Trước khi đức Phật Thích-ca Mâu-ni thành Phật, do thể hội “khổ hạnh” không thể đưa đến đạo lộ giải thoát, do đó Ngài ngồi dưới gốc Bồ-đề, tư duy tâm lành, hàng phục ma quân, trải qua bảy bảy 49 ngày, vào sáng sớm ngày mùng 08 tháng chạp, nhìn thấy sao sáng, đắc thành Đẳng Chính Giác(1). Ngày này chính là ngày đức Thích-ca Mâu-ni tu tập hàng phục ma, cho nên đặc biệt chọn đề tài “Phương Pháp Hàng Phục Ma”, chia sẻ cùng đại chúng.
Ma, trong Phật pháp, nghĩa là chỉ cho thế lực đen tối, tàn ác. Tất cả những thứ gì chướng ngại chúng ta tinh tấn hướng thượng hướng thiện, đó chính là ma. Làm người nên thực tập pháp lành, thực hành phụng trì đạo đức, đây là đường chính chân. Như gặp thứ gì dạy chúng ta làm điều bất thiện, trái đạo đức, chính là gặp ma. Chúng ta cần phải tinh tấn trên đường tìm cầu chân lí, hướng về giải thoát, mà gặp người bảo chúng ta hãy an vui với dục lạc, hà tất phải tinh tấn cầu đạo, học pháp, chính là gặp ma. Ma có rất nhiều, những niệm xấu ác, phiền não trong tâm ta, là ma. Người nhiễu loạn an ninh, hạnh phúc và hòa bình của gia đình và xã hội, đưa mọi người xuống vực thẳm của thống khổ, cũng là ma. Như Hittle, Lại Đạt Lâm, họ đều những kẻ làm chướng ngại hòa bình tự do của thế giới, làm cho thế giới, nhân loại không thể có được cuộc sống êm ấm, cùng sinh tồn, mà làm dấy lên tâm thù hận, đấu tranh, đưa thế giới loài người vào hầm hố thống khổ của chiến tranh, cho nên chúng ta gọi họ là “Hitt ma” “Lại ma”… Trong Phật pháp cũng nói có ma vương, nó cùng với tôn giáo ma vương nói không khác gì nhau, ma vương là kẻ thống trị thế lực xấu ác, luôn tìm cách không cho ai thoát ra khỏi phạm vi thế lực của nó. Hễ ai có ý muốn cầu hướng thượng hướng thiện, chính là đang có ý vượt thoát khỏi phạm vi thế lực của ma, lúc đó ma sẽ dùng mọi thủ đoạn, mọi phương pháp để gây rắc rối, chướng ngại anh. Chúng ta là người thực tập phương pháp giải thoát của Phật-đà, đối với chuyện ma này, cần phải có nhận định rõ ràng, mới có khả năng chế ngự, hàng phục thế lực nhiễu loạn của ma, đạt đến mục đích hướng thượng hướng thiện của mình. Ví dụ, có người tinh tấn thực tập Phật pháp, bỗng nhiên bị bệnh nặng, hoặc gặp chướng ngại hoàn cảnh, con cái, công việc, rất dễ sinh phiền não, tâm đạo lui sụt, đây chính là thế lực của ma. Tóm lại, ma đại diện cho lực lượng rất lớn của sinh tử, bạn không muốn vượt thoát vòng vây của nó, mãi mãi lưu trú, phục tùng trong vòng vây đó, nó sẽ đối xử rất tử tế với bạn. Một khi bạn muốn vượt ra tam giới(2) (ba cõi), thoát khỏi vòng vây thế lực của nó, ngay lập tức nó liền đến nhiễu loạn, làm phiền bạn. Đơn giản mà nói, ma chính là thế lực chướng ngại chúng ta hướng thượng hướng thiện. Kì thật, lúc ma nhiễu loạn bạn, nó bày ra rất nhiều