Chương 1: Quay đầu là bờ

CÁI BẪY KHỔ ĐAU

Cổ tích Việt Nam có kể về câu chuyện: Con lươn và con cá chép bị mắc bẫy. Chuyện kể rằng, lươn và cá chép tuy hai loài khác nhau, nhưng cùng chung sống hòa hợp, thân thiết và thương yêu nhau hết mình. Đôi bạn chân tình này đã cùng nhau chia ngọt xẻ bùi, sẵn sàng giúp nhau khi gặp hoạn nạn, khó khăn.

Một hôm, đang lúc đi tìm thức ăn, lươn phát hiện một cái rọ, bên trong có sẵn nhiều thức ăn lạ miệng, thơm ngon. Lươn bèn chui vào rọ ăn uống no say thỏa thích, lúc ấy lươn nghĩ đến bạn cá chép của mình không biết giờ này no đói thế nào, nên lươn liền về báo cho cá chép:

- Này bạn chép ơi, tôi phát hiện ra một nơi có nhiều thức ăn ngon, tôi muốn cùng chia sẻ với bạn.

Cá chép:

- Cảm ơn bạn, bây giờ tôi đã no rồi, tôi vừa mới dùng bữa xong, bạn đi một mình nhé! Cá chép từ chối.

Lươn:

- Tôi cũng đã no nê rồi, nhưng chúng mình cùng đến đó ăn thêm chút đỉnh cho vui, chứ tôi đi một mình chẳng có ý nghĩa gì. Lươn cố nài nỉ.

Do vì nể bạn, cá chép rảo bước theo lươn đến nơi cái rọ. Thì ra cái rọ ấy chính là một cái bẫy cá, chui vào thì dễ mà chui ra không được. Cá chép quan sát thấy nơi này có điều gì hơi lạ, trong lòng sinh nghi, không dám chui vào. Thấy bạn chép lưỡng lự, lươn chui vào rọ rồi bảo chép đừng sợ cứ an tâm theo tôi.

Được sự khích lệ của lươn, cá chép an tâm chui vào. Trong rọ, cả hai cùng vui vẻ rộn ràng bên những thức ăn thơm ngon, khoái khẩu trời cho.

Đến lúc ra về thì lươn nhờ thân thể nhỏ tròn, trơn trượt nên chui ra dễ dàng, còn cá chép thì hỡi ơi, không cách nào có thể thoát khỏi cái nơi oan nghiệt ấy. Cá chép hoảng loạn, vẫy vùng, than khóc, càng vẫy vùng cá chép càng bị những hom tre nhọn đâm vào thân thể, sứt vảy, trầy vây, đau đớn vô cùng. Bạn lươn bên ngoài nóng lòng chờ đợi, lên tiếng thúc giục cá chép nhanh chóng ra về.

- Tôi bị kẹt trong này rồi, không thể ra được, anh cứu tôi với… Cá chép la toáng lên.

Bên ngoài lươn cứ tưởng rằng cá chép vì gặp bữa ăn ngon nên sung sướng mà nhảy nhót đùa giỡn, trong lòng cảm thấy vui cho bạn mình mà cười mãi, cho đến nỗi hai mắt híp lại. Trong khi đó cá chép vẫy vùng than khóc đỏ ngầu cả mắt.

Câu chuyện cổ tích này, mới nghe qua ta thấy chỉ đơn thuần lý giải lý do đỏ mắt của cá chép và đôi mắt ti hí của lươn, nhưng ẩn sâu trong nội dung ấy gợi lên nhiều ý nghĩa về triết lý cuộc đời mà con người chúng ta cần phải suy tư.

Hai động cơ hoàn toàn khác nhau giữa lươn và cá chép, lươn do tốt bụng, muốn chia sẻ cái ngon, cái ngọt cho bạn mình, không ngờ tấm lòng thơm thảo đó đã đưa bạn mình vào bẫy, vĩnh viễn không có ngày ra, hoang phí cuộc đời. Cá chép thì đâu có thiếu đói gì, nhưng vì thấy bạn chân tình, nể nang, ham vui, dù bụng đã no, được sự khích lệ của bạn, từ chối không đành, nên ung dung chui vào cái bẫy.

Bất cứ cái bẫy kiểu nào, nó cũng đều có những cách thức của miếng mồi nhử. Miếng mồi thế gian, hiểu theo triết lý nhà Phật như là tài, sắc, danh, ăn uống và ngủ nghỉ hoặc là thế giới của sắc tướng… Nói chung, những quyến rũ trong cuộc đời gắn liền với chủ nghĩa tiêu thụ và thực dụng là những miếng mồi có sức hấp dẫn lôi cuốn con người.

Tuy phát xuất từ hai động cơ dẫn cá chép và lươn đến cùng một nơi, nhưng kết quả một bên vướng vào bẫy, một bên được thụ hưởng và trở về an toàn. Cá chép bị nạp mạng cho con người là nỗi khổ đau bản thân và cả họ nhà cá chép cùng phải chịu cái tai họa chung, đỏ ngầu đôi mắt. Đã vào bẫy rồi thì dù cho cá chép có khóc than vùng vẫy đến bao nhiêu cũng không thể nào trở về với đời sống thường nhật của mình.

Lúc đầu lươn tưởng cá chép vì sung sướng, hạnh phúc mà nô đùa, múa nhảy, nhưng khi nhận ra cá chép bị nạn, nỗi đau của lươn cũng bắt đầu xuất hiện, nỗi khổ niềm đau của lươn bên ngoài không khác gì cá chép trong rọ.

Trên cõi đời này cũng vậy, hoạn nạn có thể đến với ta lúc nào khó lường trước được, nỗi đau đến với mình bất cứ lúc nào, nếu tâm mình thiếu kiểm soát, dễ dãi chạy theo những cám dỗ bên ngoài. Sự khác nhau giữa người trí và người vô trí ở chỗ làm sao vượt qua dục vọng của mình.

Cạm bẫy thế gian bủa giăng khắp nơi, khắp chốn với nhiều hình thức khác nhau rất khó nhận ra, không khác gì những cái lờ bẫy cá, nó được ngụy trang, che đậy, lại có mồi nhử thơm ngon, hấp dẫn, đường vào thì dễ, mà lối ra thì lắm nỗi chông gai.

Cũng chỉ vì một thoáng ngọt bùi ngắn ngủi của thế gian mà không ít người phải chịu khổ đau dai dẳng tràn trề. Và khi đã vướng vào cạm bẫy cuộc đời thì tháo gỡ bằng cách nào? Đó là một câu hỏi hóc búa liên hệ đến nghệ thuật sống và cách thức gắn liền với những nỗ lực của nhận thức, cảm xúc, vừa thay đổi thói quen, vừa thay đổi cách sống và là mối tổng hòa của các nỗ lực khác.

