Bát Chánh Đạo 7 - CHÁNH NIỆM: NỀN TẢNG CÁC PHÁP MÔN

Giảng tại Trường Hạ Tịnh Xá Trung Tâm, ngày 14-08-2009

Phiên tả: Võ Thị Thu Thảo

***

GIÁ TRỊ CỦA CHÁNH NIỆM

Chánh Niệm là cẩm nang đời sống tâm linh, là thực tập thường nhật của tất cả hành giả. Trong Bát Chánh đạo, quan trọng thứ nhất là Chánh kiến và Chánh tinh tấn, sau đó là Chánh niệm. Khi có Chánh niệm, phát ngôn của chủ thể nhận thức bao giờ cũng là ngôn ngữ từ ái, hòa hợp, văn hóa và lợi lạc. Khi có Chánh niệm đi đầu các hành động của thân không dính đến sát sanh, trộm cướp và tà hạnh, tránh được tất cả các tai nạn lao động, tai nạn giao thông.

Chánh niệm giúp cho nghề nghiệp hợp pháp, hợp với phong tục tập quán, văn hóa của các dân tộc nơi chúng ta đang sống, như những thực thể của đời sống. Chánh niệm được xem là nền tảng vững chắc. Đứng ở vị trí thứ bảy nhưng Chánh niệm được xem là chủ đạo của tất cả các phương thức hành vi và điều chỉnh các nhận thức, đưa cảm giác con người vào quỹ đạo của sự chân chính. Kết quả của sự hành trì đạt ở mức độ cao nhất.

Chánh niệm trước nhất là ý thức về thế giới ngoại tại và nội tại, trong đó không có bất kì một sự vướng dính nào về phương diện cảm xúc, thái độ và nhận thức. Ý thức về thế giới ngoại tại là việc mà tất cả chúng ta làm gần như 24 giờ/ ngày, 12 tháng/năm. Lúc nào con người còn sống, ý thức về thế giới ngoại tại vẫn tiếp tục diễn ra, ngay cả trong tình huống khi một phôi thai hiện hữu trong cơ thể mẹ, các cô bé cậu bé bắt đầu hình thành mầm sống cũng đã có ý thức về ngoại tại, đó là sự tiếp xúc của cơ thể chúng với cơ thể người mẹ, thế giới ngoại tại trong tình huống này là sự xúc giác của thân.

Sự khác biệt giữa một người thực tập Chánh niệm và người không thực tập là ở chỗ tiếp xúc. Người bình thường vướng dính, dẫn đến hai phản ứng tiêu cực, hoặc tham ái đối với những gì cảm thấy hợp gu, ngọt ngào, dễ thương, dễ chịu, tâm đầu ý hợp, phù hợp với cái gu về biệt nghịêp và cộng nghiệp. Trong khi đó đối với những đối vật, tình huống, sự kiện, con người, đối tượng giao tế không hợp nhãn, không hài lòng mà phải tiếp xúc gặp gỡ thì tạo nên phản ứng của lòng sân dưới hình thức là sự hiềm hận, phá hoại, thương tổn, loại trừ, thanh toán…

Chánh Niệm là một tiến trình điều chỉnh thái độ nhận thức và phản ứng của cảm xúc để giúp con người không rơi vào hai thái cực vừa nêu. Nhờ đó, hành giả loại trừ, vượt qua được lòng tham, sân; do vậy nhổ lên được gốc rễ của si. Nói cách khác, khi thực tập Chánh niệm ta giải quyết được các phần bợn nhơ của thân và tâm ở mức độ khá đáng kể.

CHNH NIỆNỘTÂM

Đối với thế giới nội tại, việc khắc chế để cho ý niệm con người trở nên chân chính khó khăn hơn nhiều. Phần lớn các hoạt động của tâm thức dưới dạng chiều sâu là vô thức. Vô thức giống như các loại máy bay tàng hình, đài ra đa dò xét, phát hiện ra không được, phải có những hệ thống tinh vi đặc biệt mới có thể phát hiện được chúng.

Những tâm ý dưới dạng vô thức như những tên biệt kích. Khi có những ý niệm sơ suất, thiếu sự làm chủ của tâm, chúng xuất hiện và nắm chính quyền, làm cho Chánh Niệm trở thành kẻ bị đảo chính, đời sống tâm linh có vấn đề. Đối với những tên biệt kích thầm lặng, ta đặt kế hoạch một cách cụ thể để khắc chế chúng. Thiết lập Chánh Niệm với thế giới nội tại bên trong, chủ yếu làm thế nào những gì đã qua, khóa lại ở chỗ nó xuất hiện, cho các sự việc, công việc có duyên, có nhân dẫn đến sự hiện hữu, phát triển, nỗ lực.

 Khóa lại những việc trong không gian và thời gian nơi nó xuất phát giúp cho hành giả thiết lập được Chánh niệm. Nhà thơ Hồ Dzếnh có lần nhớ lại mối tình đẹp của mình, đã thốt lên hai câu:

Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy Nghìn năm hồ dễ mấy ai quên.

Những hình ảnh đẹp của một tình yêu lý tưởng, hai quả tim cùng một nhịp đập, cùng một hơi thở vận hành trên mọi nẻo đường đời, chỉ là một cái yêu chớp nhoáng, lòng cảm thấy đã bị thuyết phục, cuốn hút bởi ngoại hình, giọng nói, tiếng cười, dáng điệu, cách thức ứng xử hay bối cảnh văn hóa của gia đình người mình thương, làm cho phần lớn những người mới bắt đầu yêu, đặc biệt yêu lần đầu khó có thể quên được. Những hình ảnh đó mang theo suốt cuộc đời. Tình yêu đó gọi là “Lý tưởng hóa”. Cái gì lý tưởng hóa không có thật, giữ hình ảnh tình yêu lý tưởng trong tâm là giết chết tình yêu đang có mặt ở hiện tại. Ký ức hay còn gọi là sức nhớ của trí não không phải là Chánh niệm. Ta không đưa nó trở về với quỹ đạo và tách ly khỏi sự vướng dính của nó qua hai phản ứng thái độ cảm xúc là tham ái và sân hận.

Những sử gia và khoa học gia có bộ nhớ tuyệt vời vẫn không được xem là Chánh niệm. Chánh niệm không chỉ đơn thuần là tập trung tâm ý. Các nghệ nhân trong lĩnh vực điêu khắc, các họa sĩ tập trung để vẽ ra một bức tranh tuyệt tác, hầu như các lĩnh vực của khảo nghiệm, tiến hành các thí nghiệm trong phòng thí nghiệm đòi hỏi sự tập trung cao độ, thậm chí quên ăn bỏ ngủ, vẫn không được xem là Chánh niệm. Nó chỉ là phần thể hiện tính cách nhất tâm vốn được xem là nền của Chánh niệm.

 THỰTẬCHNH NIỆM

Nhất tâm là tập trung vào một đối vật. Nhất tâm của Phật giáo có khả năng giải phóng nỗi khổ niềm đau và sử dụng đối vật này như một phương tiện chuyển hóa tâm ý, nó khác với đối tượng tập trung thông thường của các ngành nghệ thuật hay các lĩnh vực khác. Các từ điển Phật học thường định nghĩa chánh niệm là “tĩnhmặc”, tức giữ cho tâm mình lắng trong hay sự lặng soi bên trong.

Biết bao nhiêu người nhìn vào bên trong nhưng càng nhìn càng khổ, càng đau. Ví dụ tác giả của bài caThói đời nhìn vào bên trong mình rất nhiều và ông than thở: “Soi bóng đời bằng gương vỡ nát”. Sau biết bao ba chìm bảy nổi, người ta có khuynh hướng quay về với chính mình. Xem lại những thước phim về chính mình với những mối quan hệ xã hội, cách ứng xử trong những sự tương giao, ta thấy rất rõ trong tình huống này. Cuộc đời đa số không có được niềm vui và hạnh phúc, toàn là những bất hạnh. Thay vì soi cuộc đời bằng Chánh Niệm, bằng thực tại của chính nó, tác giả lại khích lệ nhìn cuộc đời qua cái bóng của quá khứ.

