PHẦN 1: TỔNG QUAN VỀ VĂN HỌC PÀLI - Chương II: Ngôn Ngữ Pàli

    Toàn bộ văn liệu Phật giáo Thượng tọa bộ mà ta có ngày nay được viết bằng tiếng Pàli, một trong số các thứ tiếng được xem thuộc nhóm ngôn ngữ Indo-Aryan Trung kỳ. Cho đến nay nhiều công trình nghiên cứu Pàli đã được thực hiện, tuy nhiên ý nghĩa gốc của từ “Pàli” vẫn còn là vấn đề tranh luận giữa các học giả. Nhiều giả thiết và quan điểm khác nhau không ngừng được nêu ra xoay quanh nguồn gốc và quê hương của tiếng Pàli.

    Theo một số học giả thì từ Pàli bắt nguồn từ pamkti qua quá trình tiến hóa của từ này: pamkti -> pamti -> pamli -> palli -> pàli, hay pamkti -> patti -> patti -> palli -> pàli. Pamkti là danh từ dùng để chỉ các văn cú thuộc văn học Kinh tạng và đôi khi nó cũng ám chỉ cả Kinh tạng. Ban đầu Pàli là một từ phái sinh của từ pamkti, thường dùng để chỉ các văn cú Tam tạng (Tipitaka) và các tác phẩm liên hệ. Qua thời gian, ngôn ngữ của những tác phẩm ấy được mệnh danh là Pàli. Tác phẩm Visuddhimagga của Buddhaghosa và vài nơi trong bản sớ giải bộ luận Puggalapannatti của ngài đề cập thuật ngữ Pàli được dùng để chỉ cho kinh điển Phật giáo. Tương tự, Cùlavamsa cũng cho thấy thuật ngữ Pàli được dùng trong tác phẩm này để chỉ các bản kinh nguyên thủy của đạo Phật. 

    Một số học giả khác thì cho rằng Pàli phát xuất từ chữ pallì tiếng Sanskrit, có nghĩa là một ngôi làng hay hay một thành phố và như vậy nó ám chỉ một loại ngôn ngữ quần chúng ở các vùng nông thôn. Tuy nhiên các ý kiến khác thì cho rằng pallì chỉ tiêu biểu cho một giai đoạn tiến hóa của từ pamkti.

    Lại nữa, có một số quan điểm cho rằng Pàli phát xuất từ chữ Pàtaliputra bởi sự tương đồng về mặt ngữ âm giữa hai từ Pàli và Pàtali. Tuy nhiên, theo S. C. Banerji,(1) Pàtaliputra là tên một thành phố ở Magadha, mà các ngôn ngữ nói thì thường mang tên các vùng làng mạc thôn quê hơn là các thành phố. Vì thế việc đặt tên Pàli theo tên thành phố Pàtaliputra dường như không mấy hợp lý. Tương tự, quan điểm cho rằng Pàli được gọi theo tên Palàsa, tên gọi xưa của Magadha, là không ổn.

