Các trưởng tử của đức Như Lai do kế thừa nghiệp quả quá khứ khác nhau nên khi ra đời mỗi người đều có những năng khiếu, sở trường và thiên hướng khác nhau, cho nên thường đeo đuổi những công việc theo khuynh hướng của mình. Tuy thế do nhu cầu thực tế và sự phân công của Giáo hội mà mỗi người phải đảm trách một hoặc đôi ba nhiệm vụ trong cùng một lúc; thậm chí có nhiều người phải tham gia nhiều Phật sự và Phật sự nào cũng chu toàn tốt đẹp nhờ có khả năng đa dạng. Mục đích trước mắt mà người xuất gia hướng đến chính là: “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh” hay “Tự độ độ tha, tự giác giác tha và giác hạnh viên mãn.” Để thực hiện mục đích ấy một cách hữu hiệu, về mặt tự lợi, ta thấy có các pháp môn như: Tọa thiền, trì chú, tụng kinh, lễ bái, sám hối, trì giới, làm công đức v.v… Còn về mặt vừa tự lợi vừa lợi tha thì có thể khái quát chia làm 9 thành phần như sau: Thiền sư, Kinh sư, Luật sư, Pháp sư, Giáo sư, Giảng sư, Kiến trúc sư, Y sư và Cứu tế sư. Sau đây sẽ tuần tự trình bày về đôi nét của mỗi thành phần.
1. THIỀN SƯ
Trong hàng đệ tử của Phật có thể nói Thiền sư là những người đi sâu vào trọng tâm của giáo lý, kế thừa chính thống nguồn tâm chứng của đức Đạo sư dưới cội Bồ-đề qua giai thoại niêm hoa vi tiếu truyền pháp chánh tông mà Tổ Ca-diếp đã trực tiếp thân thừa từ đức Thế Tôn tại Pháp hội Linh Sơn. Rồi từ đó nguồn mạch tâm linh được truyền trao bất tuyệt cho đến ngày nay. Các vị này lấy công phu tu thiền làm trọng tâm. Đó là những người mà cổ đức mô tả:
“Thập phương đồng tụ hội
Cá cá thuyết vô vi
Thử thị tuyển Phật trường
Tâm không cập đệ quy.”
Hoặc những người:
“Hoặc tại sơn lâm thiền định,
Hoặc tại thọ hạ kinh hành.”
Hay: “Nương am vắng Phật hiện từ bi, gió hiu hiu, mây nhè nhẹ; Kề song thưa Thầy ngồi Thiền định, trăng vằng vặc, núi xanh xanh.”
Với nỗ lực: “Buông lửa giác ngộ đốt hoại thảy rừng tà ngày trước; cầm kiếm trí tuệ quét cho xong tánh thức thuở nay,” để đạt được:
“Vô minh hết, Bồ-đề thêm sáng,
Phiền não rồi, đạo đức càng say.”
Nhờ đó họ nhận thức rất rõ cuộc đời là giả huyễn, phú quí như phù vân:
“Công danh cái thế, vô phi đại mộng nhất trường;
Phú quí kinh nhân, bất miễn vô thường nhị tự.”
[Trần Thái Tông]
(Công danh lừng lẫy, chẳng qua một giấc mộng dài, Phú quí kinh người, khó tránh vô thường hai chữ) Từ đó, họ dồn mọi nỗ lực, hạ thủ công phu với một niềm khẳng tín mãnh liệt:
“Dù sống đến trăm năm,
Phá giới không thanh tịnh,
Chẳng bằng sống một ngày,
Trì giới tu thiền định.”
Đó là hình ảnh tiêu biểu của các Thiền sư trong mọi thời đại. Tuy thế họ thường vắng bóng tại những nơi tập hội đông đúc mà chỉ hiện hữu ở những nơi chùa vắng am thanh hay các tùng lâm tịch mịch.
