Điều 8,9,10: ÂN NGHĨA VÀ OAN TRÁI

Giảng tại Chùa Đức Viên, San Jose, ngày 24-08-2008

Phiên tả: Minh Hiếu


 THI ÂN BẤT CẦU BÁO

Điều tâm niệm thứ tám: “Khi thi ân đừng nên cầu báo đáp, vì cầu đền báo là việc làm có mưu đồ”.

Phương pháp thực tập và chuyển hóa tâm thức trong các đường lối tâm linh của người xuất gia là tâm niệm, nghĩa là thực tập trên tâm. Khác với thói quen của phần lớn Phật tử tại gia là thực tập trên miệng. Tất nhiên, để có sự thực tập trên tâm trước tiên ta phải thực tập trên miệng. Miệng phải niệm thì tâm mới ghi nhớ và khi ta đã thực tập nhuần nhuyễn thì việc thực tập trên tâm sẽ nhiều hơn thực tập trên miệng. Ở chùa mỗi ngày ta có bốn thời, ở nhà thì chỉ có một đến hai thời, còn thực hiện trong tâm thì không cần phải có thời nào mà lúc nào ta cũng tâm niệm, cũng khắc ghi. Do đó, phương pháp thực tập tâm niệm mới chính là trọng tâm của pháp môn niệm Phật.

Khi ta quán chiếu mang tính chất ứng dụng trong việc làm cho xã hội được vui, hạnh phúc, bình an thông qua sự phát tâm thi ân của mình, Tổ Diệu Hiệp dạy ta lúc thực hiện việc thi ân thì đừng có tâm mong cầu sự đền đáp.

Như vậy câu tâm niệm này ta có thể chia làm bốn ý.

Thứ nhất: Thi ân là phương pháp thực tập để giúp ta có được nền tảng phước báu thông qua việc chia sẻ nỗi đau và giúp cho những người bất hạnh vượt qua nỗi đau.

Thứ hai: Mục đích và động cơ của ta khi làm việc gì giúp ai không cầu đền đáp mà phải phát xuất từ lòng từ bi. Nói theo tinh thần của giới Bồ tát là mỗi khi thấy tha nhân thiếu thốn khổ đau bởi thiên tai, dịch họa hay tai nạn ta có điều kiện, có khả năng mà không làm thì không khác nào như da thịt bị trăm ngàn mũi kim châm chích vào và dù một tích tắc trôi qua cũng để lại sự đau nhức vô cùng. Nên ta thi ân như là một bổn phận để vơi đi nỗi đau của tha nhân và cũng làm vơi đi nỗi đau của bản thân.

Thứ ba: Nếu ta có ý niệm mặc cả nhân quả trong sự mong cầu thì giá trị và hành động của việc làm ân nghĩa này trở thành một gánh nặng cho tha nhân về phương diện cảm xúc.

Thứ tư: Tổ dạy ta xem việc thi ân giống như đôi dép bỏ không đáng để mình bận tâm, làm rồi buông xả, không để tâm.

Việc thi ân là một trong những phương diện thiết thực của hạnh bố thí, cúng dường. Đây được xem như là bước đi đầu tiên trên con đường nhập thế của Phật giáo thông qua hai pháp môn rất quen thuộc là Tứ nhiếp pháp và Lục độ Ba la mật.

Tứ nhiếp pháp bao gồm: Bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự. Đây là bốn phương diện để thiết lập nhân tâm. Ta có được sự thương mến của cuộc đời không phải vì ta thi ân có mong cầu mà vì ta làm bằng trái tim và vô cầu.

Trong khi đó Lục độ Ba la mật cũng bắt đầu bằng bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ, v.v… Như vậy, đối với các hành giả theo Tịnh Độ tông nói riêng và hành giả theo nhiều pháp môn khác nói chung thì việc thực tập Tứ nhiếp pháp và Lục độ Ba la mật được xem như một phương tiện để hoàn thiện đời sống nhân cách, phẩm hạnh của mình.

Ai thực tập phương pháp này nhiều thì giá trị tâm linh được tăng trưởng ở mức độ khá cao. Trong kinh A Di Đà đức Phật Thích Ca đã đưa ra những điều kiện cần có để được vãng sanh Tây Phương: “Bất khả dĩ thiểu thiện căn, phước đức, nhân duyên, đắc sanh bỉ quốc”. Nghĩa là muốn sanh về Tây phương Cực lạc không thể dùng một chút ít công đức là đủ, mà ta phải gieo trồng phước báu thật nhiều gồm ba phương diện: Thứ nhất là căn lành lớn, thứ hai là phước đức lớn và thứ ba là nhân duyên tốt lớn.

Căn lành ở đây khác với căn tu. Theo quan điểm dân gian là có căn tu ở kiếp trước nên khi ta vào chùa là thấy thích tu, thích vào chùa tham dự các khóa tu học, đấy là căn duyên. Theo tâm lý học Phật giáo căn lành là ta tự chuyển hóa lòng tham, sân, si để có được ba năng lực đối lập. Đó là sự rộng lượng, lòng từ bi và tuệ giác. Ba năng lực này chính là nền tảng của tất cả mọi hạnh lành. Ta phải làm rất nhiều; khi làm được điều đó, hành giả chuyển hóa được tâm lý, hành động, thói quen tiêu cực và trở thành một con người từ phàm được nâng lên thành Thánh.

Phải tạo phước báu thật nhiều, nghĩa là làm công tác từ thiện xã hội giúp người già, trẻ mồ côi, người cơ nhỡ, mảnh đời bất hạnh rơi vào cảnh sóng thần, động đất, lũ lụt, mất mùa,… sự trì hoãn giúp đỡ của ta sẽ đồng nghĩa làm cho nỗi đau đó kéo dài thêm, khổ đau thêm, tăng trưởng thêm. Ta phát tâm làm và phải làm thật nhiều, làm suốt cuộc đời giống như ta đang gieo vào ngân hàng công đức những tài khoản có thể rút nó ra bất cứ lúc nào khi có nhu cầu trong việc phát nguyện và hồi hướng.

Tạo nhân duyên tốt nhiều có nghĩa là ta phải phát tâm dấn thân nhập thế giúp đỡ cho tha nhân và cộng đồng. Những người lớn tuổi, cũng nên tạo nền tảng âm đức cho con cái nương theo để trở thành Phật tử từ khi còn nhỏ; và tạo điều kiện cho những người chưa biết đạo Phật có cơ hội tiếp xúc và được an vui theo đạo Phật. Nghĩa là mình phải tạo môi trường tốt.

Nhân duyên lớn: Không có nghĩa là ta ngồi chờ đến đâu hay đến đó, “gió có thổi thì mát, gió không thổi thì chịu nực”. Đó không phải là nhân duyên mà là đầu hàng duyên. Nhân duyên nói theo dân gian Việt Nam là “Muốn ăn phải lăn vào bếp” nghĩa là ta phải gieo để tạo ra duyên đó. Nhà bếp nào cũng có gạo, thóc, bột, đường và nhiều gia vị nhưng nếu ta không xuống bếp tự làm thì phải thuê người. Nếu không thuê người làm thì phải mua thực phẩm làm sẵn rồi cũng phải ngồi vào bàn ăn, dùng tay, muỗng, nĩa, … gắp đưa vào miệng thì mới ăn được, mới no và có dinh dưỡng. Nên tất cả đều phải là duyên do chính ta tạo ra, còn nhân duyên là tạo ra cái duyên tốt trong những hoàn cảnh thuận và nghịch khác nhau. Ta phải niệm Phật, nhớ Phật thì mới đủ duyên lành gặp Phật.

Ai làm được ba điều kiện đó, nói theo kinh A Di Đà, thì đã đáp ứng được yêu cầu căn bản để vãng sanh Tây phương. Ta thấy ý một và ba là thuộc về thi ân. Làm công đức nhiều là thi ân cho cộng đồng và xã hội, tha nhân. Còn gieo nhân duyên tốt nhiều là ta đã mở rộng phạm vi để cho Phật giáo có mặt khắp mọi nơi và mọi chốn.

