Văn tạng Pàli hay văn học Kinh tạng Pàli bao gồm các tác phẩm Kinh, Luật, Luận Phật giáo được viết bằng tiếng Pàli hay còn gọi là Tam tạng Pàli (Pàli tipitaka) được gìn giữ và lưu truyền trong truyền thống Phật giáo Thượng tọa bộ. Về phương diện lịch sử, Tam tạng Pàli thuộc Phật giáo Thượng tọa bộ tiêu biểu cho sự hợp tuyển sớm nhất và hoàn bị nhất của văn chương Phật giáo.(1) Mặc dù được chép thành văn bản khoảng cuối thế kỷ thứ nhất trước Tây lịch, Tam tạng Pàli chứa đựng ít nhiều những lời dạy nguyên thủy của bậc Đạo sư cùng những sự kiện tôn giáo và xã hội gần gũi nhất với cuộc đời và thời đại của ngài.
Văn học Kinh tạng Pàli được phân thành ba phần gồm Kinh tạng (Sutta-pitaka), Luật tạng (Vinaya-pitaka) và Luận tạng (Abhidhamma-pitaka). Kinh tạng tiêu biểu cho cơ sở giáo lý của đức Phật. Luật tạng tiêu biểu cho cơ sở giới luật do bậc Đạo sư ban hành nhằm hướng dẫn nếp sống kỷ cương của các tỷ kheo và quy định các hoạt động của Tăng già. Luận tạng tiêu biểu cho cơ sở triết học và tâm lý học Phật giáo. Chữ tipitaka dùng để chỉ Tam tạng Kinh, Luật, Luận Phật giáo là danh từ ghép gồm hai từ ti (ba) và pitaka (tạng). Theo học giả B. C. Law, pitaka có nghĩa là cái giỏ chứa đựng các bản thảo. Nghĩa thứ hai của từ pitaka là sự truyền thừa truyền thống.(2) Trong sự phân loại về tam tạng, Kinh tạng (Sutta-pitaka) tiêu biểu cho hệ thống giáo lý của đức Phật bao gồm nhiều bài kinh hay pháp thoại (sutta) do bậc Đạo sư thuyết giảng chỗ này chỗ kia cho nhiều đối tượng khác nhau hoặc do các đệ tử của ngài trình bày. Tất cả những lời dạy hay pháp thoại mang tính triết lý và đạo đức rút ra từ những buổi nói chuyện hay thuyết giảng của đức Phật, từ những cuộc trao đổi, thảo luận, đối thoại hay đàm luận của ngài và của các môn đệ ngài được gọi là Pháp (Dhamma) và được xếp vào thể loại Kinh tạng. Như vậy, Kinh tạng khác với Luật tạng và Luận tạng ở chỗ nó tiêu biểu cho cơ sở giáo lý, trong khi Luật tạng tiêu biểu cho cơ sở giới luật và Luận tạng tiêu biểu cho cơ sở triết học và tâm lý học.
KINH TẠNG PÀLI:
ĐÔI ĐIỀU VỀ LỊCH SỬ
Có thể nói rằng lịch sử Kinh tạng được đánh dấu bởi quyết định lên đường thuyết pháp độ sinh của bậc Đạo sư ngay sau ngày ngài thành đạo dưới cội cây Assattha với lời tuyên bố: “Cửa bất tử rộng mở, cho những ai lắng nghe.” Nguồn tài liệu Mahàvagga thuộc Luật tạng Pàli và bản kinh Thánh cầu (Ariyapariyesanasutta), Trung bộ, cho chúng ta biết Isipatana thuộc cổ thành Barànàsì là địa danh đức Phật thuyết giảng bài pháp đầu tiên của ngài nói về Tứ diệu đế (Dhammacakkappavattana). Bài pháp thứ hai nhấn mạnh về tính chất Vô ngã của ngũ uẩn (Anattalakkhana) cũng được ngài thuyết giảng tại địa điểm này, vài ngày tiếp theo sau bài pháp thứ nhất. Chắc chắn đây là những bài pháp nổi tiếng và có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp thuyết pháp của đức Phật bởi chúng đánh dấu bước thành công đầu tiên của ngài trên con đường thuyết pháp độ sinh và sự kiện thành lập Tăng già. Một vài cuộc nói chuyện hay đối thoại của ngài từng xảy ra trước đó nhưng không được xem là các bài pháp đầu tiên, có lẽ do chúng không gắn với những sự kiện quan trọng. Các học giả Phật giáo thường xếp bài kinh Àdittapariyàya vào vị trí bài pháp thứ ba, hẳn cũng do bản kinh gắn liền với sự kiện quan trọng trong sự nghiệp giáo hóa của bậc Đạo sư hơn là mang tính trình tự lịch sử. Sự kiện đức Phật chuyển hóa ba vị đạo sư Jatila cùng 1000 môn đồ của họ ở Uruvelà bằng bài pháp thoại Àdittapariyàya vài tháng sau khi ngài giác ngộ đáng nhấn mạnh hơn các câu chuyện ngài hóa độ cho Yasa, thân quyến và đám bạn bè của người thanh niên này tại Barànàsì. Diễn biến lịch sử và cách ghi chép các sự kiện quan trọng gắn với công cuộc thuyết pháp của bậc Đạo sư gợi cho chúng ta ý tưởng rằng từ rất sớm các học trò đệ tử của đức Phật đã chú ý lưu lại những bài pháp quan trọng của ngài.
Chắc chắn có nhiều pháp thoại bị bỏ sót hoặc không được ghi lại đầy đủ; chẳng hạn, nội dung câu chuyện hóa độ cho gia đình Yasa nói rằng đức Phật tuần tự giảng về bố thí (dàna), trì giới (sìla), về chư thiên (sagga/deva), sự nguy hiểm của các dục (kàmànam àdìnava) và lợi ích của việc từ bỏ (kàmànam nissarana), sau cùng ngài nói đến bốn sự thật cao cả hay tứ thánh đế gồm khổ (dukkha), tập (samudaya), diệt (nirodha), đạo (magga)… cho thấy pháp thoại này không được ghi nhớ đầy đủ và để bù lấp khoảng trống này một công thức thuyết giảng mang tính quy ước đã được đưa vào về sau. Hẳn cũng không quá lời khi ta nói rằng một số tình tiết và sự kiện đã được thêm vào về sau bởi các nhà biên tập để cho từng bài pháp hay câu chuyện được diễn tiến suôn sẻ, thậm chí một số bản kinh cũng được sáng tạo thêm về sau, như Giáo sư Rhys Davids đã lưu ý.(3) Tiến sĩ N. Dutt đã chỉ ra rằng ‘tạng kinh Pàli chắc chắn đã trải qua nhiều lần biên tập với nhiều thêm bớt trước khi nó trở thành dạng bản mà chúng ta có hiện nay.’(4) Bố cục hợp lý của các bài kinh cho thấy sự nỗ lực lớn về mặt văn học của các thế hệ học trò đệ tử đức Phật.
