Giảng tại chùa Minh Tịnh, tỉnh Bình Định, ngày 05-07-2008
Đánh máy: Bích Thảo, Sơn Dương
Tuyệt vọng có thể được định nghĩa là niềm hy vọng chân chính không đạt được thành tựu. Khi mình mất niềm hy vọng A, ta có thể xây dựng lại niềm hy vọng B hoặc C, còn người bị tuyệt vọng là hoàn toàn đánh mất tất cả mọi sự hy vọng. Trước mặt người bị tuyệt vọng chỉ còn một hố thẳm, vực sâu và bóng đêm khổ đau, bế tắc và thất bại. Họ bỏ cuộc, đầu hàng và gần như không còn năng lực để tự vươn lên trong cuộc đời nữa. Đó chính là sự phá sản lớn nhất trong tất cả các nỗ lực chân chính.
Nói về sự hy vọng, ta có thể suy nghiệm qua hình ảnh con lừa. Lừa là một loài động vật có sức khỏe, nhưng chí nguyện và lập trường đi đến phía trước của nó không được xác định. Nếu không có người hướng dẫn giỏi, con lừa không thể mang hành lý đến được nơi mà chủ nhân muốn đến.
Chủ nhân nó mới nghĩ ra một kế sách: Đặt một bó lúa nàng hương cách khoảng chừng hai tấc trước mõm con lừa, khi nghe mùi thơm của lúa nàng hương phảng phất do gió ngược thổi về, miệng lừa sẽ tiết ra dịch vị, trong đầu nó khởi lên một ý niệm mong sao ăn được bó lúa này. Cứ như thế con lừa phải đi tới phía trước từng bước, từng bước, nhanh dần đều, cương quyết rút ngắn khoảng cách với bó lúa để nó nhanh chóng thuộc về phần sở hữu của chính mình.
Nó đi từ giờ này sang giờ khác, khoảng cách đó vẫn không được rút ngắn, nhưng khoảng cách vật lý từ điểm xuất phát đến địa điểm tới lại dần được thu hẹp. Chủ nhân của con lừa nhờ vậy được toại nguyện.
Trong câu chuyện triết lý này, ta thấy có hai chủ thể: Con người và con lừa. Sự đi và đến của con lừa là do chủ thể con người đặt ra, món mồi nhử là bó lúa nàng hương. Vì con lừa muốn ăn được bó lúa nên nó phải đi, và nhờ sự di chuyển của nó mà mục đích của người chủ được thực hiện; trong khi đó, con lừa vẫn không ăn được bó lúa. Dĩ nhiên sau khi đến đích, con lừa sẽ được thưởng một phần quà lớn hơn bó lúa rất nhiều.
Câu chuyện này dạy cho ta một bài học: Niềm hy vọng chân chính sẽ trở thành nguồn động lực đẩy ta đi tới phía trước, để giúp ta biết rằng khoảng cách giữa ước mơ và hiện thực rất gần mà cũng rất xa, dù đi hoài đi mãi vẫn không tới nhưng ta vẫn phải nỗ lực đi. Nhờ những niềm hy vọng đó mà mỗi động tác, những bước đi hướng về phía trước của ta không mệt mỏi, đó chính là năng lực giúp ta thành công.
Để trở thành một bác sĩ thì ước muốn phải chiếm từ 30% trở lên, để trở thành một người Phật tử cũng vậy. Ước muốn đi trước, thành quả sẽ kéo theo sau. Vấn đề là ta phải nuôi dưỡng ước muốn này như thế nào.
Ý thức của người chủ trong tình huống này được xem là trí tuệ dẫn đường, chỉ cần đặt ý thức của con lừa vào quỹ đạo của sự di chuyển, tưởng thưởng nó bằng một bó lúa thì nó sẽ làm được điều người chủ muốn. Điều đó trong đạo Phật gọi là “Tán dương công đức”. Nhiều Phật tử khi cúng dường, chùa gởi phiếu công đức lại nói: “Tôi thực hiện vô ngã, thôi thầy đừng gởi bằng tán dương này làm gì”. Hiểu như thế là hiểu phiến diện, việc làm lành cần phải được tán dương. Ta không yêu cầu ai tán dương, nhưng khi có người tán dương, ta nên tiếp nhận một cách hết sức trân trọng.
Trong kinh A Di Đà, đức Phật Thích Ca được mười phương chư Phật tán dương, đức Phật A Di Đà cũng được đức Phật Thích Ca tán dương, các Ngài dạy chúng ta không nên bận tâm vào vấn đề khen chê, nhưng sự tán dương chân chính là một nghệ thuật để thừa nhận giá trị của những đóng góp về đạo đức và tâm linh; để từ đó người đời mạnh dạn sử dụng và đi theo những giá trị đóng góp đó. Cho nên các đức Phật vẫn tán dương lẫn nhau.
