PHẦN 2: MỘT SỐ CHỦ ĐỀ - Từ Ngã, Pháp Chấp Đến Ngã Pháp Giai Không

    Khi khảo sát về những đặc trưng của các tôn giáo, người ta thấy rằng hầu hết các tôn giáo đều chủ trương Hữu ngã, chỉ có Phật giáo là đề xướng thuyết Vô ngã. Không những Vô ngã mà còn chủ trương Vô pháp, nghĩa là xiển dương chân lý ngã, pháp đều không, thể nhập Chân không diệu hữu. Đây chính là nét đặc sắc nhất của đạo Phật. Trong bài này, người viết sẽ tuần tự trình bày từ ngã chấp, pháp chấp đến quán chiếu ngã không, pháp không, cuối cùng đạt đến ngã không chân như và pháp không chân như.

1. NGÃ

    a. Các quan điểm về ngã

    Tiếng phạn Atman, dịch âm là A-đặc-man; ý đầu tiên là chỉ cho “hô hấp”, dẫn đến dùng để gọi Sinh mệnh, Tự kỷ, Thân thể, Bản chất, Tự tánh. Nó dùng để ám chỉ cái chủ thể độc lập vĩnh viễn. Chủ thể này tiềm tàng trong tất cả mọi sinh vật, có quyền năng chi phối mọi cái khác

    Từ thời đại Lê câu Vệ-đà (R.g.Veda, 1500 B.C) cho đến thời đại Phạm thư (Bràhmana, 1000 B.C– 800 B.C), người ta quan niệm hơi thở là chủ thể hoạt động của sinh mệnh con người, vì thế, họ xem hơi thở (pràna) cũng chính là Tự ngã.

    Đến thời đại Áo nghĩa thư (Upanisad, 800 B.C –600 B.C) lại chia ngã thành hai loại là Tiểu ngã và Đại ngã. Tiểu ngã tức cái tự thể của mỗi cá nhân, còn Đại ngã là nguyên lý trung tâm của vũ trụ, tức Bràhman. Đồng thời cho rằng Tiểu ngã là sản phẩm của Đại ngã. Nếu người ta tôi luyện cái Tiểu ngã đến độ hoàn thiện, nó sẽ trở về nhập một với Đại ngã. Và chỉ có Đại ngã mới là Thực thể chân chính, ngoài ra, các cái khác đều là hư huyễn (màyà).

    Đối với các quan điểm trên, đức Phật không tán đồng nên đề xướng chủ thuyết Vô ngã để phản bác các quan điểm thiếu chính xác ấy. Có thể nói, Thuyết Vô ngã là một chủ trương độc đáo của đạo Phật mà không có bất cứ một đạo giáo nào khác từng đề cập đến.

    Đến giai đoạn Phật giáo bị phân hóa thành các Bộ phái thì Bộ phái Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ thiết lập thành hai khái niệm là Nhân ngã và Pháp ngã. Phái này tuy phủ nhận cái Nhân ngã, nhưng vẫn thừa nhận cái Pháp ngã. Pháp ngã tức là những yếu tố cấu thành sự tồn tại của tất cả muôn pháp.

    Còn Độc Tử bộ và Chánh Lượng bộ thì chủ trương cái ngã phi tức phi ly uẩn, tức cái ngã chẳng phải năm uẩn mà cũng chẳng phải rời năm uẩn. Họ cho rằng sinh mệnh của mỗi cá thể (nhân ngã) không phải do năm uẩn giả hợp tạo thành (tức uẩn) mà cũng không phải rời năm uẩn có một cái ngã riêng biệt nào khác (ly uẩn).

    Đến Kinh Lượng bộ lại đề xuất một cái ngã siêu việt con người, tức cái Thắng nghĩa Bổ-đặc-già- la (Bổ-đặc-già-la là từ phiên âm chữ puggala tức con người, nhân cách hay nhân ngã).

