Giảng tại chùa Giác Ngộ, ngày 19-08-2009
Phiên tả: Kim Long
Hiệu chỉnh phiên tả: Giác Minh Duyên
TIỀN KHÔNG PHẢI LÀ TẤT CẢ
Phần lớn chúng ta đều biết giá trị tích cực của đồng tiền, nhưng phân tích về giới hạn và sự tiêu cực của nó thì ít người đề cập vì nhiều lý do khác nhau.
Thứ nhất, người ta cho rằng “tiền là tiên là Phật, là sức bật tuổi trẻ, là sức khỏe tuổi già, là cái đà danh vọng, là cái lọng che thân, là cán cân công lý”. Quan niệm sai lầm về giá trị giao hoán của đồng tiền khiến con người chạy theo bằng nhiều hành động phi pháp, dẫn đến kết quả ngồi tù. Hậu quả đó còn đeo bám chúng ta từ kiếp này sang kiếp khác dưới hình thức nhân quả.
Thứ hai, khi không thấy mặt giới hạn của đồng tiền thì việc có nhiều tiền sẽ làm cho người ta tiêu xài hoang phí và đánh mất chính mình trong sự hưởng thụ, mà cứ nghĩ rằng đó là nguyên nhân dẫn đến hạnh phúc. Rơi vào sai lầm này, chúng ta bỏ quên giá trị tương lai mà việc hối hận đôi lúc đã muộn màng.
Thứ ba, để thấy rõ giới hạn của đồng tiền thì việc so sánh đối chiếu giúp chúng ta thấy và tránh được nó dễ dàng hơn.
Trong bài này, tôi chủ yếu dựa vào các câu ngạn ngữ Trung Quốc hiện nay được dịch và phổ biến trên internet. Nguyên văn gồm gần hai mươi câu phát biểu. Tôi chọn lọc nêu ra vài câu để thông qua đó, chúng ta cùng thấy rõ những giới hạn và tránh được tác hại tiêu cực do sử dụng đồng tiền sai phương pháp. Nếu hiểu đồng tiền là kẻ đầy tớ trung thành phụng sự cho hạnh phúc chân chính của con người thì đồng tiền đó được gọi là đồng tiền khôn. Nhưng nếu hiểu đồng tiền là chủ nhân sai xử, định đoạt tất cả mọi thứ thì đó là đồng tiền dại hay đồng tiền ma, dẫn dắt ta vào con đường đọa lạc và mất hạnh phúc.
TIỀN VÀ TỔ ẤM
“Tiền có thể mua được ngôi nhà nhưng không thể mua được tổ ấm”.
Ngôi nhà thuộc về vật chất với không gian lớn nhỏ, trang trí nội thất ngoại thất, cảnh sân vườn, các vật dụng trong nhà nhiều hay ít, một phần lệ thuộc vào tài chính của gia đình, một phần lệ thuộc vào thói quen và phong cách sống. Người Trung Hoa có khuynh hướng không thích trang trí nhà cầu kỳ mặc dù họ rất giàu, vì đôi lúc nó thu hút kẻ trộm ghé mắt, đánh hơi. Bên trong căn nhà tuy nhiều vàng nhưng màu sắc trang trí căn nhà chẳng hấp dẫn chút nào.
Mái nhà có thể là phương tiện tốt để tạo ra mái ấm gia đình nếu ta biết cách. Một túp lều tranh hai quả tim vàng chỉ là mô hình tình yêu lý tưởng. Hễ cái gì lý tưởng, cái đó không có thật, hoặc nếu có cũng chỉ tồn tại trong khoảng thời gian rất ngắn. Do đó, tiền rừng biển bạc nếu không biết cách chăm sóc thì nhà sang trọng cỡ nào đi nữa cũng không thể mang lại hạnh phúc cho đời sống vợ chồng và mối liên hệ thiêng liêng với con cái. Các tỷ phú, triệu phú, đại gia có thể mua vài chục căn nhà khác nhau, mỗi căn trị giá vài tỉ đồng, nhưng nếu không biết cách vun bón thì hạnh phúc vẫn cất cánh bay cao.
Hình ảnh tương phản ở đây là ngôi nhà và tổ ấm. Tổ ấm chỉ có trong ngôi nhà. Tổ ấm không thể tồn tại lâu dài ở ngoài đường, ngõ hẻm, vỉa hè, mà nó phải có chỗ để phát triển. Cũng giống như các con chim phải tự xây tổ lấy. Không chịu treo lơ lửng trên cành cây hay nhánh cây để tránh sức gió, chúng đầu tư xây dựng tổ ấm, và sau khi xây xong, chúng có thể sống gần một kiếp đời. Như vậy, cái tổ ấm đối với loài chim và một số loài động vật chỉ là căn nhà chứ không có giá trị tinh thần như thế giới loài người.
Tổ ấm trong văn hóa con người bao gồm hạnh phúc, sự tâm đầu ý hợp, tương nhượng, hài hòa, chia sẻ, nâng đỡ, dìu dắt nhau. Dành thời gian cho đời sống vợ chồng mỗi ngày vài ba tiếng có thể quá dài so với các doanh nghiệp lớn vì họ chỉ bận tâm tạo ra tiền, đôi lúc không quan tâm đến người thân thương. Đem tiền, tài sản nhà cửa về cho con cái, nhiều người nghĩ rằng như thế là xây dựng hạnh phúc gia đình. Phần lớn con các đại gia thường sử dụng số tiền thu nhập của cha mẹ ăn xài không tiếc tay, hưởng thụ sai phương pháp, cuối cùng bị hệ lụy và bế tắc trong cuộc đời.
Sống với năm điều đạo đức Phật dạy: không giết người, không trộm cắp, không lường gạt, không ngoại tình, không rượu chè ma túy, là một trong những yêu cầu rất cần thiết để chúng ta có được một tổ ấm, theo nghĩa hạnh phúc mà con người và xã hội cần phải có. Sự phấn đấu phần lớn của các cặp tân hôn là dành dụm để mua nhà, vì nếu không mua được giá trị yên ấm của ngôi nhà thì tổ ấm cũng sẽ không có mặt. Nhưng có căn nhà mà không có hạnh phúc thì cũng chẳng giá trị gì, trước sau rồi sẽ có bên đề nghị ly thân, và con cái trở thành nạn nhân trực tiếp. Do đó, phải quan tâm đến tổ ấm. Người biết quan tâm đến tổ ấm thì dù ngôi nhà vật lý có nhỏ, nằm ở khu vực không mấy thuận lợi vẫn có thể đảm bảo được hạnh phúc.
Ở hải ngoại luôn đặt nặng không gian sống. Cũng là một căn nhà, chất liệu đó, chất lượng đó, nhưng nếu mua ở khu vực sang trọng thì giá có thể cao gấp ba đến năm lần. Người ta đành lòng bỏ tiền vì môi trường sống tại đây an toàn về tính mạng, không có kẻ nghèo, ít tệ nạn. Ở những nơi như thế, người ta cảm giác bình an hơn và tổ ấm gia đình được siết chặt hơn. Nó không có bất cứ mối đe dọa nào, nhất là những gia đình nuôi con nhỏ cần sự chăm sóc mà phần lớn cha mẹ phương Tây không có cơ hội này. Cho nên, môi trường tốt giúp cho ngôi nhà trở thành phương tiện tạo ra một tổ ấm tốt.
