Phần 3 : ĐỪNG QUÊN TÌNH ĐỜI(*)

Giảng tại trại giam Phú Sơn 4, phân trại 2, ngày 01-05-2010
Phiên tả: Nguyễn Thị Thảo Minh
Hiệu chỉnh phiên tả: Hồng Hà 

CHUYỂN HÓA NỘI TẠI NHỜ THIỀN

  Thiền Phật giáo vượt khỏi các giới hạn của tôn giáo, có khả năng chuyển hóa nội tại, giúp ta trở thành con người năng động, sáng tạo và hạnh phúc. Thực tập thiền, trước nhất là tái nhìn nhận lại chính mình trong tỉnh thức.

  Đối tượng căn bản được Phật giáo yêu cầu quán niệm là thân thể, vốn là một tổ hợp gồm đất, nước, gió, lửa tạo nên sự sống. Đừng bao giờ xem thân này như là Thượng đế, để tránh khỏi lệ thuộc quá nhiều vào nó và chu cấp cho nó đến độ ta phải trở thành kẻ nô lệ.

  Các hình thức đề cao giá trị thẩm mỹ cơ thể, nếu không khéo, sẽ dẫn đến tình trạng ta cung phụng cho thân quá nhiều.

  Quán chiếu về thân là cơ hội để thấy thân là người bạn đồng hành, với từng chia ngọt sẻ bùi cho hạnh phúc và khổ đau, với lối sống thăng bằng, ta chăm sóc nhưng không lệ thuộc vào thân, biến thân trở thành công cụ cho hạnh phúc của chúng ta, thay vì nó là chủ nhân, sai sử ta như kẻ nô lệ.

  Quán chiếu dòng cảm xúc có khuynh hướng thăng và trầm, như thủy triều của một con sông. Lao theo cảm xúc, có lúc ta có cảm giác như bay bổng trên thiên đường, lạc cảnh, có lúc ta bị chìm sâu xuống đáy thẳm vực sâu, và vực dậy không nổi nếu không có người nâng đỡ, hun đúc tinh thần.

  Người quán chiếu dòng cảm xúc, thấy rõ nỗi khổ, niềm đau, thăng trầm, vinh nhục, thành công, thất bại, thị phi không đáng để bận tâm. Con người làm chủ hoàn cảnh, không chạy theo hoàn cảnh. Vì chạy theo cảnh trần ta có hai khuynh hướng. Đối với dòng cảm xúc hạnh phúc, ta có khuynh hướng tham ái, tức chấp thủ, tư hữu hóa, chiếm hữu nó và ta bị vướng vào nó như một sự chấp trước. Đối với những dòng cảm xúc không hài lòng, ta có khuynh hướng kháng cự nó, loại trừ theo công thức một còn một mất, mặt trời mặt trăng, ánh sáng và ban đêm, ngày và tối. Đứng trong tư thế của những kẻ đối lập với nhau, lòng sân, hận thù bắt đầu có mặt. Làm chủ được dòng cảm xúc làm sao ta thấy rõ được các phản ứng thích và không thích, có thể đẩy mình vào bế tắc. Khi nhận diện ra thì lỡ rồi, quay đầu về là cả một tiến trình không phải đơn giản.

  Đối tượng kế tiếp cần chăm sóc là tâm. Tâm thường có khuynh hướng thiện, ác, tích cực, tiêu cực, hoan hỷ, sân si, tham lam hay rộng lượng, sáng suốt hay si mê. Các cặp phạm trù đối lập đó là nỗi ám ảnh trong chúng ta, đôi lúc trở thành mâu thuẫn nội tại.

  Ta muốn điều A, nhưng dòng cảm xúc lại chạy theo điều B. Do vậy, ta có khuynh hướng gần như bị đánh mất mình trong các hoàn cảnh xã hội và điều kiện xung quanh. Điều đó dẫn đến rất nhiều trở ngại. Thiếu khôn ngoan trong việc làm chủ tâm làm cho ta trở thành kẻ khổ đau.

  Làm chủ được tâm là làm chủ được các phản ứng của nó, khi mắt thấy, tai nghe các loại âm thanh, mũi ngửi mùi, lưỡi liếm vị, thân xúc chạm và ý tưởng tượng hình dung. Đừng để thái độ của ta chạy theo những phản ứng tham ái và sân hận. Ta làm chủ tâm, cái gì tốt giữ lại, cái gì không tích cực thì quên đi. Không cần ứng xử ân oán giang hồ.

  Đối tượng kế tiếp là ý niệm của tâm. Ý niệm có khi là nỗi ám ảnh, một vết hằn tâm lý, những ký ức về quá khứ, những kỳ vọng về tương lai, những lo lắng, sợ hãi, sầu bi ở hiện tại. Tất cả những tình tự tâm lý, tồn tại dưới những hình ảnh là nỗi đe dọa cho hạnh phúc của con người ở hiện tại. Khi tâm quanh quẩn, hay chạy theo dòng cảm xúc, ta đánh mất tất cả giá trị hạnh phúc ở hiện tại.

  Phật dạy cắt đứt quá khứ để không hâm nóng nỗi đau quá khứ do người khác hoặc chính mình tạo ra. Cắt đứt tương lai để chúng ta không có những kỳ vọng, ăn bánh vẽ mà không có giá trị nỗ lực thiết thực bằng nhân quả ở hiện tại. Quay về với hiện tại là nghệ thuật sống chánh niệm và an lành. Trước nhất, nó giúp ta thấy rõ được mình là ai, có mặt trong cuộc đời này với tư cách gì. Trong gia đình, ngoài xã hội với tư cách là công dân trong một quốc gia, ta phải làm gì đó để mỗi tích tắc trôi qua nếu không trực tiếp mang lại cho ai niềm vui, không bao giờ mang lại cho ai nỗi buồn. Sống có trách nhiệm với niềm vui và nỗ lực được gọi là người đang sống hạnh phúc trong hiện tại.

