Điều IV : TÙY HỶ ĐỂ XẢ BỎ CÁI TÔI

Giảng tại chùa Thanh Nhàn, Hà Nội, ngày 29-06-2008

Đánh máy: Đào Bích


4. Điều thứ tưBi ai lớn nhất trong đời người là sự ganh tị.

      Ganh tị là một thái độ cảm xúc, ta không muốn thừa nhận những giá trị, thành công, nhan sắc... của người khác. Ganh tị làm cho ta có cảm giác tức và khó chịu khi người khác có được những giá trị mà mình không có, chính vì thế, tâm lý ganh tị làm cho con người tổn thất phước báu. Để trị liệu tâm lý này, đức Phật dạy hạnh tùy hỷ công đức dựa trên nền tảng là thái độ, vui với, vui theo sự thành công, giá trị, đóng góp và những điều có lợi ích của người khác dành cho cuộc đời và tha nhân.

      Người có tâm ganh tị mặt méo mó, dễ bị những chứng bệnh tai biến mạch máu não, tăng xông máu, rối loạn thần kinh, mất ngủ xanh xao và nhiều chứng bệnh tim, mạch, tỳ, phổi, thận… Do đó, đời sau sẽ bị hậu quả không có nhan sắc. Người nữ ganh tị càng nhiều thì càng xấu, hoặc họ vốn đang đẹp mà lại ganh tị thì cái đẹp đó không còn tồn tại nữa, nó sẽ chóng tàn phai với thời gian. Người có tâm hoan hỷ, đôi lúc không cần sử dụng mỹ phẩm mà mặt vẫn tươi, vẫn sáng, nước da vẫn bóng láng rất đẹp. Chỉ cần sống hoan hỷ với nụ cười, niềm vui, đi đâu cũng nhìn thấy tích cực và tán dương thì người đó sống hạnh phúc, sống tự tại, gương mặt tươi vui, xinh đẹp.

      Thực tập để có niềm vui, nụ cười trao tặng cho người là ta đang thực hiện hạnh tùy hỷ. Tùy hỷ được thể hiện qua lời khen, đánh giá tích cực. Mỗi người đều có hai phương diện tốt và xấu, tiêu cực và tích cực. Người có hạnh tùy hỷ thường đánh giá người khác ở phương diện tốt, với cái xấu thì góp ý riêng để họ không mặc cảm, không bị đẩy vào thế chân tường, từ đó họ cảm động mà sửa sai. Nếu phê bình chỉ trích nặng lời, dầu họ có thấy mình sai cũng chưa chắc chịu sửa chữa, vì cái tôi đang bị thương tổn nên họ phải kháng cự lại, bảo hộ nó bằng tinh thần tự cao, tự đại, dối trá hay ganh tị.      

      Có hai anh em nhà nọ, người anh giỏi và đẹp trai hơn người em, nhờ vậy được nhiều người quý mến. Còn cậu em trai, như là oan trái nhiều đời, mỗi khi đi đến đâu mà thấy anh mình được người ta tán dương là tức nghẹn trong lòng, về không ngủ được. Hai anh em đều là võ sĩ, người anh vừa đoạt giải quán quân. Người em thách đấu với anh để chứng tỏ rằng là cậu ta hơn. Nếu như thắng được người anh thì anh ta là đại vô địch, không cần phải trải qua vòng loại. Người anh thương em nên nói sẽ nhường lại giải quán quân cho em, không cần phải đấu. Cậu em tức lồng lộn, đòi phải đấu và thắng bằng nỗ lực của mình chứ không cần ban tặng thành quả và dọa sẽ giết người anh nếu anh vẫn không chịu đấu. Rồi cuộc đấu đó diễn ra, người em thua. Anh ta tấm tức, tủi nhục nên tự vẫn mà chết.

      Tâm lý ganh tị làm cho ta không thừa nhận được sự thật, quáng mờ đôi mắt, chỉ thấy sự cay, độc, xem người hơn mình là kẻ thù, là đối thủ. Lẽ ra, ta phải hiểu rất rõ: Mình có sở trường của mình, không nhất thiết phải đi bằng lối mòn sự thành công của người khác. Ta hãy phát huy những gì ta có và trở thành quán quân trong lĩnh vực đó. Chỉ cần ta có được cơ hội đóng góp, giả sử nỗ lực nhiều mà vẫn không đạt được, không thành tựu được thì ta vẫn hài lòng thôi.

      Đức Phật dạy hãy tri túc, tức là biết đủ, tạo ra một trạng thái hài lòng về thành quả của mình. Sau khi mình đã nỗ lực hết phương pháp bằng những điều kiện, hoàn cảnh, bằng tất cả những gì ta đang có, thì thành quả đến đó là nhiêu đó mà thôi, muốn khác hơn cũng không được.