Theo Phật giáo, môi trường đóng vai trò khá quan trọng trong đời sống của chúng ta. Bên cạnh môi trường, ta cũng cần phải quan tâm lẫn nhau. Thử hình dung một gia đình, vợ chồng gặp nhau mỗi ngày chỉ khoảng một giờ, về nhà thì việc ai nấy làm, không ai hỏi han ai, nếu có hỏi cũng chỉ toàn về công việc. Mang công việc vào nhà bếp, trên bàn ăn, trên giường ngủ hay những lúc bên cạnh nhau thì không thể nào đảm bảo được hạnh phúc một cách lâu dài. Rất nhiều quý bà, quý cô muốn chồng mình cảm nhận trên nền tảng cảm thông với tất cả khó khăn mà mình đang gặp, hoặc những người chồng muốn vợ hiểu được phần nào như người tâm đầu ý hợp, cho nên thời gian sinh hoạt gia đình thay vì dành cho nhau hạnh phúc thì họ toàn dành cho nhau nỗi lo, sự căng thẳng trong mối công ăn việc làm.
Học theo tinh thần Phật dạy, không gian nào công việc đó, giờ nào việc đó, là hai tiêu chí của hiện tại lạc trú. Về đến nhà thì chỉ nhớ đến vợ chồng và con cái, nhớ đến trách nhiệm trong mái ấm, chứ không nên nối kết công việc của công sở, giao dịch, mua bán, lời lỗ, hơn thua, tranh chấp, kiện tụng. Bởi vì mang căng thẳng đó về nhà thì mái ấm gia đình biến mất, mặc dù ta ở nhà cao cửa rộng.
TIỀN VÀ GIẤC NGỦ
“Tiền có thể mua được chiếc giường nhưng không mua được giấc ngủ”.
Ai cũng hiểu rõ, giường là phương tiện để ngủ. Ngủ dưới đất vẫn có thể ngủ ngon vài ngày nhưng không được lâu, vì yếu sức khỏe có thể dẫn đến cảm cúm, đau nhức xương khớp, do độ ẩm dưới lòng đất tấn công vào cơ thể chúng ta. Cho nên, chiếc giường tốt được hiểu là phương tiện đảm bảo sức khỏe và giấc ngủ.
Nhiều người không quan tâm đến sự đảm bảo về giấc ngủ này mà chỉ mong mỏi được êm ấm trong lúc nằm hoặc ngồi trên nó. Do đó, thiếu kiến thức về lãnh vực thì dù ngủ trên giường tiện nghi nhưng bệnh tật vẫn phát sinh; nhất là những chiếc giường nệm quá thụng. Cột xương sống con người đòi hỏi nằm trên mặt phẳng không quá cứng cũng không quá mềm, để cơ thể được hoạt động một cách tự nhiên. Nệm dày sẽ khiến sự thoát chất thải từ lỗ chân lông không được thực hiện. Nệm quá thụng dẫn đến cụp xương, thoát vị đĩa đệm hoặc những chứng tê liệt. Do đó, nên giảm hết tất cả phương tiện này, thậm chí không sử dụng đến gối. Nếu có, hãy dùng lớp khăn mỏng thì giấc ngủ sẽ diễn ra một cách tốt hơn. Ta cũng cần phải giữ hai tư thế ngủ. Tư thế thứ nhất là nằm ngửa, duỗi thẳng tay chân, đừng co quắp, lạnh thì lấy mền đắp. Co rút tuy có cảm giác ngủ ngon, lạnh thân nhiệt bên ngoài và tỏa thân nhiệt bên trong chống chế cái lạnh giúp chúng ta ngủ ngon; nhưng thực tế lại tổn hao sức khỏe đáng kể hoặc dẫn đến tình trạng nghẽn máu và ác mộng.
Tư thế thứ hai là ngủ theo thế con sư tử. Tức là nằm nghiêng phía tay phải. Cái gối vừa khoảng cách của vai. Tùy theo mỗi người, độ vai từ cổ có chiều dài hơn một tấc, ta đặt gối bằng như vậy để khi nằm nghiêng, đỉnh đầu, cột xương sống, và mọi xương sườn trở thành một đường thẳng.
Phần lớn, các vị xuất gia theo lời khuyên của đức Phật đều chọn tư thế ngủ này. Nó phù hợp với quy luật vận hành của vũ trụ về âm dương, ngày đêm và do vậy sức khỏe duy trì. Suốt cuộc đời, đức Phật ngủ nghiêng về phía tay phải. Khi qua đời, đức Phật cũng nằm ở tư thế đó, nên không bao giờ gặp ác mộng. Tránh nằm sấp vì nằm sấp gợi dục và làm máu huyết không lưu thông, đè ép tim, hơi thở khó đều. Và khi đọc sách tránh nằm sấp ngửa cổ lên đọc.
Giường là phương tiện dẫn đến giấc ngủ nhưng nó không thể mua được giấc ngủ. Như vậy, để có được giấc ngủ thì ta phải làm gì? Trong kinh, đức Phật dạy, cứ mỗi ngày, người đệ tử Phật nên thực tập bài quán từ bi để năng lượng của tình thương được lan tỏa, phủ trùm lên những người thân, và sau đó đến kẻ thù hoặc những người quan niệm chúng ta là kẻ thù. Thể hiện lòng từ bi với người thân, người biết tôn kính mình thì dễ vì ta và họ ăn khớp nhau như một liên minh; nhưng thể hiện tình thương với những kẻ đối lập và những người hại mình mới khó.
Đạo Phật dạy chúng ta làm như thế là vì trăm nghìn người bạn đôi lúc vẫn chưa đủ. Nhưng một kẻ thù cũng đủ làm ta sất bất sang bang. Do đó, cố gắng tháo mở hận thù, thiết lập tình bạn; và phương pháp quán từ bi ít nhất giúp chúng ta thành công ở chỗ, không có gút mắt gì với ai. Người ta có thể có gút mắt với mình nhưng gút mắt đó là một chiều. Cái gì một chiều, cái đó không hệ lụy nặng; và về lâu về dài sẽ được tháo mở một cách tốt đẹp. Như vậy, thực tập quán từ bi trước khi đi ngủ sẽ làm cho chúng ta không còn nỗi ấm ức đối với những bực dọc, những người không ưa, những đối tượng thiếu dễ thương, những kẻ gây hấn góp phần tạo nỗi khổ niềm đau cho ta.