Bóng dáng là những gì thuộc về quá khứ, không thuộc về hiện tại đang diễn ra, đang là. Khi ngắm nhìn cuộc đời bằng lăng kính của quá khứ, bóng dáng này toàn là những kinh nghiệm bất hạnh, về nhận thức tác giả đang vướng phải là các đối vật trong những gương vỡ nát, không phải là gương lành. Ta có hàng trăm ngàn gương lành nhưng khi đặt sự tập trung soi chiếu vào bên trong sai phương pháp ta sẽ thấy toàn méo, sai, trật, bế tắc.

Chiếc gương vỡ nát làm cho gương mặt cũng vỡ nát. Các đối vật được tương phản trong gương đó cũng đều vỡ nát, không có gì là đúng với nguyên thể của nó. Tĩnh lặng soi chiếu bên trong không có được ý niệm chân chính là tách rời vướng dính với trần đời.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có lần rơi vào hoàn cảnh như vậy: “Im lặng, tôi thở dài. Im lặng, tôi ngắm nhìn sông. Im lặng, tôi ngắm nhìn núi..”, hàng loạt những im lặng đó, cuối cùng “Im lặng, tôi thở dài”. Sự chán chường, tuyệt vọng, nhìn trong, nhìn ngoài thấy đâu cũng bế tắc, đâu cũng là nỗi khổ.

Nếu nói tiến trình của sự nhìn ngoài, nhìn trong một cách có chú tâm là Chánh Niệm thì tưởng như ai cũng đạt được một cách dễ dàng. Trên thực tế, nội dung của chánh niệm cao hơn nhiều. Hãy nhìn bằng sự không vướng dính, ý thức đang quan sát và phản ánh thế giới thực tại như nó đang là, nhận thức đó mới được gọi là Chánh Niệm. Hạn chế sự tỉnh thức của các giác quan đối với thế giới trần cảnh chỉ là phần bắt đầu để giúp chúng ta dễ dàng tập trung vào một đối vật ngay một thời điểm trong một không gian, thời gian, để tâm ta không bị loạn tưởng. Nó chưa phải là bản chất của Chánh Niệm, bởi vì sự dính trên đối vật đó vẫn có.

Các phương pháp thực tập thay thế đều dẫn đến một sự vướng dính trong nội tại tự thân, đối vật được loại trừ thường có tác dụng tiêu cực. Vướng dính cái thiện chân vẫn được xem là một phương tiện tốt. Đối tượng được thay thế trong Chánh Niệm cần phảỉ được tháo gỡ giống như xây cất tòa lâu đài hay là building nhiều tầng. Dàn giáo để xây dựng không thể không có, nhưng sau khi hoàn thành tòa nhà hay lâu đài, dàn giáo còn để nguyên thì chức năng sử dụng của ngôi nhà bị đánh mất.

CHUYỂHÓA TỪ CHÁNH NIỆM

Thực tập Chánh niệm, bước đầu ta phải mượn các đối vật, đối tượng, ở mức độ tích cực để chúng ta loại trừ những tiêu cực, để tâm không bị hụt hẫng và không có những phản ứng phụ trái với những gì chúng ta đang hướng về. Chánh niệm được hiểu là ý thức trọn vẹn về hiện tại trong sự sâu lắng không có những vướng chấp, giúp cho hành giả vượt khỏi chủ nghĩa quá khứ và chủ nghĩa tương lai. Chủ nghĩa quá khứ ta tạm gọi chủ nghĩa hồi đó, chủ nghĩa lịch sử, chủ nghĩa khảo cổ, chủ nghĩa các thứ khó quên. Mỗi lần, ta sống với chủ nghĩa quá khứ, các dữ liệu lịch sử được tái hiện thêm một lần nữa, dẫn đến hai phản ứng, tiếc nuối hoặc khổ đau. Đối với những tích cực, điều tốt, không còn trong hiện tại làm cho chúng ta tiếc, khó quên, đối với tiêu cực, cái xấu hoặc mình từng là nạn nhân, nỗi khổ niềm đau có cơ hội được sống dậy, hâm nóng thêm nhiều lần nữa.

Chánh niệm trước nhất là vượt thoát khỏi do chuyển hóa đối tượng, đối vật, sự kiện, con người và những diễn tiến của quá khứ dầu dưới bất kỳ một hình thái nào. Chủ nghĩa tương lai thường được thiết lập trên những ước vọng và bắt đầu của nó là những kế hoạch, dự trù, dự tính. Một hiểu lầm rất căn bản khi cho rằng người tu Chánh niệm theo tinh thần Phật dạy sẽ có cái nhìn thiển cận bởi vì không có lo xa như Nho giáo đã nói: “Nhân vô viễn lự, tất hữu cận ưu” (Người không lo xa, tất bị buồn gần). Ai không biết lo chính mình, vô tư, phó mặc cuộc đời mình cho vận mệnh, người đó sẽ bị khổ đau níu kéo gần bên gang tấc. Thực tập Chánh niệm ta sống một cách trọn vẹn trong hạnh phúc, an vui, vượt khỏi mọi chấp trước ở hiện tại tương lai, hạnh phúc chắc chắn nằm trong lòng bàn tay của ta.

Mối quan hệ nhân quả của Chánh niệm ở hiện tại và tương lai là hai chiều, do vậy không phải tốn công viễn tưởng tới những thứ mà nó không có, bởi vì người thực tập Chánh niệm có khả năng trực quan và một phần của năng lực ngoại cảm trên nền tảng của trực quan xảy ra trong tương lai, ứng xử và trải nghiệm một cách rất bình tĩnh, thanh tịnh, không vướng mắc.

Chúng ta thực tập Chánh niệm, sống hiện tại lạc trú là có chiều sâu về tương lai, có tầm nhìn xa, trông sâu, hiểu rộng… Ứng xử chân chính vẫn được thể hiện ở một mức độ cao nhất, đây là điều chúng ta cần phải tin. Người nào sau khi thực tập Chánh niệm, có cảm giác buông bỏ hết trách nhiệm, người đó đã thực tập sai, bởi trách nhiệm là hiện tại và là sự nối tiếp trong tương lai.

Nhiều Phật tử thực tập thiền, Quán niệm hơi thở hoặc Tứ niệm xứ, Công án và Thoại đầu sai phương pháp, khi trở về đời sống gia đình không thiết màng đến bất cứ điều gì. Thực tập đó chỉ tốt đối với người xuất gia, người tại gia được xem có vấn đề. Đời sống tại gia cái gì cũng xả hết là hiểu lầm. Trên nền tảng thực tập chánh niệm ta cần phải điều chỉnh, chánh niệm là người sống rất năng động, nhiệt huyết, an vui, hạnh phúc, không vướng dính trên thành quả, trên các dự kiến v.v...  giá trị của nó rất cao.

Ở một phương diện khác, ta có thể nói Chánh niệm là sự trung hòa các phản ứng cảm xúc để cho dòng chảy của khổ đau, khuynh hướng của hạnh phúc và sự trung lập trong thái độ được tâm chúng ta làm chủ, thấy rõ sự vật như ta thấy các chỉ tay trong lòng bàn tay của mình. Khi cái xấu được ý thức nhìn thấy rõ, nó trở nên bẽn lẽn, thẹn thùng, mắc cỡ, tự điều chỉnh lấy.

Hệ thống an ninh ngày nay có kỹ thuật máy quay thu hình, ghi lại bất cứ sự kiện gì diễn ra. Người ta có thể truy ra ai là tác giả của những vụ trộm cắp, khi các hoạt động chính thức trong ngày đã được kết thúc. Vụ ăn cắp kim cương tại Anh, cảnh sát an ninh cho quay chiếu lại hết các thước phim khi hai người lạ mặt, một người da trắng, người da đen, ăn mặc sang trọng nên chuyên viên an ninh không theo dõi. Họ vào trong khu vực trưng bày kim cương chỉ trong vòng 2 phút, 2 kẻ lạ mặt đã rút súng, lấy các hạt kim cương quý trị giá 1.200 tỷ đồng Việt Nam. Đến bây giờ, toàn nước Anh đang truy lùng không có một tin tức gì. Người ta chỉ thấy lại những thước phim quay lại dáng đi của những người đó đi vào bên trong rút súng và hết. Mặt mũi vẫn thấy nhưng không biết họ ở đâu. Đường máy bay trên toàn quốc đã được cung cấp dữ liệu, các đường biên giới, đường bộ đã được cung cấp thông tin, hình ảnh và các thước phim, vẫn không tìm ra những người này, cứ một quãng đường, họ đổi một chiếc xe. Họ đổi đến 3 lần xe, nên tông tích gần như bị xóa. Chiếc máy ghi nhận để phục vụ chức năng an ninh được xem là máy Chánh niệm. Nó không phán xét, không đánh giá, không tạo ra phản ứng của cảm xúc, thích, ghét, tiêu cực hay tích cực. Nó chỉ ghi nhận các hình ảnh đang diễn ra trước mặt một cách chuẩn xác.

