Điều 1: TU TRONG BỆNH TẬT

Giảng tại Đạo tràng Quảng Từ, San Jose, Hoa Kỳ Ngày 21-8-2008 Đánh máy: Diệu Thúy


 Điều tâm niệm thứ 1: “Nghĩ đến thân thể thì đừng cầu không bệnh tật, vì không bệnh tật thì tham dục dễ sinh”.

Trong phần đối trị như một phương pháp thực tập chính, Hòa thượng Diệu Hiệp dạy ta hãy xem bệnh tật là thuốc trị liệu, hoạn nạn là đạo giải thoát. Đó là phương pháp đối trị để giúp hành giả chấp nhận, sống chung với bệnh tật và hoạn nạn để chuyển hóa tâm. Cầu nguyện, than van, trách móc chỉ dẫn đến tình trạng khủng hoảng tâm lý, không giải quyết được gì, còn làm cho vấn đề trở nên phức tạp.

Trong vế đầu của câu thứ nhứt là nghĩ đến thân thể; vế thứ hai là phần tâm lý đối trị, ngài dạy đừng cầu không bệnh tật; vế thứ ba là giải thích lý do, nếu thân thể cường tráng suốt cả cuộc đời thì tham dục nặng, chìm đắm trong sự hưởng thụ tính dục sẽ dễ phát sinh. Lúc đó hành giả sẽ gặp trở ngại trong sự tu tập, vấn đề được đặt ra theo từng trường hợp.

Nếu ta có người thân lâm vào hoàn cảnh bệnh tật một cách đột ngột, hôm qua còn khỏe mạnh mà nay vào bệnh viện, thì tâm lý đầu tiên khởi lên là trạng thái tiếc nuối và không muốn tin đó là sự thật. Trong tình huống này, nỗi đau trỗi dậy vì ta đang thiết lập tình cảm liên minh để chia sẻ nỗi đau. Lúc đó, việc áp dụng “Nghĩ đến thân thể, đừng cầu không bệnh tật” sẽ hiệu nghiệm.

Trước mắt ta nhìn thấy người thân đang đau quằn quại, vì cơn bệnh mà tất cả công ăn việc làm, kế hoạch, dự án bị ngưng trệ hoặc bị ảnh hưởng trực tiếp. Như vậy trong tình huống này, nếu ta nói với bệnh nhân câu trên sẽ có thể gây cho bệnh nhân cảm giác ta không cảm thông được cái đau của họ. Người bệnh có thể nghĩ việc đau bệnh diễn ra như phản ứng tất yếu của nghiệp. Nếu ta lý giải tất cả bệnh tật hiện tại đều là kết quả của nghiệp sát sinh trong quá khứ, chắc chắn không thể giúp người bệnh vượt qua bệnh tật về phương diện tự trị tâm lý bản thân. Do đó, ứng xử câu nói này cho bản thân thì được, nhưng yêu cầu người đang bệnh ứng dụng để giải nghiệp khổ của họ sẽ dẫn đến ức chế tâm lý.

Trong kinh đức Phật dạy, những vị xuất gia cứ trung bình hai, ba tháng hoặc nếu có thể nửa tháng một lần đi vào bệnh viện thăm viếng các bệnh nhân. Điều khích lệ đó có ý nghĩa sách tấn rất cao đối với người xuất gia, từ bỏ những hưởng thụ khoái lạc giác quan. Huấn luyện bản thân để ý niệm diễn ra theo cơ chế tỉnh thức, giữ cho tâm không chạy theo phản ứng của thuận và nghịch, dẫn đến lòng tham, sân. Từ đó việc chuyển hóa hết các phàm tính được thực hiện một cách khá thành công. Việc ăn, mặc, ngủ của người xuất gia được giảm thiểu ở mức độ tối đa.