  Quá khứ dù cái gì đi nữa, đừng quá bận tâm với nỗi mặc cảm, dằn vặt lương tri. Hãy đầu tư hiện tại bằng những nỗ lực chân chính để làm mới cuộc đời. Ai làm chủ được thân thể, cảm xúc, tâm tư và ý niệm, được gọi là người khôn ngoan, đang sống hạnh phúc.

  Mỗi ngày, chúng ta tập thói quen quán chiếu bốn phương diện thiền là thân, cảm giác, tâm và ý niệm. Về thân thể, ta quán chiếu có bệnh hay không, nó cần chăm sóc gì. Ta có tập thể dục đều đặn, giữ sức khỏe hay không. Khi được lệnh ân xá, ta trở về đoàn tụ gia đình, dùng sức lực chăm sóc những người thân thương mà những năm tháng ở đây ta không có cơ hội làm được dù ta rất muốn. Mẹ, cha, người thân thương, con cái, anh chị em đang ngóng trông, từng ngày, từng giờ để gặp chúng ta. Ngày đoàn tụ với người thân là những hạnh phúc lớn. Hãy chăm sóc thân tâm đừng để sống có ý nghĩa và giá trị.

  Đôi lúc, các anh chị có thể buồn người ở trong cùng một phân trại, do lời ăn, tiếng nói, ứng xử, giao tế, sinh hoạt làm mình không hài lòng. Có thể, ta có những phản ứng đối chọi, miếng trả miếng. Bây giờ, ta tập thói quen mới, xem tại sao người ta ứng xử như thế. Khi hiểu được gốc rễ của ứng xử đó, thay vì buồn giận, ta trở thành người cảm thông, thấy rất rõ, nếu đặt tôi trong hoàn cảnh tương tự chưa chắc tôi đã hơn người ấy.

  Thông cảm và ôm lấy nỗi đau với sự rộng lượng, ta có thể hóa giải và vượt qua. Giữ lấy nỗi đau là tự hành hạ chính mình. Giữ lấy bất hạnh là tự biến mình trở thành kẻ bất hạnh. Vẫy tay chào bất hạnh là biết sống hạnh phúc.

  Tâm lý tiêu cực, thiếu năng động, bi quan, yếm thế, chán chường, thất vọng hay những sân hận, giận dữ, buồn phiền, lo âu, sợ hãi đều là kẻ thù của hạnh phúc; không phải là con người.       Thay vì ta ăn miếng trả miếng những người ta không thích, ta hãy chuyển hóa những tâm lý tiêu cực, nhờ đó, ta có được thế giới hạnh phúc và an bình nội tại. Đó chính là chất liệu của thiền. Ai làm chủ được những ý niệm trong tâm, mỗi khi suy nghĩ, quá khứ hay tương lai, ta không bị đánh mất chính mình trong cơn lốc thiếu sự làm chủ. Sống lam chủ tâm ý như thế được gọi là thiền.

  Thiền không phải là tôn giáo, không quá cao siêu, ai trong chúng ta cũng thực tập được. Chỉ cần thực tập hít thở thật sâu, nhẹ nhàng, thư thái, thoải mái, thảnh thơi trong lúc chúng ta đi bách bộ, sau những giờ ăn sáng, trưa và chiều, trước khi đi ngủ. Tập quán chiếu chánh niệm và cố gắng nở một nụ cười. Lúc đầu có thể là một sự gượng gạo, về sau là thói quen tốt.

  Đọc lá thư cha mẹ gửi từ phương xa, ai cũng ứa nước mắt. Đọc lá thư tình của người thân thương nhất trong cuộc đời, ta cảm thấy ray rứt, không biết làm gì để gởi gắm tấm lòng thân thương đến người ấy. Cứ như thế, cuộc đời trôi chảy và diễn ra với những nỗi đau nội tại, do đó, ta mất đi hạnh phúc. Thực tập rũ bỏ mặc cảm, nỗi đau, sầu muộn, bế tắc. Ta hãy cam kết chính mình, những người thân thương nhất trong gia đình, ngày tôi trở về sẽ rất gần.

  Lệnh ân xá của Chủ tịch nước gửi đến trại giam này lên tới hai trăm trong số tám trăm chín mươi bảy người. Đó là lệnh ân xá đặc biệt, hiếm có. Hãy nỗ lực cải tạo tốt để trở thành một trong hai trăm người đó. Ai làm được như thế mang hạnh phúc cho mình, người thân bằng những nỗ lực chuyển nghiệp, tức thay đổi vận mệnh của mình.

  Cuộc đời giống như một chiếc thuyền, đôi lúc chòng chành ngoài biển khơi, ba đào sóng giật, gió vùi. Chúng ta phải giữ lấy tay lái, bất kỳ tình huống gì phải về đến bờ một cách an toàn. Nỗi đau trong những khoảnh khắc của đời người quá nhiều. Những bất hạnh như thăng trầm, ta không cần phải lao theo nó. Giá phải trả đôi lúc rất đắt, nhưng đó là bài học rất quí giá, để sau này ta có quãng đời hạnh phúc cho mình và người thân thương.

