nghĩ: nếu người khác có làm cùng nghề như mình, thì có thêm người gánh vác công việc giúp ích cho cuộc đời. Nếu như có thêm mười người cùng làm như vậy thì hành lý mình vác trên vai sẽ nhẹ nhàng hơn. Do đó mình nên vui với sự ra đời của những công nghệ, vui với tổ chức hoạt động tương tự với cách thức mình đã làm. Như vậy mình không còn độc quyền nữa mà vẫn đạt những giá trị.

Khi tùy hỷ với người khác thì khách hàng không bao giờ bỏ mình mà ra đi. Chính tâm lý sợ mất, nó sẽ mất. Không sợ mất thì khách hàng lại ngày càng gia tăng, đó là đạo lý nhân quả.

Khi làm ăn, buôn bán với tâm tùy hỷ thì không bao giờ thấy người bạn hàng bên cạnh là đối thủ. Như cách thức ở Việt Nam, hai quán phở sát vách nhau khó có thể nói chuyện thân mật. Nếu thấy thực khách vừa dừng xe thì những người cò mồi chặn xe khách lại, mời họ vào quán ngay. Làm như vậy là biến những người thân trở thành kẻ thù, chúng ta cô lập mình lại bằng giá trị lợi nhuận.

Biên cương giá trị lợi nhuận đó làm cho con người mờ mắt, trong khi tình thân làng xóm quan trọng gấp nhiều lần so với tình thân quyến thuộc bà con của mình ở xa. Dân gian có câu“Bà con xa không bằng láng giềng gần”. Nếu mình buôn bán với thái độ cạnh tranh như vậy, thì làm sao có được những người bạn thân, cứ bán một cách hoan hỷ thì người ta sẽ đến với mình.

Quí vị thấy, nếu có những dãy hàng cùng bán một sản phẩm, thì khách hàng sẽ có lựa chọn rất khác nhau như chọn chỗ đậu xe, cách thức trang trí, trình bày và nhất là người bán hàng có vui tươi, thoải mái nhẹ nhàng hay không. Tất cả những điều đó tạo lực thu hút khách hàng. Thỉnh thoảng chúng ta gặp những tình huống không lý giải được về phương diện logic, phải đặt nó dưới nền tảng của nhân quả, đạo đức thì chúng ta sẽ thấy rất rõ.

Hai tiệm bán cùng một sản phẩm, hai người bán hàng vui vẻ như nhau, vì họ học được nghệ thuật bán hàng, cách lấy lòng khách, chiều chuộng khách. Thế mà một tiệm thì bán rất đông khách, còn một tiệm thì khách vắng tanh. Bởi vì trong quá khứ, hạnh tùy hỷ công đức của người này không có, hoặc là họ dùng những lời lẽ phê bình chỉ trích, để làm cản lực người khác nên họ không có cơ hội tiếp nhận với những cái tốt. Do đó dù sản phẩm họ có tốt đi nữa nhưng khách hàng vẫn dè dặt không mua. Trong trường hợp này, lý giải trên logic, chúng ta sẽ không giải quyết được vấn đề.

Nếu chúng ta bỏ đi bản ngã của sự so sánh, thì lòng cạnh tranh sẽ được thu gọn lại, lúc đó tinh thần hợp tác sẽ được mở rộng. Hơn là cứ lo sợ người khác lấy khách hàng của mình, mà chúng ta cũng không ngăn chặn được quyền tự do lựa chọn của khách. Khi thấy bạn hàng có đông khách để phục vụ, mình nên hoan hỷ, vì người ta có việc để làm, mình bớt đi phần nặng nhọc mà còn có thêm tình làng nghĩa xóm.

BẢN NGÃ ĐỘC TÔN - KẺ THÙ CỦA TÙY HỶ

Chuyện ngụ ngôn ếch và bò

Con bò có thói quen ăn cỏ, sau khi ăn xong thì nằm xuống để nhai lại. Tính cách nhai lại làm cho dưỡng chất của cỏ dưới tác động của khí nitơ trong lòng đất, và sự áp sát lỗ mũi để dưỡng chất đó trở nên tốt hơn, tạo ra sức khỏe và tuổi thọ cho con bò. Khi nhai lại thì cái bụng phình ra và to lên.

Một đàn ếch quan sát, có con thì khen ngợi bụng bò to quá, biểu tượng cho thần tài. Con khác nói không, bò đâu có gì mà khen, tôi cũng có cái bụng tương đương như con bò vậy.

Đồng bọn nói: nếu anh có cái bụng giống như con bò thì anh hãy thử thi thố.

