PHẦN 2: VĂN TẠNG PÀLI - Chương V: Kinh Tạng Pàli

Lược khảo 34 bài kinh Trường bộ (tiếp theo)

Phẩm Mahà (từ kinh số 14-23)

 

    14. Kinh Đại bổn (Mahàpadàna Suttanta):

    Bài kinh là câu chuyện dài về cuộc đời bảy đức Phật do Thế Tôn kể cho các tỷ kheo nghe khi ngài ở tại Sàvatthi (Xá Vệ), rừng Jeta (Kỳ Đà), vườn ông Anàthapindika (Cấp Cô Độc), trong am thất cây Kareri (Hoa Lâm). Danh từ apadàna đi kèm với chữ mahà trong tiêu đề bài kinh có nghĩa là truyền thuyết hay câu chuyện về cuộc đời chư Phật, như được dùng trong kinh này, hay truyền thuyết về cuộc đời chư Phật và chư vị A la hán, như được dùng ở tiêu đề tuyển tập thứ mười ba, Apadàna, Tiểu bộ. Bài kinh gồm hai phần, phần đầu xem như sự mô tả về các đặc điểm chung của bảy đức Phật từ đức Phật Tỳ Bà Thi (Vipassì) đến đức Phật Thích Ca, phần hai mô tả chi tiết về cuộc đời đức Phật Tỳ Bà Thi và kết thúc với sự xác chứng của Thế Tôn về năng lực nhớ rõ các đặc điểm của chư Phật trong quá khứ. Những mô tả trong bài kinh gợi ý tưởng rằng bài kinh đã mở đường cho tác phẩm Buddhavamsa và một số truyền thuyết về sau, như tác phẩm Mahàvastu, Jàtaka-Nidànakathà và Lalitavistara, trong việc mô tả cuộc đời đức Phật Thích Ca. 

    - Đặc điểm về bảy đức Phật:

    1. Đức Phật Tỳ Bà Thi (Vipassì): ra đời: 91 kiếp về trước; chủng tánh: Sát đế lỵ; danh tánh: Kondanna; tuổi thọ loài người: 80.000 năm; chỗ giác ngộ: dưới gốc cây Pàtali (Ba bà la); hai vị đệ tử ưu tú: Khanda (Kiển Trà) và Tissa (Đề Xá); Tăng hội: 3 – một Tăng hội gồm 68 triệu tỷ kheo lậu tận, một Tăng hội gồm 10 vạn tỷ kheo lậu tận, một Tăng hội gồm 8 vạn tỷ kheo lậu tận; đệ nhất thị giả: Asoka (A Dục);  phụ thân: vua Bandhumà (Bàn Đầu); mẫu thân: hoàng hậu Bandhumati (Bàn Đầu Bà Đề); kinh thành: Bandhumatì (Bàn Đầu Bà Đề).

    2. Đức Phật Thi Khí (Sikhì): ra đời: 31 kiếp về trước; chủng tánh: Sát đế lỵ; danh tánh: Kondanna; tuổi thọ loài người: 70.000 năm; chỗ giác ngộ: dưới gốc cây Pundarika (Phân đà ly); hai vị đệ tử ưu tú: Abhibhù (A Tỳ Phù) và Sambhava (Tam Bà Bà); Tăng hội: 3 – một Tăng hội gồm 10 vạn tỷ kheo lậu tận, một Tăng hội 8 vạn tỷ kheo lậu tận, một Tăng hội 7 vạn tỷ kheo lậu tận; đệ nhất thị giả: Kemankhara (Nhẫn Hành); phụ thân: vua Aruna (Minh Tướng); mẫu thân: hoàng hậu Pabhàvatì (Quang Huy); kinh thành: Pabhàvatì (Quang Huy).

    3. Đức Phật Tỳ Xá Phù (Vessabhù): ra đời: 31 kiếp về trước; chủng tánh: Sát đế lỵ; danh tánh Kondanna; tuổi thọ loài người: 60.000 năm; chỗ giác ngộ: dưới gốc cây Sàla (Sa la); hai vị đệ tử ưu tú: Sona (Phù Du) và Uttara (Uất Đa La); Tăng hội: 3 – một Tăng hội gồm 8 vạn tỷ kheo lậu tận, một Tăng hội 7 vạn tỷ kheo lậu tận, một Tăng hội 6 vạn tỷ kheo lậu tận; đệ nhất thị giả: Upasannaka (Tịch Diệt); phụ thân: vua Suppatìta (Thiện Đăng); mẫu thân: hoàng hậu Yasavatì (Xứng Giới); kinh thành Anopama (Vô Dụ).

    4. Đức Phật Câu Lưu Tôn (Kakusandha): ra đời: trong khoảng thời gian 31 kiếp trở lại; chủng tánh: Bà la môn ; danh tánh: Kassapa; tuổi thọ loài người: 40.000 năm; chỗ giác ngộ: dưới gốc cây Sirìsa (Thi lợi sa); hai vị đệ tử ưu tú: Vidhùra (Tỳ Lâu) và Sanjìva (Tát Ni); Tăng hội: một Tăng hội gồm 4 vạn tỷ kheo lậu tận; đệ nhất thị giả: Buddhija (Thiện Giác); phụ thân: Bà la môn Aggidatta (Tự Đắc); mẫu thân: nữ Bà la môn Visàkhà (Thiện Chi); kinh thành: Kemavatì (An Hòa).

    5. Đức Phật Câu Na Hàm (Konàgamana): ra đời: trong khoảng thời gian 31 kiếp trở lại; chủng tánh: Bà la môn ; danh tánh: Kassapa; tuổi thọ loài người: 30.000 năm; chỗ giác ngộ: dưới gốc cây Udumbara (Ô tam bà la); hai vị đệ tử ưu tú: Bhiyyosa (Thư Bàn Na) và Uttara (Uất Đa La); Tăng hội: một Tăng hội gồm 3 vạn tỷ kheo lậu tận; đệ nhất thị giả: Sotthija (An Hòa); phụ thân: Bà la môn Yannadatta (Đạt Đức); mẫu thân: nữ Bà la môn Uttarà (Thiện Thắng); kinh thành Sobhavatì (Thanh Tịnh).

     6. Đức Phật Ca Diếp (Ksaaspa): ra đời: trong khoảng thời gian 31 kiếp trở lại; chủng tánh: Bà la môn; danh tánh Kassapa; tuổi thọ loài người: 20.000 năm; chỗ giác ngộ: dưới gốc cây Nigrodha (Ni câu luật đà); hai vị đệ tử ưu tú: Tissa (Đề Xá) và Bhàradvàja (Bà La Bà); Tăng hội: một Tăng hội gồm 2 vạn tỷ kheo lậu tận; đệ nhất thị giả: Sabbamitta (Thiện Hữu); phụ thân: Bà la môn Brahmadatta (Phạm Thi); mẫu thân: nữ Bà la môn Dhanavatì (Tài Chủ); kinh thành Bàrànasì (Ba La Nại).

     7. Đức Phật Thích Ca hay Cù Đàm (Sakyamuni/Gotama): ra đời: trong kiếp hiện tại; chủng tánh: Sát đế lỵ; danh tánh: Gotama; tuổi thọ loài người: 100 năm; chỗ giác ngộ: dưới gốc cây Assattha (Bát đa la); hai đệ tử ưu tú: Sàriputta (Xá Lợi Phất) và Moggallàna (Mục Kiền Liên); Tăng hội: một Tăng hội gồm 1.250 tỷ kheo lậu tận; đệ nhất thị giả: Ànanda (A Nan); phụ thân: vua Suddhodana (Tịnh Phạn); mẫu thân: hoàng hậu Màyà (Ma Da); kinh thành Kapilavatthu (Ca Tỳ La Vệ).

     - Truyền thuyết về cuộc đời đức Phật Tỳ Bà Thi (Vipassì):

    Ngoài các đặc điểm đã được mô tả ở phần trên, truyền thuyết hay câu chuyện về cuộc đời Phật Tỳ Bà Thi được mô tả trong bài kinh này có nhiều chi tiết và tình tiết trùng hợp với cuộc đời đức Phật Thích Ca được nói đến chỗ này chỗ kia trong các tập Nikàya và Luật tạng Pàli. Chẳng hạn, các mô tả về Bồ tát Vipassì sau khi từ giã cảnh trời Đâu Suất, chánh niệm tỉnh giác nhập vào thai mẹ cho đến khi từ bụng mẹ sanh ra là hoàn toàn giống như các mô tả về đức Phật Thích Ca do Tôn giả Ànanda nói lại ở trong bài kinh Hy hữu vị tằng hữu pháp (Acchariyabbhutadhamm Sutta), Trung bộ. Phần mô tả sự kiện các Bà la môn  xem tướng thái tử Vipassì, thấy dấu hiệu 32 tướng tốt trên thân mình thái tử, tiên đoán thái tử sẽ trở thành hoặc vị Chuyển luân Thánh vương hoặc bậc Chánh giác rất giống các mô tả về đức Phật Thích Ca được tìm thấy ở phần đầu bài kinh Nàlaka thuộc Kinh tập (Suttanipàta), Tiểu bộ, kinh Tướng (Lakkhana Suttanta), Trường bộ và đoạn Uttara, học trò của Bà la môn  Brahmàyu, nói về 32 tướng tốt của Sa môn Gotama ở bài kinh Phạm Ma (Brahmàyu Sutta), Trung bộ. Đoạn mô tả sự kiện thái tử Vipassì được chăm sóc nuôi nấng kỹ lưỡng và được vua cha xây dựng cho ba tòa lâu đài thích hợp với ba mùa trong năm có thể được xem là đồng nhất với các mô tả về thời niên thiếu của đức Phật Thích Ca được tìm thấy trong bài kinh Được nuôi dưỡng tế nhị thuộc Tăng chi bộ và trong bài kinh Ma Kiến Đề (Màgandiya Sutta), Trung bộ, đoạn đức Phật kể cho Màgandiya về kinh nghiệm thọ hưởng đầy đủ các dục lạc của ngài trong ba tòa lâu đài dành riêng cho ngài. Phần tiếp theo mô tả sự kiện thái tử Vipassì lần lượt nhìn thấy cảnh già, bệnh, chết nên sanh ưu buồn khiến vua cha lo lắng về ý chí xuất gia từ bỏ vương vị của ngài và sự kiện ngài nhìn thấy vị tu sĩ khiến ngài quyết định xuất gia hẳn đã mở đường cho các truyền thuyết về sau trong phần mô tả động cơ xuất gia của thái tử Siddhattha như được thấy trong các tác phẩm Mahàvastu và Lalitavistara. So sánh đoạn kinh mô tả sự kiện bồ tát Vipassì chứng ngộ quả vị Vô thượng Bồ đề trên cơ sở quán sát lý duyên sinh và duyên diệt bắt đầu bằng sự kiện già-chết ở trong bài kinh này với bài kinh Thành ấp, Tương ưng bộ, mô tả sự kiện giác ngộ của đức Phật Thích Ca, ta thấy nội dung hai bản kinh hoàn toàn giống nhau. Về tâm lý do dự của đức Phật Vipassì trước sự kiện thuyết pháp độ sanh bởi ý nghĩ giáo pháp Y tánh duyên khởi (Idappacayatà paticcasamuppàda) do ngài chứng ngộ quá sâu kín, rất khó cho quần chúng thấu hiểu, sự kiện vị Đại Phạm thiên đến thỉnh cầu ngài thuyết pháp, sự kiện đức Phật Vipassì quan sát các xu hướng và căn cơ khác nhau của chúng sinh và việc ngài quyết định lên đường thuyết pháp, tất cả lối mô tả này hoàn toàn giống như lối mô tả về những gì xảy ra cho đức Phật Thích Ca trước khi ngài quyết định lên đường thuyết pháp độ sanh, như được thấy trong bài kinh Thánh cầu (Ariyapariyesanà Sutta), Trung bộ. Đoạn mô tả về bước đầu thuyết pháp của Thế Tôn Vipassì cho hai vương tử Khanda và Tissa ở kinh thành Bandhumatì, về sự kiện hai vương tử danh giá Khanda và Tissa của kinh thành Bandhumatì xuất gia khiến hàng loạt người khác ở kinh thành Badhumatì noi gương xuất gia, về việc Thế Tôn Vipassì khuyên các đệ tử mình du hành mỗi người một ngã để thuyết pháp vì hạnh phúc và an lạc cho số đông khi số lượng tăng chúng lên đến con số 680 vạn khiến chúng ta liên tưởng đến các đoạn văn trong Mahàvagga, Luật tạng, mô tả các sự kiện tương tự về bước đầu thuyết pháp của đức Phật Thích Ca ở thành phố cổ kính Baranàsì, sự kiện Yasa xuất gia kéo theo nhiều bạn bè thân quen của ông đồng loạt xuất gia và sự kiện đức Phật khuyên các tỷ kheo đi khắp nơi thuyết pháp khi con số tăng chúng lên đế 61 vị, kể cả đức Phật. Ngoại trừ một số chi tiết và tình tiết sai khác về địa danh, nhân danh, bối cảnh cảnh xã hội, số lượng tăng chúng... truyền thuyết về cuộc đời đức Tỳ Bà Thi được nói đến bài kinh rất giống các mô tả về cuộc đời đức Phật Thích Ca được tìm thấy chỗ này chỗ kia trong Kinh tạng và Luật tạng Pàli.

