Chương V : LỢI ÍCH CỦA SỰ TÙY HỶ

HÌNH ẢNH MỒI ĐUỐC

Kinh Duy Ma Cật, có đưa ra ẩn dụ rất sâu sắc, hình ảnh của một ngọn đuốc. Chức năng của ngọn đuốc là để soi đường, thắp sáng, và giá trị của ánh sáng là tháo gỡ sự bế tắc về ban đêm, để cho người bộ hành không bị vấp ngã, không bị trở ngại, lo sợ tạo ra trạng thái trấn an. Mặc dù cưỡng lực để cho sự trấn an đó được có mặt, nhưng dù sao nó vẫn là giá trị của sự soi đường.

Đức Phật dạy, hành giả phải biến tâm của mình trở thành ngọn đuốc, đừng sợ rằng khi mình mồi đuốc cho người thứ hai, ba, cho đến thứ năm trăm hay vô số... rồi ngọn đuốc của mình sẽ tắt. Càng mồi đuốc lẫn nhau thì ánh sáng được truyền bá khắp mọi nơi.

Chúng ta sẽ nhẹ gánh đi trong mọi công việc đang dấn thân làm, vì đã chia sẻ bớt cho người khác. Hỗ trợ tán đồng tạo điều kiện hoặc truyền thụ những kinh nghiệm mà mình đã trả bằng một giá rất đắt, để cho người khác có thể rút ngắn thời gian thành công.

Cứ mỗi ánh đuốc được thắp sáng thì màn đêm tan biến, và giá trị của sự lợi lạc được phủ trùm khắp mọi nơi. Như vậy trong động tác mồi đèn, chúng ta đã tùy hỷ với sự thành công. Khi tin tưởng người khác làm sẽ thành công là chúng ta đang gieo trồng hạt giống của sự tùy hỷ trong tương lai. Cứ như vậy, hãy gieo trồng và phát huy. Chúng ta tán thán những người đã mạnh dạn biến thân mình trở thành một ngọn đuốc soi đường.

Như vậy, hạnh tùy hỷ công đức là một hoạt động tâm lý lây lan, ngày càng phổ biến, mở rộng từ một phương trở thành nhiều phương, từ không gian nhỏ hẹp trở thành một vũ trụ bao la. Không bao giờ có bất kỳ một hạn định nào có thể tác động tiêu cực đến trạng thái và các hoạt dụng tâm lý hay là hành động cụ thể của hạnh tùy hỷ công đức.

Có anh chàng bị mù từ thuở nhỏ, đi đường không cần đến các vật hỗ trợ ngoài cây gậy. Nó vừa là phương tiện để dò đường, vừa là cách để người ta biết anh bị mù, cho nên nó là công cụ hỗ trợ sự sống rất quan trọng cho anh.

Có lần, anh đến dự lễ Trung thu tại nhà một người bạn. Sau khi chúc mừng anh, người bạn tặng một số quà, và trong đó có một cái lồng đèn được thắp đèn cầy. Anh nói: tôi đã mù hai mắt, liệu ánh sáng này có thể giúp cho tôi làm được gì hay không? Tôi xin ghi nhận tấm lòng tốt của bạn, nhưng bạn hãy chia phần đó cho người khác, vì tôi e rằng không có nhu cầu.

Anh ra về, đi được một quãng đường, sau đó quay trở lại xin cái lồng đèn, vì trong tâm anh nghĩ rằng, khi mình có lồng đèn, người ta sẽ vui với mình nhiều hơn, và tưởng rằng mình không phải là người bị mù. Anh cầm lồng đèn đi rất vui vẻ, ca hát nhảy tung tăng trên đường phố, bỗng dưng, có một chiếc xe đạp lao đến đụng anh một cái phốc, làm cho anh ngã xuống. Anh đứng lên quát tháo và hỏi: có mắt không, đèn người ta cháy vậy mà không thấy, còn lủi vô kỳ vậy? Người đi xe đạp nói: xin lỗi anh tôi không thấy, vì lửa trong lồng đèn của anh đã bị tắt rồi.

Có lúc, chúng ta nghĩ rằng sự hỗ trợ không cần thiết, nhưng trên thực tế nó có một tác dụng rất tích cực. Chẳng hạn như trường hợp của anh mù, có thể anh chưa có nhu cầu cần đèn, mà cái đèn này do người có thiện chí tặng, để giúp anh có niềm vui, có thể đi trên đường và nhiều người tưởng rằng anh là người có mắt, hoặc là để tránh những tai nạn giao thông.

Cho nên chấp nhận sự hỗ trợ của người khác cũng là sự tùy hỷ công đức, để mình tạo điều kiện cho người khác làm công việc lành. Dĩ nhiên điều nên tránh là lợi dụng vào lòng tốt của người khác để có đời sống thuận lợi, đó là chúng ta đang vay nợ. Nhận sự hỗ trợ trong tình huống khẩn cấp và có nhu cầu thật sự là điều nên làm.

Muốn có hạnh tùy hỷ công đức thông qua sự tiếp nhận giúp đỡ của người khác, chúng ta phải ghi nhớ một điều mà đức Phật dạy: Qui trình tương tác giao hệ giữa người và người, luôn luôn có sự thù và tạc. Khi chúng ta giúp đỡ người khác đừng ghi nhận công ơn của mình, sự ghi nhận đó dành cho người tiếp nhận. Nếu họ hiểu được thì tốt, không hiểu được cũng không sao. Bản thân khi nhận một ơn nghĩa thì đừng bao giờ quên, như vậy là chúng ta làm trong trạng thái vô ngã.

Nhờ vậy, chúng ta sẽ không buồn bực phiền não, khi người kia trả ơn mình bằng những hành động oan trái. Tiếp nhận sự hỗ trợ tích cực của người khác trong tình huống khẩn cấp cũng là một trong những cách thức để dẹp bỏ lòng mặc cảm và tự ti.

Nhiều người có thái độ như: Tôi sẵn sàng giúp đỡ người khác, lấy sức lao động của mình làm việc quần quật, để có gia tài và sự nghiệp đem đi hỗ trợ cho cộng đồng và xã hội, nhưng khi tôi lâm vào hoàn cảnh khó khăn, không bao giờ nhận được sự chia sẻ của người khác. Điều này không tốt lắm vì đó là một phản ứng của bản ngã. Mình chỉ hạnh phúc khi mình làm được điều tốt, nhưng không muốn người khác hạnh phúc khi làm được điều tốt đối với bản thân mình. Như vậy thông qua mặc cảm bản ngã đó làm cho hạnh tùy hỷ công đức giảm đi rất rõ rệt mà đôi lúc chúng ta không nhận ra.

Kế đến cần phải loại bỏ tâm thành kiến và gieo trồng hạt gống của sự thiện cảm mới có thể làm cho hạnh tùy hỷ được lớn mạnh.

Thành kiến là cách thức mà chúng ta dán nhãn lên một đối tượng. Đối tượng đó có thể là một con người, sự kiện, phong trào, cộng đồng...

