Chương 5: QUAN HỆ GIỮA CHỦ VÀ THỢ

Giảng ngày 20-11-2011 tại chùa Xá Lợi
Phiên tả: Nguyễn Thị Mai


 

I. NĂM BỔN PHẬN CHỦ LAO ĐỘNG

    Quan hệ lao động là phần chính yếu trong kinh Thiện Sanh. Theo đó, đức Phật yêu cầu tất cả công dân của một quốc gia cần tôn trọng danh dự chính mình, đồng thời tôn trọng danh dự của chủ lao động, nơi mình ký kết hợp tác. Trên cơ sở đó, chúng ta đưa doanh nghiệp ngày càng phát triển và sự nghiệp chúng ta cũng trở nên hiển hách.

    Việc làm như thế trước nhất được xem là một yêu cầu, mặt khác là bổn phận và trách nhiệm đạo đức mà tất cả chúng ta cần quan tâm. Người lao động nên giữ năm bổn phận của mình và người chủ lao động cũng theo đó mà thể hiện năm trách nhiệm đạo đức. Hai bên đều có trách nhiệm bình đẳng và ứng xử với nhau bằng sự trân trọng, tạo điều kiện cho nhau để việc đầu tư phát triển doanh nghiệp ngày càng tốt đẹp.

    Trên tinh thần này, chúng tôi tuần tự nêu những quy định của đức Phật và chia sẻ giá trị cũng như tính thích ứng của nó trong bối cảnh toàn cầu hóa, hiện đại hóa của đất nước nói chung.

    Khái niệm chủ lao động chỉ người đại diện cho một công ty, xí nghiệp ký hợp đồng lao động với công nhân hoặc những người có nhu cầu tham gia các loại hình lao động. Vai trò của chủ lao động có thể là giám đốc, CEO, có thể là một thư ký hay một đặc cách được cơ quan giao trách nhiệm giám sát công nhân lao động trong công ty xí nghiệp. Phạm vi công ty, xí nghiệp được hiểu rộng từ kinh doanh cho đến giáo dục, nói chung các loại hình lao động chân chính và hợp pháp.

    Để công ty hay tổ chức phát triển tốt, đức Phật yêu cầu chủ lao động phải tôn trọng nhân viên của mình bằng trọng trách năm đạo đức sau đây:

    1. Giao việc hợp với khả năng

        Đây là một trong những yếu tố lãnh đạo rất quan trọng mà người chủ lao động cần thấy rõ. Chủ lao động phải có tâm công bằng xã hội; không thiên vị theo tinh thần “con ông, cháu cha”; không phe phái, phân biệt đối xử; không tạo ưu thế cho những người a dua, nịnh hót, liên minh cùng phe với mình, đồng thời chà đạp người tài đức, có năng lực chuyên môn mà lẽ ra họ xứng đáng đảm trách những vai trò quan trọng. Công bằng xã hội được ứng dụng trong từng cơ quan, xí nghiệp, tổ chức của chính phủ hay dân sự sẽ giúp mọi người lao động cảm thấy bội phục hơn.

        Trong giới chính trị, người ta thường tìm mọi cách loại trừ nhau. Cách loại trừ tàn ác nhất là phanh phui, vu khống, xuyên tạc, tạo tình huống “tình ngay lý gian” để kẻ hàm oan bị mang tiếng với đời. Từ đó, toàn bộ uy tín, danh dự, vai trò, vị thế của họ mất hết.

        Cách thức thứ hai trong cuộc đấu tranh không nhân nhượng, giành tính độc quyền, người ta thường cố gắng chứng minh đối thủ của mình xấu, sai, tiêu cực. Do vậy, tự động quần chúng cảm thấy ngại ngùng, không dám ủng hộ một cách công khai hay gián tiếp. Từ đó, đối thủ bị cô lập hóa.

        Cách thứ ba, vai trò họ đang tốt, đóng góp của họ đang nhiều, uy tín họ đang cao nhưng giáng chức họ khiến họ mặc cảm hoặc tự ái, cảm thấy đây không phải là nơi thích hợp để mình tiếp tục dấn thân đóng góp nữa. Từ đó, họ tự động rút lui.

        Thứ tư là tìm cơ hội châm chích, phê bình, thị phi, đánh giá nhằm gây những tác động hoang mang khiến người đó chán nản về phương diện cảm xúc và tâm lý.

        Còn rất nhiều cách thức khác buộc đối thủ cạnh tranh phải bỏ cuộc trên sự nghiệp mà lẽ ra họ xứng đáng hưởng từ những đóng góp hợp luật pháp và hợp đạo đức.

        Một cách nguy hiểm làm cho người ta mất uy tín là đặt họ vào vai trò không thuộc sở trường mặc dù chức vị rất to, nhưng càng đảm chức nó càng chứng minh rằng mình bất tài. Quần chúng sẽ dần dần xa lìa. Do vậy, người lãnh đạo trong tổ chức, cha mẹ trong gia đình, hay trưởng tộc trong dòng họ phải có tâm công bằng xã hội, đặt con người đúng với vai trò của họ.

        Công ty muốn phát triển thì phải có đủ người tài đức và nhiệt huyết. Làm việc Phật sự, làm việc xã hội, ngoài cái tài, cái tâm còn phải thuận lợi về tài chính. Chúng ta bỏ tiền, công sức, thời gian, tâm quyết không phải vì danh, vì lợi mà vì cộng đồng xã hội. Trên tinh thần dấn thân phụng sự, chúng ta sẽ thành công ở vai trò và trọng trách được giao.