CÓ AI KHÔNG NGHĨ VỀ TIỀN

  Bài nhạc “Đừng quên tình đời” của tác giả Phạm Gia Khang có những ca từ thấm thía tình đời. Nhiều khi đồng tiền làm mất đi tính nhân nghĩa. Đừng vì tiền mà ta quên tình đời. Phải trải nghiệm tình thương đối với người thân, cộng đồng xã hội, nhờ đó, ta sống có trách nhiệm phổ quát hơn.

 “Sống trên đời có ai không nghĩ về tiền. Trong cuộc sống không tiền, đời mình sẽ ra sao.

 Sống trên đời nếu ai cũng nghĩ về tiền, còn tình đời lẽ nào bỏ quên.

 Đừng vì tiền mà quên tình đời, đừng vì tiền phụ nghĩa người ơi, đừng vì tiền làm đau lòng người, đừng vì tiền đánh mất đời ta.

 Cuộc đời cần tình thương thật nhiều. Cuộc đời cần tình nghĩa dài lâu. Đời chỉ cần tình thương tràn đầy. Đời chỉ cần hạnh phúc an vui.

 Tiền cũng rất cần người ơi, nhiều tiền có phải mua được tiên chăng. Tiền khi vơi khi đầy. Phận người đời thì mãi mãi dâng cao”.

  Câu đầu của bài ca: “Sống trên đời có ai không nghĩ về tiền” như một vấn nạn và thách đố. Người tu có nghĩ về tiền không? Nếu nói là không, đó là một lý tưởng không có thật. Người tu cũng cần có tiền để xây chùa, làm tượng Phật, đúc chuông, in kinh, bố thí, cúng dường và công tác từ thiện xã hội. Chủ tịch nước cần tiền không? Có chứ, để lo cho dân. Tất cả mọi thành phần xã hội đều nghĩ về tiền. Vấn đề ở chỗ, ta nghĩ về tiền theo hướng tích cực, liên hệ đến mục đích sử dụng, cách thức chúng ta có. Sự khác biệt nằm ở chỗ đó.

  Mỗi người mỗi khác, có thể có tốt xấu, tích cực, tiêu cực. Phủ định việc không nghĩ về tiền là sự dối lòng. Cách thức nghĩ về tiền, có tiền và tiêu tiền có thể làm chúng ta hạnh phúc hoặc khổ đau.

  “Trong cuộc sống không tiền, đời ta sẽ ra sao?” là câu hỏi lớn khi ta nghĩ về tiền. Có người định nghĩa, hạnh phúc là khi có tiện nghi vật chất. Đó là giá trị giao hoán của tiền. Có tiền ta mua vật A, vật B, vật C, nhà cao cửa rộng, xe hơi, các tiện nghi vật chất. Thiếu tiền hầu như chúng ta không được hạnh phúc. Điều này đúng một phần, vì tiền là điều kiện mang lại hạnh phúc giác quan, không phải bản chất của hạnh phúc.

  Theo Phật giáo, hạnh phúc đích thực là sự làm chủ được dòng cảm xúc trong mọi thăng trầm, thuận và nghịch, tốt và xấu để ta không lao theo nó, vướng vào những hệ lụy. Hạnh phúc đích thực là phi điều kiện. Cái gì có điều kiện, cái đó tan biến theo thời gian. Các phương tiện vật chất là điều kiện. Bám vào vật chất để tìm kiếm hạnh phúc thì hạnh phúc chỉ tồn tại một thời gian ngắn rồi trôi qua.

  Các nhà khoa học cho biết, những hạnh phúc giác quan chỉ tồn tại tối đa ba mươi giây trên bộ não. Nói theo cách khác, hạnh phúc giác quan là phản ứng sinh học của não bộ, không phải là hạnh phúc đích thực. Trong khi hạnh phúc là một trạng thái sâu lắng ở bên trong, giúp cho con người có thái độ vững chãi, đời sống nội tâm phong phú, và ứng xử rất lịch sự, văn hóa, vui với mình và hạnh phúc với người.

  Hạnh phúc nội tại là chất liệu cần thiết nhưng đôi lúc chúng ta quên đi, hoặc không nhận diện ra mình đang có nó. Ta đi tìm những hạnh phúc khác, đôi lúc phải đánh đổi bằng cái giá rất đắt. “Không tiền đời mình sẽ ra sao?” Câu trả lời là “chẳng có sao”. Nếu ta quan trọng tiền thì khi thiếu tiền, bầu trời sụp đổ, hạnh phúc tan vỡ. “Cân, đo, đong, đếm làm ta sống mệt mỏi với nhau.

  Chơi với bạn, giao tiếp với các đối tác, đừng tính từng đồng, từng cắt, chi ly. Tiền không là tất cả. Người biết quí trọng hạnh phúc đích thực, dù không có tiền, vẫn sống hạnh phúc bằng cách khác. Ví dụ, một người mẹ có con hiếu thảo, chẳng phải là hạnh phúc sao? Một người vợ có người chồng chung thủy mặc dù lương bổng thấp, đó chẳng phải là hạnh phúc sao? Một người bệnh có được người thân giúp quả thật là hạnh phúc.