    Qua sự khảo sát về Ngã của ngoại đạo và các Bộ phái Phật giáo kể trên, Thành duy thức luận quyển một cô đọng lại thành ba loại Ngã là:

    1/. Tức uẩn ngã: Cái ngã mà mọi người ở thế gian đề cập đến;

    2/. Ly uẩn ngã: Cái ngã do phái Số luận, Thắng luận, Kinh Lượng bộ trình bày;

    3/. Phi tức phi ly uẩn ngã: Cái ngã theo chủ trương của Độc tử bộ, Chánh lượng bộ v.v… đề xướng.

    Đối với, Đại thừa Phật giáo cực thịnh thì không những phủ nhận cái ngã cá thể (nhân ngã) mà cũng phủ nhận luôn cái Pháp ngã; đồng thời chủ trương Nhân Vô ngã và Pháp vô ngã. Các luận sư này bảo rằng vạn pháp là Vô thường, Khổ, Vô ngã, Bất tịnh, nếu kẻ nào diệt hết phiền não thì có thể đạt đến cảnh giới cứu cánh Niết-bàn. Thế nhưng, cái cảnh giới Niết-bàn sau khi giác ngộ hiển nhiên là một sự tự do tuyệt đối, vì vậy mà đề xướng cái thuyết 4 đức là: Thường, lạc, ngã và tịnh. Cái “Ngã” ở đây khác rất xa với cái “ngã” mà phàm phu nhận thức, nên gọi là Đại ngã, chân ngã. Nói một cách tóm tắt thì ngã được chia thành bốn loại là Phàm ngã, Thần ngã, Giả ngã và Chân ngã.

    1/. Phàm ngã: chỉ cho cái ngã mà phàm phu mê chấp;

    2/. Thần ngã: (tiếng phạn purusa được dịch là Trượng phu, nhân (người), nguyên nhân v.v…) chỉ cho cái ngã do lục sư ngoại đạo (các học phái ngoài Phật giáo) trình bày.

    3/. Giả ngã: chỉ cho cái ngã hoàn toàn không có thực thể mà chỉ có giả danh, như gọi cái thân do năm uẩn giả hợp là ngã.

    4/. Chân ngã: nhằm chỉ cho Pháp thân của đức Phật, vì Pháp thân này có tám đức tính tự tại.

    Ngoài ra, các học phái tại Ấn-Độ vào thời đức Phật còn có khuynh hướng chia ngã thành 16 loại, gọi là 16 loại tri kiến hay 16 Thần ngã, hàm ý bảo rằng ta có cái năng lực biết và thấy. Mười sáu thứ này là: Ngã, Chúng sinh, Thọ giả (thọ mạng), Mạng giả, Sinh giả, Dưỡng dục, Chúng số, Nhân giả, Tác giả, Sử tác giả, Khởi giả, Sử Khởi giả, Thụ giả (lãnh đạo), Sử thụ giả, Tri giả, Kiến giả. (Đại trí độ luận, quyển 35)

    Qua cách xếp loại về ngã của các học phái ngoại đạo kể trên ta có thể xem đó như là Ngã kiến; tức là cái vọng kiến chấp rằng có cái Thật ngã đối với những cái không phải ngã. Ngã kiến là từ chỉ chung. Thế rồi, luận Đại thừa khởi tín đem chia thành hai loại:

    1/ Nhân ngã kiến: Tức chấp cái thân tâm do năm uẩn Sắc, Thọ, Tưởng, Hành và Thức giả hợp tạo thành là thực ngã. Đó gọi là Nhân ngã kiến, nói gọn là nhân ngã. Nghĩa là đứng trên phương diện loài người cho rằng mình có cái tự ngã. Còn như gồm chung các loài hữu tình chúng sinh thì gọi là Sinh ngã kiến hay Sinh ngã. Nghĩa là cho rằng mình có cái thực thể của một chúng sinh.

