Giảng tại Chùa Xá Lợi, ngày 28-03-2010.
Phiên tả: Ngọc Hương
I. SỞ ĐẮC VÀ QUÁI NGẠI
Nguyên văn: “Dĩ vô-sở-đắc cố, bồ đề tát đỏa y Bát-nhã Ba-la-mật đa cố, tâm vô quái ngại; vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh Niết bàn”.
Dịch nghĩa: “Vì không có sở đắc, Bồ-tát nương vào trí tuệ ba-la-mật nên tâm không còn chướng ngại. Nhờ tâm không chướng ngại, nên không có sợ hãi; xa lìa mọi điên đảo, đạt Niết bàn tuyệt đối”.
Vế sau cùng của đoạn văn thường gây ra sự tranh luận, như một số học giả đứng từ góc độ tìm học phá chấp, cho rằng “Niết bàn tuyệt đối” là một danh động từ và cũng là đối tượng mà các hành giả cần vượt qua, vì không có “sở đắt”.
Trong khi đó, trong ngữ cảnh tiếng Sanskrit của bản kinh, “cứu cánh” là một động từ (tức là sự đạt được tuyệt đối), “niết bàn” là một tân ngữ (tức là một sự an vui, hạnh phúc của giải thoát trên cuộc đời này, một tiến trình diễn ra rất tự nhiên khi hành giả đã giải phóng khỏi tâm mình những nỗi sợ hãi, không còn khủng bố, phiền não vĩ mô). Do vậy, tuệ giác được phát huy ở mức độ tuyệt đối.
Cho nên, mọi lý luận về tính tương đối hay tuyệt đối của câu văn phải được dựa vào văn phạm và ngữ cảnh. Còn nếu như không, lúc nào ta cũng đề cao đến sự tuyệt đối, trong khi đó, ngữ cảnh văn lại khác thì các suy luận của ta, đôi lúc rất sâu nhưng lại không có chỗ để đối chiếu. Do đó, cơ sở biện luận như vậy, không đứng vững được. Trong đoạn văn đó, ta có thể chia ra một số vấn đề, để việc tu tập hành trì có thể đạt được kết quả ở mức độ cao.
“Sở đắc” bao gồm tất cả những nỗi niềm hy vọng về một thành công đạt được, sự tích tụ từ những cái bình thường cho đến những cái siêu thường, từ những cái phàm tình cho đến những cái thuộc về thế giới của tâm linh (nói chung cả tốt lẫn xấu).
Bất cứ ai bám víu vào đó như là một áp lực thì lúc đó, sự lo âu, sợ hãi đã bắt đầu có mặt rồi, không bao giờ chấm dứt. Chừng nào những những nghi vấn vẫn còn tồn tại trong ta: cho đến bao giờ ta mới đạt được chân lý? Ta đạt được bằng cách nào? Liệu ta giữ được điều đó với mình hay không? Cái mà ta đạt được đích thực là nội dung ta đang muốn hay chỉ là cái bóng ảo của những cái mà ta đang đi tìm?… Tất cả những giả định với những dấu hỏi thật lớn đặt ra (như vừa nêu) đã làm cho tính cách sở đắc (tức là sự mong cầu để đạt được gì đó của con người) trở thành một áp lực, một hoài nghi, vấn nạn và làm cho người trở nên mệt mõi ngay khi, trong tình huống đã đạt được điều mong muốn đó rồi.
Một câu hỏi được đặt ra: “Vậy tu tập theo Phật giáo chẳng lẽ ta chẳng mong bất cứ một sự đạt được nào hay sao?” Câu trả lời là không. Vì ít nhất theo dữ liệu lịch sử, khi đức Phật từ bỏ tu khổ hạnh sau 6 năm tu tập sai phương pháp, Ngài được cứu sống từ bát cháo sữa của Sujata – một thôn nữ ở làng Sujata và trước khi lội qua sông Ni Liên Thiền và lên trên bờ cội bồ đề để ngồi thiền suốt 49 ngày thì ít nhất một dữ liệu rất quan trọng liên hệ đến cái cầu mong sở đắc của Ngài.
Chẳng hạn, sách sử mô tả đức Phật đã cầm bình bát của mình thảy xuống dòng sông và phát biểu thế này: “Nếu con đường mà tôi đang tầm cầu và hướng đến có khả năng giúp cho tôi có thể trở thành bậc đại giác ngộ thì xin cho chiếc bát này chảy ngược dòng sông”.
Sách sử tiếp tục mô tả: “Lập tức cái bát đã đi ngược lại với chiều xoáy rất lớn của sông Ni Liên Thiền. Đức Phật hân hoan và lội qua bên kia bờ sông với đường rộng của sông hơn 1 cây số, trong tình trạng sức khỏe vừa mới được tái phục hồi”.
Đây là một hiện tượng ngoại lệ chưa từng có. Tại Bồ Đề đạo tràng, đức Phật đã phát biểu thêm một lần thứ hai cũng liên hệ đến “sở đắc”: “Nếu ngồi dưới cội này mà không giác ngộ được đạt quả, thà thịt nát xương tan, quyết không rời khỏi đây” (tức là nêu cam kết với quyết tâm cao độ). Ta sẽ lý giải thế nào về hai ngữ cảnh vừa nêu?
Theo chúng tôi, thực tế chưa từng có cái bát nào chạy ngược dòng sông, vì đó là chuyện trái với khoa học, với nhân quả. Người Ấn Độ thích mô tả những gì mang tính cách triết lý để tạo ra tính kích thích, tò mò cho việc tìm hiểu. Dòng nước chảy xiết, từ cao xuống thấp của con sông Ni Liên Thiền là một hiện tượng tự nhiên được đức Phật sử dụng trong ngữ cảnh này như là việc đi ngược dòng. Ý muốn nói, việc đi ngược dòng đời của Ngài hướng đến con đường tâm linh và con đường mở ra giá trị an lạc và thành công trong đóng góp.
Trên phương diện lịch sử, thực tế đây là một vấn đề rất dễ hiểu, vì đức Phật đã nêu quyết tâm qua bên kia sông để ngồi thiền 49 ngày, không ăn uống thì cái bát này đâu còn nhu cầu sử dụng nữa (vì bát chỉ để đi khất thực, để nhận tặng phẩm cúng dường của đàn na thí chủ). Nhưng bây giờ, Ngài đã nêu quyết tâm tu rồi và chắc chắn với con đường trung đạo (cụ thể là bát chánh đạo) Ngài sẽ đắc được sự giác ngộ thì lý do gì cần sử dụng nó nữa, nên quăng xuống sông để không còn quan tâm đến chuyện ăn uống. Đó là một quyết tâm cao độ. Quyết tâm này đi ngược lại với dòng đời để trở thành một bậc Thánh.
Quyết tâm đó đã được thể hiện lần thứ hai tại cội bồ đề, kết quả là đức Phật đã trở thành bậc Đại Minh Triết trong lịch sử các Minh Triết của Ấn Độ và của thế giới nói chung.
Khi đến Bồ Đề Đạo Tràng, phần lớn các phái đoàn được hướng dẫn, khi đối diện ngay cội bồ đề thiêng, nơi vốn được xem là nguồn năng lượng tâm linh mạnh nhất trong các Phật tích và cũng là trên hành tinh này, để phát những nguyện lợi ích cho tha nhân và chúng sinh nói chung.