Theo các tài liệu văn học và chứng cứ khảo cổ học thì Kinh tạng Pàli được lưu giữ khá chu đáo và được biên tập rất sớm. Câu chuyện tôn giả Ànanda chú tâm ghi nhớ đầy đủ các bài pháp của bậc Đạo sư và sự kiện các tỷ kheo chuyên tụng đọc và học thuộc lòng các bản kinh chứng tỏ giáo lý của đức Phật được quan tâm lưu giữ cẩn thận. Việc phân loại giáo lý cũng được thực hiện rất sớm dưới hình thức các thể loại văn chương và các nhóm pháp số. Theo tài liệu Dìpavamsa thì tại cuộc hội nghị lần thứ nhất được tổ chức ở Ràjagaha chỉ mấy tháng sau khi đức Phật nhập Niết bàn, Trưởng lão Kassapa đã lần lượt hỏi Tôn giả Ànanda về năm bộ kinh Nikàya, bắt đầu bằng bài kinh Phạm võng (Brahmajàla), Trường bộ. Thông tin này cho thấy Kinh tạng Pàli đã được sưu tập và biên soạn rất sớm. Hẳn nhiên không thể cho rằng tất cả năm bộ Nikàya mà ta có hiện nay đã được tụng đọc tại cuộc hội nghị lần này, bởi nhiều cứ liệu trong Kinh tạng Pàli hiện tại không cho phép ta đi đến kết luận như vậy. Tuy nhiên, ta không thể phủ nhận nhiều pháp thoại hay bài kinh (sutta) trong các Nikàya hiện tại đã được tụng đọc tại kỳ kiết tập Ràjagaha và sự phân chia Kinh tạng Pàli thành năm bộ hẳn đã được thực hiện rất sớm. Buhler đã lưu ý tới sự xuất hiện của từ ‘petakì’ (nghĩa đen là người nắm bắt các tạng (kinh hay luật) hay một Tỷ-kheo thông thạo một hay nhiều tạng) trong các bi ký Bharhut, gợi ý rằng các bản kinh đã được viết ra trước khi bi ký này được khắc.(5) Trong các sớ giải của mình, Buddhaghosa dựa vào tài liệu Dìpavamsa và các thông tin Milindapanha khi nói về các trường phái tụng đọc các Nikàya mà ngài cho là xuất hiện rất sớm ngay sau khi đức Phật nhập Niết bàn và trong kỳ kiết tập lần thứ nhất. Giáo sư G. C. Pande đã nỗ lực rất lớn về phương diện nghiên cứu phân tích và xác định niên đại phần lớn năm bộ kinh Nikàya, một việc làm đem lại nhiều kết quả nghiên cứu giá trị, và theo học giả này thì vào thế kỷ thứ tư trước Tây lịch, phần lớn năm bộ Nikàya đã có mặt.(6)
Các học giả T. W. Rhys Davids và B. C. Law cũng đã nỗ lực lớn khi đưa ra danh mục các tuyển tập Kinh tạng tính từ thời đức Phật cho đến thời đại thời Asoka. Theo T. W. Rhys Davids thì thứ tự Kinh tạng gồm có Trường bộ kinh (Dìgha Nikàya), Trung bộ kinh (Majjhima Nikàya), Tăng chi bộ kinh (Anguttara Nikàya), Tương ưng bộ kinh (Samyutta Nikàya); riêng Tiểu bộ kinh (Khuddaka Nikàya) có thứ tự niên đại tuần tự như sau: Kinh tập (Suttanipàta), Trưởng lão Tăng kệ (Theragàthà), Trưởng lão Ni kệ (Therìgàtha), Phật tự thuyết (Udàna), Tiểu tụng (Khuddakapàtha), Bổn sinh (Jàtaka), Pháp cú (Dhammapada), Nghĩa thích (Niddesa), Phật thuyết như vậy (Itivuttaka), Vô ngại giải (Patisambhidà), Ngạ quỷ sự (Petavatthu), Thiên cung sự (Vimànavatthu), Truyện tích (Apadàna), Sở hàng tạng (Cariyàpitaka), Phật sử (Buddhavamsa).(7) Chi tiết hơn, B. C. Law xem xét niên đại các tuyển tập Kinh tạng rồi đưa ra danh mục thứ tự gồm: Trường bộ kinh tập I, Trung bộ kinh, Tương ưng bộ kinh, Tăng chi bộ kinh, Trường bộ kinh tập II và III, Trưởng lão Tăng kệ, Trưởng lão Ni kệ, Tuyển tập 500 chuyện Bổn sanh, Vô ngại giải, Thiên cung sự, Ngạ quỷ sự, Pháp cú, Tiểu nghĩa thích, Đại nghĩa thích, Phật tự thuyết, Phật thuyết như vậy, Kinh tập, Phật sử, Sở hành tạng, Truyện tích, Tiểu tụng.(8)
Về sự phân loại thì bốn Nikàya đầu xem ra không có nhiều thay đổi, có lẽ do tính cổ xưa và ổn định của chúng; riêng Tiểu bộ kinh có đôi lần thay đổi về cách phân loại, cho thấy khả năng biên tập muộn hơn của chúng so với các Nikàya đầu. Theo Buddhaghosa thì các nhà tụng đọc Trường bộ (Dìghabhànakà) xếp các tác phẩm thuộc Tiểu bộ (Khuddakanikàya) sau Luận tạng (Abhidhammapitaka) và danh mục Tiểu bộ ở đây chỉ có 12 tập gồm Jàtaka, Mahàniddesa, Cullaniddesa, Patạisambhidàmagga, Suttanipàta, Dhammapada, Udàna, Itivuttaka, Vimànavatthu, Petavatthu, Theragàthà, Therìgàtha; trong khi các nhà tụng đọc Trung bộ (Majjhimabhànakà) nêu danh mục Tiểu bộ gồm 15 tập, 12 tập đã nói cộng thêm các tập Cariyàpitaka, Apadàna, và Buddhavamsa. Theo cả hai sự phân loại trên thì tập Khuddakapàtha không có trong danh mục và được tập Cullaniddesa thế vào. Trong sự phân loại Tiểu bộ gồm 15 tập được lưu truyền đến nay thì tập Khuddakapàtha đứng đầu danh mục và hai tập Mahàniddesa và Cullaniddesa được sáp nhập thành một gọi là Niddesa. Buddhaghosa cũng cho chúng ta biết bản kinh Tư lượng (Anumàna Sutta), Trung bộ, từng được xem là giới luật của tỷ kheo (bhikkhuvinaya) và kinh Giáo thọ Thi Ca La Việt (Singàlovàda Suttanta), Trường bộ, được gọi là giới luật cư sĩ (gihivinaya). Trong sự phân loại được biết rộng rãi ngày nay, các tập Suttasamgaha, Nettippakarana, Petakopadesa và Milindapanha được xem là các tác phẩm ngoại Kinh tạng (para-canonical texts) hay hậu Kinh tạng (post-canonical), tuy nhiên ở Miến Điện, các tác phẩm này được sáp nhập vào Tiểu bộ (Khuddakanikàya) thuộc hệ thống tam tạng.(9)
Kinh tạng Pàli (Pàli Sutta-pitaka) như ta có ngày nay được phân thành năm tuyển tập lớn gọi là pancanikàya hay năm bộ kinh, gồm:
I. Trường bộ kinh (Dìghanikàya), gồm 34 bài kinh dài.
II. Trung bộ kinh (Majjhimanikàya), gồm 152 bài kinh có độ dài trung bình.
III. Tương ưng bộ kinh (Samyuttanikàya), gồm 2.904 bài kinh được sắp xếp theo nhóm các kinh tương ứng hay các chủ đề liên quan với nhau.
IV. Tăng chi bộ kinh (Anguttaranikàya), gồm 2.308 bài kinh được sắp xếp theo thứ tự pháp số từ một pháp đến 11 pháp.
V. Tiểu bộ kinh (Khuddakanikàya), gồm 15 tuyển tập ngắn, phần lớn được sưu tập và biên soạn về sau.
Lược khảo 34 bài kinh Trường bộ
Phẩm Sìlakkhandha (từ kinh số 1-13)
1. Kinh Phạm võng (Brahmajàla Suttanta):
Bài kinh do đức Phật thuyết giảng cho các tỷ kheo tại Ambalatthikà, trong chuyến du hành của ngài và 500 đệ tử khởi sự từ Vương Xá (Ràjagaha) đến Nàlandà. Bài kinh đề cập giới đức của đức Phật, so sánh nếp sống trong sáng, giản dị của Sa môn Gotama với lối sống xa hoa, mê tín và hỗn loạn của các Sa môn và Bà la môn đương thời. Đặc biệt, bài kinh nêu trỏ 62 quan điểm (ditthi) hay luận thuyết của các tư tưởng và triết gia Ấn Độ lúc bấy giờ, nhấn mạnh trí tuệ giải thoát của Thế Tôn – cái nhìn duyên khởi, vượt ra ngoài các hình thái tư tưởng triết học và tư duy siêu hình trừu tượng thịnh hành ở Ấn Độ vào thế kỷ thứ sáu trước kỷ nguyên Tây lịch. Một thông tin tương tự về 62 quan điểm triết học Ấn Độ dưới cái nhìn giải thoát của Thế Tôn cũng được tìm thấy trong bài kinh Pancattaya, Trung bộ. Từ các thông tin này ta thấy Rhys Davids hoàn toàn đúng khi cho rằng Gotama đã học hỏi đầy đủ các lý thuyết triết học lúc bấy giờ, nhưng ngài chỉ học, như Hume, để chỉ ra tính phi thực của chúng.(10)
Những mô tả và lối so sánh về nếp sống giới đức tiết độ của Sa môn Gotama và nếp sống xa hoa hưởng thụ của một số Sa môn và Bà la môn cho thấy bức tranh sinh hoạt đầy phức tạp của các Sa môn và Bà la môn dưới thời đức Phật, đồng thời cung cấp thông tin về hoạt động tín ngưỡng, các hoạt động xã hội, các trò chơi, các thú tiêu khiển, các phong tục tập quán đi đôi với tình trạng mê tín dị đoan của xã hội Ấn Độ đương thời. 62 quan điểm hay lý thuyết triết học được nêu trong bài kinh cũng cho thấy đây là thời kỳ mà tư tưởng Ấn Độ nảy sinh như nấm gặp mưa, là thời kỳ của các triết gia và ngụy triết gia Ấn Độ, theo lời H. Oldenberg.(11) Tác giả của 62 lý thuyết này là các Sa môn hay Bà la môn chuyên tu phép du già (yogì), hay theo đường lối duy lý (takkì), hoặc theo phương pháp thẩm sát (vimansì), thậm chí có những kẻ chủ trương đường lối ngụy biện, trườn uốn như con lươn (amarà-vikkhepikà). Ngoài giáo lý của đức Phật, toàn bộ tư tưởng triết học Ấn Độ lúc bấy giờ tập trung vào các chủ thuyết sau đây:
- Thường luận (sassata-vàda),
- Bán thường bán vô thường luận (ekacca-sassata ekacca-asassata-vàda),
- Hữu biên vô biên luận (antànanta-vàda),
- Ngụy biện luận (amaràvikkhepika-vàda),
- Vô nhân (ahetu-vàda) hay ngẫu nhiên luận (adhiccasamuppàda),
- Hữu tưởng luận (sanni-vàda),
- Vô tưởng luận (asanni-vàda),
- Phi hữu tưởng phi vô tưởng luận (n’eva-sanni-nàsanni-vàda),
- Đoạn diệt luận (uccheda-vàda),
- Hiện tại Niết bàn luận (ditthanibbànavàda).