Lúc đó chú ếch bắt đầu thi tài, chú hít vào một hơi thở thật sâu và hỏi đồng bọn: các anh chị xem bụng tôi có bằng bụng con bò chưa?

Một con trong đàn nói: tưởng đâu bụng to lắm, phình ra có chút xíu.

Ếch giận đỏ mặt và yêu cầu hãy quan sát lần nữa.

Anh ta hít thở thêm vài hơi để lấy đà và hít thật sâu, nín thở lại thì bụng trương lên một chút xíu nữa. Anh ta hỏi với thái độ rất đắc chí: Lần này tôi đoán chắc rằng các anh phải thoả mãn lời thách đố của tôi.

Lúc đó bọn ếch nhái nói: cái bụng của anh cũng không to hơn trước bao nhiêu. Anh ta nghe nói tức quá, hít thở, hít thở và nín thở thật sâu. Lúc đó đồng bọn nghe một âm thanh rất đau đớn“bụp”- bể bụng!

Câu chuyện dân gian đó nói lên thái độ ganh tỵ không đồng tình, không hoan hỷ với đặc điểm hay sự đóng góp của người khác về phương diện nào đó.

Về cấu trúc sinh vật của con trâu, con bò có thân hình to, bụng lớn để có thể chuyên chở hành lý hay làm đồng áng, cày ruộng hỗ trợ giúp sức cho con người sinh hoạt được nhẹ nhàng hơn. Còn ếch, nhái là loài sống dưới nước, chức năng của chúng không phục vụ gì nhiều cho mùa màng, nhưng cũng biết báo hiệu cho biết thủy triều lên và xuống.

Nó bị sai lầm ở chỗ đồng hóa chức năng của nó với con bò, vốn bản thân ếch không có những chức năng tương tự, vậy mà nó lại ganh tỵ với những gì con bò có. Thay vì nó phát huy hết những tính cách đặc biệt thì nó có thể đóng góp những vai trò cho cộng đồng.

Tính cách ganh tỵ này là một trong những năng lượng tiêu cực rất lớn. Năng lượng tiêu cực này sản sanh ra các thái độ độc đoán, không đồng tình, không hỗ trợ với những gì về người khác đã có trên phương diện tích cực và lợi ích.

Như vậy hạnh tùy hỷ công đức đối lập với sự so sánh như là một trục xoay, như là sự thu hút tất cả các giá trị của sự tán dương, sự lợi lạc, của lợi nhuận kinh tế về phía bản thân mình mà không muốn chia nhường cho những người khác.

Nhiều người, khi tiếp xúc với đức Phật, đối diện trước Ngài, bày tỏ lòng cung kính rồi cầu nguyện xin Như Lai Thế Tôn hãy gia hộ cho mẹ của con đang nằm bệnh đau trên giường, mong cho bệnh của mẹ được hết, còn những người mẹ người khác, họ đau gấp mười lần mẹ mình, mà mình không tùy hỷ mở lòng ra cầu Như Lai Thế Tôn.

Như vậy là chúng ta đang đặt bản ngã làm trục xoay, và những gì tạo ra sức hút hay bị ảnh hưởng của lực hút bản ngã đó, và nghĩ rằng, mình có tình tương thân với những người đó nhiều hơn những người khác. Chính vì thế, trong sự cầu nguyện, nếu không khéo, chúng ta vô tình làm cho bản ngã gia tăng.

Vì vậy phải phát nguyện để mở rộng tấm lòng rộng rãi với tất cả những người xung quanh. Cầu nguyện cho tất cả chúng sinh trong đó vẫn có mẹ của mình, làm như vậy thì công đức được tăng trưởng hơn.

Chính vì vậy, bản ngã là kẻ thù của sự tùy hỷ. Chỗ nào có bản ngã của cái tôi, thì gai góc mọc đến, hàng rào kẽm gai bắt đầu có mặt, Vạn Lý Trường Thành bắt đầu xuất hiện, trong từng cảm xúc, nhận thức, lời nói việc làm của chúng ta.

Dù đứng trước những thành tựu tốt đẹp về đạo đức của người khác, chúng ta vẫn nhắm mắt làm ngơ, không muốn người khác làm việc đó, chỉ có mình mới làm được việc Phật sự này. Như vậy là chúng ta rơi vào trạng thái rất sai lầm.

