Chương 1: Hiện đại hóa Phật giáo

 

Bài trả lời phỏng vấn của Thầy Thích Nhật Từ về vấn đề: Hiện Đại hóa Phật giáo nhằm áp dụng thực tiễn trong đời sống, đem lại lợi ích thiết thực cho muôn loài.

Cư sĩ Mật Nghiêm (CSMN): Kính bạch thầy! Nhân dịp sắp đến mùa lễ Vu lan, theo chúng con biết, lễ Vu lan là đại lễ của Phật giáo và mang đậm tính truyền thống dân tộc. Thực ra, Phật giáo Bắc tông và Nam tông có sự khác nhau. Bắc tông tổ chức lễ kỷ niệm ngày Vu lan, Nam tông thì chỉ dâng y vào ngày rằm tháng bảy. Chúng con được biết, đời nhà Đường năm 582 bắt đầu cổ vũ làm lễ hội Vu lan. Có dư luận cho rằng, những kinh điển được viết sau này đều từ bên Trung Hoa. Xin thầy cho biết về vấn đề này?

Thích Nhật Từ (TNT): Vu lan là lễ hội văn hóa rất quan trọng bởi được đặt trên tinh thần truyền thống văn hóa: “Uống nước nhớ nguồn”, đạo lý báo hiếu của con cháu đối với những bậc cha mẹ đã khuất. Nhân cơ hội đó, con người mở rộng tình thương đến với những người quá cố bất hạnh khác. Tuy nhiên, đề cập tới nguồn gốc ra đời của lễ hội như cư sĩ vừa nêu có rất nhiều vấn đề phức tạp tạo nên sự tranh luận và sẽ không bao giờ kết thúc. Chúng ta xác định, lễ hội Vu lan chỉ có trong Phật giáo đại thừa Trung Hoa. Không có bản kinh Vu Lan nào trong đại tạng kinh của người Tây Tạng cũng như chữ Sanskrit hay tiếng Pàli. Từ đó, người ta đặt ra tính chính thống và không chính thống của nó.

Nhìn nhận khách quan

Khi tiếp xúc kinh Vu Lan kinh Báo Ơn Phụ Mẫu, chúng tôi có cái nhìn khác. Ở đây, không đặt nặng về vấn đề nguồn gốc ra đời hay tính văn bản học của nó. Chúng tôi chỉ đặt trọng tâm trên giá trị hành trì khi ứng dụng nó như một truyền thống văn hóa. Nếu tiếp xúc dưới góc độ này thì giá trị lợi lạc sẽ cao và nhiều hơn. Tính cách, giá trị ngài Mục Kiền Liên nêu trong kinh Vu Lan hoàn toàn khác với những tính cách, giá trị ngài đã đóng góp cho lịch sử hoằng pháp của đức Phật. Bên cạnh tướng quân chính pháp Xá Lợi Phất, Ngài Mục Kiền Liên nổi tiếng về thần thông đệ nhất và là cánh tay trái của đức Phật. Hình ảnh đức Mục Kiền Liên có lòng hiếu thảo không hề biết đến trong lịch sử của người ấn Độ là sự kiện có thật. Với tính cách một con người lịch sử, có thể thấy mấu chốt của sự chuyển tiếp có thể tạm gọi là sự chuyển nghiệp giữa ngài Mục Kiền Liên trong quá khứ và ngài Mục Kiền Liên ở thời hiện tại của đức Phật.

Trong đời quá khứ, ngài Mục Kiền Liên từng nổi tiếng là kẻ bất hiếu, sự bất hiếu này do ngài quá thương người vợ của mình. Lúc đầu, ngài là người con rất hiếu thảo, sau đó người vợ hoạn thư không muốn chia sẻ tình cảm của chồng cho bất cứ ai khác, dù là cha hay mẹ ruột. Bà tìm cách phân ly tình cảm thiêng liêng đó bằng cách trước mặt ngài Mục Kiền Liên bà hiếu thảo hết mình, nhưng sau lưng thì đánh mắng, chửi bới, thậm chí còn bỏ đói. Cha mẹ của ngài Mục Kiền Liên rất hiểu tấm lòng con, ông bà không muốn đặt con mình trong hoàn cảnh khó xử, nếu theo cha mẹ thì mất vợ và ngược lại. Hai ông bà cứ nhẫn nhịn chịu đựng để con được hạnh phúc, nhưng chuyện gì đến cũng sẽ đến. Người vợ không chấp nhận mức độ ứng xử đó, bà đưa ra sự lựa chọn, nếu chọn vợ thì phải bỏ cha mẹ hoặc chọn cha mẹ thì phải ly dị vợ. Trong tình huống đó, ngài Mục Kiền Liên đã chọn con đường làm người con bất hiếu. Ngài đưa cha mẹ đến bên bờ vực, tặng cha mẹ một chiếc gậy trên chiếc xe lăn để đẩy cha mẹ xuống vực sâu. Ngài Mục Kiền Liên quay đi đúng lúc bà mẹ bị tai nạn. Bà cất tiếng hô to, con ơi chạy đi! Con ơi chạy đi, mẹ và cha đang bị nạn, kẻ cướp giết giật, nhưng thực tế không có kẻ cướp nào cả. Tác nhân tạo ra biến cố khổ đau đó chính là ngài Mục Kiền Liên, con trai của bà.

Với lòng thương tưởng của bậc cha mẹ, luôn luôn đặt giá trị và sự trưởng thành của con cái lên trên nên vợ chồng bà sẵn sàng mong cái chết, sự bất hạnh đó về phía mình chứ không muốn con mình cùng chịu. Trước tình cảnh đó, ngài Mục Kiền Liên mới xót xa về mẹ. Mẹ đứng trước cái chết do chính mình tạo ra ấy thế mà vẫn hoài vọng, mong mỏi con hãy chạy đi để được thoát chết. Ngay giờ phút ấy, Ngài ăn năn hối hận thì quá muộn, cái chết đã diễn ra! Từ đó đến những kiếp về sau, khi ngài Mục Kiền Liên có mặt, ngài luôn luôn phát nguyện làm người con hiếu thảo. Dựa vào yếu tố đó, biến cố trong tiền kiếp nào đó mà bản kinh đại thừa về sau, đặc biệt kinh Vu Lan đã vẽ ra một ngài Mục Kiền Liên đầy lòng hiếu thảo là quan trọng nhất chứ không phải thần thông và nhờ lòng hiếu thảo đó, thần thông trở thành một công cụ nhưng vẫn không vượt ngoài sức mạnh lôi kéo của nghiệp lực. Nghĩa là, ai tạo ra hệ quả xấu thì người ấy phải chấp nhận hậu quả, không thể để người khác thay thế, gánh chịu hộ, phải tự tháo gỡ, chuyển hóa bằng chính cái tâm của người đã tạo.

Triết lý của kinh Vu Lan, ngoài giá trị lòng hiếu thảo, còn là mối quan hệ rất thiêng liêng, dù có thể nó ra đời rất muộn, không có mặt trong truyền thống kinh đại thừa, nhất là trong truyền thống Nam tông nhưng nó vẫn là cái cần phải truyền thừa.

