Chương X: HÀNH ĐỘNG CHÂN CHÁNH

(Chánh Nghiệp: Sammà-Kammantà)

    Hành Động Chân Chánh (HĐCC) là yếu tố thứ hai trong nhóm Giới thuộc giáo lý đạo Phật. Đó là sự tránh không làm ba nghiệp ác: sát sinh, trộm cắp, tà dâm. Như chúng ta đã thảo luận trong chương trước, tránh sát sinh là khắc sâu tâm từ bi đối với mọi chúng sanh; không trộm cắp là chỉ lấy những gì người khác cho và không tà dâm là sống đời trong sạch và mộc mạc. Như vậy, đây là điều thứ ba trong năm giới căn bản, còn hai giới khác không được phạm là nói dối và uống rượu. Không cần đến kiến thức khoa học nhiều, người ta cũng hiểu được rằng trong khi đưa vào khuôn khổ tính cách của cá nhân người giữ giới, sự tu tập những giới căn bản làm tăng thêm sự hoà hợp và mối quan hệ chính đáng giữa mình và người. Bằng cách xử sự đạo đức, người ta đem đến cho kẻ khác sự vô uý, an lạc và hoà bình. Mọi giới luật, tức đời sống thiện lành đều được thành lập trên lòng thương yêu và từ bi, mettakarunà, mà chúng ta đã thảo luận chi tiết trong chương nói về Suy Nghĩ Chân Chánh. Một người không có hai phẩm chất quan trọng này thật sự không thể được gọi là người đạo đức. Những hành vi thuộc thân và khẩu không thấm đượm tình thương yêu và từ bi thì không thể được xem như tốt đẹp và thiện lành. Chắc chắn là người ta không thể sát sanh, trộm cắp, v.v... với tư tưởng yêu thương và ý thức tốt đẹp, mà khi làm như vậy người đó bị lôi kéo bởi những tư tưởng độc ác, tham lam và ngu dốt.

     Người ta cần phải tu tập một phương pháp nào đó thuộc giới luật tinh thần, bởi vì cái tâm không được điều phục luôn luôn tự tha thứ cho mình khi phạm vào điều xấu ác trong lời nói và việc làm. “Khi tư tưởng không được phòng hộ, hành động thân, khẩu, ý cũng không được phòng hộ.”(Tăng Chi Bộ Kinh.i. 261)

    Đức Phật dạy:

    “Kẻ ngu hay người trí được nhận biết qua những hành động của họ. Tri thức được làm cho sáng tỏ bằng giới luật.”

    “Một người có ba tính chất sau đây bị coi là một người ngu, đó là: hành vi sai trái của thân, nói lời sai trái và ý nghĩ sai trái”.

    “Một người có ba tính chất sau đây được gọi là một người trí, đó là hành vi chân chính, lời nói chân chính, và tư duy chân chính”.

    “Này các thầy Tỳ-kheo, như thế các thầy nên tu tập như vầy: chúng tôi sẽ sống buông bỏ ba điều làm cho con người thành điên rồ và sẽ tu tập ba điều làm cho con người thành bậc thánh triết. Này các Tỳ-kheo, các thầy nên tu tập như thế.” (Tăng Chi Bộ Kinh.i.102)

    Cách xử sự tạo nên nhân cách con người. Không ai có thể ban tặng món quà tốt đẹp này cho một người khác. Mỗi người phải xây dựng nó bằng tư tưởng, sự suy nghĩ, quán chiếu, tinh tấn, chánh niệm và định tâm. Giống như để thành thục một môn nghệ thuật, người ta phải lao động cực khổ, để thành tựu nghệ thuật xử thế cao cả đưa đến một tính cách thiện lành mạnh mẽ, người ta phải tinh cần và tỉnh giác. Như William Hawes đã nói: “Một tính cách tốt đẹp trong mọi trường hợp đều là kết quả của sự hành xử của mỗi cá nhân. Nó không phải được truyền thừa từ cha mẹ, không phải được tạo ra bởi những sự thuận lợi bên ngoài, không nhất thiết phải là tự nhiên do sanh ra, do sự giàu có, tài năng hay gia thế, mà nó là kết quả từ những nỗ lực riêng của con người. Nếu chúng ta muốn đạt được một tính cách thật sự chúng ta phải nhớ những lời cảnh tỉnh của Đức Phật về sự lơi lỏng và mộng tưởng hão huyền: “Hãy tỉnh giác, hãy luôn luôn chánh niệm.” (Trường Bộ Kinh.ii.120).

