Chương 4: Đứng dậy sau vấp ngã

THÔNG ĐIỆP TRÍ TUỆ VÀ HẠNH PHÚC

Đề tài “Đứng dậy sau vấp ngã” là phần rút ngắn câu nói nổi tiếng của đức Phật Thích Ca mà anh Tổng giám thị trại giam Châu Bình đã viết một câu rất lớn tại máng bốn và năm của trại giam này: “Vĩ đại lớn nhất của đời người là đứng dậy sau khi vấp ngã”.

Câu này có điển tích từ sự kiện A Xà Thế là thái tử đông cung, chiếm đoạt ngôi vua bằng cách giết chết cha ruột của mình. Người cha rất hiền từ, khả kính, thương con và thương tất cả thần dân như con ruột của mình. Nỗi khổ đau đó đã làm vua A Xà Thế sau này hối hận. Cuối cùng các nhà quân sư của ông, khuyến khích ông gặp đức Phật Thích Ca. Đức Phật đã có buổi thuyết giảng. Câu nói “Vĩ đại lớn nhất của một đời người là đứng dậy sau khi vấp ngã” có mặt từ đó.

Trước khi chia sẻ về sự tích này, chúng tôi xin lược qua ba nội dung trong thông điệp của đức Phật mà Liên Hiệp Quốc quan tâm. Thứ nhất, thông điệp về lòng từ bi gồm hai nội dung: Một là, nhổ tận gốc gốc rễ nỗi khổ niềm đau; hai là mang lại niềm an vui hạnh phúc một cách lâu dài. Thông điệp đó gắn liền với bản chất của đời sống, vì nếu thiếu chất liệu của lòng từ bi, chúng ta khó có thể sống với nhau trong hòa bình, hạnh phúc, an vui.

Tình thương mà chúng ta thường đề cập đến chỉ là một phần rất nhỏ của lòng từ bi. Chẳng hạn, người mẹ cho con bú suốt ba năm, mười mấy năm ăn học, hoặc cho bánh kẹo mỗi khi đi chợ về. Những việc này chỉ mang tính chất tình thương. Tình thương đó chỉ chu cấp một phần cho đời sống vật chất, một phần cho đời sống cảm xúc, một phần cho các mối quan hệ. Nhưng có rất nhiều loại tình thương được thể hiện, đôi lúc không mang lại lợi lạc cho người được thương, mà người được thương thỉnh thoảng có cảm giác mình bị bó buộc. Hoặc thương không đúng cách dẫn đến nhiều bức xúc và nỗi khổ niềm đau. Do đó lòng từ bi như một thông điệp chính để thế giới loài người ứng xử với nhau như anh em ruột thịt trong đại gia đình.

Thứ hai, thông điệp về trí tuệ được xem là ánh dương soi sáng cho hạnh phúc của chúng ta trên dương thế. Tất cả các nhận thức mà đỉnh cao nhất là các kiến thức của nhà khoa học, đã đóng góp cho nhân loại ở nhiều lĩnh vực khác nhau, chỉ mang lại những giá trị về xã hội, nhân văn và đạo đức. Nhưng tuệ giác và trí tuệ quan trọng hơn vì nó giúp chúng ta thấy rất rõ bản chất của kiếp người, thế giới quan, nhân sinh quan, rằng không có vị thượng đế sáng tạo ra vũ trụ loài người và muôn vật, không có các thần linh chủ quản các ngành nghề và chướng nghiệp, mà chỉ có con người chúng ta là đạo diễn, diễn viên cho chính cuộc đời hạnh phúc hay khổ đau của mình. Nhận thức tuệ giác đó sẽ giúp chúng ta có trách nhiệm một cách trực tiếp và tình nguyện về những gì đã làm cho người khác, những gì làm cho chính bản thân. Từ đó thể hiện tất cả những giá trị lợi lạc cho tha nhân như cho chính bản thân mình.

Thứ ba là thông điệp nhập thế. Bản chất của đạo Phật là gắn liền với đời sống. “Phụng sự chúng sinh tức là cúng dường các đức Phật”. Các đức Phật không bao giờ yêu cầu chúng ta cúng dường hương hoa phẩm vật cho Ngài, mà Ngài yêu cầu những người giàu có, có đầy đủ phương tiện, chia sẻ bớt nỗi khổ niềm đau đối với những người bất hạnh. Làm được như vậy là góp phần xây dựng được xã hội hòa bình, thịnh vượng. Chính ba thông điệp này đã làm cho Liên Hiệp Quốc chọn ngày Phật đản sinh, thành đạo và nhập Niết bàn gọi là Tam hợp như một lễ hội văn hóa toàn cầu.

Nội dung thứ tư cũng rất ấn tượng trong thông điệp của đức Phật, đó là trạng thái tĩnh lặng của tâm. Sự tĩnh lặng trước nhất liên hệ đến sự yên lặng trong các mối quan hệ. Chúng ta thường có khuynh hướng thích tâm sự, giải bày, đôi lúc nói những điều không có lợi ích cho nhau. Do đó đức Phật dạy chúng ta hãy dành thời gian quay lại với chính mình. Thay vì nói chuyện một cách ồn ào, thì chúng ta dành thời gian đó quán chiếu lại lời nói, việc làm, hành động, tư duy, nghề nghiệp của bản thân để thấy mình là một chuỗi dài của đời sống, như dòng nước trên sông. Dòng nước này được phối hợp bởi nhiều yếu tố khác nhau, chỉ với tuệ quán chúng ta nhìn lại bằng hơi thở và nụ cười thì tiết kiệm được năng lượng trong lúc nói rất nhiều.

Có lúc chúng ta nói những điều vô ích, làm người khác không vui hay mất lòng, đôi lúc chính chúng ta cũng cau có bực dọc.

Các phản ứng trong phát ngôn do chúng ta bực tức, nóng giận, cau có, khó chịu làm người nghe có cảm giác rất nặng nề. Nên khi làm quen với các thông điệp của đức Phật thì chúng ta tiếp nhận thói quen mới, đó là yên lặng để quay về với chính mình, chúng ta sẽ thấy mình là một tấm gương.

Tất cả những dòng cảm xúc, nhận thức lời nói diễn ra trong cuộc đời như là những vật được tương phản trong gương sáng. Nhờ đó chúng ta có thể thấy, hiểu rõ mình hơn. Từ đó đời sống thật sự có ý nghĩa hơn đối với bản thân và tha nhân.

Quý vị ở trong trại đã được đặt Pháp danh. Pháp danh “Chân hạnh phúc” là hạnh phúc đích thực, không bắt nguồn từ nhà cao cửa rộng, phương tiện vật chất đủ đầy, mà bắt nguồn bằng cách chúng ta làm chủ được dòng cảm xúc, nhận thức, và hành động của mình. Làm chủ được dòng cảm xúc thì các phản ứng sẽ không xuất hiện theo dạng cơn hải triều, khi cao khi thấp.

Mỗi dòng cảm xúc trôi qua làm mình thất điên bát đảo, thăng trầm, làm chúng ta hoàn toàn lệ thuộc vào thói quen trong quan hệ ứng xử. Các thói quen này, như mạng nhện, khi sự lặp đi lặp lại các ý thức trở thành sợi dây xích, trói buộc, khiến chúng ta mất tự do. Sống với những thói quen xấu sẽ làm cho chúng ta trở thành kẻ bị lưu đày. Vượt qua được thói quen, chúng ta sẽ dễ dàng làm chủ được cảm xúc. Khi đã làm chủ được cảm xúc, thì lời nói, việc làm, tư duy sẽ theo quỹ đạo có lợi cho mình và người.