Khi dán nhãn lên một đối tượng tức là dán lên nhận thức một cặp kính màu, liên hệ đến quá khứ của người kia. Chẳng hạn, thuở nhỏ người này đã từng trộm cắp, hoặc người kia đã từng làm nghề mánh khóe, bây giờ họ đang vận động từ thiện giúp đỡ cho những người nghèo. Lúc đó chúng ta đi gieo rắc lòng nghi hoặc ở trong cộng đồng, nói rằng, quá khứ của người này xấu lắm, và bây giờ nếu mình nghe lời họ thì không khéo gieo trồng những lỗi lầm, để cho người kia biến của công trở thành của riêng, hoặc thông qua tình thương để nuôi dưỡng giá trị bản ngã. Nói như vậy mà không hề có bằng chứng để chứng minh được rằng người đó có những tánh cách xấu vừa nêu. Ngược lại trên thực tế, có thể rất tốt vì họ đang muốn chuyển hóa nghiệp xấu đã làm.

Khi có thành kiến, nhìn con người thông qua quá khứ 10, 20 năm trước thì chúng ta vĩnh viễn đánh mất cơ hội thừa nhận sự cách tân và làm mới về đạo đức của họ trong mấu chốt đời sống đạo đức của hiện tại. Thói quen nhìn nhận con người phần lớn là qui vào trục xoay của những gì đã qua.

Có lần chúng tôi nghe Hòa thượng Thanh Từ kể: Mỗi lần về Vĩnh Long thuyết pháp, Hòa thượng khó thành công lắm, vì những bô lão trong làng cứ mỗi lần gặp Hòa thượng lại gọi “Chú Bảy khỏe không chú Bảy? Lâu lâu mới gặp anh em một lần, chú đến uống ly trà cho vui”.

Họ nói rất thân tình chứ không hề có dụng ý gì xấu cả. Nhưng khi gặp một vị tu trẻ ở nơi khác đến, không hề bà con quyến thuộc gì thì các bô lão nói: thưa Thầy, cho con trình bày chuyện này thế này, thế nọ... còn đối với Hòa thượng thì gọi bằng chú Bảy, chú Tám. Qua đó cho thấy, con người thường nhìn người khác bằng quá khứ của người đó. Mình có nhiều kỷ niệm với người đó trong thời còn tuổi thơ, và kỷ niệm này rất đẹp, đến độ khi người này trở thành một vị cao Tăng, ấy thế mà vẫn nhìn người đó của 60 năm về trước. Còn vị Tỳ kheo trẻ thì không hề biết gì về họ, cho nên nhìn với giá trị của một vị Tỳ kheo.

Nhìn người khác bằng một thành kiến, dù không phải là thành kiến xấu, nhưng chỉ với một thành kiến đóng khung trong quá khứ thôi, cũng làm cho chúng ta đánh mất cơ hội tùy hỷ công đức với những công trình Phật sự mà người đó đã làm. Trong khi, người khác không thể nào làm bằng dù chỉ 1/10.

Hòa thượng đã từng xuất gia, lớn lên tại đây với tư cách là một chú tiểu, bao nhiêu người nhìn Hòa thượng dưới góc độ của mấy mươi năm trước, của một chú tiểu đã từng quen.

Có lần Hòa thượng giảng về Bát Nhã Tâm Kinh, đọc đến câu Quán Tự Tại Bồ tát hành thâm Bát Nhã Ba la mật đa thời..., người ta đứng lên, đi ra hết phân nửa thính chúng. Chưa bao giờ Hòa thượng bị thất bại trong giảng pháp, nhưng đối với những người bản địa đã từng quen biết mấy mươi năm trước thì bó tay. Về sau này, mỗi lần xuống Phước Hậu, Hòa thượng cho đệ tử giảng thì lại thành công.

Do đó, khi nhìn người khác bằng thành kiến quá khứ nên không chấp nhận sự tiến triển, thành công và giá trị đóng góp mà họ có thể mang lại cho xã hội. Đối lập với thành kiến trong quá khứ, vì vậy chúng ta phải gieo trồng hạt giống của lòng thiện cảm.

Thiện cảm là cặp kính hiển vi giúp ta nhìn thấy rõ thiện chí của người khác lớn hơn. Có thể thấy được giá trị về sự đóng góp của những người mình không thích, hoặc chưa từng có quan hệ đối tác. Khi thấy được như vậy, cứ mỗi lần nghe đến công việc, cách thức dấn thân là chúng ta tán đồng, hoan hô khích lệ người khác cùng đi nghe, sự trợ tán đó rất là tích cực.

Khi chúng ta gieo trồng sự trợ tán, thì lòng thiện cảm được thiết lập. Chúng ta cũng có thể đi từ sự thiết lập dẫn đến sự trợ tán, hay từ trợ tán mở mang sự thiết lập; cả hai chiều đó đều mang giá trị hỗ trợ rất lớn cho lòng Từ bi. 

Thiện cảm với một người không nhất thiết phải ca tụng người đó một cách cường điệu, đến độ làm cho họ  trở nên thành người cống cao, ngã mạn. Làm như vậy là chúng ta đẩy họ vào phiền não và khổ đau. Nên ca ngợi họ một cách có nghệ thuật, để ngày càng phấn đấu vươn lên.

Chúng ta thấy ba đời chư Phật không tán thán Như Lai Thế Tôn “Làm những việc mà mười phương chư Phật không làm được”, các Ngài nói rằng: “Như Lai Thế Tôn làm những việc hy hữu trong cuộc đời”, tức là làm những việc rất khó làm, mà việc khó làm đó nhiều người làm được lắm. Như vậy trong sự tán thán đó không có mũi giáo làm tăng trưởng bản ngã, không có cách thức đẩy người kia vào sự cống cao và ngã mạn. Ngược lại làm cho họ tự tin vững chãi, và những người theo sự hành trì đó cũng mang lại những giá trị an lạc thảnh thơi nhiều hơn.

Mở rộng lòng thiện cảm, là chúng ta thừa nhận những giá trị hiện tại của họ. Khi thừa nhận giá trị trong hiện tại chúng ta sẽ tiếp nhận những công đức mà họ có thể đóng góp cho cộng đồng, có thể trước đây chúng ta đã từng là chủ nhân, là người lãnh tụ, đã từng là người có rất nhiều ảnh hưởng mà bây giờ người khác thay thế, mình vẫn hoan hỷ chứ không nghĩ rằng thế hệ sau này hay hơn, thành công hơn, nên sợ ảnh hưởng của mình mất đi. Đạo lý nhà Phật dạy chúng ta hoan hỷ với sự thành công chứ không sợ hãi sự thành công đó.

KHAI THÁC GIÁ TRỊ TÍCH CỰC

Một hạt giống khác nữa là cố gắng tìm kiếm những giá trị tích cực ở những con người khó ưa. Tìm kiếm những giá trị tích cực ở những con người dễ thương thì dễ lắm. Bởi vì cảm xúc đồng thuận của con người làm cho người ta có tánh nịnh, khen chút xíu, và biết rằng người mình thương giá trị chỉ có 50 mà mình nói đến 100.

Ví dụ: Khen một người bạn: Hôm nay em đẹp lắm, mặc bộ đồ này đẹp vô cùng làm cho em trẻ hơn từ 10 đến 20 tuổi. Khen như vậy làm người kia có cảm giác lâng lâng, tận mây xanh. Nếu người đó là người câu chấp về chữ nghĩa, văn chương thì họ còn buồn hơn. Chẳng lẽ anh nói những ngày hôm trước em không đẹp sao? Như vậy mấy mươi năm qua mặc những chiếc áo khác trở thành người xấu xí hay sao?