Thiết lập mối quan hệ giữa người tại gia và xuất gia

Thứ nhất, mối quan hệ giữa người xuất gia và người tại gia được thiết lập. Truyền thống kinh Vu Lan đã thiết lập mối quan hệ đó ở mức độ, người xuất gia đặt hết tâm lực, sức lực của mình vào sự tu tập để chuyển hóa nghiệp lực, nhờ sự đầu tư đó người xuất gia trở thành rường cột, điểm tựa của tâm linh, cái mà người tại gia với vai trò, thời gian giới hạn, trách nhiệm gia đình nặng nề không cho phép làm được. Bên cạnh chuyện học hỏi cung kính, người tại gia có chức năng hỗ trợ người xuất gia về vật chất, điều đức Phật từng nói, đây là con đường giao lưu, một bên cung ứng tinh thần và tâm linh, một bên hỗ trợ vật chất, hai bên cùng đạt được giá trị lợi lạc như nhau. Có nghĩa, hai bên đều hưởng cùng giá trị, không bên nào nghiêng về một phía, vì nếu đặt nặng về vật chất thì cuộc đời sẽ dẫn đến bế tắc, nặng về tinh thần và tâm linh mà không có vật chất thì tinh thần và tâm linh không thể nào trưởng thành được.

Đức Phật tạo ra nhịp cầu quan hệ rất thân mật để hỗ trợ lẫn nhau, mỗi người có một vai trò, nền tảng trong kinh Vu Lan đã thiết lập được chất liệu đó. Vì vậy, chúng ta tiếp tục duy trì nền tảng đó để đừng đẩy các thầy vào thế phải tự lập kinh tế. Dĩ nhiên, họ phải dấn thân như các nhà sư Nhật Bản, có thể làm kinh tế giỏi hơn người tại gia, vì kinh tế đó không phục vụ gia đình. Họ có thể làm lớn, nhưng khi đầu tư thời gian quá nhiều vào kinh tế, rõ ràng chất liệu tâm linh bị giảm xuống. Người nào đặt nặng quá về bê-tông cốt thép thì tâm hướng về đạo đức, hoằng pháp bị giảm sút như sự tất yếu bù trừ. Do đó, tạo điều kiện cho Tăng-Ni phát triển tâm linh còn mình phát huy về kinh tế, hai bên phối hợp lẫn nhau thì mối quan hệ đối tác đó là mối quan hệ lý tưởng mà đức Phật đã dạy trong kinh điển cách đây nhiều thế kỷ.

Bài học hiếu thảo

Bài học thứ hai, thấy được trong kinh Vu Lan, lòng hiếu thảo có giá trị rất lớn, cha mẹ được đức Phật quan niệm như hai đấng Phạm Thiên, hai vị Phật trong cuộc đời. Thế mà hiếu thảo và thần thông vẫn không thể tháo gỡ được những nghiệp xấu đã gieo trồng. Trong kinh Pháp Cú, đức Phật nói, một nghiệp xấu đã gieo dù có trốn trên núi cao, lặn dưới biển sâu hay chui xuống lòng đất như địa đạo Củ Chi chẳng hạn thì nó vẫn xuất hiện. Nghĩa là, ai đã tạo nghiệp thì người đó phải chấp nhận. Như vậy, sự hỗ trợ của cộng đồng với tư cách: “Đức chúng như hải” là sự hỗ trợ giao hưởng tâm linh. Khi nhiều người, các thành phần của những người này đều là những con người hoàn thiện về đạo đức, tâm linh, thành tựu được đạo quả thì rõ ràng, vùng từ trường về lòng từ bi, tuệ giác rất lớn nên chức năng ảnh hưởng và lây lan tâm lý dẫn đến hành động trong cuộc sống đối với người tại gia là chuyện có thể thiết lập được. Việc cúng dường mười phương Tăng, đặc biệt những vị A-la-hán, không phải yếu tố quan trọng khiến mẹ ngài Mục Kiền Liên giảm và chuyển được nghiệp ngạ quỷ mà chính sự giao thoa tâm linh đó đã kích thích, tác động đến bà để bà tự chuyển đổi nghiệp bỏn xẻn.

Ví dụ, nhìn bát cơm một tay bưng ăn, một tay che đậy không muốn người khác cùng chia sẻ, tâm hạnh tùy hỷ bị giết chết bởi góc độ bỏn xẻn. Ngược lại, sự giao thoa tâm linh nhường cơm sẻ áo, cúng dường trai Tăng làm bà ý thức được, tại sao lại có những con người bỏ tiền mua những sở hữu tài sản để tạo phước lực, an vui cho cuộc đời thì mình lại rút những cái người ta quan niệm như đờm giãi, ói mửa. Sự giao thoa tâm linh đó đã làm cho bà chuyển hoá được nghiệp bỏn xẻn ngạ quỷ. Tiếp đến, người bỏn xẻn nào cũng có những tâm niệm nuối tiếc, theo tâm lý học của thuyết tái sinh nhà Phật thì nuối tiếc là một trong những mãnh lực rất lớn giữ người ta trong lực hút luân hồi, nếu chặt đứt được sự nuối tiếc ấy thì bấy giờ có được lực ly tâm chứ không phải lực hướng tâm. Lực ly tâm này làm người ta không còn bị “lên voi xuống chó” trong hạnh phúc và khổ đau, không còn những biến loạn do quá trình sự sống thuận, nghịch. Lúc đó, trạng thái tâm lý bình ổn, nhẹ nhàng và rất an lạc! Như vậy, thông qua cách thức đức Phật dạy ngài Mục Kiền Liên, thiết lập đạo tràng, nơi mà mọi người hướng về cùng một mục đích, tiêu chí an lạc và hạnh phúc cho mọi người thì chắc chắn sự cộng hưởng giao thoa tâm linh đó sẽ chuyển hóa được rất nhiều nỗi khổ, niềm đau trở thành hạnh phúc, địa ngục thành “cực lạc thanh lương”. Đó là những gì chúng ta có thể làm được thông qua sự kiện cụ thể bản kinh Vu Lan đề cập.

Chuyển hóa tự lập

Bài học thứ ba, con đường chuyển hóa, con đường tự lập có thể đúc kết từ bản kinh Vu Lan này. Ở đây, không hề hiện diện thần thông của một vị Bồ tát hay vị Phật bất kỳ đóng vai trò chuyển hóa mẹ ngài Mục Kiền Liên từ thế giới ngạ quỷ trở thành thế giới chư Thiên, mà tự bà tạo lực đẩy cho chính mình bằng cách chuyển hóa tâm thức mà thôi. Tăng chúng, phước lực, phước báu chỉ đóng vai trò chất xúc tác tạo lực đẩy theo cách thế mong muốn chứ đừng nghĩ tha lực của chư Phật tạo ra được hệ quả giúp bà siêu sinh thoát hóa. Hiểu vậy, vô tình quá xem thường lòng từ bi của chư Phật và Bồ tát, có nghĩa, ở chỗ nào có sự van xin, lạy lục, cầu khẩn, thiết lập đàn tràng thì sự linh ứng có mặt còn những nơi nào không đủ điều kiện làm điều đó về phương diện kinh tế thì chẳng lẽ vĩnh viễn không bao giờ có những giá trị lợi ích hạnh phúc hay sao. Rõ ràng không, ở đây, đức Phật muốn nói cách thức chuyển nghiệp, cái có thể vận dụng và hỗ trợ bằng những lực tương trợ lẫn nhau.