Các triều đại vua trong lịch sử của Ấn Độ cũng đã bắt chước theo truyền thống này, mỗi khi đến Bồ Đề Đạo Tràng, họ phát nguyện dựng lên một cái tháp để mong cho thiện chí của họ được thành tựu. Và cứ như thế, dọc theo bốn mặt (đông, tây, nam, bắc) của Bồ Đề Đạo Tràng có cả hàng trăm ngôi tháp nhỏ, lớn, vừa khác nhau. Sau này, không còn chỗ đủ để chứa đựng các tháp nữa, do đó, năm, bảy người, vài ba chục người cùng phát nguyện trên một tháp; hoặc tháp đã được xây dựng rồi, họ tái phát nguyện và đắp vào những chỗ bị sạt, lỡ, hư, mất v.v... do năm tháng.
Hướng đến sở đắc, một cách tích cực thì không có gì là sai. Nhưng khi nào ta sử dụng sở đắc đó sai lầm thì mới trở thành vấn đề. Nói cách khác, ước muốn chân thành, tốt đẹp trên nền tảng của Nhân-Quả và có sự thực tập, trải nghiệm để đạt những gì ta mong đợi là một điều đáng khích lệ, ít nhất là từ phương diện lịch sử, trên những gì đức Phật đã làm.
“Sở đắc” luôn luôn gắn lớn với sự “quái ngại”, mong mỏi nhiều có thể dẫn đến sự tuyệt vọng nhiều. Vì đó là những mong mỏi không có nền tảng của Nhân-Quả. Đối với người tu tập đúng, nắm được quy trình của Nhân-Quả, ta sẽ thấy rất rõ, khi mình đầu tư thế này, phương pháp thế kia, nỗ lực thế nọ, công sức, thời gian, với những hỗ trợ và thuận lợi duyên đã có mặt thì chắc chắn rằng kết quả sẽ trổ trong thời gian như thế là như thế (muốn khác hơn cũng không được, không muốn như thế cũng không được, phải như vậy, là như vậy, thôi).
Sau khi khởi lên nguyện ước chân thành, nỗ lực bằng nhân-quả rồi, ta không còn bận tâm đến cách tính thời gian trổ quả nữa. Vì mọi thứ ta đã nắm rõ được trong lòng bàn tay rồi. Kỳ vọng nếu thiếu nền tảng củanhân-quả sẽ dẫn đến sự “quái ngại” (tức là những trở ngại), do đó, nó trở thành là đối tượng cần được vượt qua.
II. VƯỢT QUA CÁC TRỞ NGẠI
1. Trở ngại từ nghịch cảnh
Vấn đề đặt ra là vượt qua trở ngại là vượt qua cái gì? Như thế nào? Câu trả lời của Bát-nhã Tâm Kinh là “vượt qua mọi trở ngại bằng trí tuệ”. Các trở ngại bao gồm các nhóm sau đây: Nghịch cảnh, tâm lý và thái độ chán nghịch cảnh, tâm lười biếng, thói quen tiêu cực, vô minh và cố chấp. Tất cả các lực lượng trở ngại này đều được chuyển hóa và vượt qua bằng trí tuệ.
Nghịch cảnh bao gồm các trở ngại từ thiên tai (động đất, sóng thần, lũ lụt, hạn hán), hoặc là những tai nạn do chính con người tạo ra (chiến tranh, sự bất công và bất bình đẳng xã hội, các hình thái trọng nam khinh nữ, các tầng lớp xã hội do con người đặt ra để bóc lột sức lao động của nhau).
Khi phát triển được trí tuệ, ta thấy rất rõ những thứ như thế không hợp lý. Các thiên tai không phải do Thượng đế, các thần linh cả giận, trừng phạt con người như phần lớn các kinh thánh của các tôn giáo nhất thần và đa thần đã viết ra để hù dọa con người, chứng minh quyền uy tối thượng của Thượng đế, để con người vĩnh viễn phải bị sợ hãi và lệ thuộc. Lệ thuộc vào Thượng đế và thần linh là một trở ngại lớn về phương diện trí tuệ và đạo đức. Vì thế, ta có thể nói đạo Phật đã dạy cho ta cái nhìn mới (giải phóng mình khỏi ách nô lệ của thượng đế và các thần linh là quyền con người quan trọng nhất trong tất cả các quyền căn bản mà con người cần có).
Một khi trí tuệ được phát triển, ta thấy rất rõ, vũ khí không phải là một phương tiện để mang lại hòa bình, chiến tranh không phải là giải pháp để giải quyết các vấn nạn, gúc mắc với nhau, mà phải là hòa đàm, hiểu biết, tôn trọng, cảm thông, thương lượng, tương dưỡng để cả hai bên cùng có lợi.
Tháng 3-2010, tổng thống Barack Obama và tổng thống của Nga đã ký hiệp ước hủy bỏ các loại vũ khí hạt nhân. Trước đây, trong thời kỳ chiến tranh lạnh, hai nước này tranh giành nhau để chứng minh rằng mình là quyền lực số 1 trên hành tinh. Bây giờ hai nước đã hòa nhau. Vậy, khi trí tuệ con người phát triển càng cao, tất cả những điều người ta từng sợ hãi để tạo ra những trở ngại, sẽ từ từ được giải phóng. Chúng ta không phải tốn tiền vào những việc chế tạo vũ khí. Trên thực tế, không mấy lúc ta sử dụng được vũ khí, phần lớn mua vũ khí chỉ là một sự trấn an, kết quả là tốn kém, trong khi vấn đề an sinh xã hội đang còn bỏ ngõ ở nhiều quốc gia. Sao ta không dùng số tiền đó để chu cấp cho các hoạt động an sinh này.
Khi trí tuệ con người phát triển, các hình ảnh bất công ngày càng phải được thay đổi, xóa sổ đến tận gốc. Vấn đề còn lại là thời gian.
2. Trở ngại về tâm lý
Trí tuệ sẽ giúp cho mình soi sáng rằng mặc cảm (tự đánh giá thấp mình hơn mức mà mình đang có về khả năng, năng lực, tiềm năng, nỗ lực và những diễn tiến để dẫn đến sự thành công). Nhờ đó, ta có thể khôi phục lại niềm tin đã bị đánh mất.
Thái độ tâm lý đối lập lại là sự cống cao, ngã mạn, xem mình là trục xoay là quan trọng, thước đo. Những người Như vậy, đi tới đâu sẽ gặp trở ngại tới đó. Do đó, ta dùng trí tuệ để xem thấy rằng, mình chỉ là một chức năng trong vô số các chức năng khác được sử dụng trong cuộc đời này, không có gì là ghê gớm. Ta chỉ là một hạt cát trong sa mạc, ta chỉ là một viên sỏi trong bãi sỏi, một viên đá trong một dãy núi thôi. Ai quan niệm như thế sẽ không tự đánh giá mình là hơn cả ông trời, còn những người khác là rơm rác v.v… nhờ đó trong xã hội ta đạt được đắc nhân tâm.
