Thọ Giới Đã Khó Giữ Giới Càng Khó Hơn

    Nghe nói, chùa Đại Tiên ở Gia Nghĩa, không bao lâu nữa sẽ có tổ chức giới đàn truyền thọ giới pháp. Điều này tại Trung Quốc, là việc lớn, công đức lớn, không thể không tùy hỉ tán thán. Bởi Phật pháp có tồn tại lâu dài ở thế gian hay không, hoàn toàn do chư tăng có tu tập đúng pháp đúng luật hay không.

    Thông thường người ta cho rằng truyền giới là việc hết sức trọng đại, kì thật Đức Phật chế thọ giới, chẳng phải quá khó. Truyền giới, cần phải có Tam sư thất chứng(1), ở đây không những phải cần đủ số lượng, mà còn phải có giới lạp(2) như pháp đã định, rồi chính những vị đó phải trì giới một cách thanh tịnh. Như hiểu rõ giới luật (lẽ ra phải hiểu rõ) tốt nhất; nhưng đây không phải học “truyền giới chính phạm”, cần phải hiểu rõ “chỉ tác lưỡng trì”, khai giá trì phạm. Nếu nói truyền giới không dễ chút nào, có lẽ là nói khó tìm được tam sư thất chứng thật tu thật học, trì giới thanh tịnh! Người thọ giới chỉ cần có đầy đủ y, bát, không phạm vào các già nạn. Điều kiện hai bên đầy đủ, chỉ cần một, hai giờ đồng hồ là hoàn thành viên mãn việc truyền giới Tì-kheo. Hiện tại ở Tây Tạng, Tích Lan, Miến Điện, vẫn làm như vậy.

    Trung Quốc luôn quá trịnh trọng nghiêm túc, đề xướng tập đoàn truyền giới. Một khi số lượng người đông, vấn đề cũng lớn, tự nhiên thời gian cũng bị kéo dài ra. Nhưng chân chính thọ giới Sa-di, Tì-kheo (thêm Bồ-tát giới), cũng chẳng cần quá dài. Chẳng qua mượn thời gian này dạy một số sinh hoạt thường nhật, như lễ bái, đắp y, ăn cơm, ngủ nghỉ, đi lại…, phải có chính niệm thực tập oai nghi được chỉnh tề, như vậy cũng được.

    Có người thấy sự tuột dốc của Phật giáo Trung Quốc (không chỉ là Đài Loan), cho rằng truyền giới quá cẩu thả. Do đó, phát biểu thỏa thích, có người cho chí ít cũng phải ba tháng, lại có người cho một năm, ba năm. Những người này, vốn chẳng biết giới luật là cái gì, truyền giới là thế nào. Thọ giới, chỉ cần đối trước đại chúng (tăng), kiên nghị thệ nguyện, một lòng thọ trì luật nghi nào đó (có thể là Sa-di, hoặc Tì-kheo…), được sự chấp nhận của đại chúng. Điều này cũng như muốn tham gia đảng phái đoàn thể nào đó, trước hết phải cử hành nghi thức tuyên thệ tuân thủ qui tắc của đảng phái đoàn thể đó. Việc làm này rất quan trọng, nghiêm túc, song chẳng phức tạp khó khăn gì lắm, cái khó nhất chính là sau khi thọ giới. Theo sự qui định của đức Như Lai trong giới luật, thọ giới xong rồi, phải lập tức bắt đầu tu học một cách hết sức nghiêm túc trong thời gian dài, chí ít cũng phải 5 năm. Đây mới có khả năng nung đúc thành bậc hiền bậc thánh, tạo thành long tượng cho Phật pháp. Thế mà Trung Quốc chúng ta, xem truyền giới là việc rất tốt; đến khi cầm được chứng điệp trên tay, xem trời bằng vung, mặc tình làm theo ý mình, chỉ biết tụng đám kiếm tiền, đây mới là nỗi đau lớn, là căn bệnh trầm kha của Phật giáo. Hèn chi long trọng truyền giới, bị mỉa mai là bôi mày vẽ mặt ra sân khấu, làm qua một lượt.

    Hội Phật giáo Trung Quốc, rất xem trọng giới đàn chùa Đại Tiên, do đó chỉ đạo làm thế nào để có được thành công cả chất và lượng, đây quả thật là đại công đức! Giới luật vốn chẳng thể qua loa. Vì Phật giáo muốn, vì thế hội Phật giáo Trung Quốc, cho đến chư đại đức tham gia truyền giới, phải có được lòng từ bi đặc biệt! Không những truyền giới đúng như luật, còn phải gánh vác trọng trách sau khi truyền giới, có trách nhiệm dạy dỗ giới tử vừa thọ giới. Đây mới có ý nghĩa, mới hợp pháp hợp luật. Bằng không, dù có khổ nhọc truyền giới giống như Đại Lục, cũng không tránh khỏi bị Đại sư Ấn Quang than trách là “lạm dụng truyền giới”. Muốn chấn chỉnh phục hưng Phật giáo, không thể không coi trọng việc này.

 


    (1). Tam sư thất chứng (三師與七證): Chỉ số vị Giới sư cần phải có đủ trong giới đàn truyền giới lớn. 

a. Giới Hòa thượng: Chỉ vị Hòa thượng chính truyền giới luật, là cội gốc là chỗ qui đầu để thầy Tì-kheo đắc giới, cho nên phải chí thành, cung thỉnh vị này ba lần. Người đảm nhiệm chức vị này phải có đủ 10 hạ trở lên và phải là người nghiêm trì giới pháp, đầy đủ trí tuệ, có khả năng dạy bảo đệ tử.

b. Yết-ma sư: Vị A-xà-lê đọc văn Yết-ma, chủ trì nghi thức bạch tứ Yết-ma truyền giới. Yết-ma sư là chính duyên cho cho việc thọ giới của các thầy Tì-kheo, nếu không có Yết-ma sư bỉnh thừa thánh pháp, thì thiện pháp trong pháp giới không từ đâu sinh khởi. Người đảm nhiệm chức vị này phải có đủ 5 hạ trở lên.

c. Giáo thọ sư: Người dạy bảo về oai nghi tác pháp, hướng dẫn và khai mở cho mọi người. Vị này cũng phải là người có đủ 5 hạ trở lên.

Còn Thất chứng sư chỉ cho 7 vị Tì-kheo họp lại để chứng minh cho việc thọ giới. Thập sư này đều cung thỉnh trước khi thọ giới.       

     (2). Giới lạp (戒臘): Số tuổi từ khi thọ giới lớn trở về sau.

Theo Thích Thị Yếu Lãm, thầy Tì-kheo lấy ngày cuối của Hạ an cư (ngày rằm tháng 7) làm ngày thọ lạp, từ đây mới có được pháp tuế (tuổi pháp). Ngày 16 là ngày bắt đầu thêm tuổi mới.              

 
00:00