“Quay đầu” là cách thức giải thoát khổ đau, tìm đến bến bờ an vui, hạnh phúc cuộc đời, là tiến trình của từ bi. Triết lý nhà Phật xác định rất rõ, khi chúng ta quay đầu thì bến bờ ở ngay trước mặt, nhưng khoảng cách từ nơi xuất phát quay đầu cho đến bến bờ an vui, hạnh phúc dài hay ngắn, mau hay chậm, thuận hay nghịch, nó lệ thuộc hoàn toàn vào nhận thức của mỗi người.

Trên đời này, sự khát khao hạnh phúc, an vui của con người giống như cá chép trong lờ muốn trở về với cuộc sống bên ngoài mênh mông sóng nước. Sự quay đầu của người lầm lỡ là hướng về nơi mọi người có quyền được sống, được sinh hoạt, được đóng góp công sức cho thế giới sống của mình.

KẺ KHỦNG BỐ GIÁC NGỘ

Liên hệ đến câu chuyện tôi đã đề cập lần trước, Anguli- mala là một tên sát nhân khét tiếng. Câu chuyện liên hệ đến cuộc chiến đọ gươm ngoạn mục giữa hai bên. Một bên có thanh đoản đao sắc bén với thái độ hung hãn, cùng hung cực ác có thân thể vạm vỡ cường tráng và bên kia là một nhà sư nhân hậu, khoan hòa trong tay không một thứ vũ khí nào, chỉ có một tâm hồn cao thượng, tình thương chân thật, vĩ đại có khả năng hiểu và thương muôn loài.

Thành Xá-vệ lúc bấy giờ, dưới sự trị vì và cai quản của vua Ba-tư-nặc, dân chúng được sống an bình, no ấm. Từ khi xuất hiện tên sát nhân Angulimala, thành Xá-vệ không còn là nơi thanh bình, yên ổn nữa. Cư dân trong thành ngày đêm nơm nớp lo sợ bị cướp, bị giết. Lệnh giới nghiêm của nhà vua được ban ra để bảo đảm sự an toàn cho dân chúng trong thành.

Hôm nọ, theo truyền thống, đức Phật từ Tịnh xá Kỳ Viên bách bộ vào thành để khất thực. Đường vào thành xuyên qua một khu rừng rậm, nơi thường xảy ra các vụ giết người cướp của trong mấy ngày gần đây do tên cướp Angulimala gây ra.

Hay tin đức Phật băng rừng vào thành trong lúc đang lệnh giới nghiêm, các Phật tử trong làng cạnh khu rừng kéo đến thỉnh cầu Ngài không nên đi ngang qua khu rừng trong lúc này, rất nguy hiểm. Họ đề nghị Ngài tạm thời trú ngụ lại nhà Phật tử để mọi người dò la, nghe ngóng tin tức về tên cướp, hoặc chờ khi lệnh giới nghiêm được giải tỏa, an ninh được thiết lập rồi hãy đi. Một số các Phật tử khác yêu cầu đức Phật nên trở về tu viện cho an toàn vì đi lúc này rất nguy hiểm, nếu có mệnh hệ gì thì chúng con ân hận suốt đời.

Nghe các đệ tử thỉnh cầu như vậy, đức Phật hỏi rằng:

- Vì lý do gì mà lệnh giới nghiêm được ban hành?

- Bạch Thế Tôn, mấy hôm nay tên cướp khét tiếng Angu- limala đang có mặt tại vùng phụ cận của thành Xá-vệ, đã xảy ra nhiều vụ giết người trong khu rừng này, nên nhà vua ban bố lệnh giới nghiêm. Các Phật tử trả lời.

- Các con đừng quá lo lắng như vậy, việc này ta tự biết phải đối phó thế nào, nếu trên đường đi ta gặp tên cướp An- gulimala. Đức Phật mỉm cười nói với các Phật tử.

- Bạch Thế Tôn, Ngài chỉ có một chiếc y và một bình bát làm sao Ngài có thể đối phó với một tên cướp hung hãn có vũ khí trong tay?

- Các con hãy an tâm, ta có lòng từ bi lớn, là một nguồn năng lực quí báu có thể hàn gắn những vết thương, những đổ vỡ, tháo gỡ những gút mắc trong các mối quan hệ giữa con người với con người. Ta tin rằng Angulimala sẽ không làm gì được. Các con hãy tin ta.

Đức Phật giã từ các Phật tử, băng rừng hướng về thành Xá- vệ. Ngài đi được một khoảng xa vào rừng, bỗng nghe sau lưng có tiếng sột soạt chân người bước theo. Với linh tính Ngài biết ngay đó là tên sát nhân Angulimala đang đuổi theo mình.

Từ phía sau Angulimala phùng mang, trợn mắt, dõng dạc quát lên thật to:

- Này ông thầy tu kia, hãy đứng lại. Ta ra lệnh ông đứng lại. Đức Phật giả vờ như không nghe thấy, từng bước thảnh thơi, nhẹ nhàng đi về phía trước. Angulimala chạy nhanh hơn, đến khi ngang bằng đức Phật, ông ta liếc mắt sang, hét lớn:

- Ông điếc hả, sao không đứng lại?

Đức Phật vẫn thản nhiên buông từng bước thảnh thơi. An- gulimala bực tức trong lòng, vung gươm chặn đức Phật lại:

- Ông là ai, mà dám cả gan đến thế? Từ trước đến giờ mỗi khi tôi gọi, ai cũng phải giật mình, khiếp sợ, có người gần như chết đứng, còn ông nghe tôi gọi ba lần mà vẫn đi ung dung như vậy? Ông không sợ chết à?

Đức Phật nhìn thẳng vào mặt tên sát nhân và nói:

- Ông không biết đấy thôi, chứ Tôi đã dừng lại từ lâu rồi, còn chính ông mới là người không chịu dừng lại.

Nghe đức Phật nói, Angulimala rất đỗi ngạc nhiên, bởi từ trước đến giờ mình chưa bao giờ nghe ai nói một cách lạ đời như vậy, ngoài ông thầy tu không sợ chết này. “Tôi đã dừng lại lâu rồi, còn chính ông mới là người không chịu dừng lại”. “Câu nói này mang ý nghĩa gì ta không hiểu?” Tên cướp với thái độ quyết liệt hơn, đưa ra lưỡi gươm sắc nhọn sáng quắc bước tới chặn ngang trước mặt đức Phật:

- Này ông thầy tu, trước khi giết chết ông, tôi cho ông cơ hội giải thích ý nghĩa câu ông vừa nói. Nếu tôi thấy có lý, tôi sẽ tha mạng cho ông.

Đức Phật đứng lại, thanh thản nói với Angulimala:

- Này Angulimala! Với tôi, tất cả những điều xấu ác, những điều hại mình, hại người, tôi đã dừng lại từ mấy mươi năm trước, có thể nói từ khi tôi có mặt trên cuộc đời này.

