(giảng tại chùa Đại Thừa Tín Nguyện, thủ đô Manila của Philippin)
Kính thưa các bạn đồng tu! Theo âm lịch của Trung Quốc chúng ta, hôm nay trong tuần lễ giảng thuyết Phật pháp này, là lần đầu của năm nay, lần đầu của năm mới đến chia sẻ Phật pháp với quí vị, trước hết theo phong tục cổ truyền xin nói với quí vị hai chữ “Chúc Mừng”!
Trong Phật giáo của chúng ta, mỗi khi đến ngày mùng một tết, khắp nơi đều xưng niệm “Nam mô Đương Lai Hạ Sinh Di-lặc Tôn Phật”. Đứng trên phương diện Phật pháp mà nói, đầu năm chúc mừng Bồ-tát Di-lặc, cũng đã tràn ngập ý vị “chúc mừng”. Trong các chùa miếu ở thủ đô Manila, đều có thể thấy thánh tượng Bồ-tát Di-lặc. Vốn dĩ trong các tùng lâm lớn tại Trung Quốc, khi chúng ta vừa bước chân vào cổng tam quan, ngước mặt lên thấy ngay vị Bồ-tát bụng phệ, để lộ ngực và bụng, ngồi đó cười với mọi người, cười an lành, tự tại biết bao! Cho nên, mỗi khi vừa bước vào cổng chùa, trước hết đã phát khởi tâm hoan hỉ. Hôm nay tôi lấy “Đều Đại Hoan Hỉ” của Bồ-tát Di-lặc làm đề tài chia sẻ với quí vị.
Cái gọi “đều đại hoan hỉ”, chính là ai thấy đều sinh tâm vui vẻ, trong này cũng mang hàm ý “chúc mừng”. Chúng ta vừa bước vào cổng chùa, Bồ-tát Di-lặc cười tiếp đón, cơ hồ như chúc phúc mọi người: “Giai đại hoan hỉ!” Trong này có hàm ý rất quan trọng, chính là chỉ bày cho mọi người, cần phải thực tập pháp môn “Tùy Hỉ” (vui theo).
Con người chúng ta, ai ai cũng muốn vui vẻ, người người đều thích vui sướng, đây vốn là thường tình của con người. Nhưng trong thế gian lại có cái bệnh, đó là “không thích người khác vẻ vang”. Luôn hi vọng mình được vui vẻ, nhưng vừa thấy người khác được vui vẻ, ngược lại thấy khó chịu. Ví dụ thấy người khác có tiền, mà mình không có, người khác làm ăn tốt đẹp, còn mình kinh doanh chẳng ra gì; hoặc trong trrường học, thấy bạn mình đứng thứ nhất… Những nhân tố vui vẻ khách quan này, ngược lại tạo thành cái buồn rầu, bực dọc cho mình. Do mình không vui, lại rước lấy cái không mấy hớn hở của người khác. Kết quả, mình cũng khổ, người khác cũng khổ, vậy có phải khổ không!?
Nguyên nhân chủ yếu của điều không vui này, do loại phiền não, tâm ganh ghét, đố kị đang quấy phá. Mỗi người đều quá tính toán lợi ích cá nhân, cho nên khi thấy người khác hơn mình, không tránh khỏi những ý niệm điên rồ. Nhưng, thông thường người Trung Quốc có thói quen rất hay, mỗi khi năm hết tết đến, mọi người đều tạm gác tâm lí tự tư tự lợi qua một bên, giả sử lúc bình thường có những điều khó chịu, nhưng năm mới gặp nhau, đều chúc mừng phát tài, chúc phúc khỏe mạnh! Nếu như có thể duy trì đức tốt này mãi mãi, không chỉ chúc mừng nhau ngày mùng một tết, mà ngày mùng hai, mùng ba… cho đến đêm 30 tháng chạp, nếu hai bên đều giữ được tâm hoan hỉ chúc mừng trọn năm, hay biết chừng nào! Do đó, chúng ta cần phải chú ý: Đầu năm gặp nhau chúng ta chúc mừng, phần lớn đều chúc mừng với tâm hời hợt, không dám nói là giả dối, thấy khách sáo quá. Kì thật, không nên chúc mừng cho xong chuyện, cho có với người ta, phải chúc mừng người khác với quán niệm chân chính: Lời chúc mừng phải được xuất phát từ nội tâm chân thật, chúc họ khỏe mạnh, mua bán thuận lợi, gia đình hòa thuận, học hành tiến bộ! Có thể chân thành một cách triệt để chúc mừng người khác, cũng chính là đang thực tập pháp môn “tùy hỉ”, công đức này có gì so sánh được!