2. KINH SƯ
Đây là các vị Tăng Ni chuyên trách về phương diện nghi lễ, về khoa “ứng phú đạo tràng”. Mỗi khi gia đình Phật tử nào có những chuyện chẳng lành xảy ra như người thân đau ốm hoặc gặp tai nạn đột ngột thì các Phật tử thường lên chùa nhờ quí thầy làm lễ cầu an để cầu nguyện cho thân nhân tật bệnh tiêu trừ, tai qua nạn khỏi v.v… Và quí thầy, quí cô thường sẵn sàng tổ chức lễ cầu an, thành tâm dâng sớ, tụng kinh cầu nguyện để họ nương nhờ Phật lực mau chóng phục hồi sức khỏe, gia cảnh trở lại bình an. Hoặc khi gia đình có người qua đời thì họ mời quí thầy quí cô làm lễ cầu siêu, cố vấn trong các nghi thức ma chay, trợ tiến hương linh; và sau đó, làm các lễ sơ thất, chung thất, bách nhật, tiểu tường và cuối cùng là lễ đại tường kết thúc ba năm tang chế. Trong thời gian tang chế thì cả gia tộc thường trải qua một cơn khủng hoảng, vì vừa mất mát người thân, chia lìa ruột thịt, nên thường rơi vào tâm trạng đau buồn, khổ sơ, bơ vơ và hụt hẫng v.v… Bấy giờ biết bao nỗi thương nhớ bùi ngùi xen lẫn với những hồi ức êm đềm của dĩ vãng:
“Nét kiều diễm chập chờn xuân mộng,
Kiếp tài ba hình bóng bạch vân.
Khi xưa tài sắc mười phần,
Mà nay một nắm cô phần lạnh tanh.
Thời oanh liệt hùng anh đâu tá,
Cuộc ái ân hư giả còn chi.
Phất phơ cành liễu xanh rì,
Giấy tiền treo đó còn ghi mối sầu.
Bóng chiều rũ xuống màu cỏ biếc,
Bia mộ trơ một chiếc vắng không.
Nghĩ thôi rơi lệ chạnh lòng,
Đời người đến thế là xong một đời.”
Chính lúc này tang gia cần đến sự quan tâm chia sẻ, an ủi, cầu nguyện, giúp đỡ hơn bất cứ lúc nào hết. Do đó, sự xuất hiện của chư Tăng trong cảnh ngộ ấy thực là đúng lúc; vì chư Tăng với dung mạo đoan trang, dáng vẻ trầm tĩnh, cử chỉ thanh thoát, màu y vàng rực rỡ, là tiêu biểu cho những gì vững chãi, bình an và tin tưởng, như sám văn miêu tả:
“Kỳ hữu kiến ngã tướng,
Nãi chí văn ngã danh,
Giai phát bồ-đề tâm,
Vĩnh xuất luân hồi khổ.”
(Ai thấy hình tướng tôi,
Và nghe danh tánh tôi,
Đều phát tâm bồ-đề,
Thoát luân hồi vĩnh viễn.)
Bấy giờ quí thầy thành tâm trì niệm kinh chú cùng với sự tham dự của tang gia chí thành cầu nguyện: “Hộ niệm cho: Bảy kiếp cha mẹ chúng con đượm nhuần mưa pháp. Còn tại thế, thân tâm yên ổn, phát nguyện tu trì. Đã qua đời, ác đạo xa lìa, chóng thành Phật quả.”
Thiết nghĩ, trong bầu không khí trang nghiêm thanh tịnh, những nguời tham dự với một dạ chí thành hướng tâm cầu nguyện, lại được sự gia bị của chư Phật, chư Bồ-tát thì hương linh quá cố kia có được siêu sinh hay không chưa biết, nhưng có điều chắc chắn là những người đang lâm cảnh ly biệt sẽ cảm thấy vững tâm và được an ủi rất nhiều. Nhờ thế họ mới đủ nghị lực vượt qua nỗi đau thương để tiếp tục chu toàn mọi trách nhiệm mà mình đang gánh vác. Đó là tác dụng hữu ích của hàng kinh sư trong cuộc thế bể dâu này.
3. LUẬT SƯ
Các vị kinh sư cần cho Phật tử trong lúc gia đình có người đau ốm, gặp tai nạn hay qua đời, thì các Luật sư là tiêu biểu mẫu mực của bậc trượng phu thượng cầu hạ hóa, là hình ảnh của chư Phật, chư tổ đang hiện hữu trong cuộc đời này. Đó là hình ảnh cư trần bất nhiễm trần, là biểu tượng giải thoát, vô ngại tự tại, là tiêu chí của nếp sống tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự. Cung cách của họ là: “Hành trụ tọa ngọa yếu cung kính, thuyết thoại yếu hòa bình khiêm tốn. Ý bất tham, sân, si; thân bất sát đạo dâm; khẩu bất ác khẩu, lưỡng thiện, vọng ngôn, ỷ ngữ.” (Đi đứng nằm ngồi đều tỏ ra cung kính, nói năng thì hòa nhã, khiêm tốn. Ý không tham, sân, si. Thân không sát sinh, trộm cắp, tà dâm. Miệng không nói lời ác độc, hai lưỡi, dối trá và thêu dệt). Đó là những vị mà Sám văn từng minh họa: “Chấp trì cấm giới trần nghiệp bất xâm, nghiêm hộ oai nghi quyên phi vô tổn.” (Giữ gìn giới cấm thế sự chẳng vương, phòng hộ oai nghi mảy may không thiếu).