Trong khi đó mặc dầu ông đang đứng trước mặt tôi, nhưng trên thực tế cái tâm ý giết người và nỗi sân hận muốn thanh toán đối thủ trong ông vẫn còn đang đi với tốc độ rất lớn, rất nhanh. Nếu ông không dừng lại ý nghĩ sát hại đó, cuộc đời của ông và của nhiều người sẽ trở thành nỗi khổ niềm đau. Tôi mong ông dừng lại thói quen giết chóc và những hận thù mà ông đã gieo rắc từ trước đến nay. Ông hãy mở lòng thương của mình ra và sống với những tình thương của nhiều người thì cuộc đời ông mới có hạnh phúc.

Nghe đức Phật giải thích, Angulimala trợn mắt lên:

- Ông nói sao? Ông bảo tôi phải dừng sự giết hại à! Cuộc đời này có biết bao người muốn hại, muốn giết tôi. Cuộc đời này mới thật đáng chết và đáng nguyền rủa. Không một người nào có lương tâm và đạo đức để tôi tin tưởng. Nếu tôi không giết họ thì họ sẽ giết tôi. Nếu tôi không loại trừ họ, tôi sẽ trở thành đối tượng bị loại trừ. Ông hãy chỉ cho tôi thấy trong đời này ai là người thương tôi và làm cách nào tôi sống được với những tình thương đó?

Đức Phật ôn tồn nói với Angulimala:

- Này Angulimala! Trên đời này rất nhiều người có tình thương, nhưng ông chưa may mắn gặp được đó thôi. Những vị tu sĩ được huấn luyện bằng lòng từ bi, họ xem mọi người như thân bằng quyến thuộc của mình. Nếu ông gặp những người ấy, chắc chắn những ý niệm than oán về cuộc đời trong ông sẽ không còn nữa và ông sẽ có cuộc sống bằng tất cả lòng thương.

Khi đức Phật nói những lời này, Angulimala đứng lặng yên, trầm tư suy nghĩ. Angulimala thật sự xúc động và nghĩ rằng, có lẽ trên đời này cũng có nhiều người tốt, nhưng mình

chưa may mắn được gặp. Nhìn lại quãng đời mấy mươi năm trai tráng trôi qua, mình đã gây nên quá nhiều tội lỗi, ông ta cảm thấy con đường quay đầu xa tít, là điều rất khó khăn. Không thể. Lúc này Angulimala mới hạ giọng và từ tốn thưa với đức Phật rằng:

- Thưa Ngài, tội lỗi của tôi đã trở thành tày trời rồi, cơ hội quay đầu của tôi bằng cách nào? Liệu khi tôi hồi đầu trở về, luật pháp có tha tội cho tôi không? Những người có thân nhân bị tôi giết hại, họ có chấp nhận cho tôi hồi đầu hay không? Đây là điều khó khăn mà tôi chưa tìm được lời giải đáp.

Thấy Angulimala đã chuyển tâm ý, ray rứt với việc làm của mình, đức Phật bảo:

- Này Angulimala, nếu ông tin tưởng vào tôi là người đại diện cho những người có tình thương, tôi sẽ giúp ông có cơ hội quay về.

- Bằng cách nào, thưa Ngài? Angulimala hỏi.

- Tôi chấp nhận cho ông làm thành viên của giáo đoàn khất sĩ. Ông sẽ được học và thực tập về lòng từ bi, về cách rửa sạch các bợn dơ trong tâm thức, cảm xúc, thói quen và trong sinh hoạt. Ông sẽ có phương tiện để đổi mới lại hành vi cuộc sống, có được cơ hội làm mới lại đời mình và được sống trong một bầu trời đầy ý nghĩa với không khí trong lành, có gió thoảng mây bay, trời xanh mây bạc, không gian bạc ngàn, thanh thản và an vui. Đồng thời các quyền tự do, quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc sẽ đầy đủ bên ông. Ông sẽ được sống bình đẳng như những người đệ tử của tôi, nhưng với điều kiện, ông phải thật sự thành tâm ăn năn tội lỗi và khao khát quay về.

Đức  Phật  vừa  dứt  lời, Angulimala  liền  buông  gươm xuống đất, trầm ngâm, các ý niệm giết người trong ông chỉ trong chốc lác đã tan thành mây khói. Ông cảm động quỳ xuống trước mặt đức Phật thưa rằng:

- Xin Ngài hãy cứu giúp tôi thoát khỏi cuộc đời đầy tăm tối tội lỗi này. Tôi xin về với Tăng đoàn của Ngài, để được sống, học tập và tu hành. Tôi thành thật ăn năn, muốn làm lại cuộc đời từ đây, thưa Ngài.

Đức Phật chấp nhận lời cầu xin của Angulimala. Từ đây, tên sát nhân khét tiếng giết người tàn bạo thành Xá-vệ đã trở thành đệ tử của đức Phật.

Trong ngôn ngữ Pali, từ Angulimala là từ ghép: “Anguli” là các ngón tay và từ “mala” là xâu chuỗi. Sở dĩ người ta đặt cho tướng cướp khét tiếng này cái tên Angulimala có ý nghĩa là “Xâu chuỗi các ngón tay” là vì khi Angulimala giết một người, ông cắt lấy một đốt ngón tay, rồi xâu lại thành chuỗi đeo vào cổ. Ông làm điều đó để cho mọi người trông thấy mà khiếp sợ.

Angulimala gặp đức Phật là cơ hội cho ông làm mới cuộc đời một cách thật sự. Chính đức Phật đã xuống tóc cho ông, đưa ông vào tu viện, dạy ông những phương pháp tu tập và những đức tin về nhân quả, nghiệp báo v.v... Có lần, đức Phật đưa ra một ví dụ đơn giản, Ngài dùng một cục đá ném vào chậu nước, rồi yêu cầu Angulimala quan sát cho kỹ, sau đó Ngài hỏi:

- Động tác ta vừa ném cục đá vào chậu nước đã kết thúc rồi phải không?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy. Angulimala trả lời.

- Ông thấy sự tác động của cục đá trong chậu nước thế nào?

- Bạch Thế Tôn, cục đá đã chìm nằm yên dưới đáy chậu rồi, mà nước vẫn còn lăn tăn chuyển động một lúc lâu mới ngừng lại.

Thông qua hình ảnh đó, đức Phật giảng cho Angulimala:

- Này Angulimala, cũng giống như thế, mọi hành vi con người từ tay chân, lời nói, việc làm, nghề nghiệp hành động, năng lực tư duy, những ý niệm, suy nghĩ thầm kín trong tâm thức đều là những hành động, mặc dầu đã được kết thúc thông qua các việc làm cụ thể, nhưng ảnh hưởng của nó vẫn còn tiếp tục tác động như cục đá quăng xuống nước đã chìm sâu rồi, nhưng vẫn để lại sự lăn tăn trên mặt nước. Tác động của hành vi có thể tốt cho mình, cho người nhưng cũng có thể làm khổ đau cho mình, cho người. Đặc biệt, những người thân, người thương của mình là những đối tượng trực tiếp chịu ảnh hưởng nhiều nhất.

