Phần II: NNC. Tịnh Minh Đoàn Ngọc Chức - Cà-Sa Vương Khói

(Đôi nét bi hùng trong cơn Pháp nạn 1963 tại Nha Trang)

    Pháp nạn Phật giáo Việt Nam dưới chế độ Ngô Đình Diệm xuất phát từ việc chính phủ, đúng ra là mật lệnh của Giám mục cơ tâm Ngô Đình Thục, bào huynh của ông Diệm, cấm treo cờ Phật giáo trong dịp lễ Phật đản 8-5-1963 tại Huế đến ngày Cách mạng thành công 1-11-1963 tại Sài Gòn. Trong sáu tháng pháp nạn đó đã diễn ra biết bao cảnh tượng bi thương, bi kịch, bi tráng, bi hùng khắp cả miền Nam Việt Nam, đặc biệt là ở Nha Trang, nơi tác giả tuy tuổi vị thành niên nhưng là chứng nhân với những vụ dấn thân biểu tình, phản đối chính sách kỳ thị tôn giáo. 

I. NHỮNG TÁC NHÂN THÚC ĐẨY CAO TRÀO ĐẤU TRANH NGÀY THÊM SÔI ĐỘNG 

    Phải nói là ý chí đấu tranh đòi quyền bình đẳng tôn giáo với chính quyền Ngô Đình Diệm cùng với tinh thần hy sinh vì Đạo pháp của Tăng Ni, Phật tử miền Nam nói chung, Nha Trang nói riêng ngày một trở nên quyết liệt kể từ khi Hòa thượng Thích Quảng Đức phát tâm tự thiêu ngày 11-6-1963 tại ngã tư Lê Văn Duyệt và Phan Đình Phùng Sài Gòn, nay là Cách Mạng Tháng Tám và Nguyễn Đình Chiểu, thành phố Hồ Chí Minh, với mục đích cầu nguyện cho Tăng tín đồ Phật giáo miền Nam thoát ách kỳ thị và cũng để cảnh tỉnh đầu óc hẹp hòi, cuồng tín của một tập đoàn gia đình trị nhà Ngô. Tinh thần bảo vệ Đạo pháp của Tăng Ni, Phật tử đang ngùn ngụt dâng cao thì, như lửa được đổ thêm dầu, ngày 1-8-1963 bà Trần Lệ Xuân, vợ của Cố vấn Ngô Đình Nhu tố cáo với báo chí tại Hoa Kỳ là các lãnh tụ Phật giáo đang âm mưu lật đổ chính phủ, và tự thiêu chỉ là trò nướng thịt sư (barbecue a bonze)! Lời tuyên bố xấc xược đến nỗi thân phụ bà là Trần Văn Chương, một Phật tử, Đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại Hoa Kỳ phải lên tiếng than trách là “thiếu lễ độ” (impolite) đối với Phật giáo. Lẽ ra ông đã dùng từ “du côn hay mất dạy” (ill-bred) để gọi hạng người như thế, nhưng chắc là vì tình cha con mà ông phải nhẹ lời! Đã vậy mà mấy hôm sau bà còn lên giọng ngạo nghễ chế giễu: “Dù cho có thiếu lễ độ với Phật giáo đi nữa thì có lúc cũng cần phải thiếu lễ độ!”. Xúc động và cảm kích hơn nữa là các ngọn đuốc tự thiêu vì công lý và bình đẳng tôn giáo của Đại đức Thích Nguyên Hương 4-8-63 tại Phan Thiết; Thích Thanh Tuệ 13-8-63 tại Huế; Thích Nữ Diệu Quang 15-8-63 tại Ninh Hòa, Khánh Hòa; nữ sinh Quách Thị Trang bị cảnh sát bắn chết sáng ngày 25-8-63 trong cuộc biểu tình trước chợ Bến Thành Sài Gòn; rồi Đại đức Thích Quảng Hương cũng phát nguyện tự thiêu ngày 5-10-63 tại công trường Diên Hồng, bồn binh Chợ Lớn Sài Gòn, đã góp thêm sức mạnh cho phong trào đấu tranh bảo vệ Đạo pháp và tự do tín ngưỡng. 