    2. Lo ăn thích hợp thời khắc

        Lời dạy này thích ứng với bối cảnh văn hóa và lối sống của người Ấn Độ cổ xưa. Hai nghìn sáu trăm năm trôi qua, bối cảnh này đến nay vẫn giữ nguyên. Người lao động thường ở tại nhà của chủ. Một khu nhà riêng được xây dựng phục vụ cho công nhân để họ khỏi vất vả mất thời gian đi từ địa điểm nhà mình đến nơi làm việc và ngược lại sau mỗi giờ tan sở. Đặc biệt, những hợp tác lao động liên tỉnh hoặc liên bang, thậm chí liên quốc gia; người lao động càng không thể sáng đi chiều về, thời gian mỗi lượt đi về khoảng bốn năm tiếng đồng hồ. Do đó tạo công ăn chỗ ở cho công nhân là cách thức tạo ra hiệu quả lao động tốt nhất. Một mặt dựa trên nền tảng của sự tiết kiệm thời gian, mặt khác hỗ trợ người đó khỏi phải bận tâm gì ngoài công việc chính mà mình được giao phó. Vì vậy, chủ lao động cần phải lo nơi ăn, chốn ở thích hợp.

        Khẩu phần ăn cũng phải đủ dưỡng chất. Đừng bóc lột sức lao động công nhân bằng cách cho ăn quá sơ sài, thiếu chất. Sau một thời gian công nhân ngã bệnh thì làm sao họ đủ sức khỏe và tâm huyết phục vụ chúng ta.

        Cân đo tính đếm là bản chất của mọi loại đầu tư. Tuy nhiên, nếu chỉ đơn thuần là con số và sự tính toán, chúng ta không thể có được những người trung thành hoặc người hy sinh sống chết vì lý tưởng sự nghiệp của nơi mà họ làm việc. Theo đức Phật, người chủ lao động ngoài khả năng và trọng trách được giao, còn phải quan tâm đến cái ăn, cái mặc, và sinh hoạt của những người hợp tác hoặc làm việc dưới trướng mình.

        Mối quan tâm sâu sát này khiến tình thân giữa chủ lao động và người hợp tác lao động không có khoảng cách và luôn xem nhau như bà con ruột thịt. Đừng sợ rằng mình ứng xử quá bình dân hoặc thân thiện với người lao động thì sẽ bị họ xem thường. Nếu chúng ta có tư cách, nhân phẩm, có lòng vị tha, vô ngã, sự quan tâm, trí tuệ, từ bi, sống một cách chân thành thì uy tín và sự đắc nhân tâm ngày càng được tăng trưởng.

        Là cha mẹ, ta thường quan tâm đến cái ăn, cái mặc và sinh hoạt của con em. Khi là những đối tác làm việc của nhau chúng ta cũng phải quan tâm như thế. Sai bảo người lao động làm ngày đêm; mỗi khi làm thêm giờ thì không được hưởng lương phụ trợ. Còn bị bệnh hay xin nghỉ việc thì chúng ta lại cắt giảm lương. Với cách ứng xử tính toán như thế, người lao động không thể phụng sự bằng trọn trái tim được.

        Ta phải làm sao để người hợp tác lao động thấy công việc được giao như là công việc của họ; xí nghiệp này, công ty này, tổ chức này là của chính họ để họ thể hiện trách nhiệm chứ không mang tư tưởng ăn nhờ ở đậu; giao việc thì làm, không giao việc thì không phát tâm.

    3. Khen thưởng hợp với công lao

        Lời dạy này của đức Phật đến nay đã được phần lớn các tổ chức áp dụng, nhất là ở những quốc gia tiến bộ.

        Lương căn bản mỗi tháng phải có, hợp với năng lực và trình độ, sự đầu tư vai trò, vị trí mà người đó đóng góp. Ngoài ra, tùy theo thành quả lao động, những thành tựu trong doanh thu mà mỗi người với công ít hoặc nhiều, chúng ta cần chia tưởng thưởng cho hai tình huống: lễ lớn của quốc gia và cuối năm. Thỉnh thoảng, nếu cần thiết là vào ngày sinh nhật của công nhân mình.

        Hãng thuốc lá hình lá mít là hãng thuốc lá thành phố Hồ Chí Minh cách chùa Giác Ngộ chưa đầy 500 mét. Từ giai đoạn năm 80 cho đến năm 1991, Tổng Giám đốc hãng là đệ tử chùa Giác Ngộ. Hòa thượng trụ trì khích lệ ông cứ đến ngày sinh nhật của mỗi công nhân thì hãy tặng họ một phần thưởng và cho họ nghỉ một ngày lao động. Họ chỉ đến công ty để hưởng quyền lợi, một bài hát vui nhộn, một bó hoa, một phần quà, một bao thư, rồi được xướng danh tánh và được chúc mừng.

        Kể từ khi áp dụng chính sách quan tâm đến công nhân bằng cách tặng thưởng thì đội ngũ công nhân làm việc sống chết hơn, có trách nhiệm hơn; không ăn chặn, gian lận giờ giấc nữa. Ngược lại, họ còn làm quá chỉ tiêu đặt ra. Nhờ đó mà mỗi năm doanh thu của hãng thuốc lá vượt trội gấp hai ba lần.

        Ở đây, tôi không có dụng ý khích lệ hình thức đầu tư, sản xuất, kinh doanh thuốc lá, một trong những độc tố gây hại sức khỏe, mà chỉ muốn nói đến mối quan tâm mà người lãnh đạo áp dụng từ tinh thần Phật dạy đã mang lại thành tựu và sự lớn mạnh của công ty.

        Các nước phương Tây theo hệ thống tư bản có nhiều công nhân tạo ra những hợp đồng béo bở với khoản doanh thu lớn, thỉnh thoảng được thưởng hàng chục triệu đô la. Tình huống như thế, ta khó có thể tìm được ở nước thế giới thứ ba như Việt Nam.

        Đức Phật nói, phải khen thưởng thích hợp với công lao. Khen bằng danh dự, thưởng phải bằng vật chất cụ thể. Tặng bằng khen giống như ta tặng thức ăn tinh thần, nhưng nếu chỉ chừng đó thì chưa đủ. Phải có phần thưởng bằng lương, bằng vật chất hoặc cho nghỉ để đi du lịch... Công lao họ đóng góp thế nào thì phải đầu tư phần khen thưởng tương thích.

        Do đó, việc chọn lựa người được khen thưởng cuối năm cần hết sức công tâm. Tránh tình trạng ai quen mình thì được khen, ai tán dương mình thì được thưởng. Còn người góp ý ngược quan điểm, chính sách của mình, dù có tốt đi nữa cũng không quan tâm. Phải có tinh thần dân chủ cao. Đó là mô hình phù hợp với thế giới tự do và phát triển.

