48. KINH ẨN DỤ VỀ THÀNH TRÌ
***
BẢY HỖ TRỢ CHO THÀNH TRÌ
Tôi nghe như vầy. Có lần ở tại Tịnh xá Kỳ-viên, thuộc thành Xá-vệ do Cấp Cô Độc, thái tử Kỳ-đà phát tâm hiến cúng, đức Phật giảng dạy ẩn dụ cái thành như lời sau đây. O
Này các đệ tử, thành ở biên giới muốn được bền vững, không bị địch phá, phải có đầy đủ bảy điều cần có và bốn lương thực. Bảy điều cần có bao gồm như sau: Một là vọng gác, đắp xây chắc chắn, không thể phá vỡ, bên trong an ổn, ngăn được giặc ngoài. Hai là hào sâu, dọc theo bờ thành, kẻ giặc không dễ xâm nhập vào thành. Ba là giao thông bao quanh kinh thành phải được thông thoáng, bằng phẳng, rộng rãi, nhiều phương tiện xe có thể qua lại. Bốn là tập trung bốn loại quân binh: quân voi, quân ngựa, quân xe, quân bộ, sẵn sàng đối phó với giặc bên ngoài. Năm là đầy đủ các loại vũ khí, cung, tên, mâu, kích, có thể tự vệ, chế ngự ngoại xâm. Sáu là đại tướng trấn thủ kinh thành có nhiều thao lược, cơ trí sáng suốt, bản lĩnh, dũng mãnh, cương nghị, nghiêm minh; cho người lành vào, ngăn cấm kẻ xấu, giữ trong an ổn, bên ngoài bình yên. Bảy là thành trì có tường cao dày, kiên cố, bền vững, không thể đánh úp từ phía bên ngoài. O
BỐN LOẠI LƯƠNG THỰC
Này các đệ tử, bốn loại lương thực vương thành cần có bao gồm như sau: Một là sung túc các loại nước uống, nhiên liệu dự trữ, đảm bảo mọi người có thể sử dụng một cách lâu dài. Hai là sung túc các loại lương thực bao gồm lúa gạo, lúa mạch, bột mì, các loại lương khô, cần được dự trữ, đủ cho mọi người đang sống trong thành có thể tiêu thụ trong thời gian dài. Ba là sung túc ngũ cốc các loại bao gồm đậu niêm, đại đậu, tiểu đậu, để người trong thành có thể sử dụng trong thời gian dài. Bốn là sung túc các loại nhu yếu bao gồm thịt khô, cá khô, đường, muối, dầu, bơ, mật ong và các gia vị… có thể sử dụng một cách lâu dài. O
Này các đệ tử, bất cứ thành nào có đủ bảy việc và bốn lương thực như vừa nêu trên thì luôn vững mạnh, không sợ ngoại xâm, kẻ thù phá hoại, chỉ trừ bên trong, phân chia phá hoại. Tương tự như thành, vị đệ tử nào được bảy thiện pháp, bốn tâm tăng thượng sẽ không bị ma làm lung lạc được, cũng không thể bị các điều bất thiện, phiền não nhiễm ô, cạm bẫy của đời trở ngại, ngăn cản. Từ đó, tu tập một cách miên mật, không còn tái sinh. O
BẢY THIỆN PHÁP
Này các đệ tử, bảy loại thành trì ta ví giống như bảy loại pháp lành bao gồm: Chánh tín, hổ thẹn, lương tâm, tinh tấn, học rộng, chánh niệm, trí tuệ. Hãy lắng lòng nghe Như Lai chỉ dạy: O
Thiện pháp thứ nhất là niềm tin đúng. Người tu học Phật có niềm tin vững, tin vào Như Lai là bậc tuệ giác; không theo Sa-môn hay Bà-la-môn, không thờ Thượng đế và các thần linh; tin sâu chánh pháp gồm tứ thánh đế, giải quyết khổ đau; tin vào Tăng đoàn giới hạnh thanh cao, hướng dẫn chánh pháp, thực tập hạnh phúc.
Thiện pháp thứ hai xấu hổ cá nhân. Những điều xấu, ác, phiền não, khổ đau thì biết xấu hổ, quyết không phạm vào; lỡ đã phạm vào, quyết tâm từ bỏ. Xấu hổ cá nhân giúp ta vượt qua thói quen tiêu cực và lối sống xấu.
Thiện pháp thứ ba hổ thẹn lương tâm. Những gì xã hội chỉ trích lên án, luật pháp không cho thì quyết không làm. Thấy rõ nghiệp xấu tạo ra khổ đau, dẫn vào sinh tử, phát triển lương tâm, quyết không vướng vào, nhờ đó pháp lành ngày càng tăng trưởng.
