Chương 7: Nghệ thuật chặt đứt mắc xích khổ đau (P2)

(ĐẠI KINH ĐOẠN TẬN ÁI)

Ging Kinh Trung Bộ 38 ti chùa Xá Lợi, ngày 09-04-2006

Phiên tả: Hoàng Oanh

 

NHẬN DIỆN MẮC XÍCH

Đại Kinh Đoạn Tận Ái thứ 38, thuộc kinh Trung Bộ đề cập nghệ thuật chặt đứt “mắc xích của khổ đau”. Việc vận dụng hình ảnh “mắc xích khổ đau” để thay thế một cách chuyển thể khái niệm Tanhasankhaya trong Pali vốn được dịch là “đoạn tận ái” là do động tác “đoạn tận” gợi lên hình ảnh chặt đứt từ ngay gốc rễ; “ái” là thái độ ái trước về bản chất nỗi khổ niềm đau và tất cả những hình ảnh liên hệ trực tiếp hay gián tiếp đến nó. Thay vì nói “chặt đứt các mắc xích tham ái”, người ta có thể nói “chặt đứt mắc xích khổ đau”, vì bản chất của tham ái là dẫn đến khổ đau.

Bản kinh bắt nguồn từ sự kiện một vị xuất gia tên Sati quan niệm sai lầm rằng “Thần thức luân chuyển qua các cõi luân hồi không hề có một hình thái gì của sự thay đổi”. Từ đó, đức Phật đã phân tích về thuyết “duyên khởi”, giải thích bản chất các điều kiện ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp đến trật tự hoạt động của thân tâm. Qua đó, ngài hướng dẫn phương pháp chặt đứt tiến trình và mắc xích của khổ đau.

Từ bài kinh “Người bắt rắn” thứ 22, đức Thế Tôn đã giải thích về thái độ cho rằng “sự hưởng thụ các hoạt động tính dục không làm cản trở con đường và đời sống tâm linh của người giải thoát”, nhưng nói lên được đó là bản chất của dục hữu, chấp trước về tính dục. Ở bản kinh này, đức Thế Tôn dạy và phân tích bản chất của kiến thủ, thái độ chấp trước về sự sai lầm trong tu tập và quan niệm cũng không kém phần quan trọng dẫn đến nỗi khổ niềm đau trong tiến trình sinh tử luân hồi. Sự chấp trước được quan niệm trong nhà Phật như là một mắc xích của trói buộc. Bám víu vào bất kỳ quan điểm nào, sự trói buộc bắt đầu có mặt.

Nếu nói rằng “sống mà không có lập trường, cuộc sống trở nên vô nghĩa”, thì “lập trường” ở đây cũng có thể được hiểu như một trong những thái độ “chấp”, chấp về cái đúng, chấp về đạo đức, về những giá trị tinh thần v.v… Mặc dù đó là những cái đúng, cái tốt, cái giá trị, nhưng sự bám víu vào nó cũng dẫn đến mắc xích của hệ lụy. Nhà Phật không bao giờ sử dụng khái niệm “lập trường” mà chỉ sử dụng “con đường chân chính”, “đạo lý tâm linh” có giá trị chuyển hoá mang lại an vui hạnh phúc cho con người. Nói cách khác, “con đường chân chính” và “đạo lý tâm linh” không phải để chấp trước, bám víu mà được sử dụng như một công cụ. Bản chất của công cụ mang tính điều kiện, có thể rất thích ứng trong tình huống này nhưng có thể trở nên vô nghĩa trong tình huống khác. Có thể trở thành sự lựa chọn rất lý tưởng của một người, nhưng cũng có thể trở nên rất vô nghĩa cho những người còn lại. Nó ứng với tính cách và trình độ nghiệp thức của con người. Vấn đề ở chỗ nhà Phật không bao giờ dạy các hành giả bám víu vào bất cứ cái gì dù đó là con đường, là đạo lý, mà hãy sử dụng con đường và đạo lý như phương tiện hiệu nghiệm có thể mang lại giá trị an vui hạnh phúc.

HAI KHUYNH HƯỚNG TÂM LINH

Khuynh hướng truyền thống Bà La Môn. Lấy khởi điểm từ kinh điển Vệ Đà, đồng hóa những gì được nêu trong bản kinh này là giá trị chân lý, mà tác giả của nó không ai khác hơn Thượng đế hay Phạm Thiên. Do đó, định chế xã hội tập cấp gồm nhiều thành phần đã bắt đầu có mặt dưới sự áp đặt quan điểm, làm cho mọi người không dám đặt vấn đề thay đổi chúng. Khuynh hướng đó mang lại nỗi khổ niềm đau cho rất nhiều người bên cạnh những nỗi niềm hạnh phúc của thượng tầng kiến trúc xã hội, bao gồm những thành phần thượng lưu trí thức thuộc trường phái truyền thống Bà La Môn, cũng như truyền thống của vua chúa. 80% còn lại của cấu trúc xã hội Ấn Độ trở thành nạn nhân của quan niệm sai lầm. Quan niệm đó là thái độ kiến thủ, bám víu vào truyền thống sai, dẫn đến những hệ lụy cho thần dân của một quốc gia.

Truyền thống Bà La Môn được xem như thành trì vững chãi, có thời gian khá dài bị thách thức bằng truyền thống tâm linh mới, đó là truyền thống của Sa môn. Khái niệm Sa môn lúc đầu được sử dụng như một từ ngữ ám chỉ tất cả những người tu hành, không chấp nhận truyền thống tư tưởng của kinh điển Vệ Đà, thách đố lại những giá trị chân lý được nêu ra trong kinh điển này, không thừa nhận vai trò của Phạm Thiên sáng thế, không thừa nhận cấu trúc xã hội bất bình đẳng bốn giai cấp, không chấp nhận thái độ bất bình đẳng giữa nam và nữ, và nhiều tệ nạn xã hội khác. Những người tu hành đã đi tìm kiếm con đường tâm linh khác với truyền thống áp đặt lên họ. Nổi tiếng nhất có bốn truyền thống Sa Môn.

Truyền thống Sa Môn tự nhiên: Là những nhà tu hành vân du rày đây mai đó, sống cuộc đời kham khổ với niềm hy vọng nhờ đó, các giác quan mất đi khả năng thích ứng và không hề có những nhu cầu đòi hỏi về sự hưởng thụ. Con đường của tâm linh bắt đầu được bén mảng và xuất hiện.