3. Trở ngại về thái độ
Trước nhất, người có trí tuệ thấy rất rõ là không có số phận an bài, không có định mệnh, không có sự ngẫu nhiên, không có tiến trình tự nhiên. Tất cả có nhân, duyên để dẫn đến quả báo thế này, thế nọ trong tự thân của mọi sự vật, hiện tượng. Do đó, người ấy có năng lực vượt qua chính mình, làm mới đời sống, cải tạo hành vi và ngày càng tiếp nhận được rất nhiều các nguồn năng lượng của hạnh phúc và bình an.
4. Trở ngại về lười biếng
Kinh Lăng Nghiêm đưa ra một số lý do mà thỉnh thoảng ta có thể vinh vào để biện hộ cho sự dãi đãi của mình. Chẳng hạn như, có người nói bây giờ còn quá sớm để làm công việc này, nên từ từ làm cũng được (ta đã bỏ lỡ cơ hội để làm thành công) Có người biện hộ như thế này: “Bây giờ trễ quá rồi để làm lại cuộc đời, tôi đã làm biết bao nhiêu tội lỗi, bây giờ đã không còn thời giờ để làm lại nữa, thôi thà chấp nhận như thế còn hơn”. Có người nói: “Cái này quá ít, quá nhỏ, không hợp với khả năng, vị thế của tôi, làm rồi được cái gì? Tốt hơn là không làm vì làm như thế là một sự nhục mạ. Như vậy, họ đã bỏ qua cơ hội để làm những việc “tích góp gió thành bảo, nhỏ thành lớn”. Có người nói rằng: “Cái này nếu không có cũng không sao, làm gì phải quan trọng vấn đề đến thế”. Nói như thế rồi ta bỏ cơ hội, không làm gì hết.
Lười biếng luôn luôn tìm những bạn đồng hành, trong đó, biện hộ là một “tên nguy hiểm” nhất để ta tìm những lý do và ta trốn tránh trách nhiệm khỏi những nỗ lực, trong khi, lẽ ra ta cần phải dấn thân vào để đạt được cho chính mình và góp phần giúp cho tha nhân.
5. Trở ngại về thói quen tiêu cực
Bao gồm những thói quen rượu chè, thuốc lá, ma túy, hưởng thụ, đàn điếm, v.v... Những thứ này làm cho chúng ta ngây ngất một giai đoạn và sau đó đắm chìm mình trong khổ đau. Nhưng ta lại lý giải rằng, nó chính là đầu mối của hạnh phúc. Lẫn lộn giữa ảo giác và hạnh phúc với hạnh phúc đích thực sẽ làm cho rất nhiều người trả giá rất đắc, đó là hối hận mà vẫn chưa quay đầu kịp. Cho nên, thà ít tiêu thụ một chút để ta khỏi phải hối hận về sau.
Học theo Phật, ăn ít, ngủ ít, hưởng thụ ít, mặc ít sẽ giúp ta có được hạnh phúc lâu dài và tiết kiệm được nguồn phước báo. Cho nên, phước sẽ ở mãi với chúng ta, đồng hành với mọi bước chân đi của chúng ta trong tiến trình sanh, tử luân hồi, như là một vệ sĩ, như là một hộ pháp.
6. Trở ngại do vô minh và cố chấp
Vô minh bao gồm mê tín, dị đoan, giới cấm thủ. Rất nhiều người cố chấp vào học thuyết định mệnh, học thuyết ngẫu nhiên. Có người cố chấp vào quá khứ. Có người cố chấp vào tương lai. Có người cố chấp vào những lỗi lầm. Có người cố chấp về cảm xúc. Có người cố chấp vào phương pháp sai nhưng nghĩ rằng đó là con đường giải thoát. Tất cả đều là vô minh.
Có rất nhiều niềm tin vu vơ không có cơ sở gì hết để tin nhưng vẫn tin với một niềm an ủi rằng “thà tin dư thừa còn hơn thiếu để phòng hờ cho chắc ăn”. Các thái độ cố chấp do vô minh như thế đều là một trở ngại rất lớn cho hạnh phúc và bình an. Người tu học Bát-nhã Tâm Kinh cần phải xử lý những trở ngại bằng trí tuệ.
III. SỬ DỤNG TRÍ TUỆ VƯỢT QUA SỢ HÃI
Tất cả sinh thể đều thể hiện bản năng sinh tồn hiện hữu từ trong đáy thẳm của vô thức từ vô thỉ, qua hành vi “fight or flight”, “chạy hay chiến đấu” trước mọi nghịch cảnh, mà khi tiến hóa đến các bậc cao thì ý thức hữu thức gọi tên nó bằng “sợ hãi”.
Nỗi sợ hãi luôn luôn tiềm ẩn trong tâm thức của từng cá thể, từng tập thể (gia đình, tộc họ, làng xã), quốc gia và cả trong từng nền văn minh của nhân loại và mặt trái đồng sinh với nó, chính là “tín ngưỡng”.
Khi còn nhỏ, bất cứ cái gì cũng có thể làm cho chúng ta sợ: Sợ ma, sợ vô cớ, sợ thiếu ăn, sợ vắng cha mẹ, sợ đi xa, sợ làm cực nhọc, v.v... Trên đời này có cái gì, nỗi sợ đính kèm theo như thế. Vì con người không đủ sức để suy nghĩ, chưa đủ sức tự lực để vượt qua, nên cảm thấy mình yếu kém, nhỏ bé và nỗi sợ xuất hiện như là một nguồn vô thức rồi tác động đến ngũ thức. Nếu không được cha mẹ, hay người đi trước hướng dẫn, nỗi sợ này trở thành một khối qua năm tháng, rất khó phá vỡ được.
Lớn lên, ta sợ thiếu thốn, sợ mất việc, sợ bị sa thải, sợ bệnh tật, sợ tai nạn, sợ chia ly trong tình yêu, sợ chiến tranh, sợ mất thời gian, sợ không có khả năng, sợ bị ruồng bỏ và hàng trăm triệu, triệu, triệu nỗi sợ khác nhau. Ai sống với những nỗi sợ như thế sẽ không còn không gian để “hít thở” hạnh phúc.
Bây giờ, ta thử đặt ngược câu hỏi: “Khi ta khởi lên ý niệm về nỗi sợ hãi, về những nghi vặt mà ta cho rằng không thể an tâm được, ta có giải quyết được các vấn nạn hay không?”. Câu trả lời là hoàn toàn không. Nỗi sợ vẫn còn nằm y nguyên đó. Vậy ta dại gì mà sợ. Cứ bình tĩnh, nỗ lực làm, cố gắng vượt qua thì trước sau gì ta cũng nắm được sự thành công trong lòng bàn tay.
Khi già, con người thường sợ chết, sợ cô đơn, sợ mất hết tất cả những gì mình đã có. Đôi khi, tuổi già cũng là tuổi khó tu lắm nếu không có thói quen tu. Chỉ nỗi sợ cô đơn không thôi cũng làm cho mình bị khủng hoảng, sợ hãi rồi và bị thay thế bởi lớp trẻ hơn, sợ bệnh tật, sợ chết và người già luôn luôn gắn liền với những thứ ấy. Hoặc là bị con cái bỏ rơi, bất hiếu với mình.