Một người A cùng làm có thể tạo ra ảnh hưởng lây lan cho người B và tiếp tục tạo ảnh hưởng lây lan người C. Cứ vậy, mồi những ngọn đuốc công đức thứ nhất, thứ mười cho đến thứ một trăm, do đó, hạt giống công đức sẽ phủ trùm mà quy luật nhân quả thường được diễn ra theo cách thức loại trừ lẫn nhau giữa các hạt giống tốt và xấu, phiền não và thanh tịnh, sinh tử và Niết bàn theo cách lực nào mạnh hơn sẽ tác động và làm lực kia được chuyển hóa. Vì vậy, về đời sống tâm linh, cộng đồng Tăng-Ni với sự hộ trì của mười phương Tăng đã tạo giao hưởng tác động lên và chuyển hóa được đời sống nội tâm của một người xem như tội lỗi, người này chính là mẹ của ngài Mục Kiền Liên. Như vậy, thần thông vẫn chịu thua trước nghiệp lực, chỉ có những tấm lòng của con người với nhau mới tháo gỡ được những bế tắc mà thôi. Nếu lúc đó phân định ai lỗi ai phải và có quan niệm, bà Thanh Đề gieo nghiệp xấu nên phải chịu hậu quả với sự trừng phạt, tù tội của địa ngục cao cấp mới giúp bà chuyển hóa thì rất sai lầm.

Nhà Phật dạy, sự chuyển hóa bắt nguồn từ con đường giáo dục chứ không phải con đường trừng phạt. Sự trừng phạt có thể giúp người kia không có cơ hội gieo hạt giống xấu trong tương lai, tổn thất xấu đối với cộng đồng được xem như tạm lánh mặt. Thực tế, hạt giống xấu này vẫn nằm sâu trong đó, khi nào gặp xúc tác xấu thì nó có mặt dưới dạng thức tinh vi, bành trướng hơn và cuối cùng nạn nhân vẫn là nạn nhân, khổ đau vẫn hoàn khổ đau. Trừng phạt bằng tù tội, trù dập, trù dập từ đời cha đến đời con, đời cháu, đời chắt, thậm chí đến những thế hệ không hề liên can cũng gán ghép vào tội theo kiểu chế độ quân chủ tru di tam tộc, hoặc theo tư tưởng trong giới hạn lịch sử của nhiều triều đại vua chúa Việt Nam đã làm, “đời cha ăn mặn đời con khát nước”. Rõ ràng sự trù dập đó không phản ánh được bản chất quy luật nhân quả, cuối cùng, cái con người cần có vẫn không đạt được trong cuộc đời.

Chuyển hóa tâm thức

Nhà Phật dạy, thay vì trừng phạt tù tội, tốt nhất nên chuyển hóa tâm thức cho họ, đừng trừng phạt mà hãy chuyển hóa. Chuyển hóa bàn tay từng ăn cắp thành bàn tay bố thí và chia sẻ, từ tấm lòng bỏn xẻn thành tấm lòng từ bi, từ cái tâm sân hận thành tâm hoà hợp, đoàn kết thương yêu. Như vậy, đạo Phật không dạy chặt bỏ mà chỉ dạy chuyển đổi thôi, sự chuyển này nằm trong công tác của tâm. Khi tâm được chuyển thì mọi thứ trong cuộc đời chuyển theo. Con đường chuyển nghiệp chính là con đường thay đổi vận mệnh và chính là nền tảng của sự an vui và hạnh phúc, nên giáo dục được nhà Phật ca ngợi như thần thông phép mầu.

Trong kinh điển Pàli, đức Phật thường gọi, thần thông giáo hóa. Nghĩa là, biến con đường hoằng pháp, giáo dục, cải tạo tâm lý xấu thành mầu nhiệm cho cuộc đời. Trong cuộc sống, có thể cảm nhận được điều đó, chỉ cần làm một việc lành thì ngay lập tức trở thành người tốt chứ không cần phải đợi đến đời kiếp sau. Vì thế, nhà Phật thường có thái độ dứt khoát, không sử dụng thần thông như cách thức gây ấn tượng, tạo sự chú ý của người khác khiến họ từ bỏ tôn giáo của họ để theo đạo Phật. Đạo Phật cũng không bao giờ sử dụng thần thông mê hoặc quần chúng để có thêm nhiều tín đồ, sự hỗ trợ “nhất hô bá ứng” mà chỉ sử dụng thần thông trong tình huống ngoại lệ, thay đổi cuộc đời bằng sự chuyển hóa nỗi khổ niềm đau. Trong hai tình huống này, đức Phật cho phép.

Nếu áp dụng lời kinh, vận dụng được chính pháp vào đời sống đạo đức để chuyển hoá cuộc đời thì ngay sự chuyển hoá đó đức Phật nói, đang thực hiện được điều thần bí và giá trị thần bí đó mới quan trọng. Dù sao đi nữa, chúng ta vẫn thừa nhận giá trị văn hoá về “uống nước nhớ nguồn”, tình cảm thiêng liêng giữa con cái với cha mẹ, đạo lý hiếu thảo, sợi dây thiết lập giữa vật chất và tâm linh, giá trị của sự chuyển hóa thay vì trừng phạt. Tất cả nhữnh giá trị đó không bao giờ chấm dứt, dù biết rằng kinh Vu Lan do các tổ Trung Hoa tạo ra. Nó mang dáng dấp và âm hưởng, dữ liệu và đời sống trên nền tảng Trung Hoa nhưng con đường truyền bá nền văn hóa này vẫn được tiếp tục bởi nó mang lại lợi lạc cho số đông mà chúng ta là một trong những đối tượng rất quan trọng.

CSMN: Xin cảm ơn thầy! Con có một câu hỏi xoay sang vấn đề khác. Ở Mỹ, có giáo sư tiến sĩ P.D Santina, học giả Phật giáo rất tiếng tăm đã viết nhiều sách. Năm 1978 ông viết về Trung luận của ngài Long Thọ, năm 1986 ông viết Triết Đông và Tây, năm 1987 viết một bộ sách có tên Tây Ngộ. Bộ sách này nói rất nhiều về giáo lý đạo Phật. Ông là giáo sư được giảng dạy ở Mỹ, Singapore, Ấn Độ. Có thời gian ông đi thăm nhiều nước ở Á Đông, sau khi về thì ông có nhận xét: Người âu Mỹ đến với đạo Phật là đến với những cái tinh tuý của đạo Phật, thấy đạo Phật rất hợp với khoa học và trên tinh thần tự do, bình đẳng nhưng khi ông sang Đông Nam Á thì thấy, đạo Phật đang già đi và có nhiều tính chất mê tín trong đó. Thưa thầy, đó là điều làm con xúc động. Con nghĩ, Việt Nam mình có nằm trong tình trạng như thế không? Thầy nghĩ sao về nhận xét của giáo sư, học giả ở Mỹ về Phật giáo?