     15. Kinh Đại duyên (Mahànidàna Suttanta):

     Bài kinh là sự giải thích chi tiết của đức Phật về lý Duyên sinh hay Duyên khởi (Paticcasamuppàda). Bài kinh được giảng cho tôn giả Ànanda trong thời gian đức Phật lưu trú tại bộ lạc Kuru (Câu Lâu), ở ngôi làng Kammassadhamma (Kiếm Ma Sắt Đàm). Trong phần mở đầu bài kinh, sự nhắc nhở của Thế Tôn cho Tôn giả Ànanda về ý nghĩa sâu xa và tầm quan trọng của giáo lý Duyên khởi rất đáng được chú ý. Tôn giả Ànanda đến chỗ đức Phật, tán thán ý nghĩa thâm sâu của giáo pháp duyên khởi và cho rằng mình hiểu rất rõ giáo lý ấy. Đức Phật khuyên Ànanda không nên nói như vậy vì giáo lý Duyên khởi rất thâm thúy đến độ vì không giác ngộ, không thâm hiểu giáo pháp ấy mà chúng sanh hiện tại bị rối loạn như một ổ kén, rối ren như một ống chỉ, giống như cỏ munja và lau sậy babaja, không thể thoát khỏi khổ xứ, ác thú, đọa xứ, sanh tử. Phần đầu nội dung bài kinh là sự lược giảng của đức Phật về công thức Duyên khởi bắt đầu bằng các định nghĩa già chết do duyên sanh (jàti-paccayà jarà-maranam), sanh do duyên duyên hữu (bhava-paccayà jàti), hữu do duyên thủ (upàdàna-paccayà bhavo), thủ do duyên ái (tanhà-paccayà upàdànam), ái do duyên thọ (vedanà-paccayà tanhà), thọ do duyên xúc (phassa-paccayà vedanà), xúc do duyên danh sắc (nàmarùpa-paccayà phasso), danh sắc do duyên thức (vinnàna paccayà nàmarùpam). Điều đáng chú ý ở đây là công thức Duyên khởi được diễn đạt chỉ gồm chín chi phần (nidàna), thiếu ba chi phần là vô minh (ajjià), hành (sankhàra), lục nhập (salayàtana), mà theo Tỷ kheo Thích Minh Châu thì “rất có thể giáo lý duyên khởi chưa được trở thành 12 nhân duyên hay đang trong thời kỳ hình thành hoặc là một thiếu sót trong khi kiết tập.”(1) Tiếp theo là phần luận giải chi tiết của đức Phật về nhân duyên sinh khởi của mỗi chi phần trong công thức Duyên khởi. Thêm một phần đáng chú ý ở đây nữa là sự luận giải Duyên khởi được bắt đầu bằng chi phần già chết (jarà-marana) và tiếp theo cho đến chi phần ái (tanhà), rồi công thức Duyên khởi được chuyển sang một hình thức giản lược và được thêm vào một số chi phần mới, điều mà Rhys Davids cho là sự diễn đạt đầy đủ nhất về giáo lý Duyên khởi xuyên suốt các tạng kinh.(2) Các chi phần mới tiếp theo chi phần ái được phát biểu như sau: “Do duyên ái, tìm cầu sanh (tanham paticca pariyesanà); do duyên tìm cầu, lợi sanh (pariyesanam paticca làbho); do duyên lợi, quyết định sanh (làbham paticca vinicchayo); do duyên quyết định, tham dục sanh (vinicchayam paticca chanda-ràgo); do duyên tham dục, đam mê sanh (changa-ràgam paticca ajjhosànam); do duyên đam mê, chấp thủ sanh (ajjhosànam paticca pariggaho); do duyên chấp thủ, hà tiện sanh (pariggaham paticca macchariyam); do duyên hà tiện, thủ hộ sanh (macchariyam paticca àrakkho), do duyên thủ hộ, một số pháp bất thiện như chấp trượng (dandàdàna), chấp kiếm (satthàdàna), đấu tranh (kalaha), luận tranh (viggaha), đấu khẩu (vivàda), chiến khẩu (tuvamtuva), ác khẩu (pesunna), vọng ngữ (musàvàdà) phát sanh.” Sau phần luận giải chi tiết về Duyên khởi nhằm nêu rõ sự kiện luân hồi tái sinh của con người là do duyên sinh, bài kinh được tiếp tục bằng các luận chứng của đức Phật phủ nhận mọi quan điểm về ngã (atta); sự loại bỏ mọi quan niệm hay ảo tưởng về ngã đưa đến thái độ không chấp trước, do không chấp trước nên không sợ hãi, do không sợ hãi nên tự thân được hoàn toàn tịch diệt (parinibbàyati). Khi một người đã được tịch diệt, giải thoát như vậy, vị ấy sẽ không rơi vào các tà kiến “Như lai tồn tại hay không tồn tại sau khi chết” bởi vị ấy đã thấy rõ Duyên sanh của các pháp. Vị ấy cũng được xem là không có hoan hỷ ưa thích đối với bảy cảnh giới của các loài hữu tình, từ cảnh giới địa ngục cho đến cảnh giới Phi tưởng phi phi tưởng, bởi vị ấy đã thấy rõ sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của các cảnh giới ấy. Vị ấy cũng được gọi là người thành tựu tám giải thoát đối với (1) các sắc, (2) các ngoại sắc, (3) sắc tưởng, (4) Không vô biên xứ, (5) Thức vô biên xứ, (6) Vô sở hữu xứ, (7) Phi tưởng phi phi tưởng xứ, (8) Diệt thọ tưởng, nhờ trí tuệ thấy rõ pháp sanh diệt.

    16. Kinh Đại bát Niết bàn (Mahàparinibbàna Suttanta):

    Bản kinh là bức tranh sinh động mô tả cuộc hành trình thuyết pháp độ sinh cuối cùng của đức Phật khởi sự ở Vương Xá (Ràjgaha) và kết thúc tại Kusinàrà, nơi ngài quyết định trút hơi thở cuối cùng. Những địa phương đức Phật lần lượt đi qua, những sự kiện và những lời dạy cuối cùng của ngài diễn ra trong khoảng thời gian bảy tám tháng trước và sau khi ngài nhập Niết bàn, hình ảnh bậc Đạo sư trước thời điểm nhập Niết bàn, những lời khuyên và nhắn nhủ cuối cùng của ngài dành cho các đệ tử, quan cảnh đức Phật nhập Niết bàn, lễ hỏa thiêu và phân chia xá lợi là các nội dung được đề cập trong bài kinh. Bài kinh cho chúng ta biết từ núi Linh Thứu ở Vương Xá, đức Phật lần lượt đi đến Ambalatthikà, Nàlandà, Pàtaligàma, vượt qua sông Hằng, hướng đến Kotigàma, Nàdikà, Vesàli, Baluvà. Rồi từ Vesàli ngài đi đến Bhandagàma, băng qua Hatthigàma, Ambagàma, Jambugàma, nhắm thẳng Bhoganagara. Từ Bhoganagara ngài đi đến Pàva, rồi từ Pàva ngài đi đến Kusinàrà. Như vậy, cứ dõi theo cuộc hành trình của ngài, ta sẽ có được một cái nhìn tổng quát về quãng đời cuối cùng của bậc Đạo sư, sự ân cần của ngài trong việc dạy dỗ các đệ tử, sự nỗ lực không mệt mỏi của ngài trong công tác truyền giáo, sự tinh tấn nhẫn nại của ngài trong những lúc ốm đau, sự sáng suốt của ngài trong những lời di giáo cuối cùng và sự an nhiên tự tại của bậc đạo sư trước sự kiện sinh tử. Ngoài ra, nhiều sự kiện xảy ra trong khoảng thời gian cuộc hành trình được lưu lại trong bài kinh cũng cung cấp nhiều cứ liệu giá trị cho công tác nghiên cứu lịch sử đạo Phật và xã hội Ấn Độ trong khoảng thời gian những năm tháng cuối cùng của đức Phật.

     Trước hết, con số nhiều địa phương được đề cập trong bài kinh chứng tỏ cuộc hành trình trải qua một chặng đường dài và chiếm một lượng lớn về thời gian. May mắn thay, một số sự kiện được đề cập trong bài kinh giúp chúng ta ước lượng được khoảng thời gian cuộc hành trình cuối cùng của đức Phật. Con số bảy hay tám tháng được ước chừng cho cuộc hành trình là hoàn toàn có cơ sở bởi hai sự kiện được tìm thấy trong bài kinh. Thứ nhất, ta có thông tin về ba tháng an cư cuối cùng của đức Phật diễn ra tại làng Baluvà; sau ba tháng an cư mùa mưa tại Baluvà, ngài tiếp tục đi du hóa khất thực ở Vesàli và tại điện thờ Càpàla ở Vesàli ngài tuyên bố với ác ma rằng ngài sẽ diệt độ ba tháng sau đó. Thứ hai, sự kiện Tôn giả Sàriputta thị tịch tại làng Nàla được xem là xảy ra khoảng sáu tháng trước khi bậc Đạo sư nhập Niết bàn. Trong bài kinh này, ta thấy Tôn giả Xá Lợi Phất vẫn còn sống, đến yết kiến đức Phật tại Nàlandà và trình bày quan điểm của mình về truyền thống tu chứng (dhammanvayo) của chư Phật. Bài kinh cũng giúp soi sáng thêm mối quan hệ thân tình giữa đức Phật và Ajàtassatu (A Xà Thế) trong vai trò một đệ tử cư sĩ qua sự kiện Ajàtassatu phái đại thần Vassakara thay mặt mình đến yết kiến đảnh lễ bậc Đạo sư và trình bày với ngài về ý định muốn chinh phạt dân Vajjì. Tại Pàtaligàma, ta có thông tin về hai đại thần của vua Ajàtassatu, Sunìdha và Vassakara, đang đốc thúc việc xây dựng thành trì nhằm ngăn chặn dân Vajjì, sự kiện Sunìdha và Vassakara thỉnh đức Phật thọ trai tại tư dinh và biểu lộ lòng tôn kính của mình bằng cách đặt tên các cổng thành và bến nước mà bậc Đạo sư đi qua là Gotama. Tại Vesàli, bài kinh cung cấp các thông tin liên quan đến việc kỹ nữ lừng danh Ambapàli của kinh thành Vesàli quy ngưỡng Tam bảo, sự kiện Ambapàli đến yết kiến đức Phật tại vườn xoài của nàng, lắng nghe lời dạy của Thế Tôn, mời ngài và chư tăng dùng cơm tại nhà riêng và dâng cúng vườn xoài cho giáo hội. Ở Pàvà, bài kinh cho ta biết Thế Tôn dùng bữa cơm cuối cùng tại nhà thợ sắt Cunda rồi bị nhiễm bệnh nặng, bệnh lỵ huyết, và ngài nhẫn nại chịu đựng cơn bệnh, tiếp tục cuộc du hành đến Kusinàrà. Tại Kusinàrà, ta có các thông tin liên quan đến sự kiện nhập Niết bàn của đức Phật; việc ngài báo cho Tôn giả Ànnada ngài sẽ diệt độ vào canh cuối, tại Upavattana ở Kusinàrà, trong rừng Sàla của dòng họ Mallà, giữa hai cây sàla song thọ; sự kiện Thế Tôn tiếp độ du sĩ cao tuổi Subhadda trước lúc thị tịch; sự kiện Thế Tôn diệt độ ở thiền thứ tư sau khi lần lượt đi qua các tầng thiền, từ sơ thiền đến diệt thọ tưởng định; sự kiện dân chúng bộ tộc Mallà tiến hành các buổi lễ tôn kính cúng dường nhục thân đức Phật, các thủ tục hỏa thiêu nhục thân, thâu nhặt xá lợi và lễ hội tôn kính cúng dường xá lợi đức Bổn sư; sự kiện xá lợi đức Phật được phân chia thành tám phần dành cho các cá nhân và đơn vị: (1) vua Ajàtasattu nước Magadha, (2) những người Licchavì ở Vesàli, (3) các người Sakya ở Kapilavatthu, (4) những người Buli ở Allakappa, (5) những người Koli ở Ràmagàma, (6) Bà-la-môn Vethadìpaka, (7) các người Mallà ở Pàvà, (8) các người Mallà ở Kusinàrà. Bà la môn Dona chịu trách nhiệm phân chia xá lợi xin được nhận cái bình dùng để đong chia xá lợi và những người Moriyà ở Pipphalivana đến muộn nên chỉ xin nhận lấy phần tro còn lại.