Truyền thống Sa Môn tu khổ hạnh: Chẳng hạn đứng không nằm, ngồi; hoặc nằm trên gai, mỏm đá gồ ghề tạo cảm giác khó chịu trên toàn thân để đoạn trừ tất cả đam mê hứng thú. Truyền thống Sa Môn này cũng được liệt vào truyền thống Sa Môn tự nhiên.

Truyền thống Sa Môn thuộc đạo Kỳ Na: Là những nhà tu hành khổ hạnh ép xác không ăn mặn, không sát hại chúng sanh nhưng lại rơi vào trạng thái rất cực đoan: trở về nguồn với nguyên ủy thiên nhiên khi con người mới vừa được ra đời, họ không mặc áo, cũng không sử dụng bất kỳ vật liệu nào để che thân.

* Ba truyền thồng tâm linh đã mở ra con đường mới thay thế và thách thức lại với truyền thống Bà La Môn giáo. Dĩ nhiên, trong tiến trình thay thế và thách thức, nội dung của nó không hoàn toàn được chấp nhận vì nhiều hạn chế. Chẳng hạn truyền thống Bà La Môn chủ trương về xã hội “tập cấp” trong khi truyền thống Sa Môn phủ định chế độ “tập cấp” này nhưng lại không đưa ra được cơ sở lý lẽ về phương diện đạo đức, phương diện tâm linh, phương diện xã hội và những phương diện khác có sức thuyết phục. Mặt khác, một số nhà “Sa Môn tự nhiên” bày tỏ thái độ chủ trương về duy vật cổ sơ, không thừa nhận có đời sống kiếp sau. Tiến trình của đời sống bị chặt đứt sau khi con người trở về với đất, nước, gió, lửa tạo ra quan niệm hết sức nguy hại cho đời sống đạo đức. Vì khi con đường nhân quả đạo đức giữa đời sống hiện tại và tương lai không được thiết lập, con người có thể trở nên bị ám độn, mất hết trách nhiệm cần thiết về hành vi của mình. Từ đó sự cám dỗ có thể len lỏi vào não trạng và hành vi dẫn đến tiến trình làm băng hoại tư cách đạo đức của bản thân và ảnh hưởng tạo ra nỗi khổ niềm đau cho cộng đồng.

Truyền thống Sa Môn của Như Lai Thế Tôn: Xuất hiện với nhiều giá trị và tạo sự thu hút mạnh mẽ về đời sống tinh thần. Ngài cũng là nhà Sa Môn nhưng vượt trội về phương pháp thực tập và giá trị hiện thực của phương pháp thực tập, đạt kết quả ấn tượng lâu dài bền bỉ mang lại sự chuyển hoá có thể nhổ tận gốc nỗi khổ niềm đau. Truyền thống đó trở thành mảnh đất tâm linh, thực phẩm tâm linh mới của Ấn Độ. Nhưng vì trong thời gian ngắn lại kết nạp quá nhiều vị xuất gia vào giáo đoàn của đức Thế Tôn nên dẫn đến tình trạng nhiều người chưa quên được các quan niệm sai lầm lúc còn là tu sĩ của truyền thống Sa Môn và Bà La Môn. Các quan niệm sai lầm đó tiếp tục ảnh hưởng và làm chao đảo quan điểm chân chính của những vị xuất gia đúng phương pháp, nhưng thiếu niềm tin và kiến thức vững chãi để nhận biết quan điểm phi truyền thống Phật giáo tác hại đến đời sống tâm linh tu tập. Một trong những người đó là Tỳ Kheo Sati. Phương pháp tu tập thường bắt nguồn từ nhận thức của tâm. Khi nhận thức của tâm sai lầm, tất cả mọi sự kéo theo, dù trực tiếp hay gián tiếp, đều có thể bị ảnh hưởng.

NHẬN DIỆN SAI LẦM

Bản kinh vừa mang tính giáo dục, vừa mang yếu tố của hoằng pháp mà các bậc phụ huynh có thể áp dụng nhằm giúp đỡ con em và người thân khi phát hiện ở họ có những yếu tố chưa được hoàn thiện về nhận thức, tính tình, khuynh hướng và đời sống. Đối với đức Thế Tôn, không hề có sự áp đặt và nâng vai trò chân lý trở thành một cái gì đó buộc người khác phải theo trong cách thức xác quyết và chuyển hoá quan điểm sai lầm.

Tỳ Kheo Sati, vốn xuất thân từ giai cấp thấp trong một gia đình làm nghề đánh cá, có quan niệm rằng “thần thức là tiến trình dong ruổi trong sáu cõi ba đường nhưng không có sự thay đổi về phương diện bản chất, nhận thức cũng như tâm lý dẫn đến hành vi hằng ngày”. Quan niệm này được xem là quan niệm trọng tâm và cốt lõi của triết học Bà La Môn giáo. Họ cho rằng “tâm thức con người không hề thay đổi”, ai mang thân phận của Bà La Môn, thì nghìn đời kiếp sau sinh ra sẽ là Bà La Môn; ai mang thân phận xuất thân từ gia tộc vua chúa, các nhà chính trị cầm cân nẩy mực một quốc gia, thì con cháu nhiều đời của họ sẽ tiếp thu truyền thống tâm linh đó. Ngược lại, người xuất thân từ giai cấp thấp, thần thức này mang yếu tố, mang não trạng, khuynh hướng, hạt giống và năng lực của những gì thấp kém, cho nên vận mệnh của họ được gắn liền ngay thời điểm họ có mặt trong phôi thai của người mẹ. Đó là quan niệm dẫn đến chủ nghĩa định mệnh về cấu trúc xã hội và định mệnh an bày trong sinh hoạt thường nhật của người Ấn Độ đến nay vẫn diễn ra như một nỗi đau của kiếp người.

Tất cả những vị đồng tu khi biết Tỳ Kheo Sati có quan niệm sai lầm đã dùng rất nhiều phương pháp, ngay cả phương pháp chất vấn, phản biện nhằm chứng minh đó là quan niệm phi chính thống của nhà Phật.