    Trong việc trau dồi tính cách, điều cần thiết trước hết là tu tập sự tiết độ (Samyama). Quả vậy, nếu một người buông thả đối với dục lạc thì sự cư xử và tính cách tốt đẹp của người đó sẽ sụp đổ hết. Về điểm này tất cả các giáo chủ và các ngành tâm lý học đều đồng ý. Những người nào say sưa với lạc thú và bị dẫn dắt bởi sự thúc giục hưởng thụ thì không thể được giáo hoá đúng đắn cho đến khi nào họ học được cách kiểm soát tâm.

    Sự tiết chế đến từ sự quán chiếu về giới và những lợi lạc của nó. Người trẻ tuổi đặc biệt nên phát triển lòng yêu thích giới vì nó nuôi dưỡng đời sống tâm linh. Một tâm thức không tiết chế tự tiêu tán trong hoạt động phù phiếm. Nhân cách là cái chúng ta phải xây dựng, phải trau dồi với sự quyết tâm tha thiết.

    Tuy nhiên, giới không có nghĩa là lời răn. Đức Phật không phải là nhà làm luật độc đoán. Không có sự cưỡng bách hay bắt buộc trong đạo Phật, cư sĩ tại gia hay tu sĩ chấp nhận giới luật do tự nguyện.

    Cách Đức Phật huấn dục hàng đệ tử của Ngài trong bài pháp thoại sau đây thật là lý thú. Kesi là người luyện ngựa, một ngày kia đến thăm Đức Thế Tôn, và được Ngài hỏi:

    - Này Kesi, ông là một người được huấn luyện để trở thành người luyện tập ngựa. Làm cách nào mà ông luyện tập cho một con ngựa trở nên thuần thục?

    - Bạch Thế Tôn, con luyện ngựa cho thuần bằng những cách mềm mỏng, có khi cứng rắn, và có khi cũng bằng cả hai cách đó.

    - Này Kesi, giả dụ có một con ngựa phải được thuần hoá mà nó lại không chịu khuất phục dưới sự huấn luyện của ông, vậy thì ông phải làm sao?

    - Bạch Thế Tôn, trong trường hợp đó, con giết nó. Vì sao? Vì con sợ rằng nó mang sự bất tín đến cho nhóm người của thầy con. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn là một người huấn luyện người có một không hai, làm thế nào Thế Tôn thuần hoá được họ?

    - Này Kesi, ta cũng huấn luyện cho con người trở nên thuần thục bằng những cách mềm mỏng và cứng rắn, có khi cũng bằng cả hai cách đó. Này Kesi, cách mềm mỏng là ta nói: Đây là thiện giới nơi thân; đây là kết quả của thiện giới nơi thân. Đây là thiện giới nơi khẩu, đây là kết quả của thiện giới nơi khẩu. Đây là thiện giới nơi ý, đây là kết quả của thiện giới nơi ý. Đây là chư Thiên và đây là con người.

    Và này Kesi, cách cứng rắn là ta nói: Như vầy là hành vi xấu ác của thân, như vầy là kết quả hành vi xấu ác của thân; như vầy là lời nói xấu ác của khẩu, như vầy là kết quả lời nói xấu ác của khẩu. Như vầy là hành vi xấu ác của ý, như vầy là kết quả hành vi xấu ác của ý. Như vầy là địa ngục, như vầy là cõi súc sinh, như vầy là cõi ngạ quỷ.

    Và này Kesi, đây là cách vừa mềm mỏng vừa cứng rắn:...(như trên)...

    - Bạch Thế Tôn, giả sử như người đó không khuất phục trước cách huấn luyện của Ngài thì Ngài phải làm sao với họ?

    - Này Kesi, trong trường hợp đó ta giết họ.

    - Nhưng chắc chắn là Đức Thế Tôn không bao giờ tước đi mạng sống của ai, thế sao Thế Tôn nói “ta giết họ”?

    - Này Kesi, đúng là Như Lai không bao giờ tước đi mạng sống của ai cả; tuy nhiên, nếu con người không khuất phục sự huấn luyện bằng cách mềm mỏng, bằng cách cứng rắn hay bằng cả hai cách, thì Như Lai nghĩ rằng người đó không cần nói đến hay khuyên răn bởi những tu sĩ khôn ngoan nữa. Này Kesi, trong giới luật cao thượng, giết một người nghĩa là khi cả Như Lai và những tu sĩ đồng tu với họ cho rằng họ không đáng để nói đến và khuyên răn.”  (Tăng Chi Bộ Kinh.ii.111)

    Đoạn đối thoại này cho ta thấy rõ ràng là Đức Phật không tin vào sự áp đặt lời răn bảo đối với tín đồ của Ngài, nhưng vì là một bậc thầy từ bi Ngài chỉ cho họ thấy sự đúng và sai cùng những hậu quả của nó.

