Giảng tại đạo tràng An Hạnh, San Jose, USA, ngày 14-08-2007
Phiên tả: Nguyễn Minh
AN VUI NHỜ THỰC TẬP
Có một số người quan niệm rằng cứ gieo trồng phước báu, làm lành thì chắc chắn sẽ được an lạc. Tuy nhiên, bản chất của an lạc phụ thuộc vào kết quả của sự thực tập. Những hạt giống nhân từ chỉ là một trong những điều kiện dẫn đến an lạc. Nếu không huấn luyện tâm thì sự an lạc sẽ khó có thể đạt một cách đúng nghĩa của nó. Lánh dữ chỉ là con đường để hạn chế một cách tối đa những quả xấu trong cuộc đời chứ không mang lại phước báu. Chỉ có làm lành mới mang lại quả phước. Giữa làm lành và an lạc có thể có khoảng cách. Do đó, bên cạnh việc làm lành lánh dữ, hành giả cần thực tập con đường chuyển hóa tâm linh.
Trong kinh Pháp Cú, phẩm thứ 15 gồm 12 bài kệ, bắt đầu từ bài kệ 197 và kết thúc là bài kệ 208, nói về các phương diện thực tập giúp đạt được sự an lạc. Để an lạc thì “hạnh”, tức là thực hành, đóng vai trò quan trọng nhất.
Làm phước có thể tạo ra phước báu. Nếu làm phước không đúng cách, quả phúc có nhưng hạnh phúc và an lạc lại không. Bởi vì trong lúc làm phước, một số người đã đánh mất tâm bồ đề, hoặc không quan tâm đến tâm bồ đề hoặc bị tác động chi phối của “danh”, “vọng”. Cho nên các Phật sự đó không chuyển hóa được tâm thức của người hành trì trong khi đang làm phước. Mỗi khi các lời thị phi đến thì nỗi khổ niềm đau lại trỗi dậy. Cần thấy rằng, bản chất của an lạc gắn liền với sự thăng bằng cảm xúc, chuyển hóa những bợn nhơ của tâm, thanh lọc hoàn toàn những ảnh hưởng tiêu cực từ nhiều góc độ khác nhau.
Mỗi bài kệ trong phẩm An Lạc hướng dẫn một phương cách hành trì để có được an vui. Tiếng Pali, phẩm này có tên là “Sukhavagga”. “Sukha” là an lạc, hạnh phúc. Trong tiếng
Việt, “hạnh phúc” thuộc cấp độ thấp, “an lạc” thuộc cấp độ cao. Hạnh phúc thuộc về giác quan khi bản chất của nó được thỏa mãn, đáp ứng lại các nguyện vọng, mong cầu của con người. Ví dụ, mắt xem những bộ phim, hình ảnh màu sắc hợp gu sẽ tạo các phản ứng hóa học trên não bộ làm người ta có cảm giác hớn hở, thích thú, được gọi là hạnh phúc của mắt. Tương tự, tai nghe các loại âm thanh, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý liên tưởng đến những ý niệm. Thế giới của sự tiếp xúc giữa các giác quan và đối tượng trần cảnh của nó sẽ mang lại những phản ứng thích thú hoặc kháng cự. Sự hợp gu dẫn đến thích thú có thể kéo theo thái độ của lòng tham, từ đó có khuynh hướng tư hữu hóa nó. Các tranh chấp trong cuộc đời thường phát xuất từ lòng tham được tư hữu hóa. Còn đối với những đối tượng không thích thì kéo theo thái độ không hài lòng, chán nản, thất vọng, né tránh dẫn đến tiến trình loại trừ lẫn nhau, bản chất của nó thuộc về lòng sân.
Như vậy, khi thế giới của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý tiếp xúc với các đối tượng của nó thì lòng tham hoặc lòng sân phát sinh. Sống với môi trường của sự phát sinh lòng tham và lòng sân diễn ra hàng ngày, hàng giờ, đôi lúc chúng ta không để ý. Khi làm phước báu, nếu không chuyển hóa được hai khuynh hướng trên thì chúng ta chỉ có phước quả chứ không có an lạc. Do đó, nghiên cứu phẩm này có ý nghĩa rất quan trọng, như một trong những điều nhắc nhở những người Phật tử phải là người an hạnh, tức là đang hành trì hạnh an vui.
BUÔNG BỎ OÁN THÙ
Bài kệ 197: “Thật sung sướng khi ta sống không oán thù trong môi trường oán thù, giữa những người oán thù ta sống không oán thù”.
Bài kệ đưa ra hai nội dung. Nội dung thứ nhất: Trong môi trường, điều kiện lửa dữ, đạn to, hận thù đã có dây mơ rễ má với quá khứ, liên hệ đến ý thức hệ, chính trị, tôn giáo, quan điểm, học thuyết. Sự khác biệt về phong tục tập quán, văn hóa vùng miền gần hơn nữa là cá tính giữa con người với nhau có thể tạo vô vàn thù hận. Nếu trong môi trường đó, chúng ta vẫn sống với tâm rộng lượng, tha thứ, bao dung để hận thù không bám víu vào cõi tâm là một điều hạnh phúc.
Nội dung thứ hai: Có thể chúng ta may mắn vượt qua được môi trường, hoàn cảnh với sự khắc nghiệt của hận thù nhưng hàng ngày, hàng giờ hoặc thỉnh thoảng chúng ta buộc phải tiếp xúc với những người chất chứa đầy thù hận thì việc vượt lên trên mà không bị ảnh hưởng tiêu cực từ tác động thù hận của những người mình tiếp xúc lại là điều khó hơn và hạnh phúc hơn.
Theo con đường vượt biên, sau năm 1975 hầu hết những người Việt định cư tại Hoa kỳ và những nước phương Tây đều ít nhiều có cảm giác thù hận bằng cách này hay cách khác. Vào năm 2004, 2005 và lần thứ ba là năm 2007, chúng tôi có cơ hội tiếp xúc và chia sẻ pháp thoại tại gần một trăm ngôi chùa ở Hoa Kỳ, gặp gỡ rất nhiều tăng ni, Phật tử khác nhau. Những khi tiếp xúc thấy rất rõ sự thù hận có mặt ở rất nhiều cách thức. Vào các trang web hoặc diễn đàn, lửa của sự thù hận có mặt khắp mọi nơi, mọi chốn.
Chúng tôi có hai trang nhà: daophatngaynay.com và tusachphathoc.com, mỗi ngày dù muốn hay không, chúng tôi vẫn nhận khoảng ba chục email từ các diễn đàn khác nhau gửi đến như một tặng phẩm. Đọc các email này, ta thấy sự thù hận trong và ngoài nước, trước và sau 1975 dâng lên rất cao. Vì là người Việt Nam, mang quốc tịch
Việt Nam nên đôi khi cũng bị vạ lây. Người ta tặng rất nhiều “nón” mà phần lớn là “nón cối”.
Cách đây vài năm, chuyến hành đạo của thiền sư Thích Thanh Từ như đi giữa làn tên, mũi đạn. Không phải người ta có thành kiến, hay ác cảm với thiền sư mà vì người còn ta thù hận với môi trường, hoàn cảnh mà thiền sư Thanh Từ đang sống. Từ trong nước đi ra, cái cộng nghiệp chung của môi trường mà vốn nó đã bị thù hằn trong quá khứ do hai ý thức hệ chính trị khác nhau đã làm cho “trong” và “ngoài” khó có thể ngồi lại với nhau.
Vào năm 2005 và 2007, chuyến trở về của thiền sư Thích Nhất Hạnh cũng rơi vào tình trạng tương tự. Là người trong nước, chúng tôi nhận thấy thiền sư đóng góp rất nhiều giá trị. Đứng từ phương diện Phật pháp, đã khai thông được rất nhiều bế tắc. Phần lớn giới trí thức, những người chưa có cơ hội tìm hiểu đạo Phật trong mấy chục năm trở lại đây thấy được một đạo Phật trẻ trung, hiện đại, tri thức và rất khoa học qua cách thức giảng giải, phân tích của thiền sư Nhất Hạnh. Từ đó họ có cái nhìn thay đổi hoàn toàn so với trước đây vốn bị ảnh hưởng bởi nền văn học Việt Nam có nhiều cách mô tả đạo Phật và hình ảnh nhà sư rất bi quan, yếm thế, chán chường và phần lớn là…. thất tình. Chẳng hạn bài vè Sãi Vãi của Nguyễn Cư Trinh, tác phẩm Chuyện tình Lan và Điệp của nhóm Tự Lực Văn Đoàn, hay bài thơ Sư hổ mang của Hồ Xuân Hương, và nhiều câu ca dao thành kiến với Phật giáo cũng như các hành giả Phật giáo nói chung.