      Kinh Pháp Hoa gọi đó là “Như thị quả báo, bổn mạt cứu cánh”. Cái nhân như vậy, cái quả phải là như vậy. Cái duyên như vậy, cái quả phải như thế. Đầu đuôi hoàn cảnh tác động nó là như vậy, thì như vậy thôi, chứ có muốn cũng không khác hơn được. Thái độ hài lòng làm ta không ganh tức. Với những cái ta không đạt được mà người khác đạt được ta nên chúc mừng.

      Tinh thần võ sĩ đạo theo Thiền của Nhật Bản dạy các võ sĩ trước khi lên đấu trường chào lẫn nhau, sau khi phân thắng bại cũng phải chào lẫn nhau mới xuống vì võ sĩ đạo là một môn nghệ thuật chứ không phải là phương tiện để chứng minh bản thân. Nhờ đó, tính chất ganh đua cũng bớt đi dù dĩ nhiên, những người hoạt động trong lĩnh vực đó luôn muốn mình là số một, chứ không muốn là số hai.

      Ta thử hình dung một con ngựa, nếu nó có lưng dài, ngồi được 3 người, phải có người ngồi đầu, người ngồi giữa, người ngồi sau, cái gì cũng thế. Bên trong chánh điện của chùa Thanh Nhàn ngồi khoảng gần 80 người, thềm bên ngoài có thể được 50 người, phần còn lại có thể được 100 hay 200 người, cũng phải có người ngồi trước, người ngồi sau, không thể tất cả cùng ngồi trước. Trong mọi thứ cũng vậy thôi, ganh tị để làm gì. Mình ngồi ở sau, mình phải tâm niệm là tôi đang cúng dường chỗ cho người ngồi trước, tâm mình sẽ nhẹ nhàng. Còn lúc đó mình cứ chăm chăm nghĩ tôi bị bà đó xí chỗ, chỗ đó tôi thường ngồi mỗi ngày là mình tức lên liền, khó chịu, phiền não.

      Để chuyển hóa tâm ganh tị ta phải khởi tâm nhường cơ hội, điều kiện cho người khác. Có một cư sĩ tại gia phát tâm cúng kính, hỗ trợ xây dựng chùa rất mạnh. Nếu nói về thành tích, vách tường dán không hết bằng khen. Ông này lại có tâm ganh tị không muốn ai hơn mình, và muốn người ta phải thừa nhận công lao của mình.

      Cảm mến đạo lý sâu xa của nhà Phật, vào lúc cuối đời, sau khi chia phần tài sản và thừa tự cho con cháu, ông đi tu ở ngôi chùa mà ông thường xuyên đến cúng dường nhất. Vào trong chùa, vị sư trụ trì để cho ông ở một căn phòng khoảng chừng 6m2, có một cái giường ván lồi lõm, không có chiếu, không có nệm như ở nhà. Vị sư trụ trì yêu cầu mỗi tuần chỉ được gặp thầy một lần, và chỉ được hỏi một câu để tập chuyển hóa thói quen nói ngoài lề.

      Đúng một tuần, mới 6 giờ sáng, người cư sĩ gõ cửa phòng thầy trụ trì, thầy ra mở cửa và hỏi: “Có chuyện gì không?”. Ông trả lời là “giường cứng” rồi bỏ về phòng, mặt tái mét, giận lắm. Ta có thể hiểu rất rõ trong tâm ông nghĩ rằng: “Tôi cúng chùa, tạo công đức quá nhiều, mà ông đì tôi như thế à? Còn những người mới tu toàn được ở phòng sang. Lẽ ra tôi xứng đáng được ở phòng tốt hơn phòng họ”. Đó là cái tôi của thành quả, muốn mình phải được thừa nhận, phải được đánh giá.

      Các vị đạo sư có cái nhìn rất sâu sắc, tùy bệnh cho thuốc. Biết ông này có cái tôi tự đại, do đó bài học đầu tiên để tháo mở cái tôi là phải tạo nghịch cảnh như thế để cho ông đối diện với cái thiếu thốn. Sau đó, ông vỡ lẽ rằng cái tôi của mình đang bị thương tổn nên cần phải được chuyển hóa. Vì kính mến Phật pháp ông ở một tuần lễ nữa. Hôm đó cũng mới 5 giờ sáng, ông lại gõ cửa phòng thầy trụ trì, thầy mở cửa ra hỏi: “Có việc gì không con?”. Ông nói: “Cơm sống” rồi bỏ về.