Là đệ tử Phật, ta vẫn phải học theo gương này. Tán dương công đức để trước hết, ta có được công đức của sự tùy hỷ, sau đó là công đức của sự khích lệ và cuối cùng làm cho người được tán dương có niềm hy vọng lớn. Từ đó họ vượt qua được mọi gian truân, thử thách, chướng ngại để thành công.
Làm người ai cũng cần có nguyện ước chân thành, như các hành giả Tịnh Độ tông được huấn luyện gieo niềm tin vào bản thân, niềm tin vào nhân quả, vào tiềm năng và sự thành công. Sau đó ta được hướng dẫn về những lời nguyện ước chân thành, cầu cho tất cả chúng sinh để tâm lượng ngày càng lớn như vũ trụ bao la. Nhờ chí nguyện lớn, ta có thể làm được những việc khó làm.
“Nguyện” chính là nguồn năng lực để đưa ta đến hành động và thực tập, do đó trong phương pháp tu Tịnh Độ tông (bao gồm Tín, Nguyện và Hạnh), yếu tố thứ hai là “Nguyện” quyết định sự thành công. Có niềm tin mà không có chí nguyện lớn thì niềm tin đó bị bó buộc trong khuôn khổ. Muốn thực tập, dấn thân mà không phát nguyện lớn thì ta làm không xong, có thể bỏ cuộc nửa chừng. Chí nguyện lớn nếu được sự hỗ trợ của hành động dấn thân thì không còn là mơ ước nữa, mà sẽ là hiện thực.
Trong khi đó, những người sống trong sự tuyệt vọng có thể phát xuất từ những ý niệm không có nền tảng nhân quả. Họ mong mỏi ước nguyện thật nhiều nhưng làm thì chẳng bao nhiêu. Như một người ngồi dưới gốc cây, mong cho có những con thỏ vô tình đâm đầu vào gốc cây, thỏ chết lấy thịt mà ăn. Điều mong ước đó năm họa mười thì mới có được một lần, còn nghĩ tưởng mong mỏi điều đó như là một phương thức để sống thì sẽ dẫn đến tình trạng tuyệt vọng và mất hết phương hướng.
Người tuyệt vọng có thể là do mơ ước quá nhiều, nhưng lại hành động thiếu phương pháp, rồi tình trạng họa vô đơn chí diễn ra như một chuỗi của các sự kiện nghịch lý, tựa như mình vừa mới dùng hai bàn tay gượng chống dậy, lập tức bị té lần thứ hai; nỗ lực bám vào gốc cây gượng đứng dậy thì bị ngã lần thứ ba; đi tới phía trước được vài bước thì bị hất đổ, phải bò lăn từng li, từng tí mà vẫn không gượng dậy được trong cuộc đời. Từ đó, sự tuyệt vọng như một nỗi ám ảnh hành hạ những người có ước nguyện mà không thành công.
Để tránh tình trạng phá sản trong tuyệt vọng, người Phật tử phải học theo gương hạnh của đức Phật qua hình ảnh nghìn tay nghìn mắt - hóa thân của Bồ tát Quan Thế Âm. Mỗi một bàn tay tượng trưng cho một hành động. Ta nói rằng ta thương cuộc đời, thương người thân, hiếu kính với cha mẹ; nhưng khi cuộc đời, người thân, cha mẹ ta đang có nhu cầu cần giúp đỡ ta lại ngoảnh mặt làm ngơ, viện nhiều lý do rằng là mình thế này thế kia, thiếu thốn thế nọ, chưa đủ điều kiện để thực hiện… nên nguyện ước của ta chỉ đơn thuần là lời hứa hão, không có giá trị lợi ích. Lời nguyện trong đạo Phật phải được thể hiện qua hành động - được hình dung bằng một bàn tay.
Bàn tay của tình thương, nếu thiếu sự hướng dẫn có thể rơi vào tình trạng cảm tính. Cha mẹ thương con không có phương pháp sẽ khiến con dễ hư hỏng hơn là thành công. Cho nên mỗi bàn tay phải có một con mắt - biểu tượng soi sáng dẫn đường giúp chúng sanh vượt qua cơn khốn khó, trở về với cảnh giới bình an. Do vậy con người cần có trí tuệ dẫn đường, đừng để cho hy vọng đơn thuần khống chế, chi phối; rốt cuộc ta không thực hiện được gì.