Đức Phật cho rằng tất cả 62 quan điển hay kiến chấp trên đều dẫn đến khổ đau bởi chúng là kinh nghiệm cá nhân, sự không thấy không biết, sự cảm thọ, sự kích thích dao động của những kẻ bị tham ái chi phối. Chúng là hệ quả của sự xúc chạm (phassa) giữa các căn và các trần. Sự xúc chạm (giữa các căn và các trần) sinh ra cảm thọ (vedanà). Do đó, các luận thuyết trên sẽ không có mặt, nếu không có cảm thọ. Do duyên thọ (vedanà), ái (tanhà) sinh khởi; do duyên ái, thủ (upàdàna) sinh khởi; do duyên thủ, hữu (bhava) sinh khởi; do duyên hữu, sanh (jàti) sinh khởi; do duyên sanh, già chết (jarà-marana), sầu, bi, khổ, ưu, não (soka,parideva, dukkha, domanassa, upàyàsa) sinh khởi. Đức Phật bảo ngài biết rõ giới hạn của 62 lý truyết trên và còn biết nhiều hơn thế nữa nhưng ngài không chấp trước sở kiến ấy. Ngài như thật biết sự tập khởi, sự đoạn diệt của các cảm thọ, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của chúng. Nhờ biết như vậy, Như Lai được giải thoát hoàn toàn, không còn chấp thủ. Theo ngài, những Sa môn hay Bà la môn nào luận bàn, chấp kiến, y cứ vào quá khứ hay tương lai, những vị ấy bị hạn cuộc, bị bao phủ trong mạng lưới tham ái, chấp thủ của 62 luận thuyết, không thể thoát ra. Chỉ những ai như thật biết (yathàbhùtam pajànàti) sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt và sự nguy hiểm của sáu xúc xứ, những vị ấy sẽ có được sự hiểu biết vượt ra ngoài những kiến chấp trên. Ngài gọi sự hiểu biết này là Lợi võng (Attha-jàla), Pháp võng (Dhamma-jàla), Phạm võng (Brahma-jàla), Kiến võng (Ditthi-jàla), Vô thượng chiến thắng (Anuttaro samgàma-vijayo) và khuyên các tỷ kheo nỗ lực hành trì.
2. Kinh Sa môn quả (Sàmannaphala Suttanata):
Sau một thời gian theo đuổi tham vọng nắm vương quyền Magadha bằng việc giết hại vua cha và cướp ngôi, A Xà Thế (Ajàtasattu), quốc vương nước Ma Kiệt Đà (Magadha), cảm thấy ăn năn hối tiếc việc đã làm nên mong muốn yết kiến vị Sa môn hay Bà la môn trí đức nào đó để tâm được an tịnh. Các đại thần lần lượt giới thiệu với ông các đạo sư thời danh như Pùrana Kassapa, Pakudha Kaccàyana, Makkhali Gosàla, Ajita Kesakambali, Nigantha Nàtaputta, Sanjaya Balatthiputta và khuyên nhà vua nên đến viếng thăm các vị này. Nhà vua không hài lòng, dò hỏi ý quan ngự y Jìvaka Komàrabhacca và quyết định đến yết kiến Thế Tôn đang trú tại Vương Xá theo gợi ý của Jìvaka. Bài kinh là cuộc hội kiến vấn đáp giữa vua Ajàtasattu và đức Thế Tôn về kết quả thiết thực của nếp sống Sa môn theo quan điểm Phật giáo. Bài kinh cũng được xem là cuộc hội kiến đầu tiên giữa đức Phật và Ajàtasattu sau khi Ajàtasattu giết hại vua cha, Bimbisàra, để chiếm đoạt ngai vàng Magadha. Ajàtasattu thỉnh vấn đức Phật về kết quả thiết thực của Sa môn hạnh và đức Phật tuần tự trình bày cho ông về nếp sống của người xuất gia, theo đuổi con đường Giới, Định, Tuệ hướng đến giải thoát, song song với các ảnh dụ minh họa kết quả thiết thực của nếp sống ấy. Bài kinh mô tả chi tiết nếp sống phạm hạnh của người xuất gia, đặc biệt về phương diện giới học (sìla) được đề cập rất chi tiết và phần tuệ học (pannà) được nêu dưới dạng lục thông (chalabhinnà). Bài kinh cũng gián tiếp đề cập các quan điểm và chủ trương của sáu vị đạo sư danh tiếng đương thời thông qua lời thuật của vua Ajàtassatu cho đức Phật:
- Pùrana Kassapa chủ trương thuyết vô nghiệp (akiriya).
- Makkhali Gosàla chủ trương vô nhân luận (ahetuvàda), ngẫu nhiên luận (adhiccasamuppàda), thuyết định mệnh (niyati), hay luân hồi tịnh hóa (samsàra-suddhi), theo nhận xét của Ajàtasattu ở trong bài kinh.
- Ajita Kesakambali chủ trương đoạn diệt luận (ucchedavàda).
- Pakudha Kaccàyana chủ trương lý thuyết nguyên tử.
- Nigantha Nàtaputta chủ trương thực hành bốn cấm giới (càtu-yàma-samvara).
- Sanjaya Belatthiputta chủ trương ngụy biện luận (amarà-vikkhepika-vàda).
Trong phần trình bày của mình, đức Phật dẫn hai trường hợp thuyết phục Ajàtasattu rằng dù xuất thân từ giai cấp nào, người xuất gia tu Phạm hạnh đều được mọi người tôn trọng, cung kính, cúng dường, bảo hộ. Tiếp theo ngài mô tả chi tiết nếp sống Phạm hạnh của người xuất gia gồm các bước thực hành:
- Giới hạnh cụ túc (sìla-sampanno): Vị tỷ kheo từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ dâm dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói lời độc ác, từ bỏ nói lời phù phiếm, từ bỏ tranh chấp cãi vã, từ bỏ làm hại đến các hạt giống và các loại cây cỏ, từ bỏ ăn phi thời, từ bỏ đi xem múa, hát nhạc, diễn kịch, từ bỏ cờ bạc và các trò du hý, từ bỏ trang sức bằng vòng hoa, hương liệu, dầu thơm và các thời trang, từ bỏ dùng giường cao và giường lớn, từ bỏ nhận vàng và bạc, từ bỏ nhận các hạt sống, từ bỏ nhận thịt sống, từ bỏ nhận đàn bà con gái, từ bỏ nhận nô tỳ gái và trai, từ bỏ nhận cừu và dê, từ bỏ nhận gia cầm và heo, từ bỏ nhận voi, bò, ngựa và ngựa cái, từ bỏ nhận ruộng nương, đất đai, từ bỏ nhận người môi giới hoặc tự mình làm môi giới, từ bỏ buôn bán, từ bỏ các sự gian lận bằng cân, tiền bạc và đo lường, từ bỏ các tà hạnh như hối lộ, gian trá, lừa đảo, từ bỏ làm thương tổn, sát hại, câu thúc, bứt đoạt, trộm cắp, cướp phá, từ bỏ các tà hạnh như xem ngày lành giờ tốt, xem tướng, chiêm tinh, bói toán, đoán mộng, dùng bùa chú hay chú thuật...
- Hộ trì các căn (indriyesu guttadvàro): Khi mắt thấy sắc, vị ấy không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì, khiến nhãn căn không được chế ngự, khiến tham ái, ưu bi, các ác, bất thiện pháp khởi lên, vị ấy chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì nhãn căn, thiệt hành sự hộ trì nhãn căn. Cũng vậy đối với tai và tiếng, mũi và hương, thân và cảm xúc, ý và các pháp.
- Chánh niệm tỉnh giác (sati-sampajannena samannàgato): Vị ấy khi đi tới, khi đi lui đều tỉnh giác; khi nhìn thẳng, khi nhìn quanh đều tỉnh giác; khi co tay, khi duỗi tay đều tỉnh giác; khi mang y kép, bình bát, thượng y đều tỉnh giác, khi ăn, uống, nhai, nuốt đều tỉnh giác; khi đi đại tiện, tiểu tiện đều tỉnh giác; khi đi, đứng, ngồi, nằm, thức, nói, yên lặng đều tỉnh giác.
- Biết đủ (santuttho): Vị ấy bằng lòng với tấm y để che thân, với đồ ăn khất thực để nuôi bụng, đi tại chỗ nào cũng mang theo (y và bình bát).
- Chọn nơi thích hợp để hành thiền: Vị ấy lựa một chỗ thanh vắng, tịch mịch, như rừng, gốc cây, khe núi, hang đá, bãi tha ma, lùm cây, ngoài trời, đống rơm. Sau khi đi khất thực về và ăn xong, vị ấy ngồi kiết già, lưng thẳng và an trú chánh niệm trước mặt.
