Chương XII: NỖ LỰC CHÂN CHÁNH

(Chánh Tinh Tấn: Sammà-Vàyàmà)

    Con người thời nay bị dính dấp nhiều tới sự vội vã và căng thẳng hơn trong quá khứ. Tư tưởng, lời nói và hành động của họ ít khi tỏ ra sự trầm tĩnh và an ổn. Nếu ta đứng ở một góc đường đông đảo nhộn nhịp và nhìn chăm chú nét mặt của những người đi qua vội vã một cách nóng lòng, ta sẽ nhận thấy nhiều người trong số họ không được an ổn. Họ mang trên người bầu không khí căng thẳng, xáo trộn tinh thần và không yên tĩnh. Có gì sai khi ta nói rằng sự vội vã và căng thẳng này phần lớn là do nền văn minh hiện đại hay không? Khi thế giới bên ngoài bận rộn như thế thì “thế giới nội tâm” của con người cũng có khuynh hướng bất an, do đó mất đi sự yên tĩnh và an lạc nội tâm. Họ dường như đi tìm hạnh phúc bên ngoài thay vì bên trong tâm hồn; nhưng hạnh phúc không lệ thuộc vào thế giới bên ngoài hay nền văn minh hiện đại. Song lịch sử đã luôn luôn chứng tỏ và sẽ còn tiếp tục cho thấy rằng không có gì trên thế gian này trường tồn. Các quốc gia và nền văn minh gia tăng, phát triển và tàn lụi; cũng vậy, đà chuyển biến của thời gian ghi lại hoạt cảnh lịch sử trôi qua, cái quan điểm không có căn bản và dòng trôi chảy mờ nhạt dần là lịch sử loài người. Con người đặt thế giới bên ngoài dưới ảnh hưởng của họ, trong khi khoa học và kỹ thuật dường như hứa hẹn rằng có thể biến thế giới này thành thiên đường. Nhưng người ta không thể nào kiểm soát tâm mình, họ không tốt hơn lên theo sự tiến bộ khoa học.

    Con người được sinh ra với những bức xúc làm cho họ đi chệch khỏi con đường an lạc và sự chơn chánh của họ; nền văn minh tân tiến làm kích thích cho nhiều cái xung động trong số đó trở nên mạnh mẽ. Đức Phật dạy: “Tất cả đang đốt cháy, tất cả đang ở trong ngọn lửa. Và cái gì là “tất cả,” cái gì đang ở trong ngọn lửa, cái gì đang cháy? Mắt đang cháy, các đối tượng được trông thấy đang cháy. Nhãn xúc đang cháy. Sự xúc chạm của mắt (nhãn giới) đang cháy. Cảm giác vui hay đau khổ hoặc không vui không khổ sinh khởi cùng với nhãn xúc, cũng đang cháy”.

    Chúng đang cháy với cái gì? Với lửa tham, lửa sân, lửa si. Chúng đang cháy với sanh, già, chết, với sầu bi, khổ não, đau đớn, phiền muộn và thống khổ. Cũng vậy:

                   “Tai đang cháy ...

                   Mũi đang cháy ...

                   Lưỡi đang cháy ...

                   Thân đang cháy ...”

    “Tâm đang cháy... các đối tượng của tâm (pháp trần) đang cháy. Ý thức đang cháy. Ý thức giới đang cháy. Cảm giác đang cháy ...”

    “Thấy được như thế, người trí trở nên bất động đối với mắt, với sắc trần, với nhãn thức, nhãn xúc và thọ ... Họ trở nên bất động đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý và thức; trở nên bất động với các đối tượng của tâm (pháp trần), ý thức và ý thức giới và thọ... Do bất động nên tham được tiêu trừ. Với sự tiêu trừ của tham, tâm họ trở nên giải thoát. Khi tâm giải thoát thì họ biết rõ rằng được giải thoát.” (Vinaya Mahàvagga, khandaka)

    Một ngọn lửa tiếp tục cháy chừng nào còn có nhiên liệu. Chúng ta càng cho thêm nhiên liệu vào thì nó càng cháy. Cũng như thế đối với ngọn lửa của đời sống. Chúng ta tiếp tục nuôi dưỡng các giác quan để làm thoả mãn sự thèm khát của chúng. Đúng là các giác quan của chúng ta cần thức ăn, rằng không nên để chúng đói khát, nhưng ta cần phải cho chúng thức ăn tốt và giảm thiểu sự tham đắm của mỗi căn. Nếu không như thế thì sẽ không thể nào kiểm soát được những xung đột, sẽ không có hoà hợp và an lạc trong tâm. Nếu muốn có tiến bộ tâm linh chúng ta phải tinh tấn phòng hộ tư tưởng, vì những tư tưởng xấu ác luôn luôn sẵn sàng len lỏi vào tâm và lấn át người lười biếng. Kinh Pháp Cú nói: “Người nào sống nuôi dưỡng những lạc thú, không tiết chế giác quan, không điều độ trong ăn uống, lười biếng và trì trệ – chính ma vương sẽ xô ngã họ cũng như cây yếu bị gió quằn.” (Pháp Cú.7)

    Sự kiểm soát tư tưởng và các giác quan không phải là dễ; khó mà đem tâm ra khỏi những tư tưởng bất thiện, kiểm soát những khuynh hướng xấu ác và kềm chế những thôi thúc, nhưng chúng ta phải làm điều khó khăn này nếu chúng ta muốn làm giảm thiểu sự căng thẳng và sự thèm khát nơi tâm lúc nào cũng sẵn sàng làm suy kiệt tâm thức ta cho đến khi thân tâm bị hoại diệt.

    Giống như con rùa lập tức rụt chân vào khi cảm giác có sự nguy hiểm, người khôn ngoan cũng nên cố gắng cảnh giác và kiểm soát các cửa ngõ cảm giác (các căn) và sự ưa thích tính dục.