    Ta nói: “Này các thầy Tỳ-kheo, hãy từ bỏ điều xấu ác.” Điều xấu ác có thể xa lìa được. Nếu không thể xa lìa sự xấu ác thì ta đã không nói như vậy. Vì có thể xa lìa sự xấu ác nên ta nói với các thầy là “này các thầy Tỳ-kheo, các thầy hãy từ bỏ điều xấu ác.

    Nếu việc từ bỏ những điều xấu ác dẫn đến mất mát và đau khổ thì ta đã không nói hãy từ bỏ nó.

    Này các thầy Tỳ-kheo, hãy tu tập điều thiện lành. Điều thiện lành có thể tu tập được. Nếu không thể tu tập được thì ta đã không nói như vậy. Vì có thể tu tập được nên ta nói các ông hãy tu tập điều thiện lành.

    Nếu sự tu tập điều thiện lành dẫn đến mất mát và đau khổ thì ta đã không bảo các ông hãy tu tập nó. Nhưng vì nó dẫn đến an lạc và hạnh phúc do đó ta nói các thầy hãy tu tập điều thiện lành. (Tương Ưng Bộ Kinh.i.127)

    Việc còn lại là mỗi cá nhân cần phải nỗ lực tinh tấn để chuyển thành hành động các giới đã thọ một cách tự nguyện. Giới luật và gương mẫu mà người khác đưa đến để điều hướng và hỗ trợ cho sự tu tập của chúng ta cũng chỉ là vô ích nếu chúng ta lơi lỏng, biếng nhác.

                   “Gieo nhân nào sẽ gặt quả nấy,

                   Làm điều lành sẽ gặt quả lành,

                   Làm điều ác sẽ gặt quả ác.

                   Hạt mầm được gieo trồng tốt

                   Ta sẽ hưởng được quả tốt.

                               (Tương Ưng Bộ Kinh.i.227)

    1. Giới thứ nhất không được sát sanh và mở rộng lòng từ bi đến mọi loài chúng sinh không có một giới hạn nào. “Mọi loài chúng sinh” trong đạo Phật có nghĩa là mọi loài sinh vật, tất cả các loài có hơi thở. Một điều được công nhận là tất cả mọi loài sinh vật, dù người hay thú, đều tham sinh úy tử. Vì đời sống đáng quý đối với mọi loài nên tất cả đều có mục đích duy trì và kéo dài sự sống, không để sự sống bị xâm hại. Điều này áp dụng cho cả những sinh vật nhỏ nhất có ý thức sống. Người ta nói: “Bất kỳ ai tìm kiếm hạnh phúc mà quấy rối sự khát khao hạnh phúc của người khác sẽ không được hạnh phúc trong kiếp sau.

     Hạnh phúc của mọi loài tuỳ thuộc vào đời sống hiện tại của họ. Do đó tước đoạt của họ cái đem đến cho họ mọi an lành là độc ác và cực kỳ vô lương tâm. Cho nên không có gì đáng ngạc nhiên khi người nào muốn sát hại kẻ khác sẽ nhận lấy hận thù và ác ý của những người mà họ tìm cách sát hại?

                   “Hình phạt ai cũng sợ. 

                   Sinh mệnh ai cũng tiếc

                   Lấy ta suy ra người

                   Chớ giết chớ bảo giết.

                                        (Pháp Cú.130) 

                   “Vì tôi cũng như họ,

                   Vì họ cũng như tôi;

                   Lấy ta suy ra người

                   Không giết không bảo giết.

                                        (Tương Ưng Bộ Kinh. n.702)

    Không làm hại và giết chóc kẻ khác là tiêu chí của người theo Phật và của tất cả mọi người có lương tâm. Những người phát triển thói quen độc ác đối với thú vật thì đều rất có khả năng đối xử tàn ác với loài người khi họ có cơ hội. Khi một tư tưởng ác phát triển dần thành một ám ảnh nó có thể dẫn đến sự ác tâm. Như Kinh Phật đã chỉ rõ: “Những kẻ nào sát sanh thường chịu đau khổ trong đời này và có thể đi đến một kết thúc tàn khốc. Qua kiếp sau cái nghiệp của những hành động tàn nhẫn của họ sẽ buộc họ nhiều kiếp trong tình trạng thống khổ. Nếu những người sát sanh đó được sinh ra trong những gia đình giàu có với sắc đẹp, sức mạnh và những cái hạnh phúc về thân (y báo trang nghiêm) thì nghiệp của họ cũng sẽ bám sát theo làm cho mạng sống họ sớm kết thúc.

