Lược khảo 34 bài kinh Trường bộ (tiếp theo)
Phẩm Pàtika (từ kinh số 24-34)
24. Kinh Ba Lê (Pàtika Suttanta):
Bài kinh là sự giải thích của Thế Tôn cho du sĩ Bhaggava về sự kiện tỷ kheo Sunakkhatta thuộc bộ lạc Licchavì từ bỏ đời sống xuất gia, trở về đời sống thế tục. Câu chuyện xảy ra nhân lúc đức Phật ghé thăm du sĩ Bhaggava tại tinh xá của ông trong thời gian ngài đang thực hiện công cuộc du hóa tại Anupiya (A Dật Di), một thành thị của bộ lạc Malla. Lý do Sunakkhatta rời bỏ đời sống xuất gia được nói đến trong bài kinh liên quan đến quan điểm sai lầm của ông đối với mục đích xuất gia, bởi Sunakkhatta cho rằng đức Thế Tôn không giúp cho ông chứng được các pháp thượng nhân thần thông (uttari-manussadhammà iddhi), không giải thích cho ông về khởi nguyên thế giới (agganna), những thứ mà đức Phật rất thận trọng và dè dặt khi đề cập, nếu không muốn nói là ngài hoàn toàn không muốn đụng đến. Đức Phật đưa ra các chứng cứ xác nhận sự kiện rằng ngài không hứa hẹn sẽ giảng dạy những vấn đề trên cho những ai xuất gia theo đuổi giáo pháp của ngài bởi theo ngài sự thành tựu thần thông hay hiểu biết về khởi nguyên thế giới không phải là mục tiêu của đời sống xuất gia, không đưa đến an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết bàn hay giải thoát khổ đau. Có lẽ vì lý do này mà Sunakkhatta rời bỏ đời sống xuất gia với lời tuyên bố về đức Phật: “Sa môn Gotama không có pháp thượng nhân, không có tri kiến thù thắng xứng đáng bậc thánh” (Natthi samanassa Gotamassa uttarim manussadhammà alamariyànànadassanaviseso), như được ghi lại trong Đại kinh Sư tử hống (Mahàsìhanàda Sutta), Trung bộ.
Nhưng dù không được xem trọng, nội dung bài kinh cũng cho thấy đã nhiều lần Thế Tôn thị hiện năng lực thần thông của ngài cho Sunakkhatta thông qua sự kiện ngài tiên đoán vận mệnh của hai vị du sĩ lõa thể Korakkhatiya và Kandaramasuka, và sự kiện lõa thể Pàtikaputta kiêu căng tự phụ muốn thi thố thần thông với ngài liền bị thất bại thảm hại, những việc làm mà M. Winternitz cho là sự thêm thắt về sau vào bản kinh.(1) Về quan niệm khởi nguyên thế giới, bài kinh có lối mô tả rất giống với kinh Phạm võng (Brahmajàla Suttanta) trong đó đức Phật xác nhận ngài biết rất rõ các quan điểm và giới hạn của chúng và còn biết nhiều hơn thế nữa nhưng ngài không chấp trước sở kiến ấy. Ngài thuật cho Bhaggava trường hợp một số các Sa môn và Bà la môn tin theo truyền thống cho rằng thế giới hoặc do đấng Tự tại (Issara) sanh hoặc do Phạm thiên (Brahmà) tạo ra, hoặc hiện hữu do bị nhiễm hoặc bởi dục lạc (khiddàpadùsika) hoặc do bị nhiễm hoặc bởi tâm trí (manopadùsika) hay do vô nhân sanh (adhiccasamuppanna) nhưng họ không thể giải thích quan điểm của mình. Các vị này cầu xin đức Phật giảng giải và ngài chỉ cho họ nguyên nhân dẫn đến những quan điểm ấy:
- Về nguyên nhân dẫn đến quan điểm thế giới do Issara hay Brahmà tạo ra: Đến một thời gian nào đó rất lâu, thế giới này chuyển hoại. Trong khi thế giới này chuyển hoại, các loài hữu tình phần lớn sinh qua cõi Quang Âm thiên (Àbhassara). Các loài hữu tình này do ý sanh, nuôi sống bằng hỷ, tự chiếu sáng, phi hành trên hư không và sống như vậy trong một thời gian dài. Rồi đến một gian đoạn nào đó rất lâu, thế giới này chuyển thành. Trong khi thế giới này chuyển thành, Phạm thiên (Brahmàloka) được hiện ra nhưng trống không. Lúc bấy giờ một hữu tình thọ mạng đã tận, mạng chung ở Quang Âm thiên và sanh qua Phạm thiên. Vị ấy do ý sanh, nuôi sống bằng hỷ, tự chiếu sáng, phi hành trên hư không và sống như vậy trong một thời gian dài. Vị này sau khi sống lâu một mình như vậy nên tâm tư chán nản, khởi niệm mong muốn có các hữu tình khác cùng đến sống với mình. Bấy giờ một số hữu tình khác mạng chung ở Quang Âm thiên và sanh qua cõi Phạm thiên. Các chúng sanh này cũng do ý sanh, nuôi sống bằng hỷ, tự chói sáng, phi hành trên hư không và sống như vậy trong một thời gian dài. Vị hữu tình đầu tiên sanh qua Phạm thiên nghĩ rằng: “Ta là Phạm thiên, Đại Phạm thiên, đấng Toàn năng, Thượng đế, Sáng tạo chủ, Chúa tể mọi định mệnh, Tổ phụ các chúng sanh đã và sẽ sanh. Vì do ta khởi niệm mong muốn mà các chúng sanh này mới có mặt.” Còn các hữu tình đến sau cũng nghĩ rằng vị hữu tình đầu tiên ấy là Đại Phạm thiên...Sáng tạo chủ, vị ấy sáng tạo ra chúng ta. Vị hữu tình sanh ra đầu tiên ấy có tuổi thọ cao hơn, sắc tướng tốt đẹp hơn và có uy quyền nhiều hơn so với các hữu tình sanh sau. Sự kiện xảy ra là một trong số các hữu tình ấy mạng chung ở Phạm thiên và sanh ra ở đời này. Khi đến cõi đời này, vị ấy xuất gia tu tập thiền định; nhờ tu thiền vị ấy nhớ tới đời sống trước đây của mình nên cho rằng vị ấy là Đại Phạm thiên...Sáng tạo chủ, thường hằng, thường trú, không biến chuyển, sống như vậy mãi mãi; còn chúng ta, do vị ấy sanh ra, được tái sanh ở chỗ này, là vô thường, không kiên cố, chịu biến hoại.
- Về nguyên nhân của quan điểm thế giới hiện hữu do bị nhiễm hoặc bởi dục lạc: Có hạng chư thiên gọi là Khiddàpadùsikà (bị nhiễm hoặc bởi dục lạc). Những vị này sống lâu ngày trong sự say mê hý tiếu dục lạc nên bị thất niệm. Do thất niệm, những vị chư thiên ấy mạng chung và sanh ra ở đời này. Khi đến cõi đời này, những vị ấy xuất gia tu thiền định; nhờ tu thiền định vị ấy nhớ tới đời sống trước kia của mình nên cho rằng những chư thiên không bị nhiễm hoặc bởi dục lạc, không mê say hý tiếu dục lạc nên không thất niệm; do không thất niệm, những chư thiên ấy không bị mạng chung, sống thường hằng, thường trú mãi mãi; còn chúng ta do mê say hý tiếu dục lạc nên bị thất niệm, bị mạng chung tái sanh, chịu vô thường, biến diệt.
- Về nguyên nhân của quan điểm thế giới hiện hữu do bị nhiễm hoặc bởi tâm trí: Có hạng chư thiên gọi là Manopadùsikà (bị nhiễm hoặc bởi tâm trí). Những vị này sống lâu ngày trong sự nung nấu đố kỵ lẫn nhau nên trở thành oán ghét lẫn nhau. Do sống trong đố kỵ oán ghét nên thân tâm những vị ấy trở nên mệt mỏi. Rồi những vị ấy mạng chung và sanh ra ở đời này. Khi đến đời này, những vị ấy xuất gia tu thiền định; nhờ tu thiền, những vị ấy nhớ tới đời sống trước kia của mình nên cho rằng những chư thiên tâm trí không bị nhiễm hoặc bởi đố kỵ và ghanh ghét có được thân tâm không mệt mỏi; chúng không bị thác sanh, sống thường hằng, thường trú mãi mãi; còn chúng ta tâm trí bị nhiễm hoặc bởi đố kỵ và ghanh ghét nên thân tâm mệt mỏi và bị tái sanh, chịu sự vô thường, biến diệt.
- Về quan điểm thế giới do vô nhân sanh: Có hạng chư thiên gọi là Vô tưởng hữu tình (Asanna-sattà). Khi chư thiên ấy khởi lên một tưởng niệm nào thời chư thiên ấy sẽ mạng chung và thác sanh. Sự kiện xảy ra là một trong các chư thiên ấy mạng chung và thác sanh ở cõi đời này. Khi đến cõi đời này, vị ấy xuất gia tu thiền định nên đạt được tâm định. Do tâm nhập định, vị ấy nhớ đến sự kiện tưởng niệm phát sanh và tuyên bố: “Bản ngã và thế giới là vô nhân sanh, vì trước kia tôi không có, nay tôi có. Từ trạng thái không có, tôi trở thành loài hữu tình.”
Cuối bài kinh, đức Phật đính chính lại một nhận xét sai lầm xuất phát từ một số Sa môn và Bà la môn cho rằng ngài đã tuyên bố câu: “Khi một ai đạt đến thanh tịnh, giải thoát, bấy giờ vị ấy biết mọi thứ là bất tịnh.” Quan điểm của ngài là: “Khi một ai đạt đến thanh tịnh, giải thoát, bấy giờ vị ấy biết mọi thứ là thanh tịnh.” (Yasmim samaye subham vimokham upasampajja viharati, subham t’eva tasmim samaye sanjànàtìti.)
25. Kinh Ưu Đàm Bà La Sư tử hống (Udumbarika-Sìhanàda Suttanta):
Bài kinh là cuộc đàm luận giữa đức Phật và du sĩ Nigrodha về khổ hạnh (tapa), về sự cấu uế, thanh tịnh và sự tối thượng của pháp môn khổ hạnh. Sự viếng thăm hội chúng du sĩ của gia chủ Sandhàna (Tán Đà Na) tại ngôi vườn Nữ hoàng Udumbarikà ở Vương Xá là nhân duyên dẫn đến cuộc đàm luận giữa Thế Tôn và du sĩ Nigrodha. Học giả B. C. Law cho rằng bài kinh là sự mở rộng nội dung một đoạn văn (đoạn 23) trong bài kinh Mahàsìhanàda,(2) trong đó đức Phật thông báo với du sĩ lõa thể Kassapa rằng Phạm chí Nigrodha từng đến núi Linh Thứu để hỏi ngài về tối thắng khổ hạnh. Nhận định này không hoàn toàn chính xác bởi địa điểm hai cuộc gặp gỡ không giống nhau giữa hai bản kinh. Đoạn 23 trong bài kinh Mahàsìhanàda bảo Nigrodha đến núi Linh Thứu để tham vấn đức Phật về tối thắng khổ hạnh, trong khi ở trong kinh này, cuộc đàm luận giữa đức Phật và Nigrodha diễn ra tại ngôi vườn Udumbarikà trong đó đức Phật chủ động đến chỗ Nigrodha.
Các thông tin mô tả ở phần đầu bài kinh (và ở một vài bản kinh khác như kinh Potthapada, Trường bộ; kinh Sandaka, Trung bộ) cho thấy sự khác biệt rất căn bản giữa hội chúng các du sĩ ngoại đạo và hội chúng tỷ kheo đệ tử đức Phật đương thời: thói quen ồn ào chuyên bàn thế sự của các hội chúng du sĩ và sự ưa mến an tịnh, chánh niệm tỉnh giác của các tỷ kheo đệ tử đức Phật trong mọi sinh hoạt cá nhân và tập thể. Cách thái khác biệt này nói rõ kết quả của đường lối giáo dục của đức Phật: tránh bàn thế sự, không ngồi lê đôi mách, tập trung thì giờ và năng lực cho sự hoàn thiện và giải thoát tự thân. Có thể nói rằng sức sống tâm linh và minh triết Phật giáo nằm ở chỗ này, tức là khuynh hướng giáo dục hướng nội của đức Phật được vận dụng và phát huy cao độ bởi mỗi cá nhân.
Giống như Đại kinh Sư tử hống (Mahà-Sìhanàda Suttanta), kinh này cho ta một số thông tin về các hình thái khổ hạnh được tuân thủ bởi các Sa môn và Bà la môn đương thời: “Sống lõa thể, sống phóng túng không theo lễ nghi, liếm tay cho sạch, đi khất thực không chịu bước tới, không nhận đồ ăn mang đến, không nhận đồ ăn đặc biệt nấu cho mình, không nhận lời mời đi ăn, không nhận đồ ăn tại ngưỡng cửa, không nhận đồ ăn đặt giữa những cây gậy, không nhận đồ ăn từ hai người đang ăn, không nhận đồ ăn từ người đàn bà có thai, không nhận đồ ăn từ người đàn bà đang cho con bú, không nhận đồ ăn từ người đàn bà đang giao cấu, không nhận đồ ăn đi quyên, không nhận đồ ăn tại chỗ có chó đứng, không nhận đồ ăn tại chỗ có ruồi bu, không ăn cá, ăn thịt, không uống nước nấu rượu men. Vị ấy chỉ nhận ăn tại nhà hay chỉ nhận ăn một miếng, chỉ nhận ăn tại bảy nhà hay chỉ nhận ăn bảy miếng. Vị ấy nuôi sống chỉ với một bát, nuôi sống chỉ với hai bát, nuôi sống chỉ với bảy bát. Vị ấy chỉ ăn một ngày một bữa, hai ngày một bữa, bảy ngày một bữa. Như vậy vị ấy sống theo hạnh tiết chế ăn uống cho đến nửa tháng mới ăn một lần. Vị này chỉ ăn cỏ lúa để sống, lúa tắc, gạo lức, ăn hột vải nivara, ăn da vụn, ăn trấu, ăn nước bột gạo, ăn bột vừng, ăn cỏ, ăn phân bò, ăn trái cây, ăn rễ cây trong rừng, ăn trái cây rụng để sống. Vị ấy mặc vải gai thô, mặc vải gai thô lẫn với các khác vải khác, mặc vải tẩm liệm đã quăng đi, mặc vải phấn tảo y, mặc vải vỏ cây tititaka làm áo, mặc áo da con sơn dương đen, mặc áo bằng cỏ cát tường, mặc áo vỏ cây, mặc áo bằng tấm gỗ nhỏ, mặc áo bằng tóc bện lại thành mền, mặc áo bằng đuôi ngựa bện lại, mặc áo bằng lông cú. Vị ấy là người sống nhổ râu tóc, là người sống theo tập tục sống nhổ râu tóc, là người theo hạnh thường đứng, không ngồi, là người ngồi chỏ hỏ; sống theo hạnh ngồi chỏ hỏ một cách tinh tấn, là người dùng gai làm giường, thường ngủ nằm trên giường gai, sống dùng ván gỗ làm giường, sống nằm trên đất trần, thường nằm ngủ một bên hông, sống để bụi và nhớp che kín thân mình, sống và ngủ ngoài trời; theo hạnh bạ đâu nằm đó, sống ăn các uế vật; theo hạnh ăn các uế vật, sống không uống các nước lạnh, theo hạnh không uống nước lạnh, sống một đêm tắm ba lần, theo hạnh xuống nước tắm.”
Trong phần giải thích về sự cấu uế của người tu khổ hạnh, đức Phật nêu ra một số các biểu hiện tiêu cực cho thấy tâm lý bất ổn thường hay mắc phải bởi những người theo đuổi con đường cực đoan này: tâm tư thỏa mãn do siêng tu khổ hạnh, khen mình chê người, phóng dật, tự bằng lòng hay thỏa mãn do được cung kính danh vọng, khen mình chê người do được cung kính danh vọng, phóng dật do được cung kính danh vọng, sinh tâm phân biệt đối với các món ăn, khao khát được cung kính danh vọng, chê bai người khác, ghanh tỵ đối với người khác, trở thành người ngồi giữa công chúng, biểu lộ dáng vẻ khổ hạnh, làm bộ có vẻ bí mật, không chấp nhận phương pháp của người khác, hay tức giận và ôm lòng oán thù, thường hay giả dối, lừa đảo, tật đố, hà tiện, giảo hoạt, ngụy trá, cứng cỏi, quá mạn, ác ý, tà kiến, tư tưởng cực đoan, chấp trước kinh nghiệm tự thân, cứng đầu và khó giải thoát.