cách. Thí dụ khi làm cho bạn thối tâm, nó không bao giờ để bạn nhận ra, thay đổi hết sức nhẹ nhàng, uyển chuyển, nói những lời ái ngữ, quan tâm lo lắng, thể hiện sự đồng tình, để đạt được mục đích của nó. Ví dụ: Bạn phát tâm muốn xuất gia sống đời tỉnh thức, xa rời, đoạn trừ phiền não, ra khỏi sinh tử, ma vương sẽ nói với bạn: “sinh tử thật không dễ gì ra khỏi, chi bằng ở tại gia không lo lắng gì y phục, thức ăn, vui với ngũ dục, đem tiền của, thực hành bố thí, làm lành làm phước, sau khi chết sẽ được sinh thiên.” Những lời này, mới nghe qua thật không sai chút nào, nhưng suy xét kỹ thật chẳng đúng, bởi nó dạy bạn chìm đắm trong mùi vị thế gian, không cầu giải thoát, nên biết đây là ma. Còn nữa, nếu bạn yêu thích Đại thừa, phát tâm Bồ-đề, ma lại nói pháp! Nó nói: “Bồ-tát rất khó làm, chưa tu tập xong hành môn của Bồ-tát, vẫn còn đọa lạc trong sinh tử, nên gấp rút liễu thoát sinh tử đi.” Tóm lại, hễ chúng ta muốn tiến lên một bước, thì ma sẽ kéo xuống một bước. Giả sử chí hướng chúng ta kiên định, ma không thể trở ngại mình phát tâm Bồ-đề, đợi đến lúc chúng ta thực tập hạnh Bồ-tát, ma sẽ đến, nó sẽ tán thán ta: “Anh giỏi lắm! Tu tập bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ và phước đức quả báo của nó, không thể nghĩ bàn được! Người bố thí, người nhận và vật được thí… đều thật có, chẳng phải tự tính không.” Nó tán thán, giảng nói giống như Ba-la-mật vậy, nên biết đây cũng là ma. Qua đây thấy được, ma chướng ngại chúng ta hướng thượng hướng thiện, có hai phương diện: Một loại chướng ngại chúng ta làm thiện, còn một loại kéo chúng ta đi xuống. Những gì ma nói đều là lời hay, việc lành, nhưng lại chướng ngại ta hướng thượng, thăng tiến. Nói một cách đơn giản, chúng ta muốn hướng thượng mà kéo ta đi xuống, thì dù người đó nói hay đến mức nào, cũng đều là ma cả. Qua đây người học Phật phải hết sức đề cao cảnh giác, nỗ lực hướng về phía trước, nếu như nghe lời ma nói mà thối lui, thì đã rơi vào lưới trận rồi vậy! Cho nên, chúng ta không chỉ hàng phục ác ma nhác, lười, phóng dật… trong tâm mình, mà còn phải đặc biệt lưu ý những lời khuyến khích, an ủi và những gì thầy bạn nói. Hễ ai chỉ dẫn, khuyến khích ta tiến bộ hướng thượng, mới là thiện tri thức, còn ngược lại, dẫn ta sa đọa, đi xuống, chính là ác tri thức, cũng tức là ma. Ma có rất nhiều, thân tâm của ta, gia đình, xã hội, nói tóm nơi nào cũng đều có ma, chúng ta phải luôn luôn để tâm, dùng nghị lực kiên cường khắc phục các loại chướng ngại của ma. Như vậy mới có khả năng đạt được mục đích tối hậu của chúng ta - thành Phật, bằng không rất dễ lọt vào cái bẫy của ma.
Ma là gì, chúng ta đã biết, nhưng dùng phương pháp gì để hàng phục ma đây? Cách hàng phục ma có rất nhiều, ở đây chỉ cử ra ba cách.