TNT: Giáo sư Santina là người tốt nghiệp tiến sĩ triết học tại trường đại học Newdheli, cuốn sách Bồ tát Long Thọ xuất bản năm 1978 là luận án tiến sĩ của ông. Vai trò của ông trong vấn đề giới thiệu đạo Phật rất khoa học, phù hợp với lý trí là một trong những con đường rất quan trọng, không thể thiếu đối với các nhà hoằng pháp tại Hoa Kỳ và nói chung ở phương Tây. Lời nhận xét của ông quả thật chính xác bởi nền văn hóa phương Tây từng trải qua kinh nghiệm việc cường điệu hóa quá mức vai trò của tha lực thông qua niềm tin. Niềm tin và tha lực này có mối liên hệ mật thiết với các học thuyết quan trọng về cội tổ tông, sự cứu rỗi của Thượng đế nhưng cuối cùng, những lời hứa hẹn đó vẫn không thể thấy trong cuộc sống thực tế của con người.

Ví dụ, đứng trước nỗi khổ niềm đau của nhân loại tạo bởi thiên tai lũ lụt, động đất, sóng thần, hạn hán, mất mùa, bệnh tật, chết chóc… chỉ thấy con người với tính cách những con người biết tương thân tương ái, hỗ trợ lẫn nhau trong biến thái nguy khốn của cuộc sống chứ thực tế chẳng thấy Thượng đế hay Thần linh nào cả. Thậm chí, những người cuồng tín hơn còn cho rằng, do cầu nguyện Thượng đế nên ngài sai những người thánh thiện ấy đến phục vụ loài người, rõ ràng đang thần tượng những cái thực tế cuộc sống không hề có.

Vai trò của đấng cứu rỗi

Dựa vào kinh thánh Cựu ước và Tân ước, sự ra đời lần thứ hai - ngày phán quyết cuối cùng của đức Chúa được đánh dấu bằng những giai đoạn động đất đến khi xuất hiện nạn hồng thuỷ nên có nhiều nơi động đất, đặc biệt bên Ấn Độ có nạn động đất ở Punjarab cách đây mấy năm, một số Linh mục cực đoan ghi những câu, Chúa Giêsu đang đến với cuộc đời của chúng ta, hãy tin vào Chúa để được cứu rỗi. Như vậy, nếu sự ra đời hay xuất hiện lần thứ hai của Chúa lại mang đến nỗi khổ niềm đau như thế, tại sao phải tin theo Chúa, Thần linh? Vì thế, trong kinh điển nhà Phật thường dạy một câu, đặc biệt câu đức Phật nói về vai trò của Phạm Thiên, nếu thực sự có Phạm Thiên trong cuộc đời thì Như Lai Thế Tôn sẽ liệt Phạm Thiên vào hàng bất công, vì đã tạo ra một thế gian hư hỏng.

Câu nói rất hay, khiến nhận thức về Thượng đế, vai trò của tha lực đảo lộn, sụp đổ. Tin vào điều đó thì sẽ có ý thức trách nhiệm về đời sống của mình, ý thức này làm cho con người phải phát minh ra những loại máy móc biết được thời tiết, khí hậu, mùa màng, phát hiện ra những trận động đất, sóng thần, thiên tai lũ lụt để ngăn chặn trước khi chúng xảy ra. Làm vậy mới khắc phục được những nỗi khổ niềm đau một cách tối đa. Dĩ nhiên, những công cụ khoa học đó chỉ là phương tiện hỗ trợ chứ không phải giải pháp tối ưu, giải pháp cuối cùng vẫn là giải pháp chuyển hoá đời sống nội tâm.

Ảnh hưởng của phong tục tập quán

Trở lại vấn đề Phật giáo châu Á, nơi thường được các nhà Phật học ví như loại dây tầm gửi bám trên thân thể cây bồ đề. Cây bồ đề là giá trị của đạo Phật, có sức sống, tàng bóng che mát với tuổi thọ mấy trăm năm. Thế mà khi dây tầm gửi hoạt động thì những tác dụng của cây bồ đề bị ảnh hưởng đến độ người ta không muốn thừa nhận cây bồ đề đó là cây bồ đề nữa, người ta muốn chặt bỏ vì phong tục tập quán bản địa. Đạo Phật có học thuyết “Tuỳ Duyên Bất Biến”, rất tiếc, khi ảnh hưởng của nền văn hóa bản địa thì có được chất liệu tuỳ duyên nhưng lại bị biến theo. Ví dụ, ở Trung Hoa có hai nền văn hóa rất lớn là Khổng giáo, Lão giáo phối hợp với đạo Phật trở thành nền văn hóa Tam Giáo Đồng Nguyên. Dĩ nhiên, Tam giáo đồng nguyên là học thuyết “Đối thoại liên tôn” trong tư thế mang tính cách hoà hợp rất hay nhưng làm giảm giá trị của đạo Phật rất nhiều. Các nhà Phật học có khuynh hướng đối thoại liên tôn và dấn thân như một thành phần của liên tôn, nhưng cũng nên ý thức vấn đề đó, vì bản thân đức Phật cho thấy rõ, không bao giờ Ngài chà đạp các tôn giáo khác.

Tuy vậy, nếu có người thỉnh Ngài nói về giá trị của các tôn giáo khác có mặt lúc bấy giờ, Ngài cũng nói rất rõ, ai đi theo Makali (người chủ trương không nhân không quả) người đó bị bế tắc, nỗi khổ niềm đau sẽ có mặt với họ từ đời này sang kiếp khác. Nói vậy không có nghĩa đức Phật phê phán các tôn giáo khác mà Ngài muốn cất lên tiếng nói chân lý, không tin nhân quả, không có luân hồi thì người ta thiếu trách nhiệm đạo đức. Một khi thiếu trách nhiệm đạo đức thì nỗi khổ niềm đau xuất hiện, bởi con người thấy những kết cục giống nhau tội gì phải làm việc lành. Vai trò của liên tôn, đối thoại tôn giáo không nằm ở thế muốn người ta có thiện cảm với mình nên phải hạ đạo Phật xuống ngang với các tôn giáo khác, không cần làm điều đó vì đạo Phật có ngũ thừa, phần nhân thừa và thiên thừa đã phủ trùm lên các tôn giáo khác rồi.

Ví dụ, tu theo đạo Lão hoặc Thiên chúa giáo thì thuộc về Thiên thừa, tu theo đạo Khổng và một phần của Cơ Đốc giáo cách tân thì thuộc về nhân thừa, tức trở thành người tốt, tích cực và giàu có về kinh tế, làm việc phước báu với giá trị được sinh về cảnh giới của chư thiên hoặc nếu làm người thì được ấm no, hạnh phúc, thuận lợi là hết. Ngoài giá trị thiên thừa và nhân thừa giữ vai trò nền tảng quan trọng nhất, nhà Phật còn dạy những đạo lý siêu nhân bản là đạo lý thánh và giải thoát theo con đường Thanh văn, Bồ tát, Phật, giá trị không thể tìm thấy ở bất kỳ tôn giáo nào.