    Ngược lại, “những người nào tỏ lòng thương đối với những người khác và không sát hại, sẽ được sanh vào đời sống tốt đẹp và nếu được sanh làm người, họ sẽ có sức khỏe, sắc đẹp, giàu có, có ảnh hưởng, thông minh, v.v...” (Tăng Chi Bộ Kinh.iii.40; Trung Bộ Kinh. 135)

    Đạo lý nghiệp báo là một trong những giáo lý chính trong đạo Phật. Nghiệp chính là những hành động có cố ý của chúng ta. Nếu người ta hiểu sự vận hành của nghiệp và kết quả của những hành động có tác ý thì người ta không bị cám dỗ vào những hành động xấu ác bất thiện, những hành động này trở lại ngủ ngầm trong ta để cho “đau khổ theo sau như bánh xe đi theo chân con bò”.

    Vâng, thế giới này dường như là không được hoàn hảo và bất công. Hãy để qua một bên thế giới loài vật, trong loài người chúng ta có người sinh ra trong khốn khổ, chìm đắm trong đau thương và cực kỳ bất hạnh; những người khác lại được sinh ra trong tình trạng thừa thãi hạnh phúc, sống cuộc đời xa hoa và không biết gì về nỗi thống khổ của thế gian. Lại nữa, một ít người được ban cho trí tuệ sắc bén và khả năng tâm linh lớn lao trong khi nhiều người bị trói chặt trong vô minh.

    Làm thế nào mà trong số chúng ta có người lại được ban cho hạnh phúc với sức khỏe, sắc đẹp, bạn bè, trong khi những người khác thì yếu ớt đáng thương, nghèo túng và cô đơn? Làm thế nào mà có người lại được sinh ra để hưởng cuộc sống lâu dài trong khi những người khác qua đời đang độ tuổi hoa niên? Tại sao có người được phước, có ảnh hưởng, danh vọng và được mọi người tôn vinh, trong khi những kẻ khác thì hoàn toàn bị lơ là? Đây là những vấn đề phức tạp, đòi hỏi phải có một giải đáp.

    Nếu điều tra, chúng ta sẽ thấy rằng những khác nhau rộng lớn này không phải là do một lực bên ngoài hay một siêu nhân nào, mà là do những hành động và phản ứng của chúng ta, chúng ta chịu trách nhiệm về những hành động của chính mình dù tốt hay xấu. Chúng ta tạo ra nghiệp (karma) cho chúng ta.

    Như thế bổn phận cần thiết của tất cả mọi người hiểu biết là dừng lại việc làm tổn thương và gây thiệt hại cho kẻ khác và tu tập một trái tim đầy thương yêu và lòng nhân từ vô biên. Sát sinh tức là sát hại dù được thực hiện cho bất kỳ mục đích nào, cho thể thao, cho lương thực hay cho sức khỏe trong trường hợp sát hại côn trùng. Thật là vô ích khi cố tự bào chữa bằng cách nói: “Tôi làm như thế vì lý do này lý do kia.” Tốt hơn nên nói thẳng, nói thật. Nếu chúng ta giết hại thì chúng ta phải đủ thẳng thắn để chấp nhận và xem nó là một điều bất thiện.

    Về vấn đề chủ trương ăn chay gây ra nhiều tranh luận, sự ăn thịt không bị cấm đoán trong đạo Phật. Nếu chúng ta không hề thấy, nghe, hay nghi ngờ rằng một con vật bị giết để cho chúng ta ăn thì thịt đó được chấp nhận, còn ngược lại thì không được. Không có một điều luật hay huấn thị nào trong giáo lý Đức Phật nói rằng một người Phật tử phải sống hoàn toàn hay chính yếu nhờ vào thực vật. Ăn thịt hay không ăn thịt hoàn toàn là vấn đề cá nhân, tuy nhiên những người tiêu thụ trứng có mầm sống là phá giới cấm sát sinh.

    2. Thọ trì giới thứ hai theo HĐCC (hay Chánh nghiệp) là không trộm cắp và sống một đời lương thiện, chỉ lấy vật gì mình có quyền lấy. Lấy vật của người khác thì không nghiêm trọng như tước đi mạng sống của họ, nhưng nó vẫn là một trọng tội bởi vì nó tước đoạt hạnh phúc của người khác. Vì không ai muốn bị cướp giật, cho nên chẳng có gì khó hiểu khi nói lấy vật của người khác là sai trái. Ý tưởng thúc đẩy một người trộm cắp không thể là tốt hay thiện; sự trộm cắp dẫn đến bạo hành và cả việc giết người.

