Phần V : BA CỐT TỦY CỦA CHÁNH ĐẠO

Je Tsongkhapa
Thích Nhật Từ dịch

Ngài Tsongkhapa (1357–1419) là bậc đạo sư quan trọng của Phật giáo Tây Tạng. Sau khi tiếp nhận giáo pháp từ các bậc thầy thuộc các trường phái Phật giáo Tây Tạng có trước, ngài Tsongkhapa thành lập phái Geluk, còn gọi là Geluk-pa, hay phái Mũ Vàng.

Đến thế kỷ XVI, phái này phát triển mạnh nhất tại Tây Tạng nhờ truyền thống tái sinh của các Dalai Lama, mà nổi tiếng nhất vào giai đoạn đó là là đức Dalai Lama thứ 5, ngài Sonam Gyatso (1577). Theo ngài Tsongkhapa, ba tinh yếu của đạo giải thoát (Three Principal Aspects of the Path) bao gồm tâm yểm ly, tâm bồ-đề và nhận thức tính không. Trên nền tảng ba tinh yếu này, Phật giáo Kim Cương thừa (vajrayāna Buddhism) được hình thành và phát triển.

Từ ngày 1-3/7/2013, pháp hội đặc biệt dành cho người Việt Nam được đức Dalai Lama 14 thuyết giảng tại Tu viện Namgyal, Dharamsala, Ấn Độ. Tác phẩm này được đức Dalai Lama chọn làm bản văn thuyết giảng cho trọn khóa tu 3 ngày. Dựa vào Nghi quỹ chính của Pháp hội do Sư cô Nhật Hạnh dịch từ tiếng Tây Tạng, tôi dịch lại tác phẩm này từ bản tiếng Anh.

KÍNH LỄ VÀ KHÍCH LỆ

1. Con đem hết khả năng giảng thích

Nghĩa tinh hoa pháp Phật nhiệm mầu

Là đường Bồ-tát khen cầu

Thẳng vào giải thoát, tiêu dao tháng ngày.

2. Ai không đắm phước duyên thế tục

Luôn chuyên tâm nỗ lực thực hành

Tin vào chánh đạo Phật ban

Sâu mầu phúc lớn, tịnh lòng lắng nghe!

I. TÂM YỂM LY

3. Hành buông xả là phương tiện tốt

Không tham cầu quả phước luân hồi

Hữu-ái trói buộc bao người

Dứt trừ xiềng xích, quyết đòi xuất ly.

4. Đời ngắn ngủi, thân người khó được

Phải tu hành giải thoát dục tâm

Nghiệp quả thực, lụy hồng trần

Hết lòng quán tưởng, ái tham xa lìa.

5. Không mơ tưởng phước trong sinh tử

Quán chiếu tâm tỏ rõ từng giây

Ngày đêm cầu giải thoát thôi

Xuất ly tâm ấy, rạng ngời khởi sinh.

II. TÂM BỒ-ĐỀ

6. Tâm giác ngộ nếu không phát khởi

Tâm yểm ly khó trở thành duyên

Để cầu giải thoát vô biên

Bồ-đề tâm ấy, phải chuyên thực hành.

7. Bị chìm đắm bốn dòng thác dốc

Bị nghiệp xiềng, trói chặt khó buông

Kẹt vào lưới sắt ngã nhân

Vô minh mờ mịt, phủ trùm khắp nơi.

8. Dòng sinh tử nối đuôi, không dứt

Ba khổ kia bám buộc hành hình.

Chúng sinh như mẹ ruột mình

Khởi lòng thương xót, phát tâm bồ-đề.

III. TÁNH KHÔNG

9. Nếu chỉ có yểm ly, tâm giác

Mà không tu trí tuệ sáng soi

Thì không thể thoát luân hồi

Phải thông duyên khởi, rạng ngời lý chân.

10. Thấy các pháp thế gian, xuất thế

Nhân duyên sanh nên quả chính chân

Cảnh chấp kia vốn rỗng không

Được vào đạo Giác, hân hoan vô cùng.

11. “Tính duyên khởi” là chân lý thực

Ngộ “tánh không”, chẳng mắc kẹt đâu

Nếu không hiểu được lý sâu

Thì chưa hiểu được đạo mầu Như Lai.

12. Lúc ấy, chẳng luân phiên thay thế

Thấy duyên sinh chân thực xưa nay

Diệt trừ chấp thủ trong ngoài

Đến đây, quán chiếu đến hồi thành công.

13. Nhờ “duyên khởi”, hữu-biên dứt sạch

Nhờ “tánh không” chặt đứt vô-biên

Tánh không hiện rõ quả nhân

Không còn kiến chấp đoạn, thường ngay đây.

14. Khi hiểu rõ ba điều trọng điểm

Là tuy hoa đạo giác như trên

Độc cư, tinh tấn ngày đêm

Nguyện tâm thành tựu, đạo vàng sáng soi.

***

 
00:00