TRUNG HÒA CẢM XÚC

Chúng ta thực tập Chánh niệm để trung hòa các phản ứng cảm xúc. Phải thấy rõ cách vận hành của khổ đau, hạnh phúc và trạng thái đứng chựng lại, trung tính không có phản ứng gì hết, là ba dòng cảm xúc, các hành giả thực tập thiền quán ở mức độ cao. Ở mức độ ban đầu, chuyển hóa được dòng cảm xúc tiêu cực được xem là thành công. Nó làm cho chúng ta hân hoan, an vui, hạnh phúc hơn. Người tại gia thực tập ở mức độ này được xem có kết quả tốt. Người xuất gia càng phải vượt qua cảm giác trung tính, phần lớn nó là dây mơ rễ má của si. Phần trung tính vì ta chưa có trực quan về nhân quả chuẩn xác, nên chưa có phản ứng, thiên lệch về hai thái cực cảm xúc, khổ đau hay hạnh phúc. Trung tính trong tình huống đó là bế tắc, được liệt vào si. Phản ứng về khổ đau đôi lúc có phần si, phần sân, phản ứng về hạnh phúc có một phần của tham ái, một phần của si, cái gì đi ngược lại với nó tạo ra thái độ của sân. Bộ ba nối kết với nhau rất nhuần nhuyễn, đồng hành trên mọi nẻo đường. Khi ta trung hòa được các phản ứng cảm xúc, tâm trở nên thanh tịnh trên nền tảng của sự lắng đọng có chủ ý và huấn luyện, kết quả mọi sợ hãi được tan biến. Sợ hãi là nền tảng nguy hiểm nhất và cũng là kẻ bức tử Chánh niệm.

Một hành giả có nỗi sợ được thể hiện qua sự hồi hộp, tim đập mạnh, hơi thở dồn dập, không tự tin về chính mình, lo âu, bồn chồn, đứng ngồi không yên, khó lòng thực tập được Chánh niệm một cách có kết quả. Việc thực tập Chánh niệm đồng lúc tiến hành với chuyển hóa các năng lực tiêu cực của sợ hãi. Thực tập Chánh niệm có phương pháp là người có bản lĩnh, dám đối diện, đối đầu không hề thấy nỗi khổ, nỗi đau, xem mọi thứ diễn ra rất bình thường, không đáng để quan tâm.

Ta vẫn thấy rõ, biết sâu về mọi thứ diễn ra với mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý nhưng ta không bị vướng dính bởi nó. Trong kinh tạng Pali và kinh tạng Đại thừa, trình bày Chánh niệm trên bốn phương diện là thân cảm giác, tâm và đối tượng nhận thức của tâm gọi là Thân, Thọ, Tâm, Pháp. 16 pháp quán niệm hơi thở chủ yếu là chánh niệm trên thân, một phần có nối kết với Chánh niệm của tâm, vận dụng ở một phương diện nào đó của cảm xúc, để hành giả đạt được an vui, hạnh phúc.

Nếu có đủ thời gian, các hành giả trong một buổi thực tập nào đó có thể chọn 16 pháp quán niệm, hoặc có thể chọn Tứ niệm xứ. Tức là 4 đối tượng quán niệm quan trọng nhất, bao quát nhất, căn bản nhất, được gọi là Chánh niệm. Công án và thoại đầu vốn có khả năng tạo ra nghi tình, hoài nghi này là mâu thuẫn về ngôn ngữ trong sử dụng, giải mã hoài nghi là sự sai lầm. Dù được gọi là nghi tình nhưng ta phải xem nó như là đối vật để tâm được tịnh chỉ và không bám víu vào các đối tượng chung quanh, hành giả đạt được trạng thái Chánh niệm. Phần dựa vào một nghi tình, dựa trên một công án hay một thoại đầu, quá đơn giản làm cho người thực tập có cảm giác mình đạt được Chánh niệm và Chánh định rất nhanh, về lâu về dài trở nên nhiều bế tắc.

Ta bỏ qua một kỹ năng quan trọng mà đức Phật hướng dẫn là quán chiếu trên thân, quán chiếu về tâm, về cảm xúc và đối tượng của chúng. Bốn đối tượng này là bản chất đời sống, phần rất quan trọng, dự phần của tất cả mọi sự thực tập. Giữa phương pháp thực tập công án và thoại đầu của các tổ Trung Hoa và Tứ niệm xứ của đức Phật, về lịch sử ta thấy Tứ niệm xứ sâu sắc hơn.

THỰTẬTỨ NIỆM XỨ

Các tổ Trung Hoa đã giới hạn việc thực tập Tứ niệm xứ ở mức độ đơn giản hơn, thực dụng hơn. Đơn giản và thực dụng đôi lúc dẫn đến sự phản tác dụng với phần lớn các hành giả. Ví dụ khi thực tập về thân các tổ Trung Hoa dạy: “Thân bất tịnh”, dĩ nhiên bất tịnh chỉ là phần của thân, không phải tổng thể của thân, cần phải quán chiếu. Trong kinh tạng Pali, đức Phật, chia ra nhiều góc độ khác nhau, để chúng ta quán chiếu về thân. Thứ nhất, hơi thở ra vào, 16 pháp quán niệm là sự mở rộng. Ta phải nhìn thấy rất rõ hơi thở ngắn, dài, trung bình, đang được vận chuyển từ lỗ mũi đi vào hệ thống thanh quản, đi vào phổi, lúc đó lồng ngực chúng ta nở ra một chút, đi vào bụng, xuống đan điền, giữ lại vài giây để cho vận hành của trực khí, tạo ra phản ứng và đẩy ra bên ngoài. Tiến trình sự đẩy của trược khí đi ra bên ngoài rất rõ như thấy một hình thể nào đó rất rõ ràng.

Chánh niệm trong hơi thở của thân trước nhất là làm cho con người có một quá trình trao đổi chất, máu, nơron thần kinh được kích hoạt, các căng thẳng của cơ bắp, tâm ý được thư giãn, con người trở nên hân hoan, tươi mát, thoải mái, sảng khoái. Do đó thực tập hơi thở Chánh niệm giúp cho chúng ta sống thọ và vượt qua được nhiều các bệnh tật. Chánh niệm trong hơi thở, không phải chỉ thực tập trong lúc chúng ta thiền. Những giờ nghỉ giải lao 15 phút hay nửa tiếng, sau hai giờ làm việc liên tục, một số người bận rộn trong việc tâm sự, đôi lúc rơi vào khuynh hướng “chuyện bà tám”. Dùng thời gian đó, chúng ta đi bách bộ, các cơ bắp và thần kinh ngoại biên, thần kinh cảm giác được kích hoạt, làm cho cơ thể được tốt, hơi thở sâu lắng nhẹ nhàng, quán chiếu trời xanh mây bạc, giúp con người được thoải mái hơn sau giờ nghỉ giải lao. Trong Chánh niệm của hơi thở, ta thấy có sức khỏe, thoải mái hơn. Trước khi thi cử hay một việc gì đó quan trọng, chỉ cần ta có 15 phút ngồi chánh niệm hơi thở, tâm trí sẽ sáng suốt, làm gì sẽ có kết quả cái đó.

Khi Barack Obama tranh cử chức tổng thống ở giai đoạn cuối, internet đã công bố một bức ảnh khá ấn tượng: Obama đang ngồi thiền mặc dù ông là người Thiên chúa, nhưng sự thực tập về Chánh niệm của ông khá cao. Trước một buổi họp, ông ngồi thiền quán đôi mươi phút rồi mới làm. Quán chiếu hơi thở làm cho con người trong suốt giống như ta để một ly, không có gió tác động, trong một thời gian, ly nước có những bợn được lắng xuống bên dưới.