Là người xuất gia theo Phật giáo, đừng bao giờ tuyên truyền và cho rằng giá trị của những cái phi Phật giáo là chân lý. Mỗi người được quyền tự do ý chí, tự do quan điểm và tự do học thuyết. Điều đó đức Phật tương cần nhưng khi nhân danh Phật tử và nói đây là lời dạy của đức Phật thì nội dung lời tuyên bố đó phải ứng với những gì đức Thế Tôn đã dạy. Không thể mạo nhận, đánh đồng hai quan điểm, hai học thuyết khác nhau giữa Bà La Môn giáo hay tôn giáo tiền thân trước khi có mặt trong giáo pháp của đức Như Lai rồi cho rằng nó chính là một phần giáo huấn của Ngài. Điều đó sẽ dẫn đến sự hiểu lầm lẫn lộn của hai nội dung hoàn toàn khác biệt.

Các vị đồng phạm hạnh đã khuyên Tỳ Kheo Sati không nên bám víu, chấp nhận và duy trì quan điểm sai lầm đó. Đức Thế Tôn đã từng tuyên bố “Mọi sự vật hiện tượng trong đời này đều do nhân duyên hình thành. Thần thức con người cũng vậy. Nó là một tập hợp các điều kiện. Không có duyên hoặc thiếu duyên thì thức không thể nào tồn tại và hiện khởi”. Ấy thế, Tỳ Kheo Sati vẫn cố chấp bảo thủ quan điểm. Đại chúng thấy rằng mình không đủ sức thuyết phục người đồng tu nên đã kính tường trình lại sự việc cho đức Thế Tôn.

Đức Thế Tôn mời gọi Tỳ Kheo Sati đến xác quyết có quan niệm đó không, hay vì bất đồng quan điểm, hiềm khích hoặc không thích nhau mà các vị đồng tu đã cố tình dựng chuyện không thật. Dĩ nhiên, với tha tâm thông và tuệ giác, đức Thế Tôn biết rất rõ ai có quan niệm gì, não trạng ra sao, khuynh hướng thế nào. Dòng tâm tưởng của tâm với những bước đi và cách thức của nó đều được Ngài nhìn thấy một cách rõ ràng. Nhưng về phương diện xã hội, Ngài vẫn dùng luật pháp trong đời sống để xác quyết minh bạch.

Như Lai biết Tỳ Kheo Sati có quan niệm sai lầm. Nhưng để nhân cơ hội thông qua sự giáo dục đó nhằm giúp người khác có quan niệm sai lầm tương tự tránh được khuynh hướng sai lầm lớn hơn, nghiêm trọng hơn, đức Thế Tôn đã tập hợp những vị đệ tử xuất gia và tại gia đến nghe Ngài giải thích cho Tỳ Kheo Sati.

Khi được hỏi, Tỳ Kheo Sati xác định rằng tất cả những gì được tường trình là sự thật. Đức Thế Tôn xác quyết rằng: “Do nhận thức sai lầm, chưa hiểu trọn những gì đức Thế Tôn dạy về luân hồi, nghiệp báo, về tiến trình nhân quả và về trách nhiệm đạo đức của con người đối với các hành vi, mà Sati đã có quan niệm sai lầm. Nếu quan niệm sai lầm này không được chuyển hoá thì chẳng những Sati tự phá hoại đời sống hạnh phúc của mình mà tệ hơn nữa là tạo ảnh hưởng bất hạnh và đau khổ lên người khác. Đó là một trong những cách thức tự làm tổn đức cho bản thân”.

Tỳ Kheo Sati tuyên bố một học thuyết và cho rằng đức Thế Tôn là người chủ trương của học thuyết này, tức là gán dựng một sự kiện mà đức Phật không hề có quan điểm, không hề giảng dạy và không hề truyền bá để mọi người hiểu sai học thuyết của Ngài. Từ đó, con đường tiếp cận tâm linh thông qua lời dạy của Ngài bị bế tắc. Vấn đề ở chỗ khi đẳng thức hóa hai quan điểm khác nhau từ hai truyền thống tôn giáo khác nhau, thì người có truyền thống tâm linh Bà La Môn giáo lâu đời sẽ không thể nhìn thấy được những đặc điểm từ lời dạy của Ngài và không thể đi theo con đường mới này. Cho nên, khi tuyên bố và phổ cập một quan điểm sai lầm gán cho danh hiệu đức Thế Tôn thì ảnh hưởng và tác hại của nó rất lớn. Ngài nói, “nếu dụng ý và cố tình xuyên tạc quan điểm của đức Thế Tôn, đó là một sự tổn đức”. “Tổn đức” ở chỗ là mất lối trên con đường tuệ giác, kéo người khác không nhìn thấy đạo lý cao siêu huyền diệu. Ngài xác định rất rõ “không thể nào có một tia lửa lóe lên từ ánh sáng nhận thức sai lầm rằng bản chất thần thức là cố định không hề thay đổi trong tiến trình sinh tử”.

Quan niệm đó rõ ràng trong thời đại ngày nay, ai cũng có thể xem là đúng, bởi vì ngày nay người ta đã được trải qua rất nhiều tiến trình của sự giáo dục, được học hỏi đúc kết kinh nghiệm từ những người đi trước, từ tôn giáo, triết học, đạo làm người v.v… Nhưng trong thời đại của đức Thế Tôn, đó là một cái gì đó rất xa lạ.

Trong tiến trình sinh tử, thần thức được thay đổi khi con người làm con người, chư thiên, các loài động vật, hay loài ngạ quỷ, chịu rất nhiều nỗi khổ niềm đau về cảm xúc, về nhận thức,…Tất cả những cái đó ứng với khuynh hướng lời nói, ý nghĩ, việc làm ngay trong thời gian sống với hình thức con người hay các loại hình sự sống khác nhau. Tâm tư, ý niệm, tình cảm, khuynh hướng, cảm xúc, thái độ, lý tưởng và ý thức hệ thay đổi liên tục. Ngay cả những người có khuynh hướng, có lập trường bền vững nhất hay bảo thủ nhất vẫn có sự thay đổi trước hoặc sau, nhiều hoặc ít. Huống hồ trong tiến trình sinh tử, làm thế nào con người có thể duy trì được bản chất cố định đó. Như Lai muốn nhấn mạnh, “nếu ta thấy

được rằng thần thức của con người luôn luôn thay đổi thì không thể có định mệnh của cảm xúc, định mệnh của nhận thức. Từ đó, không thể chấp nhận định mệnh của xã hội, định mệnh của con người”. Mấu chốt của lý luận, đức Thế Tôn muốn mọi người, đặc biệt những người chịu ảnh hưởng quá nhiều từ truyền thống tâm linh Bà La Môn giáo, thấy được điều này để các bất công trong xã hội có cơ hội được chuyển hoá và thay đổi.

