Điều X : CÓ SỨC KHỎE LÀ CÓ TẤT CẢ

Giảng tại chùa Minh Tịnh, tỉnh Bình Định, ngày 05-07-2008
Đánh máy: Bích Thảo, Sơn Dương


10. Điều thứ mườiTài sản lớn nhất của đời người là sức khỏe.

     Trong những tờ sớ, tờ phướn hay những câu thư pháp, có một số bản người ta thêm chữ trí tuệ bên cạnh chữ sức khỏe, hai chữ cách nhau bằng dấu phẩy hoặc dấu gạch ngang. Chúng tôi đã có dịp tra lại nguyên bản của chùa Thiếu Lâm Tung Sơn - Trung Quốc thấy trong điều minh triết thứ mười không có chữ trí tuệ, chỉ có sức khỏe thôi. Câu này xuất xứ từ kinh Pháp Cú. Sức khỏe là tài sản lớn nhất, bởi vì có nhiều người dù sống cuộc đời giàu sang phú quý, phương tiện vật chất, tiện nghi đầy đủ, nhưng họ vẫn không được hạnh phúc vì thiếu sức khỏe.

     Ở chùa Giác Ngộ có một Phật tử năm nay 92 tuổi. Năm 2002, khi chúng tôi trở về sau chuyến du học Ấn Độ 8 năm, gặp bà, bà than thở: “Tôi khổ lắm thầy ơi! Tôi không muốn sống chút nào”. Tôi hỏi: “Sao bà buồn, bà than thở đến thế? Con bà có hiếu với bà không?” 

     Bà trả lời: “Con của tôi năm nay cũng 70 rồi, có cháu ngoại, cháu nội, tất cả bốn đời cháu, ai cũng có công ăn việc làm, tháng nào con cháu cũng gởi tiền cho tôi làm từ thiện cúng chùa”.

     “Thế sao bà còn than khổ?” Cụ bà ngồi xuống thở dài nói: “Hỏi thầy tôi không khổ sao được. Ngày nào tôi cũng phải uống thuốc Bắc đắng vô cùng. Hết thuốc Bắc tới thuốc Nam, tới uống thuốc gia truyền. Toàn là thuốc đen thui, đắng lắm! Hỏi thầy, vậy chớ còn gì khổ cho bằng!

     Sống thọ trên 90 là đại phúc, không phải ai muốn cũng được. Đó là kết quả do ta gieo trồng hạt giống nhân từ, tôn trọng sự sống, bảo vệ hòa bình, thương các loài động vật, bảo vệ môi trường sinh thái… từ nhiều đời nhiều kiếp. Ngoài ra còn phải kết hợp với việc nghỉ ngơi, ăn uống, làm việc, giải trí, sinh hoạt lành mạnh; luôn luôn trong trạng thái thăng bằng và quân bình; không để tâm lý căng thẳng bởi công việc làm; không để những chướng duyên, thử thách làm mình chao đảo. Vì trạng thái năng lượng của người này không bị mất nên sức khỏe được đảm bảo. Còn giàu sang mà bệnh tật thì bao nhiêu tiền bạc làm được đều tốn vào những khoản trả tiền thuốc, tiền bệnh viện.

     Ở nước ngoài, phần lớn người ta đều mua bảo hiểm sức khỏe vì tiền dịch vụ y tế rất cao. Một tháng lương trung bình khoảng 2.000usd đến 3.000usd, nếu bệnh sơ sơ mà vào bệnh viện, nằm chừng hai ngày thì phải trả khoảng 10 ngàn đô là chuyện thường. Làm suốt cuộc đời, chắt chiu tiết kiệm mà không chịu mua bảo hiểm thì chỉ có nước đổ nợ, dù sanh ra thêm một kiếp nữa trả vẫn chưa hết.        