Tuy nhiên, khi một người chấp trì các pháp khổ hạnh mà không rơi vào các tâm lý tiêu cực trên thì bấy giờ khổ hạnh của người ấy được xem là thanh tịnh.
Bài kinh tiếp tục với sự nhận xét của đức Phật về giới hạn của các pháp khổ hạnh mà các Sa môn và Bà la môn đương thời đang nỗ lực theo đuổi – chúng chỉ mới là khổ hạnh bên ngoài, chưa đạt đến căn bản tối thượng – và sự giảng giải của ngài về con đường Giới, Định, Tuệ, được xem là các pháp khổ hạnh đạt đến căn bản và tối thượng, gồm các bước:
- Tu tập bốn pháp chế ngự: không sát sanh, không lấy của không cho, không tà hạnh trong các dục, không nói láo.
- Lựa chọn nơi thích hợp để hành thiền.
- Tẩy trừ năm triền cái: tham, sân, hôn trầm thụy miên, trạo hối, nghi.
- Phát triển bốn tâm thái: từ, bi, hỷ, xả.
- Thành tựu túc mạng minh, thấy rõ các đời sống quá khứ của mình.
- Thành tựu thiên nhãn minh, thấy rõ kết quả tái sinh của chúng sinh do nghiệp lực.
Nội dung Giới, Định, Tuệ được đề cập trong kinh này kết thúc với sự thành tựu thiên nhãn minh (dibba-cakkhu/ yathà-kammùpaga-nàna/ cutùpapàta-nàna) mà không phải lậu tận minh (àsavakkhaya-nàna) như ta thường thấy ở các bản kinh khác. Điều này hẳn là một thiếu sót cần được xem xét và bổ sung bởi tầm quan trọng của nội dung lời Phật dạy. Chúng ta hiểu rằng lậu tận minh đóng vai trò rất quan trọng trong tiến trình giải thoát của đạo Phật. Yếu tố này vừa nói rõ cơ sở giải thoát của một người theo đuổi lời Phật dạy (trí tuệ thấy rõ khổ đau (dukkha) và lậu hoặc (àsava), nguyên nhân, sự chấm dứt và con đường đưa đến sự chấm dứt của chúng) vừa chứng minh sự khác biệt rất căn bản và tế nhị giữa giáo lý của ngài và các giáo lý khác. Ta cũng hiểu rằng trong đoạn kinh này đức Phật chú ý giới thiệu cho du sĩ Nigrodha về giáo lý Giới, Định, Tuệ của ngài được mệnh danh là các khổ hạnh đạt đến tối thượng và căn bản. Mà khi nói đến giáo lý giải thoát của đức Phật hay Giới, Định, Tuệ thì lậu tận minh là yếu tố không thể thiếu. Như vậy sự bỏ qua yếu tố lậu tận minh rất căn bản và quan trọng này trong bản kinh (trong nguyên bản tiếng Pàli và các bản dịch) chứng tỏ sự thiếu sót của các nhà biên tập Kinh tạng Pàli và một sự bổ sung yếu tố này vào bản kinh là hoàn toàn đúng đắn và cần thiết.
Phần tiếp theo của bài kinh là sự xác chứng của đức Phật về một số đặc điểm của chư vị Thế Tôn, Chánh đẳng giác: Chư vị là những người ưa mến an tịnh, không thích ồn ào, những người đã giác ngộ và thuyết giảng con đường đưa đến giác ngộ, những người đã điều phục và thuyết pháp đưa đến điều phục, những người đã tịch tịnh và thuyết pháp đưa đến tịch tịnh, những người đã đạt tịnh lạc và thuyết pháp đưa đến tịnh lạc, những người đã vượt qua bờ bên kia và thuyết pháp để vượt qua.
Cuối bài kinh, đức Phật đưa ra một lời tuyên bố rất nổi tiếng nêu rõ thái độ và mục đích thuyết pháp của ngài, được xem là tiếng rống sư tử (sìhanàda) của bậc Toàn giác giữa cuộc đời:
“Người có trí hãy đến đây, trung thực, không lừa đảo, chân trực, Ta sẽ huấn dạy, Ta sẽ thuyết pháp. Nếu vị ấy thực hành đúng như điều đã dạy, vị ấy sẽ tự biết mình và chứng ngộ ngay trong hiện tại phạm hạnh và mục tiêu vô thượng của phạm hạnh, trong thời gian bảy năm, thậm chí chỉ trong bảy ngày... Này Nigrodha, ngươi có thể nghĩ rằng: ‘Sa môn Gotama nói vậy là muốn có đệ tử.’ Này Nigrodha, ngươi chớ có hiểu như vậy. Bổn sư ngươi là ai, hãy giữ nguyên vị Bổn sư ấy cho ngươi. Này Nigrodha, ngươi có thể nghĩ rằng: ‘Sa môn Gotama nói vậy là muốn chúng tôi từ bỏ kinh tụng của chúng tôi.’ Này Nigrodha, ngươi chớ có hiểu như vậy. Kinh tụng ngươi là gì, hãy giữ nguyên kinh tụng ấy cho ngươi. Này Nigrodha, ngươi có thể nghĩ rằng: ‘Sa môn Gotama nói như vậy là muốn chúng tôi từ bỏ nghề sống của chúng tôi.’ Này Nigrodha, chớ có hiểu như vậy. Nghề sống của ngươi là gì, hãy giữ nguyên nghề sống ấy cho ngươi. Này Nigrodha, ngươi có thể nghĩ rằng: ‘Sa môn Gotama nói vậy là muốn xác tín cho chúng tôi đối với các pháp bất thiện mà truyền thống Tổ sư chúng tôi đã xem là bất thiện.’ Này Nigrodha, chớ có hiểu như vậy. Những pháp bất thiện gì của ngươi và được xem là bất thiện do Tổ sư truyền thống, hãy giữ chúng nguyên như cũ. Này Nigrodha, ngươi có thể nghĩ rằng: ‘Sa môn Gotama nói vậy là muốn cho chúng tôi từ bỏ những thiện pháp mà truyền thống Tổ sư chúng tôi đã xem là thiện pháp.’ Này Nigrodha, chớ có hiểu như vậy. Những thiện pháp của ngươi và được xem là thiện pháp do Tổ sư truyền thống, hãy giữ chúng nguyên như cũ. Này Nigrodha, Ta nói vậy không phải vì muốn có đệ tử; Ta nói vậy không phải vì muốn khiến các ngươi từ bỏ kinh tụng; Ta nói vậy không phải vì muốn khiến các ngươi từ bỏ nghề sống; Ta nói vậy không phải vì muốn xác tín cho các ngươi đối với các pháp bất thiện mà truyền thống Tổ sư đã xem là bất thiện; Ta nói vậy không phải vì muốn cho các ngươi từ bỏ những thiện pháp mà truyền thống Tổ sư đã xem là thiện pháp. Này Nigrodha, có những pháp bất thiện không được từ bỏ, làm cho cấu uế, đưa đến tái sanh, đem lại đau khổ, đưa lại quả khổ, đem lại già, bệnh, chết trong tương lai. Những pháp ấy, Ta thuyết giảng để diệt trừ chúng. Nếu các ngươi thực hành đúng theo lời giảng dạy, thời các pháp cấu uế của ngươi được trừ diệt, các pháp thanh tịnh được tăng trưởng, và các ngươi sẽ tự chứng biết, chứng ngộ, đạt đến an trú ngay trong hiện tại, trí tuệ cụ túc, viên mãn.”
26. Kinh Chuyển luân Thánh vương Sư tử hống (Cakkavatti-Sìhanàda Suttanta):
Bài kinh là một dự báo về hiện tượng suy giảm đạo đức của con người dẫn đến hiện tượng suy giảm tuổi thọ loài người, thông qua truyền thuyết về vị vua Chuyển luân Thánh vương Dalhanemi và các hậu duệ của vị vua này và hiện tượng phục hồi nếp sống đạo đức dẫn đến hiện tượng tuổi thọ loài người được tăng trưởng, qua câu chuyện con người nhận ra lợi ích của nếp sống đạo đức và nỗ lực theo đuổi. Bài kinh cũng dự báo việc đức Phật Di Lặc (Metteyya) sẽ xuất hiện ở đời vào lúc tuổi thọ loài người lên đến 80.000 năm. Bài kinh do đức Thế Tôn thuyết giảng cho các tỷ kheo khi ngài đang trú tại Matulà (Ma Du La) thuộc vương quốc Magadha (Ma Kiệt Đà).
Phần lớn nội dung của bài kinh tập trung vào việc mô tả cuộc đời và sự nghiệp trị quốc của vị vua Chuyển luân Thánh vương Dalhanemi và các vị vua kế nhiệm vua Dalhanemi, nhưng ý chính của bài kinh có lẽ nằm ở phần đầu và phần cuối bài kinh trong đó đức Phật khuyên các tỷ kheo phải nỗ lực thực hành pháp môn Tứ niệm xứ, được mệnh danh là tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa chính mình, không nương tựa một gì khác, dùng chánh pháp làm ngọn đèn, dùng chánh pháp làm nơi nương tựa, không nương tựa một gì khác. Sự thực hành Tứ niệm xứ của các tỷ kheo ở đây cũng đồng nghĩa với việc duy trì truyền thống Chánh pháp của chư Phật, khiến cho Chánh pháp ấy được tăng thịnh, không suy giảm, được tồn tại lâu dài để làm lợi ích cho nhiều người. Chủ ý của đức Phật ở trong bài kinh này rất giống với chủ ý của ngài ở trong bài kinh Makhàdeva, Trung bộ, trong đó ngài cũng kể câu chuyện về vua Makhàdeva đã thiết lập được một truyền thống trị quốc tốt đẹp nhưng đã bị con cháu các đời sau từ bỏ để nhắc nhở tỷ kheo Ànanda phải nỗ lực duy trì truyền thống bát Thánh đạo do ngài thiết lập, chớ để cho truyền thống ấy bị mai một. Trong bài kinh này, câu chuyện về vua Chuyển luân Thánh vương Dalhanemi dùng Chánh pháp trị nước khiến đạo đức con người gia tăng dẫn đến tuổi thọ loài người được gia tăng và sự kiện các hậu duệ của vị vua này lần lần bỏ quên truyền thống trị quốc tốt đẹp ấy khiến đạo đức con người bị suy giảm dẫn đến tuổi thọ suy giảm có thể xem là một minh họa hay làm sáng tỏ ý nghĩa lời khuyên của đức Phật về việc duy trì truyền thống Chánh pháp.
Vua Dalhanemi là vị Chuyển luân Thánh vương, có đầy đủ bảy món báu giúp cho nhà vua có đủ nghị lực và sáng suốt trong việc thu phục các thù địch và cai trị vương quốc rộng lớn. Nhà vua sống thực hành Chánh pháp, dùng Chánh pháp để hàng phục các nước chư hầu và trị quốc. Vua là người theo Thánh vương Chánh pháp (Ariyam cakkavatti-vattam), y cứ vào Chánh pháp, kính trọng pháp, cung kính pháp, tôn trọng pháp, lấy Chánh pháp làm pháp tràng, pháp kỳ, xem Chánh pháp là thầy dẫn đường, dùng Chánh pháp bảo vệ cho thứ dân, cho quân đội, cho Sát đế lỵ, cho thần dân, cho Bà la môn, cho gia chủ, cho thị dân, thôn dân, cho các Sa môn và Bà la môn, cho các loài thú và loài chim. Nhà vua sống đúng với Chánh pháp, không làm điều phi pháp, luôn giúp đỡ và tạo công ăn việc làm thích hợp cho dân, giáo dục và khuyến khích thần dân làm điều thiện, ngăn chận dân chúng làm điều ác. Không sát sanh, không lấy của không cho, không tà hạnh trong các dục, không nói láo, không uống rượu và tri túc là nếp sống của mọi người dân trong vương quốc vua Dalhanemi. Do cai trị theo Thánh vương Chánh pháp, vương quốc vua Dalhanemi được hưng thịnh, quần chúng an cư lạc nghiệp, tuổi thọ loài người thời ấy đạt đến con số rất lớn. Truyền thống này được duy trì một thời gian dài bởi một số vị vua kế nhiệm vua Dalhanemi. Nhưng một thời gian sau, truyền thống này bắt đầu bị mai một bởi vị vua kế nhiệm không theo đúng Thánh vương Chánh pháp, trị nước nước theo ý riêng của mình dẫn đến tình trạng nghèo đói lan rộng. Do nghèo đói (daliddiyam) phát triển nên trộm cắp (adinnàdanam) phát triển; do trộm cắp phát triển nên đao kiếm (sattham) phát triển; do đao kiếm phát triển nên sát sanh (pànàtipàto) phát triển; do sát sanh phát triển nên nói láo (musàvàdo) phát triển; do nói láo phát triển nên nói hai lưỡi (pisunà vàcà) phát triển; do nói hai lưỡi phát triển nên tuổi thọ (àyu) và sắc đẹp (vanno) loài người bị suy giảm đáng kể. Những người sống vào thời ấy có tuổi thọ 80.000 năm nhưng đến đời con của họ tuổi thọ chỉ còn lại 40.000 năm. Cứ thế tuổi thọ loài người tiếp tục suy giảm tỷ lệ thuận với tình trạng suy giảm đạo đức. Khi tuổi thọ loài người tụt giảm đến 10.000 năm, bấy giờ hiện tượng tà dâm (kàmesu micchàcàro) nảy sinh và phát triển. Khi tuổi thọ loài người xuống đến 5.000 năm, ác khẩu (pharusà vàcà) và ỷ ngữ (samphappa-làpo) phát triển mạnh. Khi tuổi thọ loài người tụt xuống 2.500 năm, tham dục (abhijjhà) và sân hận (vyàpàdo) đi đến tăng trưởng. Khi tuổi thọ loài người còn lại 1.000 năm, tà kiến (micchà-ditthi) xuất hiện và chi phối mạnh mẽ. Khi tuổi thọ loài người còn 500 năm, phi pháp dục (adhamma-ràgo), phi lý tham (visama-lobho) và tà kiến (micchà-dhammo) là các pháp lớn mạnh. Khi tuổi thọ loài người xuống còn 250 năm, con người thường tỏ ra bất hiếu đối với cha mẹ, bất kính đối với các Sa môn và Bà la môn, thiếu lễ độ đối với người đứng đầu trong gia đình. Vì bất hiếu đối với cha mẹ, bất kính đối với các Sa môn và Bà la môn, thiếu lễ độ đối với người đứng đầu trong gia đình nên tuổi thọ loài người thời ấy chỉ còn 250 năm và đến đời con thì tụt giảm xuống còn 100 năm.