Hiện tại chúng ta đàm luận về pháp môn “giai đại hoan hỉ” do Bồ-tát Di-lặc đề xướng. Liên quan đến thánh đức của Bồ-tát Di-lặc, thông thường người thực tập phương pháp giải thoát của Phật-đà, đều đã hiểu rõ. Nhưng, sợ cũng có những vị chưa biết, cho nên bây giờ tôi xin lược nói một chút. Giáo chủ thế giới Ta-bà(1) là đức Thích-ca Mâu-ni Thế Tôn, Bồ-tát Di-lặc là vị đệ tử lớn của Ngài, khi còn tại thế đức Như Lai thọ ký cho Bồ-tát Di-lặc sẽ thành Phật sau Ngài, hiệu Di-lặc. Cảnh giới khi Bồ-tát Di-lặc thành Phật hết thảy đều thù thắng, đương nhiên rất tốt đẹp và lí tưởng.
Trước khi nói cảnh giới thù thắng lúc đức Bồ-tát Di-lặc thành Phật, tôi xin nói tư thái từ bi và cát tường mà Ngài thị hiện ở nhân gian: Dáng vẻ của Bồ-tát Di-lặc, mập tròn, bụng phệ, đây là phước tướng viên mãn, chính thể hiện cho dáng vẻ rất giàu sang. Người giàu có phần lớn đều mập mạp cả, tục ngữ nói: “Mười người mập hết chín người giàu.” Nhưng cũng có một số người giàu có, không nhất định mập, đây rất có thể anh ta suy nghĩ quá nhiều, tâm địa hẹp hòi, hoặc do tạng người cũng nên! Cho nên, ngoài vật chất phong phú ra, cũng cần phải làm cho tinh thần lớn rộng, tâm lượng rộng rãi, dung chứa tất cả, mới có thể đạt được “tâm địa rộng rãi, thân thể mập mạp.” Đây là tấm gương Bồ-tát Di-lặc thị hiện để cho chúng ta học tập theo.
Còn nữa, suốt ngày Bồ-tát Di-lặc luôn cười ha ha với mọi người, biểu thị vui vẻ của chân tâm. Trên thế gian có đủ dạng, đủ kiểu cười, nhưng nụ cười thông thường của mọi người, chỉ do chúng ta vui nhất thời, nội tâm phát xuất ra nụ cười đắc ý, rất ít người cười vì niềm vui của người khác. Cho nên chẳng bao giờ có được nụ cười hồn nhiên, ngây thơ của Bồ-tát Di-lặc. Bồ-tát Di-lặc cảm thấy hết thảy mọi người đều có duyên với mình, tâm bi của Ngài không dừng lại ở nét vui tươi. Ngài còn vận dụng “ái ngữ” trong pháp tứ nhiếp(2) của Phật pháp để gần gũi chúng sinh; chúng sinh cảm nhận, tiếp thọ được thái độ từ bi hòa nhã của Ngài, nên ai cũng vui vẻ thân cận và thọ nhận sự giáo hóa. Sau khi chúng ta biết tấm lòng và thái độ của Bồ-tát Di-lặc, rồi ỷ mình có tiền, có thế lực, tự hào sự nghiệp thành công, sinh tâm vui mừng, người này rõ ràng chẳng ra gì. Mà chúng ta nên lấy Bồ-tát Di-lặc làm tấm gương, thứ nhất phải có tâm lượng rộng rãi, độ lượng bao dung; khi nói chuyện với mọi người cần phải điềm đạm, ôn hòa, không được ỷ thế lấn át người. Thái độ của chúng ta rất quan trọng, cùng một câu nói, nhưng thái độ và việc đặt câu dùng từ không đúng; hoặc đụng một chút đùng đùng nổi cấu, như vậy luôn đánh mất, đạp đổ rất nhiều sự việc tốt đẹp. Cho nên mọi lúc mọi nơi chúng ta cần phải học tập phong thái hòa nhã của Bồ-tát Di-lặc, tiếp xúc, đối đãi với mọi người luôn cười ha ha, chính mình cũng được vui, người khác cũng được vui, tâm luôn vui vẻ rộng rãi, có thể giải quyết mọi chuyện một cách rất dễ dàng.