Bản chất của bản ngã là sự độc tôn luôn muốn khẳng định mình là “chóp bu” ở mọi lĩnh vực. Trong quan hệ đối, tác mình luôn luôn tìm phần khống chế và phủ trùm phần bị khống chế, để mình trở thành đối tượng quan trọng, xem tất cả đối tác như phần vụn vặt, còn mình là sợi dây của con lật đật, trong nghệ thuật múa rối... tất cả những người khác bị giựt dây bởi mình. Những hành động đó tạo ra kẻ thù, trạng thái không hoan hỷ, tình huống bất đắc dĩ, và sự lựa chọn trong thế bế tắc thôi.

Họ có thể hợp tác với ta vì yếu thế yếu cơ... Tình trạng quan hệ đối tác như vậy sẽ không có tuổi thọ lâu dài, do đó phải loại trừ thái độ độc tôn.

Hẹp hòi thuộc về tâm lý bản ngã, đặt trên nền tảng giá trị kinh tế và lợi nhuận. Chúng ta thường nêu ra những giá trị đó trong bất kỳ mối quan hệ nào. Nói cách khác, mọi quan hệ đều đặt lên bàn cân, nếu phần lợi về phía mình thì tham gia vào, còn không có thì rút lui. Như vậy thái độ hẹp hòi làm cho chúng ta đánh mất rất nhiều cơ hội tán đồng với những thành công của người khác.

Để bỏ được tâm hẹp hòi và độc tôn chúng ta có thể ứng dụng đến mối liên hệ tiền bạc. Người nào có thái độ giống như cái muỗng inoc, nằm trong hũ nước mắm, khi vớt cái muỗng lên thì nước mắm không có thẩm thấu vào bên trong bản thân cái muỗng. Cũng vậy, người đó được xem là không có lòng tham. Nếu cái muỗng của chúng ta là muỗng gỗ, muỗng giấy làm theo công nghệ hiện đại, khi để nó trong bất cứ nước gì, sau một thời gian nó sẽ trở thành một phần của nước đó. Những người như vậy thì tinh thần vị kỷ độc tôn hẹp hòi còn rất lớn, nói chung là bản ngã trương sình to. Người như vậy thì thái độ tùy hỷ công đức khó có thể đạt được lắm.

Nếu là nhà giáo, là những người thầy cần có nhu cầu truyền đạt kiến thức cho thế hệ tương lai, mà giảng dạy không nhiệt tình. Khi thi, ra đề thật khó, để sinh viên đến nhà mình quà cáp mới giảm xuống, thì đó là một sự hẹp hòi về kiến thức, và không có thái độ tùy hỷ. Trạng thái kiến thức này sẽ không phục vụ cho cộng đồng và xã hội, mà ngược lại chỉ muốn tô hồng bản ngã mình lên mà thôi. Những thái độ đó là kẻ thù chung đi ngược lại với lòng tùy hỷ.

Tùy hỷ trong các mối quan hệ bạn bè. Nhiều người, có thái độ độc đoán“Ghét người ghét cả tông chi họ hàng” là một câu nói rất chuẩn xác trong quan hệ thiếu sự tùy hỷ. Dĩ nhiên giữa chúng ta và một người A nào đó có mối quan hệ khập khiễng, không được suôn sẻ. Nếu có thái độ độc tôn và hẹp hòi sẽ buộc những người bạn, thuộc hạ, người thân của mình không được giao lưu đối tác với người mình không thích. Dù bản thân mình không hề có thiện cảm nào đối với tông chi, họ hàng của họ, mặc dù những người đó không hề có mối quan hệ thành kiến lân cận với mình, nhưng mình cũng không đồng tình.

Đó là thái độ bơm phồng và trương sình cảm xúc, nhân rộng cái gút bế tắc giữa người và người, trở thành phổ quát trong các mối quan hệ rộng hơn. Do đó ách tắc giữa mình và người trở thành ách tắc chung, ứng xử như vậy làm cho thái độ tùy hỷ công đức bị giết chết một cách rất tội nghiệp, làm cho mối quan hệ giữa chúng ta và người khác tạo ra những nỗi oan trái rất lớn.

Cái gút vướng mắc chỗ nào thì tháo gỡ ngay chỗ đó, cảm thấy không tháo gỡ được thì tìm cách đào tẩu. Nghĩ rằng mình đã an phận, nhưng theo nhân quả thì cái gút đó sẽ tái phát trong tương lai. Giống như những chứng bệnh chưa trị được tận gốc rễ, khi đến lúc tái phát mức độ của nó sẽ nghiêm trọng nhiều hơn so với lúc ban đầu.