Hôm qua, có một tờ báo đưa tin, có một cụ già, 96 tuổi ở Trung Quốc đem lòng thương một cô 30 tuổi ở Đài Loan. Ông là một ông Từ giữ đền Lão giáo, độc thân từ nhỏ đến lớn, có 2 đứa con nuôi. Một người 68 tuổi, một người khoảng năm mươi mấy tuổi. Bỗng dưng đến tuổi này, ông hồi xuân, muốn lập gia đình. Trong giấc mơ, ông thấy các thần linh đưa lối dẫn đường phải qua Đài Loan gặp một cô nàng như thế, với tên họ như thế, lấy về làm vợ thì ông sẽ sống hạnh phúc hơn. Rồi ông đi tìm kiếm và gặp được người như thế. Hai người thương nhau và tổ chức lễ cưới. Hai người con nuôi của ông phản đối dữ lắm, vì nghĩ rằng ông già, bị lú lẫn rồi, có thể là bị cô này lừa, thừa kế gia tài.
Ông đã phát biểu trên báo: “Suốt cuộc đời của tôi chưa từng được lập gia đình, bây giờ chẳng lẽ tôi không được cái quyền để có được người ưng ý với mình, cho nên, hai đứa con nuôi quả thật là bất hiếu”. Đây là nỗi sợ cô đơn. Khi hỏi thêm: “Ở tuổi này ông còn muốn lập gia đình để làm gì nữa?”. Ông trả lời: “Muốn có người chăm sóc, chứ hủ hỉ cu ki một mình, chịu sao nỗi”. Nỗi cô đơn là một ám ảnh lớn ở những người già. Hèn gì, trong dân gian người ta nói câu: “Có con để sau này con lo; không có con, sợ mai mốt chết một mình không ai biết đến”. Đó chỉ là nỗi lo thôi, thực tế có nhiều người có con mà con có lo đâu, nhiều khi phải lo cho nó nữa. Lo cho nó chưa đủ, còn lo mấy cháu nữa.
Giữa thực tế và nỗi lo có một khoảng cách lớn lắm. Tốt nhất là đừng để cho nỗi lo khống chế mình. Vượt qua nỗi lo theo đức Phật trong kinh Bát-nhã cũng như nhiều bản kinh Đại thừa khác, bằng trí tuệ để ta có được nỗi “không sợ hãi” (tức là “vô úy”). “Không sợ hãi” được thể hiện qua các phương diện, bản lĩnh đối diện với các nghịch cảnh, bản lĩnh bền bỉ (tìm cách mà không đào tẩu khỏi những thực tại rắc rối), bản lĩnh tự tin rằng mình có thể khắc phục và cải tạo được tình huống ngang trái, khó khăn, nghịch duyên, khổ đau, bãn lĩnh mong chờ và nỗ lực để đạt được những điều mà mình tin và thực hiện.
Người có trí tuệ thấy rất rõ thân thể, cảm xúc, tâm tư, ý niệm, nhận thức không phải là tôi, tôi không bị lệ thuộc vào nó. Đây là những ngã sở hữu, không phải của mình vĩnh hằng. Cái gọi là “tôi” chỉ là một chức năng. Cái gọi là “sở hữu của tôi” chỉ là sở hữu về luật pháp, đạo đức trong một thời gian ta còn sống thôi. Cho nên, ta không nên bám díu vào nó. Vì đến một lúc “ta vẫy tay chào với cuộc đời, tất cả những thứ này không theo mình nữa”. Nếu có phải chấp vào “cái tôi” và “cái tôi sở hữu”, phải chấp dưới hai phương diện: Luật pháp và đạo đức thì chấp nhận được.
Thí dụ, chấp “cái tôi” về luật pháp, tôi phải chịu trách nhiệm tôi về những hành động của tay, chân, lời nói, việc làm. Tôi không giết người, không trộm cắp, không gian dâm, không rượu chè, ma túy v.v... để tôi khỏi bị khổ đau và người thân của tôi bị khổ lụy. Đó là ta gắn kết trách nhiệm luật pháp và trên cơ sở đó ta phát huy được năng lực đạo đức. Điều đó được đức Phật khích lệ.
Về phương diện nhận thức, ta thấy mọi vật là tổ hợp. Cái gì là tổ hợp thì cái đó không phải là của mình, chỉ là một công cụ thôi. Như thế, ta không còn sợ chết, không sợ mất, không tiếc nuối và vượt qua được nỗi sợ hãi một cách dễ dàng và thành công. Những điều gì xảy ra trong đời đều là bài học mà ta phải học cho trọn vẹn. Nhìn cuộc đời là một quá trình học hỏi như vậy, sẽ không có điều gì xảy ra trong đời là vô nghĩa cả. Chính thế giới này là nơi rất tốt để học hỏi, vì tất cả mọi thứ đều có ý nghĩa.
IV. VÔ HỮU KHỦNG BỐ
Bản kinh nói: “Do không còn sợ hãi nên ta vượt qua được “khủng bố” và vượt qua khủng bố cũng bằng trí tuệ, chứ không bằng gì khác. “Khủng bố” trước nhất có thể được hiểu như là các hoạt động cá lẽ hay tập thể mang tính phá hoại, đe dọa, có khi thực hiện bằng hành động, có lúc được thể hiện bằng lời nói, hay là bằng các phương tiện truyền thông.
Mục đích chính của các hoạt động này là gây thiệt hại, tổn thất rất lớn cho người mà họ đang thù hay ghét, tối thiểu là tạo ra trạng thái hoang mang tột độ, sợ hãi, kinh hoàng, mất hết hạnh phúc. Tổn thất về phương diện xã hội là rất lớn. Đây đó khắp nơi, người ta đều dè dặt và không dám có mặt ở những chổ đông. Do đó, ảnh hưởng đến công ăn, việc làm v.v...
Nỗi sợ hãi trong tâm thức bộc lộ ra đối tượng của nó, thành khủng bố - mặt chiến đấu của nỗi sợ hãi. Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, riêng năm 2009, trên thế giới đã có 11 nghìn vụ khủng bố. Trong số đó, có hơn 3.000 vụ diễn ra tại Iraq, nơi đang có tranh chấp giữa hai ý thức hệ của Hoa Kỳ và những người ủng hộ cựu tổng thống Saddam Hussein.
Nói cách khác, bất cứ nơi nào đang có những tranh chấp, các hoạt động khủng bố có thể được sử dụng như là công cụ nguy hiểm và vô lương tri, để tấn công đối phương, một điều tối kỵ trên luật pháp quốc tế. Vì ta thấy rất rõ tác hại của nó ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản, bất ổn về kinh tế và thể chế chính trị nói chung. Riêng các cuộc biểu tình cũng làm tổn thất biết bao nhiêu giá trị kinh tế, bất ổn về xã hội, chưa nói đến bạo động.