    Nhưng làm thế nào để một người kiểm soát được những giác quan của họ? Có phải là bằng cách bịt mắt bịt tai, bằng cách không cảm nhận những đối tượng của cảm giác? Chắc chắn là không. Có một lần Đức Phật nói với một người thanh niên Bà-la-môn nọ tên Uttara, một học trò của Pàràsariya:

    - Này Uttara, có phải là Pàràsariya, người Bà-la-môn dạy các đệ tử của ông ta kiểm soát các căn không?

    - Thưa ngài Cồ-đàm hiền thiện, vị Bà-la-môn Pàràsariya dạy cho đệ tử kiểm soát các căn.

    - Nhưng bằng cách nào mà Pàràsariya, người Bà-la- môn dạy cho hàng đệ tử kiểm soát các căn?

    - Thưa ngài Cồ-đàm hiền thiện, về việc này thì mắt không nên nhìn sắc, tai không nên nghe âm thanh. Thưa ngài, vị Bà-la-môn Pàràsariya dạy cho hàng đệ tử kiểm soát các căn như thế đó.

    - Này Uttara, trong trường hợp đó, người mù và người câm hẳn là đã kiểm soát được các căn, vì mắt người mù không trông thấy sắc, tai người điếc không nghe được âm thanh.

    Người Bà-la-môn tuổi trẻ im lặng, hiểu điều đó rồi bậc Đạo Sư nói với ngài A-nan:

    “Này A-nan, người Bà-la-môn Pàràsariya dạy cho hàng đệ tử kiểm soát các căn theo cách đó; tuy nhiên trong giới luật cao cả, bằng phương cách có một không hai để kiểm soát các căn thì lại khác hẳn.

    “Này A-nan, phương cách có một không hai để kiểm soát các căn là gì? Này A-nan, ở đây đối với một Tỳ- kheo, mắt thấy sắc, sẽ sinh khởi lên sự thích hay không thích, hoặc vừa thích vừa không thích. Vị ấy hiểu như vầy: “Nơi ta đã sinh khởi sự thích và không thích, và vừa thích vừa không thích. Điều đó cũng là cái hữu vi, thô thiển và tuỳ thuộc nhân quả. Nhưng bất kỳ sự xả ly nào cũng là an lạc và cao cả.” Cho nên sự thích, không thích và vừa thích vừa không thích sinh khởi trong vị ấy đều bị dập tắt và còn lại sự xả. Cũng như một người đã mở mắt ra và phải nhắm lại, hoặc đã nhắm lại mà phải mở ra cùng một tốc độ và sự giảm thiểu như nhau thì sự thích và không thích và vừa thích vừa không thích tan biến đi, để còn lại sự xả.

    “Nghe một âm thanh bằng tai...

    Ngửi một mùi hương bằng mũi...

    Nếm một vị bằng lưỡi...

    Cảm nhận một vật có thể xúc chạm bằng thân...

    Nhận thức được đối tượng của tâm ý bằng tâm sẽ sinh khởi nơi vị ấy sự thích không thích và vừa thích vừa không thích... (giống như đoạn trên)... và còn lại sự xả ly.” (Trung Bộ Kinh.152)

    Sức mạnh của tâm gây tàn phá lớn nhất là tham ái, lòng tham lam mạnh mẽ quá đáng mãi mãi bị vô minh lôi kéo. Sự tham dục đó, sự khát khao của những người mù quáng, đã gây ra sự thù hận và tất cả những đau khổ khác. Không phải vũ khí hạt nhân, mà chính là sự tham sân si tàn phá con người. Bom đạn và vũ khí được tạo ra bởi lòng tham đó để đi chinh phục và chiếm hữu, bởi sự thù hận dẫn đến sát hại, bởi si mê dẫn đến chinh phục và huỷ hoại. Sự thèm khát danh vọng, quyền lực và sự thống trị đã đem đến bao thống khổ cho con người không nói hết được. Nếu con người không nỗ lực để kiểm soát sự ham muốn luôn luôn sẵn sàng thống trị tâm hồn họ thì họ sẽ trở thành nô lệ của tâm đó. Lúc đó họ không còn cao cả hơn loài thú, bởi vì cả hai đều ăn, ngủ và thoả mãn sở thích dục tính. Tuy nhiên, loài thú không thể tu tập tinh thần, còn con người thì có thể. Họ sở hữu những phẩm chất tiềm tàng có thể tu tập được mang đến trình độ ý thức và được dùng cho phúc lạc của chính họ và người khác. Nếu một người thiếu cái phẩm chất để kiểm soát tâm hồn, cái phẩm chất tu tập được những tư duy thiện lành và xa lánh những tư tưởng hắc ám, thì đời sống họ thiếu nỗ lực và nguồn cảm hứng. Như thế lời khuyên kiên định của Đức Phật đối với tín đồ của Ngài là cảnh giác và tỉnh thức trong việc kiểm soát những tư tưởng xấu ác và tu tập những tư tưởng lành mạnh.

    “Hãy đứng lên! Hãy ngồi lên! Hãy luyện tập mình một cách nỗ lực vì sự an định của tâm.” (Tương Ưng Bộ Kinh.n.332)

    “Này các thầy Tỳ-kheo, Giáo pháp này là để cho người có năng lực, mạnh mẽ, và vững chắc trong mục đích, chứ không phải cho người biếng nhác.” (Tăng Chi Bộ Kinh.n.234)

    “Này các thầy Tỳ-kheo, có cái gì mà người có nhiệt tâm chân thành không thể đạt được?”

    “Dù chỉ còn da, gân, xương, dù cho máu thịt trong thân khô đi, song sẽ không để cho năng lực suy giảm cho đến khi nào đạt được điều mà sức mạnh, năng lực và sự cố gắng của con người phải đạt được.”  (Trung Bộ Kinh.70)

    Đức Phật đã khích lệ hàng đệ tử Ngài hành động như thế.