Ý hai là một tiến trình chuyển hóa tâm thức của bản thân, do đó thi ân luôn nhiều hơn phần tiến tu của ta. Bởi vì nếu một hành giả nhuần nhuyễn trong pháp môn niệm Phật, đang lúc làm các Phật sự dấn thân cho cộng đồng và xã hội thì hành giả đó cũng đang thực tập chuyển hóa tâm và thực tập như thế sẽ có hiệu quả hơn. Ngoài những thời khóa riêng, quá trình nhập thế sẽ mang lại cho ta những ân nghĩa và giúp mọi người theo đạo Phật từ những duyên ân nghĩa như thế này thì rất dễ dàng thành công.

Động cơ được đức Phật khuyên và Tổ Diệu Hiệp nhắc nhở chúng ta qua điều tâm niệm thứ tám là đừng mong cầu sự đền đáp thông qua các hành động nhân đức của mình.

Trong kinh tạng Pali đức Phật dạy một hành giả khi thi ân thường phải nhớ ba điều: Hoan hỷ trước khi làm, hoan hỷ đang khi làm và hoan hỷ sau khi làm. Làm được như thế thì việc thi ân của ta không cầu đền đáp. Chúng ta khởi lên tâm niệm hoan hỷ mỗi khi giúp người khác nhổ được nỗi đau lên bằng hành động nhân nghĩa sẽ cảm thấy được hạnh phúc với niềm vui nội tại. Hiểu được giá trị đó nên có nhiều người vay mượn nợ để làm từ thiện; nhiều Phật tử ở Mỹ đã làm như thế. Họ biết mỗi tháng lãnh được 3.000 đôla tiền lương, nên vay mượn bạn bè khoảng 500 hay 700 để làm từ thiện, sau đó trả lại.

Đặt cái cày trước con trâu trong khuynh hướng làm từ thiện thì chỉ có tốt chứ không xấu. Dĩ nhiên ta phải làm đúng theo tinh thần Phật dạy là nguồn chi cho từ thiện tối đa là 25% tiền lương. Trong kinh đức Phật dạy cách quản trị về tài chính là: 25% cho việc hiếu thảo, 25% để sử dụng và nuôi dưỡng bản thân, 25% để ngân hàng phòng khi đau yếu, bệnh tật và 25% làm công tác từ thiện.

Ở Hoa Kỳ và nhiều nước phương Tây, Phật tử có cơ hội làm từ thiện một cách bắt buộc tức là đóng thuế. Đến tháng tiền của ta được cắt đưa vào thuế trực tiếp thông qua hệ thống ngân hàng, thì hôm đó quý vị chỉ cần ngồi lại dăm ba phút niệm Nam mô A Di Đà Phật, con xin hồi hướng số tiền 25%, 35%, 45% tiền thuế của con đến cho tha nhân, cộng đồng xã hội, con biết ơn chính phủ đã làm giúp cho con việc này, thay vì con phải tự tay đến các nơi để làm từ thiện.

Sống trong một quốc gia với hệ thống luật pháp, pháp trị và pháp quyền mạnh, hệ thống tham nhũng không có, ta nguyện như vậy cũng cảm thấy hoan hỷ vô cùng. Nhưng nếu sống trong những quốc gia có nhiều tham nhũng như là món ăn hàng ngày thì liệu ta có hoan hỷ như thế hay không? Câu trả lời là nên, ai “khôn thì nhờ, dại thì chịu” đóng thuế ta có phước, kẻ tiếp nhận thuế mà làm sai thì kẻ đó thất đức, tổn phước.

Cứ tâm niệm và tạo niềm hoan hỷ đang khi làm thì chắc chắn ta không tiếc nuối và phát ngôn bằng những mệnh đề mang tính điều kiện: “Phải mà tôi không có đóng tiền thuế thì tôi..tôi…tôi…sẽ…làm Phật sự, làm từ thiện, giúp đỡ tha nhân, cộng đồng”. Ngay trong mệnh đề này có hai vế, vế đầu là điều kiện nếu…thì…nhưng khi cái nếu… đó đã được điền vào bằng các điều kiện cần và đủ rồi thì cái ba chấm(…) sau cái thì đó sẽ tiếp tục là các điều kiện khác như: Bây giờ tôi phải lo cho vợ con, cha, mẹ, người thân,… và nhiều thứ khác.

Mệnh đề mang tính điều kiện như là một yếu tố tâm lý để giải phóng ức chế về chuyện mình không thích, không hài lòng. Đến khi đạt được việc đó chưa chắc mình sẵn tâm làm.

Thi ân theo lời Phật dạy là ta làm trong bất kỳ tình huống nào tùy theo điều kiện cho phép. Nếu có tiền của thì ta làm bằng tiền của, nếu không có tiền thì tùy hỷ công đức. Nghĩa là vận động người khác làm, hay lấy uy tín của mình nối kết các công việc Phật sự lại; những người có lòng mà không có thời gian để làm, chu cấp số tiền cần thiết, ta xin tiếp nhận để trao lại cho những đối tượng đang có nhu cầu.

Ở San Jose chúng tôi có quen một Phật tử, sống mấy mươi năm tại Hoa Kỳ, ông không có nghề nghiệp ổn định nhưng uy tín và đạo đức rất cao. Khi còn ở Việt Nam ông nổi tiếng về vấn đề in sách chui của Phật giáo để truyền bá Phật pháp; khi định cư ở Hoa Kỳ ông tiếp tục làm công việc in sách, ấn tống kinh sách, băng đĩa. Tiền thì không có, nhưng ông có lòng và biết nối kết những tấm lòng vàng.

Việc thi ân đó mang tuệ giác của Phật đến với quần chúng thông qua băng giảng, sách Phật học để đến với rất nhiều người đang có nhu cầu. Như vậy, chỉ cần có tấm lòng là ta đã có những chìa khóa để mở những hạt giống từ bi đang ngủ quên trong tâm thức của rất nhiều người.

Chúng ta đôi lúc cần phải có chất kích thích, người khích lệ, kêu gọi, phân tích, mình nghe hữu lý rồi mới phát tâm, nếu không ai khuyến khích kêu gọi thì chưa chắc làm.

Ở các chùa, thầy trụ trì đều cho một thống kê giống nhau: tiền công đức Phật tử phát tâm cúng vào thùng phước sương không là bao, chưa đủ để trả tiền điện nước. Trong nước cũng như hải ngoại, số tiền Phật tử đến cúng bàn thư ký hay bàn tri khách, đặc biệt là đưa trực tiếp cho thầy trụ trì thì lại nhiều gấp ba, bốn lần. Bởi vì cúng vào thùng phước sương không ai biết, không ai khích lệ, phân tích. Nhưng khi ngồi vào bàn khách quý sư mới phân tích là có Phật sự A, công tác từ thiện B, giá trị, ý nghĩa, mục đích và sự ban vui cứu khổ như thế nào, từ đó họ sẽ dễ dàng trải tâm, khi hiểu được vấn đề Phật tử sẽ phát tâm một cách dễ dàng hơn.

Trong kinh Bách Dụ (100 câu chuyện ngụ ngôn) có câu chuyện rất lý thú cho những người làm công tác từ thiện cần phải lưu tâm. Chuyện kể rằng hai vợ chồng nhà nọ chỉ có một đứa con trai duy nhất. Năm con lên 18 tuổi, ông bà bảo nhau: Nhà mình nghèo quá, làm thế nào đãi khách vào ngày sinh nhật cho con mình nở mặt nở mày với bà con lối xóm. Suy nghĩ vắt óc cả mấy ngày không ra; bà vợ nảy sinh một sáng kiến là nhà ta có nuôi vài con bò sữa, mỗi ngày có thể cho vài lít sữa. Nếu mình vắt sữa hết từng ngày thì đến sinh nhật con không có sữa đãi khách; nên cách ly bò mẹ với những con nghé thì ngày hôm đó sẽ có lượng sữa nhiều hơn để tặng biếu cho bà con. Nghe nói hữu lý, hai vợ chồng cùng làm. Đến ngày sinh nhật, ông bà ra chuồng bò để vắt sữa thì chẳng có một giọt.