Ví dụ, hiện nay ở tại Thái Lan, phe áo đỏ gồm mấy chục nghìn người ủng hộ cựu thủ tướng Thaksin, khi tài khoản 1,4 tỉ đô la của ông bị chính phủ và tòa án tối cao của Thái Lan niêm phong và thu hồi, xung vào công quỹ. Vì đảng đối lập cho rằng đó là tài sản tham nhũng trong suốt thời gian ông làm thủ tướng của nước này. Lập tức, làn sóng biểu tình đã diễn ra khắp nơi. Người biểu tình lấy máu và phun máu khắp nơi để thể hiện sự bất đồng rất lớn. Máu tượng trưng cho cái chết, bạo động, bạo lực v.v…
Nếu chính phủ Thái Lan không khéo giải quyết vấn đề ổn thỏa thì bất ổn chính trị đó sẽ dẫn đến khủng hoảng kinh tế một cách lâu dài. Rất nhiều nhà đầu tư của Thái Lan đã bỏ sang Việt Nam (vì bất ổn chính trị thì đâu làm ăn được gì nữa). Một người nào đó đã phát biểu: “Cái xui của Thái Lan lại là may mắn của Việt Nam”. Đó là luật tương quan và duyên khởi (lở chổ này trở thành bù đắp ở chổ khác). Biểu tình thôi cũng đã làm tổn thất đến thế, huống chi là có bạo động, khủng bố, chiến tranh.
Trong năm 2009, phe áo trắng đã cưỡng chế sân bay quốc tế, không cho các quan chức Đông Nam Á đến tổ chức cuộc họp Asian, làm nhiều người khủng hoảng, sợ hãi, không dám lui tới theo lời hiệu triệu của chính quyền các quốc gia, thông qua sứ quán và bộ phận ngoại giao của những nước này. Huống chi những loại khủng bố có tổ chức như mạng lưới Al-Qaeda toàn cầu và nhiều các hoạt động khủng bố của nhiều lực lượng khác nhau. Chỗ nào khủng bố còn có mặt thì chỗ đó còn tan thương, khổ đau.
Muốn vượt qua nó, ta phải dùng trí tuệ để phân tích tính nguyên nhân tại sao có khủng bố? Ở gốc độ sâu xa nhất, đặc biệt là những khủng bố mang tính cách đối lập giữa những thiên cực, chính trị, ý thức hệ, tôn giáo, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, mà nỗi sợ hãi cái ý thức hệ đối lập, cái tôn giáo hay dân tộc khác biệt sẽ trở nên mạnh mẽ và chi phối đời sống. Từ đó, khởi sinh sự áp bức chèn ép các thành phần đối lập đã dẫn đến nguyên nhân trực tiếp là sự phân hóa giữa giàu và nghèo là sự phân phối bất bình đẳng của tài sản, và sự áp đặt các giáo điều tôn giáo hay chính trị cực đoan. Chính đây là đầu mối của các cuộc chiến tranh khủng bố. Cho nên, giải quyết các khủng bố bằng bạo lực chỉ tạm thời thôi, chứ không giải quyết được vấn đề.
Theo lời tiên tri của nhà tiên tri Vanga, trong vòng mười mấy năm tới sẽ có khả năng xảy ra thế chiến thứ 3, lời tiên tri đó không có cơ sở gì để ta tin là có thực (vì không được dựa vào sách sử gì sau khi bà chết mấy chục năm vừa qua). Cơ sở dữ liệu đó rất mờ ảo. Nếu các hình thái khủng bố không được dứt trừ một cách ổn thỏa bằng hòa đàm, thương lượng và tương nhượng thì các hình thái bạo động khác dưới hình thức lớn hơn sẽ tiếp tục diễn ra.
Cách đây 3 ngày, Osama Binladen đã tuyên bố trên đài truyền hình ở Trung Đông rằng: “Bất cứ một người dân Mỹ nào mà họ bắt được, họ sẽ giết chết để trả đũa chính quyền Hoa Kỳ”. Đó là một tuyên bố mang tính khủng bố, mặc dù việc đó có làm hay không, nhưng cái giá của nó là tạo ra sợ hãi. Tát thì đau liền, ta có thể tìm cách tháo gỡ liền, nhưng giá thì không biết bị lúc nào, ở đâu? Mức độ tổn hại ra sao? Cho nên, nỗi sợ hãi cứ như thế thường trực xuất hiện.
Không có gì vượt ra khỏi gốc rễ tham, sân, si. Tranh chấp về quyền lực kinh tế, ai nắm quyền lực toàn cầu, thuộc về lòng tham, bất đồng nhau về những phân chia không đồng đều, trở thành lòng sân. Tham, sân có mặt ở chỗ nào thì si đồng hành chỗ đó. Do đó, ta phải sử dụng trí tuệ tập thể, toàn cầu phải đề cao cảnh báo, ngăn chặn và tuyên chiến với các khủng bố bằng phương pháp hợp tác và sự khôn ngoan, mới có thể thắt chặt được an ninh: Huy động lực lượng cảnh sát, đặc nhiệm, thậm chí quân đội, mật vụ và mọi người dân để phát hiện và dập tắt khi nó còn là manh mối. Chờ bùng nổ rồi mới dập tắt cũng là bằng thừa.
Đề cao về trí tuệ, chúng ta thử hỏi: “Tại sao phải dùng vũ lực? Tại sao phải dùng những hình thức tổn hại, thiệt hại cho người khác để tạo ra sức mạnh cho mình, mà không dùng những loại sức mạnh chân chính có giá trị hơn và được cuộc đời nhớ thương nhiều hơn”.
Khi khai sáng được các giá trị tích cực của những người sống trong thế giới khủng bố, trước sau gì, họ cũng quay đầu, không còn xem khủng bố là một mặt mạnh, 2600 năm qua, chiến tranh vẫn đồng hành cùng nhân loại, xuyên suốt chiều dài lịch sử, đủ thấy gốc rễ vô minh sâu dầy biết chừng nào?
Ta có thể tự cứu bản thân và có thể tạo ra khác biệt. Ta có thể xoay chuyển được số phận, tác động lên số phận của người khác và cõi đời này. Trong ta, có tiềm năng mạnh mẽ và nguồn lực ấy không bao giờ cạn. Mặc dù, những tồn thất nhất định vẫn luôn tiếp tục xảy ra trong mọi không-thời-gian, trong đó có ta, bởi vì chúng là một phần tất yếu từ lịch sử quá khứ xa xưa.
V. VIỄN LY ĐIÊN ĐẢO MỘNG TƯỞNG
Về đoạn văn Sanskrit, câu đã rõ nghĩa rồi: “Điên đảo” là một vế, “mộng tưởng” là đồng tân ngữ, sau đó, “cứu cánh Niết bàn” là một ngữ động từ để cho thấy, khi ta kết thúc được điên đảo và mộng tưởng, lập tức ta sẽ đạt được “Niết bàn”.
Mặc dù “Niết bàn” không phải là kết quả của sự biến thiên này, nhưng nếu không nhờ sự giải trừ đó, “Niết bàn” không có được. Giống như căn nhà không phải là kết quả của con đường ta đang đi đến, nhưng nếu không có con đường, ta không đến được căn nhà. Mối quan hệ đó là biện chứng.
Bản dịch của ngài Cưu-ma-la-thập ghi là: “Viễn ly nhất thiết điên đảo mộng tưởng, cứu cánh Niết bàn”. Như vậy, có thêm chữ “nhất thiết” trong khi tiếng Sanskrit thì không có chữ “nhất thiết” (tức nhấn mạnh cho rõ nghĩa, mọi hình thái của “điên đảo” và “mộng tưởng”, khi đã được kết thúc rồi bằng trí tuệ, “niết bàn” đạt được đến mức độ “cứu cánh” là hiển nhiên).