Cách hàng ma thứ nhất, xin cho dẫn câu chuyện có thật để minh chứng. Sau khi đức Thế Tôn thị hiện nhập Niết-bàn, y bát được truyền dần đến tôn giả Ưu-ba-cúc-đa, thầy hóa độ được rất nhiều người, hoằng dương chính pháp, ai nghe đến đều được cảm hóa. Ma thường đến nhiễu loạn, chướng ngại sự giáo hóa của thầy. Thầy nghĩ ra cách hàng phục nó, tìm một con rắn chết, dùng thần thông biến nó thành vòng hoa. Đợi khi ma đến, đang muốn giở trò cũ, thầy lấy vòng hoa biến từ rắn chết tặng cho nó. Ma vui mừng không thể tả, vì trước nay chưa bao giờ thầy lại nhún nhường như vậy. Hôm nay được tôn giả tặng vòng hoa, vui mừng hết lớn, không chút do dự, liền đội vòng hoa lên đầu. Nào ngờ vừa mới đội lên, vòng hoa hiện nguyên hình là rắn chết, vừa thối rữa vừa hôi thúi, làm thế nào cũng không thể lấy nó xuống, do đó hắn chạy về cung ma, xác rắn vẫn còn dính trên đầu, hôi thúi đến nỗi nó không biết phải làm thế nào, gỡ thì gỡ không ra, chỉ còn cách đến xin tôn giả, gỡ giùm xác rắn vừa thối rữa vừa hôi thúi đó xuống. Lúc này, thầy hỏi nó:
- Bộ ngươi cũng sợ cái đồ vừa thối rữa vừa hôi thúi nào sao? Vậy tại sao ngươi lại đem điều xấu không tốt của thế gian đến nhiễu loạn người tu hành chứ?
Ma van xin tôn giả:
- Kính bạch tôn giả! Xin thầy hãy lấy giùm con rắn chết vừa dơ bẩn vừa hôi thúi này xuống đi! Từ đây về sau, con không dám phá rối thầy nữa.
Cách hàng ma này, giống như trong phim Tây Du Ký đeo vòng kim cô cho Tôn Ngộ Không vậy, để phòng ngừa, ngăn chặn nó làm loạn, nếu làm loạn sẽ không nể tình. Bởi người làm xấu, rất sợ cái xấu đến với mình; hại người khác, cũng sợ gia đình, bà con họ hại mình. Cách hàng phục ma của thầy Ưu-ba-cúc-đa, cho ma ném mùi vị đau khổ, giúp nó hồi tâm chuyển ý, không làm ác nữa. Phương pháp này, đức Thế Tôn không sử dụng, bởi Ngài có công đức lớn, có cách hàng phục ma khéo léo của mình. Nhưng cách này, đòi hỏi chúng ta phải có năng lượng, sức mạnh hơn ma, mới có thể hàng phục nó. Còn bằng không, sẽ dẫn đến hai bên đánh nhau, đánh mãi cũng không kết thúc!
Cách hàng ma thứ hai, cũng xin dẫn câu chuyện để minh chứng. Lúc đức Thế Tôn còn tại thế, thường xuyên thuyết pháp hóa độ mọi người, người dân trong thành đều kéo nhau đến nghe. Ma vương cảm thấy vô cùng sợ hãi, cho rằng cứ đà này, nhân dân đều thực tập phương pháp giải thoát của Phật-đà, thế thì con cháu ma bị tổn giảm, do đó nó tìm cách đối phó. Ma vương sai quyến thuộc của mình, đến các con đường chính ở bốn cửa thành Đông, Tây, Nam, Bắc dẫn vào thành, nhảy múa, ca hát, làm trò, để dụ người dân đến xem nghe. Bởi đây là những thú vui thế tục, những thú vui hằng ngày của người dân. Như vậy, người đến nghe giảng kinh ít. Đức Thế Tôn nói với chúng đệ tử:
- Các con biết tại sao gần đây người đến nghe pháp ít không, vì ma đã dẫn dụ người ta đi rồi!
Thầy Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên dùng năng lực thần thông, biết được đây là sự phá rối của ma, liền chuẩn bị cách đấu với ma. Thầy Mục-kiền-liên đến bốn cửa thành xem thử, tìm đến chỗ ma vương, hắn nói với thầy:
- Tôn giả! Đến tham gia ca hát, nhảy múa cùng chúng tôi à?
Thầy liền trả lời không chút do dự:
- Tốt! Ta cũng đến nhảy, hát.