Trong Phật giáo, Bồ-tát Di-lặc ngồi ngoài cổng tam quan, muốn nói với người học Phật, đầu tiên phải nuôi dưỡng tâm vui vẻ, mở rộng tấm lòng, bao dung tất cả. Hi vọng chúng ta nương theo pháp môn Di-lặc, đưa mọi người quay về nương tựa ba ngôi báu, nhất định đời này sẽ thu hoạch được lợi ích rất lớn.
Hiện tại Bồ-tát Di-lặc vẫn còn ở địa vị bổ xứ(3), sau này sẽ thành bậc Chính Giác tại ba hội Long Hoa, đạt được vui vẻ rốt ráo, thế thì còn gì để nói nữa. Chúng sinh sinh vào thời Phật còn tại thế, cũng sẽ có được niềm vui vô hạn. Bởi lúc Bồ-tát Di-lặc thành Phật, có hai sự kiện đáng để chúng ta vui mừng: Thứ nhất thế giới hòa bình, thứ hai Phật pháp hưng thịnh. Do đó, Phật và chúng sinh, đều đại vui mừng!
Trước mắt chúng ta là thế giới hỗn loạn, đi đâu cũng nghe mùi thuốc súng, quanh năm suốt tháng luôn sống trong cảnh lang thang đầu đường cuối xóm, tinh thần thống khổ cực độ. Tuy cũng có người đứng ra đề xướng thế giới hòa bình, hô hào vang trời dậy đất, nhưng đó chỉ là cảnh giới lí tưởng, không dám nói là ảo mộng, khác xa sự thật nhiều lắm. Song, khi Bồ-tát Di-lặc vừa thị hiện đản sinh, lúc đó xác thật thế giới sẽ được hòa bình. Vua nhân từ xuất thế, đất nước thanh tịnh, chính trị liêm minh, không có chiến tranh, kiện cáo, cũng không có tham ô, gian lận, hết thảy những vấn đề cho cuộc sống, như áo quần, ăn uống, chỗ ở đều tốt đẹp, như ý. Khí hậu ôn hòa, thậm chí đến trùng muỗi cũng chẳng có. Sinh sống trong hoàn cảnh thế giới lí tưởng như vậy, con người không còn cấu xé và xung đột với nhau nữa, ai ai cũng đối xử vui vẻ, hòa nhã với nhau, mọi người đều tín ngưỡng và phụng trì Phật pháp, quay về nương tựa ba ngôi báu, thực tập năm nguyên tắc đạo đức, mười điều lành, họ nắm tay nhau quyết tâm đạp đổ bức tường thành đen tối đã, đang và sẽ ngăn cách giữa con người với con người. Có được duyên lành sinh vào thời đó, thật vui vẻ, hạnh phúc và sung sướng biết chừng nào!