Bản chất của đạo Phật thích hợp với giới trí thức, nhưng con đường hành đạo của Phật giáo Việt Nam trước đây thường bị ảnh hưởng trực tiếp từ nền văn hóa, phong tục, tập quán, tôn giáo người Trung Hoa, đặc biệt là đạo Khổng và đạo Lão. Cho nên rất nhiều yếu tố không thuộc Phật giáo
đã được nhập lậu vào đạo Phật. Sự nhập lậu bằng nhiều ngõ ngách của văn hóa và phong tục tập quán nên phần lớn quần chúng Phật tử không phân biệt được ranh giới của sản phẩm gốc và sản phẩm lai căng. Tiến trình nhập lậu vào đạo Phật đã làm cho quần chúng nhìn đạo Phật như là sản phẩm tâm linh không có giá trị. Và chuyến trở về của thiền sư Thích Nhất Hạnh đã góp phần khai thông được điều đó. Ngày nay giới trẻ đã đến với đạo Phật nhiều hơn vì thấy rất rõ các kỹ năng trị liệu tâm lý, con đường đạo đức và tâm linh của Phật giáo có thể giải quyết các bế tắc, vấn nạn không chỉ của bản thân, xã hội, cộng đồng mà của toàn thế giới.
Phật giáo Việt Nam đã ở trong môi trường chiến tranh, hận thù, tang tóc nhiều năm. Sự gieo rắc hận thù đã ở khắp mọi nơi. Mỗi khi có chất xúc tác nào liên hệ với môi trường tạo ra sự hận thù có gốc rễ trong quá khứ, thì các hận thù này có điều kiện trỗi dậy.
Để chúng ta có cơ hội giảm bớt lửa hận thù, lửa bế tắc, quá khứ nên để nó đi qua. Tinh thần Phật dạy là phải biết vượt qua những bế tắc của quá khứ.
Đứng trước nguyên nhân và sự kiện của chiến tranh, các nhà Phật học và tâm linh Phật giáo nhìn đến một giải pháp hòa để cho chết chóc, tang thương, hận thù không còn có mặt. Do vậy, những hoạt động này khó được các đảng phái chính trị chấp nhận. Trong môi trường hận thù mà ta dám cất tiếng nói không hận thù, đi ngược lại các khuynh hướng tâm lý của sự hận thù thì đó là bản lĩnh vô úy rất cần thiết mà các hành giả Phật giáo cần phát huy. Người đi theo đạo Phật, nếu không hiểu rõ những lời kinh đức Phật dạy, thì có thể trở thành kẻ tiếp tay cho hận thù.
Chúng tôi đã có mặt tại Úc, Hoa Kỳ, đi phần lớn các
ngôi chùa và nhận thấy chùa nào cũng bị buộc phải treo cờ của chính thể Việt Nam cộng hòa, không treo thì bị kết án là “nón cối”, do đó khó hoạt động, khó làm đạo, khó hành trì, Phật tử quần chúng ngại ngùng không dám đến, cuối cùng chỉ vài tháng là chùa đó phải đóng cửa. Sự sợ hãi trong môi trường hận thù dẫn đến rất nhiều chùa phải chiều theo ý kiến của những con người còn sống trong hận thù. Nhiều người thấy việc này là sai nhưng không mạnh dạn nói, vì sợ bị gán ghép “đây là người nón cối”. Cứ thế phong trào này tồn tại suốt mấy chục năm.
Tuy nhiên, cũng may mắn có khoảng 40% các ngôi chùa không theo bất kỳ một giáo hội nào tại Mỹ và Úc, không treo bất kỳ lá cờ nào khác ngoài cờ Phật giáo. Chúng tôi cho rằng thái độ này rất phù hợp với đạo Phật. Đạo Phật chỉ chủ trương “ơn Tổ Quốc” là một trong bốn trọng ân. Sự can thiệp của chính trị vào đạo Phật hoặc ngược lại là cách thức làm cho hai bên lũng đoạn lẫn nhau. Do vậy Phật giáo cần có cái nhìn và cách ứng xử mang tính độc lập khỏi các ý thức hệ chính trị hoặc là “nón cối” hay “nón sắt”.
Bài kệ thâm thúy ở vế thứ hai rằng trong môi trường hận thù nếu không có con người hận thù thì môi trường đó sẽ bị dập tắt. Trên thực tế giữa con người và môi trường có mối quan hệ hai chiều. Người hận thù có mặt ở đâu thì môi trường đó dù bình an vẫn có thể trở thành môi trường hận thù. Môi trường hận thù nếu không được chuyển hóa thì con người không hận thù sống trong đó đôi khi cũng bị ảnh hưởng, chi phối ở phương diện này hay phương diện kia. Đức Phật xác quyết rất rõ: “Thật hạnh phúc khi sống vượt lên trên môi trường hận thù, không bị ảnh hưởng hận thù khi giao du, tiếp xúc với những con người hận thù”.
Người Phật tử phải ý thức đây là một chân lý. Ý thức hệ chính trị chỉ tồn tại trong khoảng thời gian vài chục, vài trăm, thậm chí vài nghìn năm là cùng. Còn Phật pháp là muôn đời, là vĩnh cửu. Phật pháp không nên bị lệ thuộc vào bất kỳ hệ chính trị nào. Đức Phật đã thấy rõ sự giới hạn của ý thức hệ chính trị nên Ngài đã không kế thừa ngôi vua để trở thành một nhà chính trị. Từ bỏ nó như một đôi dép rách, một chiếc áo cũ không hề có chút tiếc nuối nào. Ngài tìm kiếm con đường tâm linh, rày đây mai đó, học tập tu luyện theo rất nhiều vị tâm linh lúc bấy giờ nhưng Ngài vẫn thấy không hiệu quả. Cuối cùng Ngài đã tìm ra con đường trung đạo để đi. Nhờ con đường trung đạo này mà đức Phật đạt được giác ngộ và được tôn xưng là bậc Đại giác.
Đứng từ góc độ Phật học, chúng tôi đề nghị các ngôi chùa không nên treo bất kỳ lá cờ nào trong phạm vi ngôi chùa của mình. Cũng đừng để bất kỳ bài quốc ca nào được cất lên ngân vang trong chính điện. Chính điện chỉ vang lời tán dương Tam Bảo, tán dương hòa bình, hạnh phúc, đạo đức, và tâm linh. Hãy giữ truyền thống của Phật giáo mấy nghìn năm trải dài qua nhiều châu lục.
Có bản lĩnh sống hài hòa trong môi trường hận thù và không bị ảnh hưởng bởi những con người hận thù là niềm hạnh phúc lớn nhất. Đây là điều kiện để đi trên con đường hạnh phúc.
SỨC KHỎE VÀ AN LÀNH
Bài kệ 198: “Hạnh phúc lớn nhất khi ta sống không bệnh tật giữa những người bệnh tật; và trong môi trường bệnh tật, ta sống có sức khỏe, an lành”.
Mối liên hệ giữa môi trường và sức khỏe con người rất mật thiết. Đất nước Hoa Kỳ và các nước phương Tây đã thấy
rõ ảnh hưởng tích cực của môi trường đến sức khỏe, tuổi thọ và hạnh phúc con người. Các khu dân cư đều trồng cây xanh. Hàng loạt khu rừng cây xanh được bảo hộ một cách an toàn. Đây là chính sách rất đúng đắn.
Ngoài ảnh hưởng tích cực về phương diện sức khỏe thì môi trường cây xanh còn là môi trường tâm linh. Trước đây các ngôi chùa Phật giáo được gọi là đại tùng lâm, rừng cây lớn. Trong ngôi chùa đều có không gian của rừng cây xanh được bố cục trang trí từ màu sắc cho đến vị trí. Ý nghĩa biểu tượng các loài cây, hoa được trồng trong đại tùng lâm đều mang biểu tượng của tâm linh.
Tại nhiều nước, đặc biệt Trung Quốc, Nhật Bản, trang trí ngôi vườn là cách thức giới thiệu văn hóa Phật giáo, văn hóa tâm linh. Vườn cây ở phương Tây có cấu trúc rộng, thoáng; về mỹ thuật là ngang, ngay, sổ thẳng, trong khi đó vườn cây Nhật Bản lại uốn lượn, quanh co với gam màu, sắc thái, bố cục, vị trí, địa dư, cao thấp đều là sự sắp đặt mang ý nghĩa triết lý Phật giáo rất lớn. Việc cống hiến cho cuộc đời những vườn cây như vậy là mang văn hóa, tâm linh Phật giáo đến những người chưa từng biết.
Theo truyền thống, có mặt trong vườn Nhật hay đại tùng lâm Phật giáo thì tâm trần chúng ta nhẹ buông, mọi phiền não, khổ đau, tật ách, những điều không như ý sẽ được gác lại. Trong các đại tùng lâm xưa, mỗi ngày có hai buổi thiền hành sáng và chiều. Mùa an cư còn có thêm buổi thiền hành sau những bữa cơm. Một mặt hỗ trợ sức khỏe, mặt khác như là một phương tiện hành trì.
