Bát Chánh Đạo 4 - CHÁNH NGHIỆP: HÀNH ĐỘNG CHÂN CHÍNH VÀ HÀNH ĐỘNG THÁNH

Giảng tại Chùa Xá Lợi, ngày 18-10-2009

Phiên tả: Bích Ngọc và Thu Thủy

***

KHI NIỆCHNH NGHIỆP

Chánh nghiệp, một trong tám yếu tố quan trọng giúp cho người phàm trở thành thánh. Trong các kinh tạng Pàli, Chánh nghiệp được mô tả dưới hai hình thái: Hành động chân chính và hành động thánh. Hành động chân chính giúp cho người thực hiện có được phước báo ở cõi người, cõi trời. Hành động thánh giúp người phàm trở thành siêu phàm, thoát tục. Người tại gia thường phát huy hành động chân chính, người xuất gia hướng về hành động Thánh. Do đó, tùy theo phạm vi, tư thế, góc độ hành trì, ta có những giá trị khác nhau trong cuộc đời.

Kinh Tăng Chi và kinh Trung Bộ có nhiều định nghĩa đề cập tới hành động chân chính. Nội dung thống nhất với nhau gọi là hành động chân chính, tức chánh nghiệp bao gồm: Không sát hại, không trộm cắp và không tà hạnh trong các dục. Định nghĩa đơn giản nhưng phần ứng dụng triển khai rất chi tiết trong các kinh. Phác họa theo cách nối kết với nhau giúp ta dễ dàng hình dung được bản chất của hành động chân chính là nền tảng dẫn tới một hành động Thánh. Nói cách khác, không có hành động thánh của một thánh nhân mà không bao gồm hành động chân chính.

Kinh Tăng Chi và kinh tạng Pàli mô tả hai loại hành động: Một loại có sự đồng hành chỉ đạo bởi tâm ý con người và hành động còn lại là vô tình. Hành động có tác ý hiệu quả công việc đối với những việc làm lành chắc chắn cao, quả phước báo của một hành động tỷ lệ thuận với tâm lượng và động cơ trong lúc hành động đó đã được thể hiện, đang thể hiện và sau khi thể hiện. Có những loại hành động không chủ ý nhưng dẫn tới cùng một kết quả. Về phương diện vật lý của nhân quả, ta thấy tưởng chừng chúng giống nhau, về phước báo khác nhau rất nhiều, có ví dụ sau:

HNH ĐỘNG KHÔNG T

Một người có cây dù lớn, không ai ngồi dưới đó chủ nhân vẫn mở. Dụng ý của chủ nhân mở dù để che nắng buổi trưa và chiều cho khách đến uống nước. Giả sử ngay khi sáng có cơn mưa, người ta ngồi dưới cây dù để trú, không bị ướt. Rõ ràng phước báo đối với người có cây dù không cao, chủ nhân không có dụng ý mở dù để giúp khách bộ hành che nắng, che mưa, tình cờ khách đi ngang qua sử dụng các phương tiện đang có. Trường hợp này quả phước không nhiều. Có cây cổ thụ, mưa, bão, lũ lụt, nước dâng cao, các loài kiến, bò sát nương vào thân cây bò lên trên nên thoát chết. Bản thân cây không hề có dụng ý sinh ra và lớn lên để tạo điều kiện giúp các động vật bò sát thoát chết khi gặp mưa lũ. Trên thực tế, kết quả đó như là sự hỗ trợ.

Đó là những hành động tình cờ nhưng sẽ sai lầm nếu ta nghĩ hành động nào không có tác ý là không có kết quả. Không có chủ ý tốt quả phúc ít, hành động có hay không có tác ý đều tạo ra kết quả về phương diện vật lý, phương diện luật pháp giống như nhau.

Một người chạy xe bất cẩn. Nguyên nhân bất cẩn đó có thể do buồn ngủ, có thể đăm chiêu suy nghĩ về vấn đề nào đó, hoặc do hoảng hốt không làm chủ được tay lái nên lủi vào một người đi đường và người đó đã chết. Người lái xe không cố ý giết người nhưng đã gây chết người, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, chịu nhiều hệ lụy khác. Người lái xe phải bồi hoàn cho gia đình nạn nhân, bị tước bằng lái trong một thời gian, thậm chí có thể ngồi tù. Gia đình nạn nhân mất đi một người thân nếu như người mất là trụ cột của gia đình, hậu quả càng nghiêm trọng hơn đối với thân nhân người chết. Dù không chủ ý giết người, hành động bất cẩn của người lái xe có thể gây ra kết quả tiêu cực cho bản thân, nạn nhân và thân nhân cả hai phía, quả của nó vẫn có như thường.

Đặt vấn đề khác, tại sao trong Phật pháp cho rằng hành động không tác ý không có quả báo. Theo tôi, vấn đề mấu chốt ở đây là hiểu lầm lời dạy của đức Phật. Trong kinh Tăng Chi có câu như sau: “Này Anan, tác ý là nghiệp. Khi có tác ý, con người có khuynh hướng thể hiện hành động qua lời nói, việc làm”. Phần lớn những người lý giải về tác động hai chiều giữa tâm lên hành động của thân, giữa thân lên hành động của tâm, chỉ giữ vế đầu còn vế thứ hai của câu phát biểu của đức Phật thì bỏ đi. Vế thứ hai: “Khi có tác ý, con người có khuynh hướng thể hiện hành động qua lời nói hoặc việc làm”. Trong câu phát biểu này không hề nói những nghiệp nào không có tác ý không có kết quả. Chưa bao giờ Ngài nói thế, Ngài chỉ nói tác ý là nghiệp. Trong khoa học cũng có những định lý, định luật chỉ đúng một chiều, quay chiều ngược lại thì sai. Không phải định luật nào, định lý nào cùng đúng hai chiều.

HNH ĐỘNG NÀO CŨNG CÓ HẬU QUẢ

Tác ý là loại nghiệp khác hoàn toàn với hành động nào không có tác ý là không có nghiệp, hai thứ ấy khác nhau rất xa. Hiện nay rất nhiều học giả khoa học đã lý giải sai lầm cho rằng hành động không có tác ý không có kết quả. Trong thế giới sinh học có hàng trăm ngàn các hành động không có tác ý diễn ra hậu quả vẫn có. Giông to, gió lớn, làm cho các nhánh cây đỗ ngã xuống đường, dây điện đứt, điện giật chết người hoặc ai đang đi dưới đó bị thương. Hay một chiếc xe đang chạy, cây ngã xuống khiến xe lủi vào cây, nhiều người khó bảo toàn tánh mạng.

Các hành động này hoàn toàn không hề có dụng ý xấu của bất kỳ ai nhưng hậu quả vẫn có. Mọi người hãy tự chiêm nghiệm lại các tình huống đó, ta sẽ thấy rất rõ hành động nào cũng có kết quả. Hành động hữu ý, nhất là hữu ý về thiện quả phước báo sẽ lớn hơn. Hành động vô ý vẫn có kết quả. Luật pháp phân định giết người có dụng ý, hay giết người không dụng ý, giết người do ác tâm hay do tự vệ. Tất cả đều được phân định trên động cơ sắc thái mức độ của nó.

Từ xưa, đức Phật đã nhấn mạnh góc độ này, rất tiếc một số người đã hiểu lầm và suy luận ngược, vốn các định luật đó đang nói về tầm quan trọng của hành động tâm ý. Nó được xem là một loại nghiệp, ta không thấy hình thù, vóc dáng và hoạt động cụ thể của nó, không có nó không có hành động của lời nói, của chữ viết, của tay chân và các diễn biến khác đối với con người. Trong bản thân của hành động hữu ý có hai loại: Hữu ý tiêu cực và hữu ý tích cực. Hữu ý cá nhân và hữu ý tha nhân.

Phần lớn chúng ta có khuynh hướng lấy mình làm hệ quy chiếu các hữu ý đều xoay quanh chúng ta, kết quả hành động không cao. Khi một người nào đó đến với đạo Phật, qua sự tín ngưỡng, nghĩ rằng đức Phật có thể ban phước cho các hành động của mình. Họ cầu nguyện hồi hướng phước báu cho bản thân mình, cho những người thân, người thương, gia đình nói chung, nào là cơm no, áo ấm, mua may, bán đắt, sức khỏe dồi dào, tuổi thọ tăng trưởng, thăng quan, tiến chức, và nhiều nguyện ước khác.

Trong thực tế, tất cả những lời nguyện không có kết quả giống nhau. Ở đây ta thấy lời nguyện ước chỉ xoay quanh mình và những người thân nó được xem là lời nguyện vị kỷ. Những nguyện ước vị kỷ quả phước báu không lớn, chỉ mức độ tương đối. Gieo một gặt hái được hai ba, không thể hai chục, ba chục, hai ba trăm hoặc hai ba ngàn.