    2/ Pháp ngã kiến: Tức cho rằng tất cả các pháp đều có cái thể tính chân thật, độc lập. (Vấn đề này sẽ đề cập ở sau)

    Dựa vào những cách hiểu về ngã trên đây, các luận sư Duy thức đưa ra một định nghĩa thống nhất về Ngã như sau: Thường, Nhất, Chủ, Tể. Thường nghĩa là thường hằng, vĩnh cửu. Nhất nghĩa là thuần nhất không thể chia lìa. Chủ nghĩa là có quyền làm chủ, tự do, tự tại. Ví như ông vua làm chủ một nước, cử người coi việc chính trị, có quyền quyết định tất cả. Tể nghĩa là có quyền chi phối, điều khiển các cái khác. Ví như viên quan Phụ chính cai quản thuộc hạ, sắp đặt các công việc cho họ.

    Thế rồi, vì thấy mình có một thực thể mang đặc tính Thường, Nhất, Chủ, Tể nên sinh ra chấp trước. Do chấp trước mà thành ra ngã mạn. Các luận sư Duy Thức tóm tắt thành bốn Khái niệm là Ngã si, Ngã kiến, Ngã mạn và Ngã ái. Bốn tính chất này đều thuộc về thức Mạt-na thứ bảy, tức quy kết cho thức Mạt-na là thủ phạm của sự chấp ngã.

    b. Phân loại về ngã chấp

Về phương diện Ngã chấp này, Thành Duy Thức luận quyển một chia làm hai loại: 1/ Câu sinh ngã chấp; 2/. Phân biệt ngã chấp.

    1/ Câu sinh ngã chấp: Sự chấp ngã đã hiện hữu từ vô thỉ kiếp đến nay, do hư vọng huân tập, tạo thành cái động lực nội tại, thường đồng hành với thân, nên hễ sinh ra ở đâu có cái thân, thì có nó sinh khởi; vì thế cũng gọi là Thân Kiến.

    Nếu ta phân tích sâu hơn nữa, thì loại Câu sinh ngã chấp này cũng chia làm hai phương diện là: a. Thường tương tục; b. Có gián đoạn.

    a. Thường tương tục: Tức thức Mạt-na dựa vào thức A-lại-da, rồi khởi lên cái ngã tướng từ nơi tự tâm, chấp làm thật ngã. Vì lẽ thức A-lại-da là thức căn bản, không lúc nào gián đoạn, nên cái ngã tướng mà thức Mạt-na nắm giữ kia cũng tương tục tựa hồ không biến đổi. Thế nhưng, bản thể của thức A-lại-da này vốn sinh diệt không ngừng, thực sự không phải thường hằng và đồng nhất. Chẳng qua nó giống như dòng nước chảy xiết, ta nhìn nó tựa hồ như một dải lụa thuần nhất; vì thế, trong Tam thập tụng khi nói về nó, viết rằng Hằng chuyển như bộc lưu.

Loại ngã chấp thuộc thức thứ bảy này các vị Bồ- tát tu tập về Sinh không quán đến Sơ địa (Hoan hỷ địa) mới chinh phục được nó. Nhưng đến địa thứ Tám (Bất động địa), mới hoàn toàn đoạn tuyệt được nó.

    b. Có gián đoạn: Thức thứ sáu dựa vào tướng của 5 thủ uẩn do thức biến hiện, rồi khởi lên cái tướng nơi tự tâm, chấp làm thật ngã. Nhưng vì Ý thức thứ 6 thì có lúc sinh khởi, có lúc không sinh khởi, nên cái ngã tướng do nó biến hiện ra cũng có lúc bị gián đoạn.

    Loại câu sinh ngã chấp thuộc thức thứ sáu này các vị Bồ tát tu hành đến địa thứ bảy (Viễn Hành địa) mới hoàn toàn đoạn trừ được nó.

