Bát Chánh Đạo 8 - CHÁNH ĐỊNH

Giảng tại Trường hạ Tịnh xá Trung Tâm, ngày 22-08-2009

Phiên tả: Mỹ Tuyết

***

VAI TRÒ CỦA CHÁNH ĐỊNH

Chánh định là tầng thứ 8 của tòa tháp 8 tầng, lệ thuộc rất nhiều vào 7 tầng tháp dưới. Để chánh định có mặt sớm, bền vững, cho đến lúc hành giả chứng đắc đạo quả giải thoát, 7 tầng đầu không thể không có.

Chánh kiến đi đầu được hiểu là tầng thứ nhất, xác lập quan điểm, thái độ, tầm nhìn, xóa đi mê tín dị đoan, hay những quan điểm về số phận an bài, hoặc những triết thuyết cho rằng có nguyên nhân đầu tiên, hay quy kết nó vào vật chất, đều bị nghiền nát bởi cái nhìn của Chánh kiến.

Chánh tư duy là nhận thức, thoát khỏi tham, sân, si, giải quyết các vấn đề trên tinh thần hài hòa, rộng lượng, cởi mở, tha thứ, tương dung. Những phản ứng kéo theo, bao gồm hành động ngôn ngữ, tay chân, nghề nghiệp chân chính, tạo ra nền tảng đạo đức trong tương quan xã hội, được xem là hệ quả của tư duy chân chánh.

Chánh tinh tấn là sợi dây xuyên suốt cho tất cả những nỗ lực chân chính được thành tựu, những loại trừ tiêu cực được dứt điểm. Nhờ đó con người đạt được chánh niệm trong đi, đứng, nằm, ngồi, thức, ngủ, nói nín, co duỗi, động tịnh, đều có sự chân chính của đạo, chân chính với đời và chân chính với người. Hành giả mỗi bước chân đi vào tịnh độ, nhìn thấy được pháp thân như vậy, Chánh định là thành quả.

Nhiều hành giả đi theo các pháp môn, không nhấn mạnh đến 7 yếu tố đầu, xem Chánh định là nguyên nhân, để có được kết quả giác ngộ giải thoát. Tu tập như thế, đôi lúc ta gặp những trở ngại bởi vì các hạt giống cũ thuộc về thế gian còn dẫy đầy, dễ dàng tạo ra khủng hoảng trong đời sống nội tại, tâm linh của hành giả. Đi theo tiến trình tự nhiên ta sẽ không gặp bất cứ một phản ứng phụ.

Chánh định không nên hiểu đơn thuần là tập trung tâm ý. Nó là sự huấn luyện tâm thức, trên nền tảng ba yếu tố thiện không tham, không sân, không si. Nhiều ngành nghề, đòi hỏi mức độ tập trung cao, nếu trên nền tảng của những bất mãn, bất đồng, cảm thấy không thoải mái thì sự tập trung này thuộc về lòng sân. Có những tập trung do không biết gì, lặng lẽ, tưởng rằng mình đang có năng lực tu tập cao, thuộc về lòng si. Tĩnh lự hoặc bặt dứt những tâm niệm tham, sân, si được gọi là Chánh định, hay những yếu tố quan trọng để dẫn đến Chánh định.

NHẤTÂM QUÁN TƯỞNG

Chánh Định theo tinh thần Phật dạy luôn có yếu tố nhất tâm, chỉ có một đối vật duy nhất đang được sử dụng như một phương tiện chuyển hóa tâm, không có một hình ảnh thứ hai. Ai chung thủy giữa thân, tâm và hơi thở sẽ đạt được định ở mức độ cao nhất.

Hành giả giữ được hơi thở ra vào, ý thức quán tưởng theo dõi, thấy rõ sự vận hành của nó. Thân, tâm, hơi thở vận hành trong sự giám sát lẫn nhau, có mặt trong mọi hoàn cảnh được gọi là biểu hiện của nhất tâm. Nhất tâm như thế chính là dòng chảy của Chánh Niệm. Nhất tâm và chánh niệm là hai thước đo căn bản của chánh định. Các tập trung trong bất kỳ một lĩnh vực, ngành nghề nào không có hai yếu tố này, không được gọi là chánh niệm.

Chúng ta có thể phán đoán, đánh giá hành giả đạt được Chánh niệm tâm, không còn bất cứ một xao động gì, giống như mặt nước không có gợn sóng, sóng hiển lộ hay sóng ngầm. Nó không có tác động của ngoại tại trên đời sống nội tại của các giác quan. Hành giả làm chủ được nó một cách an toàn, phóng tâm đã được ngưng. Khi phóng tâm không có thì mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm, thân xúc chạm, ý nhận thức các đối vật chỉ đơn thuần là thấy, nghe, ngửi, biết. Không có những phản ứng cảm xúc thuận hay nghịch kéo theo sau. Hành giả không bao giờ lay chuyển, để cho bất cứ một phản ứng nào dính vào thân, dính vào tâm, dính vào hoàn cảnh, dính vào quá khứ, hiện tại, tương lai, nhờ đó phát triển được trí tuệ ở mức độ cao nhất.

Trong Bát chánh đạo, Chánh định được xem là yếu tố cuối cùng. Nhờ chánh định tuệ giác phát sinh ở mức độ cao nhất. Chánh kiến liên đới chánh định, chánh định duy trì chánh kiến. Chánh Định làm cho 7 yếu tố còn lại đạt được mức độ cao nhất. Chánh định vừa là nhân, vừa là kết quả, vừa là tiến trình của sự tu, vừa là tất cả những gì được chuyển hóa, đạt được ở mức độ cao nhất. Hiểu ở mức độ đơn giản, Chánh định là năng lực duy trì chánh tâm trên ngoại cảnh, một sự an trú có chánh niệm, có an lạc, có tĩnh tại. Thiếu bất kỳ một yếu tố nào trong những điều vừa nêu được gọi là sự tập trung tâm ý, không phải là nhất tâm chân chính. Theo định nghĩa, nhất tâm bất loạn của Tịnh độ là Chánh định. Tam mật tương ưng của Mật tông cũng có thể được gọi là Chánh định. Hành giả tịnh độ không để cho lời cầu nguyện, van xin tha lực can thiệp vào, ngay lúc ấy, giá trị Chánh định vẫn có mặt, giống như hành giả của thiền.

Ta có thể phân làm hai loại định, trên nền tảng định nghĩa vừa nêu: Phàm định, tức là sự tập trung tâm ý, đối tượng của nó là ba cõi: Dục giới, sắc giới, vô sắc giới, và Thánh định, định giải thoát.