Sự thực tập thứ hai là buông xả. Hiện tại lạc trú theo tinh thần Phật dạy còn bao gồm công việc nào phải ăn khớp với thời khắc đó. Ví dụ, buổi sáng từ bảy giờ đến mười một giờ, chiều từ một giờ đến năm giờ là giờ công việc văn phòng, công xưởng. Đến giờ nghỉ giải lao là chỉ hiểu đơn giản hít thở, thư giãn, bớt căng thẳng, giảm áp lực, chứ không ngồi tán gẫu, cũng không rượu bia. Về đến nhà chỉ chuyên tâm lo việc nhà. Đến giờ ngủ thì chỉ nhớ duy nhất giấc ngủ an lành không mộng mị. Tất cả những cái còn lại bỏ quên hết. Ai tập như thế thì có thể khắc phục được tình trạng mất ngủ. Rất nhiều người khó tính, nằm trên giường quen thuộc ở nhà thì ngủ được, nhưng khi sang phòng khác cũng trong căn nhà ấy lại trằn trọc thâu đêm. Như vậy, sự khó tính này cho thấy sự dính chấp của chúng ta về phương tiện vật chất quá cao, khiến chúng ta không thích ứng môi trường mới và mất ngủ diễn ra nhiều lần, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính tình.
Buông xả tất cả những căng thẳng trong ban ngày thì về đêm, ta nằm chỉ cần hít thở thật sâu, nhẹ nhàng, thư lắng, tư thế thoải mái không co duỗi, giấc ngủ sẽ có mặt rất nhanh. Ngủ không mộng mị cho chúng ta tuổi thọ lâu bền, sống cũng khỏe mạnh. Cho nên, hãy cố gắng thực tập. Muốn có giấc ngủ ngon thì tâm phải hoan hỷ. Tất cả những gút mắc, những vướng bận trong cuộc đời phải buông xả hết. Trước khi nhắm mắt phải biết quán tình thân, tình thương trên nền tảng của rộng lượng và tha thứ.
Tối kỵ đọc sách, xem truyền hình hay xem báo trước giấc ngủ bởi vì hoạt động này khiến ý thức tiếp tục hoạt động và do đó giấc ngủ không thể nào thư lắng được. Hãy tập thể dục khoảng mười lăm phút trước khi ngủ. Nằm xuống ta quán tưởng: “Nam Mô Quan Thế Âm Bồ Tát, cho con ngủ ngon lành, cho con ngủ an giấc không mộng mị”. Nếu là sinh viên học sinh thì ngoài câu quán tưởng đó, ta còn nhẩm thêm câu: “Con sẽ thi đỗ đạt cao” với sự tự tin lớn. Hoặc đối với người đang nỗ lực đầu tư các công trình thì ngoài tâm niệm như vừa nêu, ta còn tự nhủ: “Năng lực ở mỗi con người là vô tận, xin cho con chiếc chìa khóa để khai mở các năng lực đó”. Ta nạp dữ liệu của sự tự tin với chức năng tự điều chỉnh tất cả rối loạn của ý thức do suy nghĩ quá nhiều và vì thế, cảm giác thư lắng có mặt giúp ta đạt giấc ngủ an lành. Sẽ là một sai lầm nếu nghĩ rằng phương tiện của giường, mùng mền, chiếu gối tốt thì giấc ngủ sẽ tốt.
Trong các chùa, phần lớn ngủ trên giường gỗ. Chùa nào khá có thể thêm cái chiếu, cái mền đơn sơ. Hầu như không ai sử dụng gối ôm, chỉ có một cái gối mỏng lót đầu. Ấy vậy mà phần lớn thầy tu nằm xuống đều ngủ dễ dàng, vì họ vốn không có những bận tâm. Người tại gia nếu thực tập vài mươi phần trăm như thế, hiệu quả sức khỏe thông qua giấc ngủ sẽ rất cao. Cho nên, đừng nên nghĩ rằng có tiền mua phương tiện tốt là có thể ngủ ngon.
Một số người mua chiếc giường trị bệnh, bên dưới có lớp điện tử truyền nhiệt. Thỉnh thoảng báo chí vẫn đưa tin giường chập điện gây tử vong. Do đó, ta đừng sợ hãi đến độ lúc nào cũng bật các loại mền nhiệt hay giường nhiệt cả trong mùa lạnh. Chỉ cần trước khi đi ngủ ta tập thể dục, rồi với cái mền giản đơn đủ ấm vừa với khí hậu và nhiệt độ xung quanh, ta vẫn ngủ ngon lành. Còn sử dụng nhiệt quá nhiều, khiến chúng ta dần dà trở nên yếu hơn khi ta rời khỏi cái mền, cái giường nhiệt đó. Hãy để cơ thể tự thích ứng với khí hậu xung quanh, ngoại trừ người già cần đến những hỗ trợ này, còn bằng không, hãy sử dụng các biện pháp tự nhiên, những chuyển hóa tâm lý đừng để cho gút dính trong tâm mình.
TIỀN VÀ KIẾN THỨC
“Tiền có thể mua được một quyển sách nhưng không thể mua được kiến thức”.
Sách là nhịp cầu đi đến kiến thức nếu sách đó chứa nội dung tích cực, chứ không phải lúc nào mua sách cũng đều tốt cả. Sách nhiều rác rưởi thường chiếm thị trường hơn những sách hay. Phần lớn, những quyển sách đoạt giải Best Seller, Putlizer hay những giải thưởng quốc tế lại không phải là những quyển sách quá hay mà là những quyển sách phổ thông. Cái gì mang tính phổ thông càng được nhiều người đọc bởi dễ hiểu, dễ cảm nhận và dễ tiếp thu.
Sách cực kỳ uyên bác chỉ đáp ứng cho giới chuyên gia hoặc nhà nghiên cứu. Thời gian đầu tư để viết thành một tác phẩm sách đôi lúc mất vài chục năm. Còn những sách bán chạy đôi lúc chỉ viết trong vòng vài tháng. Cho nên đừng dựa vào tiêu chí bán chạy hay thuộc danh sách Best Seller mà cho rằng đó là sách tích cực. Nội dung tích cực không lệ thuộc vào các giải thưởng mà sách được trao tặng. Người phương Tây có câu ngạn ngữ: “Hãy cho tôi biết bạn đọc cái gì mỗi ngày, tôi sẽ cho bạn biết bạn là người như thế nào”.
Sách là loại thực phẩm tinh thần có thể làm tăng dưỡng chất và kiến thức. Nhờ đó, ta có những túi khôn của loài người, kinh nghiệm của thế hệ đi trước, các kiến thức chuẩn mực về mọi lãnh vực ngành nghề để ta rút ngắn thời gian mà vẫn có thể trở thành chuyên gia giỏi ở một lãnh vực chuyên môn nào đó. Cho nên phải chọn đúng sách hay chứ không đọc tràn lan; vì đọc hoài sẽ không bao giờ hết; thậm chí ta có thể chết trước khi đọc được những quyển sách hay.
