PHẦN 2: VĂN TẠNG PÀLI - Chương VII: Kinh Tạng Pàli

Lược khảo 152 bài kinh Trung bộ

Phẩm Mùlapariyàya (từ kinh số 1-10)

 

     1. Kinh Pháp môn căn bản (Mùlapariyàya Sutta):

     Bài kinh có tên Mùlapariyàya(1) (Pháp môn căn bản) hay còn gọi là Sabbadhammamùlapariyàya (Cương yếu về tất cả pháp), do đức Phật giảng cho các tỷ kheo tại khu rừng Subhaga nằm trong thị trấn Ukkatthà(2) thuộc vương quốc Kosala. Bài kinh đề cập 24 pháp và quan điểm hay thái độ của bốn hạng người đối với 24 pháp này.

     24 pháp: (1) địa, (2) thủy, (3) hỏa, (4) phong, (5) sanh vật(3), (6) chư thiên(4), (7) sanh chủ(5), (8) Phạm thiên(6), (9) Quang Âm thiên, (10) Biến Tịnh thiên, (11) Quảng Quả thiên, (12) Thắng giả(7), (13) Không vô biên(8), (14) Thức vô biên, (15) Vô sở hữu, (16) Phi tưởng phi phi tưởng, (17) sở kiến(9), (18) sở văn, (19) sở tư niệm, (20) sở tri, (21) đồng nhất(10), (22) sai biệt(11), (23) tất cả(12), (24) Niết bàn.(13) 

     Bốn hạng người: 1. kẻ vô văn phàm phu (puthujjana)(14), 2. vị tỷ kheo hữu học (sekha-bhikkhu)(15), 3. vị tỷ kheo A la hán (Arahanta-bhikkhu)(16), 4. đức Như Lai (Tathàgata).

     - Đặc điểm của kẻ vô văn phàm phu (puthujjana) và thái độ của vị ấy đối với 24 pháp: Là người không yết kiến, không gần gũi, không thân cận các bậc thánh (ariya)(17) và các bậc chân nhân (sappurisa)(18), không hiểu rõ, không thuần thục, không tu tập pháp của các bậc thánh và các bậc chân nhân. Do đặc điểm kể trên, kẻ vô văn phàm phu tưởng tri (sãjànàti))19) địa đại là địa đại. Vì tưởng tri địa đại là địa đại, vị ấy nghĩ đến địa đại, nghĩ đến tự ngã đối chiếu với địa đại, nghĩ tự ngã là địa đại, nghĩ rằng “địa đại là của ta,” dục hỷ (abhinandati) địa đại. Vì sao? Vì vị ấy không liễu tri (aparinnàtam) địa đại. (Vị ấy có thái độ tương tự đối với 23 pháp còn lại)

     - Đặc điểm của vị tỷ kheo hữu học (sekha-bikkhu) và thái độ của vị ấy đối với 24 pháp: Là người đang tu học, tâm chưa thành tựu(20), đang sống cần cầu vô thượng an ổn khỏi các khổ ách.(21) Do đặc điểm trên, vị tỷ kheo hữu học thắng tri (abhijànàti)(22) địa đại là địa đại. Do thắng tri địa đại là địa đại, vị ấy không nghĩ đến địa đại, không nghĩ đến tự ngã đối chiếu với địa đại, không nghĩ tự ngã là địa đại, không nghĩ “địa đại là của ta,” không dục hỷ (nàbhinandati) địa đại. Vì sao? Vì vị ấy có thể liễu tri (parinneyyam) địa đại. (Đối với 23 pháp còn lại, vị ấy có thái độ tương tự)

     - Đặc điểm của vị tỷ kheo A la hán (Arahanta-bhikkhu) và thái độ của vị ấy đối với 24 pháp: Là người đã đoạn tận các lậu hoặc (dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu), đã hoàn tất việc tu hành, đã làm xong các việc cần làm (cho sự giải thoát), đã đặt xuống gánh nặng (khổ đau sanh tử), đã thành đạt lý tưởng (giải thoát và giác ngộ), đã tận trừ mọi kiết sử (thân kiến, nghi, giới cấm thủ, tham, sân, sắc ái, vô sắc ái, mạn, trạo cử, vô minh), đã thành tựu chánh trí (sammà-nàna), chánh giải thoát (sammà-vimutti).(23) Do đặc điểm trên, vị tỷ kheo A la hán thắng tri (abhijànàti) địa đại là địa đại. Do thắng tri địa đại là địa đại, vị ấy không nghĩ đến địa đại, không nghĩ đến tự ngã đối chiếu với địa đại, không nghĩ tự ngã là địa đại, không nghĩ “địa đại là của ta,” không dục hỷ (nàbhinandati) địa đại. Vì sao? Vì vị ấy liễu tri (parinnàtam) địa đại. (Vị ấy có thái độ như vậy đối với 23 pháp còn lại)

     Vị tỷ kheo A la hán cũng được xem là không có thái độ hoan hỷ, chấp trước 24 pháp nói trên bởi vị ấy đã đoạn trừ tham dục (lobha/ràga), sân hận (dosa/patigha) và si mê (moha/avijjà).

     - Đặc điểm của Như Lai (Tathàgata) và thái độ của ngài đối với 24 pháp: Như Lai, bậc A la hán, Chánh đẳng giác, thắng tri (abhijànàti) địa đại là địa đại. Do thắng tri địa đại là địa đại, Như Lai không nghĩ đến địa đại, không nghĩ đến tự ngã đối chiếu với địa đại, không nghĩ tự ngã là địa đại, không nghĩ “địa đại là của ta,” không dục hỷ (nàbhinandati) địa đại. Vì sao? Vì Như Lai liễu tri (parinnàtam) địa đại. (Đức Như Lai có thái độ tương tự đối với 23 pháp còn lại)

     Một đặc điểm khác của Như Lai là thấy rõ dục hỷ (nandì)(24) là gốc rễ của khổ đau, từ hữu, sanh khởi lên, và già chết đến với loài hữu tình; do vậy, chẳng những ngài không hoan hỷ, chấp thủ 24 pháp nói trên mà ngài còn diệt trừ, xả ly, từ bỏ tất cả mọi tham ái.

      2. Kinh Nhất thiết lậu hoặc (Sabbàsava Sutta):

      Bài kinh có tên Sabbàsava(25) (Tất cả lậu hoặc) hay còn gọi là Sabbàsavasamvarapariyàya (Pháp môn phòng hộ tất cả lậu hoặc), do đức Phật giảng cho các tỷ kheo tại tinh xá Anàthapindika trong khu vườn Jeta thuộc kinh đô Sàvatthi. Mở đầu bài kinh, đức Phật tuyên bố một câu rất nổi tiếng cho thấy tôn giáo của ngài kêu gọi lý trí và đề cao trí tuệ: “Này các tỷ kheo, Ta giảng về sự diệt tận các lậu hoặc cho người biết, cho người thấy; không phải cho người không biết, cho người không thấy.” (Jànato aham bhikkhave passato àsavànam khayam vadàmi, no ajànato no apassato.)

     Bài kinh đề cập bảy phương pháp đoạn trừ các lậu hoặc, gồm:

     1. Phương pháp dùng tri kiến (dassana).

     2. Phương pháp phòng hộ (samvara).

     3. Phương pháp thọ dụng (patisevana).

     4. Phương pháp kham nhẫn (adhivàsana).

     5. Phương pháp tránh né (parivajjana).

     6. Phương pháp trừ diệt (vinodana).

     7. Phương pháp tu tập (bhàvanà).

      - Phương pháp đoạn trừ các lậu hoặc nhờ tri kiến: Phương pháp này nhấn mạnh vai trò của chánh kiến (sammà-dassana/sammà-ditthi) hay như lý tác ý (yoniso-manasikàra) nhờ đó các tà kiến được chế ngự và các lậu hoặc được đoạn tận. Hai hạng người, kẻ vô văn phàm phu và vị đa văn thánh đệ tử, được nêu ra ở đây nhằm minh họa ý nghĩa của phương pháp này:

       A. Kẻ vô văn phàm phu (puthujjana), do không hiểu rõ, không thuần thục, không tu tập pháp các bậc thánh và các bậc chân nhân nên không biết rõ (appajànàti=không tuệ tri) các pháp cần phải tác ý và các pháp không cần phải tác ý. Vì không hiểu rõ các pháp cần và không cần phải tác ý, vị ấy tác ý các pháp khiến dục lậu (kàma-àsava), hữu lậu (bhava-àsava) và vô minh lậu (avijja-àsava) chưa sanh được sanh khởi hay đã sanh được tăng trưởng. Vị ấy tác ý 12 pháp sau đây khiến sáu tà kiến khởi lên đưa đến sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não:

       a/. 12 pháp gồm:

       1. Ta có mặt hay không trong quá khứ?

       2. Ta có mặt trong quá khứ như thế nào?

       3. Ta có mặt trong quá khứ với vóc dáng thế nào?

       4. Trước kia ta là gì và ta đã có mặt như thế nào trong quá khứ?

       5. Ta sẽ có mặt hay không trong vị lai?

       6. Ta sẽ có mặt trong vị lai như thế nào?

       7. Ta sẽ có mặt trong vị lai với vóc dáng thế nào?

       8. Trước kia ta là gì và ta sẽ có mặt như thế nào trong vị lai?

       9. Hiện tại ta có mặt hay không?

       10. Hiện tại ta có mặt như thế nào?

       11. Hiện tại ta có mặt với dáng vóc thế nào?

       12. Chúng sanh này từ đâu đến và sẽ đi đâu?

       b/. 6 tà kiến là:

       1. Ta có tự ngã.

       2. Ta không có tự ngã.

       3. Do tự mình, ta tưởng tri ta có tự ngã.

       4. Do tự mình, ta tưởng tri ta không có tự ngã.

       5. Không do tự mình, ta tưởng tri ta có tự ngã.

       6. Chính tự ngã của ta nói, cảm giác, hưởng thọ quả báo các nghiệp thiện ác đã làm chỗ này chỗ kia, chính tự ngã ấy của ta là thường trú, thường hằng, không biến chuyển, tồn tại vĩnh viễn.