VAI TRÒ CỦA TÂM THỨC

Đức Thế Tôn yêu cầu Sati trình bày để trên cơ sở đó ngài sẽ phân tích giảng giải về bản chất của nhận thức.

Tỳ Kheo Sati cho rằng “chính tâm thức là tác nhân của nói, của cảm xúc, của tiếp nhận ở chỗ này, chỗ kia và cũng chính tâm thức là tác nhân làm con người chịu đựng tất cả mọi hành vi khổ ác hay những hành động nói chung”.

Quan điểm này rất khó xác quyết về sự giống và khác giữa Phật giáo và Bà La Môn giáo. Thông thường khi nói “trách nhiệm về hành vi đạo đức”, người ta dễ hình dung có một tác nhân tạo nỗi khổ niềm đau hay an vui hạnh phúc. Con người là “kiến trúc sư” của nỗi khổ niềm đau hay an vui hạnh phúc, và cũng chính con người tự cảm nhận tất cả mọi hành vi tạo tác của mình. Về phương diện truyền thông, để hiểu tính trách nhiệm đạo đức, thì lời tuyên bố đó là một sự thật cần thiết giúp định vị giá trị hành vi và ảnh hưởng của nó trong đời sống con người. Nhìn từ góc độ triết lý sâu xa hơn, khái niệm “tác nhân” chỉ là khái niệm tạm mượn không có giá trị thật. Đức Phật chủ trương vô ngã, không có nghĩa là phủ định yếu tố con người mà nhằm xác quyết “con người là tổ hợp tâm vật lý”. Khi quan niệm con người là một tổ hợp tâm vật lý, thì dòng cảm xúc nhận thức, sự vận hành của nghiệp và ý niệm hóa liên hệ trực tiếp hay gián tiếp đến nó có thể được thay đổi. Do đó, bản chất của cuộc sống không cố định mà là một dòng chảy của cảm xúc, nhận thức, hành vi; sự tác tạo hành vi là một dòng chảy; và kết quả tiếp nhận hành vi ảnh hưởng đến đời sống con người cũng là một dòng chảy. Nó là tiến trình biến dịch không dừng. Quan niệm đó giúp con người làm mới lại cuộc đời khi trong quá khứ đã từng làm điều xấu, từng tạo những hạt giống không vui, mang nỗi khổ niềm đau cho người khác. Còn việc cho rằng tác nhân đó là cố định, hành vi ảnh hưởng tác nhân không bao giờ thay đổi là tạo ra vận mệnh, định nghiệp cho con người, cho xã hội, và cho cộng đồng.

Theo quan niệm của Bà La Môn giáo, Tỳ Kheo Sati cho rằng “thần thức dong ruổi không có sự đổi khác”. Đức Thế Tôn nêu ra sự khác nhau giữa quan điểm nhân quả của Ngài và của Bà La Môn giáo.

Sati đại diện cho quan điểm Bà La Môn giáo: Khi làm việc A thì kết quả phải là A, không hề thay đổi, không tăng, không giảm, dù tâm lý tình cảm con người có thể thay đổi. Quan niệm định mệnh này tạo ra cấu trúc: “Bắt phong trần phải phong trần/ Cho thanh cao phải đặng phần thanh cao”, hoặc “Con vua thì lại làm vua”. Đức Thế Tôn thấy rất rõ quan niệm định mệnh này tạo ra bản chất của xã hội tập cấp Ấn Độ cổ đại. Chế độ tập cấp của Ấn Độ cổ đại là chế độ tinh vi, được lý giải dưới góc độ phân công lao động. Họ cho rằng mỗi người sinh ra trên cuộc đời có một chức nghiệp. Tâp hợp các chức nghiệp đó sẽ tạo ra cơ cấu vận hành. Mỗi người đóng một vai trò, một chức năng. Giá trị vai trò chức năng đó hỗ trợ bổ sung cho nhau. Không thể có tình trạng một người đa năng quán xuyến tất cả mọi tình huống. Vì vậy khi sinh ra là người lao động tay chân thì người đó cứ tiếp tục vai trò của mình, người có năng khiếu về chính trị, có sở trường về giáo dục hay có những hạt giống của tu tập thì tiếp tục con đường và lý tưởng đó. Không thể thay đổi từ vai trò này sang vai trò khác. Ai ở vai trò vị trí nào cứ giữ nguyên vai trò vị trí đó.

Thời gian đầu, quan điểm học thuyết trên được xem như một chân lý. Mỗi người sinh ra có cá tính và năng lực khác nhau. Vai trò của giáo dục có thể làm thay đổi một phần nhưng khó có thể thay đổi một cách trọn vẹn vì chủ nghĩa định mệnh từ lâu đã áp đặt lên não trạng người Ấn Độ. Sự áp đặt đó được nâng thành giá trị chân lý nên họ túc thủ chấp nhận, không dám đặt vấn đề.

Quan điểm của đức Thế Tôn: “Thức do duyên khởi. Không có yếu tố môi trường hoàn cảnh thì thức này không bao giờ có mặt”.

Ngài đưa ra ẩn dụ ngọn lửa tùy theo nhiên liệu mà có tên gọi khác nhau: Lửa phát xuất từ củi thì được gọi là “lửa củi”; lửa phát xuất từ rơm gọi là “lửa rơm”; lửa phát xuất từ nhiên liệu của phân bò, trong truyền thống Ấn Độ được gọi là “lửa phân bò”; lửa do sấm sét gọi là “lửa sấm sét”,… Tùy theo phương tiện tạo ra mà chúng có tên gọi khác nhau, nhưng tất cả nói lên một điều: “Bản chất của thức luôn luôn thay đổi cũng như hình ảnh của lửa”. Không thể có sự vận chuyển từ hình thức lửa rơm với tro bụi do rơm bị cháy rụi tạo thành. Nếu có sự cố định thì lửa này không bao giờ tắt và rơm đó không bao giờ bị thiu rụi. Đức Thế Tôn muốn nhấn mạnh: Giả sử thần thức con người cố định trong tiến trình sinh tử thì không thể có tình trạng con người sinh ra bị già, rồi chết hoặc từ ngôi vị vua chúa bị lật đổ trở thành những thường dân, tù tội. Tất cả những điều đó nói lên sự vận chuyển thay đổi của điều kiện.