Mỗi ngành nghề dù ở cấp cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ, chỉ cần đọc khoảng chừng năm quyển sách của năm tác giả hay nhất lãnh vực đó là ta có thể nắm bắt vấn đề. Cho nên bằng kiến thức liên ngành và có phương pháp trong việc tiếp xúc, sàng lọc kiến thức, ta vẫn có thể tự học mà không nhất thiết phải đến trường lớp. Tự học thông qua tư vấn của nhà chuyên môn, chuyên gia. Ví dụ, chỉ đọc một hai tác phẩm về xã hội học, ta biết được nội dung xã hội học là cái gì, giá trị và khuynh hướng ứng dụng của nó ra sao. Đọc vài ba quyển sách hay của các triết gia về lãnh vực triết học, ta biết toàn bộ phạm vi ứng dụng của nó, chứ không cần phải đọc ngấu nghiến hết cuốn này đến cuốn kia như thể con mọt sách. Như thế không giá trị.
Đọc sách không nên nhằm mục đích tiêu khiển thời gian mà phải ghi chú những yếu tố ấn tượng. Nhiều người bỏ hàng chục năm đọc sách nhưng rốt cuộc lại không gặt hái được gì. Trong khi đó, mỗi năm chúng ta đọc vài ba quyển sách hay, đọc ngấu nghiến, đọc hiểu rành mạch như thể mình là tác giả, thì dần dà kiến thức đó trở thành của mình. Rồi trên nền tảng của những gì mình đang có, chúng ta phát huy cái mới. Không bộ nhớ nào siêu việt đến độ có thể giữ lại hết tất cả những dữ liệu kiến thức từ sách, nên chúng ta phải ghi chú.
Các khoa học gia, bác học, triết gia, các nhà tư tưởng lớn thường được nghĩ rằng kiến thức của họ mênh mông. Thực tế nằm ở phương pháp giữ kiến thức và sử dụng nó một cách đúng đắn. Muốn có kiến thức, ta phải tiêu hóa những giả thuyết mà tác giả của quyển sách đưa ra. Có hai khuynh hướng để tạo ra một kiến thức chuẩn:
Giai đoạn một, khi đọc một tác phẩm nào đó, ta đặt giả thuyết mình chính là tác giả chỉnh sửa tác phẩm như đứa con tinh thần của mình. Phát xuất từ mối đồng cảm với tác giả, ta mới cảm nhận được chiều sâu của quyển sách và giải phóng cái “tôi” cống cao ngã mạn rằng kiến thức mình hơn tác giả quyển sách này. Từ đó, ta học những cái hay của tác giả.
Giai đoạn hai, phải đặt mình trong tư thế phản biện. Nếu được quyền trình bày bằng quan điểm khác thì cũng cùng vấn đề đó, ta cố gắng tạo ra giá trị tương đương hoặc hay hơn để giải quyết. Cách đọc thứ hai này giúp chúng ta khám phá nhiều giá trị mới.
Ví dụ, con đường từ chợ An Đông sang chùa Giác Ngộ thông thường nhất là đường Sư Vạn Hạnh rẽ qua đường Nguyễn Chí Thanh. Một số người lại thích đi từ Hùng Vương rẽ qua Nguyễn Chí Thanh, hoặc đi đường Nguyễn Duy Dương rẽ vào. Còn nhiều cách khác nữa. Như vậy, nếu có nhiều cách thức để đi đến một địa điểm thì tại sao chúng ta phải đồng tình tuyệt đối với một tác giả nào mà không tạo ra sáng kiến mới về vấn đề tương tự. Hãy nghĩ rằng mình không có những tác phẩm đó, không có những kiến thức đó, và bây giờ mình buộc phải tạo ra lối đi giải quyết những vấn đề mà tác giả đang quan tâm; tự động ta sẽ có hướng đi mới. Nhưng cố gắng làm sao để nó tối thiểu bằng giá trị cũ. Phương pháp này giúp ta tích lũy rất nhiều kiến thức.
Người đọc sách một cách nghệ thuật thường theo khuynh hướng đồng thuận với tác giả và phản biện lại các quan điểm chưa chuẩn của tác giả nên không rơi vào chủ nghiã của cái “tôi”, làm cản mắt mình, không cho mình tiếp xúc những giả thuyết mới. Do đó, muốn có kiến thức hay, ta phải đọc sách và sử dụng kiến thức đọc sách này để viết ra tác phẩm. Không nhà bác học nào, khoa học gia nào ngồi vắt óc từ đầu chí cuối cho một tác phẩm. Các nhà văn, nhà thơ làm bất cứ lĩnh vực nào cũng đều phải tham khảo với những người khác.
Dữ liệu kiến thức là của chung. Biết sử dụng kiến thức đã có để tạo ra những giả thuyết mới, học thuyết mới thì khám phá phát minh sẽ ít nhất có tính thuyết phục vài chục phần trăm. Nếu ta áp dụng công thức tham khảo để viết một quyển sách cho lĩnh vực làm thơ, tôi tin rằng, suốt cuộc đời chuyên làm thơ, ta không chỉ viết vài chục bài mà đến vài ngàn bài. Vấn đề là phương pháp luận, phải để dòng cảm xúc dâng trào ở mức độ không thể nén được nữa, nó phải vỡ tung ra thì lúc đó mới chấp bút viết một mạch được. Đó là phản ứng tự nhiên khi tư duy đã đến lúc chín muồi cho một vấn đề. Còn sử dụng phương pháp nhân tạo bằng tham khảo nghiên cứu, ta cũng vẫn có được những bài thơ độc đáo. Tương tự đối với lĩnh vực họa, kiến trúc, v.v… Nếu ta biết tham khảo thì giá trị kiến thức tăng trưởng rất nhanh mà không bị quy chụp là người sao chép lề lối cũ của người đi trước.
Đôi khi đọc những quyển sách dở nhưng ta vẫn tích lũy kiến thức hay, bởi vì tinh thần phản biện thúc đẩy ta phát sinh ra một học thuyết mới. Các nhạc sĩ nếu chịu khó sáng tác nhạc bằng phương pháp nghiên cứu và tham khảo thì suốt cuộc đời không chỉ có vài chục bài mà có thể vài trăm kiệt tác vẫn không trùng giai điệu của người khác, không trùng ý tưởng sáng tác của người khác.
Do đó, việc thu nạp kiến thức thông qua một quyển sách là không khó nếu ta có chìa khóa để thực tập. Dĩ nhiên phải đọc sách hay. Đọc sách dở, ta sẽ bị rơi vào ma trận của kiến thức, rồi đầu óc trở nên rối tung, không nhận biết tác giả nào chuẩn, tác giả nào sai; không biết quyển sách nào hay, quyển sách nào dở. Càng đọc càng thấy các quyển sách mâu thuẫn nhau, dẫn đến mất phương hướng.
TIỀN VÀ SỨC KHỎE
“Tiền có thể mua được thuốc thang nhưng không thể mua được sức khỏe”.
Điều này rất rõ. Thậm chí không có tiền, ta vẫn mua được thuốc nhờ chế độ an sinh xã hội. Ở nước ngoài, người nghèo, thất nghiệp và nhất là nuôi con nhỏ thì tiền trợ cấp xã hội khá cao. Không làm vẫn có tiền, vẫn có thuốc.
