Điều II : ĐỪNG TỰ LỪA DỐI MÌNH

Giảng tại chùa Thanh Nhàn, Hà Nội, ngày 29-06-2008

Đánh máy: Đào Bích


2. Điều thứ haiNgu dốt lớn nhất của đời người là dối trá.

      Dối trá trước nhất được định nghĩa như là một sự lọc lừa người khác bằng nghệ thuật ngoại giao và giả vờ. Thiết lập niềm tin ở người khác để từ đó biến họ trở thành nạn nhân, để mưu cầu lợi lộc cho bản thân mình. Sự dối trá được thể hiện bằng cung cách ngọt mật chết ruồi, hay lưỡi dao lam có thể làm người ta rỉ máu, đứt tay khi tiếp xúc. Dối trá có thể có hình thức là sự hợp tác liên minh, đứng vào cùng một phe phái làm cho đối tác không nghĩ rằng mình là kẻ đối lập, sau đó lợi dụng sự cả tin của nạn nhân để qua mặt, lọc lừa. Dối trá còn đội mũ của những tình thân, tình thương, ưu tiên và đặc biệt làm cho những người khác có cảm giác là hân hoan vui vẻ, từ đó mất đi sự cẩn trọng và để ý phòng ngừa.

      Năm 1988, chúng tôi chuẩn bị thọ giới Tỳ kheo. Vì chùa Giác Ngộ kế bên chợ An Đông, chúng tôi tự thân đi mua vải để may y hậu cho việc tiếp nhận giới phẩm quan trọng trong đời của người tu. Đi dạo một vòng khu chợ vải, những cô bán hàng mời gọi rất ân cần: “Thầy ơi, con là Phật tử nè, con sẽ bán giá rẻ cho thầy!”; “Thầy ơi, lại đây con xin cúng dường thầy 50%”. Chúng tôi nghe mừng quá. Vải họ đưa cho tôi lúc đó có giá khoảng tám ngàn, họ bán ba chục ngàn, bớt 50% còn mười lăm ngàn. Về mặc, mới giặt lần đầu tiên nó nhàu lại như vải nhún.

      Câu chuyện tiếu lâm đó cho thấy rằng: Nếu ta thích ngọt, thích dua nịnh, thích a tòng, thích tán dương, thích liên minh thì ta dễ trở thành nạn nhân của những người lừa dối. Họ có thể thiết lập tình thân và tình thương với ta rất dễ dàng, rồi có cái gì trong tim, trong tâm ta cũng thật thà trút hết. Trong những cuộc tâm lý chiến, họ thường đi bằng những chiêu này. Tuy nhiên, lừa dối dù dẫn đến sự thành công nhưng hậu quả của nó là mất đi sự tín nhiệm.

      Ngu dốt trong đạo Phật gọi là vô minh. Vô minh được định nghĩa là bất kỳ một thái độ nhận thức, đánh giá, phán đoán bao gồm: Loại suy, quy nạp, tổng hợp... nhưng lại không dựa trên nền tảng của nhân quả nên đều dẫn đến nhận thức sai, mê muội. Ở một số bài kinh khác, nhận thức nào không đặt trên nền tảng của Tứ diệu đế, tức là hai lớp nhân quả, một lớp khổ đau và một lớp giải quyết khổ đau, thì người đó được xem là đang sống trong si mê.

      Đi con đường đạo Phật chân chính, ta trở thành một người rất khoa học. Đối diện với những khổ đau như với thực tại, không trốn chạy, phanh phui gốc rễ và nghĩ tưởng đến giải pháp. Tri thức Phật pháp là tri thức giải quyết vấn đề, kiến thức Phật pháp là kiến thức tạo ra sự bình ổn. Ai không sống theo như thế là đang bị si mê, ám ảnh chi phối. Ngu dốt là một trong những cái làm cho con người khó tiến bộ.

      Các chính thể nhân danh văn minh có mặt ở những quốc gia nghèo khó - trên thực tế là bóc lột, đàn áp, biến các quốc gia đó trở thành thuộc địa - đều áp dụng chính sách ngu dân.

      Pháp là một quốc gia được xem là văn minh trong thời kỳ trung - cận đại nhưng lại áp dụng chính sách ngu dân lên các quốc gia thuộc địa. So với Anh, Pháp ác độc hơn.

      Những quốc gia bị Anh đô hộ, cai trị như Miến Điện, Ấn Độ, Nepal, Bangladesh… đều được ứng dụng nền giáo dục tiên tiến của Anh, khiến cho những nước ngày càng phát triển. Bên cạnh việc hưởng thụ những lợi lộc về kinh tế, chính trị, quân sự, người Anh cũng mang tới những cái khác để đóng góp cho các quốc gia thuộc địa. Trong khi đó, ở những quốc gia bị Pháp đô hộ, nền giáo dục của Pháp không được mở rộng, những quốc gia thuộc địa không tiếp nhận được những phần tinh hoa của nền giáo dục tiên tiến đó.

      Sự ngu dốt là kẻ thù của tiến bộ, thường dẫn đến sự sợ hãi. Khi sợ hãi thì hoài nghi, nảy sinh ý muốn thanh toán, loại trừ những kẻ đối lập để đạt được vị thế độc tôn. Một trong những biểu hiện của cái ngu dốt là sự dối trá. Bởi vì, tưởng lừa lọc được người khác là mình khôn ngoan nhưng thực chất, lừa lọc người khác nhiều chừng nào là ngu si nhiều chừng đó, vì mình đang sống trong sự mê muội. Nó dẫn dắt và kéo theo lòng tham. Để được lợi lộc vị kỷ, mình để mặc lòng sân của mình trừng phạt, hành hạ người.