    Mặc dù được xếp vào nhóm ngôn ngữ Indo-Aryan Trung kỳ, nguồn gốc và quê hương của tiếng Pàli vẫn còn là vấn đề gây nhiều tranh luận. Vấn đề khó giải quyết nằm ở chỗ Pàli chỉ gắn với văn học kinh điển Phật giáo và theo các học giả(2) thì cho đến thế kỷ thứ sáu hay thứ bảy Tây lịch Pàli dường như đã không được biết đến như một tên gọi chỉ cho bất kỳ loại ngôn ngữ nào. Theo truyền thống Tích Lan được lưu trong truyện tích Màgadhinirutti thì Pàli là tên gọi của ngôn ngữ Magadha (Ma Kiệt Đà) và do đó Pàli không gì khác chính là Màgadhì, ngôn ngữ xứ Magadha. Các nhà Thượng tọa bộ Tích Lan  cố bảo lưu quan điểm này bởi theo họ các hoạt động truyền giáo của đức Phật được thực hiện phần lớn ở Magadha và bởi sự kiện rằng đạo Phật đã được truyền vào xứ sở của họ trực tiếp từ Magadha. Dĩ nhiên các nhà Thượng tọa bộ Tích Lan có cơ sở để tin như vậy bởi họ được củng cố một phần bởi các nguồn tài liệu Kinh tạng cho thấy các hoạt động của đức Phật phần lớn diễn ra ở Magadha và phần khác bởi các thông tin do Buddhaghosa cung cấp. Tuyển tập Cullavagga thuộc Luật tạng Pàli đề cập sự kiện đức Phật cho phép các tỷ kheo học giáo lý của ngài bằng tiếng mẹ đẻ (Anujànàmi bhikkhave sakàya niruttiyà Buddhavacanam pariyàpunitum: Ta cho phép các ngươi, này các tỷ kheo, học Phật pháp bằng ngôn ngữ của chính mình). Trong các bản sớ giải của mình, Buddhaghosa giải thích chữ sakànirutti trong văn cảnh là ngôn ngữ của đức Phật, nghĩa là Màgadhì, trong khi H. Oldenberg và Rhys Davids dịch chữ sakànirutti là ngôn ngữ cá nhân của các tỷ kheo. Các cứ liệu này rất quan trọng đối với các nhà Thượng tọa bộ Tích Lan vì chúng tạo cơ sở khiến họ tin tưởng cứng nhắc rằng Tam tạng Pàli được chép bằng ngôn ngữ mà chính đức Phật đã sử dụng, nghĩa là Màgadhì, và vì thế chỉ một mình Tam tạng ấy là đại diện cho kinh điển chính thống. Chính vì lý do này mà truyền thống Tích Lan gọi Màgadhì là Mùlabhàsà hay ngôn ngữ gốc. Tuy nhiên theo các nghiên cứu Pàli về phương diện ngữ học được tiến hành ở châu Âu cuối thế kỷ thứ 19 thì Pàli không phải là một ngôn ngữ nói ở Magadha hay bất cứ nơi nào khác.(3) Giải thích của Buddhaghosa về lời dạy của đức Phật cho các tỷ kheo xem ra cũng không hợp với tinh thần không chấp trước ngôn ngữ của bậc Đạo sư và mục tiêu mở rộng chánh pháp của ngài. Tiến sĩ Barua gợi sự chú ý của độc giả về tinh thần lời dạy của đức Phật trong Cullavagga bằng cách dẫn một đoạn trong bài kinh Aranavibhanga (Vô tránh phân biệt), Trung bộ, đề cập sự kiện đức Phật khuyên các học trò của mình không nên chấp trước địa phương ngữ (janadapanirutti) và không nên đi quá xa ngôn ngữ thường dùng (samanna). B. C. Law dẫn đoạn văn trong Cullavagga nêu rõ bối cảnh trong đó đức Phật đã cho phép các tỷ kheo học giáo lý của ngài bằng tiếng mẹ đẻ để giải thích chữ sakànirutti thực sự là ngôn ngữ mà mỗi tỷ kheo có thể dùng để giao tiếp hay diễn đạt được thuận lợi, một ngôn ngữ hay lối diễn đạt không phải của chính đức Phật nhưng là một ngôn ngữ mà các tỷ kheo thuộc nhiều thành phần khác nhau có thể sử dụng.(4) 

    B. C. Law cũng cho rằng truyền thuyết về Ngôn ngữ Màgadhì (Màgadhinirutti) chỉ là một sáng tạo của các tỷ kheo Tích Lan, nếu không muốn nói đích xác là của Buddhaghosa, bởi theo ông người ta sẽ không tìm thấy, qua tất cả các bản kinh và các ghi chép sớm nhất của Phật giáo, bất kỳ chứng cứ nào cho thấy Màgadhì là ngôn ngữ đức Phật đã từng dùng như là phương tiện diễn đạt duy nhất và ngài không dùng các ngôn ngữ khác trong việc giảng dạy.(5) V. Weighty và một vài học giả khác cũng không đồng tình với quan điểm của các nhà Tích Lan cho rằng Pàli là một hình thái địa phương ngữ của Màgadhì hay có nền tảng từ Màgadhì bởi rất nhiều sự khác nhau giữa Pàli và Màgadhì được tìm thấy trong các bia ký, kịch nghệ và các ngữ pháp Pràkrit. Theo các vị này thì Màgadhì không thể là nền tảng của tiếng Pàli và Pàli cũng không thể được xem là một địa phương ngữ của Màgadhì.(6)