    Về phương diện giáo lý, bài kinh lưu lại nhiều lời dạy và nhắn nhủ quan trọng của đức Phật trước khi thị tịch. Nội dung các pháp thoại được đề cập trong bài kinh song song với sự nhấn mạnh nhiều lần các giáo lý căn bản cho thấy sự chuẩn bị chu đáo và thái độ ân cần của đức Phật đối với đệ tử trước lúc đi xa. Tại Ràjagaha, sau khi nói về bảy yếu tố khiến một quốc gia hưng thịnh, bậc Đạo sư đưa ra một loạt những lời dạy liên quan đến sự hưng thịnh của giáo hội Tăng già:

     7 yếu tố khiến Tăng chúng hưng thịnh:

     1. (Chư tăng) thường hay tụ họp và tụ họp đông đảo với nhau; 2. Tụ họp trong niệm đoàn kết, giải tán trong niệm đoàn kết và làm việc Tăng sự trong niệm đoàn kết; 3. Không ban hành những luật lệ không được ban hành, không hủy bỏ những luật lệ đã được ban hành, sống đúng với những học giới được ban hành; 4. Tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các bậc Tỷ-kheo thượng tọa, những vị này là những vị giàu kinh nghiệm, niên cao lạp trưởng, bậc cha của chúng Tăng, bậc thầy của chúng Tăng và nghe theo lời dạy của những vị này; 5. Không bị chi phối bởi tham ái, tham ái này tác thành một đời sống khác; 6. Thích sống những chỗ nhàn tịnh; 7. Tự thân an trú chánh niệm, khiến các bạn đồng tu thiện chí chưa đến muốn đến ở, và các bạn đồng tu thiện chí đã đến ở, được sống an lạc.

     7 yếu tố khác:

     1. (Tăng chúng) không ưa thích làm thế sự, không hoan hỷ làm thế sự, không đam mê làm thế sự; 2. Không ưa thích phiếm luận, không hoan hỷ phiếm luận, không đam mê phiếm luận; 3. Không ưa thích ngủ nghỉ; 4. Không ưa thích quần tụ, không hoan hỷ quần tụ, không đam mê quần tụ; 5. Không có ác dục vọng, không bị chi phối bởi ác dục vọng; 6. không bạn bè ác dục vọng, không thân tín ác dục vọng, không cộng hành với ác dục vọng; 7. Không dừng ở nửa chừng, giữa sự đạt đáo những quả vị thấp kém và những quả vị thù thắng. 

      7 yếu tố khác:

     1. Có tín tâm, 2. có tàm, 3. có quý, 4. có nghe nhiều, 5. có tinh tấn, 6. có chánh niệm, 7. có trí tuệ. 

     7 yếu tố khác:

     1. Tu tập niệm giác chi, 2. tu tập trạch pháp giác chi, 3. tu tập tinh tấn giác chi, 4. tu tập hỷ giác chi, 5. tu tập khinh an giác chi, 6. tu tập định giác chi, 7. tu tập xả giác chi.

      7 yếu tố khác:  

     1. Tu tập vô thường tưởng, 2. tu tập vô ngã tưởng, 3. tu tập bất tịnh tưởng, 4. tu tập nguy hiểm tưởng, 5. tu tập xả ly tưởng, 6. tu tập vô tham tưởng, 7. tu tập diệt tưởng.

     6 yếu tố khiến Tăng chúng hưng thịnh:

     1. Thực hiện từ thân hành đối với các vị đồng phạm hạnh, cả trước mặt lẫn sau lưng; 2. Từ khẩu hành đối với các vị đồng phạm hạnh, cả trước mặt lẫn sau lưng; 3. Từ ý hành đối với các vị đồng phạm hạnh, cả trước mặt lẫn sau lưng; 4. Chia sẻ tứ sự cúng dường với các vị đồng phạm hạnh; 5. Sống đồng thọ trì giới luật với các vị đồng phạm hạnh; 6. Sống đồng chánh kiến với các vị đồng phạm hạnh.

     Tại Ràjagaha, Ambalatthikà, Nàlandà, Kotigàma, Nàdikà, Vesàli, Bhandagàma và Bhoganagara, đức Phật nhấn mạnh và nhắc nhở các tỷ kheo về sự tu tập Giới (Sìla), Định (Samàdhi), Tuệ (Pannà) đưa đến giải thoát các lậu hoặc. Sự nhấn mạnh và nhắc nhở nhiều lần về Giới, Định, Tuệ của bậc Đạo sư nói rõ tầm quan trọng của giáo lý này.

     Tại giảng đường Kùtàgàra ở Vesàli, đức Phật khuyên các tỷ kheo phải khéo học hỏi, thực chứng, tu tập và truyền rộng 37 pháp căn bản (37 phẩm trợ đạo, gồm 4 niệm xứ, 4 chánh cần, 4 như ý túc, 5 căn, 5 lực, 7 Bồ đề phần, 8 Thánh đạo) để phạm hạnh được trường tồn, vì hạnh phúc và an lạc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, hạnh phúc và an lạc cho loài Trời và loài Người. Ở Bhoganagara, ngài đề cập bốn trường hợp trong đó các tỷ kheo cần phải có thái độ xem xét và cân nhắc kỹ giáo pháp của ngài để quyết chắc chúng được lưu truyền chính xác: (1) Các tỷ kheo cần phải cẩn thận so sánh, đối chiếu với Kinh và Luật những gì mình được nghe từ một người tự nhận đã từng nghe lời dạy của Thế Tôn để quyết chắc sự đúng sai của giáo pháp. (2) Các tỷ kheo cần phải cẩn thận so sánh, đối chiếu với Kinh và luật những gì mình được nghe từ một người tự nhận đã nghe giáo pháp từ tăng chúng có các vị Thượng tọa cầm đầu để đoan chắc sự đúng sai của giáo pháp. (3) Các tỷ kheo cần phải cẩn thận so sánh, đối chiếu với Kinh và Luật những gì mình được nghe từ một người tự nhận đã nghe giáo pháp từ các vị Thượng tọa đa văn, gìn giữ truyền thống, trì pháp, trì luật, trì pháp yếu để quyết chắc sự đúng sai của giáo. (4) Các tỷ kheo cần phải cẩn thận so sánh, đối chiếu với Kinh và Luật những gì mình được nghe từ một người tự nhận đã nghe giáo pháp từ vị Thượng tọa sống ở trú xứ nào đó, vị này là bậc đa văn, gìn giữ truyền thống, trì pháp, trì luật, trì pháp yếu, để quyết chắc sự đúng sai của giáo pháp.

     Ở Kotigàma, đức Phật nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo lý tứ Thánh đế (Cattàri Ariya-saccàni) bằng cách chỉ rõ nguyên nhân luân hồi sanh tử là do không hiểu rõ khổ thánh đế (ariya-dukkha-sacca), khổ tập thánh đế (ariya-dukkhasamudaya-sacca), khổ diệt thánh đế (ariya-dukkhanirodha-sacca) và khổ diệt đạo thánh đế (ariya-dukkhanirodhagàmini-patipadà-sacca). Tại Bhandagàma, ngài nêu lý do luân hồi sanh tử để nhấn mạnh tầm quan trọng của Thánh giới (Ariya-sìla), Thánh định (Ariya-samàdhi), Thánh tuệ (Ariya-pannà), Thánh giải thoát (Ariya-vimutti).

     Tại Pàtaligàma, ngài giảng cho các cư sĩ Pàtaligàma về năm nguy hiểm của sự vi phạm giới luật (hao tổn tiền của, tiếng xấu đồn xa, bối rối lo sợ khi đi vào chỗ đông người, tâm hồn rối loạn khi mạng chung, bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục) và năm lợi ích của việc gìn giữ giới luật (tiền của được dồi dào, tiếng lành đồn khắp, tự tin khi vào chỗ đông người, tâm hồn tỉnh táo khi thân hoại mạng chung, được sanh thiện thú, thiên giới, cõi đời này). Tại Nàdikà, đức Phật giảng cho Tôn giả Ànanda về Pháp kính (Dhamàdàsa) hay gương Chánh pháp, nghĩa là bốn điều kiện ((1) có chánh tín đối với Phật, (2) có chánh tín đối với Pháp, (3) có chánh tín đối với Tăng, (4) đầy đủ giới hạnh) theo đó một người Phật tử có thể quyết chắc vận mệnh tương lai của mình. Ở Kusinàrà, ngài nói về lợi ích của việc chiêm bái bốn Thánh tích (Lumbinì – nơi Phật đản sanh, Bodhgayà – nơi Phật giác ngộ, Isipatana – nơi Phật thuyết pháp đầu tiên, Kusinàrà – nơi Phật nhập Niết bàn).

     Tại Baluvà, nhân sự kiện Tôn già Ànanda trình bày tâm sự của mình sau khi Thế Tôn vừa trải qua cơn bệnh nặng, nghĩ rằng Thế Tôn sẽ không diệt độ nếu ngài chưa có lời di giáo lại cho chúng Tỷ-kheo, đức Phật cởi bỏ tâm lý trông chờ của học trò mình bằng lời khuyên nhắc rất trí tuệ: “Này Ànanda, chúng tỷ kheo còn mong điều gì ở Ta nữa! Này Ànanda, Ta đã giảng chánh pháp không có phân biệt trong ngoài (mật giáo và không phải mật giáo), vì này Ànanda, đối với các pháp, Như Lai không bao giờ là vị Đạo sư còn nắm lại trong tay (còn giữ lại một ít mật giáo chưa giảng dạy). Vậy nên, này Ànanda, hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình nương tựa chính mình, chớ nương tựa một gì khác. Dùng chánh pháp làm ngọn đèn, dùng chánh pháp làm chỗ nương tựa, chớ nương tựa một gì khác.”

     Tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa chính mình, dùng chánh pháp làm ngọn đèn, dùng chánh pháp làm chỗ nương tựa ở đây đồng nghĩa với việc thực hành bốn niệm xứ: quán thân trên thân (kàye kàyànupassanà), quán thọ trên các cảm thọ (vedanàsu vedanànupassanà), quán tâm trên tâm (citte cittànupassanà), quán pháp trên các pháp (dhammesu dhammànupassanà), nhiệt tâm, tinh cần, chánh niệm, tỉnh giác để nhiếp phục tham ưu ở đời.

     Tại Kusinàrà, Thế Tôn giáo giới lần cuối cho các tỷ kheo, bảo rằng chính Pháp và Luật ngài đã giảng dạy và trình bày sẽ là Đạo Sư của các tỷ kheo, sau khi ngài diệt độ. Ngài bảo chúng tỷ kheo có thắc mắc hay nghi ngờ gì về giáo pháp của ngài thì nêu lên để ngài giải đáp nhưng tất cả tỷ kheo hiện diện đều im lặng; họ đã vượt qua mọi nghi ngờ. Thế Tôn di giáo lần cuối cho các tỷ kheo: “Các pháp hữu vi là vô thường, hãy tinh tấn, chớ có phóng dật.”

