II. LOẠI HÌNH KINH BỐN MƯƠI HAI CHƯƠNG

Đề cập đến loại hình Kinh Bốn Mươi Hai Chương chính là đề cập đến các phương pháp, các dạng thức, hay nói theo ngôn ngữ Phật học là các phương tiện thuyết pháp hoằng hóa của Đức Phật. Đại bộ phân, thể loại kinh văn của kinh này là vô vấn tự thuyết, mở đầu bằng hai chữ rất thân quen, gần gũi: Phật Ngôn, Việt dịch là Đức Phật dạy rằng …
Vô vấn tự thuyết, loại hình thuyết pháp này được phổ biến rộng rãi, phong phú trong các kinh hệ Bắc truyền, riêng kinh hệ Nikaya rất hiếm thấy và ngay cả thuật ngữ này cũng không có trong 9 loại hình kinh hệ Nikaya.
Trong thực tế, vấn đề loại hình vô vấn tự thuyết trong hệ Nikaya vẫn còn gây nhiều tranh luận, trao đổi, chưa có sự nhất trí nào cả. Theo Đại Thừa Nghĩa Chương 1, ba loại hình Thọ ký, Vô vấn tự thuyết và Phương quảng không hề có trong 9 loại hình kinh Nam truyền. Lại cũng có thuyết cho rằng kinh Nam truyền không có ba loại hình Nhân duyên, Thí dụ, Luận nghị, chứ không phải như Đại Thừa Nghĩa Chương đã nói. Thật ra, đứng về mặt ngôn ngữ học, rõ ràng ba loại hình Thọ ký, Vô vấn tự thuyết và Phương quảng chỉ không có trong thuật ngữ kinh Nam truyền, nhưng vẫn có trong thực tế thuyết pháp của Đức Phật dù chỉ là rất ít, chẳng qua chưa được hệ thống thành loại hình thuyết pháp cụ thể mà thôi. Do đó, trên cơ bản, 12 loại hình kinh văn của Bắc truyền vẫn có chứa đựng đủ trong kinh hệ Nam truyền. Vấn đề ở chỗ các bản văn kinh Nam truyền dù đề cập rải rác trong nội dung, nhưng chưa phổ biến bằng thuật ngữ về các loại hình kinh văn Bắc truyền mà thôi.
Trở lại vấn đề Kinh Bốn Mươi Hai Chương, có đến 37 chương trên số 42 chương là loại hình vô vấn tự thuyết, 5 chương còn lại thì bắt đầu bằng ngữ thoại vấn đáp, trong đó có đến 4 chương (13, 14, 15 và 34), đương cơ tham vấn là hàng sa môn xuất gia, chỉ có chương 26, đương cơ thời pháp là thiên ma ngoại đạo.
Một cách khái quát hóa, chúng ta chỉ có thể phân tích như thế. Nhưng khi khảo sát kinh văn từng chương, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra, từ hai loại hình kinh văn đối lập này, sẽ biểu hiện dưới năm loại hình khác. Năm loại hình đó là: Thí dụ so sánh, đoản văn, vấn đáp, định nghĩa và liệt kê (ở đây, sự sắp xếp thứ tự các loại hình tùy thuộc vào tỷ lệ số lượng nhiều nhất cho đến ít nhất). Mỗi loại hình vừa nêu đều có sắc thái, đặc điểm riêng nhưng cùng chung một mục đích nhất quán là nắm căn cơ đối tượng, hướng đạo họ trở về tinh tấn, và kiên định trong lý tưởng, lập trường tu tập chánh pháp giải thoát.