    Khác với quan điểm của B. C. Law và V. Weighty, James Alwis xem ra rất đồng tình với truyền thống Tích Lan khi cho rằng Pàli là ngôn ngữ Magadha. Theo Alwis, Pàli là một trong số các ngôn ngữ được sử dụng phổ biến ở Ấn Độ lúc bấy giờ. Ông cũng nói thêm rằng vào thời đức Phật Gautama có 16 ngôn ngữ thịnh hành ở Ấn Độ trong đó Màgadhì chiếm ưu thế. Con số 16 ngôn ngữ này có lẽ được Alwis đưa ra dựa vào một thông tin rút ra từ Anguttara Nikàya đề cập về 16 quốc gia (mahàjanadapa) có mặt ở Ấn Độ dưới thời đức Phật?(7) Alwis cho rằng các kinh điển Phật giáo Tiểu thừa đã được viết bằng tiếng Màgadhì. Theo ông, Màgadhì đích thực là tên gọi cổ xưa và chính xác của Pàli và sự hiện diện của 35 tác phẩm ngữ pháp Pàli ở Tích Lan cho thấy tầm quan trọng của loại ngôn ngữ này.

   Các học giả Westergaard và E. Kuhn xem Pàli là ngôn ngữ Ujjayinì bởi sự tương đồng được tìm thấy giữa tiếng Pàli và ngôn ngữ các bia ký Girnar của Asoka và bởi sự kiện rằng Ujjain được xem là ngôn ngữ quê ngoại của Mahinda, người đã trải qua thời niên thiếu của mình ở Ujjenì và sau đó trực tiếp giới thiệu đạo Phật vào Tích Lan. Nhà ngữ học R. O. Franke nêu quan điểm tương tự về quê hương của Pàli nhưng theo một cách lý giải khác. Trong sự nỗ lực nhằm định ra quê hương của tiếng Pàli bằng cách loại trừ các địa phương ngữ không được xem là cơ sở của nó, Franke sau cùng đi đến kết luận rằng quê hương chính của Pàli là một vùng đất khá rộng kéo dài từ khoảng giữa cho tới phía tây dãy Vindhya. Lập luận này của Franke cho thấy Ujjayinì là trung tâm của vùng đất nằm ở chặng giữa cho tới phía tây rặng núi Vindhya. Học giả Sten Konow cũng thiên về quan điểm xem vùng Vindhya là quê hương của tiếng Pàli bởi ông cho rằng giữa Pàli và Paisàcì có một mối liên hệ rất mật thiết, và ông xem quê hương gốc của tiếng Paisàcì không phải ở Tây Bắc Ấn mà ở vùng Ujjayinì.

    Sau khi đưa ra hầu hết các quan điểm của các học giả về nguồn gốc và quê hương của Pàli và đề nghị loại bỏ các giả thiết về Màgadhì, B. C. Law sau cùng đi đến kết luận rằng Pàli dựa vào một hình thái của các địa phương ngữ Tây Ấn, đặc biệt là hình thái phù hợp với ngôn ngữ các bia ký Girnar của Asoka và trong chừng mực nào đó phù hợp với ngôn ngữ Saurasenì mà các nhà ngữ pháp đã nói tới.(8) 