      Trong Phật giáo, Phật tử được gọi là chân nhân, tức là người chân chính, người có tư cách. Lừa dối người khác là lừa dối chính mình, bởi ta có thể lừa dối hàng ngàn người cùng một lúc, nhưng không thể lừa dối lương tri của mình dầu chỉ một giây. Đức Phật dạy: Muốn tháo gỡ được vô minh thì ta phải có bản lĩnh, tức là liêm khiết nhận thức về mức độ mà mình đang có, những khó khăn mình đang gặp, những bế tắc mình đang đối đầu. Phải thừa nhận, ta mới có cơ hội vượt qua, để làm mới, để tiến bộ.

      Sống với Phật tử chân chính thì người lân cận hợp tác và cộng sự được bình an thoải mái. Còn sống với những người lừa dối, mình phải phòng hờ, cẩn trọng, lời ăn, tiếng nói, của cải, mất hết sự bình an. Lừa dối là thái độ rất xấu, nó chính là con đẻ của vô minh, nghĩa là thiếu trí tuệ.

      Trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa và một số bản kinh Đại thừa khác có đưa ra một hình thức lừa dối nguy hại hơn, đó là tăng thượng mạn: Tự mình chưa chứng được thánh quả, lòng phàm, tâm tục vẫn còn, hành động si mê… nhưng lại tự tôn vinh mình bằng Thượng đế, Phật sống, Bồ tát; nhận sứ mệnh của người trên thông qua cái điển nào đó để làm đạo cho dương thế.

      Những kẻ như thế đều gọi là tự lừa dối mình và lừa dối người. Ngặt một nỗi, con người ta lại thích gần gũi với những người thích bạo miệng, to gan. Cái tôi làm cho họ dễ dàng sống trong sự lừa dối: Tôi làm đệ tử của Phật sống, tôi là đệ tử của Bồ tát sống, tôi là đệ tử của Chúa sống, tôi là đệ tử của A-la-hán sống… vinh hạnh hơn, thoải mái hơn, tên tuổi hơn. Do đó, họ đã rơi vào tình trạng tiền mất tật mang với cơ cấu của lòng si mê. Có nhiều Phật tử gần đây chạy theo những người tự xưng như vậy, thậm chí lấy nước tắm người đó uống vào để cầu hết bệnh.

      Những người tự lừa dối nhân danh Bồ tát sống, Phật sống để làm những chuyện phàm tục vì mục đích lợi ích cá nhân, kinh điển gọi là tăng thượng mạn, tức là ngã mạn, cống cao, xem mình như bậc Thánh, là số 1 không ai hơn, là vô thượng sư. Đức Phật còn không gọi Ngài là vô thượng sư (“vô thượng” là không ai bằng, không ai hơn), Ngài chỉ nói Ngài là đạo sư, tức là người chỉ đường. Tuệ giác có ai bằng được Phật mà Ngài còn khiêm tốn như thế. Trong kinh, đức

      Phật nói “Ta không phải là người phát minh”. Mặc dù, trên thực tế, Ngài là người phát minh ra đạo Phật.

      Ngài nói: “Chân lý mà Ta công bố cho tất cả các đệ tử chỉ là một sự trở về, như lá rụng về cội”. Giống như trong rừng sâu có một tòa lâu đài bị bỏ quên không ai để ý. Trải qua năm tháng, nó bị cổ thụ và dây leo phủ trùm quấn quýt xung quanh làm cho người ta không nhìn thấy nó. Ngài chỉ tình cờ phát hiện ra khi lần từng bước chân đi vào đó, phát quang cây cỏ, tạo ra một dáng vẻ quang đãng cho tòa lâu đài.

      Chân lý mà Ngài giác ngộ, các đức Phật trong quá khứ đã từng đi qua, các đức Phật hiện tại khác cũng đạt được, các đức Phật tương lai cũng sẽ đi qua, nó là chân lý chung, không có gì để hãnh diện tự hào. Đó là lý do đức Phật nói trong kinh Viên Giác: “Trong suốt 49 năm thuyết pháp giảng kinh, Ta chưa từng nói một lời nào”.

      Nhiều người đã hiểu sai, nói đức Phật từ chối trách nhiệm trong việc phát ngôn lời nói của mình. Nhưng thực chất, đức Phật không muốn ai tôn vinh Ngài. Ngài nói tất cả giá trị, chân lý, đạo đức, tình thương, nhưng vẫn không nói Ngài là tác giả, vì các đức Phật quá khứ đã từng dạy: “Ta có cơ hội để học, thông qua đức Phật, Ta biết được một cách gián tiếp thôi”. Từ lời tuyên bố đó, ta có thể khẳng định rằng không có một loại tri thức nào - dù những phát minh mới nhất của các nhà khoa học - là mới hoàn toàn. Tất cả đều được chắp nối, tổng hợp… mà có được.

      Tâm lý học phương Tây cho biết có những người bị tâm thần phân liệt, sống trong ảo giác, tưởng mình là Thượng đế tái thế mà nhân danh Thượng đế thế này, thế kia. Đó là điều đáng buồn, đáng thương, đáng tội nghiệp. Nhưng đối với những người tự lừa dối thì đó là điều đáng trách. Ai có tâm tăng thượng mạn thì khó có thể chấp nhận cái hay hơn, cái cao hơn, cái tuyệt vời hơn vì họ nghĩ mình là số 1. Tự lừa dối mình là một hình thức khác của cái tôi. Cái tôi si mê, còn được gọi là ngã si. Si mê vì chính mình, nên tự lừa dối mình, lừa dối người. Đây cũng là con đẻ của tự ngã.

***

 
00:00
 
00:00