Làm chủ được nhận thức, chúng ta sẽ lạc quan, tích cực, năng động hơn. Không còn có những mặc cảm, nhất là mặc cảm tội lỗi, về quãng đời quá khứ mà mình vô tình hay cố ý. Hoặc những hoàn cảnh mà mình đã không đủ sáng suốt. Từ đó lời nói, việc làm, tư duy của chúng ta đã để lại rất nhiều nỗi đau. Nỗi đau cho chính nạn nhân do mình tạo ra, nỗi đau cho bản thân, cha mẹ và người thân. Sự thay đổi về nhận thức giúp chúng ta làm chủ được bản thân, làm chủ được hành động. Đây chính là nỗ lực ban đầu của sự đứng dậy sau khi vấp ngã.

Người được gọi là “Chân hạnh phúc” là người được sống với phương tiện có thể rất giản đơn, nhưng giá trị của đời sống lại rất cao. Tất cả các anh chị em trong mỗi lần sinh hoạt có cơ hội thực tập ăn chay một ngày, là chúng ta đang gieo hạt giống của lòng từ bi. Tình thương phần lớn dành cho con người với con người. Các tôn giáo và các dân tộc trên thế giới xem việc ăn mặn là chuyện rất bình thường. Có người nghĩ rằng, thượng đế thương chúng ta nên đã tạo ra các loài vật để chu cấp cho mạng sống con người.

Ngược lại, đạo Phật dạy chúng ta biết ơn con người vì con người tạo ra tất cả, thay vì chúng ta biết ơn thần linh. Ngoài tình thương dành cho con người thông qua việc không giết chóc, bảo vệ và tôn trọng hòa bình thì chúng ta phải gieo rắc tình thương với các loài động vật, vì chúng cũng có quyền được sống và quý trọng đời sống như chính chúng ta. Nên khi thực tập ăn chay một ngày, các anh chị em được khuyến khích trước khi đi ngủ hoặc sau khi ngủ dậy mình quán tưởng năng lượng từ bi tỏa ra từ trái tim, nhận thức của mình trước tiên đến những người thân ruột thịt. Từ những quán tính và lực đẩy của lòng từ bi đối với người thân, chúng ta truyền ra đối với người dưng nước lã và sau cùng là tất cả loài động vật, cỏ cây, hoa lá, trời mây, non nước,…

Khi đường kính về lòng từ bi rộng ra đối với các loài động vật và môi trường thì lúc đó không khí mà chúng ta thở chính do cây cỏ, môi trường xanh giúp đỡ cho ta. Sự cân bằng sinh thái có phần đóng góp rất lớn của các loài động vật. Do vậy việc thể hiện tình thương, ăn chay một cách tình nguyện mặc dù tại đây còn thiếu thốn nhiều thứ, nhưng chúng ta thấy quyền được sống và giá trị đời sống của các loài động vật góp phần cho quyền sống và giá trị đời sống của chúng ta. Như vậy ta đã thấy được giá trị của chân hạnh phúc và nhiều giá trị khác.

ĐỨNG DẬY KHÔNG BAO GIỜ LÀ QUÁ MUỘN

Khái niệm “Đứng dậy sau khi vấp ngã” bắt nguồn từ sự tích trong thời đại của đức Phật. Đức vua Tần Bà Sa La là một người nhân từ. Ông đã cai quản muôn dân theo lời Phật dạy kể từ khi gặp được đức Phật. Đất nước ông trước đây có nhiều chiến tranh, bành trướng bá quyền, thôn tín các nước lân bang. Kể từ khi gặp đức Phật, ông đã dừng hết cả những cuộc chiến và lấy năm nền tảng đạo đức: không giết người, không trộm cắp, không ngoại tình, không uống rượu, không nói dối,… và nhiều nguyên tắc đạo đức khác của đức Phật, trở thành nền tảng luật pháp quốc gia của thời đó.

Dưới sự cai trị của ông, rất nhiều người sống hạnh phúc, ai cũng có cơm ăn áo mặc ấm no, và đời sống như ở thiên đường trên trần thế. Đứa con trai của ông chỉ mới khoảng hai mươi tuổi, ông đã hứa nhường lại quyền cai trị xã tắc. Nhưng con ông là thái tử A Xà Thế có tham vọng rất lớn, với tâm ác độc. Mặc dù được vua cha hứa giao ngôi vị vào mùa xuân năm sau, nhưng dưới sự tác động của Đề Bà Đạt Đa, A Xà Thế đã bày mưu lập kế soán ngôi vua để trở thành vị vua trẻ nhất của đất nước.

Cuộc soán ngôi bị phát hiện, nhà vua đã giam A Xà Thế vào ngục. Theo luật pháp, ai phạm tội soán ngôi vua sẽ bị chết một cách đau đớn, nhưng vì đã hứa trao ngai vàng cho con nên nhà vua không giết con mà thả ra với hy vọng con trai ăn năn hối lỗi và làm lại cuộc đời. A Xà Thế hứa với cha mình và trở lại cương vị đông cung thái tử. Nhưng vài tháng sau khi mùa đông vừa trôi qua, thái tử tổ chức cuộc soán ngôi lần thứ hai, và lần này thái tử đã thành công. Chẳng những không nhớ ơn người cha khả kính của mình, A Xà Thế đã ra lệnh hạ ngục đức vua. Trong lúc hạ ngục ông đã yêu cầu canh phòng cẩn mật và triệt hạ tất cả các vị tướng và quan trung thành với đức vua để tránh tình trạng nhà vua này sẽ phục hoạt ngôi vị.

Ngoài ra đối với đức vua Tần Bà Sa La thì A Xà Thế yêu cầu không ai được thăm nuôi, không ai được tiếp thức ăn vào để vua cha phải chết đau đớn, và đói khát trong ngục. Mẹ của A Xà Thế là Vi Đề Hi là một Phật tử thuần thành, vì an ninh quá cẩn mật nên bà nghĩ ra cách dùng bột và mật ong trộn lại sền sệt tô trét trong cơ thể bà. Sau đó bà khoác những chiếc áo lại mà không ai để ý đến. Từ ngôi vị hoàng hậu, nay trở thành hoàng thái hậu nên bà là người duy nhất được vào thăm nuôi. Do không ai để ý nên đức vua được sống sót. Sau một tuần, A Xà Thế hỏi và được biết đức vua vẫn còn sống. Ông bực tức ra lệnh tống giam những người canh gác ngục vua và truyền lệnh không cho mẹ đến thăm nuôi nữa.

Ác độc hơn, ông ra lệnh dùng dao lát vào làn da thớ thịt của vua cha, để máu rỉ chảy đến chết. Trong lúc làn da bị rỉ máu, nhà vua Tần Bà Sa La đã khởi lên lòng từ bi rất lớn đối với con. Ông đã nói: Tôi hiểu rất rõ con tôi đang sống trong vòng vô minh, vì lòng tham ngai vị, vì lòng tham của việc cai trị muôn dân nên đã phạm những tội tày trời. Tôi xin lấy lòng từ bi và năng lực từ bi này truyền đến đứa con của tôi và mong rằng một ngày nào đó, con tôi sẽ ăn năn và thức tỉnh, trở thành vị minh quân. Tôi không giữ lại trong tâm bất cứ sự hận thù nào, sự trả thù nào dù ở hiện đời này hay tái sinh trong đời sau. Mong ân oán được kết thúc tại đây, và mong cho đứa con của tôi trở thành người sáng suốt để thần dân được sống trong hạnh phúc bình an.