Khi có bất kỳ nỗi oan khiên nào thì nên tháo gỡ dứt điểm, không nên đào tẩu, đừng có chịu thua, để bị gió cuốn trôi, chuyện “ra sao thì ra”. Theo quan niệm “Chẳng biết ngày mai sẽ ra sao, cho dù ra sao cũng chẳng sao”, đó là thái độ rất nguy hiểm. Nếu câu nói đó được áp dụng trong những tình huống khen và chê, thành công và thất bại, phê bình thị phi và chỉ trích, thì cần phải có thái độ “cho ra sao cũng chẳng sao” là tốt.

Để mình thẳng tiến, đồng tình trên lập trường tốt của người khác, đạp lên những dư luận xấu để mà đi. Như vậy chúng ta mới duy trì trạng thái tùy hỷ công đức, bằng không thì dễ dàng bị thay đổi lập trường. Khi nghe người khác nói có tình, có lý, hoặc vì quan hệ tình cảm, tính cách thân mật, liên minh, chủ nghĩa đảng phái... buộc chúng ta theo những cái mà mình không bao giờ muốn. Nhà Phật không bao giờ dạy chúng ta thái độ chấp nhận đơn giản và đánh mất đi những giá trị đạo đức của mình.

Một trong những gương hạnh khác để giúp cho chúng ta có lòng tùy hỷ công đức, đó là phải chấp nhận thái độ tương nhượng. Nói cách khác, dùng thái độ tương nhượng để thay thế thái độ tâm lý loại trừ. Loại trừ là kẻ thù của tùy hỷ.

Nhiều người có khả năng, tâm huyết... do bản ngã độc tôn, họ không thể nào cộng sự với bất cứ đối tác nào trong cộng đồng. Họ luôn đặt trên bàn cân: Nếu có tôi thì anh phải ngừng; nếu có tôi thì bà kia không được cộng sự, tôi và ông bà kia phải là mặt trời và mặt trăng, mỗi người là nửa giang sơn của 12 giờ thời gian, hoặc là ánh sáng hoặc là bóng tối, chứ không có cả hai cùng tồn tại. Thái độ đó làm cho lòng tùy hỷ bị thiêu đốt.

Sự tương nhượng là bước đầu để tạo ra sức sống của tùy hỷ. Tương nhượng có thể chưa là tùy hỷ đúng mức. Nhưng lúc đầu chúng ta thấy được khuynh hướng tốt của người khác, có thể do khác quan điểm nên không chấp nhận. Nhưng chúng ta tương nhượng ở chỗ: nhường cơ hội cho người kia làm rồi mình quan sát một cách khách quan. Nếu họ làm chưa tốt thì góp ý, xây dựng, bằng không, chúng ta có thể tạo những việc làm khác cho mình, chứ không có thái độ chờ đợi người kia làm xấu để phê bình chỉ trích. Vì đó là việc làm của các đảng phái mang tính cách loại trừ, bởi họ muốn tôn sùng chính họ mà không chấp nhận người khác.

Như chuyện hai con dê, sau khi ăn cỏ no nê ở hai cánh đồng, khi trở về trú xứ của nó, con đường duy nhất mà chúng đi qua đó là cây cầu hẹp, hai con cùng đi ngược chiều chung trên cây cầu. Vì chúng không có đèn hoặc kèn báo hiệu nhường đường, cho nên hai con cùng đi và gặp nhau giữa cầu. Cầu hẹp, chỉ đủ một con đi qua chứ không thể hai con cùng đi một lúc. Muốn cho một con đi qua thì con kia phải nép lại, đứng nhón chân lên áp hai chân trước vào trong tường, thì con kia mới lách qua để đi được. Thái độ của hai con dê này không tương nhượng lẫn nhau.

Con dê già nói với dê non: “Này chú em, chú phải học phép lễ độ khi gặp người lớn, chú phải biết tôn kính và nhường bước, chú phải nhường cho bác đi, còn bằng không bác sẽ cho chú một bài học đấy”.

Con dê non háo thắng, khi nghe như vậy cảm thấy bị chạm tự ái trả lời: “Con nghe trong sách sử nói người lớn nhường cho người trẻ, chứ người trẻ không có nhường cho người lớn được. Nếu bác ứng xử như vậy thì con thách đố với bác xem ai hơn ai”.

Lời qua tiếng lại, hai con dê đều nói xong. Kết quả đầu cụng đầu, sừng cụng sừng và húc lẫn nhau, cuối cùng hai con dê đều té vì cây cầu bị gãy.