Như vậy, do không theo đúng Thánh vương Chánh pháp, các vị vua kế nhiệm vua Dalhanemi tỏ ra yếu kém trong việc trị quốc khiến đạo đức con người bị suy giảm dẫn đến tuổi thọ loài người lần lượt bị suy giảm. Bài kinh tiếp tục đưa ra một dự báo cho thấy đến một thời nào đó tuổi thọ loài người chỉ còn 10 năm và bấy giờ thế giới loài người có những biểu hiện rất đáng kinh ngạc: con gái năm tuổi sẽ lấy chồng, 10 thiện nghiệp hoàn toàn biến mất và thay vào đó 10 bất thiện nghiệp chi phối toàn bộ cuộc sống, chữ thiện hoàn toàn biến mất trên cuộc đời, bất hiếu, bất kính, thiếu lễ độ được tán dương và đánh giá cao, loài người rơi vào thông dâm như dê già, con người đối với nhau hại tâm rất mãnh liệt, sân tâm rất mãnh liệt, ác ý rất mãnh liệt, sát tâm rất mãnh liệt. Vào thời kỳ này, một trận chiến xảy ra trong thời gian bảy ngày và loài người rơi vào tàn sát lẫn nhau, chém giết nhau, xem nhau như kẻ thù, đối xử với nhau như loài thú. Sự kiện xảy ra là trong số chúng sanh ấy, có một số không muốn sát hại lẫn nhau, chúng bồng bế nhau vào rừng để tránh họa gươm đao. Sau bảy ngày, chúng từ rừng quay về, sung sướng trông thấy nhau còn sống sót, tự an ủi mà nói với nhau rằng chúng ta đã tàn sát lẫn nhau, đã làm điều bất thiện, nay chúng ta chớ có làm điều bất thiện nữa mà hãy làm thiện. Và chúng từ bỏ sát sanh, không đan tâm sát hại nhau nữa. Chúng bắt đầu cuộc sống từ hòa, từ bỏ gươm đao, tránh xa sát sanh. Do thiện hạnh này, tuổi thọ của chúng chỉ có 10 năm nhưng đến đời con của chúng tuổi thọ loài người tăng lên 20 năm. Các thế hệ con cháu tiếp theo của chúng, được giáo dục điều lành và được củng cố bởi kết quả thiện hạnh, tiếp tục nếp sống làm lành, tuân giữ 10 điều thiện, sống hiếu kính cha mẹ, tôn trọng các Sa môn và Bà la môn, lễ phép đối với người đứng đầu trong gia đình. Do nhân thiện hạnh này, tuổi thọ loài người tiếp tục tăng trưởng dần lên cho đến 80.000 năm. Bài kinh tiếp tục mô tả một số đặc điểm của thế giới loài người khi tuổi thọ con người lên tới 80.000 năm, chẳng hạn, con gái đến 500 tuổi mới lập gia đình, dân số thế giới rất lớn, quốc gia Jambudìpa (Ấn Độ) sẽ có 84.000 thành phố trong đó Ketumatì là kinh đô, đức vua trị vị sẽ là vị Chuyển luân Thánh vương tên Sankha, đặc biệt vào thời kỳ này, đức Phật Di Lặc (Metteyya) sẽ ra đời và thuyết giảng Chánh pháp.
27. Kinh Khởi thế nhân bổn (Agganna Suttanta):
Bài kinh là một giả thuyết Phật giáo về sự xuất hiện của con người trên hành tinh và bước đầu sự hình thành nên các chủng tánh hay giai cấp của loài người, có thể xem là một nỗ lực về sau của các nhà tôn giáo trong việc mô tả khởi nguyên của thế giới và xã hội loài người. Bài kinh gắn đức Phật là tác giả của sự giải thích về khởi nguyên thế giới, nhưng xem ra điều này hoàn toàn trái với thái độ dè dặt của ngài khi đề cập vấn đề này. Kinh Pàtika cho thấy đức Phật không muốn giảng giải cho Sunakkhatta về khởi nguyên thế giới (agganna), điều mà Sunakkhatta đã viện dẫn trong bài kinh như là một trong các lý do khiến ông từ bỏ đời sống xuất gia. Có lẽ vì lý do này mà cả M. Winternitz và G. C. Pande đều cho rằng bản kinh là sự nỗ lực của một giai đoạn về sau.(3) B. C. Law bảo bài kinh luận về sự tiến hóa của thế giới, con người và xã hội nhưng cách luận giải này dường như không thỏa mãn trước các quan điểm khoa học hiện đại về vấn đề này.(4)
Nhân duyên ra đời của bài kinh là sự kiện hai thanh niên dòng dõi Bà la môn, Vàsettha và Bhàradvàja, muốn trở thành tỷ kheo dưới sự hướng dẫn của Thế Tôn, bị các vị Bà la môn chỉ trích là đã từ bỏ giai cấp tối thượng (Bà la môn) để cúi mình trước một giai cấp hạ tiện (sa môn, đệ tử của đức Phật). Đức Phật dẫn một số trường hợp chứng minh cho thanh niên Vàsettha thấy quan điểm của các Bà la môn là sai lầm khi tự cho mình là giai cấp tối thượng, còn các giai cấp khác là hạ liệt. Lập trường của ngài nêu rõ rằng không phải sinh ra trong một dòng họ hay giai cấp nào đó thì con người được xem là cao cả hay hạ liệt mà chính hành động thiện hay ác của người ấy mới nói rõ anh ta là cao quý hay hạ liệt. Trong kinh này, các lập luận của đức Phật về các hành vi thiện ác được tìm thấy trong bốn giai cấp, Sát đế lỵ, Bà la môn, Phệ xá, Thủ đà, rất giống các lập luận ngài nêu ra cho Assalàyana ở trong bài kinh Assalàyana, Trung bộ. Bởi cả bốn giai cấp đều có thể làm ác và làm thiện, và thực sự đã là như vậy, nên không thể bảo chỉ giai cấp Bà la môn là tối thượng, các giai cấp khác là hạ liệt. Tiếp theo, đức Phật nhấn mạnh vai trò giới đức và trí tuệ siêu việt giai cấp và chứng minh bằng sự kiện rằng vua Pasenadi nước Kolasa rất tôn kính ngài, mặc dù ngài xuất thân từ dòng họ Sàkyà, một bộ tộc chư hầu của nhà vua. Luận chứng này của ngài ở trong bài kinh cung cấp một vài thông tin quan trọng về phương diện lịch sử. Một mặt nó củng cố thêm sự kiện rằng vua Pasenadi rất mến mộ Phật giáo mà nhiều nơi khác trong Kinh tạng Pàli đã đề cập, đặc biệt trong bài kinh Dhammacetiya, Trung bộ, và mặt khác xác nhận rõ sự kiện rằng Sàkyà bấy giờ là một chư hầu của quốc vương Pasenadi nước Kosala mà trong bài kinh Xuất gia thuộc Kinh tập (Suttanipàta), Tiểu bộ, đức Phật đã ít nhiều nói đến.
Giả thuyết về khởi nguyên thế giới và bình minh của lịch sử loài người được mô tả trong bài kinh ít nhiều nhuốm màu huyền thoại và giới hạn trong các khái niệm và quan điểm phát xuất từ nền văn minh Aryan Ấn Độ. Giả thuyết này bảo chúng ta rằng đến một giai đoạn nào đó thế giới này bị biến hoại, lúc ấy phần lớn loài hữu tình tái sanh qua cõi Àbhassara (Quang Âm thiên). Rồi một thời gian rất lâu sau đó, thế giới lại hình thành và bấy giờ một số lớn chúng sanh từ Àbhassara lại sanh vào cõi đời này. Lúc này thế giới chỉ toàn là nước đem sẩm, không có mặt trăng mặt trời, không có các vì sao, không có ngày và đêm, không có tháng và năm, không có đàn bà và đàn ông. Các chúng sanh từ Quang Âm thiên đến thế giới này tự nuôi sống bằng hỷ (pìty), thân mình tự chiếu sáng, bay lượn trên hư không. Rồi một thời gian sau, đất hiện ra, có màu sắc, có vị ngọt; một số chúng sanh có lòng tham dùng đất ấy để ăn và do vậy ánh sáng của chúng biến mất, bấy giờ mặt trăng mặt trời, ngày và đêm, tháng và năm xuất hiện. Các hữu tình lấy đất làm thức ăn nên một thời gian lâu sau đó thân mình của chúng trở nên cứng rắn và sắc đẹp trở nên sai biệt. Rồi đến một thời gian, một loại nấm đất hiện ra và trở thành thức ăn của chúng sanh, đến lượt cỏ và cây leo xuất hiện, rồi đến lúa xuất hiện. Khi lúa xuất hiện và trở thành món ăn của chúng sanh, bấy giờ giới tính xuất hiện, tình dục xuất hiện, sinh nở xuất hiện. Thời điểm lúa xuất hiện cũng là lúc con người bắt đầu chuyển sang một giai đoạn phát triển mới: tích trữ lương thực, phân đất lao động. Lao động phát triển, lương thực phát triển dẫn đến hiện tượng trộm cắp sản phẩm lao động của người khác và dẫn đến thưa kiện và phân xử. Những người thưa kiện là những người chủ ruộng vườn, được gọi là Mahà-sammato hay còn gọi là Khattiyà (Sát đế lỵ). Người được chọn ra để phân xử là người đứng đắn, có công tâm, gọi là ràja (vua). Như vậy, giai cấp bắt đầu xuất hiện. Lại nữa, trong số những con người thời ấy có một số người thấy rõ các hành vi bất thiện của con người như trộm cắp, nói láo... dẫn đến thưa kiện, phân xử, khiển trách, hình phạt nên quyết tâm từ bỏ chúng và họ được gọi là Bràhmanà (Bà la môn). Những người này lâp lên những chòi lá trong rừng để tu thiền, không tham gia thế sự, nuôi sống bằng khất thực. Rồi một số Bà la môn ấy không thể tu thiền trong các chòi lá ở trong rừng, bỏ xuống các làng mạc và thị trấn để làm sách và họ được xem là tác giả hay những người viết lại các tập Vệ đà. Những người khác trong cộng đồng theo đuổi nhiều ngành nghề khác nhau và họ được gọi là Vessà (Phệ xá). Thời đó những ai sống bằng nghề săn bắn được xem là hèn mọn và được gọi là Suddà (Thủ đà). Một thời gian sau, có người Khattiyà xuất gia, từ bỏ gia đình sống không gia đình, rồi người Bràhmanà, rồi Vessà rồi Suddà xuất gia, từ bỏ gia đình sống không gia đình. Danh từ Samana (Sa môn) dùng để chỉ những người xuất gia ra đời từ đó. Bài kinh kết thúc với lời xác nhận của đức Phật về khả năng giống nhau của bốn giai cấp trong khi theo đuổi nếp sống xuất gia. Tất cả họ đều có khả năng diệt trừ các lậu hoặc ngay trong hiện tại và người nào trong số đó là bậc A la hán, đã dứt sạch lậu hoặc, đã diệt trừ kiết sử, tu hành thành mãn, được chánh trí, giải thoát, vị ấy được xem là tối thượng trong tất cả giai cấp.
28. Kinh Tự hoan hỷ (Sampasàdanìya Suttanta):
Bài kinh là sự mở rộng của một trích đoạn trong kinh Mahàparinibbàna, đề cập sự kiện Tôn giả Xá Lợi Phất (Sàriputta) đến yết kiến Thế Tôn tại Nàlandà và trình bày với ngài về pháp truyền thống (dhammanvayo) hay truyền thống tu chứng của chư Phật. Trong tác phẩm Lịch sử văn minh Ấn Độ, sử gia Will Durant dẫn lời của Tôn giả Sàriputta trong bài kinh và đưa ra nhận xét rằng vào khoảng cuối đời của ngài (đức Phật), tín đồ đã bắt đầu tôn ngài là thần, mặc dầu ngài luôn luôn nhắc họ phải tự suy nghĩ lấy, đừng tin hẳn những lời ngài dạy.(5) Nhận xét này phản ánh lối suy luận một chiều của nhà học giả. Kỳ thực lời thưa trình của Tôn giả Xá Lợi Phất trong bài kinh không hoàn toàn là một lời tôn vinh hay đề cao bậc đạo sư của mình mà xác nhận một truyền thống Chánh pháp theo đó bất cứ bậc Chánh đẳng giác nào cũng trải qua: “Bạch Thế Tôn, con tin tưởng Thế Tôn đến độ con nghĩ rằng ở quá khứ, ở tương lai cũng như ở hiện tại, không thể có một vị Sa môn hay một vị Bà la môn nào khác có thể vĩ đại hơn Thế Tôn, sáng suốt hơn Thế Tôn về phương diện giác ngộ.” Vì sao? “Bạch Thế Tôn, tất cả những vị A la hán, Chánh đẳng giác trong quá khứ, tất cả những vị A la hán, Chánh đẳng giác trong tương lai, tất cả những vị Thế Tôn ấy đã diệt trừ năm triền cái (tham, sân, hôn trầm thụy miên, trạo hối, nghi), đã khéo an trú tâm vào bốn niệm xứ, đã tu tập bảy giác chi, đã chứng ngộ Vô thượng Chánh đẳng giác. Và nay Thế Tôn, bậc A la hán, Chánh đẳng giác đã diệt trừ năm triền cái, đã khéo an trú tâm vào bốn niệm xứ, đã tu tập bảy giác chi, đã chứng Vô thượng Chánh đẳng giác.”
Phần tiếp theo của bài kinh là sự tán thán của Tôn giả Xá Lợi Phất về các giáo pháp mà Thế Tôn đã khéo thuyết:
- Thế Tôn thuyết pháp tuần tự từ thấp lên cao, từ đơn giản đến thâm sâu, hắc bạch đều được phân tích rõ ràng.
- Thế Tôn thuyết về các thiện pháp một cách rốt ráo, gồm bốn Niệm xứ, bốn Chánh cần, bốn Như ý túc, năm Căn, năm Lực, bảy Giác chi, tám Thánh đạo.
- Thế Tôn thuyết về 12 xứ, tức mắt và sắc, tai và tiếng, mũi và hương, lưỡi và vị, thân và xúc, ý và pháp.
- Thế Tôn thuyết về nhập thai với bốn trường hợp: (1) Có người không biết mình nhập vào bụng mẹ, không biết mình trú trong bụng mẹ và không biết mình ra khỏi bụng mẹ. (2) Có người biết mình nhập vào bụng mẹ, nhưng không biết mình trú trong bụng mẹ và không biết mình ra khỏi bụng mẹ. (3) Có người biết mình nhập vào bụng mẹ, biết mình trú trong bụng mẹ, nhưng không biết mình ra khỏi bụng mẹ. (4) Có người biết mình nhập vào bụng mẹ, biết mình trú trong bụng mẹ, biết mình ra khỏi bụng mẹ.
- Thế Tôn thuyết về các sai khác trong sự biểu lộ tư tưởng (àdesana-vidhà): (1) Có hạng biểu lộ tư tưởng của mình bằng hình tướng. (2) Có hạng biểu lộ tư tưởng của mình sau khi nghe tiếng người, phi nhân hay chư Thiên. (3) Có hạng biểu lộ tư tưởng của mình sau khi suy tầm, tư duy. (4) Có hạng biểu lộ tư tưởng của mình sau khi chứng thiền thứ hai, không tầm không tứ.
- Thế Tôn thuyết về bốn loại kiến định (dassanasamàpatti): (1) Trường hợp người nhập định quán lấy 32 vật bất tịnh trên thân làm đối tượng. (2) Trường hợp người nhận định quán lấy 32 vật bất tịnh và bộ xương người còn liên kết với nhau, còn dính thịt và máu làm đối tượng. (3) Trường hợp người nhập định quán lấy dòng tâm thức trôi chảy không ngừng của con người làm đối tượng an trú đời này và đời sau. (4) Trường hợp người nhập định quán lấy dòng tâm thức trôi chảy của con người làm đối tượng nhưng không an trú đời này và đời sau.
- Thế Tôn thuyết về bảy hạng người: (1) Câu phần giải thoát (ubhato-bhàga-vimutto), (2) tuệ giải thoát (pannà-vimutto), (3) thân chứng (kàya-sakkhi), (4) kiến đáo (ditthi-patto), (5) tín giải thoát (saddhà-vimutto), (6) tùy pháp hành (dhammànusàrì), (7) tùy tín hành (saddhànusàrì).
- Thế Tôn thuyết về bảy giác chi tinh cần: Niệm, trạch pháp, tinh tấn, hỷ, khinh an, định, xả.
- Thế Tôn thuyết về đạo hành hay sự tiến bộ trong tu hành (patipàda): Hành trì khổ chứng ngộ chậm, hành trì khổ chứng ngộ mau, hành trì lạc chứng ngộ chậm, hành trì lạc chứng ngộ mau.
- Thế Tôn thuyết về chánh hạnh trong ngôn ngữ: Không nói láo, không dùng lời vu khống, ác khẩu, ly gian nhưng nói lời từ hòa, sáng suốt, đáng được gìn giữ và nói đúng thời.
- Thế Tôn thuyết về giới hạnh của con người: Chân thật, thành tín, không dối trá, không lừa gạt, không gợi ý, không chiêm tướng, không lấy lợi cầu lợi, hộ trì các căn, ăn uống tiết độ, hành động ôn hòa, luôn luôn cảnh giác, không chán nản, tinh cần, trầm tư, chánh niệm, ngôn từ lanh lợi, hành vi gan dạ, chịu đựng, biết điều, không tham dục, tỉnh giác, cẩn trọng.