    2/ Phân biệt ngã chấp: Tức cái ngã chấp sinh khởi hậu thiên, do nghe tà giáo và tà thuyết nói về cái ngã rồi huân tập vào nội thức, sau đó có cơ hội liền sinh khởi. Loại này chỉ có trong Ý thức thứ sáu mà thôi, và cũng được chia làm hai phương diện: a. Tức uẩn ngã tướng; b. Ly uẩn ngã tướng.

    a. Tức uẩn ngã tướng: Do nghe tà giáo nói rằng năm uẩn chính là ngã tướng, rồi khởi lên tướng ấy nơi tự tâm chấp làm thật ngã.

    b. Ly uẩn ngã tướng: Do nghe tà giáo nói rằng có cái ngã tướng ở ngoài năm uẩn, rồi khởi lên cái tướng ấy nơi tự tâm chấp làm thật ngã.

    Hai loại Phân biệt ngã chấp vừa nêu trên tương đối thô thiển nên dễ đoạn trừ, hàng Bồ-tát tu tập đến Sơ địa, tức địa vị Kiến đạo, quán về Sinh không chân như liền đoạn trừ được.

    Nếu ta đem so sánh hai loại chấp ngã kể trên, sẽ thấy những điểm khác nhau như sau:

    + Câu sinh ngã chấp chỉ do năng lực nội nhân sinh khởi; Phân biệt ngã chấp bao gồm cả năng lực nội nhân và ngoại duyên.

    + Câu sinh ngã chấp thường đi liền với thân; Phân biệt ngã chấp không cùng đi với thân.

    + Câu sinh ngã chấp không đợi nghe tà giáo tà thuyết mà vẫn tự nhiên sinh khởi; Phân biệt ngã chấp chắc chắn phải nghe tà giáo, tà thuyết mới sinh khởi được.

    + Câu sinh ngã chấp cả hai thức thứ bảy và thứ sáu đều có; Phân biệt ngã chấp chỉ có mặt nơi thức thứ sáu.

    Ta có thể nói, đó là cách phân loại, so sánh đối chiếu về khái niệm Ngã từ Ngã chấp đến phương pháp quán chiếu Ngã không, cuối cùng đạt đến Ngã không chân như của các Luận sư Duy thức. Thế nhưng, vấn đề này trong giáo lý Nguyên thỉ cũng đã từng đề cập đến, như ta sẽ thấy sau đây.

    c. Cách thuyết minh về Vô ngã

    Trong Trung Bộ Kinh có một đoạn đức Thế Tôn thuyết minh về lý Vô ngã cho các Tỷ-kheo qua phương pháp vấn đáp như sau:

    - Này các Tỷ-kheo, Sắc là thường hay vô thường?

    - Vô thường, bạch Thế Tôn.

    - Những gì Vô thường là khổ hay vui?

    - Là khổ, bạch Thế Tôn.

    - Những gì Vô thường, khổ, bị biến hoại, có hợp lý khi xem cái đó là: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi?”

    - Thưa không hợp lý, bạch Thế Tôn.

    Này các Tỷ-kheo, Thọ Tưởng Hành Thức là thường hay Vô thường?

    - Vô thường, bạch Thế Tôn.

    … Do vậy, này các Tỷ kheo, phàm có Sắc gì, Thọ gì, Hành gì, Tưởng gì, Thức gì, quá khứ, vị lai hay hiện tại, nội hay ngoại… tất cả chúng, cần phải như thật quán chiếu: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi.” Nhờ quán chiếu như vậy, vị đa văn Thánh đệ tử yếm ly đối với Sắc, Thọ, Tưởng, Hành và Thức. Do yếm ly nên ly tham, do ly tham nên được giải thoát. Trong sự giải thoát, vị ấy biết chắc chắn rằng: “Ta đã giải thoát. Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những gì cần làm đã làm xong. Từ nay trở đi vĩnh viễn không còn trở lại đời sống này nữa.”(1)

    Đồng thời trong Kinh Na-tiên Tỳ-kheo cũng có một đoạn đối thoại giữa vua Di-lan-đà và Na-tiên Tỳ-kheo để làm sáng tỏ lý Vô ngã. Nhà vua hỏi Ngài Na-tiên:

    - Bạch Đại đức, quý danh là gì ?