Điều tối kỵ nhất trong y khoa là tự cấp thuốc cho bản thân. Các bác sĩ chuyên khoa khi lâm vào căn bệnh mà mình sở trường, cũng thường không điều trị cho chính mình mà phải nhờ đến bác sĩ cùng lĩnh vực. Bởi vì tính chủ quan sẽ đẩy chúng ta rơi vào sự sai lầm trong điều trị.
Bác sĩ trị bệnh tim, khi bị bệnh tim phải nhờ đến bác sĩ tim khác điều trị; như thế hiệu quả mới cao. Do đó, dược sĩ có mặt để thẩm định lại thang thuốc. Vì cách bào chế thuốc, dược tính của thuốc, mức độ chỉ định cho phép, mức độ nghiêm cấm, tình huống nào sử dụng, nó thuộc về sở trường của dược sĩ chứ không phải của bác sĩ. Bác sĩ chỉ định bệnh, còn trị liệu thuộc về sự hỗ trợ của dược sĩ. Dược sĩ thấy bác sĩ làm không đúng có quyền điều chỉnh và không cấp phát thuốc. Còn tự điều trị bệnh cho mình chỉ càng làm bệnh nặng hơn. Hoặc nóng vội chuyển sang thầy thuốc mới, người Trung Hoa gọi là “đa sư hư bịnh” cũng khiến bệnh nặng hơn, do mức độ theo dõi không liên tục.
Phương Tây ngày nay tinh tế hơn ở chỗ, họ lưu giữ lý lịch trị bệnh rất khoa học. Úc đang tiên phong về lĩnh vực này. Hiện nay, họ lưu giữ dưới hình thức kỹ thuật số. Khoảng năm năm nữa, ắt hẳn Úc sẽ là quốc gia đầu tiên có tổng hợp lý lịch bệnh trạng, lý lịch nhân thân dưới hình thức kỹ thuật số cho toàn công dân nước mình.
Giữ toa thuốc và phần định bệnh của bác sĩ tại phòng khám là điều bắt buộc ở nước ngoài. Cho nên bệnh nhân nào cũng đều có lý lịch bệnh. Mỗi khi gặp bệnh nhân không thuộc sở trường của mình, các bác sĩ không dám làm liều, mà phải gửi đến một chuyên gia khác. Trước khi gửi, vị bác sĩ đó phải đính kèm theo hồ sơ lý lịch bệnh, phim chụp, các kết quả và sự chẩn trị của mình. Truyền thông nối kết họ với nhau, nhận xét của chuyên gia A, B, C sẽ là dữ liệu quan trọng cho bác sĩ định bệnh chuẩn xác hơn. Đó là phương pháp rất có trách nhiệm. Sự sơ xuất nhỏ đôi khi khiến bác sĩ thân bại danh liệt và phải đền bù nhân mạng rất cao. Ở Việt Nam thì hầu như điều này chưa được quan tâm, cho nên mức độ chống chỉ định trong việc sử dụng thuốc xảy ra thường xuyên.
Một số bác sĩ muốn bệnh nhân đến với mình nên kê toa mạnh để bệnh nhân có cảm giác bác sĩ này giỏi. Điều đó tối cấm kỵ ở ngành y. Phải trị những loại thuốc đơn giản trước, nếu không kết quả mới trị những thuốc mạnh hơn. Đó là tiến trình của trị bệnh.
Uống thuốc mạnh sau này dễ lờn thuốc thì càng khó trị hơn; huống hồ tự điều trị trong khi hoàn toàn không có kiến thức về lãnh vực. Cho nên muốn khỏe thì việc đầu tiên, ta phải đảm bảo việc sử dụng các dịch vụ y tế chân chính và đúng phương pháp. Thuốc chỉ là phương tiện hỗ trợ; và sẽ là một sự sai lầm nếu cả cuộc đời ta bám vào thuốc.
Ai mắc bệnh mất ngủ luôn phải lệ thuộc vào thuốc. Không uống thuốc họ không ngủ. Vì khi uống một viên thuốc, người ta yên tâm nghĩ rằng đêm nay sẽ ngủ ngon. Thực ra, thuốc chỉ là phần chữa cháy. Vấn đề quan trọng là đừng để cháy xảy ra thì đâu cần phải chữa. Cho nên, muốn khỏe thì phải sống tốt.
Sống tốt theo đức Phật trước nhất ở chế độ làm việc, ngủ nghỉ, ăn uống, làm chủ các cảm xúc, huấn luyện các hành vi, có môi trường không gian thích hợp. Mỗi ngày làm việc tám giờ là vừa đủ. Người làm việc tăng ca sẽ không thể khỏe lâu dài khi cơ thể phải chịu áp lực công việc thường xuyên. Tốt nhất vẫn là, một phần ba thời gian trong ngày dành cho công việc, một phần ba dành cho sinh hoạt gia đình, một phần ba dành cho ngủ nghỉ.
Giấc ngủ trong chùa chỉ sáu tiếng, có nơi chỉ bốn tiếng vì người xuất gia rũ bỏ chấp trước nên áp lực của cảm xúc, áp lực của ý thức, áp lực của công việc không nhiều. Đừng nên lệ thuộc vào thuốc, theo kiểu người khỏe mạnh lệ thuộc vào cái nạng hay xe lăn. Ta phải tự đi bằng đôi chân, hít thở bằng mũi và buồng phổi của mình.
Về phương diện tâm linh, người có lòng từ bi thích phóng sanh, bảo vệ hòa bình, thương yêu sự sống các loài động vật và không đốt phá cây cỏ, thảo mộc thì thường sức khỏe rất tốt, thậm chí còn ảnh hưởng đến gen di truyền. Tức là, nếu trong đời này, ta tạo những hành động như vừa nêu thì nghiệp yểu thọ và bệnh tật ở hiện tại được giảm đáng kể. Tương lai khi tái sinh. Người đó sẽ sinh trong một gia đình với gen di truyền về sức khỏe và tuổi thọ từ ông bà cha mẹ cao hơn người bình thường. Việc này không phải tự nhiên mà có. Nhiều người suốt cuộc đời không biết đến uống thuốc; không hề tập thể dục mà cũng không bệnh, ngược lại còn sống rất thọ. Đó là phước nhiều đời. Do đó, sức khỏe không chỉ đơn thuần lệ thuộc vào chế độ ăn uống, ngủ nghỉ, làm việc, cảm xúc, thuốc thang, dịch vụ y tế mà còn cộng thêm phước về việc không giết hại chúng sinh và tạo sự sống cho chúng.
TIỀN VÀ THỜI GIAN
“Tiền có thể mua đuợc chiếc đồng hồ nhưng không mua được thời gian”.
Đồng hồ là dụng cụ đo thời gian, theo đó ước định ra sáng, tối và các công việc. Trước khi đồng hồ có mặt thì thói quen dậy, ăn sáng, làm việc, nghỉ trưa, sinh hoạt đã là đồng hồ của tự thân. Phổ biến nhất chính là phương pháp tự kỷ ám thị trước khi đi ngủ. Đó là lệnh điều khiển giờ giấc theo ý muốn.