Ở đây ngân hàng công đức của mỗi người chính là sự phát tâm và ý thức thi ân để mang niềm vui, xóa đi những nỗi khổ của tha nhân và cộng đồng. Tổng lượng sữa tích tụ ở đây được hiểu như là ta nói để tôi có được cái giàu A, tài sản B, trúng số D, làm việc gì đó có lương bổng cao thì mới làm từ thiện và chờ đến ngày đó lấy ra thì không có một xu, vì lúc đó ta còn có những việc khác để làm.

Câu chuyện rất hay, rất có chiều sâu, chẳng những ông bà không có sữa để đãi khách mà còn làm cho các con bò nghé bị đói (khát sữa).

Phước đức của con người giống như đồng tiền khôn; tiền tạo ra tiền, phước tạo ra phước. Cất chứa tiền trong nhà mà không biết đầu tư thì tiền đó có thể trở thành đầu mối của trộm cắp và mối lo; phước báu đến mà không biết sử dụng, một thời gian rồi cũng sẽ hết. Khi có điều kiện ta cứ làm, có ít làm ít, có nhiều làm nhiều, nhưng phải có căn bản; nhiều Phật tử làm một cách máy móc không căn bản, rốt cuộc làm cho những người thân trong nhà phiền não và xa lánh đạo Phật.

Đại lễ Phật đản 2008 tại Việt Nam, có một gia đình Phật tử phát tâm cúng dường đến vài trăm triệu. Chúng tôi cứ ngỡ rằng họ giàu lắm, nhưng sau đó mới biết là gia đình đó vì cúng dường mà tán gia bại sản. Anh này khởi tâm bồ đề quá mạnh, không có sẵn tiền nên đã bán hết đồ vật trong nhà để làm công tác Phật sự lớn lao này.

Làm như thế là sai với tinh thần đức Phật dạy. Phật dạy tối đa là 25%, còn bây giờ lương anh không tạo ra được mà do cảm mến Phật quá anh bán hết sạch những đồ vật trong nhà thì gây nên phiền não cho người nhà, và tạo nghiệp chướng vô cùng. Mọi người cho rằng anh này theo Phật rồi mê mờ quá làm cho vợ con đói rách.

Cách làm từ thiện đơn giản nhất là chúng ta nên mua một con heo đất; đi chợ về còn dư tiền lẻ thay vì bỏ lăn lóc đây đó, quý vị chỉ cần bỏ vào con heo. Đúng một năm khui ra ta sẽ có ít nhất cũng được hai ba trăm ngàn để làm công tác từ thiện và Phật sự. Nếu gia đình có bốn thành viên, sẽ có được khoảng một triệu đồng. Không cần để ý đến nó, chỉ cần nhớ bỏ vào mỗi khi có tiền lẻ, như vậy ta vẫn có thể làm được rất nhiều việc.

Làm thế nào để giúp con em làm được những việc thiện ngay khi chúng còn nhỏ? Ví dụ: Cha, mẹ dắt con nhỏ đi chùa, thay vì tự tay mình bỏ tiền vào thùng công đức; ta đưa con và bảo: “Con hãy dâng cúng vào thùng phước thiện” và dạy cho con biết ý nghĩa tại sao phải làm như thế.

Mặc dù ý thức của trẻ chưa đủ để tiếp cận được giá trị đạo đức của việc làm này, nhưng từ nhỏ chúng đã quen với hành động đó thì sau này lớn lên, dù có khốn khó chúng cũng không nỡ dùng bàn tay này để trộm cắp, cướp giật, làm việc xấu…

Giáo dục bằng cách hữu thức có điều kiện, dần dần sẽ trở thành vô thức như là một phương tiện và trở thành phong cách, văn hóa sống. Ta nên tập việc làm nhỏ như thế cho con em, về sau chúng sẽ có phong cách giúp đỡ cuộc đời, đóng góp cho xã hội. Ngoài ra, ta phải quan niệm rằng: tài sản mình có như là đôi dép bỏ thì mỗi khi thi ân ta sẽ không bị vướng.

Những người thuộc hạng tổng giám đốc “hãng kẹo”, mỗi khi phải chia sở hữu tài sản cho người khác thì có cảm giác như dùng con dao bén cắt từng làn da thớ thịt, đau nhức vô cùng, mặc dù số tiền đó chẳng là bao.

Ta phải hiểu, khi chết có ai mang theo được gì đâu, hột nút còn phải cắt bỏ lại; nhưng làm việc ân nghĩa cho cuộc đời ta sẽ có âm đức để mang theo mặc dù không hề mong muốn. Nhưng nó diễn ra theo quy luật tất yếu của nhân quả. Vì vậy, ta cố gắng làm thật nhiều, như khi bỏ tiền vào ngân hàng ta không sợ mất. Nếu không có lời cũng không bị tổn thất, nhưng chắc chắn là phải có lời không nhiều thì ít, nhất là khi ta biết tạo quả phúc.

Nhân tạo thành quả, quả tạo thành nhân cứ thế ta tạo ra một chuỗi phản ứng có điều kiện rất tốt về nhân quả phước báu thì giá trị lợi lạc cho tha nhân sẽ rất nhiều. Nhưng nếu ta mong cầu phước báu thì người tiếp nhận sẽ có cảm giác nặng nề mặc cảm như: Tôi là con mọt của xã hội, là dây tầm gửi, phải đi nhận sự giúp đỡ của tha nhân, cho nên tặng phẩm của ta phải được thể hiện bằng tất cả tấm lòng.

Phật dạy “hoan hỷ trong khi làm”, nghĩa là mình giúp người khác, người ta giơ hai tay nhận với sự trân trọng, còn ta tỏ thái độ khinh thường chắc chắn người nhận trong lòng đau nhói và nhiều lần như thế thì không ai còn muốn nhận nữa.

Làm công tác từ thiện ở các nước nghèo như Ấn Độ (nhất là khu Phật tích), ở đây người dân khổ vô số, nếu như ta làm việc thiện theo kiểu “cúng cô hồn” như ở Việt Nam; tung lên để bọn trẻ giành nhau với số tiền không bao nhiêu, bánh trái chẳng là gì ngược lại có người còn bị thương tích do giành giật, đánh đập nhau. Như thế ý nghĩa của việc thi ân bị mất hết và ý nghĩa đạo đức cũng bị thương tổn ở mức độ cao, đây không phải là cầu đền đáp mà là cầu danh để mọi người biết đến mình nhiều hơn.

Phật tử khi làm việc công đức, nếu được mọi người tán dương thì cũng đừng ngại. Có nhiều người làm công tác xã hội hoặc Phật sự, khi nhà chùa viết phiếu công đức thì bảo “thôi, chúng tôi đang thực tập vô ngã”, “tôi không có nhu cầu giữ cái này”… Người ta khen thì cứ nhận có sao đâu, miễn đừng để tâm vào.

Phần ghi nhận của xã hội về các việc làm tốt là điều rất đáng tán thán. Việc tốt không ghi nhận chẳng lẽ ghi nhận cái xấu, cái dỡ. Ai tặng bằng khen cứ đem về để con cháu thấy đó noi gương. Văn hóa của cha mẹ làm tốt sẽ nhắc nhở con cháu sau này, không nên “cha làm thầy con đốt sách”.

Nếu vợ chồng dùng chung một tài khoản thì người chồng sẽ không ghen vì ông biết vợ đem tiền đi làm việc tốt chứ không phải đem cho ông khác. Như vậy thì quá tốt, không có gì phải sợ, thế nên ai tặng bằng công đức ta cứ nhận. Ai muốn mọi người đều biết đến mình, thì cúng thật nhiều tiền rồi đề chữ vô danh, và như thế ngày hôm sau mọi người đều biết vô danh đó là ai! Ta không cần phải làm thế.

