Chương IX: LỜI NÓI CHÂN CHÁNH

(Chánh Ngữ: Sammà-Vàcà)

    Mọi tôn giáo và triết học đều chủ trương luân lý hay đạo đức theo cách này, cách khác cho phúc lạc của con người và sự tốt đẹp của xã hội họ đang sống.

    Các nguyên tắc đạo đức căn bản không phải cùng một mức độ hay cùng loại, mà chúng có sự thay đổi. Một điều là đạo đức đối với một số người nhưng lại có thể không đạo đức đối với những người khác; cái mà người ta lên án là phi đạo đức có thể được xem là đạo đức ở nơi khác. Các nguyên lý về cư xử đúng sai đôi khi tuỳ thuộc vào bối cảnh của các dân tộc khác nhau trên thế giới như các điều kiện địa lý, kinh tế và xã hội, v.v...  Cho nên những tiêu chuẩn của nguyên tắc đạo đức khác nhau.

    Dường như cùng với thời gian trôi qua, người ta nghĩ rằng một số luân lý do các vị giáo chủ tôn giáo đặt ra là lỗi thời, và vì sự ưa thích nhiệt tình đời sống vui sướng, họ không ngần ngại bỏ qua những nguyên tắc đạo đức nếu họ xem đó là chướng ngại. Thế là họ chấp nhận những cách xử sự mới và sau đó chúng trở thành những quy ước, một khi những quy ước này đã xuất hiện thì không ai quan tâm đến việc nói ra cái dở của nó. Tuy nhiên, cũng có những nguyên tắc đạo đức mà mọi dân tộc, không phân biệt màu da chủng tộc hay tôn giáo đều tuân theo.

    Giới luật được dạy trong đạo Phật rất rộng rãi và thay đổi, thế nhưng công dụng của luân lý Phật giáo hay giới luật chỉ có một: Đó là sự kiểm soát các hành động thuộc khẩu và thân, cách sống, cách cư xử của con người; nói cách khác, đó là sự trong sạch của lời nói và hành động. Mọi đạo đức được đặt ra trong đạo Phật đều dẫn đến mục tiêu này – tức sự cư xử đạo đức; song Giới tự thân nó không phải là cứu cánh, mà chính là một phương tiện vì nó hỗ trợ cho Định, tức sự tập trung. Mặt khác, Định (Samàdhi) lại là một phương tiện để đạt đến Pannà, tức Trí Tuệ Chơn Thực, và tới phiên nó, Trí tuệ này mang lại sự giải thoát của tâm thức, mục tiêu cuối cùng trong giáo lý Phật Đà. Do đó, Giới, Định và Tuệ là một sự phối hợp của tình cảm và trí tuệ con người. Đấy chính là mục tiêu mà bậc Đạo Sư hướng dẫn hàng đệ tử Ngài đạt đến.

     Thái độ của Đức Phật đối với cuộc sống không chỉ là thuần lý mà là sự chứng nghiệm thực tiễn của tất cả điều thiện – sự hoàn hảo về mặt đạo đức cũng như là sự giải thoát tâm thức. Điều này hàm nghĩa là Bậc Đạo Sư muốn chúng ta tu dưỡng những tình cảm tốt và rời xa những cái xấu. Khía cạnh tình cảm phải được phát huy mặc dù chỉ mình nó không dẫn chúng ta đến sự giải thoát cuối cùng. Những tình cảm tốt nên luôn luôn được hoà lẫn với Quan Điểm Chân Chánh. Cho nên rõ ràng là Giới, Định, Tuệ là ba cái tao của một sợi dây thừng nhờ đó mà người khôn ngoan sáng suốt đạt đến mục tiêu cao cả và tuyên bố sự chứng ngộ của họ bằng câu nói: “Đã làm xong điều phải làm.” (Katam karanìyam) Như vậy qua đời sống thanh tịnh và Quan Điểm Chân Chánh, Giáo pháp hướng dẫn Phật tử đạt đến giải thoát khỏi mọi bệnh khổ.

    Trong chương này, chúng ta sẽ thảo luận về Lời Nói Chân Chánh. Trong hai chương kế tiếp chúng ta lần lượt đề cập đến Hành Động Chân Chánh (Chánh Nghiệp) và Đời Sống Chân Chánh (Chánh Mạng). Vì ba yếu tố này nằm trong nhóm Giới, tức toàn bộ Giới luật của đạo Phật được nói đến trong Tám Con Đường Chân Chánh, một ít từ ngữ có lẽ không thích hợp để giải thích vắn tắt từ Sila (Giới) như trong các bản chú giải.

    Trong đạo Phật, sự giải thoát cuối cùng, mục tiêu cao cả nhất không phải đạt được ngay lập tức. Đó là một tiến trình tiệm tiến, một sự tu tập dần dần. Như các bài pháp thường chỉ rõ, tâm trí thanh tịnh đạt được sau một sự tu tập hoàn chỉnh trong Giới luật.

    Thanh tịnh tâm trí và sự đắc đạo không thể có được nếu không có sự thanh tịnh của Giới. Đức Phật khích lệ hàng đệ tử trước hết đặt mình trong Giới luật hay những thói quen đạo đức trước khi bước vào con đường Thiền Định và Trí Tuệ. Cho nên cần phải bắt đầu ngay từ chính khởi điểm đó. Khởi điểm trong việc tuyên giáo của Đức Phật là Sila, tức Giới, hay tư cách đạo đức. Đứng vững trên nền tảng chặt chẽ của Giới luật người ta nên nỗ lực làm chủ cái tâm chao đảo của mình.