Trong lúc nhảy múa, ca hát, thầy Mục-kiền-liên diễn thuyết đạo lí Phật pháp, khuyên mọi người bỏ ác làm lành, phát tâm xa rời; ai đến xem nghe, cũng đều vui vẻ tiếp nhận giáo pháp thầy nói. Đây là phương pháp hàng phục ma, anh nhảy tôi cũng nhảy, anh hát tôi cũng hát. Ca hát nhảy múa của anh là tham lam, sân hận, ngu si, còn nhảy múa ca hát của tôi là làm việc Phật. Như vậy, đã tiêu diệt phương pháp ma vương dùng phá hoại Phật pháp. Sau đó, Phật pháp Đại thừa, đề xướng ca tụng, nghệ thuật, âm nhạc… chính là phù hợp với tâm lí chung của nhiều người, lợi dụng phương pháp này đưa người đời đến với Phật pháp. Đây là phương thức hàng ma của Phật pháp Đại thừa.
Cách hàng ma thứ ba, chính là dựa theo “Duy-ma-cật Sở Thuyết Kinh”. Phương thức nhiễu loạn của ma vương, không ngoài mấy cách là uy hiếp, dụ dỗ và dâm dục. Sách ghi, ma đem 12.000 thiên nữ đến chỗ Bồ-tát Trì Thế, khuyên Bồ-tát hãy nhận số thiên nữ này, để hầu hạ rượu, Bồ-tát không nhận. Duy-ma-cật biết do ma vương đến cố ý nhiễu loạn Bồ-tát, bảo ma vương hãy cho ông số thiên nữ đó, bất đắc dĩ, ma vương đành phải cho Duy-ma-cật tất cả thiên nữ, bởi hơn ai hết, hắn quá rõ ông. Ông dạy họ phát tâm Bồ-đề, vui với pháp lành. Sau đó, ma vương xin thiên nữ hãy theo hắn về, chúng thiên nữ đáp: “Chúng tôi và cư sĩ Duy-ma-cật, đã có được niềm vui của pháp lành, chúng tôi vui lắm, không chịu trở lại thứ vui thấp hèn của ngũ dục đâu.” Bởi thế giới của ma là nơi đưa con người vào chỗ thấp hèn, xấu ác, đen tối, trong khi đó chúng thiên nữ đã được nghe pháp, phát tâm Bồ-đề, muốn đưa họ trở lại nơi đen tối, làm sao có thể, cho nên họ không chịu đi với ma vương là phải. Nhưng Duy-ma-cật lại khuyên họ hãy quay trở về cung ma đi, hi vọng họ dùng Phật pháp mình lãnh ngộ, biết được, giảng nói cho những người đang bị giam cầm trong đó, giúp họ cũng có thể dần hướng đến cao thượng và thiện lành. Giống như dùng trăm ngàn cây đèn đến lấy lửa nơi một ngọn đèn, nhưng ánh sáng vẫn không giảm, mất, đây gọi là pháp môn “Vô Tận Đăng”. Mình được học phương pháp giải thoát của Phật-đà, nên đem những gì mình được học, biết dạy lại cho người khác. Nếu mình hiểu rõ, thể hội Phật pháp, mà xa lánh nơi ở trước kia của mình, như vậy không đúng. Vào cung ma để giáo hóa ma, phương pháp hàng ma này, chẳng phải người bình thường làm được.
Cách hàng ma thứ hai, thứ ba, không phải ai ai cũng có thể làm được. Thầy Mục-kiền-liên dùng nhảy múa, ca hát để cảm hóa người học Phật, trước tiên mình phải nắm chắc phần thắng, có khả năng chuyển vật, không bị vật xoay chuyển mình. Nếu mình không chắc chắn, kết quả chẳng những không cảm hóa được người khác, ngược lại bị người khác dẫn đi, điều này hết sức nguy hiểm. Vào cung ma giáo hóa chúng ma, chẳng khác nào vào hang cọp bắt cọp, mình càng không có đầy đủ năng lực, sức mạnh vượt trội thì không được. Bằng không, chưa bước vào cung ma, đã bị ma giáo hóa, làm sao giáo hóa chúng đây? Duy chỉ có chư Phật, Bồ-tát, A-la-hán, mới có đầy đủ năng lực siêu việt, mới có khả năng vào cung ma giáo hóa chúng, mới có thể áp dụng hai phương thức hàng ma này. Ba loại trên, chỉ là giới thiệu cho đại chúng phương thức hàng ma mà thôi, không phải cách hàng ma chân chính, cách hàng ma chân chính, phải học tập đức cha lành Thích-ca Mâu-ni Thế Tôn.
