B. PHẦN CHÁNH KINH - III. CÁC KINH VỀ TRIẾT LÝ: 37. Kinh Bảy Điều Nên Biết

 37. KINH BẢY ĐIỀU NÊN BIẾT

 ***

Tôi nghe như vầy. Có một hôm nọ, tại chùa Kỳ-viên do Cấp Cô Độc, thái tử Kỳ-đà phát tâm hiến cúng, đức Phật tập họp tất cả đệ tử và dạy như sau:    O

Này các đệ tử, bất cứ người nào có bảy điều nên biết sẽ được hạnh phúc, thành tựu sự nghiệp, hoan hỷ, an lạc trong pháp Hiền thánh. Bảy điều nên biết bao gồm như sau: Biết rõ chánh pháp, biết rõ nghĩa lý, biết rõ thời khắc, biết sống tiết độ, biết rõ chính mình, biết rõ hội đoàn, biết sự hơn kém. Hãy lắng lòng nghe, nay ta giải thích nội dung vắn tắt bảy điều nên biết có nhiều giá trị.   O

Thế nào gọi là biết rõ chánh pháp?

Này các đệ tử, làm đệ tử Phật phải nắm vững vàng mười hai thể loại kinh điển sau đây: Chánh kinh, ca vịnh, ký thuyết, kệ tha, nhân duyên, soạn lục, bản khởi, thử thuyết, sanh xứ, quảng giải, vị tằng hữu thuyết và quảng thuyết nghĩa. Tất cả các kinh đều lấy Tứ đế làm nơi nương tựa. Tứ đế bao gồm hai lớp nhân quả khổ và hạnh phúc. Đây là khổ đau, đây là nhân khổ, đây là niết-bàn và đường bát chánh, đưa đến hạnh phúc.    O

Thế nào gọi là biết rõ nghĩa lý?

Này các đệ tử, làm đệ tử Phật phải nắm vững vàng tất cả giáo thuyết của ta giảng dạy, phân biệt rõ ràng giáo nghĩa triết học cũng như tôn giáo nhất thần, đa thần; thấu rõ điều này, nắm vững điều kia, hiểu việc thế gian và xuất thế gian;  hiểu rõ điều này có nghĩa như vậy, hiểu rõ điều kia có nghĩa như thế… Hiểu tính quy luật của mọi sự vật, hiểu rõ nhân duyên cũng như quả báo.   O

Thế nào gọi là biết rõ thời khắc?

Này các đệ tử, làm đệ tử Phật phải nắm vững vàng khi nào tu thấp, lúc nào tu cao, khi nào buông xả; hiểu rõ thời khắc chỉ có thuận nghịch, không có tốt xấu; thời khắc thích hợp thì nên gieo nhân, thời khắc chưa đến thì biết kiên nhẫn. O

Thế nào gọi là biết rõ tiết độ?

Này các đệ tử, làm đệ tử Phật phải nắm vững vàng chế độ ăn uống, tiết độ ăn uống; làm chủ bản thân trong các động tác đi, đứng, ngồi, nằm, nói năng, im lặng, giảm bớt ngủ nghỉ, tu tập chánh trí, trải nghiệm an vui.     O

Thế nào gọi là biết rõ chính mình?

Này các đệ tử, làm đệ tử Phật biết rõ chính mình qua sáu điều sau: Niềm tin vững chắc, sống hợp giới đức, đa văn học rộng, biết tu buông xả, trau dồi trí tuệ, huấn luyện biện tài.     O

Thế nào gọi là biết rõ hội đoàn?

Này các đệ tử, làm đệ tử Phật cần biết rõ ràng hội đoàn vua chúa, hội đoàn tôn giáo, hội đoàn Sa-môn, hội đoàn cư sĩ, hội đoàn xã hội, hội đoàn dân sự... Tùy từng hội đoàn, thích ứng văn hóa, ta đi như vậy, nên đứng như vậy, nên ngồi như vậy, nên nói như vậy, nên im như vậy. Nhờ thích ứng này, ta gặp thuận lợi, sống trong an vui.    O

Thế nào gọi là biết rõ hơn kém?

Này các đệ tử, làm đệ tử Phật cần biết rõ ràng có nhiều hạng người đối cặp với nhau, tiêu biểu như sau: Người có niềm tin, người không niềm tin; người có chính tín, người sống mê tín; người thích Tăng Ni, người ghét Tăng Ni; người biết kính lễ, người không kính lễ; người biết học hỏi, người không học hỏi; người đọc kinh điển, người không đọc kinh; người thích nghe pháp, người không nghe pháp; người tư duy pháp, người không tư duy; người thực hành pháp, người không thực hành; người nghe pháp biết quán sát nghĩa lý, người nghe pháp không biết quán sát nghĩa; người hiểu biết pháp, nghĩa pháp, hướng pháp, sống tùy thuận pháp, thực hành đúng pháp, còn người thì không; người làm lợi ích cho mình và người, người thì ích kỷ chẳng biết tha nhân; người xót thương đời, người gây khổ đời; người cầu nghĩa lợi, người bỏ nghĩa lợi; người thích an lạc, người hướng hưởng thụ…     O

Trong các hạng trên, người làm lợi mình, làm lợi cho người, xót thương thế gian, sống có tình nghĩa, an lạc hạnh phúc, bây giờ tại đây… là hạng bậc nhất, số một tôn quý, đáng được kính trọng trong thế giới người. Điều này cũng như sữa có từ bò, lạc có từ sữa, sinh tô từ lạc, thục tô có được là từ sinh tô, tinh tô có được là từ thục tô. Tinh tô hơn hẳn các loại vừa nêu.

Phật vừa dứt lời, mọi người có mặt vô cùng hoan hỷ, phát nguyện thọ trì, truyền bá Kinh này.       O

Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật      (3 lần) O

***

 
00:00