Những thợ kim hoàn tập trung rất cao, để có thể cho ra một kiệt tác trang sức phẩm bằng vàng, kim cương. Các nhà khoa học, các bác học đầu tư vào các lĩnh vực khảo nghiệm trong các phòng thí nghiệm, đôi lúc quên cả ăn, bỏ cả ngủ, không thể được gọi là chánh định. Bởi vì mục đích, hiện thực, diễn tiến, kết quả đạt được là dục giới, sắc giới, vô sắc giới. Đây là phần định nghĩa khá căn bản của ngài Phật Âm. Tất cả những hình thái tập trung thuộc phàm tình không thuộc về Chánh định. Chánh định của Phật giáo vượt ra khỏi Tam giới, có khả năng hướng về Chánh đạo, trên nền tảng của nhất tâm, chánh niệm, để đạt được giải thoát.

LOẠN ĐỘNG TƯ TƯỞNG

Trở ngại lớn nhất của đời sống Chánh định là người thực tập rơi vào trạng thái luyến tiếc gia tài, sự nghiệp, tình yêu, quá khứ, tương lai, thất bại, mất mát, thương đau. Tất cả những loại này làm cho tâm rơi vào trạng thái độc thoại. Khi trạng thái không gian yên lắng chừng nào, mức độ của loạn động xuất hiện chừng đó. Hành giả phải hết sức lưu ý, đừng cho tất cả những tình huống kia đánh lừa mình. Để cho độc thoại đánh lừa, trải nghiệm yên lắng trong một thời gian, phần lớn người thực tập sẽ rơi vào trạng thái trầm cảm, không thiết màng đến bất cứ thứ gì trên cuộc đời. Người không có kinh nghiệm, chặn đứng lại dòng chảy lãnh cảm đó, sau thời gian họ sẽ bị tâm thần.

Có một Phật tử hỏi: Sau khi thực tập thiền vô vi của ông Lương Sĩ Hằng một thời gian, đầu của anh bưng bưng, muốn nổ tung. Đi khám bác sĩ chụp CT, không phát hiện bệnh gì. Đến các bác sĩ tâm thần, kết quả cũng không có cái gì đáng lo. Nhưng sự căng thẳng đau nhức ở trong đầu là một vấn nạn thường trực. Chúng tôi đặt ra giả thuyết, có phải anh tập trung con mắt ngay chính giữa trán không? Anh nói đúng là như vậy. Anh hỏi sao thầy biết? Tôi trả lời anh tập trung nhiều quá, hỏa vọng lên đầu căng thẳng thường trực phải rồi.

Trong khi đó, phương pháp tu tập thiền trên nền tảng của chánh định hay thực tập thiền để có được chánh định, ta nên buông thư tất cả các phản ứng cơ bắp và giác quan. Hành giả tập trung sai địa điểm, làm cho sự căng thẳng có mặt, hỏa vọng lên đầu. Rất may, anh ngừng sớm, không ngừng sớm sau này bị tâm thần. Một số hành giả theo phương pháp thiền Lương Sĩ Hằng có cảm giác mình bay bổng. Họ quán tưởng tâm thức xuất ra khỏi cơ thể, làm cho cảm giác nhẹ nhàng, lâng lâng, thư thái, thoải mái nhưng thực ra chỉ là ảo giác. Nhiều người sử dụng ảo giác đó, tưởng rằng mình đang được an lạc hạnh phúc thật như giải thoát, kết quả không đạt được gì.

THỰTẬCHNH ĐNH

Phương pháp thực tập Chánh định hay thiền của Phật giáo là làm sao cho tâm của mình chung thủy 100% đối với thân và hơi thở, không tách bất cứ một li tấc nào. Nhờ tâm có mặt mà ta thấy rõ sự vận hành của thân thể, dòng cảm xúc, của tâm, của những đối vật chính nó. Hành giả buông được, lắng được, nhẹ nhàng, thoải mái. Bằng không sự căng thẳng ngày càng cao. Có người đặt quá nặng sự tập trung trên đỉnh mũi, tạo ra căng thẳng, hỏa tiếp tục vọng lên đầu.

Trong kinh tạng Pali, đức Phật chỉ dạy đặt niệm trước mặt. Khái niệm đó được hiểu: Con mắt đừng quá nhắm lại, nhắm lại nó rơi vào trạng thái độc thoại bên trong, trong lúc chúng ta thiền định, ta vẫn không có được Chánh định. Ta mở to mắt 100% sẽ nhìn thấy các đối vật do vậy, sự dao động, làm cho cái thấy lao theo thế giới trần cảnh, từ đó con người đánh mất đi giá trị thư lắng. Khép mắt khoảng chừng 30- 50%, sự lắng dịu ở trước mặt, trên nền tảng phát huy chánh niệm, làm cho sự nhiếp tâm đi vào định tĩnh được diễn ra một cách an toàn dễ dàng, hỏa không vọng lên đầu.

Ai thực tập thiền một thời gian căng thẳng đầu óc, hỏa vọng lên thì nên dừng phương pháp đó lại, tập đi kinh hành, hay đi thiền hành, nhẹ nhàng thư thái thoải mái, để cho quá trình trao đổi chất làm cho các nơ-ron thần kinh tươi nhuận, mát mẻ, giải phóng tình trạng căng thẳng một thời gian 1, 2 ngày hãy quay trở lại, thực tập có người hướng dẫn. Khi có những dấu hiệu gì khác thường, căng thẳng, mỏi mệt, nhức đầu, hay toát mồ hôi, nóng trên đỉnh đầu, đỉnh trán, đều được xem là có vấn đề, do thực tập sai, cần phải tham vấn người có kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyên môn. Nhiều người tưởng mình hiểu được, tự làm, dẫn đến nhiều hậu quả khó lường trước.

Trạng thái quyến luyến làm trở ngại Chánh định. Quyến luyến về chỗ ở, người thân, tình yêu, sự vật, việc đã qua, về mất mát những tổn thất sẽ làm tâm bi rối loạn, không bình an. Tiếc nuối và quyến luyến là cặp bài trùng. Ai không thực tập, bỏ tiếc nuối và quyến luyến, ngồi tập trung càng bị khủng hoảng nhiều. Lúc đó hình ảnh quyến luyến trở thành năng lực khống chế, phủ trùm toàn bộ tâm thức của hành giả. Để thực tập tốt Chánh định ta phải có Chánh kiến và Chánh tư duy. Hai cái này là nguyên tử phá hoại quyến luyến và tiếc nuối. Không có thực tập Chánh kiến, Chánh tư duy, quyến luyến có mặt với Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng. Nó làm mình xao xuyến, bận tâm, dính mắc. Ta phải biết rõ để bỏ.

