Điều VIII : BIẾT ĐỨNG DẬY SAU VẤP NGÃ

Giảng tại chùa Phú Thọ, tỉnh Bình Định, ngày 04-07-2008
Đánh máy: Nguyễn Hoa, Diệu Tịnh Đinh Phi Khanh


8. Điều thứ támVĩ đại lớn nhất của đời người là biết đứng dậy sau khi vấp ngã.

     Đây là câu gối đầu giường của trại giam K.20, được viết rất to bằng sơn rất đẹp ngay chính giữa trại. Chúng tôi cho rằng, người viết những lời đó là người có chiều sâu về giáo dục và đạo đức. Đây là lời Phật dạy sau sự kiện A Xà Thế chiếm ngôi vua cha bằng cách giết cha mình một cách rất tàn nhẫn và ác độc.

     Vua Ba Tư Nặc thương con rất nhiều, thương đến độ ông muốn giao ngai vàng cho con sớm hơn ở tuổi khoảng 21. Ông đã tuyên bố trước bá quan văn võ, ấy thế mà A Xà Thế vẫn không tin nên tổ chức mưu sát vua cha để lên ngôi vua sớm hơn.

     Lần đầu mưu hại vua cha không thành, A Xà Thế bị cha phát hiện, giam vào ngục. Vua vẫn đến thăm vì ông quá thương con. Vua cha hỏi: “Tại sao con ra nông nỗi như thế này! Con chỉ cần chờ sáu tháng sau là con được lên ngôi rồi”. A Xà Thế khóc lóc nói với cha rằng: “Cha ơi! Vì con muốn làm vua quá, con sợ cha lừa con, không chiều theo ý con muốn cho nên con đã làm nên tội tày trời”. Lẽ ra đức vua phải xử A Xà Thế tội chết, nhưng ông vẫn tha tội cho con. A Xà Thế giả vờ là một người hiếu thảo để lập mưu sát hại đức vua lần thứ hai. Lần này ông thành công.

     Ông nhốt cha vào trong ngục tối, cấm không ai được vào thăm viếng và ra lệnh không cho cha ăn bất cứ thứ gì, để ông chết dần chết mòn trong ngục giam. Hoàng hậu Vi Đề Hi là mẹ ruột của A Xà Thế, cả hai đều là Phật tử thuần thành của Thế Tôn. Quá thương chồng, bà nghĩ ra một kế: Bà lấy bột và sữa trộn với mật ong rồi bôi lên cơ thể, mặc áo cẩm bào vào thăm vua. Bà đi tay không nên không ai hồ nghi. Khi vào trong ngục, bà mới gỡ lấy bột sữa mật ong trên thân thể cho chồng ăn để giữ được mạng sống. Giam trong ngục nhiều ngày không cho ăn uống như thế mà cha vẫn chưa chết nên A Xà Thế nghi ngờ, cấm luôn không cho mẹ vào thăm cha nữa. Ông muốn cha mình chết sớm hơn vì sợ phục thù.

     Ông đã ra lệnh cho dùng dao thật bén cắt vào da thịt của cha và sát muối vào như làm một con cá. Mấy tiếng sau, vua cha tắt thở chết. Trước khi chết, đức vua vẫn luôn niệm danh hiệu Phật và cầu nguyện: “Nếu như giữa con và A Xà Thế có nghiệp ân oán nhiều đời thì xin được tháo gỡ từ đây. Con không hận thù con của con và mong sao cho tuệ giác được phủ chiếu trong tư duy của A Xà Thế, để A Xà Thế trở thành một minh quân, không gây đại họa cho bá tánh”. Nói xong, ông ra đi với hơi thở nhẹ nhàng, với nụ cười thư thái, bình an, không hận thù.

