Bài 3: THAY ĐỔI LỐI SỐNG VÀ CHẾ ĐỘ ĂN  (LIỆU PHÁP 4T)

Trong bài này, liệu pháp 4T được trình bày qua 5 giai đoạn như sau:

1. T1: Tinh thần-Tâm lý liệu pháp => Giảm stress. 

2. T1: Tinh thần-Tâm lý liệu pháp => Hóa giải stress (Tư duy tích cực).

3. T3: Tập dưỡng sinh liệu pháp. 

4. T2: Thực phẩm liệu pháp => Chế độ ăn quân bình âm dương.

5. T4: Thuốc liệu pháp. 

 

1/  T1 => GIẢM STRESS 

Để hạ nguy cơ mắc bệnh, cần phải giảm stress (căng thẳng, bức xúc). Nhưng làm sao giảm stress được? Vì stress là một tác nhân kích thích cuộc sống, nhờ có nó mà ta làm việc được, tương tự như dây đàn phải căng (stress) thì mới kêu. Nhưng nếu căng quá thì lạc điệu, thậm chí đứt dây! Do stress làm ta lo-buồn-giận-sợ, mà cuộc sống lại luôn gắn liền với lo buồn giận sợ! Vì vậy nếu còn sống thì còn lo buồn giận sợ, nhưng ít - vừa phải thì được, không quá sức chịu đựng của cơ thể (chưa đứt dây đàn). Mấu chốt chính là do lối sống. Do lối sống mà ta bị stress nhiều hay ít. Suy cho cùng thì mục tiêu cuộc sống vẫn là tìm niềm vui cho chính bản thân mình (tinh thần và vật chất). Niềm vui sẽ đem đến sức khỏe, niềm vui này nếu không hay ít kèm theo lo buồn giận sợ thì mới là niềm vui thật, vui trọn vẹn, vui khỏe. Để tìm niềm vui này cần phải có một lối sống ít stress. Lối sống nào?

Tổng quát có 2 lối sống: lối sống vị kỷ và lối sống vị tha. Lối sống vị kỷ là lối sống cho riêng mình, không cần quan tâm người khác. Thậm chí có thể gây hại, bất lợi cho tha nhân để dành lấy niềm vui cho riêng mình. Một niềm vui trên sự đau khổ của người khác có phải là niềm vui trọn vẹn chăng? Có thể ta vô tình, lương tâm không cắn rứt, không cần biết ai đau khổ dù đau khổ đó do chính mình gây ra. Vậy stress từ đâu ra? Từ kẻ mà mình gây hại. Con người đâu phải ai cũng là thánh nhân. Kẻ mà mình gây hại-rắc rối-đau khổ… chắc chắn không để yên cho mình. Một cách trực tiếp hay gián tiếp, họ sẽ chỉa mũi dùi, sẽ đáp lễ, sẽ nhìn ta bằng đôi mắt hình viên đạn!…. Nói cách khác sẽ gây stress cho ta, và tất nhiên làm cho ta lo-buồn-giận-sợ. Gieo gió gặt bão! Hậu quả lối sống vị kỷ là đầy nguy cơ lo buồn giận sợ. Còn lối sống vị tha thì hậu quả khác hẳn. Ta lo cho người, giúp đỡ cho tha nhân, tạo niềm vui cho tập thể, xã hội… thì rất ít nguy cơ bị lo buồn giận sợ. Đạt niềm vui do thỏa mãn lòng vị tha mới đúng là niềm vui trọn vẹn, hòa chung trong hạnh phúc của tất cả mọi người. Ta sẽ ăn ngon ngủ yên, lương tâm thanh thản, lo giúp người thì có gì phải lo buồn giận sợ. Nếu giúp người không thành thì cũng có thể lo buồn giận chút chút nhưng tuyệt đối không có gì phải sợ. Mình giúp người mà người không trả ơn mình thì thôi chứ đâu có gây bão tố chi cho ta. Thực tế lòng vị kỷ, lòng tham cá nhân cũng cần thiết vì nó là động cơ trực tiếp kích thích ta ham làm việc, góp phần phát triển xã hội. Nhưng để đạt lợi ích cá nhân thì tốt nhất là thông qua phục vụ tập thể. Mình vì mọi người (vị tha) thì mọi người sẽ vì mình (vi kỷ ). Vị kỷ-vị tha, theo học thuyết âm dương, là hai mặt đối lập của cùng một sự kiện, luôn luôn tồn tại bên nhau, vấn đề là ta ưu tiên thực hiện mặt nào trước (vị tha), mặt kia sẽ tự nhiên đến mà không cần đòi hỏi... Xét về khía cạnh y khoa, còn sống thì phải còn lo nghĩ, vấn đề là lo cho ai? Lo “lành tính” chính là lo vị tha, không hạn chế nhưng cũng không nên quá sức. Lo “ác tính” là lo vị kỷ, đầy nguy cơ sinh buồn giận sợ.