    Học giả H. Oldenberg xem Pàli là ngôn ngữ xứ Kalinga bởi theo ông Kalinga là xứ sở từ đó đạo Phật được truyền sang Tích Lan và bởi sự so sánh của ông giữa tiếng Pàli và bia ký Khandagiri. Oldenberg không chấp nhận truyền thống Tích Lan cho rằng Phật giáo được truyền vào đảo này do công của Mahinda. Theo ông, đạo Phật và Tam tạng Phật giáo được giới thiệu vào Tích Lan theo tiến trình tiếp xúc giữa đảo Tích Lan và vùng lục địa lân cận nó, tức là Kalinga, trong một thời gian dài. Oldenberg tìm thấy một số điểm gặp gỡ căn bản giữa Pàli và bia ký Khandagiri và do đó ông cho rằng quê hương tiếng Pàli phải được xem xét ở phía nam dãy Vindhya hơn là phía bắc. E. Mulle.(9) cũng đồng quan điểm với Oldenberg xem Kalinga là quê hương của Pàli, bởi ông cho rằng những sự định cư xưa nhất ở Tích Lan hẳn đã bắt nguồn từ vùng lục địa đối diện với nó chứ không phải bởi cư dân các vùng Bengal hoặc ở vùng lân cận.

    Rhys Davids nêu quan điểm rằng Pàli là một ngôn ngữ văn học dựa trên ngôn ngữ nói của xứ Kosala.(10)  Theo Rhys Davids, vào thế kỷ thứ bảy và thứ sáu trước Công nguyên đã tồn tại ở Ấn Độ một ngôn ngữ nói Kosala rất chuẩn mà đức Phật đã từng dùng và khoảng một thế kỷ sau đó phần lớn các bản kinh Pàli được biên tập. Rhys Davids cho rằng các bia ký Asoka chứng minh sự hiện diện của một ngôn ngữ chuẩn xác mà ngôn ngữ ấy chính là hậu sinh của chuẩn ngữ Kosala. Tuy nhiên quan điểm của Davids không được Tiến sĩ Keith chấp nhận bởi sự kiện rằng ngôn ngữ Magadha thời Asoka không thể là ngôn ngữ Kosala và bởi chúng ta không biết đích xác loại ngôn ngữ nào đức Phật đã sử dụng, giữa Kosala và Magadha.(11)

    Ý kiến của Windisch nghiêng về truyền thống Tích Lan và George Grierson cũng đồng tình với Windisch cho rằng ngôn ngữ văn học Pàli là tiếng Màgadhì. M. Winternitz(12) ủng hộ quan điểm này bởi theo ông Pàli là một ngôn ngữ văn học độc nhất được các Phật tử sử dụng và đã xuất hiện như mọi ngôn ngữ văn học ít nhiều pha trộn với các ngôn ngữ khác. Một ngôn ngữ văn học như thế, theo Winternitz, hẳn đã bắt nguồn từ một ngôn ngữ chuẩn xác, và Màgadhi rất có thể đã là ngôn ngữ ấy bởi dù không được chấp nhận về mặt văn học nhưng về cơ sở lịch sử Pàli có thể xem là đồng nghĩa với Màgadhì. Ngôn ngữ văn học Pàli đã phát triển dần dần và có lẽ đã ổn định vào thời điểm nó được dùng để viết Tam tạng ở Tích Lan dưới thời vua Vattagàmanì.