    4. Lo thuốc khi đau bệnh

        Đây là yếu tố tâm lý và tình thân thương sâu sắc của đức Phật, khuyến khích chủ lao động quan tâm đến công nhân.

        Chủ lao động vốn nhiều tiền, nên bị bệnh thường đến các bệnh viện nổi tiếng, bác sĩ giỏi, uống thuốc quý để điều trị vượt qua; thậm chí có thể nghỉ hàng tháng ở nhà. Trong khi các công nhân chắt chiu tiền lương, nặng gánh gia đình, nhất là những người có cha mẹ già ở tỉnh xa. Phần lớn công nhân Việt Nam gần như sống dưới mức tiêu chuẩn. Mỗi tháng lĩnh lương không đủ chi tiêu cho bản thân, lấy đâu dư thừa mà lo cho người nhà. Đó là cộng nghiệp của những nước nghèo.

        Ở phương Tây, lương trung bình của công nhân vào khoảng 1.500 euro, ở Mỹ khoảng 1.500 đô la. Sau khi đóng tiền bảo hiểm xe cộ, bảo hiểm chống cháy, bảo hiểm chống trộm, bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm nhà bao gồm trả tiền nhà hàng tháng, trung bình hai ba mươi năm sau, một công nhân bình thường đã trở thành chủ một căn nhà hợp pháp, trị giá 200 ngàn đô. Như vậy với đồng lương, người ta đủ lo cho mình các tiện nghi vật chất: xe hơi, nhà lầu và những tiện ích khác.

        Còn công nhân ở Việt Nam và nhiều nước nghèo thuộc thế giới thứ ba, lương trung bình mỗi tháng hai ba triệu đồng đối với thành thị; một triệu đồng đối với vùng quê; nếu có nhu cầu mua nhà tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Sài Gòn thì có lẽ phải mất nhiều kiếp đầu thai lên xuống. Đó là điều hết sức vô lý.

        Thấy rõ khó khăn đó để chủ lao động phải quan tâm hơn khi công nhân của mình đau ốm. Luật khắp thế giới cũng như Việt Nam buộc phải ký hợp đồng lao động. Trong hợp đồng lao động phải đề cập đến hợp đồng sức khỏe và bảo hiểm nghề nghiệp. Doanh nghiệp Nhà Nước gần như tài trợ hoàn toàn về vấn đề này. Còn những doanh nghiệp tư nhân phần lớn cũng bảo trợ tối thiểu một phần ba; rồi yêu cầu người lao động chia cắt phần tiền lương của mình cho dịch vụ bảo hiểm đó. Sau này khi về hưu hay bệnh tật thì tiền đóng bảo hiểm trong những năm tháng làm việc mới giúp họ vượt qua khó khăn.

        Một ngày nằm viện ở phương Tây khoảng 1.000 đô la, những chứng bệnh nặng có thể lên đến 5.000 – 7.000 đô. Mổ ruột thừa tốn 20.000 đô, tiền lương thông thường không thể trả nổi. Cho nên xã hội phương Tây sống với mô hình an sinh xã hội và bảo hiểm. Các dịch vụ bảo hiểm sẽ lo hết những khoản này. Rất nhiều người đóng bảo hiểm ba bốn chục năm, thậm chí cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay vẫn chưa sử dụng dịch vụ đó bởi vì không bị bệnh. Nhưng cũng đừng tiếc nuối. Hãy nghĩ rằng, làm như thế là ta đang làm công tác từ thiện cho các chính sách an sinh xã hội ở khắp nơi trên quốc gia.

Cho nên, ở nước nghèo, ta cần quan tâm đến công nhân, phải hỗ trợ tiền điều trị bệnh. Tùy theo từng tình huống cụ thể mà giúp họ đủ sức khỏe, đủ tinh thần gắn bó với công việc được giao.

    5. Cho phép nghỉ ngơi thích hợp

        Thời đức Phật trong bối cảnh văn hóa Ấn Độ xưa, mỗi công nhân trung bình làm bảy ngày một tuần, hiếm khi có thời gian nghỉ. Đức Phật khích lệ cho công nhân nghỉ ngơi thích hợp tùy theo bối cảnh văn hóa từng quốc gia, từng luật lệ. Việt Nam nhiều năm trước, mỗi công nhân phải làm việc sáu ngày một tuần. Hiện nay, chúng ta đã theo mô hình của phương Tây chỉ làm năm ngày một tuần. Và những ngày nghỉ lễ trong năm, dù không làm việc nhưng công nhân vẫn được hưởng lương. Phương Tây còn cho công nhân nghỉ phép hơn hai mươi ngày ngoài ngày lễ. Nếu ai không nghỉ thì có thể giữ những ngày này cho năm sau. Việt Nam chúng ta chưa có chính sách đó.

        Tại sao như thế? Nhằm giúp công nhân tránh áp lực, không bị quá tải để họ có điều kiện thư giãn, dành thời gian xây dựng mái ấm gia đình, mâm cơm gia đình, sinh hoạt gia đình. Khi hạnh phúc gia đình được đảm bảo, trở lại với công ty hoặc tổ chức, họ mới đầu tư hết mình. Còn công việc gia đình, hạnh phúc gia đình đang bị thách đố thì họ không thể nào đầu tư trọn vẹn được. Chăm sóc cho công nhân đồng nghĩa chúng ta đang đảm bảo sự thành công và lớn mạnh về kinh tế của tổ chức.

        Thấy rõ mối tương quan duyên khởi này theo tinh thần Phật dạy để chúng ta không bóc lột sức lao động mà tạo cơ hội cho người tham gia lao động trong suốt tám giờ hành chính, năm ngày hành chính hằng tuần, họ đầu tư trọn vẹn công sức và trí óc.