Trong cách thức tán thán, chúng ta hay tìm những điểm tich cực một cách quá mức, mà thiếu những giá trị của hiện thực thì chính lời khen đó đang đẩy người khác vào không trung, không có chỗ đứng. Nó có khoảng trống giữa hiện thực và cái mơ tưởng, sẽ diễn ra theo kiểu hai đường rày của chiếc xe lửa, mãi mãi vẫy tay chào nhau chứ không bao giờ gặp nhau ở một điểm giao thoa nào đó.

Cho nên tìm giá trị tích cực của người khác, để thấy được rằng trong cuộc đời này không có người nào là vô dụng, xấu tuyệt đối, tàn nhẫn, ác đức một cách như chúng ta đã liên tưởng. Khi nhìn thấy ở con người có một giá trị tích cực, thì bỗng dưng mình cần có sự phấn chấn vươn lên, tiếp xúc giao lưu, đối tác để nâng đỡ, làm cho người đó thay đổi cuộc đời.

Sự tách biệt giữa mình và người sẽ làm cho nhịp cầu cảm thông bị mất đi, và do đó mình và người kia luôn luôn đứng ở hai chiến tuyến khác nhau. Dù cho chúng ta có thiện chí như thế nào đi nữa, thì cũng vẫn không giúp ích gì cho người đó được. Chính vì thế trong đạo lý nhà Phật dạy phải đồng sự.

Muốn đồng sự thì mình phải mang thân phận của người ta, giả dạng cảnh huống như họ đang vấp phải. Nói cùng ngôn ngữ, thể hiện từng động tác giống nhau để “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” cho người kia cảm thấy, giữa mình và họ là những người thân hữu chí cốt với nhau, lúc đó chúng ta mới có thể xây dựng góp ý.

Muốn làm được như vậy ít nhất phải nhìn thấy ở con người đó có những điểm tích cực, để mỗi lần thấy cái sốc của họ chúng ta không lên án, phê bình chỉ trích, không biến họ thành kẻ thù. Cố gắng kéo họ trở về bên con đường thiện ích, con đường của đạo đức. Còn đẩy họ về thế giới của nhất xiển đề, thì ngày càng khổ đau nhiều hơn.

Đạo lý Bồ tát không cho phép chúng ta làm việc đó, cần phải gần gũi rất nhiều đối với những con người đã mang nỗi khổ niềm đau cho mình. Việc làm này có thể khó lắm, nhưng không phải không làm được.

Nếu như mọi vật trong cuộc đời diễn ra theo một qui trình tương tác, tương thuộc lẫn nhau, thì sự thành công và chuyển hóa nhân cách của con người phải dựa vào nhiều yếu tố. Vấn đề đặt ra là phương pháp thực hiện những yếu tố này như thế nào, để giúp cho người kia trở thành con người hoàn toàn mới.

Trong Tam Quốc Chí, có một nỗi oan trái giữa Quan Công và Tào Tháo. Tào Tháo là kẻ gian hùng, ông đã từng mang lại nỗi khổ niềm đau cho rất nhiều người thậm chí cả dân tộc Trung Hoa, bởi vì ông có mộng bành trướng muốn thống nhất cả sơn hà về một mối, dưới góc độ phục vụ lợi ích cho bản ngã nhiều hơn cho đại nghĩa của dân tộc.

Trong khi đó Quan Công có tính cách hoàn toàn đối lập. Thời còn hàn vi, Quan Công đã từng được Tào Tháo trọng dụng ưu đãi, ơn nghĩa đó Quan Công không bao giờ quên, bởi vì đạo lý của người chánh khí luôn luôn muốn đền ơn những người đã giúp mình thành công.

Sau này, khi trở về phò Lưu Bị, Quan Công vẫn còn nhớ đến ơn nghĩa đó. Khổng Minh Gia Cát Lượng đã nhiều lần yêu cầu Quan Công giết chết Tào Tháo để diệt trừ hậu hoạn, thế mà đã hai lần ông đều tha. Đến lần thứ ba, Gia Cát Lượng biết Quan Công sẽ làm tương tự, cho nên yêu cầu ông ký một hiệp ước, nếu như trái lại quân lệnh thì phải bị tội chém đầu.

Trong lần thứ ba này khi ra chiến trường Quan Công cũng không chém người dưới ngựa nên tha tội cho Tào Tháo. Ông nhìn thấy được, ít nhất Tào Tháo cũng biết trọng dụng nhân tài, chiêu hiền đãi sĩ, nhưng về sau ông độc đoán, có sự nghi kỵ và bản ngã quá lớn, đã làm cho ông mất đi những đức tính tốt ngày xưa. Cho nên Quan Công không nỡ lòng giết những người có giá trị đẹp, đã từng có sự cống hiến, giúp đỡ mình... cuối cùng ông chấp nhận theo quân lệnh bị xử chém, và nhờ Lưu Bị giải vây, yêu cầu Gia Cát Lượng tha tội chết.

Nhìn thấy điểm tích cực ở một con người, dù người đó là gian hùng tội lỗi, là nhất xiển đề, mang lại rất nhiều ân oán giang hồ, trong đó thân nhân quyến thuộc, bản thân mình đã từng là nạn nhân, thì chúng ta mới có thể tháo gỡ sự hận thù với người đó. Khi nhìn thấy điểm tích cực thì chúng ta mới hoan hỷ với những thành công mà người đó đang làm, hoặc sẽ làm trong tương lai.

Một người xấu đến đâu đi nữa họ vẫn có những cái tốt, đạo lý nhà Phật dạy như vậy. Bởi vì hạt giống Phật tính trong chúng sinh không bao giờ mất, dù trải qua sinh tử luân hồi, cách ấm quên hết những giá trị tốt đẹp của đạo đức, thế mà họ vẫn còn những giá trị tốt đẹp nào đó.

Bộ phim Bạch Tuộc, nói về mạng lưới Maphia ở nước Ý. Trùm Maphia này là những người khát máu, không hề có nhân tính với những đối thủ. Họ có thể ra tay trước “Tiên hạ thủ quy cường” để giết những đối thủ đang cạnh tranh với mình, và ngay cả chính quyền họ cũng sát phạt, khủng bố mang lại rất nhiều nỗi sợ hãi gieo rắc khắp mọi nơi.

Khi tìm hiểu đời sống gia đình của họ, có người lại thương yêu con cá một cách mà chúng ta chưa từng thấy. Họ thương đến độ, khi bị cảnh sát liên bang đến bắt, ông ta sợ con cá bị chết, vì thấy kiếng trong hồ nước bị vỡ. Ông bắt con cá đem vào hồ nước trong nhà tắm thả, sau đó ông mới đi. Sự việc diễn ra như vậy trong khoảng thời gian chạy. Cuối cùng, ông ngã ra chết ở ngay trên mặt hồ, khi vừa đặt con cá xuống nước.