Sống trong môi trường nhiều bệnh tật như những nước nghèo khó ở châu Á mà vẫn duy trì sức khỏe là một phước báu rất lớn. Bao nhiêu chất ô nhiễm do công nghệ hóa hiện
đại của các nước phương Tây, do sự khai thác tài nguyên thiên nhiên đến cạn kiệt, do ý thức xã hội cộng đồng của người dân còn quá thấp, chế độ sinh hoạt, phương tiện ăn uống, cách thức nấu nướng và các phương tiện trồng trọt, chăn nuôi phục vụ cho sự sống con người không đảm bảo tính vệ sinh nên cơ thể người dân có thể mang rất nhiều mầm bệnh.
Trong cái cộng nghiệp của môi trường tiêu cực như vậy, chúng ta cần tập luyện, hành trì, thiền hành, kinh hành, buông xả để tạo ra giá trị an vui. Kinh A Di Đà có đưa ra hình ảnh mà giá trị hành trì rất cao đôi lúc chúng ta không để ý. Vào buổi sáng, các cư dân thánh giả tịnh độ sau khi dùng sáng, các ngài không bao giờ ngồi một chỗ, mà các ngài thường đi mười phương trời, làm vô số công đức được diễn tả qua câu: “Hái hoa cúng dường mười phương chư Phật”. Hoa này là hoa công đức, chính là những việc làm phước báu. Dấn thân phục vụ xã hội một cách triệt để, hành động đó cũng giống các loại hoa. Sau khi làm xong, các ngài trở về cực lạc, ăn trong tỉnh thức, kinh hành từng bước thảnh thơi, gọi là “phạn thực kinh hành”.
Dù sống trong môi trường không gian cây xanh hiếm hoi nhưng nếu biết cách, chúng ta vẫn có thể tạo sức khỏe bằng cách cố gắng thực tập theo lời đức Phật mô tả trong kinh A Di Đà, dành khoảng hai mươi phút “phạn thực kinh hành” sau bữa cơm để sức khỏe được đảm bảo.
Việc giữ sức khỏe là rất quan trọng, không phải chỉ cầu nguyện mà có. Tập thể dục thể thao cũng có thể duy trì sức khỏe, nhưng người Phật tử hành trì theo phương pháp thiền, kinh hành vừa có giá trị sức khỏe lại vừa có giá trị tâm linh. Buổi sáng, những người lớn tuổi nên dành khoảng 30 phút lạy Phật 49 lạy, không cần xướng danh hiệu các ngài. Hãy lạy bằng tâm trang nghiêm thanh tịnh với lòng tôn kính tuyệt
đối. Khi lạy phải để tâm thư thái, hơi thở hít vô, thở ra thật sâu và nhẹ nhàng. Đầu cúi xuống tiếp đất và giữ tư thế đó từ ba đến năm giây rồi đứng dậy. Phương pháp này có giá trị sức khỏe và trị liệu rất cao.
Có nhiều chứng bệnh uống thuốc từ Tây đến Đông y không tác dụng, nhưng sám hối và lạy Phật lại khỏi bệnh thì tình huống đó lại liên hệ đến nghiệp. Hoặc có nhiều người luyện tập thể dục thể thao, ăn uống ngủ nghỉ thích hợp nhưng bệnh vẫn đến. Ngoài cấu trúc về gene di truyền xấu, không khỏe mạnh từ ông bà, cha mẹ, nó còn bị ảnh hưởng một phần của các hành động nghiệp, gọi là nghiệp sát, trong nhiều kiếp trước mà bây giờ chúng ta không nhớ được. Vì vậy nên thực tập sám hối để tháo gỡ những bế tắc này.
Mỗi buổi sáng chúng tôi đều thực tập sám hối 49 lạy, nhờ đó mà bệnh bớt nhiều. Trong môi trường bệnh tật, chúng ta chỉ cần giữ cho tâm bình khí hòa, vận động qua kinh hành, thiền hành…, nếu có thời gian thì lạy Phật sáng và chiều tối. Được như vậy, chúng tôi tin chắc sức khỏe sẽ gia tăng, tuổi thọ được đảm bảo. Nhờ đó, sản lượng kinh tế mà mình tạo ra bằng mồ hôi nước mắt, bằng sự làm ăn chân chính sẽ không bị mất đi thông qua con đường bệnh tật.
Một Phật tử chùa Giác Ngộ năm nay 86 tuổi chia sẻ, ngày nào bà cũng phải uống thuốc bắc. Thuốc thang, bệnh tật đã làm bà mất hạnh phúc.
Đức Phật khuyên, nếu có cơ hội chúng ta nên đến bệnh viện một hoặc hai lần. Đến để quan sát, và để ý thức giữ gìn sức khỏe cho bản thân. Thăm bệnh nhân trong bệnh viện còn giúp ta trỗi dậy lòng từ bi, đến thăm bằng tất cả tấm lòng và trái tim. Sự có mặt của chúng ta sẽ giúp người bệnh rũ bỏ phần nào nỗi đau trên cơ thể. Sự nhiệt tình chăm sóc và
truyền chất liệu định tĩnh giúp người bệnh không cường điệu hóa niềm đau vật lý đang có mặt. Chúng ta chỉ cần đến và nắm tay, chăm sóc, hỏi han thì nỗi đau vật lý đó được rũ bỏ phần nào. Nếu nhớ được những lời Phật trong kinh, chúng ta có thể hướng dẫn người thân quán tưởng rằng thân thể này không phải là của ta một cách vĩnh viễn, do đó không nên đồng hóa với nó.
Phần lớn nỗi đau bệnh tật liên hệ đến thân thể ảnh hưởng đến dòng cảm xúc và đời sống tinh thần. Khi quán được vô ngã thì dù cơ thể có đau nhức, chúng ta vẫn có thể vượt qua một cách dễ dàng. Đồng hóa mình là cơ thể thì bao nhiêu bệnh tật, mình lãnh đủ tất. Ly tâm hóa với cơ thể vật lý thì nỗi đau có nhưng trở nên không quan trọng và bị vô hiệu hóa. Ý thức đặt tầm quan trọng lên nhiều chừng nào thì nó khống chế và ảnh hưởng mạnh chừng đó. Vì vậy trên nỗi khổ niềm đau, đức Phật dạy chúng ta nên ly tâm hóa chứ đừng hướng tâm hóa. Hướng tâm thì bế tắc từ hạt cát sẽ được nhân lên thành núi tu di. Ly tâm sẽ giúp núi tu di nhỏ thành hạt cát. Vấn đề là chuyển hóa cách nhìn, các nỗi đau vật lý ảnh hưởng trên cái nhìn này sẽ được phóng thích, tê liệt và chúng ta sẽ được bình an.
Sống chung với những người bệnh tật mà ta không bệnh tật gồm có hai tình huống:
Nghĩa đen: Các loại bệnh đó không thuộc bệnh truyền nhiễm.
Nghĩa bóng: Đó là bệnh tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến, hàng loạt các chứng bệnh tâm lý vốn làm cho bản thân người vương bệnh bị khổ đau và thân bằng quyến thuộc cũng khổ lây. Khi sống chung mà không bị ảnh hưởng bởi cá tính xấu của họ là một phước báu. Thông thường, mỗi chúng ta là một
phần của những gì ta tiếp xúc. Tương tác với tha nhân cũng vậy. Do đó nên chọn bạn mà chơi, giao lưu tiếp xúc sao cho cá tính xấu và tiêu cực của người khác không bị ảnh hưởng và lây lan trên đời sống, thói quen của mình.
TỪ BỎ THAM DỤC
Bài kệ 199: “Quả thật là một điều an lạc nếu ta sống không tham dục. Ở trong môi trường tham dục và giữa những người tham dục, ta sống không tham dục”.
Tham dục gồm hai nội dung: “Tham” ám chỉ cho những cái xấu, tiêu cực, có thể dẫm đạp lên hạnh phúc của người khác để tìm kiếm các giá trị vật dục cho bản thân. “Dục” là tính dục. Phương Tây là thế giới của tính dục, có thể nói Hoa Kỳ đứng đầu thế giới về các phương tiện hưởng thụ tính dục. Luật pháp bảo hộ cho những hoạt động này để mua vui và phục vụ cho hạnh phúc giác quan của con người.
Thứ bảy, ngày 7/7/2007 được xem là ngày hôn nhân của thế kỷ 21. Người ta tin rằng số 7 tượng trưng cho thành công, trọn vẹn. Do đó các cô dâu, chú rể chọn ngày này làm lễ thành thân. Tại Hoa Kỳ, có 65 ngàn cặp kết hôn vào ngày này; Trung Quốc trên 30.000 cặp; các quốc gia khác cũng có số lượng đính hôn tập thể lớn chưa từng có trong lịch sử nhân loại vào ngày này.