Nói cách khác đó là những vị hình dung tuấn tú, dung mạo đoan trang, là bậc mô phạm tùng lâm, khuôn mẫu cho trời người như người xưa đã ca ngợi: “Thế thượng phi trượng phu, đại giải thoát hán, hà năng kham tử.” (Trên đời này nếu chẳng phải bậc trượng phu thành tựu giải thoát thì làm sao kham nổi.)
Trong cuộc thế lắm cảnh xô bồ, rối rắm và bất ổn thì hình ảnh của một vị luật sư nghiêm trang với thái độ ung dung rất cần thiết để làm chỗ dựa tinh thần cho Tăng chúng:
“Ấy là lúc cửa thiền đôi cánh khép,
Cánh chim nào lưu ảnh giữa trần gian.
Trong dáng từ bi chiếc áo the vàng,
Khùy kim thủ nâng niu hồn thảo mộc.
…Đêm đông lạnh bưng đèn thăm giấc ngủ chúng Tăng.
Chuông sớm điểm tan sương, một trăm lẻ tám lạy gối già chưa thấy mỏi.”
Hình ảnh ấy gợi lên một đạo phong dung dị, đơn giản và thanh thoát, đó là một mẫu thức không thể thiếu đối với những tu viện có đông đúc chúng Tăng. Nhờ đó, Tăng chúng không những được chuyển hóa bằng khẩu giáo mà còn được cảm hóa bằng chính thân giáo của các ngài.
4. PHÁP SƯ
Luật sư là hình ảnh thân giáo đối với Tăng chúng mà Pháp sư là biểu tượng của nếp sống thầm lặng lấy kinh điển làm niềm vui, sống bằng pháp lạc. Các vị này hằng ngày đắm mình trong sách vở, lo công việc phiên dịch, trước tác, luận giải, sớ thích v.v… Muốn cho giáo pháp được lưu truyền bất tuyệt, phổ biến rộng rãi, tất nhiên phải nhờ đến công sức lao động bằng trí tuệ của các Pháp sư. Chính nhờ sự cần cù “thôi xao từ liệu, dệt gấm thêu hoa” của các ngài mà Tăng Ni Phật tử mới có kinh điển để tụng đọc và học hỏi. Và nhờ có tụng đọc, học hỏi mới mở mang trí tuệ; nhờ có trí tuệ mới chọn đúng phương pháp tu hành; và nhờ có tu hành mới nếm được phần nào hương vị giải thoát. Nếp sống của các ngài phù hợp với những trạng thái tịch mịch cô quạnh như một câu thơ đã phô diễn:
“Kinh song lãnh tẩm tam canh nguyệt
Thiền thất hư minh bán dạ đăng.”
(Kinh song trăng thẩm lạnh lùng,
Nhà thiền leo lét đèn chong canh dài.)
Các Pháp sư thuộc về thành phần mà người đời ngợi khen là “ăn dâu xanh nhả ra tơ vàng”. Đời sống của các ngài tuy có phần cách ly với chúng hội mà thật sự đem lại cho họ nhiều lợi ích thiết thực. Chẳng thế mà người xưa đã nói: “Hoàng kim mãn doanh, bất như giáo tử nhất kinh. Tứ tử thiên kim, bất như giáo tử nhất nghệ.” (Vàng chất đầy rương, không bằng dạy con một bài kinh. Cho con nghìn vàng, không bằng truyền cho con một nghề). Giá như không có các ngài thì làm sao có kinh sách bằng tiếng mẹ đẻ để cho chúng ta thưởng lãm và thâm nhập nghĩa lý nhiệm mầu!