    Những người buôn bán, thương mại dễ xâm phạm giới trộm cắp vì thường những hình thức gian lận và bất lương đều rơi vào giới thứ hai này. Một người có thể dùng cả ngòi bút và miệng lưỡi của họ với ý đồ trộm cắp. Trong một xã hội sẽ không có an lạc và hạnh phúc khi người ta luôn luôn tìm cách lường gạt và cướp giật người xung quanh.

    Đôi khi người ta nghĩ là sự nghèo khó đưa đến trộm cắp. Điều đó có phần nào đúng, nhưng nếu con người biếng nhác, chây lười hay nếu họ không sử dụng được tài năng của họ, họ cũng sẽ trở nên nghèo nàn; thế là họ cố cướp giật của người giàu có, trong khi những người khác có thể coi việc ăn trộm là một phương tiện dễ dàng để sống một đời sung sướng, và do vậy mà tội ác gia tăng.

    Trộm cắp có thể có nhiều hình thức. Chẳng hạn, nếu một nhân viên bê trễ hay làm việc không tốt mà vẫn lãnh lương đủ thì anh ta thật sự là một tên trộm, vì anh ta nhận tiền mà không phải do anh ta kiếm được. Cũng vậy, khi một người chủ không trả lương thích đáng cho người làm công thì anh ta cũng là một kẻ trộm cắp của người khác. Dó đó, Carlyle đã nói: “Hãy tự làm cho mình thành kẻ lương thiện, thì bạn mới có thể chắc chắn rằng trong thế giới này còn có một người ít bất lương.

    3. Giới cuối cùng trong HĐCC là không tà hạnh. Ở đây việc tự kiểm soát mình cần thiết hơn là những bài giảng pháp và kinh sách về đề tài này. Trong chương nói về Suy Nghĩ Chân Chánh chúng ta đã thảo luận chi tiết việc buông lung giác quan khi liên hệ đến việc xả ly.

    Ở đây chúng ta sẽ cố gắng tìm hiểu vắn tắt theo đạo Phật, tà hạnh là gì. Trước hết hãy lắng nghe bài pháp mở đầu của Tăng Chi Bộ Kinh (Anguttara Nikàya), một bộ sưu tập gốc bằng tiếng Pàli:

    “Này các thầy Tỳ-kheo, ta biết không có một sắc tướng nào lôi cuốn tâm người nam bằng sắc tướng của người nữ. Này các thầy Tỳ-kheo, nữ sắc luôn luôn chiếm đầy tâm trí người nam”.

    “Này các thầy Tỳ-kheo, ta biết không có một thanh nào...

    Ta biết không có một hương nào...

    Ta biết không có một vị nào...

    Ta biết không có một xúc chạm nào lôi cuốn tâm của người nam như sự xúc chạm của người nữ. Thanh, hương, vị, xúc của người nữ chiếm đầy tâm trí người nam. 

    “Này các thầy Tỳ-kheo, ta biết không có sắc, thanh, hương, vị, xúc nào hấp dẫn trái tim người nữ cho bằng sắc, thanh, hương, vị, xúc của người nam. Này các thầy Tỳ-kheo, những điều này luôn luôn chiếm đầy tâm trí một người nữ.

    Đây là một bài pháp về tính dục được giải thích trong một ngôn ngữ không chút sai lầm, sự thật đó không một người nào dám phủ nhận. Vấn đề tính dục được Đức Phật mô tả là một động lực mạnh nhất trong con người. Nếu con người biến thành nô lệ cho động lực này thì ngay cả người mạnh mẽ nhất cũng có thể trở thành một kẻ yếu đuối nhất, ngay cả một vị thánh triết cũng có thể rơi từ địa vị cao cả xuống đến bậc thấp kém. Sự thúc bách của tính dục, đặc biệt là nơi người trẻ tuổi, là một ngọn lửa cần sự lèo lái cẩn thận. Nếu không biết suy nghĩ và tiết chế, có thể gây ra sự tai hại không kể hết được, “không có ngọn lửa nào như lửa tham dục.” (Pháp Cú.262) “Lửa tham dục không hề tắt mà luôn cháy bùng lên.

    Vì Đức Phật là một bậc thánh triết thực tế, Ngài không cầu mong cho các hàng đệ tử tại gia của Ngài sống đời ẩn tu khổ hạnh. Quả vậy, Ngài đã gọi họ là “những người hưởng thụ dục lạc.” (Gihi kàmabhogì) Biết rõ bản năng và lực kích động nơi con người, sự thèm thuồng, bức xúc của họ, nên bậc Đạo Sư không cấm những quan hệ tính dục đối với người tại gia như Ngài đã ngăn cấm đối với hàng tu sĩ. Nhưng Ngài cảnh cáo con người không được đi theo những cách nuông chiều sai trái sở thích tính dục. Ngài tiến xa hơn một bước và khuyên tuân thủ tám giới với sự nhấn mạnh đặc biệt vào giới thứ ba cho hàng cư sĩ trong những ngày nhập thất hay khi có dịp (Thọ bát quan trai giới).