Nói xong, ông hướng về đức Phật tại núi Linh Thứu cách đó khoảng 1km đường chim bay, mong đức Phật phù hộ cho vua A Xà Thế. Sau đó ông lìa đời trong sự an lành, mắt nhắm, gương mặt hồng hào như đang ngủ. Theo đức Phật, kiếp sống con người không phải có đầu tiên kể từ khi chúng ta được sinh ra trong bào thai của người mẹ. Do đó khi chúng ta nhắm mắt qua đời, nó không phải là dấu kết thúc cuộc đời một cách vĩnh viễn.

Bản chất của đời sống là một đường dài vô tận, không có điểm khởi thủy và cũng không có điểm kết thúc. Chúng ta khó có thể truy được nguyên nhân đầu tiên sinh ra ta là gì. Chúng ta chỉ biết những người thân nhất chỉ có mẹ và cha. Kế đến là ông bà tổ tiên họ tộc. Sau đó cũng như phản ứng bảo toàn năng lượng của vật chất, chúng ta chết đi và sẽ tiếp tục đầu thai. Khi chết thì xác thân này gồm đất, nước, gió, lửa sẽ trở về với nguyên lý chất rắn, chất lỏng, chất vận động, chất nhiệt. Còn tâm thức tiếp tục ra đi để đầu thai vào bào thai theo nghiệp lực.

Chúng ta có thể tiếp tục ra đời với tư cách một người con. Nếu trong đời sống đạo đức chúng ta nặng về thú tính, nghĩa là có nhiều hành động quá thấp kém, chỉ hưởng thụ, và gieo trồng nhiều hành động tiêu cực thì theo đạo Phật, thân phận kiếp người sẽ giảm đi để thay vào thân phận của các loài động vật. Ngược lại, chúng ta sẽ tiếp tục được làm người ở hành tinh này hay hành tinh khác với phước báu của môi trường, khoa học kỹ thuật, đời sống hòa bình cao hơn hành tinh mà tất cả chúng ta đang sống và đang phải đối diện với rất nhiều khủng hoảng toàn cầu gồm khủng hoảng môi sinh, nạn khủng bố, những chứng bệnh có thể tiêu diệt loài người.

Phước báu này sẽ tích tụ song hành với những hành động được gọi là nghiệp, trong kho tàng tâm thức của chúng ta sau khi thân xác này qua đời. Chính vì thế đạo Phật lý giải tại sao chúng ta có hiện tượng thần đồng, thiên tài, có người không học nhưng có thể biết hàng ngàn thứ kiến thức, nhưng có người học nhiều mà chẳng biết được bao nhiêu. Bởi vì trong kho tàng tâm thức của người đó đã có những hạt giống tri thức, hạt giống về nghề nghiệp, hạt giống về thói quen, và nhiều hạt giống khác không mất đi trong quá trình chết.

Do vậy khi sinh ra mỗi người có một cá tính, hòa với phong tục tập quán, nền tảng giáo dục đạo đức của quốc gia, học đường mà chúng ta trở thành những con người, cộng với điều kiện môi trường hoàn cảnh mà mỗi người có cách ứng xử tốt hay không tốt, tiêu cực hay tích tực, hạnh phúc hay khổ đau. Học thuyết này cho phép chúng ta tin tưởng rằng cái chết không phải là hết. Nhà vua Tần Bà Sa La hiểu rất nhiều về điều đó nên ông không gieo bất kỳ một tâm niệm hận thù nào đối với đứa con bất hiếu của ông.

A Xa Thế và vợ đã sinh ra một đứa con, đứa con khi sinh ra có một mụt ghẻ ở ngón tay. Mụn ghẻ làm con ông đau đớn cả ngày lẫn đêm, khiến vợ chồng ông không tài nào ngủ được. Càng thương đứa con ruột thịt của mình nhiều chừng nào thì cả vua và hoàng hậu phải thức trắng đêm. Tình thương của cha mẹ lúc nào cũng vĩ đại đến thế. Sáng hôm sau, A Xà Thế đến gặp mẹ là Vi Đề Hi và hỏi khi xưa vua cha có thương ông như ông đã thương đứa con của mình đến ngày và đêm không ngủ được hay không?

Nghe câu hỏi, bà Vi Đề Hi đã khóc sướt mướt. Những giọt nước mắt của bà đã làm cho A Xà Thế cảm nhận được rằng những điều mà mẹ sẽ trả lời với ông có thể nhiều gấp bội phần so với những gì ông đã dành cho con ruột.

Vi Đề Hi kể lại rằng: Lúc mẹ mang thai con, có nhà tiên tri rất nổi tiếng được mời về, ông đã khuyên vua cha hãy giết đứa con trong bào thai vì đó là nghịch tử, nếu không giết nó thì ngai vàng này sẽ do chính con ông soán vị. Vua cha nghe thế tức giận vì nghĩ vị tiên tri đã bị mua chuộc, ông ra lệnh giết nhà tiên tri. Những nhà tiên tri sau đó được mời đến cũng khuyên như nhau và cùng nội dung với nhà tiên tri đầu tiên. Vua cha bắt đầu bán tín bán nghi, ông không giết các nhà tiên tri nhưng cũng không phá bào thai trong bụng hoàng hậu. Nghe đến đó, vua A Xà Thế bắt đầu cảm thấy hối hận về tội ác tày trời mà mình đã gây ra.

Bà Vi Đề Hi kể tiếp rằng, năm A Xà Thế lên tám tuổi, bị một mụn nhọt sưng đỏ cả vùng tai, máu và mủ chảy ra ghê gớm khiến A Xà Thế đau đớn khóc ngày đêm. Khi đó, vua Tần Bà Sa La đến gần, dùng miệng hút hết máu mủ của mụn nhọt đó và nhả ra ngoài, năm lần bảy lượt như thế để cho con bớt đau. Từ đó A Xà Thế đã có những giấc ngủ ngon nhờ từ trường của lòng từ bi và tình thương cao cả của người cha.

Chúng ta thấy, với vai trò một vị vua, Tần Bà Sa La có rất nhiều vị quân y giỏi có thể trị được, nhưng vì tình thương, ông muốn thể hiện sự gần gũi với con ruột mình. Ấy thế mà đứa con vì lòng tham ngôi vị đã không tha chết cho ông. Khi nghe kể như vậy, tình thương của A Xà Thế đối với con ruột của ông nhiều bao nhiêu thì sự hối hận của ông về cái chết của cha cũng nhiều bấy nhiêu. Ông tự tử mấy lần nhưng không chết.

SÁM HỐI LÀ THUỐC THẦN

A Xà Thế nhờ các vị quan quân tìm và đưa ông đến tất cả các nhà tâm linh nổi tiếng nhất nước Ấn Độ nhưng không có nhà tâm linh nào làm cho ông được thỏa mãn. Vì uy quyền của vua và biết vua đã từng giết cha nên không nhà tâm linh nào dám nói lên sự thật.