     17. Kinh Đại Thiện Kiến vương (Mahà-Sudassana Suttanta):

     Bài kinh là câu chuyện về vua Đại Thiện Kiến (Mahà-Sudassana), tiền thân của đức Phật, do bậc Đạo sư kể cho Tôn giả Ànanda nghe nhân sự kiện Tôn giả thỉnh cầu đức Phật không nên diệt độ tại đô thị nhỏ bé Kusinàrà. Nội dung bài kinh xoay quanh việc mô tả về kinh đô tráng lệ Kusàvati và những đặc điểm của vị minh quân cai trị bằng chánh pháp gọi là Chuyển luân Thánh vương (Cakkavattì). Chuyện xảy ra lúc Thế Tôn đang trú tại Upavattana, ở Kusinàrà, trong rừng cây Sàla của dòng họ Mallà, giữa hai cây Sàla song thọ, khi ngài sắp nhập Niết bàn. Tôn giả Ànanda đến chỗ Thế Tôn và thỉnh cầu ngài không nên diệt độ ở tại đô thị nhỏ bé, hoang vu Kusinàrà. Thế Tôn bảo Ànanda không nên xem thường đô thị này bởi nó từng là kinh đô Kusàvati (Câu Xá Bà Đề) của Chuyển luân Thánh vương Đại Thiện Kiến, rất rộng lớn, phồn thịnh, dân cư đông đúc, ngày đêm vang dậy mười loại âm thanh nói rõ sức sống phú cường của một kinh thành tráng lệ. Lối mô tả về kinh đô Kusàvati ở trong kinh này có nhiều nét tương đồng với lối mô tả về cõi Cực lạc của kinh Di Đà hay Cực lạc kinh (Sukhàvatì Vyùha Sùtra) mà theo Tỷ kheo Thích Minh Châu thì rất có thể có những liên hệ giữa hai bản kinh.(3)

      Kinh đô Kusàvati có bảy bức thành bao bọc, một bằng vàng, một bằng bạc, một bằng lưu ly, một bằng thủy tinh, một bằng san hô, một bằng xa cừ, một bằng mọi thứ báu. Kinh thành có bốn cửa, một bằng vàng, một bằng bạc, một bằng lưu ly, một bằng thủy tinh; tại mỗi cửa thành có bảy cột trụ cao lớn, một bằng vàng, một bằng bạc, một bằng lưu ly, một bằng thủy tinh, một bằng san hô, một bằng xa cừ, một bằng mọi thứ báu, được dựng lên. Kinh thành có bảy hàng cây Tàla bao bọc, một bằng vàng, một bằng bạc, một bằng lưu ly, một bằng thủy tinh, một bằng san hô, một bằng xa cừ, một bằng mọi thứ báu. Loại cây Tàla bằng vàng, có thân cây bằng vàng, có lá và trái cây bằng bạc. Loại cây Tàla bằng bạc, có thân cây bằng bạc, có lá và trái cây bằng vàng. Loại cây Tàla bằng lưu ly, có thân cây bằng lưu ly, có lá và trái cây bằng thủy tinh. Loại cây Tàla bằng thủy tinh, có thân cây bằng thủy tinh, có lá và trái cây bằng lưu ly. Loại cây Tàla bằng san hô, có thân cây bằng san hô, có lá và trái cây bằng xa cừ. Loại cây Tàla bằng xa cừ, có thân cây bằng xa cừ, có lá và trái cây bằng san hô. Loại cây Tàla bằng mọi thứ báu, có thân cây bằng mọi thứ báu, có lá và trái cây bằng mọi thứ báu. Khi những cây tàla này được gió rung chuyển, một âm thanh vi diệu, khả ái, đẹp ý, mê ly khởi lên và những kẻ cờ bạc, rượu chè nhảy múa theo những âm điệu của những hàng cây tàla này khi được gió thổi.

     Trong kinh thành, các hồ sen được xây dựng lên giữa các hàng cây tàla, được lát bằng bốn loại gạch, một loại bằng vàng, một loại bằng bạc, một loại bằng lưu ly, một loại bằng thủy tinh. Trong bốn loại hồ sen ấy có bốn loại tầm cấp, một loại bằng vàng, một loại bằng bạc, một loại bằng lưu ly, một loại bằng thủy tinh. Tầm cấp bằng vàng có cột trụ bằng vàng, có chắn ngang và đầu trụ bằng bạc. Tầm cấp bằng bạc có cột trụ bằng bạc, có chắn ngang và đầu trụ bằng vàng. Tầm cấp bằng lưu ly có cột trụ bằng lưu ly, có chắn ngang và đầu trụ bằng thủy tinh. Tầm cấp bằng thủy tinh có cột trụ bằng thủy tinh, có chắn ngang và đầu trụ bằng lưu ly. Những hồ sen ấy được hai hàng lan can bao bọc, một bằng vàng, một bằng bạc. Hàng lan can bằng vàng có cột trụ bằng vàng, có chắn ngang và đầu trụ bằng bạc. Hàng lan can bằng bạc có cột trụ bằng bạc, có chắn ngang và đầu trụ bằng vàng. Trong những hồ sen ấy các loại sen xanh, sen hồng, sen vàng, sen trắng được đem trồng để những ai muốn làm tràng hoa có thể lấy dùng. Trên bờ những hồ sen ấy những người hầu tắm túc trực sẵn để tắm cho những người qua lại, những vật bố thí, đồ ăn được dành sẵn cho những kẻ đói, đồ uống dành cho người khát, áo quần cho những người cần áo quần, xe cộ cho những ai cần xe cộ, đồ nằm cho những ai cần nằm, phụ nữ cho những ai cần phụ nữ, vàng bạc cho những ai cần vàng bạc.

     Trong kinh thành Kusàvati, nhiều nhà cửa, lâu đài nguy nga tráng lệ được trời người xây dựng lên cho vua Đại Thiện Kiến. Trong số các nhà cửa, cung điện của kinh thành Kusàvati, lâu đài Dhamma do Thiên tử Vissakamma xây dựng là hoành tráng đệ nhất. Lâu đài Dhamma dài một do tuần và rộng đến nửa do tuần. Nền nhà của lâu đài cao đến ba thân người và làm bằng ba loại gạch, một loại bằng vàng, một loại bằng lưu ly, một loại bằng thủy tinh. Lâu đài Dhamma có đến tám vạn bốn ngàn cột trụ bằng bốn loại, một loại bằng vàng, một loại bằng bạc, một loại bằng lưu ly, một loại bằng thủy tinh. Lâu đài có hai mươi bốn tầm cấp bằng bốn loại, một loại bằng vàng, một loại bằng bạc, một loại bằng lưu ly, một loại bằng thủy tinh. Tầm cấp bằng vàng có cột trụ bằng vàng, có chắn ngang và đầu trụ bằng bạc. Tầm cấp bằng bạc có cột trụ bằng bạc, có chắn ngang và đầu trụ bằng vàng. Tầm cấp bằng lưu ly có cột trụ bằng lưu ly, có chắn ngang và đầu trụ bằng thủy tinh. Tầm cấp bằng thủy tinh có cột trụ bằng thủy tinh, có chắn ngang và đầu trụ bằng lưu ly.

     Lâu đài Dhamma có tám vạn bốn ngàn phòng ốc bằng bốn loại, một loại bằng vàng, một loại bằng bạc, một loại bằng lưu ly, một loại bằng thủy tinh. Trong phòng ốc bằng vàng có chỗ nằm bằng bạc được trải ra. Trong phòng ốc bằng bạc, có chỗ nằm bằng vàng được trải ra. Trong phòng ốc bằng lưu ly có chỗ nằm bằng ngà được trải ra. Trong phòng ốc bằng thủy tinh, có chỗ nằm bằng san hô được trải ra. Tại cửa phòng ốc bằng vàng, có dựng lên một cây tàla bằng bạc, với thân cây bằng bạc, với lá và trái cây bằng vàng. Tại cửa phòng ốc bằng bạc, có dựng lên một cây tàla bằng vàng, với thân cây bằng vàng, với lá và trái cây bằng bạc. Tại cửa phòng ốc bằng lưu ly, có dựng lên một cây tàla bằng thủy tinh, với thân cây bằng thủy tinh, với lá và trái cây bằng lưu ly. Tại cửa phòng ốc bằng thủy tinh, có dựng lên một cây tàla bằng lưu ly, với thân cây bằng lưu ly, với lá và trái cây bằng thủy tinh. Trước cửa phòng lầu Đại Trang Nghiêm, một rừng cây tàla toàn bằng vàng được dựng lên làm chỗ nghỉ ban ngày cho vua Đại Thiện Kiến. Lâu đài Dhamma được hai dãy lan can bao bọc, một dãy bằng vàng, một dãy bằng bạc. Lan can bằng vàng có cột trụ bằng vàng, có chắn ngang và đầu trụ bằng bạc. Lan can bằng bạc có cột trụ bằng bạc, có chắn ngang và đầu trụ bằng vàng. Lâu đầi Dhamma có hai màn lưới chuông linh, một màn bằng vàng, một màn bằng bạc. Màn lưới bằng vàng có chuông linh bằng bạc, màn lưới bằng bạc có chuông linh bằng vàng. Khi những màn lưới chuông linh này được gió rung chuyển, thời một âm thanh vi diệu, khả ái, đẹp ý, mê ly khởi lên, giống như năm loại nhạc khí cùng lúc được phát ra bởi một nhạc công thiện xảo.

     Trước mặt lâu đài Dhamma, một hồ sen tên gọi Dhamma được xây dựng lên, bề dài đến một do tuần và bề rộng đến nửa do tuần. Hồ sen Dhamma được xây bằng bốn loại gạch, một loại bằng vàng, một loại bằng bạc, một loại bằng lưu ly, một loại bằng thủy tinh. Hồ sen Dhamma có hai mươi bốn tầm cấp bằng bốn loại, một loại bằng vàng, một loại bằng bạc, một loại bằng lưu ly, một loại bằng thủy tinh. Tầm cấp bằng vàng có cột trụ bằng vàng, có chắn ngang và đầu trụ bằng bạc. Tầm cấp bằng bạc có cột trụ bằng bạc, có chắn ngang và đầu trụ bằng vàng. Tầm cấp bằng lưu ly có cột trụ bằng lưu ly, có chắn ngang và đầu trụ bằng thủy tinh. Tầm cấp bằng thủy tinh có cột trụ bằng thủy tinh, có chắn ngang và đầu trụ bằng lưu ly. Hồ sen Dhamma có hai loại lan can bao bọc, một loại bằng vàng, một loại bằng bạc. Lan can bằng vàng có cột trụ bằng vàng, có chắn ngang và đầu trụ bằng bạc. Lan can bằng bạc có cột trụ bằng bạc, có chắn ngang và đầu trụ bằng vàng. Hồ sen Dhamma có bảy hàng cây tàla bao bọc, một hàng cây bằng vàng, một hàng cây bằng bạc, một hàng cây bằng lưu ly, một hàng cây bằng thủy tinh, một hàng cây bằng san hô, một hàng cây bằng xa cừ, một hàng cây bằng mọi thứ báu. Cây tàla bằng vàng có thân cây bằng vàng, có lá và trái cây bằng bạc. Cây tàla bằng bạc có thân cây bằng bạc, có lá và trái cây bằng vàng. Cây tàla bằng lưu ly có thân cây bằng lưu ly, có lá và trái cây bằng thủy tinh. Cây tàla bằng thủy tinh có thân cây bằng thủy tinh, có lá và trái cây bằng lưu ly. Cây tàla bằng san hô có thân cây bằng san hô, có lá và trái cây bằng xa cừ. Cây tàla bằng xa cừ có thân cây bằng xa cừ, có lá và trái cây bằng san hô. Cây tàla bằng mọi thứ báu có thân cây bằng mọi thứ báu, có lá và trái cây bằng mọi thứ báu. Khi những hàng cây tàla này được gió rung chuyển, thời một âm thanh vi diệu, khả ái, đẹp ý, mê ly khởi lên.