CẦU NGUYỆN

Cầu nguyện trong lúc chúng ta làm việc lành, giúp người mang lại lợi ích cho cuộc đời theo khuynh hướng vị kỷ và hệ quy chiếu của người thân, người thương mình, làm thế giống như sự mặc cả với nhân quả không bao giờ có kết quả đúng.

Ví dụ ta cúng đức Phật 10 quả cam, 5 nải chuối, nước, nhang, hoa, ... chúng ta cầu rất nhiều thứ làm sao được. Kết quả của việc cầu cúng có thể làm cho ta có được sự giúp đỡ của những người khác, khi ta lâm vào hoàn cảnh khó khăn, quả trổ đó là tất yếu. Mình bỏ ra một vài hạt giống đầu tư, muốn thành quả lớn, lòng tham nhiều quá. Tâm lý làm ít muốn hưởng nhiều sẽ làm nguyện ước của chúng ta rơi vào tính chất vị kỷ. Người Phật tử chân chính nên tránh và giảm thiểu tối đa các hành động như thế.

Miền Trung có lũ lụt, nhiều người chết, vô gia cư, bệnh tật truyền nhiễm lây lan, hoa màu tổn thất nghiêm trọng, nhà cửa phá hủy, công việc làm ăn, giao dịch, buôn bán đình trệ. Lúc này, cả nước gần như hướng về khúc ruột miền Trung. Trong nỗi đau, có nhiều người làm từ thiện mong hồi hướng cho cha mẹ mình. Dẫu cho mục tiêu của sự hồi hướng này tốt nhưng vì hồi hướng không đúng chỗ, ta lấy nỗi đau của nhiều người làm nền tảng cho phước báo của bản thân, hành động này được xem là hành động vị kỷ.

Ta phải thay đổi lại, cũng việc làm đó, tiền đó, vật dụng đó hỗ trợ cho anh em khốn khổ ở miền Trung, ta hãy nghĩ: “Tôi biết rất rõ sự chậm trễ của việc tiếp viện làm đồng bào miền Trung khổ đau nhiều hơn. Tôi nguyện sự trợ giúp sẽ tới tận tay đồng bào trong thời gian sớm nhất. Mong mọi người biết rằng có chúng tôi luôn bên cạnh sẵn sàng chia sẻ, mong mọi người cố gắng chịu đựng và vượt qua cơn khốn khó do thiên tai gây ra. Cầu nguyện cho những đau khổ không còn tiếp diễn trong tương lai”. Thiên tai có xảy ra nữa hay không còn do một quy luật khác chi phối. Những hành động và nguyện ước chân thành đó được coi là vị tha nhân.

HỒỚNG CÔNG ĐỨC

Các hành giả cố gắng thay đổi mục tiêu của lời cầu nguyện trở thành phát nguyện. Cầu nguyện có yếu tố vị kỷ, phát nguyện có yếu tố mở tấm lòng mình ra, giang rộng với tất cả chúng sinh, lòng từ bi được thực hiện ở mức độ cao nhất. Khi cầu nguyện hay phát nguyện, hãy phát nguyện những điều tốt cho tha nhân.

Bản chất của phát nguyện hay cầu nguyện chỉ là chất xúc tác, không phải lúc nào kết quả cũng đạt được. Chẳng hạn, gieo hạt cam cầu nguyện nó thành cây bồ đề trong tương lai, việc này chắc chắn không xảy ra. Bất kỳ nhân tố tích cực nào dù cầu nguyện hay không cầu nguyện quả trổ của nó cũng đi theo qui luật. Ví dụ, mỗi ngày nghiên cứu, học hỏi, say mê về văn học, dù không cầu nguyện, nhưng tương lai ta cũng trở thành nhà văn, nhà thơ, nhà tư tưởng, nhà sáng tác. Nhân và quả có mối liên hệ biện chứng với nhau.

Ta cúng dường các tặng phẩm cho Phật cầu cho mình mở mang trí tuệ sao có được. Quả phúc này là cơm no, áo ấm, còn trí tuệ do tu giới, định, hoặc đời sống đạo đức hay Thiền định, hoặc học hỏi Phật pháp thật nhiều trí tuệ mới phát sinh. Hai lĩnh vực đó khác xa nên ta cầu bao nhiêu cũng không có được. Nắm được mối quan hệ nhân quả này, ta bớt đi cầu nguyện không cần thiết.

Ở Việt Nam và Trung Quốc, mọi người khi làm việc lành có thói quen ghi sớ cầu an, hoặc hồi hướng cho người chết làm sớ cầu siêu, photo gửi đi nhiều chùa dán vào đại hồng chung, bỏ vào chuông gia trì hoặc đặt dưới thân tượng của đức Phật. Nghĩ rằng Phật sẽ gia hộ cho người thân của mình được bình an, người chết được siêu sinh. Đâu đơn giản như vậy, ta nên tập bỏ bớt những tập tục đó vì nó không phải của Phật giáo.

Cầu an là nhu cầu hỗ trợ tâm lý có những tác động tích cực trên cơ thể, nhất là những người đang bệnh lâm vào hoàn cảnh khốn khó. Giá trị nhân quả được thiết lập trên nền tảng của tâm. Khi mình phát khởi một ý niệm nào đó trong vũ trụ sẽ có một tần số phóng ra từ tâm. Dầu ta có cầu hay không cầu tự nó vẫn như thế cho nên kết quả sẽ tương thích. Ta không cần thiết cầu nó mới xuất hiện, không cầu không có.

Ta muốn hồi hướng phước báo cúng dường Trai Tăng vào ngày rằm tháng bảy cho cha mẹ của mình chỉ cần khởi ý tưởng: Tôi xin hồi hướng quả phước cho cha tôi là…, Mẹ tôi là … (tên gì đó) được hưởng quả phước được gần Phật pháp. Phần nhân quả được tương thích trên hai yếu tố: Thứ nhất, bản thân sự hồi hướng đó là chân thật, không phải qua loa lấy lệ, ngoại giao. Năng lực quả phúc sẽ chuyển sang cho người mình hướng tâm về khoảng 1/7 (theo kinh Địa Tạng), không phải hưởng 100%. Thứ hai, bản thân người nhận hồi hướng có hoan hỷ chấp nhận hay không. Họ không hoan hỷ chấp nhận năng lực hồi hướng đó họ không nhận được. Nó nằm ở đó và không phát huy, giống như việc ta chuyển khoản. Mình thương quý một người nào đó, chuyển số tiền của ta từ ngân hàng A sang tài khoản của người B trong ngân hàng C, người đó từ chối không tiếp nhận số tiền, tiền này cũng không sử dụng được, trong nhân quả cũng như thế.

Hồi hướng công đức là nghệ thuật mở rộng lòng từ bi của chúng ta. Mở rộng sự quan tâm, giúp đỡ, tư cách rộng lượng của mình đối với tha nhân và chúng sinh nói chung. Thay vì viết những tờ giấy cầu an, cầu siêu, trong lúc ta làm việc tốt, ta hồi hướng bằng tâm, năng lượng tâm như thế sẽ được lan tỏa. Người hiến cúng sẽ được quả phúc và người được hồi hướng nhận được 1/7 quả phúc. Việc ghi tên cầu an cầu siêu gửi cho các chùa làm cho chùa trở nên mê tín dị đoan trong khi phương pháp truyền thống đức Phật dạy hồi hướng công đức ta không sử dụng.

Sau khi nắm vững mối liên hệ giữa tác ý dẫn đến nghiệp bằng tay, chân, lời nói và giữa dụng ý tích cực trong hành động đối với tất cả các hành động cụ thể, ta đi vào 3 nội dung chính đức Phật đã phân tích trong các kinh.

KHÔNG GIẾHI

Khái niệm này gây tranh luận rất lớn. Một số nhà Phật học nghiêm khắc cho rằng “không giết hại” bao gồm không giết hại tất cả các loài động vật. Cho nên giữ 5 điều đạo đức bắt đầu với giới thứ nhất Không được sát hại được hiểu là không được ăn mặn. Như vậy quá nghiêm khắc.

Trong giới thứ nhất của người tại gia, đức Phật chủ yếu khuyên không được giết người. Ngài không cấm là không được ăn mặn, mặc dầu có mối liên hệ xa và gần giữa động tác giết và ăn, không có người giết sẽ không có người bán thực phẩm mặn để ta mua về nấu nướng. Trọng tâm của giới thứ nhất làm thế nào giúp ta phát huy hạt giống của tình thương yêu, đỉnh cao nhất là từ bi, tôn trọng sự sống của các đồng loại, bảo vệ hòa bình, đó là mấu chốt quan trọng nhất.