Ly nước chanh nếu như ta để các muối chanh nhỏ hoặc những xác chanh đã được vắt vào trong ly, một lát sau chúng nằm xuống dưới đáy ly hết. Hơi thở có khả năng thanh lọc tạo ra sức khỏe và tạo ra Chánh niệm ở mức độ khá cao. Đối tượng quán chiếu của thân bao gồm tư thế, đi, đứng, nằm, ngồi, co, duỗi, trong lúc thức cũng như khi ngủ đều được các hành giả quán chiếu và thấy rất rõ, không có gì có thể qua mặt được người có Chánh niệm.

 Các trung tâm thiền chỉ và thiền quán ở Miến Điện kéo dài thời gian quán chiếu các động tác, làm cho tướng đi của con người trở nên mất bình thường. Trong kinh tạng Pali lẫn kinh tạng Đại thừa, ngay cả trong các bản sớ giải cũng không dạy chúng ta đi như thế. Các trung tâm thiền tại Miến Điện dạy co duỗi lên, kéo dài giống như những người tập thái cực quyền nhưng chậm hơn vài lần.

Khi quan sát người thực tập Chánh niệm theo phong cách Miến Điện, từ xa chúng ta tưởng như họ bệnh tâm thần, tức không điều chỉnh được các động tác đi đứng của mình, đừng nên để quá chậm. Mặc dù việc theo dõi cử động chậm có thể làm cho chúng ta dễ dàng nhiếp tâm, nhiếp ý, sau giờ thực tập trong thiền viện, ngoài xã hội ta không thể sống như thế được.

Tư thế đi nên vừa phải, đừng quá chậm, quá chậm làm cho người ta cảm thấy mình hơi gượng gạo. Quá nhanh là sai, quá chậm là thái cực đối lập. Trong các bản kinh, đức Phật không phân tích thời gian chậm hay nhanh, quan điểm về chậm nhanh lệ thuộc vào chiều cao của con người.

Người lùn đi nhanh vì bước chân của họ ngắn, họ phải đi nhanh hơn mới có thể bằng người có chân dài. Bây giờ mình đưa ra một quy chuẩn đi bao nhiêu giây một bước, những người chân dài nếu đi một bước sẽ bỏ xa người đi chậm. Đi nhanh đánh mất Chánh niệm là hiển nhiên, vì lúc đó ta đang đuổi theo thời gian, chạy theo công việc, biến cơ thể của mình như một cái máy, sinh ra để làm, để kiếm tiền, kiếm tiền để hưởng thụ.

Người phương Tây dáng đi của họ không được thong thả. Các bà mẹ Việt Nam nên dạy các con của mình rằng đi, đứng, nằm, ngồi phải có ý tứ, đó là một phần của Chánh niệm. Ý tứ đó tạo ra sự thùy mị ở người con gái. Người con trai nếu đi đàng hoàng, chững chạc, vừa phải, ta thấy uy dũng được hiển lộ ra bên ngoài.

Từ nhỏ khoảng 2, 3 tuổi ta phải tạo dáng đi cho con em của mình. Rất nhiều cha mẹ không quan trọng chuyện này, nhiều con gái con trai, gương mặt rất đẹp nhưng tướng đi hình chữ “bát” rất xấu, tướng đi nhũng nhĩnh, nghiêng qua nghiêng lại, không trang nghiêm. Ta phải để ý từ lúc còn nhỏ, tập huấn luyện sau này lớn lên đi sẽ không bị lắc lư, cộng thêm cái đẹp của thân thể làm cho hấp dẫn gấp đôi. Dĩ nhiên là thực tập Chánh niệm thông qua các tư thế đi, đứng, nằm, ngồi không phải để có dáng đi đẹp. Làm thế nào để cho các phản ứng không bị rơi vào sự vướng dính của cảm xúc.

Đức Phật không phải vô cớ tạo ra chiếc y quấn, Phật giáo Nam tông và khất sĩ vẫn duy trì. Một tay thong thả, một tay nắm lấy y, ta không có cơ hội đánh đong đưa. Nhờ đó tướng đi rất trang nghiêm, đắp y vào ta thấy phong thái đặc biệt hơn. Bên Bắc tông, hàng ngày các tu sĩ đều mặc áo hậu và đắp thêm một chiếc y nữa, nhìn rất đĩnh đạc.

Cả hai tay đều trong tư thế trang nghiêm, thả xuống coi cũng không được, trong đời sống thường nhật ta chỉ mặc áo cà sa, sự múa máy của đôi tay, nếu không có Chánh niệm về thân có thể bị mất. Đức Phật rất sâu sắc trong việc thiết kế chiếc y dựa trên nền tảng văn hóa y phục của người Ấn Độ, làm cho hai động tác của thân, thông qua tay và chân, nhờ đó Chánh niệm được có mặt.

QUÁN THÂN BẤT TỊNH

Ta cần phải quán chiếu các hợp phần của thân mà trong kinh đức Phật gọi 36 yếu tố trược uế bao gồm: Tóc, răng, lông, móng, thịt, da, tế bào, tủy, gan, thận, v.v... tất cả đều gọi là thể trượt, vì nó có tính năng làm dơ người tu tập theo con đường giải thoát, không quan tâm đến vấn đề này để cho sự chấp trước về chúng không nhiều.

Tiến trình hình thành cơ thể, đức Phật phân tích gồm có 4 nguyên lý, chất rắn, chất lỏng, chất vận động và chất nhiệt. Chất rắn là các tế bào, các nguyên tử, các phân tử hình thành cơ thể vật lý. Chất lỏng gồm có máu, mủ, mồ hôi và nước trong cơ thể. Chất vận động là hơi thở ra vào. Chất nhiệt là toàn bộ thân nhiệt bên trong và thân nhiệt thể hiện ra bên ngoài. Nếu không có bốn nguyên lý này sự sống của con người kết thúc. Mất một trong bốn yếu tố, sự sống không thể nào tồn tại lâu. Quán chiếu rõ như vậy thì việc thực tập vô ngã tự động có mặt. Cuối cùng, quán thân cần phải thấy rõ tiến trình tan rã của nó, quán tưởng, tức là 9 giai đoạn kể từ khi con người tắt thở, thể hiện màu xanh, màu xám, trương sình, hôi thối, mục rã, ruồi bu kiến đậu, các côn trùng rút rỉa ăn, sau đó còn lại những tro cốt mục đi. Các tiến trình như vậy làm cho ta thấy thân thể là túi hôi thối, không nên tôn thờ nó như Thượng đế.

Thế giới phương Tây đã khai thác nỗi sợ hãi và sự quan trọng hóa về thân thể của con người để làm tiền, thông qua các dịch vụ bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tai, mắt, mũi, họng. Đối với những người bảo hiểm cơ thể mỗi khi có tai nạn, những bộ phận đó được đền bù rất cao. Càng chạy theo chế độ bảo hiểm chừng nào nỗi sợ hãi con người lớn chừng đó.

Người Việt Nam, Campuchia hay là những cư dân của châu Phi, vốn là những quốc gia nghèo khó, sống mấy mươi năm tại những nước này, khi sang Hoa Kỳ hoặc những quốc gia có chế độ bảo hiểm cao chừng ba năm trở lên, nỗi sợ hãi về bệnh tật bằt đầu giống như dân bản địa. Sợ bệnh, sợ đủ thứ, cái gì cũng phải bảo hiểm. Nền văn hóa của họ là vậy, kinh tế cũng thế.

 Bảo hiểm nhà, chống cháy, chống trộm, bảo hiểm xe hai chiều, bảo hiểm đủ thứ. Tiền bảo hiểm gần như chiếm 50, 60% trên tổng doanh thu. Khi sống với chế độ như vậy ta có cảm giác an toàn. Có trục trặc gì xảy ra do vô thường, công ty bảo hiểm sẽ bồi hoàn. Nên nỗi sợ hãi không hiển lộ bên ngoài nhưng nó trở thành mạch nước ngầm bên trong. Sống ở những nước nghèo, con người ít sợ. Có nhà sư nào ở Việt Nam mà có bảo hiểm y tế đâu, hoặc có ngôi chùa nào bảo hiểm chống cháy hoặc chống trộm. Chỉ có bảo hiểm nhân thọ, do sợ chết không có người lo. Người tu thì không sợ những thứ này.