Một người khác thì lại thương con chó một cách kỳ lạ. Trong khi cha mình thì không thương, mẹ không kính, đàn em nếu có ý nghĩ ngược lại thì có thể thủ tiêu và thanh toán. Thế mà người đó có thể thương yêu con chó một cách trung thành chưa từng thấy. Đi đến đâu, cũng mang theo thậm chí trong nguy khốn vẫn có thể ôm nó mà chạy, vì sợ con chó chạy ra người ta phát hiện ra mình đang trốn, nên ôm chó để chạy chứ không dám bỏ.

Những góc độ đó cho thấy rằng, chất liệu của sự giác ngộ vẫn đang còn tiềm ẩn trong những con người đã gây quá nhiều khổ đau cho cuộc đời. Họ không còn nhìn thấy lương tâm và đạo đức nữa, thế mà mầm sống giác ngộ vẫn không chết đi.

Thấy được điều này để chúng ta cố tìm những điểm tích cực của người khác mà dễ dàng cảm thông, và dễ dàng thiết lập lòng tùy hỷ. Khi nghe họ tuyên bố rằng, tôi sẽ làm mới cuộc đời thì chúng ta tin và hỗ trợ để họ có cơ hội làm lại cuộc đời.

CHUYỂN HÓA NHÂN CÁCH

Các trung tâm cai nghiện, trung tâm giáo dục có nhiều hoạt động rất quan trọng để cải đổi nhân cách của con người. Nhà tù, hay sự trừng phạt, tử hình chỉ là cách giảm đau đối với nhân loại, cộng đồng mà thôi.

Chúng ta cầm tù những người gây ra tội ác, chỉ có thể ngăn chặn, không tạo cơ hội cho họ mang lại khổ đau cho người khác. Nhưng chúng ta vĩnh viễn không nhổ được hạt giống khủng bố, bạo hành, giết chóc, cướp đoạt... trong tâm, vì họ chưa được khai phóng.

Muốn cuộc đời này được an bình thì hãy nhìn thấy những điểm tích cực, để phát huy con đường, giá trị hay chương trình của sự cải tạo. Cải tạo không phải theo cách thức trừng phạt mà phải tạo chất xúc tác cho họ làm mới cuộc đời.

Phật giáo Đài Loan và Thái Lan huấn luyện những tù nhân này rất hay. Chúng tôi đã từng đi tham quan những nhà tù ở Thái Lan. Lệ thường, vào những ngày Chủ nhật, khi biết quần chúng Phật tử trở về chùa sinh hoạt rất đông, họ khuyến tấn tất cả các tù nhân đến chùa làm công quả. Sau khi làm việc xong, nghe pháp, ngồi thiền. Tối về, những tù nhân này viết lại tờ tường trình theo yêu cầu của các nhà Sư, nói về cảm xúc khi làm việc thiện, nghe pháp, ngồi thiền và chia sẻ những lợi ích đó cho những trại tù nhân khác.

Nếu ai làm được điểm xuất sắc, đoạt thủ khoa trong các kỳ thi, thì giảm mức tù từ chung thân còn 20 năm, những người đang ở mức án 20 năm sẽ giảm xuống còn 10 năm,v.v... Đó là một trong những cách ân xá, khi nhìn thấy được những điểm tích cực của người khác, để chúng ta vui với sự làm mới, cách tân, nỗ lực của họ. Bằng không chúng ta nghĩ rằng đây là đối tượng đáng chết mới có thể làm thỏa mãn khổ đau của nhân loại.

Nghĩ như vậy, hạt giống của sự xấu xa đó sẽ bị ức chế. Khi tái sanh trong tương lai, những con người đau khổ này sẽ mang theo trong lòng sự hận thù và những hạt giống xấu. Cuối cùng họ vẫn tiếp tục làm những việc không tốt; vĩnh viễn đắm chìm trong sự khủng bố và hoảng sợ.

Do đó tháo gỡ sự khổ đau từ ngay gốc rễ, hơn là chặt đứt những ngọn nhánh bên ngoài. Nếu như sợi dây chùm gởi trên thân cây Bồ đề, làm cho cây Bồ đề mất giá trị, thì không lý do gì phải chặt cây Bồ đề. Vấn đề ở chỗ, chúng ta phải khôn ngoan, tháo từng sợi dây chùm gởi bỏ đi và giữ nguyên cấu hình của cây Bồ đề.

Như vậy là chúng ta nhìn thấy được tiềm năng của cây Bồ đề, thấy được tính chất tích cực của nó. Ít ra là nó cũng cho bóng mát. Những hạt của nó khi rơi xuống có thể cho chim ăn, có thể nhặt lên kết thành những xâu chuỗi, để trở thành những công cụ hỗ trợ cho các hành giả Tịnh Độ an tâm đi vào thiền chỉ. Để có được vắng lặng nhẹ nhàng thảnh thơi, và từ đó tâm mình bỗng dưng xa lánh những ân oán giang hồ, xa lánh những phiền não khổ đau trong cuộc đời.

Thấy được tiềm năng, hay những giá trị tích cực ở người kia, mặc dù rất nhỏ như là một điểm nhỏ nhoi thôi, nhưng chúng ta vẫn có niềm tin người kia sẽ làm mới lại cuộc đời. Muốn làm mới thì phải thông qua con đường giáo dục và chuyển hóa.

Sự trừng phạt sẽ làm cho họ bị khủng hoảng hoặc chai lì. Vì họ lo sợ nên từ bỏ sự chuyển hóa. Như vậy, hạt giống của sự thăng cấp, đâm thuê, chém mướn vẫn còn. Chỗ nào không còn sự khủng hoảng thì họ sẽ làm cho hạt giống này phát huy những tật xấu một cách có nghệ thuật và khôn ngoan hơn, cuối cùng xã hội vẫn rơi vào sự bế tắc.

Nếu chúng ta giúp họ chuyển hóa tâm hồn là đã thay đổi hạt giống từ tiêu cực trở thành tích cực, như vậy, xã hội bớt đi nỗi khổ, niềm đau.

Đừng để rơi vào cực đoan cho rằng hễ bàn tay này đã từng ăn cắp, thì chặt đứt bàn tay đó giống như trong thế giới của Hồi giáo hay Do Thái giáo và Thiên Chúa trong giai đoạn đầu.

Khi phát hiện người phụ nữ nào sai lầm, không chung thủy với chồng thì ném đá cho đến chết. Sự việc ném đá đó dẫn đến cái chết có làm cho người kia thay lòng đổi dạ được hay không? Chắc chắn là không? Nhưng tại sao những người đàn ông ngoại tình lại sống nhởn nhơ trước pháp luật? Như vậy là đặt quá nhiều sự kỳ thị về phụ nữ.

Trong ngôn ngữ Trung Hoa, chúng ta thấy xuất hiện sự kỳ thị nhiều nhất, cái gì liên hệ đến cái xấu đều đặt cho bộ nữ ở bên cạnh (ví dụ trong chữ gian thì có bộ nữ).

Như vậy, trong cách thức biểu đạt ngôn ngữ liên hệ đến phong tục, tập quán, văn hóa của dân tộc, nó tạo ra sự phân biệt đối xử. Từ đó, tạo ra rất nhiều thành kiến làm cho mình không bao giờ nhìn thấy được điểm tích cực ở những người khác giới tính với mình.