Trong lịch sử, giải quyết các mâu thuẫn quyền lợi về kinh tế thường được thực hiện bằng vũ khí. Chủ nghĩa tư bản có mặt bằng cách thôn tính các quốc gia nghèo, chiêu bài của họ mang văn minh đến những nước chưa phát triển. Kết quả rất nhiều nước nghèo phải chịu ách đô hộ của các nước giàu do các nước đó mạnh về năng lực quân sự và vũ khí tối tân. Đó là sự thương tổn rất lớn đến hạt giống từ bi và không thể được chấp nhận ở bối cảnh của thế kỷ XX và các thế kỷ sau này.

Liên hợp quốc nghiên cứu về tinh thần Phật dạy sớm hơn những giải pháp dùng vũ lực để giải quyết các tranh chấp về kinh tế, biên giới, quyền lợi giữa các quốc gia sẽ giảm đi rất nhiều. Liên hiệp quốc kêu gọi giải trừ các loại vũ khí hạt nhân, vũ khí giết người hàng loạt, vũ khí hóa học, những loại vũ khí tối tân để giảm bớt sự đe dọa diệt chủng của nhân loại và các loại động vật khác.

Vế thứ nhất, bao gồm tất cả những yếu tố đó, tức giải quyết tất cả các tranh chấp nêu trên bằng tọa đàm trên hai nền tảng thương lượng và tương nhượng. Thương lượng để cho thấy mức độ cảm thông. Thay vì dùng súng giết nhau ta có thể dùng con đường ngoại giao để cho hai bên có thể chấp nhận và ngưng tranh chấp với những thỏa hiệp ngừng bắn. Thương lượng không được, người ta phải liên hệ đến tương nhượng tức là quyền lợi giữa hai bên đạt được bao nhiêu, khi quyền lợi được thỏa thuận người ta dễ dàng ngưng bắn, khi đó cái chết diễn ra đối với con người sẽ giảm thiểu ở mức tối đa.

Trên thực tế, sự thương lượng và tương nhượng luôn luôn được tiến hành cùng một lúc. Các hình thái xâm lăng, thôn tính thuộc địa của chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa tư bản không chấp nhận. Đạo Phật tôn trọng chủ quyền độc lập của từng quốc gia và kêu gọi mọi người cùng làm việc đó. Vế thứ nhất là xây dựng hòa bình trên cơ sở tôn trọng mạng sống của con người. Hành động như thế gọi là hành động chân chính.

Ta phát triển hành động thành một mức độ cao hơn gọi là hành động Thánh, thể hiện lòng từ bi đối với tất cả các loại động vật bằng cách không ăn thịt chúng, không giết chúng, không chăn nuôi chúng. Người tại gia khó có thể thực hiện được điều này một cách ổn thỏa, phần lớn đều ăn mặn. Nhiều người sống bằng nghề chài lưới, nghề chế biến thực phẩm, chăn nuôi v.v… Công nghệ này mang lại tiền cho người sản xuất rất nhiều nhưng nghiệp rất nặng.

Có người đến hỏi tôi: Gia đình họ làm nghề sản xuất lạp xưởng, mỗi ngày sản xuất vài chục tấn. Trước đây chỉ bán, nhưng nhu cầu bán cao quá nên vừa bán vừa sản xuất. Sản xuất trực tiếp giết, bán gián tiếp giết. Giữa hai nghiệp ta thấy sản xuất nặng hơn bán. Bán mình không trực tiếp làm (không trực tiếp sát sinh) quả xấu không trổ với mình vẫn tốt hơn mình tự sản xuất.

Tiền lợi nhuận giữa bán và sản xuất chênh lệch khoảng 20%. Ta ít giàu hơn một chút để nghiệp sát đối với các chủng loại ít. Chúng tôi đã đề nghị người chủ hãy suy nghĩ thật nghiêm túc về số tiền lãi giữa việc mình giết và sản xuất trực tiếp với việc chỉ bán hàng. Trước mắt, ta có thể thấy tổn thất khoảng 50% doanh thu, thứ hai quả báo xấu mình trực tiếp phải chịu ở đời này thông qua các loại bệnh: Chết yểu, bị nhiều tai nạn, các hậu quả đời sau v.v… đưa chúng lên bàn cân xem cái nào nặng, cái nào nhẹ để ta dễ dàng quyết định.

Giữa hai hành động sát, trực tiếp nên bỏ, gián tiếp nếu chưa bỏ tạm thời chọn cái đó vẫn tốt hơn. Các nghề chăn nuôi, nghề đồ tể thọc huyết các loài gia súc sau đó chặt chúng ra từng mảnh, lột da, xé thịt, quay nướng, nấu, chiên v.v… gọi là trực tiếp giết, quả xấu rất nhiều, trong khi tiền lương của ta không nhiều hơn các nghề khác.

Khuyên họ bỏ ngay công việc đó rất khó, chúng tôi khuyên hãy nhận định rõ, hành động như thế mang hậu quả xấu cho mình. Tiền lương không bằng 1% so với tiền bỏ ra để mua thuốc uống về sau này khi quả xấu trổ đến với mình. Nói về phương diện kinh tế, sẽ lỗ 100% nếu chưa bỏ được trong lúc mình đang gieo nghiệp xấu, tìm một nghề khác tốt hơn. Khi nghề đó ổn định, ta bỏ nghề này chuyển được nghiệp sát. Hành động đó là hành động chân chính trở thành một hành động thánh, tức mang lại sự sống.

TÔN TRỌNG SỰ SỐNG

Chủ động hơn trong hành động Thánh ở tình huống này ta phải phóng sinh, tức thả sự sống, tái tạo sự sống, phục sinh sự sống. Phóng sinh có nhiều cách: Thả chim, thả cá, hoặc trợ giúp cho những người đang bệnh trở thành lành mạnh, giúp những kẻ tuyệt vọng có sức sống, có niềm tin để làm mới cuộc đời không chỉ đơn thuần là phóng sinh bằng các loại động vật. Phóng sinh bằng các loại động vật, quả phúc đem lại chỉ tương đối.

Hiện nay, một số nước làm những việc đó, đặc biệt những nước chịu ảnh hưởng của Phật giáo, nơi có người Hoa và người Việt Nam sinh sống. Người ta thích mua cá, mua chim phóng sinh. Thực ra các loài này, sau khi được phóng sinh lại quay về điểm đầu tiên hoặc trên đường tự do lại bị bắt. Vô tình, chúng trở thành vật trung gian để người mua tạo phước, người săn bắt và người bán tạo nghiệp.

Quý Phật tử phóng sinh nên mua tình cờ, đừng dụng ý, ta làm như vậy gieo nghiệp ra lệnh cho người khác bắt. Quả phúc hưởng không bao nhiêu, tội đồng lõa xúi giục cho người khác bắt nhiều hơn, xa hơn, không ai mua không còn người bắt.

Đi bất cứ chỗ nào, gặp người bán chim phóng sinh, bán cá phóng sinh, chúng tôi đều khuyên họ nên bỏ nghề đó. Họ nói rằng: “Chúng tôi không làm thì các thầy, các cô, quý Phật tử làm gì có nguồn để làm phước. Phải cám ơn tôi, nhờ tôi mới được làm phước”. Điều đó đúng, người ta làm phước quý vị lại làm tội.

Đức Phật dạy: “Một hành động thiện, tốt cho người nhưng phải tốt cho mình”. Tốt cho người không tốt cho mình không nên theo. Hãy bỏ nghề không đem lại được bao nhiêu, lời trên mạng sống, lời trên cái chết của các loài động vật không bao giờ tốt. Hành động từ bi của các bậc Thánh là truyền chất thương yêu để giải phóng những khổ đau, tháo mở những trói buộc, tạo dựng những cơ hội cho đời sống phục hồi.

Tại các Phật tích bắt đầu có việc phóng sinh chim, trước đây không có, chỉ có khoảng 10 năm lại đây. Người Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên thích phóng sinh. Những người dân nghèo ở khu Phật tích, họ đi nài nỉ để xin tiền bằng nhiều cách như níu áo, nắm quần, cầm tay, làm cho du khách thương cảm, thương tâm, hoặc cảm thấy bị phiền lụy khiến người ta cho tiền để cắt đứt tình trạng đeo bám. Hành động như thế đôi lúc làm thương tổn lòng từ bi.

Tại Ấn Độ, bò, dê, trâu, chó, các loại vật khác sống rất gần gũi với con người. Ta lại gần kế bên, khều nó không sợ, các loại chim cũng thế. Từ mấy nghìn năm, cộng nghiệp của người dân Ấn Độ không giết chúng để ăn thịt. Những người ăn mặn, ăn một số món. Người Hồi giáo ăn mặn chỉ ăn thịt bò, thịt dê, thịt gà. Người Thiên chúa và Tin lành ăn tất cả các loại thịt.