    Giống như quan điểm của Winternitz, tính chất pha trộn của ngôn ngữ Pàli là điều được phần lớn các học giả quan tâm. Giáo sư Turner nói rằng theo một số học giả, ý nghĩa Pàli đã được mở rộng để phủ kín tất cả các ngôn ngữ Ấn Độ Trung kỳ cùng họ hàng với nó như được tìm thấy trong các bia ký và các tài liệu khác. Trong các bản kinh Pàli xưa nhất, Pàli là một ngôn ngữ pha trộn các hình thái địa phương ngữ, một số trộn chung với các ngôn ngữ vùng tây bắc và phía đông, số khác chỉ thuần các ngôn ngữ phía đông. Windisch gọi Pàli là Àrdha-Màgadhì, nghĩa là phân nửa Màgadhì. W. Geiger cho rằng Pàli không phải Àrdha-Màgadhì mà chỉ là một loại Àrdha-Màgadhì. W. Geiger cũng cho rằng Pàli không phải là một ngôn ngữ thuần nhất mà bao hàm các yếu tố của nhiều ngôn ngữ khác nhau trong đó Màgadhì chiếm phần lớn. Theo W. Geiger,(13) Pàli đáng được xem như một dạng của Màgadhì, tức ngôn ngữ mà đức Phật đã dùng để thuyết giảng. Thứ ngôn ngữ này chắc chắn không phải là một ngôn ngữ bình dân mà là một ngôn ngữ của các tầng lớp có văn hóa và học thức cao đã từng có mặt trước thời kỳ Phật giáo do các nhu cầu thông tin giao tiếp ở Ấn Độ. Mặc dù không phải là người Magadha, đức Phật hoạt động phần lớn ở Magadha và các quốc gia lân cận và như vậy ngôn ngữ Màgadhì hẳn đã ghi đậm dấu ấn đặc trưng của nó lên ngôn ngữ của ngài. Học giả S. C. Banerji cũng có chung nhận xét: “Ngôn ngữ mà đức Phật dùng để truyền bá giáo pháp của ngài có lẽ đã thịnh hành từ trước thời đại của ngài. Có lẽ bậc Đạo sư đã xem một ngôn ngữ như vậy là phương tiện thích hợp cho việc truyền bá giáo lý của ngài. Đương nhiên các đặc điểm của các ngôn ngữ khác cũng đã len lỏi vào một ngôn ngữ phổ biến rộng rãi như thế. Dù không phải là một người Magadha, đức Phật đã hoạt động chính ở Magadha và chung quanh xứ sở này. Do đó, thật hết sức tự nhiên rằng Màgadhì đã ảnh hưởng lên ngôn ngữ của ngài với một mức độ lớn hơn bất kỳ ngôn ngữ địa phương nào khác.”(14)

    Tóm lại, Pàli là một ngôn ngữ dẫn đến nhiều giả thuyết và tranh luận và thực sự chưa có một kết luận chắc chắn và thỏa đáng về nguồn gốc hay quê hương của nó. Lịch sử lâu đời của nó cộng thêm tính chất pha trộn với nhiều ngôn ngữ khác bởi ảnh hưởng rộng lớn của Phật giáo và bởi khả năng dung nhiếp của tôn giáo này lên mọi hình thái văn hóa đã khiến cội nguồn của nó càng trở nên khó xác định. Nhiều giả thiết và quan điểm khác nhau được nêu ra cho thấy tính chất phức tạp của vấn đề. Truyền thuyết Màgadhinirutti của Tích Lan và quan điểm Pàli là một hình thái nào đó của Màgadhì xem ra chiếm ưu thế hơn trong số các vấn đề được đưa ra liên quan đến xứ sở gốc của Pàli. Tuy nhiên, số đông chưa hẳn là số đúng. Và các ý kiến riêng rẽ cũng không phải không có cơ sở và đáng xem xét. Chúng ta khó chấp nhận một quan điểm hoàn toàn dựa vào truyền thống và ít nhiều cứng nhắc của các Phật tử Tích Lan, tuy nhiên chúng ta cũng không thể phủ bác một cách tuyệt đối, giống như B. C. Law, về truyền thuyết Màgadhinirutti của các nhà Thượng tọa bộ xứ sở đảo Sư tử. Sự hiện diện của đạo Phật và Kinh tạng Pàli ở Tích Lan là một sự kiện lịch sử ít nhiều gắn với công cuộc truyền bá Phật pháp của các tỷ kheo dưới thời Asoka. Từ Magadha đạo Phật trực tiếp đến Tích Lan do công của Mahinda. Magadha là xứ sở hoạt động chính của đức Phật và là căn cứ địa lâu đời của Phật giáo. Magadha cũng là nơi diễn ra cuộc hội nghị kiết tập kinh điển lần thứ ba của đạo Phật ngay trước thời điểm tôn giáo này được giới thiệu sang Tích Lan. Như vậy, giả thiết rằng Màgadhì là nguồn gốc của tiếng Pàli  hay Pàli có cơ sở từ ngôn ngữ Màgadhì cũng không phải hoàn toàn không có căn cứ. Hơn nữa, Pàli là một ngôn ngữ văn học chuẩn xác đã được chọn để lưu giữ lời dạy của bậc Đạo sư và cũng là phương tiện thông tin của một trường phái Phật giáo mang đậm bản sắc Phật giáo nguyên thủy. Một ngôn ngữ văn học chuẩn xác hẳn là kết quả của sự nỗ lực liên tục lâu dài và có mục đích. Phải chăng khoảng thời gian đạo Phật bắt đầu thiết lập căn cứ địa của nó ở Magadha rồi từ Magadha đến Tích Lan là đủ để cho một ngôn ngữ địa phương như Màgadhì trở thành một ngôn ngữ văn chương chuẩn xác với sự nỗ lực không ngừng của các thế hệ Phật tử? Và phải chăng Kinh tạng Pàli đã là một nỗ lực có ý thức của các tỷ kheo Tích Lan trong việc phản ánh lời dạy của bậc Đạo sư trong hình thức nguyên thủy của nó?