Theo tuệ giác đức Phật, một hành giả chưa chuyển hoá được năng lực tính dục trở thành năng lượng của tuệ giác, năng lượng ích kỷ thành năng lượng vô ngã vị tha, năng lượng tham, sân, si thành năng lượng tâm linh thì vẫn xem là phàm phu tục tử, dẫu được phong thánh, tặng tước vị hay ca tụng cỡ nào cũng vẫn là người bị đối chọi và chịu trách nhiệm trực tiếp với nỗi khổ niềm đau. Theo nhà Phật, con đường của sự chuyển hóa là con đường dấn thân đặt trên nền tảng tuệ giác, được vậy thì sẽ khiến đạo Phật khác với các tôn giáo khác. Khi đạo Phật du nhập và mang dáng dấp nền văn hóa Trung Hoa, những phong tục tập quán sai lầm của người Trung Hoa đã bám víu lên bề mặt cây bồ đề của đạo Phật. Vì thế, nhiều người không nhìn thấy được đạo Phật với vai trò tâm linh, dưỡng chất tinh thần quan trọng, thậm chí còn phê bình đạo Phật yếm thế, ích kỷ, dành cho những người già như vừa trao đổi.

Tương tự, khi đạo Phật du nhập vào nền tảng văn hóa Việt Nam vốn ảnh hưởng nền văn hóa Tam giáo đồng nguyên thì cũng hấp thu một lần nữa cộng với nền văn hoá bản địa mê tín dị đoan. Nên, chúng ta cần phải làm mới đạo Phật ở chỗ, đừng chặt cây bồ đề, chỉ chặt những dây tầm gửi bám lên đó thì mới có vai trò đóng góp cho cuộc đời và xã hội rất nhiều.

Phật giáo ở phương Tây

Phương Tây là thế giới khoa học đã bị hãm và ảnh hưởng rất lớn của nền văn hóa Cơ đốc giáo thông qua mọi lĩnh vực như chính trị, giáo dục, kinh tế… bây giờ, họ khai phóng tách rời tôn giáo ra khỏi hệ thống chính trị. Nhờ đó, tạo bước nhảy vọt trong thế giới hiện tại về khoa học kỹ thuật cao và vượt xa mấy chục lần thế hệ cha ông cách đây nhiều thế kỷ. Nền tảng khai phóng này cho phép họ nhìn nhận, đánh giá một vấn đề rất khách quan. Một khi nhìn nhận khách quan sẽ tiếp nhận được tuệ giác mà đức Phật đã nói trong kinh, điều ở các tôn giáo khác không thể có và sánh bằng được. Từ đó, họ đến với đạo Phật thông qua con đường của lý trí, thiền quán, dĩ nhiên không loại trừ con đường thần bí của Mật tông Tây Tạng.

Khi họ tiếp xúc một đạo Phật gốc từng có mặt tại Ấn Độ như một cái nôi đã sinh ra và đạo Phật truyền thừa qua các nước Nam tông ở Miến Điện, Tích Lan, Thái Lan, Lào, Cam- puchia hay những nước Phật giáo Bắc tông như Trung Hoa, Triều Tiên, Nhật Bản, Thái Lan, Việt Nam thì họ hoàn toàn giật mình vì thấy hình thái không khác mấy so với hình thái họ gặp trong tôn giáo bản địa của châu á. Đó là điều đáng tiếc!

Chúng tôi tin, tương lai đạo Phật phương Tây sẽ trở thành đạo Phật gốc. Đạo Phật này có phương pháp khoa học để hoằng truyền, có tổ chức vững chãi để phát huy, có cách thức nghiêm túc để hành trì, có những sự dấn thân rất tích cực hơn đạo Phật tồn tại quá nhiều dây mơ rễ má của nền văn hóa châu Á. Gắn liền với phong tục tập quán, đạo Phật khó có thể phát triển. Tùy duyên là điều hay nhưng tuỳ duyên làm mất gốc và biến những dây mơ rễ má thành chân lý. Cái không phải của đạo Phật được truyền tụng, phổ biến, tán dương còn chân lý thuộc về đạo Phật khi nói tới cảm thấy xa lạ nên có khuyến tấn cách nào cũng không có tác dụng tích cực như phương Tây tiếp cận với đạo Phật.

Chúng tôi mong trong tương lai, đạo Phật ở Hoa Kỳ và phương Tây nói chung, là đạo Phật của thiền quán, tự lực, dấn thân, đạo đức học, tâm lý học, đạo học, và của xã hội. Lúc đó sẽ mang lại giá trị tinh thần rất lớn cho cộng đồng hải ngoại và không còn quá lệ thuộc vào tha lực nữa, vì điều đó trong nền văn hóa phương Tây quá dư thừa, đến độ không tin nữa, vì họ đã từng mơ ước nhưng không bao giờ trở thành hiện thực.

Vận dụng tiềm năng bản địa

Như vậy, nếu cứ tiếp tục du nhập Phật giáo theo bước chân cách đây mấy ngàn năm, điều họ đã từng làm và lìa bỏ thì rõ ràng trở thành rất lạc hậu. Theo chúng tôi, nhập cảng nguyên xi nền Phật học châu Á vào phương Tây là một sai lầm. Do đó, có thể vay mượn hình ảnh ẩn dụ, ngụ ngôn “Tùng địa dõng xuất” trong kinh Pháp Hoa rất có chiều sâu ở chỗ, khi các vị Bồ tát ở các hành tinh khác thấy được sự kiện hy hữu, đức Phật Thích Ca có mặt trong cõi đời ác thế:

Tuổi mạng ngắn ngủi, tâm tính can trường, sức khỏe ít, hoàn cảnh điều kiện không thuận lợi, thế giới rất giòn bở thế mà Ngài vẫn tu tập thành công đạo giác ngộ, giải thoát rồi bằng con đường của tự lực nên các vị đến tán dương công đức và đảnh lễ để gieo duyên với Ngài.

Các vị Bồ tát đã phát nguyện: Bạch đức Thế Tôn! Nếu ngài không chê, chúng con sẽ hỗ trợ ngài bằng cách tán dương đạo lý tiềm năng tuệ giác giác ngộ, hỗ trợ cho những hành giả truyền bá đạo lý đó, làm cho đạo tràng của đạo lý tiềm năng Phật tính có mặt khắp mọi nơi, mọi chốn và chúng con tin chắc sẽ thành công. Lúc bấy giờ, đức Phật không nhận ngay thiện chí đó, Ngài đưa ra cách rất hay. Ngài nói, ở trong thế giới của chúng tôi dù chưa có những vị Bồ tát đầy đủ kinh nghiệm như chư vị nhưng các vị ấy vẫn có khả năng làm được những công việc đó. Nếu là những con người xiển dương Phật pháp làm Phật sự thông qua bản ngã mà nghe vậy, không quán tưởng thì dễ dàng cho đó là gáo nước lạnh tạt vào thiện chí của mình.