     Chúng tôi có quen một Phật tử nam khoảng chừng 35 tuổi. Anh ta rất cần cù làm việc nhưng vẫn khai gian với nhà nước là thất nghiệp để được làm thêm ca hai và ăn tiền trợ cấp thất nghiệp. Vậy là trong một tháng, anh ta có tới ba nguồn tiền. Trong thời gian rất ngắn, anh trả được phân nửa số tiền mua nhà, anh mừng lắm. Lần đầu gặp, chúng tôi khuyên không nên làm như thế, sức khỏe là quan trọng, bươn chải nhiều quá thì 12 con giáp đều trở thành con trâu hết. Người ta thường nói đùa với nhau: Sanh ra ở đây, nhà giàu cỡ nào thì cũng đều là con trâu, làm việc quần quật suốt ngày. Vì căn nhà khoảng 1.000 mét vuông mà chỉ có hai vợ chồng, nội quét dọn vệ sinh, chăm sóc mọi thứ cây cỏ, hoa kiểng sân trước, sân sau là thấy hết giờ; huống hồ 8 tiếng làm việc ở công sở, 2 tiếng đi về, 14 tiếng còn lại thì 8 tiếng ngủ, 6 tiếng sinh hoạt gia đình, ăn uống, giặt giũ, xem ti vi… Sáng hôm sau cứ tiếp tục như thế mà làm, quần quật suốt ngày. Cày riết rồi có người bị tâm thần do quá căng thẳng. Đời sống ở phương Tây rất khó có được sự bình an như đời sống ở phương Đông, bao gồm nước Việt Nam, mặc dù chúng ta có phần hơi nghèo về điều kiện kinh tế và vật chất.

     Ngoài số tiền kiếm được từ ba nguồn thu nhập, anh ta keo đến độ không chịu mua bảo hiểm y tế. Một lần anh làm ca hai, vì sơ suất nên bàn tay bị đưa vào trong máy cuộn, cắt đứt hết cả mấy ngón. Khi vào bệnh viện, do không mua bảo hiểm nên anh phải tốn hết 40 ngàn đôla mà bàn tay cũng không lành lặn. Sau khi xuất viện, phải tốn tiền để tiếp tục điều trị, tốn thêm khoảng chừng 20 ngàn đô nữa là 60 ngàn đô. Trong khi mua bảo hiểm mỗi tháng chỉ tốn khoảng 100 đô, một năm chỉ tốn khoảng hơn một ngàn đô mà tiết kiệm.

     Ở phương Tây, tất cả đều phải mua bảo hiểm, nhà cửa cũng phải mua bảo hiểm, bảo hiểm ăn trộm, bảo hiểm chống cháy v.v... lỡ kẻ nào ghét mình phóng hỏa thì ngôi nhà dành dụm mấy chục năm không còn gì cả, đó là chuyện thường xuyên xảy ra ở các nước phương Tây. Nhưng nếu ta mua bảo hiểm thì cơ quan bảo hiểm sẽ chịu trách nhiệm.

     Bảo hiểm tài sản cũng như thế. Do đó ở nước ngoài, tiền bảo hiểm chiếm khoảng gần 30% số tài chánh mình tạo ra. Không hòa nhập được với cộng nghiệp mới này thì khi có sự cố xảy ra ta sẽ trắng tay, khổ đau, dẫn đến sự tuyệt vọng. Hay đang khỏe mạnh mà bị trục trặc sức khỏe thì gần như ta không còn gì hết, dẫn đến hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Sau đó, phải mất rất nhiều năm ta mới có thể gầy dựng lại cơ nghiệp.

     Trong kinh A Di Đà, đức Phật dạy chúng ta một nghệ thuật sống rất đơn giản để có được sức khỏe: “Phạn thực kinh hành” - ăn cơm xong rồi đi từng bước thảnh thơi, chứ ăn cơm xong mà nằm xuống ngủ hay ngồi thì dễ phát sinh bệnh béo phì, mỡ trong máu, mỡ trong gan hay các chứng bệnh tim mạch, đau nhức xương khớp..., nhiều chứng bệnh liên quan đến bao tử, thận, gan.      