Ngoài ra trong đời sống văn minh vật chất hiện tại, nhu cầu cá nhân (vị kỷ) thì vô cùng phong phú, đa dạng phức tạp, tăng theo thời gian. Nếu ta cứ lo tìm chạy theo nó để thỏa mãn nhu cầu thì không biết bao nhiêu cho vừa, và coi chừng, dù vô tình hay cố ý, để mau chóng đạt một nhu cầu đặc biệt nào đó, ta có thể ‘dính” vào lo ác tính, hoặc lo quá nhiều nhu cầu sẽ dẫn bị kiệt sức mà mang họa, rước bệnh vào người. Do đó từng lúc cũng nên cần tự hạn chế lòng tham (dục vọng), giảm tham sân si, giảm nhu cầu, bớt đua đòi => đơn giản hóa cuộc sống, lối sống đơn giản.

 Lòng vị tha còn thể hiện qua cách ứng xử giữa người với người. có thể tóm tắt trong 4 chữ “T” cho dễ nhớ: T ôn trọng – T ương trợ - T ha thứ - T hân thương. Trong đó Tôn trọng là quan trọng và cần thiết nhất. Cần tôn trọng hiến pháp, luật pháp, nội quy, tài sản riêng tư, sự công bằng - sòng phẳng. Đầu tiên là tôn trọng mọi sinh hoạt của cộng đồng – xã hội. Cộng đồng nhỏ nhất là gia đình, nếu người chồng tôn trọng luật hôn nhân gia đình (không ngoại tình), luôn giúp đỡ, tha thứ và thân thương với vợ thì tại sao lại phải sợ vợ? Đối với hàng xóm, nếu tôn trọng chuyện riêng tư, không làm mất lòng nhau, sẵn sàng giúp đỡ, không chấp nhất những lỡ lầm của nhau thì tại sao phải lo sợ ông hàng xóm chọc phá mình, gây hại cho gia đình mình. Lưu thông trên đường nếu tôn trọng luật giao thông, mang giấy tờ bên mình, đội nón bảo hiểm thì mắc mớ gì phải sợ cảnh sát giao thông. Vào cơ quan làm việc, tôn trọng nội quy, tài sản nhà nước, hoàn thành tốt nhiệm vụ, không lấy của công làm của riêng, không tham nhũng, hối lộ thì tại sao phải sợ thủ trưởng, sợ phòng tổ chức. Cũng trong cơ quan, nếu tôn trọng chức năng, nhiệm vụ của đồng nghiệp (cấp trên lẫn cấp dưới), không nói xấu, chỉ trích, vu khống, sẵn sàng giúp đỡ tương trợ thật lòng, thông cảm tha thứ cho nhau, ta sẽ không sợ bị trù dập, ám hại, không buồn hay giận sợ điều gì khi làm việc. Trong quan hệ quốc tế cũng vậy, nếu các quốc gia tôn trọng chủ quyền của nhau, giúp đỡ viện trợ cho nhau, biết tha thứ cho các sai lầm trong quá khứ thì thế giới có lẽ sẽ không xảy ra chiến tranh. Khi tha thứ sẽ giúp cho người khác dễ nhanh chóng khắc phục khuyết điểm, giúp cho người ta tiến bộ hơn thì sẽ thương mến nhau hơn, sẽ không gây stress lẫn nhau.

Tôn trọng sự công bằng rất cần thiết để được bình yên, đó là “làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm không hưởng”. Không chịu lao động - làm ít mà lại muốn hưởng nhiều thì chỉ có cách là lấy của người khác? khi đã lấy của người mà không làm gì cho người ta thì liệu có bền không, có yên không? Stress là cái chắc.

Mối quan hệ 4T chắc chắn ít gây stress cho ta. Còn ngược lại thiếu tôn trọng, không tương trợ, khó tha thứ, ít thân thương thì đầy nguy cơ gặp stress.