Tuy nhiên, Hoa Kỳ lại luôn là quốc gia đầu bảng về số lượng ly dị, chiếm 49,5%. Trung bình hai cặp vợ chồng thì có một cặp ly thân dẫn đến ly dị. Phần lớn thuộc những người có gốc rễ văn hóa phương Tây. Người châu Á định cư tại Hoa Kỳ có mức độ ly dị khá thấp. Sự tự do quá mức có thể tạo ra mặt bằng bình đẳng cho nữ giới, nhưng ngược lại cũng có thể tạo ra những trở ngại khác dẫn đến tình trạng, nếu người chồng không hiểu và ủng hộ cho sự bình đẳng này thì hạnh
phúc gia đình đứng trước nguy cơ đổ vỡ. Trên 80% các cuộc ly hôn tại Hoa Kỳ đều do người nữ đương đơn trước. Có rất nhiều nguyên nhân ly dị, nhưng nguyên nhân chủ yếu nhất mà người ta ngại ngùng khi nói đến là vấn đề tham dục quá nặng hay quá ít của vợ hoặc chồng.
Việc gieo hạt giống Phật giáo trong môi trường văn hóa phương Tây khó hơn trên mảnh đất tâm linh ở châu Á. Trong ba mươi năm trở lại, hai quốc gia phương Tây phát triển Phật giáo được xem là mạnh nhất là Úc và Hoa Kỳ. Các trường lớp, đại học ở Hoa Kỳ có bộ môn Phật học cao nhất thế giới. Người Hoa Kỳ tư duy rất bài bản, có phương pháp luận nhạy bén, có thể trong tương lai sau 300 năm, trung tâm Phật giáo của thế giới là Hoa Kỳ chứ không phải Ấn Độ, Trung Quốc hay những nước phương Đông trước đây. Bởi khi nền văn hóa, khoa học kỹ thuật phát triển càng mạnh thì niềm tin mê tín dị đoan sẽ giảm thiểu một cách đáng kể. Thông qua con đường này, người phương Tây đến với đạo Phật rất nhiều. Vì thế, họ tiếp xúc với gốc rễ của đạo Phật nhiều hơn người châu Á, trong khi người châu Á tiếp xúc với đạo Phật thông qua gốc rễ văn hóa của chính dân tộc mình vốn bị ảnh hưởng phần lớn bởi phong tục, tập quán bản địa. Đạo Phật ở phương Đông không còn là đạo Phật nguyên gốc, mà đã bị lai căng, nhập cư lậu nên người ta dễ nhầm lẫn cho rằng đạo Phật là mê tín dị đoan.
Ở Hoa Kỳ và phương Tây, những ai phát tâm theo đạo Phật bằng lý tưởng được xem là hạt giống rất quý, như đốt đuốc vào rừng sâu tìm vàng. Dưới hình thức xuất gia làm đạo thành công lại càng khó hơn. Hoa Kỳ là môi trường tham dục nên hạt giống đó bị thách đố ở nhiều góc độ khác nhau, đời sống hạnh phúc của người Phật tử tại gia cũng bị ảnh hưởng, chi phối không kém.
Cạnh người tham dục mà không bị ảnh hưởng bởi tham dục đòi hỏi một cái nhìn trí tuệ. Vợ hoặc chồng, theo tinh thần Phật dạy, mỗi tháng ít nhất hai ngày ngưng hoạt động tham dục. Sở dĩ đức Phật đề nghị như vậy trong các ngày Bát quan trai giới vì ngài thấy rất rõ các đổ vỡ trong hôn nhân phần lớn do quá nhiều hay quá ít các hoạt động tính dục. Người Phật tử tại gia cần thiết thực tập theo. Không đặt nặng các hoạt động tính dục mà tìm kiếm hạnh phúc qua con đường tâm linh, tham dự các khóa tu. Khi đó, thói quen hưởng thụ sẽ giảm, đời sống hạnh phúc gia đình sẽ được tăng cường lên ở mức độ cao hơn. Đó là lòng chung thủy không xuất phát từ tính dục mà từ đức hạnh, các giá trị tích cực của nhau giúp cả vợ lẫn chồng bền bỉ bên nhau đến răng long đầu bạc.
KHÔNG BỊ CHƯỚNG NGẠI
Bài kệ 200: “Sẽ vô cùng an lạc nếu chúng ta sống không chướng ngại. Bên cạnh đó, hạnh phúc là sống với những điều hỷ lạc trong cuộc đời”.
Trước nhất, đừng để tâm vướng bận bởi bất kỳ điều gì. Chướng ngại gồm nghịch duyên, tức hoàn cảnh môi trường không thuận lợi, làm cho lòng tham, sân, si dễ dàng phát sinh và trỗi dậy. Từ đó con đường tâm linh và đạo đức dễ dàng bị trở ngại và đứt đoạn. Tất cả các phương tiện ăn, mặc, ngủ, ở,… của con người có thể đem đến hạnh phúc giác quan nhưng làm trở ngại cho con đường phát triển tâm linh và đạo đức. Người tu sĩ ít muốn, biết đủ, sống giản dị thì sự an lạc, hạnh phúc đạt được nhiều hơn. Nhưng khi các phương tiện, tiện nghi đầy đủ như người tại gia thì các giá trị tâm linh sẽ bị lung lay.
Tương tự, người tại gia cũng phải thấy rõ tiện nghi vật chất và bản chất của tâm linh khó có cơ hội tỉ lệ thuận với nhau. Biết cách sử dụng các tiện nghi vật chất, sử dụng đúng
phương pháp có thể mang lại hạnh phúc giác quan và quả phước báu, còn lạm dụng và sử dụng sai phương pháp thì chúng đe dọa tước đoạt hạnh phúc chúng ta. Do đó, đừng bao giờ để bất cứ điều gì làm chướng ngại.
Ngăn không cho điều xấu làm trở ngại thì dễ, ngăn người xấu không làm chướng ngại cũng không khó, nhưng ngay trên con đường đạo, việc Phật sự, những điều tốt không làm chướng ngại mình mới là điều khó. Đôi lúc chúng ta làm với cái tôi, vừa làm vừa tính công, mặc cả với nhân quả, thái độ chưa thực sự vì lòng từ bi, chưa vì các giá trị tâm linh và đạo đức. Chính vì thế khi gặp lời thị phi, tiếng chỉ trích, phê bình, tác động, chi phối làm chúng ta chao đảo. Nhiều người khi đứng trước tình huống này đã thề thốt trong tâm rằng về sau không làm nữa. Làm Phật sự mà sợ đến độ thề không dám làm nữa, bởi vì họ chưa hiểu sự thành công trong Phật sự tỉ lệ thuận với sóng gió ba đào.
Khi ba đào sóng dậy, người Phật tử có chiều sâu của hành trì phải mừng, vì biết rằng con đường mình đi là đúng. Các lực lượng tiêu cực luôn muốn khống chế quyền làm chủ hạnh phúc. Khi điều tốt thông qua các Phật sự có mặt thì ảnh hưởng tiêu cực sẽ giảm đi đến mức không còn. Do vậy nó phải vẫy vùng, kháng cự, chi phối để chúng ta bỏ cuộc nửa chừng. Làm phước báu thì đừng để nghịch duyên làm trở ngại. Cũng đừng giận hờn, oán ghét, để dòng phiền não xâm chiếm trong tâm.
Theo tâm lý học Phật giáo, nếu nuôi dưỡng và chất chứa cơn giận trong tâm tức là chúng ta đã biến mình thành nạn nhân, nó trở thành chướng duyên trở ngại rất lớn trên con đường tìm cầu hạnh phúc. Ôm ấp một nỗi đau hay hận thù nào thì bản chất của nó đã trở thành một sự trở ngại, cho nên hãy phóng thích nó càng sớm càng tốt, càng nhanh càng có lợi. Mỗi nỗi đau được nhà Phật ví như một cây gai gí vào tim,
mỗi tích tắc trôi qua nỗi đau sẽ rỉ máu. Nếu không điều trị bằng cách thức buông xả thì dần dần sẽ dẫn đến ung thư và tử vong. Tương tự, ôm nỗi đau sẽ chết thông qua sự ung thư của tâm trạng và cảm xúc. Tất cả các trở ngại có là quyền của nó, chúng ta đừng để mắt, để tâm, để lòng thì sẽ vượt qua.
“Sống với những điều hỷ lạc” là tìm một niềm vui nào đó để thay thế. Nhờ đó mà tất cả các nghịch cảnh, người tạo nghịch cảnh, điều kiện chướng duyên của nghịch cảnh đó không làm chúng ta nao núng tinh thần. Muốn bỏ thuốc lá phải có viên kẹo để ngậm, muốn cai nghiện ma túy phải vào môi trường cách ly. Sự thay thế môi trường, thay thế đối tượng là nhu cầu không thể thiếu để cắt đứt và vượt qua cơn nghiện nhằm làm mới cảm xúc, làm mới cuộc đời. Tạo hạnh phúc vượt qua các chướng duyên thử thách cũng phải được thay thế như vậy. Nghĩa là chúng ta tìm hỷ lạc nào đó, tích cực để sống với những hỷ lạc này, những điều còn lại không đáng bận tâm. Chẳng hạn niềm hỷ lạc qua công việc sao chép băng đĩa Phật giáo, hỷ lạc khi làm công quả các chùa, bố thí cúng dường, từ thiện... mỗi khi làm đều thấy vô cùng hạnh phúc. Tạo cho mình một niềm vui thì các chướng duyên có mặt sẽ trở thành không quan trọng. Đây là nghệ thuật rất cơ bản mà đức Phật dạy chúng ta. Đối chọi đôi lúc thành tựu nhưng cũng lắm khi thất bại.