Đức Đạt La Lạt Ma, nhà lãnh đạo cao nhất về tâm linh Tây Tạng, chỉ có hai lính gác theo luật định của chính phủ Ấn Độ, đâu có gì là an toàn, có cho vui, thực ra không quan trọng. Giáo hoàng của Vatican đi tới đâu phải ngồi trong một chiếc xe chống đạn, B40 bắn không thủng, để tạo sự an toàn tuyệt đối. Các nguyên thủ quốc gia đi tới đâu hệ thống an ninh siết chặt tới đó.

Tổng thống Bill Clinton khi thăm viếng Việt Nam lần đầu tiên, lực lượng an ninh phải có mặt ở Việt Nam trước nửa tháng để nghiên cứu phi trường, tất cả các ngõ đường, hệ thống an ninh lắp đặt rất kỹ. Một động tĩnh gì đó của người quan sát đều được ghi nhận, thấy biết. Hệ thống an ninh tưởng rằng đó là an toàn nhưng thực sự làm cho người ta sợ chết.

Người vô úy, hay đang làm công việc ban bố sự vô úy như Bồ tát Quan Thế Âm sống rất thong dong. Người sống thong dong không chết, người sợ dễ chết vì sợ làm cho mình mất tự nhiên, lúng túng phản ứng, giống như khi băng qua đường, sợ xe sẽ tông vào, có người cứ nhảy tới nhảy lui, cuối cùng bị đụng thật. Khi không sợ, mình đứng cho xe chạy qua rồi đi tiếp. Người như thế là đang có được Chánh niệm trên cơ thể vận động của mình.

Việc thực tập chánh niệm trong thân thể làm cho chúng ta trở thành một người rất đĩnh đạc. Nét đẹp đó được gọi là nét đẹp trang nghiêm. Người tu càng phải thực tập cách này, ngay từ ngày đầu tiên vào làm chú tiểu ở trong chùa. Nơi nào huấn luyện tốt về oai nghi, sự Chánh Niệm trên thân có mặt. Khi còn nhỏ, các thầy lớn không giải thích cho các Sa-di đó là Chánh niệm. Mỗi một bài kệ quán niệm thường ứng với những động tác, những tình huống. Khi thân và tâm ứng vào tình huống đó, ta không còn bị loạn động ở những tình huống còn lại, đó là Chánh niệm của thân và Chánh niệm của tâm. Thực tập bài bản làm cho các chú tiểu chững chạc. Ở chùa nào nhận chú tiểu đi phụ việc, làm thị giả, quạt và xoa bóp cho thầy, quét chùa mà hướng dẫn chánh niệm thì thật là tội nghiệp cho các chú. Có nhiều chú tiểu không được hướng dẫn việc thực tập Chánh niệm từ ban đầu, dù có mặt ở trong chùa năm bảy năm vẫn không có kết quả. Ở Việt Nam có quá ít các trung tâm, các thiền viện để hướng dẫn, tạo ra đời sống thiền môn chững chạc, sau này mới phát huy được năng lực tâm linh ở mức độ tối đa.

QUÁN CẢM GIÁC

Chúng ta quán chiếu ba phương diện của cảm giác: Sự sinh khởi, diễn tiến và hoại diệt của nó. Sanh là các tình huống, bối cảnh, điều kiện, hoàn cảnh cảm xúc được xuất hiện, dẫn đến thái độ tham ái với những cái hợp gu và hiềm hận với những cái không thích. Ta phải nắm được các nguyên nhân dẫn khởi ra chúng, mới có thể chiến thắng và vượt qua.

Nhiều người sử dụng phương pháp đè nén tưởng rằng mình đã vượt qua được cảm xúc, sau một thời gian đè nén những hạt giống cũ, các bợn nhơ của cảm xúc bắt đầu tái xuất hiện lại như những tên ma đói, sự vướng dính vào trong cảm xúc càng nhiều. Đè nén và gây áp lực không phải là tiến trình chuyển hóa, không được xem là một giải pháp.

Quán chiếu về sự sanh khởi của dòng cảm xúc, ta thấy rất rõ cảm xúc luôn luôn diễn ra theo chiều hướng nước chảy xuống, tìm chiều thuận để bám vào. Thuận hợp mắt, hợp tai, hợp mũi, hợp miệng, hợp thân nó sẽ vướng dính với nhau. Không hợp phải tách ly như lực ly tâm. Đối với các cảm thọ hạnh phúc tâm ý của con người dính trong cảm xúc này giống như thỏi nam châm, dính lấy tất cả các kim loại, khó buông được.

Giống như dầu hắc trải trên đường, dầu hắc và đá làm cho đường bằng phẳng, xe dễ chạy, muốn chúng tách ra không phải là chuyện dễ. Phải quán sát về các nguyên nhân dẫn đến sự “dính”. Trong tham ái do khả ý, khả lạc, khả dục, đối với các đối vật mà ra. Muốn chấm dứt bằng cách nhìn dòng cảm xúc chỉ đơn thuần, các hành giả thấy rõ cái gì làm cho mình dễ bị đắm nhiễm, ta cố gắng vượt qua chúng, không để vướng dính.

Có người nghe mùi ngũ vị hương, hòa với các loại thực phẩm mặn, từ xa lỗ mũi không máy động, nhưng ngồi kế bên, để kế bên, sống kế bên chưa chắc đã thành công.

LCHỦ CXC

Tu ở các ngôi chùa tại thành phố khó hơn các ngôi chùa ở rừng núi. Các đối cảnh, đối vật phần lớn thuận lợi, ta dễ dàng nhiếp tâm hơn. Tu ở trong thành phố được xem “tu xuống núi”, dấn thân, phụng sự, đóng góp cho cuộc đời là chính. Muốn an toàn trong “xuống núi” thời gian “lên núi” là năm bảy năm, tùy theo người và năng lực tâm linh vốn có phải hết sức cố gắng, thời gian “xuống núi” vài mươi năm mới được xem là đảm bảo.

Khái niệm “lên núi” và “xuống núi” là nghĩa bóng, không phải lên rừng hay vào núi mà tu. “Lên núi” là thời gian huấn luyện tâm thức, còn “xuống núi” là thời gian mình làm các Phật sự ở các nơi ngoài xã hội. Mỗi một ngày, đức Phật đều lên núi và xuống núi, về nghĩa đen và nghĩa bóng.

Đức Phật sống trên núi, từ núi Linh thú vào trong thành Vương Xá, khất thực, thuyết pháp, giảng kinh, làm các Phật sự xong ngài trở về núi. Động tác lên xuống tự nhiên do thực tập mà tái nạp năng lực tâm linh. Trong thực tập phải được xem là các yếu tố rất quan trọng. Ta xuống núi mà không lên núi trong một ngày, một tháng, một năm, năng lực có thể bị hao mòn.

Quán chiếu về phản ứng sân hận của cảm xúc cho chúng ta thấy các đối vật không ưng ý vừa lòng cần vượt qua. Có nhiều người có tính cách anh hùng tưởng mình đã buông xả được các đối vật không như ý, ví dụ như một đứa bé hay người làm việc dưới cấp của mình lỡ có lỗi lầm, mình bỏ qua nghĩ rằng việc do nó nhỏ, còn dại khờ chưa biết, hoặc ta là chủ nên rộng lượng bỏ qua, bỏ qua như vậy không phải là sự vượt qua được cảm xúc. Ta sẽ tạo ra một phản ứng đối lập, nó là người lớn, ta chấp, hoặc nó là người có kinh nghiệm làm lâu mà phạm những lỗi ta sẽ không bỏ qua. Nó đã được nhắc nhở nhiều lần vẫn như thế ta sẽ loại trừ. Việc phân tích nguyên nhân trỗi dậy một niềm sân về phương diện cảm xúc không dựa lên trên chủ nghĩa “anh hùng rơm”, vì “anh hùng rơm” đến lúc nào đó đối tượng hơn ta, mạnh hơn ta, ta không thể bỏ qua được. Phải thấy rõ bất cứ đối vật, đối tượng đó là gì, là ai, vấn đề chính yếu đừng để dòng cảm xúc của mình chạy theo sự sân hận, lúc đó hành giả được xem như làm chủ được sự sanh khởi của dòng cảm xúc. Làm chủ được như vậy hành giả đạt được an vui. Làm chủ được cảm xúc khó nhất trong tất cả các làm chủ của Chánh niệm. Cảm xúc như một dòng chảy bị tác động bởi mặt trăng, mặt trời, gió, những tác động xung quanh khác. Có người nhạy cảm lỗ tai, có người nhạy cảm con mắt, có người nhạy cảm thân, có người nhạy cảm lỗ mũi, đi đến đâu cũng nghe mùi. Bất cứ sự nhạy cảm nào đều là nỗi khổ. Mình nhạy quá nên mỗi cái nháy mắt, một động tĩnh nhỏ của đối tác, làm cho ta có cảm giác thích hoặc không thích.