Theo y học cổ truyền, Lo làm tổn thương bộ máy tiêu hóa (tư thương tỳ), buồn ảnh hưởng đến bộ máy hô hấp (bi thương phế), giận làm trì trệ bộ máy vận động (nộ thương can), sợ làm suy giảm miễn dịch (khủng thương thận). Vì lo buồn giận sợ làm ăn kém, ít thở, vận động yếu, sức đề kháng giảm, thì làm gì mà không bệnh tật. Lối sống vị tha cũng được các tôn giáo khuyến khích - vận động các con chiên (đạo Thiên Chúa), Phật tử (Phật giáo) thực hiện. Ở đạo Thiên chúa, thể hiện lòng vị tha là lối sống hy sinh, nhân ái, nhường nhịn lẫn nhau..., ở đạo Phật cũng khuyên lối sống từ, bi, hỷ, xả, bình đẳng, chân thật,... giảm tham sân si, vì nếu còn tham sân si quá độ thì khó vị tha, luật nhân quả cũng nhắc nên sống vị tha hơn là vị kỷ. Các linh mục cha sứ thường rao giảng: “Toa thuốc trị mọi ưu tư phiền não, mọi chứng bệnh, chính là lòng yêu thương”. Nếu người sùng đạo thực hiện tốt các lời dạy của Chúa, Phật về lối sống vị tha thì có thể tìm được thiên đường ngay trên hạ giới này.

Thực hiện lối sống vị tha ta ít gặp stress hơn (so với lối sống vị kỷ). Nhưng nếu lỡ gặp stress thì không nên đè nén, vì sẽ tạo thêm một stress thứ hai (stress kép), mà nên tìm cách giảm hay hóa giải ngay để ít nguy cơ lo buồn giận sợ bằng một liệu pháp tâm lý: tư duy tích cực.

2/  T1 => TƯ DUY TÍCH CỰC

Cuộc sống con người, từ thời văn minh hiện đại đã trở nên phong phú, phức tạp, nhu cầu ngày càng nhiều, tạo nên nhiều tiện nghi và lạc thú nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh tật, nhất là bệnh mãn tính khó điều trị (đái tháo đường, tăng huyết áp, ung thư, tâm thần, béo phì,…). Một trong những nguyên do là từ stress thái quá, kéo dài liên tục. Để ngừa - giảm stress, cũng có lúc cần thay đổi lối sống: đó là đơn giản hóa cuộc sống, giảm bớt các nhu cầu không thật sự cấp thiết và nhất là chú ý mối quan hệ ứng xử trên nền tảng vị tha, theo nguyên tắc 4T: Tôn Trọng - Tương Trợ -Tha Thứ - Thân Thương. Nhờ thay đổi lối sống ta ít bị stress xấu - độc hại, ít gặp “bão”, tuy nhiên thỉnh thoảng vẫn còn gặp stress thì phải hóa giải ngay, không để kéo dài trạng thái tâm lý “lo-buồn-giận-sợ”. Bắng cách nào? Bằng tư duy tích cực.

 Tư duy tích cực là gì? Thông thường, do gặp stress ta “lo-buồn-giận-sợ” và các trạng thái cảm xúc này sẽ thể hiện ra hành động ( khóc lóc, chảy nước mắt khi buồn, la hét đỏ mặt, đập phá… khi giận, thừ người, không còn thiết ăn uống khi lo, “sợ té đái”,…) nhưng 4 trạng thái tâm lý lo-buồn-giận-sợ này có xuất hiện nhiều, ít, thậm chí rất ngắn là tùy cách suy nghĩ, đánh giá của ta về nguyên do gây stress (stressor), vì tư duy chỉ đạo cảm xúc, cảm xúc chỉ đạo hành động. Thí dụ: chẳng may thi rớt, nếu là tư duy tiêu cực, ta nghĩ rằng đây là một biến cố xấu, không may,… suy nghĩ này làm ta lo lắng (cuộc đời ta rồi sẽ ra sao?), làm ta buồn vì thua sút bạn bè, làm ta giận (giận mình sao dốt nát, giận bạn bè không giúp đỡ), làm ta sợ (sợ cha mẹ buồn, đánh đập ta), và thể hiện ra hành động là ta bỏ ăn, khóc lóc suốt ngày, chạy trốn cha mẹ, bạn bè… Hậu quả cuối cùng là sức khỏe suy giảm, làm mồi cho bệnh tật tấn công. Tư duy tiêu cực là thế, còn nếu ta suy nghĩ theo hướng ngược lại (tư duy tích cực) thì hậu quả khác hẳn, ta nghĩ rằng thi rớt chưa chắc là điều hoàn toàn xấu, dở, rủi ro, trong cái rủi có cái may mà, biết đâu đây là điều may !!! Vì nếu cứ tiếp tục suy nghĩ tiêu cực (sẽ sinh ra đủ thứ hậu quả bất lợi) thì vẫn rớt, không hội đồng thi nào thấy mình lo-buồn-giận-sợ mà thương tình chấm lại cho đậu, vì nếu suy nghĩ tích cực cho đây là dịp may để rút kinh nghiệm, phát hiện khuyết điểm của mình nà trước đây chủ quan chưa nhận ra, ta điều chỉnh lại phương pháp học tập, gần gũi thầy cô, bạn bè hơn thì chất lượng học tập sẽ cao hơn, bản lĩnh vững chắc hơn, và kết quả kì thi tới không thể nào rớt, thậm chí đậu cao hơn, vì “thất bại là mẹ thành công”, vì “sau cơn mưa trời lại sáng” (mưa dù kéo dài cách mấy cũng phải chấm dứt để trời sáng lại), vì “tiên trách kỷ hậu trách nhân”. Nếu suy nghĩ tích cực như thế ta chấm dứt nhanh chóng trạng thái “lo-buồn-giận-sợ” và chắc chắn không còn khóc nữa, không giận bạn nữa, không trốn chạy cha mẹ, không bỏ ăn,… Ta lập lại kế hoạch học tập mới, chăm chỉ,… cha mẹ, bạn bè sẽ khen ta, yêu thương ta vì đã dũng cảm tiến lên.

