Nguyên nhân gây ung thư thì cả hai nền y học hiện đại và cổ truyền đều tương đồng nhau. Điều đầu tiên mà tất cả chúng ta cần phải biết, đó là ai cũng có thể bị ung thư! Tại sao vậy? Vì ai cũng chứa trong người mầm mống ung thư mà y học hiện đại gọi là gien sinh ung (oncogen), mầm mống này ngủ yên nhưng sẽ bừng tỉnh giấc và phát triển thành khối u nếu bị kích động. Ai kích động? Đó là yếu tố gây ung, mà bên y học cổ truyền gọi là ngoại nhân hay “tà khí”, gồm độc chất (có trong khói thuốc lá, khói xe, khí thải từ các nhà máy, trong thực phẩm nhiễm thuốc trừ sâu…), các loại vi trùng, vi rút (viêm gan, viêm cổ tử cung…), bức xạ mặt trời, tia phóng xạ nguyên tử. Như vậy có phải là 100% chúng ta bị ung thư chăng? Vì ai cũng có gien sinh ung mà yếu tố gây ung (tà khí) thì đầy dẫy, bao phủ chúng ta hàng ngày hàng giờ càng ngày càng nhiều, không biết đâu mà tránh (xem bài 1: đặt vấn đề). Nhưng thực ra không phải ai cũng sẽ bị ung thư. Theo học thuyết âm dương của y học cổ truyền “Mọi sự vật hiện tượng đều có hai mặt đối lập”, suy ra nếu có cái gây ung, thì cũng có cái chống lại ung, và quả thực y học hiện đại đã tìm ra trong cơ thể con người có một gien chống lại gien gây ung, đó là gien đè nén bướu (tumor depressor gen), gien này nếu hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc sẽ ngăn chặn nguy cơ bị ung thư, muốn vậy gien cần được hoạt hóa bởi hệ miễn dịch mạnh mà y học cổ truyền gọi là “chính khí”. Do đó nếu hệ miễn dịch mạnh, chính khí đầy đủ thì có phải chúng ta sẽ bớt lo sợ ung thư khi hàng ngày đọc báo nghe đài thấy các yếu tố gây ung thư rình rập bao quanh. Tà khí khó xâm nhập nếu ta đã trang bị một cái áo giáp chất lượng, đó là sức đề kháng - hệ miễn dịch - sức khỏe - chính khí tốt (tà chi sở tấu, kỳ khí tất hư).
Tại sao hệ miễn dịch - chính khí suy yếu? Theo y học cổ truyền từ nguyên nhân bên trong( nội nhân) mà ra, từ “thất tình” thái quá mà ra. Thất tình là 7 loại tình chí - cảm xúc mà chủ yếu là “lo-buồn-giận-sợ”. Từ ngàn xưa thầy thuốc y học cổ truyền qua theo dõi thấy rằng những người hay lo-buồn-giận-sợ, đã là thường xuyên lo-buồn-giận-sợ mà lại không được thể hiện ra ngoài, phải cầm nín, nén xuống (buồn không dám khóc, nuốt nước mắt vào trong, giận không dám la hét đập bàn đá ghế, sợ chết khiếp nhưng vẫn phải tươi cười, không dám thố lộ cùng ai…), những người này thường sức khỏe suy kém, thường mắc các bệnh cấp tính (cảm cúm, viêm họng) và thường mang trong người nhiều bệnh mãn tính, dù điều trị thì cũng chỉ giảm bớt tạm thời, tái đi tái lại và hậu quả cuối cùng là chết yểu. Nguyên nhân gì làm ta “thất tình?” từ Stress mà ra. Chính lối sống đầy stress thái quá- liên tục đã tác động lên hệ thần kinh - dịch thể, làm rối loạn tình chí mà thể hiện là trạng thái lo-buồn-giận-sợ. Thử hỏi một người mà cứ thường xuyên lo-buồn-giận-sợ thì có khỏe không? Mà không khỏe có nghĩa là sức đề kháng với yếu tố gây bệnh nói chung, gây ung nói riêng (tà khí) chắc chắn suy yếu. Thế là tà khí tấn công - xâm nhập và bệnh sẽ xuất hiện thôi. Y học hiện đại cũng đã công nhận là lối sống đầy stress làm suy giảm miễn dịch, người xưa (YHCT) không dùng từ stress nhưng mô tả hậu quả về tình chí do stress, Đông và Tây y gặp nhau tại đây.
Một nguyên nhân khác góp phần phát triển khối u đó là yếu tố môi trường bao quanh tế bào: huyết dịch. Theo lý thuyết của OttoWarbuer: cho rằng môi trường huyết dịch nếu có pH kiềm - nhiều oxy sẽ tạo thuận lợi cho tế bào bình thường sinh sống, nhưng ức chế tế bào ung thư, ngược lại nếu huyết dịch có pH axid - ít oxy sẽ cản trở hoạt động tế bào bình thường nhưng vô cùng thuận lợi cho tế bào ung thư sinh sôi nảy nở. Vậy lý do gì làm huyết dịch trong cơ thể ít oxy và bị nhiễm axid, đó chính là chế độ ăn uống không cân bằng Âm-dương hay axid- kiềm và lối sống tĩnh tại (ít vận động). Chính lối sống thời văn minh hiện đại - tự động hóa làm con người giảm vận động, ít thì giờ cho thể dục thể thao (tập TDTT làm tăng Oxy, thải nhanh C02) cùng khuynh hướng ăn quá nhiều thực phẩm sinh axid hơn là thực phẩm sinh kiềm đã đưa đến hậu quả làm huyết dịch, môi trường sống của tế bào trở nên axid, gây ức chế hoạt động tế bào bình thường nhưng đồng thời giúp tế bào ung thư phát triển dễ dàng.
Tóm lại, ngoài gien sinh ung và yếu tố gây ung (tà khí) là nguyên nhân hữu hình, dễ thấy, cụ thể, rõ rệt thì còn hai nguyên nhân vô hình, khó thấy, thầm lặng, nhưng vô cùng nguy hiểm vì nó tạo điều kiện cho yếu tố gây Ung (tà khí) tấn công xâm nhập và phát triển, đó là lối sống và chế độ ăn. Nay đã biết nguyên nhân thì có thể phòng ngừa được, chỉ cần quyết tâm và kiên trì mà thôi.
Để phòng ngừa ung thư, với gien sinh ung là do “trời cho”, ta không thể can thiệp. Còn lại yếu tố gây ung (tà khí) thì chỉ có thể hạn chế một phần mà thôi (vì yếu tố gây ung vô cùng phong phú, biến hóa, xuất hiện bất ngờ…), chính thay đổi lối sống và chế độ ăn là phòng ngừa chủ động nhất, kết quả nhiều ít tùy thuộc hiểu biết cặn kẽ và quyết tâm- kiên trì của từng cá nhân và toàn xã hội.
***