       B. Vị đa văn thánh đệ tử (ariyasàvaka) do hiểu rõ, thuần thục, tu tập pháp các bậc thánh và các bậc chân nhân nên biết rõ (tuệ tri: pajànàti) các pháp cần phải tác ý và các pháp không cần phải tác ý. Vị ấy, do biết rõ các pháp cần và không cần tác ý, tác ý các pháp khiến dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu chưa sanh không sanh khởi hay đã sanh được đoạn diệt. Vị ấy tác ý về khổ (dukkha), tập (samudàya), diệt (nirodha), đạo (magga) nhờ đó thân kiến (sakkàyaditthi)(26), nghi (vicikicchà)(27), giới cấm thủ (sìlabbataparàmàsa) được diệt trừ.(28) 

     - Phương pháp đoạn trừ các lậu hoặc do phòng hộ: Phương pháp này ngự ý sự phòng hộ hay chế ngự các căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) khiến tham ái, ưu bi, các bất thiện pháp không có điều kiện sanh khởi.

      - Phương pháp đoạn trừ các lậu hoặc nhờ thọ dụng: Phương pháp này ngụ ý sự thọ dụng đúng pháp bốn vật phẩm cúng dường (y áo, đồ ăn khất thực, chỗ ở, thuốc trị bệnh) nhằm hổ trợ cho đời sống phạm hạnh hướng đến diệt tận các lậu hoặc.

     - Phương pháp đoạn trừ các lậu hoặc nhờ kham nhẫn: Phương pháp này ngụ ý hạnh kham nhẫn đối với các điều kiện hay cảnh ngộ hà khắc của tự thân, tự nhiên và xã hội như sự đau đớn của thân thể, thời tiết lạnh, nóng, sự đói, khát, sự xúc chạm của ruồi muỗi, những lời mạ lỵ hay phỉ báng của người khác... khiến các phiền não hay lậu hoặc được chấm dứt.

      - Phương pháp đoạn trừ các lậu hoặc nhờ tránh né: Phương pháp này ngụ ý sự tránh né các đối tượng cần tránh né (các loài thú dữ, các nơi nguy hiểm, bạn bè xấu...) khiến các phiền não hay lậu hoặc đi đến đoạn diệt.

     - Phương pháp đoạn trừ các lậu hoặc do trừ diệt: Phương pháp này ngụ ý sự từ bỏ, trừ diệt ngay trong ý tưởng các ý niệm liên hệ đến dục (dục niệm hay dục tầm=kàmavitakka), sân (sân niệm=byàpàdavitakka) và hại (hại niệm=vihimsavitakka) khiến các ác bất thiện pháp không có cơ hội sanh khởi.

      - Phương pháp đoạn trừ các lậu hoặc nhờ tu tập: Phương pháp này ngụ ý sự tu tập hay đào luyện bảy giác chi (sattà sambojjhangà) liên hệ đến viễn ly, ly tham, diệt tận, gồm niệm (sati), trạch pháp (dhamma-vicaya), tinh tấn (viriya), hỷ (pìti), khinh an (passaddhi), định (samàdhi), xả (upekhà) hướng đến chấm dứt các lậu hoặc.

      Trong phần kết thúc bài kinh, đức Phật nhấn mạnh rằng vị tỷ kheo nào thực hành bảy phương pháp đoạn trừ các lậu hoặc trên đây thì được gọi là vị tỷ kheo đã sống phòng hộ với sự phòng hộ các lậu hoặc, đã đoạn diệt khát ái, thoát ly kiết sử, chánh quán kiêu mạn(29), diệt tận khổ đau.

      3. Kinh Thừa tự pháp (Dhammadàyàda Sutta):

     Bài kinh được thuyết giảng tại tinh xá Cấp Cô Độc (Anàthapindika), trong vườn Kỳ Đà (Jeta) ở Sàvatthi, gồm hai phần. Phần đầu do Thế Tôn thuyết giảng, có nội dung khuyên các tỷ kheo nêu cao lý tưởng của người xuất gia, lấy Chánh pháp (Dhamma) làm của thừa tự, không thừa tự tài vật danh vọng (àmisa) thế gian. Phần thứ hai do Tôn giả Xá Lợi Phất trình bày, tiếp tục nhấn mạnh lý tưởng xuất gia của các tỷ kheo bằng cách chỉ rõ các trường hợp trong đó các tỷ kheo đáng bị khiển trách hay xứng đáng được tán thán khi theo đuổi giáo pháp của bậc đạo sư. Bài kinh cũng nêu rõ các ác pháp (pàpakadhammà/akusaladhammà) và nhấn mạnh con đường Trung đạo (Majjhimà patipadà) có khả năng diệt trừ mọi ác pháp.

     Trong phần giáo giới cho các tỷ kheo ở phần đầu bài kinh, Thế Tôn dùng hình ảnh hai vị tỷ kheo bị kiệt sức bởi đói lả để minh họa cho lời dạy của ngài về lý tưởng của người xuất gia, lấy Chánh pháp làm trọng, xem thường mọi lợi dưỡng thế gian. Chuyện kể rằng một hôm đương lúc Thế Tôn vừa dùng bữa xong thì có hai tỷ kheo đến yết kiến ngài trong tình trạng bị kiệt sức bởi đói lả. Thế Tôn bảo hai tỷ kheo ấy có một số thức ăn còn lại trong bình bát của ngài, nếu muốn thì lấy dùng, nếu không dùng thì ngài sẽ quăng bỏ thức ăn ấy vào chỗ không có cỏ xanh hay nhận chìm xuống nước không có các loài côn trùng sinh sống. Vị tỷ kheo thứ nhất nghĩ đến lời dạy “thừa tự pháp, không thừa tự vật chất” của Thế Tôn nên quyết định nhịn đói qua đêm. Vị thứ hai quyết định dùng thức ăn còn lại của ngài. Đức Phật kể câu chuyện này rồi nhấn mạnh rằng dù cho vị tỷ kheo thứ hai trừ bỏ được sự đói lả và kiệt sức, nhưng đối với ngài, vị tỷ kheo thứ nhất đáng được tán thán, đáng được kính nể hơn bởi thái độ cương quyết (không ăn phi thời) của vị ấy sẽ giúp ích cho vị ấy lâu dài về phương diện thiểu dục, tri túc, kham nhẫn, dễ nuôi dưỡng, tinh cần, tinh tấn. Chúng ta hiểu rằng câu chuyện Thế Tôn nêu ra nhằm minh họa cho lời dạy của ngài về lý tưởng cao cả của người xuất gia, lấy Chánh pháp hay lời dạy của ngài của thừa tự, xem thường mọi danh vọng và lợi dưỡng thế gian. Câu chuyện cũng ngụ ý một thói quen tốt về thiểu dục, tri túc, kham nhẫn, dễ nuôi dưỡng, tinh cần, tinh tấn, nghĩa là những đức tính tuyệt đối cần thiết cho nếp sống của người xuất gia. Một chi tiết khác được tìm thấy trong câu chuyện là sự kiện đức Phật rất tôn trọng sự sống và môi trường sống của các chúng sinh khác, thậm chí đến loài cây cỏ. Ngài tuân giữ một thói quen không đổ thức ăn dư thừa (xả rác) lên đám cỏ xanh hay nhấn chìm vào chỗ nước có các chúng sanh trong ấy.

     Phần trình bày của Tôn giả Xá Lợi Phất nêu ba trường hợp trong ấy tất cả tỷ kheo, cao niên, trung niên và tân học, đáng bị quở trách, và ba trường hợp ngược lại, tất cả họ đáng được tán thán. Ba trường hợp đáng bị quở trách gồm:

     - Vị Đạo sư sống viễn ly (pavivitassa vihatarato) nhưng các đệ tử không tùy học viễn ly.

     - Những pháp nào vị Đạo sư dạy nên từ bỏ, những pháp ấy các đệ tử không từ bỏ.

     - Các đệ tử sống sung túc, lười biếng, dẫn dầu về đọa lạc(30), bỏ rơi gánh nặng sống viễn ly.(31) 

      Trong phần cuối bài kinh, Tôn giả Xá Lợi Phất liệt ra một số các ác pháp và nêu rõ con đường Trung đạo, tức bát Thánh đạo, có khả năng diệt trừ mọi ác pháp, khiến nhãn sanh, trí sanh, hướng đến tịch tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết bàn. Danh mục các ác pháp được nêu ra ở đây gồm: tham, sân, phẫn nộ, hiềm hận, giả dối, não hại, tật đố, xan lẫn, man trá, phản bội, ngoan cố, bồng bột, mạn, tăng thượng mạn, kiêu căng, phóng dật. Con đường diệt trừ các ác pháp ấy chính là con đường Trung đạo – bát Thánh đạo, gồm chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.