- Loại trừ năm triền cái (panca-nìvarana-pahàna): Vị ấy từ bỏ tham ái ở đời, sống với tâm thoát ly tham ái, gột rửa tâm hết tham ái. Từ bỏ sân hận, vị ấy sống với tâm không sân hận, lòng từ mẫn thương xót tất cả chúng hữu tình, gột rửa tâm hết sân hận. Từ bỏ hôn trầm, thụy miên, vị ấy sống thoát ly hôn trầm và thụy miên, với tâm tưởng hướng về ánh sáng, chánh niệm tỉnh giác, gột rửa tâm hết hôn trầm, thụy miên. Từ bỏ trạo cử hối tiếc, vị ấy sống không trạo cử, nội tâm trầm lặng, gột rửa tâm hết trạo cử, hối tiếc. Từ bỏ nghi ngờ, vị ấy sống thoát khỏi nghi ngờ, không phân vân lưỡng lự, gột rửa tâm hết nghi ngờ đối với thiện pháp.
- Chứng và trú thiền thứ nhất (pathamajjhànam upasampajja viharati): Khi quán tự thân đã xả ly năm triền cái ấy, vị tỷ kheo tâm được hân hoan; do hân hoan nên hỷ sanh; do tâm hoan hỷ, thân được khinh an; do thân khinh an, lạc thọ sanh; do lạc thọ, tâm được định tĩnh. Tỷ-kheo ly dục, ly ác pháp, chứng và trú thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, với tầm, với tứ.
- Chứng và trú thiền thứ hai (dutiyajjhànam upasampajja viharati): Lại nữa, vị ấy diệt tầm và tứ, chứng và trú thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm.
- Chứng và trú thiền thứ ba (tatiyajjhànam upasampajja viharati): Lại nữa, vị ấy ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là “Xả niệm lạc trú”, chứng và an trú thiền thứ ba.
- Chứng và trú thiền thứ tư (catutthajhànam upasampajja viharati): Lại nữa, vị ấy xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú vào thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh.
- Thành tựu chánh trí (nàna-dassanam upasampajjati): Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, vị tỷ kheo dẫn tâm, hướng tâm đến chánh trí, chánh kiến. Vị ấy biết: Thân này của ta là sắc pháp, do bốn đại thành, do cha mẹ sanh, nhờ cơm cháo nuôi dưỡng, vô thường, biến hoại, phấn toái, đoạn tuyệt, hoại diệt, trong thân ấy thức ta lại nương tựa và bị trói buộc.
- Thành tựu các thần thông (iddhi-vidham upasampajjati): Vị tỷ kheo chú tâm, hướng tâm đến sự hóa hiện một thân do ý làm ra. Vị ấy tạo một thân khác từ nơi thân này, cũng là sắc pháp, do ý làm ra, đầy đủ các chi tiết lớn nhỏ, không thiếu một căn nào.
- Thành tựu thiên nhĩ thông (dibba-sota-dhàtum upasampajjati): Vị tỷ kheo dẫn tâm, hướng tâm đến thiên nhĩ thông. Vị ấy với thiên nhĩ thanh tịnh siêu nhân có thể nghe hai loại tiếng, chư Thiên và Người, xa và gần.
- Thành tựu tha tâm thông (ceto-pariyanànam upasampajjati): Vị tỷ kheo dẫn tâm, hướng tâm đến tha tâm thông. Vị ấy với tâm của mình biết rõ các diễn biến của tâm thức người khác.
- Thành tựu túc mạng minh (pubbe-nivàsànussati-nànam upasampajjati): Vị tỷ kheo dẫn tâm, hướng tâm đến túc mạng minh. Vị ấy nhớ đến các đời sống quá khứ của mình, như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, hai trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều hoại và thành kiếp.
- Thành tưụ thiên nhãn minh (sattànam cutùpapàta-nànam upasampajjati): Vị tỷ kheo dẫn tâm, hướng tâm đến trí huệ về sanh tử của chúng sanh. Vị ấy với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống và chết của chúng sanh. Vị ấy biết rõ rằng chúng sanh người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của chúng.
- Thành tựu lậu tận minh, chứng quả giải thoát (àsavànam khaya-nànam upasampajjati, vinuttaphalam upasampajjati): Vị tỷ kheo dẫn tâm, hướng tâm đến lậu tận trí. Vị ấy biết như thật “đây là khổ”, biết như thật “đây là nguyên nhân của khổ”, biết như thật “đây là khổ diệt”, biết như thật “đây là con đường đưa đến khổ diệt”, biết như thật “đây là những lậu hoặc”, biết như thật “đây là nguyên nhân của lậu hoặc”, biết như thật “đây là sự diệt trừ các lậu hoặc”, biết như thật “đây là con đường đưa đến sự diệt trừ các lậu hoặc”. Nhờ hiểu biết như vậy, nhận thức như vậy, tâm của vị ấy thoát khỏi dục lậu, thoát khỏi hữu lậu, thoát khỏi vô minh lậu. Đối với tự thân đã giải thoát như vậy, khởi lên sự hiểu biết: Ta đã giải thoát. Vị ấy biết: Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm; sau đời hiện tại, không có đời sống nào khác nữa.
Đức Phật bảo Ajàtasattu sự giải thoát của vị tỷ kheo nhờ thực hành đầy đủ thánh giới, thánh định, thánh tuệ trên là kết quả thiết thực hiện tại của hạnh Sa-môn. Theo ngài, mỗi công hạnh của vị tỷ kheo liên quan đến sự thực hành thánh giới, thánh định, thánh tuệ là mỗi kết quả thù thắng của hạnh Sa môn, nhưng sự giải thoát của vị ấy chính là kết quả vi diệu thù thắng nhất, không có một kết quả thiết thực hiện tại của hạnh Sa-môn nào vi diệu và thù thắng hơn kết quả giải thoát ấy. Ajàtasattu tán thán lời dạy của đức Phật, xin quy y Tam bảo, bày tỏ sự ăn năn hối tiếc về việc giết hại cha mình, đức vua Bimbisàra, và xin sám hối lỗi lầm.
3. Kinh Ambattha (Ambattha Suttanta):
Bài kinh mô tả cuộc đàm luận giữa Thế Tôn và thanh niên Bà la môn Ambattha về vấn đề huyết thống giai cấp, về giới hạnh và trí tuệ của con người siêu việt giai cấp, sự chấp nhận chiến bại của thanh niên Ambattha trước các luận chứng hùng hồn của Thế Tôn và sự kiện Bà la môn Pokkharasàdi, thầy của Ambattha, quy ngưỡng Tam bảo.
Câu chuyện diễn ra tại một ngôi làng có tên Icchànankala thuộc vương quốc Kosala. Thanh niên Ambattha được vị thầy của mình, Bà la môn Pokkharasàdi ở Ukkattha, phái đi tìm hiểu về Sa môn Gotama, một người được tôn xưng là Thế Tôn, bậc A la hán, Chánh đẳng giác..., hiện đang du hành tại Kosala và đã đến tại làng Icchànankala. Amabattha tỏ thái độ trịch thượng khi nói chuyện với Thế Tôn, bị Thế Tôn quở trách là vô giáo dục, liền quay sang chỉ trích dòng họ Sakya là đê tiện, hạ liệt. Thế Tôn tuần tự chứng minh cho Ambattha thấy tổ phụ của Ambattha xuất thân là con một nữ tỳ của dòng họ Sakya. Câu chuyện được tiếp tục với các luận cứ của Thế Tôn về vị trí của giai cấp Bà la môn và giai cấp Sát đế lỵ thông qua sự kiện thanh niên và thiếu nữ hai giai cấp ấy cùng kết hôn và sinh con, về truyền thuyết Sát đế lỵ chiếm vị trí tối thắng ở đời theo quan điểm huyết thống giai cấp, về quan niệm người có giới đức và trí tuệ chói sáng giữa chư thiên và loài người. Rồi Thế Tôn lần lượt chứng minh cho Ambattha thấy cả ông và thầy ông, Bà la môn Pokkharasàdi, đều không được xem là những người thành tựu trí đức vô thượng ở đời bởi họ đã không theo con đường đưa đến thành tựu trí đức ấy. Họ đã và đang sống trong sự sung túc vật chất và thụ hưởng đầy đủ các dục lạc, không phải là những ẩn sĩ chân chính.(12)
Thanh niên Ambattha hoan hỷ ra về, thuật lại cho thầy mình, Bà la môn Pokkharasàdi, về 32 đại nhân tướng của Sa môn Gotama và toàn bộ câu chuyện đàm luận giữa ông với Thế Tôn. Bà la môn Pokkharasàdi quyết định đến yết kiến Thế Tôn, xin lỗi ngài về sự kiện học trò mình, thanh niên Ambattha, đã xử sự không đúng đối với ngài, tìm hiểu 32 hảo tướng của Thế Tôn và hoan hỷ mời Thế Tôn và chúng tỷ kheo thọ trai tại tư dinh của ông. Bài kinh kết thúc bằng hình ảnh Thế Tôn và chúng tỷ kheo đệ tử ngài đến thọ trai tại nhà riêng của Bà la môn Pokkharasàdi, trong đó Pokkharasàdi lần đầu tiên được nghe pháp, đắc Pháp nhãn (Dhammacakkhu), cùng vợ con và tùy tùng của mình xin quy y Tam bảo.