        Cần nghỉ ngơi thích hợp thì phải cho nghỉ ngơi. Khi bị bệnh, chúng ta cho nghỉ; khi gia đình có những việc bận chính đáng, khẩn thiết, chúng ta cũng hoan hỷ cho họ nghỉ, rồi sau đó họ có thể tìm thời gian khác làm việc bù đắp lại. Ở Việt Nam, mô hình này chưa rõ ràng. Nhưng ở phương Tây thì họ cho phép chọn lựa giờ làm việc. Những công ty, xí nghiệp lớn làm việc suốt 24/24, ai vào công sở lúc bốn giờ sáng thì đúng tám tiếng sau có thể ra về; không nhất thiết phải bắt đầu lúc bảy giờ sáng và kết thúc lúc năm giờ chiều. Chủ lao động dành trọn vẹn quyền quyết định thời gian làm việc cho công nhân để người công nhân đó tùy thuận mà sắp xếp công việc gia đình với công việc công ty.

        Mô hình này tuy phức tạp nhưng rất hiện đại, nâng hiệu quả công việc cao hơn. Miễn thời gian họ có mặt trong công ty không gian lận giờ mà làm trọn vẹn. Hầu hết các công ty đều trang bị máy quay phim. Tổ trưởng ngồi quan sát thao tác, trách nhiệm, thái độ làm việc của công nhân; không ai có thể giấu giếm ai được. Và việc quay lưu giữ băng ghi hình là công khai, minh bạch chứ không lén lút, để công nhân thấy rõ rằng mỗi động tịnh ăn nói, đi đứng, làm việc của mình đều được quản lý, từ đó họ có ý thức không ăn gian giờ, không làm sai, không mang việc nhà vào công ty,... Đó là mô hình lao động rất tiến bộ mà từ xa xưa đức Phật đã đề cao và khuyến khích chúng ta.

II. NĂM BỔN PHẬN NGƯỜI LAO ĐỘNG

    1. Siêng năng, dậy sớm làm việc

        Dù có hai tình huống, sống tại khu dành riêng cho công nhân thuộc khu vực làm việc; và sống ở nhà riêng cách xa nơi làm việc, thì đức Phật vẫn khuyên chúng ta hãy thức sớm. Cộng trừ nhân chia phương tiện giao thông, trở ngại giao thông để có mặt ở công ty, xí nghiệp đúng giờ. Nếu con đường quá nhiều ách tắc, quá nhiều phương tiện giao thông thì ta nên đi sớm hơn giờ ấn định, vì đi đúng giờ đôi lúc ta bị trễ.

        Một công ty nọ luôn có tình trạng công nhân đến trễ. Giám đốc bèn ra quy định, ai trễ quá ba lần sẽ bị giảm lương, còn ai có mặt trước giờ làm việc sẽ được thưởng phần quà xứng đáng. Hôm nọ, giám đốc đến công ty sớm để kiểm tra tình hình thực hiện như thế nào thì thấy một công nhân trẻ có mặt trước giờ lao động ba mươi phút. Giám đốc liền đem sự kiện đó ra tán dương trước tất cả công nhân còn lại. Sau đó ông hỏi người công nhân trẻ:

                - “Lý do tại sao cháu lại có mặt tại công ty sớm như vậy?”

                - “Thưa sếp! Ngày hôm qua cháu đã ngủ lại công ty”. Anh công nhân trả lời.

        Ý anh muốn nói vì thiếu cẩn trọng về đong đo cân đếm giờ giấc nên anh bị trễ thường xuyên. Biện pháp khắc phục tốt nhất trong tình huống này là ngủ lại công ty.

        Câu chuyện vui cho thấy lý do biện hộ bao giờ cũng có. Những biện hộ dường như rất thích đáng: vợ ốm không ai đưa đến bệnh viện, cha đau, con cái cần phải đưa đi học, tối qua ngủ trễ,... Hàng tá, hàng trăm lý do chính đáng cho việc muộn giờ của mình. Theo đức Phật, nếu chúng ta có tinh thần trách nhiệm cao thì tự động ta thức dậy sớm, sắp xếp việc cá nhân, việc gia đình để không làm phương hại đến quyền lợi tập thể ở công ty, nơi chúng ta làm việc dù là cơ quan nhà nước hay cơ quan dân sự.

        Người đi thi cũng nên tập thói quen dậy sớm, có mặt ở trường thi trước giờ thi tối thiểu ba mươi phút. Ta dạo quanh địa điểm thi để cảm thấy nơi đây gần gũi và quen thuộc với mình; tránh tình trạng lạ chỗ, dẫn đến cảm xúc sợ hãi, lo lắng, bị ức chế và khiến chúng ta không nhớ kiến thức giải quyết bài thi. Đến phi trường, ga xe lửa, bến xe buýt hay bất cứ cuộc hẹn nào với đối tác, việc ta có mặt trước thời gian sẽ làm uy tín của mình gia tăng, còn trễ muộn thường khiến người khác phiền lòng.

        Chẳng hạn ngày hôm nay dự kiến ba giờ diễn ra buổi pháp thoại. Phật tử đến mà chưa thấy giảng sư sẽ buồn phiền, vài người bỏ về. Mặc dù, sự chậm trễ rất chính đáng, do giờ thuyết giảng ở chùa trước chậm hơn ấn định, rồi bị trục trặc trên đường đi nên việc trễ muộn có khả năng xảy ra. Nhưng người phải chờ đợi vẫn cảm thấy không vui. Hiểu được tinh thần đó để ta cố gắng khắc phục sao cho thời gian đảm bảo và qua đó ta thể hiện trọng trách được giao phó.

        Người lao động thức dậy sau chủ thì còn gì thiếu trách nhiệm cho bằng. Công nghệ hiện nay cho chúng ta đồng hồ báo thức, điện thoại di động chức năng báo thức và nhiều phương tiện báo thức khác. Ai không có những phương tiện này thì có thể áp dụng phương pháp tâm lý tự kỷ ám thị. Tức là trước khi đi ngủ, ta nhẩm câu “4h sáng thức dậy”, nhẩm đến lúc giấc ngủ diễn ra. Câu nhẩm này sẽ trở thành lệnh điều khiển tự động nạp vào ký ức chúng ta và đúng 4h sáng theo đồng hồ gia đình, tự động ta gặp một giấc mơ mẹ mình gọi dậy, hay các Phật tử, các chú tiểu trong chùa gọi dậy. Đó là những vị hộ Pháp nhắc nhở chúng ta. Chỉ cần chúng ta nêu quyết tâm thì sẽ sắp xếp được thời gian biểu cho mình.