Rơi vào trường hợp đó, chắc chắn con người sẽ bỏ đức Thế Tôn, từ giã ngôi chùa, con đường truyền thống tâm linh. Ngược lại, các vị Bồ tát này muốn xiển dương chính pháp nên nghe đức Phật truyền bá đạo lý mới, đạo lý trong thế giới Ta bà có những con người làm được như vậy. Thế Tôn vừa dứt lời, từ dưới đất vụt hiện các vị Bồ tát làm những công việc đó rất thành công. Câu chuyện muốn ám chỉ, hãy vận dụng bản tính tiềm năng bản địa, nó chính là mảnh đất tâm. Chỉ cần chuyển tâm thôi thì mọi khả năng có thể xuất hiện. Tiếp đến, sẽ hiểu rộng và sâu xa hơn. Chẳng hạn, quan hệ đối tác giữa quốc gia này với quốc gia khác, vấn đề nhận viện trợ của quốc gia đàn anh theo cách thức liên minh về chính trị và kinh tế thì rõ ràng phải chịu nhiều sự lệ thuộc vì phải làm những việc liên minh đó yêu cầu, đảng phái đó đặt ra. Nếu không phục vụ được giá trị lợi ích, nhất là lợi ích ý thức hệ chính trị của liên minh đó thì bị loại trừ. Sự nương tựa vào tha lực bất kỳ cũng kéo theo sự lệ thuộc và phải làm những điều không muốn.

Đức Phật dạy, hãy tự lực bản thân, tận dụng tiềm năng vốn có. Đào tạo ra tiềm năng mới mất nhiều thời gian hơn tiềm năng bên ngoài. Dĩ nhiên, như thế an nhàn hơn nhưng khi đào sâu được tiềm năng rồi thì con đường hành đạo, hành trì và phát triển Phật giáo trong phạm vi của mình tốt hơn nhiều so với vay mượn từ bên ngoài. Tương tự vậy, đạo Phật ở phương Tây phải được nuôi nấng bởi các dưỡng chất văn hóa, phong tục tập quán phương Tây. Không thể nhập cảng nguyên xi nền Phật học Tịnh Độ châu Á vào mảnh đất phương Tây, nơi tinh thần tự lực rất cao. Nền tảng văn hóa Phật học của Tịnh Độ về tha lực vẫn có với hình thức hệ thống an sinh xã hội, tương thân tương trợ, từ thiện… nhưng hầu như những cư dân của Hoa Kỳ và phương Tây vẫn thích tự mình tạo ra bát cơm manh áo, hạnh phúc từ chính bàn tay, sức lực, tuệ giác của mình. Chúng tôi tin chắc, phải nhập cảng nền Phật học khi chưa có những dây mơ rễ má bám vào cây bồ đề mới có thể đáp ứng được sự khao khát của người phương Tây, điều họ không thể tìm được trong nền văn hoá bản địa, chỉ bằng cách ấy đạo Phật phương Tây mới trưởng thành. Những nhà truyền giáo châu Á chỉ gieo hạt giống thôi, hạt giống lúc đầu có thể èo uột nhưng về sau sẽ được sinh sôi nảy nở trong cộng đồng phương Tây.

Tìm về đạo Phật nguyên chất

Tương tự, cần phải trở về nguồn, gạt bỏ hết những ảnh hưởng của phong tục, tập quán, những ảnh hưởng đạo Phật ở châu Á. Lúc đó, người dân châu Á, bao gồm người Việt Nam, mới có cơ hội tiếp nhận được một đạo Phật nguyên chất. Dĩ nhiên, đạo Phật nguyên chất phải là đạo Phật của tự lực, của tình thương, còn lòng từ bi của chư Phật và Bồ tát chỉ hỗ trợ thứ yếu chứ không quan trọng. Tha lực này đóng vai trò tối đa 3%, còn lại 97% nằm ở sự nỗ lực của từng người. Được vậy, đạo Phật của chúng ta mới phát triển nhanh, mạnh, nếu không chỉ nổi lên như một phong trào, dù có ảnh hưởng lớn đến mức nào thì cũng chỉ đáp ứng cho cách thức sở thích và lối quen sống nương tựa vào tha lực nhiều chứ không hơn. Ví dụ, mình có mặc cảm là người tỵ nạn, dẫu tỵ nạn chính trị hay kinh tế, quan niệm vậy rõ ràng không thể phát huy được bản tính tiềm năng lớn mạnh vốn có của bản thân được.

Nếu cứ nghĩ mình là người tỵ nạn ở một quốc gia văn minh, một thế giới phát triển, nơi chỉ phù hợp với những con người có khả năng phát triển về tiềm năng, trí tuệ, sự phấn đấu thì đâu có cơm ăn áo mặc, nhà cao cửa rộng đang ở hiện nay. Phật dạy, phải từ bỏ mặc cảm tự ty bằng các ngôn từ nhồi sọ, chúng tôi tỵ nạn, nghĩ vậy không thể phát huy hết tiềm năng. Phải bỏ hết những ảnh hưởng văn hóa sang một bên, bấy giờ đạo Phật trở thành nguồn dưỡng chất quan trọng như không khí để thở, áo mặc, cơm ăn. Có vậy, đạo Phật đó mới toàn diện, có sức ảnh hưởng và thu hút rất lớn đối với mọi tầng lớp dẫu bình dân hay trí thức, nam hay nữ, già hay trẻ.

CSMN: Thưa thầy, con có cách nhìn, đạo Phật đến với Âu Mỹ và hiện giờ đang bành trướng ở đây. Thể hiện ở giai cấp cư sĩ, người dân nhiều hơn các tu sĩ. Người ta nghĩ, cuối thế kỷ XXI đầu thế kỷ XXII, đạo Phật ở Âu Mỹ sẽ có hình thái mới hoàn toàn và trở lại truyền bá cho phương Đông, cải biến đạo Phật phương Đông. Thầy nghĩ thế nào?

TNT: Về học thuyết tái sinh và luân hồi, chúng tôi tin điều đó có thể trở thành sự thật chứ không chỉ mơ ước, vì nơi nào tổ chức có phương pháp thì nơi đó rất gần với đạo Phật và phát triển rất mạnh. Phương Tây là mảnh đất phì nhiêu để đạo Phật của khoa học, lý trí, tuệ giác, tự lực, giới trẻ, tình thương, vô ngã và vị tha phát triển mạnh mẽ hơn châu Á. Đạo Phật châu Á vốn đặt nặng bởi những phân bón mê tín, dưỡng chất phong tục tập quán đi ngược hoàn toàn hạt giống tuệ giác mà đức Phật đã gieo. Trong tương lai, thông qua các trường đại học, phương Tây không chỉ là nơi có kiến thức Phật học mà nó có thể trở thành trung tâm đào tạo kinh nghiệm tâm linh rất lớn, chúng tôi tin chắc như vậy. Lúc đó, người châu Á phải sang đây du học về sự tu tập chứ không phải du học kiến thức. Du học như vậy mới tháo gỡ dây mơ rễ má trên cây bồ đề, chặt đứt những dây tầm gửi một cách mạnh dạn, khi ấy đạo Phật mới thật sự có giá trị và mang lại lợi ích cho mảnh đất châu Á. Đó là lý do tại sao thấy đạo Phật có mặt và xuất phát từ Ấn Độ nhưng không đủ sức làm cho dân tộc này được lợi ích vì phong tục, tập quán, mê tín dị đoan của Ấn Độ giáo ảnh hưởng khiến đạo Phật không có chỗ phát triển, phương Tây là mảnh đất màu mỡ đi ngược lại khuynh hướng đó.