Quý vị hãy thử thức khoảng giữa đêm, quá một hai giờ so với giấc ngủ bình thường. Ta nhẩm: “Sáng mai, năm giờ tôi thức dậy. Sáng mai, năm giờ tôi thức dậy. Tôi khỏe mạnh, hạnh phúc, bình an”. Nhẩm khoảng vài phút cho đến lúc giấc ngủ diễn ra một cách tự nhiên. Đúng năm giờ, quý vị sẽ tự động thức giấc. Có người thấy trong giấc mơ cha mình gọi dậy. Có người nghe tiếng chuông báo của nhà trường. Mỗi người có một dữ liệu khác nhau để sử dụng, miễn nó thân quen, mang đến cho ta niềm vui thì dữ liệu đó trở thành chuông báo thức.
Nói cách khác, trong tâm thức có chức năng tự điều chỉnh. Nếu ta biết ra lệnh đúng và bằng phương pháp quán tưởng trong đạo Phật, ta sẽ sở hữu nghệ thuật tự điều chỉnh những trục trặc của tâm. Chiếc đồng hồ Rado cách đây vài thập niên được xem là rất quý vì độ chuẩn xác về thời gian. Những đồng hồ giá trị thấp hơn có thể chênh lệch mười hay hai mươi phút. Tuy nhiên, người biết phân chia quỹ thời gian hợp lý sẽ trở nên uy tín với chính bản thân mình và làm việc một cách rất hiệu quả. “Đừng để những gì vào ngày mai trong khi bạn có thể làm được hôm nay”, đây là lời khuyên chân thành từ phương Tây. Chúng ta thường có thói quen đùn đẩy công việc và tự biện hộ rằng mình đang bận, không có sức khỏe, và nhiều lý do khác để trì hoãn. Làm như vậy là ta đang đầu hàng việc sử dụng ngân quỹ thời gian. Thời gian trôi đi không bao giờ quay trở lại, ta cũng không mua được nó. Khi không mua được thời gian thì ta buộc phải sống một cách có giá trị với nó.
“Hiện tại lạc trú” được đức Phật khích lệ như một nghệ thuật để sống trọn vẹn với thời gian. Mười năm trôi qua rất nhanh nếu ta không để ý. Cái gì ta để ý, cái đó tạo sức ép tâm lý khiến ta cảm nhận thời gian dài lê thê. Trên thực tế, thời gian thuộc về vật lý, nó không nhanh chậm, ngắn dài mà do tâm lý tác động lên nó gây ngộ nhận như vậy.
Đi tìm đường, nôn nóng đến một điểm nào đó, chúng ta cảm thấy thời gian dài đăng đẳng và mệt nhọc vô cùng. Nhưng khi trở về cũng trên con đường đó, ta thấy thời gian dường như ngắn hơn vì không bị sức ép của thời gian và công việc, nên tâm trạng ta thoải mái hơn. Thời gian vật lý vẫn một, nhưng thời gian tâm lý là hai. Dù có tiền, có quyền cỡ nào đi nữa, ta cũng không thể mua được thời gian vật lý, càng không thể thương lượng nó khi diễn tiến vô thường đến với chúng ta. Điều đó bất khả tương nhượng, ai cũng phải chấp nhận như thế.
Trên sáu mươi tuổi, phần lớn tóc bắt đầu bạc, da nhăn, sức khỏe kém, muốn làm nhiều việc nhưng không còn như thuở thanh xuân nữa; và trở về với thời xưa mấy chục năm trước chỉ còn là ước mơ đốt cháy năng lực ở hiện tại, chứ hoàn toàn vô ích. Do đó, khi thấy rất rõ mình không mua được thời gian thì đừng dại gì đi tìm những phép trường sinh bất tử. Bành Tổ theo truyền thuyết đã sống tám trăm năm, nhưng rồi cũng đến ngày qua đời. Người thọ nhất hành tinh hiện nay là một trăm mười sáu tuổi, vài năm sau rồi cũng qua đời. Tiến trình của thời gian là đi tới không dừng lại. Chúng ta dừng thì chúng ta bị trở thành quá khứ. Chúng ta nỗ lực níu kéo quá khứ thì chúng ta trở thành quá khứ gấp đôi. Tính thời gian trôi chảy liên tục, không mua được thời gian buộc chúng ta phải sống trọn vẹn, ý nghĩa với những giá trị của nó.
Nếu vô thường có cướp đi mạng sống của người thân hoặc chính bản thân mình trong nay mai thì đừng vì thế mà tiếc nuối mà phải thấy rõ giá trị kiếp người không nằm ở chỗ sống thọ hay chết yểu mà là sống như thế nào, cho ai, ra làm sao. Qua quan niệm này, chúng ta sẽ biết quý trọng thời gian và sống ý nghĩa hơn. Mỗi lần ta rời khỏi cõi đời hay đi đến nơi khác, những người xung quanh phải tiếc nuối. Còn ra đi mà người đời mừng rỡ thì biết rằng thời gian vừa qua, ta sống rất vô nghĩa, chẳng làm lợi ích cho ai.
TIỀN VÀ SỰ KÍNH NỂ
“Tiền có thể mua được quyền lực nhưng không mua được sự kính nể”.
Kính nể dựa trên quyền lực và tiền bạc là sự kính nể a dua, giả tạo, nịnh hót, vì mục đích lợi ích cá nhân chứ không phải khẩu phục tâm phục. Nhiều người khi đạt đỉnh cao nhất của quyền bính đã quên mất tình nghĩa ngày xưa và xem mọi người chẳng ra gì, hoặc kính trước mặt nhưng khinh sau lưng. Sự kính nể như thế là xảo trá, không có giá trị. Do đó, đừng cần những thái độ a dua trong kính nể hay xảo trá trong kính nể. Hãy tìm kiếm sự kính nể bằng đạo lực, trí lực, đức hạnh, cung cách, nhân phẩm cũng như sự cống hiến trên tinh thần vô ngã vị tha của mình. Hãy tự trang bị cho mình các quan niệm như thế để mối quan hệ lúc nào cũng tự nhiên và tốt đẹp.
Nhiều người khi tại vị thì luôn hành hạ kẻ dưới; lợi dụng quyền thế để chà đạp người khác và tạo vô số bất công; trên mình thì khòm lưng quỳ gối, dưới mình thì thẳng lưng quát tháo theo tinh thần thượng tọa hạ đạp. Đến khi địa vị chức tước hết sẽ bị khinh ra mặt và bị trả thù. Thế nên trong dân gian mới có câu: “Còn tiền còn bạc còn đệ tử. Hết tiền hết bạc hết ông tôi”. Nếu ta sống đàng hoàng, có nhân phẩm, có tư cách, có giá trị và hết lòng phụng sự cuộc đời bằng tinh thần vô ngã vị tha, thì người khác dù đối xử tồi tệ với mình cũng không có gì phải buồn. Bởi vì ta làm tốt, sống tốt đâu để được khen. Do đó, sẽ trở nên rất kém may mắn nếu ta có cộng sự dưới trướng là những người chỉ đến vì quyền lực và tiền bạc.