Để hỗ trợ cho việc thực tập ta nên đến thăm viếng bệnh nhân, dù họ không phải thân bằng quyến thuộc nhưng có ý nghĩa xã hội rất lớn. Sự có mặt của tu sĩ Phật giáo tạo ra tác dụng trị liệu tâm lý ở các bệnh nhân. Năm 2003, chúng tôi và một số Hòa thượng tại Việt Nam có dịp tham quan các bệnh viện và những ngôi chùa dọc theo các tỉnh biên giới giữa Thái Lan và Miến Điện - tỉnh Chieng Rai, Chieng Mai và Chieng Nai. Chúng tôi tháp tùng theo phái đoàn các nhà sư Thái Lan và những người chuyên làm công tác từ thiện. Cứ mỗi buổi trưa, sau khi khất thực, các nhà sư đi vào bệnh viện chia lại phần thực phẩm của mình cho bệnh nhân.

Đức Phật dạy mỗi vị xuất gia dùng một bát đựng (gọi là ứng lượng khí) đo sức ăn của mình đủ cho việc làm Phật sự và hành đạo trong một ngày, sau giờ trưa không ăn nữa. Nhưng các nhà sư ở đây phương tiện, chẳng những nhận một bát mà còn nhận thêm năm mười bát, cùng với những chiếc xe từ thiện chuyên chở các hàng hóa và hành lý, ai phát, nhà sư nhận hết sau đó vào bệnh viện cho những người nghèo.

Về ý nghĩa xã hội, các nhà sư sử dụng lời khuyên của đức Phật vào tình huống rất cần thiết. Bệnh viện Thái Lan có gian phòng tôn thờ Phật để bệnh nhân có thể đến tụng niệm, bái sám, thiền quán, cầu nguyện. Trên các vách tường đều có những câu nhắc nhở trích trong kinh Pháp Cú như: “Sức khỏe là phước báu lớn nhất của kiếp người” hoặc những phương pháp để giữ gìn sức khỏe theo quan niệm y học nói chung. Như vậy, bên cạnh tiếp xúc với Phật pháp, các bệnh nhân còn có dịp để quán chiếu.

Các sư cũng thường thuyết giảng tại nhà cầu nguyện bệnh viện cho những bệnh nhân có nhu cầu. Việc trị liệu tinh thần giúp người bệnh nương vào lời pháp thoại mà quên đi cái đau vật lý đang có mặt.

- Đối với bệnh nhân quá nặng không rời khỏi giường được thì các nhà sư đến tận nơi để thuyết giảng. Việc thuyết giảng trong tình huống này rất ngắn gọn với những Phật ngôn súc tích, đi vào bản chất của pháp môn, để nhắc nhở người bệnh và giúp họ trở thành một hành giả. Giúp họ thấy rõ bệnh tật là một tiến trình tất yếu về phương diện sinh học của cơ thể mà ai cũng phải chấp nhận. Sự nhận diện đó làm cho người bệnh bớt đau mà không có những phản ứng ức chế tâm lý dẫn đến lòng sân.

Như vậy, bản chất của một câu tâm niệm đều có cả ba vế. Có người áp dụng cả ba vế như sự trị liệu, có người chỉ cần áp dụng hai vế để dừng lại ở nhận thức thực tại đang là. Đây cũng là mô hình về nhân quả mà đức Phật đã dạy trong Tứ diệu đế. Đầu tiên thừa nhận khổ đau dưới hai hình thức: Khổ đau vật chất và khổ đau tinh thần. Khi thấy được khổ đau, ta truy ra gốc rễ, nguyên nhân hình thành, các điều kiện khách quan, chủ quan. Sau đó ta nghĩ về một phương trời cao rộng đối lập hoàn toàn với bế tắc hiện tại mà mình đang có, đó là hạnh phúc.

ỨNG DỤNG TỨ DIỆU ĐẾ

Bát chánh đạo là con đường hạnh phúc chứ không phải từ sự cầu nguyện, y học ngày nay đang sử dụng rất hiệu quả. Trước nhất, bệnh nhân cần phải được định dạng bệnh bằng nhiều phương pháp, sau đó mới tìm nguyên nhân. Kết quả trị liệu lớn nhất của bệnh viện thông qua các bác sĩ sẽ tạo ra tình trạng lành mạnh cho sức khỏe bằng chế độ ăn uống, ngủ nghỉ, dinh dưỡng… Như vậy y học ngày nay đã sử dụng mô thức Tứ diệu đế một cách bài bản.