  Hạnh phúc không phải là giá quá đắt để chúng ta phải trả. Chỉ cần nhận diện hạnh phúc, sống với hạnh phúc ta có được nó qua cơm ăn, áo mặc, không khí thở hằng ngày. Dân gian có câu “Không có thực không vực được đạo”. “Thực” ở đây là thực phẩm, ăn uống mà hiểu theo nghĩa quy đổi, là tiền. Quan niệm này cho rằng nếu không có tiền, không có điều kiện kinh tế, không thể nào làm đạo được. Nó vẫn đặt nặng hệ quy chiếu trên tiền. Ai phát xuất các hoạt động Phật sự bằng quan điểm như thế khó làm Phật sự lắm. Đức Phật Thích Ca là người ngồi trên đống tiền, chuẩn bị làm vua của một nước. Ngài đã từ bỏ hết và xem ngai vàng như đôi dép bỏ. Phật hoàng Trần Nhân Tông, vị anh hùng của dân tộc Việt Nam, xem ngai vàng là giẻ rách, chọn con đường tâm linh để đạt được những hạnh phúc nội tại. Rất nhiều người làm được như thế. Người tại gia, không cần là người tu, có các loại hạnh phúc nội tại khác, giúp họ dù không có tiền vẫn sống bình an.

  Câu phản vấn sau đây dạy chúng ta cách nhìn mới: “Sống trên đời nếu ai cũng nghĩ về tiền” tức xem tiền là tất cả, tiền là thước đo, tiền là cung bậc của sự sống, tiền là lò xo, tiền là sức mạnh của tuổi trẻ, là sức khỏe của tuổi già thì tình người sẽ chết. Ta hãy đặt câu hỏi cho chính mình, còn “tình đời” lẽ nào bỏ quên?

KẺ GIEO GIÓ

  Câu chuyện “Kẻ gieo gió” kể về người cha sống vì tiền, phải lao vào đường dây ma túy. Một cậu thanh niên đến tá túc học ở nhà ông, đem lòng thương cô con gái của ông và cô ta đáp lại tình yêu. Hai người giữ một khoảng cách “sống chậm” để không phải “già nhân ngãi, non vợ chồng” về sau này. Họ trân quí nhau. Người cha cô gái lợi dụng cậu học sinh thiếu kinh nghiệm. Ông cho tiền để làm hư đốn cậu và biến cậu trở thành kẻ nô lệ của đường dây ma túy, đánh mất tương lai. Khi phát hiện dương tính với HIV, cậu đang đối diện với mất mát lớn, đó là mất cuộc sống. Cậu ta vòi vĩnh ông, buộc ông phải cho cậu ta ba nghìn đô, mục đích không phải là làm tiền mà để dành khoảng tiền đó trả hiếu cho mẹ. Mẹ cậu ngày đêm ở quê dành dụm chén cơm manh áo, cắt đi một phần tiêu thụ để cho con ăn học đến nơi đến chốn, hy vọng sau này con trai có một tương lai, lo giúp được mẹ già ở tuổi xế chiều.

  Đó là nỗi đau bất hạnh lớn, nói không nên lời. Khi nhận được ba nghìn đô xong, cậu ngồi viết lá thư tuyệt mệnh và nhờ người tình chuyển giao lại cho mẹ mình.

  Mấy tháng trời không về thăm mẹ, người mẹ nhớ nhung quá lên tìm con. Ngày gặp được con lẽ ra là một hạnh phúc lớn, nhưng lại là một nỗi đau cùng tận, khi được biết cậu ấy đã bị dương tính HIV. Nỗi đau lớn hơn nữa khi biết ân nhân cậu con trai mình chính là người đã lừa tình mình trong quá khứ. Khi bà mang thai, ông ấy vì tiền lấy người con gái của một quan chức và bỏ lại sau lưng nỗi đau của bà người tình thiếu tiền, và đứa con nằm trong bụng, chưa kịp mở mắt chào đời đã trở thành mồ côi. Dù tự tử, cuộc sống vẫn không khước từ, nên bà tiếp tục sống. Sống trong nỗi đau nhưng có niềm tin vươn lên, nuôi đứa con ăn học, nhưng không ngờ nó bị vướng vào đường dây ma túy. Kẻ hại nó không ai xa lạ chính là cha ruột nó, người tình phũ phàng của bà trong quá khứ.

  Nghe biết được câu chuyện, đứa con nghẹn ngào sa nước mắt, không muốn tin rằng đó là sự thật, một sự thật rất phũ phàng, nghiệt ngã, khổ đau. Anh ta đã chối từ nhận người đưa mình vào cõi chết hai lần là cha vì ông không xứng đáng với danh xưng cao quí đó. Đến lúc đó, ông uất hận nhưng đã quá muộn màng. Ông nói một câu như tự bào chữa: “Tôi đâu biết rằng nó là con ruột của tôi”. Lời đối đáp lại của người mẹ dân quê, mộc mạc, chân tình rất sâu sắc như một triết lý sống: “Dù nó không phải là con ông nhưng nó là một con người”. Ta hãy đối xử nhau với tư cách như một con người, không phải con tôi thì tôi lo, con người khác thì tôi giẫm nó chết. Đó không phải là tình người.

  Câu chuyện để lại nhiều điều cho chúng ta phải suy nghĩ. Có nhiều cha mẹ vô tình do hoàn cảnh, do suy nghĩ sai đã đẩy con mình vào con đường không có lối thoát. Vợ đẩy đưa chồng, chồng đẩy đưa vợ, anh chị em, người thân thương, bạn bè do không hiểu giá trị cuộc sống đích thực, đã đẩy nhau vào chỗ bế tắc. Đáng thương thay.