Chọn người cùng khuynh hướng, cùng lý tưởng để giao trọng trách thì hiệu quả công việc thành công như mong đợi. Ta không cần phải nhắc nhở, không phải yêu cầu, không năn nỉ và thậm chí cũng không cần viện trợ, họ vẫn làm một cách hiệu quả, bởi vì họ biết rõ làm như thế là làm cho chính họ chứ không cho ai khác. Tìm được người như vậy là một phước báu lớn.
Phật sự muốn thành công cũng cần phải có những con người hy sinh như vậy, gánh vác hết mọi thứ mà không đòi hỏi quyền lợi cho bản thân, trong khi thói đời thường ngược lại, khi đóng góp một cái gì đó, người ta luôn đòi hỏi quyền lợi. Chủ nhân tiếp nhận sự đóng góp buộc phải phục vụ, hay ưu tiên quyền thế cho người đóng góp. Tinh thần như vậy làm cho cái “tôi” càng lớn đồng thời tạo ra rất nhiều lấn cấn cho các tương quan xã hội xung quanh. Cho nên, để có được sự công tâm bình đẳng xã hội ở mức độ cao, ta phải sống bằng tất cả tấm lòng thì việc đắc nhân tâm sẽ là một hiện tượng nhân quả tự nhiên, chứ không phải a dua. Cái đó rất bền. Ta không tiền vẫn có học trò. Ta không vị thế vẫn có nhiều người thân. Ta không ra lệnh, không yêu cầu vẫn có nhiều người xung phong làm. Đó là mối tương quan xã hội ở mức độ lý tưởng nhất.
TIỀN VÀ TÌNH YÊU
“Tiền có thể mua được tình dục nhưng không mua được tình yêu”.
Câu này thích hợp với đời sống người tại gia. Hiện nay, người ta đang theo xu hướng “ăn bánh trả tiền”, nghĩa là bỏ tiền để thưởng thức bánh ngon, cụ thể đó là những người đẹp về ngoại hình, nhan sắc quyến rũ v.v… Dù “nghìn vàng mua một trận cười”, họ cũng vui lòng thỏa mãn. Trong khi đó, vợ con ở nhà cần sự chăm sóc thì không được quan tâm đến. Hoặc còn rất nhiều mảnh đời bất hạnh chỉ cần một phần nhỏ số tiền ăn chơi đó có thể vượt qua biết bao cơn tai biến trong cuộc đời. Cho nên, tiêu phí của cải tài sản một cách tổn phước thì sau khi nhân quả và phước báu hết, cuộc đời của họ đôi lúc chết không hòm chôn, hoặc không được ai thương tưởng mỗi khi nhắc đến.
Thật sai lầm nếu chúng ta nghĩ rằng tiền này do mình làm ra bằng mồ hôi của mình, dại gì đi chia sẻ giúp đỡ người khác để họ trở nên lười biếng hơn, ỷ lại hơn. Thực tế, có những tình huống, việc giúp đỡ chậm trễ có thể dẫn đến cái chết. Người ta không được lựa chọn, cũng không có phương tiện nào để kéo dài sự sống. Giúp đỡ trong tình huống này gọi là giúp ngặt. “Giúp ngặt” không nên giúp cần câu mà phải giúp những con cá. Vì giúp cần câu thì người được giúp phải mất vài ba năm để học phương pháp tạo ra tiền, lúc đó có lẽ họ chết mất. Cho nên việc giúp đời, giúp người phải phân định ra hai giai đoạn, hai tình huống: Ngặt và nghèo.
“Cứu ngặt” là cứu trực tiếp, nhanh chóng với những gói tài trợ cần thiết. Ví dụ thiên tai hoặc tai nạn do con người tạo ra. Người ta mất đi năng lực lao động, không phương tiện tự bảo hộ chính mình thì giúp ngặt như thế không thể không thực hiện. Còn giúp nghèo thì ban đầu như một sự tiếp viện, nhưng về lâu về dài là một phương pháp. Phải hướng nghiệp cho người đó vượt qua cơn khốn khó, có thể tự bàn tay mình tạo ra đồng tiền và sự sống. Sự hỗ trợ lâu dài chỉ khiến họ ỷ lại, trở thành Chí Phèo và sẽ không nên thân trong cuộc đời.
Tình yêu đòi hỏi sự hiểu và cảm thông. Tượng đức Phật Thiên Thủ Thiên Nhãn trong chùa Giác Ngộ và nhiều nơi thờ phượng là một hình ảnh để chúng ta suy nghĩ về giá trị của hiểu và thương như hai dữ liệu quan trọng cho một tình yêu lý tưởng. Thương thì hầu như ai cũng có. Đến với một cuộc tình, điểm đầu tiên là thương, yêu, chiều chuộng, và sau đó là những phương tiện để được hạnh phúc. Về lâu về dài, tất cả những thứ này bị vượt qua rất nhanh và đôi lúc nhiều người không còn màng đến những cử chỉ đẹp của ngày xưa nhằm giữ tình yêu bền vững. Quan điểm có tiền và buộc vợ con phải phục vụ mình vô điều kiện là một sai lầm rất lớn của nhiều đấng mày râu.
Trong khoảng một tháng vừa qua, Afghanistan công bố bộ luật mới về đời sống vợ chồng. Trong đó có điều khoản buộc người vợ phải thỏa mãn nhu cầu giới tính đối với chồng. Nếu ai không phục tùng được xem là vi phạm luật và phải chịu những hình phạt rất nặng, như bị ném đá, tát tai, hoặc bị phạt tiền. Phụ nữ Afghanistan lập tức xuống đường biểu tình. Tổng thống Karzai hiện nay vẫn chưa điều chỉnh được vì luật này do các giáo chủ đạo Hồi chủ xướng, ảnh hưởng đến chính quyền. Như vậy, thân phận của phụ nữ hết sức đau lòng. Họ buộc được hiểu như một dụng cụ phục vụ người nam. Nhân phẩm của họ bị chà đạp ở mức độ nghiêm trọng.
Để có tình yêu thì cả hai bên phải đến với nhau bằng tình thương và sự tôn trọng. Muốn như thế ta phải có trí tuệ, sự hiểu biết. Cứ mỗi hành động của sự thương yêu và chăm sóc, nếu không có con mắt trí tuệ soi đường dẫn lối, nó sẽ rơi vào cảm tính và sự kỳ vọng cao. Nhiều người khi tặng ai một món quà, thường mong mỏi người kia phải hồi đáp lại cho mình. Như vậy, tình yêu bỗng trở nên có điều kiện. Nó như một mối giao lưu thương trường và người tiếp nhận không bao giờ cảm thấy thoải mái. Về lâu về dài, tình yêu sẽ chết dần chết mòn. Chính vì thế cần phải có kiến thức mà thông thường nhất là sự hiểu biết, để khi ta chăm sóc tình yêu cũng không bị rơi vào chủ nghiã áp đặt. Cứ nghĩ rằng nhốt một con chim trong chiếc lồng vàng là mang lại cho nó hạnh phúc, nhưng không ngờ sự áp đặt, tính cách gia trưởng và nhiều phương diện khác làm cho tình yêu ngày càng chết đi.