Ngày nay các nhà kinh tế học, các phương diện khoa học, các lĩnh vực ngành nghề đã áp dụng Tứ diệu đế qua công thức Thực tại bế tắc - Nguyên nhân của bế tắc - Sự tháo gỡ bế tắc - Con đường tháo gỡ bế tắc. Như vậy người bệnh cần làm nhất trong tình huống này là đừng cầu không bệnh tật. Vì cầu không bệnh tật là một ức chế tâm lý ngược lại với bệnh tật đang diễn ra. Tâm sẽ rơi vào trạng thái mỏi mệt căng thẳng thay vì họ cần phải hoàn toàn được nghỉ ngơi trong thời gian đó. Vì vậy áp dụng câu nói của Tổ, ta phải hết sức ứng cơ, xem trường hợp nào thì sử dụng ba vế, và trường hợp nào chỉ cần sử dụng hai vế để đạt được kết quả cao nhất.

Tại sao ta lại không nên cầu không bệnh tật. Vế đối trị thứ ba đưa ra rằng vì không bệnh tật thì tham dục dễ sinh. Con người phát sinh tham dục do cơ thể tiêu thụ quá nhiều calories, khi không có chỗ để phóng thải nó tạo ra những hỗ trợ kích thích tất yếu. Trong giới luật Bồ tát, người xuất gia, thậm chí những người Phật tử ăn chay không nên ăn hành, hẹ, tỏi,… phần lớn ta không hiểu lý do tại sao. Nhiều vị pháp sư Trung Hoa giải thích: Ăn những thứ này sẽ gây hôi miệng, do đó các vị Thiên thần, Hộ pháp không gia trì hộ vệ.

Thực ra về phương diện y học, hành, tỏi, hẹ,… là thực đơn của thần tình ái, có chất kích thích cao. Về phương diện kháng thể nó giúp con người vượt qua những chứng bệnh cảm cúm, nhức mỏi, đau nhức xương và hỗ trợ thận. Nhưng khi ăn quá mức calories cần thiết, để tạo ra hệ thống miễn dịch kháng lại các bệnh tật bên ngoài, năng lượng dư thừa này sẽ làm cho tâm lý con người đòi hỏi đến dục vọng. Việc tiêu thụ thực phẩm vào cơ thể không chỉ đơn thuần là thỏa mãn khẩu vị, mà năng lượng đó tùy theo dược chất của loại thực phẩm, cá tính con người có thể bị kích thích theo hướng tích cực hay tiêu cực. Các Phật Tổ đã thấy rõ việc tiêu thụ những loại thực phẩm làm tâm người xuất gia dễ bị dao động.

Vào thời đức Phật, các vị tu sĩ chỉ ăn một bữa trưa, vì đời sống của tu sĩ phải dựa vào sự phát tâm cúng dường qua việc để bát của đàn na tín thí. Với tư cách người hành khất, tu sĩ không được quyền yêu cầu, phải tùy duyên tiếp nhận bất kỳ phẩm vật nào mà họ cúng dường. Việc tiếp nhận các thực phẩm như cá thịt trong thời đó là điều khó tránh, vì không phải tất cả người cúng dường đều là Phật tử, họ không biết được giá trị của lòng từ bi trong việc ăn thực phẩm chay.

Hơn nữa, con đường tâm linh Phật giáo lúc bấy giờ quá mới, nhiều người quen với truyền thống Bà La Môn giáo và nhiều truyền thống tâm linh khác. Nên khi nhìn thấy một nhà sư đi từng bước chậm rãi thong dong, thì họ phát tâm dâng cúng. Ăn một ngày một bữa là vừa phải. Nếu ăn một ngày ba bữa mặn, thì năng lượng dư thừa gấp ba lần so với nhu cầu thực tế của người tu không lao động tay chân. Lượng dư thừa calories sẽ là một chướng duyên, thách đố về phương diện đời sống nội tâm. Do đó họ không ăn sau giờ ngọ để giảm bớt lượng calories dư thừa.