    4. Kinh Sợ hãi và khiếp đảm (Bhayabherava Sutta):

     Bài kinh là sự xác chứng của Thế Tôn về lời nhận xét của Bà la môn Jànussoni: “Thật khó kham nhẫn những trú xứ xa vắng trong rừng núi hoang vu! Thật khó khăn đời sống viễn ly! Thật khó thưởng thức đời sống độc cư! Rừng núi làm rối loạn tâm trí vị tỷ kheo chưa chứng thiền định.” Bà la môn Jànussoni đến yết kiến đức Phật tại Jetavana, tán thán ngài là vị lãnh đạo đã giúp ích rất lớn cho các đệ tử, luôn luôn khích lệ và sách tấn các đệ tử, khiến cho những vị này chấp nhận theo quan điểm của ngài. Rồi Bà la môn Jànussoni nói lên sự khó khăn của đời sống xuất gia sống ở rừng núi và cho rằng rừng núi sẽ làm rối loạn tâm trí vị tỷ kheo chưa chứng thiền định. Đức Phật đồng ý với lời nhận xét của Jànussoni và nói lại các kinh nghiệm mà ngài đã trải qua truớc lúc giác ngộ. Nội dung bài kinh do đó gồm một tổng hợp các kinh nghiệm tu tập của Sa môn Gotama ở những nơi rừng núi hoang vu trước khi giác ngộ, cách thức ngài vượt qua các sợ hãi, thành tựu các tầng thiền, chứng đắc tam minh và trở thành bậc giác ngộ.

     Các kinh nghiệm tu tập của đức Phật ở trong bài kinh cho thấy ngài từng đối diện với cảnh ngộ sợ hãi và khiếp đảm nhưng xét tự thân được thanh tịnh, không lỗi lầm nên tâm ngài được an tịnh, lòng tin được củng cố vững chắc, không dao động. Từ kinh nghiệm của bản thân, ngài cho rằng những ai có hay rơi vào các trường hợp sau đây sẽ khó tránh khỏi sợ hãi và khiếp đảm khởi lên khi sống ở những nơi rừng núi hoang vu:

     - Thân nghiệp không thanh tịnh.

     - Khẩu nghiệp không thanh tịnh.

     - Ý nghiệp không thanh tịnh.

     - Mạng sống không thanh tịnh (nuôi sống bằng các nghề nghiệp không chính đáng).

     - Có tham dục, có ái dục cường liệt.

     - Có tâm sân hận, ác ý.

     - Bị hôm trầm thụy miên chi phối.

     - Dao động, tâm không an tịnh.

     - Nghi ngờ do dự.

     - Khen mình chê người.

     - Run rẩy sợ hãi.

     - Ham muốn danh lợi, ưa thích tiếng tăm.

     - Lười biếng, không tinh tấn.

     - Thất niệm.

     - Không định tỉnh, tâm bị tán loạn.

     - Ngu si ám độn.

     Phần tiếp theo của bài kinh đề cập sự kiện Thế Tôn từng tìm đến những nơi đầy kinh hãi như các am miếu hoang vắng nằm dưới những táng cây rậm rạp vào các đêm tối để thử xem cảm giác sợ hãi và khiếp đảm như thế nào. Ở đây cách thức đối trị sợ hãi và khiếp đảm của ngài phản ánh một kinh nghiệm nội tâm (thiền định) rất sáng suốt. Ngài nhận biết các cảm giác sợ hãi và khiếp đảm nảy sinh nhưng không cố gắng xua đuổi chúng bằng cách này hay cách khác. Ngài không thay đổi các tư thế đi, đứng, nằm hay ngồi của mình nhằm lẫn tránh hay xua đuổi các cảm giác sợ hãi và khiếp đảm khi chúng khởi lên. Ngài chỉ nhận biết và thức tỉnh về chúng. Chúng đến và rồi ra đi. Tất cả chỉ là duyên sanh. Một cách thức đối trị khác nói rõ kinh nghiệm thiền định của ngài là không cố gắng thay đổi cục diện hay hoàn cảnh gây sợ hãi bằng trí tưởng tượng, chẳng hạn, nghĩ ngày là đêm hay tưởng đêm là ngày. Đối với ngài, đêm là đêm, ngày là ngày, không cần phải tưởng tượng ra một cục diện trái ngược. Kinh Tiểu không (Cùlasunnata Sutta) gọi phương pháp này là sự an trú không tánh (sunnatàvakkanti), tức là an trú vào pháp hiện tại, không điên đảo vọng tưởng, thấy rõ các pháp do duyên sinh.

     Phần cuối của bài kinh mô tả sự kiện Thế Tôn nhờ tinh cần tinh tấn, không lười biếng, an trú chánh niệm, tâm không tán loạn, thân được khinh an nên ngài tuần tự chứng và trú thiền thứ nhất, thiền thứ hai, thiền thứ ba, thiền thứ tư, thành tựu túc mạng minh, thiên nhãn minh, lậu tận minh, hướng đến giải thoát (vimutti) và giải thoát tri kiến (vimutta-nàna). Phần mô tả sự kiện giác ngộ của đức Phật trong bài kinh này hoàn toàn giống như cách mô tả ở nhiều nơi khác trong Kinh tạng Pàli, điều đặc biệt ở trong phần mô tả này là ta có thêm thông tin về thời điểm giác ngộ của ngài, vào lúc nửa đêm, và sự kiện giác ngộ diễn ra trong khoảng thời gian từ canh một đến canh ba.

     5. Kinh Vô uế (Anangana Sutta):

      Bài kinh do Tôn giả Xá Lợi Phất (Sàriputta) thuyết giảng cho các tỷ kheo tại Jetavana. Bài kinh có tên Vô uế (Anangana) nhưng nội dung thì nhấn mạnh các tâm lý tiêu cực, ý chừng đã nảy sinh trong Tăng chúng mà Tôn giả Xá Lợi Phất gọi là cấu uế (angana). Danh từ angana (cấu uế) được dùng ở đây đồng nghĩa với các từ lobha (tham), dosa (sân), moha (si), pàpaka (ác), akusala (bất thiện), icchàvacara (tham dục), tức những thứ khiến cho tâm tư ô nhiễm hay bất tịnh. Những vấn đề được đề cập trong bài kinh cho thấy kinh nghiệm nội tâm rất phong phú của Tôn giả Xá Lợi Phất và khả năng phân tích tâm lý của ngài trong công tác giảng dạy. Mở đầu bài kinh, Tôn giả đưa ra sự phân tích về bốn hạng người trong đó nhấn mạnh về vai trò trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với tự thân thông qua việc thường xuyên thẩm sát hay xem xét chính mình để xem tự thân có được thanh tịnh hay không. Ở đây yếu tố như thật biết rõ về tự thân (ajjhattam yathàbhùtam pajànàti) hay “know thyself” như lời Socrates đóng vai trò rất quan trọng. Bốn hạng người gồm:

     1. Hạng người có cấu uế nhưng không như thật biết rõ nội thân mình có cấu uế.

     2. Hạng người có cấu uế và như thật biết rõ nội thân mình có cấu uế.

     3. Hạng người không có cấu uế nhưng không như thật biết rõ nội thân mình không có cấu uế.

     4. Hạng người không có cấu uế và như thật biết rõ nội thân mình không có cấu uế.

     Trong số bốn hạng người này, theo Tôn giả Xá Lợi Phất, hạng thứ nhất được xem là hạ liệt bởi hạng người này sẽ không khởi lên ước muốn, không cố gắng, không tinh cần tinh tấn để diệt trừ cấu uế; hạng người này sẽ từ trần trong khi còn tham, sân, si, tâm còn cấu uế và ô nhiễm. Hạng thứ hai được gọi là ưu thắng bởi hạng người này sẽ khởi lên ước muốn, sẽ cố gắng, tinh cần tinh tấn để diệt trừ cấu uế; hạng người này sẽ từ trần trong khi không còn tham, sân, si, trong khi tâm không còn cấu uế hay ô nhiễm. Hạng thứ ba được gọi là hạ liệt bởi hạng người này sẽ tư niệm tịnh tướng (subhanimittam manasikarissati) và do vậy tham (ràga) sẽ làm cho tâm người này ô nhiễm; hạng người này sẽ từ trần trong khi có tham, sân, si, trong khi tâm còn cấu uế và ô nhiễm. Hạng thứ tư được gọi là ưu thắng bởi hạng người này sẽ không tư niệm tịnh tướng và do vậy tham sẽ không làm cho tâm vị ấy ô nhiễm; hạng người này sẽ từ trần trong khi không có tham, sân, si, tâm không còn cấu uế hay ô nhiễm.

     Tiếp theo, Tôn giả Xá Lợi Phất chỉ rõ nguyên nhân của các cấu uế bằng cách nêu ra một loạt các ý tưởng tiêu cực khiến phẫn nộ và bất mãn nảy sinh, ở đây tâm lý phẫn nộ và bất mãn được xem là đồng nghĩa với cấu uế:

     - Một tỷ kheo vi phạm giới tội mong muốn các tỷ kheo khác không biết về sự vi phạm của mình nhưng sự việc không diễn ra như ý muốn nên vị tỷ kheo ấy sinh tâm phẫn nộ và bất mãn.

     - Vị tỷ kheo vi phạm giới tội mong được người khác quở trách ở chỗ kín đáo, không phải giữa Tăng chúng nhưng sự việc không như vậy nên vị ấy sinh tâm phẫn nộ và bất mãn.

     - Vị tỷ kheo vi phạm giới tội mong muốn được một tỷ kheo ngang hàng với mình quở trách, không phải một vị không ngang hàng nhưng sự tình không như vậy nên vị ấy sinh tâm phẫn nộ và bất mãn.