     Các hành giả Tịnh Độ tông bận gì thì bận, cũng cố gắng đi kinh hành sau khi ăn xong, đi trong thiền, đi trong niệm Phật, trong an lành, hạnh phúc và thảnh thơi. Điều đó hỗ trợ ta rất lớn, mỗi lần đi khoảng chừng 20 đến 30 phút, dù có vẻ như mất thời gian nhưng rất cần thiết. Chẳng những thay thế cho thói quen tập thể dục để có sức khỏe mà còn có phước báu, có công phu tu tập. Làm được như vậy thì người nữ không cần đến trung tâm thể dục thẩm mỹ để làm đẹp, người nam không cần đến trung tâm thể dục tập thể hình để giữ sức khỏe.

     Đi kinh hành sau giờ ăn cơm trưa, cơm chiều còn giúp mình có được sức khỏe cường tráng. Nhiều Phật tử, từ khi gặp được đạo pháp bèn nhiệt tình phát tâm ăn chay trường. Họ sai lầm ở chỗ ăn uống quá khắc khổ, gần như cơ cấu bữa ăn chẳng có gì, chỉ có nước tương, chao, rau, rồi vài bát canh…, sơ sài như thế. Tiền bạc có, đủ điều kiện chẳng thiếu gì nhưng quen với việc ăn uống tiện tặn, cho nên duy trì được chừng mười năm, hai chục năm… thường mắc chứng bệnh loãng xương, suy nhược cơ thể, dẫn đến suy nhược thần kinh.

     Bản chất việc ăn chay rất tốt vì nó bảo đảm sức khỏe và tránh được các bệnh hiểm nghèo. Ở phương Tây, các siêu thị và quán chợ phần lớn đều có bán đồ chay, ta muốn mua thực phẩm chay rất dễ. Họ dành riêng một góc nhỏ chuyên bán thực phẩm chay. Trong khi đó, đạo Phật có mặt ở Việt Nam trên dưới hai chục thế kỷ, vậy mà kiếm một quán đồ chay không phải là chuyện dễ. Điều đó cho thấy khuynh hướng ăn chay để duy trì tuổi thọ và sức khỏe đang diễn ra như một nhu cầu.

     Người Phật tử ăn chay, ngoài yếu tố sức khỏe còn tránh được các bệnh tật do tiêu thụ các loại thịt mỡ. Ta cần phải phát triển thêm lòng từ bi, đây chính là nền tảng, là trọng tâm quan trọng nhất để ta có sức khỏe và tuổi thọ lâu dài. Không có sức khỏe, ta sẽ rơi vào tình trạng “lực bất tùng tâm”, muốn thật nhiều, nhưng làm chẳng được bao nhiêu, làm chút xíu là mỏi mệt phải nằm nghỉ. Do đó khi ta sống, có được tuổi thọ là ta có điều kiện thực hiện chí nguyện cao thượng của mình suốt cuộc đời mà không hề bị gián đoạn.

     Nếu chỉ sống được khoảng 60 tuổi rồi chết thì sau tuổi 60, ta không làm được gì nữa, phải bắt đầu lại, làm phôi thai, rồi làm đứa con được sự dìu dắt, thương tưởng, nuôi nấng, chăm sóc của cha mẹ. Mất đi 20 năm sau đó ta mới có thể tiếp tục sứ mệnh của mình.

     Các vị Hòa thượng, cao Tăng ở Việt Nam sống đến tuổi tám, chín mươi là chuyện thường. Nhờ sống thọ nên con đường Phật sự của các ngài mới được hanh thông. Hai mươi tuổi trở thành một vị Tỳ kheo, sống cho đến 90 tuổi, như vậy trong suốt bảy chục năm, con đường hoằng hóa được nối dài liên tục, tạo niềm tin tâm linh tựa như tàng cây bồ đề rộng mát phủ che cái âm đức cho thế hệ học trò. Những người kế thừa được là một duyên phúc rất lớn. Ông bà, tổ tiên, cha mẹ sống thọ cũng là phúc cho con cháu. Do đó khi lớn tuổi thì nên buông xả, đừng để những mối lo bám víu vào tâm, bởi sức khỏe cũng theo đó mà mất đi.