1. Thí dụ và so sánh: Loại hình này chiếm tỷ lệ đặc biệt: 21 trên 42 chương (các chương 7, 8, 11, 16, 17, 21, 22, 23, 24, 25, 27, 29, 30, 33, 34, 35, 37, 39, 40, 41, 42). Trong các chương này, hình thức thí dụ so sánh như một “đẳng thức hóa” hai mệnh đề đồng nghĩa hoặc hai nguyên lý tương đồng. Bốn từ ngữ so sánh được khai thác triệt để là Như (ví như), Dụ, Dụ Như (cũng như), Thí Như (ví dụ như, chẳng hạn như). Cũng có lúc Đức Phật thí dụ so sánh bằng phương pháp “Tỷ giảo phủ định”: Bất như (chương 11). Cũng có trường hợp Đức Phật vận dụng cách “Tỷ giảo nghi vấn”: Như hà (chương 34). Trong một vài pháp thoại, Đức Phật so sánh bằng phương pháp tu từ nhấn mạnh “thậm ư”, còn hơn (chương 23) hay “mạc thậm ư”, không có gì hơn (chương 24). Rồi một lần nọ, bậc Đạo sư lại không đẳng thức hóa hai mệnh đề như các trường hợp trước, mà Ngài đối lập hóa để so sánh sự lợi hại, sự khác nhau trời vực của hai hàng đệ tử, một đàng có diễm phúc thân cận Đức Phật nhưng không hành pháp, còn một đàng tuy cách xa Đức Phật lại luôn canh cánh thực hành nên quả giác ngộ vẫn kết trái. Trong khi đó, hàng đệ tử kia thì vẫn u minh sinh tử. Cần phải thừa nhận rằng loại hình thí dụ so sánh này đáng chú ý như sự hấp dẫn, thu hút, thuyết phục đương cơ và đáng kể hơn là hiệu lực khai sáng của nó vô cùng to lớn đối với người học hỏi, tu tập.
2. Đoản văn: Sau thí dụ so sánh thì đoản văn cũng là một loại hình nổi bật: 11 trên 42 chương (các chương 3, 5, 6, 9, 16, 18, 19, 24, 25, 28, 32). Đoản văn là những câu Phật ngôn ngắn gọn súc tích, dễ nhớ, tính giáo dục và triết lý ở đó khá nhiều. Đoản văn trong Kinh Bốn Mươi Hai Chương là một loại hình nghệ thuật như vậy, không chỉ mang sắc thái của những câu tư tưởng danh ngôn mà còn thấm nhuần hương vị đạo đức, thực nghiệm giải thoát. Chính vì thế mà triết lý Phật giáo là triết lý sống, triết lý hành động và dẫn đến kết quả mỹ mãn của sự chứng đắc tâm linh. Triết lý Phật giáo là triết lý thực tiễn xa rời chủ nghĩa hoài nghi, tranh biện, lý luận. Đến với triết lý Phật giáo là đến với lời vàng, trau dồi tính chất nhân bản, để hoàn thiện, hoặc trên con đường hướng đến nhân cách siêu nhân – một con người không còn tham sân si, các pháp bất thiện, các hoặc lậu, và là từ trường của những hội tụ đạo đức, tu tập và giải thoát.
3. Vấn đáp: Vấn đáp là loại hình nghệ thuật thuyết pháp đứng thứ ba trong kinh này. Dù thể loại này chiếm tỷ lệ không nhiều lắm: 9 trên 42 chương (các chương 7, 10, 13, 14, 15, 26, 31, 34, 38) nhưng yếu tố giáo dục không phải là nhỏ. Vấn đáp trong Kinh Bốn Mươi Hai Chương, hay là các loại hình đàm đạo, trao đổi trong Phật giáo đều lấy tôn chỉ tầm cầu chân lý, chánh kiến làm chủ yếu. Ở đây, chúng ta thấy mỗi một giai thoại vấn đáp đều trở thành một bài thuyết pháp rất sinh động, lý thú và đa dạng. Có trường hợp cuộc vấn đáp thù tạc giữa Đức Phật và một người bắt đầu bằng một lời nhục mạ phỉ báng; từ bi hoan hỷ, Đức Phật chinh phục đối tượng thù nghịch thành người lương thiện hiền hòa. Loại hình vấn đáp này ta gọi là Mạ Vấn Thuyết (chương 7).
Có trường hợp Đức Phật thuyết pháp là nhằm hướng tâm tà của đương cơ muốn cám dỗ Ngài, trở về với chánh pháp. Ta gọi đó là loại hình vấn đáp Dụ Hiến Thuyết (chương 26).
Lại có nhiều trường hợp, cuộc vấn đáp đạo lý khởi nguồn từ một lời dạy hoặc một câu hỏi rồi sau lời dạy và câu hỏi đó, mới diễn ra giai thoại vấn đáp. Ta gọi loại hình vấn đáp này là Tiên Vấn Thuyết (các chương 10, 31, 34, 38).