    2. Chu đáo việc được giao

        Không chỉ tròn bổn phận mà phải chu đáo trong ngoài, trước sau. Việc được giao đòi hỏi tính trình tự, thứ lớp theo một mắt xích dây chuyền chứ không phải thích gì làm nấy. Cũng như trong nấu nướng, gia vị nào trước, gia vị nào sau; nêm bao lâu; lửa nóng hay vừa, mỗi cách tạo ra hương vị khác nhau. Nếu cứ trộn lẫn bừa bãi thì không ăn được, có ăn cũng không bổ được. Trong công việc cũng vậy, đòi hỏi tính phức tạp, do đó ta phải hiểu rõ tiến độ, trình tự để làm đúng.

        Đối với nghi thức tụng kinh, đầu tiên là nguyện hương, sau đó lạy Tam bảo, kế đến tán hương, khai kinh kệ, chánh kinh, Bát Nhã Tâm kinh, bài Sám nguyện, niệm Phật, hồi hướng, cuối cùng là quy y Tam bảo. Việc gì cũng có quy trình của nó.

        Người công nhân biết tôn trọng chính mình, tôn trọng trách nhiệm được giao thì phải làm đúng quy trình.

        Ngày tháng tài chính ở mỗi nước là khác nhau, có nơi yêu cầu ngày 26 phải hoàn tất báo cáo thuế, có nơi đầu tháng mới diễn ra, rồi kế toán, thủ quỹ, công nợ,... Người có trách nhiệm phải làm sao hoàn tất ít nhất trước một ngày quy định. Tính chu đáo sẽ làm tăng uy tín của chính mình. Trễ nải một lần, chúng ta có đà thói quen trễ lần thứ hai. Cho nên phải tập tính nghiêm túc, khép mình vào kỷ luật, vào quỹ đạo của bài bản thứ lớp. Những nước phương Tây rất cần đến tác phong chuẩn mực đó. Còn lè phè, ba phải, rồi viện cớ, đổ lỗi không phải là giải pháp cho tình trạng trễ nải công việc được giao.

        Chu đáo bao gồm tính hiệu quả đầu tư vào công tác. Thí dụ người làm công tác tiếp thị với doanh số hàng tháng phải đạt là một tỷ; người chu đáo thì ngoài một tỷ, họ còn mời mọc khách hàng ký hợp đồng từ một tỷ rưỡi trở lên. Như vậy, phần thành tựu đó cho chủ lao động thấy rõ mình là người rất chu đáo, giao việc gì thì có trách nhiệm phải hoàn tất.

        Trong gia đình cũng vậy, việc cha mẹ hay anh chị giao, chúng ta phải thực hiện trọn vẹn. Nếu năm giờ chiều là thời khắc mâm cơm gia đình thì năm giờ kém mười mọi thứ phải hoàn tất. Tập thói quen nề nếp, trước sau gì chúng ta cũng thành tựu tốt nhiều đầu tư.

    3. Chân thật, không hề trộm cắp

        Là một đối tác, một người dưới trướng mà thiếu tâm chân thật thì sớm muộn cũng bị loại trừ ra khỏi tổ chức. Người thiếu liêm khiết luôn tạo ra mối lo toan, sợ hãi, nghi kị giữa các thành viên với nhau. Cho nên phải sống có nhân cách, có chuẩn mực để không ai phải quan ngại về mình. Mỗi khi được làm việc với mình, họ hoan hỉ, tự tin không lo gì cả.

        Dân gian Việt Nam dạy rằng “Khi đi ngang qua ruộng dưa, đừng nên ngồi xuống sửa giày”, dù lúc đó giày tuột ra khỏi chân hoặc mắt cá, ngón chân bị ngứa cần gãi, ta cũng không nên dừng lại ở ruộng dưa. Vì dưa là loại dây leo mọc nằm trên mặt đất, động tác ngồi xuống sửa giày của chúng ta nhìn từ xa có thể khiến người khác nghi ngờ mình đang ăn cắp dưa. Mặc dù tình ngay, nhưng lý có thể tạo ra sự hiểu nhầm, sự nghi kỵ, và đừng vì thế mà chúng ta bất chấp. Phải biết cẩn trọng để không tạo điều kiện cho người khác hoài nghi hay tạo ra tính hàm oan từ sự chân thật về nhân cách của mình.

        Minh bạch là yêu cầu không thể thiếu trong công tác được giao. Dù làm gì cũng cần ghi sổ sách, ký tên, đóng dấu, kiểm tra chéo, công khai cho mọi người biết đến. Sau này, nếu có bị đốt hết sổ sách phi tang đi nữa thì việc minh bạch đó cũng giúp ta không rơi vào nỗi hàm oan. Trong sáng đâu có gì phải sợ. Trong sáng là làm sao cho mọi người thấy rõ ràng mọi công việc mình làm. Càng thấy rõ chừng nào, người ta càng bội phục chừng ấy.

        Người lao động luôn muốn biến cái công thành cái riêng, đụng đâu tay nhám đó hoặc giống như cái muỗng thấm nước mắm thì không ai dám tin tưởng giao bất cứ trọng trách gì, vai trò nào. Phải trong sáng về tiền bạc, của công, của riêng để uy tín chúng ta ngày càng lớn.

        Hiện nay, chính phủ các quốc gia tiên tiến yêu cầu tất cả lãnh đạo, đại biểu quốc hội, bộ trưởng, nhân viên chính phủ phải công khai minh bạch tài chính của mình; bao gồm việc kê khai tài sản, bất động sản, sổ ngân hàng mà mình đang sở hữu. Trước khi bổ nhiệm một vai trò nào đó thì những người được chính phủ bổ nhiệm phải thông qua việc kiểm soát và thẩm định vừa nêu để tránh tình trạng đề bạt một kẻ trốn thuế, tham nhũng, rửa tiền hoặc sở hữu những khoản chi tiêu thiếu minh bạch.