Để tránh sự tuyệt vọng, đức Phật dạy tất cả những nỗ lực chân chính cần có thời gian để trổ quả. Có người tính tình vội vã, muốn đầu tư buổi sáng, chiều phải có kết quả để ăn; muốn gieo trồng hôm nay thì ngày hôm sau có thành tựu để hưởng. Do đó khi thành quả chưa đến, chưa có quả chín muồi, họ chán nản thất vọng. Họ nghĩ rằng không có nhân quả thiện ác, kết cuộc của người làm thiện thật là bi đát, từ đó mất hết niềm tin với Phật pháp, đó là điều đáng buồn và tội nghiệp.
Ta thử hình dung, mình gieo phước báu như mở tài khoản trong một ngân hàng. Tài khoản được mở định kỳ 12 tháng, đến tháng 12 ta không lãnh, không vì thế mà tiền bị mất đi. Số tiền gửi và tiền lãi vẫn còn nguyên vẹn, ta vẫn được tính lãi không định kỳ. Cũng vậy, khi làm các việc lành, công đức, phước báu mà quả chưa trổ thì ta nên vui vì khoản tiết kiệm đó vẫn còn nguyên, đến một lúc nào đó ta cần xài, có thể rút ra được. Thay vì buồn, thất vọng, chán nản, dẫn đến sự tuyệt vọng thì mình phải nghĩ như thế. Nhờ đó mà niềm vui, nụ cười, sự hân hoan sẽ có mặt.
Cuối năm 2007, có một phụ nữ khoảng 28 tuổi là kỹ sư xây dựng, cô bị rơi vào trạng thái tuyệt vọng, tự tử đến sáu lần vẫn không chết. Dì của cô là Phật tử chùa Ấn Quang, thấy cảnh cháu ruột bi thảm quá nên dẫn đến chùa Giác Ngộ để gặp chúng tôi, hy vọng cô cháu gái sẽ rũ bỏ được sự tuyệt vọng. Tôi hỏi thăm lý do tại sao cô tự tử đến sáu lần, cô trả lời:
“Khi còn ở quê con có thương một người thanh niên, gia đình không ủng hộ, bế tắc quá con tự vẫn mà không chết. Lần thứ hai thi vào trường đại học, cha mẹ bắt chọn ngành y, sau này làm bác sĩ để có tương lai, con lại thích ngành xây dựng. Con nộp đơn chọn khối để thi vào ngành xây dựng và đậu nhưng cha mẹ không đồng tình, gây một áp lực rất lớn, con chán nản quá tự vẫn lần thứ hai. Cũng may nhờ người ta phát hiện đưa đi cấp cứu. Cuối cùng gia đình cũng đồng ý cho con lên thành phố học ngành xây dựng. Trong bốn năm làm sinh viên con tự tử thêm ba lần. Mỗi khi có người bạn nào phê bình, chỉ trích thì con cảm thấy tuyệt vọng vô cùng, nghĩ rằng trên cuộc đời này tại sao bất hạnh dồn đến với mình nhiều quá, bạn bè thân quyến không ai như mình nên con không muốn sống nữa và uống thuốc để chết. Nhưng khi uống thuốc, bị bạn bè phát hiện, đưa đến bệnh viện nên cuối cùng không chết.
Lần thứ sáu, con thương một người chủ công trình. Con là kỹ sư, ký hợp đồng giám sát một công trình. Ông chủ thầu này lớn hơn ba con đến vài tuổi. Trong lúc con tuyệt vọng không có tiền để lo việc thuê nhà ở Sài Gòn, ông ta đến như là người cứu nguy, tặng cho con một cái phao. Cuối cùng tình yêu đã chớm nở, con cảm thấy rất hạnh phúc. Nhưng sau đó vài tháng thì vợ của ổng phát hiện, buộc con phải giã từ chồng của bà. Con tuyệt vọng quá nên treo cổ trên cái quạt máy của trường đại học Bách Khoa để tự tử. Lúc đó điện bị cúp nên các công nhân chạy vào từng phòng để kiểm tra xem điện bị đứt chỗ nào không. Khi họ vào phòng thì phát hiện con vừa nhảy khỏi ghế mới vài giây thôi nên đã đưa con xuống, vào bệnh viện cấp cứu kịp nên con sống lại”.
Kể từ lần thứ sáu đó, người dì ngày đêm lo lắng, lúc nào cũng ở bên cạnh cô. Lúc cô ngủ thì bà ngủ theo, cô thức thì thức theo, cô đi ra nhà sau thì bà cũng đi theo dõi, đi ra nhà trước thì bà cũng phải đi tháp tùng, khổ sở mấy tháng trời như vậy, mặt mày xanh xao vô cùng, cuối cùng nhờ chúng tôi giúp đỡ.