Chỉ có loại hình vấn đáp Hữu Vấn Tự Thuyết, bắt nguồn từ tấm lòng tham cứu, học hỏi chân thành của đương cơ, rồi sau đó Đức Phật đáp lại pháp từ. Loại hình vấn đáp này xảy ra với đương cơ hoặc là Phật tử hoặc không là Phật tử nhưng hâm mộ Ngài hay là người có trí thức, văn hóa. Do đó, hữu vấn thuyết có hiệu lực đến người hỏi rất nhanh, và hướng người hỏi đến con đường thực nghiệm chánh pháp.
Bốn loại hình vấn đáp này không chỉ là những giai thoại hữu ích, mà còn là giai thoại giáo dục đạo đức nhân bản đắc lực, dẫn đến thực hành, chớ không phải là những câu chuyện huyền đàm, nhảm nhí vô ích.
4. Định nghĩa: Định nghĩa cũng là một loại hình thuyết pháp đáng kể trong Kinh Bốn Mươi Hai Chương. Tỷ lệ loại hình này là 6 trên 42 chương (các chương 1, 2, 3, 4, 14, 15). Vừa ngắn gọn, súc tích, vừa hấp dẫn, dễ thu hút đối với người học, người nghe. Ngoài ra, nó còn gây ấn tượng mạnh làm cho người học, người nghe dễ thuộc, dễ nhớ.
Loại hình định nghĩa này xoay quanh các vấn đề chính như: Sa môn là gì? Nội dung, hình thức sa môn Thích tử khác với sa môn ngoại đạo như thế nào? Bốn quả Thánh mà sa môn Thích tử chứng đắc do quá trình tu tập là như thế nào? Chương 1 sẽ định nghĩa và giải thích các câu hỏi đó.
Đến chương 2, định nghĩa sa môn được phong phú hóa, đặc sắc hóa ở khía cạnh khác, liên quan đến định nghĩa Đạo, Đạo theo quan niệm Bắc truyền. Cũng từ sắc thái này dẫn đến nét minh họa cho định nghĩa gắn liền với sa môn ở chương 3 – một biện chứng tương quan rất logic.
Đề cập đến vấn đề thiện ác, chương 4 định nghĩa thiện là những hành vi đạo đức, ác là những hành vi phi đạo đức và phân loại ba cơ năng thể hiện các hành vi này là thân, khẩu, ý. Vì thế định nghĩa thiện ác ở chương này thật sự đã đề cập đến đạo đức nhân bản Phật giáo.
Đến chương 14, phạm trù ý nghĩa thiện được nhắc lại lần nữa, nhưng phong phú và đặc sắc hơn. Kèm theo đó là lời giải thích về khái niệm “vĩ đại” trong Phật giáo.
Và cuối cùng ở chương 15, nhẫn nhục được định nghĩa như là một sức mạnh vô song và nhất thiết trí – trí tuệ viên mãn được định nghĩa là loại ánh sáng vi diệu nhất, chói sáng nhất.
5. Liệt kê: Loại hình kinh văn này chiếm tỷ lệ ít nhất trong các loại hình đã nêu: 2 trên 42 chương (chương 12, 36), nhưng lại là loại hình có nội dung được đề cập nhiều nhất bởi các vấn đề khác nhau.
Chương 12, Đức Phật liệt kê ra 20 điều khó làm, khó được và hạnh khó hành, khó đắc của kiếp người. Chính vì thế, loại hình liệt kê này mang tính nhân bản và đề cao nhân bản theo đúng nghĩa và sâu sắc.
Lần đầu tiên trong lịch sử tư tưởng nhận thức, chỉ với Phật giáo, người ta mới nhận chân được thế nào là một nhân bản đích thực, thế nào là một nhân bản giáo dục đạo đức và cũng cần nhấn mạnh rằng phải là loại nhân bản này, chúng ta mới thấy được sự hiện hữu của con người là diễm phúc, và đạo đức con người mới là giá trị tinh thần bổ ích duy nhất.
Đến chương 36, loại hình liệt kê này lại phổ quát ở vấn đề nhân bản với tám phạm trù khác, nhằm bổ sung, phong phú hóa nhận thức và tri kiến tuệ giác. Chính do vậy, nhân bản Phật giáo mang tính chất rất người, rất đạo đức, rất nhân quả, chứ không hề nhuốm màu thần linh, phàm tục và tà kiến.

 
00:00