Người nhạy cảm dễ thành công trong ngoại giao do biết rõ được tâm ý của người đang đối diện, đang đối tác với mình, nhưng khi trở về chính bản thân điều này là một trở ngại. Nó giống như cục hít nhỏ, nằm trên cục hít lớn, đi tới đâu dính tới đó, bắt mạch rất rõ cảm xúc của người khác, hành động của người khác, thái độ của người khác dễ dàng vướng dính và khổ đau.

Người thực tập Chánh niệm về cảm xúc, không có nghĩa trở thành người đần, người không nhạy cảm, người vô tri vô giác, không biết gì hết. Ta biết rất rõ nhưng ta không bị vướng dính vào nó. Người nữ thực tập Chánh niệm cảm giác khó gấp nhiều lần so với người nam. Bản chất của người nam có bán cầu cảm tính ít hơn bán cầu lý tính ở người nữ, bán cầu lý tính nhỏ hơn bán cầu cảm tính, cảm xúc của người nữ rất mạnh.

Nhạc sĩ Ngọc Lễ đã nói về cảm xúc của người nữ: “Con gái nói có là không, nói không là có. Con gái nói một là hai, nói hai là một. Đừng nghe những gì con gái nói, hãy nhìn vào đôi mắt…”. Tất cả đều thể hiện ở chân mắt, tức ruột để ngoài da, tình cảm của người nữ phần lớn là thế. Có nhiều chị em phụ nữ rất sâu sắc, có thể làm chủ cảm xúc trong ngoại giao, khi về sống với chính mình thì khổ. Chuyển hóa được cảm xúc, ta giải quyết được khổ đau 70, 80%.

CHNH NIỆVỀ TÂM

Tâm có nhiều cặp phạm trù: Tâm thiện, tâm ác, tâm tích cực, tâm tiêu cực, tâm tham, tâm buông xả, tâm sân, tâm hoan hỷ, tâm si, tâm trí tuệ, tâm chân, tâm giận… Ta có thể liệt kê ra hàng trăm ngàn các loại tâm tương tự như thế. Nhưng trong việc thực tập không cần phải quá nhiều, chỉ thấy tâm luôn luôn xuất hiện theo cách đối lập, có khi nghiêng về phía bên này, có khi nghiêng về hướng ngược lại hoàn toàn. Ai sống với các cặp tâm đối lập như thế là người không có lập trường, dễ dàng bị dao động.

Nghe người A nói cảm thấy hữu lý quá, nhưng khi sang người B, nghe người B nói thấy cái này cũng có lý, thấy cái nào cũng đúng hết, rốt cuộc không có cái nào đúng. Người có chánh tâm luôn có cái nhìn quyết đoán nhưng không độc đoán, độc tài, bởi vì họ có trực quan chính xác. Trực quan đó phù hợp với nguyên lý nhân quả của vũ trụ, của sự vật hay trong tự thân của mình. Cần hạn chế một cách tối đa các sai suất trong phán đoán và ứng xử trong cuộc đời.

Hành giả chứng được quả thánh thứ ba trở lên vượt qua được trở ngại rất cao. Phương pháp thực tập thiền tri vọng của Thiền sư Thanh Từ là một phần của Chánh niệm, ở đây là niệm về tâm. Chủ trương của Thiền sư Thanh Từ là biết vọng không theo. Vế thứ hai “không theo” rất quan trọng: “Biết vọng mà đè nén vọng vọng sẽ phát triển mạnh, biết vọng mà ức chế vọng sẽ nổ tung”.

Chánh niệm đối với tâm giúp cho hành giả thấy rất rõ 5 trói buộc làm cho con người bị rơi rớt trong các cảnh giới thấp. Dục giới, sắc giới và vô sắc giới, cần phải được vượt qua. Năm trói buộc thấp bao gồm: Tham, hận, hôn trầm, trạo cử, hòai nghi. Tham bao gồm: Tham dục, tham ái, tham lam, tham vọng, tham tiêu cực, tham tái sanh, tham đoạn tuyệt hay bất cứ tham muốn nào làm cho chúng ta trở thành người phàm đều được xem là đối tượng chuyển hóa của quán chiếu về tâm.

Hiềm hận nguy hiểm hơn, như tổng hành dinh của sân, thể hiện qua lời nói và việc làm cụ thể, bao gồm quát tháo, chửi bới, đánh đập, khạc nhổ, dẫm đạp, bắn giết. Hoặc loại trừ những việc trên, chiều kích vô thức hoặc sâu lắng bên trong là sự hiềm hận. Hận người nào đó, hiềm khích người nào đó, ganh tỵ, khó chịu hay bất đồng, được xem là con đẻ của hiềm hận, rất khó vượt qua.

Người ta thường nói “Người hiền tánh cộc”, tức vượt qua được phần thô của sân dễ nhưng dứt phần sân vi tế rất khó. Chúng ta chỉ cần thực tập Chánh niệm trên thân trong vòng 3 ngày, 5 ngày ta có thể dứt được sân thô, tức nói nặng nói nhẹ ba lần không sao, nói đến lần thứ tư là có vấn đề. Có người nói 30 lần không sao nhưng đến lần thứ 31 có vấn đề, hiềm hận đang nằm ở đó, chỉ cần đào đến mạch của nó bùng phát, người đó có thể phản ứng một cách mạnh mẽ và nguy hại. Chuyển hóa được hiềm hận, hành giả sẽ thoát được sự trói buộc của tâm, làm cho tâm con người bị rơi vào các cảnh giới thấp.

Hôn trầm và thùy miên là bạn song sinh. Hôn trầm là trạng thái tâm không sáng suốt, có người nói đó là phần đầu của trạng thái rũ rượi tâm. Không phải buồn ngủ, là trạng thái tâm không quyết đoán, đăm đăm chiêu chiêu, thả hồn vào quá khứ, thả tâm về tương lai, không dứt khoát, chần chừ, băn khoăn không quyết định được gì hết, nó thuộc về trạng thái hôn trầm.

Người phán đoán chậm hoặc rơi vào chủ nghĩa xét lại. Sau khi đã quyết định được một cái gì đó, rồi suy xét lại đều thuộc về hôn trầm, điều đó tàn phá các mối quan hệ rất nhiều, tàn phá sức khỏe và dòng cảm xúc của chúng ta. Sống giao lưu với những người theo chủ nghĩa “xét lại” rất mệt. “Ông ta không phải là người xấu, sao ông ta giúp tôi một cách vô điều kiện?”. Người ta tốt với mình cũng đặt vấn đề lại, đều thuộc về hôn trầm. Hoặc khi nghe người ta phân tích một cách tiêu cực bắt đầu cảm thấy sợ, từ đó có những thái độ dè dặt, băn khoăn.

Trong khi đó, phần thùy miên thuộc trạng thái thân thể, sức khỏe rã rượi, buồn ngủ do suy nhược cơ thể hay suy nhược thần kinh. Có thể dẫn đến những tình trạng như bóng đè, nhiều người có cảm giác ma nhập, ma đè, thực tế không phải. Do máu huyết không lưu thông, sức khỏe kém, tác động nhiệt bên ngoài, ngủ cháy thời gian dưới nắng chiều, hiện tượng bóng đè sẽ có mặt.