Hiện tại chúng ta đều cảm thấy có được chút vui vẻ, kì thật chỉ là chút vui rất nhỏ. Thông thường mọi người đều cho rằng làm ăn, kinh doanh được thuận buồm xuôi gió, có ngôi nhà mơ ước, trong đó toàn đồ cao cấp, có chiếc xe hơi mới, sức khỏe dồi dào thì cảm thấy vừa ý lắm rồi. Kì thật, những thứ này chẳng phải là cái vững chắc cho chúng ta tựa nương. Ví dụ: Bạn giàu có đi, mà trong xã hội đầy dẫy tội ác, như tham ô, giẫm đạp lên nhau, giặt cướp hoành hành… còn rất nhiều rất nhiều nữa, nhất định tài sản của bạn lúc nào cũng bị kẻ khác dòm ngó, chuyện bị tổn hại là sớm hay muộn mà thôi. Lại nói đến sức khỏe của bạn, bạn cho mình là người có sức khỏe phi thường, nhưng môi trường xung quanh không được vệ sinh, mọi người bị bệnh truyền nhiễm, nhất định vi khuẩn, mầm bệnh sẽ dần dần tìm đến bạn. Do đó, nếu chỉ muốn một mình ta được vui vẻ, vẫn chưa đủ. Đồng thời, chúng ta cho rằng sự nghiệp của mình phát đạt, con cháu đầy nhà, rốt cuộc cũng bị bánh xe thời gian cán nát tất cả. Các vị kiều bào ở nước ngoài, rất rõ sự biến hóa ảo mộng của vô thường thế thái. Như 10 năm trước có vị kiều bào, tiền của nhiều, làm ăn phát đạt, được coi là một trong những người kiều bào giàu nhất. Trong nháy mắt, tán gia bại sản, lụn bại. Truy cứu nguyên nhân, tuy nhiên có rất nhiều vấn đề, nhưng chủ yếu vẫn là do có tiền của, lại có địa vị, cho nên ăn toàn cao lương mỹ vị, vật dụng sang trọng, đắt tiền. Cuộc sống sa sỉ, hành vi phóng túng, suốt ngày phung phá vô độ. Vả lại, con cháu thấy gia sản nhiều, dễ được, luôn tỏ ra thái độ chẳng xem ai ra gì, khi có địa vị cao sang thì cuộc sống sung sướng, xem tiền bạc như bùn đất, cũng chính là bàn đạp để chúng tạo tội. Như vậy, chưa hết đời cha, đời con, gia sản tự nhiên giảm sút dần, đến khi không còn gì. Cho nên, điều quan trọng nhất, cần phải thực tập phương pháp giải thoát của Phật-đà, đề cao quan niệm đạo đức, mới có khả năng bảo trì được gia sản. Do đó, cách làm của Bồ-tát Di-lặc, mới là sự giàu sang, đầy đủ chân chính!
Bồ-tát Di-lặc thị hiện đản sinh, ở trong ba hội Long Hoa, thuyết pháp hóa độ chúng sinh, Phật pháp hết sức hưng thịnh, mọi người dù nhỏ cũng biết quay về nương tựa ba ngôi báu, thực tập năm nguyên tắc đạo đức. Bởi mọi người cùng thực tập phương pháp giải thoát của Phật-đà, có tiền, cũng xài vào những việc chính đáng, ngoài những chi phí cần dùng trong sinh hoạt, số còn dư đều cúng dường Tam Bảo, hoặc giúp đỡ người khác, làm việc phúc lợi xã hội. Ở trong thắng cảnh Phật giáo hóa ưu việt đó, tự nhiên việc lành ngày một tăng trưởng, mọi người đều tuân theo pháp luật, phụng sự việc công. Cho nên thời kì đức Bồ-tát Di-lặc thị hiện đản sinh, ai ai cũng đều có tâm cầu tiến, càng ngày càng tốt mà thôi. Nếu có phước đức được sinh vào đất nước của Ngài giáo hóa, thật hạnh phúc biết chừng nào!
Vừa nói sự giàu có vào lúc đức Bồ-tát Di-lặc thị hiện đản sinh, đây chỉ là nói một cách thiển cận. Chứ còn ai được sinh vào thời đó, đều phát tâm Bồ-đề, thực tập con đường Bồ-tát, nhất định sẽ liễu sinh thoát tử, đồng viên thành quả vị Phật! Cho nên sinh vào thời đó, tốt hơn rất nhiều rất nhiều so với bây giờ, không tạo nghiệp xấu, chỉ toàn hạnh phúc! Hiện tại trước mắt mình toàn những chuyện không vừa lòng, thảo nào mọi người đều mong muốn Bồ-tát Di-lặc sớm thị hiện đản sinh thành Phật. Do đó, mỗi khi vào ngày mùng một tết, mọi người hoan hỉ qui tụ về chùa, cung kính chúc mừng Bồ-tát Di-lặc. Có người hiểu lầm ngày đó Ngài thị hiện đản sinh, kì thật Ngài vẫn chưa thị hiện xuống nhân gian, vậy làm sao có ngày đản sinh được? Phải nên hiểu nghĩa cử này chính là “chúc mừng trước”, ngưỡng nguyện Ngài sớm thị hiện đản sinh. Bởi vì Ngài đến, sẽ cho chúng ta Phật pháp hưng thạnh, thế giới hòa bình, lại còn tặng cho mỗi người một quả tim đầy vui vẻ, biết thương yêu và tha thứ!