5. GIÁO THỌ SƯ
Nếu có kinh điển, giáo pháp mà không có người đem ra truyền dạy thì kinh điển ấy cũng không thể phát huy được tác dụng. Do đó người xưa nói: “Kinh điển tích như sơn, vô duyên khán bất đắc.” (Kinh điển chất như núi, mà không có phúc duyên thì không thể xem được).
Đây là những người đem sự hiểu biết, đem những kinh nghiệm đã học hỏi được ra trao truyền lại cho thế hệ tương lai. Họ thuộc thành phần “ăn dâu xanh, nhả ra tơ vàng”, là người biến những chất liệu sống thành chất liệu bổ dưỡng, để cho đàn hậu tấn thấm nhuần giáo pháp vi diệu. Vì thế Văn Phát Bồ-đề Tâm ghi nhận: “Kim ngã đẳng thô tri lễ nghĩa, lược giải Phật pháp, giới phẩm triêm thân, tùng ư sư trưởng” (Ngày nay chúng ta biết lễ nghĩa thô sơ, hiểu Phật pháp qua loa, giới phẩm thấm nhuần thân tâm, là nhờ ơn sư trưởng) là để chỉ cho các vị này. Và sách vở cũng ca ngợi:
“Ân giáo dưỡng một đời nên huệ mạng
Nghĩa tôn sư muôn kiếp khó đáp đền.”
Bởi lẽ, “Nhân sinh bách nghệ giai do sĩ xuất” (Hằng trăm nghề nghiệp trên cuộc đời này đều phát xuất từ trường học) như cổ đức đã bảo. Điều đó khẳng định địa vị cao quí của những kỹ sư tâm hồn, những người cống hiến sức lao động trí óc của mình cho lợi ích của nhân quần nơi môi trường bảng đen và phấn trắng. Đặc biệt là những vị Thầy có sứ mệnh truyền trao Chánh pháp thì đạo phong và nhân cách còn quan trọng hơn cả nội dung của vấn đề được đem ra truyền đạt.
6. GIẢNG SƯ
Giáo thọ sư thì đòi hỏi một vị vừa có tài vừa có đức, nghĩa là người không những giỏi về chuyên môn mà còn có tác phong đạo hạnh. Tuy thế, tiêu chuẩn của vị Giảng sư cũng chẳng khác với vị Giáo thọ sư là mấy. Chỗ khác nhau là phạm vi truyền đạt của Giáo thọ sư thì tại lớp học hay tại một giảng đường nhất định, và trình độ của học viên thì tương đối đồng bộ, còn môi trường hoạt động của các Giảng sư là tại các giảng đường, các đạo tràng. Ở đây trình độ của thính chúng không đồng nhất, và thính chúng càng đông càng tốt. Ngay tại pháp tòa, họ có thể đem tài hùng biện, năng khiếu ăn nói lưu loát để chinh phục thính giả. Có những lúc xuất thần, họ vận dụng ngôn ngữ thao thao bất tuyệt để truyền đạt những điều mới lạ hay những ý tưởng sâu sắc mà bản thân đã dày công chiêm nghiệm. Họ thuộc thành phần“ăn dâu xanh nhả ra tơ vàng”. Sứ mệnh của những vị này là “hoằng pháp vi gia vụ, lợi sinh vi sự nghiệp.” Họ có bổn phận định nghĩa, giải thích, phân tích, tổng hợp, mổ xẻ bản kinh, bản luật hay bất cứ một vấn đề nào đó thuộc giáo pháp, hoặc thuộc lĩnh vực thế học để thính giả lãnh hội nội dung của vấn đề ấy một cách tốt nhất. Ngoài ra họ còn phải dẫn chứng, nêu ví dụ, triển khai, so sánh, đối chiếu, làm cho vấn đề trở nên mạch lạc, sáng sủa, dễ hiểu, dễ thâm nhập vào tâm trí của thính giả thuộc nhiều trình độ khác nhau. Có người đã ví dụ một cách thi vị: Các Giảng sư giống như những đầu bếp thiện nghệ, dùng trí thông minh của mình chế biến các thức ăn, thêm vào đó những hương vị thơm ngon, màu sắc sặc sỡ, hợp với khẩu vị của mọi thực khách, khiến ai nấy đều cảm thấy thích thú. Người xưa dạy: “Nhân năng hoằng Đạo, phi Đạo hoằng nhân” (Chỉ có con người mới truyền được Đạo, chứ Đạo tự nó không thể truyền cho người), là nhằm tán thán công lao của các vị Giảng sư này vậy.