Chỉ cần khôi phục sức khỏe bằng vận động tay chân, cơ bắp thích hợp, đừng quá kiệt sức, ta sẽ khắc chế được. Trạng thái ngủ nghỉ, ngủ nhiều, ngủ dai, ngủ một cách mệt mỏi, ngủ đến mức người khác dùng tay chân lay động, dùng cây đập vào mình mà vẫn không thức thuộc loại hôn trầm quá nặng. Trong lúc người ta thức, mình ngủ cũng gọi là hôn trầm. Hoặc trong lúc làm việc mà ngủ gục, ngủ gật cũng là thùy miên, hoặc trong lúc sinh hoạt mình cảm thấy mở mắt không lên, hay đang chạy xe mở mắt không ra, ngủ từ bên trong, ta hãy dừng lại. Đừng ráng. Phần lớn các tài xế không có kỹ năng này dẫn đến tai nạn chết người và hại cho cuộc đời của mình.

Trước khi trở thành tài xế nên học một khóa thiền, biết kỹ năng vượt qua hôn trầm và thùy miên, đừng cưỡng lại nó. Có người ráng, nói rằng tôi có đủ sức khỏe để vượt qua, ngủ từ bên trong dù mắt có mở đi chăng nữa vẫn ngủ. Có những chú tiểu bên ngoài ngủ 10 tiếng, vào chùa thực tập ngủ có 6 tiếng mỗi ngày trong giai đoạn đầu, tay vẫn gõ mõ, miệng vẫn niệm Nam mô A Di Đà mà trong trạng thái ngủ.

Khi ngủ gục, bị kích hoạt thần kinh ở vùng cổ, làm cho mình tỉnh thức. Ai ngủ mà không bị gật người đó sống thọ vì ngủ sâu, ngủ như thể là mình đang thức. Có nhiều người ngủ giống như đang khép mắt, người ta tưởng mình đang tâm đắc, nghe một cách chú tâm, những người ngủ như thế sức khỏe phục hồi rất nhanh. Ngủ ngáy được hiểu không ngủ sâu, không ngủ sâu sức khỏe yếu, dễ bị đột quỵ. Ngủ ngáy là một bệnh lý.

Ai ngủ ngáy, hơi thở cũng loạn động như chính cơ thể của người đó. Vách trong vùng thanh quản, trong lỗ mũi có vấn đề. Muốn điều trị không phải dễ, phải đòi hỏi đến năm bảy năm, có kinh nghiệm của bác sĩ giỏi, mới vượt qua.

Trạo cử là sự dao động trước nhất của thân, sau của tâm. Một người đi quá nhanh được gọi là trạo cử, một người đi lề mề cũng gọi là trạo cử, một người ngồi rũ rượi cũng được gọi là trạo cử, không phải dao động mới trạo cử. Vào trong những sòng bạc, những người nằm giống như xì ke, chán nản, rũ rượi, bần thần, chán chường, thất vọng đều được gọi là trạo cử. Trạo cử ở mức độ đối lập với sự dao động của thân. Vừa tắm vừa ca, vừa đi vừa ca, ngồi bắt chéo tay chân đều là trạo cử.

Ta thực tập Chánh niệm trên thân, khắc phục được trạo cử, phần dao động của tâm không có. Con mắt liếc qua chỗ này, liếc qua chỗ nọ là trạo cử, những người trong khi tiếp xúc con mắt máy động nhiều quá người đó không đáng tin, hoặc người đó thiếu tự tin. Người thiếu tự tin không làm được việc lớn.

Chiến thắng được trạo cử của tâm con người trở nên điềm tĩnh, có một sức mạnh nội tại, có một uy thể hiện ra bên ngoài, mỗi một cử chỉ, đi, đứng, nằm, ngồi của người đó cũng làm cho người ta cảm thấy bội phục, kính phục. Người có trạo cử la mắng, quát tháo, chạy long nhong, gọi chung là lăng xăng, không làm cho con cái phục mình, không thể làm cho đệ tử, đàn em phục mình được. Tu sĩ càng phải tu tập để vượt qua trạo cử, nó làm cho tâm bị trói buộc ở cảnh giới thấp.

Nghi là bà con của hôn trầm. Do thiếu kiến thức về Tứ diệu đế, nhân quả, duyên khởi, vô thường, vô ngã, do không tin về đời sống tâm linh, do đánh mất niềm tin về đời sống kiếp sau, do đánh mất khả năng ở chính mình, hoặc không thấy được tiềm năng vốn có trong một con người, người như thế được gọi là sống trong nghi hoặc. Nghi hoặc càng nhiều, khổ đau càng lớn, bởi vì người đó đi tới đâu cũng có vấn đề với mình, vấn đề với người. Năm loại trói buộc tâm mà không vượt qua được, tu thiền không bao giờ có kết quả, con đường thực tập chuyển hóa bế tắc hoàn toàn. Trong phương pháp thiền công án và thoại đầu, tổ sư và những vị thiền sư hướng dẫn không quan tâm đến 5 trói buộc thấp này.

Vào năm 1988 Hòa thượng Duy Lực sang Hoa Kỳ, tôi rời chùa Từ Ân về lại chùa Giác Ngộ. Hòa thượng Duy Lực chấm tôi ngay thời điểm đó, mong tôi làm thị giả để hỗ trợ cho Hòa thượng về phiên dịch kinh từ tiếng Hán sang tiếng Việt, tôi đã đóng góp một phần cho Hòa thượng. Sau thời gian, tôi đọc lại kinh Tứ diệu đế và kinh Tứ niệm xứ, thấy rõ các phương pháp của đức Phật, có một trình tự bài bản hơn phương pháp của các Tổ Trung Quốc.

Mặc dù rất kính vị thầy mình đang nương học nhưng tôi không chọn phương pháp đó. Mỗi khi Hòa thượng Duy Lực trở về Việt Nam hoằng pháp, tôi vẫn đến thăm, nhưng không truyền bá pháp môn công án và thoại đầu. Công án và thoại đầu, chủ yếu dựa ngôn ngữ để thiết lập Chánh niệm, khi ý thức chưa có mặt trên một ngôn ngữ, thông qua phán đoán, quy nạp, diễn dịch, tổng hợp, gọi là nguyên ngữ của một vế câu, thoại đầu để cho chúng can thiệp vào các phán đoán, gọi là thoại vĩ. Tức đuôi của một câu nói, ý thức làm cho Chánh niệm đánh mất. Triết lý đó có thể hay, phương pháp để đi vào nó rất khó, kết quả khó được đảm bảo.

Đức Phật dạy chúng ta rũ bỏ 5 trói buộc của tâm. Muốn tâm được chánh niệm phải rũ bỏ dây xích, dầu hắc, những miểng gai, kẽm gai, miểng chai bám trên nó hoặc nam châm phải tháo. Đây là 5 trói buộc làm cho mình rơi vào cảnh giới thấp. Ta tu hoài không có kết quả hoặc ngộ nhận ta có kết quả.

Đức Phật lấy 5 trói buộc thấp làm thước đo của tiến trình chuyển hóa tâm linh. Pháp môn nào không chuyển hóa được 5 thứ này, không đi tới đâu mặc dù nói thế này thế kia, cao siêu huyền diệu vẫn là phàm. Thước đo của đức Phật vẫn sâu sắc hơn rất nhiều so với thước đo của các vị tổ sư thiền sư ở Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam.

Tôi thường tâm niệm giữa Phật và Tổ, ta nên chọn Phật, ăn chắc mặc bền. Tổ chỉ là dữ liệu để tham khảo, học trò của đấng giác ngộ. Các vị tổ sư có thể có sở trường về một lĩnh vực, có thể có sở đoản ở những lĩnh vực còn lại. Đức Phật là sở trường toàn diện. Theo đức Phật ta có được tinh thần, niềm tin vững chắc. Học ở các Tổ ta sẽ đi theo một món nghề nào đó, ngoài cái đó ra ta không biết đến những thứ khác, có rất nhiều giới hạn.