Gặp ông, ai cũng nói nhẹ nhàng rằng: Đại vương không có tội lỗi gì để sám hối. Đại vương là vị minh quân, nhà hiền đức, nên hãy cứ như thế mà cai trị muôn dân. Mặc cảm tội lỗi càng giằng xé A Xà Thế nhiều hơn nữa. Ông thấy rất rõ những người này sợ chết nếu nói rõ quá khứ của ông. Cha ruột ông, ông cũng không từ huống hồ là họ, nên họ phải ca tụng và bưng bít đối với mình. Mặc cảm đó càng giằng xé ông hơn bao giờ hết. Ông rơi vào chứng bệnh bán tâm thần, ngày đêm ông luôn gặp ác mộng người này đòi mạng, kẻ kia ám sát, còn người cha cứ lẩn quẩn trong nhà.

Mặc dù trên thực tế, người cha đã được siêu sinh, nhưng sự mặc cảm tội lỗi hành hạ khiến ông bị tâm thần.

Ông bị sốt liên miên, lúc đó có đại thần Jivaka là Phật tử thuần thành đã đến và thưa với vua A Xà Thế: Thưa đại vương, trong những năm tháng hối hận vừa qua, đại vương đã gặp rất nhiều nhà tâm linh, nhưng đại vương đã không tìm ra giải đáp. Xin đại vương hãy theo hạ thần đến vườn xoài do hạ thần cúng cho đức Phật. Hiện nay đức Phật Thích Ca đang chia sẻ những lời đạo đức cho hàng vạn người nghe.

Hôm sau, nhà vua và Jivaka cùng rất nhiều người trong triều đến vườn xoài nghe thuyết pháp. Vườn xoài có diện tích hơn mười mẫu, rất rộng. Mười mấy ngàn Tăng Ni, mỗi vị ngồi dưới một gốc cây. Tất cả im phăng phắc. Bản kinh mô tả, khi vua A Xà Thế có mặt, thì nỗi sợ hãi trỗi dậy trong tâm thức, ông nghĩ rằng đã bị Jivaka đã mai phục. Vốn là người ác, và là kẻ đa nghi, mưu toan tính toán rất nhiều như một thói quen. Ông sợ hãi và hỏi gằn giọng: “Này Jivaka, ngươi mai phục và giết ta phải không?”. Jivaka trả lời: “Thưa đại vương, kẻ hạ thần đã có diễm phúc rất lớn được phục vụ cho thái thượng hoàng, cha của đại vương. Sau khi thái thượng hoàng qua đời, đại vương tiếp tục tin tưởng hạ thần và cho hạ thần có cơ hội phục vụ đại vương. Kẻ hạ thần đâu dám nghĩ chuyện tày trời như thế. Xin đại vương hãy tin kẻ hạ thần. Chỉ còn 500 m nữa, chúng ta sẽ đến thất của đức Phật. Lúc đó đại vương sẽ gặp đức Phật và được Ngài thuyết giảng. Hạ thần tin chắc đại vương sẽ vượt qua được nỗi khổ niềm đau này”.

Nhà vua được trấn an từ từ, ông đến từng gốc cây, nhìn từng gương mặt của các vị Tỳ kheo, rất nhẹ nhàng, thư thái, thảnh thơi. Mặc dù đời sống giản dị, khoác trên vai những chiếc áo bá nạp, từ những mảnh vải vụn được nhặt từ sọt rác nghĩa địa, có những mảnh vải vụn được lấy từ thi thể người chết sau khi được tống táng. Mỗi ngày chỉ ăn một bữa, theo tính chất hành khất, người ta cho cái gì thì tiếp nhận cái đó, không đòi hỏi, không khen chê, tiếp nhận với tất cả tấm lòng, với sự biết ơn sâu sắc đối với những người đã ban tặng.

Nhà vua cảm thấy hân hoan hơn. Ông nhận thấy bản chất của Chân hạnh phúc không phải là ngai vàng mà trước đây ông đã từng hiểu lầm. Ông nhận ra rằng ngồi trên ngai vàng nhưng sống thiếu đạo đức, ngồi trên phương tiện nhưng thiếu nhân phẩm và tư cách thì chẳng khác gì loài động vật, ông cảm thấy đau khổ và tiếp tục đến gặp đức Phật. Khi gặp đức Phật, ông đã tường thuật lại tội giết vua cha, và những tình cảm cao thượng mà vua cha đã dành cho ông.

Đức Phật nói: “Này đại vương A Xà Thế, trong cuộc đời có hai hạng thánh nhân. Thứ nhất là người chưa từng tạo nỗi khổ niềm đau, hay bất cứ sai lầm nào dù là nhỏ nhất. Thứ hai là người sau khi tạo ra lỗi lầm nhưng nhận thức đó là một lỗi lầm, nêu quyết tâm cao độ là không tái phạm trong tương lai. Này đại vương, trong hai loại thánh nhân đó, loại thứ hai mới là thánh nhân thật sự. Vì loại thứ nhất chỉ là lý tưởng nhưng chưa từng có trong đời này”.

Theo lời của đức Phật thì sự sai lầm và tội lỗi gắn liền với những thói quen của lòng tham sân si. Ở một góc độ nào đó, chúng ta có thể cảm thông để dẫn đến hiểu biết và tha thứ cho những lầm lỡ trong quá khứ. Vì đời người là một chuỗi rất dài. Mỗi một lỗi lầm như một dấu chấm trên con đường. Nếu vì một dấu chấm như là “mía sâu có đốt, nhà dột có nơi” mà chúng ta bỏ cả cây mía hay bỏ cả căn nhà, là chúng ta đã phí phạm, không tạo cơ hội cho người khác trở thành một người có nhân cách vĩ đại. Đức Phật đã nói với vua A Xà Thế: “Vĩ đại lớn nhất của loài người là vươn lên sau khi vấp ngã”. Nghe nói thế, chứng bệnh tâm thần và những mặc cảm tội lỗi vốn giằng xé nhà vua trong thời gian qua tan biến, và ông trở thành con người hoàn toàn mới.

Trong các bản kinh có mô tả đến các dòng cảm xúc của ông lúc đó là người như được tái sinh lần thứ hai. Và lần tái sinh này ông mới thật sự là một con người đúng nghĩa. Lần có mặt đầu tiên trong bụng mẹ, và gần hai mươi năm có mặt trong cuộc đời chỉ là con người trên danh xưng, còn lời nói, việc làm, tư duy hoàn toàn mang tính chất loài thú.

Cuối cùng ông cảm tạ đức Phật và mong đức Phật làm Thầy, hướng dẫn đời sống tâm linh và đạo đức cho ông. Sau đó đức Phật đã giảng cho ông những bài kinh về lòng từ bi, tuệ giác, nhân quả. Ở trong những lời dạy về nhân quả, đức Phật xác định: Nhân quả là một quy luật, nó như một cán cân công lý rất công bằng và chuẩn xác. Trong tất cả các hệ luật pháp dù là của quốc gia tiên tiến nào trên thế giới từ xưa đến nay đều có những lỗ hổng, những bất cập, chuyện hối lộ, tham nhũng, móc ngoặc, bị thể hiện sai với những chủ trương của quốc gia, nhưng nhân quả là hệ luật pháp rất công bằng. Tất cả những hành động chúng ta gieo trồng không mất đi mà nó sẽ theo đuổi như bánh xe và chiếc xe.

Thấy được điều đó, chúng ta phải có tinh thần trách nhiệm rất cao với hành động của mình. Những gì mình làm, mạnh dạn thừa nhận là lỗi lầm, để làm mới. Sự trốn chạy, mặc dù có thể qua mặt luật pháp, nhưng nhân quả không bao giờ tha chúng ta.