II. NHỮNG CẢNH TƯỢNG ĐAU THƯƠNG NHƯNG KIÊN CƯỜNG BẤT KHUẤT

1. Bày tỏ nguyện vọng 

    Tăng chúng Phật học viện Hải Đức Nha Trang sáng nào cũng chia thành từng nhóm, phân đi nhiều ngả xuống phố, cùng với Tăng Ni các tự viện trong thành hướng dẫn Phật tử tham gia biểu tình, cuối cùng tập trung trước Tỉnh đường, kêu gọi chính phủ tôn trọng tự do tín ngưỡng và thực thi quyền bình đẳng tôn giáo. Ngày đầu phong trào diễn ra suôn sẻ, nhưng sau đó thì các lực lượng cảnh sát và quân đội ngăn chặn triệt để bằng nhiều hình thức, như giăng dây kẽm gai, đứng dàn hàng ngang, tay ghì cò súng, mặt mày đanh thép, quyết không để một ai lọt xuống phố biểu tình. Ấy vậy mà vẫn có Tăng Ni, Phật tử đông đúc hiện diện trước tòa Tỉnh trưởng với những khẩu hiệu giương cao: “Đả đảo chính sách kỳ thị tôn giáo”; “Thà chết chứ không lùi bước trước cường quyền” v.v…, rồi thì diễn thuyết, bày tỏ nguyện vọng của Giáo hội, hoặc tuyệt thực tại đó. 

2. Xung khí ngút trời 

    Mặc dù các lực lượng vũ trang địa phương bao vây nghiêm ngặt khu vực Phật học viện Hải Đức Nha Trang và các Ni viện tự viện khác nhưng Tăng Ni không hề nao núng, vẫn có cách xuống phố hướng dẫn Phật tử và quần chúng biểu tình, phản đối lệnh cấm treo cờ Phật giáo của chính quyền nhà Ngô. Chúng tôi được các bậc tôn túc chia thành hai nhóm: nhóm quý thầy và các chú Sa-di, từ sáng sớm, bí mật tuột xuống dốc núi sau chùa Hải Đức, theo đường Phương Sài, trực chỉ đến Tỉnh đường với biểu ngữ viết sẵn, giấu trong pháp phục; Phật tử và quần chúng, nhất là các bà các cô, thấy hình bóng các thầy các chú là bỏ việc, ùn ùn chạy theo, đưa hai tay xua xua ra hiệu mọi người tiến lên; dân chúng hai bên đường cứ thế mà rần rần nối gót. Còn các điệu thì rải rác đi theo đường mòn đồi Trại Thủy, đón đoàn và nhập cuộc tại ngã ba Phương Sài. Sáng hôm đó thầy Đức Minh, Chánh đại diện Giáo hội Phật giáo tỉnh Khánh Hòa, hướng dẫn cuộc biểu tình, đứng trực diện với Tỉnh đường, tay cầm loa phóng thanh nói oang oang, cực kỳ văn hoa và lưu loát, Tăng Ni, Phật tử hưng phấn, hô vang khẩu hiệu đả đảo chính sách kỳ thị tôn giáo, giương cao Phật kỳ và biểu ngữ rợp cả một góc trời. Bấy giờ các lực lượng vũ trang ập đến, giải tán cuộc biểu tình bằng cách quăng lựu đạn cay và xịt nước vòi rồng, Tăng Ni, Phật tử chạy tán loạn, nhưng rồi lại tụ họp thành đoàn biểu tình trên đường về. Khốn thay, đến ngã ba Mả Vòng, đầu đường Độc Lập thì bị cảnh sát và binh lính chĩa súng dàn hàng ngang chặn lại, mục đích là giải tán cuộc biểu tình và ra tay với những Phật tử nòng cốt. Anh P. Thắng, biệt hiệu là “Trẫm”, vì anh thân hình phốp pháp, đi đứng bệ vệ, cầm cờ đại ngũ sắc đi đầu. Thấy lính và cảnh sát chặn đường, anh tuốt lá cờ ném qua tôi, nói lớn: “Em giữ lá cờ cho anh”, rồi hai tay cầm ngang cán cờ to bằng bắp tay, dài khoảng bốn mét, hạ người theo dạng xuống tấn, từ từ tiến tới, mắt nhìn đối phương đăm đăm. Lạ thay, anh tiến bước nào thì cảnh sát thoái lui bước đó. Bỗng nhiên một mệnh lệnh hô vang: “Tiến lên!... Chặn lại!...”. Thế là hai bên hỗn chiến. Với cán cờ trong tay, anh “Trẫm” quơ loạn xạ theo kiểu “võ rừng”. Bấy giờ gạch đá, gậy gộc, chân bàn, cẳng ghế, guốc dép, giày đinh, kiềng sắt, phả lò v.v… không biết từ đâu mà cứ bay vùn vụt tới tấp vào đám quân nhân, nhất là các bà các cô với hai tay cầm hai chiếc guốc trở đầu, chân guốc bịt đồng nhọn hoắt, vừa xông lên loạn đả theo đòn “linh miêu tẩy diện”, vừa gào thét mắng nhiếc vang trời. Binh lính hình như không được lệnh bắn nên chỉ đỡ gạt cho khỏi bị thương. Tội nghiệp cho một số quân nhân chắc là Phật tử, không nỡ đánh đập quý thầy và huynh đệ đạo hữu mà đành phải chịu đòn oan ức, lở mặt xẻ mày; còn đám binh sĩ thừa dịp tiến thân thì cứ thẳng tay mà nện báng súng vào giới Tăng Ni và người biểu tình. Sau khoảng nửa giờ ẩu đả với lực lượng vũ trang, đoàn biểu tình cũng phá được vòng vây, vượt qua rào cản; nhưng than ôi, Tăng Ni thì pháp phục te tua, đồng bào Phật tử thì giày dép mất hết, dìu nhau cà nhắc cà thọt về tới chùa Tỉnh hội cách xa khoảng nửa cây số và nằm ngồi la liệt giữa chánh điện. Tổng thống Diệm ơi, nếu ông mục kích cảnh tượng khốn nạn này thì hẳn là đã hủy bỏ lệnh cấm treo cờ Phật giáo! 