Như vậy, mỗi khi giúp đỡ ai phải hoan hỷ trong khi làm, đừng để người tiếp nhận phải mặc cảm; ta làm có nghệ thuật, bằng tất cả trái tim yêu thương với lời ái ngữ khéo léo. Người tiếp nhận sẽ có cảm giác sự giúp đỡ này là một nhu cầu để giúp họ vượt qua khó khăn; về sau họ sẽ đền ơn những người khác chứ không cần cho mình.

Thay đổi tâm lý như thế thì việc làm của ta trở nên rất cao thượng; bố thí như vậy mới được gọi là bố thí Ba la mật.

DANH LỢI LÀ PHÙ HOA

Điều tâm niệm thứ chín: “Thấy danh lợi thì đừng nhúng tay vào vì nhúng tay vào thì sự si mê vọng động sẽ có mặt”.

Là hành giả Phật giáo, ta phải thực tập làm sao cho tâm thức mình giống như cái muỗng inox nằm trong chén nước mắm mà không để cho nước mắm thấm vào bên trong, còn nếu mình là muỗng, đũa cây thì khi nhúng vào tới đâu nước mắm sẽ thấm tới đó.

Dân gian có câu: “Muốn thử đàn ông thì thử bằng danh hoặc sắc”. Danh hay sắc đều là hai món mồi làm cho rất nhiều đàn ông bị ngã quỵ, thất điên bát đảo. Đối với phụ nữ thì thử bằng tiền; vì nhu cầu được bảo hộ, được chăm sóc làm cho một số phụ nữ có cảm giác rằng người thương mình phải là người bảo bọc chăm sóc mình, ai không làm được việc đó là không yêu thương mình. Đây là cái nhìn của nền văn hóa mẫu hệ.

Hành giả Phật giáo, dù là nam hay nữ, khi làm bất cứ việc gì, với tư cách nào đi nữa ta thấy rất rõ là phải làm lợi ích cho tha nhân, chứ không vì danh lợi của bản thân. Ta cần tâm niệm theo lời Phật dạy mang lợi ích cho số đông, chứ không cho riêng Ngài. Nếu chỉ cho riêng Ngài, Ngài đâu cần phải đi tu. Làm vua có biết bao báu vật, tài sản, vợ đẹp con xinh, cung tần mỹ nữ… hưởng thụ suốt cuộc đời cũng không hết. Nhưng Ngài đã từ bỏ tất cả để tìm con đường tâm linh, con đường giải thoát, đó là vì tha nhân.

Dĩ nhiên, có con đường tâm linh cao siêu đó, nhưng vẫn có người không chịu hưởng, họ nghĩ rằng nó không có giá trị, chối từ, vẫy tay chào với chân lý và tuệ giác. Do đó, Ngài không cao vọng là phục vụ cho tất cả chúng sinh mà chỉ cho những người có duyên mà thôi.

Ta cũng lấy tiêu chí này cho công việc làm, để từ đó không nảy sinh ý niệm của việc cạnh tranh làm ăn buôn bán, mặc dù sống trong nền kinh tế thị trường sự loại trừ lẫn nhau vẫn là quy luật.

Khi sản xuất một mặt hàng: Chất lượng, mẫu mã, thời điểm cho mặt hàng đó có mặt trên thị trường, quảng cáo, bán hàng, nghệ thuật giao hàng… tất cả đều liên hệ đến sự cung cầu. Hầu như những nhà kinh tế đều có ý niệm: Làm sao để công ty của mình trở thành quan trọng và những công ty khác mờ nhạt đi. Như vậy ít nhiều tâm lý của sự loại trừ nhau vẫn có mặt trong việc sản xuất kinh doanh. Ai biết khích lệ lòng ham muốn tiêu thụ của khách hàng nhiều chừng nào thì sản phẩm và mặt hàng của người đó được khẳng định nhiều chừng ấy. Như vậy, khi họ được khẳng định thì đồng nghĩa là các mặt hàng khác bị thương tổn.

Là Phật tử trong cơ chế hiện nay, phải nghĩ rằng nếu có người cùng sản xuất những mặt hàng giống mình thì ta đã bớt đi trách nhiệm và nghĩa vụ để cung ứng cho xã hội những nhu cầu đó. Như thế, ta sẽ không có tâm hơn thua, tranh chấp với ai. Cứ đầu tư cho sản phẩm thật tốt, thật bền, thật rẻ thì sẽ có được chỗ đứng trên thương trường, thương hiệu của ta đã tạo được uy tín lớn mà danh và lợi vẫn không dính đến mình.

Giống như tuyết rơi, vào mùa Đông nơi nào cũng có; danh lợi cũng vậy, chỉ đụng một tí là không danh thì lợi hoặc cả danh và lợi, nơi nào có danh thì kèm theo lợi. Khi làm công tác Phật sự, từ thiện hay trong công việc hàng ngày, ta cứ làm như một bổn phận, hoàn thành nhiệm vụ để đóng góp cho cuộc đời. Không nên nghĩ đến danh lợi, chính nó làm cho mình mờ mắt, đôi lúc ta vượt qua rào cản đạo đức căn bản và lương tri, trở thành những nạn nhân hành động sai lầm của bản thân.

Điều tâm niệm Tổ dạy ở đây là: Nhúng tay vào danh và lợi sẽ dẫn đến sự vọng động của tâm, kết quả là si mê có mặt.

Gần đây, chúng tôi có đọc một thống kê của nhà xã hội học Triều Tiên phân tích về hiện tượng người Việt Nam trở thành nàng dâu Đài Loan và Triều Tiên nhiều chưa từng có trong lịch sử mấy ngàn năm qua. Theo tác giả, phần lớn các phụ nữ Việt Nam ở những vùng quê hẻo lánh, nghèo khó thích đàn ông Triều Tiên và Đài Loan bởi vì họ xem quá nhiều phim Triều Tiên và Đài Loan chiếu trên truyền hình. Những người đàn ông trong phim là người mẫu mực, giàu có, đẹp trai, sang trọng, biết giúp đỡ mọi người như là một quân tử trong cuộc đời.

Ngoài ra, do giới hạn về tri thức, nhiều người khi đọc những mẩu quảng cáo về cơ hội làm dâu nước Hàn và Đài Loan họ liền đăng ký; với một chút nhan sắc họ đã được tuyển chọn. Nhưng khi đến nơi thì những anh chàng đẹp trai đâu không thấy mà chỉ thấy một ông già gần chết, một người đang nằm liệt giường hoặc những người sáu căn không lành lặn và chuyện đã lỡ rồi. Nhiều người cứ nghĩ: Hy sinh đời mình để hiếu thảo cho cha mẹ và giúp đỡ những người anh em, bà con nghèo khó ở quê. Do đó phải giấu luôn, vì lễ cưới thường tổ chức rất linh đình, họ tộc hai bên ai cũng biết và cuối cùng phải “Ngậm bồ hòn làm ngọt” bởi vì nghĩ đến danh lợi nhiều quá. Làm vợ của một người ngoại quốc thì vẫn sang trọng và quý phái hơn là làm vợ của một người Việt Nam.

Nếu như không nghiên cứu kỹ mà chỉ nghe theo những công ty quảng cáo thì cuối cùng ta trở thành nạn nhân của nhu cầu danh lợi và biến mình trở thành một khối đau. Do đó, khi làm việc gì ta phải phân tích thật kỹ, đừng để danh lợi khống chế, ám ảnh thì việc làm của ta mới thật sự có ý nghĩa.

Nhiều Phật tử khi đọc câu tuyên bố của đức Phật trong kinh Viên Giác họ rất ngạc nhiên, lấy làm khó hiểu: “Suốt bốn mươi chín năm thuyết pháp Ta chưa từng nói một lời nào”. Cái khó hiểu ở đây là: Có phải đức Phật đã phủ nhận tính trách nhiệm về việc tuyên bố chân lý trên cuộc đời hay không? Câu trả lời là không. Như vậy, tại sao Ngài nói như thế? Bởi vì Ngài thực tập vô ngã, Ngài truyền bá vô ngã, Ngài giúp ta không rơi vào danh, lợi.

