Chữ “tình cảm” trong tiếng Việt rất nhiều nghĩa, tốt có, xấu có. “Tình cảm” trong ngữ cảnh này không phải là tình cảm giao tế trong xã hội giữa người thân với người thân, người dưng với người dưng, không phải tình làng nghĩa xóm mà là sự quyến luyến bịn rịn của chữ tình, hay là tâm lý không buông xả được, do vậy bị vướng nhiều chuyện không đâu.
Những chứng bệnh lo thuộc về tâm lý tình cảm. Người mẹ thường có thói quen lo, lo cho con từ thuở nhỏ, con lớn lên mẹ vẫn không an tâm, lo gần lo xa, lo trong lo ngoài, lo ngày, lo đêm. Có nhiều việc ta chỉ cần đầu tư trong hai giờ là làm xong, nhưng người có bệnh lo thì lo đến hai ngày, thậm chí là hai chục ngày, hai tháng… Việc cũ lo xong rồi, đáng lẽ ta có thể buông bỏ để làm việc mới thì vẫn còn ký ức và nỗi lo canh cánh bên lòng, điều đó làm ta tổn thất rất nhiều năng lực hiện tại vào những chuyện không đâu. Cho nên ta phải thực tập chuyển hóa cảm xúc, đừng quyến luyến bịn rịn, để khi còn sống ta có được an vui thì lúc chết mới được siêu. Do đó, huấn luyện tình cảm là tạo ra sự quân bình về cảm xúc.
Dòng cảm xúc của con người có hai khuynh hướng: Hạnh phúc và khổ đau. Đối với những việc hạnh phúc, ta có khuynh hướng bám chắc, muốn giữ hoài, gọi là lòng tham. Đối với những điều bất hạnh ta muốn kháng cự, loại trừ và đẩy nó ra bên ngoài. Cuối cùng, ta sống với hai phản ứng: Hoặc là lòng tham, hoặc là sân. Bám víu thích thú và tư hữu hóa nó thuộc về lòng tham; kháng cự chống đối, loại trừ và thanh toán nó thuộc về lòng sân. Hai tâm pháp này có mặt nơi nào thì lòng si đồng lúc tồn tại và phát triển. Tham, sân, si là ba chân vạc của khổ đau, là nỗi ám ảnh khiến cho ta khó được an vui và hạnh phúc.
Những người sống quá nặng về tình cảm, lẽ ra phải quyết định, họ lại chần chừ do dự, tiến thoái lưỡng nan, cuối cùng thì cơ hội không còn nữa, do đó thất bại tiếp nối không dứt. Để chuyển hóa được tình cảm, đức Phật dạy phải vận dụng niềm tin về nhân quả để dứt khoát thoát khỏi những tình trạng không vui.
Có hai vợ chồng khoảng ngoài 50 tuổi đến gặp chúng tôi với tâm trạng rất khổ đau! Bà có năm căn nhà ở Sài Gòn, ngoài ra đất đai ở các tỉnh cũng rất nhiều. Họ có hai đứa con, một đứa chuẩn bị cưới vợ, một đứa đã có gia đình và hai con. Căn nhà họ ở có năm tầng lầu, họ phân phát cho con đứa một tầng, có phương tiện đầy đủ. Dù vậy, những đứa con cũng không cảm thấy hạnh phúc. Anh con trưởng yêu cầu ba mẹ cho hẳn một căn nhà. Bà bảo: “Hãy chờ sau khi ba mẹ chết thì sẽ để lại di chúc cho con, cũng đâu có muộn gì. Bây giờ các con sống chung với ba mẹ cho vui, con cái mà ở nhà riêng thì ba mẹ sống với ai?” Nhưng anh ta không chịu sống chung, cuối cùng nó không thèm nhìn mặt ông bà khiến bà rất khổ tâm!
Gặp lại bà tại chùa Xá Lợi, chúng tôi yêu cầu bà trả lời thật lòng thì mới có thể giúp bà được: - “Bà có thật sự thương hai đứa con không?” Bà nói: “Nếu tôi không thương con thì thương ai bây giờ!” Đó là điều tốt.
“Bà có thật sự muốn giao gia tài cho con khi bà chết hay không?”. “Điều đó là tất yếu, con của tui nếu tui không làm di chúc để giao cho nó thì giao cho ai bây giờ! Ngoại trừ tôi không có con mới giao cho cháu”. “Vậy thì tốt lắm”. Tôi trả lời - “Bà vừa xác định rằng bà rất thương hai đứa con, và bà cũng có dụng ý, và trên thực tế bà cũng đã làm một tờ di chúc giao cho con tài sản đó rồi, vấn đề còn lại bây giờ là thời gian. Vấn đề thứ hai là bà chưa an tâm giao cho con trong khi chúng còn quá trẻ tuổi - chưa được 30 - cả một gia tài là căn nhà độc lập, bởi nó có thể ăn chơi mà không nhìn thấy sự đóng góp khổ cực của ba mẹ trước đây, từ đó có thể phá sản gia tài. Đó là mối lo của bà phải không?” Bà nói: “Phải lắm!”