3. Máu loang pháp phục 

    Tuy bị ngăn cấm, đánh đập, giam cầm nhưng Tăng Ni, Phật tử ngày nào cũng tìm cách xuống đường biểu tình. Một sáng sớm nọ, chúng điệu khoảng vài chục cùng với nam nữ Phật tử khá đông được thầy Đức Chơn, nay là Hòa thượng Thích Đức Chơn, Viện trưởng tu viện Quảng Hương Già Lam, Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh hướng dẫn. Tất cả đều trực chỉ ra quốc lộ trước chùa bằng cách băng qua cánh đồng rau muống. Mới đi được nửa đường thì cảnh sát dã chiến ập đến, vung dùi cui quất thẳng tay, bất kể Tăng Ni đạo tục, già trẻ lớn bé, khiến đoàn biểu tình tháo chạy tán loạn. Biết thầy Đức Chơn là người chỉ huy, vì thầy cầm loa phóng thanh và lên giọng đả đảo cường quyền áp bức. Họ rượt thầy chạy như phi trên bờ ruộng bé nhỏ, trơn trượt nhưng không té, còn họ thì cắm đầu chúi mũi, gượng lên nhào xuống; tội nghiệp chú Thuận, bị đánh đá lăn quay trên thảm cỏ nhưng hai tay vẫn ôm chặt bình acqui để bảo tồn nguồn điện sử dụng cho máy micro. Bi thiết hơn nữa là anh Đức Huy, đã chạy gần tới chùa Núi mà còn bị một phát dùi cui vào đầu, vòi máu đỏ tươi vọt ra, chảy xối xả xuống lưng áo nhật bình nhưng anh chẳng hề hay biết. Thấy cảnh dã man và xúc động đến điếng người, tôi chạy vòng sang bờ khác để khỏi bị đánh, bật khóc và la lên: “Anh Đức Huy ơi, anh bị bể đầu rồi, máu chảy nhiều lắm!”. Anh đưa tay bịt vết thương cho cầm máu rồi chạy thẳng lên các bậc thềm chùa Núi. Đứng trên mỏm đá, và chắc là để vơi đi phần nào oan ức, anh ưỡn người, nhìn xuống đám cảnh sát lố nhố dưới đường, lên giọng thách thức: “Con c. đây Lâm Liêu”. Tội nghiệp, miệng khiêu khích cảnh sát mà tay vẫn bịt vết thương. Sau đó chúng tôi đi đường tắt trên núi qua Tỉnh hội. Chao ôi, một chánh điện ngồi nằm la liệt các bậc tôn túc lớn tuổi, đang ho sặc quằn quại vì hít phải khói lựu đạn cay khi vừa mới ra khỏi cổng chùa, nay là chùa Long Sơn, để tiếp ứng đoàn biểu tình. Rõ là một cảnh tượng bi thương nhưng phi thường vô úy.  