Y học ngày nay cho thấy việc ăn uống trên thực tế chỉ tiêu hóa được 10 đến 30% lượng calories cần thiết, số còn lại được tống ra theo chất thải. Nhu cầu thực tế cần thiết để nuôi cơ thể không cao như người ta đã nghĩ, nếu ăn quá nhiều thì tuổi thọ sẽ giảm. Người xuất gia cần phải hạn chế các nguyên nhân dẫn đến việc sung mãn quá mức của cơ thể, để dễ dàng làm chủ được cảm xúc và tâm. Khi tu sĩ rơi vào tình trạng thân thể có bệnh tật, thì không sợ tham dục và sân hận vì họ đã được thực tập từ nhỏ. Tham dục phải được khống chế, ai không làm chủ được thì hoàn tục. Đức Phật vẫn cho phép hoàn tục vài ba lần, miễn là sau khi hoàn tục không phạm giới. Do đó đối với người tu, việc ứng dụng câu nói này chỉ cần ở vế một và hai là đủ, vế thứ ba dành cho những người có khuynh hướng ăn chơi.

ĐỪNG CẦU KHÔNG BỆNH TẬT

Những bệnh nhân mắc chứng bệnh nan y, phản ứng của một số Phật tử là cầu nguyện Phật gia hộ, có người tổ chức trai đàn cầu an, sám hối, hồi hướng công đức cho bệnh nhân. Một số người tìm pháp sư hoặc thầy bói có tên tuổi, lý giải nguyên nhân bệnh tật từ việc động mồ mả, xây nhà không đúng ngày, cửa, bếp, nhà vệ sinh không đúng hướng,… Từ đó, việc cường điệu hóa chức năng của phong thủy làm cho rất nhiều người, dù là trí thức, cũng trở thành những nạn nhân của chủ nghĩa mê tín.

Trong nỗi khổ niềm đau con người phải đối diện, nếu việc giải quyết bệnh tật đòi hỏi thời gian vài ba năm, thậm chí không tái phục hồi tình trạng sức khỏe, thì sẽ bị khủng hoảng và sợ hãi. Những cái mà trước đây không tin, trong hoàn cảnh bị bệnh, với các tình huống ngẫu hợp làm cho người ta phải tin. Kinh Dược Sư, lưu ý phương pháp nguy hiểm của việc giải quyết trấn an tạm thời. Chẳng những sức khỏe không được phục hồi, mà dòng vô minh lại có mặt, dẫn đến tình trạng ngã si, ngã kiến, ngã mạn, ngã ái - bốn kẻ thù quan trọng có mẫu số chung là cái “Tôi” trên cơ thể vật lý, và tâm lý. Dù hết bệnh tật cũng sinh thêm si, kiến, mạn, ái người đó sẽ mất hết hạnh phúc. Do đó đức Phật dạy không nên lý giải theo hiện tượng mê tín dị đoan.

Ta tin đức Phật là thân kim sắc nên không có bệnh. Các học thuyết về thị hiện nêu trong các bản kinh Đại thừa, cho rằng các hiện tướng già, bệnh, chết đó chỉ là các thị hiện giữa cuộc đời. Đức Phật đã từng là một đông cung thái tử, thương Da Du Đà La và trở thành vợ chồng hạnh phúc. Hoa trái của hạnh phúc là sự ra đời của La Hầu La. Nhìn thấy giới hạn của hạnh phúc cao nhất chỉ là ngai vàng, vốn bản chất mang tính điều kiện, không phải là giải pháp cho nhiều người, nhất là giải pháp những vấn nạn của tâm lý, đức Phật đã từ bỏ tất cả để trở thành nhà tâm linh, phát hiện công thức Tứ diệu đế và trở thành nhà minh triết vĩ đại nhất trong lịch sử tư tưởng của tôn giáo và nhân loại.

Các nhà Đại thừa học đã lý giải, tất cả các hiện tướng đó là một thị hiện, hiểu nôm na là giả vờ. Nghĩa là thân kim sắc của đức Phật không có bất cứ một chứng bệnh nào, nhưng vì muốn cho chúng sinh hiểu rõ già, bệnh, chết là một quy luật, nên Ngài phải thị hiện như thế.

Đức Phật tôn giáo được tạo ra bằng rất nhiều vòng hào quang. Mọi sự mô tả về thân thể vật lý, sức khỏe của Ngài luôn luôn là sự siêu tuyệt. Học thuyết phương tiện có giá trị đề cao vai trò tâm linh và vòng hào quang tỏa xung quanh đức Phật như vì sắc thân bằng vàng, nhưng sẽ phản tác dụng, người ta cho rằng đức Phật có những phép mầu nên Ngài không bị vướng vào nỗi đau khi già, bệnh, chết.