Thái độ thiếu tương nhượng như là điểm xuất phát, kết quả loại trừ lẫn nhau, và cả hai trở thành nạn nhân.

Nếu học được hạnh tùy hỷ của nhà Phật, lúc đó có thể nêu ra tâm huyết: Người kia biết điều hay không chuyện đó không quan trọng, vấn đề là học theo hạnh Bồ tát, cho nên người lớn phải quan niệm: Bây giờ mình già rồi, dù có đi về trước thì cũng không lợi ích gì, thôi nhường cho con cháu đi qua, để nó biết ơn, học hạnh tương kính những người lớn tuổi.

Nếu đặt mình trong tình huống của dê non thì phải nghĩ ngược lại: Ông bà tổ tiên, thế hệ đi trước là nền tảng, nếu thiếu họ thì thế hệ tương lai không có. Dù sao đi nữa cũng ông bà, bác, chú, cậu, dì, anh chị của mình, nhường một bước cũng chẳng sao. Thôi nhường bác đi trước, mời bác đi. Như vậy thái độ tùy hỷ tạo ra hệ quả của công việc rất tốt, nó có sự tương tri, tương kính, hợp tác và thiện cảm, có được mối quan hệ cộng sự đắc lực về sau này.

Nhường một bước, chúng ta có thể tiến thêm nhiều. Nếu lấn lướt một bước, khi yếu thế hơn mình thì họ phải chấp nhận, nhưng về sau họ sẽ trả đũa. Do đó yếu tố của sự tương nhượng là một trong những thềm thang ban đầu, dẫn hành giả đạt được thái độ không bao giờ loại trừ người khác, và tìm cơ hội giúp cho người khác có thể đạt được những giá trị tĩnh tại, hoan hỷ sớm hơn.

Biết đủ không phải là thái độ cầu an theo kiểu “sao cũng được”. Cầu an là thái độ chấp nhận thân phận dẫn đến tâm trạng bi quan yếm thế. Hệ quả nguy hiểm nhất là chúng ta chấp nhận định mệnh, thời cuộc, và nghĩ rằng với công sức của mình nỗ lực, tâm huyết năng lực không thể nào vùng vẫy khỏi lưới trời lồng lộng. Quan niệm lưới trời làm cho rất nhiều người bỏ lỡ cơ hội để tiến thủ, cách tân, chuyển hóa, làm lành. Do đó phải có thái độ tri túc để có được trạng thái như vậy.

Chuyện kể rằng: Có một con chó vào trong tiệm cơm, nhìn thấy chủ lơ là, chú gắp lấy miếng thịt ba rọi chạy đi. Vừa chạy vừa nhìn về phía sau nên thấy có người đuổi theo, đến cây cầu thì thấy không còn ai hết, nên chú dừng lại để ăn thịt. Khi nhìn xuống cầu, thấy bên dưới là dòng sông và hình ảnh nó được tương phản xuống (chứ không phải có con chó nào khác cả). Nên nó nhìn thấy dưới cầu có một con chó đang ngậm miếng thịt ngon, béo bở hơn.

Vì lòng tham và không hài lòng với miếng thịt đang có trong miệng. Do đó buông miếng thịt, nhào xuống nước để giành lấy miếng thịt kia, nghĩ rằng mình sẽ no nê trong ngày hôm nay.

Sau khi đấu đá với cái bóng của nó dưới dòng nước, mệt mỏi, đuối sức đừ người ra, cuối cùng miếng thịt của nó bị mất, vì con chó khác lấy đi. Từ đó có thành ngữ “Thả mồi bắt bóng” tức là buông cái mồi mình đang có để chạy theo bóng dáng của mồi mà thôi.

Có nhiều người vì lòng tham về cái này cái nọ, nên dẫn đến sự tranh giành với người khác, không muốn người khác được những giá trị, ngon hơn mình. Đôi lúc những cái đó chỉ là bóng dáng phản chiếu thôi chứ không phải là có thật.

Thái độ của lòng tùy hỷ thường thiết lập trên nền tảng sự biết đủ. Khi đối chiếu với người khác thấy rằng thành công của mình là kết quả tất yếu, sau những nỗ lực phấn đấu sẽ đạt được. Người khác phấn đấu nhiều hơn, môi trường điều kiện thuận lợi hơn... cho nên có những giá trị cao hơn. Vì thế mình nên tùy hỷ để họ không khởi lòng tham, sân, si, bất mãn, tranh giành, loại trừ xung đột, đối kháng lẫn nhau dẫn đến nỗi khổ niềm đau trong cộng đồng và xã hội.