Đức Phật là người đầu tiên trong lịch sử nhân loại, bao gồm cả tôn giáo và triết lý, đã nhìn thấy tiềm năng rất lớn của người nữ. Ngài là người đầu tiên chấp nhận người nữ trở thành một hành giả. Điều này đi ngược lại truyền thống mấy ngàn năm của nền văn hóa Ấn Độ giáo, do đó Ngài bị rất nhiều sự phản đối lên án, thế mà con đường chân lý luôn vượt lên trên tất cả những tiếng nói của cuộc đời.

Chân lý vẫn là chân lý, nhờ như vậy mà Ngài sản sanh ra rất nhiều vị Thánh giả là nữ. Trong bộ Trưởng Lão Ni kệ, chúng ta thấy triết lý, tầm nhìn xa, các giá trị của sự dấn thân phục vụ con đường hành trì tu tập của các vị Tỳ kheo Ni, không thua kém gì so với tầm vóc của những vị Tỳ kheo, thậm chí có những bài hay hơn của Trưởng Lão Tăng kệ.

Khi nhìn thấy những giá trị tích cực ở mọi người, chúng ta hãy tạo lòng tin, để cho họ phát huy những khả năng đã có. Nếu không tin có sự thay đổi là chúng ta đang khóa khả năng của họ lại, làm cho họ không thể nào vẫy vùng, tiến bộ được, kết quả cuối cùng chúng ta đánh mất rất nhiều cơ hội để phát huy chất xám của gần như 2/3 dân số trên thế giới.

Trong giáo đoàn Tăng già, đời sống tu tập cũng vậy, 2/3 tu sĩ là nữ, 1/3 là tu sĩ nam, và Phật tử có 3/4 là Phật tử nữ, 1/4 là Phật tử nam. Trong 1/4  người nam thì có 50% là những người già. Như vậy, nếu phân biệt giới tính nam và nữ, chúng ta đánh mất rất nhiều cơ hội, để cho các hạt giống tiềm năng này đóng góp giá trị của họ cho cuộc đời.

Cho nên mình cứ nghĩ họ và mình như hai cái vai, một người phải có hai vai thì mới tạo ra sự thăng bằng. Nếu chỉ có một vai, dĩ nhiên người đó sẽ không tạo thành sự sống. Nếu như chúng ta gánh vác một vai thì cũng sẽ bị đau cột sống, cuối cùng phải bỏ cuộc giữa chừng, trên lý tưởng Phật sự mà mình làm không hết. Đó là sự bế tắc và bất hạnh cho cả chúng ta lẫn những người bị đặt giá trị của sự phân biệt giới tính nam và nữ.

Như trên đã trình bày một số góc độ liên hệ đến các hạt giống gieo trồng cần thiết, để chúng ta thiết lập được tâm hạnh của lòng tùy hỷ với thành công và đạo đức của những người khác.

Khi trình bày và chia sẻ các góc độ đó, chúng tôi chỉ muốn nói lên một điều rất căn bản là đạo lý nhà Phật dạy không có kẻ thù. Có thể chúng ta thấy những sai lầm của người khác trong quá khứ, họ đã từng mang lại khổ đau cho chúng ta. Nhưng hãy tin rằng, qui luật vô thường và thay đổi, nên tất cả những cái xấu đó sẽ được làm mới, sẽ được chuyển hóa. Con người xấu không còn xấu nữa.

Do vậy, khi nghe được những tin tức nào về những kẻ thù, họ đang làm lành lánh dữ thì nên nở nụ cười hoan hỷ. Hoặc chúng ta có thể cất lên tiếng vỗ tay như một thách đố, công án để thấy được rằng tất cả những thứ mà chúng ta cho là không thể xảy ra, mà bây giờ đang là hiện thực.

Nhìn được như vậy, ở đâu chúng ta cũng thấy an lạc, thân thương như quyến thuộc... chứ không cần phải sanh về Tây phương Tịnh Độ, mới thấy quyến thuộc, Thánh nhân.

Với tâm tùy hỷ, cái nhìn tuệ giác thì mọi người, dân tộc, thậm chí những người khác tôn giáo vẫn không phải là mấu chốt để mình khó chịu, mà còn vui với họ. Nhờ vậy giá trị thành công của mình được gia tăng.

TÂM TÙY HỶ NGANG BẰNG VỚI SỰ DẤN THÂN

Hành động tán đồng về tâm vẫn tạo ra năng lượng tương đương với sự dấn thân trực tiếp. Trong kinh Duy Ma Cật, đức Phật có đưa ra hình ảnh “mồi đèn”.

Những người hẹp hòi luôn có thái độ so sánh, họ cho rằng khi đèn của mình mồi sang đèn người khác thì giá trị độc tôn không còn nữa. Vì sợ ánh sáng sẽ được thắp ở những chỗ khác, mà chỉ muốn tất cả phải qui về chính mình.

Thái độ đó không có lợi. Vì nếu ngọn đèn của mình bị tắt thì vĩnh viễn trên cuộc đời này không có ánh sáng. Vì vậy, đừng hẹp hòi bằng cách quan niệm rằng, một ngọn đèn truyền ra trăm ngọn thì ngọn đèn nguyên thủy không còn nguyên vẹn. Ngược lại, giá trị của sự mồi đèn, truyền thừa có thể nhân từ cấp số cộng cho đến cấp số nhân, từ một nâng lên 100, 1000 lần, vô số lần, vô cực... Lúc đó giá trị của ánh sáng phổ cập quần chúng ngày càng lớn hơn. Như vậy, tùy hỷ công đức là hạnh truyền thừa đặt trên nền tảng bằng cái tâm của con người nhiều hơn.

Có những trường hợp dấn thân với tính cách là một cộng tác viên, cộng sự viên, đối tác viên thì những cái đó không còn là tùy hỷ công đức, mà nó phải đồng hành. Tức là cùng trực tiếp tham gia một cộng nghiệp có sự lựa chọn về phương diện nhận thức, tâm lý, thái độ và chủ trương. Dĩ nhiên tùy hỷ có những lúc không có cơ hội để tham gia trực tiếp, có thể là sự bày tỏ thái độ đồng tình.

Trong ngày Bố tát của tu sĩ, các biểu quyết có phần “Gửi dục và nhận dục”.

Ví dụ: ngày hôm đó có một biểu quyết về chương trình tu tập trong tập thể Tăng gia mà mình không có mặt vì lý do Phật sự, nên mình nói gửi dục, tức là gửi niềm ao ước, quan điểm thái độ của mình lại cho người pháp hữu nào đó. Vị đó phải tường trình trong cuộc biểu quyết đó rằng thầy A, thầy B đi vắng, và có nhắn lại cho chúng, tôi hôm nay nếu Tăng đoàn có chương trình, chính sách gì có lợi ích cho tập thể và đại đa số thì hai thầy đều hoan hỷ chấp nhận để làm theo và bất cứ một phân công nào, các thầy đều lãnh trách nhiệm thi hành tốt đẹp. Đó là trạng thái gửi dục và nhận dục.

Khi chúng ta bày tỏ thái độ như vậy là đang tạo ra hạnh tùy hỷ công đức về một việc làm tốt. Trong những tình huống đó đòi hỏi phải có cái nhìn vừa trực quan, linh tính, nhân quả để thấy rằng những việc sẽ diễn ra trước mắt, khi mình không có mặt. Phải đảm bảo tính cách, lợi ích của nó trong cộng đồng và xã hội về phương diện thiện ích, chứ không phải về phương diện xấu. Như vậy sự đồng tình đó mới được gọi là Tùy hỷ công đức, bằng không chúng ta trở thành a dua mù quáng vô điều kiện, Vì vậy, thái độ này rất phức tạp, nó phải đặt trên nền tảng của các hệ giá trị.