7. KIẾN TRÚC SƯ
Quần chúng không những cần các thức ăn cam lồ pháp vị để thăng tiến trên lộ trình giải thoát mà còn cần đến những nhu cầu chiêm bái, những đạo tràng để hành đạo; do đó tài năng và kiến thức của những người có đầu óc kiến trúc tức các Kiến trúc sư là hết sức quí báu để thực hiện những công việc ấy. Chính những vị này đã ra sức đầu tư trí tuệ, vận dụng kinh nghiệm để phát họa các họa đồ, rồi chủ trì thực hiện các ngôi danh lam thắng cảnh, các thắng tích, các ngôi phạm vũ, tổ đình cổ kính, các ngôi bảo tháp trang nghiêm hay các tượng Phật đồ sộ để làm nơi tu hành, chiêm bái cho thiện nam tín nữ vào những ngày lễ hội hoặc trong những lúc du lịch tham quan nhằm mở rộng kiến thức của mình về những giá trị lịch sử và văn hóa của đất nước. Từ bàn tay nghệ thuật của họ đã xây nên những công trình hoành tráng để lưu dấu những thánh tích của chư Phật, Bồ tát, tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc hoằng pháp lợi sinh. Tăng Ni Phật tử Việt Nam luôn hãnh diện về Di sản văn hóa An Nam tứ khí: 1/ Hồng chung chùa Phổ Lại; 2/ Bảo tháp chùa Báo Thiên; 3/ Đỉnh chùa Phổ Minh; 4/ Tượng Phật chùa Quỳnh Lâm. Đây không những là di sản văn hóa của Phật giáo mà cũng là di sản của cả dân tộc. Các công trình này có những tác dụng rất đặc biệt, vì nó nói lên tiếng nói vô thanh, trực tiếp truyền cảm một cách tự nhiên vào tâm hồn của du khách khi được chiêm bái. Bởi lẽ, khi một tín đồ đứng trước một ngôi bảo tháp hay trước kim thân đức Phật, họ cảm thấy như mình được ban cho một ân huệ, hoặc một sự khích lệ và an ủi rất nhiều. Giả sử, nếu họ làm ác, thì khi đứng trước tượng Phật, tượng Bồ-tát uy nghiêm, họ sẽ cảm thấy như một lời cảnh cáo nghiêm khắc về hành vi bất thiện của mình. Do đó, họ sẽ thành tâm sám hối, nỗ lực sửa chữa để trở nên người hoàn thiện. Cho nên trong Cư trần lạc đạo phú, Sơ tổ Trúc Lâm đã bảo: “Dựng cầu đò, xây chiền (chùa) tháp, ngoài trang nghiêm sự tướng hãy tu.”
Chính nhờ bàn tay tài giỏi của các kiến trúc sư mà chúng ta được chiêm ngưỡng những công trình văn hóa Phật giáo vô cùng tráng lệ. Họ tái hiện lại bốn chỗ động tâm để làm kỷ niệm thời kỳ vàng son của Phật giáo. Nhờ đó mỗi khi du khách tham quan chiêm ngưỡng những hình ảnh này sẽ hình dung được cuộc đời tu hành gian khổ để tìm ra chân lý rồi thuyết pháp độ sinh ròng rã suốt bốn mươi lăm năm của đức Thế Tôn.
8. Y SƯ
Kiến trúc sư thì chuyên về kiến trúc, tạo ra những công trình, những di tích văn hóa Phật giáo, còn Y sư thì noi gương đức Phật cứu đời; vì đức Phật được gọi là đấng Vô thượng y vương. Do đó, các vị Y sư Phật giáo cũng thực hiện hoài bão: “Tật dịch thế nhi, hiện vi dược thảo, cứu liệu trầm kha; cơ cẩn thời nhi, hóa tác đạo lương, tế chư bần nỗi. Đãn hữu lợi ích, vô bất hưng sùng.” (Khi trong đời xảy ra bệnh dịch thì tạo ra thuốc men để cứu chữa những người mang bệnh; lúc dân chúng đói khổ thì tạo ra lúa gạo để cứu giúp những người đói khát. Không có sự lợi ích nào cho con người mà không thực hiện). Họ là những người đem bàn tay từ bi của Bồ tát xóa tan những nỗi khổ đau của những cảnh đời bất hạnh; thậm chí, có những số phận hẩm hiu mang bệnh trầm kha, không một bệnh viện nào chữa trị được thì những tấm lòng nhân ái này đem họ về chùa chăm lo chữa trị. Biết bao cảnh già lam thanh tịnh đã biến thành Cô nhi viện, Nhà tế bần, Dưỡng lão đường, Bệnh xá v.v… để cưu mang, cứu giúp, an ủi, xoa dịu cả thể xác lẫn tinh thần của những con người bất hạnh. Không ít Tăng Ni đã trở thành những thầy thuốc bất đắc dĩ nhằm thực hiện sứ mệnh “Mượn diệu pháp đưa người qua bể khổ, nương thuyền từ cứu vớt kẻ trầm luân.” Chính sự hiện diện của họ là một bằng chứng hùng hồn của đạo từ bi luôn có mặt đối với nhân gian còn nhiều khổ lụy.