Bản dịch của ngài Phát Thành: “Siêu hóa điên đảo, cứu cánh Niết bàn”, gọn trong vòng 8 chữ, có ý nghĩa sâu sắc. “Siêu” là vượt qua. Siêu hóa (vượt một cách trọn vẹn) điên đảo”, “mộng tưởng” cũng là một loại “điên đảo”, nên không cần phải liệt kê ra hai. Do đó, ta đạt được thành quả “Niết bàn cứu cánh”.
“Điên” thì ai cũng biết rồi, “đảo” nghĩa là lộn ngược. Người đứng bằng 2 chân trên mặt đất, chồng chúi xuống, hai chân đưa lên trời gọi là người bị điên đảo. Nói cách khác, cái gì khác với thế giới hiện thực như là một quy luật, cái đó gọi là điên đảo. Những nhận thức đánh giá của chúng ta không phù hợp với hiện thực, đó là nhận thức điên đảo, là sai lầm, tà kiến, biên kiến, kiến thủ, giới cấm thủ.
Như vậy, cái gì là chánh tri kiến, không điên đảo? Theo đức Phật, đánh giá thế giới, sự vật, con người, tình huống, mọi vấn đề trên Duyên khởi (đó là sự tương tác đa chiều trên nhân-quả), tức là mối liên hệ biện chứng trước và sau với các duyên đang tồn tại, ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến chúng. Chớ nên gọi “chết” là “hết”, mà còn có sự tiếp nối để chịu trách nhiệm đạo đức và luật pháp.
“Mộng tưởng” thì đơn giản hơn. Có nhiều người có những ảo giác trong giấc mơ vì không kiểm soát được tâm, do quá trình sống ban ngày, ta tiếp xúc với những điều không như ý nhiều quá. Ức chế tâm lý đó xuất hiện dưới các hình ảnh của cơn mơ, làm cho mình cảm thấy mệt mõi, bần thần, dã dượi, khó chịu. Những thứ này, ta vượt qua bằng cách tập thể dục, ngủ đúng tư thế, không nằm gối cao, không để máy lạnh quá lạnh, để cho tư thế nằm không tạo ra ức chế gì. Do vậy, cơn mơ ác mộng sẽ không xuất hiện.
Hoang tưởng rất nguy hại, có thể có mặt trong lúc người ta đang tỉnh táo. Hoang tưởng là những triệu chứng rối loạn về nội dung tư duy đối với thế giới hiện thực. Mọi nhận thức đánh giá mà không phản ánh đúng nội dung, bản chất của thế giới hiện thực đều gọi là hoang tưởng.
Về phương diện y học, hoang tưởng là một chứng bệnh có thể làm biến đổi nhân cách, đời sống của bệnh nhân, làm cho người đó sợ hãi, lo âu, bất thường, suy đoán mà không có một cơ sở dữ liệu gì hết. Họ cứ nghĩ rằng đó là sự thực mà trên thực tế thì không. Nhiều chị em phụ nữ mắc phải chứng bệnh hoang tưởng. Mất ngủ vài ba đêm, nên ta phán đoán không chính xác nữa, có cảm giác loạng choạng. Nếu như trước đó, ta đã từng nghe kể về phim ma, truyện ma, ta lại liên tưởng rằng có một bóng ma nào đó đang đi theo và quấy phá mình. Hoang tưởng làm bệnh nhân thất điên, bát đảo, khổ đau, đôi lúc không tháo được.
Chúng tôi gặp rất nhiều người như thế. Có vị bị hoang tưởng mà khi giải thích, không chịu nghe. Mặc dù không có thực nhưng hoang tưởng ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh là sự thực không thể phủ định. Cho nên, ta phải rũ bỏ hoang tưởng đó càng sớm càng tốt.
Điều đầu tiên, chúng tôi đưa tay lên và hỏi: “Trong bàn tay của tôi có cái gì?”. Nếu trả lời sai là không tin được. Vì ma không bị giới hạn về vật chất. Cho nên, tâm thức của họ còn mạnh hơn chúng ta. Do đó, họ có thể biết được.
Điều thứ hai, chúng tôi hỏi bất chừng: Sau cổ, hay đầu của anh/chị là cái gì?. Nếu là ma họ sẽ thấy rõ là bức tường màu gì, như thế nào, ra làm sao. Nếu không trả lời đúng, thì biết là ma dỏm, hay bị tâm thần đa nhân cách.
Có người đã được giải thích, lại nói: “Không! con ma của tôi khôn ngoan lắm, nên gặp thầy nó giả vờ không biết gì hết để thầy khỏi đánh nó ra khỏi thân thể tôi, để nó có cơ hội làm chủ lấy tôi. Cho nên, thầy hãy vì lòng tình thương cứu tôi”. Cái đó là “bó tay.com”. Tức là sống với cái hoang tưởng đến mức độ, khi người ta đưa sự thực cho mình ngay trước mặt, nhưng mình vẫn vẫy tay chào, không tiếp nhận thì đành chịu thôi.
Khi bị hoang tưởng, tốt nhất hãy đến bệnh viện tâm thần, đừng đi thầy pháp, thầy bùa, thầy cúng. Đi đúng bác sĩ tâm thần giỏi, kinh nghiệm, để uống thuốc, giúp ổn định lại, không còn những rối loạn nhận thức, hành vi. Không may, gặp mấy ông mê tín dị đoan, nói bệnh nhân có ma theo thì chết luôn.
Những người bói toán, phù thủy hoặc phong thủy, nếu không biết thì đừng nên phán đại vì sau này bị hậu quả lớn. Lời tuyên bố thiếu trách nhiệm dẫn đến tình trạng người khác phải sống ương, chết dở và hậu quả đó rất nghiêm trọng. Cái gì không biết thì đừng phán bậy.
Những người bị hoang tưởng khó chấp nhận sự giải thích logic, rất khó thuyết phục họ bằng lý lẽ khoa học. Vì họ nghĩ rằng họ đúng, còn người khác là sai hết. Nếu ta kiên nhẫn thuyết phục, giải thích, hỗ trợ để họ vừa uống thuốc, vừa nghe lời khuyên, họa may còn cứu vãn, bằng không phải đành chịu. Lúc đó, họ rơi vào trạng thái điên đảo.
Điên đảo là đánh giá, nhìn nhận không đúng sự thực, xáo trộn hết, đảo ngược hết. Nhận thức xáo trộn, đảo ngược dẫn đến sự hoang tưởng. Mối liên hệ giữa hoang tưởng và điên đảo là hai chiều. Cái này có thể kéo theo cái kia và ngược lại. Gốc rễ của nó có thể là những ám ảnh, những ảo giác, những lý giải sai, những định kiến v.v... Nó có thể tồn tại trong người bị tâm thần phân liệt, cảm xúc như trầm cảm. Do đó, phải điều trị có phương pháp thì mới vượt qua.
Phần lớn loài người sống như giấc mộng, “sự thế nhược đại mộng”, sống mà không biết mình đang sống, hoàn toàn thiếu tỉnh thức. Đây chính là cuộc sống “điên đảo mộng tưởng”. Trong ngữ cảnh của Bát-nhã Tâm Kinh, “điên đảo mộng tưởng” thuộc về nhận thức luận và đạo đức học.