        Ở nước ngoài đã xảy ra rất nhiều vụ mất chức khi liên hệ đến hành động ăn cắp của công. Chẳng hạn cách đây vài năm, vị thủ tướng ở một nước châu Âu chưa đầy ba mươi sáu tuổi, tài cán đặc biệt hơn bất kỳ lãnh tụ của một đảng phái nào, nhưng chỉ vì trong thời gian còn là công nhân, ông đã gian lận đóng thuế. Sau đó bị phanh phui, ông phải từ chức ở vai trò thủ tướng.

        Chân thật là tự tôn trọng chính mình. Càng đề cao nhân cách mình đồng nghĩa chúng ta đang giữ đúng lời Phật dạy trong điều đạo đức thứ hai: “Những gì không cho, không được lấy”. Cần gì thì xin công khai; nếu được đồng ý, ta tiếp nhận, còn không thì ta tôn trọng. Của rơi nhặt ngoài đường phải báo về cơ quan phụ trách để thông cáo trên báo chí tìm người tiếp nhận. Không có người tiếp nhận thì tài sản đó được xung vào công quỹ cho các công tác từ thiện xã hội. Sử dụng của rơi một cách phi pháp, phớt lờ quan tâm đến trạng thái đau khổ của người mất của thì chúng ta sẽ bị tổn phước. Người chân thật dù đi đến đâu cũng được mọi người tôn trọng, dù sống chung với ai cũng không bị dè chừng, cảnh giác.

        Ấn Độ nổi tiếng là một nước nghèo và phân chia giai cấp. Nhưng nạn trộm cắp của họ rất hiếm, móc túi lại càng ít hơn. Xe cộ để lỡ ngoài đường phố hay chỗ gửi xe, dù không khóa xe, vài ngày sau chúng ta có tìm đến vẫn thấy còn nguyên. Lào cũng là một nước lý tưởng về phương diện này nhờ ảnh hưởng tinh thần đạo Phật. Nạn trộm cắp ở Lào hầu như không nhiều, nếu có cũng không đáng kể.

        Nếu mỗi thành viên trong các cơ quan và dân sự biết tôn trọng của công, chế ngự lòng tham thì nơi làm việc đó trở thành một thiên đường tại thế.

        Ở Việt Nam, tệ nạn ăn cắp xe, ăn cắp bóng đèn xe, cốp xe… thường xuyên xảy ra. Bất cứ cái gì cũng có thể ăn cắp được. Rất nhiều chợ trời, chợ đêm bán vật ăn cắp này, trong khi thế giới phương Tây không hề có. Ở phương Tây, nếu ăn cắp cũng không bán đi đâu được, có bán người ta cũng không mua. Công dân phương Tây biết ý thức từ nhỏ, họ được giáo dục không mua đồ trộm cắp dù giá trị của vật đó cao nhưng giá bán lại rẻ mạt. Người ta tôn trọng nhân cách chính mình nên không bao giờ hợp tác với các loại hình tội phạm.

        Công nhân hợp tác lao động nhận thấy tinh thần này thì mới có thể gắn bó ở một nơi lâu dài. Từ đó, ta có thâm niên trong công tác, được thăng cấp lương theo thâm niên, thậm chí được chuyển công tác, và được nâng lên vị trí quan trọng hơn.

    4. Làm việc theo trình tự, phương pháp

        Để một đầu tư đạt kết quả như ý thì ngoài sự siêng năng và trách nhiệm cần phải có phương pháp luận đóng vai trò quyết định sự thành công. Phương pháp luận không chỉ giá trị đối với nghiên cứu khoa học, nghiên cứu học thuật mà còn giá trị trong bất kỳ lĩnh vực nào ngay cả việc tu hành.

        Thử nhớ lại khi còn tu sáu khổ hạnh, đức Phật đã thực tập những phương pháp khổ hạnh mà chưa nhà khổ hạnh nào thuộc Sa môn, Bà la môn từng làm được: đứng một chân, nằm trên chông gai, để bụng đói hàng tháng, mỗi ngày chỉ nuốt vài hạt mè. Ngài rơi vào tình trạng da bọc xương, chịu đựng thời tiết, khí hậu khắc nghiệt nóng và lạnh tại miền Bắc Ấn Độ giống như tại tỉnh Quảng Trị này. Ngài không một lời than phiền, không một nỗi sợ hãi, không một tiếng kêu ca; cũng không bỏ cuộc, chán nản, hay thất vọng.

        Sau đó, đức Phật nhận thấy những phương pháp này vô hiệu và Ngài từ bỏ nó. Ngài khích lệ năm anh em đồng tu từ bỏ nhưng họ không nghe theo. Đức Phật rời khổ hạnh lâm trở về đạo tràng cách đó khoảng tám cây số đường chim bay, hai mươi lăm cây số đường bộ để tìm một không gian trung đạo về khí hậu, thích hợp cho việc tu hành. Từ đó, đức Phật đã chứng tam minh bốn trí. Ngài trở thành bậc giác ngộ đầu tiên của nhân loại.

        Đức Phật tu theo thứ tự tâm linh “giới, định, tuệ”. Giới là nhân cách và đạo đức. Thiền định là làm chủ các giác quan, cảm xúc, thái độ, hành vi, lối sống, chuyển hoá toàn bộ tham sân si và phiền não nghiệp chướng. Trí tuệ là kết quả tất yếu khi hành giả đạt trọn vẹn đời sống đạo đức và thiền định. Thiền định không nhất thiết phải ngồi thiền. Niệm Phật, kinh hành, bái sám, làm chủ tâm thức và nhiều phương pháp tu trong đạo Phật đều có thể giúp hành giả đạt được sự chuyển hóa tâm, chuyển hoá nghiệp chướng, và làm mới cuộc đời.

        Tùy theo pháp môn mà ta chọn lựa cách thức thực tập khác nhau, miễn kết quả đạt được là an vui, hạnh phúc, thoát khỏi mọi nỗi khổ niềm đau trên thân cũng như trên tâm.