TIỀN ĐÃ CƯỚP ĐI NHIỀU THỨ

  Cần có sự quay đầu: “Đừng vì tiền mà quên tình đời, đừng vì tiền phụ nghĩa người ơi”. Tình đời rất đẹp khi tiền chưa can thiệp vào. Nghĩa vợ chồng rất thắm thiết. Tiền chỉ là một phương tiện, một kẻ nô lệ phục vụ cho hạnh phúc. Khi tiền lên ngôi làm vua, kẻ tiêu thụ nó sẽ bị khổ đau, bất hạnh lớn. Đây là chân lý nghìn đời.

  Rất nhiều người “sang đổi vợ” vì nghĩ rằng mình có tiền “mua vui cũng được một vài trống canh”. Tiền dư giả, có thể rửa bằng hưởng thụ. Vợ chung thủy, hy sinh cho sự thành công của một số đấng mày râu bị quên đi. Do lam lũ, nhan sắc của người vợ tàn tạ, tuổi đời tăng theo, người không biết đủ lấp người khác vào để chứng tỏ mình là người biết ăn chơi. Không ngờ rằng, nỗi đau đó không chỉ ảnh hưởng người vợ mà còn với bản thân và những đứa con về sau. Biết được hoàn cảnh sống của cha mẹ, con cái khổ đau không kém phần. Nếu đó là con gái, cộng hưởng tình cảm từ người mẹ, cô gái sẽ uất hận người cha và có thành kiến, mặc cảm với tất cả những người đàn ông còn lại. Thậm chí sau này, có người đàn ông rất đàng hoàng, cô gái vẫn không thể nào tin rằng người đó có thể giữ được sự đàng hoàng đến trọn cuộc đời. Vì cha nó, hình ảnh nhân vật được tôn kính trở thành một bóng mờ, do vậy không có một hình ảnh nào khác có thể thay thế được với giá trị tích cực hơn.

  Đừng để tiền can thiệp cuộc đời ta nhiều quá, đánh mất tình đời, tình nghĩa: “Đừng vì tiền làm đau lòng người, đừng vì tiền đánh mất đời ta”.

  Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra giữa năm 2007 sớm kết thúc vào tháng giêng năm 2009 có sự góp phần tàn ác của đại tỷ phú Madoff. Vào những thập niên 60-70 của thế kỷ XX, ông được xem là “God of finance”, tức Thượng đế của tài chính, tạo ra mấy chục ngàn công ăn việc làm cho người thất nghiệp. Người ta xem ông là điểm tựa tinh thần, là nơi mang lại hạnh phúc, là nguồn tạo ra tiền nhiều người bất hạnh. FBI của Hoa Kỳ vào thời điểm năm 64 đã cảnh báo rằng, đó là vụ làm ăn phi pháp và một sự lừa đảo rất tinh vi. 

  Muốn trở thành đối tác của ông, người đầu tư phải có thư giới thiệu của một triệu phú hay tỉ phú. Rất nhiều người chọn mặt gởi vàng, nên đã bị lừa tan tành sự nghiệp. Ông lấy tiền đầu tư của người sau trả lãi cho người trước, lấy người trước trả cho người sau. Những triệu phú, tỉ phú đầu tư thường họ không có nhu cầu rút tiền ra. Họ muốn giữ khoảng đầu tư đẻ lãi và lớn theo năm tháng. Kết quả, sau bốn mươi mấy năm lừa đảo toàn thế giới, FBI đã phát hiện, tòa đã tuyên án ông 175 năm tù.

  Hoa Kỳ và nhiều quốc gia trên thế giới đã bỏ án tử hình, để tạo cơ hội cho phạm nhân hồi đầu. Đó là vì tiền kẻ ngu đã làm đau lòng người, làm đau mình.

Hàng chục các ngân hàng Thụy Sĩ, các tổ chức từ thiện đầu tư vào Madoff đã trở nên trắng tay. Hàng trăm ngàn các trẻ em nghèo, những người neo đơn, bất hạnh trong xã hội không còn cơ hội tiếp tục nhận được nguồn viện trợ nhân đạo tốt nữa. Mấy trăm ngàn công nhân trên thế giới do bị lừa đảo, bị mất việc làm. Biết bao nhiêu nhà đầu tư tự vẫn mà chết. Trong số đó có tỉ phú của Đức phải lao đầu vào xe lửa mà chết, vì không tin rằng mình đã trở thành trắng tay vì một vụ lừa đảo thế kỷ.

GIÁ TRỊ TÌNH THƯƠNG

  Trải nghiệm đời sống, nhìn thấy những người thân chăm sóc hạnh phúc cho nhau, ta thấy giá trị tình thương, tình thân là cao quý. “Cuộc đời cần tình thương thật nhiều, cuộc đời cần tình nghĩa bền lâu”.

  Tiền chỉ là một phương tiện, một công cụ, biết sử dụng nó mang lại hạnh phúc, không biết sử dụng, nó đẩy chúng ta vào vực thẳm khổ đau. Nghĩ đến tình thương cho người bất hạnh mà tỉ phú Warren Buffet đã hiến tặng 37 tỉ đô la cho quỹ từ thiện Melinda-Bill, của vợ chồng Bill Gates vì theo tỉ phú này, hai vợ chồng Bill Gate có uy tín về việc sử dụng nguồn ngân quỹ một cách hợp pháp.

  Khi được báo phỏng vấn, Buffet trả lời báo chí: “Cái mà tôi cần là tình thương, tình người. Con tôi học được phương pháp làm việc của tôi, nếu nó có trí khôn, nỗ lực chân chính, hợp luật pháp nó trở thành tỉ phú trong tương lai”.