      Thật ra là nhà sư thử thách, cho ông ăn cơm sống, xem ông ta có hoan hỷ được không. Ông nhìn thấy các chú tiểu khác ăn cơm sao ngon lành quá, mà mình ăn cơm sống thì ông giận lắm. Một tuần sau, vào lúc 4 giờ sáng, ông gõ cửa phòng thầy trụ trì, thầy ra mở cửa chưa kịp hỏi ông đã nói: “Tôi về”. Như vậy, bài học đấu tranh với cái tôi thất bại. Bài thi quan trọng nhất của những người mới vào chùa tu là tháo mở cái tôi.

      Người có vai trò, vị thế xã hội lớn thường không hiểu được điều này, vào tu không nổi. Người mới vào chùa thường được giao cho những việc như quét rác, chà nhà vệ sinh, rửa chén, lặt rau, bửa củi… toàn những chuyện vặt vãnh. Họ mới so sánh: “Lúc còn tại gia, tôi có gia nhân đến vài chục người, mỗi tháng bỏ ra 5-7 triệu đồng chuyện gì mà không xong. Bây giờ vào chùa làm những chuyện như thế, thật chẳng ra gì”. Hiểu vậy là sai. Đó là một trong những cách giúp ta lột cái tôi của mình ra để cho tính chất tự đại, ganh tị mất đi dần dần.

      Thông qua những việc làm đơn giản như thế ở trong các chùa, ta có cơ hội để thiết lập chánh niệm tỉnh thức, sự niệm Phật nhứt tâm bất loạn. Đây là những bài thực tập rất hay, phải hiểu mới thấy được diệu lý. Hơn thua, so sánh đối chiếu mình và người chính là nỗi đau, nỗi buồn bi ai. Càng ganh tị nhiều chừng nào thì ta càng khổ đau chừng đó.

      Một phương diện khác của sự ganh tị là ghen, nói theo ngôn ngữ của Hoạn Thư trong truyện Kiều “Ghen tuông thì cũng người ta thường tình”. Các chị em phụ nữ thường áp dụng câu này như là chân lý, hoặc là biện hộ hợp pháp, họ được quyền ghen và đánh đồng ghen bằng chữ yêu. Vì yêu nên mới ghen, không còn ghen nữa tức là hết yêu. Hết sức sai lầm. Ta phải biết, nếu ghen đúng đắn thì tạo cơ hội cho chồng (vợ), hay người tình quay về với mình. Nếu ghen sai lầm,  ta đang giam nhốt chồng (vợ) hay người yêu trong ngục tối bằng cách hành hạ cảm xúc, khiến cho cả đôi bên mất hết hạnh phúc.

      Có nhiều ông tâm sự: “Tôi sống chung thủy với bả suốt mấy chục năm, ấy thế mà tôi đi đâu bả cũng thuê thám tử theo dõi, như thể tôi là một kẻ tội đồ, mỗi ngày về là bả kết án: “Hôm nay, ông đi đâu đến 10 giờ mới về?”, nghe rụng rời tay chân. Làm việc mệt thấy mồ, không nghe câu an ủi, chia sẻ, thông cảm gì, mà toàn những lời trách mắng”. Nên khi vào bàn cơm tôi ăn không nổi, nuốt không vô. Nhiều ông nghĩ: “Thôi bây giờ mình chung thủy với bả, bả cũng nói mình là kẻ phản bội, vậy cứ ăn vụng cho rồi. Ăn chay không ai biết, cứ ăn mặn một lần cho bả biết, cho đỡ tức”. 

      Ghen sai lầm là vô tình ta đẩy chồng về phía người tình, cuối cùng ta cúng dường không đốt nhang cho kẻ tình địch. Những người đàn ông đứng đắn định nghĩa chữ yêu là sự cảm thông, gia tài mà người vợ có thể hiến tặng cho chồng là sự tin tưởng và ủng hộ tinh thần. Đó là niềm hạnh phúc lớn nhất của người đàn ông. Dĩ nhiên chúng ta cũng không nên quá lơ là đến độ có những dấu hiệu báo động mà mình vẫn dửng dưng thì rất nguy hiểm. Còn đối với những người đứng đắn hoàn toàn thì ta không nên ghen, vì ghen như thế làm cho cả hai không hạnh phúc, dẫn đến những bế tắc trong gia đình.

      Người sống trong cơn ghen thường có ảo giác, và họ rất giỏi về suy luận, cái gì cũng nghĩ ra được, thương quá mù quáng dẫn đến ghen tuông. Ông chồng về nhà, bà vợ lục soát áo, xem coi có sợi tóc dài nào không. Nếu có sợi tóc là ông này ổng đang dan díu với cô nào trẻ đẹp hơn tôi đây, nếu không thấy an lòng. Có những bà vợ ghen quá, về giả bộ hôn chồng thử xem trên môi, trên má của chồng có mùi hương nào đặc biệt không. Họ tưởng tượng, ảo giác, suy luận tưởng chừng rất logic nhưng thật ra không đâu vào đâu.