Bản chất của nhân quả theo đức Phật mô tả: đến khi hạt giống gieo trồng đã chín muồi. Dù chúng ta có trốn dưới biển sâu, xuống các hang động, hay bay vào không gian, thì quả xấu vẫn trổ, và chúng ta phải tiếp nhận. Thay vì trốn chạy, đạo Phật dạy chúng ta hãy đối diện với bản thân, nhìn thấy đó là điều sai để ăn năn hối cải như đức vua A Xà Thế đã làm. Nhờ cuộc hội ngộ với đức Phật, mà ông đã là một vị minh quân không thua kém gì đức vua cha của ông.

Sau mấy mươi năm cai trị, mặc dù đã ăn năn hối lỗi, nhưng ngai vàng của ông cũng do chính đứa con ruột thịt của ông soán ngôi. Đây là nhân quả nhãn tiền chưa từng thấy trong lịch sử của nhân loại. Hai đời con cháu soán ngôi vua cha của mình mặc dù vua cha rất thương yêu.

VƯƠN DẬY TỪ VẤP NGÃ

Từ câu chuyện đó, chúng ta phải thấy rằng, ngoài ăn năn hối lỗi, chúng ta được làm mới, giải phóng nghiệp của mình, nhưng hậu quả của những hành động mà chúng ta gieo trồng vẫn tiếp tục theo đuổi huống hồ không ăn năn hối cải. Sự vĩ đại của “Vươn lên sau khi vấp ngã” có rất nhiều ý nghĩa. Có những vấp ngã do chính chúng ta là người tạo ra “ổ chuột”, “ổ gà”, “ổ voi” trên con đường mình đi. Có những sự vấp ngã bắt đầu bằng những sợi dây hay chướng ngại vật mà chính chúng ta là tác nhân gây ra nó, do những người bạn, người thân, do sự dại dột, thiếu kiến thức, những cạm bẫy, cám dỗ, mềm lòng, thiếu nhận thức và hàng loạt các nguyên nhân xã hội, kinh tế, gia đình, và các nguyên nhân tâm lý khác.

Dù phát xuất từ bất kỳ một nguyên nhân nào, chúng ta phải biết chướng ngại vật làm chúng ta vấp ngã sẽ để lại nỗi đau. Nỗi đau đầu tiên là trên thân thể mình có thể bị bầm dập.

Có lần, chúng tôi đến thăm viếng trung tâm người già và tàn tật Thạnh Lộc ở quận 12, TP.HCM. Sau khi chia sẻ đề tài “Vượt qua chính mình”, chúng tôi đã thăm viếng sáu trăm người già và tàn tật tại đây. Mặc dù gọi là người già và tàn tật, nhưng trong đó cũng có những trẻ em mười lăm, mười sáu tuổi. Khi tôi gặp một bé gái mười sáu tuổi, gương mặt ngây thơ, dễ thương, nở nụ cười rất tươi, nhưng em đã không còn nói được do tai nạn. Sau cú té ngã, hệ thức thần kinh bị ảnh hưởng và em không còn nhớ cha mẹ ruột của mình là ai, nhà ở đâu. Từ đó em phải sống cùng với những cụ già và tàn tật.

Chúng tôi đến tặng quà, em tiếp nhận với nụ cười cảm nhận em đang rất hạnh phúc. Sự vấp ngã của em là một tai nạn do đi vội vã. Chúng tôi có dịp trao đổi với những người chị chăm sóc trong căn nhà đó rằng những chứng bệnh tâm thần do vấp ngã, do tai nạn có thể được phục hồi chức năng của trí nhớ. Vấn đề ở chỗ chúng ta phải truyền chất liệu của tình thương thực sự cho những người đó với tư cách như người cha người mẹ. Mong các anh chị hãy thương và truyền lòng từ bi đến em bé này như con ruột của mình. Hy vọng vài năm sau, em gái này sẽ phục hoạt chức năng của trí nhớ để có thể tái sinh hoạt với gia đình.

Chúng tôi sang trại người già và gặp một cụ 82 tuổi. Cụ đưa ra hai bức ảnh chụp mấy chục năm về trước. Hai bức ảnh đó là một lực sĩ rất đẹp trai, to cao, cơ bắp rất đẹp. Thoạt nhìn chúng tôi không nhận ra người trong ảnh là ai. Nhưng khi cụ cho biết đây chính là cụ của mấy chục năm về trước, chúng tôi khá giật mình vì gương mặt của cụ xưa và nay khác nhau. Nhìn lại thì thấy đôi chân của cụ đã bị tàn phế vì tai nạn trong lúc tập chạy bộ, bị ngã và bị một chiếc xe từ xa lao tới cán nát vào hai chân. Nói xong, cụ cởi áo ra, gồng vai lên, các cơ bắp rất phong độ như mấy chục năm về trước. Chúng tôi đã hỏi làm cách nào mà cụ vẫn giữ được phong độ như thế. Cụ trả lời: Tôi sống lạc quan, mặc dù bị tai nạn nhưng ngày nào tôi cũng nghĩ rằng tôi là một lực sĩ, là người sống có ích, nên tôi được quyền tin tưởng rằng tôi vẫn có ích. Ngày nào cụ cũng tập thể dục ngay tại giường của mình. Nhìn phần ngực của cụ bây giờ và khi là lực sĩ ở mấy chục năm trước cũng không xa cách nhiều.

Đến đây, chúng tôi rút ra được bài học, một bé gái dù còn lành lặng về thân thể nhưng gần như mất đi giá trị của đời sống, chỉ mong đợi vào tình thương của người khác để làm mới em mà không biết khi nào em mới phục hồi trí nhớ. Trong khi cụ già bị tàn phế hai chân nhưng vẫn lạc quan và khẳng định rõ ràng sẽ tiếp tục sống có ích trong cuộc đời như đã từng sống có ích. Nhận thức và tư duy tích cực đóng vai trò quan trọng trong đời sống của con người. Hai sự vấp ngã vật lý mà chúng tôi vừa đề cập đã để lại những nỗi đau. Phải sử dụng nhận thức, trí tuệ, sự lạc quan thì mới có thể sống những năm tháng còn lại một cách có ý nghĩa.

Những vấp ngã do nhận thức, cám dỗ, tham lam, thiếu bản lĩnh,.. cũng để lại nhiều nỗi đau. Chúng tôi đã từng thấy các em bé con nhà nghèo trong trại mồ côi, khi bị ngã, các em cũng òa lên khóc. Nhưng sau đó các em phủi quần áo mà đứng dậy, vì không ai đến nâng đỡ, vỗ về, chia sẻ.

Những lần tôi đến thuyết giảng ở những trung tâm của người già, người cai nghiện. Có một cô gái cũng kể chuyện cô đã từng sinh ra và lớn lên trong gia đình giàu sang phú quý như cậu ấm cô chiêu, được cha mẹ hết mực cưng chiều. Mỗi lần té ngã là được cha mẹ, anh chị đến vỗ về và nói: Ai đã làm con/em té, hãy nói cho cha mẹ, cha mẹ sẽ phạt và la mắng người đó. Khi nghe như vậy, cô đã òa khóc nhiều hơn. Như vậy, khi chúng ta bị đau, bị té, mà được nuông chiều thì cái tôi có được sự đồng cảm, từ đó chúng ta có thói quen cường điệu hóa nỗi đau này lên.