    Những bài kệ của Trưởng lão Abhibhù, về sau được Đức Phật chấp nhận, đã có nhiều khích lệ và làm cho những người nỗ lực mạnh mẽ thêm lên:

    “Hãy tự vươn lên và tinh tấn.

    Hãy làm việc hết mình trong chánh pháp

    Và hãy quét sạch những ma quân

    Như voi quét sạch túp lều tranh.

    Những người ở trong GiáoPháp-Giới Luật này

    Sống trong tỉnh giác và chánh niệm

    Thoát ra khỏi sự liên tục tái sinh

    Và chấm dứt đau khổ.”  (Tương Ưng Bộ Kinh.i.157)

    Tinh tấn (Vayàma) trong đạo Phật có nghĩa là năng lượng tâm linh, chứ không phải là sức mạnh cơ bắp. Sức mạnh cơ bắp là điều thống trị nơi loài thú trong khi ở con người đó là năng lượng tâm linh, họ phải  khơi động nó lên, và phát triển cái yếu tố tâm linh này để kiểm soát những điều  bất thiện và tu tập những tư tưởng thiện. Một người theo Phật không bao giờ thôi hy vọng hay ngừng nỗ lực. Vì khi còn là một vị Bồ-tát, Đức Phật không bao giờ ngừng nỗ lực một cách quả cảm. Ngài chính là hình ảnh của năng lực. Là một người mong cầu quả vị Phật, Ngài được tiếp thêm năng lực cho nguồn cảm hứng từ những lời nói của các vị Phật trước Ngài: “Hãy nỗ lực với lòng nhiệt thành. Đừng nản chí! Hãy tiến lên!” Và với nỗ lực để đạt Giác ngộ cuối cùng, Ngài không tiếc một cố gắng nào. Với sự kiên trì quyết tâm, Ngài đã tiến lên đến mục tiêu của Ngài, sự Giác ngộ, không quan tâm đến gì, ngay cả đời sống.

    “Thật xấu hổ cho cuộc đời làm người này! Đối với ta thà chết trong trận chiến với những phiền não còn hơn là sống đầu hàng.” (Tương Ưng Bộ Kinh.n.440)

    Sự nỗ lực chân chính của Đức Phật đã đạt đến đỉnh cao của nó khi Ngài ngồi thiền định dưới cội bồ đề kết thúc bằng sự Giác ngộ viên mãn. Từ đó trở đi, như cuộc đời Ngài đã chứng tỏ rõ ràng, Ngài không bao giờ mệt mỏi về đạo đức và tinh thần. Từ giờ phút Giác ngộ cho đến khi nhập Niết-bàn, Đức Phật cố gắng không mệt mỏi để đưa con người lên cao, bất kể sự mệt mỏi về cơ thể, và quên đi những chướng ngại trên đường. Cho dù cơ thể Ngài không phải lúc nào cũng khoẻ mạnh, nhưng về mặt tâm linh Ngài luôn luôn tỉnh thức và nghiêm cẩn mạnh mẽ. Bằng Giới luật và đời sống gương mẫu, Đức Phật đã chỉ dạy cho con người  một đời sống luôn nỗ lực cố gắng.

    Trước đây chúng ta đã đưa ra đặc tính nổi bật của Đức Phật và hàng đệ tử Ngài. Bậc Đạo Sư nhấn mạnh nhiều về yếu tố thứ sáu này của đạo, đó là Nỗ Lực Chân Chánh (Chánh Tinh tấn), bởi Ngài không phải là người cứu độ chúng sinh bằng quyền năng của Ngài. Ngài không phải là một đấng cứu rỗi, và Ngài không đưa ra một bảo đảm nào là Ngài sẽ cứu con người thoát khỏi sự trói buộc của luân hồi, mà Ngài luôn luôn sẵn sàng hướng dẫn họ trên con đường tiến lên, khích lệ họ và hỗ trợ tinh thần cho họ. Cái ý tưởng một người có thể nâng một người khác từ mức độ thấp lên đến một trình độ cao hơn và cứu độ họ một cách tuyệt đối, sẽ có khuynh hướng làm cho con người trở nên yếu đuối, thụ động và ngu xuẩn. Điều đó làm hạ thấp giá trị con người và che mờ mọi sự năng động trong phong cách họ.

    Việc Đức Phật nhấn mạnh vào Nỗ Lực Chân Chánh đã giải thích bằng một ngôn ngữ không sai lầm là đạo Phật không phải là một giáo thuyết bi quan, một giáo lý dành cho kẻ có đầu óc yếu đuối nhìn sự vật từ quan điểm bất lợi nhất, mà đó chính là một tôn giáo của các chiến sĩ thật sự.

    Nỗ Lực Chân Chánh của Đức Phật đã dạy là một phương tiện để dập tắt những tư tưởng xấu ác và có hại, làm tăng cường và gìn giữ những tư tưởng thiện lành.

    Giống như một người làm nghề hàng bông phải nhổ cỏ trước khi gieo hạt, một hành giả thiền định cũng phải cố diệt hết những cỏ không cần thiết ra khỏi cánh đồng tâm thức của họ. Nếu họ không làm cỏ thì không gieo trồng cái gì thành công cả. Rồi còn phải bón phân cho cánh đồng và bảo vệ nó khỏi bị chim thú phá hoại. Cũng vậy, hành giả nên canh giữ cánh đồng tâm thức của mình và nuôi dưỡng nó một cách thích hợp.

    Nỗ Lực Chân Chánh có bốn công dụng: ngăn ngừa (Samsara), đoạn trừ (Pahàna), tu tập (Bhavàna) và hộ trì (Anurakkhana).

    1.Nỗ Lực Chân Chánh ngăn ngừa điều gì?

    Ở đây một Tỳ-kheo phát sinh ý chí ngăn ngừa sự sinh khởi những tư tưởng xấu ác, bất thiện chưa sanh. Vị ấy cố gắng phát triển năng lực và làm vững mạnh tâm trí.