  Các đứa con của ông hiểu được, không buồn cha, nỗ lực làm, bây giờ họ đều thành đạt. Tình người, tình đời, tình thương là giá trị bền lâu mà con người có thể đầu tư. Vào năm 2003, số tiền của Bill Gates đạt được là 56 tỉ đô la, đứng đầu thế giới. Vào tháng 07-2008 Bill Gates từ bỏ Microsoft, công ty điện toán lớn nhất hiện nay, để đầu tư trọn vẹn thời gian cho từ thiện. Lúc đó, ông được năm mươi bốn tuổi, chưa phải là tuổi về hưu. Không phải vì ông thua lỗ mười mấy tỉ mà từ bỏ sự nghiệp. Có làm thêm vài ba chục tỉ nữa, chết rồi đi bằng hai bàn tay trắng.

  Theo Phật giáo, người có tiền nhiều mà không biết chi tiêu vào những việc lành, khi chết khó siêu được, có khi do tiếc nuối trở thành hồn ma để giữ số tiền chưa tiêu. Ngân quỹ Melinda- Bill mang tên hai vợ chồng bây giờ có khoảng bảy mươi bảy tỉ. Đó là quỹ từ thiện lớn nhất toàn cầu hiện nay.

  Vợ chồng Bill Gates chi vào các hoạt động từ thiện ở châu Phi, cho trẻ em nghèo, trẻ em bệnh tim và những người già tàn tật, các chứng bệnh ung thư và các dịch vụ y tế.

  Làm suốt cuộc đời, Bill Gates chỉ trao lại cho con ông vài chục triệu đô la, chẳng là gì so với bốn mươi tỉ đô la ông có. Ông khích lệ con mình phải tự vươn lên từ hai bàn tay, khối óc thông minh, đầu tư chân chính. Nếu hai vợ chồng chết, gia tài khổng lồ đó sẽ được hội từ thiện tiếp tục sử dụng vào các mục tiêu chân chính. Đó là do ông biết nghĩ đến tình đời, không nghĩ riêng tình cha con, mẹ con. Nghĩ rộng hơn một chút xíu, mỗi khi ta làm điều gì mang lại tổn thương cho người khác, tức là đã gây nỗi đau tổn thương chính mình.

  Trong tác phẩm “Người Gieo Gió” có câu nói của người mẹ rất sâu sắc: “Ông hãy ứng xử nó như một con người”. Đâu phải chỉ con ta mình chăm sóc, con người khác thì ta đẩy nó vào con đường khổ đau.

  “Đời chỉ cần tình thương tràn đầy. Đời chỉ cần hạnh phúc an vui”. Đó là giá trị đích thực của cuộc sống. Nếu không nhận diện hoặc nhận diện quá chậm về điều này, mỗi một tích tắc trôi qua, cuộc sống chứa đầy khổ đau, vô tình hay cố ý. Sức ép kinh tế những cuộc chạy đua về thời gian, những cuộc hưởng thụ như thói quen, có thể đốt cháy hết tất cả hạnh phúc đang có. Tình thương tràn đầy luôn có trước, có sau. Có người giữ được tình thương ở giai đoạn đầu và đốt cháy nó giai đoạn sau. Có người giữ được đoạn đầu, đoạn giữa nhưng giai đoạn sau bị khiếm khuyết. Tình thương tràn đầy có điểm xuất phát ít, diễn tiến tăng dần đều, ở điểm cuối đầy tràn, ngày càng tăng trưởng.

  Phải hướng tâm đến mục đích cao quý. Việc ta chăm sóc cho cha mẹ, người thân thương nên trở thành một cam kết. Có người suy nghĩ, tôi mới sinh ra, cha mẹ đâu nuôi tôi, tôi phải bươn chải như một người trong giang hồ để có được chén cơm manh áo, nên tôi không cần phải thương kính cha mẹ. Nếu không có cha mẹ, dù là cha mẹ thiếu trách nhiệm, ta không có tồn tại với tư cách là một con người.

  Theo đức Phật, làm người là quí báu nhất trong thế giới các loài động vật. Ta thử giả thuyết, nếu ta sanh làm một con chó trong nhà tỉ phú, ta được cái gì. Ngủ trên giường, đi có người dẫn dắt, tắm có người kì, ăn có người chăm sóc, bệnh đưa đến bác sĩ. Không có tri thức, không có giáo dục, không có đạo đức, không có truyền thụ kinh nghiệm, sống không có tổ chức, không có tính nhân đạo, không có ứng xử mang tính xã hội như con người. Phước của loài chó hay gia súc được con người cưng chìu kém rất xa so với phước làm người. Đừng vì các bất hạnh về kinh tế, chúng ta nghĩ rằng đời sống của mình là vứt bỏ đi. Tổn thất vì kinh tế, ta có thể tạo lại được. Nghèo nàn có thể khắc phục được. Không có trí tuệ như loài vật là mất tất cả.

  Cha mẹ ta dù ứng xử thế nào đối với ta đi nữa vẫn là cha mẹ. Đạo Phật dạy, tâm hiếu là tâm Phật, xem cha mẹ là hai vị Phật sống trong nhà. Mỗi lần nghĩ đến mẹ, ta bớt đi những nỗi đau, nghĩ đến cha ta có thêm nghị lực. Nếu ta không có cha mẹ đừng buồn trách, oán thù, uất hận. Hãy sống tốt để sau này con cháu chúng ta nên người. Ta cư xử với cha mẹ ra sao, sau này con cháu đối đáp lại mình vậy. Nhân quả không sao tránh khỏi.