Hôm nay là pháp hội diễn giảng đầu tiên của năm mới, tôi chọn đề tài bốn chữ “Đều Đại Hoan Hỉ”, mục đích giải thích chữ “chúc mừng” trong Phật pháp. Hi vọng quí vị phát nguyện lớn, thường xưng niệm thánh hiệu Bồ-tát Di-lặc; bên cạnh đó phải phát tâm tùy hỷ (vui theo), thành tựu hết thảy. Chúc phúc đại chúng cùng dự ba hội Long Hoa, kính chúc các vị sớm thành Phật đạo!
(1). Thế giới Ta-bà (娑婆 tiếng Phạn Sahā-lokadhātu): Hán dịch Kham Nhẫn, Năng Nhẫn. Tức thế giới hiện thực được sự giáo hóa của đức Thích-ca Mâu-ni Thế Tôn. Chúng sinh ở thế giới này làm 10 điều ác, chịu đựng các điều phiền não mà không chịu lìa bỏ, nên gọi là Nhẫn. Lại nữa, khi chư Phật, Bồ-tát làm việc lợi lạc ở cõi này thì các Ngài phải chịu đựng các khổ não, nên gọi là Nhẫn. Ta-bà còn được dịch là Tạp Ác, Tạp Hội, có nghĩa quốc độ này là nơi tụ hội của tam ác, ngũ thú. Ngoài ra, từ ngữ Ta-bà, vốn chỉ cõi Diêm-phù-đề mà chúng ta đang ở, sau này trở thành từ ngữ chỉ thế giới Tam thiên Đại thiên do đức Phật Thích-ca Mâu-ni giáo hóa, nên gọi chung thế giới có trăm ức núi Tu-di là Ta-bà.
(2). Tứ nhiếp pháp (四攝法 tiếng Phạn Catvāri saṃgraha-vastūni): Hay còn gọi là tứ nhiếp, tứ chủng xả ác pháp: Bốn phương pháp Bồ-tát dùng để nhiếp thọ chúng sinh, khiến họ sinh khởi tâm thân ái mà dẫn dắt họ vào Phật đạo để đạt đến khai ngộ.
a. Bố thí nhiếp: Tức dùng tâm vô sở thí để truyền đạt chân lí (pháp thí) và thí xả tài vật (tài thí). Nghĩa là nếu chúng sinh thích tài thí thì bố thí tài, nếu thích pháp thì bố thí pháp, khiến họ khởi tâm thân ái và học đạo với Bồ-tát.
b. Ái ngữ nhiếp: Tùy theo căn tính của chúng sinh, khéo dùng lời an ủi, dẫn dắt, khiến họ khởi tâm mến mộ mà theo học đạo với Bồ-tát.
c. Lợi hành nhiếp: Nghĩa là thân làm việc lành, miệng nói lời lành, ý nghĩ việc lành, lợi ích chúng sinh, khiến họ sinh tâm mến mộ mà học đạo.
d. Đồng sự nhiếp: Nghĩa là gần gũi chúng sinh, cùng khổ, cùng vui với họ, đồng thời quán sát căn tính chúng sinh bằng pháp nhãn và phân thân thị hiện tùy theo sở thích của họ, khiến họ cùng được hưởng lợi ích, nhờ đó mà nhập đạo.
(3). Bổ xứ (補處): Người còn bị sinh tử lần cuối cùng, nghĩa là sau đời sống hiện tại sẽ được thành tựu quả vị Phật tại nhân gian. “Bổ xứ” chỉ cho địa vị Bồ-tát tối cao là Bồ-tát Đẳng Giác, như trường hợp của Bồ-tát Di-lặc.