Đức Thế Tôn nói, thần thức của con người cũng vậy. Nếu có sự tiếp xúc giữa mắt với màu sắc, hình thái lớn nhỏ, vuông tròn…, thì cơ quan nhận thức đó được mệnh danh là nhãn thức, tức là sự nhận thức của mắt. Tương tự, tai với âm thanh được gọi là nhận thức của tai. Các giác quan khác và đối tượng nhận thức của chúng còn lại cũng có giá trị tương tự. Từ đó, con người có nhãn thức, nhĩ thức, thân thức, ý thức, thiệt thức,... Hình dung một căn nhà có năm cửa sổ và một cửa cái. Ban đêm, thắp một ngọn nến hay một ánh đuốc, lập tức bốn phương bên ngoài của căn nhà tỏa màu sáng hửng lan từ cửa cái và năm cửa sổ. Người ta có thể nói: “Đây là ánh sáng của cửa cái, ánh sáng của cửa sổ, cửa trái, cửa phải, cửa trong, cửa ngoài…”. Điều đó không sai, nhưng bản chất trong ngôi nhà này chỉ có một ngọn đuốc hay một ngọn nến. Nói cách khác, đức Thế Tôn đưa ra ẩn dụ để minh chứng một điều: Khi gọi là nhãn thức, không có nghĩa là nó có một thần thức riêng, hoàn toàn độc lập với cái gọi là nhĩ thức. Tương tự, đối với thiệt thức, thân thức, ý thức, v.v… Chỉ có một tâm thức chung với các chức năng khác nhau liên hệ với các giác quan mà con người và các loài động vật vốn có. Mỗi loài động vật có chức năng nhạy cảm giác quan khác nhau. Con người có thể phát triển khả năng giác quan của nhận thức thông qua tai mắt, sau đó ứng dụng từ các giác quan này để tạo tiến trình của giáo dục liên hệ đến lao động, truyền thông, kinh nghiệm, và sự tiếp nối các hạt giống năng lực. Trong khi đó, các loài động vật mặc dù có nhạy cảm giác quan, đôi khi nhạy bén gấp nhiều lần so với con người, nhưng chúng không thể tạo ra những tiến trình của giáo dục như con người. Vẫn có những giới hạn nhất định, dù là nhận thức của giác quan con người hay loài động vật. Tất cả không khác nhau mà chúng có một dòng tâm thức được thể hiện ra sáu cơ quan giác năng.

Có thêm hai cơ quan nhận thức, đó là cơ quan bảo thủ chấp trước dẫn đến nỗi khổ niềm đau là Mạt Na thức; và kho tàng tất cả các năng lực hạt giống được tích tụ nhiều đời nhiều kiếp là thức Alaya, còn gọi là kho tàng tâm thức. Chính kho tàng tâm thức này là nơi chứa đựng tất cả hạt giống của hành vi, thái độ con người trải qua nhiều đời nhiều kiếp. Đó là kho tàng phi vật lý, một dòng chảy của tâm, liên tục có mặt với con người và các loài chúng sinh qua tiến trình sinh tử luân hồi.

Quan niệm về sự có mặt lâu dài từ đời này sang kiếp nọ giữa Bà La Môn giáo và đạo Phật khác nhau ở chỗ: Đức Phật cho rằng nhận thức con người lệ thuộc vào tính điều kiện. Trong khi đó, Bà La Môn giáo cho rằng nó cố định bất biến, không thể thay đổi vận mệnh con người. Mỗi giác quan có chức năng nhận thức đánh giá riêng biệt. Các chức năng đó hỗ trợ cho hạnh phúc, nhưng đồng thời cũng tạo ra nhiều rắc rối khi giá trị của hạnh phúc vượt qua mức yêu cầu vốn có của nó.

Thức không phải là một thực tại vĩnh hằng mà là một dòng chảy”. Truyền thống kinh điển Đại Thừa cho rằng nó là thác nước, nhìn từ xa như một mặt phẳng, một khối, nhưng nhìn gần, nó được nối kết bởi rất nhiều nguyên tử, phân tử của H2 và O. Con người, cấu trúc vật lý, cấu trúc nhận thức cũng vậy. Tất cả những gì thuộc về tâm vật lý con người là một tổ hợp được hình thành bởi nhiều điều kiện và yếu tố khác nhau. Khi các giác quan gặp trục trặc, chẳng hạn đui, mù, cận thị hay viễn thị thì khả năng nhận thức của mắt bị giảm. Các giác quan còn lại như tai, mũi, lưỡi, thân và não trạng cũng tương tự. Nghĩa là, giác quan tốt thì khả năng nhận thức tốt. Khả năng nhận thức tốt còn lệ thuộc vào điều kiện môi trường xung quanh như ánh sáng, khoảng cách, bản chất phát quang trong nội tại của các vật chất v.v… thì nhận thức mới được thiết lập một cách khác nhau. Không thể nói “có một nhận thức không thay đổi trong khi điều kiện ánh sáng thay đổi”. Cũng là một vật, chẳng hạn đoá hoa màu vàng, dưới ánh sáng của đèn neon, màu vàng này không thật rực rỡ, nhưng dưới ánh sáng của đèn tròn, màu vàng sẽ nổi bật hơn. Nếu tắt tất cả ánh sáng, màu vàng có mặt nhưng không thể tạo ra cảm giác nhận thức rằng nó là màu vàng, thậm chí không ai nhìn thấy nó. Do đó, bản chất của nhận thức luôn luôn thay đổi tùy thuộc vào điều kiện ánh sáng, vị trí góc độ, tầm nhìn, điều kiện nhận thức của mắt, các giác quan, sức khỏe v.v…

Thấy rõ bản chất nhận thức là một dòng chảy cho phép người ta tin tưởng những gì trong cuộc đời có thể được cách tân. Sự cách tân diễn ra theo hai chiều hướng tiêu cực và tích cực. Quan niệm tích cực dẫn đến chiều hướng tích cực, ngược lại quan niệm tiêu cực dẫn đến chiều hướng tiêu cực. Cho nên đừng ỷ lại vào thành quả tốt trong quá khứ. Muốn tương lai tốt đẹp thì ngay hiện tại phải nỗ lực phấn đấu không ngừng. Tình trạng suy thoái đạo đức, suy thoái nhận thức có thể diễn ra, tài năng con người có thể bị mai một. Việt Nam có câu: “Lão lai tài tận”. Khi tuổi cao, khả năng thích ứng với môi trường và phát minh mới chậm dần. Những kiến thức cũ trở thành một khối bám víu, làm con người khó tiếp thu những gì khác với mình, khác với truyền thống của mình. Họ trở nên lạc hậu và mất khả năng tiếp nhận những giá trị tốt hơn, cao hơn có thể có.