BÀI HỌC VỀ SỰ QUAY ĐẦU

Những tác động của hành vi thường không kết thúc ở hành động, vì vậy ta cần phải ý thức trách nhiệm về những gì mình đã làm, đang làm và sẽ làm. Ý thức về hành vi của mình có gây tác hại xấu hay tạo nên hiệu quả tốt, để mình lựa chọn phần tích cực và loại trừ những tiêu cực có thể xảy ra. Thông qua câu chuyện giữa đức Phật và Angulimala, gợi cho ta suy tư, rút ra bài học đầy ý nghĩa.

Thứ nhất, trong cách đối đáp giữa đức Phật và tên cướp Angulimala như một cuộc đọ gươm không cân sức. Một bên chỉ hai tay không với tấm lòng đầy tình thương và tuệ giác, và một bên có vũ khí sắc bén cùng sức mạnh thể hình lực lưỡng. Nếu cuộc đọ sức bằng vũ lực thực sự diễn ra thì đức Phật chắc chắn trở thành nạn nhân của vũ lực. Nhưng tại sao cuộc đọ sức bằng vũ lực không diễn ra, mà nó được chuyển hướng hoàn toàn? Trước khi sự việc được chuyển hướng, cái tâm sân hận được diễn ra: “Này ông Thầy tu, hãy đứng lại”. Câu nói này thể hiện thái độ cá tính của cái tôi muốn xưng hùng, muốn đè bẹp, muốn khống chế, thị uy, chinh phục đối tượng. Với tâm lý của cái tôi lớn đó, chủ nhân của nó không thấy những lời thị uy, doạ nạt ấy mang lại nỗi khổ niềm đau cho những nạn nhân trực tiếp hay gián tiếp của mình.

Dân gian Việt Nam thường nói “Một cái giá bằng ba cái đánh”. Tuy cái giá chỉ để hù dọa, nhưng làm cho nạn nhân bị tổn thương, đau đớn rất lâu và bất cứ lúc nào. Đồng thời nó tạo ra nỗi lo lắng, sợ hãi, làm cho trạng thái hạnh phúc bị tan biến. Trong khi đó một cái đánh thật sự, có thể chỉ đau đớn trong vài phút đồng hồ là xong. Cái tôi muốn xưng hùng, xưng bá xuất hiện ở một người cho rằng vai trò, tư thế của mình là quan trọng, muốn người khác phải chạy theo trục xoay của cái tôi đó, nếu không khéo chuyển hóa, đôi lúc trong các mối quan hệ ứng xử, thái độ xưng hùng, xưng bá ấy làm cho các mối quan hệ của ta gặp trở ngại.

Như vậy vô tình ta tạo nên các tường cao, hố sâu ngăn cách giữa ta và người, thậm chí ngăn cách cả những người thân thương nhất của mình. Muốn kết thúc các bế tắc cuộc đời, ta phải thấy cái tôi là cái đáng ghét nhất cần phải được quay về. Khi cái tôi được quay đầu thì mọi ách tắc của người với mình hoặc của mình với người sẽ được khai thông.

Thứ hai là triết lý về sự dừng lại. Chúng ta thấy thái độ đức Phật thản nhiên cất những bước chân rất thong dong như không có chuyện gì xảy ra, mặc cho tên cướp buông lời quát nạt, hăm dọa. Đó là sự dừng lại của đời sống nội tâm an tịnh, dừng lại các việc xấu, việc tiêu cực cho mình và người. Một người biết dừng lại những điều xấu ác, sống phù hợp với luật pháp, với đạo đức, họ sẽ sống an vui, với những giá trị của hạnh phúc. Người đó không còn sợ hãi, không còn lo âu bất cứ điều gì trong cuộc đời, mọi thăng trầm vinh nhục, lên voi xuống ngựa, bạn hay thù, tốt hay xấu, hơn hay thua không còn tác động, ảnh hưởng, hay chi phối họ nữa. Đó là sự dừng lại trọn vẹn.

Bằng nghệ thuật so sánh hàm ý triết lý, đức Phật đã cho Angulimala hiểu được dụng ý của Ngài: “Tôi đã dừng lại lâu rồi, còn chính ông mới là người không chịu dừng lại” mặc dầu cả hai đang đứng lại. Cái đi và dừng đó phải hiểu ở lớp ý nghĩa ẩn chứa bên trong, lớp ý nghĩa của chiều sâu triết lý.

Người nào mà nội tâm, tư duy, hành động công khai hay thầm lặng có ảnh hưởng tiêu cực đến người khác chưa kết thúc thì sự đang đi sẽ đẩy họ vào vũng bùn tội lỗi và khổ đau ngày càng thêm sâu. Lúc đó, muốn nhận thức được sự quay về phải bằng những nỗ lực bản thân mới có thể thành công. Câu nói và thái độ thản nhiên của đức Phật đã làm cho Angulimala bị rúng động đến tận đáy lòng khiến ông phải suy nghĩ lại những gì mình đã làm. Người biết phục thiện không khác gì vầng trăng thoát khỏi áng mây buông tỏa ánh vàng đến khắp nơi, khắp chốn. Chính những đám mây kết tụ làm cho ánh sáng của trăng mất tác dụng, mặc dầu ánh sáng đang chiếu soi.

Những khổ đau, tiêu cực cuộc đời như đám mây đen, muốn vầng trăng cuộc đời được tỏa sáng, ta cần phải vượt ra khỏi những đám mây đen. Phải quyết tâm loại trừ những đám mây đen ấy khỏi lòng ta, biết dừng lại mọi hành vi xấu ác, quyết chí quay về, bởi dừng lại là động tác, là bước ngoặt chuyển đổi tư thế đi. Nếu tư thế hướng đi của ta trong quá khứ là tiêu cực thì sự dừng lại sẽ mở ra cho ta hướng đi tích cực ở tương lai. Đó là một hiện thực đang chờ đón mọi người, như tên cướp Angulimala thấy sự dừng lại của nhận thức và thái độ là nhu cầu cần thiết cho sự quay về.

Thứ ba là thái độ của Angulimala phát biểu với đức Phật: “Tại sao tôi cần phải có tình thương với cuộc đời”. Qua ý nghĩ của tên sát nhân, ta có thể đúc kết bằng chủ nghĩa kinh nghiệm thông qua sự quy nạp sai lầm, bởi nỗi khổ niềm đau do một số người tạo cho ông không phải là toàn thể cuộc đời. Nhưng do không hiểu biết về những cá tánh, những ảnh hưởng tiêu cực làm cho khổ đau của ông lây lan tới những đối tượng khác. “Giận cá chém thớt” là hành vi làm lan rộng khổ đau do vô minh, mê muội.