Đức Phật lịch sử thì khác hoàn toàn, theo mô tả của kinh điển, Ngài có bác sĩ thân tín tên Jivaka, mỗi khi có bệnh tật bác sĩ đều tư vấn thuốc thang chăm sóc sức khỏe cho đức Phật. Ông cũng là người tự tay bào chế thuốc theo truyền thống Đông y của Ấn Độ. Tuổi thanh xuân, đức Phật đã trải qua sáu năm khổ hạnh, ngài đã thực hiện những pháp tu được xem là hiệu quả nhất của Bà La Môn giáo thời bấy giờ. Chẳng hạn tu hạnh con chó - ăn bằng mồm, đi bằng bốn chân. Bà La Môn giáo cho rằng làm như thế sẽ được giác ngộ sớm, đức Phật cũng đã thực tập nhưng không có kết quả. Sau đó Ngài tu hạnh con bò, ăn rồi nhai lại, liếm như bò và cũng đi bằng bốn chân, nhưng cũng không đạt được kết quả. Đến những phương pháp khổ hạnh ép xác như đứng một chân, ngủ ngồi, hoặc làm cho các giác quan mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý bị tê liệt, không đủ sức lực để ham thích trên cuộc đời. Từ đó, có thể vượt qua tham dục, nhưng Ngài thấy cũng không tác dụng. Từ bỏ khổ hạnh ép xác, Ngài tìm con đường trung đạo là Bát chánh đạo.

Điều chỉnh nhận thức về thế giới quan, nhân sinh quan. Giải quyết các vấn đề trên nền tảng của duyên khởi, nhân quả, vô thường, vô ngã, nên không còn tin vào thượng đế, thần linh, định mệnh, an bài, sắp đặt. Từ đó điều chỉnh đời sống đạo đức, bao gồm lời nói, hành vi, giao tế. Điều chỉnh về sự chuyển hóa tâm, bao gồm chánh niệm, chánh định và tuệ giác phát sinh.Con đường trung đạo mà đức Phật dạy bao gồm có ba vế.

Thứ nhất, đời sống đạo đức - được gọi là giới. Thứ hai, đời sống thiền định tức là sự định tĩnh trước những thăng trầm vinh nhục, những biến thiên thuận và nghịch trong cuộc đời. Thứ ba, phản ứng thái độ của hành giả đạt được trình độ định gọi là Vô úy. Kết quả là đạt được tuệ giác, không còn niềm tin sai lầm.

CÁCH ĐỨC PHẬT VÔ HIỆU HÓA KHỔ ĐAU

Đức Phật thực tập khổ hạnh, cực đoan đến độ thân thể Ngài suy kiệt, ngất xỉu. Lúc đó cô bé chăn cừu Sujata có mặt, thấy người đạo sĩ đang quằn quại trước cái chết, cô đã cúng dường cho Ngài bát sữa. Nhờ đó Ngài đã phục hoạt được sức khỏe và vượt qua bệnh tật do phương pháp khổ hạnh không đúng. Dựa vào cách mô tả, ta thấy đức Phật vẫn có bệnh. Trong kinh Đại Bát Niết Bàn, gồm có hai, ba chương mô tả nghệ thuật khắc phục chứng bệnh của Ngài.

Kinh mô tả, những năm cuối cuộc đời, đức Phật bắt đầu già, sáu năm khổ hạnh trước đó làm sức khỏe của Ngài yếu hơn. Nếu là người bình thường với thời gian trải qua sáu năm khổ hạnh như thế, có lẽ sẽ không sống qua tuổi 40. Người Ấn Độ thời bấy giờ và cả thời hiện đại hiếm khi sống trên 60 tuổi. Nhưng đức Phật sống được 80 tuổi là một hiện tượng đặc biệt. Ngài bị đau vào những năm tháng cuối, sau đó vì ăn phải nấm độc, Ngài bị bao tử hoành hành. Đức Phật nằm nghiêng về bên phải, theo hướng của quy luật vận hành vũ trụ, chiều cao của gối bằng với chiều rộng của vai. Đức Phật đổi tư thế vài lần, nhưng vẫn chưa khắc phục được cơn đau vật lý. Ngài tự sự rằng ta đã phải nhập từ Sơ thiền đến Tứ thiền mà không có kết quả. Ngài bắt đầu nhập thiền thứ chín - Diệt thọ tưởng định, vô hiệu hóa dòng cảm xúc và ý niệm hóa.