4. Kinh Sonadanda (Sonadanda Suttanta):
Bài kinh là cuộc đàm luận giữa Thế Tôn và Bà la môn Sonadanda về phẩm hạnh của một người tự nhận là Bà la môn. Hai đức tính, giới hạnh và trí tuệ, được nhấn mạnh trong bài kinh cho thấy dụng ý của đức Phật trong việc tái định nghĩa danh từ Bà la môn (Bràhmana) theo một nội dung hoàn toàn mới mẻ và cao cả, có thể áp dụng cho những ai có đức hạnh và trí tuệ, dù người ấy được sinh ra ở bất kỳ dòng họ hay giai cấp nào. Sự định nghĩa và nhấn mạnh tương tự về phẩm hạnh Bà la môn được tìm thấy đầy đủ trong bản kinh Pháp cú, phẩm Bà la môn (Bràhmanavagga). Chuyện xảy ra lúc Thế Tôn đang thực hiện cuộc du hóa của ngài tại Anga (Ương Già), đi đến thành Campà (Chiêm Bà) và trú trên bờ hồ Gaggara (Già Già Liên Trì). Các Bà la môn và gia chủ ở Campà nghe tin đức Thế Tôn cùng đồ chúng của ngài đã đến Campà và đang trú trên bờ hồ Gaggara liền khao tin nhau kéo đến yết kiến ngài. Trông thấy cảnh tượng từng đoàn người Bà la môn và gia chủ lần lượt ra khỏi Campà hướng về bờ hồ Gaggara, Bà la môn Sonadanda sai người báo tin cho các Bà la môn rằng ông sẽ tự thân yết kiến Sa môn Gotama. Các Bà la môn không muốn một người danh giá như Sonadanda phải thân hành đến thăm Tôn giả Gotama nhưng Bà la môn Sonadanda tỏ ra rất lịch thiệp khi phát biểu về Thế Tôn và tỏ rõ thái độ lịch thiệp của mình bằng cách quyết định đến yết kiến ngài. Nhận xét của Bà la môn Sonadanda về Sa môn Gotama được nêu trong bài kinh có thể được xem là tiêu biểu cho thái độ lịch thiệp của các Bà la môn học thức đương thời phát biểu về Thế Tôn:
“Sa-môn Gotama xuất gia từ bỏ đại gia đình quyến thuộc. Sa-môn Gotama xuất gia từ bỏ rất nhiều vàng bạc, bỏ cả loại đang chôn dưới đất lẫn loại trên mặt đất. Sa-môn Gotama trong tuổi thanh niên, tóc còn đen nhánh, trong tuổi trẻ đẹp của thời niên thiếu, đã xuất gia từ bỏ gia đình sống không gia đình. Sa-môn Gotama dầu song thân không đồng ý, khóc than, nước mắt thấm ướt cả mặt, vẫn cạo bỏ râu tóc, khoác áo cà-sa, xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Sa-môn Gotama đẹp trai, khả ái, làm đẹp lòng mọi người, với màu da thù thắng, khôi ngô tuấn tú, cử chỉ trang nhã, dáng điệu cao thượng. Sa-môn Gotama có đức hạnh, gìn giữ giới hạnh của bậc Thánh, có thiện đức, đầy đủ thiện đức. Sa-môn Gotama thiện ngôn, dùng lời thiện ngôn, nói lời tao nhã, ý nghĩa minh bạch, giọng nói không bập bẹ, phều phào, giải thích nghĩa lý minh xác. Sa-môn Gotama là bậc tôn sư trong các hàng tôn sư của nhiều người. Sa-môn Gotama đã diệt trừ tham dục, đã diệt trừ được mọi xao động của tâm. Sa-môn Gotama chủ trương về nghiệp, chủ trương về hành động, đặt trọng tâm vào chí thiện khi thuyết pháp với chúng Bà-la-môn. Sa-môn Gotama xuất gia từ chủng tộc cao quý, từ dòng họ Sát-đế-lỵ thanh tịnh. Sa-môn Gotama xuất gia từ chủng tộc khá giả, đại phú, tài sản sung mãn. Dân chúng băng ngàn vượt biển (băng qua nhiều địa phương, băng qua nhiều quốc độ) đến hỏi đạo Sa-môn Gotama. Hàng ngàn Thiên, Nhân đến quy y Sa-môn Gotama. Tiếng đồn tốt đẹp sau đây được truyền đi về Sa-môn Gotama: ‘Ngài là bậc Thế Tôn, A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Sa-môn Gotama có đầy đủ ba mươi hai tướng tốt của bậc đại nhân. Sa-môn Gotama nói lời chào đón, thân thiện, tao nhã, trang trọng, chân trực, thẳng thắn, lời nói có dẫn chứng. Sa-môn Gotama được bốn chúng kính trọng, tôn sùng, chiêm ngưỡng, kính nể, trọng vọng. Rất nhiều Thiên, Nhân tín ngưỡng Sa-môn Gotama. Ở tại làng nào, thôn ấp nào Sa-môn Gotama cư trú, tại làng ấy, tại thôn ấp ấy, các loài phi nhân không làm hại loài người. Sa-môn Gotama là giáo hội chủ, giáo phái chủ, giáo phái sư, được tôn là tối thượng trong các giáo tổ. Danh tiếng của một số Sa-môn, Bà-la-môn dựa trên những bằng chứng không đâu, danh tiếng của Sa-môn Gotama dựa trên trí đức vô thượng của Ngài. Vua Seniya Bimbisàra nước Magadha, cùng với vương tử, cung phi, thị tùng đều quy y Sa-môn Gotama. Vua Pasenadi nước Kosala, cùng với vương tử, cung phi, thị tùng đều quy y Sa-môn Gotama. Bà-la-môn Pokkharasàdi cùng với các con, vợ, thị giả, đều quy y Sa-môn Gotama. Sa-môn Gotama được vua Seniya Bimbisàra nước Magadha kính trọng, tôn sùng, chiêm ngưỡng, kính lễ, trọng vọng. Sa-môn Gotama, được Bà-la-môn Pokkharasàdi kính trọng, tôn sùng, chiêm ngưỡng, kính lễ, trọng vọng. Sa-môn Gotama được vua Pasenadi nước Kosala kính trọng, tôn sùng, chiêm ngưỡng, kính lễ, trọng vọng.”
Nội dung cuộc đàm luận cho thấy Thế Tôn lần lượt loại dần ba trong số năm đức tính do Sonadanda đưa ra liên quan đến đặc điểm của một Bà la môn. Sonadanda cho rằng một người phải hội đủ năm đức tính thì mới được xem là một vị Bà la môn: sanh ra từ dòng tộc Bà la môn, có tướng mạo khả ái, giỏi chú thuật, đầy đủ giới hạnh, có trí tuệ. Đức Phật tuần tự nêu các câu hỏi khiến Sonadanda lần lượt đi đến sự thừa nhận rằng một Bà la môn không nhất thiết phải sinh ra trong dòng tộc Bà la môn, không nhất thiết phải có tướng mạo khả ái, không nhất thiết phải biết và giỏi chú thuật. Một Bà la môn đích thực chỉ cần hai đức tính, giới hạnh và trí tuệ. “Trí tuệ được giới hạnh làm cho thanh tịnh, giới hạnh được trí tuệ làm cho thanh tịnh. Chỗ nào có giới hạnh, chỗ ấy có trí tuệ; chỗ nào có trí tuệ, chỗ ấy có giới hạnh; người có giới hạnh nhất định có trí tuệ; người có trí tuệ nhất định có giới hạnh. Giới hạnh và trí tuệ được xem là tối thắng ở trên đời.” Đức Phật đồng ý với Bà la môn Sonadanda rằng giới hạnh và trí tuệ là hai đức tính không thể thiếu để xác định về một Bà la môn. Câu chuyện được tiếp tục với sự giải thích của Thế Tôn cho Sonadanda về ý nghĩa giới hạnh và trí tuệ theo giáo lý Giới, Định, Tuệ của ngài. Sonadanda tán thán lời dạy của Thế Tôn và xin quy y Tam bảo. Bài kinh kết thúc bằng việc Thế Tôn nhận lời mời dùng cơm với chúng tỷ kheo tại nhà riêng của Bà la môn Sonadanda và sự kiện Sonadanda xin đức Phật hứa khả cho ông cách biểu lộ sự tôn kính của ông đối với ngài trong một số trường hợp đặc biệt.