VƯỢT QUA THẮNG BẠI
Bài kệ 201:
“Thắng lợi sinh thù oán
Thất bại bị khổ đau
Ai chẳng màng thắng bại
Sống hạnh phúc trên đời”.
Bài kệ dạy con đường hạnh phúc bằng cách nhận diện
bản chất những sự kiện nghịch ý và không nghịch ý trong cuộc đời. Lời dạy này rất sâu sắc nhưng không đồng nghĩa với ý niệm an phận thủ thường, không thắng, không bại. Có bại chăng là bại từ trong bản thân mình. Bài kệ khuyên chúng ta làm tất cả không bằng thái độ cạnh tranh, hơn thua mà bằng thái độ gánh vác để đóng góp và phục vụ.
Trong cơ chế thị trường, xuất phát từ động cơ làm thế nào để sản phẩm của mình chiếm lấy thị trường, tạo ra khoản lợi về kinh tế, tính cạnh tranh và loại trừ lẫn nhau không nhân nhượng. Người Phật tử làm kinh tế hiểu rõ quy luật loại trừ khắc nghiệt này nên không phát xuất tâm địa như vậy. Chúng ta nên tâm niệm rằng việc tạo ra sản phẩm mới với giá thấp, chất lượng cao, tiện dụng tiện ích để phục vụ cho cộng đồng xã hội, không cần cạnh tranh. Chỉ cần đổi thái độ thì ta không bị vướng vào thắng thua. Thắng mang đến niềm vui chốc lát, còn thua kéo theo nỗi buồn lâu dài.
Phải thấy thắng bại là quy luật rất bình thường. Có người thắng phải có kẻ bại. Hiểu điều này như một quy luật thì khi đối diện, chẳng những chúng ta không buồn mà ngược lại, đầu tư thời gian, công sức vào việc phân tích nguyên nhân đưa đến thất bại đó. Thay vì than trời, trách đất quy đổ trách nhiệm thì nhà Phật dạy cứ làm hết bằng trách nhiệm, lương tâm, khả năng, tâm huyết, nỗ lực. Nếu không thành công theo ý muốn thì hãy hài lòng với kết quả như vậy.
Thái độ ít muốn, biết đủ không ám chỉ sự thụ động mà là thái độ lạc quan trên con đường tương đối, vì cuộc đời không có gì tuyệt đối. Làm nhiều, nỗ lực nhiều mà thành đạt không như mong mỏi bởi vì có những yếu tố nghịch duyên. Nhận rõ và khắc phục nghịch duyên, kết quả trong tương lai sẽ được cải thiện. Buồn, trách, than vãn thậm chí dẫn đến bế tắc tự vẫn không phải là giải pháp.
Không màng thành công thất bại thì kết quả thành công sẽ cao hơn, và tránh được tình trạng chủ nghĩa công thần. Trong việc làm, người ta thường mặc cả tính giá trị, tính đóng góp, và khi nó có mặt thì ta không muốn thua đối tác của mình. Giá trị “phải hơn” này, chúng ta vô tình buộc cuộc đời một cách thầm lặng, hay đòi hỏi đặc quyền, đặc lợi bằng cách này hay cách khác, dẫn đến mâu thuẫn nội tại, mâu thuẫn trong các mối quan hệ…
Hãy cứ vui khi thành công, nhưng cũng cần biết rằng đó là nhân quả bình thường. Làm tốt kết quả tốt là chân lý nên khi đối diện nó, chúng ta cũng thản nhiên. Phật tử là những nhà hành trì, đối diện với thành công không hãnh diện, tự hào, cống cao ngã mạn, mà tìm cơ hội học thêm những cái mới, phát triển những cái hay để ngày càng thăng tiến nhiều hơn. Thỏa mãn hài lòng sẽ chỉ dậm chân tại chỗ.
BIẾT SỐNG MỘT MÌNH
Bài kệ 205: “Ai từng nếm mùi vị độc cư, ai từng nếm mùi vị tịch tịnh, người ấy chắc chắn sẽ nếm được mùi vị của chánh pháp để xa lìa mọi tội ác và những nỗi sợ hãi”.
Bài kệ dạy cách sống phần lớn thích hợp cho người tu. Thỉnh thoảng người tại gia cũng nên dành khoảng thời gian nhất định trong năm để thực tập hạnh người tu thì giá trị an vui hạnh phúc sẽ giúp chúng ta làm mới các cơ hội phát huy tiềm năng thông qua các văn bằng sáng chế.
Kinh Trung bộ có bài kinh “Biết sống một mình”, sống một mình không có nghĩa là sống lập dị, làm cho mình nổi bật, không giao lưu, tiếp xúc, để được người đánh giá cao. Sống một mình theo cách đó sẽ cắt đứt mọi mối quan hệ. Nền văn hóa phương Tây không mấy chú trọng mối quan hệ gia đình. Căn nhà với khá nhiều phòng ốc, do đó mỗi khi có niềm vui người
ta hưởng một mình, khi buồn phiền họ rúc vào phòng riêng, dán mắt vào ti vi, dán tai vào các điệu nhạc buồn, dán thân thể vào chiếc giường, nỗi buồn lại càng ngày gia tăng.
Sống độc cư không có nghĩa sống cắt đứt mọi quan hệ xã hội, quan hệ gia đình theo kiểu nền văn hóa phương Tây, ít tình làng nghĩa xóm, đèn nhà ai nấy tỏ, không ai muốn làm phiền ai. Sự độc cư này làm con người trở nên cô độc. Con số tự tử ở phương Tây cao hơn châu Á, điều đáng ngạc nhiên là người giàu có và thành công lại tự tử nhiều hơn người thường và người nghèo. Kinh “Người biết sống một mình” của Phật giáo dạy một triết lý rất sâu sắc, sống một mình như thế là phá hoại sự sống, phá hoại các mối quan hệ. Sống một mình không phải là sống đơn độc mà sống trong sự đồng hành với người khác nhưng tâm luôn hướng về điều cao thượng, về hạnh phúc, và về tâm linh.
Theo dõi hơi thở ra và vào, giữ chất liệu chánh niệm tỉnh thức có mặt trong tất cả các hành động đi, đứng, nằm, ngồi, đêm cũng như ngày, thì dù ở chỗ đám đông hay một mình, chúng ta cũng đều an vui hạnh phúc.
Người phương Tây không thích đám đông ồn ào, náo nhiệt, họ tôn trọng sự yên lặng tuyệt đối, không muốn ai làm phiền đến thế giới riêng tư của mình. Do đó xu hướng sống trên núi, hay trong rừng là phổ biến, trong khi Việt Nam thì ngược lại. Trong môi trường yên tĩnh, người ta có cảm giác được trấn an, được yên vui, được đảm bảo hạnh phúc, nhưng khi có mặt ở các nước châu Á ồn ào náo nhiệt thì họ bị khủng hoảng. Do đó niềm an vui trong môi trường sống yên tĩnh chỉ có giá trị nhất thời chứ không phải là tâm được an vui, được định tĩnh, được hạnh phúc. Sống một mình là sống làm sao được hạnh phúc bằng cái tâm, dù thân ở bất cứ nơi nào, thuận hay nghịch đều không bị ảnh hưởng.
Chất liệu tịch tịnh là quan trọng, sống độc cư mà không có tịch tịnh thì không hạnh phúc. Tịch tịnh là sự vắng lặng các thăng trầm, biến cố của dòng cảm xúc. Đứng trước các hiện tượng lên voi xuống chó, thành công thất bại, ba chìm bảy nổi thì dòng cảm xúc của người có thực tập vẫn bình thản. Rút kinh nghiệm và nỗ lực có phương pháp hơn sau thất bại để thành công lần tiếp theo. Còn chạy theo dòng cảm xúc thăng trầm thì thất bại sẽ đẩy chúng ta lún sâu vào bế tắc, chán nản, thất vọng.
Do đó, phải duy trì chất liệu tịch tịnh, tức là an lạc của tâm thì việc ở nơi vắng lặng như vậy mới có giá trị thực sự. Đức Phật nói trong kinh, nếu ở rừng sâu một mình mà không có chất liệu tịch tịnh của tâm thì trước sau sẽ bị khủng hoảng. Yếu tố tịch tịnh là nội dung của sống độc cư, nếu không có tịch tịnh của tâm thì độc cư không còn ý nghĩa.