XÂY DỰNG VÀ GÓP Ý

Một hạt giống khác cần phải gieo trồng để hạnh tùy hỷ gia tăng đó là: thay đổi tâm lý của phê bình chỉ trích, trở thành chiều hướng xây dựng và góp ý.

Khi được tâm như vậy thì sự tùy hỷ sẽ có mặt. Thấy được và dấn thân vào con đường của xây dựng, chúng ta đã thừa nhận lỗi lầm, sự sơ xuất được xem như thuộc tính của người phàm. Hễ là người phàm ai cũng có những sai lầm lớn và nhỏ, phương diện này phương diện khác, và do đó sẽ không rơi vào chủ nghĩa thần tượng cá nhân.

Chủ nghĩa này thường đặt trên nền tảng của lòng mê tín, cường điệu giá trị của một con người, từ hạt sỏi trở thành tảng đá, từ một tảng đá trở thành một ngọn núi cao... và có thể còn kéo dài nhiều dãy Trường Sơn, nhiều ngọn núi Tu Di nữa.

Cứ mỗi lần phát hiện có những điểm chưa được toàn thiện ở người mình đã từng đặt tất cả tấm lòng với sự thần tượng, chúng ta sẽ bị sụp đổ, rơi vào sự bế tắc và do đó lợi ích của giá trị chánh pháp không còn cơ hội để phục vụ cho đời sống cảm xúc của mình trong cuộc sống, như vậy chúng ta rơi vào trạng thái rất bất hạnh.

Nhà Phật thường dạy hãy tôn thờ con đường đạo đức và chân lý làm Thầy. Ai cũng chỉ là một con người thôi, cho nên họ có những sai lầm, đừng vì những sai lầm đó mà bỏ rơi con đường hành trì chánh pháp. Đức Phật dạy: Y giáo bất y nhân, tức là y vào chân lý, giáo pháp của Phật dạy mà tu tập, người truyền giáo đôi lúc cũng có những khuyết điểm, sai lầm. Nếu chúng ta đến với chánh pháp, không phải đến vì giá trị lợi lạc của chánh pháp, mà đến vì thiện cảm của một ông thầy, hay của một vị Sư cô thì lợi ích không bao giờ có được.

Phải từ bỏ chủ nghĩa thần tượng để có điều kiện, tạo ra lời lẽ khôn ngoan, xây dựng và góp ý người khác, khi chúng ta phát hiện họ có những điểm chưa chu toàn. Thông thường nếu rơi vào chủ nghĩa thần tượng cá nhân, thì chúng ta có thể nâng con diều danh vọng của thần tượng, trở thành con diều bay cao và xa.

Nhưng khi ghét rồi thì có thể chặt đứt sợi dây cho rơi xuống đất, và để bọn trẻ giành giật và xé nát ra thành từng mảnh.

Ai có thể đưa người khác lên tận thiên đường thì trong lúc không còn thích nữa cũng có thể đạp người đó xuống tận địa ngục, đó là quan hệ của bản ngã. Chúng ta ca ngợi họ để hưởng phần lây lan, hỗ trợ họ để cho thấy rằng tôi cũng là nhân vật rất đặc biệt và như vậy chúng ta đang chia sẻ, ăn ké công đức của nhau, chứ chưa phải là đang tùy hỷ việc lành và việc phước thiện.

Do đó đừng chỉ trích và phê bình họ với một ác tâm, bởi vì làm như vậy dù có phát hiện ra họ đang có những lỗi lầm và những điểm chưa chu toàn, thì cũng khó có thể sửa chữa được, vì họ bị va chạm bản ngã quá lớn. Vì bản ngã bị va chạm và thách đố họ sẽ có phản ứng tự vệ. Giống như chất kháng thể của con người có thể tiết ra những chất chống lại những độc tố đang xâm nhập vào trong cơ thể, sự sống. Khoanh vùng là một phản ứng của sự chấp trước, làm cho người đứng một chỗ không thể nào đi tới phía trước của sự tiến bộ về đạo đức.

Thay vì chỉ trích phê bình, hay biến họ trở thành kẻ thù, thì hãy thay đổi khuynh hướng, tạo sự tùy hỷ công đức bằng cách xây dựng. Hãy tin tưởng ở mỗi con người đều có những giá trị, tiềm năng lớn, có điều chưa biết lấy chìa khoá mở kho tàng tiềm năng, vì vậy mà họ vẫn còn hạn chế ở phương diện A, còn khuyết điểm về phương diện B mà thôi.