Nỗi đau trên cơ thể là do ta có ý niệm, tiêm thuốc mê để khoanh cảm giác đau lại làm cho nó không có cơ hội truyền thông tin về cái đau lên não. Đức Phật đã làm, như nghệ thuật tạo chất tê ngay vùng đau. Nhờ nhập vào thiền Diệt thọ tưởng định, cái đau mới được khống chế. Ngài phải làm như thế 28 lần. Do vậy ta phải tin rằng đức Phật cũng có bệnh. Các vị Bồ tát, A La Hán hay cao Tăng, khi mang thân một con người đều phải trải qua tuổi già, bệnh thì các Ngài cũng phải có nỗi đau vật lý như bao người khác.

Hành giả Phật giáo phải phân biệt rõ danh từ “đau khổ” không phải là một, mà là hai, tiếng Việt sâu sắc ở điểm này. Đau thuộc về vật lý của thân. Khổ là thuộc về tinh thần. Khổ vì thương mà không gặp, không được đáp lại, ghét mà phải hội ngộ, đối diện với nghịch cảnh chướng duyên, tạo ra sự khổ của tâm.

Hành giả nên tâm niệm câu: “Nghĩ đến thân thể thì đừng cầu không bệnh tật…” trong lúc bệnh đang diễn ra với cơ thể vật lý, ta không để nó làm chủ mà mình phải làm chủ về phương diện cảm xúc và nhận thức. Khác biệt giữa một người có tu và người không tu ở chỗ làm chủ được nỗi khổ của tâm trên nỗi đau của thân, không để nó khống chế hoành hành, tạo và kéo theo sự khổ tâm.

Thông thường từ cái đau vật lý dẫn đến nỗi khổ của tâm. Ngược lại, cũng có nhiều người vì khổ tâm dẫn đến bị bệnh thân. Mối liên hệ giữa thân và tâm là hai chiều ảnh hưởng qua lại. Y học cũng đã chứng minh điều đó. Vì thế nếu làm chủ được dòng cảm xúc, thái độ nhận thức thì bệnh của thân sẽ không ảnh hưởng đến tâm. Đây là bài học vô cùng có ý nghĩa và thiết thực đối với tất cả các hành giả.

Như vậy khi bệnh thì nhớ câu tâm niệm: “Nghĩ đến thân thể thì đừng cầu không bệnh tật…”. Đa số, Phật tử khi có bệnh là cầu Phật gia hộ cho không bệnh, cúng kiếng lung tung. Trong khi đức Phật cũng phải chấp nhận bệnh của thân Ngài đã chuyển hóa tâm, nhưng bệnh vẫn còn nguyên, cuối cùng cái chết của Ngài do bệnh mà ra. Nhờ chuyển hóa tâm thức Ngài không hề có một nỗi khổ nào về phương diện khổ thọ.

Vấn đề còn lại là tác dụng trị liệu tâm lý, và trị liệu tâm linh đối với người bệnh là nhu cầu không thể thiếu, mặc dù biết như thế chỉ có tác dụng tháo gỡ về phương diện tâm lý. Đức Phật khuyên mỗi vị tu sĩ cần thăm bệnh nhân, thiết lập tình thân, và hỗ trợ năng lượng của sự không sợ hãi đối với các bệnh nhân là việc làm quan trọng.

GIÚP NGƯỜI THÂN VƯỢT QUA KHỔ ĐAU

Những người lớn tuổi thường rơi vào trạng thái cô đơn, sợ chết. Khi bị bệnh, nếu có người thân bên cạnh chăm sóc lo lắng, giải thích thì họ có cảm giác vơi đi nỗi đau. Thân nhân cần có nghệ thuật để giúp bệnh nhân tự trị liệu thân bệnh của họ. Sự khóc lóc, than van sẽ làm cho người bệnh đau nhiều hơn. Do đó, hỗ trợ tâm lý trong tình huống này là cần thiết.