9. CỨU TẾ SƯ
Kế tiếp Y sư là Cứu tế sư, tức là những người chăm lo công tác từ thiện xã hội. Hình ảnh của họ gợi lên đức từ bi cứu khổ của Phật giáo. Họ quan tâm giúp đỡ các trẻ em khuyết tật, những trẻ bụi đời, mồ côi từ bé; tập trung chúng lại, cho chúng ăn mặc tươm tất; thậm chí còn mời thầy cô về dạy cho chúng học hành đàng hoàng. Như vậy, những tu sĩ này không có con mà trở thành những người cha, người mẹ chẳng đặng đừng để chăm sóc cho đàn con bất hạnh. Nếu không có những bàn tay và tấm lòng của các Bồ-tát ấy thì những trẻ em khốn khổ kia biết nương tựa vào đâu! Các vị này còn quan tâm chăm sóc cho những cụ già cô độc, ngay cả những ông già bà cả thuộc gia đình khá giả nhưng bị con cháu hất hủi, ruồng bỏ. Những người này không những mang nỗi đau thể xác mà còn mang cả nỗi khốn khổ tinh thần, nên chính họ cần được giúp đỡ và an uỉ hơn bất cứ ai. Vì các thầy, các cô sống cuộc đời không nhà nên tương đối ít bị gia đình ràng buộc, nhờ đó mà có thì giờ chăm lo cho các cụ. Nghĩ cũng lạ đời, những người đã từ bỏ cha mẹ mình rồi rốt cuộc nhận cha mẹ người khác về dưỡng nuôi một cách tận tình. Đặc biệt nhất là vào những lúc thiên tai bão lụt hay hỏa hoạn, đoàn người cứu trợ đã tất tả đi đến tận nơi, mang theo những phẩm vật cứu trợ đến chia sẻ cho đồng bào ruột thịt đang lâm cảnh màn trời chiếu đất, rồi an ủi, xoa dịu những đau thương mất mát mà họ vừa gánh chịu. Hình ảnh của những tấm lòng Bồ-tát ấy như những dấu son im đậm trong tâm khảm của dân chúng không bao giờ có thể mờ phai. Nếu như không được tắm gội trong tinh thần cứu khổ chúng sinh của đạo Từ bi thì làm sao có được những tấm lòng nhân ái như vậy!
Thiết nghĩ, sự có mặt của Phật giáo trên cuộc đời nầy không những mang sứ mệnh hướng dẫn tâm linh cho nhân loại mà còn đóng góp nhiều mặt thiết thực khác cho cộng đồng xã hội về các phương diện: văn hóa, giáo dục, y tế, kiến trúc, từ thiện xã hội v.v… Vì vậy mà Phật giáo đã có lúc trở thành Quốc giáo trên quê hương thân yêu của chúng ta, và chiếm lĩnh một vị trí trọng yếu, gắn bó chặt chẽ với mọi sinh hoạt của cộng đồng dân tộc như nhà thơ Trụ Vũ đã minh họa:
“Việt Nam và Phật giáo,
Phật giáo và Việt Nam,
Nghìn năm xương thịt nối liền,
Tình sông nghĩa biển mối duyên mặn nồng.”
Hay:
“Mái chùa che chở hồn dân tộc,
Nếp sống muôn đời của tổ tông”
Như lời bộc bạch dạt dào tình cảm của thi sĩ Huyền Không. (Mùa Vu-lan P.L. 2548, năm 2004)
***