Độc cư trên nền tảng tịch tịnh thì giá trị của chánh pháp sẽ bắt đầu có mặt, quan trọng hơn là các hành giả xa lìa được tội ác. Tâm tịch tịnh dẫn đến thân và lời nói phát ngôn không trái pháp luật, trái đạo đức, lương tâm, kết quả là người đó xa lánh được mọi sợ hãi trong cuộc đời.
Vế cuối cùng của bài kệ sâu sắc ở chỗ, để chấm dứt sự sợ hãi không cần thiết phải thiết lập mạng lưới an ninh về phương diện vật lý. Sau sự kiện ngày 11/9/2001, Hoa Kỳ đã tốn gấp ba lần số tiền an ninh so với trước đây, an ninh phi trường, an ninh công cộng, an ninh làng xóm… an ninh mọi nơi mọi chốn. Dĩ nhiên khi thiết lập an ninh bằng cách đó cũng giúp người dân đi lại một cách thoải mái, giảm sự sợ hãi trong đám đông, nhưng sự sợ hãi trong tâm chưa nhổ lên được thì an ninh bên ngoài không có tác động gì cả.
Đức Phật dạy, sống tịch tịnh, có pháp vị, có đạo đức tức là
xa cách tội lỗi thì con người không có gì phải sợ. Ai tu tập pháp môn tịnh độ, thiền hay mật tông mà vẫn để cho sự sợ hãi khống chế, như sợ ma, sợ thằn lằn, sợ chuột… thì biết rằng người đó chưa có tịch tịnh của tâm, tức là chưa tu đúng phương pháp.
Vài tuần trước chúng tôi ở chùa Liên Hoa, Las Vegas, chia sẻ pháp thoại cho khoảng tám mươi Phật tử làm nghề chia bài. Ngôi chùa Liên Hoa có khoảng 200 con bồ câu, một số đậu ở sân, số khác đậu trên mái chùa. Tối hôm đó tôi nghỉ ở chùa một mình để sáng mai nhờ Phật tử đến chở ra phi trường. Sáng hôm sau gia chủ đến, đứng phía ngoài gọi điện thoại: “Thầy ơi, ra đây sớm đi thầy ơi, thầy không ra sớm tôi chết mất”. Tôi cứ tưởng ăn trộm, ăn cướp, khi chạy ra chỉ thấy bồ câu. Hỏi chuyện gì vậy? “Bồ câu thầy ơi, thầy đuổi nó đi tôi không dám vô”. Có những nỗi sợ khá kỳ quặc như vậy.
Phân tích theo kinh Trung Bộ, muốn vượt qua sợ hãi thì phải tâm niệm, sợ hãi lớn nhất trong cuộc đời là sợ chết, sợ bệnh cũng dẫn đến cái chết, sợ mất danh, mất chồng, mất vợ, mất con… tất cả cũng dẫn đến lớn nhất là cái chết. Khi thực tập quán vô ngã thì cái chết không còn sợ huống hồ những thứ này. Còn chăng chỉ là nỗi sợ đạo đức, sợ lương tâm. Trong kinh, người sống đạo đức, tôn thờ đạo đức nói rằng không có bất cứ cái gì phải sợ. Ai chưa vượt qua nỗi sợ hãi thì chưa phải là đệ tử Phật.
Bài kinh “Khiếp đảm và sợ hãi” thuộc kinh Trung Bộ, đức Phật dạy muốn vượt qua cảm giác sợ ma thì hãy mở mắt ra nhìn trực diện, lúc đó ma sẽ không có mặt. Theo văn hóa Ấn Độ, ngày bát quan trai giới là ngày ma hiện hồn về hù nhát con người, đức Phật nhân ngày này dạy người tu bát quan trai giới và yêu cầu các hành giả, Phật tử ra gò ma mà quán, mời các ma ra uống nước, ăn bánh. Không ma nào xuất
hiện, tự động ta vượt qua được nỗi sợ ma. Nói cách khác là chúng ta nhát ma thì sẽ không bị ma nhát.
Ngoài ra đức Phật dạy, ma không hại người. Ma cần đến sự giúp đỡ của con người vì ma chính là con người không được siêu thoát. Do vì chấp trước tình yêu, tình thân, gia tài, sự nghiệp, địa vị, chức tước,… mà chết nên ma cứ bám víu vào địa điểm chết, những nơi có nhiều kỷ niệm hay có nhiều giá trị hạnh phúc. Mỗi khi thấy ma, chúng ta không nên sợ mà hãy trỗi dậy lòng từ bi giúp đỡ họ được siêu sinh thoát hóa. Ma không thể hại người vì ma không có cơ thể. Các truyện ma, phim ma do con người tưởng tượng chỉ là sự vẽ vời để khai thác nỗi sợ hãi của khán giả và làm giàu trên việc sản xuất. Người Phật tử thấy rõ cảnh giới ma là cảnh giới bất hạnh, họ là những người thân của ta bị bế tắc, nếu không có sự giúp đỡ bằng lễ cầu siêu thì họ sẽ lún sâu hơn trong khổ đau.
Tóm lại, vượt qua nỗi sợ hãi là cách thức để thiết lập sự an tịnh, hạnh phúc và có pháp vị trong cuộc đời.
THÂN CẬN NGƯỜI TRÍ
Bài kệ 206, 207: “Gặp được các bậc thánh nhân có giá trị rất quý báu vì ta sẽ chung hưởng được sự vui lành. Không gặp được kẻ ngu si thì ta có tâm niệm được hoan hỷ”.
Đây là câu danh ngôn rất sâu sắc. Người ngu si trong Phật giáo không phải là người không có trình độ văn hóa, học thức, sự nghiệp, mà bất cứ ai dù bác sĩ, kỹ sư, tiến sĩ, nhà bác học, nhà khoa học… sống lý giải với thái độ không dựa trên nhân quả, không dựa trên duyên khởi, không dựa trên vô thường, vô ngã thì người đó vẫn được gọi là người đang sống với vô minh.
Toàn bộ vũ trụ này bao gồm con người và các chủng loại khác tồn tại, hình thành rồi dẫn đến sự tồn tại mới. Hủy diệt
để hình thành cái mới khác đều dựa vào quy luật tương tác đa chiều của nhiều yếu tố, điều kiện khác nhau được gọi là duyên khởi. Ai không lý giải trên cơ sở này mà cho rằng có nguyên nhân khởi thủy, nguyên nhân đó là duy vật hay duy tâm; là đất, nước, gió, lửa; là thượng đế, thần linh… đều là những người đang sống trong sự si mê. Định nghĩa trong kinh tạng Pali nói rõ như vậy.
Nếu sống và gặp phải con người không tin nhân quả, không dựa vào duyên khởi thì mọi bế tắc trong cuộc đời khó có thể giải quyết được. Sống cứ rơi vào vòng lẩn quẩn. Đứa con hư hỏng mà cha mẹ không chịu nhìn lại cách thức giáo dục của mình, suốt ngày cầu thượng đế, thần linh hộ trì, phỏng ích gì.
Sống với người hiểu, tin, hành xử nhân quả và duyên khởi, chúng ta thấy rõ vô thường là quy luật biến dịch về thời gian, vô ngã là quy luật về vật lý. Không có sự vật hiện tượng nào trong cuộc đời mà không được tạo thành bởi nhiều yếu tố khác nhau. Các nguyên lý này sẽ giúp chúng ta sống vững chãi, tìm dây mơ rễ má của những khổ đau bế tắc để giải quyết đến tận gốc rễ. Cầu nguyện, van xin, khóc lóc sẽ làm cho bế tắc càng bế tắc nhiều hơn.
Việc sống chung với bậc thánh có giá trị an vui bởi vì ta được cộng hưởng an lạc như một sự tác động. Chẳng hạn trong bất cứ mối quan hệ nào, có người quan trọng, thì những người khác trở thành phụ thuộc. Một người khống chế, thì những người khác bị phủ trùm. Vợ chồng cũng vậy, bình đẳng tuyệt đối, cả hai sẽ trở thành đối thủ của nhau, mất hạnh phúc. Vì vậy có những tình huống mà sự đồng hành sẽ làm nhân rộng, lớn mạnh, phát triển lợi ích cho hai bên, nhưng cũng có những phát triển về phương diện này phải làm giảm, khống chế phương diện khác. Cũng vậy, sống với bậc thánh là sống với giá
trị đạo đức, giá trị tâm linh, sống với niềm an vui, với cái nhìn vô ngã, vị tha, hỷ xả. Hạnh phúc cũng sẽ được nhân lên rất cao. Thánh nhân tốt từ trong ra ngoài, hạnh nói và làm của người đó hoàn toàn thống nhất, khác với kiểu cách giao tế ở nhiều người, trước mặt và sau lưng luôn đối lập. Sống với những người đó rất nguy hiểm khó có thể lường trước được.