    Sau cùng, nếu chấp nhận Pàli có nguồn gốc từ ngôn ngữ Màgadhì thì câu hỏi được đặt ra là bắt đầu từ lúc nào thì các tác giả Tam tạng Pàli mô phỏng theo kiểu mẫu đầu tiên đã diễn dịch bằng tiếng Màgadhì mà kiết tập thành văn những lời Phật dạy? Trước hay sau khi Mahinda đến Tích Lan? Học giả M. L. Renou, sau khi so sánh ngữ pháp Pàli trong các kinh văn xưa nhất với ngữ pháp Pàli trong một số văn bia Asoka, cho rằng thời kỳ thành văn của tiếng Pàli xảy ra sau thời kỳ văn bia Asoka, vì văn pháp trong các kinh văn ấy tân tiến hơn nhiều.(15)

 

 


(1). S. C. Banerji, An Introduction to Pàli Literature, tr. 14. 

(2). B. C. Law, A History of Pàli Literature, tập I, tr. ix; S. C. Banerji, An Introduction to Pàli Literature, tr. 15.              

(3).  O. V. Hinuber, A Handbook of Pàli Literature, tr. 5. 

(4). B. C. Law, A History of Pàli Literature, tr. xiii-xiv.    

(5). B. C. Law, A History of Pàli Literature, tr. xi.             

(6). W. Geiger, Pàli Literature and Language, tr. 3; S. C. Banerji, An Introduction to Pàli Literature, tr. 15.       

(7). 16 quốc độ (mahàjanadapa) được đề cập trong bài kinh Các lễ Uposatha, Tăng chi bộ, Chương ba pháp, gồm Anga, Magadha, Kàsì, Kosala, Vajjì, Mallà, Cetì, Vangà, Kurù, Pancàlà, Macchà, Surasenà, Assakà, Avantì, Gandhàrà, Kambojà.               

(8). B. c. Law, A History of Pàli Literature, tập I, tr. xxv. 

(9). E. Muller, Simplified Garammar of the Pàli Language, London, 1884, tr. iii.       

(10). T. W. Rhys Davids, Buddhist India, tr. 153-154.      

(11). B. C. Law, A History of Pàli Literature, tr. xii.          

(12). M. Winternitz, History of Indian Literature, tập II, tr. 14.         

(13). W. Geiger, Pàli Literature and Language, tr. 4-5.       

(14). S. C. Banerji, An Introduction to Pàli Literature, tr. 16.             

(15).  Xem Cao Hữu Đính, Văn học sử Phật giáo, tr. 49.    

 
00:00