NHỮNG HỖ TRỢ CHÁNH ĐỊNH

Những hỗ trợ căn bản để thực tập Chánh định, trước nhất là thực tập hơi thở. Để tâm ý mình theo dõi hơi thở chuẩn mực, nhờ đó hành giả có thể nhiếp tâm, chuyên ý về một đối vật của thiền quán nhất định nào đó. Phương pháp thở không được phân tích rõ và chi tiết trong các kinh, đặc biệt là kinh tạng Pali, một lý do, khái niệm dài, ngắn và chuẩn mực ở mỗi người mỗi khác. Ta thực tập làm sao theo đúng lời dạy đức Phật. Thí dụ một hơi thở thật dài, hơi thở thật ngắn, ý thức rõ hơi thở dài, ngắn đó đang được đưa vào trong cơ thể thông qua mũi, khí quản, buồng phổi. Vận hành của nó đi đến chỗ nào, giãn nở của cơ thể, phải xuất hiện ở chỗ đó mới được xem đúng.

Hơi thở muốn tốt, ra và vào làm sao đừng nghe tiếng động, nếu không, sau một thời gian ta bị viêm mũi. Sức nóng và sức lạnh bên ngoài, va chạm quá mạnh với các mạch bên trong mũi làm cho viêm, nhất là khi trong phòng ấm, bước ra ngoài không gian lạnh, ta phải đứng khoảng chừng 5, 10 giây, để điều hòa thân nhiệt trước, sau đó mới tiếp tục di chuyển. Lúc đó, ta làm quen với khí hậu vừa thay đổi đột ngột, không làm cho cơ thể bị thương tổn, đặc biệt ở mũi.

Thực tập hơi thở trong Chánh định, hành giả tối kỵ thở bằng miệng, vì mất đi thân nhiệt, tổn hao khí, sức khỏe ngày càng bạc nhược hơn. Các lỗ chân lông trong mũi có những hệ thống lọc được các độc tố, lọc được bụi, không khí đưa vào bên trong được an lành, tốt đẹp. Muốn có chánh định, ngoài hơi thở như là đối vật để được theo dõi, hành giả phải thực tập tâm kiên nhẫn và bình tĩnh. Ai không có lòng kiên nhẫn bình tĩnh, thực tập thiền rất khó. Dễ nóng vội, cau có, bực dọc, năng lực của định bị phá vỡ rất nhanh.

Kiên nhẫn không có mặt khó thực hiện được thiền định. Người điềm tĩnh, có thể vượt qua những phản ứng khủng hoảng, hay nỗi sợ hãi bên trong, không ảnh hưởng đến định. Ai thực tập định nhiều có thể khắc phục được tâm bồn chồn, lo lắng, sợ hãi, đứng ngồi không yên, làm cho người đó điềm tĩnh, dáng đi nhẹ nhàng, thư thái, khoan thai, thoải mái.

Hành giả có thể trải nghiệm được đời sống định trong đứng, nằm, đi, trong ngồi. Không lo lắng về các việc dở dang, những việc đã qua, những chuyện chưa đến, những ray rứt lương tâm, những mối quan hoài, tinh thần trách nhiệm, giúp cho hành giả dễ dàng có được định trong lúc thực tập. Đời sống đạo đức đã được thực hiện, thực tập thiền định chỉ cần nhớ hơi thở, cơ thể và tâm, không nhớ gì khác.

Ai có trách nhiệm nhiều chừng nào khó thực tập thiền định chừng đó. Khi ngồi bắt đầu nhớ lại chuyện cũ, chuyện đã qua, hoặc liên tưởng đến những dự án, kế hoạch trong tương lai, không thể nào có định được. Phải thoát tất cả các công việc ở ngay điểm nó xuất phát. Khóa công việc ở hoàn cảnh, khóa ở quá khứ, khóa ở tương lai, khóa ở con người, khóa ở sự vật, khóa ở tình huống, khóa ở sự lo, khóa ở việc dở dang, v.v… Và thước đo của nó là gì? Ta thấy tâm bắt đầu nhẹ nhàng, thư lắng, an lạc, tự tại, thoải mái. Ta biết mình đang thực tập đúng chánh định, tập trung sai phương pháp, trái lời Phật dạy, dẫn đến những biến chứng, hết bệnh này, hoặc bệnh kia. Hành giả tu tập có biến chứng là sai phương pháp.

KẾQUẢ THỰC TẬP CHÁNH ĐỊNH

Thiền định chân chính hành giả phát sinh được trí tuệ, đời sống đạo đức, dễ dàng định tĩnh không còn sợ hãi cuộc đời phê bình, chỉ trích. Mức độ định tĩnh làm cho người đó có thể sống bình thản an vui khắp mọi nơi, tuệ giác dễ dàng được phát sinh. Giống như nước đã trong, các đối vật tương phản ở trên mặt nước sẽ được người quan sát nhìn thấy một cách rõ ràng. Dòng nước đang lăn tăn, ta thấy sự dao động của các đối vật ở trên nó, làm cho chúng ta không nhìn thấy nó đúng với nguyên dạng.

Thực tập Chánh định thấy rất rõ bản chất vô thường, khổ, vô ngã, xảy ra với mọi đối vật, và phản ứng cảm xúc của ta trên chúng. Vô thường có thể diễn ra với tất cả mọi sự vật, thông qua chuỗi thời gian quá khứ, hiện tại và vị lai, bất cứ lúc nào, ở đâu, với ai. Phản ứng thông thường của người phàm là cảm thấy không hài lòng, bất mãn, đau khổ, ôm cái đó lâu dài. Nhưng người có thực tập Chánh Định biết tu vô ngã, để ly tâm hóa nỗi đau. Nỗi đau không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào trong nỗi đau. Tất cả vô thường và khổ, không phải là tôi, không phải là sở hữu của tôi, không phải là tự ngã của tôi. Nhờ đó, cái gọi là tôi giả định được thoát ra khỏi vòng vây tỏa của vô thường và khổ đau.

Thực tập vô ngã làm cho chúng ta không bị khổ trên vô thường. Phần lớn người đời chỉ có được nhận thức, vô thường dẫn đến khổ. Vô thường trong tự thân làm cho người ta khổ, hoặc bị khổ gấp đôi. Người thực tập vô ngã thì khổ đó được vô hiệu hóa. Đó là lý do tại sao ta thấy khổ được chen chính giữa vô thường và vô ngã.

Ta không thể làm thay đổi vô thường, thương lượng với vô thường, tương nhượng với nó, không thể làm cái gì để đi ngược lại thời gian. Chỉ có cách thực tập vô ngã, để cho cái khổ không có mặt trên vô thường. Người thực tập định, trí tuệ và chánh niệm sẽ thực tập được vô ngã. Ai chấp vào mình nhiều, chấp vào ngã sở hữu, đánh đồng những sự vật hiện tượng, cái này, cái kia là chính mình, sở hữu của mình, người đó không bao giờ có được chánh định. Trong kinh tạng Pali, điều đó được xem là thước đo, đánh giá thực tập định của chúng ta có đúng theo tinh thần Phật dạy hay rơi vào tà định của các trường phái tôn giáo, các ngành nghề trong dân gian. Nhờ tuệ đồng hành với định, trên nền tảng của chánh niệm, trạng thái sáng suốt tinh tấn có mặt, sức khỏe được gia tăng. Mỗi một ngày chỉ cần thực tập 10 phút chánh định, người thực tập có được tuổi thọ tốt. Tập một thời gian thấy căng thẳng mỏi mệt, dễ cau có khó chịu, dễ phiền não, biết là tu sai.