    Ở đây một Tỳ-kheo thấy sắc, nghe thanh, ngửi mùi, nếm vị, cảm giác một vật xúc chạm hay nhận biết một đối tượng của tâm, không giữ lại những dấu hiệu cũng không giữ lại chi tiết nào, nghĩa là vị ấy không bị lay động bởi những nét tổng quát hay chi tiết của chúng. Bởi vì sự thèm muốn và thất vọng, những tư tưởng xấu ác và bất thiện sẽ xâm nhập vào một người có các căn không tiết độ. Vị ấy buộc mình chú ý vào sự kiểm soát như thế, phòng hộ các căn, điều phục các căn. Đây được gọi là Nỗ Lực để ngăn ngừa.

    2. Nỗ Lực Chân Chánh đoạn trừ điều gì?

    Ở đây một Tỳ-kheo phát sinh ý chí diệt trừ những tư tưởng xấu ác bất thiện đã sanh khởi. Vị ấy cố gắng, phát triển năng lực và làm cho tâm mạnh lên.

    Ở đây một Tỳ-kheo không chấp nhận dục lạc đã sinh khởi, diệt trừ, xa lánh và đẩy lùi chúng, kết liễu chúng và làm cho chúng biến mất. Vị ấy cũng làm như vậy đối với những tư tưởng sân và hại đã sinh khởi. Điều này được gọi là sự nỗ lực đoạn trừ.

   3. Nỗ Lực Chân Chánh tu tập cái gì?

    Ở đây một Tỳ-kheo phát sinh ý chí và tu tập những tư tưởng thiện chưa sanh. Vị ấy cố gắng, tu tập năng lực và làm cho tâm mạnh mẽ.

    Ở đây một Tỳ-kheo tu tập những chi phần Giác ngộ có nền tảng trên sự xả ly, trên sự vô tham, trên sự đoạn diệt kết thúc bằng sự giải thoát, nghĩa là: Niệm, Trạch Pháp, Tinh tấn, Hỷ, Khinh an, Định và Xả (Sati, dhamma-vicaya,viriya, pìti, samàdhi, upekkhà.) Điều này được gọi là tinh tấn để tu tập.

    4. Nỗ Lực Chân Chánh hộ trì điều gì?

    Ở đây một Tỳ-kheo gìn giữ một đối tượng ưa thích của thiền định... Điều này được gọi là nỗ lực để hộ trì.

   Như vậy có bốn loại nỗ lực (tinh tấn):

    “Ngăn ngừa, đoạn trừ, tu tập và hộ trì

    Đây là bốn thứ tinh tấn Đức Phật đã dạy,

    Người thân tộc của Mặt trời.

    Ở đây một Tỳ-kheo với sự tinh tấn không ngừng

    Đã đạt đến chỗ chấm dứt sự đau khổ.” (Tăng Chi Bộ Kinh.ii.15, kinh 13,14)

    Những tư tưởng bất thiện nói ở đây là căn nguyên của mọi xấu ác, đó là: những tư tưởng về tham, sân, si. Tất cả những phiền não, bất thiện khác quy tụ quanh các căn nguyên này, trong khi những tư tưởng thiện lành đối nghịch lại chúng.

    Mục đích duy nhất của bốn sự tinh tấn này là để đạt được thành quả trong thiền định. Bốn Nỗ Lực Chân Chánh (NLCC) là sự bắt buộc phải có của Định. Như chúng ta đã thấy ở trên, NLCC được gộp chung trong nhóm Định. Như thế, các loại tinh tấn có mối liên hệ hỗ tương và tuỳ thuộc lẫn nhau, chúng cùng vận hành và đồng thời với hai yếu tố khác trong nhóm, đó là Nhớ Nghĩ Chân Chánh (Chánh niệm) và Định Chân Chánh (Chánh định). Không có NLCC thì những chướng ngại (triền cái) gây khó khăn cho sự tiến bộ tâm linh không thể được vượt qua. NLCC xoá đi những tư tưởng xấu ác, không lành mạnh cản trở sự định tâm miên mật, làm tăng trưởng và duy trì những trạng thái tâm (tâm sở) lành mạnh giúp vào sự phát triển Định.

    Khi định tâm của hành giả uể oải là lúc họ phải tập trung sự can đảm, tạo nên sự nỗ lực và vượt qua sự lười biếng. Sự cứng nhắc của tâm và những trạng thái tâm là một kẻ thù nguy hiểm của thiền định vì khi tâm một người trì trệ thì sanh ra uể oải. Điều này càng làm cho tâm hờ hững lớn thêm và tạo ra sự lãnh đạm, buồn rầu.

    Đức Phật cảnh giác cá tính uỷ mị này:

                   “Khi cần không nỗ lực

                   Tuy trẻ khoẻ nhưng lười

                   Chí cùn,(1) trí thụ động

                   Ngộ đạo sao được người!” (Pháp Cú.280)

    “Này các thầy Tỳ-kheo, không có một cái gì khác có đủ năng lực ngoài sự tinh tấn để ngăn cản sự sinh khởi hôn trầm tùy miên (buồn ngủ, dã dượi, lừ đừ) chưa sanh khởi hoặc để làm cho nó buông xả nếu đã sinh khởi. Nơi người nào có sự gắng sức nỗ lực thì hôn trầm tuỳ miên không sinh khởi; hoặc nếu đã sinh khởi thì nó cũng được buông xả.” (Tăng Chi Bộ Kinh.i.4)

    Việc tu tập tâm nhờ vào bốn sự tinh tấn lớn lao này không phải là điều có thể đạt được trong một ngày; nó cần thời gian và sự thực hành luyện tâm đều đặn. Một vận động viên hay một nhà luyện tập thể hình không phải chỉ luyện tập trong một hai ngày là xong mà còn phải tiếp tục tập luyện theo chương trình của họ. Sự luyện tập đều đặn không nhất thiết phải là căng thẳng, đó chính là chìa khoá dẫn đến sự khoẻ mạnh thể chất. Nếu sự luyện tập chỉ có trong một giai đoạn bộc phát rồi thôi thì họ sẽ không bao giờ là một vận động viên giỏi được. Khi luyện tâm nên áp dụng nguyên tắc vàng giống như vậy: nỗ lực đều đặn và cố gắng kiên trì.