    Đức Phật chỉ ra cho hàng đệ tử những phương cách để vượt qua các yếu kém về thân và khẩu. “Khi lời nói đã được thuần thục, những hành vi của thân đã kiểm soát được và tự làm cho mình được trong sạch trong cách làm ăn sinh sống thì người đệ tử an trụ tốt đẹp trong những thói quen đạo đức. Như vậy người đệ tử Phật tự tu tập theo các giới luật căn bản về sự tiết chế, quán sát chúng tỉ mỉ và nhìn ra được sự nguy hiểm trong cái lỗi nhỏ nhất” (Trung Bộ Kinh.107). Trong khi tự tiết chế lời nói và hành động như vậy, họ cố gắng phòng hộ các căn, bởi vì nếu thiếu sự phòng hộ đó thì những tư tưởng bệnh hoạn bất thiện sẽ tràn đầy tâm trí họ. Nhìn sắc, nghe thanh, v.v... họ không bao giờ bị lôi cuốn hay lấy làm khó chịu bởi những trần cảnh, mà giữ được sự thăng bằng, buông bỏ được mọi cái thích hay không thích. Họ tu tập một cách nhiệt thành sự phòng hộ các căn.

    Họ ăn uống một cách điều độ và có chánh niệm: ăn không vì sự nuông chiều bản thân, không vì mục đích làm đẹp thân thể, mà giữ cho thân không bị xâm hại để sống đời thánh thiện. Họ dành thời gian vào việc tỉnh thức và làm chủ tâm trong sạch, ra khỏi ô nhiễm. Cách sống này áp dụng cho tu sĩ chớ không phải người cư sĩ.

    Bây giờ nếu người đệ tử thành tâm và chánh niệm họ sẽ tiến xa, không dao động và bắt đầu công việc khó hơn, tức Thiền Định, đạt được sự định tâm (Samatha) bằng cách theo một chủ đề thích hợp với căn cơ họ và tiếp tục công việc đó không ngừng. Dần dần, từng chút một, từ sát na này sang sát na khác (Pháp Cú.239), họ thanh tịnh tâm bằng cách vượt qua những triền cái ngăn ngại việc Thiền Định. Như vậy người nào cố gắng chú ý sẽ đạt được sự kiểm soát tâm dao động của họ. Khi lời nói, hành động và các căn được khuất phục và tâm được kiểm soát thì lúc đó họ đạt được sự tự chủ. Tu tập bản thân trong Giới và Định như vậy, họ cố gắng đạt được Trí Tuệ Chân Thật hay Tuệ giác bằng cách nhìn vạn pháp đúng như chúng thật sự là. Như chúng ta đã thảo luận ở trên, nhìn vạn pháp đúng như chúng là tức nhìn ra cái bản chất vô ngã, khổ và vô thường của vạn pháp duyên sinh và phức hợp. Đối với người đệ tử Phật có Thiền quán như thế, từ ngữ “thế giới” này không phải là thế giới bên ngoài hay là thế giới do kinh nghiệm, mà nó là thân người với cái ý thức của nó; đó là cái thế giới của năm hợp thể chấp thủ. Chính đây là điều họ cố gắng hiểu là vô thường, khổ và vô ngã. Chính cái thế giới của thân tâm này mà Đức Phật đã nhắc đến khi Ngài dạy Mogharàja: “Này Mogharàja, luôn chánh niệm, nhìn thế giới là không – từ bỏ khái niệm về một cái Ngã nằm bên dưới nó – như thế mới vượt qua được sanh tử.

    Khi một đệ tử Phật tu tập trong Tuệ (Pannà sikkhà) như thế, họ sẽ hiểu biết một cách chơn chánh rằng “bất kỳ cái gì tạm bợ đều không đáng để vui thú, không đáng quan tâm, không đáng bám víu.” (Trung Bộ Kinh 106)

    Vị ấy không xem năm hợp thể chấp thủ, năm căn và các trần tương ưng là “Tôi”, hay “cái Ngã của tôi” và hiểu được sự  sách tấn của bậc Đạo Sư:

    “Này các thầy Tỳ-kheo, cái gì không phải của chúng ta thì hãy buông bỏ nó đi, buông bỏ như vậy vì sự tốt đẹp và an lạc của chúng ta. Này các thầy Tỳ kheo, cái gì không phải là chúng ta? Sắc thân không phải của chúng ta, hãy buông bỏ nó; bỏ nó đi vì sự tốt đẹp và hạnh phúc của chúng ta. Cảm giác (thọ),... ý tưởng, hành vi có chủ ý và thức không phải của chúng ta, hãy buông bỏ nó vì sự tốt đẹp và hạnh phúc của chúng ta.” (Tương Ưng Bộ Kinh.iii.32; iv.81)

    Thấu hiểu các pháp đúng như chúng là, chứng ngộ cái thực tánh của năm hợp thể chấp thủ như thế, vị ấy sẽ “sống không tuỳ thuộc, không chấp thủ vào cái gì ở thế giới này – cái thế giới của các hợp thể, của cảm giác – vị ấy sống và chứng nghiệm được hạnh phúc của Niết-bàn, hạnh phúc tối thượng. Tóm lại, đây là con đường mà hàng đệ tử cao thượng đạt được mục tiêu của mình bằng sự tiệm tu. Độc giả sẽ nhận ra rằng trong việc tự tịnh hóa và tự chế ngự mình để đạt Giải thoát cuối cùng bằng cách tiệm tu, không có sự cưỡng bách và bắt buộc bằng tha lực, không có sự ban thưởng hay trừng phạt do thực hành hay không thực hành; không có lễ rửa tội bằng nước thánh, cũng không có tế lễ cho bất kỳ vị thần linh nào, không thờ phụng các vị trời, thần mặt trời hay thần lửa. Vì sao? Bởi vì thanh tịnh hay ô nhiễm đều do chính mình. Ngoại vật dù là hữu tình hay vô tình đều không thể và không ban cho chúng ta sự thanh tịnh, giải thoát. “Không phải sự loã thể cũng không phải đầu tóc được bện lại, không phải sự bẩn thỉu, cũng không phải nhịn đói, không phải nằm trên đất, cũng không phải bôi tro hay bồ hóng hay ngồi xổm có thể làm cho thanh tịnh một con người còn đầy nghi hoặc.(1)  (PC. 141)           

    Bây giờ chúng ta hãy đi vào chi tiết về Sila, tức Giới luật của Phật. Trong bài pháp đầu tiên của Trường Bộ Kinh (Dìgha Nikàya), chúng ta tìm thấy một bản kê các giới luật rất dài và bao hàm toàn diện mà chúng ta sẽ không thảo luận ở đây.