Câu chuyện tàu Titanic là một ví dụ điển hình. Người chồng tỷ phú gia trưởng, không cần hiểu vợ mặc dù Rose xinh đẹp, nhạy cảm và rất thương yêu ông. Chồng không hiểu vợ, ép buộc bằng sự quát tháo hay nghi kỵ khiến tình yêu nghẹt thở và Rose muốn vẫy tay chào với nó. Gặp Jack, Rose bất ngờ nhận ra đây là mối tình mới, tâm đầu ý hợp, vui vẻ hơn, hạnh phúc hơn. Mặc dù về phương diện luật pháp thì đó là mối tình vi phạm, nhưng về phương diện tâm lý, đó lại là câu chuyện để chúng ta thấy, nếu thương mà không hiểu chỉ làm người kia chán ngán. Đã chán thì dù nhiều tiền bạc cỡ nào đi nữa, người kia vẫn cảm giác ngạt thở muốn thoát ra; giống như trong căn nhà không có oxy thì phải đi tìm không khí bên ngoài. Bài học quan trọng trong câu chuyện Titanic là thế; huống hồ cưới vợ để hưởng thụ lại càng không nên. Vì nó vi phạm đến đạo đức nhân phẩm của mình và vợ.
TIỀN VÀ SỰ CHUNG THỦY
“Tiền có thể mua được vợ đẹp nhưng không thể mua được sự chung thủy”.
Rất nhiều đại gia nhờ tiền mà cưới được vợ đẹp. Rất nhiều chị em phụ nữ nghĩ rằng phước lớn nhất của mình là sắc đẹp nên họ hướng đến đàn ông giàu có. Bên nào cũng xây dựng hạnh phúc trên lợi thế của mình. Do vậy mà hạnh phúc không bao giờ bền. Đó chỉ là sự trao đổi lẫn nhau. Muốn có vợ chung thủy, ta phải là người đàng hoàng, đứng đắn. Tìm người tâm đầu ý hợp chứ không nên vung vãi tiền bạc làm cho người chớm ngọt lóa mắt.
Gần đây báo chí Việt Nam báo động hiện tượng đàn ông Hàn Quốc sang Việt Nam tìm vợ đẹp. Họ tổ chức những cuộc gặp mặt phi pháp. Nhiều tờ báo đưa tin rất đau lòng rằng một số cuộc tổ chức chà đạp nhân phẩm chị em phụ nữ ở mức độ cao nhất bằng cách yêu cầu chị em khỏa thân. Dựa vào dáng thể để chọn vợ. Ấy thế mà cũng có vài chục cô làm việc này. Nhưng không phải ai cũng may mắn, theo quan niệm của họ là được chọn. Một số cô sống ở vùng quê có chút nhan sắc, nghĩ rằng lên thành phố, tham gia vào các cuộc chọn vợ như thế là có thể với tới tương lai tươi sáng hơn. Họ thông qua dịch vụ môi giới. Mỗi lần trang sức, ăn mặc sang trọng thì phải vay mượn cả triệu đồng từ những chủ sắp xếp. Và chỉ cần mười lần coi mắt thất bại là thiếu nợ hết mười triệu, chưa kể tiền xe, tiền ăn ở v.v… Kết quả, họ phải trở thành gái phục vụ lầu xanh. Ước mơ lên thành phố đổi đời, nào ngờ cuộc đời đã làm mình thay đổi tính tình, thay đổi hạnh phúc thành khổ đau.
Giàu mà chi, sang trọng mà chi nếu ta thật sự không có hạnh phúc. Nhân phẩm của người phụ nữ là sự hấp dẫn giới tính cao nhất về phương diện tâm lý học. Ta phải phát huy được nét đặc trưng này để giá trị còn hoài.
Hiến tặng không phải là cách thể hiện lòng yêu thương khi phải xa người tình do nghiã vụ quân sự, do đi làm xa; mà nó là dấu hiệu đầu tiên dẫn đến đổ vỡ về sau. Do đó, muốn có sự chung thủy và hạnh phúc trong tình yêu thì đừng nên đặt trên nền tảng của sắc đẹp.
Nhân dân Việt Nam rất sâu sắc ở chỗ cho rằng “cái nết đánh chết cái đẹp”. Cách đây ba tháng, tờ báo Mực Tím cũng đưa tin, một bé gái khoảng mười ba tuổi khoe hàng bằng cách thoát y rồi đưa lên internet để mong nhận những lời khen tặng của đấng mày râu. Làm như thế thì giá trị nhân phẩm phụ nữ bị chà đạp một cách quá tồi tệ. Nền văn hóa Việt Nam vốn khép kín và cũng là một nét rất ấn tượng, đặc biệt đối với chị em phụ nữ. Ăn mặc kín đáo ở nơi công cộng; những chiếc áo dài, áo bà ba, hay áo lành lặn làm tăng hơn giá trị của con người. Đàn ông cởi trần, mặc quần đùi đã mất thẩm mỹ rồi, huống hồ chị em phụ nữ.
Việc xây dựng tình yêu chung thủy phải đặt trên nền tảng của hiểu và thương. Hiểu và thương lâu dài thì mới chung thủy. Nhan sắc cũng đến hồi tàn phai. Đại gia dẫu nhiều tiền có thể mua một phụ nữ đẹp nhưng khi sắc đẹp giảm, anh ta sẽ tìm mua phụ nữ khác. Cứ như thế biết bao người phụ nữ được thay thế và hạnh phúc trong sự chung thủy hoàn toàn không có mặt.
Cũng như một tiến trình nhân quả, một số chị em phụ nữ chua chát lại, giả vờ lập gia đình, đính hôn với đại gia. Sau thời gian sinh sống, họ đòi ly dị để chiếm hưởng nửa tài sản kể từ ngày hôn phối. Đó là một trong những lý do mà phương Tây ngày nay thích chủ nghiã độc thân, nhất là người giàu. Vì họ không muốn chia tài sản cho một ai kể từ ngày đính ước.
Tóm lại, tám danh ngôn về tiền và giới hạn của tiền do ngạn ngữ Trung Hoa cung cấp là những bài học mà trên thực tế, ai cũng biết. Vấn đề ở chỗ ta chiêm nghiệm và sử dụng nó đến mức độ nào để nó có giá trị cho ta. Tôi hy vọng việc chia sẻ ngắn gọn nội dung tám điều trong số gần hai mươi điều sẽ cho chúng ta thấy tiền không phải là “sức bật của lò xo”, không phải là “cán cân của công lý”, mà việc sử dụng khôn ngoan đồng tiền sẽ làm cho đồng tiền có ý nghiã và chúng ta cũng có giá trị.
***