Thiện pháp thứ tư là luôn tinh tấn. Siêng năng dứt sạch các điều bất thiện. Siêng năng tu tập tất cả việc lành. Siêng năng, bền chí, quyết không bỏ cuộc các lý tưởng đẹp. Quyết tâm, hướng đến tu tập an vui.
Thiện pháp thứ năm học rộng hiểu nhiều. Nỗ lực học rộng những điều đáng học. Ghi nhớ không quên những điều đã học. Hiểu rõ Phật pháp, toàn thiện phần đầu, toàn thiện phần giữa, toàn thiện phần cuối, có văn có nghĩa, dẫn đến thanh tịnh, an lạc, hạnh phúc. Quyết tâm học hỏi Phật pháp cao siêu. Nhiều lần học lại, tâm không thấy chán. Chuyên tâm nghiền ngẫm, hiểu sâu tận tường, nhờ đó vượt qua tất cả khổ đau.
Thiện pháp thứ sáu thực tập chánh niệm. Những điều Phật pháp đã được học qua, nhớ rõ không quên. Giữ gìn chánh niệm, làm chủ giác quan; đi, đứng, ngồi, nằm, tâm luôn thư thái.
Thiện pháp thứ bảy phát triển trí tuệ. Nhờ tu tứ đế, trí tuệ tăng trưởng. Nhờ có trí tuệ, thấy rõ nhân quả, các việc hưng suy, thấu hiểu đạo đời, phân biệt rõ ràng, thành tựu sự nghiệp, dứt sạch khổ đau. O
BỐN TÂM CAO THƯỢNG
Này các đệ tử, bốn loại lương thực, ta ví giống như bốn tâm tăng thượng. Hãy lắng lòng nghe, Như Lai chỉ dạy.
Tâm tăng thượng một, xa lìa ái dục, từ bỏ ác pháp, có giác, có quán. Hỷ lạc phát sinh do lìa ái dục, trụ thiền thứ nhất.
Tâm tăng thượng hai, hành giả vượt qua giác sát và quán, nội tâm tịch tĩnh, có hỷ và lạc, do định mà có, trụ thiền thứ hai.
Tâm tăng thượng ba, hành giả vượt qua trạng thái hỷ lạc, giữ vững buông xả, không còn mong cầu, chánh niệm chánh trí, an lạc nhẹ nhàng, đạt được thánh xả, có niệm và lạc, an trụ tính không, trụ thiền thứ ba.
Tâm tăng thượng bốn, hành giả vượt qua tất cả cảm giác hạnh phúc, khổ đau, vui mừng, lo buồn... không còn khổ vui, buông xả ý niệm một cách trọn vẹn, trụ thiền thứ tư.
Này các đệ tử, khi một hành giả đạt bảy thiện pháp, bốn tâm cao thượng dễ dàng, không khó, sẽ không bị các ma vương lung lạc, không bị xấu ác, ô nhiễm tấn công, sẽ không tái sinh trên cõi đời này. O
GIỮ TÂM NHƯ THÀNH TRÌ
Này các đệ tử, phải như thành trì ở vùng biên cương có các vọng gác, đắp xây chắc chắn, không thể phá vỡ, bên trong an ổn, ngăn được giặc ngoài. Người tu học Phật có niềm tin vững vào đức Như Lai, trọn đời không theo các bậc Sa-môn hay Bà-la-môn, thiên ma, Phạm thiên và đạo sư khác. Người đệ tử này có gác tín tâm, phòng trừ bất thiện, tu các pháp lành. O
Này các đệ tử, phải như thành trì ở vùng biên cương có các hào sâu, dọc theo bờ thành, kẻ giặc không dễ xâm nhập vào thành. Người tu học Phật có lương tâm sáng, cảm thấy khó chịu với điều xấu ác, phiền não, nhiễm ô, những thứ làm cho con người gặp phải những điều tai ương, khổ đau, bất hạnh, gốc của sanh tử. Người đệ tử này có hồ lương tâm, phòng trừ bất thiện, tu các pháp lành.