Đối với những người Ấn Độ giáo không ăn chay trường từ lúc mới lọt lòng họ ăn có 3 thứ: Thịt gà, thịt dê, thịt cá. Gà ăn 1 chủng loại, dê ăn 1 chúng loại và cá chỉ ăn 1 đến 2 chủng loại không ăn hàng trăm, hàng nghìn loại, ăn tất cả các loại như ở Việt Nam và Trung Hoa. Đi đến tất cả các chợ ở Ấn Độ, ngay cả những bang thuộc về Hồi giáo, Thiên chúa giáo, Tin lành, những người bán cá thịt cũng rất ít, chỉ có một hoặc hai tiệm ở trong chợ không nhiều vì họ không muốn gieo nghiệp cho bản thân. Ai ăn mặn, phần lớn họ mua những con có khối lượng lớn, ăn trong vòng hai ngày đơn vị sát sinh chỉ 1 cho cả gia đình. Họ không quan trọng khẩu vị. Đi khắp trên đất nước Ấn Độ vào các nhà hàng, khách sạn sang trọng nhất cũng có vài ba món chay, ăn mặn có món thịt gà, thịt dê, thịt heo. Họ làm rất đơn giản, không cầu kỳ. Người giàu, tỷ phú, người nghèo cũng thế. Họ ít chấp trước về khẩu vị.

Một trong những phần mang lại sự sống thuộc giới không sát hại là làm từ thiện. Việc làm từ thiện có ý nghĩa xác thực hơn, thiết thực hơn phóng sinh các loài động vật.

Trong khi có rất nhiều con người trên hành tinh này chết đói, chết khát, nhiều người không chịu cứu giúp họ lại đi giúp con vật phóng sinh. Một con người được sống, giá trị lợi lạc hơn rất nhiều các loại động vật. Ta không phân biệt đối xử với các loài động vật nhưng thực tế là vậy. Biết đâu trong những người đang chết đói chết khát là những thiên tài, những thần đồng, những nhân tài, những nhà đạo đức, những bậc tâm linh về sau này. Ta cứu giúp họ là ta giúp cho rất nhiều người trong tương lai.

Chỗ nào thấy có nỗi khổ niềm đau, quý vị hãy cố gắng phát tâm làm, khi làm đừng cầu nguyện cho mình và người thân, mong cho họ thoát khỏi nỗi khổ niềm đau quả phước tăng trưởng gấp nhiều lần so với lời cầu nguyện nhỏ nhoi.

LTỪ THIỆN

Chuyến hành hương Ấn Độ và Nepal của chúng tôi, mỗi lần đều có làm từ thiện, mỗi chuyến trung bình từ 8.000 đến 12.000 USD do các thành viên trong đoàn phát tâm. Lần này ngoài việc làm từ thiện trên 11.000 USD, các thành viên trong đoàn còn phát tâm ủng hộ cho hơn 100 tăng ni đang du học tại Ấn Độ mỗi người 50 USD và phát tâm cúng dường chùa.

Những việc làm đó có ý nghĩa rất thiết thực vì người nghèo ở Ấn Độ, mặc dù số lượng tỷ phú của họ khá nhiều, nhưng giúp cho những mảnh đời bất hạnh hiếm khi là mối quan tâm của họ. Họ có chủ nghĩa giai cấp, phân biệt đẳng cấp trong xã hội cho nên họ không làm. Người quốc tế đến làm từ thiện rất nhiều.

Để làm từ thiện tốt tại Ấn Độ, ta phải có nghệ thuật. Ta thấy người nghèo ngoài đường, mời họ sắp hàng lại để phát thì không bao giờ phát được. Ta phát được đến người thứ 5, thứ 10 những người còn lại nhào vào giành giật, thậm chí đánh đập lẫn nhau. Kết quả, ta phải bỏ đi không làm nữa vì sợ gây án mạng, hoặc cảnh hỗn lọan, phản cảm.

Chúng tôi đã nhờ các chùa ở tại các Phật tích phát phiếu cho các gia đình nghèo, họ vào trong chùa, tĩnh tọa, thực tập thiền quán, hướng tâm về Phật pháp. Phái đoàn chúng tôi đến và hướng dẫn họ nghệ thuật cười: Cười mỉm chi, cười lớn tiếng để cho những nỗi khổ niềm đau được phóng thích ra khỏi cơ thể và tâm lý của họ, mỗi khi họ phải đối diện với những khó khăn, sau đó mới tặng quà. Làm như vậy mới ổn định. Khóa cửa lại, tiếp nhận các tặng phẩm, bắt đầu mở cửa từ từ đi ra mới trật tự, bằng không ta không thể làm được. Tâm lý người nghèo ở Ấn Độ sợ không đến phần mình nên họ giành giật.

Ủng hộ cho tăng ni tu học tại Ấn Độ rất cần thiết. Phật tử tại Ấn Độ không có tiền để cúng dường. Không có sự đóng góp của các phái đoàn hành hương, hoặc người thân ở nước ngoài, hoặc thầy tổ có khả năng, rất nhiều tăng ni học một hai năm hết tiền phải về. Học ở Ấn Độ, đi 100 người về Việt Nam đúng 100 người, không sợ có Tăng Ni ở lại như ở các nước tiên tiến khác.

Ở Ấn Độ khoảng 5 năm sau khi đi đâu ở cũng được, những khó khăn, khổ đau, nghịch cảnh đều có tại đây. Trải nghiệm, khổ luyện đã có, về sau làm đạo rất dễ, khó khăn ta có thể vượt qua. Đây là một môi trường huấn luyện rất tốt.

Trong giới không sát, bao gồm trước hết bảo vệ hòa bình và tôn trọng sự sống của con người, đó là hành động chân chính. Mở rộng hơn, ta thương yêu các loài động vật. Tốt hơn nữa là ăn chay trường. Điều này không bắt buộc đối với người Phật tử tại gia. Đối với người tại gia, ta không thể ăn chay phải chọn con đường ăn mặn nên ăn những thực phẩm đã giết, đừng tự tay mình giết hoặc yêu cầu người thân hoặc gia nhân trong nhà mình giết, để giảm nghiệp sát một cách tối đa.

Ta biết bố thí cúng dường, giúp những người bị thiên tai, cứu ngặt và cứu nghèo. Phải hiểu hơn nữa khi nào cứu cần câu, khi nào cứu con cá. Cần câu được hiểu là phương pháp hướng nghiệp, tạo dựng nghề. Con cá được hiểu là những tặng phẩm cụ thể để người ta vượt qua những nỗi khốn khó trong thiên tai. Cứu ngặt, ta cứu con cá tức tặng phẩm, tiền bạc, áo quần, các gói tài trợ cụ thể để họ vượt qua. “Cứucần câu” là cứu nghèo, giải quyết nạn khủng hoảng một cách lâu dài. Ví dụ nếu ta thương người Ấn Độ, mở trường học để giáo dục, khi trẻ em nghèo được học đến nơi đến chốn, không lâm vào cảnh nghèo.

Ở Phật tích Ấn Độ, Việt nam có được 3 trường dành cho trẻ em mồ côi và trẻ em nghèo. Mạnh nhất trường mồ côi Linh Sơn ở Kusinaga do ni sư Trí Thuận làm, đang đào tạo cho 420 em nghèo. Lần nào đến, phái đoàn cũng giúp đỡ 420 em nghèo, góp một phần giải phóng được cái nghèo của bản thân và gia đình các em. Thứ hai, chùa Linh Sơn của thầy Linh Quang ở tại Lâm Tỳ Ni. Thầy lập trường cách đây được mấy năm, có mấy trăm em học đa số là người Nepal, hy vọng góp phần giải phóng cái nghèo ở những vùng biên giới. Chùa thứ ba là chùa Việt Nam Phật Quốc tự của thầy Huyền Diệu. Thỉnh thoảng có những chương trình học bổng giúp cho các em.

Theo chúng tôi, 3 hoạt động đó có ý nghĩa rất lớn. Tại Ấn Độ, những người nghèo - đặc biệt những người thất nghiệp - một năm phải có tối thiểu 100 ngày làm việc để nhận được tiền lương, nhưng số tiền lương chính phủ gởi xuống, người quản lý ăn 80%, người nghèo nhận được 20%. Nạn tham nhũng của Ấn Độ là một cường bệnh của thế kỷ. Giải phóng cuộc sống nghèo của Ấn Độ không phải chuyện dễ, dù sao vẫn tốt hơn không làm gì hết.