    Nếu một người quyết định sống đời độc thân họ nên thật sự nỗ lực để được trong sạch thân, khẩu, ý. Nếu họ không đủ mạnh mẽ để sống độc thân, họ có thể kết hôn, nhưng nên tiết chế những mối quan hệ tính dục vì chúng sai lầm và có hại. Như Đức Phật đã giải thích trong bài pháp về sự “Đoạ lạc” (Pháp Cú.262):

    “Nếu một người say mê nữ sắc, nghiện rượu, cờ bạc, và tiêu xài phung phí tất cả những gì họ kiếm được, thì đó là một nguyên nhân của sự đoạ lạc.

    “Nếu không hài lòng với người vợ của mình, người ta lại đi cùng với những cô gái làm tiền và vợ của kẻ khác, đây là một nguyên nhân của sự đoạ lạc.

    “Tuổi trẻ đã qua mà còn đi lấy một cô gái trong tuổi đôi mươi làm vợ và không thể ngủ được vì ghen tuông, đây là một nguyên nhân của sự đoạ lạc.

    Đề cập đến phụ nữ, Đức Phật đã dạy một cách súc tích như sau: “Hành vi buông lung và phi đạo đức là sự ô nhiễm của một người phụ nữ.”(Pháp Cú.242)  “Người vợ tốt nhất là người làm vui lòng người chồng.” (Tương Ưng Bộ Kinh. p7) “Người vợ là người đồng sự cao cả.” (Tương Ưng Bộ Kinh. i.37). Goldsmith viết: “Người vợ hoàn hảo là người có thể phục vụ cho cuộc sống nhiều hơn là những triết gia bị phụ nữ cai quản, những nữ anh hùng quát tháo ầm ĩ, hay những bà hoàng lăng loàn. Người phụ nữ nào làm cho chồng con họ hạnh phúc là một nhân vật vĩ đại hơn các mệnh phụ được mô tả trong tiểu thuyết mà toàn bộ mối quan tâm của họ là ám sát loài người với những thủ đoạn quỷ quyệt.

    Về giới luật thứ ba, Tỳ-kheo Sìlàcara (ông Mc Kechnie) đã viết:

    “Ở mỗi sát na, chính tâm chúng ta đã làm cho chúng ta trở thành con người như hiện tại. Và trong vấn đề tính dục, tâm đóng một vai trò rất quan trọng; quả vậy, chúng ta có thể nói rằng nếu tâm chúng ta hoàn toàn chịu sự kiểm soát của chúng ta ngay mỗi giây phút hiện tại thì sẽ ít cần hoặc không cần sự cảnh giác ở nơi nào khác.

    “Nếu nhìn xung quanh chúng ta có thể thấy sự bỏ qua việc kiểm soát tâm trong vấn đề tính dục đã mang loài người đi về đâu. Hãy xem xét các thú vật thấp kém, như chúng ta thích gọi chúng như vậy, và cử chỉ gợi dục của chúng. Giữa người và thú vật, đằng nào thật sự thấp kém hơn? Đằng nào hành động theo cách bình thường về vấn đề hành vi tính dục, và đằng nào đi vào mọi cách bất thường và hư đốn? Ở đây chính loài thú lại là sinh vật cao cấp hơn, và con người lại là loài thấp kém hơn. Tại sao như vậy? Đơn giản là vì con người có khả năng tâm linh nếu được sử dụng chính đáng có thể khiến họ làm chủ được sự kích động tính dục của họ, đằng này họ đã thật sự sử dụng năng lực tâm linh vào sự tham dục đáng trách để tự làm nô lệ cho những sự kích động đó hơn là loài thú.

    Sự giải thích của Đức Phật về giới thứ ba trong bài pháp thứ 41 của Trung Bộ Kinh (Majjhima Nikàya) và ở nơi khác rất thú vị và quan trọng. Bài pháp này đề cập đến tất cả mười thiện nghiệp và bất thiện nghiệp. Dưới đây là một bài dịch khá cô đọng bài pháp đó.

    Để trả lời cho câu hỏi của những gia chủ Bà-la-môn ở Sàla là tại sao có những người sau khi chết bị sanh vào tình trạng đời sống xấu ác và có những người khác được ở trong tình trạng tốt đẹp, bậc Đạo Sư đã dạy: “Này các gia chủ, có những người sau khi chết đi vào tình trạng thống khổ vì do họ đã không sống theo Chánh pháp, một đời sống đúng đắn và nhu hoà.