Chúng ta tìm hiểu đức Thích-ca Mâu-ni Thế Tôn hàng phục ma quân dưới cội Bồ-đề, phương pháp Ngài sử dụng: Làm cho ma không giở được mánh khóe của nó, từ căn bản này, khiến cho ma không có cách nào tiếp cận Ngài, đây là phương pháp hàng ma chân chính. Đức Phật ngồi dưới cội Bồ-đề, ma vương dùng rất nhiều cách nhiễu loạn Ngài. Mới đầu, ma vương sai ma lính ma quân, cầm đao, thương, cung tên, dùng thủ đoạn dọa nạt, uy hiếp. Lúc đó, đức Như Lai vững như núi Thái, vốn đã không bị ma làm loạn động, cũng mặc kệ nó, ma binh ma tướng tự nhiên kéo nhau rút lui. Ma vương thấy dùng thủ đoạn uy hiếp, dọa nạt, không thể làm cho Ngài hồi tâm chuyển ý, do đó nó chuyển sang cách dụ dỗ. Ma nói: “Nếu Ngài trở về làm vua, có thể thống trị tứ đại bộ châu(3), ngũ dục thỏa mái, đầy đủ bảy loại báu, nắm quyền cả thế giới, hà tất bỏ vinh hoa phú quí của thế gian, hành hạ thân mình chứ!” Đức Như Lai vẫn ngồi im, mặc kệ nó, không lay động trước những lời dụ dỗ của ma. Ma vương thấy dùng phương pháp uy hiếp, dụ dỗ, đều không thể làm lay động được chí hướng của Phật, do đó sai ma nữ đến, dùng thú vui của âm thanh và sắc đẹp hầu làm mê hoặc Ngài, đức Thế Tôn vẫn dùng cách “mặc kệ nó” để đối phó. Như vậy, ma vương đã sử dụng hết mánh khóe của nó, tổn phí biết bao sức lực, kết quả chẳng được gì, đành vội kéo cờ xuống, dứt trống, im hơi lặng tiếng trở về ma cung. Đây cùng với tinh thần người Trung Quốc xưa nói: “Nghèo hèn không thay đổi, giàu sang không dâm đãng, uy vũ không khuất phục” là nhất trí (thống nhất, không mâu thuẫn nhau). Uy hiếp, dụ dỗ, âm thanh, sắc đẹp, dục lạc, là những thứ con người rất khó quên, cho nên để đạt được cảnh giới “mặc kệ nó”, là cả một vấn đề! Nếu thực sự muốn đạt đến cảnh giới “mặc kệ nó”, phải buông bỏ một cách triệt để những thứ dục lạc, vinh hoa của thế gian; không đủ khả năng buông bỏ triệt để, nói “mặc kệ nó” cũng chẳng ích gì, bởi sức mạnh của ma rất lớn. “Mặc kệ nó” của đức Thế Tôn, đã xác lập một vật bất di bất dịch trong nội tâm. Chứ không phải nhắm mắt, bịt tai, chẳng phải loại “mặc kệ nó” của không nghe không thấy. Nên biết, Đức Phật có sức mạnh đại từ bi và đại tinh tấn, do có hai lực này, cho nên đủ khả năng phá tan hết thảy ma quân. Ngài đã chứng ngộ được chân lí của nhân sinh vũ trụ, vĩnh viễn đoạn tận ngũ trụ(4), đã xong nhị tử(5), dùng tâm từ bi xem hết thảy chúng sinh giống như con một, cho nên uy hiếp, dụ dỗ, âm thanh, sắc đẹp, dục lạc của ma, đối với đức Thế Tôn mà nói, chẳng những không cảm thấy sợ, vui, thích, mà cảm thấy ma ngu muội thật đáng thương xót. Tâm của đức Thế Tôn như tâm từ bi của mẹ hiền, cho kẹo con thơ, đứa bé chỉ cảm thấy vui cười, mà không biết được lòng thương vô lượng của mẹ. Cũng như vậy, đứa bé cầm dao, kiếm bằng nhựa, đâm vào mẹ, mẹ cũng chỉ cảm thấy đáng cười đáng thương, tuyệt đối không khởi tâm tức giận. Thông thường con người bình thường chúng ta, bởi không có được sức mạnh, năng lượng từ bi, cho nên có những thứ không thể tham lại tham, không thể sân lại sân, không đáng yêu thích lại muốn yêu thích, do đó mới lăn lộn, xoay vần trong vòng sinh tử, không đủ khả năng thoát ra khỏi lưới ma. Đức Như Lai có đầy đủ sức mạnh, năng lực đại từ bi, đối với hết thảy sự vật, sự việc đều có nhận thức sâu sắc, cho nên làm được “giàu sang không dâm đãng, uy vũ không khuất phục” rất dễ dàng. Trong hết thảy sức mạnh có mặt trên thế gian, sức mạnh từ bi lớn nhất, có từ bi, mới có khả năng nhẫn chịu tất cả khổ nạn, khắc phục mọi cám dỗ của ma. Chúng ta muốn hàng phục ma, đầu tiên phải học tập và thực hành sức mạnh đại từ bi của đức Thế Tôn.