Đất nước Trung Hoa, về học thuật và tri thức, đi trước phương Tây đến hơn ngàn năm, nhưng hiện nay Trung Hoa và những nước phương Đông khác lại tụt hậu so với phương Tây, bởi vì Trung Hoa và phương Đông nói chung có tâm lý gia truyền, bí truyền, sợ người khác lấy hết nghề của mình. Họ chỉ truyền lại cho người thân cận nhất với cam kết là người được truyền sẽ không lừa dối họ; dù có truyền thì các võ sư vẫn giữ lại chiêu cuối cùng, nếu môn đệ phản thì còn có cách để vô hiệu hóa.

Do vậy, nền văn hóa tri thức bị đình chỉ, không phát triển. Sau một thời gian, người tài ba lỗi lạc chết; các tri thức đó cũng sẽ theo xuống mồ. Ngược lại, phương Tây lại khích lệ cái tôi phát minh, khám phá. Những thành quả của phát minh, khám phá được tặng thưởng một cách xứng đáng như: Bằng sáng chế, bằng phát minh; kéo theo sau là số tiền thưởng thật lớn. Ngoài danh phận được công nhận là người phát minh, sáng chế còn có lợi là tác quyền; nhờ vào tác quyền đôi khi giúp người ta sống đến trọn đời vẫn chưa hết.

Chính vì thế, đã khích lệ sự sáng tác, đóng góp, phát minh của mọi người. Theo tinh thần Phật dạy, việc đóng góp của Ngài mang lại lợi ích cho cộng đồng và xã hội chứ không phải cho bản thân, nên Ngài đã nói không phải là tác giả tạo ra những thứ này. Bởi vì chân lý là một quy luật; có hay không có Ngài, chân lý vẫn là chân lý không thể khác được.

Đức Phật đã đưa ra ẩn dụ: Có một tòa lâu đài nằm trong rừng sâu nhiều năm không có người khai thác nên những cây cổ thụ và tầm gửi phủ kín từ phía ngoài. Ngài đã đi một cách có phương pháp đến tòa lâu đài phát cỏ, tạo đường đi và dẫn những người khác cùng đi đến tòa lâu đài. Ta nói Ngài là chủ nhân của nó cũng được, hay nói Ngài là người thừa hưởng tất cả những báu vật trong gia tài đó cũng được; nhưng tự thân Ngài không muốn thừa nhận như thế. Ngài không phải là tác giả của tòa lâu đài mà chỉ là người đầu tiên phát hiện ra và hướng dẫn cho những ai muốn đến đó.

Chân lý Tứ diệu đế: Các đức Phật quá khứ đã từng nói, các đức Phật hiện tại cũng đang nói và các đức Phật tương lai cũng sẽ tiếp tục nói như thế. Nên Ngài không muốn thừa nhận Ngài là tác giả chân lý của đạo Phật.

Những cách thức trên giúp ta thoát ra khỏi danh lợi thông thường bởi vì theo Tổ dạy: Hãy xem việc vứt bỏ danh lợi là sự vinh hoa; đây là sự quán tưởng hết sức sâu sắc. Vinh hoa là lợi, là danh và Tổ dạy ta: Bỏ phần danh lợi là sự vinh hoa cao thượng nhất, bởi vì ta không bị vướng vào nó.

Con chim chết là bởi do miếng mồi, con công chết là bởi vì khoe sắc đẹp nơi bộ đuôi; tất cả đều có mối liên hệ trực tiếp hoặc gián tiếp đến danh và lợi. Người có tài, đóng góp nhiều mà sống trong tinh thần vô ngã vị tha thì người đó sẽ sống thọ. Giống như thế, khi ta quan sát khu rừng, cây nào thẳng tắp, gỗ quý thì cây đó bị chặt trước; ngược lại cây nào cành lá nhiều mà gỗ không bao nhiêu, không tốt thì lại sống dai vô cùng.

Như vậy sống trong thế giới của danh và lợi ta đừng để nó làm mờ mắt. Có mặt trong đó, nhưng ta có được tinh thần rũ bỏ, buông xả; muốn đóng góp cho cuộc đời nhưng không để nó làm mình bận tâm, làm được như thế ta sẽ trở nên thong dong. Nếu không, cứ mỗi sự đóng góp, thành quả của danh và lợi làm cho ta tăng trưởng cái tôi. Nhưng cũng đừng vì thế mà sợ, không dám làm Phật sự.

Có người quan niệm: Kể từ khi tôi làm Phật sự, ai gặp tôi cũng khen và tán dương, tôi sợ quá nên rút lui, không dám làm nữa. Như vậy là ta nhát gan trước danh lợi. Người học Phật phải bản lĩnh, làm chủ được “tám ngọn gió” không để cho nó khống chế; thấy lợi không nhúng tay vào, chỉ làm Phật sự, như thế ta không bị rơi vào chủ nghĩa công thần vì rất nguy hiểm như ở trong chính trị.

CHUYỂN HÓA NỖI OAN

Điều tâm niệm thứ mười: “Oan ức không cần biện bạch, vì biện bạch là nhân ngã chưa xả”.

NÓI THẬT ĐỂ GIẢI OAN

Lời dạy của Tổ là một phương tiện để giúp cho nhiều người có bản lĩnh hơn về tâm lý có thể vượt qua nỗi đau bị người khác vu khống xuyên tạc, chụp mũ, nhưng không nên xem như là câu sử dụng phổ thông cho đại đa số quần chúng. Nhiều người chưa có bản lĩnh về vô ngã mà đã thực tập theo lời dạy này sẽ trở thành người ôm nỗi đau vào trong tâm; giải phóng nó cũng không được, nói trước thì lại sợ mình bị cho rằng “Có tật rục rịch”. Do đó, lại nghĩ rằng muốn chứng tỏ mình không có lỗi thì không cần phải đính chính, giải thích.

Kết quả tạo thành cái gút nho nhỏ thay vì ta chỉ mất vài giờ hoặc năm ba ngày để tháo gỡ, nhưng có người lại ôm nỗi đau đó suốt cả năm bảy năm, vài chục năm và có khi suốt cuộc đời. Như vậy ứng dụng lời Tổ dạy phải đúng tình huống, nếu không có thể phản tác dụng.

Đức Phật không tranh cãi với thế gian vì Ngài thấy rõ trong con người, ai có những động cơ xấu ác là đáng thương và tội nghiệp; lòng tham, sân, si đang ngự trị trở thành chất liệu sống thiêu đốt con người từng giây từng phút. Nhưng chờ đến khi họ phản ứng xong thì đức Phật mới bắt đầu phân tích. Trong kinhBốn Mươi Hai Chương: Ngài hỏi người đem đến những lời phỉ báng là: “Nếu như bạn tặng quà cho một người mà người đó không nhận bạn sẽ phản ứng như thế nào? Người phê bình chỉ trích Phật bảo rằng tôi sẽ mang về. Đức Phật nói cũng như thế những quà tặng mà bạn mang đến Tôi không có chỗ để chứa xin bạn vui lòng mang về. Đó là một cách để xác định bằng tuyên ngôn chân lý rằng Ngài không phải là tác giả của những điều mà người ta gán ghép.

Trong kinh Trung Bộ có hai thầy trò Bà-la-môn người thầy phê bình chỉ trích đức Phật nặng lời, ngược lại người trò thì tán dương nên hai thầy trò bất hòa nhau. Ngài A Nan đang ở gần đó, nghe thấy, về tường thuật lại với đức Phật, đức Phật hỏi: “Người đó chửi như thế nào?”. A Nan kể lại: “Ông ta nói đừng đến ông Gotama, ông Sa môn này có một tà thuật, ai đến chỉ cần nghe ông nói chuyện khoảng 5 phút liền từ bỏ tôn giáo gốc của mình và trở thành một Phật tử thuần thành”.