Theo định nghĩa trong kinh, một hành vi được gọi là thiện ích, trước hết, nó phải mang hai yếu tố: Lợi ích cho mình, cho người ở hiện tại cũng như cho cả tương lai.

Có những hành động chỉ làm lợi ích cho người, nhưng không lợi ích cho mình thì vẫn chưa gọi là hành động thiện đúng mức. Nếu là thiện phải có lợi ích cho mọi người.

Những tình huống có lợi ích cho mình và người chỉ ở hiện tại mà thôi, còn trong tương lai không có, chẳng hạn: tham nhũng hối lộ móc ngoặc... rõ ràng lợi ích cho người hối lộ lẫn người nhận ở hiện tại trước mắt, nhưng trong tương lai cả đám đều phải ở tù. Như vậy, nó không có giá trị trong tương lai, hành động đó không được xem là hành động thiện lành.

Như vậy đặt hai tiêu chí về giá trị lợi lạc đối tác giữa mình và người, với thời gian hiện tại và tương lai, chúng ta xác định được bản chất của một việc được gọi là lành.

Từ đó chúng ta mới đặt ra tiêu chí là đồng tình với người khác bao nhiêu phần trăm thì được xem là tùy hỷ. Nếu chúng ta vẫn cho tiền làm từ thiện, ủng hộ, khuyến khích nhưng giá trị tùy hỷ công đức không có, bởi chúng ta làm một cách rất gượng gạo, hay làm vì sĩ diện. Vì thấy bạn bè ai cũng đồng tình nếu mình bất mãn, nhưng lại giấu đi sự bất mãn vì nói ra sẽ bị phê bình, cho nên mình cũng tham gia ủng hộ tiền bạc nhưng thái độ tùy hỷ bên trong không có.

Tùy hỷ công đức thuộc về thái độ trong quan hệ giao tế, nhận thức thuộc về cảm xúc, tâm tưởng, thuộc về ý chí... nói chung đều quy về tâm mà thôi. Dấn thân làm việc đối tác trực tiếp, nó thuộc về cộng nghiệp. 

Chúng tôi đã chia sẻ một vài góc độ của hạnh tùy hỷ công đức, như là phần dẫn nhập căn bản, để thấy được giá trị của lòng tùy hỷ, đặt trên nền tảng bởi tâm rộng lượng. Nhìn thấy được những giá trị tích cực của bất kỳ người nào, dù họ thuộc về đối lập hay liên minh với mình, thì vẫn tán đồng để hỗ trợ.

Thái độ tùy hỷ công đức còn là sự dấn thân gián tiếp trong những chương trình kế hoạch, lợi ích cho cộng đồng và xã hội.

Nếu chúng ta phát huy được hai thái độ tích cực đó, chắc chắn trong xã hội sẽ giảm bớt tính cách đảng phái. Vì sự ra đời của một cái khác biểu tỏ mình không đồng tình, thoả mãn, cho nên muốn chứng minh rằng mình có những giá trị đóng góp tốt hơn, tích cực hơn. Vì thế có thể đặt mình trong cách thế cạnh tranh và loại trừ với những người khác.

Sự ra đời phong phú của nền kinh tế đã làm cho lòng tùy hỷ giữa những người bán hàng, nhà sản xuất, nhà làm kế hoạch, người thiết kế trình bày trở thành đối thủ của nhau, vì họ chỉ muốn độc tôn trên thị trường. Do đó học được hạnh tùy hỷ thì sẽ loại bỏ những thái độ này.

Chúng ta có thể bán cùng một món hàng trong cùng một dãy phố với những người khác. Nếu hiểu và áp dụng được lòng tùy hỷ thì cũng nên biết rằng, dù mình có cạnh tranh cũng chưa chắc gì làm cho người kia bị thất thế, mà ngược lại có lòng tùy hỷ thì phước báu gia tăng. Cho nên cứ làm tốt sản phẩm của mình, chất lượng hàng thật là cao, đón tiếp khác hàng nồng hậu thì họ sẽ tìm đến với mình mà không cần phải tranh giành. Ứng xử với thái độ đó, sẽ kiếm thêm được rất nhiều bạn bè. Bằng không chúng ta trở thành kẻ thù đối lập lẫn nhau, đó là điều tạo ra nỗi khổ niềm đau trong cộng đồng.

 

VẤN ĐÁP

 

Nếu có sự hiểu lầm mà không tháo gỡ thì sự hiểu lầm đó có thể trôi qua không?

Trong rất nhiều tình huống, hiểu lầm mà không tháo gỡ sẽ khó có thể mang lại kết quả như ý muốn, nó còn làm cho vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn.

Có một cặp vợ chồng sống với nhau được 20 năm. Gần thì giận nhưng xa thì buồn, cho nên hai người vẫn sống chung một mái nhà nhưng ly thân. Khi ra ngoài phố, không ai ngờ rằng họ là những người đang có nội kết về cảm xúc, những cái gút mắc, hiểu lầm vì họ vẫn chăm sóc, lo lắng cho nhau. Nhưng về đến nhà, bà vợ nói với chồng rằng, ông đừng có đụng đến tôi, vì đây là thế giới của tôi, còn thế giới của ông nằm ở chỗ khác, chúng ta có hai thế giới, đừng lợi dụng cơ hội của những đứa con để thiết lập sự truyền thông giữa tôi và ông...

Người nào cũng tự ái và nghĩ như vậy, nhưng bên trong họ thương nhau lắm, mỗi lần đi đâu xa, vợ ghi lại tờ giấy để trên bàn: Anh ơi, tôi đi hai ngày mới về, anh đừng chờ tôi, tối hãy đóng cửa lại... Qua cách ghi chú như vậy biết rằng tình thương yêu trong họ vẫn còn tha thiết, nhưng giữa họ có một bế tắc do sĩ diện về bản ngã cản trở, nên thay vì họ cần phải nói những lời êm ái ngọt ngào, trái lại họ sẵn sàng nói những lời côc cằn với nhau.

Nếu chúng ta là người tự ái thì có thể lý luận rằng anh là người nam, cần phải nói trước, tôi là nữ, tôi cần phải nói sau. Nếu không ai thiết lập lời nói trước, sự bế tắc có thể kéo dài, gây xung đột và dẫn đến những bế tắc khác kéo dài mấy mươi năm. Cho đến bây giờ họ vẫn còn ách tắc với nhau, nhờ chúng tôi giải thích trình bày. Chúng tôi khuyên hai người hãy ngồi lại với nhau và chia sẻ, người nào cũng nên học hạnh Bồ tát, nhận phần lỗi về mình để cho quan hệ giữa hai bên được hạnh phúc an vui. Ai dám bản lĩnh nhận lỗi thì người đó rất đáng kính trọng. Đừng sợ khi nhận lỗi, thì người ta nói mình là người lầm lỗi, làm cho mình mặc cảm mất đi sĩ diện.