    Bấy giờ những người Bà-la-môn không hiểu hết điều Đức Phật dạy và xin Ngài giải thích chi tiết hơn, bậc Đạo Sư trả lời:

    “Này các gia chủ, có những người độc ác và vô ơn đối với loài người. Có người lấy cái mà người khác không cho. Có người lạm dụng những dục lạc đã có những quan hệ tình dục với những người (nữ đồng trinh) còn chịu sự bảo hộ của một bà mẹ, một người cha, hay cả cha mẹ, một người anh, người chị hay họ hàng, lạm dụng với những người có chồng, với những người mà mục đích của họ đáng trừng phạt và ngay cả với những người đã đính hôn.

    “Này các gia chủ, đó là sự phạm giới thứ ba, sự không chánh đáng và không nhu hoà đối với thân.

    Đức Phật tiếp tục mô tả sự thực hành việc phạm giới thứ tư về khẩu, đó là nói dối, nói lời vu khống, nói lời thô ác, và chuyện phiếm. Ngài dạy:

    Này các gia chủ, có người tham lam, họ thèm thuồng tài sản của người khác và nghĩ rằng: “Ồ, cái gì thuộc về người khác cũng có thể là của mình;” có người thì ác ý và tâm ô nhiễm nghĩ rằng: “Hãy giết những người này, hãy tàn sát họ, thủ tiêu hay tiêu diệt họ, đừng để cho họ sống.” Có người có tà kiến, có cái nhìn lầm lạc và nghĩ: “Không có kết quả từ những món quà tặng và dâng cúng; không có kết quả từ những việc làm thiện hay bất thiện; không có thế giới này, cũng không có thế giới bên kia (đối với những người ở thế giới bên kia thì không có thế giới này; đối với những người ở thế giới này thì không có thế giới bên kia.); không có kết quả nào từ hành vi thiện hay ác đối với mẹ cha; không có những người tự nhiên sanh ra (điều này phủ nhận sự hiện hữu của chư thiên); không có những ẩn sĩ và Phạm Thiên có đạo đức tốt, sống chính đáng, tuyên bố thế giới này, thế giới bên kia, và đã chứng được tri thức siêu việt (điều này phủ nhận sự hiện hữu của chư Phật toàn trí). Này các gia chủ, đó là sự phạm giới thứ ba, sự không chánh đáng và không nhu hoà về mặt tư duy.

    Đức Phật còn tiếp tục giải thích ba sự tu tập, về giáo pháp, sự chánh đáng và sự hoà hợp đối với thân, khẩu, ý – trái ngược lại với tất cả những điều đã được đề cập ở trên.

    Phải nhớ rằng Đức Phật với tư cách là một vị đạo sư, đã chỉ ra cho xã hội Ấn thời bấy giờ con đường chánh đáng và không sai lầm trong đạo đức luân lý, những hậu quả xấu ác của hành vi cử chỉ vô luân, buông thả, nhưng Ngài không bao giờ can thiệp vào những vấn đề tính dục, cũng không xen vào những định chế hay chính sách bởi vì những điều này là thuộc về chính phủ. Tuy nhiên, trong cương vị của Ngài, nghĩa là trong công cuộc Tuyên giáo, thái độ của Đức Phật khác hẳn, có khi Ngài khắt khe với các đệ tử. Với tư cách là người dẫn đường và là vị thầy, Ngài thường khuyên những thành viên trong giáo hội sống tốt đẹp, nhìn thấy những lỗi nhỏ nhất cũng phải lấy làm sợ, và tề chỉnh, trầm lặng, khiêm hạ, khiến cho người bị phiền lòng có thể vui lên, và hạnh phúc của những người đã hài lòng còn có thể tăng thêm.

    Đức Phật đặc biệt khuyên nhủ đối với những người theo Ngài và gia nhập Giáo đoàn để sống đời tu sĩ khổ hạnh. Đối với các thầy Tỳ-kheo, những mối quan hệ tính dục mọi loại đều bị cấm đoán, với lý do đức hạnh. Nhưng một tu sĩ có tự do cởi y áo và quay trở về đời sống cư sĩ nếu họ bị nhiều thử thách trong đời sống và họ nhận thấy khó vui thú trong việc xuất gia. Trong những trường hợp đó, bậc Đạo Sư cho lời khuyên bảo và giải thích mọi điều như một người cha trìu mến, nhưng không bao giờ bắt buộc tín đồ mình sống đời ẩn cư khổ hạnh ngược với những mong muốn của họ, bởi vì đây là những vấn đề tâm lý và phải được đối xử như vậy. Một trong những điều lợi lạc có được do thiền định và những sự tu tập khác mà Đức Phật đã đề ra cho các thành viên Giáo đoàn, là có mục đích thăng hoa-loại trừ những tình trạng bệnh lý học có thể nổi lên do việc đè nén sự buông lung các căn.