Đức Thiện Thệ lại có sức mạnh đại tinh tấn, nhờ có sức mạnh đại tinh tấn này, mới có khả năng dũng mãnh tiến thẳng một đường, xa rời pháp ác, tu tập pháp lành, sớm tiến thẳng đến mục tiêu tối cao. Như trong kinh ghi: Ma vương khuyên đức Thiện Thệ hãy trở về làm chuyển luân thánh vương. Ngài đáp: “Làm chuyển luân thánh vương là có gì đâu, làm vua pháp của ba cõi, chẳng phải vĩ đại lắm sao?” Cần phải có tinh thần tiến thẳng về trước, không khuất phục, không chùng bước, mới không bị pháp ác phá hoại, nhiễu loạn trở lại, mới không bị té ngã trên đường hướng đến Niết-bàn(6). Duy chỉ có người đầy đủ sức mạnh đại tinh tấn, mới có khả năng kham nhận khổ nạn, đem pháp Đại thừa giáo hóa tất cả chúng sinh. Còn bằng không, khó tránh khỏi pháp xấu, ma sự nhiễu loạn. Chúng ta thường nghe nói: “Hàng ma! Hàng ma! Nhưng không biết dùng phương pháp gì để hàng phục đây?” Nên biết Phật pháp có phương pháp hàng ma rất căn bản và khéo léo, đã được nói đầy đủ ở trên, chính là: “Sức mạnh đại từ bi và đại tinh tấn.” Nếu không trang bị cho mình đầy đủ hai loại sức mạnh này, thế thì không dễ gì hàng phục được ma quái.
Ngoài ra, đại chúng không nên cho rằng đến khi nào thành Phật mới hàng ma, nên biết lúc nào nơi nào cũng đều có ma theo chúng ta cả. Ngày nào, lúc nào chúng ta cũng phải hàng ma, mới có thể nuôi lớn pháp lành; nếu từng giờ từng khắc không đủ khả năng phá trừ chướng nạn của yêu ma, chắc chắn sẽ không thể tiến bộ trên đạo lộ giải thoát. Học Phật chính là không dừng hành trình phá trừ chướng nạn của ma. Nếu thể hội sâu sắc điểm này, thì đối với hai phương pháp hàng ma - sức mạnh đại từ bi và đại tinh tấn, phải luôn luôn tăng cường sức mạnh tinh tấn, mới có thể đứng vững trên đất bất bại. Đợi đến khi tăng cường đầy đủ, tự nhiên có thể bạn nhảy tôi cũng nhảy, bạn hát tôi cũng hát; hoặc vào cung ma giáo hóa chúng ma. Hi vọng đại chúng hàng ma không ngừng, thẳng tiến trong hết thảy pháp lành!