Hỗ trợ căn bản nhất là chúng ta tổ chức khóa lễ tụng kinh. Muốn có kết quả là tụng kinh ngay tại giường bệnh cho người bệnh nghe. Còn tổ chức tại chùa, tác dụng chỉ là hỗ trợ. Người bệnh biết rằng hôm nay có chùa làm lễ cầu an cho mình, gia đình cúng dường trai Tăng, lòng hoan hỷ về việc đang diễn ra làm cho người bệnh hân hoan, tăng phước báu, nhưng giá trị trị liệu đó không cao. Ta cần phải trở về truyền thống trị liệu thời đức Phật là trị ngay ở giường bệnh chứ không trị ở chùa.

Khi nghe tin cư sĩ Cấp Cô Độc lâm bệnh nan y, trong lúc đức Phật đang thuyết giảng thì gia nhân của cư sĩ đến thỉnh mời, Ngài đã sai Xá Lợi Phất và A Nan đến. Ngài Xá Lợi Phất và A Nan đã nhắc lại bài kinh Vô ngã cho cư sĩ Cấp Cô Độc về thân thể này bao gồm 36 thể trược, do tinh cha trứng mẹ hình thành, nhờ vật thực để phát triển. Thân thể này không phải là của chính ta, không nên đánh đồng thân thể này là mình. Phương pháp thực tập đó giúp ta rũ bỏ được nỗi đau của thân. Quan niệm nỗi đau bám theo thân, mà thân không phải của ta thì nỗi đau sẽ vơi đi. Như vậy tiến trình quán vô ngã về thân là nỗ lực ly tâm hóa nỗi đau ra khỏi cơ thể.

Đức Phật dạy, dòng cảm xúc này không phải là ta, không nên đánh đồng ta với cảm xúc. Ý niệm hóa tâm tư và nhận thức phân biệt cũng không phải là ta, vì thế ta không nên đánh đồng với chúng. Thực tập như vậy, ta đang tách ly được nỗi khổ của tâm. Nhờ đó, cư sĩ Cấp Cô Độc dần dần khắc phục được nỗi đau của thân, ông cảm ơn đức Phật và hai vị tôn giả bài kinh này được truyền bá rộng rãi.

Như vậy, ta thấy bản chất của sự thực tập là tiến trình thay thế đối tượng tập trung của tâm. Trong lúc nỗi đau có mặt thì tâm của ta bám vào nỗi đau, bị nó khống chế hoành hành. Lúc đó, ta tập trung vào câu quán vô ngã của thân, vô ngã của cảm xúc, vô ngã của ý niệm hóa, vô ngã của tâm tư và nhận thức phân biệt. Khi tập trung vào các vế này với những đối tượng mới thì ta sẽ có cơ hội quên đi phần nào nỗi đau đang khống chế và ngự trị trên thân.

Trong thời đức Phật không có tụng kinh cầu an, vì thời điểm đó không có bản kinh bằng văn bản. Người ta nhớ lời dạy của đức Phật như thế nào thì lặp lại cho bệnh nhân để thực tập, phần lớn là thực tập vô ngã. Điều này về phương diện trị liệu tâm lý rất khoa học. Nếu các bệnh viện biết được những kỹ năng trị liệu như thế thì ngoài việc uống thuốc, thể dục thể thao, chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, còn hướng dẫn kỹ năng chuyển hóa tâm, chắc chắn tiến trình trị bệnh sẽ có hiệu quả cao.

Hiện nay đã thay thế bằng nghi thức tụng niệm, ta nghĩ rằng đức Phật có thể ban cho mình phước về tuổi thọ, tiêu hết bệnh tật cho nên ta thành tín về điều đó. Nhờ sự tập trung mà nỗi đau được quên đi một phần. Về phương diện tâm lý nó cũng thay thế nhưng có điều kiện, trong khi phương pháp thay thế ly tâm hóa vẫn tốt hơn. Dĩ nhiên, tâm lý của người bệnh có những phức tạp tùy theo người đó là Phật tử hay không, đang ở tuổi trẻ hay già.