    Ta không cần đấu tranh với những tư tưởng xấu ác khi  tu tập tâm. Tất cả phải nên tự nhiên. Nếu cố gắng chiến đấu những tư tưởng xấu ác, chúng ta sẽ không thành công. Thật vậy, chúng ta nên để ý và ngăn ngừa tư tưởng khi chúng khởi lên, phân tích và cố gắng dừng lại sự căng thẳng. Kỹ thuật đó giống như tập bơi, nếu bạn không cử động tay chân bạn sẽ chìm, còn nếu bạn quay tít chân tay bạn chẳng bơi được. Hoặc giống như người đang ngủ-nếu bạn chiến đấu với ý tưởng ngủ thì bạn sẽ không bao giờ ngủ được; nó chỉ là sự dày vò tinh thần của bạn. Bạn không được làm một chút cố gắng nào để ngủ. Giấc ngủ sẽ đến một cách tự nhiên, và chỉ nên thư giãn mọi bắp thịt căng thẳng.

    Một lần nữa, sự tự hành hạ mình (khổ hạnh) là một trong hai cực đoan mà Đức Phật muốn một hành giả tránh xa vì chẳng lợi lạc gì. Thật vô ích khi bắt ép thân thể ngừng khởi những tư tưởng xấu ác, vì sự dày vò như thế thường chấm dứt trong sự tức giận và thất vọng. Khi tâm bị làm hỏng như thế sẽ đưa đến sự hờ hững chai lì đối với thiền định. Mọi sự luyện tập tâm phải tự nhiên và được thực hiện với sự hiểu biết tỉnh thức. “Nhiệt tình mà không thận trọng giống như người chạy trong đêm tối.

    Đức Phật đã chỉ ra các cực đoan mà người mong cầu giải thoát nhờ vào sự chứng ngộ phải tránh trong mọi trường hợp. Vậy nên họ phải đi theo Trung đạo. Trong việc thực tập Nỗ Lực Chân Chánh (NLCC) cũng vậy, ta phải theo con đường chiết trung đó. Ví dụ, một người đi ngựa canh chừng vận tốc của con ngựa cởi và bất kỳ khi nào nó đi nhanh hơn ý muốn anh ta thì anh ta giật cương nó lại. Trái lại, hễ khi con ngựa có dấu hiệu đi chậm thì anh ta thúc vào nó và giữ lại vận tốc quân bình. Cũng vậy, khi tu tập NLCC không nên quá sức hay căng thẳng vì dễ bị lo lắng bức xúc không yên (trạo cử) và hãy tránh trì trệ vì e rằng sẽ trở nên hôn trầm. Giống như một người cởi ngựa, nên luôn luôn quân bình. Thí dụ sau đây minh họa rõ ràng cho điều này:

    Có câu chuyện về một Tỳ-kheo, Đại đức Sona-kolivisa, nỗ lực mãnh liệt nhưng không thành công trong việc luyện tập thân tâm. Thế là ý nghĩ sau đây đến với ông khi ở một mình (độc cư): “Những đệ tử của Đức Thế Tôn sống trong nỗ lực nhiệt thành và ta là một trong những vị đó. Thế nhưng tâm trí ta không thoát khỏi sự ô nhiễm. Gia đình ta có tài sản, ta có thể hưởng sự giàu có và làm việc thiện. Nếu ta từ bỏ sự tu tập và quay trở lại đời sống vật chất thấp kém để hưởng sự giàu có và làm việc thiện thì sẽ ra sao?”

    Đức Thế Tôn đọc được ý nghĩ đó và đến gần ông hỏi:

    - Sona, có phải ông đã không nghĩ rằng... ?

    - Bạch Thế Tôn, con có nghĩ.

    - Và này Sona, ông nghĩ gì, có phải trước đây khi còn là một cư sĩ ông đã không giỏi chơi đàn sao?

    - Bạch Thế Tôn, có.

    - Và Sona, ông nghĩ gì khi những dây đàn bị quá căng, nó có còn đúng tiếng và đánh được không?

    - Bạch Thế Tôn, không.

    - Và Sona, ông nghĩ gì khi những dây đàn quá chùng, lúc đó nó có đúng tiếng và đánh được không?

    - Bạch Thế Tôn, không.

    - Này Sona, nhưng khi dây đàn của ông không quá căng cũng không quá chùng, mà nó được tra ở một mức độ trung bình, lúc đó nó có đúng tiếng và đánh được không?

    - Bạch Thế Tôn, chắc chắn là được.

    - Cũng vậy, này Sona, sự cố gắng nếu quá căng thẳng sẽ dẫn đến náo động và khi quá bê trễ sẽ dẫn đến lười biếng. Này Sona, vậy hãy quyết định chắc chắn như thế này: hiểu biết tính quân bình của các căn,(2) tôi sẽ nắm bắt mục tiêu bằng sự nỗ lực đều đặn.

    - Bạch Thế Tôn, vâng.

    Đại đức Sona đi theo lời chỉ dạy của Đức Thế Tôn và đúng lúc đã đạt giác ngộ viên mãn và có tên trong số các vị A-la-hán.(3)

    Bài pháp thứ 20 trong Trung Bộ Kinh (Majjhima Nikàya) chỉ dẫn thực tế về việc làm cách nào để tránh những tư tưởng xao lãng, điều cần biết của một hành giả . Ý chính của bài này như sau: Đức Phật bảo hàng đệ tử: “Này các thầy Tỳ-kheo, vị nào muốn tăng trưởng định tâm thì thường nên quán chiếu năm định học này. Những gì là năm?