    Trong số các món giới, cái thấp nhất là ngũ giới, là giới đầu tiên của người theo Phật; đây là những nguyên tắc căn bản cho người cư sĩ tại gia:

    1. Tôi thọ trì giới tránh sát hại những loài vật có hơi thở.

    2. Tôi thọ trì giới tránh lấy vật mà người khác không cho.

    3. Tôi thọ trì giới tránh sự tà dâm.

    4. Tôi thọ trì giới tránh vọng ngữ.

    5. Tôi thọ trì giới tránh uống những chất làm say và không chú tâm.

    Trong tác phẩm Ánh Sáng Á Châu, Edwin Arnold xác nhận năm giới trong những lời sau đây:

    “Không sát hại vì lòng từ bi – không giết chết con vật dù nhỏ nhất trên con đường tiến triển của nó.”

    “Cho và nhận một cách tự tại, không lấy bất cứ cái gì bằng lòng tham, bằng sức mạnh, bằng gian lận những gì thuộc người khác.

    “Không làm chứng dối, không vu khống cũng không nói dối.”

    Sự thật là lời nói của nội tâm thanh tịnh.

    “Tránh xa thuốc phiện và nghiện rượu, hai thứ làm cho người thông minh trở nên bất lương; làm sáng tâm, sạch thân, không cần nước thánh”.

    “Không xúc chạm vợ người hàng xóm, cũng không phạm vào tội lỗi xác thịt không hợp pháp và không có tư cách.”

     “Những giới luật này phải giữ gìn và thực hành trong đời sống hàng ngày chứ không phải chỉ để đọc thuộc lòng, để nói nơi cửa miệng, hay để áp dụng cho người khác.”

     “Người nào thuộc lòng giới cấm mà không thực hành, giống như kẻ thắp một ngọn đèn lên và nhắm mắt lại!

    Đức Phật không đòi hỏi người cư sĩ phải theo tất cả những điều mà một thành viên của giáo hội phải giữ. Nhưng dù là tu sĩ hay cư sĩ những thói quen đạo đức đều là thiết yếu cho con đường tiến lên. Người đã quy y Tam Bảo trở thành Phật tử ít nhất phải giữ được năm giới cấm căn bản, điểm khởi đầu trên đường đạo. Những giới này không hạn cuộc vào một ngày hay một nơi đặc biệt nào mà luôn luôn được thực hành suốt đời và ở mọi nơi. Có thể mọi người phạm một số trong các giới đó trừ những vị đã chứng đạt ít nhất là đệ nhất thiền. Tuy nhiên khi phạm giới và hối hận về sự yếu kém hay thiếu sót của mình chẳng có lợi ích gì, vì sự hối hận chẳng tốt cũng chẳng giúp ích gì cho bản thân mình hay người khác, nó chỉ làm rối loạn tâm trí người ta. Lại nữa phải biết rằng, theo đạo Phật, sự lầm lạc không được coi như một tội lỗi vì từ ngữ này xa lạ đối với giáo lý Đức Phật. Không có việc “vi phạm luật lệ của Đức Phật,” bởi vì Ngài không phải là một nhà làm luật hay một nhà độc tài trừng phạt điều xấu hay ban thưởng điều tốt của mọi người; cho nên không có sự hối lỗi, phiền muộn hay tiếc rẻ vì tội lỗi. Chủ nhân của hành động chịu trách nhiệm cho những hành vi của mình; họ gánh chịu hay hưởng thọ hậu quả, và đó là sự lưu tâm của họ trong việc làm điều lành hay phạm giới. Cũng phải nói rằng các nghiệp thiện hay ác, không nhất thiết là phải trả ngay vì thiện nghiệp của con người có thể vượt qua ác nghiệp, làm giảm bớt ác nghiệp (và đồng thời ác nghiệp có thể làm giảm kết quả của thiện nghiệp).

    Giới đã được trình bày rõ ràng như các công thức, trong đó không có luật lệ hay những điều răn nào. Một cách tự nguyện, chúng ta hứa gìn giữ các giới tu tập và không có sự cưỡng bách hay bó buộc nào. Chính chúng ta nhận trách nhiệm cho những hành động của mình. Nếu chúng ta phạm vào giới nào đã nguyện giữ, thì điều quan trọng là quyết tâm mạnh mẽ không phải để không lặp lại mà là để sửa chữa lỗi lầm và cố gắng hết sức để không sai sót lần nữa. Một người có tư duy cẩn thận phải nhận thức rằng mục đích duy nhất của việc giữ gìn các giới luật này là để tu tập kiểm soát sự thúc đẩy, những khuynh hướng xấu ác và những hành động sai trái của mình, có như thế mới đưa đến con đường tịnh hoá và hạnh phúc, mang lại an lạc cho xã hội và làm tăng sự thân ái. Phân tích kỹ chúng ta biết rằng giữ các giới này là con đường duy nhất để giảm thiểu tham, sân, si, nguyên nhân căn bản của mọi xấu ác trong xã hội. Thí dụ, giới thứ nhất bị xâm phạm với những ý tưởng sân hận và độc ác; phạm giới thứ ba là đặc biệt do sự tham dục, giới thứ hai và thứ tư đều thuộc về tham sân, giới thứ năm thuộc về tham, trong khi si là chung cho cả năm giới.