Nếu chúng ta là người có tầm nhìn của Phật giáo, hãy biến mình thành những ông bầu. Nhìn vào giò cẳng của những cầu thủ trẻ, thì sẽ biết đầu tư cho cô, cậu này 3 năm sau sẽ trở thành một thiên tài. Đầu tư như vậy là người biết xây dựng và góp ý cho người khác được toàn diện hơn.

Nếu chờ họ hoàn thiện, đẹp tốt rồi mới đem về sử dụng thì rõ ràng là hưởng thành quả. Thay vì chúng ta là người đang làm công đức của sự tùy hỷ, thì lại cắt đứt sợi dây tùy hỷ và biến nó thành từng mảnh vụn khác nhau. Dĩ nhiên những mảnh vụn đó không thể nào mang lại những giá trị hỗ trợ cho cộng đồng một cách tích cực được.

Lục tổ Huệ Năng có dạy hai câu trong kinh Pháp Bảo Đàn: khi mình tiếp xúc với một người nào đó mà thấy tâm đầu ý hợp, dĩ nhiên có khuynh hướng phát triển mối quan hệ đối tác. Khi thấy giữa mình và họ giống như lửa với nước, đối lập nhau, thì đừng bắt chước cuộc đời, đó là chống đối loại trừ, ngược lại chỉ cần mình “chắp tay xin hoan hỷ” nghĩa là đường anh anh đi, đường tôi tôi đi, quan niệm như vậy đơn giản lắm.

Đừng để cho cuộc chia tay đó để lại nhiều nỗi hiềm hận với nhau. Sự bế tắc này nếu không được giải tỏa sẽ kéo theo trong tương lai giống như cây gai bị đâm vào lòng bàn chân, không nhổ ra sau này lâu ngày nó sẽ trở thành cục ké, giống như mụn cóc, lồi ra bên ngoài, mỗi lần đặt chân trên mặt đất nó làm mình đau thốn nhói tim, do đó phải tháo gỡ nó ra. Gút mắc chỗ nào thì tháo ra chỗ đó, muốn tháo gỡ chỉ có xây dựng góp ý mới thành công, còn phê bình chỉ trích sẽ kết thêm nhiều kẻ thù và oán hận.

Góp ý phải khôn khéo, có nghệ thuật, tùy lúc tùy thời. Chúng ta góp ý lỗi lầm của người khác khi không có mặt quần chúng xung quanh, còn khi tán dương thì tìm điểm tích cực để nói trước mặt mọi người, làm như vậy sau này chúng ta nói gì họ cũng nghe.

Nếu cái tốt của người mình giấu đi, người ta tốt mười mà mình nói chỉ có một, hoặc ém luôn không nói. Còn khi ai có lỗi nhỏ thì mình khuếch đại lên thì thiện chí giữa chúng ta và người kia bắt đầu bị mất luôn. Như vậy làm cho sự tùy hỷ bị đóng băng, giống như treo sợi dây thòng lọng siết cổ nó lại, hoặc chúng ta đang thiết lập sợi dây kim cô vào cái đầu của sự tùy hỷ, và cái đầu của sự tùy hỷ này bị chết lần, chết mòn trong đau nhức vùng vẫy...

Cho nên lâu lâu chúng ta phải kêu gọi Bồ tát Quan Thế Âm, Bồ tát của sự lắng nghe, cảm thông, tình thương. Khi có ba đức tính tâm lý đó thì vòng kim cô giết chết sự tùy hỷ đó sẽ được mở ra, mình sẽ cảm thấy không gian cảm xúc nhẹ nhàng, dễ thở thoải mái hơn. Nó phải đi bằng cách thức nhẹ nhàng như vậy và ai cũng có thể làm được.

Lúc đầu, phản ứng thói quen của con người chỉ muốn nói chuyện xấu của người khác. Điều xấu lan truyền rất nhanh, giống như vết dầu loang, thả xuống mặt nước tự động nó lan ra, không cần dùng sức gió đẩy. Trong khi đó, một công đức lành giống như viên sỏi, ta bỏ xuống nước nó nằm xuống đáy hồ ngay, nên không ai biết. Thông thường nếu người nào có tính tâm lý độc đoán quá lớn thì sự giết chết tâm tùy hỷ diễn ra kịch liệt hơn. Có thể đánh những chiêu thức, khi gặp người khác họ tạo ra vẻ rất quan trọng.

Ví dụ: Chị lại đây tôi có chuyện này rất quan trọng, chỉ nói một mình chị biết thôi nên phải giữ bí mật. Nếu về sau này có người biết thì chỉ có chị là người nói, chị giữ lời hứa thì tôi mới nói.

