20. KINH SỐNG TRONG HÒA HỢP
***
TRANH CHẤP GÂY KHỔ
Tôi nghe như vầy. Một thời đức Phật đang lưu trú tại Chùa Gho-si-ta thuộc Ko-sam-bi, một số thầy tu vướng vòng tranh chấp, đả thương lẫn nhau bằng vũ khí miệng. Một thầy Tỳ-kheo đến lễ đức Phật, đứng sang một bên, tường trình sự việc cho đức Phật nghe và thỉnh đức Phật, giúp đỡ vượt qua. Đức Phật im lặng, nhận lời thỉnh cầu. Đến nơi tranh chấp, Phật dạy như sau: O
– Này các đệ tử! Chớ có tranh chấp, bất hòa với nhau, vì lối sống này gây nhiều đau khổ!
Một thầy Tỳ-kheo bạch với Phật rằng: “Kính xin Thế Tôn chớ có nhọc lòng. Xin ngài an tâm, hiện tại lạc trú. Chúng con tại đây sẽ chịu trách nhiệm về tranh chấp này”. O
XÓA BỎ HẬN THÙ
Sau ba lần khuyên, đức Phật từ bi chỉ dạy mọi người bằng bài kệ sau:
Trong tập thể gây gổ
Ít ai biết mình ngu.
Giữa người gây chia rẽ,
Ít người nghĩ đến tu.
Khi đánh mất chánh niệm
Nói ba hoa, lắm chuyện,
Mất mình trong vui miệng,
Ai biết sẽ ra sao?
“Nó đánh tôi, chửi tôi,
Nó cướp tôi, hại tôi”
Ôm niềm oán hận này
Hận thù không thể nguôi.
“Tôi bị đánh, bị chửi,
Tôi bị cướp, bị hại”
Không ôm niềm oán hận,
Hận thù sẽ nguôi ngoai. O
Lấy hận rửa hận thù,
Hận thù không hết được,
Từ bi diệt hận thù,
Là định luật muôn đời.
Không hiểu nguyên lý này,
Trả đũa, dầu vào lửa.
Hiểu, ứng dụng điều này,
Tranh chấp được tiêu trừ.
Người chủ trương hại người,
Cướp tài sản, trâu bò,
Xâm lăng các nước yếu...
Còn biết đoàn kết nhau!
Sao những người hiền lành,
Không liên kết sức mạnh,
Xóa bỏ mọi khổ đau,
Làm lợi lạc cho đời. O
Sống với bạn hiền trí,
Đồng hành trong chánh niệm,
Vượt qua mọi nghịch cảnh,
Sống hoan hỷ, an vui.
Không gặp bạn hiền trí,
Như vua bỏ nước đi,
Như voi chúa cô độc,
Không kết bạn người ngu.
Thà sống tốt một mình,
Cô độc vượt khổ đau,
An nhàn như voi rừng
Không kết bạn kẻ ngu. O
TẤM GƯƠNG HÒA HỢP
Sau khi dứt lời, Thế Tôn đi đến làng Ba-la-ka Lo-na-ka-ra. Tôn giả Bha-gu thấy Phật đến thăm, vô cùng hạnh phúc, sắp xếp chỗ ngồi và nước rửa chân mời Phật sử dụng. Sau đó, lễ Phật, ngồi xuống một bên. Nhân đó, đức Phật hỏi thăm như sau:
– Này các đệ tử! Các vị xuất gia tại khu vực này có an lạc không, có thuận lợi không, có trở ngại gì trong việc khất thực?
– Kính bạch Thế Tôn, chúng con tại đây sống trong an lành, mỗi ngày khất thực không hề mệt nhọc.
Nghe biết việc này, Thế Tôn an tâm, giảng bài pháp ngắn, rồi lại lên đường, đến làng gần bên là Pa-ci-na Vam-sa-da-ya. Tại đây có ba tôn giả đang tu A-nu-ru-dha, thầy Nan-di-ya và Kim-bi-la. Có người giữ vườn khuyên Phật đừng đến làm phiền đến họ, vì họ ái luyến tự ngã rất nhiều. A-nu-ru-dha nghe lời không thật, liền nói với người giữ vườn như sau: O
– Này người giữ vườn, chớ có ngăn chặn đạo sư Thế Tôn đến thăm chúng tôi!