KHÔNG TRỘCẮP

Trộm cắp có nhiều cấp độ khác nhau. Thứ nhất, ta chiếm đoạt sở hữu của người khác. Thứ hai, lượm được các vật thuộc sở hữu của người khác đánh rơi mà không trả lại. Thứ ba, các hình thức đóng thuế không thực hiện đúng theo tư cách một công dân trong luật pháp quốc gia nơi ta đang sống được xem là vi phạm giới này. Thứ tư, hình thức đút lót, hối lộ, móc ngoặc. Thứ năm, những gì người ta không hài lòng mình dùng áp lực để họ phải trả cho mình. Tất cả 5 hành động trên đều gọi chung là nghiệp trộm.

Trong tình huống này, việc cho vay nặng lãi cũng ảnh hưởng gián tiếp, người ta không có khả năng thanh toán nên không mượn được tiền ngân hàng. Lợi dụng tình hình như thế, ta cho vay với lãi suất rất cao. Phần lớn những người vay như vậy không có khả năng thanh toán. Giả sử có thanh toán được thì nghiệp của người cho vay rất nặng.

Trong kinh, đức Phật thường dùng một từ chung, “những gì không cho thì không được lấy dầu cây kim, ngọn cỏ, những vật không có giá trị, cũng phải hỏi xin”. Đó là những sở hữu vật chất.

Loại thứ hai sở hữu tinh thần, nghĩa là những phát minh, sáng kiến, tác quyền dưới nhiều hình thái và góc độ khác nhau. Trong thời kỳ hiện đại này, con người phát huy phương diện này rất cao. Nhiều tỷ phú nổi tiếng trên thế giới nhờ các bằng phát minh. Họ có thị trường tiêu thụ toàn cầu.

Khi khám phá ra công thức nào đó, người ta trở thành tỷ phú. Các tỷ phú Ấn Độ làm giàu nhờ phát minh ra các phần mềm cho máy vi tính và bán nó với giá quốc tế. Mỗi phần mềm giá thành khoảng 100 USD nhưng bán hàng triệu USD hàng năm, tiền thu không biết bao nhiêu mà kể.

Tôn trọng tác quyền, trở thành nhu cầu không thể thiếu trong thế kỷ XX và các thế kỷ tiếp theo. Khi thực hiện các hợp đồng nên tôn trọng tác quyền. Tủ sách Đạo Phật Ngày Nay do chúng tôi chủ trương xuất bản trong vòng 10 năm được trên 200 đầu sách nghiên cứu và ứng dụng về Phật học. Chúng tôi yêu cầu các nhân viên phụ trách làm rất nghiêm túc. Mỗi lần tái bản bao nhiêu nghìn quyển phải trả tác quyền cho tác giả, dịch giả theo số lượng sách hợp đồng dù họ không biết. Khi tái bản lần thứ 3, lần thứ 4, lần thứ 5 nếu mình không báo họ cũng không biết. Chúng tôi yêu cầu không được phép làm thế, bắt buộc phải gửi tác quyền cho họ.

Các tác giả, các dịch giả khi nhận được nhuận bút các lần tái bản rất hạnh phúc. Trước tiên họ thấy người đọc có sự cảm thông và tôn trọng giá trị tác phẩm nên mua nhiều, tác phẩm hết sớm. Điều này khích lệ họ sáng tác nhiều hơn, dịch nhiều hơn, đóng góp nhiều hơn.

CUỘSỐNG NGƯỜNGHẤN ĐỘ

Đoàn hành hương đi Ấn Độ tháng 10-2009 có 80 người, trong nước 40, 40 còn lại thuộc các nước Pháp, Mỹ, Đức, Canada và Thụy Sĩ. Tất cả rất ngạc nhiên khi thấy các Phật tích ngày xưa giàu sang bao nhiêu bây giờ nghèo túng khốn khó bấy nhiêu, nhưng không có cướp giật. Nghèo thì xin, xin không cho không cướp giật của khách ngoại quốc hoặc khách đi đường. Họ giữ được chất liệu mà dân Việt Nam thường nói “Nghèo cho sạch, rách cho thơm” rất ấn tượng, rất đáng tán thán.

Cuộc sống của người Ấn Độ rất khốn khó, có người phải đi làm thuê cho một gia đình giàu, quét dọn, giặt giũ, nấu nướng, coi sóc em bé, một tháng khoảng chừng 500.000 đồng Việt Nam. Không làm có người khác làm. Thất nghiệp tràn lan nên giá nhân công rất rẻ.

Đi xích lô 2 người, chạy 3km giá có 10 rupees, khoảng 4.000 đồng Việt Nam. Giá cả thị trường tại Ấn Độ cũng thấp. Người nghèo họ sống chỉ cần 30 rupees/ngày cho gia đình 4 thành viên. 1kg bột mì khoảng 10 rupees, 1kg khoai tây khoảng 15 rupees, 1 lít sữa khoảng 23 rupees. 4 thành viên trong gia đình một ngày chỉ cần nửa kg bột mì, nửa kg khoai tây và 1 lít sữa là đủ. 30 rupees, khoảng 12.000 đồng Việt Nam là sống tạm đủ. Đời sống của họ túng thiếu và khốn khó.

Họ có thể giành giật vì sợ không đến phiên mình chứ không cướp giật. Nếu ta để đồ trong khách sạn, không khóa cũng hiếm khi bị mất cắp. Thỉnh thoảng cũng có người tham, ở đâu cũng vậy nhưng tính về tổng thể và đa số, mất đồ rất là hiếm. Đi đâu, họ cũng yêu cầu cho tiền típ vì họ nghèo. Đôi khi cho tiền típ 10 rupees hoặc 20 rupees họ rất hài lòng.

BAN TẶNG CHIA SẺ

Trong hành động chân chính, không trộm cắp là tôn trọng sở hữu tài sản của một người, của nhiều người, của cá nhân hay tập thể hay của một quốc gia. Vế thứ hai ban tặng chia sẻ. Tôn trọng chỉ là phương diện ban đầu của hành động chân chính, ban tặng và chia sẻ là phương diện thứ hai. Phương diện thứ hai giúp ta trở thành một bậc Thánh.

Trong đoàn chúng tôi đi, không phải ai cũng giàu hết nhưng mọi người đều giàu tấm lòng nhân ái. Đi một chuyến từ thiện về, mọi người đều hết tiền. Đi tới đâu cũng thấy cảnh nghèo khắp nơi. Chúng tôi thường ví, các hành động từ thiện cho những mảnh đời bất hạnh giống như những giọt nước trong sa mạc, rơi xuống cát là bốc hơi, không thấm vào đâu. Ta phải cố gắng phát tâm chia sẻ với những mảnh đời.

Về phương diện nhân quả, ta chia sẻ nỗi khổ niềm đau sự thiếu thốn là đang làm phúc cho chính mình. Làm phúc cho người chính là làm phúc cho mình. Hiểu được như thế, ta đừng nuối tiếc trong khi ban tặng tài sản, tặng như thế còn hoài. Phước sẽ là vệ sĩ, hộ pháp, giúp mình vượt qua những cơn khốn khó. Quý vị thử chiêm nghiệm lại trong cuộc đời. Có nhiều biến cố xảy ra, có người ngóc đầu lên không nổi, có người vẫn khỏe mạnh, có người khi bị khủng hoảng tài chính gần như tuyệt tiêu, có người vẫn giàu trong hoàn cảnh này.

Kề sát bên chùa Giác Ngộ có một gia đình người Hoa. Trước năm 1975 họ sở hữu 6 căn nhà trong khu vực quận 5 và hãng kem ở đường Nguyễn Tri Phương (kế bên trường Trần Khai Nguyên). Sau năm 1975, lo lắng vì công tư họp doanh nên họ bỏ nhà, bỏ tài sản đi vượt biên. Bây giờ gia đình của họ người ở Úc, người ở Đức, phần lớn ở Mỹ. Khi đi họ chỉ mang theo vàng, qua bên trả tiền đi vượt biên là hết, phải gây dựng lại từ đầu, từ hai bàn tay trắng.

Mỗi người trong số họ bây giờ phải có 5, 10 căn nhà khác nhau. Người anh thứ hai trong gia đình này, ngoài 5 căn nhà còn sở hữu một gara xe hơi rất giàu và sở hữu một hòn đảo rất đẹp ở Sacramento - thủ phủ của Califonia. Nói điều này để chứng minh một điều nếu ta biết làm phước tạo đức những tài sản đó mất chỉ là tạm thời.