Cách thức đặt vấn đề như vậy làm cho người ta quan trọng hóa vấn đề, nội dung mà mình sẽ được nghe. Khi nghe làm mình hạnh phúc lắm, vì có uy tín nên người mới tâm sự. Nghe xong, đem nói chuyện xấu đó cho người thứ hai, thứ ba... Trong vòng mấy tiếng đồng hồ, chúng ta ra chợ ai cũng biết chuyện đó hết. Như vậy chuyện gì bí mật thì khả năng bật mí của nó cao.

Sự truyền bá công đức thì ngược lại, khi nói điều tốt thì người kia phủ nhận và thường nói: “Ôi, ông đó làm gì mà tốt, mấy chục năm về trước tôi đã từng chơi thân với ông, ông ta nhậu nhẹt bê bối lắm, không có tốt đâu...” chúng ta lúc nào cũng thích nói xoi mói.

Mặc dù bản tánh của họ đã được thay đổi, giải phẫu rồi, ngay cả cái sẹo cũng đem giải phẫu thẩm mỹ để xóa không còn thấy nữa. Thế mà chúng ta vẫn cố gắng nói tôi nhớ mấy chục năm về trước chị có cái sẹo ở chỗ này.

Tâm lý xoi mói làm cho mình khó có thiện cảm với người khác, và đi tới đâu người ta cũng dè dặt sợ, có thể dùng từ ngoại giao rất lịch thiệp “Kính nhi viễn chi” nghĩa là tôi kính trọng ông bà lắm, nhưng mà tôi không dám gần ông bà. 

Nhà Nho nói rằng “Cung kính bất nhi phụng mệnh” giá trị của sự ứng dụng hành trì nó quan trọng hơn mình bày tỏ sự quì lạy bên ngoài. Nói cung kính người ta mà không dám làm theo, không dám gần gũi là nghĩa gì. Thay vì nói chị xấu lắm, làm tôi bị ảnh hưởng từ trường sẽ bị trả đũa nên nói “Kính nhi viễn chi”. Tâm lý xoi mói mang lại cách ứng xử như vậy.

Để cho hạt giống của lòng tùy hỷ phát triển thì chúng ta phải gieo trồng, tưới tẩm, chăm sóc hạt giống của thiện cảm, thiện chí, góp ý, xây dựng. Chứ đừng đặt nó vào khuynh hướng của phê bình, chỉ trích.

Sự xây dựng có thể diễn ra dưới hình thức khích lệ. Trong thời hiện đại, có rất nhiều hình thức khích lệ khác nhau. Chúng ta có thể chọn những thiệp điện tử rất đẹp trên Internet. Biết rằng người kia vừa trải qua một cơn sóng gió ba đào, bị quá nhiều lời khống, oan trái. Chúng ta gởi thiệp chúc đưa lên mạng, có thể là hình ảnh một bầu trời rất quang đãng, hoặc một rừng cây xanh bát ngát rất đẹp làm mát con người... Thậm chí không cần ghi một lời nào, nhưng người nhận được sẽ có cảm giác rằng hãy tin tưởng vào tương lai, mây sẽ tan trời sẽ xanh, bầu trời sẽ quang đãng.

Hoặc tặng một hình ảnh có sự tương phản giữa bóng đêm và ánh sáng, nhằm nhắn nhủ với người kia rằng, hãy đi về phía mặt trời thì sẽ bỏ lại sau lưng bóng tối, hãy thắp một ngọn đuốc, thay vì nguyền rủa chúng ta sẽ có ánh sáng để mà đi.

Như vậy khích lệ có thể tăng giá trị của sự phấn chấn, làm cho con người vươn lên từ vực thẳm của khổ đau, mà người đó có thể mang lại giá trị cho chính mình. Nếu là người lợi dụng thì có thể đưa cây gậy cho họ nắm, hoặc đưa bàn tay nắm họ lên, để rồi từ đây về sau họ lệ thuộc mình 100%, làm theo những gì mình chỉ đạo, đó là sự giúp đỡ có điều kiện, chứ không phải là sự tùy hỷ.

Tùy hỷ là chúng ta biết người này có rất nhiều tiềm năng cần phải nâng đỡ, chăm sóc, hộ vệ để cho giá trị tiềm năng đó được sinh sôi nảy nở, kết trái cho cuộc đời, và lúc đó sự khích lệ của chúng ta mang lại giá trị thành công cho người khác rất nhiều.

 

***

 
00:00