Đức Phật phân tích về tiến trình diễn ra từ nhận thức thông thường đến đời sống tuệ giác cũng là một dòng chảy lệ thuộc hoàn toàn vào nhận thức của tâm. Khi nêu bản chất của nhận thức và tâm thức nói chung không phải là một khối cố định bất biến, đức Thế Tôn muốn ám chỉ và đưa ra phương châm cho con người hướng đến là biến đời sống thông thường trở thành đời sống tuệ giác. Tức là chuyển hóa nhận thức phàm phu trở thành tuệ giác của bậc thánh. Bản chất của giáo pháp đức Thế Tôn nằm ở điểm này. Ngài không lập học thuyết triết học thông thường để bình luận, nhận thức, đánh giá, so sánh, đối chiếu và đối thoại hơn thua. Học thuyết của Ngài phá vỡ mọi sự chấp trước của con người. Nó có thể được quan niệm như một truyền thống triết học, nhưng bản chất triết học của Ngài là triết học của sự chuyển hóa. Từ cách nhìn này, người ta có thể trở nên rất bình thản trước mọi áp đặt, định danh, dán nhãn của người khác về mình, vì bản chất nhận thức của người khác không phải là một. Người ta có thể có một cách, trăm cách, nghìn cách khác nhau để nhận thức nhưng bản chất của người được nhìn nhận cũng chỉ là một. Sự nhận thức và nội dung của cái bị nhận thức có thể khác nhau hoàn toàn. Do đó, đừng ngại khi bị dán nhãn, áp đặt những gì không đúng sự thật. Cũng không cần phải bận tâm làm những công việc thanh minh thanh nga, trừ khi có điều kiện và được người khác yêu cầu trình bày. Tiếp nhận sự trình bày ấy đúng hay không thuộc về người khác.

VẬT CHẤT VÀ TINH THẦN

Đức Thế Tôn đã hỏi Tỳ Kheo Sati và những người có mặt: “Các vị có thể nhìn thấy các đối tượng đang diễn ra trước mắt các vị hay không? Chẳng hạn, một con vật đang đi, đứng, nằm, ngồi”. Tất cả mọi người trả lời “”. Đức Thế Tôn xác quyết tiếp quan điểm thứ hai: “Các loài động vật trong đó có con người, tạo dựng ra mạng sống là nhờ nương vào các điều kiện, đặc biệt là thực phẩm. Không có thực phẩm, đời sống con người có thể kéo dài thêm vài năm, vài tháng là hết. Sự cấu thành đời sống con người nương tựa vào thực phẩm. Đời sống có hai dạng: Đời sống vật lý và đời sống tâm lý. Thực phẩm cũng có hai dạng: Thực phẩm vật chất và thực phẩm tinh thần”.

Đời sống vật chất: Liên hệ đến cấu trúc thân thể này được tạo ra bởi bốn yếu tố: Chất rắn, chất lỏng, chất không khí và chất vận chuyển, còn gọi là Tứ đại (đất, nước, gió, lửa). Đời sống vật lý và tuổi thọ của nó nương tựa vào thực phẩm: Cơm ăn, nước uống và các loại dưỡng chất khác liên hệ đến thực phẩm này. Trong khi đó, đời sống tinh thần rất quan trọng, đôi lúc không ai quan tâm.

Đời sống tinh thần: Bao gồm cảm xúc, nhận thức, ý niệm hóa, tinh thần tâm linh, đạo đức, các ý niệm, nghệ thuật v.v… Thực phẩm của nó là những cái thuộc về tinh thần. Đời sống tinh thần và vật chất hòa quyện nhau như bóng đèn và luồng điện. Tách luồng điện ra khỏi bóng đèn thì luồng điện vẫn hiện hữu, nhưng hiệu ứng của nó không cao. Nếu công tắc cầu dao hay tim bóng bị đứt, dòng điện vẫn truyền vào nhưng ánh sáng không được tỏa ra từ nó. Tương tự, muốn nhận thức “luồng điện và ánh sáng” có mặt thì thân thể vật chất “bóng đèn” và các yếu tố liên hệ trực tiếp với nó phải còn trong tình trạng tốt. Chính điều kiện này cho phép người ta tin tưởng một điều: Đừng bao giờ chủ trương chủ nghĩa duy vật hay chủ nghĩa duy tâm. Cả hai đều cực đoan nếu đứng từ góc độ một nguyên nhân khởi thủy dẫn ra mọi sự vật hiện tượng còn lại.

Khi cho rằng “vật chất là nguồn gốc của mọi sự vật hiện tượng” là quá đề cao vai trò của vật chất. Từ đó, dẫn đến khuynh hướng sống hưởng thụ, xem vật chất, tiền bạc, gia tài, sự nghiệp là tất cả. Trong khi đó, bản chất của hạnh phúc thuộc về dòng cảm xúc. Vật chất chỉ là một điều kiện, một phương tiện.

Khi cho rằng “tâm là tất cả” là rơi vào trạng thái cực đoan đối lập. Triết học nhà Phật không chủ trương duy tâm như người ta gán ghép. Đức Phật chủ trương duyên khởi, chủ trương điều kiện, tính tương thuộc tác động qua lại không có nguyên nhân khởi thuỷ, dù nó là tâm hay là vật. Cho rằng duy tâm hay duy vật là nhận thức sai lầm, tách rời mọi sự vật ra khỏi sự tương tác của nó. Đức Thế Tôn nói “khi có nhận thức thông thường đi từ quan niệm cho rằng nó liên hệ đến tiến trình của các điều kiện, con người có thể sống một cách rất thoải mái”.