 THIỀQUÁN TRÊN NHỮNG ĐỀ MỤC

Trong truyền thống của Phật giáo Nam tông, có 40 đề mục thiền giúp cho hành giả đạt được chánh định, ít được Phật giáo Bắc tông nghiên cứu và biết đến. Chúng tôi xin giới thiệu vắn tắt 40 đề mục này, chia làm 4 nhóm, trong đó nhóm thứ nhất là 10 vật, bao gồm 4 nguyên lý đất, nước, gió, lửa, 4 màu xanh, vàng, đỏ, trắng, hư không và ánh sáng, thường được các hành giả tu thiền theo truyền thống Nam tông sử dụng để cột tâm lại một địa điểm, nhờ đó có được sự nhất tâm.

Trong sơ thiền kinh tạng Pali mô tả, tầm và tứ là hai phương tiện rất quan trọng. Tầm là tìm kiếm một đối tượng thiền quán thích hợp với mình. Tứ là duy trì an trú các đối tượng thiền quán một cách lâu dài, như một niềm vui nội tại sâu lắng bên trong. Ai giữ được các niềm vui nội tại, hành giả đó bền bỉ đường tu.

Hành giả ứng dụng, quán tưởng đất, nước, gió, lửa, xanh, vàng, đỏ, trắng, thời gian và hư không, mỗi người mỗi kiểu. Miễn sao đạt được nhất tâm, tâm không bị lay động theo đối tượng trần cảnh, được xem có kết quả. Trong kinh Thủ Lăng Nghiêm có nhiều đoạn văn mô tả: “Vị A-la-hán giác ngộ được nhờ quán địa đại bên trong”. Có hành giả do quán địa đại bên ngoài. Địa đại bên trong bao gồm tất cả các nguyên lý chất rắn, những vật có thể bị chúng ta chấp trước như chính mình. Địa đại bên ngoài bao gồm: Sơn hà đại địa, nói chung là vật chất, các hình hài, màu sắc sự vật.

Tất cả mọi chấp trước dù ở góc độ nào đều tạo ra vấn đề. Trong khi đó, thiền định của Nam tông cho phép sử dụng nó như một đối vật tích cực, ta quán bằng cách như thế này, địa đại được hiểu như là tâm địa. Làm sao để cho tâm địa của hành giả được rộng lượng như quả địa cầu, chứa tất cả các vật dơ, những vật hữu dụng. Nhờ tâm lượng rộng lượng đó, hành giả không khổ đau bởi những ứng xử thiếu văn hóa, thiếu lịch sự, gây cấn, kiếm chuyện của tha nhân, hoặc của những người không dễ thương. Hình ảnh khổ đau do người khác gây rơi rụng ngay địa điểm hành động được thực hiện, hành giả không mang theo. Trong lúc ngồi thiền, nó không còn xuất hiện trong tâm.

Tương tự đối với nước, ta có thể quán sâu sắc nhất của nước là biển không chứa đựng tử thi. Tử thi trương sình vài ba ngày phải tấp vào bờ, ngoại trừ cá ăn. Tương tự trong đời sống tâm linh, các hành giả không nên chứa tử thi của những phi đạo đức, tức đi ngược lại giá trị thánh. Phải để cho viên ngọc, đạo đức được trong sáng, không có bất cứ một tỳ vết nào.

Gió, ta có thể quán sự vận chuyển của nó, bay từ chỗ này đến chỗ kia không dừng trụ lại ở chỗ nào, để tạo ra hình ảnh không vướng dính. Bài ca của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mang tên Để gió cuốn đi là bài ca hay. “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì, em biết không? Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi”. Đối với những đoạn kế, có những nỗi đau, ông đề nghị để nước cuốn trôi, tức đừng giữ gì hết. Ai giữ nhiều chấp thủ trong tâm thì khó thực tập thiền được.

Lửa có chức năng thiêu đốt. Về phương diện tiêu cực, ta có thể hiểu nó là lòng sân, về phương diện tích cực hiểu nó là trí tuệ, đốt cháy các phiền não. Bản thân đất, nước, gió, lửa vốn chẳng gì đối với đời sống của chúng ta, trở thành những đối vật để quán chiếu. Xanh, vàng, đỏ, trắng được hiểu như những loại màu sắc hợp gu hay không hợp gu với chúng ta, có thể trở thành đối tượng của quán tưởng. Trong ngành phong thủy, ngũ hành được ứng dụng trên mọi sự vật hiện tượng. Màu sắc cũng có kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Con người cũng có kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Mức độ tương tác của chúng theo hai chiều, tương sinh hoặc tương diệt, thuận hay nghịch.

Hỏa, tức lửa đốt cháy sinh ra tro, thành thổ. Thổ là nơi các quặng kim loại được tồn tại và phát triển, cho nên thổ sanh kim. Tất cả các kim loại khi nóng ở một mức độ nào đó trở thành nước, cho nên kim sanh thủy. Nước làm cho cây cối được tươi nhuận, hoa màu được sinh sôi, thủy sinh mộc. Mộc là một phương diện của nhiên liệu, mộc tạo ra lửa, mộc sanh hỏa, cứ như thế vận hành. Ta hiểu được nguyên lý vận hành vật lý này việc quán tưởng màu sắc và trang trí trong nhà, nội thất hay ngoại cảnh đóng một vai trò khá quan trọng đối với cảm giác thoải mái hay khó chịu của chúng ta.

Phật giáo không phủ định tính khoa học của phong thủy, nhưng chỉ phê phán những nhà phong thủy chưa đến nơi đến chốn cường điệu hóa rằng nó có thể quyết định vận mệnh hạnh phúc, khổ đau, thành công, thất bại, giàu hay nghèo của chủ nhân, chuyện đó không có. Phong thủy chỉ làm cho ta có cảm giác thoải mái mà thôi. Đời sống còn lệ thuộc vào cộng nghiệp của một dân tộc. Ví dụ cộng nghiệp của Phật giáo quan niệm, màu vàng tượng trưng cho giải thoát. Khi các tu sĩ khoác lên thân thể của mình chiếc áo màu vàng, lòng cảm thấy thoải mái nhẹ nhàng, cố gắng thực tập làm sao cho ăn khớp với sự giải thoát đó. Người tại gia khi nhìn thấy các nhà sư mặc chiếc áo vàng, lòng cảm thấy hân hoan. Nhưng qua đến Tây Tạng, chiếc áo vàng đâu có sử dụng. Họ mặc chiếc áo đỏ bầm, bởi vì văn hóa của họ quan niệm đó là màu thích hợp cho người tu. Các Tổ Trung Hoa và Nhật Bản dùng chiếc áo màu đen cho người Phật tử tại gia, họ cũng cảm thấy thoải mái như thường.

