B. PHẦN CHÁNH KINH - IV. CÁC KINH VỀ THIỀN VÀ CHUYỂN HÓA: 43. Kinh Cốt Lõi Thiền Tập

 43. KINH CỐT LÕI THIỀN TẬP

 ***

Tôi nghe như vầy. Có một hôm nọ, đang cư trú tại tinh xá Kỳ-viên, trong lúc thiền quán, Thế Tôn nghĩ rằng: “Thời điểm đã đến giúp La-hầu-la thuần thục trong pháp để được giải thoát. Hãy huấn luyện thêm để La-hầu-la dứt sạch lậu hoặc”. Sau đó, Thế Tôn đắp y, cầm bát, vào thành Xá-vệ khất thực hóa duyên. Về lại tinh xá, Thế Tôn cho gọi thầy La-hầu-la: O

– Này La-hầu-la, hãy cầm tọa cụ, thầy và đệ tử cùng đến khu rừng An-dha-va-na để nghỉ ban ngày.

Vâng lời Phật dạy, thầy La-hầu-la theo sau Thế Tôn. Hàng ngàn thiên nhân đi theo Thế Tôn vì biết hôm nay, Thế Tôn dạy cách dứt trừ lậu hoặc. Khi đến khu rừng, mỗi người ngồi dưới một gốc cây to. Thầy La-hầu-la đảnh lễ Thế Tôn, ngồi xuống một bên.

– Này La-hầu-la, con cho thầy biết mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý thế nào?

– Kính bạch Thế Tôn, sáu giác quan là vô thường, biến hoại, dẫn đến khổ đau.

– Này La-hầu-la, thật không hợp lý, nếu ai cho rằng: “Cả sáu giác quan đều là của tôi, là tôi, tự ngã của tôi”. Này La-hầu-la, con nghĩ thế nào, hình thái, âm thanh, mùi, vị, xúc chạm và ý hình dung, bản chất thế nào?

– Kính bạch Thế Tôn, sáu nhóm đối tượng của sáu giác quan đều là vô thường, biến hoại, khổ đau. Thật không hợp lý, nếu cho chúng là “của tôi, là tôi, tự ngã của tôi”.

– Này La-hầu-la, con cho thầy biết sáu loại nhận thức từ sáu giác quan, bản chất ra sao?

– Kính bạch Thế Tôn, sáu giác quan và sáu đối tượng chúng đều là vô thường. Sáu loại nhận thức do sự tiếp xúc giữa các giác quan với các đối vật mà được sinh ra cũng phải vô thường, biến hoại, khổ đau. Từ gốc ý xúc kéo theo một chuỗi cảm giác, ý niệm, tâm tư, nhận thức cũng giống như thế. Không thể đồng hóa nhận thức là tôi, hay thuộc của tôi, là tự ngã tôi.

– Này La-hầu-la, do thấy như trên, một người đa văn hay đệ tử thánh nhàm chán con mắt, hình thái, nhận thức và tiếp xúc mắt; đồng thời nhàm chán một chuỗi kéo theo cảm giác, ý niệm, tâm tư, nhận thức. Cách thực tập này giúp cho hành giả không còn đắm nhiễm vào các giác quan, đối tượng, nhận thức và sự tiếp xúc. Từ sự nhàn chám dẫn đến lìa tham, đạt được giải thoát. Trong sự giải thoát, vị ấy biết rõ ta được giải thoát: “Tái sanh đã dứt, hạnh thánh đã thành, việc nên đã làm, không còn trở lại trạng thái sinh tử”.

Nghe Thế Tôn giảng, thầy La-hầu-la vô cùng hoan hỷ, thực hành lời Phật. Tâm của tôn giả đã được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không còn chấp thủ. Những người tùy tùng đạt được mắt pháp lìa trần, không dơ: “Mọi thứ trên đời, cái gì có mặt đều bị biến diệt”.      O

Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật      (3 lần) O

***

 
00:00