    Tâu Đại vương, người ta gọi bần tăng là Na-tiên, các pháp hữu cũng gọi bần tăng bằng tên ấy. Nhưng dù cha mẹ bần tăng có đặt cho bần tăng tên Na-tiên (Nagasena) hay một tên gì khác, thì chẳng qua cũng chỉ là những tên suông, đặt ra để phân biệt giữa người nọ với người kia mà thôi. Kỳ thực, trong những cái tên ấy không hề có cái ta và của ta như những kẻ tà kiến và chấp ngã thường quan niệm.

    - Bạch Đại đức, nếu không có cái ta trong đó thì khi tín thí cúng dường y bát, vật thực v.v… ai thâu nhận các món cúng dường ấy? Ai bảo tồn luân lý, đạo nghĩa? Ai tham thiền nhập định? Ai hành đạo, đắc quả và nhập Niết bàn? Nếu như không có cái ta thì ai gây nghiệp ác và chịu quả khổ? Vừa rồi, Đại đức bảo rằng các pháp hữu gọi Đại đức là Na-tiên, thế thì cái gì là Na-tiên? Tóc trên đầu là Na-tiên chăng?

    - Tâu Đại Vương, không phải.

    - Hay lông, răng, da, thịt, gân, xương v.v..., toàn thể xác thân vật lý là Na-tiên?

    - Tâu Đại Vương, không phải.

    - Hay Thọ tưởng hành thức là Na-tiên?

    Tâu Đại Vương, không phải.

    - Hay nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn, thân căn, ý căn là Na-tiên?

    - Tâu Đại Vương, không phải.

    - Hay ngoài năm uẩn còn có cái gì đó gọi là Na-tiên?

    - Tâu Đại Vương, cũng không phải nốt.

    - Bạch Đại đức, khi nãy giờ trẫm đã gạn hỏi về ba mươi hai vật bất tịnh, năm uẩn, sáu căn có phải là Na-tiên không thì đều bị Đại đức phủ nhận tất cả. Theo lời dạy bảo của Đại đức, trẫm quán tưởng cũng thấy rằng trong từng cái được hỏi đều không có Na-tiên, và Na-tiên cũng không có trong tất cả những cái đó hợp lại. Rốt cuộc, Na-tiên chỉ là cái tên suông.(2)

    Đó là cách thuyết minh về Vô ngã của Kinh Na- tiên Tỳ-kheo. Mặt khác, trong kinh Kim Cương chuyên thuyết minh về triết lý Tánh không cũng trình bày về lý Vô ngã bằng một bài kệ rất cô đọng như sau:

                   “Nhược dĩ sắc kiến ngã,

                   Dĩ âm thanh cầu ngã

                   Thị nhân hành tà đạo,

                   Bất năng kiến Như Lai.

    (Nếu người nào xem sắc tướng, âm thanh là thật ngã, thì người đó đã nhận thức sai lầm, không thể nào thấy được chân tướng đích thực của Như Lai).

    Để minh họa thêm về cách thuyết minh Vô ngã, ta có thể nêu thêm một bài kệ ở phẩm tựa của Kinh Lăng-già sau đây:

                   “Tri nhân, pháp vô ngã,

                   Phiền não cập nhĩ diệm,

                   Thường thanh tịnh vô tướng

                   Nhi hưng đại bi tâm.

    (Nếu ai thấy nhân và pháp đều không có thật ngã, phiền não cũng như sóng nắng, chỉ là vô tướng thanh tịnh, thì dễ dàng khởi tâm Đại bi.)