Mỗi nền văn hóa, có một biểu tượng các loại màu khác nhau. Xanh, vàng, đỏ, trắng, thuộc về sự lựa chọn của mỗi người, theo một cái gu cộng nghiệp, biệt nghiệp, hay là ngũ hành tương sinh tương khắc, miễn nó thích hợp cảm thấy thoải mái. Người Trung Hoa thích màu đỏ, cho nên đình, miếu, chùa, tự viện, đều có tông màu đỏ. Màu đỏ trong nền văn hóa Trung Hoa tượng trưng cho sự hài hòa. Trong khi đó đối với Việt Nam màu đỏ là màu nóng.

Hài hòa giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên, giữa con người với thế giới cho nên tông màu đỏ được hiểu theo nghĩa dân gian, từ sự hài hòa đó có sự may mắn, thịnh vượng, phát đạt. Cho nên bao lì xì gọi là “hồngbao”, bao màu đỏ không làm màu khác. Các thiệp chúc tết người ta cũng làm màu đỏ. Trong khi đó, đối với Phật giáo, màu hài hòa là màu hoại sắc, tức màu vàng da bò. Nó pha tạp giữa màu nâu, màu vàng, màu đất. Mỗi nền văn hóa khác nhau, chọn tông màu văn hóa cho riêng họ. Chính vì thế xanh, vàng, đỏ, trắng đều có thể trở thành đối tượng để chúng ta quán tưởng trong khi hành thiền.

Hư không là không cùng tận, không có biên giới, không có ngằn mé. Quán tâm như hư không sẽ giúp cho hành giả thư thái, không vướng bận. Tất cả các hành tinh, định tinh vận hành lệ thuộc vào từng hệ mặt trời, đều đang trôi chảy trong hư không với sự tương tác giữa chúng lẫn nhau, nên chúng không bị rơi. Chỉ khi nào quỹ đạo của chúng đụng nhau ở một điểm, sự va chạm lớn làm cho các hành tinh, các định tinh trở thành những thiên thạch, rơi trong không gian, mà về đêm, ta nhìn, dưới tác động phản quang, ta tưởng rằng đó là những ngôi sao. Lúc ta nhìn thấy nó, nó đã không còn tồn tại trong vũ trụ này nữa. Nó trở thành những mảnh thiên thạch rơi trong vũ trụ.

Quán hư không sẽ giúp cho tâm hành giả được thư thái, thoải mái. Ánh sáng có khả năng chiếu soi, dẫn đường, tạo tác dụng, tránh những ngộ nhận, lầm lạc, vấp ngã, v.v… Khi quán như thế, tâm ta có điểm dừng ở chỗ tích cực. Tất cả những tiêu cực khác rơi rụng hết. Sự thích hợp trong việc lựa chọn đối tượng sẽ làm cho hành giả tập trung cao. Do đó phải có tư vấn tốt. Ta thực tập thử, đối vật nào làm cho ta tập trung được thì phát triển nó.

CÁC ĐỀ MỤC VỀ TỬ THI

Mười đề mục thứ hai liên hệ đến tử thi, trải qua các giai đoạn. Hành giả thực tập thiền định chọn đối tượng tử thi phải hiểu, nếu họ là người chấp vào thân thể xem thân thể như là thượng đế, chăm chút nhan sắc, hay những thay đổi nho nhỏ trên cơ thể làm cho họ mặc cảm mình già hơn, xấu hơn, hoặc khổ đau nhiều hơn, việc quán tử thi làm cho họ vượt qua được tâm niệm này. Những người có khuynh hướng hưởng thụ khoái lạc trên cơ thể, quán tử thi làm cho họ nhờm gớm mà từ bỏ. Mười đề mục chỉ thích hợp với hai đối tượng vừa nêu. Hoặc ai nhìn đời thường hằng, diễn biến trương sình của tử thi làm cho ta có cảm giác ngược lại, vượt qua sự chấp thường.

Các giai đoạn của tử thi, trước nhất là trương sình. Sau cái chết lâm sàng đã được kết thúc và cái chết thật sự được diễn ra, kế đến là màu xanh xám, làm cho gương mặt và làn da của người mất khiến người quan sát có cảm giác ớn và ám ảnh. Mủ, nước dãi chảy ra từ lỗ mũi, từ những lỗ chân lông, với mùi tương đối khó chịu.

Có trường hợp, thi thể bị đứt một phần nào đó, do tác động của các loại vũ khí, hay các loài động vật lớn, hay tai nạn, nhìn vào ta thấy ớn, sợ hãi, hoặc bị thú ăn, lởm chởm, máu mủ rỉ chảy, hay bị chặt thành nhiều khúc, hoặc cơ thể bị bầm tím, máu chảy khắp thân, thân nằm trên máu, hoặc bị giòi đục, rúc rỉa từng phần một. Thân thể bị rã rời, sau khi để quá lâu dưới lòng đất, muốn nối kết lại cũng không thể nào thành công. Mười tiến trình quán tưởng như thế giúp cho con người nhờm gớm thân thể, nhờ đó thoát khỏi đam mê hưởng thụ tính dục, hay quá lệ thuộc vào chấp thân như ngã sở hữu.

Trong 5 năm trở lại đây, công nghệ kim cương nhân tạo phát triển khá cao. Người ta có thể lấy cacbon vốn là thành phần chính của kim cương, ở độ nén cao nhất với các phân tử, nguyên tử, ráp nối lại gấp trăm nghìn lần đối với các vật bình thường, một khối lượng to được rút lại, trở thành một viên nhỏ, có độ óng ánh cũng không thua gì kim cương thật. Những người chuyên nghiệp mới biết được cái nào là kim cương nhân tạo, cái nào kim cương tự nhiên.

Ở phương Tây ngày nay người ta đã làm tro cốt của người chết trở thành 1 hoặc 2 viên kim cương, giá hiện tại Việt Nam khoảng 2.000 đôla. Ở nước ngoài người ta đã làm gần 5 năm. Việt Nam đang khởi xướng, sự chấp nhận đó chưa cao. Một máy đến vài triệu đôla. Các nhà đầu tư Việt Nam gần đây đi thăm dò ở các chùa có thờ cốt, để vận động, thân chủ của các hài cốt thay đổi, làm thành những viên kim cương, để cảm giác vô thường bớt đi.