CSMN: Con có câu hỏi cuối cùng mang tính chất riêng tư giữa con và thầy. Con có trong tay cuốn Kinh Tụng Hàng Ngày của thầy xuất bản. Theo con biết, cuốn kinh này thầy đã xuất bản lần thứ tư. Số lượng xuất bản lần đầu là 3.000 cuốn, lần thứ hai 6.000 cuốn, lần thứ ba 700 cuốn, lần thứ tư 3.000 cuốn, tổng số hơn 10.000 cuốn. Con thấy thầy như một Tăng sĩ trẻ và có tinh thần cách tân, xây dựng để biên soạn Kinh Tụng Hàng Ngày này. Cuốn kinh gồm một bài kệ và 48 bài kinh, trong 48 bài kinh có rất nhiều bài của Hòa thượng Nhất Hạnh, Minh Châu, Trí Tịnh. Vấn đề con muốn hỏi có ba điều. Thứ nhất, ý của thầy thế nào khi biên soạn quyển kinh này? Thứ hai, vì sao cuốn kinh hay thế mà đến lúc này chưa được phổ biến rộng rãi? Thứ ba, sau này thầy có dự định viết cuốn thứ hai hay có bổ sung, sửa đổi gì trong đó không?

TNT: Chân thành cảm ơn cư sĩ có tấm lòng ưu ái đề cập đến cuốn Kinh Tụng Hàng Ngày do chúng tôi biên soạn cách đây 13 năm, vào năm 1992 và xuất bản lần đầu tiên năm 1994.

Kinh tụng cho người tại gia và xuất gia

Xin trả lời ý thứ ba trước. Nếu quý vị để ý vào trang cuối cùng của Kinh Tụng Hàng Ngày có bài viết về một bộ kinh thánh Phật giáo. Trong đó, đề cập đến ao ước tiếp tục biên tập bộ kinh thánh gồm hai tập, tập một là Kinh thánh Nam tông, tập hai là Kinh thánh Đại thừa để giới thiệu các bản kinh rất đa dạng của đức Phật từ các phương diện Nhân thừa, Thiên thừa, Thanh văn thừa, Bồ tát thừa và Phật thừa để giúp mọi người có được thực phẩm tâm linh và dễ dàng tiếp xúc hàng ngày mà không cảm thấy nhàm chán, nó có thể thay thế nghi thức tụng niệm hàng ngày. Trong các chùa, hàng ngày chỉ tụng kinh Phổ Môn, kinh A Di Đà nên đạo Phật bị hiểu nhầm là đạo chỉ dành cho người già, người bệnh và người sắp chết chứ không phải giới trẻ. Bộ kinh thánh Nam tông và Bắc tông đã được suy tư. Mấy năm gần đây, chúng tôi có ý thay đổi khuynh hướng, không tạo ra hai bộ kinh thánh Nam tông và Bắc tông nữa mà đổi thành kinh thánh cho người xuất gia và tại gia.

Kinh thánh cho người xuất gia tập hợp những bài kinh đức Phật nói về giá trị đạo đức tâm linh của người tu, cách thức hóa giải nghiệp chướng, dấn thân tu học và tinh thần hòa hợp với những người đồng phạm hạnh hoặc những nghệ thuật, kinh nghiệm truyền bá trong mùa an cư kiết hạ giúp chư Tăng dấn thân hiệu quả hơn. Như vậy, người xuất gia dù Nam tông hay Bắc tông vẫn thấy có nhu cầu ôn lại những gì đức Phật đã đề cập trong kinh. Đôi lúc, nếu không có những quyển kinh tập hợp như vậy người ta có thể quên rất nhiều điều quan trọng, và dĩ nhiên tổn thất thuộc về phía họ. Bản kinh thánh tại gia dành cho cư sĩ bắt đầu với những phương pháp làm thế nào để gây dựng hạnh phúc gia đình, thiết lập đời sống an vui, có được tình yêu trong sáng, hôn nhân bền vững và giới trẻ tích cực dấn thân vào cộng đồng, kinh tế, chính trị, xã hội… bên cạnh đó vẫn có con đường của sự chuyển hóa, cũng phải thọ trì, đọc tụng, hành trì thiền quán để phóng thích những nỗi khổ niềm đau của bản thân. Như vậy, chúng tôi phân định ra hai loại kinh thánh rõ ràng. Một cho người tu và một cho người tại gia để họ thấy được, ngoài nghi thức tụng niệm đã tiếp xúc ở chùa còn có gia tài rất phong phú vô giá mà đức Phật đã để lại trong kinh điển.

Điều rất tiếc, do sự truyền thừa của các tông phái theo người Trung Hoa, đặt nặng về khuynh hướng Tịnh Độ khiến người Việt Nam đánh mất cơ hội, không thấy được giá trị rất lớn mà đức Phật đã cống hiến cho cuộc đời, ngoại trừ một số người có tinh thần nghiên cứu, học hỏi thì tiếp xúc được. Hai bộ kinh này chưa biết khi nào mới xong. Hiện tại đang làm và kỳ này chúng tôi tự dịch để văn phong của các thuật ngữ được thống nhất. Lựa chọn thế mới đảm bảo được tính nhất quán từ đầu đến cuối và hy vọng có tác dụng đối với người đọc cao hơn.

Tiếp nhận tác phẩm khách quan

Trở lại hai câu hỏi đầu, tại sao chúng tôi lại có nhiệt huyết đối với bản kinh mà nó có số lượng ấn bản quá ít, trên 10.000 bản so với 80 triệu cộng đồng người Việt Nam là Phật tử. Chuyện đó thực sự khó lý giải. Thứ nhất, vì không có xăng dầu tiếp liệu nên động cơ không chạy xa được. Thứ hai, chúng tôi là những người còn trẻ, thói quen của người Việt Nam nghĩ, phải là vị đạo cao đức trọng thì tác phẩm mới được đọc tụng và thọ trì rộng rãi ở các chùa. Có lẽ, khi chúng tôi qua đời rồi thì những bản kinh này mới có thể được đón nhận một cách khách quan, và ở góc độ đó thật rất uổng, vì những bài kinh này không phải do chúng tôi viết mà của Phật nói, các bậc cao Tăng trong thời hiện đại dịch. Chúng tôi chỉ làm công việc lượm lặt, biên tập và đặt ra cấu trúc giúp người đọc tụng đón nhận tuần tự theo thứ lớp để hiểu đạo Phật bao quát chứ không phải chỉ hiểu thông qua pháp môn Tịnh Độ hay Thiền và những cái còn lại không được biết đến.