    Hai câu thơ trong Pháp Cú (Dhammapada. 246, 247) liệt kê những giới tu tập một cách ngắn gọn làm rõ cái hậu quả xấu ác của sự phạm giới:

                   “Ở đời ai sát sanh,

                   Láo toét không chân thật

                   Lừa đảo trộm tài vật

                   Gian díu vợ người ta.

                   “Say sưa đến sa đà

                   Nghiện ngập suốt ngày tháng

                   Hạng người ấy chẳng quản

                   Bứng gốc mình đời nay.

    Trong chương này và chương trước, chúng ta đã thảo luận chi tiết năm giới luật, đạo đức tối thiểu bắt buộc để một người tại gia trở thành Phật tử bằng việc quy y Phật Pháp Tăng. Kết luận lại, chúng ta có thể đề cập một cách vắn tắt lời khuyên của Đức Phật với La-hầu-la, vị sa-di và là con trai của Ngài:

    - Này La-hầu-la, con nghĩ gì về mục đích của chiếc gương?

    - Bạch Thế Tôn, nó dùng để soi.

    - Này La-hầu-la, cũng thế, sau khi đã soi xét kỹ lưỡng người ta mới làm những hành động về thân khẩu ý.

    Rồi Đức Phật dạy rằng, nếu khi soi xét như vậy người ta nhận ra một hành vi về thân có khuynh hướng làm hại mình, hại người thì đó là hành động bất thiện và gây ra đau khổ, và không nên làm. Nếu khi soi xét như thế người ta nhận ra một hành vi thuộc thân không có khuynh hướng làm tổn hại mình hay người, thì nó là hành vi thiện lành đưa đến hạnh phúc, và nên làm. Đối với hành vi thuộc thân và ý cũng vậy.

    Sau đó, bậc Đạo Sư dạy:

    Này La-hầu-la, bất kỳ ai ở trong quá khứ xa xôi –là Sa-môn hay Bà-la-môn –tịnh hóa những hành vi thân khẩu ý –họ đều làm như thế sau khi soi xét nhiều lần. Bất kỳ ai, trong tương lai xa xôi –hoặc là Sa-môn hay Bà-la-môn –sẽ tịnh hoá những hành vi thân khẩu ý –họ đều làm như thế sau khi đã soi xét nhiều lần. Và bất kỳ ai, trong hiện tại Sa-môn hay Bà-la-môn–tịnh hoá những hành vi thân khẩu ý –họ cũng đều làm như vậy sau khi soi xét kỹ lưỡng.

    Này La-hầu-la, vậy con phải tu tập như thế này: “chúng ta sẽ tịnh hoá hành vi thuộc thân sau khi đã suy đi nghĩ lại; chúng ta sẽ tịnh hoá hành vi thuộc khẩu sau khi suy nghĩ kỹ; chúng ta sẽ tịnh hoá hành vi thuộc tâm sau khi đã suy nghĩ kỹ.” Này La-hầu-la, con phải tu tập như vậy. (Trung Bộ Kinh.61)

    Một độc giả cẩn thận khi đọc đoạn văn rút gọn của bài pháp này sẽ hiểu cách mà Đức Phật đưa ra sự quan trọng của các hành vi của con người, tức là nghiệp theo nghĩa tuyệt đối là hành động có ý muốn hay tác ý (cetanà), và quan điểm của Ngài về bản thân mình và người khác. “Tôi như thế nào, người khác cũng như thế ấy” là cái tiêu chuẩn được mọi người chấp nhận trong mọi việc làm của chúng ta.

    Cái khuynh hướng đầu hàng những lạc thú, những ham muốn và nghiêng ngả rất là mạnh. Nhưng thông thường họ không suy nghĩ chín chắn trước khi hành động, cho nên kết quả không như họ mong đợi. Trong bài pháp này, sự tư duy quán chiếu, sự suy nghĩ có được do thiền định được bậc Đạo Sư nhấn mạnh. Lời khuyên cho La-hầu-la, một vị Sa-di, dù đã trải qua hai mươi lăm thế kỷ, ngày nay vẫn còn thích hợp. Không gian và thời gian không làm trở ngại đối với lời khuyên tốt khi nó bao gồm trong đó những nguyên tắc vĩnh cửu.

 

***

 
00:00