Việc này khó thành công ở chỗ vận động họ bỏ ra gần 40 triệu để có một viên kim cương từ lọ cốt của thân nhân, đâu ai muốn. Thứ hai người ta quan niệm chết thiêu rồi, làm thêm một lần nữa động mồ động mả. Vì mê tín, người ta không dám làm. Hơn nữa còn lại một viên để ở đâu? Mang theo trên cà rá phải di chuyển hoài. Cha mẹ người thân mình phải tôn thờ, di chuyển như thế, lỡ rớt mất thì sao? Từ một lọ cốt thành viên kim cương do nén độ cac-bon, các nguyên tử phân tử của kim cương có thể dính lại nhau. Từ một khối vật to còn lại một viên nhỏ rất nhiều người thân không có cảm giác hai cái này tương đương với nhau. Ngoài cac-bon là nguyên thể chính của kim cương để làm kim cương, những cái còn lại ngoài cac bon để làm gì? Dĩ nhiên nó phải thải đi. Liệu người ta có đồng ý hay không, đó là một chuyện khác!

Ở Nhật Bản, nhiều năm về trước, người ta làm công nghệ “Hóa Phật”. Thí dụ một ngôi chùa để lọ cốt vài chục năm, muốn cho tất cả các gia chủ hoan hỷ, thay vì vận động người ta thả xuống biển, nhiều người không đành lòng, hoặc thả xuống các cây để bón phân, người ta cảm thấy không an tâm, mặc dầu đức Phật khuyên như thế, để cho hương linh không còn chỗ bám vào hài cốt như là thân thể của mình, do đó chấp ngã và ngã sở hữu được bỏ đi, mới được siêu. Người ta gom hết tất cả các lọ tro cốt dùng công nghệ kim cương, nén lại ở mức độ đơn giản, trở thành tượng Phật, màu lóng lánh thật đẹp. Tất cả thân chủ của hàng ngàn lọ cốt này vào đảnh lễ thân bằng quyến thuộc của mình, cảm thấy rất hạnh phúc. Họ không thấy những tro cốt bị bỏ đi, mà trở thành những vật được người ta tôn kính, nhiều người hưởng ứng. Phong trào đó vẫn không phát triển mạnh ở Nhật Bản. Chúng tôi có đề nghị cũng lọ cốt đó, ta làm hoa sen bên dưới có đế bằng gỗ để tên các hương linh. Từ một lọ cốt to, nặng khoảng 3 ký còn lại hoa sen bằng đá, do công nghệ kim cương làm ra, giá thành khoảng chừng 7- 800 đô la mỗi một lọ.

Trong thờ cốt của chùa, theo công nghệ mới này ta không thấy không khí tang tóc, người vào bên trong cảm giác hạnh phúc hơn, giải thoát hơn. Chúng tôi rất mong công nghệ này phát triển sớm để chùa chỉ là nơi thờ Phật, không có thờ cốt. Các hình ảnh cần được đốt, để trở thành những hoa sen tập thể, thí dụ các lọ cốt nào không còn thân nhân ta làm hoa sen lớn hơn. Tên và hình ảnh của các hương linh đó được nén lại theo công nghệ này.

Thi thể nếu quán tưởng theo công nghệ mới, ta có thể đưa ra nhiều hình ảnh mới để quán tưởng. Từ một thi thể trương sình qua 10 giai đoạn, trở thành một viên ngọc, một viên đá với những hình thù chúng ta muốn, hay tinh chế hơn trở thành một viên kim cương, giá trị của nó rất cao. Không khí tang tóc mất đi. Nỗi đau sanh tử vô thường cũng bớt. Hành giả có thể chuyên tâm quán tưởng, có thể thành công.

ỜĐỀ MỤC VỀ NIỆM

Mười đề mục thứ ba thuộc về 10 niệm, trong đó 6 niệm (lục niệm) trong kinh tạng Pali: Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm giới đức, niệm bố thí, và niệm phước báo chư thiên, vốn là 6 đối tượng mà đức Phật khuyên những người tại gia hành trì. Niệm Phật, Pháp, Tăng để giúp cho chúng ta không mê tín. Tin vào Phật không còn tin vào Thượng đế, thần linh, ban phước, giáng họa, ngẫu nhiên, số phận an bài, không xem Phật thay thế cho các thần linh. Xem Phật là ánh sáng soi đường, người chỉ đường cho chúng ta thực tập.

Niệm Pháp ta niệm 5 đặc điểm: Thiết thực hiện tại, siêu việt thời gian đến để mà thấy, được người trí tán thán, có khả năng chuyển phàm thành thánh. Niệm chư tăng để thấy rõ được biểu tượng hòa hợp như nước với sữa, sự thăng tiến trong tu tập, tinh tấn không gián đoạn, biểu mẫu của đời sống con người ở mức độ cao. Niệm bố thí để chúng ta nhường cơm xẻ áo, giúp đỡ kẻ ngặt người nghèo. Đối với cái ngặt ta cho con cá, đối với cái nghèo ta cho cần câu. Nắm vững bản chất và tình huống nào tặng con cá, tình huống nào tặng cần câu mới giúp con người qua từ thiện có kết quả. Lúc người ta đang ngặt mà cho cần câu, biết khi nào mới được phương pháp để tạo ra sự sống tự lập cho bản thân.

Niệm về Giới đức, để thấy phù hợp đời sống đạo đức không sợ luật pháp, không sợ ai phê bình chỉ trích hết. Mình trở nên vô úy, thản nhiên, điềm tĩnh, định tĩnh trong đời. Niệm phước báo sanh về cõi chư Thiên để cho thấy nhân quả có thật, đời sau là hiện thực không phải mơ tưởng. Bên cạnh việc niệm 6 đối tượng như vừa nêu, hành giả còn được khuyến khích niệm về chết, về thân thể, hơi thở và niết bàn, tất cả được gọi là thập niệm.

Niệm về Niết bàn là mức độ cao nhất. An lạc giải thoát không phải là một cảnh giới, không phải là nơi chốn như nhiều người đã nghĩ, mặc dầu trong kinh thỉnh thoảng dùng ngôn ngữ hình ảnh, để ta dễ hình dung. Niết bàn là trạng thái trong đó không còn tham, sân, si, các phiền não, nghiệp chướng trần ô. Nó là sự thanh tịnh, an lạc, tĩnh tại, thường hằng, không bị thay đổi. Tất cả chúng ta đều có thể thực tập ở nhiều góc độ khác nhau.