- Thế Tôn thuyết về các sai khác trong sự giảng dạy (anusàsana-vidhà): (1) Theo sự giảng dạy và hành trì như vậy, người này sẽ diệt trừ ba kiết sử, chứng quả Dự lưu (Sotàpanna), không còn bị đọa lạc, quyết chắc sẽ được giác ngộ. (2) Theo sự giảng dạy và hành trì như vậy, người này sẽ diệt trừ ba kiết sử, làm muội lược tham, sân, si, chứng quả Nhất lai (Sakadàgàmì), phải sanh lại đời này một lần nữa trước khi diệt tận khổ đau. (3) Theo sự giảng dạy và hành trì như vậy, người này sẽ diệt trừ năm hạ phần kiết sử, sẽ được hóa sanh tại cảnh giới (Tịnh cư thiên) ấy và sẽ nhập Niết bàn, không còn trở lại đời này. (4) Theo sự giảng dạy và hành trì như vậy, người này sẽ diệt trừ các lậu hoặc, tự mình giác tri, chứng đạt và an trú ngay trong hiện tại, vô lậu tâm giải thoát (ceto-vimutti) và tuệ giải thoát (pannà-vimutti).
- Thế Tôn thuyết về giải thoát trí của người khác (vimutti-nàna): Thế tôn nhờ chánh tư duy biết rõ một người nào đó chứng quả Dự lưu (Sotàpanna), Nhất lai (Sakadàgàmì), Bất lai (Anàgàmì) hay A la hán (Arahanta).
- Thế Tôn thuyết về thường trú luận (sassatavàda): (1) Có người nhờ tu định nên nhớ được các đời sống quá khứ, từ một cho đến 100.000 đời với các nét đại cương và chi tiết rồi cho rằng bản ngã và thế giới là thường trú, bất sanh, vững chắc như đỉnh núi, như trụ đá, còn các loài hữu tình kia thì lưu chuyển luân hồi, chết đi sống lại, tuy vậy chúng vẫn thường trú. (2) Có người nhờ tu định nên nhớ được các đời sống quá khứ, từ một thành kiếp hoại kiếp cho đến mười thành kiếp hoại kiếp rồi cho rằng bản ngã và thế giới là thường trú, bất sanh, vững chắc như đỉnh núi, như trụ đá, còn các hữu tình kia thì lưu chuyển luân hồi, chết đi sống lại, tuy vậy chúng vẫn thường trú. (3) Có người nhờ tu định nên nhớ được nhiều đời sống quá khứ, từ muời thành kiếp hoại kiếp cho đến 40 thành kiếp hoại kiếp rồi cho rằng bản ngã và thế giớ là thường trú, bất sanh, vững chắc như đỉnh núi, như trụ đá, còn các chúng sanh kia thì lưu chuyển luân hồi, chết đi sống lại, tuy vậy chúng vẫn thường trú.
- Thế Tôn thuyết về túc mạng trí (pubbe-nivàsanussati-nàna): Có người nhờ tu định nên nhớ được các đời sống quá khứ của mình, từ một đời cho đến nhiều hoại kiếp thành kiếp với đầy đủ các nét đại cương và chi tiết về các đời sống ấy.
- Thế Tôn thuyết về sanh tử trí (sattànam cutùpapàta-nàna): Có người nhờ tu định nên đạt được thiên nhãn, thấy rõ kết quả tái sanh khác nhau của chúng sanh do nhiệp lực.
- Thế tôn thuyết về thần túc thông (iddhi-vidhà) gồm hai loại: (1) Thần thông hữu lậu, hữu dư y, không phải bậc thánh và (2) thần thông vô lậu, vô dư y, thuộc bậc thánh.
Cuối bài kinh, Tôn giả Xá Lợi Phất tán thán pháp môn hiện tại lạc trú, xa lìa dục lạc và khổ hạnh, của Thế Tôn và một lần nữa khẳng định không có ai trong quá khứ, hiện tại và tương lai có thể cao thượng hơn và sáng suốt hơn Thế Tôn về phương diện giác ngộ. Sàriputta giải thích tiếp rằng trong quá khứ đã từng có những bậc Thế Tôn, Chánh đẳng giác ra đời, nhưng chư vị ấy đều đồng đẳng với Thế Tôn về phương diện giác ngộ. Hiện tại chỉ có Thế Tôn là bậc Chánh đẳng giác. Tương lai sẽ xuất hiện chư vị Thế Tôn, Chánh đẳng giác và chư vị ấy cũng sẽ ngang hàng với Thế Tôn về phương diện giác ngộ. Lời giải thích này xác nhận một truyền thống Chánh pháp theo đó chư Thế Tôn, Chánh đẳng giác là đồng đẳng, không khác nhau về phương diện tu chứng và giác ngộ.
29. Kinh Thanh tịnh (Pàsàdika Suttanta):
Bài kinh là sự giảng dạy của Thế Tôn cho Sa di Cunda nhân dịp vị này cùng Tôn già Ànanda đến báo cho ngài về một vài sự kiện tranh chấp xảy ra cho các tu sĩ Kỳ na giáo không lâu sau khi vị giáo chủ của họ, Nigantha Nàthaputta, từ trần ở Pàvà. Đúng như lý do ra đời của nó, nội dung bài kinh tập trung nói về về nguyên nhân dẫn đến tranh chấp, về vai trò của bậc đạo sư và đệ tử, sự viên mãn và không viên mãn của một hội chúng xuất gia, sự nhắc nhở của Thế Tôn cho các tỷ kheo về việc nỗ lực học tập, tụng đọc và tìm hiểu những giáo pháp do ngài giảng dạy, tránh tranh chấp và cãi cọ nhau, cùng với một số vấn đề liên quan.
Đức Phật cho rằng sự kiện đáng tiếc xảy ra cho hội chúng tu sĩ của Nigantha ấy là bởi pháp luật của họ đã được trình bày một cách vụng về, không có hiệu năng hướng dẫn, không đưa đến an tịnh, không do vị Chánh đẳng giác (Sammà sambuddho) tuyên thuyết. Rồi ngài nói đến sự kiện may mắn của một người đệ tử trong trường hợp gặp một vị đạo sư Chánh đẳng giác và trường hợp không may mắn của người ấy nếu gặp phải một vị đạo sư không phải Chánh đẳng giác, nhấn mạnh trách nhiệm của vị đạo sư trong vai trò người hướng dẫn và trách nhiệm của người đệ tử trong việc chọn thầy chọn giáo pháp để học tập. Phần tiếp theo của bài kinh nêu rõ các lý do về sự ưu tư lo lắng và không ưu tư lo lắng của các đệ tử khi bậc Đạo sư tạ thế, sự viên mãn và không viên mãn của một hội chúng xuất gia và khẳng định sự viên mãn của giáo pháp và tăng chúng của đức Phật.
Trường hợp các đệ tử rơi vào ưu tư lo lắng ấy là bởi giáo pháp được một vị đạo sư Chánh đẳng giác thuyết giảng nhưng không may vị ấy qua đời sớm để lại nhiều thắc mắc và phân vân cho các đệ tử. Trái lại, các đệ tử không rơi vào tình trạng ưu tư hay lo lắng nếu giáo pháp ấy được một vị Chánh đẳng giác tuyên thuyết đầy đủ và rõ ràng cho họ trước khi ngài qua đời. Trong phần giải thích về sự viên mãn của một hội chúng xuất gia, đức Phật nhấn mạnh các yếu tố: (1) giáo pháp được khéo tuyên thuyết bởi một vị Chánh đẳng giác, (2) người lãnh đạo là người sáng suốt, đạo cao đức trọng, (3) có đầy đủ các nam tu sĩ, nữ tu sĩ, nam cư sĩ và nữ cư sĩ nỗ lực sống đúng pháp. Trái lại với các điều trên là một hội chúng không viên mãn. Đức Phật xác nhận với Cunda rằng hội chúng của ngài là hoàn toàn viên mãn bởi hội chúng ấy có ngài là bậc Đạo sư, có giáo pháp thanh tịnh do ngài khéo thuyết giảng và hội chúng ấy có đầy đủ các tỷ kheo, tỷ kheo ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ nỗ lực sống đúng với giáo pháp của ngài.
Bài kinh tiếp tục với lời giáo giới của bậc Đạo sư, khuyên nhắc Cunda (và tất cả tỷ kheo) hãy cùng nhau khéo học tập và nắm bắt kỹ các giáo pháp căn bản của ngài (gồm 4 Niệm xứ, 4 Chánh cần, 4 Như ý túc, 5 Căn, 5 lực, 7 Giác chi, 8 Thánh đạo) để phạm hạnh hay đạo của ngài được tồn tại lâu dài vì lợi ích, hạnh phúc và an lạc cho chư thiên và loài người. Các tỷ kheo không được cãi lộn và bất hòa mà phải hội họp trong tinh thần hòa đồng tương kính để cùng nhau xem xét văn cú và nghĩa lý các giáo lý của bậc Đạo sư.
Phần tiếp của bài kinh khẳng định rõ các đệ tử của đức Phật không rơi vào bốn loại hỷ lạc hèn hạ, phàm phu, đê tiện – hỷ lạc do sát sanh, hỷ lạc do lấy của không cho, hỷ lạc do nói láo, hỷ lạc cho đam mê các dục – nhưng chú tâm vào bốn loại lạc cao thượng, hướng đến yểm ly, ly tham, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết bàn – hỷ lạc do chứng và trú sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền. Sự thích thú bốn loại lạc như vậy đưa đến lợi ích lớn bởi nhờ chúng mà tứ thánh quả, Dự lưu, Nhất lai, Bất lai, A la hán, được thành tựu. Bài kinh cũng nêu rõ lập trường và cách thái đúng đắn của một tỷ kheo đã thành tựu quả vị A la hán; vị ấy không phạm phải chín lỗi lầm: (1) cố ý tước đoạt mạng sống của loài hữu tình, (2) lấy của không cho, (3) dâm dục, (4) nói láo (5) tích lũy tiền của để hưởng dục, (6) tham lam, (7) sân hận, (8) si mê, (9) sợ hãi. Tiếp đến bài kinh đề cập một số đặc điểm của Như Lai:
- Như Lai là người nói đúng thời, nói chơn chánh, nói như thật, nói có lợi ích, nói đúng pháp, nói đúng luật, bởi:
(1) Nếu những gì thuộc quá khứ, hiện tại hay vị lai là hư vọng, không thật, không lợi ích, Như Lai không trả lời.
(2) Nếu những gì thuộc quá khứ, hiện tại hay vị lai là chơn chánh, như thật, nhưng không lợi ích, Như Lai cũng không trả lời.
(3) Nếu những gì thuộc quá khứ, hiện tại hay vị lai là chơn chánh, như thật, có lợi ích, Như Lai biết thời trả lời câu hỏi ấy.
- Như Lai là người biết rõ những gì được thấy, được nghe, được cảm giác, được phân biệt, được đạt đến, được tìm cầu, được suy tư với ý.
- Trong thời gian từ thời điểm ngài giác ngộ cho đến thời điểm nhập Niết bàn, những gì Như Lai nói, trình bày, thuyết giảng, tất cả là như vậy, không thay đổi.
- Như Lai là người nói sao làm vậy, làm gì thời nói vậy.
- Như Lai là bậc tối thắng, không ai sánh được, bậc toàn kiến, bậc tự tại giữa chư thiên và loài người.
Như Lai cũng được xem là người không quan tâm giải đáp các vấn đề sau đây, bởi chúng không lợi ích, không liên hệ đến phạm hạnh, không hướng đếm yểm ly, ly tham, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết bàn: (1) Như Lai tồn tại sau khi chết, (2) Như Lai không tồn tại sau khi chết, (3) Như Lai tồn tại và không tồn tại sau khi chết, (4) Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết. Trái lại, Như Lai quan tâm giảng giải các vấn đề khổ (dukkha), khổ tập (dukkhasamudaya), khổ diệt (dukkhanirodha), con đường đưa đến khổ diệt (dukkhanirodhamagga), bởi chúng có lợi ích, là căn bản của phạm hạnh, hướng đến yểm ly, ly tham, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết bàn.
Sau cùng, bài kinh xác nhận Thế Tôn có trí tuệ siêu việt, vượt ra ngoài mọi kiến chấp về ngã (atta) và thế giới (loka) mà các Sa môn và Bà la môn đương thời hay mắc phải, như cho rằng bản ngã và thế giới là thường còn hay không thường còn, do mình tạo ra hay do người khác tạo ra hoặc do tự nhiên sanh; lạc khổ là thường còn hay vô thường, do mình tạo ra hay do người khác tạo ra hoặc do tự nhiên sanh... và ngài giảng dạy pháp môn Tứ niệm xứ để giúp các đệ tử mình vượt qua mọi quan điểm tà kiến ấy.
30. Kinh Tướng (Lakkhana Suttanta):
Bài kinh là sự giải thích của đức Phật về 32 tướng đại trượng phu mà theo quan điểm truyền thống Ấn Độ thì bất cứ ai có đủ 32 hảo tướng này sẽ trở thành hoặc vị Chuyển luân Thánh vương, nếu ở gia đình, hoặc bậc A la hán, Chánh đẳng giác, nếu xuất gia, từ bỏ gia đình sống không gia đình. Chúng ta gọi đây là quan điểm truyền thống Ấn Độ bởi không chỉ đạo Phật mới nêu quan điểm này mà ngay Bà la môn giáo và các ẩn sĩ thời đó cũng có quan điểm tương tự. Khoa tướng số vốn xuất hiện rất sớm ở Ấn Độ và khá thịnh hành dưới thời đức Phật. Các thông tin ở kinh Phạm võng (Brahmajàla Suttanta) và kinh Sa môn quả (Sàmannaphala Suttanta) cho thấy các Sa môn và Bà la môn đương thời rất thông thạo và say mê trong các hoạt động xem tướng, đoán mộng, những việc mà đức Phật xem là tà mạng (micchà-àjìva) và khuyên các học trò mình không nên theo.
Trong bài kinh này, đức Phật thông báo cho chúng ta trường hợp các ẩn sĩ ngoại đạo chấp trì quan điểm 32 đại nhân tướng nhưng không biết do nhân gì mà có được phước báo ấy. Tương truyền khi thái tử Siddhattha vừa mới chào đời, ẩn sĩ Asita phát hiện ngài có các mỹ tướng của bậc đại trượng phu và đã tiên đoán ngài hoặc sẽ trở thành một bậc Chánh đẳng giác, nếu xuất gia, hoặc sẽ trở thành một minh quân cai trị thiên hạ bằng Chánh pháp, nếu lưu lại thế gian.(6) Trong các kinh Ambattha (Ambattha Suttanta), Trường bộ và Brahmàyu (Brahmàyu Sutta), Trung bộ, các Bà la môn Pokkharasàdi và Brahmàyu bảo các học trò mình là Ambattha và Uttara theo sát đức Thế Tôn để dò xem ngài có đầy đủ 32 hảo tướng hay không, “bởi theo Thánh điển (kinh Vệ đà) của chúng ta truyền lại thì những ai có 32 tướng ấy sẽ chọn một trong hai con đường, không có con đường nào khác. Nếu là tại gia, sẽ thành vị Chuyển luân Thánh vương, cai trị bằng Chánh pháp. Nếu xuất gia, vị này sẽ thành A la hán, Chánh đẳng giác, quét sạch mê lầm ở đời.” Kinh Sela, số 7, Đại phẩm (Mahàvagga) thuộc Kinh tập (Suttanipàta) cho ta một thông tin tương tự về niềm tin của các Bà la môn đối với 32 mỹ tướng.
Từ các thông tin trên, ta có thể nói rằng truyền thuyết 32 đại nhân tướng đã từng có mặt ở Ấn Độ trước thời đức Phật và rất thịnh hành trong thời đại của ngài và đức Phật cũng không ngại việc sử dụng nó như một phương tiện nhằm mục đích khuyến thiện, đúng như dụng ý của ngài mà chúng ta sẽ thấy ở trong bài kinh này.
Trong bài kinh, đức Phật dùng truyền thuyết 32 đại nhân tướng để khẳng định một điều: làm phước, làm thiện được phước báo kết quả mỹ mãn. Ngài xác nhận mình có đủ các hảo tướng đại trượng phu và nêu rõ nguyên nhân dẫn đến phước báo của các tướng tương ứng:
- Bàn chân bằng phẳng: kết quả phước báo của sự kiên trì và không dao động đối với thiện pháp, thiện hạnh về thân, về lời, về ý, sự bố thí, thủ hộ giới luật, tuân giữa các ngày trai giới, hiếu kính đối với cha mẹ, cung kính cúng dường các Sa môn và Bà la môn, tôn trọng anh chị em trong gia đình. Nếu làm vua thì không bị người thù hay kẻ địch làm trở ngại. Nếu là Phật thì không bị người thù hay kẻ địch làm hại, không bị tham, sân, si hay bất kỳ loài hữu tình nào làm trở ngại.