    Trở lại chuyện Lâm Liêu, nhân vật khét tiếng tại Nha Trang lúc bấy giờ. Ông là chỉ huy trưởng lực lượng cảnh sát địa phương, hình như mang lon thiếu tá. Mẹ Lâm Liêu là một Phật tử thuần thành, cấm con không được bao vây chùa chiền, đánh đập Tăng Ni Phật tử đi biểu tình. Sau khi cách mạng thành công, một số anh chị em đã từng nếm mùi dùi cui của lực lượng cảnh sát định đến nhà chỉ mặt Lâm Liêu hỏi tội, cũng may là ông đã nhanh tay viết một bức thư dài bốn trang giấy khổ lớn, gởi đến Tỉnh hội, nội dung tạ tội, sám hối Tăng Ni và đồng bào Phật tử Nha Trang với lời lẽ vô cùng chân thành thống thiết; đại để là chỉ vì miếng cơm manh áo, bổn phận phải làm, chứ thật ra trong lòng ông cũng đau đớn và dằn vặt thâu đêm. Với lòng từ bi lân mẫn, Phật tử Nha Trang, vâng lời Giáo hội, thông cảm và hỷ xả cho ông tất cả. Bây giờ nghĩ lại, thấy lòng nao nao với hương linh anh Đức Huy. Theo thầy học đạo, lập hạnh thanh bần, bị đánh bể đầu nhưng chẳng biết lấy gì đối phó, đành phải đem cái “phù trần căn” của mình ra mà đọ với cường quyền bạo chúa cho đỡ tức!