5. Kinh Kùtadanta (Kùtadanta Suttanta):
Bài kinh là cuộc thảo luận giữa đức Phật và Bà la môn Kùtadanta về ý nghĩa tế đàn hay lễ cúng tế. Những lời dạy của đức Phật ở trong bài kinh này có thể được xem là tiêu biểu cho ý nghĩa tế lễ theo quan điểm Phật giáo. Ở phần đầu, bài kinh có bối cảnh và lối mô tả giống như kinh Sonadanda. Chỉ khác là ở đây câu chuyện xảy ra khi Thế Tôn đang du hành cùng với chúng tỷ kheo đệ tử ngài ở Magadha (Ma Kiệt Đà), đi đến ngôi làng có tên Khànumata (Khứ Nậu Bà Đế) và trú tại vườn Ambalatthikà. Bà la môn Kùtadanta đến yết kiến đức Phật tại Ambalatthikà và hỏi ngài về cách thức tế tự và Thế Tôn tuần tự giải thích cho ông ý nghĩa lễ tế đàn theo quan điểm của ngài. Câu chuyện ngụ ngôn do đức Phật kể về vua Mahàvijjita biết lắng nghe lời khuyên của vị Bà la môn chủ tế chuyển đổi lễ tế đàn tốn kém thành chính sách khoan dung và tạo công ăn việc làm thích hợp cho các tầng lớp nhân dân khiến xã hội được ổn định, xứ sở thái bình, toàn dân an cư lạc nghiệp là một minh họa rất hay về ý nghĩa thiết thực của đường lối thực hành Phật giáo. Vua Mahàvijjita có vương quốc rộng lớn và vô số tài sản vàng bạc nhờ tài năng chinh phục các quốc độ, muốn tổ chức lễ cúng tế lớn để được hạnh phúc và an lạc lâu dài. Vua hỏi ý vị Bà la môn chủ tế và vị này tâu trình hiện trạng của quốc gia rồi đề xuất việc làm như sau:
“Đại vương, vương quốc (này) chịu tai ương, chịu ách nạn, đầy rẫy bọn cướp làng, đầy rẫy bọn cướp ấp, đầy rẫy bọn cướp đô thị, đầy rẫy bọn cướp đường. Trong quốc độ chịu tai ương, chịu ách nạn như vậy, nếu Tôn vương đánh thuế má mới, như vậy Tôn vương có ý nghĩ: “Ta hãy trừ diệt bọn giặc cỏ này, hoặc bằng tử hình, hoặc bằng cấm cố, hoặc bằng phạt vạ, hoặc bằng khiển trách, hoặc bằng tẩn xuất”. Nhưng bọn giặc cỏ này sẽ không được trừ diệt một cách hoàn toàn. Những bọn còn lại không bị hình phạt sau lại tiếp tục hoành hành vương quốc này. Nhưng nếu theo phương pháp sau đây, bọn giặc cỏ ấy sẽ được trừ diệt một cách hoàn toàn. Những vị nào trong quốc độ nhà vua nỗ lực về nông nghiệp và mục súc, Tôn vương hãy cấp cho những vị ấy hột giống và thực vật; những vị nào trong quốc độ nhà vua nỗ lực về thương nghiệp, Tôn vương hãy cấp cho những vị ấy vốn đầu tư; những vị nào trong quốc độ nhà vua nỗ lực về quan chức, Tôn vương hãy cấp cho những vị ấy vật thực và lương bổng. Và những người này chuyên tâm vào nghề riêng của mình sẽ không nhiễu hại quốc độ nhà vua. Và ngân quỹ nhà vua sẽ được dồi dào, quốc độ sẽ được an cư lạc nghiệp, không có tai ương, ách nạn và dân chúng hoan hỷ vui vẻ, cho con nhảy trên ngực, sống chẳng khác gì với nhà cửa mở rộng.”
Vua Mahàvijjita làm theo lời khuyên của vị Bà-la-môn chủ tế; kết quả, quốc độ nhà của vua không bị nhiễu hại, không có tai ương ách nạn, ngân quỹ quốc gia được dồi dào, xứ sở được thái bình, toàn dân an cư lạc nghiệp. Khi đất nước được thái bình thịnh vượng, nhà vua tiến hành đại tế đàn với tâm hoan hỷ, không hối tiếc, một tế đàn không có súc vật bị giết hại, các người làm công hay giúp việc không bị đe dọa bởi sợ hãi, một tế đàn chỉ có các vật hiến cúng đơn giản và khiến hoan hỷ những người theo thiện pháp. Các giai cấp và quần chúng theo gương nhà vua tiến hành các tế đàn tương tự nhờ đó hưởng được hạnh phúc và an lạc lâu dài. Bài kinh tiếp tục với phần giải thích của Thế Tôn cho Bà la môn Kùtadanta về các hình thức tế đàn đơn giản hơn nhưng kết quả thì thù thắng hơn:
- Tế đàn được thực hiện bằng cách bố thí rộng rãi và cúng dường cho các bậc tu hành đức độ.
- Tế đàn được thực hiện bằng cách xây dựng tăng xá cho các bậc giới đức bốn phương.
- Tế đàn được thực hiện bằng cách quy y Tam bảo.
- Tế đàn được thực hiện bằng cách tuân giữ năm giới cấm (không sát sanh, không lấy của không cho, không tà hạnh trong các dục, không nói láo, không uống rượu).
- Tế đàn được thực hiện bằng cách thành tựu giới hạnh (sìla) của người xuất gia hay Tăng thượng giới (Addhi-sìla).
- Tế đàn được thực hiện bằng cách thành tựu các thiền sắc giới (rùpa-jhàna) hay Tăng thượng tâm (Addhi-citta).
- Tế đàn được thực hiện bằng cách thành tựu trí tuệ (pannà) hay Tăng thượng trí tuệ (Addhi-pannà) hướng đến giải thoát (vimutti) và giải thoát tri kiến (vimutta-nàna).
Bài kinh kết thúc với việc Bà la môn Kùtadanta xin quy y Tam bảo, từ bỏ việc cúng tế bằng súc vật, sự kiện Thế Tôn tuần tự thuyết pháp cho Kùtadanta khiến ông chứng được Pháp nhãn (Dhammacakkhu) và việc Kùtadanta mời Thế Tôn và chúng tỷ kheo thọ trai tại nhà riêng.
6. Kinh Mahàli (Mahàli Suttanta):
Bài kinh do đức Phật thuyết giảng cho các sứ giả Bà la môn nước Kosala và dân chúng Licchavì tại giảng đường Trùng Cát, rừng Đại Lâm ở Vesàli. Nội dung bài kinh là sự trả lời của Thế Tôn cho các câu hỏi của Otthadda về khả năng thấy các thiên sắc và nghe các thiên âm của người tu thiền; về mục đích sống Phạm hạnh của các tỷ kheo không phải để thấy thiên sắc hay nghe thiên âm thông qua thiền định mà vì các mục đích cao thượng hơn, tức sự chứng đắc quả vị Dự lưu (Sotàpanna) do đoạn trừ thân kiến, nghi, giới cấm thủ; Nhất lai (Sakadàgàmi) nhờ đoạn trừ thân kiến, nghi, giới cấm thủ và làm muội lược tham, sân, si; Bất lai (Anàgàmi) do đoạn trừ thân kiến, nghi, giới cấm thủ, tham và sân; A la hán (Arahanta) do đoạn tận thân kiến, nghi, giới cấm thủ, tham, sân, sắc ái, vô sắc ái, mạn, trạo cử, vô minh; về con đường đưa đến sự thành tựu các quả vị ấy, tức bát Thánh đạo (Ariya-atthangikamagga). Phần cuối của bài kinh là sự nêu trỏ và giảng giải của Thế Tôn về lý do ngài không nói “sinh mạng và thân thể là một hay khác.” Ngài minh họa cho Otthadda thấy mục đích đời sống Phạm hạnh, theo đưổi con đường Giới, Định, Tuệ, không liên quan đến vấn đề hiểu biết “sinh mạng và thân thể là một hay khác.”
7. Kinh Jàliya (Jàliya Suttanta):
Kinh này có nội dung tương tự như phần cuối của kinh Mahàli, nghĩa là thái độ của đức Phật về thắc mắc “sinh mạng và thân thể là một hay khác.”