Bài kệ còn dạy, ảnh hưởng cộng hưởng trong cá tính giữa ta và người là điều không thể phủ định. Dĩ nhiên đối tượng của bài kệ là đại đa số quần chúng chưa có bản lĩnh, lập trường vững chãi nên khi giao tiếp với những người bị vô minh chi phối sẽ bị chi phối theo. Còn đối với ai đã hiểu nhân quả, nghiệp báo, duyên khởi, thấu rõ vô thường, vô ngã mà tiếp xúc với những người chưa có chất liệu Phật pháp như vậy là điều cần thiết, vì chỉ có như thế mới có cơ hội gặp gỡ, chia sẻ, cảm thông, và nhờ đó giúp đỡ họ vượt qua bế tắc.
Bài kệ 208: “Người hiền trí, đại nhân trì giới chân thành là những bậc chánh giả. Nếu được đi theo bậc thiện nhân, hiền từ ấy thì khác nào như mặt trăng đi theo quỹ đạo tinh tú và do đó sẽ có cơ hội được an vui. Gần người xấu để giúp đỡ, chuyển hóa họ và do đó họ được hạnh phúc”.
Trong giai đoạn trên núi, tức đang tu, hành giả cần tìm kiếm môi trường thuận lợi, con người thuận lợi để con đường tâm được vững chãi. Khi đã vững chãi thì đến lúc hành giả xuống núi, dấn thân, hành trì, chia sẻ, và giúp đỡ. Khi đó đối tượng cần được chăm sóc nhiều nhất chính là những người đang sống trong vô minh.
Ví như các bà mẹ Việt Nam nói chung thường quan tâm đến đứa con hư đốn nhiều hơn những đứa con thành công đến độ đôi khi mẹ bị con hiểu lầm đối xử thiên vị. Tấm lòng của người mẹ thấy rất rõ đứa con này đã tốt, không chăm sóc
nó cũng không hư. Còn đứa con kia nếu không chăm sóc, nó sẽ mang đau khổ cho cuộc đời. Do vậy, đối tượng chưa hoàn thiện là đối tượng cần được lưu tâm.
Cũng chính vì vậy mà bồ tát Địa Tạng phát nguyện vào nhà tù để làm bạn với dân anh chị trong giới giang hồ. Dân anh chị trong giới giang hồ thường có tâm lý ảo muốn làm thủ lĩnh, họ thể hiện quyền uy, bao bọc, che chở đàn em của mình. Sau phi vụ trộm cắp nào đó, nếu số của cải trộm cắp được không đủ chia, họ ban hết cho đàn em, sẵn sàng chia cắt sở hữu tài sản của mình để được đàn em trung thành, tôn kính và bảo vệ. Trong khi đó cha mẹ ruột của họ đang nghèo đói, bệnh tật, vợ con nheo nhóc thì họ bỏ mặc.
Muốn làm anh chị, tốt nhất hãy làm anh chị thật sự trong gia đình mình, giúp các em được nên người, giúp cha mẹ già được hạnh phúc, giúp vợ con được cơm no áo ấm. Những người này nếu không có tâm vĩ đại như bồ tát Địa Tạng thì không thể chuyển hóa. Địa tạng là mảnh đất tâm rộng lớn. Ai cũng có mảnh đất tâm trong con người của chính mình. Vì không tin tưởng nên tiềm năng đó bị bế tắc bởi những ổ khóa. Khai mở những ổ khóa này để phát huy nhân tính, giá trị tích cực của bản thân đóng góp cho xã hội và cộng đồng.
Nền văn hóa phương Tây khuyến khích người dân làm lành. Mỗi tháng người Hoa Kỳ phải đóng thuế cao nhất trên thế giới, nhiều người buồn xo khi đến ngày bị thuế cắt trừ vào tài khoản cá nhân. Thực ra đây là cơ hội để làm phước. Tiền thuế của nhân dân dành cho việc xây sửa cầu cống, đường sá, một số dùng vào chương trình an ninh, an sinh xã hội… Thay vì mỗi tháng cắt ra 25% thu nhập để làm từ thiện như lời đức Phật dạy trong kinh thì các nước phương Tây, Hoa kỳ đã đề ra chính sách giúp người dân làm việc này. Đây
là điều đáng mừng vì thế không nên nhăn nhó mà hãy hướng về bàn thờ Phật lễ ba lạy, nở nụ cười tươi hồi hướng công đức cho những người cần được giúp đỡ.
Như vậy, giúp đỡ người khác là điều kiện mang lại hạnh phúc, dĩ nhiên giúp cũng cần có nghệ thuật bởi vì gần người hiền trí, ta không sợ gì; gần người đa văn, ta có thêm kiến thức; gần người đạo đức có thêm niềm tin, gần bậc thánh có thêm tuệ giác… còn gần giới giang hồ, nếu không khéo sẽ “gần mực thì đen”, chỉ với tâm lượng và kiến thức Phật pháp mới giúp ta vượt qua được.
TẮT LỬA THAM SÂN
Bài kệ 202: “Không có lửa nào bằng lửa tham dục, không có ác nào bằng ác của sự sân hận, không có khổ nào bằng khổ chấp vào thân ngũ uẩn, và không có niềm vui nào bằng niềm vui của Niết bàn”.
Lửa than đá âm ỉ, nhưng khi đã cháy thì không dứt, nó có thể tồn tại và duy trì nhiên liệu trong vòng ít nhất 24h. Lửa rơm rực lên rồi tắt. Lòng tham vi tế là lòng tham nguy hiểm như lửa than đá. Tham cũng có hai loại, tham tốt và tham xấu. Tham xấu nặng nhất là tham dục, nếu vượt qua tham dục, hạnh phúc gia đình mới được đảm bảo.
Về phương diện tiêu cực, lửa tham dục có thể thiêu đốt con người hàng ngày, hàng giờ nên vạn nhất phải vượt qua. Tham tốt không gọi là lửa, nó là nguồn động lực để đẩy con người về phía trước. Trong 37 phẩm trợ đạo còn được gọi là “dục như ý túc”. Tham muốn làm Phật sự, làm việc lành, tham muốn trở thành người có ích… những niềm ao ước này đều là những ước nguyện đẹp cần được phát huy. Nếu không có tham dục tốt thì khó có thể trở thành người tốt. Chỉ cần tham muốn trở thành bác sĩ là chúng ta đã là bác sĩ 50%,
muốn trở thành hành giả là đã trở thành hành giả một phần, phần còn lại chỉ tùy thuộc vào hành động.
Lửa của lòng sân hận buộc con người phải xung đột, thanh toán, loại trừ đối phương. Cái khổ thuộc về phương diện tâm lý và vật lý liên hệ đến thân, tri giác, cảm giác và tâm tư nhận thức. Nếu thấy rõ điều này, không đánh đồng với nó thì nỗi khổ niềm đau sẽ được vượt qua. Chỉ khi quán tưởng và tu tập như vậy, con người sẽ có niềm vui hạnh phúc của Niết Bàn.
Niết Bàn, định nghĩa một cách đơn giản là sự vắng lặng hoàn toàn lòng tham, sân, si, các bế tắc, khổ đau, tâm lý ích kỷ, sự thù hận, nghi hoặc. Tuệ giác về đời sống quá khứ là dữ liệu giúp không bị vướng lụy trong hiện tại và tương lai, là điều phát sinh tự nhiên trong quá trình tu tập của hành giả. Lúc đó các hành giả sẽ có niềm vui của Niết Bàn. Niết Bàn không có gì cao siêu, nó là trạng thái tâm lý vắng bóng hoàn toàn các ảnh hưởng tiêu cực của thế giới phàm tình, phàm phu tục tử.
Bài kệ 203: “Nếu đói là loại bệnh lớn thì vô thường tạo ra niềm đau về sự mất mát tang thương. Biết nhận đúng sự thật, ta sẽ thấy rõ niềm vui Niết Bàn có thể có mặt”.
Bài kệ này cho phép chúng ta có thể khẳng định: Quan điểm cho rằng đạo Phật yếm thế là sai lầm. Không có bất cứ câu nào trong kinh tạng Pali đức Phật nói “đời là biển khổ”. Những người thực tập Phật giáo viết trong văn học Phật giáo để khuyến tấn, khuyến tu giúp đỡ cho con người vươn lên trong đời sống, vượt qua nỗi khổ niềm đau. Còn đức Phật trong kinh khi nói đến khổ luôn kèm theo vế thứ hai là “con đường diệt khổ”. Trong kinh Trung Bộ đức Phật đã lặp đi lặp lại chủ trương này đến vài chục lần, “xưa cũng như nay, Như Lai chỉ tuyên bố hai điều: Khổ là thực trạng và con đường dứt khổ là điều có thể thực hiện”.