- Dưới bàn chân có hình bánh xe với đầy đủ trục xe, bánh xe và 1000 căm xe: kết quả phước báo của nếp sống vì hạnh phúc của chúng sinh, diệt trừ mọi sợ hãi kinh hoàng, sắp đặt sự che chở, hộ trì, bảo vệ đúng pháp, bố thí cho các tùy tùng. Nếu làm vua thì có nhiều người hầu cận, được mọi người từ quan chí dân chăm lo bảo vệ. Nếu là Phật thì có đại chúng đông đảo, được thiên, nhân, quỷ, thần tôn kính bảo hộ.
- Gót chân thon dài, ngón tay, ngón chân dài và tay chân mền mại: kết quả phước báo của sự từ bỏ sát sanh, chế ngự sát sanh, từ bỏ gươm đao, biết tàm quý, có lòng từ, sống thương xót đến hạnh phúc của tất cả chúng sanh và loài hữu tình. Nếu làm vua thì được thọ mạng lâu dài, không một người nào có thể hại mạng sống. Nếu là Phật thì cũng được phước báo tương tự.
- Hai tay tròn đầy, hai chân tròn đầy, hai vai tròn đầy và thân mình tròn đầy: kết quả phước báo của việc bố thí các loại thức ăn thức uống mỹ vị. Nếu làm vua thì hưởng được các loại cao lương mỹ vị. Nếu là Phật thì được cúng dường các loại cao lương mỹ vị.
- Tay chân mềm mại và có lưới da giữa ngón tay, ngón chân: kết quả phước báo của sự thực hành bốn nhiếp pháp, bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự. Nếu làm vua thì có khả năng thâu nhiếp tất cả quần thần. Nếu là Phật thì thu nhiếp tất cả trời người.
- Mắt cá tròn như con sò và lông mọc xoay tròn thẳng lên: kết quả phước báo của việc nói lời liên hệ đến lợi ích của chúng sanh, liên hệ đến pháp, giải thích cho đại chúng, đem lại an lạc cho chúng sanh, tán dương chánh hạnh. Nếu làm vua thì được tài vật dục lạc tối thắng. Nếu là Phật thì trở thành bậc tối thắng giữa nhân thiên.
- Ống chân giống như con dê rừng: kết quả phước báo của việc siêng năng học hỏi nghề nghiệp, mọi kỹ thuật, oai nghi hay hành động. Nếu làm vua thì nhanh chóng đạt được tài sản, sở hữu xứng đáng vương vị. Nếu là Phật thì nhanh chóng nhận được tứ sự cúng dường thích đáng.
- Da trơn mịn: kết quả phước báo của việc thường xuyên yết kiến các Sa môn và Bà la môn để học hỏi điều thiện, điều bất thiện. Nếu làm vua thì có được trí tuệ vượt trội và tài sản vượt trội. Nếu là Phật thì có trí tuệ tối thắng, không ai sánh được.
- Sắc hoàng kim, da màu đồng, sáng bóng: kết quả phước báo của thái độ không sân hận, không ảo não, không phẫn nộ, không hiềm khích và sự bố thí các thứ che, đắp, mang, mặc mền mại, mịn màn. Nếu làm vua thì được các thứ che, đắp, mang, mặc mềm mại, mịn màn. Nếu là Phật thì được cúng dường các thứ tương tự.
- Mã âm tàng: kết quả phước báo của hành nghiệp làm cho cha mẹ, con cái, anh chị em, bà con và bạn bè xa cách lâu ngày được sum họp, hòa hợp, sống vui vẻ. Nếu làm vua thì được nhiều con cái và con cái trở thành những bậc anh hùng. Nếu là Phật thì được nhiều đệ tử giỏi giang.
- Thân hình tròn như cây Nigrodha và đứng thẳng, có tay dài có thể đứng thẳng mà xoa lên hai đầu gối: Kết quả phước báo của việc thường xuyên quan sát và hiểu biết về mình, về người, sự khác biệt giữa mình và người khác. Nếu làm vua thì được của cải, vàng bạc, châu báu, lúa gạo đầy kho. Nếu là Phật thì được tài sản lớn về tín, giới, tàm, quý, văn, thí, trí tuệ.
- Nửa thân trên như thân sư tử, hai vai không có lỏm khuyết và thân hình tròn đầy: kết quả phước báo của lòng tha thiết đối với lợi ích của mọi người, đối với hạnh phúc và thoải mái của số đông. Nếu làm vua thì không mất mát tài sản lúa gạo, đất đai, gia súc, vợ con, người làm công, bạn bè, quyến thuộc. Nếu là Phật thì chứng Vô thượng Bồ đề, không mất mát tài sản và Bồ đề quyến thuộc.
- Cảm vị hết sức nhạy thính khi vật gì chạm vào đầu lưỡi: kết quả của việc không làm hại các loài hữu tình bằng bất cứ phương tiện gì. Nếu làm vua thì ít bệnh, ít não, tiêu hóa tốt đẹp, thân nhiệt điều hòa, không lạnh quá cũng không nóng quá. Nếu là Phật thì được phước báo tương tự.
- Cặp mắt xanh và lông mi giống như con bò cái: kết quả phước báo của tâm tư chánh trực, mở rộng, cao thượng, không liếc ngó xiên xẹo, không nhìn trộm. Nếu làm vua thì mọi người ưa nhìn. Nếu là Phật thì chư thiên và loài người thương kính, đón chào.
- Nhục kế trên đầu: kết quả phước báo của việc lãnh đạo đại chúng về thiện pháp, là vị tiên phong của đại chúng về thiện hành thân, khẩu, ý, sự phân phát bố thí, hộ trì giới luật, tham dự các lễ Bố tát, hiếu kính cha mẹ, kính trọng Sa môn, tôn trọng các vị trưởng thượng trong gia đình và thực hành các thiện pháp đặc biệt khác. Nếu làm vua thì nhận được sự trung thành đại chúng, từ quan chí dân. Nếu là Phật thì được đại chúng trời người trung thành.
- Có lông mọc tại mỗi lỗ chân lông, giữa hai lông mày có tướng bạch hào màu trắng và mềm mại: kết quả phước báo của việc từ bỏ nói láo, tránh xa nói láo, chỉ nói lời chân thật, chắc chắn, đáng tin cậy, không thất hứa với một ai. Nếu làm vua thì được đại chúng, từ quan chí dân, tuân theo ý muốn của mình. Nếu là Phật thì được đại chúng trời người nghe theo ý mình.
- Có 40 răng và giữa răng không có kẽ hở: kết quả phước báo của việc từ bỏ nói hai lưỡi, tránh xa nói hai lưỡi, không gây chia rẽ người khác vì lời nói, khuyến khích mọi người sống hòa hợp. Nếu làm vua thì chúng tùy tùng không chia rẽ, quan dân không chia rẽ. Nếu là Phật thì đồ chúng trời người không chia rẽ.
- Lưỡi dài và giọng nói dịu ngọt như tiếng chim Karavìka (Ca Lăng Tần Già): kết quả phước báo của việc từ bỏ lời nói độc ác, tránh nói lời độc ác, nói những lời không lỗi lầm, đẹp tai, dễ thương, thông cảm đến tâm, tao nhã, đẹp lòng người. Nếu làm vua thì lời nói được mọi người, từ dân chí quan, chấp nhận. Nếu là Phật thì lời nói được trời người chấp nhận.
- Có hàm như hàm sư tử: kết quả phước báo của việc từ bỏ nói lời phù phiếm, tránh xa nói lời phù phiếm, nói đúng thời, nói lời chân thật, nói lời có ý nghĩa, liên hệ đến pháp, liên hệ đến luật, hợp thời, thuận lý, có mạch lạc, có lợi ích. Nếu làm vua thì không bị kẻ khác chinh phục. Nếu là Phật thì không bị tham, sân, si hay bất cứ ai chinh phục.
- Răng đều đặn và sáng chói: kết quả phước báo của việc từ bỏ tà mạng, sống theo chánh mạng, tránh xa các sự gian lận bằng cân, đo, đong, đếm, không hối lộ, lừa đảo, không làm tổn thương, sát hại, bức đoạt, trộm cắp, cướp phá. Nếu làm vua thì quần thần có tâm thanh tịnh. Nếu là Phật thì đồ chúng trời người có tâm thanh tịnh.
31. Kinh Giáo thọ Thi Ca La Việt (Singalovàda Suttanta):
Bài kinh do Thế Tôn thuyết giảng cho thanh niên Singàlaka, đề cập nếp sống của người cư sĩ theo tinh thần giáo pháp của ngài hay còn gọi là giới luật của bậc Thánh (Ariyassa vinaya). Thanh niên Singàlaka y theo lời trăn trối của phụ thân mình, cứ mỗi sáng thức dậy thật sớm, ra khỏi thành Vương Xá, chắp tay lễ bái sáu phương: Đông, Tây, Nam, Bắc, Thượng, Hạ. Đức Phật gặp Singàlaka đang hành lễ lục phương ở bên ngoài cửa thành và thuyết giảng bài kinh này. Bài kinh cũng có thể được xem là tiêu biểu cho quan điểm của đức Phật về ý nghĩa thiết thực của việc lễ lạy. Tương tự tinh thần bài kinh Kùtadanta trong đó đức Phật dùng hình ảnh vị Bà la môn chủ tế khuyên vua Mahàvijjita nên chuyển đổi lễ tế đàn tốn kém bằng các chính sách thiết thực chăm lo đời sống cho dân; trong kinh này, đức Phật khuyên thanh niên Singàlaka nên làm tốt sáu bổn phận của người gia chủ thay vì chấp tay lễ bái sáu phương.
Nội dung bài kinh đề cập nếp sống đạo đức cá nhân, đạo đức gia đình và đạo đức xã hội của người Phật tử thông qua sự nỗ lực của người ấy nhằm diệt trừ bốn nghiệp phiền não, không làm ác nghiệp theo bốn lý do, không theo sáu nguyên nhân phung phí tài sản, từ bỏ bạn ác, giao du bạn lành, che chở sáu phương, một nếp sống được mệnh danh là chiến thắng hai đời, đời này và đời sau, đúng như kinh Pháp cú bảo:
“Nay vui đời sau vui,
Làm thiện hai đời vui;
Nó vui, nó an vui,
Thấy nghiệp thiện mình làm.”
Có lẽ do nội dung khá đặc biệt của nó, bài kinh đã được chú ý rất nhiều bởi các nhà Phật học. Buddhaghosa gọi bài kinh là Gihìvinaya, giới luật của người tại gia cư sĩ, bởi theo ngài, “không một bổn phận nào của người gia chủ không được nói đến trong bài kinh.” Bài kinh cũng được chú ý phiên dịch và giới thiệu rất sớm bởi các học giả Tây phương. Năm 1847, Gogerly cho công bố bài kinh trên tạp chí Journal of the Royal Asiatic Society. R. C. Childers giới thiệu bài kinh ở London Anh quốc vào năm 1876 và Grimbolt cho xuất bản ở Paris năm 1879. Rhys Davids(7) cho rằng hơn đâu hết, bài kinh đề cập rất chi tiết và dễ hiểu về tình thương và thiện chí giữa con người và con người được thể hiện qua các mối quan hệ mang tính đạo đức gia đình và đạo đức xã hội. B. M. Barua đồng hóa bài kinh với tiêu đề bản kinh thứ nhất, Vinaya-samukasa, ghi trong kia bý Bhabrù của Asoka bởi theo ông, kinh Singàlovàda đề cập nếp sống đạo đức kỷ cương của những người tại gia cư sĩ mà Buddhaghosa đã gọi là Giới luật dành cho người gia chủ (Gihivinaya), tức là vấn đề mà Asoka rất quan tâm.(8) Nhận xét này của Barua rất đáng chú ý bởi tính xác đáng của nó, nếu chúng ta có sự so sánh kỹ giữa hai nguồn tài liệu, kinh Singàlovàda và nội dung các kia ký và trú đá Asoka. Do đó, nếu chấp nhận ý kiến của Barua thì bài kinh đã từng được Asoka vận dụng vào chính sách trị quốc và trong chừng mực nào đó đã góp phần mang lại thái bình cho xứ sở rộng lớn của ông. Bài kinh khuyên dạy các vấn đề sau đây:
- Diệt trừ bốn nghiệp phiền não: Diệt trừ nghiệp phiền não sát sanh, nghiệp phiền não trộm cắp, nghiệp phiền não tà dâm, nghiệp phiền não nói láo.
- Không làm ác nghiệp theo bốn lý do: Không làm ác nghiệp do tham dục, do sân hận, do ngu si, do sợ hãi.
- Không theo sáu nguyên nhân khiến phung phí tài sản: Đam mê các loại rượu là nguyên nhân phung phí tài sản. Du hành đường phố phi thời là nguyên nhân phung phí tài sản. La cà đình đám hí viện là nguyên nhân phung phí tài sản. Đam mê cờ bạc là nguyên nhân phung phí tài sản. Giao du ác hữu là nguyên nhân phung phí tài sản. Quen thói lười biếng là nguyên nhân phung phí tài sản.
+ Đam mê các loại rượu có sáu nguy hiểm: Tài sản hiện tại bị tổn thất, đấu tranh tăng trưởng, bệnh tật dễ xâm nhập, thương tổn danh dự, để lộ âm tàng, trí lực tổn hại.
+ Du hành đường phố phi thời có sáu nguy hiểm: Tự mình không được che chở hộ trì, vợ con không được che chở hộ trì, tài sản không được che chở hộ trì, bị tình nghi là tác giả các ác sự, nạn nhân của các tin đồn thất thiệt, tự rước vào thân nhiều khổ não.
+ La cà đình đám hý viện có sáu nguy hiểm: Luôn luôn tìm xem chỗ nào có múa, chỗ nào có ca, chỗ nào có nhạc, chỗ nào có tán tụng, chỗ nào có nhạc tay, chỗ nào có trống.
+ Đam mê cờ bạc có sáu nguy hiểm: Nếu thắng thì sanh oán thù, nếu thua thì sanh sầu muộn, tài sản hiện tại bị tổn thất, tại hội trường (pháp đình) lời nói không hiệu lực, bằng hữu đồng liêu khinh miệt, vấn đề cưới gả không được tín nhiệm vì người đam mê cờ bạc không xứng để có vợ.
+ Thân cận các ác hữu có sáu nguy hiểm: Những kẻ cờ bạc, loạn hành, nghiện rượu, những kẻ trá ngụy, lường gạt, bạo động là những người bạn, là những thân hữu của người ấy.
+ Quen thói lười biếng có sáu nguy hiểm: “quá lạnh,” không làm vịêc; “quá nóng,” không làm việc; “quá trễ,” không làm việc; “quá sớm,” không làm việc; “tôi đói quá,” không làm việc; “tôi no quá,” không làm việc. Trong khi những công việc phải làm lại không làm. Tài sản chưa có không xây dựng nên, tài sản có rồi bị tiêu thất.
- Xa lánh bốn loại bạn ác: Xa lánh người vật gì cũng lấy, người chỉ biết nói giỏi, người khéo nịnh hót, người tiêu xài xa xỉ.
+ Bốn trường hợp, người vật gì cũng lấy phải được xem không phải bạn, dầu tự cho là bạn: Người vật gì cũng lấy, cho ít xin nhiều, vì sợ mà làm, làm vì mưu lợi cho mình.
+ Bốn trường hợp, người chỉ biết nói giỏi phải được xem không phải bạn, dầu tự cho là bạn: Tỏ lộ thân tình việc đã qua; tỏ lộ thân tình việc chưa đến; mua chuộc cảm tình bằng sáo ngữ; khi có công việc, tự tỏ sự bất lực của mình.
+ Bốn trường hợp, kẻ nịnh hót phải được xem không phải bạn, dầu tự cho là bạn: Đồng ý các việc ác; không đồng ý các việc thiện; trước mặt tán thán; sau lưng chỉ trích.
+ Bốn trường hợp, người tiêu xài xa xỉ phải được xem không phải bạn, dầu tự cho là bạn: Là bạn khi mình đam mê các loại rượu; là bạn khi mình du hành đường phố phi thời; là bạn khi mình la cà đình đám hý viện; là bạn khi mình đam mê cờ bạc.