Còn nếu đọc các sách xưa về các bài học của tư duy tích cực thì truyện “Tái ông mất ngựa” là một thí dụ rõ nét, Truyện kể rằng có một cụ già tên gọi Tái ông, cụ có một con ngựa đẹp, khỏe, là một vật nuôi thân thiết, hàng ngày cụ chăm sóc ngựa rất chu đáo, ngựa cũng hết sức thương mến chủ. Vậy mà một sáng nọ thức giấc, cụ ra chuồng ngựa thì con ngựa đã biến mất, đi tìm khắp nơi cũng không thấy. Hàng xóm nghe tin kéo qua để chia buồn cho biến cố rủi ro-bất hạnh này. Do đó khi gặp cụ ông, họ tưởng rằng ông cụ đang lo (đi qua đi lại, miệng lẩm bẩm gì đó), tưởng rằng cụ đang buồn (khóc tỉ tê, chạy nước mắt nước mũi), tưởng rằng cụ đang giận (vung tay đấm xuống bàn, miệng la hét “thằng khốn nạn nào dám lấy ngựa của ông”…), tưởng rằng cụ đang sợ (mặt thất thần, than thở “ôi nó lấy ngựa ta coi chừng đêm nay nó lấy cả mạng mình”). Vì lo-buồn-giận-sợ do mất con ngựa, Tái ông sẽ bỏ ăn, suốt ngày thẩn thờ ngồi yên không vận động, đêm sẽ không ngủ được, nếu kéo dài sức khỏe sẽ suy giảm, bệnh tật sẽ xuất hiện, chết sớm là cái chắc!. Nhưng thực ra hàng xóm thấy Tái ông vẫn điềm tĩnh tiếp họ và còn nói “Biết đâu đây là cái may đấy!!!”. Với tư duy tích cực, Tái ông nghĩ mất ngựa là điều may, điều tốt, do đó lo làm chi! Tại sao phải buồn! Không việc gì mà giận, và tất nhiên không có gì đáng sợ (vì đây là điều may, điều tốt mà). Hàng xóm nghĩ rằng Tái ông già lú lẫn, kéo nhau về không còn chia buồn nữa (vì thấy ông có buồn đâu mà chia!). Ba ngày sau, con ngựa trở về dẫn theo một chú ngựa con khỏe mạnh, rất đẹp, hàng xóm nghe tin lại kéo nhau qua để mừng. Đến gặp cụ, tưởng rằng Tái ông đang nhảy nhót vui mừng, mặt mày hớn hở, nhưng thấy cụ vẫn điềm tĩnh, lại còn nói “Biết đâu đây là cái rủi đấy!”. Hàng xóm sững sờ, nghĩ rằng ông cụ càng ngày càng lú lẫn, giận dữ bỏ về. Tái ông có một đứa con trai, thấy có chú ngựa con đẹp hàng ngày chơi đùa và leo lên cỡi. Một ngày kia đang cỡi ngựa bỗng té gãy chân. Hàng xóm nghe tin lại kéo nhau qua chia buồn, tưởng rằng ông cụ đang lo-buồn-giận-sợ nhưng cụ ông vẫn điềm tĩnh chăm sóc cho con trai, miệng lại còn nói “Biết đâu đây là cái may đấy”, một lần nữa hàng xóm lộ vẻ bất bình trước thái độ kì quặc của Tái ông vì đối với họ đây là chuyện xui xẻo, không tốt (tư duy tiêu cực), kéo nhau bỏ về, thầm nghĩ sẽ không thăm viếng ông già này nữa. Cuối năm đó, chiến tranh xảy ra, nhà nước tổng động viên kêu lính, con trai Tái ông nhờ bị gãy chân không phải vào quân đội, nhờ vậy cha con được đoàn tụ suốt đời!.