     -  Một tỷ kheo mong được vị Đạo sư chú ý hỏi mình nhiều lần trong khi thuyết pháp, không hỏi các tỷ kheo khác nhưng sự việc không diễn ra như ý muốn nên vị ấy sinh tâm phẫn nộ và bất mãn.

     - Một tỷ kheo mong muốn các tỷ kheo khác nhường cho mình đi trước trong khi đi khất thực nhưng sự việc không như vậy nên vị ấy sinh tâm phẫn nộ và bất mãn.

     - Một tỷ kheo mong muốn được mời chỗ ngồi và được mời các món ăn thức uống tốt nhất tại chỗ cúng dường nhưng không được như ý nên vị ấy sinh tâm phẫn nộ và bất mãn.

     - Một tỷ kheo mong muốn mình sẽ là người thuyết hoan hỷ pháp sau buổi lễ cúng dường nhưng sự việc không như ý muốn nên vị ấy sinh tâm phẫn nộ và bất mãn.

     - Một tỷ kheo mong muốn mình sẽ là người thuyết pháp cho các tỷ kheo tại tinh xá chớ không phải vị tỷ kheo khác nhưng sự việc không diễn ra như ý muốn nên vị ấy sinh tâm phẫn nộ và bất mãn.

     - Cũng vậy, tỷ kheo ấy mong muốn mình sẽ là người thuyết pháp cho các tỷ kheo ni... các nam cư sĩ... các nữ cư sĩ tại tinh xá nhưng sự việc không được như ý muốn nên vị ấy sinh tâm phẫn nộ và bất mãn.

     - Một tỷ kheo mong muốn các tỷ kheo khác tôn trọng, cung kính, cúng dường, mình, không tôn trọng, cung kính, cúng dường người khác nhưng sự việc không như vậy nên vị ấy sinh tâm phẫn nộ và bất mãn.

     - Cũng vậy, tỷ kheo ấy mong muốn các tỷ kheo ni... các nam cư sĩ... các nữ cư sĩ tôn trọng, cung kính, cúng dường mình, không tôn trọng, cung kính, cúng dường người khác nhưng sự việc không diễn ra như vậy nên vị ấy sinh tâm phẫn nộ và bất mãn.

     - Một tỷ kheo mong nhận được y phục tối thắng hơn các tỷ kheo khác nhưng không được như ý muốn nên vị ấy sinh tâm phẫn nộ và bất mãn.

     - Cũng vậy, tỷ kheo ấy mong nhận được các đồ ăn khất thực... dược phẩm trị bệnh... sàng tọa tốt hơn các tỷ kheo khác nhưng không được như ý muốn nên vị ấy sinh tâm phẫn nộ và bất mãn.

     Trong phần tổng kết, Tôn giả Xá Lợi Phất nói rằng nếu vị tỷ kheo nào mà các ác (pàpakà), bất thiện pháp (akusalà), tham dục (icchàvacarà) được thấy nghe là chưa được đoạn trừ thì dù cho vị ấy có sống các trong rừng núi xa vắng, sống hạnh khất thực từng nhà một, mang phấn tảo y, vị ấy cũng không được các tỷ kheo đồng phạm hạnh (bạn đồng tu) tôn trọng, cung kính, cúng dường. Trái lại, nếu vị nào mà những điều trên được thấy nghe là đã diệt trừ thì dù vị ấy có sống gần làng mạc, chấp nhận biệt thỉnh thực, mang y phục do gia chủ cúng, vị ấy vẫn được các tỷ kheo đồng phạm hạnh tôn trọng, cung kính, cúng dường.

     Bài kinh kết thúc với lời nhận xét của Tôn giả Đại Mục Kiền Liên (Mahàmoggallàna) về bài pháp do Tôn giả Xá Lợi Phất thuyết giảng. Tôn giả cho rằng bài pháp đã đánh trúng tâm lý những ai xuất gia không vì lòng tin, chỉ vì mục đích sinh sống, sống gian trá, xảo trá, khi cuống, trạo cử, kiêu mạn, dao động, lắm lời, tạp thoại, không phòng hộ các căn, không tiết độ trong ăn uống, không chú tâm cảnh giác, không tha thiết với hạnh sa môn, không tinh chuyên trong tu tập, ưa sống sung túc, biếng nhác, dẫn đầu về đọa lạc, chối bỏ trách nhiệm sống viễn ly, giải đãi, không tinh tấn, không chánh niệm, không định tâm, tán loạn, liệt tuệ, ngu si dần độn. Mặt khác, bài pháp khiến cho hoan hỷ những ai xuất gia do lòng tin, không gian trá, không xảo trá... không bỏ rơi trách nhiệm sống viễn ly, tinh cần, tinh tấn, nỗ lực, chánh niệm, định tâm, không tán loạn, có trí tuệ, không si mê đần độn. Nhận xét này của Tôn giả Mahàmoggallàna vừa phản ánh khả năng và trách nhiệm giáo dục Tăng chúng của ngài Xá Lợi Phất vừa nói lên một thực tế rằng trong bất kỳ tổ chức nào, tăng hay tục, cái xấu luôn luôn có mặt bên cạnh cái tốt. Vấn đề là nhận ra và tỏ rõ trách nhiệm giáo dục.

     6. Kinh Ước nguyện (Àkankheyya Sutta):

     Bài kinh do đức Thế Tôn thuyết giảng cho các tỷ kheo ở Jetavana, nhấn mạnh vai trò giới đức hay kỷ luật tâm linh của nếp sống xuất gia. Bài kinh nhấn mạnh tầm quan trọng của giới đức hay giới luật của người xuất và dùng chữ àkankheyya làm tiêu đề với dụng ý rất hay. Bài kinh không dùng danh từ àkankhana (sự ước nguyện hay lòng mong muốn) mà dùng động từ àkankhati (mong muốn, ước nguyện) ở dạng khả năng cách (sattamì) năng động thể (kattukàraka) để làm tiêu đề. Động từ àkankhati ở dạng này thì biến thành àkankheyya và đi cùng với chữ “ce” hay “sace” (nếu) đứng ở đầu câu thì ngụ ý một mệnh đề giả định: “Nếu (ai đó) ước nguyện hay mong ước...” Chẳng hạn ta có câu văn trong bài kinh: Àkankheyya ce bhikkhave bhikkhu... “Này các tỷ kheo, nếu vị tỷ kheo có ước nguyện...” Có lẽ vì muốn cho tiêu đề bài kinh được rõ ràng mà tỷ kheo Nànamoli và tỷ kheo Bodhi đã dùng câu văn trên để dịch tiêu đề bài kinh. Tiêu đề bản dịch tiếng Anh của hai vị là “If a Bhikkhu should wish.”

      Nội dung bài kinh nêu một loạt các mong ước giả định về lợi ích và tiến bộ tâm linh và cho rằng chỉ có nếp sống đầy đủ giới hạnh, tuân giữ giới luật trọn vẹn mới khiến các mong ước (giả định) ấy đi đến hiện thực. Nói khác đi, giới đức hay kỷ luật tâm linh là tuyệt đối căn bản cho sự tiến bộ tâm linh, hướng đến giải thoát; có giới đức tức là có tiến bộ, dù người ta có mong ước tiến bộ hay không. Bài kinh dùng các mệnh đề giả định nhưng để khẳng định một vấn đề quan trọng: có làm tức có kết quả. Quan điểm này được đức Phật xác chứng và làm sáng tỏ bởi ẩn dụ của ngài về con gà mái ấp trứng (được tìm thấy vài nơi trong các tuyển tập Nikàya): Một con gà mái ấp mười hay muời hai quả trứng. Nó không nghĩ: “Mong rằng những con gà con của ta, sau khi đâm thủng vỏ trứng với móng chân hay với mỏ của chúng, có thể thoát ra một cách yên ổn.” Nó chỉ làm mỗi công việc là khéo ấp các quả trứng ấy và đến thời thì các con gà con của nó tự phá vở vỏ trứng mà ra.(32) Sau đây là các mong ước giả định được nêu trong bài kinh và được xem là có kết quả thiết thực nhờ công phu trì giới và hành thiền:

     - Nếu vị tỷ kheo mong muốn được các vị đồng phạm hạnh thương mến, yêu quý, cung kính và tôn trọng, vị ấy phải thành tựu viên mãn giới luật, kiên trì, nột tâm tịch tỉnh, không gián đoạn thiền định (jhàna), thành tựu quán hạnh (vipassanà), thích sống tại các trú xứ không tịnh (sunnàgàra). 

     - Nếu vị ấy mong muốn nhận được tứ sự cúng dường, vị ấy phải thành tựu viên mãn giới luật, ...

     - Nếu vị ấy mong muốn những người dâng cúng tứ sự cúng dường cho mình được quả báo lớn, lợi ích lớn, vị ấy phải thành tựu viên mãn giới luật, ...

     - Nếu vị ấy mong muốn các bà con của mình nghĩ đến mình khi mệnh chung nhờ vậy được quả báo lớn, lợi ích lớn, vị ấy phải thành tựu viên mãn giới luật, ...

     - Nếu vị ấy mong muốn mình nhiếp phục lạc và bất lạc chứ không phải lạc và bất lạc chi phối mình, vị ấy phải thành tựu viên mãn giới luật, ...

     - Nếu vị ấy mong muốn mình nhiếp phục khiếp đảm và sợ hãi chứ không phải khiếp đảm và sợ hãi chi phối mình, vị ấy phải thành tựu viên mãn giới luật, ...