Người sống lạc quan và tích cực với những nỗi đau thì dù nỗi đau có lớn cũng chỉ như hạt cát để chúng ta nỗ lực vượt qua và làm lại cuộc đời. Muốn làm như thế, đức Phật dạy, điều đầu tiên chúng ta phải tâm niệm: cuộc đời này không phải là đã bỏ đi. Có nhiều người khi quay nhìn lại quãng đời đã qua của mình, thấy rằng mình đã có quá nhiều nỗi khổ niềm đau, là tác nhân của biết bao nỗi đau kinh hoàng cho xã hội. Và nghĩ rằng, mạng sống này không còn cơ hội để làm lại được nữa, khi làm lại cuộc đời thì chưa chắc cuộc đời thừa nhận lại mình, sẽ có nhiều phân biệt đối xử, mặc cảm, giằng xé. Lương tâm đó ngày đêm làm cho chúng ta khổ đau nhiều hơn.

Đức Phật nói ai đã từng sống trong những khổ đau kinh hoàng như thế thì hãy mạnh dạn từ bỏ mặc cảm tội lỗi này, và chữa lành những vết đau sau những cú vấp ngã.

NHỔ MŨI TÊN ĐỘC

Trong kinh đức Phật đưa ra một ẩn dụ, một người bị mũi tên bắn xuyên qua cơ thể. Mũi tên gây đau đớn có thể sẽ khiến người đó té ngã trên đường đi và dẫn đến nhiều thương tật khác. Điều quan trọng nhất trong giai đoạn này không phải việc truy cứu ai là kẻ bắn tên, tại sao, mà điều quan trọng là chúng ta phải chữa trị lành vết thương. Phải biết cách bẻ mũi tên thì chúng ta mới lành lặn.

Đức Phật dạy cách thức để bẻ, nếu không có người hỗ trợ thì hãy dùng tay ghì giữ một phần đầu của mũi tên, tay kia ghì giữ phần đuôi mũi tên, đồng lúc đó hãy bẻ thật mạnh. Nỗi đau có thể tăng lên gấp mười lần, nhưng sau đó chúng ta mới có cơ hội rút mũi tên ra khỏi cơ thể. Nếu không chịu đau như thế mà kéo ra trước hay sau thì mũi tên và đuôi tên làm chúng ta đau gấp trăm lần.

Như vậy nhổ lên một nỗi đau sau tai nạn là một nhu cầu rất lớn. Tất cả chúng ta đã từng sống trong hạnh phúc, nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều những sai lầm. Mỗi sai lầm như vậy là một nỗi đau. Vết hằn của nỗi đau vẫn còn mà đôi lúc những đêm nằm mơ ta vẫn thấy như một ác mộng ám ảnh và giằng xé ta. Đức Phật dạy, hãy tống khứ tất cả những nỗi ám ảnh đó ra khỏi tâm thức, nghĩ đến hiện tại, nỗ lực thật tốt để trở thành một con người mới hoàn toàn. Trong câu chuyện của vua A Xà Thế, ta thấy ông đã đánh mất tuổi thơ, tuổi ăn học và hưởng những giá trị được chăm sóc từ tình thương yêu của người cha, người mẹ. Nhưng ông đã để cả quãng đời thanh xuân chìm đắm trong nỗi khổ niềm đau của tội lỗi tày trời. Chưa có tội nào nặng như tội giết cha, giết mẹ. Cho nên cơ hội đóng góp cho xã hội với tư cách một vị minh quân trong suốt thời thanh xuân của ông đã bị mất.

Tất cả chúng ta nếu không khéo thì thời thanh xuân của mình vốn là thời gian sung lực nhất của kiếp người có thể bỏ phí vào những hoạt động, những ngành nghề, việc làm, cách ứng xử không có lợi cho ai. Mỗi khi nghĩ lại chúng ta sẽ cảm thấy nuối tiếc. Các nhà khoa học trên thế giới thường đóng góp các công trình phát minh, khám phá ở tuổi hai mươi lăm cho đến bốn mươi lăm. Tuổi đỉnh cao nhất là tuổi ba mươi. Thời vàng son đó, chúng ta dám suy nghĩ, dám làm, thậm chí rơi vào tình trạng duy lý hoặc duy ý chí. Dù sao nó cũng giúp ta đạt được và đóng góp được nhiều giá trị trong cuộc đời. Hãy tư duy lại, làm sao cho tuổi thanh xuân không trôi qua một cách uổng phí. Lấy gương vua A Xà Thế làm bài học để chúng ta sống tốt đẹp hơn.

CÁC BÀI HỌC ĐÁNG GIÁ

Điều ta học được là tham vọng không chân chính sẽ dẫn đến tội lỗi. Giữa tham vọng và tội lỗi chỉ cách nhau một tơ tóc của nhận thức. Nhận thức đúng thì tham vọng đó là tốt, mang lại lợi ích cho nhiều người, nhận thức sai thì tham vọng đó đe dọa hạnh phúc, là sự tàn phá tình thương và phá hoại tất cả các mối quan hệ tình người. Chúng ta cần chuyển hóa tham vọng trở thành những mơ ước đẹp.

Trong kinh, đức Phật nói mơ ước đẹp giống như bó lúa đặt trước con lừa trong khoảng cách nhất định. Con lừa không nhận thức được rằng khoảng cách này là không bao giờ với tới. Nghe mùi lúa phía trước và nó cứ đi tới, với hy vọng sẽ ăn được bó lúa. Nhờ ham muốn này, nên các chủ nhân của chúng đã chất các hàng hóa, hành lý lên thân con lừa đến nơi mà họ cần. Tất cả chúng ta đôi lúc có tham vọng như những con lừa, bao gồm những tham vọng tích cực cho cộng đồng và xã hội. Cho nên chúng ta hãy xem mơ ước đẹp như những bó lúa có giá trị dưỡng sinh, đời sống, sức khỏe để vươn tới phía trước. Nhờ đó chúng ta đi có lập trường, lý tưởng, quyết tâm, nghị lực và những động tác tích cực để giúp các nguyện ước chân thành trở thành hiện thực, không còn là một ước mơ. Thay đổi tham vọng tiêu cực chúng ta sẽ mang rất nhiều niềm vui cho mình và người khác.

Bài học thứ hai là sự giao du và tác hại. A Xà Thế kết thân với Đề Bà Đạt Đa, vốn là anh em họ của đức Phật Thích Ca, cũng thuộc hoàng thân quốc thích. Nhưng do từ nhỏ, Đề Bà Đạt Đa chưa bao giờ bằng được đức Phật Thích Ca, nên tâm ganh tỵ đối với đức Phật Thích Ca quá lớn.

Công chúa Gia Du Đà La có sắc đẹp nghiêng thành đổ nước, cả hai đều đem lòng yêu mến. Theo luật lúc bấy giờ, ngoài tài và đức, các đấng nam nhi phải thể hiện tài quân sự. Đó là bắn cung, khởi nghĩa, và đấu kiếm. Cả ba hình thức thi đấu này, Đề Bà Đạt Đa đều thua thái tử Tất Đạt Đa (Phật Thích Ca sau này). Từ đó hiềm khích này trở nên lớn và trong ông nuôi mối hận thù. Ông vào Tăng đoàn, làm đệ tử đức Phật không phải để tu học, chuyển hóa tâm linh, mà để có cơ hội hại đức Phật. Ông đã giao du với A Xà Thế. Một kẻ sát hại vua cha, một kẻ tổ chức lăn đá để giết chết đức Phật và thay ngôi Pháp vương của đức Phật. Cả hai đều không thành công.