- Thân cận bốn loại bạn lành: Gần gũi người bạn có tâm hay giúp đỡ, người bạn chung thủy trong khổ cũng như trong vui, người bạn khuyên điều lợi ích, người bạn có lòng thương tưởng bạn bè.
+ Bốn trường hợp, người bạn giúp đỡ phải được xem là bạn chân thật: Che chở cho bạn khi bạn vô ý phóng dật: che chở của cải cho bạn khi bạn vô ý phóng dật; là chỗ nương tựa cho bạn khi bạn sợ hãi; khi bạn có công việc sẽ giúp đỡ cho bạn của cải gấp hai lần những gì bạn thiếu.
+ Bốn trường hợp, người bạn chung thủy trong khổ cũng như trong vui phải được xem là người bạn chân thật: Nói cho bạn biết điều bí mật của mình; giữ kín điều bí mật của bạn; không bỏ bạn khi bạn gặp khó khăn; dám hy sinh thân mạng vì bạn.
+ Bốn trường hợp, người bạn khuyên điều lợi ích phải được xem là người bạn chân thật: Ngăn chận bạn làm điều ác; khuyến khích bạn làm điều thiện; nói cho bạn nghe điều bạn chưa nghe; cho bạn biết con đường lên cõi chư Thiên.
+ Bốn trường hợp, người bạn thương tưởng phải được xem là người bạn chân thật: Không hoan hỷ khi bạn gặp hoạn nạn; hoan hỷ khi bạn gặp may mắn; ngăn chận những ai nói xấu bạn; khuyến khích những ai tán thán bạn.
- Hộ trì sáu phương: Phương Đông cần được hiểu là cha mẹ và cần được che chở. Phương Nam cần được hiểu là sư trưởng và cần được che chờ. Phương Tây cần được hiểu là vợ con và cần được che chở. Phương Bắc cần được hiểu là bạn bè và cần được che chở. Phương Dưới cần được hiểu là tôi tớ, lao công và cần được che chở. Phương Trên cần được hiểu là Sa-môn, Bà-la-môn và cần được che chở.
+ Năm cách, người con phải phụng dưỡng cha mẹ như phương Đông: “Được nuôi dưỡng, tôi sẽ nuôi dưỡng lại cha mẹ; tôi sẽ làm bổn phận đối với cha mẹ; tôi sẽ gìn giữ gia đình và truyền thống; tôi sẽ bảo vệ tài sản thừa tự; tôi sẽ làm tang lễ khi cha mẹ qua đời.” Được con phụng dưỡng theo năm cách như vậy, cha mẹ có lòng thương tưởng đến con theo năm cách: Ngăn chận con làm điều ác; khuyến khích con làm điều thiện; dạy con nghề nghiệp, cưới vợ xứng đáng cho con; đúng thời trao của thừa tự cho con.
+ Năm cách, đệ tử phụng dưỡng các bậc sư trưởng như phương Nam: Đứng dậy để chào, hầu hạ thầy, hăng hái học tập, tự phục vụ thầy, chú tâm học hỏi nghề nghiệp. Được đệ tử phụng dưỡng theo năm cách như vậy, các bậc sư trưởng có lòng thương tưởng đến các đệ tử theo năm cách: Huấn luyện đệ tử những gì mình đã được khéo huấn luyến; dạy cho bảo trì những gì mình được khéo bảo trì; dạy cho thuần thục các nghề nghiệp; khen đệ tử với các bạn bè quen thuộc; bảo đảm nghề nghiệp cho đệ tử về mọi mặt.
+ Năm cách, người chồng phải đối xử với vợ như phương Tây: Kính trọng vợ, không bất kính đối với vợ; trung thành với vợ; giao quyền hành cho vợ; sắm đồ nữ trang cho vợ. Được chồng đối xử theo năm cách như vậy, người vợ có lòng thương tưởng chồng theo năm cách: Thi hành tốt đẹp bổn phận của mình; khéo tiếp đón bà con; trung thành với chồng; khéo gìn giữ tài sản của chồng; khéo léo và nhanh nhẹn làm mọi công việc.
+ Năm cách vị thiện nam tử đối xử với bạn bè như phương Bắc: Bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự, không lường gạt. Được vị thiện nam tử đối xử theo năm cách như vậy, bạn bè có lòng thương kính vị thiện nam tử theo năm cách: Che chở nếu vị thiện nam tử phóng túng; bảo trì tài sản của vị thiện nam tử nếu vị này phóng túng; trở thành chỗ nương tựa khi vị thiện nam tử gặp nguy hiểm; không tránh xa khi vị thiện nam tử gặp khó khăn; kính trọng gia đình của vị thiện nam tử.
+ Năm cách một vị chủ nhân đối xử với hạng nô bộc như phương Dưới: Giao việc đúng theo sức lực của họ; lo cho họ ăn uống và tiền lương; điều trị cho họ khi bệnh hoạn; chia xẻ các mỹ vị đặc biệt cho họ; thỉnh thoảng cho họ nghỉ phép. Được chủ nhân đối xử theo năm cách như vậy, các hàng nô bộc có lòng thương đối với vị chủ nhân theo năm cách: Dậy trước khi chủ dậy; đi ngủ sau chủ; tự bằng lòng với các vật đã cho; khéo làm các công việc; đem danh tiếng tốt đẹp cho chủ.
+ Năm cách vị thiện nam tử đối xử với các vị Sa-môn, Bà-la-môn như phương Trên: Có lòng từ trong hành động về thân; có lòng từ trong hành động về lời; có lòng từ trong hành động về ý; mở rộng cửa để đón các vị ấy; cúng dường các vị ấy các vật dụng cần thiết. Được vị thiện nam tử đối xử theo năm cách như vậy, các vị Sa-môn, Bà-la-môn có lòng thương tưởng vị thiện nam tử ấy theo năm cách: Ngăn họ không làm điều ác; khuyến khích họ làm điều thiện; thương xót họ với tâm từ bi; dạy cho những điều chưa nghe; làm cho thanh tịnh điều đã được nghe; chỉ bày con đường đưa đến cõi Trời.
Bài kinh kết thúc với sự kiện thanh niên Singàlaka hoan hỷ tán thán lời dạy của đức Phật và xin quy y Tam bảo.
32. Kinh Ashá Nang Chi (Àtànàtiya Suttanta):
Bài kinh là câu chuyện khá huyền bí đề cập sự kiện Đại vương Vessavana (Tỳ Sa Môn) thuộc Tứ Đại thiên vương (Cattàro Mahàràjà) cùng các tùy tùng gồm các loài Dạ xoa (Yakkha), Càn thát bà (Gandhabba), Cưu bàn trà (Kumbhanda) và loài rồng (Nàga) đến yết kiến đức Thế Tôn ở núi Linh Thứu, trình bày với ngài sự kiện có một số Dạ xoa không tin tưởng lời dạy của Thế Tôn, không tuân giữ năm giới cấm của ngài, và đề nghị Thế Tôn cho phép các tỷ kheo, tỷ kheo ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ học thuộc bài hộ kinh Àtànàtiya để tạo tín tâm cho các Dạ xoa chưa có tín tâm, khiến chúng trở thành những kẻ hộ trì, không làm hại các đệ tử Phật, che chở cho những ai thực hành Phật pháp.
Bài hộ kinh Àtànàtiya do Vessavana trình bày bằng thể kệ, phần đầu dùng để tán thán và kính lễ bảy đức Phật quá khứ và hiện tại; các đoạn sau đề cập bốn vị Thiên vương trị vì bốn phương chính. Phương Đông do Trì Quốc Thiên Vương (Dhatarattha) trị vì, có các Càn thát bà (Gandhabba) hầu quanh; phương Nam do Tỳ Lâu Lặc Thiên Vương (Virttha) trị vì, có các loài Cửu bàn trà (Kumbhanda) vây quanh; phương Tây do Tỳ Lâu Bác Xoa Thiên Vương trị vì (Virùpakkha), có các loài Nàga đoanh vây; phương Bắc được gọi là Bắc Cu Lô Châu (Uttarakurù), do vua Kuvera trị vì, có các loài Dạ xoa (Yakkha) hầu hạ; đặc điểm của xứ sở này là có nhiều thành phố lâu đài đẹp đẽ cao sang, đời sống vật chất sung túc, dân cư sống thanh nhàn, không sở hữu, không tranh chấp, cây cối tự đơm hoa kết trái, có các loài chim hót tiếng khiến tâm hoan hỷ, có núi Tu Di (Neru) cao ngất, nhiều hồ sen và cảnh vật đẹp đẽ của chốn thần tiên. Tất cả bốn vị Thiên vương này đều một lòng quy kính đức Phật, bậc trí đức viên mãn.
Một chi tiết khác thường được tìm thấy trong bài kinh là sự kiện Đại thiên vương Vessavana yêu cầu các đệ tử đức Phật niệm danh hiệu các vị Dạ xoa Inda, Soma, Varuna, Pajàpati, Bhàradvàja... trong trường hợp có các loài phi nhân nhiễu hại. Ta thấy rằng danh tánh các vị Dạ xoa được cầu cứu ở đây trùng hợp với các thần thánh trong tín ngưỡng Vệ đà-Bà la môn! Như vậy, từ bài hộ kinh Àtànàtiya mang tính cách hộ thân cho đến việc niệm danh các Dạ xoa Inda, Soma, Varuna để cầu giúp đỡ cho thấy bài kinh không còn mang tính nguyên thủy của Phật giáo và hình thái tín ngưỡng đã len lỏi vào bài kinh. Có lẽ vì lý do này mà G. C. Pande đã xem bài kinh là sản phẩm của những giai đoạn về sau.(9)
33. Kinh Phúng tụng (Sangìti Suttanta):
Bài kinh có tên Sangìti gợi cho ta ý tưởng về các cuộc hội nghị kiếp tập Phật giáo được tổ chức sau ngày bậc Đạo sư nhập Niết bàn. Sangìti có nghĩa là sự nói lại hay nhắc lại, được dùng để chỉ cho những cuộc kiết tập kinh điển Phật giáo trong đó các tỷ kheo tiêu biểu được mời nhóm họp lại để tụng đọc lại lời Phật dạy và giải quyết các vấn đề về giáo lý. Như vậy, bài kinh có thể được xem là mở đường cho những cuộc kiết tập về sau. Học giả Rhys Davids đồng hóa bài kinh này với bài kinh thứ hai, Aliya-vàsàni, nêu trong bia ký Bhabrù của Asoka.(10) Tuy nhiên nhận xét này của Davids không hoàn toàn chính xác, bởi tiêu đề bài kinh nêu trong bia ký Bhabrù, Aliya-vàsàni, hoàn toàn trùng hợp với tiêu đề bài kinh Ariya-vàsà (Thánh cư) được tìm thấy ở Tăng chi bộ.
Bài kinh gồm hai phần. Phần đầu mô tả sự kiện dân chúng Mallà vừa xây xong một hội trường mới tên là Ubbhataka, muốn mời Thế Tôn sử dụng trước tiên nhân lúc ngài cùng 500 tỷ kheo đang du hành ở Kusinàrà và đến trú tại vườn xoài của thợ rèn Cunda ở Pàvà. Thế Tôn chấp nhận lời thỉnh cầu của dân chúng Mallà, đến hội trường Ubbhataka và thuyết pháp cho dân chúng Malà cho đến đêm tối rồi bảo Tôn giả Xá Lợi Phất tiếp tục buổi thuyết giảng cho chúng tỷ kheo. Phần hai mô tả bài thuyết giảng của Tôn giả Xá Lợi Phất cho chúng tỷ kheo, bao gồm một tổng hợp các giáo lý của bậc Đạo sư được nói lại dưới hình thức liệt kê theo thứ tự pháp số. Tôn giả Xá Lợi Phất cố ý thuyết trình bài pháp này, nhân sự kiện Nigantha Nàthaputta vừa mới từ trần ở Pàvà và đồ chúng của vị này rơi vào tranh chấp và cãi vã nhau về giáo lý, nhằm khuyên nhắc chúng tỷ kheo không nên tranh chấp và cãi vã mà phải cùng nhau học tập và đọc tụng giáo pháp do bậc Đạo sư thuyết giảng để giáo pháp ấy được trường tồn, mang lại lợi ích và an lạc cho nhiều người. Bài thuyết trình của Tôn giả có hình thức trình bày giống như hình thức sau này của tuyển tập Tăng chi bộ (Anguttara-nikàya) và có nhiều điểm có thể xem là mở đường cho bộ luận Puggalapannatti. Bài pháp nêu trỏ các pháp theo thứ tự từ một đến mười pháp:
1. Một pháp: Tất cả loài hữu tình do các món ăn (àhàrà) mà an trú; tất cả loài hữu tình do các hành (samkhàrà) mà an trú.
2. Hai pháp: Danh và sắc; vô minh và hữu ái; hữu kiến và vô hữu kiến; vô tàm và vô quý; tàm và quý; ác ngôn và ác hữu; thiện ngôn và thiện hữu... tận trí và vô sanh trí.
3. Ba pháp: Tham bất thiện căn, sân bất thiện căn, si bất thiện căn; vô tham thiện căn, vô sân thiện căn, vô si thiện căn; thân ác hành, khẩu ác hành, ý ác hành; thân thiện hành, khẩu thiện hành, ý thiện hành; dục tầm, sân tầm, hại tầm; ly dục tầm, vô sân tầm, bất hại tầm... thần túc thông, tha tâm thông, giáo hóa thần thông.
4. Bốn pháp: Bốn niệm xứ; bốn chánh cần; bốn như ý túc; bốn thiền; bốn vô lượng tâm...
5. Năm pháp: Năm uẩn; năm thủ uẩn; năm dục trưởng dưỡng; năm triền cái; năm hạ phần kiết sử; năm thượng phần kiết sử...
6. Sáu pháp: Sáu nội xứ (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, khẩu, ý); sáu ngoại xứ (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp); sáu ái (sắc ái, thanh ái, hương ái, vị ái, xúc ái, pháp ái); sáu pháp hòa kính (lục hoà)...
7. Bảy pháp: Bảy giác chi (niệm, trạch pháp, tinh tấn, hỷ, khinh an, định, xả); bảy định cụ (chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm); bảy tùy miên ( dục tùy miên, sân tùy miên, kiến tùy miên, nghi tùy miên, mạn tùy miên, hữu tham tùy miên, vô minh tùy miên)...
8. Tám pháp: Tám tà đạo (tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà tinh tấn, tà niệm, tà định); tám chánh (thánh) đạo (chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định); tám giải thoát (tự mình có sắc, thấy các sắc, đó là giải thoát thứ nhất; quán tưởng nội sắc là vô sắc, thấy các ngoại sắc, đó là giải thoát thứ hai; quán tưởng sắc là tịnh, chú tâm trên suy tưởng ấy, đó là giải thoát thứ ba; vượt khỏi hoàn toàn sắc tưởng, diệt trừ chướng ngại tưởng, với ý nghĩ “hư không là vô biên,” chứng và trú Không vô biên xứ, đó là giải thoát thứ tư; vượt khỏi hoàn toàn Không vô biên xứ, với suy tư “thức là vô biên,” chứng và trú Thức vô biên xứ, đó là giải thoát thứ năm; vượt khỏi hoàn toàn Thức vô biên xứ, với ý nghĩ “không có vật gì,” chứng và trú Vô sở hữu xứ, đó là giải thoát thứ sáu; vượt khỏi hoàn toàn Vô sở hữu xứ, chứng và trú Phi tưởng phi phi tưởng xứ, đó là giải thoát thứ bảy; vượt khỏi hoàn toàn Phi tưởng phi phi tưởng xứ, chứng và trú Diệt thọ tưởng định, đó là giải thoát thứ tám)...
9. Chín pháp: Chín chỗ an trú của loài hữu tình (nhân gian và cõi trời, Phạm chúng thiên, Quang âm thiên, Tịnh cư thiên, Vô tưởng thiên, Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ); chín thứ đệ trú (ly dục, ly ác bất thiện pháp, chứng và trú thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm có tứ; diệt tầm và thứ, chứng và trú thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tỉnh nhất tâm; ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú thiền thứ ba; xả lạc xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh; sau khi vượt qua các sắc tưởng... chứng và trú Không vô biên xứ; sau khi vượt qua Không vô biên xứ một cách hòn toàn... chứng và trú Thức vô biên xứ; sau khi vượt qua Thức vô biên xứ một cách hoàn toàn... chứng và trú Vô sở hữu xứ; sau khi vượt qua Vô sở hữu xứ một cách hoàn toàn... chứng và trú Phi tưởng phi phi tưởng xứ; sau khi vượt qua Phi tưởng phi phi tưởng xứ một cách hoàn toàn... chứng và trú Diệt thọ tưởng định)...