    Nếu khi quán chiếu trên một đối tượng, những tư tưởng xấu ác, bất thiện cùng với sự tham sân si khởi lên nơi một Tỳ-kheo thì vị này (để xua đuổi nó đi) nên nghĩ đến một đối tượng thiện lành khác. Lúc đó những tư tưởng xấu ác bất thiện bị loại bỏ; chúng biến mất. Do loại bỏ chúng, tâm trí trụ vững và trở nên yên tĩnh, chuyên nhất và an định (trong đề mục thiền).

    1. Giống như một thợ mộc khéo léo hay kẻ học nghề phá vỡ và thay thế cái nêm thô thiển bằng cái nêm nhỏ hơn, vị Tỳ-kheo cũng bỏ các đối tượng xấu ác bằng cách suy nghĩ đến một đối tượng khác thiện lành. Lúc đó những tư tưởng xấu ác bất thiện được kết hợp với tham sân si bị loại bỏ, chúng biến mất. Bằng cách loại bỏ chúng, tâm trí trụ vững... an định.

    2. Nếu những tư tưởng bất thiện vẫn còn khởi lên nơi một Tỳ-kheo quán chiếu đối tượng thiện lành, vị ấy nên quán sát sự bất lợi của những tư tưởng bất thiện đó như sau: “Quả thật, những tư tưởng này của mình bất thiện, đáng trách và mang đến những hậu quả đau khổ.” Thế là những tư tưởng bất thiện bị loại bỏ, chúng biến mất. Bằng cách loại bỏ chúng, tâm trí trụ vững... an định.

    3. Nếu những tư tưởng bất thiện vẫn khởi lên trong một Tỳ-kheo đã quán sát những điều bất lợi, vị ấy không nên để tâm tới và cũng không nghĩ tới những tư tưởng bất thiện đó. Lúc đó những tư tưởng bất thiện bị loại bỏ, chúng biến mất. Bằng cách loại bỏ chúng, tâm trụ vững... an định.

    4. Nếu những tư tưởng bất thiện vẫn cứ khởi lên nơi một Tỳ-kheo đã không để tâm tới và không nghĩ đến những tư tưởng bất thiện, vị ấy nên suy nghĩ về sự loại bỏ tận gốc rễ của những tư tưởng đó. Lúc đó những tư tưởng bất thiện xấu ác bị loại bỏ, chúng biến mất. Bằng cách loại bỏ chúng, tâm trụ vững... an định.

    5. Nếu những tư tưởng xấu ác vẫn cứ khởi lên trong một Tỳ-kheo đã suy nghĩ đến sự loại trừ tận gốc rễ của nó, vị ấy nên cắn chặt răng và lưỡi áp sát nóc họng, kềm chế, vượt qua và kiểm soát tâm bất thiện bằng tâm thiện. Lúc đó những tư tưởng bất thiện bị loại bỏ, chúng biến mất. Bằng cách loại bỏ chúng, tâm trụ vững... an định.

    “Nếu qua việc Tỳ-kheo suy nghĩ đến một đối tượng bất thiện, nghĩ đến những mối bất lợi của những tư tưởng xấu ác, không để tâm đến và không suy nghĩ về những tư tưởng xấu ác, nghĩ đến sự  đoạn tận gốc rễ của chúng, kềm chế, vượt qua và kiểm soát tâm bất thiện bằng cái tâm thiện với răng cắn chặt và lưỡi áp sát vào nóc họng, những tư tưởng xấu ác bị xoá bỏ, tâm trụ vững và trầm tĩnh, trở nên chuyên nhất và tập trung vào đối tượng thiền quán, vị Tỳ-kheo đó được gọi là bậc thầy đã điều phục những đường đi của tư tưởng: vị ấy muốn nghĩ đến điều gì thì nghĩ và không muốn nghĩ đến điều gì thì không nghĩ. Vị ấy đã chặt đứt tham ái và loại bỏ hoàn toàn sự câu thúc, điều phục được tâm kiêu mạn, vị ấy đã chấm dứt sự đau khổ.”

    Không phải chúng ta cần cái tính chất vô cùng quan trọng của NLCC chỉ trong vòng một tiếng đồng hồ thiền định nghiêm túc, mà nó phải được tu tập luôn luôn bất cứ lúc nào có thể được. Trong tất cả các lời nói, hành động và cử chỉ trong đời sống hàng ngày, chúng ta cần NLCC để hết lòng thực hiện thành công những bổn phận. Nếu chúng ta thiếu cái tính chất tinh tấn nhiệt thành này và để cho quen với sự hôn trầm và lười biếng, chúng ta không thể tiến triển trong công việc tu tập với bất kỳ mức độ tin tưởng nào.                   

    Để kềm chế khỏi tham sân si và sự chấp chặt những tư tưởng bất thiện mà con người phải chịu đựng, chúng ta cần sức mạnh tinh thần, sự tinh tấn nỗ lực và sự tỉnh giác. Khi thoát khỏi sự vội vàng náo nhiệt của đời sống thành thị, khỏi sự bận tâm rầy rà của thế gian, chúng ta mới không bị cám dỗ, mất đi sự tự chủ; nhưng khi sống trong xã hội mới chính là lúc cần nỗ lực để kiểm soát những cái sai sót như thế. Bất cứ sự thiền định nào chúng ta đã thực hiện đều ích lợi vô cùng trong việc giúp cho ta có thể đương đầu với tất cả những điều này một cách trầm tĩnh.