     - Nếu vị ấy mong muốn dễ dàng chứng và trú tứ thiền sắc giới (catu-rùpajjhànà), nghĩa là thiền thứ nhất, thiền thứ hai, thiền thứ ba, thiền thứ tư, vị ấy phải thành tựu viên mãn giới luật, ...

     - Nếu vị ấy mong muốn dễ dàng chứng và trú tứ thiền vô sắc giới (catu-arùpajjhànà), tức là Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ, vị ấy phải thành tựu viên mãn giới luật, ...

     - Nếu vị ấy mong muốn diệt trừ ba kiết sử (thân kiến, nghi, giới cấm thủ) hay chứng quả Dự lưu, vị ấy phải thành tựu viên mãn giới luật, ...

     - Nếu vị ấy mong muốn diệt trừ ba kiết sử (thân kiến, nghi, giới cấn thủ) và làm muội lược tham, sân, si hay chứng quả Nhất lai, vị ấy phải thành tựu viên mãn giới luật, ...

     - Nếu vị ấy mong muốn diệt trừ năm hạ phần kiết sử (thân kiến, nghi, giới cấm thủ, tham, sân) hay chứng quả Bất lai, vị ấy phải thành tựu viên mãn giới luật, ...

     - Nếu vị ấy mong muốn chứng được các loại thần thông (iddhividham), vị ấy phải thành tựu viên mãn giới luật, ...

     - Nếu vị ấy mong muốn chứng được thiên nhĩ thông (dibbasotam), vị ấy phải thành tựu viên mãn giới luật, ...

     - Nếu vị ấy mong muốn chứng được tha tâm thông (ceto-pariyanànam), vị ấy phải thành tựu viên mãn giới luật, ...

     - Nếu vị ấy mong muốn chứng được túc mạng minh (pubbe-nivàsànussati-nànam), vị ấy phải thành tựu viên mãn giới luật, ...

     - Nếu vị ấy mong muốn chứng được thiên nhãn minh (dibbacakkhu-nànam), vị ấy phải thành tựu viên mãn giới luật, ...

     - Nếu vị ấy mong muốn chứng được lậu tận minh (àsavànam khaya-nànam), hướng đến tâm giải thoát (cetovimutti) và tuệ giải thoát (pannàvimutti), vị ấy phải thành tựu viên mãn giới luật, kiên trì, nội tâm tịch tỉnh, không gián đoạn thiền định, thành tựu quán hạnh, thích sống tại các trú xứ không tịnh.

     Cuối bài kinh, đức Phật nhắc lại lời khuyên của ngài về giới đức: “Này các tỷ kheo, hãy sống đầy đủ giới hạnh (sampannasìla), đầy đủ giới bổn (sampannapàtimokkha), sống phòng hộ với sự phòng hộ giới bổn Pàtimokkha, đầy đủ uy nghi chánh hạnh, thấy sự nguy hiểm trong các lỗi nhỏ nhặt, chơn chánh lãnh thọ và tu học các học giới (samàdàya sikkhatha sikkhàpadesùti)”

     7. Kinh Ví dụ tấm vải (Vatthùpama Sutta):

      Bài kinh do đức Thế Tôn thuyết giảng cho các tỷ kheo tại Jetavana, có nội dung tương tự như kinh Anangana, nhấn mạnh về các cấu uế (angana) hay những thứ làm cho tâm ô nhiễm. Bài kinh dùng ví dụ tấm vải (vatthùpama) minh hoạ cho sự cấu uế và thanh tịnh của tâm và xác nhận cõi ác (duggati) chờ đợi một tâm tư cấu uế (aparisuddha-citta), trong khi cõi lành (sugati) chào đón một tâm tư trong sạch (parisuddha-citta). Tâm được ví như tấm vải, rất dễ ăn màu nhuộm; nếu cấu bẩn mà đem nhuộm thì màu nhuộm sẽ không tốt đẹp, không sạch sẽ; nếu trong sạch thì màu nhuộm sẽ tưới sáng, tốt đẹp. Bài kinh nêu một loạt các tâm lý và biểu hiện tiêu cực được xem là các cấu uế của tâm và nói đến sự nỗ lực đoạn trừ chúng nhờ hiểu rõ chúng là cấu uế:

      Tham dục và tà tham,(33) (abhijjhàvisamalobho), sân (byàpàdo), phẫn (kodho), hận (upanàho), phú (makkho),(34)  não hại (palàso), tật đố (issà), xam tham (macchayriyam), man trá (màyà), khi cuống (sàtheyyam), ngoan cố (thambho), cấp tháo (sàrambho), mạn (màno), quá mạn (atimàno), kiêu (mado), phóng dật (pamàdo).

     Đức Phật cho rằng vị tỷ kheo nào diệt trừ được các cấu uế của tâm như được nói trên, vị ấy thành tựu lòng tin tuyệt đối đối với Phật, Pháp, Tăng. Vị ấy nhờ sự diệt trừ, từ bỏ, đoạn trừ, xả ly, giải thoát các cấu uế, có lòng tin đối với Phật, Pháp, Tăng nên chứng được nghĩa tín thọ (atthavedam) và pháp tín thọ (dhammavedam), đạt được sự hân hoan liên hệ đến pháp. Do hân hoan nên hỷ sanh, do hỷ sanh nên thân được khinh an, do thân khinh an nên cảm giác được lạc thọ, do lạc thọ nên tâm được định tĩnh. Rồi vị ấy an trú, biến mãn cùng khắp với tâm từ, tâm bi, tâm hỷ, tâm xả. Vị ấy biết rõ có cái này,(35) có cái hạ liệt,(36) có cái cao thượng,(37) có sự giải thoát vượt qua các tưởng. Do biết và thấy như vậy, tâm vị ấy thoát khỏi dục lậu (kàmàsava), hữu lậu (bhavàsava), vô minh lậu (avijjàsava). Đối với tự thân đã giải thoát, vị ấy biết rõ: “Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm, không còn trở lui trạng thái (sanh tử) này nữa.” Đến đây, vị ấy được gọi là đã tắm rửa với sự tắm rửa nội tâm (antarena sinànena).

      Cuộc đối thoại giữa đức Phật và Bà la môn Sundarikabhàradvàja ở phần cuối bài kinh cho thấy sự khác biệt căn bản giữa quan điểm của đức Phật vaW chủ trương của các Bà la môn đương thời về phương pháp giải thoát. Đức Phật chủ trương sự giải thoát thông qua sự đoạn trừ các cấu uế nội tâm, trong khi các Bà la môn đi tìm sự giải thoát nhờ các phương tiện bên ngoài. Bà la môn Sundarikabhàradvàja hỏi đức Phật có thường đến tắm ở sông Bàhukà hay không, bởi con sông này được xem là có khả năng gội sạch các ác nghiệp, đem lại nhiều công đức, giúp cho con người được giải thoát. Đức Phật đáp câu hỏi của Bà la môn Sundarikabhàradvàja bằng một bài kệ nêu rõ các con sông mà nhiều người thường lui tới để tắm rửa với hy vọng sẽ tẩy sạch tội lỗi là hoàn toàn vô ích bởi chúng không thể rửa sạch các ác nghiệp. Chỉ có sự nỗ lực không làm điều ác, thành tựu các hạnh lành mới giúp con người rửa sạch các tội lỗi:

                   Trong sông Bàhukà

                   Tại Adhikakkà,

                   Tại cả sông Gayà

                   Và Sundarikà,

                   Tại Sarassatì

                   Và tại Payàna,

                   Tại Bàhumatì,

                   Kẻ ngu dầu thường tắm,

                   Ác nghiệp không rửa sạch.

                   Sông Sundarikà

                   Có thể làm được gì?

                   Payàga làm gì?

                   Cả sông Bàhukà?

                   Không thể rửa nghiệp đen

                   Của kẻ ác gây tội.

                   Đối kẻ sống thanh tịnh,

                   Ngày nào cũng ngày tốt,

                   Với kẻ sống thanh tịnh,

                   Ngày nào cũng ngày lành,

                   Các tịnh nghiệp thanh tịnh,

                   Luôn thành tựu (thiện) hạnh.

                   Này vị Bà-la-môn,

                   Chỉ nên tắm ở đây,

                   Khiến mọi loài chúng sanh,

                   Được sống trong an ổn.

                   Nếu không nói dối trá,

                   Nếu không hại chúng sanh,

                   Không lấy của không cho,

                   Có lòng tín, không tham,

                   Đi Gayà làm gì,

                   Gayà một giếng nước?

     Thông tin cuối bài kinh cho hay sau cuộc nói chuyện với Thế Tôn, Bà la môn Sundarikabhàradvàja xin xuất gia tu học và sau đó chứng quả A la hán.