     Về vua Đại Thiện Kiến, bài kinh tiêu biêu cho quan niệm trị quốc hay lý tưởng lãnh đạo quốc gia của Phật giáo nguyên thủy. So sánh một vài tương đồng giữa các mô tả trong bài kinh và các thi ca Vệ đà, Rhys Davids cho rằng truyền thuyết về vua Đại Thiện Kiến ít nhiều chịu ảnh hưởng của huyền thoại thần mặt trời. Tuy nhiên, cũng theo ông thì dù câu chuyện có hoàn toàn dựa vào truyền thuyết thần mặt trời hay không, cơ bản nó là quan điểm Phật giáo.(4) B. C. Law nói rằng bài kinh là một huyền thoại hay mà mục đích của nó nhằm chỉ rõ rằng tất cả là trống rỗng ngoại trừ đạo đức chân chánh. Bài kinh cũng bảo chúng ta mọi thứ là vô thường, có sinh tức có diệt.(5) Các nhận xét này ít nhiều phản ánh đúng tinh thần và mục đích mà bài kinh muốn nhắm đến. Trước hết bài kinh cho ta hình ảnh về vị Chuyển luân Thánh vương, dùng chánh pháp trị nước, khuyến khích nếp sống đạo đức chân chánh, đem lại an ổn, thái bình, thịnh vượng cho muôn dân. Vua có đủ bảy món báu và bốn như ý đức. Vua có xa luân báu có khả năng hàng phục địa cầu cho đến hải biên bằng đạo đức nhân ái. Xa luân báu này lăn đến đâu ở đó trở thành nước chư hầu của vua, dân chúng ở đó được khuyên dạy nếp sống không sát sanh, không lấy của không cho, không tà hạnh trong các dục, không nói láo, không uống rượu và sống tri túc. Ngoài xa luân báu, nhà vua còn có voi báu, ngựa báu, châu báu, nữ báu, gia chủ báu, cư sĩ báu, tướng quân báu, những thứ giúp cho nhà vua có đủ nghị lực và sáng suốt trong việc cai trị đất nước rộng lớn. Vua cũng có đủ bốn như ý đức, nghĩa là, đẹp trai, sống lâu, ít bệnh tật, được muôn dân kính yêu. Nhà vua là người sống ly dục, tự điều, tự chế và có tâm bố thí rộng rãi. Vua thường xuyên hành thiền, chứng đạt và an trú bốn thiền sắc giới (rùpajjhàna), phát triển các tâm thái từ (mettà), bi (karunà), hỷ (mudità), xả (upekhà). Không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm không nói dối, không uống rượu, tri túc, không dục vọng, không sân hận, không não hại là các tư tưởng dùng để dạy dân của nhà vua. Nhà vua sở hữu vô số kinh thành rộng lớn, vô số lâu đài cung điện nguy nga tráng lệ, vô số sàng tọa sang trọng, vô số voi quý, ngựa quý, xe quý, vô số châu báu, vô số phụ nữ, gia chủ, Sát-đế-lỵ, vô số nhũ ngưu, vô số vải tốt, vô số loại cháo sữa (thàlipàka), nhưng nhà vua không ái luyến chúng khi mạng chung. Nhà vua thấm nhuần tư tưởng vô thường, khổ, vô ngã của đạo Phật: “Tất cả mọi sự vật khả ái, khả lạc đều thay đổi, không có thực thể, chịu sự biến hóa. Chớ có mệnh chung với tâm quyến luyến chúng. Đau khổ thay, sự mệnh chung với tâm còn ái luyến. Đáng trách thay, sự mệnh chung còn ái luyến.” Bài kinh bảo nhà vua mạng chung và sanh lên cõi Phạm thiên, nhẹ nhàng như một người sau khi dùng bữa cơm ngon cảm thấy buồn ngủ và rơi vào một giấc ngủ sâu.

     18. Kinh Xà Ni Sha (Janavasabha Suttanta):

    Bài kinh là câu chuyện nói về các hàng chư thiên gặp gỡ nhau và tán thán quả báo tái sanh thiên giới của những người thực hành lời Phật dạy. Câu chuyện do thần Dạ xoa Janavasabha, hậu thân vua Bimbisàra, kể cho Thế Tôn nghe nhân lúc ngài đang chú tâm quan sát về cảnh giới tái sanh của những người cư sĩ Magadha mệnh chung, thể theo lời thỉnh cầu của Tôn giả Ànanda. Tài liệu Kinh tạng Pàli thỉnh thoảng nêu sự kiện Thế Tôn xác chứng một số trường hợp tái sinh thiên giới của các đệ tử ngài để khích lệ sự tu tập của các môn đệ, nhưng về sau, lúc sắp nhập Niết bàn, ngài quyết định không tuyên bố các sự kiện tái sanh nữa và thay vào đó ngài giảng pháp thoại Gương chánh pháp (Dhammàdàso) để các đệ tử ngài tự xác tín về vận mệnh tương lai của chính mình (xem kinh Đại Bát Niết Bàn). Như vậy bài kinh này chắc chắn đã xảy ra trước khi đức Phật thuyết giảng pháp thoại Dhammàdàso.

     Trong bài kinh này, ta có thông tin mô tả về vua Bimbisàra với những đặc điểm giống như một vị Chuyển luân Thánh vương (Cakkavatì): “Vua Seniya Bimbisàra (Tư-ni-du Tần-bà-sa) xứ Magadha sống như Pháp, dùng Chánh pháp trị nước, có lòng thương tưởng các vị Bà-la-môn, Gia chủ, dân chúng thị thành và dân chúng thôn quê. Vua này được dân chúng xưng tán như sau: ‘Vị vua sống như pháp, dùng chánh pháp trị nước, đã làm cho chúng ta sung sướng. Chúng ta đã sống thật hạnh phúc dưới thời vua sống như Pháp và dùng Chánh pháp trị nước này. Vị vua này cũng tin tưởng Phật, tin tưởng Pháp, tin tưởng Tăng và giới luật đầy đủ.’”

     Vua Bimbisàra mệnh chung ở Magadha và được sanh vào dòng họ vua Vessavana (Tỳ-sa-môn Thiên vương) với tên gọi Janavasabha, có khả năng biết được đời sống quá khứ của mình và mong muốn trở thành bậc Nhất lai (Sakadàgàmì). Janavasabha đến yết kiến Thế Tôn trong lúc ngài đang chú tâm xem xét vện mệnh của các cư sĩ Magadha đã mệnh chung, thuật cho ngài nghe sự kiện toàn thể chư thiên ở cõi Tam thập tam (Tàvatimsà) hội họp ở Thiện Pháp đường (Suddhamma) vào đêm trăng tròn, cùng tán thán Phật, Pháp và cùng nhau tùy hỷ về sự kiện nhờ Phật pháp mà “Thiên giới được hưng thịnh, A tu la giới bị suy giảm.” Thiên giới hưng thịnh và A tu la giới bị suy giảm ở đây đồng nghĩa với sự kiện thiện pháp tăng trưởng và ác pháp giảm thiểu. Rồi Janavasabha tiếp tục kể về sự kiện Phạm thiên Sanamkumàra (Thường Đồng hình Phạm thiên) xuất hiện ở cõi Tam thập tam với sắc tướng, uy lực và âm thanh vượt trội hơn các hàng chư thiên khác. Vị này đến cõi Tam thập tam và nói lên lời tán thán công đức phụng sự hạnh phúc cho chúng sanh của đức Phật, bảo rằng nhờ hồng ân Tam bảo mà một số người được sanh lên Thiên chúng Parinimmita-Vasavati (Tha Hóa Tự tại thiên), một số được sanh lên Thiên chúng Nimmànaratì (Hóa Lạc thiên), một số được sanh lên Thiên chúng Tusità (Đâu-suất thiên), một số được sanh lên Thiên chúng Yàmà (Dạ-ma-thiên), một số được sanh lên Thiên chúng Tàvatimsà (Tam thập tam thiên), một số được sanh lên Thiên chúng Catummahàràjikà (Tứ Đại Thiên vương thiên), một số được sanh vào chúng Gandhabba (Càn-thát-bà). Rồi Phạm thiên Sanamkumàra nói đến bốn thần túc (cattàro iddhipàdà) mà Thế Tôn đã giảng dạy (thần túc câu hữu với dục định, thần túc câu hữu với tinh tấn định, thần túc câu hữu với tâm định, thần túc câu hữu với tư duy thiền định) và nêu rõ sự kiện mình có đầy đủ đại thần lực như hiện nay là nhờ tu tập và phát triển bốn loại thần túc. Vị này tiếp tục nói về ba con đường tắt hướng đến an lạc (tayo sukhassàdhigamàyà) do Thế Tôn giảng dạy (ly dục, ly ác pháp đạt được an lạc; từ bỏ thân, khẩu, ý thô lậu đạt được tịnh lạc; biết rõ điều thiện nên làm, điều ác cần bỏ đạt được vô minh diệt và minh sanh); về bốn niệm xứ (Cattàro satipatthànà) hướng đến hàng phục tham ưu ở đời (quán thân trên thân, quán thọ trên các cảm thọ, quán tâm trên tâm, quán pháp trên các pháp); về bảy pháp làm tư lương cho định (satta samàdhi-parikkhàrà) (chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nhiệp, chánh tinh tấn, chánh niệm). Sau cùng Phạm thiên Sanamkumàra nói lên lời tán thán đức Phật, giáo pháp của ngài và cho rằng hơn 2.400.000 cư sĩ Magadha từ trần với sự diệt trừ ba kiết sử (thân kiến, nghi, giới cấm thủ), chứng quả Dự lưu (Sotàpattiphalam), nhờ theo đuổi lời dạy của đức Phật.

     19. Kinh Đại Điển Tôn (Mahà-Govinda Suttanta):

     Bài kinh có bố cục tương tự như kinh Janavasabha, mô tả các hàng chư thiên cùng hội họp ở Thiện Pháp đường cõi Tam thập tam, hoan hỷ với sự kiện Thiên giới hưng thịnh, A tu la giới suy giảm, lắng nghe Thiên chủ Đế Thích (Sakka) giảng về Phật pháp, sau đó Phạm thiên Sanamkumàra xuất hiện và kể câu chuyện về quốc sư Bà la môn Đại Điển Tôn (Mahà-Govinda), tiền thân của đức Phật. Toàn bộ câu chuyện do Càn thát bà (Gandhabba) Pancasikha (Ngũ Kế) thuật lại với Thế Tôn trong lúc ngài trú ở núi Linh Thứu (Gijjhakùta) gần thành Vương Xá. Nội dung bài kinh gồm ba phần, thứ nhất là phần giải thích của Thiên chủ Sakka về tám pháp như thật hay tám phẩm chất (attha yathàbhucca-vannà) của Thế Tôn, thứ hai là câu chuyện về quốc sư Bà la môn Mahà-Govinda do Phạm thiên trình bày, cuối cùng là phần xác chứng của Thế Tôn về Bà la môn Mahà-Govinda là tiền thân của ngài, sự kiện ngài từng giảng dạy con đường cộng trú với Phạm thiên, nhưng nay ngài giới thiệu con đường đưa đến giải thoát, Niết bàn, siêu việt Phạm thiên giới.

    Tám pháp như thật của Thế Tôn do Thiên chủ Sakka nêu ra gồm: (1) Như Lai là bậc đạo sư dấn thân vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì hạnh phúc và an lạc cho chư thiên và loài người. (2) Chánh pháp do Thế Tôn khéo thuyết giảng là thiết thực hiện tại, vượt ra ngoài thời gian, đến để mà thấy, luôn luôn hướng thượng, để người có trí tự mình giác hiểu. (3) Thế Tôn đã giải thích rõ đâu là thiện pháp nên theo và đâu là ác pháp cần phải từ bỏ. (4) Thế Tôn đã khéo giải thích Niết bàn và con đường đưa đến Niết bàn phối hợp thành một. (5) Thế Tôn đã đào tạo được hội chúng hữu học đang theo đuổi mục tiêu lậu tận và tăng chúng vô học đã hoàn tất Thánh đạo, và ngài cùng sống hòa hợp lạc trú với các đệ tử. (6) Thế Tôn sống thọ hưởng các lợi dưỡng, cung kính, danh vọng với tâm không kiêu mạn. (7) Thế Tôn nói gì thời làm vậy, làm gì thời nói vậy. (8) Thế Tôn đã vượt khỏi mọi nghi ngờ, do dự, tự hài lòng về tâm nguyện và phạm hạnh.

     Câu chuyện quốc sư Mahà-Govinda tiêu biểu cho truyền thống Bà la môn  giáo nói về một thanh niên Bà la môn học thức tên là Jotipàla, rất giỏi vương pháp (chính trị) (rajja) và chú thuật (manta), kế thừa địa vị quốc sư của cha mình, từng cố vấn thành công cho vua Renu trong việc điều hành quốc độ trung ương, giáo hóa vương pháp (rajja) cho bảy vị Sát đế lỵ được phong vương và dạy chú thuật (manta) cho bảy vị triệu phú Bà la môn và 700 vị tu tịnh hạnh. Thanh niên Bà la môn  Jotipàla rất thành công ở vị trí quốc sư và do đó được phong tặng danh hiệu Mahà-Govinda (Đại Điển Tôn). Mahà-Govinda phục vụ triều chính một thời gian rồi quyết chí xuất gia tu phạm hạnh theo truyền thống Bà la môn. Mahà-Govinda xuất gia kéo theo hàng ngàn người cùng xuất gia bởi danh tiếng của ông. Mahà-Govinda thực hành từ (met), bi (karunà), hỷ (mudità), xả (upekhà) và giảng dạy cho môn đồ mình pháp môn tứ vô lượng tâm, hướng đến cộng trú với Phạm thiên, nhờ đó các đệ tử của ông một số tái sanh Phạm thiên giới (Brahmàloka), một số tái sanh vào Tha hóa tự tại thiên, một số tái sanh ở Hóa lạc thiên, một số tái sanh cõi Dạ ma thiên, một số tái sanh ở Tam thập tam thiên, một số tái sanh ở Tứ thiên vương thiên, số khác sanh vào Càn thát bà. Thông tin Bà la môn Mahà-Govinda theo đuổi pháp môn từ, bi, hỷ, xả ở trong kinh này gợi giả thiết rằng giáo lý bốn Phạm trú (catu-Brahmavihàrà) hay tứ vô lượng tâm (catu-appamannà) (từ, bi, hỷ, xả) đã xuất hiện trước đó, về sau được tiếp tục sử dụng trong Phật giáo cho mục tiêu nuôi dưỡng và phát triển tâm thức nhưng không giới hạn ở mục đích cộng trú với Phạm thiên. E. J. Thomas cho rằng Brahmavihàra là một thuật ngữ Bà la môn nhưng được các Phật tử sử dụng nhằm mô tả một dạng thiền định. Theo ông, pháp môn này đã được đưa vào Phật giáo từ một trường phái khác, có lẽ từ phái Yoga.(6) Bản kinh Dhànanjàni, Trung bộ, thuật câu chuyện Tôn giả Sàriputta giảng dạy cho Bà la môn Dhànanjàni pháp môn từ, bi, hỷ, xả khiến Dhànanjàni sau chết được tái sanh Phạm thiên giới, bị đức Phật quở trách là đã an trú vị ấy vào “cảnh giới thấp kém” (hìna-loke) trong khi có những cảnh giới cao thượng hơn.