Qua truyện này, khi gặp một sự việc không như ý, nếu nghĩ  đây là điều rủi thì cũng không sai nhưng mà sẽ kéo theo tâm lý – cảm xúc tiêu cực (lo-buồn-giận-sợ). Còn nếu nghĩ ngược lại là điều may (tư duy tích cực) thì cũng có thể đúng và sẽ không phải lo-buồn-giận-sợ. Như vậy ta nên suy nghĩ theo kiểu nào khi gặp một vấn đề bất như ý??? Tóm lại, học thuyết âm dương của y học cổ truyền đã chỉ dạy “Mọi sự vật, hiện tượng đều có hai mặt đối lập: Âm-Dương (mặt tốt-xấu, khía cạnh vui-buồn, điều rủi-may…) và thường thì chỉ một mặt xuất hiện, mặt kia còn tiềm ẩn nhưng chắc chắn là có, đi tìm sẽ ra, và thực tế đúng như thế. Như vậy khi ta gặp bất cứ điều gì không hài lòng, cho là điều rủi thì thay vì ta suy nghĩ theo điều rủi, không tốt thì chắc chắn sẽ sinh ra lo-buồn-giận-sợ, thì ta hãy tìm mặt tích cực của vấn đề, suy nghỉ và thực hiện mặt tích cực đó thì chắc chắn cuộc sống sẽ bình an hơn, stress sẻ nhẹ hơn.

3/  T3 =>TẬP DƯỠNG SINH (T3)

Trồng cây muốn nhiều hoa quả cần phải chăm sóc nuôi dưỡng chu đáo. Đó là bón phân đầy đủ, tưới nước đều. So sánh với con người, muốn khỏe, ngoài tinh thần yên bình (T1), ăn uống quân bình âm dương (T2), cần phải vận động thể lực đầy đủ, nghỉ ngơi khi mệt mỏi để nuôi dưỡng sự sống bằng một phương pháp tự luyện tập gọi là tập dưỡng sinh (T3). Tập dưỡng sinh là liệu pháp vật lý mà ai cũng có thể tự tập luyện để củng cố, duy trì và phát triển chất lượng sống. Dưỡng sinh, nói cách khác là tự mình tập cho khỏe, khỏe là có cảm giác sảng khoái, vui tươi, thích làm việc, ăn uống nghỉ ngơi bình thường, toàn thân dễ chịu, không đau nhức tê bại. Tập dưỡng sinh có nhiều lợi ích rõ rệt, vừa có kết quả lập tức vừa lâu dài. Tùy theo mục đích mà có nhiều loại hình tập. Đầu tiên là loại hình tập TĨNH để giảm stress. Đó là tập thư giãn, tập thiền định. Thư giãn có 2 loại: thư giãn chủ động thường tập trong tư thế ngồi hay đứng, có tác dụng giảm stress lập tức, ngay trong giờ làm việc, thích hợp với người phải ngồi, đứng liên tục. Khi ngồi đứng liên tục 1-2 giờ, ta thấy mỏi mệt, toàn thân căng thẳng, thậm chí cứng đờ. Lập tức tập một số động tác để thư giãn chủ động trong vòng 2 đến 5 phút sẽ khỏe ngay, toàn thân mềm dẻo (xem thêm liệu pháp 4T trong thời báo kinh tế Sài Gòn 09/07/2009). Còn sau giờ làm việc (trưa, tối), cơ thể mệt mỏi cần thư giãn, có thể tập thư giãn thụ động (tư thế nằm buông xụi toàn thân). Thiền định (kiểu thiền thở bụng) cũng giúp thư giãn, có thể thực hiện mọi lúc mọi nơi, tư thế nào cũng được (ngồi, quỳ, đứng, nằm…). Đặc biệt khi đang nổi giận, run sợ thì thiền là biện pháp tốt nhất.

Đối lập với loại hình TĨNH là loại hình ĐỘNG, gồm tự xoa bóp và tập vận động. Tập động có tác dụng hoạt huyết, làm cải thiện lưu thông khí huyết, gia tăng sức khỏe, giải quyết các rối loạn chức năng do ứ trệ tuần hoàn mà cụ thể là đau tê. Y học cổ truyền có câu: “thông bất thống, thống bất thông” nghĩa là nếu không tắc nghẽn (thông), thì sẽ không đau (thống), còn nếu đau tức là đã bị tắc nghẽn = bất thông). Tự xoa bóp có nhiều trường phái, thông dụng và hiệu quả là phương pháp Cốc đại phong gồm 25 động tác đơn giản, thường thực hiện vào lúc thức giấc, làm sảng khoái, sẵn sàng bước vào ngày mới đầy bận rộn, hay lúc lên giường ngủ làm dễ ngủ. Tập vận động ngoài tác dụng hoạt huyết còn tăng thông khí phổi do phải hít thở sâu, nhờ vậy trong huyết dịch sẽ tăng oxy và giảm CO2, tăng pH (kiềm hóa máu), sẽ góp phần tạo môi trường tốt cho tế bào bình thường sinh sống nhưng ức chế sự phát triển của tế bào ung thư (lý thuyết Otto Warburg: xem bài 2 Nguyên nhân gây bệnh). Có rất nhiều loại hình tập vận động, đơn giản nhất là đi bộ hay chạy bộ chậm, bài thể dục sáng đơn giản, thể dục nhịp điệu (Aerobic), thể dục thẩm mỹ, tập luyện với máy tập, khiêu vũ dưỡng sinh…