TIỀN KHÔNG MUA ĐƯỢC TIÊN

  “Tiền có lúc cần người ơi, nhiều tiền có phải mua được tiên chăng”. Có nhiều người cần tiền suốt cả cuộc đời, có nhiều người cần tiền trong một khoảnh khắc, có người cần tiền trong một tháng, một năm, một mùa. Các phương tiện hỗ trợ vốn của chính phủ, vay nợ từ các ngân hàng, ta có thể có được nó hợp pháp. Sử dụng khôn ngoan đồng tiền đó, ta có thể tạo dựng tương lai, hạnh phúc. Dĩ nhiên, đây đó vẫn còn những phân biệt đối xử khi người khác biết quãng đời quá khứ của ta. Đừng vì thế mà mặc cảm, khổ đau, bỏ cuộc, hãy tiếp tục sống và đứng dậy. Tại trại giam Phú Sơn 4 có một nhân vật sau khi ra trại, trở thành nhà đầu tư đá quý và là một trong những đại gia của tỉnh Thái Nguyên.

  Ở tại Ấn Độ, một số phạm nhân khi mãn án tù đã trở thành đại biểu quốc hội, được người bỏ phiếu nhiều hơn những nhân vật đình đám khác. Những mẫu người mà sự thành công của họ sau khi mãn hạn tù trở về đoàn tụ gia đình là những bài học rất đặc biệt, ta cần học hỏi, noi theo.

  A Xà Thế phạm tội giết cha soán ngôi, muốn điên loạn, được Jivaka dẫn đến gặp đức Phật. Câu hỏi đầu tiên ông đặt ra cho đức Phật: “Tội của tôi có thể tha thứ được không? Hay đời đời kiếp kiếp sống bất hạnh”. Đức Phật nói: “Trên đời có hai hạng người: Thứ nhất, từ lúc mới lọt lòng cho đến lúc qua đời chưa từng tạo điều ác. Họ là những bậc thánh sống. Thứ hai, lỡ tạo tội lỗi, rồi sau ăn năn và cam kết không tái phạm thêm một lần nào nữa trong tương lai. Giữa hai hạng thánh này, hạng thứ hai là cao quí hơn”. Câu nói của đức Phật rất là sâu sắc. Ngài muốn ám chỉ rằng, lỗi lầm hay tội thuộc tính của người phàm, không nhiều thì ít, không chỗ này chỗ khác, sống trong vòng pháp luật hay ngoài vòng pháp luật. Tội thuộc về hình sự, lỗi thuộc về dân sự. Người phàm được phép có lỗi ở mức độ nhất định. Quan trọng hơn là cải tạo lỗi để trở thành con người tốt. Cuộc đời sẽ tôn vinh những con người như thế bởi vì đó là một bài học sống hay.

  “Tiền có mua được tiên chăng?”. Câu trả lời là không. Tiền có thể giúp ta mua được nhiều cơ hội để hưởng thụ tình dục nhưng không mua được tình yêu. Tiền có thể giúp ta mua được ngôi nhà, chiếc giường nhưng không mua được giấc ngủ ngon.

  Tiền có thể giúp ta có được “tiền hô hậu ủng” nhưng không giúp ta có được sự kính trọng, nếu ta sống không có tấm lòng và không có tình người. Không phải có tiền là có tất cả. Nhiều người tôn vinh tiền như là Thượng đế. Ai tôn vinh tiền như Thượng đế, người đó đang sống trong địa ngục trần gian.

  Lời ca: “Tiền khi vơi khi đầy, mong người đời tình mãi dâng cao” thực là chí lý. Không ai có được tiền hoài vì nó mang tính điều kiện, lúc thăng, lúc trầm, khi thành công, lúc thất bại, không ai đoán trước được. Người khôn ngoan có thể làm ra tiền và giữ tiền tốt, người thiếu phương pháp, không nghe lời khuyên của những nhà chuyên môn kinh tế có thể trở thành trắng tay.

ĐỪNG KHỔ ĐAU TRONG VÔ THƯỜNG

  Bill Gates, tỉ phú năm mươi sáu tỉ trong cơn khủng hoảng tài chính toàn cầu chỉ còn lại bốn chục tỉ. Năm 2008, 2009 tuổi ông rất tốt, sao chiếu mạng tốt, vẫn thua lỗ như thường. Đừng nên tin vào sao, số phận bởi năm, tháng, ngày, giờ. Khi đầu tư hợp nhân quả kinh tế thị trường ta giàu, trái lại ta thua. Cơn khủng hoảng toàn cầu đã tác động tới mọi góc độ của cuộc sống. Khủng hoảng là sự tương tác đa chiều, đạo Phật gọi là duyên khởi hay nhân duyên.

  Lời hay lỗ, thắng hay thua là bài toán, nằm trong lòng bàn tay của chúng ta, không phải Thượng đế, thần linh hay số phận an bài gì cả. 

  Một tỉ phú khá nổi tiếng, khi bị thua lỗ chứng khoán phố Wall, chọn cái chết lao đầu vào xe lửa. Sau cái chết của tỉ phú, mấy chục ngàn công nhân làm việc dưới tay ông này mất việc làm.     Việc mất việc làm đã ảnh hưởng đến đời sống kinh tế gia đình họ dẫn đến nhiều sự khốn đốn.