     Phần cuối bài kinh thêm một bằng chứng cho thấy đức Phật không đánh giá cao giáo lý từ, bi, hỷ, xả hay tứ vô lượng tâm mà trong đời quá khứ ngài từng giảng dạy cho các đệ tử. Quan điểm này của ngài cũng được tìm thấy rất rõ ở bài kinh Makhàdeva, Trung bộ. Sự xác chứng của ngài về tiền thân Mahà-Govvinda và việc ngài từng dạy cho các đệ tử pháp môn từ, bi, hỷ, xả song song với sự nhận xét và đánh giá của ngài về giới hạn của con đường sanh Phạm thiên giới so với con đường giải thoát, giác ngộ, chấm dứt sanh tử, dựa trên sự thực hành bát Thánh đạo cũng cho thấy sự vượt trội của giáo lý đức Phật so với quan niệm Phạm thiên của Bà la môn giáo.

     20. Kinh Đại hội (Mahà-Samaya Suttanta):

     Bài kinh diễn tả bằng thể văn kệ (gàthà) sự hội tụ đông đảo các hàng chư thiên và các thần linh cùng đến chiêm ngưỡng Thế Tôn và chúng tỷ kheo tại Kapilavatthu (Ca Tỳ La Vệ). Một loạt danh tánh các hàng chư thiên, các thần linh được nêu ra trong bài kinh cho thấy lối sống giàu trí tưởng tượng của người Ấn Độ cổ xưa và các hình thái tín ngưỡng rất phong phú của họ. Sự tổng hợp này cũng cho thấy thái độ dung nhiếp và hòa bình của Phật giáo đối với các hình thái tín ngưỡng hay đức tin vốn đã xuất hiện rất lâu và ăn sâu vào đời sống quần chúng. Hầu hết các thần linh Ấn Độ giáo kể từ các thời Vệ đà xa xưa đều quy tụ dưới ánh từ quang của đức Phật. Chính vì thế mà B. C. Law bảo bài kinh rất quan trọng đối với các nhà nghiên cứu tôn giáo trong việc xem xét sự chuyển biến liên tục của tín ngưỡng vật linh thịnh hành ở Ấn Độ lúc bấy giờ.(7)  

     Bài kinh mở đầu bằng sự kiện bốn vị Tịnh cư thiên (Suddhàvàsa) đến chiêm ngưỡng và đọc lên những bài kệ tán thán Thế Tôn và chúng tỷ kheo. Tiếp theo bài kinh thuật lời Thế Tôn nói về vô lượng chư thiên và thần linh khắp mười phương thế giới cùng đến chiêm ngưỡng bậc Đạo sư và tăng chúng của ngài. Bảy ngàn Dạ xoa (Yakkha) tại trú xứ Kapilavatthu, sáu ngàn đến từ Tuyết sơn, ba ngàn từ đồi Sàtà, năm trăm đến từ Vessàmitta, rồi hơn trăm ngàn Dạ xoa ở Vepulla cũng kéo đến. Tiếp theo vua Dhatarattha (Trì quốc thiên vương), chúa tể loài Gandhabba, trị vì phương Đông, đến cùng với các tùy tùng, rồi vua Virùlha (Tăng trưởng thiên vương), chú tể loài Kumbhanda, trị vì phương Nam, và tùy tùng, vua Virùpakkha (Quảng mục thiên vương), chú tể loài Nàgà, trị vì phương Tây, cùng tùy tùng, rồi vua Kuvera (Đa văn thiên vương), chúa tể loài Yakkha, trị vì phương Bắc, cùng đến với tùy tùng. Đến lượt các thuộc hạ của bốn thiên vương này gồm Mayà, Kutendu, Vetendu, Vitu, Vitucca, Candana, Kàmasettha, Kinnughandu, Nighandu, Panàda, Opamanna, Màtali, Càn thát bà Cittasena, vua Nala, Janasabha, Pancasikha, Timbarù, Suriyavaccassà. Tiếp đến là các loài Nàgà từ Nàbhasa, Vesàli, Tacchakà, Kambala, Assatarà, Pàyàgà cùng đến với các quyến thuộc, các Nàgà và tùy tùng đến từ Yamuna, Dhatarattha và Eràvana. Rồi đến các loài chim trời thường làm kinh động Long cung như Citrà, Supannà (Kim xí điểu), các Asura ở giữa biển như Kàlakanjà, Dànaveghasà, Sucitti, Vepacitti, Pahàràda, ác quỷ Namuci, các con của Bali. Các vị thần lửa, thần đất, thần nước, thần gió cũng đến với các thần Varuna, Soma, và Yasa. Rồi đến lượt các chư thiên Từ bi sanh (Mettà-karunà-kàyikà àgu devà) và thiên chúng quyến thuộc. Tiếp theo là các thần Venhù, Sahali, Asamà, Yamà, các thần măt trăng, mặt trời, các thần mây, thần tinh tú, Vàsava và Sakka. Tiếp đến là các thiên thần Sahabhù, Aritthaka, Rojà, Varunà, Sahadhammà, Accutà, Anejakà, Sùleyya, Rucirà, Vàsavanesi. Rồi đến các vị như Samànà, Mahàsamànà, Manusà, Mànusuttamà, Khiddà-padùsikà, Manopadùsikà, Harayà, Lohità, Pàragà, Mahàpàragà. Xong đến lượt các vị Sukhà, Karumhà, Arunà, Veghanasà, Odàtagayhà, Vicakkhanà, Sadàmattà, Hàragajà, Missakà, Pajjunna. Chư vị Khemiyà, Tusità, Yàmà, Katthakà, Lambìtakà, Làmasetthà, Jotinàmà, Àsavà, Nimmànarati, Paranimmità cũng đến chiêm ngưỡng và xưng tán Thế Tôn với những bài kệ. Kế đến là các vị Sanamkumàra Tissa, Paramattà, Subrahmà, Mahàbrahmà. Sau cùng là Màra và các đạo quân của nó.

    21. Kinh Đế Thích sở vấn (Sakkapanha Suttanta):

     Bài kinh có phần mở đầu bằng một bài ca rất trữ tình và lãng mạn, rất giống các khúc tình ái trong các sử thi Ấn Độ hay các tình ca trong thần thoại Hy Lạp. Thiên chủ Sakka (Đế Thích) muốn đến yết kiến Thế Tôn đang an trú trong hang động Indasàla, trên ngọn núi Vediya (Tỳ Đà Sơn) nằm ở phía Đông thành Vương Xá, nhờ Càn thát bà Pancasikha tìm cách báo tin cho Thế Tôn. Pancasikha dùng đàn cầm hát lên một khúc nhạc trữ tình ca ngợi tình yêu và lòng khao khát tình yêu được đồng hóa với chân lý và lòng khát khao chứng nhập chân lý. “... Nàng là tình của ta, như Pháp với Ứng Cúng... Như người tu sung sướng, chứng Bồ đề tối thượng; kiều nữ, ta sung sướng, được nhập một với nàng.” Khúc nhạc vọng đến chỗ Thế Tôn và ngài hỏi Pancasikha về nguồn gốc bài ca. Pancasikha kể với đức Phật chàng từng yêu say đắm người con gái của vua Càn thát bà tên là Bhaddà nhưng cô ấy lại để tâm yêu một người con trai khác. Quá thất vọng, Pancasikha cầm đàn đến chỗ Bhaddà và hát lên khúc nhạc này, thiếu nữ nghe khúc nhạc liền đồng ý cho Pancasikha một cuộc hẹn gặp mặt. Câu chuyện tình lãng mạn của Pancasikha được kết thúc ở đây và được nhắc lại ở đoạn cuối bài kinh trong đó Sakka hứa giúp cho Pancasikha được kết duyên với Bhaddà.

    Nội dung tiếp theo của bài kinh là cuộc hội kiến giữa Thiên chủ Sakka và Thế Tôn. Sakka vui mừng trình bày với Thế Tôn sự kiện nhờ hồng ân Phật pháp mà Thiên giới của ông được hưng thịnh, A tu la giới suy giảm. Rồi ông kể cho Thế Tôn câu chuyện về một tín nữ dòng họ Thích Ca nhờ lòng tin Tam bảo, chuyên trì giới luật, loại bỏ tâm niệm đàn bà, tu tập tâm niệm đàn ông nên sau khi chết được sanh lên cõi Tam thập tam thiên (Tàvatimsa) làm con gái Thiên chủ Sakka với tên gọi Gopakà và sự kiện ba vị tỷ kheo tu phạm hạnh nhưng vì tham dục nên bị sanh vào Càn thát bà giới hạ đẳng phải đến hầu hạ Gopakà. Gopakà quở trách ba vị này không chuyên tâm thực hành lời Phật dạy nên phải chịu cảnh bất hạnh. Bị Gopakà quở trách, hai vị sanh tâm tàm quý và nỗ lực tu tập nên được sanh làm phụ tá cho Phạm thiên, vị thứ ba tiếp tục chịu bất hạnh vì không thoát khỏi tham dục. Câu chuyện tiếp tục với cuộc vấn đáp giữa Thiên chủ Sakka và Thế Tôn xoay quanh các vấn đề:

     - Nguyên nhân dây chuyền của đấu tranh, tranh chấp, thù hận: do tật đố xan tham nên tranh chấp, hận thù sanh khởi; do yêu ghét nên tật đố xan tham sanh khởi; do ham muốn (dục) nên yêu ghét sanh khởi; do tầm cầu nên ham muốn sanh khởi; do điên đảo vọng tưởng (vô minh) nên tầm cầu sanh khởi.

    - Phương pháp diệt trừ các vọng tưởng hướng đến chấm dứt đấu tranh, tranh chấp, thù hận: thân cận các loại hỷ (somanassa), ưu (domanassa) và xả (upekhà) khiến thiện pháp tăng trưởng, bất thiện pháp giảm thiểu; tránh xa các loại hỷ, ưu và xả khiến bất thiện pháp tăng trưởng, thiện pháp giảm thiểu.

    - Sống theo sự chế ngự của giới bổn Pàtimokkha (Pàtimokkhasamvaràya patipanno): thân cận các loại thân hành (kàya-samàcàra), khẩu hành (vacì-samàcàra) và tầm (pariyesanà) khiến thiện pháp tăng trưởng, bất thiện pháp giảm thiểu; tránh xa các loại thân hành, khẩu hành và tầm khiến bất thiện pháp tăng trưởng, thiện pháp giảm thiểu.

    - Thực hành sự hộ trì các căn (Indriya-samvaràya patipanno): thân cận các loại sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp khiến thiện pháp tăng trưởng, bất thiện pháp giảm thiểu; tránh xa các loại sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp khiến bất thiện pháp tăng trưởng, thiện pháp giảm thiểu.

    - Tất cả Sa môn và Bà la môn không đồng một tư tưởng, không đồng một giới hạnh, không đồng một mong cầu, không đồng một chí hướng bởi lý do thiên chấp và định kiến. Tất cả Sa môn và Bà la môn không đồng một cứu cánh, không đồng một an ổn, không đồng một phạm hạnh, không đồng một mục đích bởi lý do tham ái. Chỉ những Sa môn hay Bà la môn nào đã giải thoát tham ái, những người ấy mới đồng một cứu cánh, đồng một an ổn, đồng một phạm hạnh, đồng một mục đích.