    Khi tu tập NLCC chúng ta phải thành thật đối với những ý tưởng của mình. Nếu phân tích chúng, ta sẽ thấy tư tưởng của chúng ta không phải lúc nào cũng tốt và thiện lành. Đôi khi chúng bất thiện và điên rồ dù không phải lúc nào chúng cũng được bộc lộ ra ngoài bằng lời nói và hành động, hoặc bằng cả hai cách đó. Bây giờ nếu chúng ta cho phép những tư tưởng như thế khởi lên hoài, thì đó là một dấu hiệu xấu, vì khi một tư tưởng không lành mạnh được cho phép xuất hiện trở đi trở lại thì nó có khuynh hướng trở thành một sự ám ảnh. Do đó, điều thiết yếu là nên nỗ lực thật sự để chấm dứt những tư tưởng bất thiện. Khi chúng xuất hiện, chúng ta không nên biết đến chúng. Không lưu ý tới chúng không phải là chuyện dễ, cho tới khi chúng ta thành công những tư tưởng không lành mạnh này vẫn còn chiếm ngự tâm ta.

    Tuy nhiên, có một điều phải ghi nhớ là một người nhất quyết kềm chế những bức xúc tai hại tránh được chừng nào tốt chừng đó những con người bị những bức xúc này ám ảnh và tránh tất cả những câu chuyện dẫn đến những kích động đó. Hãy cố tránh người và việc có khuynh hướng nhuộm đen những tư tưởng lành mạnh và hoà nhã của bạn. Xã hội hiện đại nguy hiểm vì đang bị tràn ngập bởi những trò tiêu khiển và những cám dỗ mà chúng ta chỉ có thể kiểm soát được nếu chúng ta thực hiện công việc luyện tập tâm một cách đều đặn.

    Từ sự tiến bộ của thế giới, lợi lộc và an lành phụ thuộc một cách rộng rãi vào những nỗ lực của chúng ta, dĩ nhiên chúng ta nên cố gắng chịu khó hơn nữa để luyện tâm và như thế phát triển được cái tốt nhất trong chúng ta. Vì sự tu tập tâm đòi hỏi một nỗ lực lớn nhất, nên bây giờ chúng ta hãy cố gắng lên. “Đừng để ngày tháng trôi qua như bóng mây không để lại một dấu tích nào cho sự hồi tưởng.”

    Như Plotinus đã nói:

    “Hãy lui vào tâm mình mà nhìn. Và nếu bạn nhận ra là bạn chưa được tốt, thì bạn hãy làm như một tác gia tạc tượng phải làm cho đẹp; họ cắt bỏ chỗ này, làm mịn chỗ kia, làm cho nét này nhẹ hơn, đường kia thanh tao hơn; cho đến khi họ đã để lộ ra được một gương mặt đẹp trên bức tượng. Bạn cũng làm như vậy, cắt bỏ tất cả những cái nào thái quá, làm thẳng lại tất cả những chỗ nào bị cong, đem ánh sáng lại cho những chỗ nào bị bóng tối, cố gắng làm cho tất cả rực sáng lên một vẻ đẹp, và không ngừng gọt giũa bức tượng cho đến khi nó chiếu cái ánh sáng đạo đức rực rỡ lên người bạn, cho đến khi bạn thấy được cái tốt đẹp cuối cùng thành tựu chắc chắn trong cái đền thờ vô nhiễm này.

    Tâm người có ảnh hưởng đến thân một cách sâu xa. Nếu được cho phép hoạt động một cách xấu ác và nuôi dưỡng những tư tưởng bất thiện, nó có thể gây ra tai ương, có thể sát hại sinh mạng; nhưng nó cũng có thể chữa lành một thân bệnh. Khi tâm được tập trung vào những tư tưởng chân chánh với Nỗ Lực Chân Chánh và Quan Điểm Chân Chánh thì kết quả nó đưa đến rất là rộng lớn. Một tâm thức có những tư tưởng trong sạch và thiện lành sẽ thật sự dẫn đến một đời sống thư thái lành mạnh.

    “Cuộc nghiên cứu y học vừa qua trong tâm-lý học thực nghiệm và cái vẫn được gọi là môn ngoại tâm-lý học đã rọi ánh sáng đến cho bản chất của tâm và vị trí của nó trên thế giới. Suốt bốn mươi năm qua, sự xác tín đã tăng lên dần giữa những nhà y học, đó là nhìn những nguyên nhân gây bệnh nội tạng cũng như rối loạn chức năng đều được gây ra trực tiếp bởi những trạng thái tinh thần. Thân thể trở nên bệnh hoạn vì tâm kiểm soát nó đã bí mật muốn cho nó bệnh hoạn, hoặc vì nó ở trong một trạng thái kích động đến nỗi nó không thể ngăn cản thân bệnh được. Bất kỳ tính chất cơ thể ra sao, sự phản kháng với bệnh tật vẫn có liên quan một cách chắc chắn với tình trạng tâm lý của người bệnh. Mặc dù thế, một lời than phiền nặng tính chất “vật lý” như bệnh mục xương răng có thể là do nguyên nhân tinh thần được nêu ra trong một báo cáo đọc trước Hội nghị Nha khoa Hoa kỳ năm 1937. Tác giả chỉ ra rằng trẻ em sống theo một chế độ kiêng ăn hoàn toàn thoả đáng vẫn có thể bị hư răng. Trong những trường hợp đó, cuộc điều tra thường cho thấy là đời sống trẻ em tại gia đình hoặc trường học không được thoả đáng theo cách nào đó. Răng hư vì người ta đã phải chịu đựng sự căng thẳng tinh thần nào đó.

    “Tâm không chỉ gây ra bệnh mà nó cũng chữa lành bệnh. Một bệnh nhân lạc quan có cơ hội lành bệnh hơn một bệnh nhân lo lắng và bất an. Những thí dụ được ghi lại về việc niềm tin chữa lành bệnh gồm luôn cả những trường hợp trong đó những bệnh nội tạng được chữa lành hầu như ngay lập tức.