Đang bị khổ đau, trong giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu, ta biết đó là nhân duyên chung, cho dù là tỷ phú, triệu phú cũng chết, huống hồ là mình. Có người lý giải, có lẽ cha tôi chết vào ngày ly tán hay ngày sát chủ, con cháu ngốc đầu lên không được. Rồi nhờ các thầy bùa, thầy cúng đến yếm trù mộ huyệt cha mẹ. Đây là tội đại bất hiếu và gieo nghiệp đại hàm oan cho ông bà, cha mẹ đã chết rồi không còn cơ hội biện hộ cho chính mình. Tất cả đều được gọi là “điên đảo mộng tưởng”.
Ai lý giải, phân tích, giải quyết các vấn nạn từ đơn giản đến phức tạp dưới hình thức nhân-quả, được gọi là thoát khỏi “điên đảo mộng tưởng”, đang tiếp cận với trí tuệ. Ai giải quyết mọi thứ trên nền tảng của mê tín, dị đoan, thần nguyền, định mệnh, an bày, ngẫu nhiên, tự nhiên, được gọi là đang sống trong vòng phủ sóng của “điên đảo mộng tưởng”. Sống chung với những người điên đảo mộng tưởng mệt lắm. Họ mệt, mình cũng bị mệt theo.
Điều trị hoang tưởng trong y học, có thuốc, tập luyện, hỗ trợ của người thân. Điều trị hoang tưởng, mộng tưởng hay điên đảo tưởng về phương diện nhận thức luận và đạo đức học: đòi hỏi đến sự tu tập trí tuệ để ta rủ bỏ hết, chuyển hóa chúng đến tận gốc rễ. Nếu không, nó có thể bị tái phát.
Dấu hiệu chung của những người bị loạn tưởng ở mức độ ban đầu là không thừa nhận mình đang bị bệnh. Do vậy, không có cơ hội để vượt qua. Ta phải chấp nhận bệnh để nỗ lực vượt qua. Nhờ đó, ta biết lắng nghe những lời khuyên chân thành, biết làm theo những phương pháp đúng, biết vượt qua những giới hạn do các chứng bệnh loạn tưởng, điên đảo tưởng, mộng tưởng mà ra.
VI. CỨU CÁNH NIẾT BÀN
“Cứu cánh” ở đây là động từ (đạt đến tuyệt đối của Niết bàn). Trong văn học Pali, có nhiều đoạn đức Phật mô tả “niết bàn” không phải là mặt trời, mặt trăng, ánh sáng, ban đêm, đất, nước, gió, lửa, các hình thái vật chất, hay là dòng cảm xúc, ý niệm, tâm tưởng, nhận thức.
“Niết bàn” được hiểu bằng chuỗi phủ định từ “nêti, nê-ti”. “Nê-ti” là phủ định từ (không phải là cái này, không phải là cái kia), tức là sử dụng phương pháp loại trừ, xóa hết tất cả những cái không thuộc về niết bàn thì cái còn lại chính là “niết bàn”. Đây là cách nói dễ hiểu nhất.
Thí dụ, hạnh phúc của giác quan không phải là “niết bàn”. Hạnh phúc của cơn ảo giác không phải là niết bàn. Hạnh phúc của những lời tán dương không phải là niết bàn. Hạnh phúc của thành tựu cũng không phải là niết bàn. Bỏ hết tất cả các loại hạnh phúc đó, “niết bàn” vượt lên trên khi trong tâm của con người không còn tham, sân, si, phiền não, trần lao, nghiệp chướng, hệ lụy, chấp trước, rơi rớt, không còn bị vướng trong sanh tử luân hồi.
“Niết bàn” không phải là một cảnh giới, nơi chốn, hay thời gian. Niết bàn là trạng thái tâm không còn khổ đau nữa. Ai nỗ lực đúng đều có thể đạt được niết bàn.
“Niết bàn” khác với “thiên đường” của các tôn giáo. Thiên đường là một cảnh giới, môi trường hạnh phúc. Niết bàn không phải là thế giới Cực lạc, không phải là Đông phương thế giới của đức Phật Dược sư cũng không phải là thế giới Vô lượng quang, Vô lượng thọ, Vô lượng công đức. Niết bàn có mặt trong mọi người, khi ta giải phóng mọi nỗi khổ. Lúc đó, ta có mặt ở đâu, không gian nào, thời gian nào cũng đều có được an vui, tĩnh tại, không bị biến chuyển qua các biến cố của cuộc đời. Nói một cách khác, người đạt đến “niết bàn” sẽ không còn mọi trở ngại, không còn sợ hãi, khủng bố, điên đảo, mộng tưởng. Ở người đó là một hội tụ của an lạc, hạnh phúc, bình an hiện tiền thôi.
Tu mà không có được kết quả an vui, là tu trật rồi. Lấy “niết bàn” làm thước đo. Một phần nhỏ của niết bàn thôi cũng làm cho ta an vui, sung sướng lắm rồi. Ai tu mà lúc nào mặt cũng méo xệ, buồn xoa, biết rằng mình tu trật rồi. Đó là chứng đắc bồ đề gai.
Diễn trình tu tập bằng trí tuệ trong đoạn kinh này được thể hiện như sau: Nhờ huấn luyện bằng trí tuệ, nên mọi lời nói, hành động, tương quan xã hội về phương diện ứng xử, không gây sự sợ hãi cho bản thân hay người khác. Cũng không có những tác động tiêu cực, gây sự trở ngại cho mình và cho người hoặc cho cả hai.
Nhờ tu tập không chứng đắc (tức không bám vào thành quả chứng đắc), nên không sợ mất và không cần phải đấu tranh để bảo vệ sự sợ bị mất đó. Nó vẫn còn hoài thái độ thanh tịnh của tâm không bị mất đi. Trí tuệ sẽ là một tấm gương trong sáng, thấy rõ được mọi sự vật, hiện tượng. Như thấy các vân tay trong lòng bàn tay. Rất thiết thực, hiện tiền là bây giờ và tại đây thôi.
Tôi thích cách mô tả của Bát-nhã Tâm Kinh ở đoạn này, khác hoàn toàn với những tông phái Phật giáo khác, đôi lúc cường điệu hóa tính mầu nhiệm. Bát-nhã Tâm Kinh dạy chúng ta dùng trí tuệ. Theo đức Phật, trí tuệ là nữ tính là mẹ sinh các đức Phật, có trí tuệ là có giác ngộ, có chứng đắc, có thánh nhân, có bình an, hòa bình và có tất cả.
Trong khi Mật tông dạy hãy trì chú, để có sự mầu nhiệm, hãy đọc danh hiệu của các Phật thì được như ý, giải quyết được các vấn nạn.
Chúng ta cần phân biệt rằng, trong số hiếm hoi Phật giáo Mật tông, mặt bên kia của hình thức giả huyễn ấy là cả một quá trình tu tập thân tâm và đào luyện trí tuệ vô cùng dài lâu và khó nhọc, cứu cánh của họ vẫn là Trí tuệ Bát-nhã (Prajna Paramita) qua học trình từ 5 - 10 năm.
Về phương diện nghiên cứu, Mật tông không phải là giáo pháp truyền thống của đức Phật. Trong bài kinh Tứ diệu đế, Phật dạy nhân quả trên nền tảng phân tích tìm giải pháp và con đường thực tập để vượt qua những bế tắc khổ đau, đó là trí tuệ, không nương vào thần linh nào hết, chẳng có hình thức Mật tông nào cả.