        Tâm linh còn có phương pháp luận như thế thì các lĩnh vực ngành nghề khác cũng phải có bài bản của nó. Mới vào chùa mà đọc kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Đại Bát Niết Bàn, Đại Bảo Tích, Bát Nhã, Hoa Nghiêm, Địa Tạng thì sẽ giống người ngây, người điếc, người mù không biết gì cả, vì những kinh này dành cho hàng Bồ tát hay đức Phật. Ngày nay, các chùa đại học Phật giáo nổi tiếng tại Nhật Bản, Hoa Kỳ đưa những bản kinh đại thừa vừa nêu vào giảng dạy trong chương trình thạc sĩ năm thứ hai. Một số nơi đưa vào chương trình tiến sĩ năm thứ nhất. Cấp cử nhân còn chưa học đến bởi vì nó đòi hỏi trình độ kiến thức về nhân bản học của Phật giáo tức là nhân thừa. Kiến thức Phật pháp nhân thừa mà không biết, thanh văn thừa không rành, lại cứ đi thẳng vào Bồ tát thừa cũng giống như cất nhà nhiều lầu mà không có móng, nó sẽ sụp đổ ngay.

        Dân gian thường nói “Không thầy đố mày làm nên”. Thầy ở đây tượng trưng cho việc truyền trao kiến thức, phương pháp luận, tính trình tự, trước sau; đầu tư cái gì, như thế nào, ra làm sao. Nếu chúng ta đi đúng bài bản thì dù là người kém thông minh, chậm chạp đi nữa vẫn có thể thành công. Nơi đâu cũng có kịch bản cho công việc làm. Trong công nghệ thông tin, khoa học, xã hội học, giáo dục, dân sự đều có kịch bản chuẩn và kịch bản đó được nhân rộng trên toàn cầu. Dù người tiếp nhận nó chậm lụt đi nữa, nhưng với kịch bản tốt họ vẫn làm hay.

        Đang khi trong Phật giáo, kịch bản tâm linh được đức Phật công bố quá tuyệt diệu, ấy thế mà sự ứng dụng kịch bản ở địa phương quá kém. Cho nên Phật giáo phát triển không đồng đều. Hiếm có những nơi bài bản, chuẩn mực như Tổ đình Sắc Tứ Tịnh Quang này, không chỉ riêng phạm vi tỉnh Quảng Trị mà cả miền Trung và cả nước Việt Nam. Còn rất nhiều nơi bất cập kịch bản về Phật sự, tu học, về sự hướng dẫn Phật tử, về các công tác dấn thân xã hội và việc nhập thế trong cuộc đời. Đó là chướng ngại của đạo Phật. Ta chưa có kịch bản quốc tế, chưa có kịch bản quốc gia hay tối thiểu kịch bản mang cấp tỉnh thành.

        Thực hiện kịch bản giúp chúng ta rút ngắn thời gian đầu tư, không phải mày mò từ ban đầu. Ta thừa kế chất xám và thành quả từ người đi trước, trên cơ sở đó phát huy thêm những cái hay hơn. Nhờ đó, thành quả được cải tiến. Trước đây, ông cha ta phải mất cả ngàn năm mới tìm kiếm ra kiến thức về khoa học. Bây giờ ta chỉ mất năm phút trong học đường với kinh nghiệm của thầy cô giáo nổi tiếng, ta đã có thể nắm bắt được vấn đề. Đó là phước báu cộng nghiệp của thời hiện đại, nhờ vào công nghệ truyền thông, vi tính mở ra cánh cửa tri thức cực kỳ to lớn mà nhiều thế kỷ trước dù muốn cũng không được. Thế giới hiện nay như trong tầm tay, ta ở nửa vòng trái đất bên này chỉ trong tíc tắc sự kiện diễn ra, ta biết thông tin ở nửa vòng trái đất bên kia.

        Ta học hỏi kinh nghiệm các công trình, khám phá, phát kiến, phát minh, những đóng góp được công bố hàng ngày, hàng giờ, hàng phút. Nhờ vào internet, ta tiếp cận kho tàng tri thức mới, nếu sử dụng đúng cách. Cho nên phải làm việc có phương pháp và phải đưa mình vào quy củ để loại bỏ cá tính của mình. Bản tính chỉ thích làm những điều mình muốn mà không theo trình tự sẽ dẫn đến hiệu quả công việc không cao.

    5. Bảo vệ danh giá cho chủ

        Quyền lợi của chủ, quyền lợi của tổ chức, công ty, tập thể phải được đưa lên hàng đầu. Tôn trọng quyền lợi, danh dự của tổ chức bao gồm tôn trọng chính mình vì mình là thành viên. Không có tổ chức thì các thành viên trực thuộc sẽ không có mặt. Tính tương tác hai chiều này làm cho chúng ta ứng xử tôn trọng mình nhiều hơn.

Một nhà tư tưởng phương Tây đã đề nghị “Thay vì đòi hỏi đất nước có đóng góp gì cho mình, hãy tự hỏi mình đã làm gì cho đất nước”. Chúng ta nên áp dụng lời đề nghị này trong phạm vi nhỏ hơn, đó là một tổ chức, xã hội, đoàn thể, cơ quan, công ty. Thay vì chúng ta đòi hỏi quá nhiều quyền lợi dành cho mình, không được đáp ứng thì không hợp tác; ta hãy học phát tâm làm công quả cho tổ chức đó thì phước báu của ta lớn hơn. Về lâu, về dài ta sẽ được hạnh phúc, bình an hơn.

        Trong tình huống, mình làm nhiều nhưng bị kẻ khác cướp công cũng đừng vì thế mà buồn. Vì theo nhân quả, phước đó hoàn toàn không mất. Kẻ nào cướp công, kẻ đó có tội, phải đền trả trước pháp luật nếu bị phát hiện. Nếu pháp luật bỏ sót bởi hệ thống tham nhũng và thiếu minh bạch thì cán cân nhân quả trong đời sống cũng không bao giờ bao che tha thứ. Ta không nên tự ý thay chức năng của luật pháp mà hãy tự tin rằng mình đang phát tâm làm những việc khó làm. Dù chưa được tưởng thưởng bây giờ, nhưng phước báu đó vẫn nằm y nguyên trong tài khoản ngân hàng công đức của ta.