2. PHÁP

    a. Khái lược ý nghĩa của pháp

    Chữ Pháp tiếng Phạn là Dharma, được phiên âm là Đạt-ma. Trong Kinh điển Phật giáo, cách dùng của chữ pháp kể ra rất nhiều, nhưng ý nghĩa thường không đồng nhất. Tổng quát có thể xếp thành hai nghĩa là “Nhậm trì tự tánh và quỹ sanh vật giải”. Nhậm trì tự tánh nghĩa là nó có thể giữ gìn tự tánh của nó không cho biến đổi. Quỹ sanh vật giải nghĩa là nó có thể làm quỹ phạm để người khác nhìn đến biết nó là vật gì. Nói chung thì Pháp bao gồm các phương diện như: Hữu vi với Vô vi, Thiện với Bất thiện, Sắc với Tâm, Hữu lậu với Vô lậu, Nhiễm với Tịnh, Thế gian với Xuất thế gian, Có thể thấy với Không thể thấy v.v...

    b. Phân loại tổng quát về pháp

    Căn cứ vào ý nghĩa đã nêu, phái Hữu bộ thuộc tông Câu-xá đem vạn pháp trong vũ trụ chia thành năm phạm trù gọi là Ngũ vị, gồm có 75 pháp. Thế rồi, tông Duy thức cũng kế thừa thuyết Ngũ vị, nhưng chia thành 100 pháp, như sau:

    - Sắc pháp gồm có 11 thứ.

    - Tâm pháp gồm có 8 thứ.

    - Tâm sở pháp gồm có 51 thứ.

    - Tâm bất tương ưng hành pháp gồm có 24 thứ.

    - Vô vi pháp gồm có 6 thứ.

    Đó là cách phân loại khái quát về Pháp. Nhưng khi đề cập đến mối tương quan giữa ngãpháp thì các luận sư Duy thức lại đem phân tích và xếp loại tỉ mỉ hơn. Trong mối tương quan này, ta có thể xem Ngã như là Kiến phần, còn Pháp như là Tướng phần; Ngã như là Năng duyên, còn Pháp như là Sở duyên; hay Ngã như là Chủ thể nhận thức, còn Pháp như là Đối tượng được nhận thức. Mà khi ngã đã có ngã chấp thì pháp đương nhiên cũng có pháp chấp.

    c. Phân loại pháp chấp

    Trong loại Pháp chấp này cũng được chia thành 2 thứ: 1/. Câu sinh pháp chấp. 2/. Phân biệt pháp chấp.

    1/ Câu sinh pháp chấp: Từ vô thỉ đến nay, do nội nhân lực huân tập, thường đi liền với thân, có cơ hội là tự nhiên sinh khởi, nên gọi là câu sinh. Loại này cũng được phân tích thành hai trường hợp: a. Thường tương tục; b. Có gián đoạn.

    a. Thường tương tục: Thức thứ bảy duyên vào thức thứ tám, khởi lên tự tâm tướng, rồi chấp làm thật pháp. Loại pháp chấp này, hàng Bồ tát tu đến Sơ địa mới chinh phục làm cho nó lắng dịu, nhưng phải đến vị Đẳng giác, tức Phật quả mới hoàn toàn đoạn tuyệt được nó.

    b. Có gián đoạn: Thức thứ sáu duyên vào tướng trạng uẩn, xứ, giới do thức biến ra, hoặc chung, hoặc riêng, rồi khởi lên tự tâm tướng, chấp làm thật pháp. Loại pháp chấp này, hàng Bồ-tát phải lên đến vị Đẳng giác, tức Phật quả, mới hoàn toàn đoạn tuyệt được nó.

    2/. Phân biệt pháp chấp: Do năng lực ngoại duyên trong hiện tại, không gắn liền với thân, phải đợi khi tà giáo và tà phân biệt tác động mới sinh khởi được, nên gọi là phân biệt. Loại này chỉ có trong ý thức thứ sáu, và cũng được chia thành hai trường hợp:

    a. Dựa vào tướng uẩn, xứ, giới mà tà giáo trình bày, rồi khởi lên tướng trạng ở tự tâm, phân biệt chấp làm thật pháp.

    b. Dựa vào các tướng tự tánh do tà giáo trình bày rồi khởi lên tướng trạng nơi tự tâm, phân biệt, so đo, chấp làm thật pháp.