Liên hệ đến việc cường điều hóa tính mầu nhiệm hình thức, có một hiện tượng hiện nay, tại Việt Nam có phong trào chiêm bái xá lợi. Bây giờ, ở đâu cũng nói là có xá lợi Phật, xá lợi Bồ-tát, xá lợi của Thánh tăng. Xá lợi đó chỉ là niềm tin thôi, không có cơ sở gì để xác định.
Trong lịch sử, khi đức Phật trút hơi thở cuối cùng tại rừng Sa La Song Thọ (Kusinaga), 8 vị vua trong 16 nước liên bang đã có mặt. Vua mạnh nhất là A Xà Thế, người xoán ngôi Tần Bà Sa La để trở thành đại vương của nước Ma Kiệt Đà muốn dành quyền độc tôn thờ Xá lợi cho riêng mình. Vì ông nói rằng: “Tôi là đại đệ tử của đức Phật, đất nước tôi là mạnh nhất, Phật hoằng hóa và thành đạo ở trên đất nước của tôi. Cho nên, tôi được quyền này”. Vị vua ở Kusinaga nói rằng “Ngài trút hơi thở cuối cùng ở chổ nước tôi, tôi được quyền tiếp nhận, không ai được quyền hết, nên gia tài này thuộc về tôi”. Các vua khác nói: “Trong cuộc đời Ngài cũng gắn bó với các nước của chúng tôi nhiều lắm, tôi cũng phải được hưởng phần”. Tranh chấp rất là lớn.
Các đệ tử của Phật đề nghị Bà La Môn Dona giải quyết. Bà La Môn Dona là vị tâm linh của truyền thống Bà La Môn, nổi tiếng tại nước Kusinaga. Ông đề nghị: “Hãy xem đức Phật là của chúng ta, chứ không phải là của tôi, của anh, chị, ông, bà, hay của nước này, nước nọ. Vì là của chúng ta nên cần phải phân chia một cách đồng đều. Ở đây có 8 đại vương, nên mỗi đại vương được 1 phần”.
Trong quá trình khảo cổ đến bây giờ mới tìm được ba tráp thờ xá lợi tại ba quốc gia trong số 8 quốc gia thờ Xá Lợi Phật. Lọ thứ nhất, ở tại Ca Tì La Vệ, thuộc phía Ấn Độ ngày nay. Thời điểm được khai quật và công bố là vào năm 1855. Hai tráp bằng ngọc đá quý có chứa mười mấy viên của Xá Lợi Phật thật đó đã được tôn trí tại Viện Bảo Tàng quốc gia New Delhi, thủ đô của Ấn Độ.
Lọ thứ hai từ tháp thờ Xá Lợi Phật ở Tỳ Xá Ly. Hiện nay, đang tôn trí tại Viện bảo tàng Patna thuộc bang Bihar. Các viên Xá Lợi này, chúng ta không nhìn thấy được vì đựng trong tráp đá nguyên thủy.
Lọ thứ ba, Xá Lợi Phật được khai quật ở Vườn Nai (Lộc Uyển), nơi đức Phật chuyển pháp luân. Vào cuối thế kỷ thứ XVIII, ông Yagat Singh vì muốn xây dựng khu kiều bào mang tên ông, nên đã phá đại tháp thờ xá lợi thật của đức Phật cao 62 mét, để lấy gạch. Khi phá, ông tìm thấy ở mặt đáy của Tháp có tráp đựng những viên Xá Lợi bên trong. Lúc đó, kiến thức về Phật học của ông còn kém, nên ông đem thả xuống sông Hằng. Hành động này làm cho Phật giáo mất đi một gia tài rất quý báu.
Còn 5 bang còn lại cho đến bây giờ vẫn chưa tìm ra được tông tích các tháp thờ xá lợi thật của đức Phật như lịch sử đã mô tả.
Như vậy, toàn bộ đất nước Ấn Độ ngày nay có khoảng 30 viên của xá lợi thật của đức Phật. Các viên xá lợi này được kiểm nghiệm bằng C14 để đo niên đại và kiểm nghiệm ADN để xác định gen di truyền của Phật Thích Ca.
Trung Quốc có một viên xá lợi ngón tay Phật được Ngài Huyền Tráng mang về vào thế kỷ thứ VII. Ở Tích Lan có 1 viên xá lợi răng Phật. Phần lớn, nhiều quốc gia, nhiều cộng đồng, nhiều chiều, nhiều cá nhân nói rằng là mình có xá lợi của Phật thì ta nên hiểu đó là “xá lợi niềm tin,” khác rất nhiều với xá lợi thật của Phật.
Xá lợi thật của Phật không có màu sắc pha lê, mã não, san hô, hổ phách, xà cừ. Các viên xá lợi Phật thật được thờ tại Viện bảo tàng New Delhi có màu xương nhưng có khác biệt là cứng, không bị hư hoại bởi thời gian như xương của chúng ta.
Điều chúng tôi muốn nói là nếu không thực tập trí tuệ, dù ta có sở hữu một khối xá lợi của đức Phật, ta vẫn là người phàm, kẻ tục thôi, có lợi ích gì đâu. Xá lợi chỉ là minh chứng về sự tu tập đúng chánh pháp, với sự phát nguyện khi chết thì còn lại những vật không bị hư hoại với thời gian, để làm tin về con đường tâm linh.
Tâm kinh này dạy ta lấy trí tuệ làm chìa khóa để giải quyết các vấn đề. Phước báo có nhiều cách để chúng ta đạt được, nếu không khéo, ta quá đặt nặng về vấn đề tín ngưỡng có thể dẫn đến mê tín dị đoan, lạy bụi, lạy bờ, lạy đủ thứ như HT. Từ Thông đã có lần răn nhắc bằng một bài thơ như thế này:
Mê nhiều lễ lạy bụi bờ,
Mê vừa lễ lạy Phật thờ lộ thiên,
Ít mê, ít lạy chùa chiền,
Hết mê, hết lạy, tâm điền tịnh thanh.
Dĩ nhiên, ta phải lạy Phật, phải tỏ lòng tôn kính để mình học đức Phật, để trở thành Phật trong tương lai. Lạy Phật là phủ phục trước cuộc đời thánh thiện có một không hai, chứ ta không lạy một thần-tượng-không-lịch-sử.
Phật giáo Đại thừa quan trọng về pháp thân, xem giáo pháp của đức Phật như là thân của Ngài vậy. Chỗ nào có giáo pháp chỗ đó đức Phật còn sống với chúng ta. Chỗ nào giáo pháp không được hành trì và trí tuệ không được phát huy, giáo pháp bị chết đi và đạo Phật mất gốc.
Chánh pháp là thân Phật, chỗ nào có chánh pháp, chỗ đó thân Phật còn, đạo Phật còn. Chỗ nào không có chánh pháp, đạo Phật bị diệt vong. Đây là học thuyết năng động và tích cực, không quan trọng thân Phật, không sùng bái thần tượng, mà giáo pháp mới là đỉnh cao nhất để đạt được trí tuệ. Đỉnh cao của chánh pháp là sự thực tập để chứng đắc trí tuệ, không có gì khác hơn. Đó là điều chúng ta cần phải nhớ.
***