     Ngày vua cha chết cũng là ngày A Xà Thế làm cha. Đứa con vừa được sanh ra, trên cơ thể của nó có một mụt ghẻ, nó đau nhức la cả ngày lẫn đêm. A Xà Thế và vợ không ngủ được, thương lo cho đứa con của mình. Thương con nhưng không biết làm sao cho nó đỡ khóc, ông chạy đến phòng cầu cứu mẹ: “Mẹ ơi! Con thương con nhiều quá, không biết làm sao cho con của con bớt khóc. Nó mà khổ đau thì con khổ đau biết chừng nào. Không biết lúc cha còn sống có thương con như thế không?”. Nghe vậy, bà Vi Đề Hi nghẹn ngào khóc và kể lại rằng: Lúc mẹ mang thai con, các nhà tiên tri vào bẩm báo với phụ hoàng rằng: “Bệ hạ nên giết chết đứa con này khi còn trong thai, vì nó là một nghịch tử. Nếu bệ hạ không giết thì sau này nó sẽ giết chết bệ hạ”. Nghe nói như thế, vua Ba Tư Nặc giận lắm, đuổi nhà tiên tri đi vì cho rằng nhà tiên tri đã bị mua chuộc, tạo kế ly gián giữa cha và con. Ai cứ cố tình lý giải thì vua còn phạt nặng hơn nên bảo vệ được mạng sống của A Xà Thế. Có một hôm con bị mụn nhọt trên tay, đau nhức lắm, trong cung có nhiều vị thái y rất giỏi nhưng cha con vẫn không nhờ đến. Cha con đã dùng miệng ngậm mụn nhọt đó, mút hết những chất mủ và máu trên mụn nhọt cho con đỡ đau nhức, để con được ngủ ngon. Với tư cách là một nhà vua, ông có thể ra lệnh cho những người khác làm việc đó, nhưng vì quá thương con nên phụ hoàng đã tự làm. Ấy thế mà khi con lớn lên, khi phụ hoàng đã tính giao quyền cai trị ngai vàng cho con trước thời gian dự định, con lại giết cha chiếm ngôi. Con đã làm cho hoàng triều lâm vào cảnh đau thương tột cùng!.

     Nghe mẹ kể xong, ông rơi vào chứng bệnh tâm thần hỗn loạn. Tòa án lương tâm giằng xé, hành hạ ông chưa từng thấy. Rất may, có một vị cận thần hướng dẫn ông đến gặp đức Phật. Đức Phật dạy rằng: “Nếu ông đã thấy được đây là lỗi lầm thì phát tâm sám hối, từ đây về sau không làm như thế nữa và phấn đấu trở thành một vị minh quân, mong cha tha tội và mong bá tánh bỏ qua tội bất hiếu. Có như vậy, ông mới đứng vững trong xã hội”. Sau đó đức Phật kết luận bằng câu: Vĩ đại lớn nhất của đời người là biết đứng dậy sau khi vấp ngã.

     Ngài dạy thêm rằng có hai hạng người được tán thán, hạng người thứ nhất là chưa từng tạo tội và hạng người thứ hai là sau khi tạo tội đã biết hối lỗi ăn năn, không tái phạm. Giữa hai hạng người đó, hạng thứ hai đáng tán thán hơn. Khi còn là người phàm kẻ tục, ta đã phạm phải những lỗi lầm, sơ xuất do lòng tham, sân, si hay kém hiểu biết; do bị cám dỗ, bắt buộc, hành hung; do mất cảnh giác... Quan trọng không phải là sau khi biết tội lỗi mà vẫn hành hạ chính mình hay đánh mất niềm tin. Có một số anh chị phạm nhân hỏi rằng: “Tôi gây tội lỗi nhiều quá, xã hội có tha cho tôi hay không? Luật pháp ngày đêm trừng trị, lương tâm tôi cắn rứt. Tôi nghĩ rằng đây là dấu chấm cuối cùng rồi, dù lún sâu thêm vào con đường tội lỗi nữa cũng không có gì, lỡ làm rồi thì theo luôn”. Như vậy, tội lỗi ngày một thêm cao.

     Khi hiểu ra, ta đứng dậy làm mới lại cuộc đời, gieo hạt giống đạo đức để chuyển hóa nghiệp, chuộc tội lỗi thì ta vẫn trở thành người hữu dụng cho xã hội. Nhiều anh chị đã khóc nhờ hiểu được triết lý rất sâu sắc của đạo Phật, nhờ đó mà họ có một đời sống mới, được tái sanh lần thứ hai cho dù chưa chết. Sống lại với niềm tin mới, ta phải làm người tốt, lao động giỏi để mau đoàn tụ với gia đình và trở thành người hữu dụng. Không dùng bàn tay, khối óc thông minh để lươn lẹo hại người nữa mà chỉ dùng để làm lợi ích cho xã hội.

     Như vậy dù ai có vấp ngã, dù nặng hay nhẹ, nhiều hay ít, hãy đứng dậy. Ta vẫn còn khối óc, niềm tin, lý tưởng, chí nguyện thì còn làm được những việc khó làm. Như thế cuộc sống sẽ rất bình an, sau màn đêm tăm tối sẽ là bình minh tươi đẹp của ngày mới. “Hãy nhìn về phía mặt trời bóng tối sẽ ngả phía sau lưng”. Sau cơn mưa trời lại sáng; sau bão giông mọi thứ lại bình lặng; sau động đất và sóng thần, mọi thứ lại trở về vị trí ban đầu. Cho nên phải có niềm tin, phải làm mới cuộc sống thì mới có được cuộc đời hạnh phúc.

***

 
00:00
 
00:00