Niệm về hơi thở, có bài kinh 16 phép quán niệm hơi thở. Đức Phật hướng dẫn rất chi tiết, huấn luyện tâm mình được định. Theo dõi hơi thở qua 16 phép quán niệm mức độ thành công khá cao. Ta chỉ đơn thuần hơi thở ra vào dễ dàng đơn điệu, nhàm chán giống như một cái máy, không có kết quả. Quán thân thể bài kinh Tứ niệm xứ, nói về quán 36 thể trược, sự cấu tạo, sự hình thành, sự thay đổi, những giới hạn của nó, dùng tuệ giác để tách ly nó khỏi sự chấp trước tự ngã, là ngã, là ngã sở hữu, v.v…

QUÁN TỨ VÔ LƯỢNG TÂM, THỨC VÔ BIÊN XỨ, PHI TƯỞNG PHI PHI ỞNG XỨ

Nhóm thứ tư gồm có tứ Vô lượng tâm, tứ Vô sắc giới, thực phẩm ghê tởm, và tứ Đại trong thân. Nó có phần trùng lại với những phương pháp nằm nhóm đầu, những nhóm kế tiếp. Tứ vô lượng tâm tức là từ, bi, hỷ, xả. Phần lớn các hành giả thực tập thiền quán dựa vào cái này hơn những yếu tố được liệt kê bên trên.

Quán về từ, giúp cho chúng ta có hành động Bồ tát, mang niềm vui. Quán về bi, giúp chúng ta năng động hơn, phân tích gốc rễ khổ đau của người khác để nhổ lên nỗi khổ. Mang niềm vui dễ mà nhổ nỗi khổ khó. Nhổ nỗi khổ phải có kiến thức niềm vui về nguyên nhân của khổ, để ta giải quyết về kiến thức và phương pháp. Ai thực tập quán về bi, phải nắm rõ Tứ diệu đế. Quán về từ chỉ cần học Bồ tát Quan Thế Âm, hoặc nhiều vị bồ tát khác có thể làm được.

Thực tập về Hỷ tức là niềm vui, nó phải được thể hiện qua sự hài lòng, nụ cười, thoải mái, không chấp, không vướng bận, có mối liên hệ mật thiết với buông xả. Từ bi, hỷ xả là cặp bài trùng. Phối hợp với nhau kết quả của sự hành trì đạt được cao. Không có từ, bi, hỷ, xả khó được định. Bốn vô sắc vốn là thực tập của ngoại đạo, quán không tồn tại khắp nơi. Không vô biên xứ giúp cho hành giả khi đối diện trước vô thường, lòng không tiếc nuối, tiếc nuối là kẻ thù, cây gai, trở ngại vật của định.

Quán Thức Vô Biên Xứ để chúng ta nhận biết ý thức với chánh niệm có mặt khắp mọi nơi mọi chốn. Ở đâu ta cũng có ý có tứ, mới làm chủ được các giác quan. Vô sở hữu xứ là thực tập gắn liền với vô ngã, để chúng ta không bị vướng. Khổ đau đôi lúc người ta không bận tâm đến bản thân mình, những gì thuộc về mình, như người thân, người thương, ta lại khởi lên những phiền não. Quán vô sở hữu xứ giúp chúng ta vượt qua.

Quán Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ làm cho ta chuyển hóa được các tưởng, dưới hình thức là vô thức. Nó tế nhị, sâu lắng bên trong, vi tế, rất khó để lần mò ra được manh mối.

Việc thực tập như vậy giúp cho hành giả vượt qua được những điều tiêu cực, đạt được những tích cực. Thiền nguyên gốc của Phật giáo chỉ là tứ thiền. Tứ thiền vô sắc giới là của ngoại đạo.

Trong kinh Thủ Lăng Nghiêm, đức Phật nêu ra kỹ năng, hướng dẫn chúng ta lưu tâm. Hành giả khi đạt được Phi tưởng phi phi tưởng xứ, sẽ là sai lầm nếu tiếp tục đưa tâm vào diệt thọ tưởng định. Hành giả có cảm giác thư lắng, an tĩnh, không có gì làm lay động được, tưởng rằng mình đã đạt được giải thoát tuyệt đối. Khi buông xả diệt thọ tưởng định, mắt vẫn thấy, tai vẫn nghe, mũi vẫn ngửi, lưỡi vẫn nếm, thân vẫn xúc chạm, ý vẫn tưởng tượng, ta vẫn trở thành người bình thường.

Đức Phật không khích lệ diệt thọ tưởng định, không khích lệ tứ thiền sắc giới. Tuy nhiên đó là một phương pháp tốt, hành giả có thể vay mượn nó. Khi đạt được Phi tưởng phi phi tưởng xứ, thậm chí ở bước đầu của thiền sắc giới, khôn ngoan của hành giả là làm sao chuyển tâm về tam minh, để đạt được tứ trí. Theo Nam tông, người chứng tam minh có khả năng thấy rõ được sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm, không còn trở lại trạng thái sanh tử nữa.

Đó là khác biệt căn bản giữa một hành giả tu thiền Phật giáo và hành giả tu theo Bà-la-môn giáo và các tôn giáo khác. Chuyển tâm về Tam minh thấy quá khứ của bản thân rất rõ, từ đại cương đến chi tiết, ở kiếp nào, thân phận gì, tên tuổi, họ tộc, sự kiện, tình huống, trong từng giai đoạn lịch sử, trong từng niên đại, trong từng năm tháng ngày giờ, chúng ta đang thấy cái gì đó trước mặt, không có lẫn lộn lẫn nhau.

Thiên nhãn minh thấy rõ được nhân quả của chúng sinh trong tương lai, các nhà ngoại cảm đạt được một phần, các nhà tiên tri đạt được ở mức độ lớn hơn. Văn học thọ ký kinh điển Đại thừa là một phần của thiên nhãn thông. Thọ ký cho người này thành Phật trong tương lai, danh hiệu gì, cách hoằng hóa, hiệu quả.

Các khoa học gia tính đếm được sự vận hành của vũ trụ. 100, 200 năm sau. Kinh nghiệm sẽ giúp cho chúng ta đạt được trình độ đó, huống hồ đó là năng lực tu chứng, độ chuẩn xác càng cao hơn. Trong khi đó, lậu tận thông là tuệ giác quan trọng cao nhất, hành giả chứng đắc A-la-hán. Thấy rõ được phiền não rơi rụng, không còn cái gì của trần đời tồn tại, dầu chỉ là một ám ảnh, một tàn dư, một bóng dáng.

Khi chuyển về Tam minh, hành giả sẽ chứng đắc. Hướng tâm về diệt thọ tưởng định khựng lại, do đó phương pháp thiền định nguyên gốc của Phật giáo là tứ thiền. Năm thiền sau ráp với tứ thiền được gọi là cửu thứ đệ định, tức là 9 tầng cấp thiền định làm cho rất nhiều người ngộ nhận, tứ thiền thấp hơn bốn thiền vô sắc giới này lại thấp hơn diệt thọ tưởng định. Trong khi đó, trong kinh tạng Pali, đức Phật khuyên khi đến thiền thứ tư chuyển tâm về tam minh là chứng đắc. Hành giả không cần sử dụng đến bốn thiền vô sắc giới, đặc biệt là diệt thọ tưởng định.