4. Hung thần gõ cửa 

    Tất cả Tăng Ni dưới thời Pháp nạn đều nhớ cái đêm kinh hoàng 20/8/1963. Chính phủ Ngô Đình Diệm đã tung ra một đòn chí tử, bao vây tất cả chùa chiền miền Nam nhằm tóm gọn các bậc lãnh đạo Phật giáo và làm tê liệt phong trào đấu tranh chống chế độ độc tài gia đình trị nhà Ngô. Riêng tại Phật học viện Hải Đức Nha Trang, chúng tôi, còn nhớ như in, mười điệu đang ngủ trong một căn phòng thì bỗng dưng nghe tiếng người rên hù hù, té ra là ông Đông, người làm vườn, giúp việc cho chùa, nghe tiếng giày đinh của quân đội nện cồm cộp ngoài hành lang nên sợ quá, từ trai đường, nơi ông ngủ cho mát, bò qua phòng chúng tôi, ngồi rên co ro, không dám lên tiếng. Chúng tôi bật dậy, hỏi chuyện gì thì ông đưa tay chỉ chỉ ra bên ngoài. Bất thần ngơ ngác, chúng tôi rón rén đánh thức nhau dậy, dõi mắt nhìn qua các khe cửa sổ lá sách quanh phòng. Trời ơi… toàn lính là lính, súng ống trên tay, đạn dược quanh người, đi đứng hùng hổ như đang chuẩn bị ăn tươi nuốt sống chúng tôi. Chú Khánh, tay cầm cây cán mùng bằng gỗ, to bằng ngón tay cái, hất hàm ra hiệu tôi làm theo và nghiêm giọng nói: “Họ vô là chơi liền, tới đâu tới!”. Bây giờ nhớ lại, thấy buồn cười và cảm thông cho biện pháp đối phó của chú Khánh làm sao! Sau đó, cứ chốc chốc thì nghe tiếng nện trên cửa sổ hay đá vào cửa cái ầm ầm. Chúng tôi hoang mang, không đoán được họ muốn làm gì, số phận mình ra sao! Mãi đến tám giờ sáng, thầy Trừng San, giám tự và thầy Đổng Minh, giáo thọ lên tiếng gọi Tăng chúng ra phòng học. Mừng quá nhưng vẫn tỏ vẻ kiên cường với đám “hung thần”, tôi lên giọng khí khái: “Để chúng con đánh răng súc miệng đã!”. Đến chín giờ, sau khi nghe vị chỉ huy trình bày lý do gì đó, thầy Đổng Minh nói giọng buồn buồn: “Thôi, các chú ký tên lên tờ giấy này cho họ đi!”. Chúng tôi đưa mắt nhìn nhau, bỗng thấy anh Phước Sơn, nay là Hòa thượng Thích Phước Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, quơ tay nói giọng khẳng khái: “Chúng tôi tu hành, có tội tình gì mà phải ký tên, ký tuổi!”, rồi cùng với anh Nhật Châu bỏ đi, xuống hướng chánh điện. Một số binh sĩ làm dữ, đòi bắt hai anh để điều tra, nhưng nhờ thầy Đổng Minh can thiệp, vụ việc rồi cũng qua đi. Riêng chú Thuận, ít nói nhưng có thừa khí phách, ở lì trong phòng bệnh xá, thầy Đổng Minh gọi mãi không ra. Cuối cùng thầy Trừng San nói: “Chú Thuận ơi, tùy thuận chúng sanh là cúng dường chư Phật nghe chú!”. Bấy giờ chú mới xô cửa bước ra, vắt vai chiếc áo vạt hò nhanh đến nỗi quất vào mặt một binh sĩ đang đứng chĩa súng sát trước cửa, làm cho anh ta bất thần tá hỏa, không kịp phản ứng. Rồi chẳng nói chẳng rằng, chú đi một mạch xuống hướng chánh điện. Vị chỉ huy lắc đầu, trao đổi với hai thầy một hồi nữa rồi giải tán. Chúng tôi nhìn nhau thở phào, nhẹ nhõm. Từ đó, ngày nào cũng có biểu tình dưới phố. Công nhân đình công, học sinh bãi khóa, tiểu thương bãi thị v.v…, các phong trào đấu tranh cứ thế mà ngùn ngụt lên cao, lan rộng đến tận thôn làng, nhưng bạo chúa vẫn mơ màng, chưa hề thức tỉnh! 

5. Đêm dài tận lực 

    Đối với đám điệu nhóc nhóc chúng tôi, có thể nói đêm 1-11-1963 là một đêm dài tận lực. Tôi còn nhớ rõ, khoảng năm giờ chiều hôm ấy, thầy Đổng Minh, giáo thọ sư của chúng tôi, từ cốc của thầy qua viện Hải Đức, gọi chúng tôi lại, khoảng chục điệu, dịu giọng hỏi:

    - Các chú ăn tối chưa?

    - Dạ thưa ăn rồi, bạch thầy.

    - Tốt!... Ngay giờ phút này, các chú vào phòng, cài chặt cửa, mặc áo tràng, ngồi xoay mặt vào vách, tay lần chuỗi niệm Phật cho đến giờ ngủ. Tuyệt đối không được ra ngoài. Nghe rõ chưa?
- A Di Đà Phật, chúng tôi đồng chắp tay xá xá.