  Bất hạnh và thất bại thường do quyết định sai. Tiền vơi đầy là một quy luật. Khi đối diện trước sự mất mát, điều quan trọng là làm chủ cảm xúc và vượt qua khổ đau. Những Phật tử trong cơn khủng hoảng tài chính toàn cầu hiểu được phương pháp làm chủ bản thân nên không bị khổ nhiều.

  Vô thường, tức không còn mãi với mình. Vô ngã, giúp mình hiểu khi mình khôn ngoan, có phương pháp đúng nhân quả, ta làm sở hữu của nó trong một thời gian nhất định, tác động tiêu cực của hoàn cảnh, điều kiện kinh tế có thể làm chúng ta mất đi, lúc đó người thực tập vô ngã không có chấp trước, không giữ lại nỗi đau trong tâm, xem mình không phải là nạn nhân, cho nên nỗi đau đó nếu có nó cũng rụng hết.

  Người Phật tử tại gia còn có được thái độ nhận thức sáng suốt thứ hai là vô ngã sở hữu. Tất cả những gì ta làm được là sở hữu về phương diện luật pháp và tính trách nhiệm, nếu nó liên lụy đến luật pháp ta phải chịu trước pháp luật, nhưng về thái độ cảm xúc, khi nó bị mất đi dù dưới động cơ nào, lý do gì, ta không vì thế mà biến chúng thành bế tắc. Mất tài sản, nỗ lực chân chính, ta có thể tạo dựng lại lần thứ hai, thứ ba, không thành công có thể lần thứ mười, thứ hai mươi, nếu không thành công cũng chẳng sao.

  Hai tỉ phú tự tử, thật ra họ vẫn còn vài chục triệu đô la trong ngân hàng. Nhưng số đó tặng cho các thành phố nghèo trên thế giới biết bao nhiêu người cần giúp đỡ. Họ nghĩ rằng, bao nhiêu tiền dành dụm bây giờ không còn nữa, ức chế trước tâm lý khổ đau, chịu không nổi, chọn lấy cái chết để quên đi. Ai chọn lấy cái chết để quên đi khổ đau, người đó sẽ khổ đau gấp bội, chết không siêu, trở thành hồn ma bóng vía. Người thân thương cũng uất hận theo, đau khổ theo. Người làm việc dưới trướng, đối tác cộng sự cũng khổ theo dài dài. Đừng vì khổ của bản thân ta mà ta kéo theo sự liên lụy biết bao nhiêu người. Khổ đau xuất hiện ở chỗ nào, ta phải giải quyết ở chỗ đó, đừng đào tẩu bởi sự bế tắc, đó là người anh hùng, người có bản lĩnh, nói theo đạo Phật là người có mưu trí dũng, có sự sáng suốt, có tình thương rộng lớn, có năng lực chịu đựng để vượt qua, và rồi ta có thể gầy dựng được tất cả.

  Thời đức Phật có một đại tỷ phú là người thân thương, hỗ trợ cho những người nghèo. Có một lần, ông gần khánh tận tài sản, đau khổ lắm, người thân cũng bỏ, cộng đồng xa lánh, nhưng ông quyết tâm gầy dựng lại, cuối cùng ông trở thành tỉ phú lần thứ hai. Đó là một sự mầu nhiệm của sự nỗ lực tinh tấn. Khi giữ tình đời mãi mãi thì đời sống rất hạnh phúc.

  Sự kiện cụ Nguyễn Văn Hết, 97 tuổi ngụ quận 5, Sài Gòn trúng mấy tờ vé số độc đắc, sau đó trúng thêm lần thứ hai. Tổng số tiền cụ hưởng được là bảy tỉ sáu trăm ngàn đồng. Trong vòng mười mấy ngày đầu, rất nhiều người đã đến nhận cụ làm người thân, cho nên cụ rất sợ và cho luôn cả hai tỉ. Chính quyền địa phương thấy vậy, phải tới thuyết phục để giữ số tiền đó đưa vào trong ngân hàng. Có một điều kỳ lạ, bỗng nhiên cụ nhớ lại vanh vách thuở nhỏ sống lam lũ cho tới bây giờ, bất cứ nhận của ai, sự giúp đỡ nào dù lớn hay nhỏ, cụ đều đi tạ lễ. Tổng số tiền tạ lễ lên đến năm trăm triệu đồng, là một nghĩa cử rất cao thượng. Cụ phát nguyện làm từ thiện cho những người nghèo vì cụ thuộc diện xóa đói giảm nghèo của phường. Đó là sống dâng cao tình người, tình đời.

  Có tiền mà biết sử dụng nó, ta trở thành nơi tạo ra niềm an vui hạnh phúc cho những người khác. Tấm gương của cụ Hết là một bài học cho chúng ta và tất cả mọi người cùng làm theo.

  Bài ca “Đừng quên tình đời” đề cập đến những vấn đề có thật. Rất mong mọi người cùng suy nghĩ để sống tình người, dâng tặng cho cuộc đời nhiều niềm vui. Đây cũng là cách làm nở hoa tình đời cho cha, mẹ, vợ, chồng, con cháu, anh chị em, cho những người thân thương và những người dưng nước lã. Mỗi khi nghĩ về những việc nghĩa đã làm, ta được quyền hãnh diện và hạnh phúc. Thực tập thiền với bốn phương pháp làm chủ được thân, làm chủ cảm xúc, làm chủ tâm và làm chủ các ý niệm, có khả năng giúp ta ta không bị mặc cảm nữa, nhờ đó sống an vui, bình an trong cuộc đời. 

***

 
00:00