Trong nhà Phật, sự nhận lỗi là cách thức gieo trồng phước báu rất lớn. Chúng ta biết rằng, người kia có lỗi nhưng mình nhận phần lỗi đó để họ có cơ hội làm mới, kết nối lại tình thân đã bị cắt đứt. Chúng ta phải nói ra những lời chân thành, không phải nói để trả đũa, hờn giận, trách móc sân hận,... mà nói với thái độ kèm theo ngữ điệu nhẹ nhàng, bởi vì ngữ điệu đóng vai trò rất quan trọng.

Ví dụ: Nói với người mình đang giận với thái độ “Tôi không ăn cơm kệ tôi, tôi không cần ai lo hết, ông lo cho ông đi còn đời tôi kệ tôi”. Rõ ràng cách nói đó làm cho người kia tự ái, và họ cảm thấy khó chịu hơn, nên mình và họ không gặp nhau trong ý tưởng được.

Lúc đó có thể nói một cách rất nhỏ nhẹ, tôi biết rằng anh đã không cần tôi trong thời gian qua, nhưng trong thâm tâm của anh vẫn đang rất cần tôi, mâu thuẫn nội tại đó được thể hiện khi mỗi lần xa nhau, thì anh vẫn để lại tờ giấy ghi chú nho nhỏ trên bàn. Tại sao chúng ta phải sống giả dối với nhau như vậy? Nếu trước mặt nhiều người, con cái, đã từng đóng tuồng sống hạnh phúc với nhau, để không ảnh hưởng đến nỗi khổ niềm đau của chúng, thì tại sao chúng ta lại không sống thật với nhau.

Nói bằng cảm xúc nhẹ nhàng, ngọt ngào, thì người kia dù tâm hồn có chai sạn ù lì, vẫn có thể cảm nhận được, hãy nói ra, khi nói ra được là một trong những cách phóng thích nỗi khổ niềm đau.

Cứ quan sát một người bị bệnh nằm trên giường, khi họ bị đau đớn, tay bấu lại, ghì vào thành giường, có người nắm tay, co rút tay lại, có người phải la rên, hét to... Chính phản ứng vật lý đó tạo nên những phản ứng hóc môn trong con người, để đẩy nỗi khổ niềm đau ra ngoài được mấy mươi phần trăm.

Phóng thích là một nhu cầu rất lớn, đừng giữ im lặng để cho cơn bệnh hoành hành trong con người của mình. Nên cô lập nó lại một nơi bằng cách phơi bày chuyện hiểu lầm đó ra, để mổ xẻ giống như chúng ta giải phẫu một vết thương. Dĩ nhiên nó tạo ra rất nhiều đau đớn, nhưng sau khi giải phẫu rồi thì cơ hội chữa lành sẽ hết. Chúng ta hãy chọn giải pháp nói ra, miễn là nói như thế nào để người kia hiểu được vấn đề, nếu như người kia chưa hiểu, chúng ta tạo cơ hội lần thứ hai, lần thứ ba... Chúng ta nói trong tình huống này thì khả năng thành công sẽ cao.

Đề tài này có phải dạy chúng con buông xả bản ngã?

Đúng! Nội dung bài giảng đã gợi ý cho chúng ta rất nhiều quan niệm mà đức Phật đã dạy, trong đó bản ngã là một chướng ngại của sự thương yêu, và là con virus giết chết sự hiểu biết và cảm thông.

Chúng ta biết rằng, sự hiểu biết và cảm thông sẽ không có mặt khi lòng thương yêu không có. Ngược lại nếu không có lòng thương yêu thì sự hiểu biết và cảm thông cũng khó có thể được thiết lập. Bỏ đi bản ngã thì giữa mình và người có thể thiết lập các mối quan hệ tình thân với nhau dễ dàng hơn.

Nhất là trong quan hệ vợ chồng, cha mẹ, con cái của tất cả những người có cuộc sống và giá trị ngang bằng với nhau trong xã hội. Bỏ đi bản ngã, đi đến đâu cũng dễ thiết lập tình thân bạn bè, cũng có người quí trọng. Nếu bản ngã lớn quá, người ta thấy mình là sợ liền.

Trong tình yêu, sự thương yêu bản ngã là kẻ thù chung, ai yêu bản ngã thì không còn biết yêu người khác. Yêu bản ngã là yêu chính bản thân mình, trong đó tình yêu giới tính cũng là tình yêu của bản ngã. Nếu yêu mà đặt nặng bản ngã nhiều quá, thì không còn dòng cảm xúc để đặt trên đối tượng mà mình thương yêu. Tình yêu đó sẽ khô héo dần theo năm tháng và cuối cùng bị huỷ diệt. Cho nên bỏ bản ngã thì tình yêu sẽ được phát triển.

Trong bài giảng Thầy có sử dụng khái niệm “khoanh vùng cảm xúc” về sự bế tắc trong mối quan hệ tình thương yêu?

Chúng tôi đề cập khái niệm “khoanh vùng cảm xúc” về sự bế tắc trong mối quan hệ tình thương yêu, không có nghĩa là xem nó như giải pháp cứu cánh, mà chỉ là phương tiện tạm thời. Để không lây lan dòng cảm xúc khổ đau đó đến với những người thân, người không liên hệ trực tiếp đến nỗi khổ niềm đau này, để chúng ta không thiết lập những liên minh.

Khi thiết lập liên minh thì bản ngã bắt đầu được thiết lập, lúc đó giữa ta và người thương yêu nhất trở thành hai chiến tuyến của cảm xúc. Do đó ngày càng xa nhau theo lực hướng tâm, dĩ nhiên nỗi khổ niềm đau sẽ chi phối mình và người ấy trở thành nạn nhân. Khi thiết lập được sự khoanh vùng cảm xúc để giữ nó lại ở mức độ giống như vết thẹo nho nhỏ, sau đó giải phẫu bằng sự hiểu biết và cảm thông.

Hiểu biết và cảm thông là dấu hiệu của tuệ giác, sẽ làm cho nỗi khổ niềm đau tan biến không để lại dấu vết. Nếu nỗi khổ niềm đau tương tự xuất hiện lần thứ hai, thứ ba, chúng ta không chất chồng nó thành một quả núi.

Thông thường tâm lý phản ứng của con người thường nhận định người kia bằng một quá khứ của họ. Lần thứ nhất vi phạm thì ghi nhận trong lòng, lần thứ hai ghi nhận chất chồng, và lần cuối thì giữa ta và người kia bị bản án của tình tiết quá khứ cản che sự cảm thông.

Hãy dùng sự sáng suốt của tâm, thông qua sự hiểu biết để xóa sạch vết thẹo đã khoanh vùng cảm xúc, đó là phương tiện. Sau khi đạt được kết quả thì giá trị của sự khoanh vùng cảm xúc không còn nữa, lúc đó sự thương yêu mới triển nở một cách lâu dài và bền bỉ.

Có phải “khoanh vùng cảm xúc” cũng giống như niệm Phật hay trì chú, đó chỉ là giai đoạn đầu để tạm lắng cảm xúc tiêu cực, có thể áp dụng để giải quyết các vấn đề trong xã hội?