    Điều quan trọng phải để ý là uống chất say sưa gây ra si. Nó ngăn cản tư duy trong sáng, làm giảm bớt năng lực lý luận và mang lại sự xao lãng, cuồng dại, và là một chỗ dung chứa những cái xấu ác khác. Một người say rượu không tự chủ về những hành động của họ và có thể phạm bất cứ tội ác nào. Như vậy phạm giới này có thể dẫn một người đến chỗ phá vỡ tất cả những giới khác. Đức Phật dạy:

    “Hãy từ bỏ cái nền tảng của mọi bất thiện này, cái dẫn đến sự điên loạn, dẫn đến sự hành hạ tâm thức.” 

                                                  (Tương Ưng Bộ Kinh. n. 399)

    Bây giờ người ta có thể lập luận rằng uống rượu điều độ thì chẳng có gì tai hại, nhưng có một câu ngạn ngữ:

    “Đầu tiên người ta dùng một ly

    Rồi ly này dẫn tới một ly nữa

    Sau đó thì rượu dẫn dắt người ta.

    Như vậy tốt hơn là luôn luôn ghi nhớ lời cảnh giác của Đức Phật: “Hãy chánh niệm, tự chủ và trong sáng.” Chúng ta hãy tránh xa á phiện và rượu vì chúng làm con người mù loà không thấy được chân lý cuộc đời và cả con đường dẫn đến giải thoát.

    Hãy nhớ rằng các giới thứ ba và thứ năm giống nhau về tính chất, chúng hỗ trợ nhau và đều mang đến khoái lạc. Đôi khi trong các kinh điển Pàli giới thứ năm được bỏ và xếp chung nó trong giới thứ ba như trong trường hợp nguyên tắc đạo đức đã đề cập ở Bát Thánh Đạo. Như vậy có 10 giới hay “Mười điều tu tập” dành cho Sa-di,(2) các giới này được thành hình bằng cách thêm năm giới vào các giới đã nói trên.(3) Đó là:

    6. Tôi thọ trì giới không ăn phi thời

    7. Tôi thọ trì giới không được ca múa, nghe âm nhạc và các màn trình diễn không đứng đắn.

    8. Tôi thọ trì giới không được dùng tràng hoa, dầu thơm, kem thoa xức và tô son điểm phấn.

    9. Tôi thọ trì giới không được dùng giường cao sang trọng.

    10. Tôi thọ trì giới không được nhận vàng bạc.    

    Cũng có tám giới (Bát quan trai giới) được dành cho các người cư sĩ tại gia thọ trì vào những ngày đặc biệt, ngày trăng tròn hay ngày đầu tháng, v.v...  Chúng được kết hợp bằng cách xếp giới thứ bảy và tám lại và bỏ đi giới thứ mười.

    Phật dạy một người giữ giới là một người thiện lành và đáng tôn kính, và thêm vào đó nếu họ khuyến khích người khác giữ giới thì họ càng đáng kính hơn. (Tăng Chi Bộ Kinh. ii.217)

    Trong Bát Thánh Đạo, các yếu tố của chánh ngữ có bốn điều cấm kỵ được lưu ý: không được nói lời dối trá, nói lời vu khống, nói lời thô ác và nói chuyện phiếm.

    Dù những giới này là không nên làm, nhưng chúng ta không nên nghĩ giới luật nhà Phật chỉ là sự cấm đoán tiêu cực. Điều quan trọng đầu tiên là diệt cỏ dại và sửa sang cánh đồng trước khi gieo giống. Cũng vậy, điều rất quan trọng cho con người là trước tiên phải cố gắng làm trong sạch lời nói và hành động của thân và làm điều thiện. Chúng ta phải công nhận rằng tâm trí chúng ta thường bị ô nhiễm bởi những tư tưởng bất thiện. Nó bùng cháy với ba ngọn lửa tham, sân, si và đó là tình trạng không lành mạnh. Dĩ nhiên là những biểu lộ của tư tưởng không lành mạnh đó trong hình thức những hành vi thuộc thân và khẩu không thể là lành mạnh, như vậy điều cần thiết là kiểm soát điều bất thiện, ngăn chặn hành vi phóng túng. Giới cấm thúc đẩy người ta làm điều thiện, trong sạch trong lời nói và hành động. Thông thường người hay thích làm nhiều điều thiện cho kẻ khác khó tránh làm những điều không thích hợp; việc này cần sức mạnh lớn lao của lý trí, sự nỗ lực và quyết tâm. Mặt khác, vì lòng thương hại và sự thông cảm – đây không phải là những đạo đức tiêu cực – nên người ta không làm thiệt hại người khác và không nói dối vì lòng yêu sự thật,v.v...

    Một độc giả cẩn thận khi đọc những bài Phật pháp này sẽ nhận ra rằng bậc Đạo Sư đã công bố những giới luật này trong những câu nói tích cực như:

     “Trì giới không sát sanh, con người không tước đoạt mạng sống của bất kỳ chúng sinh nào, đặt ra ngoài gậy gộc và gươm giáo, khiêm hạ và biết ơn, họ sống tử tế và từ bi đối với tất cả chúng sinh. Không lấy cái gì mà người khác không cho, chỉ lấy cái người khác cho,... Vị ấy sống trong sạch không có những khuynh hướng trộm cắp. Từ bỏ sự vu khống... vị ấy sống hoà hợp với những người mâu thuẫn nhau, và làm cho những người thân thiện trở nên mạnh mẽ, vui mừng và hoan hỷ, họ nói những lời đưa đến sự hoà hợp. Không nói lời thô ác, họ nói điều êm dịu làm vui tai, thân ái... Không nói chuyện phiếm, họ nói đúng lúc, phù hợp với sự thật, có mục đích, hợp với giáo pháp và giới luật, những lời nói đáng tôn quý, đúng lúc, phù hợp, minh bạch và đúng trọng tâm. (Trung Bộ Kinh 27,38,51)