Ta thấy tâm lý hận đời thường phát xuất từ một nỗi đau cụ thể. Tâm niệm đó làm cho ta không còn biết hành vi của mình đã làm cho người khác khổ đau là có tội hay vi phạm luật pháp, mà chỉ thấy cái hiển nhiên lao tới phía trước cho đến lúc gánh chịu hiểm nguy. Dân gian nói “Vỏ quýt dày, có móng tay nhọn,” nếu ta gây nên tội lỗi, trước sau gì cũng phải chịu khổ đau, không trốn tránh vào đâu cho khỏi.

Thế giới giang hồ thường kết thúc bằng sự thanh trừng lẫn nhau. Băng đảng lớn triệt tiêu băng đảng nhỏ, lấy “mạnh được yếu thua” làm luật lệ, sống cuộc đời bằng hận thù đắp đổi. Trong cuộc sống mà việc xung đột, tranh giành, trả đũa, thanh toán lẫn nhau luôn diễn ra như vậy thì làm sao ta có được hạnh phúc? Cho dầu một hạnh phúc rất nhỏ nhoi.

Khi con người sống bằng nỗi khổ niềm đau của người khác và gánh chịu quá nhiều nỗi khổ đau thì tâm của họ sẽ bị bị chai lì. Vì thế, họ thấy làm hại cho người khác, giết chóc hay trả đũa trong hận thù như là một nhu cầu. Đôi khi họ nghĩ rằng, nếu ta không làm điều đó thì không phải người bản lĩnh, không xứng đáng là người của giới giang hồ. Suy nghĩ đó là một sai lầm lớn, bởi nỗi khổ đau nào cũng cần được kết thúc và nếu nhân rộng hay tạo ra tình thế lây lan cho người khác là ta đã tạo ra khổ đau cho mình. Cho nên, nếu ta không biết dừng lại, không biết quay đầu thì ân oán giang hồ sẽ không có ngày kết thúc và đau khổ sẽ được nối tiếp bằng những khổ đau.

Yếu tố của “hiểu và thương” từ cách ứng xử của đức Phật với Angulimala đã cho ta bài học ngàn vàng. Hai yếu tố “hiểu và thương” phải được song hành với nhau. Trước tiên đức Phật nhìn thật sâu với sự cảm thông và hiểu biết đối với các hành động dọa nạt của Angulimala.

Giả sử lúc đó đức Phật tỏ thái độ phẫn nộ hay bất bình, khi tên sát nhân to giọng lớn tiếng, đức Phật cũng nặng lời đối kháng hay tỏ thái độ chống trả thì có lẽ sự tranh hùng, tranh bá diễn ra bằng cuộc đọ sức vũ lực quyết liệt thì làm sao tránh khỏi thương tật, sứt mẻ, đổ máu, thậm chí có người phải mất mạng… Những trận thư hùng, ấu đả lẫn nhau giữa hai người, không ai có thể chiến thắng trọn vẹn, mà thường thì cả hai đều chiến bại. Người này chiến bại hoàn toàn và người kia chiến bại một phần, người này khổ đau nhiều thì người kia đau khổ ít. Do đó “hiểu và thương” được thể hiện qua mọi cử chỉ, hành động từ ánh mắt, ngôn ngữ, cách biểu đạt cho đến những việc làm cụ thể mới chuyển hóa được.

Chính trạng thái ung dung của đức Phật đã chuyển hoá cảm xúc trong tận sâu thẳm của Angulimala. Ông bị chinh phục bởi thái độ bình thản không một chút sợ hãi của đức Phật. Đây là cơ hội để đức Phật cho Angulimala thấy rõ rằng, bất cứ ai trên đời này cũng ham sống sợ chết kể cả các loài vật, chỉ trừ có Phật mà thôi.

Nỗi khổ đau có thể hiểu được bằng kinh nghịêm của bản thân mình và của người khác. Khi quan sát nụ cười hớn hở, ánh mắt tươi vui, dáng đi thoải mái, nhẹ nhàng, ung dung của một người, ta có thể biết người đó đang có niềm hạnh phúc dâng trào hay đang bị khổ đau giằng xé. Một người đang trong tâm trạng khổ đau, không thể nào cảm nhận được những cái hay, cảnh đẹp đang diễn ra xung quanh mình “Người vui thì cảnh cũng vui, người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.”

Vì vậy, muốn có được niềm vui, hạnh phúc, việc trước nhất là ta phải chuyển hoá tâm trạng nội tại của mình, ít nhất là không còn nỗi khổ, niềm đau tiềm tàng trong đó. Thái độ của đức Phật đã cho Angulimala thấy rằng, cách thức dọa nạt bằng hung khí, bạo lực, sự giết hại đã làm cho Angulimala không còn hạnh phúc.

Ngài đã phân tích cho Angulimala hiểu rõ, trong mỗi con người đều có hạt giống của khổ đau và hạnh phúc. Các hạt giống đó thể hiện qua hành động như một cá tính, bởi nó tạo ra thói quen, rồi ta cho cái thói quen ấy là bản tính của mình. Lúc ấy, ta không thấy có nhu cầu làm mới, mà cho đây là cá tính của tôi thế nào thì tôi chấp nhận nó như thế ấy. Ai chấp nhận thì đến với tôi, ai không chịu thì đi nơi khác. Họ sống theo sự chấp nhận cái gọi là thân phận hay số phận của mình. Đức Phật xác quyết là không có số phận, định mệnh, ông trời và thần linh sắp xếp hạnh phúc và khổ đau của con người, mà chính các hành vi, lời nói, việc làm, suy nghĩ, cách ứng xử, nghề nghiệp và cách sống tạo ra vận mệnh con người mà thôi.

Nói cách khác, bộ phim vận mệnh đời sống của mỗi người do chính ta là tác giả, là đạo diễn và cũng là diễn viên thủ vai. Đồng thời ta là người trực tiếp đồng lõa, xúi giục, đồng hành với nó. Do đó, ta phải gánh chịu những hậu quả của những hành vi do chính mình tạo ra.

Trong tình huống đức Phật đối thoại với tên sát nhân cho ta thấy rõ hạt giống của tình thương có sức mạnh chuyển hóa tư tưởng của tên cướp được mọi người gắn cho cái nhãn hiệu sát nhân tàn bạo bật nhất. Mọi người đều muốn loại trừ ông ta ra khỏi đời sống xã hội. Một người chết bởi nhát dao của Angulimala thì cả gia đình, họ hàng, làng xã nạn nhân đó căm phẫn, hận thù muốn ông phải đền mạng.

Bao nhiêu ân oán giang hồ chập chùng theo năm tháng, khổ đau, thù hận, tội lỗi cứ theo đó mà chất chồng làm cho hạt giống tình thương trong Angulimala không có cơ hội được tưới tẩm, vun bồi để nẩy mầm và phát triển. Do đó ông bị mất hết hạnh phúc, cảm thấy khổ đau tận cùng. Cho nên ông trở thành kẻ giết người không gớm tay, không thương tiếc hay hối hận, mãi cho đến khi gặp đức Phật, ông mới có cơ hội thay đổi cuộc đời, chuyển hoá khổ đau để trở thành người có ích cho nhiều người và sống hạnh phúc trên cõi đời.