Năm tháng ngày giờ cùng với việc làm giúp đời cứu người trên tinh thần vô ngã vị tha, quả trổ cực kỳ lớn. Mất đi một vài cái, ta có nhiều thứ lớn hơn. Người gieo trồng Phật pháp phải có niềm tin như thế. Dĩ nhiên phản ứng quả phước diễn ra mỗi người khác nhau. Có người sau một năm, hai năm, có người 20 năm, có người kiếp sau.

Đừng bao giờ chán nản và thất vọng khi quả phúc chưa đến với mình. Chưa trổ quả có nghĩa là còn nguyên, ta phải mừng. Trổ rồi, mình hưởng hết. Làm mà quả chưa trổ còn nguyên giống như mình để tiền trong tài khoản ngân hàng. Nếu mình không rút tiền vốn ra, tiền vốn lẫn tiền lãi ngày càng lớn hơn không bao giờ mất.

Ai thiển cận mới đầu tư ngắn hạn, làm liền xài liền hưởng liền tưởng mình giàu, thực ra rồi nó hết. Trong tình huống ta làm việc tốt mà người khác ăn cắp công của mình cái đó mình không mất. Quả ở hiện tại tuy mình chưa hưởng, nhưng trong tương lai nhân quả không bị sai lệch, người ăn cắp thành quả của người khác bị hậu quả rất nghiêm trọng. Không có gì phải sợ mất đi, nhất là làm việc phước.

Khó khăn lớn nhất trong các gia đình Phật tử ngày nay một người làm, một người không hoan hỉ, ví dụ: Vợ thích làm từ thiện chồng không hoan hỷ, chồng thích làm từ thiện vợ không đồng tình, dẫn đến tình trạng trái chiều, có người làm phải giấu, nhiều bà vợ phải giấu chồng mình. Ngay cả việc viết phiếu công đức họ cũng không dám nhận, sợ nhận thì việc làm phước của mình bị lộ.

Bán hàng lời được 2 triệu báo chồng lời 1,8 triệu, còn 200 ngàn để làm từ thiện, phải sống trong gian dối. Các ông chồng nếu biết nên ủng hộ vợ mình làm việc tốt còn hơn để các bà vợ phải giấu. Đó là việc làm tốt, nhất là khi giúp cho cuộc đời, không có mất gì, miễn nó không thương tổn đến cuộc sống của chúng ta hàng ngày.

Đức Phật đưa ra một tiêu chuẩn chi tiêu rất hay để chúng ta tham khảo: 25% chi tiêu, 25% hiếu kính cha mẹ, 25% gửi ngân hàng, 25% làm từ thiện. Để làm việc tốt đừng nên rơi vào tình trạng đi vay mà làm từ thiện. Mình không có 1% tiền lãi, tiền lời nào hết mà đi làm từ thiện là không nên. Có những người nợ bạc tỷ, nhưng ở đâu vận động từ thiện là làm ngay, trong khi tiền trả nợ không chịu lo như vậy không thiết thực. Mặt khác, những người thân của họ biết được, dần dà họ mất niềm tin vào Phật pháp.

TÙY HỶ

Người nào không có tiền bạc, đừng ráng làm từ thiện. Ta có thể làm bằng nhiều hình thức khác, đức Phật dạy nên tùy hỷ công đức. Làm bằng cách tùy hỷ. Nhiều người không có tiền nhưng biết vận động, lấy uy tín và sự chính trực của mình để cho người khác tin tưởng và đóng góp vào để lấy số tiền đó đi làm từ thiện. Dầu không tốn tiền bỏ ra nhưng vẫn được xem có phước báo cộng hưởng. Người nối kết như thế phước lại nhiều hơn. Ta vừa có tiền, vừa biết vận động quần chúng làm việc thiện như thế có phước gấp nhiều lần.

Xã hội phương Tây là xã hội riêng tư. Sống trong nền văn hóa đó, không nhiều ít cũng trở thành người ích kỷ, đi ăn cơm chung một gia đình nhưng ai ăn người đó trả tiền. Những người Việt Nam, những người từ văn hóa châu Á đi sang, vẫn còn giữ được truyền thống văn hóa của đất nước mình nên không đến nỗi như thế.

Sòng phẳng quá cũng mất đi lòng từ bi. Quan tâm, ga-lăng quá dễ dẫn đến tình trạng phá sản. Ta phải biết cân phân chi tiêu tài chính một cách hợp lệ để cho các khoản làm từ thiện không ảnh hưởng đến tài chính và kinh tế chung của gia đình, để cho các thành viên còn lại không cảm thấy việc phát tâm của ta làm họ bị khổ đau. Phải cân phân những việc làm từ thiện này thật kỹ.

Giúp người, cứu đời ta còn có các hành động về phương diện tinh thần, ví dụ ta phổ biến các băng giảng, các sách hay, các Kinh điển. Số tiền làm ấn tống băng đĩa không khó. Mỗi đĩa khoảng 5.000 đồng nếu ta tự làm. Lựa chọn các bài giảng pháp thật hay và tùy vào căn cơ của đối tượng ta gửi tặng thì lợi lạc cho quần chúng biết bao nhiêu. Có người nghe được một VCD/DVD trở thành người phát tâm mạnh. Chúng tôi đề nghị các vị bố thí cúng dường các băng đĩa tại các chùa vừa đủ thôi, còn thì nên chú tâm mở rộng phạm vi ngoài chùa cho những người chưa phải là Phật tử.

Một trong những địa điểm quan trọng để ta làm công việc này là chợ, nơi tập hợp tất cả mọi thành phần, chọn những đĩa hay nhất và bình dân cho những người mới bắt đầu học Phật. Tặng pháp như thế ta làm cho rất nhiều người biết đạo Phật và trở thành Phật tử trong tương lai, tiền không tốn bao nhiêu.

Địa điểm thứ hai các trường học, đứng ở các cổng trường đại học, cao đẳng, trung học. Ta chọn đề tài giảng dạy phù hợp với giới trẻ, đừng có chọn những đề tài về pháp môn Tịnh độ, pháp môn Thiền tông, pháp môn Mật tông, tặng họ là vô ích, chẳng những không có tác dụng mà đôi lúc họ còn dội ngược lại vì họ chưa có trình độ để tiếp nhận ngay. Chọn những đề tài mang tính trí thức, đạo đức, giới trẻ… để họ có thể cảm nhận được đạo Phật từ góc độ triết lý.

Làm được như thế, tôi tin chắc Phật giáo sẽ phát triển rất nhanh, trong khi kinh sách tiền nhiều hơn, phải 10 ngàn, 20 ngàn, 30 ngàn trong khi đĩa chỉ khoảng 3.000 đồng mà có khả năng chuyển hóa con người rất cao.

KHÔNG TÀ HNH

Đây là thuật ngữ chuyên môn, trong các bản dịch chỉ dịch không ngoại tình. Không ngoại tình chưa đủ nghĩa. Không ngoại tình có nghĩa là mình không có quan hệ tình dục ngoài hôn thú nhưng nó không nói lên được những yếu tố quan trọng khác mà đức Phật quan tâm. Có rất nhiều người không trăng hoa đối với người ngoài nhưng họ tự làm, cũng gọi là tà hạnh trong các dục, hay thủ dâm, có nghĩa tự thỏa mãn.

Hoặc trước hôn nhân, họ tự tìm đến những người hợp gu về ngoại hình, về duyên dáng, nét đẹp, tính cách, vai trò địa vị trong xã hội, lúc đó hai người chưa đến với nhau bằng hôn thú nhưng có quan hệ tình dục với nhau, vẫn được liệt vào danh sách tà hạnh trong các dục.

Hiện nay, xã hội phương Tây phát triển rất mạnh về tự do tình dục. Quen nhau là họ ăn ngủ với nhau, không bận tâm đến tình trạng như người Việt Nam vẫn nói “Già nhân ngãi, non vợ chồng”, tức biết với nhau về chuyện đó sớm quá, sau khi làm vợ chồng, không còn quý trọng nhau nữa. Chị em phụ nữ phải thận trọng vấn đề này. Cứ nghĩ rằng, trao cái của quý nghìn vàng cho người mình thương là chứng tỏ mình có tình yêu thực sự, nhất là trong trường hợp hai người phải chia tay, người đi phương này, người đi phương nọ, chị em phụ nữ thường dâng hiến. Hoặc người nam gây sức ép làm cho người nữ có cảm giác nếu mình không dâng hiến mình không có tình yêu thực sự. Các trường hợp trên đều không khôn ngoan, bị xem là tà hạnh trong các dục.