     Như vậy chúng ta thấy cách mà bậc Đạo Sư đã nhấn mạnh khía cạnh tích cực trong ngôn ngữ không sai lầm. Tuy nhiên, người tinh tấn nỗ lực hướng về con đường Tịnh hoá không phí thời giờ trong việc ức đoán vô bổ, nhưng “tự răn và tự khích lệ mình, họ đi theo con đường đã được chỉ ra.” (Trưởng Lão Tăng Kệ. 637)

     Không có gì mơ hồ trong giáo lý Đức Phật. Biết bất thiện là bất thiện, biết thiện là thiện, vậy tại sao người ta do dự tránh điều sai trái và bước theo con đường đúng đắn? Đối với người Phật tử, từ bỏ việc xấu ác và làm điều thiện là điều không thể tránh khỏi nếu họ hiểu được giáo lý của bậc Đạo Sư:

                   “Từ bỏ các việc ác

                     Tu tập các việc lành

                     Làm trong sạch tâm trí

                     Đây là lời Phật dạy.”  (Pháp Cú. 183)

    Như bài kệ trên đây cho thấy, trước khi làm việc lành cần phải đình chỉ việc ác. Khi một người làm được cả hai điều này và vững chãi mạnh mẽ trong việc giữ giới thì nếu muốn họ có thể cố gắng làm được việc khó hơn nữa, đó là dẫn tâm vào kỷ luật qua con đường thiền định. Nhưng sự nỗ lực như thế để trau dồi tâm mà không có cái căn bản đạo đức trước, không điều phục được cử chỉ oai nghi thì đó chỉ là sự hy vọng và tưởng tượng không thể nào thực hiện được.

    Trong đạo Phật, Bát Thánh Đạo là con đường duy nhất để tịnh hóa. Đức Phật dạy:

    “Con người được tịnh hoá qua nghiệp,(4) tri thức,(5) Giáo pháp(6) và đời sống đạo đức cao cả chứ không phải qua tuổi tác hay sự giàu có”.

    “Bất cứ cái gì của điều ác, có liên quan tới điều ác, thuộc về điều ác đều phát xuất từ tâm ý. Bất cứ cái gì của điều thiện, có liên quan tới điều thiện, thuộc về điều thiện, đều phát xuất từ tâm ý”.

    “Khi tâm ý hay tư tưởng được phòng hộ thì hành vi của thân và khẩu cũng được phòng hộ”.

    “Khi tâm ý không được phòng hộ thì hành vi của thân và khẩu cũng không được phòng hộ”.

    Nguồn gốc của tất cả những nghiệp này là tham sân si hoặc vô tham vô sân vô si. Các hành vi chịu ảnh hưởng của ba điều ác thì không lợi lạc và đáng trách, chúng đưa đến đau khổ và dẫn đến những nghiệp xấu xa hơn; chúng không dẫn đến chỗ đoạn diệt nghiệp. Các nghiệp chịu ảnh hưởng của ba điều thiện thì lợi lạc và đáng ca ngợi, chúng mang đến hạnh phúc và dẫn đến việc chấm dứt nghiệp sâu xa hơn, không dẫn đến sự phát sanh nghiệp mới.” (Tăng Chi Bộ Kinh. i.263, kinh 107,108)

    Như vậy có ba cách để làm thiện hay ác tuỳ theo ba trạng thái tâm (tâm sở) khác nhau, và chúng mang đến những kết quả hay những phản ứng tương ưng với việc đã làm. Trong trường hợp này tâm ý có thể được so sánh với một cái bể chứa nước cần có sự chú ý để giữ nước được thanh khiết và trong sạch. Nếu cái bể chứa không được giữ vệ sinh và nước bị nhiễm bẩn, người uống nước vòi sẽ gặp rắc rối. Nếu biết rằng nước dơ, họ đóng vòi lại, họ sẽ khỏi phải đau khổ dù cho cái bể chứa bị ô nhiễm. Vì họ không thể đóng vòi lại mãi, nên bổn phận của họ là phải coi xem cái bể chứa có được chăm sóc sạch sẽ để họ có thể mở vòi và uống nước được. Tâm người giống như cái bể chứa có hai chỗ thoát, đó là hành động thân và khẩu. Cái ở trong tâm ý thoát ra qua hai chỗ thoát này. Nếu tư tưởng trong sạch thì người ta có được những kết quả thiện, nếu chúng không trong sạch thì có những kết quả bất thiện. Nếu họ ngăn không cho tư tưởng xấu ác thoát ra khỏi hai kênh này thì khẩu và thân họ sẽ không bị ô nhiểm vì hai kênh này được đóng lại một cách an toàn; thế nhưng tâm trí, tức cái bể chứa, thì không được bảo vệ. Họ phải cố gắng phòng hộ tâm thật sự để tư tưởng không bị ô nhiễm, và vì thế cần thiền định, tức tập trung tư tưởng. Cho dù tâm họ được tập trung, được thu lại, được canh giữ như thế, nó vẫn không ở trong một trạng thái an ổn, do đó họ cần có trí tuệ, có tuệ giác để phòng hộ nó. Một khi đạt được điều này, tâm họ trở nên vô nhiễm đối với tất cả những uế trược, nhiễm ô.

    Từ thí dụ này, chúng ta có thể hiểu được rằng mặc dù Sila, tức giới luật gìn giữ những nghiệp thuộc thân và khẩu, là điểm khởi đầu của đạo nhưng nó cũng cần thiết cho sự tu tập và tịnh hoá con người.