Trong kinh mô tả Đề Bà Đạt Đa chết trong trận động đất, còn A Xà Thế chết do con ruột mình soán ngôi mặc dù ông cũng hứa sẽ truyền ngôi cho con. Quả báo nhãn tiền này là bài học rất sâu sắc mà tất cả chúng ta phải xem đó như một tấm gương.

Việc giao du với bạn bè trong môi trường tiêu cực có thể làm chúng ta trở thành bùn nhơ. Do vậy phải chọn bạn mà giao du. Có một câu danh ngôn rất sâu sắc “Thà sống đơn độc, không kết bạn với kẻ ngu”. Câu này nằm trong kinh Pháp Cú. Đức Phật nói thêm: cũng giống như voi chúa sống đơn độc ở rừng sâu, chứ không kết bạn với những con voi không có giá trị trong cuộc đời. Có nhiều người cảm thấy cô đơn buồn chán, ở nhà thấy khó chịu, ra đường kết bạn với người này, kẻ kia. Đôi khi vốn là người hiền lương, đi chơi với kẻ xấu, cuối cùng bị liên lụy. Hoặc đi theo người xấu, cá tính ta sẽ thay đổi theo. Môi trường giao du ảnh hưởng chúng ta như thế, nên chọn bạn, chọn môi trường thì chúng ta mới có thể làm chủ được bản thân, làm chủ nhận thức, và làm chủ được cảm xúc.

Bài học thứ ba là tiến trình nhận chân, nuối tiếc là một nỗ lực rất quan trọng để chúng ta hồi đầu. Bốn chủ đề vừa qua mà tôi chia sẻ: Quay đầu là bờ; Tự do nội tại; Bỏ kiếp giang hồ; Làm mới đời sống, đều có nội dung thay đổi giá trị đời sống đạo đức rất tích cực. Chúng ta cần nhận thức như A Xà Thế, hãy mạnh dạn nhận ra sai lầm, không giấu giếm.

Phải tìm những chuyên gia tư vấn tích cực và năng động để giúp chúng ta tháo gỡ những bế tắc mà mình đang gặp phải. Vua A Xà Thế đã may mắn gặp được đại thần Gi Va Ca, nên mới có cơ hội gặp được đức Phật. Từ đó mặc cảm tội lỗi sau khi nghe đức Phật nói: Vĩ đại lớn nhất của đời người là vươn lên sau khi vấp ngã, ông đã trở thành vị minh quân.

Tòa án lương tâm luôn soi xét chúng ta rất nghiêm túc. Nhưng đừng quá mặc cảm đến độ chúng ta đánh mất chính mình. Có người khi nhận ra mình đã làm điều tội lỗi, tự vẫn, treo cổ,… hành hạ, tàn phá cơ thể đến mức không còn có cơ hội để làm việc xấu tiếp theo.

Trong kinh đức Phật dạy: Nếu bàn tay này đã từng làm cho người khác đau khổ thì hãy sử dụng chính nó để mang lại hạnh phúc cho tha nhân. Chặt nó đi chẳng những chúng ta không làm lợi ích, không chuộc lại tội lỗi mà làm cho mình mặc cảm và ngày càng bế tắc.

Mặc cảm tội lỗi như tảng đá nặng, chìm sâu xuống đáy nước và làm cho chúng ta chết ngộp. Vì vậy khi đã nhận chân thì phải phấn đấu vươn lên, trở thành người lạc quan và tích cực. Cần phải tư duy: Sau cơn mưa trời lại sáng. Cái gì cũng có hai mặt. Trong các chùa thường có hai hình ảnh tiêu biểu: ông thiện và ông ác. Ông thiện để tán dương điều lành, ông ác để trừng trị kẻ xấu. Một bên là Hộ pháp bảo vệ giá trị đạo đức, văn hóa, tâm linh, tinh thần, xã hội, nhân văn. Hình ảnh thứ hai là Tiêu Diệm đại sĩ, lưỡi lè ra rất đáng sợ, tay cầm chày kim cang để trừng trị, tiêu diệt kẻ xấu.

Hình ảnh của Tiêu Diệm đại sĩ tượng trưng cho tất cả hệ luật pháp trên xã hội. Có những hệ luật pháp giúp người ta hồi đầu. Có những con người tốt để nâng đỡ và khích lệ cho người ta phát triển và vượt qua mặc cảm tội lỗi. Tất cả hệ giáo dục cần có hai phương diện: khích lệ và trừng phạt. Bên cạnh sự trừng phạt, cần có sự khích lệ. Sự khích lệ giúp chúng ta nhận chân và lấy lương tâm mình làm tòa án để trở thành con người rất mới.

Bài học thứ tư là con đường chuyển hóa ở đức vua A Xà Thế. Nếu A Xà Thế đã từng giết vua cha thì sau khi thành đệ tử đức Phật, ông đã ban một sắc luật rất quan trọng. Đó là khích lệ và tán thưởng lòng hiếu thảo của tất cả mọi người. Đức Phật dạy ông: Có hai vị Phật trong gia đình, đó là cha và mẹ, dù có đi đến chân trời góc bể, cõng cha mẹ, chăm sóc ngày đêm, vẫn không thể đền đáp công ơn trời biển của cha mẹ được. Đôi lúc chúng ta vì giận, ngu si, khờ dại đã có những lời nói bất hiếu, bất kính với cha mẹ, ông bà tổ tiên ruột thịt của mình.

Đức Phật dạy nhà vua A Xà Thế rằng: Nếu không biết tôn thờ hai vị song thân thì đừng bao giờ nghĩ rằng mình sẽ tôn thờ các vị Phật, vì các vị Phật dạy chúng ta phải hiếu kính.

Phụng sự cha mẹ là phụng sự đức Phật, phụng sự cuộc đời, và các giá trị đạo đức là phụng sự đức Phật.

Thay vì chúng ta đặt nặng phụng sự cho Ngài thì chúng ta hãy dấn thân làm thật nhiều nghĩa cử tốt. Nhà vua ra sắc lệnh tán dương những người hiếu kính, và trừng phạt khắt khe đối với ai thể hiện những điều tiêu cực với cha mẹ ruột.

Bài học thứ năm, hạnh phúc có ở hiện tại. Khái niệm trong Phật giáo gọi là Hiện tại lạc trú. Chúng ta có thói quen mơ tưởng hạnh phúc ở thiên đường, ở thế giới xa xăm, những quyền uy thế lực, những cách xưng hô mà người ta phải tôn trọng mình “đàn anh, đàn chị, bẩm, dạ,…”. Nhưng bản chất của hạnh phúc theo lời Phật dạy là chân giá trị của đời sống đạo đức mà mình có. Chúng ta làm mới cuộc đời, dấn thân phục vụ xã hội.

Hãy trở về với giây phút hiện tại, cắt đứt quá khứ. Hồi ức của quá khứ có hai khuynh hướng: Nuối tiếc về những cái hay cái đẹp đã từng có. Sự nuối tiếc là năng lượng tiêu cực đốt cháy hết những gì chúng ta đang có ở hiện tại, thay vì dành thời gian đầu tư phát triển trong hiện tại và tương lai.

Nuối tiếc thứ hai về cái xấu, nỗi khổ niềm đau thì chúng ta đang hâm nóng nỗi khổ niềm đau lần thứ hai. Do vậy hãy cắt đứt quá khứ bằng cách quên đi mặc cảm tội lỗi về những khổ đau hay sự hãnh diện tự hào trong quá khứ.