   Hai trường hợp Phân biệt pháp chấp này thô thiển nên dễ đoạn trừ. Khi Bồ-tát vào đến Sơ địa, quán tất cả pháp đều là pháp không chân như, liền diệt trừ được.

   d. Thuyết minh về pháp không

   a. Manh nha của tư tưởng pháp không

    Chủ trương Ngã khôngPháp không vốn là sở trường của Bát-nhã và Trung Quán, các luận sư Duy thức chỉ triển khai và hoàn chỉnh thêm mà thôi. Lâu nay, các nhà Phật học thường cho rằng thời kỳ Phật giáo Nguyên thỉ chủ trương Ngã khôngPháp hữu. Nghĩa là một mặt phủ nhận sự hiện hữu của ngã, nhưng mặt khác lại thừa nhận sự hiện hữu của pháp. Song, nếu khảo sát một số Kinh Nguyên thỉ thì tựa hồ đã có manh nha tư tưởng pháp không. Chẳng hạn một đoạn trong Kinh Tương ưng 4, Phật đã thuyết minh tính cách bất thực của cây đàn Tỳ-bà như sau:

    “Một hôm, nhà vua nghe tiếng đàn Tỳ bà réo rắt, thích thú, liền hỏi viên quan cận thần:

    - Này khanh, đó là tiếng gì mà nghe say mê, hấp dẫn như vậy?

   - Tâu Đại Vương, đó là tiếng đàn Tỳ bà mà nhạc công đang biểu diễn.

     Vậy, khanh hãy đem tiếng đàn Tỳ bà ấy đến đây cho trẫm.

    - Tâu Đại Vương, cây đàn Tỳ bà này do hợp nhiều yếu tố như cái bầu, da, dây, cán, trục, v.v… và do sức dụng công của nhạc sĩ, nên mới phát ra âm thanh thánh thót như thế.

    - Vậy, khanh hãy đem cây đàn Tỳ bà lại đây cho trẫm. Khi nhận được cây đàn Tỳ bà, nhà vua liền sai người đem đập nó ra hàng trăm mảnh, rồi cho đốt thành tro, để tìm cái gọi là đàn Tỳ bà và tiếng đàn Tỳ bà trong đó, nhưng nhà vua đã hoàn toàn thất vọng.(3)

    Ngoài ra, trong Kinh Na-tiên Tỳ-kheo (được xem là Kinh điển thuộc hệ Nguyên thỉ) cũng có một đoạn nói về tính chất không thật của chiếc xe qua sự vấn đáp giữa vua Di-lan-đà và Tỳ- kheo Na-tiên. Tỳ-kheo Na-tiên hỏi nhà vua:

    - Tâu Đại Vương, Đại vương bảo rằng ngài đến đây bằng xe, đó là ngài nói thật chứ?

    - Bạch Đại đức, trẫm nói thật.

    - Vậy, xin Đại Vương cho bần tăng biết rõ về cái xe. Gọng có phải là xe không?

    - Thưa, không phải.

   - Trục có phải là xe không?

   - Thưa, không phải.

   - Bánh có phải là xe không?

   - Thưa, không phải.

   - Căm có phải là xe không?

   - Thưa, không phải.

   - Thùng có phải là xe không?

   - Thưa, không phải.

   - … Vậy chứ xe là cái gì?

    Nhà vua im lặng không trả lời. Đoạn, Na-tiên tâu với vua: “Trong Kinh Phật có dạy rằng: Hợp các thứ gọng, trục, bánh, thùng v.v… theo một mẫu mực nào đó thành một cái mà người ta tạm gọi là xe. Cũng như thế, hợp tất cả đầu, mặt, tay, chân, hơi thở, sự khổ vui v.v… thì cũng thành một đơn vị mà người ta tạm gọi là cái ta để tiện bề phân biệt; chứ thật ra không có cái ta chân thật nào cả.(4)