Cuối cùng là 1 loại hình tập dưỡng sinh vô cùng độc đáo, kết hợp cả tĩnh lẫn động (thiền trong thế động), đó là Thái cực quyền, Yoga… Dù tập kiểu nào, muốn đạt kết quả cao, người tập phải luôn luôn kết hợp vận động với hô hấp sâu.

Tóm lại tập dưỡng sinh (T3) rất cần thiết cho tất cả chúng ta, chắc chắn có lợi cho sức khỏe, chủ động được cả không gian lẫn thời gian, lại không tốn tiền. Một số người dù biết tập dưỡng sinh tốt nhưng không chịu tập, do thiếu thời gian hay là mệt nên làm biếng tập. Mệt mà không tập lại càng mệt hơn, còn dùng ý chí quyết định tập thì sẽ khỏe hơn. Mệt cách mấy thì ít ra cũng tự xoa bóp được hay tập vài động tác của thư giãn chủ động. Bận rộn cách mấy vì lo cho gia đình – xã hội thì rất tốt, nhưng cũng nên dành 15 – 30 phút để lo cho bản thân mình, để cải thiện sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật thì sẽ lo cho người khác tốt hơn, lâu dài hơn. Hãy tập dưỡng sinh!

4/ T2 =>THỰC PHẨM-CHẾ ĐỘ ĂN QUÂN BÌNH ÂM DƯƠNG 

Mọi hoạt động trong cơ thể nếu ở thế cân băng đều có lợi cho sức khỏe, muốn vậy các tế bào cần sống trong một môi trường cân bằng, môi trường đó chính là máu - huyết dịch, là nơi tế bào - mô trao đổi dưỡng chất, chất thải, khí oxy, thán khi (CO2), kích tố..., và yếu tố then chốt quyết định sự cân bằng đó chính là chế độ ăn quân bình  âm dương. Theo Y học cổ truyền, mọi sự vật hiện tượng đều có 2 mặt đối lập Âm-Dương, Âm-Dương là 2 từ tổng quát-chung nhất, khi áp dụng cụ thể vào thực phẩm  tức là chế độ ăn cân bằng acide- base ( axit- kiềm hay kiềm –toan).

- Theo nghiên cứu của các chuyên gia dinh dưỡng, trong cơ thể con người, huyết dịch cần mang tính cân bằng kiềm toan, hơi kiềm (Dương) là tốt nhất (pH = 7,35-7,4 ), nếu máu trong cơ thể con người có khuynh hướng axit (Âm) thì hoạt động tế bào kém, các chức năng yếu đi, chất thải khó bài tiết ra ngồi, chuyển hóa cũng chậm theo, tăng gánh nặng cho gan thận, suy giảm sức đề kháng, dễ xuất hiện các bệnh mạn tính (bệnh ung thư chẳng hạn), trước tiên dễ bị cảm cúm, nhiễm siêu vi (dân gian gọi là trúng gió) Đồng thời, tình trạng axit làm cho cơ thể mau già yếu, dễ mệt mỏi, tinh thần không ổn định.

- Yếu tố then chốt quyết định là chế độ ăn uống, thức ăn có thể chia thành nhóm sinh axit, sinh kiềm và trung tính. Những thức ăn ngon hấp dẫn (thường thấy trong các bữa tiệc hoành tráng) phần lớn đều mang tính sinh axit như thịt-cá, lòng đỏ trứng, gạo trắng, bánh mì trắng, dường trắng, hóa chất như mùi hương - vị - chất phụ gia - chất bảo quản ..., trái lại các loại rau - củ - đậu, rong biển, trái cây... và ngũ cốc nguyên cám nhất là gạo lức đều mang tính sinh kiềm. Nhìn chung, đa số chúng ta có khuynh hướng sử dụng nhiều thực phẩm sinh axit hơn là sinh kiềm, hậu quả là mất quân bình axit-kiềm- (acid-base, âm dương)=> máu-dịch bị axit hóa.