QUÁN PHÁP VÔ NGÃ

Đối tượng quán pháp gồm có hai, đó là pháp hữu vi và chánh pháp. Pháp hữu vi trước nhất ta quán về sắc, thọ, tưởng, hành, thức, là vô thường, vô ngã. Để chúng ta không chấp với các phản ứng “là tôi, sở hữu của tôi, tự ngã của tôi”. Phần lớn khi luật pháp thiết chặt càng nhiều, tính chấp ngã, ngã sở hữu càng cao, đó là một điều hết sức mâu thuẫn nhưng là sự thật. Khi luật pháp không có mặt, an toàn về tính mạng, an ninh về thế giới không được đảm bảo. Nhưng khi các phương diện được đảm bảo, chấp ngã và ngã sở hữu của chúng ta sẽ gia tăng. Ví dụ như xây một căn nhà, mình phải nói nó là của tôi, luật pháp công nhận, trong sổ đỏ cũng ghi rõ. Chúng có giá trị, giao dịch, chuyển quyền sử dụng với những giá trị tiền tệ, những khế ước của xã hội, cho ta và người chủ tiếp nhận phải hợp đồng với nhau. Những sở hữu ta chấp nó đều thuộc về mình.

Thực tập vô ngã, vô ngã sở hữu của Phật giáo không có nghĩa là ta bỏ hết. Ví dụ trong nhà có mười cái ghế, ta quẳng ra ngoài đường không dùng nữa, có bao nhiêu tiền đem cho hết như thế là phá của, không phải là vô ngã. Vô ngã là khi ta sử dụng chúng, sử dụng thân thể vật lý không chấp nó là mình, xem nó như một chức năng có giá trị trong một thời gian. Tới lúc nó già chết, ta vẫy tay chào nó để mua một chiếc xe mới. Chiếc xe mới này đối với sinh vật có tình thức là phôi thai trong bào thai của người mẹ, ở cảnh giới của con người, ở hành tinh này hay hành tinh khác. Ai chấp nhận thân thể là chiếc xe, giữ kỹ nó bền, xài quá nhiều sẽ hỏng, hư dàn đồng, rã mục sớm hoặc bị tai nạn nhiều, dẫn đến những bệnh tật mà chết. Vấn đề ở chỗ ta chánh niệm cho nó đỡ chết sớm, thiếu chánh niệm nó sẽ chết sớm.

Quán pháp gồm có: Sắc, thọ, tưởng, hành, thức, phải thấy rất rõ nó là vô thường và vô ngã. Trong việc tương đối hóa về phương diện luật và đời sống thường nhật, ta vẫn sử dụng chúng, tiếp xúc với chúng, sinh hoạt với chúng nhưng không quá quan trọng về nó. Khi vô thường đến ta không khổ đau. Tất cả thế giới vật chất đều phải quán chiếu như vậy dù thuộc quá khứ, hiện tại hay tương lai. Tầm nhìn quán chiếu vô ngã vô thường giúp chúng ta vượt qua mọi khổ hạnh.

John Smith là khoa học gia cận hiện đại, người được xem thiết lập viên đá ban đầu của kinh tế thị trường, nhờ đó chủ nghĩa tư bản được thiết lập như người ta đã thấy qua vài trăm năm nay.

Chủ nghĩa xã hội đang cải cách khuynh hướng kinh tế cũ và chọn chủ nghĩa tự do về kinh tế ở mức độ “Tự do xã hội chủ nghĩa” hay “Thị trường xã hội chủ nghĩa”. Smith đã phát biểu như thế này: “Không có tài sản vĩnh hằng mà chỉ có tài sản dưới sự khôn ngoan của chủ nhân nó trong một giai đoạn, một bối cảnh thuộc về mình, thiếu sự khôn ngoan trong một bối cảnh khác nó thuộc về người khác”.

Ta hiểu câu phát biểu này dưới lăng kính vô ngã, cơn khủng hoảng tài chính toàn cầu làm cho gia tài bị tổn thất, sự nghiệp mất đi không làm cho mình bế tắc đến độ tự vẫn mà chết, hay mượn rượu giải sầu, hay thất điên bát đảo v.v... Ta biết tài sản đó không phải là của mình vĩnh hằng. Khi mình khôn ngoan, có phương pháp, đầu tư đúng thời cơ, thời điểm thì tài sản thuộc về mình; khi những cái đó không có, nó thuộc về người khác, hoặc bị mất, nó vô thường.

Thực tập vô ngã đồng nghĩa với việc ta hiểu vô thường về thời gian, vô ngã về không gian. Không có vật chất nào trong không gian không có sự vô thường với thời gian ở quá khứ, hiện tại và vị lai. Thực tập vô thường là hiểu được vô ngã, thực tập vô ngã là hiểu được vô thường. Thực tập được hai thứ này ta hiểu được duyên khởi. Hiểu được duyên khởi thì hiểu được sự tương đối của sự vật cũng chính là tuyệt đối. Tương đối chính là tuyệt đối, nếu có chỉ là sự tương đối. Ai thực tập vô ngã sẽ không còn chấp pháp.

Quán pháp trong kinh Tứ niệm xứ gồm 37 phẩm trợ đạo, không phải chỉ có pháp hữu vi có luôn cả pháp vô vi, không phải chỉ có những ảnh tượng chúng ta hình dung, không có thể; bao gồm thế giới hiện tượng từ cái nhỏ nhất đến cái lớn nhất. Đối tượng quán pháp khó thực tập nhất, khó chứng đắc nhất.

Quán thân dễ nhất, quán tâm dễ thứ hai, quán cảm xúc khó thứ ba, quán pháp khó thứ tư. Cảm xúc và pháp nối kết đa chiều với nhau cho nên tiếp xúc với pháp vật chất, dòng cảm xúc trỗi dậy ta khó làm chủ được các giác quan. Dễ đánh mất chân tâm, đánh mất tịnh ý, không còn ứng xử một cách khôn ngoan với thân và tâm, trở thành người phàm, kẻ tục.

Đức Phật chia ra bốn phương diện, mặc dù chỉ có thân và tâm. Tâm gồm ba phương diện: Thứ nhất là cảm xúc bao gồm cả thái độ, phương diện, thứ hai là tầm nhìn với những tâm chánh tà, v.v... thứ ba là các đối vật của tâm, các hiềm hận của tâm, các phương pháp chân chính để điều phục tâm, đều được xem là đối tượng của sự thực tập Chánh niệm.

Trong khi đó, thiền công án và thoại đầu bỏ qua tứ niệm xứ. Hành giả có nền tảng Chánh niệm theo kinh tạng Pali đi vào công án thoại đầu rất nhanh. Không có nền tảng này, khi đi vào thoại đầu, công án, thời gian sau dễ tẩu hỏa nhập ma, tưởng mình là tổ, rồi tuyên bố, không lặp lại những gì các bậc tổ sư đi trước. Chánh pháp khi mình chưa đạt, lại hủy bỏ, giống như không biết bơi mà không dùng đến thuyền hoặc phao. Nhiều người mới thực tập tưởng mình chứng đắc cao, trở nên cao ngạo và té đau trong sanh tử luân hồi.

Công án và thoại đầu chỉ thích hợp với những người từng trải qua giáo môn Phật học, mà vừa cốt lõi Phật pháp nên không rơi vào chủ nghĩa cực đoan. Bắt đầu vào Phật pháp mà đi vào công án thoại đầu là không tiến xa. Lúc đầu tiến rất nhanh sau đó chựng lại. Người tại gia không nên tu theo công án và thoại đầu, hướng đến con đường giải thoát. Người tại gia, khi hướng đến con đường giải thoát bị bế tắc, muốn giải thoát nên chọn xuất gia.

Chánh niệm thể hiện trọn vẹn nhất, đầy đủ nhất phải bao gồm bốn phương diện: a) Thân thể với tiến trình, nguyên nhân sanh khởi, hoại diệt, tổ hợp và diễn tiến của nó, b) Cảm xúc phải làm chủ được, khi vui, lúc buồn, c) Tâm với các cặp phạm trù đối lập của nó, phải thấy rõ để vượt qua, d) Pháp hữu vi, pháp vật chất, chánh pháp để thực tập đạt đến vô vi, đều phải quán chiếu và hành trì.

Hành giả làm được như vậy, có được Chánh niệm trong đi, đứng, nằm, ngồi, động, tĩnh, thức ngủ, trở thành thánh nhân hoặc dự phần thánh nhân, đi trên con đường, để trở thành thánh nhân không phải là khó.

 ***

 
00:00
 
00:00