   Qua câu chuyện trên, ta thấy rằng ở đây tuy chủ ý nói về Ngã không nhưng rõ ràng đã bao hàm ý nghĩa của Pháp không, dù chưa được minh nhiên như cách thuyết minh Tánh không của luận Trung quán.

   b. Thuyết minh rõ ràng về pháp không

    Đọc luận Trung Quán, quyển bốn, phẩm hai mươi bốn, kệ 18 và 19 ta thấy nội dung bài kệ này thuyết minh rất tường tận về pháp không:

                   “Chúng nhân duyên sinh pháp

                   Ngã thuyết tức thị vô

                   Diệc vi thị giả danh

                   Diệc thị trung đạo nghĩa.

                   Vị tằng hữu nhất pháp

                   Bất tùng nhân duyên sinh

                   Thị cố nhất thiết pháp

                   Vô bất thị không giả.

                   (Pháp do các duyên sinh

                   Ta bảo đó là không,

                   Hoặc gọi là giả danh,

                   Tức là nghĩa trung đạo.

                   Chưa từng có pháp nào

                   Không từ nhân duyên sinh,

                   Thế nên tất cả pháp

                   Đều chỉ là hư giả.)

    Nội dung bài kệ này cho ta biết các pháp đều do nhân duyên sinh, nên tuy có mà có một cách giả tạm, chứ không phải có thực sự.

    Hơn nữa vấn đề pháp không cũng được Kinh Kim cương thuyết minh bằng một bài kệ vừa ngắn gọn, súc tích, vừa cụ thể dễ hiểu mà cũng rất đầy đủ:

                   “Nhất thiết hữu vi pháp

                   Như mộng, huyễn, bào, ảnh

                   Như lộ, diệc như điện

                   Ưng tác như thị quán.

                   (Tất cả pháp hữu vi,

                   Như mộng, huyễn, bọt, ảnh

                   Như sương, cũng như chớp

                   Nên quán sát như vậy.)

    Ngoài ra, Kinh Lăng-già cũng cho ta biết rằng những ai thấu triệt được tính chất không thật của các pháp mới không chấp trước và dễ dàng khởi tâm đại bi để cứu giúp chúng sinh:

                   “Nhất thiết pháp như huyễn,

                   Viễn ly ư tâm thức.

                   Trí bất đắc hữu vô

                   Nhi hưng đại bi tâm.

                   (Tất cả pháp như huyễn,

                   Xa lìa tâm chấp trước.

                   Trí chẳng thấy có không

                   Mà khởi tâm đại bi).

    Tóm lại, mục đích cứu cánh của đạo Phật là đạt đến Giải thoát và Giác ngộ. Thế nhưng khi truy nguyên những nhân tố gây trở ngại cho mục đích này, ta thấy rằng không gì khác hơn là chấp ngã và chấp pháp. Bởi vì, chấp ngã thì phát sinh Phiền não chướng, gây trở ngại cho Niết-bàn thanh tịnh; chấp pháp thì phát sinh Sở tri chướng, gây trở ngại cho đạo quả Bồ-đề. Thế nên, những ai xả bỏ được chấp ngã và chấp pháp thì sẽ đoạn trừ được hai thứ trọng chướng là Phiền não và Sở tri; do đó, dễ dàng thành tựu mục đích Giải thoát và Giác ngộ.

***

 


(1). Trung Bộ Kinh tập 3, HT. Thích Minh Châu phiên dịch, Tu thư Đại học Vạn Hạnh xb 1975, trang 126.   

(2). Cao Hữu Đính, Kinh Na Tiên Tỳ kheo, Minh Đức xb 1971, các trang 26,29.

(3). Tương Ưng Bộ Kinh tập 4, HT. Thích Minh Châu phiên dịch, Tu thư Phật học Vạn Hạnh xb 1982, trang 202.          

(4). Cao Hữu Đính, Kinh Na Tiên Tỳ kheo, Minh Đức xb 1971, các trang 26,29.             

 
00:00