Vấn đề còn lại là hãy để thân và tâm có mặt cùng lúc để chúng ta sống một cách trọn vẹn. Trong bài “Tự do nội tại”, chúng tôi cũng dùng cặp từ “Tù và tu” Hai chữ này chỉ khác nhau một dấu huyền mà chúng tôi hình tượng dấu huyền này như một sự đè nặng về quá khứ. Chỉ cần nhổ đi dấu huyền thì chữ Tù thành chữ Tu.

Các tu sĩ, mỗi năm có ba tháng hè cấm túc một chỗ để rèn luyện tâm tánh, tu tập gấp ba lần với chín tháng bình thường, vì năng lượng phục vụ chúng ta có thể bị giảm đi. Ba tháng đó để nạp lại năng lượng tâm linh, đạo đức.

Có nhiều nhà tu hành phải vào rừng sâu núi thẳm để tu tập một cách miên mật. Quý vị đang có mặt tại đây, trong một không gian cách ly, nếu nghĩ rằng mình đang ở tù thì tâm thức sẽ nặng nề vô cùng. Nhưng nếu nghĩ rằng mình đang làm công việc của nhà tu hành thì lúc đó chúng ta sẽ trở thành nhà tự do nội tại.

Chúng ta sẽ sống rất nhẹ nhàng thư thái, đổi mới hoàn toàn chính mình. Hạnh phúc được định nghĩa là thân và tâm có mặt một chỗ. Nếu thân tại nơi đây, nhưng tâm lại “du lịch” ở thế giới giang hồ hoặc đang về thăm cha mẹ, anh chị,… Từ đó nỗi khát khao ngày đêm thúc bách.

Đức Phật dạy, mỗi ngày chúng ta phải theo dõi hơi thở, mặc dù mình vẫn đang thở, nhưng không có ý thức về hơi thở có mặt. Nên chúng ta thở hổn hển, một cách không trọn vẹn. Chúng ta phải thực tập lại nghệ thuật thở, thở một cách nhẹ nhàng. Cứ mỗi lần thở ra, ta tâm niệm tất cả những nỗi đau, điều tiêu cực, nỗi bất hạnh, sẽ theo trượt khí này ra khỏi cuộc đời của ta, và ta tin tưởng sẽ thành công trong nỗ lực đó.

Khi hít hơi thở trong lành, từ bên ngoài và bên trong buồng phổi tạo ra quá trình trao đổi chất, làm mới từng tế bào, làm mới máu, các nơ ron thần kinh để chúng ta sống tốt hơn. Hít thở như vậy chúng ta có được nụ cười nhẹ nhàng thư thái. Quý vị nên nhắn gửi người thân mang vào cho mình mỗi người một chiếc gương nhỏ để có thể xem gương mặt mình mỗi ngày đã tươi tỉnh lên hay chưa. Thực tập ngày đêm như thế, thì nỗi khổ niềm đau sẽ bị rơi rụng. Không ai có thể cứu chúng ta bằng chính hành động tạo hạnh phúc cho chính ta.

Như vậy, tạo hạnh phúc ở hiện tại là để thân và tâm có mặt cùng một chỗ. Lúc đó năng lực của đời sống tập trung ở mức độ cao hơn và chúng ta có mặt với ý nghĩa to lớn hơn.

PHẾ LIỆU THÀNH CÔNG TRÌNH

Tôi xin được kể về một công trình rất ấn tượng ở thành phố Chandigarh thuộc tiểu bang Punjab, Ấn Độ. Năm 1994 đến năm 2002, tôi du học tại đây. Từ năm 1997, sau khi tốt nghiệp thạc sĩ về triết học, trở về thành phố Chandigarh để làm luận án tiến sĩ. Thành phố này được gọi là sạch và xanh đầu tiên của Ấn Độ. Tất cả các du khách đến Ấn Độ, ngoài những công trình văn hóa tâm linh của Phật giáo là bốn thánh tích, ngoài những công trình tâm linh của Hồi giáo, Ấn Độ giáo, Kỳ Na giáo, người ta hiếm khi bỏ cơ hội đến thăm quan thành phố Chandigarh.

Thành phố này ngoài những nét đẹp của vườn hồng, hồ thiên nhiên, còn có một công trình văn hóa nghệ thuật đạt kỷ lục quốc gia. Đó là các công trình kiến trúc của Ấn Độ, các công trình của thế giới, công trình văn hóa tôn giáo được thu nhỏ. Vật liệu để làm nên công trình văn hóa này là dụng cụ, vật dụng từ nhà vệ sinh. Nhà nghệ nhân này đã sưu tầm hết khoảng mấy chục ngàn bồn vệ sinh đã bị vứt bỏ. Ông thiết kế chúng thành hình người, những bậc vĩ nhân, làm hình hoa sen, ngôi chùa, những nơi thờ phượng. Đến đó nếu không được giải thích hoặc chỉ đứng nhìn từ xa, chúng ta sẽ không phát hiện ra đây là công trình được làm từ phế liệu của nhà vệ sinh.

Công trình đó ông đã làm suốt ba năm trên một mảnh đất khoảng mười mẫu Tây. Từ khi công trình được khánh thành thì mỗi ngày có khoảng mười ngàn khách đến tham quan. Từ năm 1997 đến 2002, số lượng tăng lên ba bốn chục ngàn người tham quan. Hiện nay tôi không theo dõi nhưng tin chắc số lượng khách tham quan sẽ càng tăng hơn so với trước.

Chúng ta thấy rằng từ phế liệu trong nhà vệ sinh, những thứ mà người ta gớm tởm ghê sợ, nhưng với tầm nhìn và khối óc của một nhà nghệ thuật, nó trở thành một công trình nghệ thuật chưa từng có trong lịch sử. Theo chúng tôi, đây là công trình nhân văn và đạo đức lớn nhất từ trước đến giờ.

Do đó chúng tôi mong quý anh chị đừng nghĩ cuộc đời của mình trong quá khứ là vứt bỏ, là phế liệu không còn giá trị nữa. Ai đã từng tư duy và nghĩ như thế thì quý vị hãy nhớ lại công trình vĩ đại, kiến trúc nghệ thuật lớn ở tại thành phố Chandigarh, lấy từ phế liệu của nhà vệ sinh. Đó là bài học rất lớn và ấn tượng.

Quý anh chị sẽ là những hoa thơm cỏ lạ, không khí trong lành, bầu trời xanh, rừng cây xanh, là những giá trị của cuộc sống sau khi hết thời hạn học tập và chuyển hóa tại đây trở về đoàn tụ gia đình để là những người con hiếu kính với cha mẹ, và là những người vợ, người chồng, người chị, người cha, người mẹ,… có trách nhiệm, đóng góp cho cuộc đời và cộng đồng nói chung.

Chúng tôi tin tưởng ngày đó sẽ đến với ta gần nhất. Trong đạo Phật có dạy, khi chúng ta chuyển hóa bằng sự hối hận thì nghiệp được thay đổi rất năng động và tích cực.

Nghiệp thay đổi sẽ gắn liền với chế độ và chính sách ân xá. Ân xá là chính sách giúp chúng ta chuyển nghiệp, để những người lao động tốt và cải hóa đời sống tốt sẽ được về đoàn tụ gia đình sớm hơn thời gian ấn định mà từ ngàn xưa đức Phật đã nói rằng đó là nghệ thuật chuyển nghiệp. Chúng ta hãy tin tưởng điều đó để ngày trở về trở thành ngày hội tụ, và chúng ta trở thành con người tái sinh lần thứ hai trong đời sống đạo đức.