    Trên đây là lời giới thiệu khái quát về giới luật, bây giờ chúng ta hãy nghiên cứu về Lời Nói Chân Chánh (Chánh ngữ). Lời nói thật là vi diệu vì chỉ một lời mà có thể làm thay đổi được toàn bộ quan điểm của con người đối với thiện ác. Có phải là chúng ta không thật sự may mắn trong lời nói so với loài thú không? Thế sao chỉ ít người trong chúng ta quan tâm sử dụng nó cho sự an lạc của mình và người khác? Nhiều sự rắc rối và ngộ nhận có thể tránh được chỉ cần người ta luôn có suy nghĩ và mềm mỏng hơn trong lời nói, chính xác hơn, thành thật hơn trong những điều viết ra.

    Lời nói là một món quà có giá trị lớn lao vì qua đó chúng ta có thể diễn đạt được những tư duy và ý tưởng chia sẻ với người khác. Nhưng vì cái lưỡi vốn không xương và lắt léo nên có thể gây ra nhiều tai hoạ; nó không chịu trách nhiệm đối với nhiều cuộc xung đột và rắc rối từ những cuộc cãi vã giữa các gia đình cho đến những cuộc chiến tranh giữa các quốc gia. Nếu con người chỉ cần thuần hoá được cái lưỡi của họ thì có lẽ thế giới sẽ là một nơi tốt đẹp hơn để sinh sống.

    Lời nói không nên để cho những tư tưởng bất thiện, tham sân si, kiêu mạn và ích kỷ, v.v… khống chế. Việc nói nhiều chắc chắn làm trở ngại sự tĩnh lặng và Chánh tư duy; và một cái lưỡi giảo hoạt đưa đến tất cả bốn loại vọng ngữ. Đức Phật dạy: “Này các thầy Tỳ-kheo, có năm điều tai hại và nguy hiểm trong lời nói ba hoa: người nói lời giảo hoạt nói ra sự giả dối, nói vu khống (lưỡi hai chiều), nói lời thô ác và lời phù phiếm, sau khi chết tái sanh vào đời sống xấu ác.”  (Tăng Chi Bộ Kinh. iii.254)

    1. Theo ý nghĩa của Lời Nói Chân Chánh (LNCC), giới đầu tiên là tránh nói dối và phải nói lời chân thật. Theo Kinh Tâm Từ (Metta Sutta), một người như thế là ngay thẳng (Uju, Sùju); hơn thế nữa, họ ngay thẳng một cách trong suốt, thẳng thắn và đáng tin cậy. Họ không đi ra ngoài sự thật để được tiếng tăm hay làm hài lòng người khác. Có thể họ có vẻ nghiêm khắc, nhưng “sự thật chỉ có một, không có cái sự thật thứ hai.” (Tương Ưng Bộ kinh.884) “Đức Phật không nói một điều nào hôm nay mà ngày hôm sau lại nói ngược lại.” (Trường Bộ Kinh. iii.135. kinh 29) “Vì Ngài nói giống như hành động và hành động giống như lời nói, nên Ngài được gọi là Như Lai.” Bậc Đạo Sư cũng được xem là Saccanàma, tức là “Đấng có danh xưng là Chân Lý.

    Đức Phật đã nhấn mạnh nhiều vào tội vọng ngữ, cho nên trong bài học đầu tiên cho cậu bé La-hầu-la, một sa-di bảy tuổi, hầu như là Ngài đã nói về sự không xứng đáng của việc nói dối (chúng ta đã biết trẻ con dù muốn dù không vẫn thường hay nói dối).

    Có một lần khi Đức Thế Tôn đến thăm La-hầu-la, vị này nhấc sẵn ghế và nước chuẩn bị rửa chân bậc Đạo Sư; khi Ngài rửa chân và ngồi xuống, La-hầu-la cúi đầu tỏ lòng tôn kính Đức Thế Tôn và ngồi qua một bên. Bậc Đạo Sư rót ít nước vào chậu và nói:

    - Này La-hầu-la, con có thấy chút nước còn lại trong chậu không?

    - Bạch Thế Tôn, con có thấy.

    - Này La-hầu-la, cũng như vậy, sự sống ẩn cư của những kẻ nói dối không hổ thẹn thì chẳng có nghĩa lý gì.

    Rồi Đức Phật hắt chỗ nước đó đi, nói với vị sa-di:

    - Này La-hầu-la, con có để ý là chỗ nước đó đã bị hắt đi chưa?

    - Bạch Thế Tôn, con có thấy.

    - Này La-hầu-la, cũng vậy, sự ẩn cư của những kẻ nói dối không biết hổ thẹn quả là đáng vứt bỏ.

    Bậc Đạo Sư lật úp chậu nước lại và nói với vị sa-di:

     - Này La-hầu-la, con có thấy cái chậu nước này đã bị lật úp không?

    - Bạch Thế Tôn, con có thấy.

    - Này La-hầu-la, cũng vậy, sự ẩn cư của những kẻ nói dối không biết hổ thẹn cũng bị lật úp như vậy đó.

    Rồi bậc Đạo Sư để ngay cái chậu lại và nói với vị sa-di:

    - Này La-hầu-la, con có thấy cái chậu này trống rỗng không?

    - Bạch Thế Tôn, con có thấy.