Nhận xét này rất chính xác, phương pháp niệm Phật và trì chú dựa vào tông chỉ đức Phật để lại trong kinh điển. Thiền chỉ có chức năng dừng, trụ lại những gì không tích cực, làm cho những cái tiêu cực không có cơ hội để phát triển, giống như chúng ta khoanh vùng lại thôi. Muốn chuyển hóa nỗi khổ niềm đau, ngoài phương pháp niệm Phật chúng ta cần phải làm rất nhiều công đức. Nếu quên thì sự tu tập khó thành tựu đó là “không làm các điều ác” là trạng thái dừng.

Niệm Phật, trì chú là cách thức để đạt được trạng thái đó. Và cần phải “thực hiện các điều lành” đòi hỏi tính cách dấn thân trên tinh thần vô ngã vị tha, nếu thiếu vế thứ hai này chúng ta khó thành tựu được.

Thứ ba, “Giữ tâm ý thanh tịnh” là động cơ để dấn thân, nó thiết lập tính giá trị của hành động, thể hiện đối với người khác. Nếu chúng ta dấn thân vì sự cầu danh, mong cầu vị trí xã hội, hoặc làm một cách bất đắc dĩ, hay làm để cạnh tranh với những người khác, thì tấm lòng giữa mình và người sẽ không được thiết lập trực tuyến. Do đó phước lực rất kém và hệ quả tác động tâm lý cảm xúc của người kia cũng theo đó bị giới hạn. Vì vậy, chúng ta làm cần kết hợp cả ba trường hợp “thanh tịnh tâm ý của mình”.

 Tiến trình thanh tịnh tâm ý là một quá trình của sự chuyển hóa. Có thể vận dụng phương pháp quán tưởng, hay thiền tuệ, để hỗ trợ cho tiến trình thiền Chỉ, không những dừng về phương diện hình thức (không làm ác về thân và lời nói) nhưng chúng ta vẫn còn tiếp tục đối thoại, độc thoại những quán tính xấu ác đó trong não.

Ví dụ, ngoại tình tư tưởng với một người nào đó mà vợ (chồng) không hề biết, theo cách thế tình yêu đơn phương. Hoặc chúng ta có thể suy nghĩ về cảm xúc giận dỗi, khó chịu người nào đó mà bên ngoài vẫn thể hiện bằng những nụ cười.

Sự chuyển hóa thanh tịnh tâm ý là cách thức để thăng hoa hành động. Niệm Phật, trì chú, thiền quán ở mức độ dừng hết tất cả những giá trị xấu và tiêu cực của thân, khẩu. Để đạt giá trị cao hơn nữa, tích cực hơn nữa thì phải hành thiền. Chuyển hóa tâm rốt ráo, thì mới được xem là hành giả, bằng không chúng ta chỉ là những người hành trì 10% -20% bên ngoài. Giá trị cuối cùng của nó chỉ có thể đạt được hạnh phúc khi đang có mặt ở chùa, đối diện với bàn Phật. Khi ra bên ngoài, có thể là một vị Atula mang lòng sân, hoặc ngạ quỷ vì lòng tham, con người hưởng thụ đó là súc sanh... tất cả những tính cách đó có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, nếu tâm mất đi sự kiểm soát, mất đi sự hướng đạo của đời sống tuệ giác.

Phải hoạt dụng một cách tích cực, đồng điệu giữa thân khẩu và ý với nhiều công cụ phương tiện hành đạo khác nhau, thì hành giả mới đạt giá trị an vui và hạnh phúc như mong đợi.

Mỗi lần đi chùa về, các con hỏi sao ba nói nhiều quá! Chẳng lẽ im lặng? Trên thực tế tôi có nói nhiều, dùng thuốc huyết áp có ảnh hưởng không?

Ảnh hưởng sinh học của thuốc có thể làm cho cá tính chúng ta bị thay đổi theo một cơ chế nào đó. Ví dụ uống quá nhiều thuốc giảm đau thì sự cau có, khó chịu có thể xuất hiện, thuốc có thể làm giảm đau về thân nhưng lại khó chịu về tâm. Tương tự thuốc mà chú vừa nêu làm cho cơ thể phóng thích trạng thái bệnh tật ra bên ngoài bằng lời nói. Cho nên có thể điều chỉnh lại đơn giản thôi, tức là mình nói ít mà chất lượng cao, nói nhiều làm cho người kia nghe cảm thấy khó chịu.

Nhất là trong thế giới tự do, con cái có sự lựa chọn, làm theo những gì nó muốn. Nó có thể chối bỏ nền văn hóa truyền thống, làm tất cả những gì mà luật pháp bảo vệ. Cho nên phải nói theo cách thức khéo léo, đừng theo cách chỉ đạo buộc người khác phải làm. Khuyến khích để thấy được giá trị thì nó sẽ nghe theo. Có những trường hợp không nói mà chỉ làm, để cho các con quan sát và bắt chước. Tuỳ theo tính cách các con, mà áp dụng đúng liều thuốc thì mới có thể giải quyết được vấn đề bế tắc. Bằng không thì “Giáo đa thành oán”- điều mà chúng ta thường được lưu ý- Nói nhiều, họ nghe nhức đầu vì biết sai rồi mà chúng ta cứ lập đi lập lại, họ bực bội khó chịu, từ trạng thái khó chịu này họ sẽ bất cần không chấp nhận chân lý.

Nói có chất lượng được kinh điển nhà Phật gọi là sự “Chấn động địa cầu theo sáu cách”. Địa cầu ở đây không phải là quả đất. Nếu mỗi lời thuyết pháp của đức Phật mà địa cầu chấn động mang lại động đất thì cuộc đời này khổ đau nhiều lắm. Đức Phật nói bằng ngôn ngữ của hình ảnh và biểu tượng. Những lời nói với chiều sâu có thể đánh động tâm thức của người nghe, làm rung chuyển những phong tục tập quán mà người đó bám víu, có thể làm rung chuyển dòng cảm xúc vướng víu của họ, rung chuyển não trạng tiêu cực, rung chuyển tất cả những hành động, thói quen và khuynh hướng xấu. Sự rung chuyển đó mới là quan trọng, hãy điểm đúng vai trò, tình huống, căn cơ, trường hợp, thì tác động rung chuyển chấn động địa cầu đó mới bắt đầu có mặt.

Địa cầu đó là mảnh đất tâm. Mỗi con người có một mảnh đất tâm, đôi lúc bằng phẳng, dậy sóng, bạo động, động đất, bị sóng thần,... cho nên phải hiểu tính tình những đứa con. Đôi lúc nó tạo ra bão táp phong ba cho gia đình, nếu khéo có thể điều chỉnh con đi theo quỹ đạo tích cực, bằng không có thể đối kháng với vai trò là một người có quyền tự do phát biểu hành động, sống theo cách thức mà nó muốn.

Cho nên nói ít thường có tác dụng cao hơn nói nhiều, phải nói chất lượng, nghĩa là chọn lời mà nói. Đó là lý do mà đức Phật dạy điều đạo đức cho người tại gia là “Không nói những điều vô ích”.

Khi con có lỗi, nếu chúng ta nói những điều vô ích, những lời cằn nhằn, càu nhàu thì không thiết lập được sự truyền thông. Phải nói những lời tích cực mới có giá trị. Luyện tập ít nói từ từ sẽ trở thành thói quen.

 

***

 
00:00