    Bài kinh kết thúc với lời nhận xét của Thiên chủ Sakka về sự nguy hại của tham ái khiến con người phải luân hồi tái sanh, về sự kiện các Sa môn và Bà la môn  ngoại đạo không có câu trả lời cho vấn đề diệt trừ tham ái nên đành nhờ Sakka giảng giải và họ trở thành đệ tử của Sakka, về sự an lạc nhờ nghe và thực hành chánh pháp mà Thiên chủ Sakka từng được hưởng so với hỷ lạc do đấu tranh hay chiến tranh mang lại. Thông tin cuối bài kinh cho hay Thiên chủ Sakka quá vui mừng hoan hỷ được hội kiến và nghe pháp với Thế Tôn nên hứa giúp Pancasikha hoàn thành ước nguyện được lấy nàng Bhaddà làm vợ. Sakka và 80.000 chư thiên khác chứng được Pháp nhãn (Dhammacakkhu) sau cuộc hội kiến với Thế Tôn.

    22. Kinh Đại niệm xứ (Mahàsatipatthàna Suttanta):

    Trong Kinh tạng Pàli, có hai bài kinh nói về chủ đề Niệm xứ hoàn toàn giống nhau về xuất xứ, nội dung và bố cục mà ta có thể xem là có cùng nguồn gốc: kinh Đại niệm xứ (Mahàsatipatthàna Suttanta), Trường bộ và kinh Niệm xứ (Satipatthàna Sutta), Trung bộ. Cả hai bài kinh đều do đức Thế Tôn thuyết giảng cho các tỷ kheo tại đô thị Kammàssadhamma, xứ Kuru và đều nói về bốn cơ sở hay nền tảng thực hành phép quán niệm (tứ niệm xứ) gồm thân (kàya), thọ (vedanà), tâm (citta), pháp (dhamma), được đức Phật gọi là con đường duy nhất (ekàyana-magga) đưa đến thanh tịnh cho chúng sinh, vượi khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết bàn. Chỉ một khác biệt nhỏ là ở bài kinh Niệm xứ, Trung bộ, phần quán niệm về bốn sự thật được nêu rất tổng quát, trong khi ở bài kinh Đại niệm xứ, Trường bộ, bốn sự thật được định nghĩa và giải thích rất chi tiết. Có lẽ do sự khác biệt nhỏ này mà mặc dù hoàn toàn giống nhau, hai bản kinh được sắp xếp vào hai tuyển tập khác nhau của Kinh tạng, một ở Trung bộ và một ở Trường bộ. Sự xuất hiện cùng lúc hai bài kinh hoàn toàn giống nhau ở hai tuyển tập khác nhau này chứng tỏ sự dụng ý của các nhà biên tập Kinh tạng Pàli trong việc thêm bớt một vài chi tiết của một bản kinh để đưa vào hai tuyển tập khác nhau. Việc làm này cũng cho thấy pháp môn Tứ niệm xứ rất được nhấn mạnh và đề cao trong Kinh tạng Pàli. Bốn cơ sở quán niệm gồm: 

    I. Quán thân trên thân, nhiệt tâm, tinh cần, tỉnh giác, chánh niệm để nhiếp phục tham ưu ở đời.

    II. Quán thọ trên các cảm thọ, nhiệt tâm, tinh cần, tỉnh giác, chánh niệm để nhiếp phục tham ưu ở đời.

    III. Quán tâm trên các tâm, nhiệt tâm, tinh cần, tỉnh giác, chánh niệm để nhiếp phục tham ưu ở đời.

    IV. Quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tinh cần, tỉnh giác, chánh niệm để nhiếp phục tham ưu ở đời.

I. Quán thân trên thân (kàye kàyànupassanà):

    Đề mục này bao gồm 6 phương pháp quán niệm sau đây:

    1. Quán niệm hơi thở: Vị hành giả tìm nơi thanh vắng như khu rừng, gốc cây, ngôi nhà trống...ngồi kiết già, lưng thẳng, an trú chánh niệm trước mặt, tỉnh giác quán niệm hơi thở vào ra:

    - Thở vô dài, tuệ tri: “Tôi thở vô dài” ; thở ra dài, tuệ tri: “Tôi thở ra dài.”

    - Thở vô ngắn, tuệ tri: “Tôi thở vô ngắn” ; thở ra ngắn, tuệ tri: “Tôi thở ra ngắn.”

    - “Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở vô” ; “Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở ra.”

    -“An tịnh thân hành, tôi sẽ thở vô” ; “An tịnh thân hành, tôi sẽ thở ra.”

    Khi thực hành pháp quán niệm trên, vị hành giả cần tuệ tri hay biết rõ từng pháp quán niệm, tựa như người thợ quay, khi quay dài, biết rõ mình quay dài; hay khi quay ngắn, biết rõ mình quay ngắn. Vị hành giả thực hành như vậy thì được gọi là sống quán thân trên nội thân; hay sống quán thân trên ngoại thân; hay sống quán thân trên cả nội thân, ngoại thân; hay sống quán tánh sanh khởi trên thân; hay sống quán tánh diệt tận trên thân; hay sống quán tánh sanh diệt trên thân. “Có thân đây,” vị ấy an trú chánh niệm như vậy với hy vọng hướng đến chánh trí và chánh niệm. Và vị ấy sống không nhương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời.

    2. Quán niệm các cử chỉ của thân: Vị hành giả khi đi, biết rõ: “Tôi đi”; hay khi đứng, biết rõ: “Tôi đứng”; hay khi ngồi, biết rõ: “Tôi ngồi”; hay khi nằm, biết rõ: “Tôi nằm”. Thân thể được sử dụng như thế nào, vị ấy biết rõ như thế ấy. Đây gọi là sống quán thân trên nội thân...

    3. Quán niệm các hành tướng của thân: Vị hành giả, khi bước tới bước lui, biết rõ việc mình đang làm; khi ngó tới ngó lui, biết rõ việc mình đang làm; khi mang áo Tăng già lê (Sanghàti), mang y, bát, ăn, uống, nhai, nếm, đại tiện, tiểu tiện, đi, đứng, nằm, ngồi, thức, ngủ, nói năng, im lặng, biết rõ việc mình đang làm. Đây gọi là sống quán thân trên nội thân...

    4. Quán niệm các thân phần: Vị hành giả chánh niệm quán sát thân này gồm 32 vật bất tịnh – tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, thận, tủy, não, tim, gan, hoành cách mô, lá lách, phổi, ruột, màng ruột, phân, mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, mỡ da, nước miếng, nước mủ, nước khớp xương, nước tiểu. Khi thực hành pháp quán niệm này, vị hành giả cần tuệ tri hay biết rõ từng thân phần của cơ thể, tựa như một người phân biệt rõ từng loại ngũ cốc được trộn lẫn với nhau đựng trong một chiếc túi. Đây gọi là sống quán thân trên nội thân...

    5. Quán niệm vị trí các giới hay yếu tố (dhàtu) trên thân: Vị hành giả quán sát vị trí của địa, thủy, hỏa, phong, và sự sắp đặt của chúng trên thân. Vị ấy phân biệt rõ vị trí và sự sắp đặt của bốn yếu tố trong thân thể, tựa như người đồ tể thiện xảo phân biệt rõ từng phần thân thể con bò. Đây gọi là sống quán thân trên nội thân...

    6. Quán niệm các gian đoạn của tử thi: Vị hành giả quán niệm về 9 giai đoạn phân hủy của thi thể, biết rõ tính chất, bản chất không thể khác của thân thể:

    (1). Thi thể quăng bỏ trong nghĩa địa một, hai, ba ngày, trương phồng lên, xanh đen lại, thối nát ra.

    (2). Thi thể bị các loài quạ, diều hâu, chim kên, chó, giả can, côn trùng ăn.

    (3). Thi thể với bộ xương còn liên kết với nhau, còn dính thịt và máu, được các đường gân cột lại.

    (4). Thi thể với bộ xương còn liên kết, không còn dính thịt nhưng còn dính máu, được các đường gân cột lại.

    (5). Thi thể chỉ còn xương nằm rải rác chỗ này chỗ kia.

    (6). Thi thể chỉ còn toàn xương trắng như vỏ ốc.

    (7). Thi thể chỉ còn là một đống xương lâu hơn một năm.

    (8). Thi thể chỉ còn là xương thối biến thành tro bụi.

    Vị hành giả thực hành quán niệm như vậy được gọi là sống quán thân trên nội thân....

II. Quán thọ trên các cảm thọ (vedanàsu vedanànupassanà):

     Vị hành giả tập trung quán niệm và biết rõ về ba cảm thọ, lạc thọ (sukha-vedanà), khổ thọ (dukkha-vedanà) và bất khổ bất lạc thọ (adukkha-m-asukha vedanà), về ba cảm thọ ấy thuộc vật chất hay không thuộc vật chất. Ví dụ khi cảm giác lạc thọ, khổ thọ hay bất khổ bất lạc thọ, vị ấy biết rõ từng loại cảm thọ mình đang cảm nhận. Tương tự, khi cảm giác lạc thọ, khổ thọ hay bất khổ bất lạc thọ liên hệ đến vật chất hay không liên hệ đến vật chất, vị ấy biết rõ từng loại cảm thọ mình đang cảm nhận. Vị hành giả thực hành như vậy thì được gọi là sống quán thọ trên các nội thọ; hay sống quán thọ trên các ngoại thọ; hay sống quán thọ trên các nội thọ, ngoại thọ; hay sống quán tánh sanh khởi trên các thọ; hay sống quán tánh diệt tận trên các thọ; hay sống quán tánh sanh diệt trên các thọ. “Có các thọ đây,” vị ấy an trú chánh niệm như vậy với hy vọng hướng đến chánh trí và chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời.

III. Quán tâm trên tâm (citte cittànupassanà):

    Vị hành giả tập trung quán niệm và biết rõ về 16 loại tâm sau đây:

    (1) tâm có tham, hay (2) tâm không có tham;

    (3) tâm có sân, hay (4) tâm không có sân;

    (5) tâm có si, hay (6) tâm không có si;

    (7) tâm tập trung, hay (8) tâm tán loạn;

     (9) tâm quảng đại, hay (10) tâm không quảng đại;

     (11) tâm giới hạn, hay (12) tâm vô thượng;

     (13) tâm có định, hay (14) tâm không có định;

     (15) tâm giải thoát, hay (16) tâm không giải thoát.

     Vị hành giả thực hành quán niệm và biết rõ về 16 loại tâm như trên thì được gọi là sống quán tâm trên nội tâm; hay sống quán tâm trên ngoại tâm; hay sống quán tánh sanh khởi trên tâm; hay sống quán tánh diệt tận trên tâm; hay sống quán tánh sanh diệt trên tâm. “Có tâm đây,” vị ấy an trú chánh niệm như vậy với hy vọng hướng đến chánh trí và chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời.

IV. Quán pháp trên các pháp (Dhammesu dhammànupassanà):

     Phương pháp này bao gồm các pháp môn quán niệm sau đây:

     1. Quán niệm về 5 triền cái (panca-nìvaranà): Vị hành giả xem xét tâm mình, nếu có ái dục (kàmacchanda), biết rõ “nội tâm tôi có ái dục”; không có ái dục, biết rõ “nội tâm tôi không có ái dục”; đối với ái dục chưa sanh nay sanh khởi, hay ái dục đã sanh nay được đoạn diệt, hay ái dục đã được đoạn diệt, tương lai không sanh khởi nữa, vị ấy biết rõ như vậy. Vị ấy quán niệm theo cách như trên đối với 4 triền cái còn lại, tức sân hận (byàpàda/patigha), hôn trầm thụy miên (thìnamiddha), trạo hối (uddhaccakukkucca), nghi (vicikicchà). Vị hành giả thực hành như vậy thì được gọi là sống quán pháp trên các nội pháp; hay sống quán pháp trên các ngoại pháp; hay sống quán tánh sanh khởi trên các pháp; hay sống quán tánh diệt tận trên các pháp; hay sống quán tánh sanh diệt trên các pháp. “Có các pháp đây,” vị ấy an trú chánh niệm như vậy với hy vọng hướng đến chánh trí và chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời.

    2. Quán niệm về 5 thủ uẩn (panca-upàdànakkhandhà): Vị hành giả tập trung suy tư, biết rõ về 5 thủ uẩn, sắc, thọ, tưởng, hành, thức, sự tập khởi và đoạn diệt của chúng. Vị hành giả thực hành như vậy thì được gọi là sống quán pháp trên các nội pháp...không chấp trước một vật gì ở đời.