Xã hội phương Tây xem tình dục là phương tiện giải trí ở mức độ cao nhất. Những “phim nghèo”, những sự đồi trụy về văn hóa xuất phát từ phương Tây ảnh hưởng rất rộng đến xã hội châu Á và các nền văn hóa nói chung. Chưa lập hôn thú mà quan hệ tính dục đã gọi là tà hạnh, không phải sau hôn thú mới gọi là tà hạnh. Điều đó chỉ đúng về phương diện luật pháp, còn phương diện chánh nghiệp đối với thân là làm giảm giá trị nhân phẩm của chúng ta. Ảnh hưởng đến sức khỏe, sự sống chết của chúng ta, nhiều người không kềm chế được, đôi lúc bị lây lan những căn bệnh chết người thông qua con đường quan hệ tình dục v.v… Tà hạnh trong các dục còn bao gồm quan hệ tình dục với các loài động vật dưới bất kỳ hình thái nào.

Phạm vi về ý nghiệp rộng hơn rất nhiều so với quan hệ thể xác ngoài hôn thú. Có người suốt cuộc đời không lập gia đình. Có nhiều người đàn ông không muốn lập gia đình vì sợ khi ly dị phải chia của 50% nên họ sống với hết người phụ nữ này đến người phụ nữ khác. Họ bị xem là tà hạnh trong các dục, xét về luật pháp họ không sai, nhưng xét về đạo đức, Phật giáo không cho phép.

Sống thử đang trở thành thói quen mới trong một số giới trẻ Việt Nam do ảnh hưởng của nền văn hóa phương Tây. “Góp gạo thổi cơm chung” được giới trẻ lý giải rằng: Sống thử trước vài ba năm xem có hợp gu, hợp tâm ý không, nếu hợp tiến tới hôn nhân, không hợp đường ai nấy đi. Lý giải nghe có vẻ logic nhưng không có chân lý.

Khi sống thử, hai bên không đòi hỏi tính trách nhiệm, thoải mái với nhau nhưng khi quyết định hôn nhân, đòi hỏi tính trách nhiệm gia đình đối với vợ chồng, con cái, họ tộc hai bên, áp lực này làm cho họ khác hoàn toàn so với thời gian sống thử, hạnh phúc bị đổ vỡ. Chưa nói đến tâm lý, cái gì mình biết không còn hấp dẫn. Giữ gìn tốt thì cả người nam và người nữ trở thành sự hấp dẫn giới tính rất lớn. Ai biết giữ gìn người đó có giá trị cao, được tôn trọng.

VĂN HÓA HÔN NHÂN Ở ẤN ĐỘ

Người Ấn Độ rất hay, không yêu bậy bạ. Đến bây giờ hôn nhân vẫn còn sắp xếp. Hôn nhân tình yêu chỉ có 5%, còn 95% là hôn nhân sắp xếp. 5% hôn nhân tình yêu phần lớn thuộc về các hộ gia đình theo Thiên Chúa giáo, Tin Lành, Hồi giáo. Những người theo Ấn Độ giáo, Phật giáo, Kỳ Na giáo, đạo Sikh, theo hôn nhân sắp xếp. Mỗi ngày chủ nhật, các tờ nhật báo bằng tiếng Anh, tiếng Ấn Độ đều có khoảng 6-32 trang quảng cáo về hôn nhân sắp xếp.

Thống kê về ly dị tại Ấn độ làm thế giới ngạc nhiên, những cuộc hôn nhân không thành công phần lớn thuộc về hôn nhân tình yêu, hôn nhân sắp xếp có tỷ lệ ly dị ít hơn. Ngày xưa, còn có luật lệ khắt khe từ phía Ấn Độ giáo, chồng chết sớm người vợ phải chôn theo, bây giờ đã cấm và hủy bỏ. Chồng chết phần lớn chị em phụ nữ không tái giá. Nếu như trụ cột kinh tế của nhà đó không vững, phía nhà chồng sẽ cho tiền. Khi lập gia đình, phía vợ nộp tiền hồi môn, nộp càng nhiều của hồi môn thì chồng càng thương nhiều. Số tiền hồi môn đó làm cho người vợ có thể tự lập được một phần theo luật thừa kế, chồng chết vợ và các con được thừa hưởng.

Phụ nữ Ấn Độ, sau 7 giờ tối, ngoài đường phố hầu như không thấy. Nó trở thành văn hóa rất hay, từ thế hệ này sangthế hệ khác. Người nam Ấn Độ ít hư vì không có quán kara- oke, không có bia ôm, không có quán rượu, quán bia tràn lan, không có các tụ điểm ca nhạc. Lâu lâu mới có địa điểm chiếu phim, khi vào các rạp hát khác nhau để quan sát thử thì rạp chiếu phim chỉ có người nam không có người nữ.

Tới các công viên hay những khu công cộng không có cảnh tình tứ giữa nam nữ. Chuyện đó là chuyện phòng the ở nhà. Ra ngoài đường, vợ chồng cầm tay nhau dìu dắt đi cũng rất hiếm. Đó là những gia đình thuộc Hồi giáo, Thiên chúa giáo còn gia đình Ấn giáo, Phật giáo, Kỳ Na giáo, mấy nghìn năm qua, nó vẫn thế. Nền văn hóa phương Tây lan tràn vào Ấn Độ nhưng cũng không làm băng hoại nền văn hóa gốc của họ. Người Ấn Độ được xem là người khép kín nên họ giữ được truyền thống rất hay.

Người Ấn Độ hiếm khi cưới người ngoại quốc. Không phải giàu đến cưới họ là được. Họ thích lấy chồng, lấy vợ là người Ấn Độ. Mức độ tà hạnh trong các dục đối với những người chân chính của Ấn Độ hầu như hiếm. Họ biết giữ mình, dầu có thương, mình phải sống chung với người do cha mẹ sắp xếp không phải do mình chọn. Thái độ chấp nhận đó làm họ giữ được cái quý giá nhất trong đời người.

Nền văn hóa phương Tây không chấp nhận điều đó, họ không quan trọng, dầu cho người đó đến với người khác 10 lần 20 lần 30 lần, miễn là khi đến với họ có được hạnh phúc hay không. Văn hóa phương Tây có điểm khác đó. Mỹ có mức độ ly dị 51%, nghĩa là 2 cặp hôn nhân có 1 cặp ly dị sau 3-5 năm kết hôn. Những cặp không kết hôn, chủ nghĩa độc thân bây giờ rất nhiều để họ có thể thoải mái chọn bạn tình, sống không thoải mái thì bỏ, đi tìm người khác, tình trạng chia tay không có hôn thú cao đến hơn 90%. Tự do tình dục không phải là con đường hạnh phúc gia đình. Ở điểm này, các nước phương Tây phải học các nước châu Á.

Tích Lan là nước Phật giáo, mức độ ly dị thấp nhất vì phần lớn họ giữ giới thứ 3, không tà hạnh trong các dục, trong Bát chánh đạo gọi là Chánh nghiệp. Giả sử chọn người nào đó mà không hài lòng, không như ý hoặc cha mẹ sắp xếp họ không hài lòng, không như ý, họ vẫn hoan hỷ, họ chấp nhận vì hạnh phúc của những đứa con, họ không cần ly thân cũng không cần ly dị.

Tự do nhiều quá đôi lúc cũng dẫn đến nhiều trục trặc khác. Giá phải trả của tự do là khổ đau không phải là hạnh phúc. Ở thế giới tự do, nhiều thứ cũng được thoải mái, hạnh phúc, nhưng nó phát triển hạnh phúc trên nền tảng của cá nhân, của riêng tư quá nhiều, lòng từ bi thương người, chăm sóc quan tâm giúp đỡ ngày càng ít, ngày càng bị giới hạn.

Đối với các bậc Thánh, không tà hạnh trong các dục là sự chuyển hóa năng lượng tính dục. Đây là nỗi ám ảnh của kiếp người và các loài động vật nói chung. Nó là từ trường dẫn chúng sinh vào trong sinh tử, là cục nam châm để nối kết âm với dương. Âm đẩy âm, dương đẩy dương, âm dương thu hút lẫn nhau. Tiến trình tâm linh đức Phật khám phá trong Bát chánh đạo làm sao chuyển hóa chúng không phải là đè nén hay ức chế.

PHƯƠNG PHKHÔNG TÀ HNH

Ở trong kinh đức Phật có rất nhiều phương pháp để dạy người xuất gia trẻ chuyển hóa tính dục. Ví dụ như quán tình thân: Lớn tuổi xem như cha mẹ, nhỏ hơn là em, nhỏ hơn nữa là con cháu, xem người đó là ruột thịt, huyết thống trực tiếp không phải là người dưng nước lã để ta không khởi lên những ý niệm loạn luân. Nỗi đam mê trong việc hưởng thụ sẽ được khắc phục ở một mức độ khá tốt.