Tuy nhiên phần lớn người ta chỉ nhớ đến vế đầu, “đời là bể khổ”, rồi suy ra cái gì cũng khổ, trong khi đó đời còn có vô số niềm hạnh phúc. Người ta chỉ nhớ vế thứ nhất nên cho rằng Phật tô đen, cường điệu hóa nỗi khổ niềm đau, trong khi vế thứ hai mới giải quyết vấn đề. Nếu không nhìn thấy cái khổ là một thực trạng cần phải vượt qua thì làm sao tìm đến con đường diệt khổ. Hiểu được như vậy, sống và làm được như vậy là chúng ta đang hướng về con đường hạnh phúc, đang có hạnh phúc, đang hướng về Niết Bàn, đang có Niết Bàn và đang trở thành Niết bàn.
KHÔNG BỆNH, BIẾT ĐỦ VÀ THÀNH TÍN
Bài kệ 204: “Không bệnh là hạnh phúc lớn. Biết đủ là người giàu nhất. Thành tín là nơi trú ẩn chí thân. Hạnh phúc Niết Bàn là tuyệt đỉnh”.
“Không bệnh là hạnh phúc lớn”. Bệnh thường tước đoạt các giá trị an vui, hạnh phúc dẫn đến tình trạng lực bất tòng tâm, muốn làm nhiều việc lành nhưng sức khỏe không cho phép. Trong tình huống bệnh diễn ra, đạo Phật dạy biện pháp tạo việc lành bằng quán tưởng. Mỗi động tác ra vào thể dục trên giường bệnh, hãy tưởng tượng mình đang dâng hoa, lạy Phật.
Sự quán tưởng là nghệ thuật thay thế giúp đạt giá trị tâm linh từ giá trị vật chất. Trong tiến trình của sự quán luôn bao gồm hai vế: Vế A là vật chất, vế B là tâm linh. Vế B chỉ thành tựu khi nội dung vế A có liên hệ nhân quả. Chẳng hạn, khi dâng hoa phải liên tưởng đến bàn tay, lễ lạy phải liên hệ đến toàn thân với các động tác co duỗi. Liên tưởng đến mình đang có mặt trước chính điện của ngôi chùa, hoặc trước bàn thờ Phật ở nhà, công đức vẫn có một cách bình đẳng, ngang bằng như công đức của người đang thực tập.
Quán tưởng như vậy thì dù bệnh tai biến mạch máu não
dẫn đến bán thân bất toại, bế tắc vẫn có thể được khai không. Trong lúc lễ lạy nếu có sức khỏe, hãy để ý thức vận hành toàn thân đặc biệt tập trung ở vùng đau nhức. Cứ nghĩ luồng khí đi ngang qua những chỗ này sẽ cuốn hết các bệnh, và dùng một phần hồi hướng công đức phước báu đã tạo dựng trong quá khứ tập trung vào ngay cơn bệnh để giải quyết thì sự hồi hướng đó có thể tháo gỡ phần nào. Điều này có vẻ phi vật lý nhưng lại là sự thật. Hiểu rõ không có bệnh là một điều hạnh phúc thì cần phải thực tập để trong lúc bệnh vẫn có hạnh phúc tương đương.
“Biết đủ là người giàu nhất”. Điều này rất sâu sắc và triết lý. Người có tham vọng nhiều khó có thể hạnh phúc vì luôn “đứng núi này trông núi nọ”. Mang tâm niệm như vậy nên rất nhiều người đã mất hạnh phúc gia đình. Vợ đẹp, chồng đàng hoàng cỡ nào cũng thấy không thấy đủ, đi tìm kiếm điều mới lạ. Càng đi tìm thì càng đánh mất chính mình, đánh mất hạnh phúc. Nên hãy hài lòng và biết đủ với những gì mình đang có. Phải biết rằng nhân duyên, điều kiện môi trường, hoàn cảnh dẫn đến kết quả như vậy, không thể muốn khác được. Nếu muốn nhiều hơn thì phải thay đổi môi trường, điều kiện, hoàn cảnh… đó là tiến trình “chuyển nghiệp” mà đức Phật dạy phải làm, bằng không thì không bao giờ có được.
“Thành tín là nơi trú ẩn chí thân”. Niềm tin, uy tín, sự chân thành, đứng đắn là phương tiện thiết lập tình thân, tình thương trong xã hội và cộng đồng. Ai đánh mất uy tín sẽ khó thiết lập lại, sống chân thành bằng trái tim thì dù nói ít mà vẫn tạo dựng được lòng tin, dù nói mộc mạc không văn hoa vẫn có tác dụng. Tư cách đạo đức tạo ra niềm tin, tạo ra giá trị trong các mối quan hệ. Ngược lại, người nói hay, nói giỏi nhưng không thành tâm thì đổ vỡ sẽ rất lớn, thậm chí bị quy kết là lừa đảo.
Dù biết không bệnh, biết đủ, thành tín có thể mang lại niềm vui trong các mối quan hệ xã hội, nhưng hạnh phúc của Niết Bàn mới chính là niềm vui lớn nhất. Do đó, cần phải thực tập, trao truyền các giá trị tâm linh.
Nên đến chùa vào những ngày chủ nhật, dù ở nhà đã có góc tâm linh nhỏ, có sinh hoạt, thực tập đều đặn. Nhiều Phật tử cho rằng mình đã tu mấy chục năm, đã nghe giảng từ các bậc cao tăng hòa thượng thì cần gì phải đến chùa gặp gỡ thầy nhỏ, sư cô trẻ còn non nớt. Hiểu như vậy là sai lầm, đến chùa không chỉ tu cho bản thân mà còn tu cho người khác. Người đi chùa càng lâu năm càng cần phải đi chùa nhiều hơn để làm gương cho con cháu.
Đức Phật Thích Ca sau sáu năm khổ hạnh đã phát hiện ra con đường Trung đạo, theo con đường này Ngài đã giác ngộ ở tuổi 35 (đối với Nam Tông) và 30 (đối với Bắc Tông). Mỗi ngày, Ngài ngồi thiền và thực tập như bao vị tân binh tâm linh khác. Điều này cũng dễ hiểu, vì đức Phật tu cho các đệ tử của Ngài để các đệ tử noi gương theo, khi có bế tắc muốn hỏi thì ngài giải đáp ngay tại chỗ.
Các võ sư, mặc dù đã Thập đẳng huyền đai, nhưng mỗi ngày đều đặn vẫn luyện tập những đòn cơ bản đầu tiên để gân cốt linh hoạt. Con đường hành trì cũng vậy. Tu một mặt cho bản thân, sau khi hoàn tất thì tiếp tục tu cho người khác. Sau thời gian làm Phật sự mà cảm thấy không muốn làm nữa là biết mình đã đi sai. Rất nhiều Phật tử không muốn đến chùa, chỉ muốn tu tại gia, vì đến chùa gặp nhiều phiền não, chuyện thị phi, không tùy hỷ,… ở nhà cảm thấy bình an hơn. Hành động rúc đầu vào mai như con rùa chỉ có cảm giác trấn an chứ không bình an. Bản chất của tu là dấn thân. Phật tử thực tập cũng phải dấn thân, tu sĩ lại càng dấn thân nhiều hơn nữa.
Tóm lại Niết Bàn là niềm vui lớn nhất, muốn vậy hành giả phải duy trì tâm linh, phát triển tâm linh cho bản thân và cho người khác.
Bài kinh Pháp cú với phẩm An Lạc Sukhavagga đã dạy chúng ta những kỹ năng để đạt được an vui, hạnh phúc trong cuộc đời. Tuy nhiên cần lưu ý sự khác biệt giữa hạnh phúc và an vui. Nhà Phật thường dùng từ “an vui” hơn là “hạnh phúc” dù trong ngôn ngữ Pali, hai từ này chỉ là một. An vui thuộc về sự tĩnh tại của tâm, vượt qua mọi thăng trầm dù thuận hay nghịch của hoàn cảnh, dù gặp người tốt hay xấu thì tâm vẫn vẳng lặng bình an. Bão đi qua cổng chùa mà đức Phật vẫn ngồi yên bất động. Giữ tâm được như thế mới được gọi là an lạc. Còn hạnh phúc có thể có niềm vui trước mắt nhưng có thể khổ đau khi niềm vui này không còn. Buồn vui lẫn lộn là con đường thế gian. Cười trước, buồn sau hay cười sau buồn trước đều là sự lẩn quẩn của hạnh phúc. Người thực tập, với tư cách tu tại gia, ngoài những giá trị hạnh phúc mà mình có cần phải phát huy thêm chất liệu an lạc mà an lạc là hải đảo của tự thân, tức là vững chãi, thảnh thơi, không chao đảo, không bị biến đổi trong sự biến đổi của cuộc đời. Được như vậy, chúng ta mới thực sự được an vui hạnh phúc, mới đủ bản lĩnh tiếp tục các Phật sự, dấn thân làm các công việc từ thiện, đóng góp cho xã hội cộng đồng, gia đình theo sở trường, khả năng, điều kiện đang có.