    - Này La-hầu-la, cũng như vậy, sự ẩn cư của những kẻ nói dối không hổ thẹn thì trống rỗng... Cũng vậy, này La-hầu-la, (kể ra sự so của nhà vua) đối với kẻ nói dối không xấu hổ, ta nói rằng không có điều ác nào mà họ không thể làm. Này La-hầu-la, vì thế con nên tu tập: “Tôi sẽ không nói dối dù chỉ để đùa.” (Trung Bộ Kinh.61)            

    2. Vu khống hay là đặt chuyện (pisunàvàcà), là một tội ác kế tiếp mà miệng lưỡi con người có thể phạm phải; từ Pàli “Pisunàvàcà” có nghĩa là “gây chia rẽ.” Vu khống là điều độc ác nhất vì nó tạo ra câu nói dối trá có ý đồ làm mất danh dự người khác. Kẻ đặt chuyện thường phạm phải hai tội ác một lúc: họ nói điều sai trái vì lời thuật lại của họ không đúng, rồi họ lại nói xấu sau lưng người khác.

    Trong thi ca tiếng Phạn, việc nói xấu sau lưng được ví với một con muỗi, dù nó nhỏ nhưng rất độc hại. Nó đến vo ve, đậu lên người bạn, hút lấy máu và nếu là muỗi cái, nó có thể làm bạn mắc bệnh sốt rét. Lại nữa lời lẽ của kẻ đặt chuyện có thể là ngọt như mật, nhưng tâm của họ đầy thuốc độc.

    Như vậy chúng ta hãy tránh đặt chuyện và vu khống làm phá huỷ mối quan hệ. Thay vì gây rắc rối, chúng ta hãy nói những lời đem lại hoà bình và hoà hợp. Thay vì gieo hạt giống chia rẽ, chúng ta hãy mang hoà bình và tình bạn đến cho những người sống trong sự bất hoà và thù hận. Đức Phật dạy: “Hãy đoàn kết lại, đừng tranh cãi nhau.” Câu nói “Chỉ có sự hoà hợp là đáng ca ngợi” đã được vua A-dục khắc vào đá. Vì chúng ta sống liên đới với nhau nên chúng ta phải học cách sống chung trong hoà bình, hữu nghị và hoà hợp.

    3. Giới kế tiếp là tránh những lời thô ác và hãy nói lời hoan hỷ, nhã nhặn lịch sự. Điều chúng ta nói ra có thể mang lại lợi lạc hay thua thiệt, tưởng thưởng hay trách cứ, tiếng lành hay tiếng xấu, khốn khổ hay hạnh phúc. Lời nói dịu dàng, nhã nhặn có thể làm xúc động trái tim cứng rắn nhất, trong khi một lời thô ác có thể gây ra sự đau khổ không kể xiết.

    Chúng ta nên suy nghĩ hai lần trước khi nói xấu ai vì đó là một sự cố ý làm thiệt hại tư cách, thanh danh của người khác. Nhưng khi ta ca ngợi người khác thì chẳng có gì xảy ra; nếu chúng ta có hơi tô vẽ một chút, điều này cũng không dẫn đến sự phiền hà hay mất lòng. Như Đức Phật đã dạy:

    “Trong miệng con người một lưỡi hái mọc lên

    Với nó những kẻ điên rồ sẽ tự chặt đứt mình

    Khi họ nói ra những lời thô ác.” (Tương Ưng Bộ Kinh.i.149)

    Vào thời Đức Phật, đôi khi người ta có tổ chức một ngày hội gọi là “Ngày lễ của những kẻ khờ khạo”.Trong ngày đó chỉ những người có đầu óc ngu dại tham dự. Suốt một tuần lễ, họ bôi thân thể họ với tro và phân bò, đi lang thang khắp nơi chửi bới la hét người khác một cách thậm tệ, ngay cả những người bạn, họ hàng, những người ẩn tu và các tu sĩ họ cũng không tha. Người ta cứ ném cho họ một vài đồng tiền để đuổi họ đi. Các đệ tử hết lòng với Đức Phật van nài bậc Đạo Sư đừng đi vào thành đó cho đến khi hết ngày hội. Nhưng Đức Phật dạy: “Kẻ điên khùng và đần độn ngu si bị công kích phỉ báng như thế, nhưng người trí thì tu tập Chánh niệm và đạt được Niết-bàn bất tử.

     Lời nói của một người thường tỏ rõ tư cách của người đó. Một lời nói thô ác, một điệu bộ không hoan hỷ, một nụ cười không thật thà có thể làm cho một người có bản chất tốt trở thành kẻ tội phạm, làm cho bạn biến thành thù.

                   “Chớ buông lời cay nghiệt

                   Nhiếc người, người nhiếc ta,

                   Khổ thay lời hiềm hận,

                   Xung đột mãi lại qua!”  (Pháp Cú. 133)

     Một trong những câu chuyện tiền thân của Bồ-tát có  kể lại cách Ngài đã làm cho bà mẹ của Ngài dứt bỏ lời nói cay nghiệt. Chuyện kể rằng bà này thô lỗ và ác khẩu. Người con trai của bà biết cái khuyết điểm đó nhưng không muốn làm tổn thương bà bằng lời nói quá thẳng. Một ngày nọ, vị Bồ-tát, bấy giờ là vua xứ Ba-la-nại, đi đến một công viên với người mẹ và những người tuỳ tùng. Trên đường đi có một con chim giẻ cùi màu xanh có tiếng kêu rít thật chát chúa đến nỗi mọi người đều bịt tai và kêu lên: “Thật là tiếng kêu thô ác! Tiếng kêu gì mà lanh lảnh quá vậy! Đừng để chúng tôi nghe tiếng đó nữa.” Sau đó khi Bồ-tát đang đi thong thả vui đùa với người mẹ và những người tuỳ tùng, tiếng một con chim cu cu Ấn Độ kêu lên ngọt ngào đến nỗi mọi người thấy hạnh phúc và hy vọng sẽ được nghe nó hót lại lần nữa.