Đức Phật cười và nói: “Ông này chê Ta mà như đang tán dương Ta”. Ta cứ thử phân tích: Một người có năng lực thuyết phục người khác trong vòng 5 phút nói chuyện mà đã trở thành một Phật tử thuần thành.

Phật tử thuần thành là gì? Phật tử là người đang đi trên đường tuệ giác. Thuần thành nghĩa là từ đấy về sau không hề có niềm ham thích bất kỳ một lý tưởng tôn giáo nào khác. Người như thế quá tốt, không có gì xấu. Trong rất nhiều lời phê bình chỉ trích nếu ta để ý thì sẽ thấy họ tán dương; nghĩ rằng lời phê bình là lời tán dương thì ta sẽ không bị phiền não. Chỉ cần thay đổi thái độ thì trong những làn tên mũi đạn của người đối nghịch, chống đối, chỉ trích ta vẫn thản nhiên thì họ sẽ thất bại mặc dù ta không muốn nhưng họ đau lắm.

Trên thực tế, nếu ta nắm tay lại, đấm vào không gian, sẽ mất hứng liền, ngoại trừ những người đang tập võ. Nếu phía trước có bao cát hoặc vật gì dội ngược lại thì ta sẽ có cảm hứng và đánh nhiều hơn. Khi gặp nghịch cảnh, oan trái, xuyên tạc mà ta chỉ tuyên ngôn chân lý, tháo gỡ cái gút nhằm giúp họ không còn nghi ngờ, ngộ nhận về mình nhưng họ vẫn tiếp tục thì chính họ đã tự tạo ra quả xấu. Trách nhiệm tuyên ngôn chân lý của ta đã kết thúc, lỗi đó không nằm ở ta nữa; người nói xấu ta sẽ bắt đầu chán, mất hứng, không ai để ý tới, dần dần rồi quên luôn.

Trong các bản kinh và từng góc độ lịch sử liên hệ đến cuộc đời đức Phật ta thấy mỗi khi có người chỉ trích, phỉ báng, trước tiên Ngài im lặng nhưng sau đó Ngài tìm cách giáo dục họ. Công thức Ngài dạy rất đơn giản: “Điều này không có trong chúng tôi, chúng tôi không phải là tác giả của điều này”. Đại từ chỉ thị “điều này” có thể được ám chỉ cho bất kỳ một vấn nạn gì gán cho ta trên thực tế không phải, ta chỉ bị hiểu lầm, bị chụp mũ.

IM LẶNG NHƯ THIỀN ĐỊNH

Đức Phật không dạy ta yên lặng. Trong một bài khác của kinh Trung Bộ, đức Phật dạy: “Có những lúc tuyên ngôn chân lý không được thuận lợi và giá trị của việc tuyên ngôn đó không được thiết lập một cách đảm bảo; tốt nhất người tuyên ngôn hãy chờ cơ hội và biết tùy thời điểm, phải biết thời điểm nào cần nói, thời điểm nào cần im lặng”. Ta không nên quan niệm làm như thế là kẻ hèn nhát, vì vấn đề chính là tính hiệu quả của việc tuyên ngôn như thế nào. Trong khi chờ đợi cơ hội cho tính hiệu quả của việc tuyên ngôn, đức Phật dạy ta yên lặng trong thiền định.

Rất nhiều người đã diễn dịch câu nói đó thành “Yên lặng như chánh pháp” giống như “Nói như chánh pháp”. Ý đầu tiên “Yên lặng như chánh pháp” là không đúng; “Nói như chánh pháp” là đúng vì chánh pháp là một chân lý, đạo đức, tâm linh; khi ta nói đúng đạo đức, chân lý và tâm linh thì nhiều người có được lợi lạc. Tuy nhiên chánh pháp thì không im lặng. Con người có miệng, im lặng hay không thì tùy, chánh pháp trước và sau vẫn là như thế.

Khi im lặng trong thời điểm chưa tiện để nói thì phải yên lặng trong thiền định, có thể giải phóng được ức chế tâm lý. Nhiều người hiểm độc, khi không hài lòng hoặc ghét người nào, họ không để lộ ra bên ngoài. Những người như thế rất thâm hiểm, họ không chuyển hóa được nỗi đau mà còn tạo ra nội kết hận thù về sau.

Mức độ đè nén nhiều chừng nào thì hận thù diễn ra lớn chừng đó và rất nguy hiểm. Do đó đức Phật dạy yên lặng trong thiền định để không bị nỗi đau ức chế hay ám ảnh và biến mình thành nạn nhân. Nhiều người kiềm nén nỗi đau quá trở nên tai biến, ám ảnh vì thế ta cần phải tập buông xả. Nếu không may sống trong hoàn cảnh có nhiều người thù ghét thì ta phải thực tập để tự giải quyết vấn đề.

Nhân và ngã là cặp phạm trù đối đãi trong thế giới nhị nguyên. Nhân là người, ngã là ta. Toàn bộ hệ thống pháp luật và pháp trị của các quốc gia đều dựa trên chủ nghĩa nhị nguyên. Nhị nguyên bản thân nó không có gì là xấu. Nếu không chấp nhận nhị nguyên thì pháp luật không thiết lập được. Người thiện phải được tuyên dương, kẻ ác phải bị trừng trị bởi luật pháp, tù đày… mức án cao nhất là tử hình; từ đó con người mới sợ không làm điều xấu.

Để có được chất liệu tâm linh theo Thiền sư Trần Nhân Tông: Điều đầu tiên là phải thuận theo nhị nguyên, đó là thiện và ác. Ác thì nên tránh, thiện thì nên làm; đừng nghĩ quá cao siêu để rồi thiện cũng bỏ; cuối cùng chưa làm được việc thiện nào mà ta đã bỏ hết và trở thành một kẻ chấp không. Hậu quả của chấp không rất nguy hiểm, thà chấp có vẫn tốt hơn. Vì thế bước đi ban đầu ta phải theo nhị nguyên của thiện và ác.

Bài kệ 183 trong kinh Pháp Cú Phật dạy: “Từ bỏ các việc ác, thực tập các việc lành, giữ tâm ý thanh tịnh là tinh hoa Phật dạy” điều đó hoàn toàn dựa trên nhị nguyên. Tất cả các pháp môn tu trì của Phật giáo dù nói rất cao siêu; nếu không bỏ ác làm lành thì không phải là Phật giáo.

Bỏ ác làm lành không chưa đủ, ta phải thanh lọc động cơ của tâm; làm lành không có mưu cầu danh lợi, không mặc cả nhân quả, làm lành một cách cao thượng; đây mới chính là con đường nhị nguyên của Phật giáo. Bản chất của việc đối đãi trong nhân quả không có gì xấu; rất nhiều Phật tử hiểu lầm điều này nên ai chửi bới, xuyên tạc, vu khống về đạo Phật họ cứ im lặng không nói gì làm cho rất nhiều người chưa đủ trình độ để hiểu thấu đáo trở nên sợ đạo Phật rồi bỏ chùa luôn.

ĐỪNG ĐỂ KIÊN NHẪN BỊ HÀM OAN

Ví dụ có người vu cáo: “Đạo Phật làm cho nhiều quốc gia chấp nhận cảnh nhà tan cửa nát bởi quân xâm lược, vì đạo Phật dạy bất sát và nhẫn nhục”. Về logic ta thấy rất hợp lý, bất sát có nghĩa là không giết. Kẻ thù khi xâm lấn biên cương bờ cõi, thôn tính dân tộc ta, làm cho biết bao người phải nhà tan cửa nát, sinh ly tử biệt. Nếu ta cứ ngồi yên vì đánh lại sẽ bị phạm giới sát. Nghĩ như thế là giết chết đạo Phật. Bất sát là một nền tảng đạo đức để thiết lập và kêu gọi hòa bình, tôn trọng mạng sống con người, bảo hộ tình thương cho các loài động vật và thực vật, cả hệ sinh thái.