- Chế độ ăn thịt: gây axit hóa máu (không có lợi cho sức khỏe), có nhiều đạm động vật nhưng không ở dạng đơn thuần mà ở dạng liên hợp như Nucleoprotein, lipoprotein, trong quá trình chuyển hóa sẽ cho ra nhiều sản phẩm độc hại cho cơ thể như urê, acid uric, nitrit, nitrat..., do đó đối với người trưởng thành, lượng đạm động vật nên đạt từ 25-30% trong tổng lượng đạm là thích hợp (không nên ăn nhiều thịt-cá quá).

- Chế độ ăn chay: có ưu điểm kiềm hóa máu, nếu trong bữa ăn chay, thay gạo trắng bằng gạo lức, có đủ các loại đậu, mè, nấm thì không sợ thiếu chất đạm - acid amin, đặc biệt một số nấm ngòai tính chất chứa nhiều đạm, lại có những hoạt chất chống ung thư (nấm bào ngư, nấm đông cô, nấm tuyết, nấm mèo đen, nấm hầu thủ), ăn rau sống - gỏi trộn giấm-chanh thì không sợ thiếu sắt. Nếu ăn chay trường, trong mỗi bữa ăn cần luôn luôn có đủ 4 nhóm: rau-củ-quả,bột đường, đạm thực vật (đậu-nấm), dầu thực vật. Nếu ăn chay lại có thêm sữa trứng thì không sợ thiếu sinh tố B12.  Ăn gạo lức muối mè kèm thức ăn chay thì rất tốt cho sức khỏe.

- Tình trạng axit cũng thường xuất hiện khi lo lắng thái quá hay lao động quá sức.

- Cách ăn: cần nhai kỹ lưỡng trước khi nuốt, khi nhai kỹ thức ăn  được tiêu hóa một phần và được kiềm hóa một phần nhờ nước bọt. Chính cuộc sống hiện đại đầy khẩn trương khiến người ta ăn vội vàng (fast-food) không có thì giờ nhai, điều này chắc chắn ảnh hường không tốt đến bộ máy tiêu hóa.

- Nước uống có phẩm chất tốt: chất khoáng lượng thích hợp, không chất có hại, độ cứng vừa, chứa nhiều oxy, chứa ion bicarbonat, có tính kiềm nhẹ.

- Giới hạn dùng nước đá, kem lạnh dễ làm rối loạn tiêu hóa,viêm họng.

- Thỉnh thoảng nên có đợt nhịn ăn (vẫn uống): mỗi quý 1 đợt từ 1 đến 3 ngày tùy cân nặng và sức khỏe (đã có 1 số nghiên cứu trên động vật cho thấy cho nhịn ăn đúng cách giúp trẻ lâu, ít bệnh).

Tóm lại: Để giảm nguy cơ bệnh tật nói chung, bệnh ung thư nói riêng, chúng ta cần theo chế độ ăn uống trở về thiên nhiên mang tính cân bằng âm –dương (axit-kiềm).

1/ Kiêng cữ hẳn: mỡ động vật (heo gà bò).

2/ Hạn chế: thịt (nướng – hun khói - chiên), muối, đường, trứng, hóa chất (phẩm màu, hương – vị thực phẩm, chất bảo quản, phụ gia… => thực phẩm tinh chế - thực phẩm công  nghiệp = đồ hộp).

3/ Nên ăn nhiều thực phẩm tươi - chưa tinh chế: rau (bông cải, dền, bắp cải), củ (carot…), đậu (đậu trái, đậu hột: đậu nành-đen-đỏ), rong tảo biển, trái cây (táo ,dâu…), tỏi, hành tím rau thơm, mè đen, một ít nấm (nấm bào ngư, nấm đông cô, nấm tuyết, nấm mèo đen, nấm kim chi, nấm mỡ, nấm hầu thủ). Thay dần gạo trắng bằng gạo lức.

4/ Uống đủ nước: nước khoáng kiềm, nước trà xanh, nước trái cây tươi, nước gạo lức rang, nước đậu đen, sữa đậu nành.