Chúng tôi yêu cầu bà hãy an tâm bởi bà có lo cũng không giải quyết được gì. Không phải do bà lo mà căn nhà đó không bị mất, hay bà không lo thì nhà cửa còn y nguyên. Mất hay không còn thuộc về điều kiện và nhân duyên. Bây giờ có gia tài và sự nghiệp đủ đầy, nhà cửa dư dả, nếu có ý trao cho nó thì cứ trao, con cái sẽ biết ơn. Bằng không nó nghĩ rằng ba mẹ keo kiệt không muốn cho rồi sanh tâm bất hiếu thì cũng không lợi ích gì. Dầu sống chung trong nhà mà con cái không nhìn mặt, cha mẹ hờn dỗi nói con bất hiếu nên sinh ra chửi mắng, cuối cùng cả một gia đình không hạnh phúc, mất hết niềm vui.
Chúng tôi khuyên: “Trong một tuần bà hãy chia gia tài cho hai đứa con”. Bà đã làm theo. Một tháng sau, bà gọi điện thoại lại cám ơn thầy đã góp ý đúng: “Bây giờ, đứa con trai đã có gia đình cứ mỗi tuần có khi hai lần, có khi ba lần, dẫn vợ con đến thăm viếng chúng tôi; đứa con chuẩn bị đính hôn thì dẫn người yêu về. Chúng cảm ơn hết mình”. Như vậy căn nhà này đã sử dụng đúng mục đích, và lòng hiếu kính của con cái cũng được thể hiện trọn vẹn với cha mẹ.
Thông qua chuyện này, chúng tôi muốn nói rằng: Có nhiều bậc cha mẹ dành dụm của cải, cố giữ gia tài sự nghiệp của tổ tiên như đất đai, nhà cửa… thấy rằng tâm tánh của con có khuynh hướng ăn chơi, họ nên không yên tâm khi giao gia tài.
Chính vì vậy mà khi làm di chúc, chúng tôi xin cảnh báo là rất khó được siêu sau khi chết! Bởi tâm của mình lúc nào cũng hướng về tờ di chúc đó, vẫn chưa an tâm vì không biết là người thân, con cháu trong gia đình có theo tờ di chúc đó mà làm đúng sở nguyện của ta khi còn sanh tiền hay không. Ai phát sinh tâm như thế thì điều bất hạnh sẽ đến vì họ sẽ không chịu ra đi, cứ lẩn quẩn mãi trong căn nhà để theo dõi xem việc thực hiện di chúc tới đâu.
Cho nên là Phật tử thì phải cân phân mọi thứ trước khi qua đời. Nếu như vì một lý do tế nhị, khó xử mà ta không thể phân chia gia sản khi còn khỏe mạnh, thì sau khi di chúc được ký xong ta phải buông xả. Đừng bận tâm nghĩ tưởng rằng con cháu phải làm thế này thế kia, ai không làm thì mình buồn, giận, hờn, tức; bởi vì những tư duy và nghĩ tưởng như thế sẽ trở nên mỏi mệt vô cùng. Sở dĩ ta không dứt khoát được để quyết định mọi việc là do những sợi dây tình cảm đẩy chúng ta rơi vào tình trạng phân vân. Cho nên tốt nhất, cứ làm hết bổn phận và trách nhiệm của mình, xong rồi ta phải dứt khoát. Đó là người có kiến thức về nhân quả, là người sống được tinh thần của bậc trí, nhờ vậy biết nhìn xa trông rộng, quyết định việc gì thành công việc đó. Sau khi quyết định không được nuối tiếc, không chán nản, không thất vọng, không mong cầu, thành quả đạt được bao nhiêu ta tạm thời hài lòng bấy nhiêu, bởi có muốn hơn cũng không được. Làm như thế không có nghĩa là ta đang đầu hàng số phận. Nhân cộng duyên tạo ra kết quả, khi duyên và nhân như thế thì thành quả chỉ chừng đó mà thôi. Cho nên thay vì buồn tủi, chán nản ta nên hài lòng. Vấn đề sẽ được tháo mở, sẽ trở nên sáng và khai thông.
Ai sống nặng về tình cảm thì sẽ khổ đau, ăn không ngon, ngủ không yên do cảm xúc rất nhiều. Họ thường rất nhạy cảm. Đi ra đường người ta nói bóng gió, nhiều khi nói ông A, ông B, mình có cảm giác là người ta ám chỉ, người ta nói xấu mình nên về khổ đau, ăn không no, ngủ không yên, trằn trọc băn khoăn giấc chẳng lành. Người mà dứt được món nợ tình cảm sẽ được nhẹ nhàng, tinh tấn tu hành và giải thoát được khỏi luân hồi sanh tử.
Có nhiều người có mối quan hệ vợ chồng thường lục đục, không tâm đầu ý hợp, đời sống tư cách đạo đức của hai người như một trời một vực. Xa nhau thì buồn, mà gần thì khổ đau, sau khi ly dị một thời gian rồi tái hôn lần nữa. Cứ như thế cuộc đời lận đận, lẩn quẩn.
Nhiều người vẫn biết đó là món nợ tình cảm do mình thích ngọt, thích ngon, thích bùi, ai nói gì chiều theo ý ta thì thích, ủng hộ. Trên thực tế nó đang biến ta thành nô lệ, vì ta đang bị họ xỏ mũi, sai khiến bằng những lời ngọt mật chết ruồi. Cho nên người vượt qua được tình cảm thì sống bằng lý trí, việc nào cần thì làm, việc nào không thì không. Sống được như thế là đang trên đà hướng tới tự giác, là con người tỉnh thức. Là người Phật tử thì phải có thói quen ứng xử như thế để được bình an.
***