     Năm 2006, chúng tôi thuyết giảng tại một thành phố gần San francisco. Hôm đó nhân dịp lễ mừng thọ 80 tuổi cho một bà cụ, chúng tôi thuyết giảng đề tài “Chuyển hóa tâm thức” để hướng dẫn cho tất cả cháu con được đoàn tụ tại Hoa Kỳ trên dưới một năm, có thể từ đó mà biết được đạo pháp.

     Sau buổi thuyết giảng, gia đình thỉnh mời chúng tôi về thăm bà cụ tại tư gia. Khi vào nhà, thấy bà cụ đang cầm cây chổi quét nhà, rồi bà bỏ chổi xuống lau bàn, chùi ghế, thỉnh thoảng bà bắc ghế đứng lên để lau chiếc tủ cổ xưa được đưa từ Việt Nam sang. Con cháu rầu vô cùng, bảo cụ hãy nghỉ đi đừng làm, tất cả mọi thứ trong gia đình đã có người giúp việc. Bây giờ tuổi lớn, bà/mẹ nên lo an dưỡng, lỡ trượt té là làm khổ cho con cháu, làm khổ cho bản thân. Nhưng thói quen của người lớn tuổi không muốn buông, bởi họ đã làm quá nhiều trong cuộc đời, bỗng dưng ngừng hoạt động là họ cảm thấy trống vắng, cô đơn; khiến họ cảm thấy họ đang già đi và mất sức lao động, không còn khả năng bươn chải như thuở nào. Trong khi ở thời lão niên, họ lẽ ra phải an dưỡng, nghỉ ngơi cho tâm trí được an lạc.

     Nhiều người già mà vẫn tiếp tục làm. Mặc dù sức khỏe tốt, nhưng những sơ suất, trục trặc lao động nho nhỏ không đáng là bao có thể xảy ra làm giảm tuổi thọ, giới hạn người đó trên chiếc giường hay xe lăn do những tai biến, tật ách. Vì thế chúng ta phải thực tập, làm sao ở tuổi 70 trở đi thì phải buông xả, đừng bận tâm quá nhiều vào những việc gia đình, rồi công ăn việc làm của con cháu mà khiến sức khỏe hao mòn. Nhiều ông cụ, bà cụ lo cho đời con chưa đủ, lo đến đời cháu, đời chít. Suốt cuộc đời phải phục vụ cho ba, bốn thế hệ con, cháu, chít… hết sức là khổ.

     Đứa nào đi về muộn một chút là hỏi han, đứa con nào đi làm xa thì tối ngày trông ngóng mong chờ, như thế cũng không giải quyết được gì mà làm cho sức khỏe ngày một sa sút bệnh tật. Do vậy, người già có thể nương danh hiệu đức Phật A Di Đà, Quan Thế Âm Bồ tát để tâm mình được an lạc, nhờ đó sức khỏe được đảm bảo.

     “Phạn thực kinh hành” - niệm danh hiệu đức Phật A Di Đà là một nghệ thuật rất căn bản nhưng có thể giúp ta bảo vệ sức khỏe. Những người lớn tuổi nếu đi ra ngoài bất tiện, đi tới lui dễ trượt té thì có thể dùng cây gậy đi từ sân sau ra sân trước. Nếu thực tập được thói quen này thì đây cũng là nghệ thuật bảo vệ sức khỏe.      

     Các bản dịch để thêm chữ “trí tuệ” là không đúng, nguyên văn trong kinh đức Phật có nói: “Tài sản quý nhất của con người là sức khỏe”. Dù tài sản hay gia đình bị sụp đổ thì ta nỗ lực tái tạo vẫn thành công. Đức Phật cũng thường nói, đặc biệt là trong kinh Di Giáo “Duy tuệ thị nghiệp” - chỉ có trí tuệ là sự nghiệp chứ không phải trí tuệ là tài sản, tài sản phải là sức khỏe, nó giúp cho mình bền bỉ, thậm chí có thể làm được những việc khó làm.

***

 
00:00
 
00:00