Dĩ nhiên trong tình trạng nước mất nhà tan, người Phật tử phải học phương pháp Xã hội học Phật giáo đó là thuyết tứ ân, trong đó có ân Tổ quốc. Người Phật tử khi mang ơn Tổ quốc thì phải dám hy sinh thân mình để bảo vệ biên cương bờ cõi. Nhưng khi làm công tác cầm súng thì phải cầm và bóp cò bằng lòng Từ bi, tuyệt đối đừng để cho phản ứng lòng sân trỗi dậy. Máu và cái chết trên chiến trường, khói súng, đạn, bom… làm cho con người dễ sân. Nếu không khéo, Phật tử cũng bị lòng sân khống chế; khi bị khống chế thì nghiệp sát sanh trong tình huống này rất nặng.

Dù là nghiệp sát sanh ta vẫn phải gieo động cơ tốt cho tha nhân, cộng đồng xã hội, và quốc gia được bình an trong hòa bình đó là nghiệp thiện tốt đẹp. Trong hành động của một người lính nhớ ơn và bảo vệ tổ quốc trổ hai quả cùng một lúc là quả sát sanh và quả phước báu. Nhưng quả phước lớn hơn nhiều, nên nó vẫn tốt hơn so với bình thường.

Đạo lý không sát sanh của nhà Phật không dạy người ta chấp nhận sự xâm lược của kẻ khác; tuy nhiên cũng có những tình huống ta cần áp dụng bất bạo động để thương thuyết, thiết lập hòa bình mà không cần đến súng ống và bạo lực. Nhẫn nhục trong đạo Phật phải được hiểu là sự chịu đựng năng lực, bản lĩnh, đại hùng, đại dũng, đại trí để ta tạo sự tiềm năng thành hiện thực, vượt qua được những gian nan thử thách của thời gian, khí hậu, nghịch cảnh, chướng duyên…

Trong tiếng Pali có chữ nhục và khi dịch ra chữ Hán các vị dịch giả Trung Hoa đã dịch là nhẫn nhục, nhưng chỉ nhẫn là đã đủ rồi. Do vì gắn thêm chữ nhục nên người ta hiểu rất tiêu cực: Ai nuốn làm gì mình thì làm, người ta cầm dao, súng làm tổn thương mình nói: Tôi đang tu hạnh nhẫn nhục Ba la mật hoặc không phản ứng gì. Làm như thế là tạo điều kiện để một kẻ xấu làm việc xấu điều này chưa hẳn là tốt còn tinh thần tu học của Phật giáo trên cơ sở nhị nguyên thiện và ác thì việc tốt ta làm, việc xấu ta tránh; giữ tâm thanh tịnh trong sáng.

Đối với những nỗi oan ức, ta không cần phải thanh minh với tâm trạng đau khổ; nhiều người chỉ cần bị hiểu lầm một tí là khổ sở, mất ăn bỏ ngủ; nếu không nói với người này, không chia sẻ với người kia thì không chịu được. Như vậy là đang sống trong sự chấp ngã quá nặng. Dựa trên nhị nguyên thiện ác ta không chấp ngã, vẫn phải nói những điều có và không; vấn đề mọi người có nghe hay không là chuyện hậu xét.

Đạo lý nhà Phật là không tranh cãi, người ta muốn tranh cãi, tranh luận vì muốn thắng hay sợ thua đối phương, ảnh hưởng của họ mất. Ta đi một cách thản nhiên trong cuộc đời việc nào có nói có, việc nào không nói không còn lại cuộc đời tự đánh giá và bản thân mình dù có bị vu khống, xuyên tạc không vì thế mà tư cách đạo đức của mình bị mất. Hiểu được như vậy thì sự thản nhiên bắt đầu có mặt.

NỖI OAN THỊ KÍNH

Ta thử áp dụng lời dạy này vào câu chuyện Quan Âm Thị Kính, về cuộc đời bất hạnh của Thị Kính, một người phụ nữ thương chồng, mỗi ngày phải làm hai ca để giúp chồng có điều kiện ăn học đỗ đạt, mong một tương lai hạnh phúc về sau. Người vợ đã phải tận tụy, ban đêm thay vì ngủ vẫn phải may vá thêu thùa bên chong đèn để khích lệ chồng như một người mẹ chăm sóc con.

Hôm đó người chồng học mỏi mệt quá đã ngã ngủ trên bàn, vợ đang may vá sẵn tay cầm cây kéo, thấy mặt chồng có một sợi lông giống như lông tài mà lại mọc ngược, nhìn rất vô duyên; Thị Kính muốn cắt đi vì thấy nó xấu. Người chồng trở mình thức giấc tưởng là vợ muốn ám sát cắt cổ mình nên hô lên: “Vợ tôi giết tôi, vợ tôi giết tôi, cứu tôi với!” rồi bỏ chạy. Cả gia đình nhà chồng nghĩ rằng Thị Kính muốn giết chồng. Dù đã hết lời giải bày, phân tích cho gia đình chồng: “Vì thương chồng, ở bên cạnh để chồng có được sự nung đúc tinh thần mà học đỗ đạt, vì thấy sợi râu mọc ngược nên muốn cắt đi dẫn đến sự hiểu lầm chứ không có ý giết chồng”. Cả chồng và gia đình không ai tin. Ở đây ta thấy sự hời hợt của người chồng tệ đến mức nào!?. Sống với vợ bao nhiêu năm tháng mà không hiểu được tấm lòng của vợ, là một người không đáng làm chồng.

Đây chính là mấu chốt dẫn đến mảnh đời bất hạnh thứ hai làm cho Thị Kính không còn con đường nào khác là phải chọn đi tu. Bản án giết chồng nặng quá! Vào chùa tu trong thời đó, người nữ không được xuất gia để trở thành Tỳ kheo ni cho nên Thị Kính phải giả dạng thành người nam. Thế là Thị Mầu đem lòng thương vì Thị Kính “đẹp trai”. Thương không được thì oán hận, oán không được thì phải trả thù. Thị Mầu ăn ngủ với một gia nhân trong nhà, sợ có con mà không có chồng sẽ bị thiên hạ nguyền rủa nên vu oan cho Thị Kính.

Ra tòa Thị Kính cũng nói “Tôi không có” nhưng không dám khai tôi là người nữ vì nói thế sẽ mất cơ hội tu. Cô nói là không có, sư phụ của cô đứng ra bảo lãnh và trình bày trước tòa nhưng tòa vẫn không tin.

Ngày đó không có thử máu, nếu như có thì Thị Kính đâu chết oan; công nghệ khoa học ngày nay làm cho con người hưởng được nhiều phước báu. Trắng đen rõ ràng trong vòng một đến hai tiếng thử nghiệm là biết.

Sư phụ trụ trì mặc dù thương, hiểu được tâm trạng của đệ tử nhưng không thể cứu được vì không có bằng chứng để chứng minh đệ tử của mình vô tội. Sư phụ đã trích một số tiền của Tam bảo và nói với quan tòa: “Tôi dám cam đoan rằng đệ tử của tôi vô tội”, tòa nói: “Nếu ông đóng tiền thì tôi tha tội, chỉ phạt một trăm hèo thôi”. Vì là người nữ bị đánh như người nam thì không chịu nổi, Thị Kính đã bị bệnh lao.

Dĩ nhiên bản án đó vẫn chưa được giải tỏa, minh oan đó chưa đủ sức thuyết phục; chỉ là đóng tiền cho tòa để được tại ngoại, giống như bây giờ có nhiều người ở tù mà vẫn đi làm, chỉ cần gia đình đóng một trăm ngàn đô, hai trăm ngàn đô ở một số tù không thuộc hình sự là có thể tại ngoại.

Thị Kính là người có lòng tự trọng, không muốn ảnh hưởng đến thanh danh nhà chùa và sư phụ nên Thị Kính rời khỏi chùa ra sống ở vỉa hè của chùa, mỗi ngày đi khất thực về nuôi con nhưng Thị Mầu vẫn chưa buông tha; bà đi mọi nơi nói “ông này là chồng của tôi mà không có trách nhiệm” làm cho nhiều người không muốn phát tâm cúng dường cho sư Kỉnh Tâm. Khất thực được bao nhiêu Thị Kính chia cho đứa trẻ ăn trước rồi mình mới ăn; vài tháng sau Thị Kính qua đời vì chứng bệnh lao. Trước khi chết bà để lại một tự truyện kể về thân phận mình và nhờ đó Hòa thượng trụ trì đã minh oan được trước tòa. Dù sao thì chuyện cũng qua rồi và cũng đã có một cái chết.