Theo tập tục Việt Nam, khi thấy một ông sư mặc áo hậu vàng cùng với ban hộ niệm, cầm chuông mõ đến, người ta tưởng đám ma, nên hiểu lầm rằng đến tụng niệm cầu siêu cho họ. Trong tình huống đó, những người làm lễ cầu an để giúp bệnh nhân vượt qua nỗi đau phải hết sức tinh tế: Không cầm chuông mõ, chỉ hỏi thăm, tâm sự, giải bày, hướng dẫn thực tập định tĩnh, quán vô ngã hoặc bài kinh nào ta cho là thích hợp với căn tánh của người bệnh. Họ sẽ mải mê nghe theo lời hướng dẫn tâm sự, nhờ đó nỗi đau cũng được quên đi phần nào. Khi các nhà sư về, họ sẽ nhớ kỹ năng thực tập này.

Không nhất thiết phải tụng kinh thì nỗi đau vật lý của người bệnh mới được khắc phục và vượt qua, miễn sao ta truyền cho họ năng lượng an tâm để họ có được an thân. Ta cũng cần chọn những bài thích hợp với tâm lý giới tính và tâm lý lứa tuổi. Chẳng hạn, một nghĩa sĩ hiên ngang bất khuất bị thương tật trên giường bệnh, mà ta đến đọc bài kinh Phổ Môn Quan Thế Âm, hay những bài sám pháp Từ Bi Thủy SámLương Hoàng Sám để sám hối nghiệp chướng thì họ không thể phát khởi tâm an lành. Vì họ nghĩ họ không có nghiệp chướng, họ đã bảo vệ biên cương bờ cõi, hy sinh bản thân để làm những việc cao thượng cho cuộc đời, không có tội lỗi gì để sám hối.

Ta cũng không nên nói rằng, do đời trước đã giết người nên kiếp này bị bắn trở lại. Cách lý giải như thế hoàn toàn sai, và đi ngược với nhân quả theo tinh thần Phật dạy. Theo kinh Trường Bộ, đức Phật nói: “Sẽ là một sai lầm và nguy hiểm, nếu ai cố tình nối kết mọi việc diễn ra ở hiện tại này có gốc rễ của quá khứ”.

Có những tình huống có sự liên hệ với quá khứ, nhưng cũng có những tình huống hoàn toàn ở đời hiện tại. Ta phải phân tích từng tình huống, không thể quy kết một cách vô căn cứ. Những trường hợp như thế, ta hướng dẫn họ bài kinh Vô ngã, hoàn toàn mang tính chất phi tôn giáo, không có hình ảnh Phật, Bồ tát, Thánh tăng thì người đó dù là Thiên Chúa giáo, Hồi giáo hay không có tôn giáo vẫn có thể dễ dàng thực tập như một kỹ năng trị liệu tâm lý hết sức hiệu quả.

Nếu người bệnh là Phật tử thuần thành mà pháp môn hành trì của họ là Thiền, trong khi ta đến tụng kinhPhổ Môn, kinh Dược Sư chắc chắn cũng không đạt kết quả. Bài kinh về Mười sáu pháp quán niệm hơi thở: Tập trung bốn hơi thở về thân, bốn hơi thở về cảm xúc, bốn hơi thở về tâm, bốn hơi thở về ý niệm; hoặc kinh Tứ Niệm Xứ, thì nỗi đau cũng dễ dàng vượt qua. Sự hỗ trợ bên giường bệnh làm sao thích hợp với căn tính, pháp môn, nhận thức và trình độ mỗi người. Lúc đó bệnh tật sẽ không còn là một thách đố nên nhiều người đã thức tỉnh khi bệnh tật có mặt trong họ.

Nhiều người không có bệnh tật thì sung sức, dẫn đến chủ nghĩa duy lý, duy ý chí, cao ngạo về tuổi trẻ và sức khỏe. Người hãnh diện có thể đưa họ tuột dốc về đời sống phước báu và hạnh phúc; tự hào về tuổi trẻ từ đó làm việc cật lực không ngừng nghỉ. Do đó, có vế thứ ba - vì khỏe mạnh, cường tráng mà “tham dục dễ sinh”.

Tóm lại, câu tâm niệm đầu tiên là một nghệ thuật để trị liệu các chứng bệnh về thân để ta làm chủ được cảm xúc và tách ly nỗi khổ của tâm ra khỏi thân.

 
00:00
 
00:00