10. Mười pháp: Mười bất thiện nghiệp đạo (sát sanh, lấy của không cho, tà hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói lời độc ác, nói lời phù phiếm, tham dục, sân hận, tà kiến); mười thiện nghiệp đạo ( không sát sanh, không lấy của không cho, không tà hạnh trong các dục, không nói láo, không nói hai lưỡi, không nói lời độc ác, không nói lời phù phiếm, không tham, không sân, chánh kiến)... mười pháp vô học (chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định, chánh trí, chánh giải thoát).
34. Kinh Thập thượng (Dasuttara Suttanta):
Kinh này do Tôn giả Xá Lợi Phất trình bày cho các tỷ kheo ở Campà, trên bờ hồ Gaggara. Bài kinh mang ý nghĩa giống như kinh Sangìti, tức là một tổng hợp các pháp do Thế Tôn thuyết giảng được nói lại dưới hình thức phân tích và liệt kê theo pháp số. Chúng ta có thể nói rằng kinh này và kinh Sangìti là hai bài kinh được nói ra dưới hình thức phân tích (vibhanga) và trùng tuyên (sangìti) và do đó mở đường cho các bộ luận và công tác kiết tập về sau.
Bài kinh có tên Dasuttara (Thập thượng), do tập hợp hai từ dasa, nghĩa là 10 (mười) và uttara có nghĩa là vượt lên, tăng thượng, dùng con số 10 làm cơ sở cho sự phân tích và liệt kê các pháp. Do đó, nếu như ở bài kinh Sangìti, các pháp được liệt kê từ một đến muời, thì ở bài kinh này, các pháp cũng được liệt kê từ một đến mười nhưng mỗi pháp số được liệt kê như vậy lại được phân ra thành mười nghĩa: (1) có nhiều tác dụng, (2) cần phải tu tập, (3) cần phải biến tri, (4) cần phải đoạn trừ, (5) chịu phần tai hại, (6) đưa đến thù thắng, (7) rất khó thể nhập, (8) cần được sanh khởi, (9) cần được thắng tri, (10) cần được tác chứng. Nội dung bài kinh gồm các phân tích liệt kê như sau:
1. Một pháp: Bất phóng dật đối với thiện pháp là một pháp có nhiều tác dụng; niệm thân câu hữu với khả ý là một pháp cần phải tu tập; xúc hữu lậu hữu thủ là một pháp cần phải biến tri; ngã mạn là một pháp cần phải đoạn trừ; phi như lý tác ý là một pháp chịu phần tai hại; như lý tác ý là một pháp đưa đến thù thắng; vô gián tâm định là một pháp rất khó thể nhập; bất động trí là một pháp cần được sanh khởi; tất cả loài hữu tình do ăn uống mà an trú là một pháp cần được thắng tri; bất động tâm giải thoát là một pháp cần được tác chứng.
2. Hai pháp: Niệm và tỉnh giác là hai pháp có nhiều tác dụng; chỉ và quán là hai pháp cần phải tu tập; danh và sắc là hai pháp cần được biến tri; vô minh và hữu ái là hai pháp cần phải đoạn trừ; ác ngôn và ác hữu là hai pháp chịu phần tai hại; thiện ngôn và thiện hữu là hai pháp đưa đến thù thắng; nhân và duyên làm ô nhiễm và làm thanh tịnh các loài hữu tình là hai pháp rất khó thể nhập; tận trí và vô sanh trí là hai pháp cần được sanh khởi; hữu vi giới và vô vi giới là hai pháp cần được thắng tri; minh và giải thoát là hai pháp cần được tác chứng.
3. Ba pháp: Giao thiệp với thiện nhân, nghe diệu pháp, hành trì pháp và tùy pháp là ba pháp có nhiều tác dụng; hữu tầm hữu tứ định, vô tầm hữu tứ định, vô tầm vô tứ định là ba pháp cần phải tu tập; lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ là ba pháp cần phải biến tri; dục ái, hữu ái, phi hữu ái là ba pháp cần phải đoạn trừ; tham bất thiện căn, sân bất thiện căn, si bất thiện căn là ba pháp chịu phần tai hại; vô tham thiện căn, vô sân thiện căn, vô si thiện căn là ba pháp đưa đến thù thắng; xuất ly khỏi các dục vọng, xuất ly khỏi các sắc pháp, xuất ly khỏi pháp hữu vi, do duyên sanh là ba pháp rất khó thể nhập; trí đối với quá khứ, trí đối với tương lai, trí đối với hiện tại là ba pháp cần được sanh khởi; dục giới, sắc giới, vô sắc giới là ba pháp cần được thắng tri; túc mạng minh, thiên nhãn minh, lậu tận minh là ba pháp cần được tác chứng.
4. Bốn pháp: Trú ở trung quốc, thân cận thắng nhân, chánh nguyện tự thân, tạo phước trong quá khứ là bốn pháp có nhiều tác dụng; bốn niệm xứ là bốn pháp cần phải tu tập; đoàn thực, xúc thực, tư niệm thực, thức thực là bốn pháp cần phải biến tri; dục bộc lưu, hữu bộc lưu, kiến bộc lưu, vô minh bộ lưu là bốn pháp cần phải đoạn trừ; dục ách, hữu ách, kiến ách, vô minh ách là bốn pháp chịu phần tai hại; ly dục ách, ly hữu ách, ly kiến ách, ly vô minh ách là bốn pháp hướng đến thù thắng; xả phần định, chỉ phần định, thắng phần định, quyết trạch phần định là bốn pháp rất khó thể nhập; pháp trí, loại trí, tha tâm trí, thế tục trí là bốn pháp cần được sanh khởi; Khổ thánh đế, Khổ tập thánh đế, Khổ diệt thánh đế, Khổ diệt đạo thánh đế là bốn pháp cần được thắng tri; Dự lưu quả, Nhất lai quả, Bất lai quả, A-la-hán quả là bốn pháp cần được tác chứng.
5. Năm pháp: Năm cần chi (có lòng tin tưởng sự giác ngộ của Như Lai; thiểu bệnh, thiểu não, sự tiêu hóa được điều hòa, không lạnh quá, không nóng quá, trung bình hợp với sự tinh tấn; không lường đảo, dối gạt, nêu rõ tự mình như chơn đối với bậc Đạo sư và các vị đồng phạm hạnh; sống siêng năng, tinh tấn, từ bỏ các ác pháp, thành tựu các thiện pháp, cương quyết, kiên trì nỗ lực, không tránh né đối với các thiện pháp; có trí tuệ, thành tựu trí tuệ hướng đến sự sanh diệt của các pháp, thành tự Thánh quyết trạch, đưa đến sự đoạn diệt chơn chánh các khổ đau) là năm pháp có nhiều tác dụng. Năm chánh định chi (hỷ biến mãn, lạc biến mãn, tâm biến mãn, quang biến mãn, quán sát tướng) là năm pháp cần được tu tập. Năm thủ uẩn (sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn, thức thủ uẩn) là năm pháp cần phải biến tri. Năm triền cái( tham dục, sân, thụy miên hôn trầm, trạo cử hối quá, nghi) là năm pháp cần phải đoạn trừ. Năm tâm hoang vu (nghi ngờ, do dự, không quyết đoán, không có thỏa mãn đối với vị Đạo sư; nghi ngờ ... đối với Pháp... đối với Tăng... đối với học Pháp... đối với các vị đồng phạm hạnh) là năm pháp chịu phần tai hại. Năm căn (tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn) là năm pháp hướng đến thù thắng. Năm giới hướng đến giải thoát (có tác ý đối với dục vọng, có tác ý đối với sân hận, có tác ý đối với hại tâm, có tác ý đối với sắc, có tác ý đối với tự thân nhằm mục đích giải thoát chúng) là năm pháp rất khó thể nhập. Năm chánh định trí (trí biết rõ “Đây là định đưa đến hiện tại lạc và lạc quả tương lại”; trí biết rõ “Định này thuộc bậc Thánh, xuất thế”; trí biết rõ “Định này thuộc hàng hiền thiện thực hành”; trí biết rõ “Định này là thanh lương, thù thắng, hướng đến an tịnh, quy về nhất tâm, không cần nhắc bảo, không bị chống đối, không bị thất bại”; trí biết rõ “Tôi với chánh niệm nhập định này, và với chánh niệm xuất định này”) là năm pháp cần được sanh khởi. Năm giải thoát xứ (giải thoát nhờ tâm được định tỉnh trên cơ sở nghe pháp, giải thoát nhờ tâm được định tỉnh trên cơ sở theo đuổi điều đã nghe, giải thoát nhờ tâm được định tỉnh trên cơ sở tụng đọc, giải thoát nhờ tâm được định tỉnh trên cơ sở suy tư quán sát điều đã nghe, giải thoát nhờ tâm được định tỉnh trên cơ sở nắm giữ một định tướng) là năm pháp cần được thắng tri. Năm pháp uẩn (giới uẩn, định uẩn, tuệ uẩn, giải thoát uẩn, giải thoát tri kiến uẩn) là năm pháp cần được tác chứng.
6. Sáu pháp: Sáu hòa kính pháp (từ thân nghiệp, từ khẩu nghiệp, từ ý nghiệp đối với các vị đồng phạm hạnh cả trước mặt lẫn sau lưng; chia sẻ với các vị đồng phạm hạnh các vật được cúng dường; sống gìn giữ những giới luật với các vị đồng phạm hạnh; sống nuôi dưỡng chánh kiến với các vị đồng phạm hạnh, trước mặt hay sau lưng) là sáu pháp có nhiều tác dụng. Sáu tùy niệm xứ (Phật tùy niệm, Pháp tùy niệm, Tăng tùy niệm, Giới tùy niệm, Thí tùy niệm, Thiên tùy niệm) là sáu pháp cần phải tu tập. Sáu nội xứ (nhãn xứ, nhĩ xứ, tỷ xứ, thiệt xứ, thân xứ, ý xứ) là sáu pháp cần phải biến tri. Sáu ái thân (sắc ái, thanh ái, hương ái, vị ái, xúc ái, pháp ái) là sáu pháp cần phải đoạn trừ. Sáu bất cung kính pháp (sống không cung kính, chống đối bậc Đạo sư, đối với Pháp... đối với Tăng... đối với học pháp... đối với bất phóng dật... sống không cung kính, chống đối sự tiếp đón niềm nở) là sáu pháp chịu phần tai hại. Sáu cung kính pháp. (cung kính, không phản đối bậc Đạo sư... đối với Pháp... đối với Tăng... đối với học pháp... đối với bất phóng dật... cung kính, không chống đối sự tiếp đón niềm nở) là sáu pháp hướng đến phù thắng. Sáu xuất ly giới (từ tâm giải thoát có khả năng giải thoát sân tâm, bi tâm giải thoát có khả năng giải thoát hại tâm, hỷ tâm giải thoát có khả năng giải thoát bất lạc tâm, xả tâm giải thoát, có khả năng giải thoát tham tâm, vô tướng tâm giải thoát có khả năng giải thoát tất cả tướng, do dự nghi ngờ được giải thoát) là sáu pháp rất khó thể nhập. Sáu hằng trú pháp (mắt thấy sắc không có hoan hỷ, không có ưu phiền, an trú xả, chánh niệm tỉnh giác; tai nghe tiếng... mũi ngửi hương... lưỡi niếm vị... thân cảm xúc... ý nhận thức pháp không có hoan hỷ, không có ưu phiền, an trú xả, chánh niệm tinh giác) là sáu pháp cần được sanh khởi. Sáu vô thượng chi (kiến vô thượng, văn vô thượng, lợi đắc vô thượng, giới vô thượng, hành vô thượng, ức niệm vô thượng) là sáu pháp cần được thắng tri. Sáu thắng trí (thần túc thông, thiên nhĩ thông, tha tâm thông, túc mạng minh, thiên nhãn minh, lậu tận minh) là sáu pháp cần được tác chứng.
7. Bảy pháp: Bảy tài sản (tín tài, giới tài, tàm tài, quí tài, văn tài, thí tài, tuệ tài) là bảy pháp có nhiều tác dụng. Bảy giác chi (niệm, trạch pháp, tinh tấn, hỷ, khinh an, định, xả) là bảy pháp cần phải tu tập. Bảy thức trú (thế giới loài người, chư thiên và các đọa xứ; Phạm chúng thiên; Quang âm thiên; Biến tịnh thiên; Không vô biên xứ; Thức vô biên xứ; Vô sở hữu xứ) là bảy pháp cần được biến tri. Bảy tùy miên (tham dục tùy miên, sân tùy miên, kiến tùy miên, nghi tùy miên, mạn tùy miên, hữu tham tùy miên, vô minh tùy miên) là bảy pháp cần phải đoạn trừ. Bảy phi diệu pháp (bất tín, vô tàm, vô quý, thiểu văn, giải đãi, thất niệm, ác tuệ) là bảy pháp chịu phần tai hại. Bảy diệu pháp (có lòng tin, có tàm, có quý, đa văn, tinh cần, niệm hiện tiền, có trí tuệ) là bảy pháp hướng đến thù thắng. Bảy thượng nhân pháp (tri pháp, tri nghĩa, tri ngã, tri lượng, tri thời, tri chúng và tri nhân) là bảy pháp rất khó thể nhập. Bảy tưởng (vô thường tưởng, vô ngã tưởng, bất tịnh tưởng, quá hoạn tưởng, đoạn trừ tưởng, ly tham tưởng, diệt tưởng) là bảy pháp cần phải sanh khởi. Bảy thù diệu sự (tha thiết hành trì học pháp và khát vọng hành trì học pháp trong tương lai; tha thiết quán pháp và khát vọng quán pháp trong tương lai; tha thiết điều phục các dục vọng và khát vọng điều phục các dục vọng trong tương lai; tha thiết sống an tịnh và khát vọng sống an tịnh trong tương lai; tha thiết sống tinh tấn và khát vọng sống tinh tấn trong tương lai; tha thiết quán sát tự niệm và khát vọng quán sát tự niệm trong tương lai; tha thiết với kiến giải và khát vọng hiểu biết sở kiến trong tương lai) là bảy pháp cần phải thắng tri. Bảy lậu tận lực (chánh quán như chân tánh vô thường của tất cả pháp hữu vi với chánh tuệ; chánh quán như chân với chánh tuệ các dục vọng như lửa than hừng; tâm hướng xuất ly, tâm thiên xuất ly, tâm nặng về xuất ly, tâm lấy xuất ly làm mục đích, tâm hoan hỷ ly dục, đoạn trừ hoàn toàn mọi lậu hoặc trú; bốn niệm an trú được tu tập, khéo tu tập; năm căn được tu tập, khéo tu tập; bảy Giác chi đã được tu tập, khéo tu tập; bát Thánh đạo được tu tập, khéo tu tập nhờ đó được lậu tận) là bảy pháp cần được tu chứng.