Ta thấy cái hay của câu chuyện là người Phật tử khi bị oan ức không nên tự ôm lấy, chịu đựng mà phải tìm cách để minh oan. Minh oan không phải để trả thù người vu oan mà để chân lý được hiển bày, cho sự tổn thất được giảm thiểu một cách tối đa. Không may là các bằng chứng tình ngay lý gian nhiều quá nên tòa phải phán quyết rằng Thị Kính (chú tiểu Kỉnh Tâm) là một người gian dâm, và sau khi chết mới giải tỏa được nỗi oan.

Rất nhiều nhân vật trong lịch sử của Việt Nam đã từng bị vu oan như: Nguyễn Trãi phải mất đến 300 năm mới được giải oan sau vụ án “Lệ Chi viên” dù cho ông tự minh oan vẫn không được. Dòng tộc ông dù đã bị tru di tam tộc mà vẫn có người trốn thoát để đến ba trăm năm sau minh oan cho vụ án đó. Nguyễn Trãi là một Phật tử, trong số con cháu của Nguyễn Trãi cũng có người là Phật tử. Họ đã làm được điều đó, cho nên là Phật tử ta phải đi theo Phật.

Học theo Phật ta giải thích nhưng đừng để tâm bị khốn đốn, khổ đau mà phải thản nhiên như Thị Kính. Nhờ đó sau này người đời mới nâng tư cách và phẩm hạnh của Thị Kính giống như Bồ tát Quan Thế Âm với tình thương, không trả đũa, không hận thù. Từ đó Thị Kính có hiệu Quan Âm Thị Kính. Là Quan Âm thì không thể có cái chết đau đớn như thế, nhưng do dân gian thương tưởng cho công hạnh của bà hy sinh tất cả vì chồng nhưng cuối cùng lại có hậu quả đau thương. Tu tập miên mật để đạt được đạo quả, mong giải được nỗi hàm oan nhưng lại bị Thị Mầu giáng họa. Nhờ tâm lực, lòng từ bi, sức chịu đựng, làm cho người ta tôn vinh Thị Kính lên thành Quan Âm.

Câu chuyện cho ta thấy: Phải nỗ lực đôi lúc còn chưa thành công huống hồ gì ta còn quan niệm là nhân ngã chưa xả mà ôm luôn thì sẽ chết biết bao nhiêu người? Có nhiều nỗi oan, nếu ta minh oan được thì nó sẽ làm khai quang con đường Phật sự, khai quang đạo pháp, và khai quang mọi thứ…đôi lúc ta không dám làm.

Có nhiều người nghĩ minh oan là hèn nhát, minh oan là nhân ngã chưa xả. Trong tình huống này giữa Tổ Diệu Hiệp và đức Phật trong kinh tạng Pali và kinh điển Đại thừa ta chọn Phật vẫn hay hơn. Chọn Tổ thì ta chỉ tự nhủ thầm trong lòng, đừng để cho nhân ngã can thiệp vào trong tình huống này để hận thù không nảy sinh và ta không đối chọi lại những kẻ mang đến khổ đau cho ta. Về phương diện xã hội và cộng đồng ta vẫn phải nói những điều đáng nói, nhưng nói xong rồi ta bỏ qua, không để tâm, để ý vào nó, như vậy ta mới thật sự là một Phật tử.

TUYÊN BỐ SỰ THẬT

Trong điều đạo đức thứ tư của người Phật tử đó là không được nói dối, gồm có bốn ý: Thứ nhất là tuyên bố chân lý; thứ hai là nói những lời có văn hóa nghĩa là không nói tục; thứ ba là nói những lời đạo đức, hòa hợp, xây dựng, không ly gián; thứ tư là nói những lời có giá trị, không tán gẫu cho vui hết ngày.

Tuyên bố chân lý có giá trị sự thật. Nghĩa là điều nào không có mình phải nói là không, điều nào có mình phải thừa nhận với một bản lĩnh chịu trách nhiệm trước nhân quả lời mình nói. Ngược lại, nếu mình không có, mọi người nói mà mình im lặng có nghĩa là mình đã vi phạm giới đạo đức thứ tư là nói sai sự thật. Nói sai sự thật về bản thân mình cũng là một vi phạm đạo đức bởi nó dẫn đến sự thương tổn niềm tin cho tha nhân và cộng đồng. Do đó, dựa vào giới luật của nhà Phật dạy ta nên học theo Phật. Cứ nói một cách thản nhiên, như một vị thiền sư dạy cách thản nhiên đó: “Thế à?!” rất nhẹ nhàng, không bận tâm nhiều. Đây giống như một câu hỏi có dấu chấm than (!) “Tôi không có mà quý vị nghĩ như thế à?” “thế à?!” và mỉm cười rũ bỏ hết.

Hành giả Tịnh Độ tông có thể “Nam mô A Di Đà” một cách nhẹ nhàng thư thái. Ta vẫn nói để mọi người biết là không có, ai cố chấp người đó vẫn cố tình giữ cái gút về bản thân thì người đó chịu nhân quả. Nhân quả không bao giờ sai, không bao giờ tha ai và nhất là những người vu khống, chà đạp, hãm hại thanh danh của người khác, để giết một con người…

Trong thời đại ngày nay, phương tiện truyền thông đạt mức độ cao nhất như các đài phát thanh, truyền hình, intenet… tạo những khoảng cách địa lý không còn là trở ngại thì mỗi truyền thông đúng có giá trị phước báu gấp nhiều lần, nhưng khi ta quảng bá các truyền thông sai, vu oan cho người khác thì nghiệp lực đó cũng tăng trưởng gấp trăm lần.

Trong các trò chơi điện tử: Trò bắn súng, giết người tuy là trò chơi mà tâm khởi lên sự hoan hỷ thì khi ta bắn một ngàn lần là ta đang gieo nghiệp xấu một ngàn lần. Ngược lại, nếu ta chơi các trò về nuôi dưỡng lòng từ bi, bảo vệ hòa bình, bảo vệ sinh thái thì lòng từ bi ta cũng tăng trưởng theo đó, bởi vì nghiệp tỷ lệ thuận với tâm và quả cũng tương ứng với tâm. Bởi thế, một kẻ vu oan giáng họa sẽ gieo nghiệp thật xấu ở mức độ rất cao thông qua các phương tiện truyền thông sai lầm. Là Phật tử phải hết sức lưu tâm vấn đề này để ta không bị chao đảo và ngã quỵ như là một nạn nhân trong hai làn sóng đạn của khen và chê, vì hai điều này chính là kẻ thù của hạnh phúc.

Như vậy, khi chúng ta thi ân, giúp đỡ cho cuộc đời thì đừng mong cầu đền đáp để cái tôi của mình không bị chìm đắm trong lời khen và khi ta bị vu oan giáng họa thì cũng đừng để cho cái tôi của mình bị đau khổ cùng cực trong những lời chỉ trích, vu khống và xuyên tạc. Hãy biết vượt lên trên nó, muốn như thế thì ta phải xem thường danh lợi. Hầu như ai cũng sợ bị ảnh hưởng đến danh và lợi, nhất là những người buôn bán hoặc có công việc làm nhiều.

Nền văn hóa tự do của Hoa Kỳ khích lệ cho người trạng thái thoải mái, nơi nào thoải mái mình đến, nơi nào không thoải mái thì không đến là vì ta sợ lời thị phi. Do đó đức Phật dạy phải vượt lên trên lời thị phi mà đi. Ta cứ đi thẳng đến phía trước, còn thị phi như là đá, là cỏ dại bên vệ đường, đừng bận tâm.

***

 
00:00
 
00:00