Chúng tôi phân tích cho cô hiểu bản chất cuộc sống vốn dẫy đầy những điều oan khiên, oán trái, những điều mình muốn mà không đạt được vì nó bị chi phối bởi quy luật nhân quả, khi duyên chưa hội đủ thì quả không thể nào phát sinh. Do đó, thay vì buồn rầu tuyệt vọng thì ta hãy hoan hỷ để làm mới, nỗ lực lần thứ hai. Nếu vẫn không làm xong thì ta cố gắng lần thứ ba, thứ tư… cho đến lúc nào ta đạt được thành quả thì thôi.
Các bậc vĩ nhân không ai nỗ lực làm lần đầu mà thành công. Các bậc thiên tài và nhân tài cũng thế, chủ yếu là do phấn đấu. Những nghịch cảnh đối với cô thực ra rất nhỏ so với người khác, nhưng vì có thói quen cường điệu hóa, quan trọng hóa, thần tượng hóa khiến cho vấn đề càng trở nên căng thẳng, rối rắm, phức tạp, mỏi mệt… và mình nghĩ rằng cái chết chính là giải pháp tốt nhất để giúp ta thoát khỏi cơn bế tắc hiện tại, nhưng đó là một tư duy sai lầm.
Những khó khăn hiện tại, nếu ta không nỗ lực giải quyết, chúng sẽ còn đeo mang đến tương lai hoặc đến tận kiếp sau. Người Phật tử trong lúc còn khỏe mạnh, còn đủ bản lĩnh, những quả xấu nào đến như một quy luật tất yếu từ đời sống quá khứ, ta cứ hoan hỷ chấp nhận để giải nghiệp. Về sau ta trở thành người thong dong không còn nợ, không còn bị hàm oan, không còn chướng duyên, không còn bế tắc.
Chúng tôi hướng dẫn cô thực tập: “Hãy quán nhìn bầu trời để quên đi bóng đêm, hãy nhìn ánh sáng mặt trời để quên đi lửa của con đom đóm, hãy nhìn thấy con sư tử để quên đi con cừu, hãy nhìn thấy biển khơi để quên đi từng giọt nước”. Nhiều người cứ nhìn trở ngại nhỏ thành to, nhìn hạt cát thành tảng đá. Có những trục trặc tựa một tảng đá nhỏ thì họ nghĩ như một quả núi; có tình huống là quả núi, thì họ lại nghĩ như dãy Trường Sơn, Vạn Lý Trường Thành, hay núi Tu Di… Cứ như thế, vấn đề không đáng mà cứ hình dung, cường điệu. Từ đó, những lần thất bại rất nhanh dẫn đến sự tuyệt vọng, ta mau chóng đánh mất hết niềm tin về khả năng tái sinh hạnh phúc, khả năng dấn bước đi về phía trước của bản thân.
Sự sống của những người tuyệt vọng tựa như một kẻ chết rồi, thờ thẫn, cầu an, bế tắc, không muốn nỗ lực, không làm gì hết, chỉ chờ đến ngày chết, thả trôi vận mệnh như chiếc lục bình trôi trên dòng nước. Thủy triều lên xuống, lúc thì mắc cạn, lúc thì tấp vào bờ, lúc thì trôi một cách vô định, không hề có một chủ ý, khuynh hướng nào, đó là sự phá sản rất lớn đối với tất cả các công đức, sự nghiệp mà chúng ta đang dấn thân, theo đuổi.
Muốn phá bỏ sự tuyệt vọng thì ta phải thừa nhận bản chất cuộc đời này là tương đối, nếu có một sự tuyệt đối trong xã hội thì sự tuyệt đối đó chính là tương đối, mà tương đối nói theo nghĩa nhà Phật là nhân duyên. Cái này có, tạo tiền đề cho cái kia có, cái này không tạo cơ sở cho cái kia không, cái này sanh tạo điều kiện cho cái kia phát sanh, cái này diệt tạo điều kiện cho cái kia biến mất.
Hiểu được như vậy thì ta không nên thần tượng hóa con người, không nên quan trọng hóa bất cứ vấn đề gì mà xem mọi thứ diễn ra như cơn gió đi ngang qua rừng tre, tiếng tre kêu xào xạc, xào xạc. Khi gió ngừng thì tất cả những âm thanh không còn nữa. Mỗi âm thanh xào xạc có thể là tốt, hoặc xấu, nếu ta không lưu giữ chúng thì tâm được bình yên. Như vậy trong lúc khốn đốn giữa cuộc đời ta vẫn đứng vững như kiềng ba chân. Người sống được như thế sẽ vẫy tay vĩnh biệt với sự tuyệt vọng của bản thân.
***