    Đây là thời điểm mà Bồ-tát đã từng chờ đợi, Ngài nói: “Mẹ yêu, tiếng con chim giẻ cùi nó kêu thật dễ sợ đến nỗi mọi người đều phải bịt tai lại không muốn nghe vì không ai vui thú cho được khi nghe một tiếng nói thô lỗ. Còn con chim cu cu, dù là đen đúa không đẹp nhưng được mọi người yêu mến và lắng nghe tiếng kêu vui vẻ của nó. Cho nên, lời nói của một người phải thân thiện và có tiết độ, trầm lắng và đầy ý nghĩa....” Được người con khích lệ, bà mẹ trở nên nói năng tế nhị và có cử chỉ thanh lịch hơn.

    Lời nói hoan hỷ và nhã nhặn lôi cuốn người khác và là một vốn quý của xã hội, thế mà chúng ta thường thấy sắc đẹp bị huỷ hoại bởi lời nói thô lỗ. “Ngôn ngữ của trái tim, đến từ trái tim luôn luôn đơn giản, dễ thương và đầy năng lực.

    4. Giới thứ tư và là giới cuối cùng có liên quan đến LNCC là tránh nói chuyện phù phiếm hay tầm phào vô ích, không mang đến lợi lạc gì cho ai và nơi nào cả. Người ta rất thích nói chuyện phiếm, thích dèm pha người khác một cách thâm hiểm. Đàn ông và phụ nữ rảnh rỗi không có gì làm, sống buông lung trong những câu chuyện phiếm không dứt, vui thú với sự mất mát thiệt hại của kẻ khác. J. L. Hollard có nói: “Chuyện phiếm luôn luôn là một lời thú tội của con người, hoặc thâm hiểm hoặc khờ dại. Đó là một việc thấp kém, nhỏ mọn và thường là bẩn thỉu, làm cho các người hàng xóm láng giềng biến thành những kẻ thù của cuộc sống.” Lời khuyên vàng ngọc của Đức Phật là: “Này các thầy Tỳ-kheo, khi các thầy cùng nhau hội họp thì có hai điều để làm: hoặc là nói về giáo pháp hoặc là im lặng cao thượng.” (Trung Bộ Kinh.26)

    Đức Phật thường chỉ trích việc nói chuyện phiếm, vu khống và đồn đãi vì chúng làm xáo trộn sự thanh tịnh và định tâm.

    “Một câu nói có ý nghĩa, khi nghe làm người ta an lạc, còn hơn là một ngàn câu chỉ là một mớ lộn xộn của những từ ngữ vô nghĩa.”  (Pháp Cú. 100)

    Trong tiếng Pàli một người khôn ngoan đôi khi được gọi là muni, có nghĩa là một người biết lặng thinh. Đúng vậy, “Im lặng là vàng”, cho nên “đừng nói gì cả, trừ khi bạn chắc chắn là khi nói bạn có thể tốt hơn sự im lặng.”

     “Nói nhiều là gốc của sự nguy hiểm

     Nhờ im lặng ta có thể tránh được những bất hạnh

     Con vẹt nói được nên bị nhốt trong lồng

    Trong khi những con chim không biết nói lại bay lượn tự do.

    “Người ta không trở nên khôn ngoan bằng cách nói nhiều (Pháp Cú.258); người ta cũng không giỏi trong giáo pháp vì nói nhiều.” (Pháp Cú.259) Và sợ rằng mọi người sẽ hiểu lầm sự im lặng của muni, bậc Năng Nhân Tịch Mặc, Đức Phật cũng dạy: “Im lặng không biến kẻ rồ dại thành một nhà hiền triết được.” (Pháp Cú.268)

    Để kết luận, chúng ta hãy nghe bài pháp về “Thiện ngữ” (Subhàsita-sutta) sau đây:

    “Lời nói thiện lành:

    1. Nói lời cao quý thích hợp;

    2. Nói Chánh pháp, không nói phi pháp:

    3. Nói điều hoan hỷ, không nói điều làm mất lòng

    4. Nói điều chân thật, không nói điều dối trá.

    Không nói lời làm cho ăn năn hối hận hay làm tổn thương người. Đó quả là thiện ngữ.

    Sự thật là lời nói bất tử, đó là quy luật ngàn xưa.

    Các bậc thánh triết an trú trong sự thật, hạnh phúc và Giáo pháp.

    Lời Phật dạy về hoà bình dẫn đến Niết-bàn,

    Đến sự chấm dứt đau khổ. Những lời dạy như thế quả là thiện lành”.

 

***

 


(1). Ngay cả ở Ấn Độ ngày nay, chúng ta vẫn còn thấy có người theo pháp tu tập không ích lợi này để tịnh hóa tâm .        

(2). Sàmanara: một Sa-di là một người đã bước vào Tăng đoàn nhưng chưa phải là Tỳ-kheo, đã thọ giới đầy đủ, phải giữ giới căn bản (patimokkha) là 220 (227) giới. Xem Vin. Suttavibhanga, do I.B.Horner, phần 1,2,3. Một Sa-di cũng không phải tuân thủ vassa, giới an cư 3 tháng hạ từ tháng 7 đến tháng 10 như một Tỳ-kheo. Một Sa-di được thọ giới Tỳ-kheo khi tròn đủ 20 tuổi. Nhưng tuổi tác cũng chưa đủ, nếu không có trí tuệ, không học được pháp và luật để sống đúng giới luật một vị Tỳ-kheo,v.v... thì cũng không được thọ.            

(3). Tuy nhiên, giới thứ 3 được đổi thành: “Tôi xin thọ trì giới không được tà dâm.”(abrahmarcariya).

(4). Karma, theo bản chú giải ở đây nghiệp là Tư tâm sở hay ý hành đưa đến Đạo.             

(5). Vijja là Đạo Tuệ.           

(6). Theo chú giải ở đây chỉ cho Định (Samàdhi).

 
00:00