    Về vấn đề này thật lý thú khi quan sát nơi đất Phật, người ta ưa lắng nghe đọc tụng Giáo pháp để nhằm bảo vệ và giải thoát con người ra khỏi cái xấu ác và làm tăng thêm an lạc hạnh phúc. Những bài pháp được chọn để đọc tụng được biết đến như là Paritta-suttas (Các kinh An lành). Từ “paritta”trong tiếng Pali và “paritràna” trong Phạn ngữ có nghĩa là sự bảo vệ chính yếu. Chúng được dùng để mô tả những kinh hay bài pháp do Đức Phật thuyết, được xem như  là có đủ sức bảo vệ và giải thoát con người khỏi những cái xấu ác. Sự thực hành tu tập tụng kinh và nghe kinh Paritta-suttas đã bắt đầu rất sớm trong lịch sử đạo Phật. Chắc chắn là sự đọc tụng của họ đưa đến an lạc tâm hồn cho những ai lắng nghe với sự thông hiểu và tin tưởng hoàn toàn vào chân lý trong lời Phật dạy. Tâm an lạc đó có thể giúp người bệnh hồi phục và nó cũng có thể khiến tạo ra cái thái độ tâm hồn mang đến hạnh phúc và giúp vượt qua mọi chướng ngại. Thời xưa ở Ấn Độ những người lắng nghe đọc tụng kinh An lành của Đức Phật và hiểu những lời được đọc tụng đó nên kết quả đối với họ rất lớn.

    Theo Giáo pháp, tâm có liên hệ chặt chẽ với thân đến nỗi những trạng thái tâm có ảnh hưởng đến sức khoẻ và sự an lạc của thân. Một số bác sĩ cũng nói rằng không có cái gì là căn bệnh hoàn toàn về thân. Do đó, trừ khi những trạng thái tâm xấu này được gây ra bởi những nghiệp bất thiện trước kia và không thay đổi được, người ta có thể làm thay đổi chúng để có được sức khoẻ, hạnh phúc cho tinh thần và cơ thể.

    Làm thế nào mà những ảnh hưởng xấu nảy sinh từ những chúng sinh xấu ác bị mất tác dụng bằng sự đọc tụng kinh An lành? Vâng, chúng là kết quả của tư tưởng xấu ác, cho nên chúng có thể bị phá bỏ bởi những trạng thái tốt đẹp của tâm bằng cách lắng nghe một cách thông hiểu và tin tưởng vào lời kinh này, vì định lực xuất hiện nhờ sự chánh niệm hoàn toàn vào chân lý của lời kinh. Đọc tụng kinh An lành là một hình thức của saccikiriya, nhờ vào sự thật để bảo vệ, để biện minh hay thành tựu. Điều này có nghĩa là sự an trú hoàn toàn trong năng lực của sự thật để đạt được mục đích của mình. Câu nói: “năng lực của chân lý hộ trì người theo chân lý” (Dhammo have rakkhati dhammacàrim) là cái nguyên lý đứng đằng sau sự đọc tụng kinh điển. Nếu quả thật là giới hộ trì người giữ giới thì một người lắng nghe những lời kinh này một cách hoàn toàn tin tưởng vào lời Phật xuất phát từ sự giác ngộ hoàn toàn của Ngài, sẽ đạt được một trạng thái tâm đạo đức đến nỗi vị ấy sẽ chinh phục bất kỳ ảnh hưởng xấu nào.

    Sự đọc tụng kinh An lành (paritta-suttas) cũng mang lại những ơn phước vật chất nhờ vào các trạng thái tâm có được do định tâm và tin tưởng vào việc lắng nghe đọc tụng một cách hiểu biết. Theo Đức Phật, chánh niệm là yếu tố cần thiết trong việc vượt qua đau khổ. Lắng nghe một trong những sự đọc tụng theo mỗi cách riêng cũng phát sinh năng lực cho mục đích làm việc thiện và đi theo con đường tiến bộ thế gian một cách chuyên cần.

    Chắc chắn việc lắng nghe kinh An Lành phải làm phát sinh nơi người nghe hiểu biết và có niềm tin những trạng thái thiện lành có thể chữa trị và ngừa bệnh. Không có thuốc nào hay bằng chân lý đối với những thân bệnh và tâm bệnh vốn có nguyên nhân từ đau khổ và bất hạnh. Như vậy khi lắng nghe một cách chính đáng sự đọc tụng kinh Paritta-suttas sẽ làm xuất hiện những trạng thái tâm lành mạnh cần thiết cho sự tiến bộ vật chất, sự an lạc và hạnh phúc của thân.

 

***

 


(1). Đó là sự tham đắm những tư tưởng tham, sân, si,...)      

(2). Các căn có 5: tín, tấn, niệm, định và tuệ (sadhà, viriya, sati, samàdhi và pannà), Trung Bộ Kinh. 70, 77.)   

(3). Đoạn này có trong bản chú giải Trưởng lão tăng kệ: “Tôn giả nhận một đề mục thiền nơi Đạo Sư, nhưng không thể tập trung tư tưởng vì do gặp các người khác khi ở Rừng Mát. Ngài nghĩ: “Thân ta đã quá được nuông chiều để có thể đạt đến hỷ lạc trong thiền. Bổn phận người tu đòi phải có sự mệt mỏi của thân”. Nên ngài chẳng kể gì đến những cơn đau chân khi đi kinh hành, và cố gắng hết sức nhưng không có kết quả gì. Ngài nghĩ: “Ta không thể nào đạt được đạo quả. Đời sống tu hành này có lợi ích gì cho ta? Ta sẽ lại sống đời thấp kém hơn và làm công quả.” Bậc Đạo Sư nhìn ra được và độ ngài qua bài pháp “Ngụ ngôn của cây đàn” chỉ cho ngài biết cách quân bình giữa tinh tấn và định. Được dạy như vậy ngài đi đến Đỉnh Kên Kên, và đúng thời chứng được quả A-la-hán”.Theo Psalms of the Brethen của Rhys Davids, (P.T.S., Luân Đôn), tr. 275.            

 
00:00