(1). Đẳng Chính Giác (等正覺 tiếng Phạn Samyak-saṃbodhi): Trí giác chân chính chứng ngộ hết thảy các pháp, tức là thật trí của Như Lai, cho nên thành Phật cũng gọi là thành Đẳng Chính Giác hoặc Chính Giác. Ngoài ra từ này còn chỉ cho pháp Duyên khởi mà đức cha lành Thích-ca Mâu-ni chứng ngộ và được giải thoát trên tòa kim cang dưới cội Bồ-đề.
(2). Tam giới (三界 tiếng Phạn Trayo dhātavaḥ): Tức là Dục giới, Sắc giới và Vô Sắc giới.
a. Dục giới: Thế giới của những loài hữu tình còn các tính dâm dục, tình dục, sắc dục, thực dục. Trên từ cõi trời Tha Hóa Tự Tại thứ 6, giữa là cõi người, dưới đến địa ngục Vô Gián; vì nam nữ ở lẫn lộn, nhiều thứ dục nhiễm nên gọi là Dục giới.
b. Sắc giới: Sắc nghĩa là biến ngại hoặc thị hiện, là thế giới của những loài hữu tình đã xa lìa dâm dục và thực dục của cõi Dục, nhưng vẫn còn sắc chất thanh tịnh. Thế giới này ở trên Dục giới, không còn dục nhiễm, cũng không có thân nữ, chúng sinh ở đây đều do hóa sinh, cung điện to lớn, là do hóa sinh của Sắc, tất cả đều rất vi diệu, tốt đẹp. Vì còn có sắc chất nên gọi Sắc giới. Tùy theo Thiền định sâu cạn, thô diệu mà cõi này được chia làm bốn bậc, từ Sơ thiền Phạm thiên cho đến cõi trời A-ca-nị-tra, hết thảy có 18 tầng trời.
c. Vô Sắc giới: Thế giới của những loài hữu tình chỉ có: Thọ, tưởng, hành và thức. Thế giới này không có một thứ gì thuộc về vật chất, cũng không có thân thể, cung điện, cõi nước, chỉ có tâm thức trụ sâu trong thiền định, nên gọi là Vô Sắc giới. Thế giới này ở trên Sắc giới, gồm có Tứ thiên (Không vô biên xứ thiên, Thức vô biên xứ thiên, Vô sở hữu xứ thiên, và Phi tưởng phi phi tưởng xứ thiên), còn gọi là Tứ Vô Sắc, Tứ Không Xứ.
Quả báo của ba cõi này tuy có hơn kém, khổ vui khác nhau, nhưng đều thuộc cõi mê, là những thế giới sinh tử luân hồi của chúng sinh, các bậc thánh đều lìa bỏ.
(3). Tứ đại bộ châu (四大部洲 tiếng Phạn Catvāro dvīpāḥ): Còn gọi là tứ châu, bốn châu theo thế giới quan của người Ấn Độ thời xưa. Người Ấn Độ xưa cho rằng trong lớp biển mặn giữa bảy lớp núi vàng và núi Đại Thiết Vi ở bốn phía núi Tu-di có bốn đại châu.
a. Đông Thắng Thân châu: Bởi người dân ở châu này có thân hình thù thắng, nên gọi là Thắng Thân. Địa hình châu này giống như hình bán nguyệt, khuôn mặt con người cũng có hình bán nguyệt.
b. Nam Thiệm-bộ châu: Ngày xưa gọi là Nam Diêm-phù-đề, chúng ta đang sống ở châu này. Thiệm-bộ được dịch từ âm của cây bồ-đào, châu này lấy tên cây này làm tên châu. Địa hình châu này giống như cái thùng xe, khuôn mặt người cũng thế.
c. Tây Ngưu Hóa châu: Do dùng trâu bò để trao đổi mua bán, nên có tên là Tây Ngưu Hóa châu. Địa hình châu này giống mặt trăng tròn, khuôn mặt người cũng thế.
d. Bắc Câu-lô châu: Câu-lô nghĩa là Thắng Xứ, vì đất đai ở cõi này thù thắng hơn ba châu nói trên, nên gọi là Bắc Câu-lô châu. Địa hình châu này có hình vuông, giống như cái ao vuông, khuôn mặt người cũng thế.