CÔNG LÝ CỦA TÌNH THƯƠNG

Triết lý nhà Phật cho chúng ta thấy rằng, mỗi suy nghĩ của con người sẽ tỏa ra xung quanh người ấy một vùng từ trường hay một vùng nhân điện. Vùng từ trường và nhân điện này ta không nhìn thấy bằng mắt thường, nhưng nó tác động ảnh hưởng đến các mối quan hệ giao tế giữa con người với con người. Đó cũng là lý do tại sao có người ta mới gặp lần đầu mà đã thiện cảm, có người gặp gỡ nhiều lần mà ta vẫn dửng dưng, chẳng chút tình cảm nào, cũng có người khi vừa gặp họ ta cảm thấy lo sợ, không an tâm, không dám gần gũi v.v… Những cái đó, ngoài chủ nghĩa hình tướng còn gắn liền với những suy nghĩ được thể hiện tình cờ hay cố ý.

Câu “Tướng tùng tâm hiện” là biểu đạt các trường hợp ấy. Tâm là đạo diễn cho tướng trạng con người chạy theo cái tâm và lệ thuộc theo sự điều khiển của cái tâm đó. Một khi nỗi hận thù được gieo trồng, tâm trạng và tâm lý này sẽ khống chế dòng cảm xúc và niềm hạnh phúc có mặt trong cuộc đời sẽ bị mờ đi, lâu ngày nếu không được chuyển hoá, không được khơi dậy, nó sẽ bị mai một và triệt tiêu hoàn toàn.

Quy luật hận thù kết nối với hận thù, nỗi đau chồng chất nỗi đau, máu trả máu, mạng đền mạng có thể là một công lý của thế giới giang hồ, nhưng không phải là công lý của hạnh phúc. Bởi cuộc sống, ai cũng đều mưu cầu hạnh phúc cho bản thân và gia đình mình. Chính vì thế, mà cái công lý “giang hồ” này cần phải được loại trừ, thay vào đó là công lý của tình thương.

Cuối kinh Dược Sư có một câu rất sâu sắc: “Giải kiết, giải kiết, giải oan kiết…” Giải là mở, oan kiết là những nỗi oan trái trong cuộc đời, những hận thù, những nỗi đau, những bất hạnh mà ta bị vấp phải hoặc do người khác vô tình hay cố ý tạo ra cho ta, kể cả những điều oan trái mà mình tạo ra cho người khác. Tất cả những nội kết ấy, nếu ta không giải quyết ở đời này thì những kiếp về sau ta phải tiếp tục gánh chịu hậu quả. Sự vận hành nhân quả này giống như động tác ném đá vào chậu nước, khi cục đá đã chìm và nằm yên ở đáy chậu rồi, mà nước vẫn còn tiếp tục lăn tăn. Chính vì thế ta phải nỗ lực tháo gỡ những cái gút oan khiên giữa mình và người ngay trong đời hiện tại càng sớm càng tốt.

Tại sao trong một câu 7 chữ lại dùng đến ba động từ “giải”? Bởi vì có những oan trái, ân oán giang hồ không chỉ một lần quay đầu là đủ, là có thể giũ sạch. Đôi lúc người kia vẫn còn hờn giận, chưa sẵn lòng bỏ qua hay tha thứ cho mình, họ chưa sẵn lòng mở rộng vòng tay ôm mình vào nỗi an vui của hạnh phúc để mình và người cùng làm mới. Do đó ta phải nỗ lực lần thứ hai, thứ ba cho đến khi nào những nỗ lực ấy đến hồi kết thúc. Lúc đó ta mới cảm nhận được hạnh phúc và an vui đến với mình. Ta thấy hoa hồng đẹp nở trên cành đầy gai. Trên đời này cũng vậy, ta muốn là một đoá hồng tươi thắm giữa cộng đồng thì bên cạnh ta, xung xung quanh ta có biết bao thứ gai ta cần phải vượt qua.

Với Angulimala, đức Phật đã giảng giải cho ông thấy rõ những người mang lại nỗi khổ niềm đau đến cho ông là nền tảng dẫn đến sự bất cần đời của ông. Nhưng bên cạnh còn có rất nhiều người đầy lòng thương yêu, thông cảm, thấu hiểu những khổ đau bất hạnh của người khác mà Angulimala chưa gặp được. Đó là những nhà giáo dục, nhà nghệ thuật, những người lương từ, các tu sĩ.

Những con người đó nếu ta may mắn được sống và sinh hoạt cùng họ, mới thấy trong họ đầy tình thương. Lúc nào họ cũng như những đóa hoa đang nở trên nụ cười, trong hành vi, tư duy và mỗi hành động. Nỗi bất hạnh lớn của Angulimala là gặp quá nhiều chông gai cuộc đời, do đó, ông đã đánh đồng những chông gai ấy với thế giới của bất hạnh và ông cảm thấy mình không còn hạnh phúc. Ông cảm thấy mình như đang sống trong bầu không khí ngột ngạt thiếu oxy, như cuộc đời chỉ mang lại cho Angulimala toàn chất khí carbonic và acid, nên ông muốn đem những thứ đó trút hết cho mọi người để trả thù, rửa hận.

Những ân oán giang hồ theo cách đó là phản ứng tâm lý rất bình thường ở người cảm thấy mình phải chịu hậu quả của khổ đau và bế tắc. Ta hiểu rõ nguyên nhân sâu xa của khổ đau, bất hạnh rồi thì cách giải quyết tốt nhất là quay đầu, từ bỏ hành động bạo lực và thực hành các hành vi của hiểu và thương để tạo ra tiến trình chuyển hóa đến tốt đẹp.

Tiến trình chuyển hóa bao gồm hai yếu tố. Yếu tố đầu tiên là sự thay thế, yếu tố thứ hai là chuyển đổi. Cả hai yếu tố thay thế và chuyển đổi đều rất cần thiết trong quá trình chuyển hóa khổ đau. Có tình huống ta chỉ cần thay đổi môi trường, từ môi trường tiêu cực sang tích cực; thay đổi một phần ảnh hưởng của hoàn cảnh đối với hành vi suy nghĩ bản thân là có thể chuyển hóa nó được, nhưng  ta chưa có cơ hội thay đổi nội dung, vì vậy, phải chuyển đổi.

Đổi là tiến trình của sự chuyển hóa. Đổi nhận thức, hành vi, suy nghĩ giống như ta thay đổi khí carbonic bằng dưỡng chất của oxy. Dưỡng chất oxy ở đây tượng trưng cho tình thương, lòng bao dung, hỷ xả, xóa hận thù. Ai sẵn sàng làm điều đó, thế giới hạnh phúc sẽ đón chờ, những đóa hoa hồng an vui sẽ nở, những chông gai khổ đau sẽ được dọn sạch.