Này các đệ tử, phải như thành trì ở vùng biên cương có đường giao thông bao quanh kinh thành phải được thông thoáng, bằng phẳng, rộng rãi, nhiều phương tiện xe có thể qua lại. Người tu học Phật có tâm hổ thẹn, cảm thấy bứt rứt với điều xấu ác, phiền não, nhiễm ô, những thứ làm cho con người gặp phải những điều tai ương, khổ đau, bất hạnh, gốc của sanh tử. Người đệ tử này có đường hổ thẹn, phòng trừ bất thiện, tu các pháp lành. O
Này các đệ tử, phải như thành trì ở vùng biên cương có bốn quân binh: quân voi, quân ngựa, quân xe, quân bộ, sẵn sàng đối phó với giặc bên ngoài. Người tu học Phật có tâm tinh tấn, không chịu bỏ cuộc, trốn chạy, phớt lờ; chuyên tâm, bền sức, dứt trừ bất thiện, phát triển căn lành, làm việc phước thiện, không bỏ phương tiện, lợi lạc nhiều người. Người đệ tử này có quân tinh tấn, phòng trừ bất thiện, tu các pháp lành.
Này các đệ tử, phải như thành trì ở vùng biên cương có nhiều vũ khí, cung, tên, mâu, kích, có thể tự vệ, chế ngự ngoại xâm. Người tu học Phật học rộng nghe nhiều, ghi nhớ, ứng dụng. Có những lời dạy toàn thiện khoảng đầu, khoảng giữa, khoảng cuối, có văn, có nghĩa, thanh tịnh, hướng thượng. Học hàng trăm lần, chuyên tâm quán sát, hiểu và ứng dụng trong đời sống thực. Người đệ tử này có binh đa văn, phòng trừ bất thiện, tu các pháp lành. O
Này các đệ tử, phải như thành trì ở vùng biên cương, có tướng trấn thủ có nhiều thao lược, cơ trí sáng suốt, bản lĩnh, dũng mãnh, cương nghị, nghiêm minh; cho người lành vào, ngăn cấm kẻ xấu, giữ trong an ổn, bên ngoài bình yên. Người tu học Phật thực tập chánh niệm với các chánh pháp đã từng được học, thành tựu chánh niệm, nhớ rõ không quên. Người đệ tử này có tướng chánh niệm, phòng trừ bất thiện, tu các pháp lành.
Này các đệ tử, phải như thành trì có tường cao dày, kiên cố, bền vững, không thể đánh úp từ phía bên ngoài. Người tu học Phật có trí tuệ lớn, thấy rõ hưng, suy, nguyên nhân, gốc rễ, diệt trừ khổ đau. Người đệ tử này có tướng trí tuệ, phòng trừ bất thiện, tu các pháp lành. O
THỰC TẬP BỐN THIỀN
Này các đệ tử, cũng như thành trì ở vùng biên cương chứa đủ nước uống, nhiên liệu dự trữ, đảm bảo mọi người có thể sử dụng một cách lâu dài. Người tu học Phật xa lìa ái dục, các điều xấu ác, có giác, có quán, đạt được hỷ lạc do tâm xa lìa, thành tựu thiền một, an lạc, thảnh thơi, một mình tự lực đi đến Niết-bàn.
Này các đệ tử, cũng như thành trì ở vùng biên cương sung túc lương thực bao gồm lúa gạo, lúa mạch, bột mì, các loại lương khô, cần được dự trữ, đủ cho mọi người đang sống trong thành có thể tiêu thụ trong thời gian dài. Người tu học Phật vượt qua giác, quán, nội tĩnh, nhất tâm, đạt được hỷ lạc nhẹ nhàng, thư thái do thiền định sinh, thành tựu thiền hai, an lạc sâu lắng, một mình tự lực đi đến Niết-bàn. O
Này các đệ tử, cũng như thành trì ở vùng biên cương sung túc ngũ cốc các loại bao gồm đậu niêm, đại đậu, tiểu đậu, để người trong thành có thể sử dụng trong thời gian dài. Người tu học Phật xa lìa hỷ lạc, giữ tâm buông xả, không còn vọng cầu, chánh niệm, chánh trí, thân tâm an lạc, an trụ thánh xả, thành tựu thiền ba, đầy đủ chính niệm và sự an lạc, an trụ chân không, một mình tự lực đi đến Niết-bàn.
Này các đệ tử, cũng như thành trì ở vùng biên cương sung túc các loại nhu yếu bao gồm thịt khô, cá khô, đường, muối, dầu, bơ, mật ong và các gia vị … có thể sử dụng một cách lâu dài. Người tu học Phật vượt qua khổ, lạc, hỷ, ưu, đạt được trạng thái không còn buồn vui, xả niệm thanh tịnh, thành tựu thiền bốn, an lạc tuyệt đối, một mình tự lực đi đến Niết-bàn.
Nghe Phật giảng dạy, tất cả mọi người vô cùng hoan hỷ, phát nguyện thực tập, truyền bá Kinh này. O
Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật (3 lần) O
***