5/ T4 =>THUỐC : THUỐC ĐÔNG HAY TÂY Y

Thuốc thay đổi tùy theo giai đoạn bệnh lý. Nếu khối u chưa bị phát hiện thì thuốc bổ là chính, để nâng cao sức khỏe, góp phần ngừa ung thư. Nhưng cần phải luôn luôn nhớ, để ngừa ung thư thì liệu pháp tinh thần – tâm lý (T1), thực phẩm (T2), tập dưỡng sinh (T3) là chủ yếu, liên tục, suốt đời. Chỉ khi nào cảm thấy mệt mỏi, trong người khó chịu, đi khám cũng chưa phát hiện bệnh lý gì thì có thể dùng ít thuốc bổ đông y như sâm, nhung… nhưng muốn dùng cũng phải có chỉ định của bác sĩ. Nếu  bị ung thư và đang điều trị tấn công bằng liệu pháp y học hiện đại (phẫu – hóa – xạ trị) thì thuốc y học cổ truyền có vai trò hỗ trợ. Do phẫu hóa xạ gây nhiều tác dụng phụ, bệnh nhân rất mệt mỏi, rối loạn tiêu hóa, tê, yếu…, thử máu có giảm hồng cầu, bạch cầu… thì thuốc y học cổ truyền có khả năng khắc phục các tác dụng độc hại đó giúp bệnh  nhân mau chóng phục hồi sức khỏe để tiếp tục đủ liệu trình hóa - xạ (không rớt toa). Sau liệu pháp phẫu hóa xạ, nếu nguyên nhân gây ung còn tồn tại, thì vẫn còn nguy cơ tái phát di căn → y học cổ truyền (liệu pháp 4T) có thể góp phần phòng ngừa tái phát – di căn. Riêng trường hợp đặc biệt, không thể điều trị bằng y học hiện đại (phẫu hóa xạ) thì một số dược liệu y học cổ truyền có khả năng ức chế tế bào ung thư, giúp kéo dài cuộc sống của người bệnh (xem bài 4: tại sao bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối chết nhanh).

Kết luận: y học hiện đại có thế mạnh là tiêu diệt, tấn công khôi u hiệu quả, nhanh gọn, nhưng còn để lại nhiều tác dụng phụ và nguy cơ tái phát di căn. Còn sở trường y học cổ truyền là nâng cao sức khỏe, bồi dưỡng hệ miễn dịch, do đó giúp bệnh nhân mau chóng vượt qua tác dụng phụ của phẫu hóa xạ và hạn chế tái phát – di căn. Do đó nên kết hợp y học cổ truyền (liệu pháp 4T) và y học hiện đại (phẫu – hóa – xạ) trong trận tuyến phòng và điều trị ung thư => có thể giảm nguy cơ ung thư (vì biết rõ nguyên nhân gây ung thư nên từ đó có thể phòng bệnh được), biết cách phát hiện sớm, đạt kết quả cao trong điều trị (giảm tác dụng phụ, hạn chế tử vong) và giảm nguy cơ tái phát di căn => Ung thư không còn đáng sợ nữa.

Cần lưu ý:

a) Giảm nguy cơ ung thư không có nghĩa là khi áp dụng liệu pháp 4T sẽ chắc chắn không bị ung thư, mà là tỉ lệ mắc bệnh có thể giảm, bệnh nhẹ hơn, ít ác tính hơn. Có thể so sánh, nếu đội nón bảo hiểm khi chạy xe máy, chẳng may bị té xe thì ít bị chấn thương sọ não, nếu có cũng nhẹ so với người không đội nón. Thực tế có người đội nón nghiêm túc, khi té vẫn bị chấn thương sọ não và tử vong (ví dụ nghệ sĩ Hữu Lộc), nhà tuy xây chắc để phòng bão nhưng gặp bão cấp 12 cũng khó trụ nổi.

b) Liệu pháp 4T chỉ có giá trị tương đối như các liệu pháp khác:

- Khó áp dụng trên trẻ em: trẻ em vô tư, hiếu động nhưng vẫn bị ung thư. Có lẽ ung thư ở trẻ em do tà khí cực mạnh.

- Bệnh nhân bị ung thư không có nghĩa luôn luôn là người đã có lối sống vị kỷ, vì nguyên nhân ung thư rất phức tạp, nhiều yếu tố kết hợp lại.

c). Kết hợp đông tây y: là phẫu hóa xạ và hỗ trợ y học cổ truyền, khi bị ung thư rồi cần điều trị bằng y học hiện đại mà phẫu thuật là liệu pháp triệt để, sau đó có thể hóa và xạ. Nhưng hóa trị làm suy giảm miễn dịch, xạ trị có thể gây đột biến trên gene tạo ung thư khác. Do đó sau khi mổ, thầy thuốc và bệnh nhân cần cân nhắc sức chịu đựng của bệnh nhân đối với hóa xạ.

d) Sau loạt bài này, nếu các câu lạc bộ, các hội đoàn, các tập thể… yêu cầu, tác giả có thể đến trình bày, nhấn mạnh liệu pháp 4T, đề xuất thêm các biện pháp cụ thể - thực tế, trao đổi thảo luận để nắm chắc liệu pháp, có thể hướng dẫn thêm tập dưỡng sinh (thư giãn chủ động- thụ động, tự xoa bóp…).

***
 

 
00:00