Ảnh hưởng của tuổi tác, vai trò, vị trí một vị xuất gia đối với tác phẩm đưa ra trong cuộc đời là điều không thể phủ nhận nên hy vọng trong tương lai, khi chiều dài thời gian như một thước đo giá trị được thiết lập thì bấy giờ số lượng người tiếp nhận sẽ nhiều hơn, họ không còn đặt vấn đề người biên tập là già hay trẻ, Tăng hay Ni, xuất gia hay tại gia, nam hay nữ, Phật tử hay không Phật tử mà tiếp nhận một cách rất khách quan với giá trị mang lại cho người đọc là gì. Chúng tôi mong mọi người tiếp cận các tác phẩm Phật học bằng cách thức đó. Tiếp cận vậy sẽ loại trừ được chủ nghĩa thần tượng các cá nhân với danh nghĩa quá lớn. Tất cả những gì người đó nói đều tin theo 100%, là đi sai tinh thần tuệ giác, tôn chỉ của đức Phật đã nêu trong 10 tiêu chí đức tin chân chính để bỏ chủ nghĩa thần tượng cá nhân và học được bất cứ lời hay lẽ phải từ mọi người.

Hạnh nguyện Bồ tát của Thiện Tài đồng tử đã làm trong kinh Hoa Nghiêm, ngài đã tham vấn với trên 50 vị khác nhau. Nghĩa là, thông qua sự tham vấn đó có thể rút tỉa những tinh hoa tâm linh, kinh nghiệm trên phương diện tu tập để dấn thân hiệu quả, mang lại hạnh phúc nhiều hơn trong hiện tại và tương lai, không những cho bản thân mà cả cộng đồng xã hội. Cách thức tiếp cận chánh pháp với các tông phái trong đạo Phật, một pháp môn hay một ngôi chùa cũng phải tiếp cận trên hệ giá trị hơn là thông qua con đường của cảm xúc giữa cá nhân với đối tượng. Quan hệ cảm xúc có thể tạo ra rắc rối về sau, đó là điều đức Phật dạy nên tránh. Luôn tiện, tôi xin gửi lời đề nghị tiếp cận kinh điển Phật hay các tác phẩm của các tác giả Phật giáo, Tăng Ni, Phật tử phải tiếp nhận với nhãn quan tuệ giác. Có nghĩa, dựa vào góc độ tư duy và đặt nó trên bình diện của sự thể nghiệm qua hành trì mà đem lại giá trị lợi lạc thì làm, còn tác giả là ai, thân phận, quá khứ như thế nào không cần bận tâm, vì làm như vậy sẽ mất lợi lạc. Do đó, đức Phật khuyên, lấy đạo đức, chính pháp làm thầy là vậy, vì con đường tuệ giác mới là con đường chuyển hoá chứ không phải người này giúp người kia chuyển hoá.

Phát triển một đạo Phật nhập thế

Trường hợp lý do tại sao chúng tôi bố cục 49 bài kinh mà không phải 48 hay 50… vì chúng tôi muốn lấy biểu tượng con số 49 tượng trưng cho cấp số nhân của con số 7, biểu tượng này nói lên sự trọn vẹn, đầy đủ về giá trị của sự chuyển hóa. Chúng tôi tin, chỉ mấy mươi bài kinh đó thôi, người thọ trì đọc tụng với thái độ khách quan, không thành kiến thì sẽ thấy một đạo Phật rất trẻ, rất nhập thế và tích cực, đụng chạm tới nỗi khổ niềm đau của cuộc đời, đến gần những thân phận hẩm hiu bất hạnh của xã hội. Tịnh Độ gần gũi, đụng chạm đến những điều đó không phải để chúng được gia tăng mà là cơ hội chuyển hoá cuộc đời. Tịnh Độ ra đời không phải để kiếm tín đồ mà chỉ giúp cuộc đời thăng hoa. Mục đích tôn giáo dựa trên góc độ đạo Phật là phục vụ quần chúng chứ không phải quần chúng phục vụ tôn giáo. Quần chúng cũng không nên phục vụ thượng đế và thần linh. Thần linh và thượng đế nếu có thì phải phục vụ con người, nếu không còn chức năng đó nữa thì không việc gì phải lệ thuộc vào các ngài. Cho nên, đức Phật dạy, sự ra đời của các vị Bồ tát là dấn thân một cách không mệt mỏi, đến tận lúc còn một người chưa được giác ngộ giải thoát thì vẫn dấn thân, bất cứ ở cộng đồng nào còn một người chưa được chuyển hóa thì các Ngài vẫn tiếp tục thực hành hạnh nguyện của mình.

Tiến trình của đạo Phật là tiến trình của sự dấn thân, những bài kinh đó dạy rất nhiều cách thức để góp phần vào công cuộc dấn thân chung. Trong nghi thức tụng hàng ngày có thể tạo ra định lực rất cao, quy trình thuyên chuyển và sự an tịnh thân, khẩu, ý rất lớn. Đó là điều không thể phủ định. Nó có thể tạo ra cách quán tưởng về lòng từ bi đối với các loài động vật và ngạ quỷ. Tạo ra ý thức tôn kính “uống nước nhớ nguồn” và tôn kính Phật bảo, Pháp bảo, Tăng bảo. Tạo ra quy trình phục vụ dấn thân cho đời này để sau khi chết được sinh về thế giới an lành. Tất cả những giá trị đó không thể phủ định được.

Bên cạnh đó, nên gieo trồng các giá trị khác mà đức Phật đã thuyết suốt 49 năm. Nếu nghi thức tụng niệm chỉ chừng đó và đủ thì đức Phật đâu nhọc công đến 49 năm với hàng ngàn bài pháp mà có những bài Ngài phải nói đi nói lại nhiều lần. Sở dĩ vậy là do căn tính của con người cần phải tưới tẩm trong biển pháp nhiều lần mới có thể lột xác phàm được, còn chừng đó nghi thức chỉ hỗ trợ chứ chưa đủ sức. Bởi vậy, bên cạnh nghi thức tụng niệm gồm 49 bài kinh với trình tự sắp đặt đều có dụng ý, sau này có thêm kinh thánh cho người xuất gia và tại gia, về sau tiếp có các kinh khác nữa thì chúng tôi tin chắc chỉ là những bản kinh căn bản và cần thiết chứ chưa phải đủ. Muốn đủ thì đòi hỏi mọi hành giả phải tự lội vào biển pháp mênh mông để thu thập giá trị tâm linh mà đức Phật đã để lại rất phong phú, lúc đó nỗi khổ niềm đau mới được chuyển hoá trọn vẹn và tuyệt đối.

CSMN: Riêng phần con sau khi đọc cuốn kinh này thấy có nói lên con đường nhập thế, hội nhập vào cuộc sống của đạo Phật đồng thời cũng nêu lên tinh thần giáo lý giác ngộ của hành giả khi tiếp cận đạo Phật.