      Ghen là trạng thái dẫn đến sự bi ai, không phải chỉ cho người bị hàm oan, mà cho luôn cả chính mình, biến mình trở thành nạn nhân. Bà Clinton - một luật sư - vợ của cựu tổng thống Bill Clinton có được bằng chứng và bắt quả tang chồng đang dan díu với người tập sự trong Nhà Trắng, nhưng bà đã đứng về phía chồng. Dầu cho báo chí phê bình, đảng đối lập trong cuộc chạy đua ghế tổng thống chỉ trích, nhờ có người vợ hiểu biết và tha thứ, ông như được tái sanh lần thứ hai. Ông đã nói lời xin lỗi với toàn nước Mỹ, toàn thế giới, xin lỗi vợ, con, xin lỗi những người đã ủng hộ ông.

      Tưởng chừng sử dụng chiêu bài không chung thủy để có thể đánh ngã gục được Bill Clinton, nhưng không ngờ, nhờ bàn tay và sự hiểu biết của vợ, Bill đã đắc cử lần thứ hai. Có những điều tưởng chừng rất nhỏ, không đáng, nhưng với một chút mềm lòng, nhiều người đàn ông đã sập bẫy, dẫn đến đổ vỡ hạnh phúc gia đình lẫn sự nghiệp. Những người vợ, nếu xác định tình thương yêu của vợ chồng vẫn còn mặn nồng, thấy được ở người đó khả năng hồi đầu và làm mới về nhân cách, thì ta nên tha thứ. Bên cạnh đó, có nhiều người vẫn cố chấp không bỏ qua, họ chọn cuộc sống ly thân 9-10 năm, 20 năm… chỉ bởi không quên được nỗi đau khi tận mắt nhìn thấy vợ hay chồng phản bội.

      Sự tha thứ sẽ làm cho ta bớt đi nỗi đau quá khứ và làm mới lại cuộc đời. Đây chính là nghệ thuật sống hiện tại lạc trú, tức là bằng lòng với những gì đang có ở hiện tại, quên đi quá khứ và đừng mơ tưởng đến tương lai, vì hai yếu tố này làm con người sống trong điên đảo tưởng, quên đi chính mình và nhìn người khác bằng cặp kính màu.

      Thay vì ghen tuông mù quáng, ta hãy nhìn lại chính mình và so sánh với người kia. Phải chăng mình “sư tử Hà Đông” đến độ chồng sợ quá phải đi kiếm người dễ thương hơn? Phải chăng mình vụng về đến độ không biết nấu cơm, chăm sóc con nên chồng chán mà đi tìm người khác, dịu dàng khéo léo hơn để chăm sóc cho họ và con của họ?

      Nếu ta tìm ra nguồn gốc và khắc phục thành công những điểm yếu kém của mình về công, dung, ngôn, hạnh thì chồng sẽ quay về. Nếu ngược lại, chồng là kẻ có thói quen bướm hoa, rượu chè, cờ bạc, thì việc anh ta đến với người khác lại là một điều may. Đó là cơ hội để ta chia tay với “của nợ” nặng nhọc. Như vậy, mình phải cảm ơn người “hốt” ổng dùm, gánh cái khổ đau đã hành hạ mình suốt thời gian qua, còn mình hết khổ, có gì mà buồn. Nếu biết được đạo lý, hiểu được Phật pháp, có khả năng hành trì, có năng lực để tha thứ, thì trước khi chia tay hãy tha thứ cho nhau, nhân quả ai làm sai sẽ lãnh chịu, không phải do mình hận thù họ mới bị quả báo. Mình tha thứ giải hòa, rồi sau đó hãy chia tay, nhìn nhau nhẹ nhàng thư thái, và những đứa con chung của hai người không phải bất hiếu với mẹ cha.

      Nhiều người mẹ thiết lập liên minh với con, buộc chúng đứng về phía mình và phải khinh thường, bất hiếu với cha. Họ ngày đêm mắng nhiếc: “Cha của tụi mày là kẻ bất nhẫn, là kẻ bất lương làm cho mẹ phải khổ đau ngày đêm, ổng theo vợ bé mà bỏ mẹ con mình”. Nỗi đau của người mẹ truyền nhiễm cho đứa con rồi cấm chúng không được gặp cha, khiến chúng trở thành đứa con bất hiếu là điều không nên.

      Nếu chồng/vợ cũ muốn thăm con mỗi tuần, ta cứ tạo điều kiện cho lòng hiếu thảo của con được thể hiện trọn vẹn. Vậy ta nên chuyển tâm lý tị hiềm, ghen tuông thành tinh thần thông thoáng, buông xả, không chất chứa nỗi đau trong lòng. Làm được như vậy, ta mới giải phóng được sự bi ai, buồn, khổ, đau, sầu, ưu, phiền não v.v…

***

 
00:00
 
00:00