        Phải hiểu nhân quả, chúng ta mới không hối hận khi bị cướp công. Nhiều người vì hối hận nên nghĩ rằng “giá như lúc đó mình không làm việc này để xem nó có cướp công được không”. Kẻ nào xấu kẻ đó chịu nhân quả. Chúng ta làm tốt thì không cần phải hối hận, ngược lại còn hãnh diện, hạnh phúc với việc tốt mình đã dấn thân.

        Trong bố thí, đức Phật dạy chúng ta phải giữ ba thái độ:

                + Hoan hỷ trước khi làm. Việc này dễ vì ta đang háo hức chờ đợi cơ hội được tu, được làm Phật sự, được đóng góp, giúp đỡ và quan tâm đến mọi người.

                + Hoan hỷ khi đang làm. Việc này cũng không khó. Mặc dù mệt mỏi, mồ hôi nhễ nhại, không được người tiếp đón nồng hậu, ta vẫn khởi lên niềm hân hoan. Bởi vì, ta làm việc phước tưởng chừng cho người khác nhưng thật ra là đang bồi đắp nhân cách đạo đức toàn thiện ba la mật cho chính mình.

                + Hoan hỷ sau khi làm. Điều này khó nhất. Ta hoan hỷ nếu việc làm tốt của ta được người đánh giá đúng, được biết ơn, được ghi nhận. Nhưng khi xảy ra tình trạng không như ý thì sẽ chán nản, thất vọng rồi nuối tiếc. Mà nuối tiếc là kẻ thù đốt cháy phước báu ta đã gieo trồng.

        Đức Phật dạy “Đừng bao giờ tiếc nuối việc thiện đã làm, dù người nhận không biết ơn, thậm chí còn báo oán, chúng ta cũng phải bất chấp”. Khắc phục những hậu quả, rút kinh nghiệm để không rơi vào hoàn cảnh tương tự trong tương lai. Phải tập thói quen xem thành công, doanh thu, danh dự, sự phát triển bền vững của tổ chức, của công ty, của đoàn thể mà mình tham gia như chính hạnh phúc của mình.

        Trong chùa cũng thế, các tu sĩ từ nơi khác đến trọ học mà cứ giữ thói quen “ăn cây nào rào cây đó”, nghĩ rằng mình ăn nhờ ở đậu trong bốn năm Phật học thì không thể phát tâm làm nhiều việc lớn được. Tu mà thiếu phát tâm cũng giống như đầu tư lỗ lã. Còn đóng góp cho ngôi chùa mình đang ở trọ thì người đó sẽ được trọng dụng, tán dương, có cơ hội tạo nhiều phước báu và các Phật sự.

        Tương tự trong gia đình, thành viên nào hay ghen tỵ với anh chị em trong việc hiếu kính với cha mẹ sẽ bị tổn phúc, bị mất cơ hội được làm phúc đối với hai đấng sinh thành. Vấn đề là ở thái độ và tầm nhìn. Thí dụ hằng ngày có ba anh chị em cùng làm công việc A. Một hôm nào đó, hai anh chị đi xa hoặc vì lý do giận tức mà bỏ, không chịu làm; người còn lại nếu khởi tâm niệm “hôm nay mình may mắn, được cơ hội làm việc phúc đức cho cha mẹ trọn vẹn, thay vì trước đây phải chia sẻ hai lần với anh chị”, thì lòng hoan hỷ này được xem là phước nhân gấp bội. Còn nghĩ rằng mình bị thiệt thòi phải gánh vác trách nhiệm mà lẽ ra anh chị cùng làm, thì phước báu chẳng đáng là bao, chưa kể thân tâm nặng trĩu, mệt mỏi và căng thẳng.

        Cũng một công việc, chỉ cần chúng ta thay đổi thái độ để lạc quan, tích cực theo tinh thần Phật dạy thì phước ngày càng tăng trưởng; phước tạo phước, công đức phát sinh công đức. Cho nên phải xem việc được giao như là việc của mình. Tính trách nhiệm làm cho chúng ta đầu tư hết lòng. Lúc nào đó, khi không còn cơ hội do đổi công tác, thì bạn bè đồng nghiệp vẫn luyến tiếc, nhớ đến thành quả đóng góp của chúng ta.

        Tóm lại, thực hiện năm bổn phận của người lao động như vừa nêu thì chúng ta sẽ được chủ tín nhiệm, tin tưởng, giao phó trọng trách, nâng đỡ tùy theo khả năng và chuyên môn. Uy tín của mình từ đó ngày càng vững mạnh. Về phương diện nhân quả, phước báu của người ứng xử đúng đắn càng tăng trưởng theo việc làm. Cho nên “có phước, có đức, mặc sức mà ăn”, đừng lo sợ. Mọi nghi kỵ, cạnh tranh, lời ra tiếng vào, thị phi, hơn thua, tranh chấp vốn là bản chất của cuộc đời; đừng nên sợ hãi. Ai làm việc thiện, bị người ta thị phi một chút đã muốn bỏ cuộc giữa chừng thì người đó sẽ không có cơ hội làm phước, không có bản lĩnh để sống, để thành công. Chúng ta phải quan niệm: trong một ngôi nhà, không phải chỗ nào cũng là phòng khách. Có nơi là sọt rác, có nơi là nhà vệ sinh, có nơi là giường ngủ, nhà bếp, có chỗ sạch, chỗ dơ. Con người cũng thế, người tánh thiện, tánh ác; người tích cực, tiêu cực; người lạc quan, yếm thế; người cạnh tranh, hợp tác. Tránh vỏ dưa mà không giải quyết hậu quả thì chúng ta sẽ tiếp tục gặp vỏ dừa. Còn với bản lĩnh trong thuận nghịch, chúng ta sẽ có cơ hội thành công và đóng góp nhiều hơn. Đó là tinh thần Phật dạy. 

***

 
00:00