Bồ Đề Đạt Ma tương truyền là người nhập Diệt thọ tưởng định lâu nhất, chín năm diện bích. Đức Phật Thích Ca chỉ có 49 ngày. Sau đó phải chuyển tâm về tam minh, ngài chứng đắc được giải thoát trên nền tảng của trung đạo, điểm trọng tâm nhất của nó là chánh định của Bát chánh đạo. Trong những phương pháp đề mục quán tưởng của Nam tông vẫn sử dụng tứ thiền vì nó có giá trị hỗ trợ cho một số hành giả nhất định.

QUÁN VỀ THỰC PHẨM

Quán về thực phẩm đáng ghê tởm, có khả năng trúng thực. Những món được gọi là ngon, thường là những món ác độc. Ví dụ như Trung Quốc có kỳ quan ẩm thực, vớt con cá màu đỏ đang bơi lội trong hồ. Đầu bếp dùng một con dao thật bén, lát mỗi bên 5, 6 lát, cá dãy dụa, thả vô chảo dầu trong vòng mười 20 giây, gắp ra, cá vẫn còn thở hoi hóp, tim vẫn đập, nhưng thịt chín. Bắt một con gà, rửa sạch chân, nhổ hết lông đùi, để trên một cái vỉ, lửa ở dưới đỏ rực, cho nó đi trên đó chừng 20 giây, toàn bộ máu huyết từ trên đầu và toàn thân bung xuống hai đùi. Bắt con gà xuống, thịt phần đùi đã chín, ở trên vẫn còn sống, bẻ gãy ra ăn. Càng ngon miệng chừng nào mức độ nhẫn tâm và ác độc gia tăng chừng đó.

Văn hóa ẩm thực của người Trung Hoa thật kỳ quái. Con gì cũng ăn được, Việt Nam cũng ảnh hưởng theo, con sâu, con kiến, con mối, con mọt. Ở Campuchia, ngay cả con bồ hóng, con bò cạp cũng ăn được. Người quen cộng nghiệp này thấy bình thường. Ăn mắm bò hóc của Campuchia, nghiệp sát quá nhiều.

Đức Phật dạy quán thực phẩm ghê gớm, chỉ cần một sơ suất kém vệ sinh làm cho biết bao nhiêu chứng bệnh có mặt. Trúng thực có thể dẫn đến chết. Ăn chay vẫn tốt hơn, độc tố ít, giết các chủng loại vi sinh cũng ít hơn thực phẩm mặn. Không ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, hay hiệu ứng nhà kính hoặc hâm nóng toàn cầu như thực phẩm mặn. Công nghệ thực phẩm mặn phong phú vì dùng máy móc nhiều, nhân công được giảm thiểu ở mức độ tối đa, nạn thất nghiệp có mặt khắp mọi nơi.

Phật giáo Bắc tông dùng nhiều phương pháp khác. Thí dụ trong niệm Phật, không chỉ đơn thuần nam mô Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn, tức là 10 đức hiệu của Phật, còn có đức Phật A Di Đà, Dược Sư, Phật Đại Nhựt, và nhiều đức Phật, Bồ tát khác. Nam tông giới hạn ở đức phật lịch sử và 10 đức hiệu chính.

Trong Bắc tông, quán giáo pháp có nhiều cách khác nhau. Ví dụ như giáo pháp là chiếc bè để ta không bám vào giáo pháp. Mượn giáo pháp để chuyển hóa các phi pháp, khi có kết quả rồi trả nó về bờ bên kia. Có nhiều cách thức quán khác nữa. Ta lấy thước đo nhẹ nhàng, thư lắng, buông xả, an lạc, hạnh phúc nội tại làm chuẩn. Không có kết quả này ta biết thực tập sai.

NĂM CHI PHẦCỦA ĐỊNH

Trong Sơ thiền, có 5 yếu tố: Tầm, tứ, hỷ, lạc và định. Tầm, tứ tìm một đối vật, ở đây chọn một trong 40 đối tượng thiền quán nêu trên. Dán tâm lên nó, để tâm không phan duyên trần cảnh. Thiền tông của Đại thừa Trung Hoa coi đó là công án hay thoại đầu. Mật tông tập trung vào câu thần chú. Tịnh độ tông thể hiện chánh niệm trên danh hiệu đức Phật A Di Đà, cột tâm lại một chỗ.

Hỷ và lạc là hai cấp độ. Hỷ là mức độ hoan hỷ với người, với mình. Lạc là hạnh phúc nội tại sâu lắng, không lệ thuộc vào các giác quan. Hành giả ngồi bất động, yên lắng, kết quả đạt được cao, nhờ đó đạt được định.

Kinh tạng Pali xác định rõ phải xa lìa đời sống ái dục, mới chứng đắc thiền định.

Người tại gia không đạt được sơ thiền vì còn đời sống vợ chồng. Người tại gia độc thân, hay một trong hai người đi trước, người còn lại không tái giá, mới có thể có khả năng đạt được sơ thiền. Chánh định là cửa ngõ của sơ thiền, nhị thiền, đạt tới mức độ cao bỏ tầm bỏ tứ, không cần vận dụng phương tiện, không cần mượn đối vật.

40 đề mục quán tưởng thiền dành cho người mới bắt đầu. Người có kinh nghiệm mở khóa, đóng nó, ngay tích tắc. Hỷ, lạc, nhứt tâm vẫn còn giữ lại. Trong tam thiền, phần xả niềm vui nội tại sâu lắng cần phải có. Ở tứ thiền xả luôn các niệm, dầu đó là niệm thanh tịnh. Buông tất cả ý niệm, ta mới có được sự thanh tịnh tuyệt đối, nhẹ nhàng sâu lắng. Hành giả thực tập chánh định có được sơ thiền, nhị thiền, tam thiền và tứ thiền. Khi đạt được tứ thiền, hành giả nên chuyển tâm về tam minh, chứng đắc được đạo quả.

Nói tóm lại, Chánh định giải quyết vấn đề khổ đau. Chánh kiến bắt đầu vấn đề của đời sống tâm linh ở mức độ cao. Sáu chi phần còn lại là những hỗ trợ cần thiết không thể thiếu. Ai không hoàn tất được tất cả bảy điều chân chánh trong Bát chánh đạo khó có thể đạt được Chánh định. Hành giả dù tu pháp môn nào cần thực tập bảy yếu tố ban đầu, từ Chánh kiến cho đến chánh niệm, nhờ đó Chánh định mới có thể đạt được ở mức độ cao nhất. Bỏ qua bảy yếu tố chân chính đầu, không thể có được chánh định, đó là điều mà chúng ta phải tin. Nhờ có chánh định, tuệ giác phát sinh, hành giả đạt được giải thoát.

***

 
00:00
 
00:00