8. Kinh Đại Sư tử hống (Mahàsìhanàda Suttanta):
Bài kinh là cuộc đàm thoại giữa đức Phật và du sĩ lõa thể Kassapa xoay quanh một số quan điểm và thực hành tôn giáo được chấp trì ở Ấn Độ vào thế kỷ thứ sáu trước Tây lịch. Câu chuyện diễn ra khi đức Phật đang trú tại vườn nai Kannakatthala, xứ Ujunnàya (Uy Nhã). Du sĩ lõa thể Kassapa đến chỗ đức Phật và hỏi xem có phải ngài chỉ trích mọi khổ hạnh (tapo-jigucchà). Đức Phật xác nhận ngài không chỉ trích mọi khổ hạnh bởi ngài thấy rõ sự nguy hại và lợi ích của lối sống khổ hạnh. Tiếp theo ngài xác nhận với Kassapa về sự tương đồng và dị biệt giữa quan điểm của ngài và quan điểm của các Sa môn và Bà la môn đương thời, về sự đánh giá đúng đắn của người trí đối với ngài và chúng tỷ kheo đệ tử của ngài và về phương pháp (bát Thánh đạo) theo đó người ta sẽ hiểu ngài là người nói đúng thời, nói lời chân thật, nói điều lợi ích, nói đúng pháp, đúng luật. Kassapa trình bày với đức Phật các hình thái khổ hạnh khắt khe được chấp trì và đề cao bởi các Sa môn và Bà la môn đương thời. Trong phần lập luận của mình, đức Phật không đánh giá cao phương pháp khổ hạnh nhưng nhấn mạnh sự thành tựu giới đức, thiền định và trí tuệ, sự thực hành tâm từ bi, sự diệt tận các lậu hoặc đưa đến tâm giải thoát và tuệ giải thoát. Theo ngài, Sa môn hạnh và Bà la môn hạnh không tùy thuộc vào việc thực thi các hình thái khổ hạnh khắt khe. Giá trị của một Sa môn hay Bà la môn nằm ở chỗ người ta sống thể hiện từ bi tâm, không hận thù, không ác hại, sống với sự diệt tận các phiền não lậu hoặc, sống với tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Tiếp theo đức Phật giải thích cho Kassapa ý nghĩa giới cụ túc, tâm cụ túc và tuệ cụ túc bằng cách nêu rõ con đường Giới, Định, Tuệ hướng đến giải thoát và giải thoát tri kiến (nội dung giống như kinh Sa môn quả). Ngài tự nhận là đệ nhất về giới luật, đệ nhất về khổ hạnh yểm ly, đệ nhất trí tuệ, đệ nhất giải thoát, rống tiếng rống sư tử giữa các hội chúng. Bài kinh kết thúc với việc du sĩ Kassapa xin xuất gia theo giáo pháp của đức Phật và thông tin Kassapa chứng quả A la hán sau một thời gian tu học.
9. Kinh Potthapada (Potthapada Suttanta):
Bài kinh thuật câu chuyện đàm luận giữa Thế Tôn và du sĩ Potthapada về một số kinh nghiệm thiền định, về các quan điểm siêu hình và thái độ của Thế Tôn đối với các quan điểm ấy, về các chủ trương trống rỗng của các Sa môn và Bà la môn đương thời. Câu chuyện xảy ra khi Thế Tôn đến thăm hội chúng du sĩ của Potthapada tại ngôi vườn Ekasàlaka ở Xá Vệ (Sàvatthi). Potthapada trình bày với đức Phật bốn quan điểm về tưởng sinh và diệt: tưởng sinh và diệt không do nhân duyên, tưởng là tự ngã, tưởng sinh và diệt do ý muốn của các Sa môn hay Bà la môn, tưởng sinh và diệt do ý muốn của các thiên thần. Đức Phật xác nhận với Potthapada rằng do nhân duyên, tưởng sinh và diệt, nghĩa là, do học tập, một loại tưởng phát sanh và do học tập, một loại tưởng đoạn diệt. Để làm rõ quan điểm của mình, đức Phật nói đến sự thực hành giới học đặt nền tảng cho việc thực nghiệm các thiền chứng trong đó các tưởng sinh và diệt tùy thuộc sự phát triển tâm thức của hành giả thông qua thiền chỉ (samatha) và thiền quán (vipassanà). Chẳng hạn, khi vị tỷ kheo chứng và trú sơ thiền, dục tưởng của vị ấy được diệt trừ và tưởng hỷ lạc do ly dục sanh sinh khởi; hoặc khi chứng và trú nhị thiền, tưởng hỷ lạc do ly dục sanh của vị ấy được diệt trừ và tưởng hỷ lạc do định sanh sinh khởi. Đức Phật tiếp tục giải thích cho Potthapada về ý nghĩa tưởng khác với tự ngã theo quan niệm tự ngã do Potthapada nêu ra; lý do ngài không trả lời 10 thắc mắc siêu hình như (1) thế giới là thường hay (2) vô thường, (3) hữu biên hay (4) vô biên, (5) sinh mạng và thân là một hay (6) khác, (7) Như Lai tồn tại, (8) không tồn tại, (9) tồn tại và không tồn tại, (10) không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết; lý do ngài chỉ tập trung giảng dạy về bốn sự thật, khổ, tập, diệt, đạo. Potthapada đồng tình với các quan điểm của đức Phật nhưng hội chúng du sĩ của ông lại chỉ trích ông về thái độ ấy. Phần cuối của bài kinh mô tả cuộc đàm luận thứ hai giữa đức Phật và du sĩ Potthapada mấy ngày sau đó. Potthapada cùng với Citta Hatthisàriputta đến yết kiến đức Phật và trình bày lại sự kiện hội chúng du sĩ của ông chỉ trích ông về thái độ thuận theo Sa môn Gotama. Đức Phật tán thán sự hiểu biết của Potthapada giữa hội chúng sĩ mù lòa, xác nhận lại việc ngài không trả lời dứt khoát về 10 thắc mắc siêu hình và thái độ thuyết pháp dứt khoát của ngài về bốn sự thật. Ngài thuật cho Potthapda nghe về các chủ trương trống không, không có căn cứ của một số Sa môn và Bà la môn xoay quanh ý tưởng tự ngã và sự đeo bám của chúng vào bản ngã giả danh, không thực, nêu rõ mục đích thuyết pháp của ngài là để diệt trừ ngã tưởng ấy. Đức Phật cho rằng những gì được gọi là ngã chỉ là danh tự thế gian (lokasamannà), ngôn ngữ thế gian (lokanirutti), danh xưng thế gian (lokavohàra), ký pháp thế gian (lokapannatti). Ngài dùng chúng nhưng không chấp trước chúng. Potthapada tán thán lời Phật dạy và xin quy y Tam bảo, trong khi Citta Hatthisàriputta xin được xuất gia tu học dưới sự chỉ dẫn của Thế Tôn và đắc quả A la hán sau đó.
10. Kinh Tu Bà (Subha Suttanta):
Bài kinh là sự giảng giải của Tôn giả Ànanda cho thanh niên Bà la môn Subha Todeyyaputta về Thánh giới, Thánh định, Thánh tuệ đưa đến giải thoát và giải thoát tri kiến. Bài kinh diễn ra tại trú xứ của thanh niên Subha Todeyyaputta ở Sàvatthi một thời gian sau ngày Thế Tôn nhập Niết bàn. Thanh niên Subha Todeyyaputta mời Tôn giả Ànanda đến nhà thọ trai và thỉnh vấn tôn giả về giáo pháp của đức Thế Tôn. Tôn giả Ànanda tuần tự giải thích cho Todeyyaputta về Thánh giới uẩn, Thánh định uẩn, Thánh tuệ uẩn hướng đến giải thoát và giải thoát tri kiến (nội dung giống như kinh Sa môn quả). Thanh niên Bà la môn Subha Todeyyaputta hoan hỷ tán thán lời giải thích của Tôn giả Ànanda và xin quy y Tam bảo.
11. Kinh Kevaddha (Kevaddha Suttanta):
Bài kinh là sự giải thích của Thế Tôn cho cư sĩ Kevaddha về ba loại thần thông, biến hóa thần thông, tha tâm thông và giáo hóa thần thông, trong đó ngài nhấn mạnh và đề cao vai trò giáo hóa thần thông. Cư sĩ Kevaddha đến yết kiến Thế Tôn tại vườn Pavàrikampa ở Nàlandà và thỉnh cầu ngài cho phép các tỷ kheo thị hiện phép thần thông để dân chúng Nàlandà vốn đã kính tín ngài càng kính tín ngài nhiều hơn. Thế Tôn từ chối lời yêu cầu của Kevaddha bằng cách chỉ rõ sự tầm thường và huy hiểm của thần thông biến hóa và tha tâm thông. Ngài bảo Kevaddha trong ba loại thần thông mà ngài đã chứng đắc và tuyên thuyết, ngài cảm thấy nhàm chán, hổ thẹn và ghê sợ hai loại thần thông đầu là biến hóa thần thông và tha tâm thông trong khi ngài chú trọng vận dụng giáo hóa thần thông, tức là sự giảng dạy và huấn luyện các đệ tử thực hành chánh pháp. Tiếp theo, đức Phật trình bày pháp môn Giới, Định, Tuệ hướng đến giải thoát và giải thoát tri kiến để minh họa phương pháp giáo hóa thần thông của ngài. Cuối bài kinh Thế Tôn kể cho Kevaddha một câu chuyện ngụ ý sự vô ích của các thần thông và ý nghĩa thiết thực của phương pháp giáo hóa của ngài. Câu chuyện có nội dung như sau: Một tỷ kheo rơi vào nghi ngờ, không biết sau khi chết bốn đại địa, thủy, hỏa, phong sẽ đi đâu. Vị này nhờ định tâm đi hết cảnh giới chư thiên này đến cảnh giới chư thiên khác để xem ai có thể giải tỏa mối thắc mắc nghi ngờ của mình. Đầu tiên vị ấy đi đến Tứ thiên vương thiên nhưng không tìm được câu trả lời. Tiếp theo vị ấy đến cảnh giới bốn Đại thiên vương, rồi cảnh trời Tam thập tam, rồi cảnh trời Đế thích, rồi Dạ ma thiên, rồi Thiên tử Suyàma, rồi Tusità, rồi Thiên tử Santusita, rồi Hóa lạc thiên (Nimmànarati), rồi Thiên tử Sunimmita, rồi Tha hóa tự tại thiên (Paranimmitavasavatti), rồi Thiên tử Vasavatti, rồi cảnh trời Brahma Kàyikà, rồi Đại Phạm thiên nhưng cũng không tìm được câu trả lời. Vị ấy đi đến Đại Phạm thiên, vị thiên thường được xem là tối tôn, hiểu biết tất cả, nhưng vị này cũng không giải đáp được câu hỏi của vị ấy, lại bị Đại Phạm thiên quở trách là dám bỏ qua đức Thế Tôn để đi tìm câu trả lời ở những người khác vốn không có khả năng và không biết cách giải đáp. Sau cùng vị tỷ kheo quay về thỉnh vấn Thế Tôn và được ngài chỉ dạy cho cách thức vượt qua thắc mắc và nghi ngờ của mình.