Đức Thế Tôn nói “đời sống tuệ giác bắt nguồn từ nỗ lực chuyển hóa tâm hoài nghi”. Hoài nghi làm cho con người có cảm giác sợ hãi. Từ sợ hãi dẫn đến chế độ an ninh không cần thiết, những ràng buộc, những quy định, pháp quy, cách thức bảo hộ mạng sống v.v… Từ đó, người ta có thể có những thái độ khác chẳng hạn như sự đối lập, loại trừ, xung đột lẫn nhau. Tất cả cái đó đều bắt nguồn từ tâm lý hoài nghi: hoài nghi về bản thân, về người khác, về tôn giáo, triết học, tóm lại hoài nghi về bản chất của đời sống. Hoài nghi là thái độ tâm lý tạo năng lượng bám víu giống như tình trạng trói buộc người lại, thả xuống sông rồi bảo người đó phải bơi về tới đích. Làm sao tiến về phía trước được! Vì thế, hoài nghi là năng lực lôi kéo làm con người dậm chân tại chỗ trong cơn lốc của sự bảo thủ một quan điểm nhất định nào đó. Ai có nhiều thái độ hoài nghi, người đó khó có thể tu tập. Và nỗi khổ niềm đau mỗi khi được thiết lập sẽ có cơ hội được nuôi dưỡng, bảo bọc và chăm sóc, cho nên tiến trình của hạnh phúc là cái gì đó rất xa vời. “Con đẻ” của hoài nghi là lòng do dự, thái độ không dứt khoát bất kỳ một quan điểm nào. Trạng thái “dậm chân tại chỗ” làm cho người đó đánh mất cơ hội tiếp xúc với những cái khác hay hơn, tốt đẹp hơn.

Khi con người đã chuyển hoá tâm hoài nghi, trí tuệ bắt đầu được gieo mầm, lớn mạnh. Người có nhận thức sáng suốt sẽ có niềm tin vững chãi vào hạnh phúc bản thân, không mang tâm vọng cầu theo kiểu “đứng núi này trông núi nọ”. Nếu vọng cầu với thái độ hoài nghi thì những năng lực, tiềm năng, điều kiện vốn có đủ sức làm người đó hạnh phúc, nhưng họ lại không tin mà nghĩ rằng phải đi nơi nào thật xa, tìm kiếm nghề thật mới, nương tựa kẻ này người nọ thì mới có hạnh phúc lâu dài. Từ đó họ tự đánh mất sở trường, chạy theo sở đoản, là một sai lầm rất lớn từ tâm hoài nghi. Cần phải xác quyết những gì đang có với các điều kiện, tận dụng những cái đó để tạo lợi ích cho bản thân.

Giai đoạn sau năm 1975, rất nhiều thuyền nhân đã vượt biên tìm kiếm mảnh đất hứa. Đến xứ người, họ không còn sự lựa chọn nào, từ hai bàn tay trắng, họ phải dựng cơ nghiệp bằng tất cả sự nỗ lực tích cực. Cuối cùng, sau mười năm, hai mươi năm, họ có cơ ngơi sự nghiệp, giàu sang phú quý, có người thành công hơn người bản địa. Điều đó rất đáng tán thán! Vì khi ấy, họ chỉ có một con đường duy nhất là tiến tới phía trước, dù phía trước là núi cao vời vợi, nhưng nếu lui về sau sẽ rơi xuống vực sâu. Dĩ nhiên, leo núi không khéo có thể bị ngã, nhưng nếu khéo léo có phương pháp sẽ đạt tới đỉnh cao. Nhờ ánh sáng Phật pháp soi đường, rất nhiều Phật tử đã thành công sau nỗi đau của quá khứ với những ám ảnh của sự dằn vặt do môi trường điều kiện chính trị xã hội đã tạo ra cho họ.

Sau đó, rất nhiều người Việt Nam cũng muốn tìm kiếm đời sống hạnh phúc tương tự. Họ vượt biên bằng con đường hôn nhân, hợp tác lao động hoặc nhiều phương tiện khác. Có người thành công nhưng cũng không ít người thất bại. Thậm chí nhiều người đã có công ăn việc làm, giàu sang phú quý tại Việt Nam nhưng nghĩ rằng Hoa Kỳ, Pháp, Canada, Úc,.. là thiên đường nên bỏ tất cả sự nghiệp của mình để mong tìm kiếm một thiên đường mới. Sang đến nơi, sự thích ứng diễn ra rất chậm, vì bản thân họ là những người giàu có quen hưởng thụ. Cuối cùng nỗi khổ niềm đau tràn về mỗi khi hồi tưởng những gì đã có. Nếu trở về Việt Nam thì sợ xấu hổ. Chỉ vì lý do sĩ diện mà họ phải chôn vùi cả cuộc đời mình. Ở đây điều được nhấn mạnh là: Thái độ xác quyết không do dự theo kiểu “đứng núi này trông núi nọ” sẽ giúp con người trở nên sáng suốt, không bị chi phối, ảnh hưởng, tác động từ bên ngoài để cuối cùng không đi tới đâu.

Đức Thế Tôn gợi nhắc: “Muốn tâm không bám víu, chấp trước vào chân lý thì hãy hình dung và nhớ về dụ ngôn ‘chiếc bè’ mà Như Lai đã dạy trong bài kinh thứ 22 ‘Người bắt rắn’” .

Bản chất của chánh pháp được giảng là để vượt qua nỗi khổ niềm đau, không phải để tôn thờ và nắm lấy. Tương tự, hình ảnh chiếc bè giúp vượt qua sông. Nếu sau khi qua sông, không chịu lên bờ, cùng chiếc bè rày đây mai đó thì chắc chắn giá trị hạnh phúc sẽ không được đảm bảo. Hoặc nếu tôn thờ khuân vác nó trên vai, đội nó trên đầu, phỏng chẳng có giá trị gì mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến những người đang cần chiếc bè để vượt qua sông. Nói cách khác, đừng bao giờ tôn thờ kinh điển trên bàn thờ, mà hãy tôn thờ nó bằng giá trị ứng dụng hành trì trong đời sống.