KHÔNG QUÁ TRỄ CHO SỰ QUAY ĐẦU

Trong tâm trạng bế tắc, Angulimala nói với đức Phật một câu mà chúng ta rất dễ cảm thông: “Trễ rồi ông Thầy tu ơi. Tôi đã tạo quá nhiều tội lỗi, tôi đã giết người nhiều lắm, tạo không biết bao ân oán giang hồ. Nếu tôi quay đầu, liệu luật pháp có buông tha cho tôi không? Thân nhân của những nạn nhân có bỏ qua tội lỗi của tôi hay không?” Đó là những câu hỏi vừa phô bày sự ray rứt lương tâm, vừa phản ánh nguyên nhân bất cần đời: “Tôi sẵn sàng đi tới những gì tôi đã làm, sẵn sàng chấp nhận khổ đau, nếu cuộc đời không tha thứ cho tôi, không chấp nhận tôi”. Trong câu nói này, ta thấy có hai tâm trạng lẫn lộn trong một con người.

Thứ nhất là tâm trạng mặc cảm tội lỗi, thứ hai là tâm trạng bất cần đời. Mặc cảm tội lỗi là bước đầu của việc hồi đầu để chuyển hóa. Nhà Phật có nói, mặc cảm tội lỗi không cần thiết cho tiến trình chuyển hóa, bởi trong mặc cảm tội lỗi, con người có khuynh hướng cảm xúc hành hạ bản thân và nghĩ rằng, bao nhiêu nỗi khổ niềm đau mình đã tạo ra cho người, bây giờ mình phải tự hành hạ mình tương tự như vậy. Cũng có người không chịu đựng nỗi mặc cảm tội lỗi nên quyên sinh, hoặc nghĩ, bàn tay này gây thương đau cho người khác, tình nguyện chặt đứt bàn tay để đền tội.

Những trường hợp như vậy đều không làm cho ta hồi đầu, bởi hồi đầu không phải chỉ quay về mà quan trọng là sự đổi mới. Nếu bàn tay này gây khổ đau cho người thì bàn tay đó phải hành động như cây gậy đỡ người già đi qua đường phố, bàn tay này làm cho người khổ đau bằng cái tát, cú đấm thì bàn tay ấy phải trực tiếp chăm sóc người già neo đơn, trẻ em khuyết tật và những người đang cần sự chăm sóc của mọi người. Những hành động mang lại cho người khác sự sợ hãi, kinh hoàng thì hành động đó phải được thay thế bằng lòng thương yêu, trìu mến chăm sóc vun bồi và thiết lập tình thương. Những ai làm được như thế mới có được tiến trình chuyển hóa, còn không làm được vậy thì mặc cảm tội lỗi sẽ dìm sâu ta vào vũng lầy khổ đau cùng cực không hẹn ngày thoát khỏi.

Điều cần thiết là ta nên ý thức về tội lỗi và luôn nghĩ rằng những tội lỗi ấy cần phải được đổi mới bằng những hành động tích cực. Ta cần phải làm mới để thành người hạnh phúc ngay trong lúc hành động, cần phải thể hiện sự hối hận và thay thế bằng những hành động của lòng thương một cách tích cực.

Thái độ và tâm lý “bất cần đời” làm cho con người đi vào ngõ cụt cuộc đời và có những hành vi “điếc không sợ súng” mất phương hướng, con đường trở về bị đóng chặt và nỗi khổ niềm đau thêm chồng chất, người đó phải sống trong thế giới riêng của mình. Thế giới đó là thế giới của khổ đau, bế tắc, hận thù đầy oan trái và tương lai mù mịt, không biết về đâu.

Mỗi khi nhớ về quãng đời đã qua, nhiều người phải rơi nước mắt, nhưng không biết con đường quay về vì không có cơ hội. Nếu người gặp nhiều bất hạnh, bị bế tắc dẫn đến thái độ bất cần đời, sẵn sàng lao tới chấp nhận mọi thương đau. Tại sao họ phải biến bản thân mình trở thành một nạn nhân khổ đau như vậy?

Đức Phật dạy, hãy thương yêu chính mình, lòng từ bi được thể hiện với người khác đã đành, nhưng không thể nào thể hiện một cách trọn vẹn và có ý nghĩa, nếu người đó không biết chăm sóc, thương yêu bản thân mình bằng những hành vi tích cực. Hãy chăm sóc thân thể này, đừng để nó bị tổn thương, hãy chăm sóc dòng cảm xúc này để nó không bị nỗi khổ niềm đau khống chế và hãy chăm sóc nhận thức để nó không rơi vào trạng thái ray rứt lương tâm.

Hãy chăm sóc đời sống bản thân để người thân, người thương của mình không trở thành người cha với những đứa con mồ côi, người mẹ mất đi sự chăm sóc vỗ về. Ta sẽ thấy đời sống của mình không đơn độc khi được nối kết với người thân, cha mẹ, anh em, người yêu, với nhiều bà con quyến thuộc. Tất cả những tình thân, tình thương đang cần sự có mặt của ta, đang cần sự chăm sóc và trách nhiệm cũng như đời sống hạnh phúc của ta, bởi vì bản chất của hạnh phúc hay khổ đau đều mang tính tương thù.

Giống như một không gian dồi dào oxy thì dưỡng chất đó làm cho mọi người được hạnh phúc vì khỏe khoắn, ngược lại, một không gian đầy ắp carbonic thì mọi người sẽ khổ đau vì ngạt thở. Tương tự, nỗi khổ niềm đau của mình cũng chính là nỗi khổ niềm đau của cha mẹ anh em bà con quyến thuộc, hàng xóm láng giềng thân thương của mình và những nỗi niềm hạnh phúc an vui của mình cũng chính là nỗi niềm hạnh phúc, an vui của họ và ngược lại.

Tính chất tương hòa và ảnh hưởng hai chiều đó buộc ta phải suy nghĩ về những gì ta đã làm, đang làm và sẽ làm. Sự quay đầu có ý nghĩa như vậy, ta không nên hành hạ chính mình, cũng không nên làm khổ đau người khác. Theo tinh thần Phật giáo, không có sự muộn màng trong tiến trình quay đầu, dù ta đã 70 hay 80 tuổi, thậm chí khi sắp nhắm mắt lìa đời thì tâm niệm hồi đầu vẫn không muộn, bởi bản chất của nhân quả là một cán cân công lý sẽ định đoạt hạnh phúc hay khổ đau cho ta trong tương lai, nó không bị bất cứ cái gì lũng đoạn, cản trở hay làm sai lệch sự chuẩn xác ấy.

Theo quy luật nhân quả, khi kết quả của một việc xấu đến rồi thì dù cho người đó có chắp cánh bay cao trên không gian vô tận hay có khả năng độn thổ như là các võ thuật gia, hoặc lặn sâu dưới đại dương thì quả của nghiệp xấu vẫn đến với người đó, vì bản chất quả của nghiệp là thế. Nó xuất hiện với ta khi phước nghiệp của mình không còn và những tương tác nhân quả đa chiều của những hành vi tiêu cực đã đến hồi trổ quả. Đó là một tiến trình tự nhiên liên hệ đến các hành vi của con người trong cuộc đời này không một ai có thể can thiệp hay tránh khỏi.