Vừa nói dứt lời, A-nu-ru-dha đến bên hai vị tôn giả rồi thưa:
– Này các tôn giả, đạo sư Thế Tôn đã đến nơi này. Hãy đón Thế Tôn với lòng tôn kính.
Cả ba vui mừng, ra đón Thế Tôn, người cầm y bát, người dọn chỗ ngồi, người lo khăn nước, đảnh lễ Thế Tôn, ngồi xuống một bên. Đức Phật liền hỏi:
– Này các đệ tử! Các thầy có được an lành, hạnh phúc; mỗi ngày khất thực có mỏi mệt không?
– Kính bạch Thế Tôn, chúng con an lành, sống trong hạnh phúc, mỗi ngày khất thực không hề mệt nhọc.
– Này các đệ tử! Ta mong các vị sống trong hòa hợp, hoan hỷ với nhau, không có tranh chấp, như nước với sữa, sống và nhìn nhau với mắt thiện cảm. Ta muốn được biết lối sống hòa hợp của các đệ tử. Hãy cho ta biết. O
KHÔNG LÀM PHIỀN NHAU
– Kính bạch Thế Tôn, chúng con nghe rằng: “Thật ích cho ta và nhiều lợi lạc, nếu ta hòa hợp với các đồng tu! Do vậy chúng con, đối với đồng tu, từ thân, miệng, ý, trước mặt, sau lưng, việc lớn, việc nhỏ, hài hòa, hợp tác, làm lợi lạc nhau. Không ai bảo ai, chúng con ứng xử: “Bỏ tâm của mình, sống thuận tâm người. Thân của chúng con mặc dù khác nhau nhưng tâm chúng con là một mà thôi. Chúng con hòa hợp như nước với sữa, hoan hỷ với nhau với mắt thiện cảm.”
Cả ba tôn giả lần lượt trình bày nội dung hòa hợp trong đối xử nhau. Đức Phật hoan hỷ, tán dương “Lành thay” và hỏi như sau: O
– Này các đệ tử, các ông có sống nhiệt tâm, tinh tấn, không để phóng dật chểnh mảng đường tu? Hãy cho ta biết lối sống tinh cần đã được thực tập?
– Kính bạch Thế Tôn! Chúng con mặc định như một thói quen. Ai vào làng trước, khất thực về trước thì lo chỗ ngồi, soạn sẵn nước uống và nước rửa chân, bày sẵn một bát để thực phẩm dư. Ai đi về sau, nếu muốn thì ăn thực phẩm còn lại; khi ăn no rồi, bỏ thực phẩm dư vào một chỗ sạch không có cỏ xanh, hoặc đổ vào nước không có côn trùng; dọn dẹp chỗ ngồi, cất nước và bát, quét sạch nơi ăn. Nếu ai nhận thấy nước uống, nước rửa, nước nhà vệ sinh đã dùng hết sạch thì có bổn phận châm nước cho đầy, không đợi yêu cầu. Nếu do bệnh yếu, không thể tự làm thì nhờ người khác làm thế việc ấy. Trong những ngày qua, chúng con đã sống không ai phiền ai, không gây tiếng động. Cứ năm ngày một, chúng con dành trọn một đêm đàm đạo. Chúng con suốt ngày nhiệt tâm, tinh tấn trong sự hòa hợp với nhiều an vui. O
PHÁP MẦU TINH TẤN
– Lành thay, lành thay là sống tinh tấn trong sự hòa hợp! Hãy cho ta biết các ông có chứng được pháp thượng nhân, trí tuệ thù thắng như các bậc Thánh, an lạc thảnh thơi?