     8. Kinh Đoạn giảm (Sallekha Sutta):

     Bài kinh do đức Thế Tôn thuyết giảng cho Tôn giả Mahàcunda tại Jetavana, nhấn mạnh một số phương pháp thực hành khiến thiện pháp tăng trưởng, ác pháp suy giảm. Tôn giả Mahàcunda đến thỉnh vấn Thế Tôn về phương pháp diệt trừ các sở kiến (ditthi) liên hệ đến ngã luận (attavàda) và thế giới luận (lokavàda). Thế Tôn dạy phàm có sở kiến nào khởi lên hoặc liên hệ đến ngã luận hoặc liên hệ đến thế giới luận, vị tỷ kheo cần như thật quán sát sở kiến ấy: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi;” có như vậy thời những sở kiến ấy đi đến đoạn diệt. Bài kinh nêu ra 44 cặp các pháp thiện ác đối nghịch và năm pháp môn thực hành khiến thiện pháp tăng trưởng, ác pháp đoạn giảm. 44 cặp các pháp đối nghịch gồm:

     (1) Làm hại và (2) không làm hại;

     (3) Sát sanh và (4) không sát sanh;

     (5) Lấy của không cho và (6) từ bỏ lấy của không cho;

     (7) Tà hạnh trong các dục và (8) từ bỏ tà hạnh trong các dục;

     (9) Nói láo và (10) từ bỏ nói láo;

     (11) Nói lời hai lưỡi và (12) từ bỏ nói lời hai lưỡi;

     (13) Nói lời độc ác và (14) từ bỏ nói lời độc ác;

     (15) Nói lời phù phiếm và (16) từ bỏ nói lời phù phiếm;

     (17) Tham dục và (18) từ bỏ tham dục;

     (19) Sân hận và (20) từ bỏ sân hận;

     (21) Tà kiến và (22) chánh kiến;

      (23) Tà tư duy và (24) chánh tư duy;

     (25) Tà ngữ và (26) chánh ngữ;

     (27) Tà nghiệp và (28) chánh nghiệp;

     (29) Tà mạng và (30) chánh mạng;

     (31) Tà tinh tấn và (32) chánh tinh tấn;

     (33) Tà niệm và (34) chánh niệm;

     (35) Tà định và (36) chánh định;

      (37) Tà trí và (38) chánh trí;

     (39) Tà giải thoát và (40) chánh giải thoái;

     (41) Hôn trầm thụy miên và (42) không hôn trầm thụy miên;

     (43) Trạo hối và (44) không trạo hối;

     (45) Nghi ngờ và (46) không nghi ngờ;

      (47) Phẩn nộ và (48) không phẩn nộ;

     (49) Oán hận và (50) không oán hận;

     (51) Hư ngụy và (52) không hư ngụy;

     (53) Não hại và (54) không não hại;

     (55) Tật đố và (56) không tật đố;

     (57) Xan tham và (58) không xan tham;

     (59) Khi cuống và (60) không khi cuốn;

     (61) Man trá và (62) không man trá;

     (63) Ngoan mê và (64) không ngoan mê;

     (65) Quá mạn và (66) không quá man;

      (67) Khó nói và (68) dễ nói;

     (69) Ác hữu và (70) thiện hữu;

      (71) Phóng dật và (72) không phóng dật;

      (73) Bất tín và (74) có tín tâm;

      (75) Vô tàm và (76) có tàm;

     (77) Vô quý và (78) có quý;

     (79) Ít nghe và (80) nghe nhiều;

     (81) Biếng nhác và (82) siêng năng;

     (83) Thất niệm và (84) có chánh niệm;

     (85) Liệt tuệ và (86) có trí tuệ;

     (87) Tâm nhiễm thế tục, cố chấp tư kiến, tánh khó hành xả và (88) tâm không nhiễm thế tục, không cố chấp tư kiến, tánh dễ hành xả.

     Năm pháp môn: Pháp môn đoạn giảm, pháp môn khởi tâm, pháp môn đối trị, pháp môn hướng thượng, pháp môn giải thoát hoàn toàn.

     - Pháp môn đoạn giảm (Sallekhapariyàya): Đức Phật dạy tứ thiền sắc giới (sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền) không phải là pháp đoạn giảm mà được gọi là hiện tại lạc trú (ditthadhammasukhavihàra) và tứ thiền vô sắc giới (không vô biên xứ, thức vô biên xứ, vô sở hữu xứ, phi tưởng phi phi tưởng xứ) cũng không phải là pháp đoạn giảm mà được gọi là tịch tịnh trú (santàvihàra) trong giới luật bậc thánh. Pháp môn đoạn giảm được thực hiện bằng cách quyết tâm bỏ ác làm lành: “Người khác có thể làm hại, nhưng chúng ta sẽ không làm hại; người khác có thể sát sanh, nhưng chúng ta sẽ từ bỏ sát sanh.” Một người quyết tâm bỏ ác làm lành như thế thì gọi là người theo đuổi pháp môn đoạn giảm. (Các pháp còn lại được áp dụng theo cách trên)

     -  Pháp môn khởi tâm (Cittùppàdapariyàya): Đức Phật dạy sự khởi tâm rất có lợi cho việc nuôi dưỡng các thiện pháp (kusaladhamma), huống nữa thân hành và khẩu hành được tu tập phù hợp với tâm ý ấy. Pháp môn khởi tâm được ứng dụng bằng cách khởi nghĩ như sau: “Người khác có thể làm hại, nhưng chúng ta sẽ không làm hại; người khác có thể sát sanh, nhưng chúng ta sẽ từ bỏ sát sanh.” Một người khởi tâm không làm ác và nuôi dưỡng điều lành như thế thì được gọi là thực hành pháp môn khởi tâm. (Các pháp còn lại được vận dụng theo cách tương tự)

     - Pháp môn đối trị (Parikhamanapariyàya): Đức Phật dạy ví như một con đường không bằng phẳng, có con đường bằng phẳng đối trị; một bến nước không bằng phẳng, có bến nước bằng phẳng đối trị. Cũng vậy, đối với người làm hại, có không làm hại đối trị; đối với người sát sanh, có từ bỏ sát sanh đối trị. Đây gọi là pháp môn đối trị, tức là dùng thiện pháp để đối trị hay thay thế ác pháp. (Các pháp còn lại được vận dụng theo cách tương tự)

     - Pháp môn hướng thượng (Uparibhàvapariyàya): Đức Phật dạy các thiện pháp hướng thượng, trong khi các ác pháp hướng hạ. Trong ý nghĩa như vậy, người không làm hại được xem hướng thượng đối với kẻ làm hại; người từ bỏ sát sanh hướng thượng đối với kẻ sát sanh. Đây là ý nghĩa pháp môn hướng thượng. (Các pháp còn lại được hiểu theo cách tương tự)

     - Pháp môn giải thoát hoàn toàn (Parinibbànapariyàya): Đức Phật dạy một người tự mình được nhiếp phục, được huấn luyện, được giải thoát hoàn toàn mới có khả năng giúp người khác thực hiện mục tiêu tương tự. Các thiện pháp có khả năng đưa đến giải thoát hoàn toàn cho người thực hành. Do vậy không làm hại, không sát sanh được xem là pháp môn đưa đến giải thoát hoàn toàn. Đây là ý nghĩa pháp môn giải thoát hoàn toàn. (Các pháp còn lại được hiểu theo nghĩa trên)

     9. Kinh Chánh tri kiến (Sammàditthi Sutta):

     Bài kinh do Tôn giả Sàriputta thuyết giảng cho tỷ kheo tại Jetavana, nêu trỏ một số các định nghĩa căn bản về chánh tri kiến. Bài kinh tập trung nói về sự hiểu biết hay quan điểm đúng đắn (chánh tri kiến=sammàditthi) về các vấn đề sau đây nhờ đó một vị tỷ kheo đạt được chánh tri kiến, có tri kiến chánh trực, có lòng tin pháp tuyệt đối, thành tựu diệu pháp (saddhamma), có khả năng đoạn trừ tham tùy miên (ràgànusaya), sân tùy miên (patighànusaya), ngã kiến mạn tùy miên (attaditthimànànusaya), vô minh tùy miên (avijjànusaya), khiến minh (vijjà) sanh khởi, hướng đến chấm dứt khổ đau:

1. Thiện (kusala) và bất thiện (akusala), cội rễ của thiện (kusalamùla) và cội rễ bất thiện (akusalamùla).

2. Thức ăn (àhàra).

3. Bốn sự thật hay tứ đế (cattàri ariyasaccàni).

4. 12 nhân duyên (nidàna) hay công thức duyên khởi (paticcasamuppàda/hetupaccayavàda).

5. Các lậu hoặc (àsavà).

     - Hiểu biết đúng đắn hay chánh tri kiến về thiện và bất thiện, cội rễ của thiện và bất thiện: Chánh kiến ở đây ngụ ý sự hiểu biết đúng đắn hay tuệ tri (pajànàti) 10 ác nghiệp (sát sanh, lấy của không cho, tà hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói lời độc ác, nói lời phù phiếm, tham dục, sân hận, tà kiến) là bất thiện (akusala), tham (lobha), sân (dosa), si (moha) là cội rễ của bất thiện (akusalamùla); 10 thiện nghiệp (không sát sanh, không lấy của không cho, không tà hạnh trong các dục, không nói láo, không nói hai lưỡi, không nói lời độc ác, không nói lời phù phiếm, không tham, không sân, có chánh kiến) là thiện (kusala), vô tham (alobha), vô sân (adosa), vô si (amoha) là căn bản của thiện (kusalamùla).

     - Hiểu biết đúng đắn hay chánh tri kiến về thức ăn (àhàra): Chánh tri kiến ở đây ngụ ý sự hiểu biết đúng đắn hay tuệ tri (pajànàti) về 4 loại thức ăn (giúp duy trì chúng sinh đã sanh và hổ trợ chúng sinh sẽ sanh), sự tập khởi, sự đoạn diệt và con đương đưa đến sự đoạn diệt của chúng:

+ 4 loại thức ăn: đoàn thực (kabalimkara), xúc thực (phassa), tư niệm thực (manosancetanà), thức thực (vinnàna).

+ Sự tập khởi của thức ăn (àhàrasamudaya): ái tập khởi (tanhàsamudaya).