Trong bốn châu này, Bắc Câu-lô châu thù thắng hơn hết, vui nhiều khổ ít, nhưng không có Phật xuất thế, nên bị liệt vào một trong tám nạn. Bốn châu này, mỗi châu đều có ba việc đặc biệt:
a. Nam châu: Người dân châu này dũng mãnh nhớ dai, tạo tác các hạnh nghiệp, tu phạm hạnh, có Phật xuất thế, ba việc này thù thắng hơn ba châu kia và chư thiên.
b. Đông châu: Châu này rất rộng, rất lớn, rất vi diệu.
c. Tây châu: Nhiều trâu bò, nhiều dê, nhiều châu ngọc.
d. Bắc châu: Không bị lệ thuộc, không có ngã sở, sống lâu ngàn tuổi.
(4). Ngũ trụ (五住): Tức ngũ trụ địa hoặc, năm thứ phiền não: Kiến nhất thiết xứ trụ địa, Dục ái trụ địa, Sắc ái trụ địa, Hữu ái trụ địa và Vô minh trụ địa. Vì năm hoặc này là chỗ nương, ở của hết thảy phiền não và cả khả năng sinh ra phiền não, nên gọi là Trụ địa.
a. Kiến nhất thiết xứ trụ địa: Kiến hoặc trong ba cõi như Thân kiến, Biên kiến… lúc vào Kiến đạo đều đồng thời đoạn dứt.
b. Dục ái trụ địa: Phiền não ở cõi Dục, trừ Kiến và Vô minh. Tức phiền não do đắm trước năm cảnh dục: Sắc, thanh, hương, vị, xúc pháp.
c. Sắc ái trụ địa: Phiền não ở cõi Sắc, trừ Kiến và Vô minh. Tức phiền não do đắm trước sắc thân của chính mình.
d. Hữu ái trụ địa: Phiền não ở cõi Vô Sắc, trừ Kiến và Vô Minh. Tức phiền não do chấp trước yêu mến tự thân.
e. Vô minh trụ địa: Hết thảy Vô minh trong ba cõi. Vô minh là tâm mê mờ, thể của nó tối tăm, đây là cội gốc của hết thảy phiền não.
(5). Nhị tử (二死): Tức hai thứ sinh tử: Phần đoạn sinh tử và Biến dịch sinh tử.
a. Phần đoạn sinh tử: Lấy nghiệp thiện ác hữu lậu làm nhân, phiền não chướng làm duyên, sẽ thọ thô báo trong ba cõi, do sự dài ngắn của thọ mạng, dáng lớn nhỏ của nhục thân mà quả báo có sự hạn chế nhất định, nên gọi là Phần đoạn thân. Thọ thân phần đoạn này mà luân hồi, gọi là Phần đoạn sinh tử.
b. Biến dịch sinh tử: Bậc A-la-hán, Bích-chi Phật, Bồ-tát Đại lực… tuy không còn bị Phần đoạn sinh tử, nhưng vì có phân biệt nghiệp vô lậu làm nhân, sở tri chướng làm duyên, ở ngoài ba cõi thọ thân quả báo vi diệu thù thắng, tức thọ ý sinh thân, dùng thân này vào trong ba cõi tu hạnh Bồ-tát, cho đến viên thành quả vị Phật. Vì thọ thân này với nguyện từ bi, nên thọ mạng, nhục thân đều có thể tự do biến hóa thay đổi, không hạn chế nhất định, gọi là Biến dịch thân. Thọ thân biến dịch, gọi là Biến dịch sinh tử.
(6). Niết-bàn (涅槃 tiếng Phạn Nirvāṇa ): Nguyên nghĩa chỉ cho sự thổi tắt hoặc trạng thái thổi tắt. Về sau từ ngữ này được dùng để chỉ cho sự diệt tận lửa phiền não, đạt đến cảnh giới giác ngộ. Cảnh giới giác ngộ này là mục đích thực tiễn nhất của Phật giáo, cho nên được xếp vào một trong ba pháp ấn, gọi là Niết-bàn tịch tĩnh.
Ngoại đạo tuy cũng có nói Niết-bàn nhưng khác hoàn toàn với Phật giáo. Về nghĩa của Niết-bàn, Đại thừa và Tiểu thừa giải thích có khác nhau.