– Kính bạch Thế Tôn, nhờ sống tinh tấn, chúng con nhìn thấy một luồng hào quang chợt xuất hiện lên rồi liền biến mất, cùng các sắc pháp hiện khởi rồi diệt. Chúng con không hiểu tướng ấy là gì? Xin ngài chỉ dạy. O
– Này các đệ tử! Ta cũng như thế. Trước khi giác ngộ, còn là Bồ-tát, Ta thấy hào quang trong lúc thiền định, sau đó nhanh chóng biến mất nơi ta như sự sinh diệt của các sắc pháp. Ta đã nghiền ngẫm: “Do nhân duyên gì, chúng lại như thế?” Ta đã nhận ra: “Nghi hoặc xuất hiện trong tâm của ta. Vì có nghi hoặc nên định của ta biến diệt vô thường; khi định biến diệt, hào quang biến mất cùng với sắc pháp hiện khởi rồi diệt. Ta đã tìm cách chấm dứt nghi hoặc”.
Sau một thời gian, nhiệt tâm, tinh tấn, ta nhận thấy rõ: “Do sự vô ý nên có hôn trầm. Tương tự như thế, mắt xích sau đây lần lượt xuất hiện: hôn trầm, thụy miên, sợ hãi, dâm ý, tâm quá phấn chấn, tinh cần quá độ, tinh cần quá yếu, nghĩ tưởng ái dục, nhiều sai biệt tưởng và quá chú tâm vào các sắc pháp… xuất hiện trong tâm, nên định của ta biến diệt vô thường; khi định biến diệt, hào quang biến mất cùng với sắc pháp hiện khởi rồi diệt.” Ta đã tinh tấn, cố gắng chuyển hóa, không để cho chúng khuấy rối tâm ta. O
Tiếp theo tinh tấn, ta thấy hào quang, nhưng lại không thấy sắc pháp ngày đêm. Cũng có trường hợp, cả ngày lẫn đêm, ta thấy sắc pháp, nhưng lại không thấy hào quang xuất hiện. Có khi nhìn thấy hào quang, sắc pháp trong một hạn lượng, nhưng cũng có khi thấy chúng vô hạn. Ta đã nhận ra: “Khi định có hạn, mắt thấy của ta sẽ có hạn lượng, từ đó nhìn thấy hào quang, sắc pháp trong một hạn lượng. Khi định vô hạn, mắt thấy của ta sẽ không hạn lượng, do đó, nhìn thấy hào quang, sắc pháp không có hạn lượng, cả ngày lẫn đêm. O
CHUYỂN HÓA PHIỀN NÃO
Này các đệ tử, khi nào biết được những thứ sau đây là những phiền não, làm trở ngại tâm thì nên quyết tâm chuyển hóa tận gốc các phiền não này: “Nghi hoặc, vô ý, hôn trầm, thụy miên, sợ hãi, dâm ý, tâm quá phấn chấn, tinh cần quá độ, tinh cần quá yếu, nghĩ tưởng ái dục, nhiều sai biệt tưởng và quá chú tâm vào các sắc pháp.”
Nhờ tâm tinh tấn, chuyển hóa phiền não, nhổ sạch tận gốc, Như Lai tu tập ba loại thiền định: a) Định có tầm, tứ; định không có tầm nhưng chỉ có tứ; định không tầm, tứ. b) Ta tiếp tục tu: Định có hoan hỷ; định không có hỷ; c) Định câu hữu lạc; định chỉ thuần xả. Nhờ đạt được ba định không tầm tứ, định không có hỷ, định chỉ thuần xả, ta nhận thức rõ: “Giải thoát của ta thật là bất động, đây là đời sống cuối cùng của ta, ta không tái sinh do nghiệp sai khiến.”
Nghe Phật giảng dạy về kinh nghiệm tu tinh tấn, chuyển hóa phiền não trong tâm, cả ba tôn giả A-nu-ru-dha, thầy Nan-di-ya và Kim-bi-la vô cùng hoan hỷ, phát nguyện thực hành những lời Phật dạy. O
Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật (3 lần) O
***