12. Kinh Lohicca (Lohicca Suttanta):
Bài kinh là sự giảng dạy của đức Phật cho Bà la môn Lohicca về sự nguy hiểm và đáng khiển trách của tà kiến (micchà-ditthi) hay quan điểm sai lầm. Bài kinh diễn ra lúc Thế Tôn đang du hành cùng với 500 tỷ kheo tại nước Kosala và đến trú nghỉ ở một ngôi làng có tên Sàlavatikà. Bà la môn Lohicca ở Sàlavatikà khởi lên tà kiến, cho rằng một Sa môn hay Bà la môn nào chứng được thiện pháp thì không nên nói lại cho người khác, vì không ai có thể làm giúp cho ai được. Bà la môn Lohicca nghe tin Sa môn Gotama đã đến tại làng Sàlavatikà liền sai người hớt tóc Bhesika đến thỉnh an Thế Tôn và mời ngài cùng chúng tỷ kheo đến thọ trai tại nhà mình. Sau khi thọ trai, Thế Tôn muốn giúp Lohicca thoát khỏi tà kiến ấy bằng cách nêu các ví dụ chứng minh quan điểm của Lohicca là sai lầm, đáng khiển trách vì nói như vậy là gây chướng ngại cho người khác, không có từ tâm, là hại tâm, rơi vào tà kiến. Một người rơi vào tà kiến thì phải chịu sanh vào địa ngục hay súc sanh. Tiếp theo, Thế Tôn nói đến ba hạng đạo sư đáng bị khiển trách. Thứ nhất là hạng đạo sư không thực chứng kết quả Sa môn hạnh, giảng dạy cho các đệ tử nhưng các học trò của vị ấy không chú tâm học hỏi, không sống theo lời dạy của bậc đạo sư. Hạng thứ hai là vị đạo sư không thực chứng kết quả Sa môn hạnh, giảng dạy cho các đệ tử và các học trò chú tâm học hỏi nhưng sống trái ngược với giáo pháp bậc đạo sư. Hạng thứ ba là vị đạo sư không thực chứng kết quả Sa môn hạnh, giảng dạy cho các đệ tử nhưng các học trò của vị ấy không chú tâm học hỏi, không sống theo giáo pháp bậc đạo sư. Sau cùng đức Phật nói đến vị đạo sư không đáng bị chỉ trích hay khiển trách. Vị ấy chính là Như Lai, bậc A la hán, Chánh đẳng giác, đã tự thân chứng được kết quả Sa môn hạnh và giảng dạy cho các đệ tử con đường Giới, Định, Tuệ hướng đến kết quả thù thắng của hạnh Sa môn là sự giải thoát và giải thoát tri kiến. Lohicca cảm ơn Thế Tôn đã cứu ông khỏi rơi vào địa ngục bởi tà kiến của ông và xin quy y Tam bảo.
13. Kinh Tam minh (Tevijjà Suttanta):
Bài kinh là cuộc thảo luận giữa đức Phật và thanh niên Bà la môn Vàsettha về con đường dẫn đến cộng trú với Phạm thiên. Cuộc thảo luận diễn ra khi Thế Tôn đang du hành cùng với chúng tỷ kheo của ngài ở Kosala và đến trú nghỉ tại một vườn xoài bên bờ sông Aciravatì, phía Bắc ngôi làng Manasàkata. Hai thanh niên Bà la môn, Vàsettha và Bhàradvàja, cùng đi đến yết kiến Thế Tôn tại vườn xoài bên bờ sông Aciravatì để nhờ ngài phân giải về quan điểm bất đồng giữa hai vị này về con đường cộng trú với Phạm thiên. Vàsettha cho rằng chính con đường do Bà la môn Pokkharasàti giảng dạy mới là chánh đạo, còn Bhàradvàja thì bảo con đường do Bà la môn Tàrukkha tuyên thuyết mới chánh đạo. Vàsettha trình bày với đức Phật các chủ trương khác nhau của các Bà la môn về con đường cộng trú với Phạm thiên và cho rằng tất cả những con đường ấy đều dẫn đến cộng trú với Phạm thiên. Đức Phật hỏi Vàsettha có vị Bà la môn nào trong số các Bà la môn tinh thông ba tập kinh Veda hoặc tôn sư bảy đời của các vị ấy hay những vị tu sĩ Bà la môn thời cổ, tác giả của các kinh Veda như Atthaka, Vàmaka, Vàmadeva, Vessàmitta, Yamatagiri, Angirasa, Bhàradvàja, Vàsettha, Kassapa, Bhagu, đã tận mắt thấy Phạm thiên. Vàsettha xác nhận không có trường hợp như vậy. Rồi đức Phật dùng nhiều ví dụ chứng minh cho Vàsettha thấy sự trớ trêu, trống không của các Bà la môn chủ trương con đường cộng trú với Phạm thiên và chỉ dạy cho người khác con đường ấy trong khi chính bản thân những vị ấy lại không một lần thấy Phạm thiên. Các đoạn đối thoại tiếp theo cho thấy đức Phật không phủ nhận con đường dẫn đến cộng trú với Phạm thiên, nhưng do các Bà la môn không tuân thủ con đường ấy nên chủ trương của họ được xem là trống không, rỗng không, không thiết thực. Con đường cộng trú với Phạm thiên, theo đức Phật, là con đường ly dục (sắc, thanh, hương, vị, xúc), con đường diệt trừ năm triền cái (dục tham, sân hận, hôn trầm thụy miên, trạo hối, nghi ngờ), con đường không có dục ái, không sân tâm, không hận tâm, không nhiễm ô, tự tại. Các Bà la môn không thực hành con đường ly dục, không diệt trừ các triền cái, sống với tâm ái dục, sân hận, sống trong sự nhiễm ô, không tự tại nên không thể cộng trú với Phạm thiên. Phần cuối bài kinh là sự giải thích của đức Phật cho Vàsettha về con đường dẫn đến cộng trú với Phạm thiên. Ở đây nếp sống thiền định nhằm nuôi dưỡng và phát triển các tâm thái từ (mettà), bi (karunà), hỷ (mudità), xả (upekhà) được thực hiện trên cơ sở giới hạnh thanh tịnh được xem như là con đường dẫn đến cộng trú với Phạm thiên. Hai thanh niên Vàsettha và Bhàradvàja bày tỏ sự hân hoan được nghe lời dạy của Thế Tôn và xin quy y Tam bảo.
(1). P. V Bapat, 2500 years of Buddhism, tr. 122.
(2). B. C. Law, A History of Pàli Literature, Vol. I, tr. 43.
(3). N. Dutt, Đại thừa và sự liên hệ với Tiều thừa, tr. 17-18.
(4). Dẫn lại Tỷ kheo Thích Minh Châu, So sánh Kinh Trung A Hàm chữ Hán và Kinh Trung Bộ chữ Pàli, tr. 23.
(5). Buhler, On the Origin of the Indian Bràhmì Alphabet, tr. 90-91.
(6). G. C. Pande, Studies in the Origins of Buddhism, p. 15.
(7). T. W. Rhys Davids, Buddhist India, tr, 188.
(8). B. C. Law, A History of Pàli Literature, tr. 42.
(9). M. Bode, Pàli Literature of Burma, tr. 4 f; Wilhelm Geiger, Pàli Literature and Language, tr. 26.
(10). T. W. Rhys Davids, Lectures on some Points in the History of Indian Buddhism, tr. 125.
(11). H. Oldenberg, The Doctrine of the Upanisads and the early Buddhism, tr. 190.
(12). Nhận xét này của đức Phật và nhiều văn đoạn khác trong Kinh tạng Pàli mô tả về lối sống của các Bà la môn đương thời cho thấy đa số các Bà la môn thời kỳ này hình như không còn chấp trì truyền thống ẩn sĩ đã từng được thực hành bởi các Bà la môn của các thời trước đó. Ngoại trừ ba vị ẩn sĩ thờ lửa là Uruvelà Kassapa, Nadì Kassapa và Gayà Kassapa thường được gọi là các Jatila và nhóm môn đồ của họ như được mô tả trong Mahàvagga thuộc Luật tạng Pàli, phần lớn các Bà la môn thời kỳ này sống đời sống gia đình, có vợ con, hưởng nhiều bổng lộc hoàng gia và có nhiều học trò đến theo học.