Việc quán thân bất tịnh là một trong những nghệ thuật để ta vượt qua được cơn thèm khát thú tính của con người. Ta nhờm gớm nó thì ta không thỏa mãn nhiều. Hoặc quán xác chết được trải qua 9 giai đoạn: Từ trương sình, thối, rã mục, trở thành tro cốt bị các con thú ăn v.v… làm cho ta cảm thấy đến một lúc nào đó, thân thể này trở về với đất nước gió lửa, sống không nên tôn sùng nó như Thượng đế phải thỏa mãn nó bằng nhiều hình thái khác nhau. Phương pháp quán thanh tịnh của tâm sẽ giúp ta hài lòng với những gì đang có. Sự hài lòng sẽ giúp mình giữ được giới thanh cao.

Những người đàn ông không hài lòng dễ ngoại tình. Ví dụ ra ngoài gặp nhân viên, gặp những người dưng nước lã, người ta chào đón, vui vẻ, tôn trọng, giúp đỡ tiền bạc. Trong khi đó, người vợ ở nhà mình cũng giúp đỡ nhưng họ không niềm nở như những người kia. Những người chồng so sánh như vậy dễ dàng không giữ vững được đạo đức. Những người vợ cũng tương tự. So sánh giữa chồng mình với chồng hàng xóm, đi đến ngoại tình tư tưởng rồi ngoại tình thật và phá vỡ hạnh phúc gia đình.

Đạo Phật là tôn giáo duy nhất cho đến thời điểm này dạy ta thấy rõ tác hại của tính dục, chuyển hóa nó để trở thành một bậc Thánh. Trong quá trình phát triển của đạo Phật có một số trường phái cho phép lập gia đình. 3/4 Phật giáo Tây Tạng, các nhà sư lập gia đình, các sư cô sống độc thân. Ở Nhật Bản, trên 50% các nhà sư lập gia đình. Ở Việt Nam, có một vài trường phái cho phép lập gia đình. Mặc dầu quần chúng vẫn chấp nhận các vị tu sĩ có gia đình đó hướng dẫn đời sống tâm linh và họ phát triển rất mạnh về phương diện nhập thế nhưng ta nên biết rõ họ chỉ trở thành bậc cao tăng không thể trở thành bậc Thánh tăng.

Đóng góp nhiều cho Phật giáo, cho xã hội, cho chúng sinh làm cho ta trở thành một người cao thượng, có phước báo. Muốn giải thoát khỏi sanh tử luân hồi, phải chuyển hóa được tính dục. Chính vì thế từ nhiều năm về trước, chúng tôi chưa bao giờ khích lệ người tại gia tu giải thoát, cũng không yêu cầu họ phải tu cùng ngôi tâm linh với người xuất gia để được giải thoát, họ vẫn còn đời sống vợ chồng. Đời sống vợ chồng không bao giờ giải thoát. Đó là nói theo tinh thần Phật học của kinh điển mà đức Phật tuyên bố trong A Hàm, Nikaya và Đại thừa.

Các vị đạo sư, các vị giảng sư về phương tiện truyền bá pháp môn của mình nói rằng niệm Phật một câu tiêu tội vô lượng, lạy Phật một lạy phước tăng hà sa có thể là đới nghiệp vãng sinh. Đó chỉ là phương tiện, chuyện đó không bao giờ có. Tu sĩ đôi khi tu vài chục kiếp, trong đời này vài chục năm mà còn chuyển hóa tính dục chưa hết. Có người vẫn bị gãy đổ ở quãng đường còn lại, có người bỏ cuộc giữa chừng.

Hiện tượng đó, các tổ Việt Nam thường nói là “trứng cá, bông xoài”, rơi rụng rất nhiều. Đó là quy luật đào thải tự nhiên. Con đường tâm linh đức Phật dạy rất khó nhưng có giá trị làm cho con người trở thành bậc thánh thật sự.

CHUYỂHÓA TÌNH DỤC

Trong kinh TrườngBộ đức Phật nói, ngoài sa môn Thích tử, không có sa môn đích thực được gọi là thoát sinh tử. Câu nói đó làm cho nhiều người sốc, cho rằng đức Phật đề cao chính mình và học trò của mình, hạ bệ những tôn giáo khác. Thực ra đúng là vậy, chỉ có đạo Phật, đức Phật mới dạy sa môn mình chuyển hóa năng lượng tính dục.

Người tại gia được hưởng thụ nó bằng cách không tà hạnh trong các dục, một vợ một chồng chân chính đàng hoàng, còn người xuất gia phải chuyển hóa nó rốt ráo, suy nghĩ trong tâm tưởng cũng không nên có, trở thành người giải thoát thật sự.

Ai dính vào đó trở thành người phàm dù họ rất tốt. Giữ được giới này đối với người xuất gia quan trọng nhất. Các trường phái khắp nơi trên thế giới vẫn cho các vị Lạt Ma tái sinh Tây Tạng là Thánh, đó là chuyện của họ, theo thước đo Phật học không chấp nhận được. Giữ được giới không tà hạnh trong các dục đối với người tại gia giúp họ trở thành một chân nhân vô úy.

Đối với người xuất gia, chuyển hóa tính dục một cách trọn vẹn trở thành năng lượng từ bi, phổ cập truyền bá, giúp đời, cứu người không giới hạn, không phân biệt đối tượng nữa. Đây là sự khác nhau căn bản giữa người tại gia và người xuất gia.

Phần chánh nghiệp trong Bát chánh đạo gồm có 3 hành động liên hệ đến thân. Thực tập được 50% ta trở thành người tại gia chân chính, có phước báo ở cõi người và ở cõi trời. Thực hiện 100% ta trở thành những bậc Thánh thật sự. Ai là người tại gia muốn trở thành Thánh có 3 trường hợp sau:

Thứ nhất, người không lập gia đình mới có thể phát triển 100%. Thứ hai, người bạn đời hôn thú qua đời, người còn lại không tái giá. Thứ ba, cả hai vợ chồng sau khi sống đời sống vợ chồng mấy chục năm, về cuối đời không bận tâm đến việc hưởng thụ nữa, mặc dầu sống với nhau nhưng không còn quan hệ tình dục xem nhau như bạn đạo.

Nhiều người Phật tử làm được như thế. Lúc đó nó là nguyện vọng chung của hai người, sự phát nguyện chung của hai người, không gây ra bất kỳ trở ngại nào cho cuộc sống vợ chồng. Họ vẫn có thể trở thành những bậc thánh. Một trong hai người làm, người kia không hoan hỷ, người làm đừng có làm quá mức như những sư cô, những người tu, người còn lại cảm thấy khủng hoảng, họ phải đi tìm kiếm ở chỗ khác để lấp vào những khoảng trống.

Người phụ nữ khi trở thành Phật tử thuần thành hay lạnh nhạt với đời sống vợ chồng. Họ nên hiểu để thông cảm với chồng mình, đừng làm gắt quá khiến các ông chồng có mặc cảm với Phật pháp là không nên. Phật tử tại gia chú tâm tu phước báo thì phù hợp hơn, đừng nóng vội việc tu giải thoát.

Trong kinh đức Phật khuyên người tại gia mẫu mực như hai vị Cấp Cô Độc (nam) và Visaka (nữ). Trở thành hai con người như thế quý báu lắm. Ai muốn giải thoát trở thành người xuất gia, đừng nên lẫn lộn giữa hai điều này: Người xuất gia sống hạnh như người tại gia là người phá đạo, người tại gia sống hạnh như người xuất gia là phá hạnh phúc gia đình của mình. Tại gia sống hạnh phúc của người tại gia, xuất gia sống với hạnh phúc Niết bàn của người xuất gia. Đó là hai con đường đức Phật vạch ra cho chúng ta đi tốt đẹp hơn.

Người tại gia đi tu hết thì ai phát triển xã hội, ai đóng góp cho cuộc đời. Ta phải xác định rõ sở trường của mình là tại gia hay xuất gia. Có nhiều người rất giỏi về tại gia, thấy người tu hay quá, bắt chước đi tu nhưng khi đi tu không phát huy được gì uổng đi. Có nhiều người thích hợp với xuất gia, mình thương những người xuất gia rước họ về làm chồng, làm vợ mình. Họ không phát huy được gì hết, như thế cũng không nên.

Hãy để người xuất gia yên vị với đời sống thong dong, thoát tục, mình ủng hộ họ để họ trở thành những vị thánh mẫu mực cứu giúp cuộc đời. Người tại gia hãy sống và tạo phước báo tốt để thông qua mình, nhiều người được học hỏi cái tốt, sửa đổi cái xấu; mình trở thành những người Phật tử lợi lạc cho xã hội. Bản chất của chánh nghiệp trong trường hợp này cũng trở thành một phương tiện để hoằng pháp rất tốt.

***

 
00:00
 
00:00