NHU CẦU CHUYỂN HÓA

Tiến trình của sự chuyển hóa giống như việc súc bình. Mỗi con người với dòng cảm xúc và nhận thức ví như một cái bình, nếu dòng cảm xúc bị vẩn đục vì nỗi khổ niềm đau, hay với nhận thức bất cần đời, ta thấy không có gì tội lỗi và sai luật pháp mà hành động có thể thương tổn đến người khác một cách vô tình hay cố ý, ta sẽ không còn hướng bàn tay đến sự khổ đau nữa hay khi ta nhận thức được rồi, ta phải súc rửa để cho cái bình thật sạch, thật mới.

Khi cái bình được súc sạch rồi, lúc đó ta đổ nước mới vào nó không bị vẩn đục, nó sẽ tăng thêm sự ngọt ngào cho người thưởng thức, tạo giá trị thơm ngon, trong lành cho nước, còn nếu như cái bình kia bị bẩn quá lâu thì ta phải súc nhiều lần mới sạch. Nếu cái bình súc không được sạch mà ta cho nước mới vào, nước sẽ không được trong lành, thơm tho, nước đó chỉ làm cho người thưởng thức cảm giác đỡ khát chứ đâu có ngon. Do đó, tiến trình của sự chuyển hóa giống như việc súc bình thay nước vậy.

Thực hành phương pháp “Quán từ bi” là cách chuyển hóa nghiệp bạo lực. Trong mỗi người đều có hạt giống tình thương, ai cũng biết thương cha, mẹ, vợ chồng con cái, tình nhân v.v... Hạt giống của tình thương luôn có sẵn, có điều là ta lãng quên nó đi, ta không khơi nó dậy mà để nó nằm yên, ngủ kỹ, có khi nó bị đè nén bởi lòng ganh ghét, giận hờn hay thù hận làm cho hạt giống của tình thương bị lép đi, không có cơ hội nẩy mầm và phát triển.

Chúng ta thấy đức Phật ứng xử với tên sát nhân Anguli- mala hoàn toàn khác với cuộc đời, bởi trong lúc mọi người đều cho rằng Angulimala là một tên sát nhân tàn bạo, một tên khủng bố hung hãn cần phải giết chết để trả thù, để cho xã hội được bình yên thì đức Phật lại thấu hiểu và cảm thông cho những khổ đau và bất hạnh của ông ta.

Đức Phật đã nhìn thấy trong tâm của ông có hạt giống của tình thương, hạt giống ấy cần phải được tưới tẩm, chăm sóc vun trồng để nẩy mầm và phát triển. Hạt giống của tình thương trong Angulimala được lớn lên, việc trước nhất là ông sẽ tự cứu bản thân, kế đến là gia đình và những người xung quanh. Gia đình, họ hàng, giòng tộc của Angulimala không còn mặc cảm mình là người thân của tên sát nhân, tên khủng bố, họ không còn bị sức ép từ cộng đồng và xã hội, do đó, những nỗi đau, những ảnh hưởng tiêu cực được giải thoát. Đức Phật đã khai mở hạt giống tình thương trong Angulimala, và dạy cho ông ta quán sát, tu tập phương pháp gieo hạt giống tình thương trong hành động, suy nghĩ, lời nói và việc làm của mình. Angulimala đã thành công.

Đức Phật dạy, trước khi đi ngủ và sau khi ngủ dậy hãy thực tập quán năng lực tình thương để nó lan tỏa cùng với việc làm của ta, trước nhất là lan tỏa đến người thân, người thương của, bởi vì thiết lập tình thương với người thân dễ dàng nhất, sau đó lan tỏa đến người ngoài và thể hiện đến với những kẻ ân oán giang hồ với mình. Thương người thương quá dễ, thương người thân không khó, thương người dưng nước lã là khó, còn mở lòng thương kẻ thù là vô cùng khó. Tại sao ta lại phải thương kẻ thù? Vì nếu ta không thương kẻ thù thì biến mình và kẻ thù thành nạn nhân và cả hai đều bất hạnh. Cho nên, phải thể hiện lòng thương bằng năng lượng sóng từ lan tỏa, phủ trùm và tương tác nhân quả loại trừ lẫn nhau. Nếu trước đây ta đã từng sân hận, ân oán giang hồ thì bây giờ ta dùng lòng lòng từ bi để phủ trùm, chuyển hóa những năng lực sân hận, ân oán trước kia. Thực hành quán lòng từ bi giúp ta giải quyết những oan kiết ứ đọng trong lòng từ rất lâu, giống như cách thức xả ống khói. Lòng sân, si, hận thù giống như khí carbonic, thử hình dung trong nhà có một ống khói, nếu ống khói đó bị nghẹt trong vòng năm phút, khói tỏa ra phủ kín, cả căn nhà sẽ bị ngạt thở. Cách giải phóng khí carbonic ra khỏi căn nhà này có nhiều phương pháp khác nhau:

a. Thứ nhất mở toang các cửa sổ và cửa cái.

b. Thứ hai nếu nhà kính phải đập vỡ cánh cửa kính không nên tiếc nuối.

c. Thứ ba nếu cửa và kính không tháo được, không còn cách nào khác, người đó phải leo lên ống khói, phá vỡ ống khói thì khí carbonic mới thoát ra được bên ngoài.

Khí oxy tượng trưng cho hạnh phúc con người, nếu ta bị khí carbonic thay thế trong quá trình đời sống với những mảnh đời bất hạnh, những hoàn cảnh éo le, những nghịch cảnh thì cần xả hơi ống khói. Muốn tự cứu mình, ta xả hơi càng nhiều càng tốt và để cho nỗi khổ niềm đau không bị lây lan hay ta khoanh vùng nỗi khổ niềm đau này lại giống như cách chủng ngừa bệnh truyền nhiễm, ta tiêm chủng một loại kháng sinh vào trong cơ thể để triệt tiêu khả năng lây lan mầm bệnh thì hạnh phúc mới có mặt với ta.

Với tiến trình chuyển hóa đức Phật chỉ dạy, Angulimala đã thực hành tinh tấn, miên mật và ông đã trở thành người hiền lương, đầy đủ lòng từ bi, tính hỷ xả, đức hy sinh, sống có ích cho bản thân, xã hội và các chúng sanh khác không thua kém gì những tu sĩ trong Tăng đoàn của đức Phật lúc bấy giờ. Anguli- mala là tấm gương cho những pháp môn hành trì chuyển hóa tội lỗi, khổ đau của hành giả Phật giáo các thế hệ sau thời đức Phật cho đến tận bây giờ và mãi mãi về sau.

 
00:00