    3. Quán niệm về sáu nội ngoại xứ (cha-ajjhattikabahira-àyatanà): Vị hành giả biết rõ mắt (cakkhu) và các sắc (rùpa), biết rõ do duyên mắt và sắc, kiết sử (samyojana) sanh khởi; đối với kiết sử chưa sanh nay sanh khởi, hay kiết sử đã sanh nay được đoạn diệt, hay kiết sử đã được đoạn diệt, tương lai không sanh khởi nữa, vị ấy biết rõ như vậy. Vị ấy biết rõ như trên đối với các nội và ngoại xứ còn lại, tức là, tai (sota) và tiếng (sadda), mũi (ghàna) và hương (gandha), lưỡi (jivhà) và vị (rasa), thân (kàya) và cảm xúc (photthabba), ý (mana) và các pháp (dhamma). Vị hành giả thực hành như vậy thì được gọi là sống quán pháp trên các nội pháp...không chấp trước một vật gì ở đời.

    4. Quán niệm về bảy giác chi (Satta-sambojjhangà): Vị hành giả xem xét tâm mình, nếu có niệm giác chi (satisambojjhanga), biết rõ ‘nội tâm tôi có niệm giác chi”; hay không có niệm giác chi, biết rõ “nội tâm tôi không có niệm giác chi”; đối với niệm giác chi chưa sanh nay sanh khởi, hay niệm giác chi đã sanh nay được tu tập viên thành, vị ấy biết rõ như vậy. Vị ấy thực hành sự xem xét như cách trên đối với các giác chi còn lại, tức trạch pháp giác chi (dhammavicayasambojjhanaga), tinh tấn giác chi (viriyasambojjhanga), hỷ giác chi (pìtisambojjhanga), khinh an giác chi (passaddhisambojjhanga), định giác chi (samàdhisambojjhanga), xả giác chi (upekhàsambojjhanga). Vị hành giả thực hành như vậy thì được gọi là sống quán pháp trên các nội pháp...không chấp trước một vật gì ở đời.

    5. Quán niệm về bốn sự thật (cattàri ariyasaccàni): Vị hành giả xem xét và biết như thật về khổ (dukkha), khổ tập (dukkhasamudaya), khổ diệt (dukkhanirodha) và con đường đưa đến khổ diệt (dukkhanirodhagàminì-magga). Thực hành như vậy được gọi là sống quán pháp trên các nội pháp...không chấp trước một vật gì ở đời.

    Phần tiếp theo của bài kinh là phần định nghĩa và giải thích chi tiết về bốn sự thật hay Tứ đế:

    (1) Khổ thánh đế: Sanh là khổ, già, (bệnh), chết, sầu, bi, khổ, ưu, não là khổ, cầu không được là khổ, tóm lại năm thủ uẩn là khổ.

    - Sanh (jàti): Sự xuất sản, xuất sanh, xuất thành, tái sanh của chúng sanh, sự xuất hiện các uẩn, sự tựu thành các căn.

    - Già (jarà): Sự niên lão, hủ hoại, trạng thái rụng răn, tóc bạc, da nhăn, tuổi thọ rút ngắn, các căn hủy hoại.

    - Chết (marana): Sự tạ thế, từ trần, thân hoại, sự diệt vong, sự chết, tử vong, thời đã đến, các uẩn đã tận diệt, sự vất bỏ tử thi.

    - Sầu (soka): Sự đau khổ này hay đau khổ khác, sự sầu, sự sầu lo, sự sầu muộn, nội sầu, nội khổ sầu của một người gặp phải tai nạn này hay tai nạn khác.

    - Bi (parideva): Sự đau khổ này hay đau khổ khác, sự bi ai, bi thảm, than van, than khóc, bi thán, bi thống của một người gặp phải tai nạn này hay tai nạn khác.

    - Khổ (dukkha): Sự đau khổ về thân, sự không sảng khoái về thân, sự đau khổ do thân cảm thọ, sự không sảng khoái do thân cảm thọ.

    - Ưu (domanassa): Sự đau khổ về tâm, sự không sảng khoái về tâm, sự đau khổ do tâm cảm thọ, sự không sảng khoái do tâm cảm thọ của một người gặp phải tai nạn này hay tai nạn khác.

    - Não (upàyàsa): Sự áo não, bi não, thất vọng, tuyệt vọng của một người gặp phải tai nạn này hay tai nạn khác, cảm thọ sự đau khổ này hay đau khổ khác.

    - Cầu không được là khổ: Sự mong cầu thoát khỏi sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não không được như ý.

    - Tóm lại năm thủ uẩn là khổ: Cái khổ hàm tàng trong sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn, thức thủ uẩn.

    (2) Khổ tập thánh đế: Sự tham ái đưa đến tái sanh, câu hữu với hỷ và tham, tìm cầu hỷ lạc chỗ này chỗ kia. Tham ái do duyên sanh, hiện hữu do sáu căn tiếp xúc với sáu trần. Khi sáu căn và sáu trần tiếp xúc với nhau thì gọi là xúc; do duyên xúc, thức sanh khởi, thọ sanh khởi, tưởng sanh khởi, tư sanh khởi, ái sanh khởi. Ái sanh khởi dẫn đến tầm (tìm kiếm) sanh khởi, tứ (bám chặt) sanh khởi.

    (3) Khổ diệt thánh đế: Sự diệt tận, không còn luyến tiếc, sự xả ly, buông bỏ, giải thoát, không nhiễm trước đối với ái (ấy). Sự phòng hộ các căn đối với các trần khiến thức đoạn diệt, thọ đoạn diệt, tưởng đoạn diệt, tư đoạn diệt, ái đoạn diệt, tầm đoạn diệt, tứ đoạn diệt.

    (4) Khổ diệt đạo thánh đế: Bát Chánh đạo (Ariya atthangikamagga) – chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.

    - Chánh tri kiến (Sammà ditthi): Tri kiến về khổ, khổ tập, khổ diệt, con đường đưa đến khổ diệt.

    - Chánh tư duy (Sammà sankappa): Tư duy về ly dục, tư duy về vô sân, tư duy về bất hại.

    - Chánh ngữ (Sammà vàcà): Không nói láo, không nói hai lưỡi, không nói lời độc ác, không nói lời phù phiếm.

    - Chánh nghiệp (Sammà kammanta): Không sát sanh, không lấy của không cho, không tà hạnh trong các dục.

    - Chánh mạng (Sammà àjìva): Từ bỏ các nghề nghiệp phi pháp, nuôi sống bằng nghề nghiệp hợp pháp.

    - Chánh tinh tấn (Sammà vàyàma): Sự quyết tâm, nỗ lực khiến cho các bất thiện pháp chưa sanh không sanh khởi, đã sanh được đoạn diệt; các thiện pháp chưa sanh được sanh khởi, đã sanh được tăng trưởng.

    - Chánh niệm (Sammà sati): Sống quán thân trên thân, quán thọ trên các cảm thọ, quán tâm trên tâm, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tinh cần, chánh niệm, tỉnh giác để diệt trừ tham ưu ở đời.

    - Chánh định (Sammà samàdhi): Chứng và trú thiền thứ nhất, có tầm và tứ; chứng và trú thiền thứ hai, không tầm không tứ, nội tỉnh, nhất tâm; chứng và trú thiền thứ ba với xả niệm lạc trú; chứng và trú thiền thứ tư với xả niệm thanh tịnh.

    Bài kinh kết thức với lời tuyên bố của đức Phật rằng tùy theo ý chí và nỗ lực, vị nào thực hành bốn niệm xứ này trong thời gian 7 năm... 7 tháng... thậm chí trong bảy ngày có thể đạt được hai quả vị: chánh trí ngay trong hiện tại (ditthadhamme annà)(8) hay bất hoàn (anàgàmita),(9) nếu còn hữu dư y (upàdisesa).(10) 

    23. Kinh Tệ Túc (Pàyàsi Suttanta):

    Kinh này mô tả cuộc đàm luận giữa Tôn giả Kumàra Kassapa, đệ tử của đức Phật và Tiểu vương Pàyàsi xứ Setavyà về đời sau. Chuyện xảy ra lúc Tôn giả Kumàra Kassapa cùng 500 tỷ kheo du hành trong nước Kosala (Câu Tát La), đi đến một đô thị tên là Setavyà (Tư Ba Ê) và trú trong rừng cây Simsapà (Thi Xá Bà). Tiểu vương Pàyàsi xứ Setavyà, một thuộc hạ của vua Pasenadi nước Kosala, người chủ trương không có đời sau (n’atthi paro loko), không có các loài hóa sanh (n’atthi sattà opapàtikà), không có quả báo của các hành vi thiện ác (n’atthi sukata-dukkatànam kammànam phalam vipàko), nghe tin Tôn giả Kumàra Kassapa và chúng tỷ kheo đã đến Setavyà liền cùng các Bà la môn và gia chủ xứ Setavyà đi đến rừng cây Simsapà viếng thăm Tôn giả và trình bày quan điểm của mình. Kùmàra Kassapa dùng nhiều ví dụ bác bỏ quan điểm không có đời sau của Pàyàsi và cố thuyết phục Pàyàsi từ bỏ kiến chấp sai lầm của mình. Câu chuyện nêu nhiều quan điểm và lập luận cho thấy Pàyàsi theo đuổi đường lối hoài nghi của một số tư tưởng gia đương thời như Pùrana Kassapa, Makhai Gosàla, Pakudha Kaccàyana, rõ nét nhất là quan điểm không có đời sau (na-paralokavàda) hay lý thuyết đoạn diệt (ucchedavàda) của Ajita Kesakambali. Các luận chứng của Kumàra Kassapa cũng rất thuyết phục, cung cấp nhiều thông tin mới lạ như thế giới loài người hôi hám khiến chư thiên không đến gần, phải đứng cách xa một trăm do tuần, 100 năm tuổi thọ loài người bằng một ngày đêm ở cảnh giới Tam thập tam thiên (Tàvatimsà). Thông tin cuối bài kinh cho hay Tiểu vương Pàyàsi hoàn toàn bị chinh phục ngay ở luận chứng đầu tiên của Tôn già Kumàra Kassapa, nhưng vì muốn nghe các lập luận thông minh của Kassapa nên ông rán kéo dài câu chuyện bằng cách không chấp nhận các luận thuyết của Kassapa. Pàyàsi bày tỏ nỗi vui mừng được nghe Tôn giả Kumàra Kassapa thuyết giảng, xin quy y Tam bảo và mong muốn tổ chức một đại tế đàn. Kumàra Kassapa chỉ cho Pàyàsi cách thực hiện lễ tế đàn không sát sanh, cúng dường cho người đức độ và bố thí cho kẻ nghèo khó, lễ tế đàn tỏ rõ lối sống bát Thánh đạo và khuyến khích những người khác sống theo bát Thánh đạo. Pàyàsi nghe theo lời khuyên của Kumàra Kassapa tiến hành lễ tế đàn nhưng do không dốc tâm vào công việc nên sau khi chết chỉ được tái sanh vào cảnh giới Tứ Đại thiên vương.

 


(1). Thích Minh Châu, Trường bộ kinh, tập III, tr. 55, Viện Đại học Vạn Hạnh, 1972.  

(2). B. C. Law, A History of Pàli Literature, Vol. I, tr. 98. 

(3). Thích Minh Châu, Trường Bộ Kinh, tập III, tr. 168, Đại học Vạn Hạnh, 1972.    

(4). Rhys Davids, Dialogues of the Buddha, tập II, tr. 196-197; Lectures on some points in the history of Indian Buddhism, tr. 131-134.     

(5). B. C. Law, A History of Pàli Literature, tập I, tr. 102. 

(6). E. J. Thomas, The Life of Buddha as legend and history, tr. 126-127.       

(7). B. C. Law, A History of Pàli Literature, tập I, tr. 105. 

(8). Chỉ cho quả vị A la hán hay giải thoát khổ đau ngay trong đời này.            

(9). Thánh quả thứ hai trong quan niệm về bốn quả thánh của Phật giáo nguyên thủy. Người thành tựu quả vị này được tái sanh ở cõi Tịnh cư thiên (Suddhavàsa) và tại đó nhập Niết bàn hay thành tựu giải thoát, không còn trở lại đời này nên được gọi là Bất lai (Anàgàmì).              

(10). Upàdisesa có nghĩa là nguồn liệu cho sự tái sanh hay nghiệp hữu, ở đây ngụ ý nghiệp sinh tử chưa hoàn toàn chấm dứt, còn sót lại ít nhiều nên chỉ có thể thành tựu quả Bất lai. 

 
00:00