+ Sự đoạn diệt của thức ăn (àhàranirodha): ái đoạn diệt (tanhànirodha).

+ Con đường đưa đến thức ăn đoạn diệt: Bát thánh đạo (Ariya-atthangikamagga): chánh tri kiến (sammà ditthi), chánh tư duy (sammà sankappa), chánh ngữ (sammà vàcà), chánh nghiệp (sammà kammanta), chánh mạng (sammà àjìva), chánh tinh tấn (sammà vàyàma), chánh niệm (sammà sati), chánh định (sammà samàdhi).

      - Hiểu biết đúng đắn hay chánh tri kiến về 4 sự thật (cattàri ariyasaccàni): Chánh tri kiến ở đây ngụ ý sự nắm bắt ý nghĩa về tứ đế - khổ, tập, diệt đạo:

+ Khổ (dukkha): sanh, già, bệnh, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não, cầu không được, tóm lại, 5 thủ uẩn (panca-upàdànakkhandhà) là khổ.

+ Khổ tập (dukkhasamudàya): chính tham ái (tanhà), hướng đến một đời sống khác, câu hữu với hỷ (nandi) và tham (ràga), tìm cầu hỷ lạc chỗ này chỗ kia, tức là dục ái (kàmatanhà), hữu ái (bhavatanhà), phi hữu ái (vibhavatanhà).

+ Khổ diệt (dukkhanirodha): sự đoạn diệt hoàn toàn, từ bỏ, xả ly, giải thoát, không chấp trước khát ái (tanhà) ấy.

+ Con đường đưa đến khổ diệt (dukkhanirodhagàminì-patipadà): Bát thánh đạo (Ariya-atthangikamagga).

     - Hiểu biết đúng đắn hay chánh tri kiến về 12 chi phần (nidàna) nhân duyên hay lý Duyên khởi (Paticcasamuppàda): Chánh tri kiến ở đây ngụ ý sự hiểu biết đúng đắn hay tuệ tri về 12 chi phần nhân duyên của công thức duyên khởi bắt nguồn từ già chết, sự tập khởi, sự đoạn diệt và con đường đưa đến sự đoạn diệt của chúng:

+ Già-chết (jaràmarana): sự già cả, suy lão, rụng răng, tóc bạc, da nhăn, tuổi thọ hao mòn, các căn bại hoại gọi là già (jarà); sự mệnh chung, từ trần, hủy hoại, tử biệt, hủy diệt các căn gọi là chết (marana). Do sanh (jàti) tập khởi nên già-chết tập khởi. Do sanh đoạn diệt nên già-chết đoan diệt. Bát thánh đạo là con đường đưa đến già-chết đoạn diệt.

+ Sanh (jàti): sự sanh, hiện khởi, xuất hiện, hiện diện, sự hiện hành các uẩn (khandha), tụ đắc các xứ (àyatana). Do hữu (bhava) tập khởi nên sanh tập khởi. Do hữu đoan diệt nên sanh đoạn diệt. Bát thánh đạo là con đường đưa đến sanh đoạn diệt.

+ Hữu (bhava): dục hữu (kàmabhava), sắc hữu (rùpabhava) và vô sắc hữu (arùpabhava). Do thủ (upàdàna) tập khởi nên hữu tập khởi. Do thủ đoạn diệt nên hữu đoạn diệt. Bát thánh đạo là con đường đưa đến hữu đoạn diệt.

+ Thủ (upàdàna): dục thủ (kàmupàdàna), kiến thủ (ditthupàdàna), giới cấm thủ (sìlabbatupàdàna), ngã luận thủ (attavàdupàdàna). Do ái (tanhà) tập khởi nên thủ tập khởi. Do ái đoạn diệt nên thủ đoạn diệt. Bát thánh đạo là con đường đưa đến thủ đoạn diệt.

+ Ái (tanhà): sắc ái (rùpatanhà), thanh ái, (saddatanhà), hương ái (gandhatanhà), vị ái (rasatanhà), xúc ái (photthabbatanhà), pháp ái (dhammatanhà); hay dục ái (kàmatanhà), hữu ái (bhavatanhà), phi hữu ái (vibhavatanhà). Do thọ (vedanà) tập khởi nên ái tập khởi. Do thọ đoạn diệt nên ái đoạn diệt. Bát thánh đạo là con đường đưa đến ái đoạn diệt.

+ Thọ (vedanà): thọ do nhãn xúc sanh (cakkusamphassajà vedanà), thọ do nhĩ xúc sanh (sotasamphassajà vedanà), thọ do tỷ xúc sanh (ghànasamphassajà vedanà), thọ do thân xúc sanh (kàyasamphassajà vedanà), thọ do thiệt xúc sanh (jivhàsamphassajà vedanà), thọ do ý xúc sanh (manosamphassajà vedanà). Do xúc (phassa) tập khởi nên thọ tập khởi. Do xúc đoạn diệt nên thọ đoạn diệt. Bát thánh đạo là con đường đưa đến thọ đoạn diệt.

+ Xúc (phassa): nhãn xúc (cakkhusamphassa), nhĩ xúc, (sotasamphassa), tỷ xúc (ghànasamphassa), thiệt xúc (jivhàsamphassa), thân xúc (kàyasamphassa), ý xúc (manosamphassa). Do lục nhập (salàyatana) tập khởi nên xúc tập khởi. Do lục nhập đoạn diệt nên xúc đoạn diệt. Bát thánh đạo là con đường đưa đến xúc đoạn diệt.

+ Lục nhập (salàyatana): nhãn nhập (cakkhàyatana), nhĩ (sotàyatana), tỷ (ghànayatana), thiệt (jivhàyatana), thân (kàyàyatana), ý nhập (manàyatana). Do danh-sắc (nàma-rùpa) tập khởi nên lục nhập tập khởi. Do danh-sắc đoạn diệt nên lục nhập đoạn diệt. Bát thánh đạo là con đường đưa đến lục nhập đoạn diệt.

+ Danh-sắc (nàma-rùpa): thọ (vedanà), tưởng (sannà), tư (cetanà), xúc (phassa), tác ý (manasikàra) gọi là danh (nàma); bốn đại chủng (đất-pathavì, nước-apa, lửa-teja, gió-vàyu) và sắc do bốn đại chủng tạo thành gọi là sắc (rùpa). Do thức (vinnàna) tập khởi nên danh-sắc tập khởi. Do thức đoạn diệt nên danh-sắc đoạn diệt. Bát thánh đạo là con đường đưa đến danh-sắc đoạn diệt.

+ Thức (vinnàna): nhãn thức (cakkhuvinnàna), nhĩ thức (sotavinnàna), tỷ thức (ghànavinnàna), thiệt thức (jivhàvinnàna), thân thức (kàyavinnàna), ý thức (manovinnàna). Do hành (sankhàra) tập khởi nên thức tập khởi. Do hành đoạn diệt nên thức đoạn diệt. Bát thánh đạo là con đường đưa đến thức đoạn diệt.

+ Hành (sankhàra): thân hành (kàyasankhàra), khẩu hành (vacìsankhàra), ý hành (cittasankhàra). Do vô minh (avijjà) tập khởi nên hành tập khởi. Do vô minh đoạn diệt nên hành đoạn diệt. Bát thánh đạo là con đường đưa đến hành đoạn diệt.

+ Vô minh (avijjà): không biết về khổ (dukkha), khổ tập (dukkhasamudaya), khổ diệt (dukkhanirodha), con đường đưa đến khổ diệt (dukkhanirodhagàminì-magga). Do lậu hoặc (àsava) tập khởi nên vô minh tập khởi. Do lậu hoặc đoạn diệt nên vô minh đoạn diệt. Bát thánh đạo là con đường đưa đến vô minh đoạn diệt.

     - Hiểu biết đúng đắn hay chánh tri kiến về các lậu hoặc (àsava): Chánh tri kiến ở đây ngụ ý sự hiểu biết đúng đắn hay tuệ tri về ba lậu hoặc, sự tập khởi, sự đoạn diệt và con đường đưa đến sự đoạn diệt của chúng:

+ Ba lậu hoặc: dục lậu (kàmàsava), hữu lậu (bhavàsava), vô minh lậu (avijjàsava).

+ Do vô minh tập khởi (avijjàsamudaya) nên lậu hoặc tập khởi (àsavasamudaya).

+ Do vô minh đoạn diệt (avijjànirodha) nên lậu hoặc đoạn diệt (àsavanirodha).

+ Bát thánh đạo (Ariya-atthangikamagga) là con đường đưa đến các lậu hoặc đoạn diệt.

     10. Kinh Niệm xứ (Satipatthàna Sutta):

      (Kinh này có nội dung và bố cục tương tự bài kinh Đại Niệm xứ, số 22, đã đề cập ở Trường bộ). 

 

 


(1). Mùlapariyàya, pháp môn căn bản hay cương yếu, do kết hợp 2 từ mùla (gốc hay căn bản) và pariyàya (pháp môn hay cương yếu).            

(2). Xem B. C. Law, Geography of early Buddhism, tr. 5, Nhà xuất bản Munshiram Manoharlal, Delhi, 1979.                

(3). Bhùta – cái đã sinh thành, hiện hữu. (Xem thêm phần giải thích về bhùta ở Tương Ưng II, phẩm Kalara và trong bài kinh Mahàtanhàsankhàya, Trung Bộ)            

(4). Deva, ở đây ngụ ý sáu hạng chư thiên thuộc cõi trời dục giới (kàmaloka), gồm: Tứ Thiên Vương (Càtumahàràjika), Tam Thập Tam (Tàvatimsa), Dạ Ma (Yàma), Đâu Suất Đà (Tusita), Hóa Lạc (Nimmàna-rati), Tha Hóa Tự Tại (Paranimmita-vasavatti).              