8. Tám pháp: Có tám nhân, tám duyên đưa đến chứng đắc trí tuệ căn bản phạm hạnh (sống gần bậc Đạo sư hay một vị đồng Phạm hạnh đáng tôn kính; sống gần bậc Đạo sư hoặc một vị đồng Phạm hạnh đáng tôn kính, nhờ vậy mà tàm quý được sắc sảo, ái lạc và cung kính được an trú, nêu rõ những gì bị che khuất, phơi bày ra những gì bị giấu kín, và diệt trừ mọi nghi ngờ đối với những vấn đề đang còn nghi ngờ; thân tâm được an tịnh; giữ giới, sống chế ngự với sự chế ngự giới bổn Pàtimokkha, đầy đủ oai nghi chánh hạnh, thấy nguy hiểm trong những lỗi nhỏ nhặt, thọ lãnh và tu học trong các học pháp; đa văn, ghi nhớ điều đã nghe, chất chứa điều đã nghe; sống tinh cần, tinh tấn, đoạn trừ các ác pháp, thành tựu các thiện pháp; có chánh niệm, có chánh niệm tối thượng; sống quán sát sự sanh diệt của năm thủ uẩn) là tám pháp có nhiều tác dụng. Bát Thánh đạo (Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định) là tám pháp cần phải tu tập. Tám thế pháp (đắc và không đắc, không có thanh danh và có thanh danh, chê và khen, lạc và khổ) là tám pháp cần phải biến tri. Tám tà (tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà tinh tấn, tà niệm, tà định) là tám pháp cần phải đoạn trừ. Tám giải đãi sự (nằm dài khi có việc cần phải làm; nằm dài sau khi làm một việc; nằm dài khi có đoạn đường phải đi; nằm dài sau khi đi được một đoạn đường; nằm dài khi không nhận được đồ ăn khất thực; nằm dài sau khi ăn no; nằm dài khi có bệnh nhẹ; nằm dài sau khi vừa khỏi bệnh) là tám pháp chịu phần tai hại. Tám tinh tấn sự (tinh tấn khi có việc cần làm, tinh tấn sau khi làm một công việc, tinh tấn khi có con đường phải đi, tinh tấn sau khi đã đi hết con đường, tinh tấn khi không nhận được đồ ăn khất thực, tinh tấn sau khi ăn xong, tinh tấn khi có bệnh nhẹ, tinh tấn sau khi vượt qua cơn bệnh) là tám pháp hướng đến thù thắng. Phạm hạnh trú, tám bất thời bất tiết (có Như Lai xuất hiện ở đời nhưng (người ấy) bị sanh vào địa ngục; có Như Lai xuất hiện ở đời nhưng bị sanh vào bàng sanh, ... sanh vào ngạ quỷ... sanh vào hàng chư Thiên được thọ mạng lâu dài... sanh vào các biên địa, giữa các loài mọi rợ vô trí; được sanh vào các trung quốc nhưng lại theo tà kiến điên đảo; sinh vào các trung quốc nhưng ác tuệ, ngu si, điếc, ngọng, không biết nghĩa lý; có Như Lai xuất hiện ở đời nhưng Pháp không được thuyết giảng) là tám pháp rất khó thể nhập. Tám Đại nhân tầm (Pháp này cho người thiểu dục, pháp này không phải cho người đa dục; pháp này cho người tri túc, pháp này không phải cho người không tri túc; pháp này cho người an tịnh độc cư, pháp này không phải cho người ưa tụ hội; pháp này cho người siêng năng tinh tấn, pháp này không phải cho người giải đãi; pháp này cho người có niệm, pháp này không phải cho người thất niệm; pháp này cho người có định tâm, pháp này không phải cho người không có định tâm; pháp này cho người có trí tuệ, pháp này không phải cho người có ác tuệ; pháp này cho người không ưa thích lý luận, pháp này không phải cho người ưa thích lý luận) là tám pháp cần được sanh khởi. Tám thắng xứ (quán tưởng nội sắc, thấy các loại ngoại sắc có hạn lượng, đẹp, xấu, nhận thức rằng “Sau khi nhiếp thắng chúng, ta biết, ta thấy”; quán tưởng nội sắc, thấy các loại ngoại sắc vô lượng, đẹp, xấu... quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc có hạn lượng, đẹp, xấu... quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc vô lượng, đẹp, xấu... quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc màu xanh, sắc màu xanh, tướng sắc xanh, hình sắc xanh, ánh sáng xanh... quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc màu vàng, tướng sắc vàng, hình sắc vàng, ánh sáng vàng... quán tưởng vô sắc ở nội tâm thấy các loại ngoại sắc màu đỏ, sắc màu đỏ, tướng màu đỏ, hình sắc đỏ, ánh sáng đỏ... quán tưởng vô sắc ở nội tâm thấy các loại ngoại sắc màu trắng, sắc màu trắng, tướng sắc trắng, hình sắc trắng, ánh sáng trắng, nhận thức rằng “Sau khi nhiếp thắng chúng, ta biết, ta thấy”) là tám pháp cần được thắng tri. Tám giải thoát (tự mình có sắc, thấy các sắc; quán tưởng nội sắc là vô sắc, thấy các ngoại sắc; vượt khỏi hoàn toàn sắc tưởng, diệt trừ các chướng ngại tưởng, chứng và trú Không vô biên xứ; chứng và trú Thức vô biên xứ; chứng và trú Vô sở hữu xứ; chứng và trú Phi tưởng phi phi tưởng xứ; chứng và trú Diệt thọ tưởng) là tám pháp cần được tác chứng.
9. Chín pháp: Chín pháp tư duy về căn pháp (do chánh tư duy, hân hoan sinh; do hân hoan, hỷ sanh; do tâm hoan hỷ, thân được khinh an; do thân khinh an, lạc thọ sanh; do lạc thọ, tâm được định tỉnh; do tâm định tỉnh, biết được, thấy được sự vật như chân; do biết, thấy như chơn, yểm ly sanh; do yểm ly, ly dục sanh; do ly dục, được giải thoát) là chín pháp có nhiều tác dụng. Chín thanh tịnh cần chi (giới hạnh thanh tịnh, tâm thanh tịnh, kiến thanh tịnh, đoạn nghi thanh tịnh, đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh, đạo tri kiến thanh tịnh, tri kiến thanh tịnh, tuệ thanh tịnh, giải thoát thanh tịnh) là chín pháp cần được tu tập. Chín hữu tình trú (thế giới loài người, loài trời và các chúng sanh thấp kém khác, Phạm chúng thiên, Quang âm thiên, Tịnh cư thiên, Vô tưởng thiên, Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ) là chín pháp cần được biến tri. Chín ái căn pháp (do duyên ái, tầm cầu sanh; do duyên tầm cầu, đắc lợi sanh; do duyên đắc lợi, phân biệt sanh; do duyên phân biệt, tham dục sanh; do duyên tham dục, thủ trước sanh; do duyên thủ trước sanh, chấp trì sanh; do duyên chấp trì, xan tham sanh; do duyên xam tham, hộ trì sanh; do duyên hộ trì, chấp trượng, chấp kiến, tránh tụng, tranh luận, tương phản, ly gián ngữ, vọng ngôn, và các ác bất thiện pháp sanh) chín pháp cần phải đoạn trừ. Chín hại tâm (“nó đã làm hại tôi”, xung đột khởi lên; “nó đang làm hại tôi”, xung đột khởi lên; “nó sẽ làm hại tôi”, xung đột khởi lên; “nó đã làm hại người tôi thương, người tôi mến”... “nó đang làm hại...” ... “nó sẽ làm hại...”, xung đột khởi lên; “nó đã làm lợi cho người tôi không thương, không mến”... “nó đang làm lợi...” ... “nó sẽ làm lợi...”, xung đột khởi lên) là chín pháp chịu phần tai hại. Chín điều phục hại tâm (“Nó đã làm hại tôi. Có ích lợi gì mà nghĩ như vậy?” Nhờ vậy xung đột được điều phục; “Nó đang làm hại tôi. Có ích lợi gì mà nghĩ như vậy?” Nhờ vậy xung đột được điều phục; “Nó sẽ làm hại tôi. Có ích lợi gì mà nghĩ như vậy?” Nhờ vậy xung đột được điều phục; “Nó đã làm hại người tôi thương...”, ... “Nó đang làm hại...”, ... “Nó sẽ làm hại người tôi thương, người tôi mến. Có ích lợi gì mà nghĩ như vậy?” Nhờ vậy xung đột được điều phục; “Nó đã làm lợi cho người tôi không thương, không mến...”, ... “Nó đang làm lợi...”, ... “nó sẽ làm lợi... Có ích lợi gì mà nghĩ như vậy?” Nhờ vậy xung đột được điều phục) là chín pháp hướng đến thù thắng. Chín loại sai biệt (do duyên giới sai biệt, xúc sai biệt sanh; do duyên xúc sai biệt, thọ sai biệt sanh; do duyên thọ sai biệt; tưởng sai biệt sanh; do duyên tưởng sai biệt, tư duy sai biệt sanh; do duyên tư duy sai biệt, dục sai biệt sanh; do duyên dục sai biệt, nhiệt tình sai biệt sanh; do duyên nhiệt tình sai biệt; tầm cầu sai biệt, đắc lợi sai biệt sanh) là chín pháp rất khó thể nhập. Chín tưởng (bất tịnh yểm ly tưởng, nhứt thiết thế gian bất lạc tưởng, vô thường tưởng, khổ tâm tưởng trên vô thường, vô ngã tưởng trên ngã, đoạn trừ tưởng, vô tham tưởng) là chín pháp cần được sanh khởi. Chín thứ đệ trú (chứng và trú thiền thứ nhất, thiền thứ hai, thiền thứ ba, thiền thứ tư, Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ, Diệt thọ tưởng định) là chín pháp cần được thắng tri. Chín thứ đệ diệt (Thành tựu Sơ thiền, các dục tưởng bị đoạn diệt; thành tựu đệ Nhị thiền, các tầm tứ bị đoạn diệt; thành tựu đệ Tam thiền, hỷ bị đoạn diệt; thành tựu đệ Tứ thiền, hơi thở vào hơi thở ra bị đoạn diệt; thành tựu Hư không vô biên xứ, sắc tưởng bị đoạn diệt; thành tựu Thức vô biên xứ, hư không tưởng bị đoạn diệt; thành tựu Vô hữu xứ, thức tưởng bị đoạn diệt; thành tựu Phi tưởng phi phi tưởng xứ, Vô sở hữu xứ tưởng bị đoạn diệt; thành tựu Diệt thọ tưởng (định), các tưởng và các thọ bị đoạn diệt) là chín pháp cần được chứng ngộ.
10. Mười pháp: Mười hộ trì nhân pháp (có giới hạnh, sống chế ngự với sự chế ngự của giới bổn Pàtimokkha, đầy đủ oai nghi, chánh hạnh, thấy nguy hiểm trong những lỗi nhỏ nhặt, thọ lãnh và tu học trong giới pháp; nghe nhiều, gìn giữ những gì đã nghe, chất chứa những gì đã nghe; thiện hữu, thiện bạn lữ, là thiện bạn đảng; thiện ngôn, đầy đủ sự nhu hòa và khiêm nhường, nhẫn nại và nhận sự chỉ trích một cách cung kính; làm tròn các trách nhiệm cần phải làm đối với các vị đồng phạm hạnh niên lạp cao hơn; ưa Pháp, thích nói Pháp, nói Luật; tự mình bằng lòng với các vật dụng nhận được như y phục, ẩm thực, sàng tọa, bệnh dược; sống tinh tấn siêng năng đoạn trừ các ác pháp, thành tựu các thiện pháp, cương quyết, kiên trì tinh tấn, nhẫn trì không phế bỏ các thiện pháp; có chánh niệm, đầy đủ tối thượng niệm và tỉnh giác; có trí tuệ, đầy đủ sanh diệt trí, hướng đến sự quyết trạch các bậc Thánh, chơn chánh diệt trừ mọi đau khổ) là mười pháp có nhiều tác dụng. Mười biến xứ (địa biến xứ, thủy biến xứ, hỏa biến xứ, phong biến xứ, xanh biến xứ, vàng biến xứ, đỏ biến xứ, trắng biến xứ, hư không biến xứ, thức biến xứ) là mười pháp cần phải tu tập. Mười xứ (nhãn xứ, sắc xứ, tỷ xứ, thanh xứ, nhĩ xứ, hương xứ, thiệt xứ, vị xứ, thân xứ, xúc xứ) là mười pháp cần được biến tri. Mười tà pháp (tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà tinh tấn, tà niệm, tà định, tà trí, tà giải thoát) là mười pháp cần được đoạn trừ. Mười bất thiện nghiệp đạo (sát sanh, thâu đạo, tà dâm, vọng ngôn, lưỡng thiệt, ác khẩu, ỷ ngữ, tham, sân, tà kiến) là mười pháp chịu phần tai hại. Mười thiện nghiệp đạo (ly sát sanh, ly thâu đạo, ly tà dâm, ly vọng ngôn, ly lưỡng thiệt, ly ác khẩu, ly ỷ ngữ, ly tham, ly sân, ly si) là mười pháp hướng đến thù thắng. Mười thánh tri (đoạn trừ năm chi (tham dục, sân, hôm trầm thụy miên, trạo hối, nghi); đầy đủ sáu chi (an trú xả, chánh niệm tỉnh giác khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần); một hộ trì (hộ trì niệm); thực hiện bốn y (sau khi suy tư, thọ dụng một pháp; sau khi suy tư, nhẫn thọ một pháp; sau khi suy tư, đoạn trừ một pháp; sau khi suy tư tránh xa một pháp); loại bỏ các giáo điều (tất cả những giáo điều thông thường mà các vị Sa môn thông thường chủ trương); đoạn tận các mong cầu (đoạn trừ các mong cầu về dục vọng, đoạn trừ các mong cầu về hiện hữu, làm cho an tịnh các mong cầu về phạm hạnh); tâm tư không hệ phược (đoạn trừ các tâm tư dục vọng, đoạn trừ các tâm tư sân hận, đoạn trừ các tâm tư não hại); thân thể khinh an (đoạn trừ lạc, đoạn trừ khổ, diệt các hỷ ưu từ trước, chứng và an trú thiền thứ tư, không lạc, không khổ, xả niệm thanh tịnh); tâm thiện giải thoát (tâm giải thoát khỏi tham, tâm giải thoát khỏi sân, tâm giải thoát khỏi si); tuệ thiện giải thoát (biết rằng: “Tham tâm của ta đã được trừ, cắt tận gốc rễ, như cây ta-la bị chặt, đi đến chỗ không hiện hữu, không có khả năng sanh khởi trong tương lai”; biết rằng: “Sân tâm của ta đã đoạn trừ, cắt tận gốc rễ, như cây ta-la bị chặt, đi đến chỗ không hiện hữu, không có khả năng sanh khởi trong tương lai”; biết rằng: “Si tâm của ta đã đoạn trừ, cắt tận gốc rễ, như cây ta-la bị chặt, đi đến chỗ không hiện hữu, không có khả năng sanh khởi trong tương lai) là mười pháp rất khó thể nhập. Mười tưởng (bất tịnh tưởng, tư tưởng, thực yểm ly tưởng, nhứt thiết thế gian bất lạc tưởng, vô thường tưởng, khổ tưởng trên vô thường, vô ngã tưởng trên khổ, đoạn tưởng, ly tham tưởng, diệt tưởng) là mười pháp cần được sanh khởi. Mười đoạn tận sự (tà kiến do chánh kiến đoạn tận; do duyên tà kiến, các ác bất thiện pháp khởi lên, các pháp này được đoạn tận; do duyên chánh kiến các thiện pháp được tăng cường, viên mãn; tà tư duy do chánh tư duy đoạn tận... tà ngữ do chánh ngữ đoạn tận... tà nghiệp cho chánh nghiệp đoạn tận... tà mạng do chánh mạng đoạn tận... tà niệm do chánh niệm đoạn tận... tà định do chánh định đoạn tận... tà trí do chánh trí đoạn tận... tà giải thoát do chánh giải thoát đoạn tận... do duyên tà giải thoát, các ác bất thiện pháp khởi lên, các pháp này được đoạn tận; do duyên chánh giải thoát, các thiện pháp này được tăng cường viên mãn) là mười pháp cần được thắng tri. Mười vô học pháp (vô học Chánh tri kiến, vô học Chánh tư duy, vô học Chánh ngữ, vô học Chánh nghiệp, vô học Chánh mạng, vô học Chánh tinh tấn, vô học Chánh niệm. vô học Chánh định, vô học Chánh trí, vô học Chánh giải thoát) là mười pháp cần phải tác chứng.
(1). M. Winternitz, History of Indian Literature, tập II, tr. 41.
(2). B. C. Law, A History of Pàli Literature, tập I, tr. 93.
(3). G. C. Pande, Studies in the Origins of Buddhism, tr. 111.
(4). B. C. Law, A History of Pàli Literature, tập I, tr. 111.
(5). Nguyễn Hiến Lê, Lịch sử Văn minh Ấn Độ, tr. 89.
(6). Xem Kinh Nàlaka, số 11, Đại phẩm, Kinh Tập (Sutta Nipàta).
(7). Rhys Davids, Dialogues of the Buddha, part III, tr. 168-169.
(8). Journal of the Royal Asiatic Society, 1915, tr. 809.
(9). G. C. Pande, Studies in the Origins of Buddhism, tr. 113.
10). Rhys Davids, Dialogues of the Buddha, part I, tr. xiii.