    Nếu ai thấy cảnh trí Phật học viện lúc bấy giờ thì buồn lắm, vắng vẻ lắm! Các thầy các chú phần lớn đều được phái đi các nơi, đặc biệt là chi viện nhân lực cho năm tỉnh cao nguyên Trung phần. Chúng tôi còn nhỏ, ở lại công phu bái sám và chấp tác hằng ngày. Tuân lệnh thầy giáo thọ, chúng tôi vào phòng, anh nào cũng áp dụng tư thế “Cửu niên diện bích” của Tổ Bồ-đề Đạt-ma mà tha hồ suy diễn về chuyện chẳng lành sắp xảy ra. Riêng tôi, tác ý lung lắm! Thầy Đổng Minh ít khi nói lời nhỏ nhẹ âu yếm với chúng điệu như vậy! Thương điệu, lo từng cái ăn cái mặc, bút nghiên đèn sách cho Tăng chúng, nhưng Thầy lúc nào cũng đề cao quy tắc: “Khẩu lệnh như sơn. Đánh điệu cúng dường Tam bảo!”. Chẳng lẽ, tôi chợt nghĩ dại: “Chỉ còn đêm nay nữa thôi, mai chúng ta… ôi rồi cuộc đời!...”. Tôi lại quay nhìn các pháp hữu và thấm ý cười lỏn lẻn một mình. Có điều… tình hình căng thẳng như thế nhưng chúng tôi không hề sợ hãi, vẫn hồn nhiên chan hòa trong cơn hoạn nạn. Thời gian cứ lặng lẽ trôi qua, gần đến nửa đêm, tôi mở mắt nhìn quanh, thấy các chú ngồi theo nhiều kiểu dáng khác nhau như chính mình, có chú gập người xuống giường nhưng mặt vẫn xoay vào vách chứ không dám nằm. Uy danh và mệnh lệnh của thầy Đổng Minh lớn như vậy đó. Tôi lại khởi niệm: “Chắc là quý huynh đệ đang tụng kinh Di Đà, đang thầm nguyện cho “Chư thượng thiện nhân câu hội nhất xứ” và đắc ý cười thầm. Định tâm một lát, tôi lên tiếng:  

    - Sao mà yên ắng thế? Để mình xuống hậu liêu xem thử nhé?

    - Đúng đúng, anh đi đi!... Một chú thúc giục với giọng ngái ngủ. 

    Tôi vừa tới tam cấp đầu trai đường thì thấy anh Kim Phú đang rửa tay tại vòi nước. Nghe tiếng động, anh quay mặt khẽ quát: “Điệu mô giờ này mà còn lò mò đó!... Đi lên!... Xuống đây tui đá một đá chết chừ!”. Tôi rụt cổ quay lui, chạy nhè nhẹ về phòng, giật mạnh cánh cửa, các chú hỏi: 

    - Sao đi mau thế?

    - Trời ơi, suýt nữa là ăn phải cái đạp của ngài “Mã Tổ”! Xuống sâu tí nữa là bị anh Kim Phú đá rồi! Nhưng mà có chuyện gì bí mật lắm. Hình như các thầy đang nghe Radio. Thôi, chúng mình nằm ngủ đi. Ngồi như vậy là chư Phật Bồ-tát, Hộ pháp Thiện thần cũng đã mật thùy chứng minh gia hộ rồi!

    - Phải đấy!... Sức khỏe là vàng!... Ngủ đi anh em!... Việc gì đến sẽ đến!... Chúng mình vô sản thuần túy thì có chi mà sợ! 

    Thế là chúng tôi nằm đánh một giấc ngon lành tới sáng.

    Đến khi thức dậy, nghe tin đảo chánh, quân đội đã lật đổ chế độ độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm. Đã quá, chúng tôi cùng nhau nhảy cỡn, reo mừng: “Hết chết rồi anh em ơi! Qua cơn Pháp nạn rồi! Đúng là: “Nhân từ giả thọ, hung bạo giả vong” (Nhân từ hẳn được sống lâu, hung bạo ắt phải nát đầu phân thây). Ngôn hạnh hơi bồng bột nhưng cũng dễ hiểu cho kẻ bị oan ức. 

6. Ngữ điệu thiền môn 

    Một hôm, trong lúc đại chúng xuống phố biểu tình, ở chùa chỉ còn có điệu Tùng, còn gọi là điệu Bông, có lẽ do làn da trắng mượt và khuôn mặt xinh như con gái, và điệu Tèo, cháu thầy Trừng San; cả hai khoảng mười tuổi. Bấy giờ có ông Tỉnh trưởng và mấy người cận vệ cải dạng thường dân lên chùa quan sát tình hình. Thấy chùa trong ngoài vắng vẻ, họ ghé vào hành lang dẫn đến nhà Tổ. Hai chú đang ngồi, đứng lên chắp tay chào khách. Chú Tùng nhanh nhẹn hỏi:

    - Chẳng hay quý khách viếng chùa hay có chuyện gì?