(5). Pajàpati, thường chỉ cho vị Tạo hóa, Thượng đế hay chủ thể sáng tạo.        

(6). Các cảnh giới Phạm thiên (Brahmà), Quang Âm thiên (Àbhassara), Biến Tịnh thiên (Subhakinna), Quảng Quả thiên (Vehapphala) thuộc sắc giới (rùpaloka). (Xem Nyanatiloka, Buddhist Dictionary, tr. 54, Buddhist Publication Society, Sri Lanka, 1980)       

(7). Abhibhù, chỉ cho một loại chúng sanh sống ở cảnh giới không có tưởng.   

(8). Các cảnh thiền Không vô biên (Àkàsànancàyatanùpaga), Thức vô biên (Vinnànancàyatanùpaga), Vô sở hữu (Àkincannàyatanùpaga) và Phi tưởng phi phi tưởng (Nevasannà-nàsannàyatanùpaga) thuộc vô sắc giới (arùpaloka).    

(9). Sở kiến, sở văn, sở tư niệm, sở tri ngụ ý hoạt động của 6 căn trong đó sở kiến (dittha) tiêu biểu cho hoạt động của mắt, sở văn (suta), hoạt động của tai, sở tư niệm (muta), hoạt động của mũi, lưỡi và thân, sở tri (vinnàta), hoạt động của ý.             

(10). Ekatta, một trong số các quan điểm siêu hình thịnh hành đương thời. (Xem thêm Tương Ưng II, phẩm Gia chủ (Gahapati), kinh số 7, 8).                

(11). Nànatta, (xem như trên).           

(12). Sabba, (xem như trên).              

(13). Nibbàna, sự dập tắt tham, sân, si, nhưng ở đây ngụ ý sự thỏa mãn năm dục lạc – sắc đẹp, tiếng hay, hương thơm, vị ngon, xúc êm dịu, bởi theo quan điểm của những người theo trường phái Thuận thế (Lokàyata) hay Duy vật, chủ trương lý thuyết đoạn diệt (ucchedavàda), thì con người và hết thảy mọi thứ đều bị hủy diệt, do đó con người cần tận hưởng tối đa các ham muốn dục lạc bao lâu còn sống; khi con người tận hưởng đầy đủ các khoái lạc cuộc đời bấy giờ vị ấy đạt đến trạng thái Niết bàn hay còn gọi là hiện tại Niết bàn lạc. (Xem thêm quan niệm “Hiện tại Niết bàn lạc” được đề cập khá chi tiết trong bài kinh Brahmajàla, Trường Bộ)           

(14). Chỉ những người không học tập và thực hành lời dạy của đức Phật; ngược lại với kẻ vô văn phàm phu (puthujjana) là vị đa văn thánh đệ tử (ariyasàvaka), tức đệ tử Phật hay đệ tử của các đệ tử Phật gọi chung là Phật tử.    

(15). Đây chỉ cho các tỷ kheo từ địa vị tân học tỷ kheo đến hạng tỷ kheo chứng quả Bất lai (Anàgàmì) được gọi chung là tỷ kheo hữu học bởi họ còn phải nỗ lực học hỏi và tu tập để thành tựu quả vị giải thoát cuối cùng là A la hán (Arahanta)               

(16). Vị tỷ kheo đã thành tựu quả vị A la hán, đã hoàn tất việc tu học, chấm dứt sanh tử, do đó còn được gọi là bậc vô học (asekha).             

(17). Chỉ cho đức Phật, Bích Chi Phật (Paccekabuddha) và các đệ tử Phật.        

(18). Ngụ ý các vị Bích Chi và đệ tử Phật.          

(19). 5 Hiểu biết do tưởng tượng hay suy luận suông. Phật giáo nói đến nhiều cấp độ hiểu biết khác nhau, ví dụ, sanjànàti (tưởng tri), hiểu biết do trí tưởng tượng, vijànàti (thức tri), hiểu biết qua 6 căn, abhijànàti (thắng tri), hiểu biết nhờ kinh nghiệm thiền định, pajànàti (tuệ tri), hiểu biết nhờ trí tuệ, parijànàti (liễu tri), hiểu biết rốt ráo về bản chất của các pháp hay thấy biết các pháp đúng như thật (yathàbhùtam pajànàti).              

(20). Chưa thành tựu tâm giải thoát và tuệ giải thoát hay thánh quả A la hán.     

(21). Ngụ ý sự chứng đắc Niết bàn vì Niết bàn có nghĩa chấm dứt mọi khổ đau.                

(22). Hiểu biết nhờ kinh nghiệm thiền định, thấy các pháp là vô thường (anicca), khổ (dukkha) và vô ngã (anattà).         

(23). A la hán (Arahanta) hay bậc vô học (asekha) được xem là đã thành tựu 10 thánh đạo, tức 8 thánh đạo (chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định) cộng thêm chánh trí (sammà-nàna) và chánh giải thoát (sammà-vimutti), trong khi vị hữu học (sekha) chỉ thành tựu 8 thánh đạo. (Xem phần định nghĩa về đạo lộ của vị hữu học và bậc vô học trong bài kinh Mahàcattàrìsaka, Trung Bộ)                

(24). Ngụ ý tham ái (tanhà) hay chấp thủ (upàdàna), một trong các chi phần của công thức duyên khởi khiến toàn bộ hệ thống duyên khởi vận hành dẫn đến khổ đau sanh khởi.        

(25). Sabba+àsava, ở đây ngụ ý dục lậu (kàmàsava), hữu lậu (bhavàsava) và vô minh lậu (avijjàsava), tức các bất thiện pháp (akusala-dhammà) hay các pháp chướng ngại (antaràyikà-dhammà) đối vớ sự giác ngộ. 

(26). Xem (chấp thủ) 5 uẩn là tự ngã hay tự ngã là 5 uẩn, xem 5 uẩn là trong tự ngã hay tự ngã như là trong 5 uẩn. (Xem định nghĩa chi tiết ở bài kinh Mahàpunnama, Trung Bộ)   

(27). Nghi ngờ về Phật, Pháp, Tăng, về sự tu tập, về các pháp quá khứ và tương lai, về lý duyên khởi, ngụ ý một trạng thái không quyết chắc về các pháp thiện, bất thiện, nên tu tập hay không nên tu tập, có giá trị hay không có giá trị.  

(28). Ở đây ngụ ý sự thành tựu quả vị Dự lưu hay Thất lai (Sotàpanna), bởi theo truyền thống Phật giáo Thượng tọa bộ (Theravàda), khi một người đoạn trừ ba kiết sử đầu trong số năm hạ phần kiết sử (thân kiến, nghi, giới cấm thủ, tham dục, sân hận) thì vị ấy được xem là người chứng quả Dự lưu, còn tái sanh qua lại trong cõi trời và cõi người tối đa bảy lần trước khi chấm dứt mọi khổ đau. Cũng theo truyền thống này, khi một người đoạn trừ thân kiến, nghi, giới cấm thủ và làm cho muội lược tham, sân, si hay vô minh bấy giờ vị ấy thành tựu quả vị Nhất lai (Sakadàgàmì), tức còn sanh lại cõi đời này thêm một lần nhữa trước khi chấm dứt sanh tử khổ đau một cách hoàn toàn. Một vị đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, tức thân kiến, nghi, giới cấm thủ, tham dục, sân hận, thì thành tựu quả vị Bất lai (Anàgàmì); vị ấy sau khi chết được tái sanh trong cõi Tịnh cư thiên (Suddhavàsa) thuộc sắc giới thiên (rùpaloka) và tại đó nhập Niết bàn hay đoạn tận mọi phiền não khổ đau, không còn trở lại đời này hay bất kỳ cảnh giới sanh tử nào nhữa nên gọi là bất lai. Một người đoạn sạch hết 10 kiết sử, tức năm hạ phần kiết sử gồm thân kiến (sakkàyaditthi), nghi (vicikicchà), giới cấm thủ (sìlabbataparàmàsa), tham dục (kàmaràga), sân hận (patigha/byàpàda) và năm thượng phần kiết sử, sắc ái (rùpatanhà), vô sắc ái (arùpatanhà), mạn (màna), trạo cữ (uddhacca), vô minh (avijjà), thì thành tựu quả vị A la hán (Arahanta). 

(29). Sammà mànàbhisamaya =sammà màna+abhisamaya, hiểu rõ hay thấy rõ kiêu mạn. Kiêu mạn (mànà) ở đây chỉ cho kiết sử thứ tám trong số 10 kiết sử trói buộc con người vào vòng sinh tử khổ đau.         

(30). Chỉ cho năm triền cái: tham dục, sân, hôn trầm thụy miên, trạo hối, nghi.         

(31). Nếp sống viễn ly tham ái được xem là một trách nhiệm nặng nề mà người xuất gia không bao giờ được xao lãng hay bỏ quên.                

(32). Xem Kinh Tâm hoang vu, Trung bộ.         

(33). Tham dục (abhijjhà) là tham đắm sở hữu của mình. Tà tham (visamlobho) là tham đắm sở hữu của người khác.     

(34). Coi thường giá trị của người khác.             

(35). Chỉ cho quả vị A la hán.            

(36). Khổ và khổ tập.        

(37). Chỉ cho những phương pháp diệt trừ khổ. 

 
00:00