Tiến trình khởi thủy của tuệ giác bắt nguồn từ xác quyết của tâm trên nền tảng nhân quả, nhận thức, hiểu biết, và kinh nghiệm. Đức Thế Tôn xác định: Bản chất của tuệ giác là tạo thanh tịnh, an vui và hạnh phúc. Sẽ là một sai lầm, nếu ai đó có tâm lý muốn sở hữu giá trị tâm linh mình đạt được. Bản chất tâm linh là của chung, con đường an vui giải thoát cũng là của chung. Đừng bao giờ sở hữu nó cho tông phái, ngôi chùa, gia đình hay cho bản thân mình. Ai muốn sở hữu hoá chân lý, người đó sẽ bị khổ đau. Lòng hãnh diện tự hào bắt đầu có mặt trong thái độ sở hữu hoá này. Bản chất của sự tu tập theo nhà Phật là chuyển hoá các ngóc ngách, gai góc của cái tôi bao gồm sự hãnh diện, sĩ diện, tự hào, mặc cảm tự ti, thái độ rụt rè, lòng do dự, sự nghi kỵ, sự sợ hãi, chủ trương độc nhất, thái độ độc quyền chuyên chế v.v…Cho rằng mình là đỉnh cao của chân lý, tất cả mọi cái, mọi người là phụ thuộc. Những quan điểm đó tạo ra gai góc của cái tôi. Chấp trước và bám víu chân lý cũng dẫn đến thái độ hãnh diện tự hào tương tự, rằng “tôi tu đúng, người khác tu sai, pháp môn của tôi là số một, pháp môn còn lại là sai lầm”. Từ đó huynh đệ cùng một bậc thầy tâm linh tuệ giác đức Thế Tôn lại trở thành những người xa lạ với nhau. Rất may trong truyền thống tâm linh nhà Phật, có nhiều tông môn pháp phái, pháp môn hành trì nhưng hành giả Phật tử chưa bao giờ xem nhau là kẻ thù, tôn vinh mình là chân lý duy nhất.

THỰC PHẨM CHO LUÂN HỒI

Cách thức ngừng cung cấp thực phẩm của luân hồi cho đời sống theo lời dạy của đức Thế Tôn. Có bốn loại thực phẩm được xem là dưỡng chất của sinh tử, dưỡng chất của khổ đau. Nó là cơ sở dữ liệu giúp chúng sinh trưởng thành lớn lên khi có mặt. Nó là yếu tố và điều kiện cần thiết để giúp chúng sinh sẽ bắt đầu có mặt sau tiến trình qua đời ở một cảnh giới, một sự sống nhất định nào đó.

* Đoàn thực, Kabalinkàro: Đoàn thực là thực phẩm được đưa vào cơ thể thông qua miệng và cơ thể vật lý nói chung. Chẳng hạn ăn, truyền nước biển, tiêm thuốc bổ vào cơ thể v.v… đều được gọi là đoàn thực.

Khái niệm “đoàn thực” xuất phát từ văn hoá Ấn Độ. Nền văn hoá này người ta ăn bốc, không dùng đũa muỗng. Các thực phẩm muốn đưa vào miệng dễ dàng mà không lem luốc, người ta thường trộn thức ăn rồi dùng tay nghiền nát, sau đó vò thành viên rồi đưa vào miệng. Bản chất của “đoàn thực” giúp con người lớn mạnh, trưởng thành. Nơi nào thiếu thực phẩm nơi đó bị còi xương, sự sống giảm, bệnh tật gia tăng. Cho nên, chăm sóc tuổi thọ con người phải chăm sóc từ thực phẩm. Phải biết sử dụng những thực phẩm cần thiết cho đời sống, từ đó, giảm thiểu chủ nghĩa tiêu thụ ảnh hưởng đến thể chất, thể trí và tinh thần của con người. Đức Thế Tôn nói: “Chỉ trong cách thức ăn uống, con người có thể giảm đi bệnh tật mấy mươi phần trăm”. Ai đã từng bị bệnh cũng cảm nhận được điều này. Các bác sĩ, dược sĩ cũng thường yêu cầu bệnh nhân thực hiện chế độ ăn uống tùy theo từng tình trạng bệnh để làm giảm, khống chế, và khoanh vùng cơn bệnh. Bản chất của “đoàn thực” là tạo sức khoẻ cho tuổi thọ được kéo dài.

* Xúc thực, Phassàhàro: Xúc thực là loại thực phẩm tiếp xúc các giác quan với đối tượng trần cảnh của nó. Dĩ nhiên, nó không có giá trị kéo dài mạng sống như “đoàn thực”, nhưng nó làm thăng hoa các giá trị cuộc đời, tạo thêm những ý vị, chẳng hạn nhu cầu giải trí. Xem phim là “xúc thực” của mắt. Đi du lịch ngắm cảnh cũng thuộc về “xúc thực”. “Xúc thực” có thể được hiểu như các hương liệu, gia vị. Quan trọng nhất, nguy hại nhất đến tiến trình sinh tử đó là đời sống sinh hoạt vợ chồng với nhu cầu xúc thực là thực phẩm. Thiếu loại thực phẩm này, đời sống hạnh phúc vợ chồng có thể bị tan vỡ. Vì bản chất của nó tạo ra những thói quen và cơn nghiện. Ai đầu tư hoặc quá lệ thuộc vào thực phẩm “xúc thực” liên hệ đến các giác quan và đối tượng trần cảnh của nó thì người đó sẽ trở thành nô lệ của những thói quen, những sự ràng buộc, ức chế, và những cái không thể nào vùng vẫy nổi.

* Tư niệm thực, Manosancetanàhàro: Tư niệm thực liên hệ đến ý chí, tác ý, ý niệm của con người, như một loại thực phẩm kéo dài mạng sống, tuổi thọ của con người. Ý chí có thể kéo dài tuổi thọ. Chẳng hạn, một người bệnh nằm liệt trên giường, nếu có một sự kiện, một sự việc nào đó chưa được hoàn tất thì lòng mong mỏi muốn thực hiện nó sẽ làm cho họ sống dài thêm một khoảng thời gian. Hoặc việc thương tưởng đứa con thơ trẻ sẽ giúp người bệnh kéo dài tuổi thọ thêm vài tháng. Khi giá trị của tuổi thọ đã hết, bản chất của sự níu kéo về ý chí, nguyện vọng,… sẽ kéo dài tuổi thọ thêm một thời gian ngắn.

Hiểu được nguyên tắc tâm lý này, muốn ra đi một cách nhẹ nhàng thì hành giả và những người đang bị cơn bệnh khống chế, chi phối, cần phải từ bỏ nó một cách có nghệ thuật và đừng tiếc nuối.