    - Viếng chùa, ông Tỉnh trưởng cười đáp, nhưng sao chẳng thấy người lớn!

    - Ơ kìa!... Các bác không hay biết gì sao? Quý thầy và đại chúng đi biểu tình chống chế độ độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm. Họ đã ra lệnh cấm treo cờ Phật giáo trong mùa Phật đản năm nay và đàn áp dã man các phong trào đòi quyền bình đẳng tôn giáo. 

    - Sao các chú không đi?

    - Chúng con còn nhỏ, không được đi; vả lại đi hết thì giờ này ai tiếp quý bác? 

    - Các chú học lớp mấy?

    - Dạ lớp nhì. (Nay là lớp bốn).

    - Các chú giỏi lắm, thông minh lắm! Ông Tỉnh trưởng đưa tay nựng cằm hai chú rồi cáo từ.

    Sau ngày giải phóng, ông Tỉnh trưởng, một Phật tử, lên chùa thăm ngài Giám viện, tức là Thượng tọa Thích Trí Thủ lúc bấy giờ, kể lại đầy đủ chi tiết về cuộc gặp gỡ và đối thoại khó quên đó. Thượng tọa Giám viện cười nói: “Đã là đệ tử Phật, thì dù tại gia hay xuất gia, đều có tinh thần vô úy và khả năng biến hóa trong mọi tình huống.” Ông Tỉnh trưởng cười rạng rỡ và hẳn là vô cùng mát ruột với câu tán dương vi tế đó. 

III. ĐÔI DÒNG CẢM KẾT 

    Nhìn lại lịch sử Việt Nam, ta thấy triều đại Ngô Đình Diệm chỉ tồn tại được chín năm, một thời hạn ngắn ngủi, nhưng đã để lại cho đời, cho hậu thế một vết tích khó phai; một chấm đen trong dòng lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc Việt Nam. Nguyên nhân chính là do độc tài và cuồng tín về cái gọi là mặc khải (incarnation), tuyển trạch (elect) từ một quyền năng siêu nhiên. Ngô Đình Diệm xuất thân từ một gia đình khoa bảng, học hành thành đạt, làm quan đến chức Thượng thư Bộ Lại dưới triều vua Bảo Đại, ấy thế mà khi nắm được quyền lực trong tay thì quên hẳn đạo lý sơ đẳng của Nho giáo:  

    Bình sinh hành thiện thiên gia phước,

    Nhược thị ngu ngoan thọ họa ương.

    Thiện ác đáo đầu chung hữu báo,

    Cao phi viễn tẩu dã nan tàng.

    (Suốt đời làm thiện trời ban phước,

    Gàn bướng ngu ngang chịu tai ương.

    Lành dữ cuối cùng đều báo ứng,

    Xa chạy cao bay khó lánh đường.)

Còn Phật giáo thì: 

    Không trời cao biển rộng,

    Không hang động núi rừng,

    Đã tạo nghiệp ác độc,

    Trên đời hết chỗ dung.

                               (Pháp Cú 127)

Tóm lại, theo trải nghiệm dân gian: 

    Trạm trạm thanh thiên bất khả khi,

    Vị tằng cử ý ngã tiên tri.

    Khuyến quân mạc tác khuy tâm sự,

    Cổ vãng kim lai phóng quá thùy.

    (Thăm thẳm trời cao khó dối thay,

    Mới vừa nảy ý đã liền hay.

    Chớ nên học thói gây ngang trái,

    Nhân quả xưa nay chẳng thứ ai.)

Vâng, “Chớ nên học thói gây ngang trái”, vì “Nhân quả xưa nay chẳng thứ ai”.

Thành phố Hồ Chí Minh, 22-4-2013

NNC. Tịnh Minh Đoàn Ngọc Chức

Giảng viên HVPGVN tại TP.HCM 
 

 
00:00