Xưng Tán Và Nương Tựa Bồ Tát Quán Thế Âm

    Hôm nay, là thánh đản của Bồ-tát Quán Thế Âm, mọi người thọ nhận ân đức chiêu cảm của Ngài, cùng vân tập về đây, chúc mừng thánh đản, thật hi hữu, hi hữu vậy! Người Trung Quốc tín ngưỡng Bồ-tát Quán Thế Âm rất nhiều, đặc biệt phái nữ. Hôm nay nhân cơ hội thù thắng này, chúng ta hãy cùng nhau chia sẻ ý nghĩa của Bồ-tát Quán Thế Âm, để tăng trưởng nhận thức và tín ngưỡng chính xác của chúng ta.

    Quán Thế Âm, là bản dịch xưa của thầy Cưu-ma-la-thập, còn bản dịch mới của thầy Huyền Trang đời Đường là Quán Tự Tại, đây là cách chuyển dịch khác nhau từ một Phạn ngữ Avalokiteśvara. Trung Quốc gọi tắt Quán Âm. Bồ-tát, nói một cách đơn giản, chính là chúng sinh có tâm lớn trên cầu làm Phật, dưới hóa độ chúng sinh, vị hành giả Đại thừa thực tập phương pháp giải thoát của Phật-đà, nhưng chưa được viên mãn cứu cánh. Quán Thế Âm là một trong chúng Bồ-tát trên cầu làm Phật, dưới hóa độ chúng sinh. Theo kinh Bi Hoa nói, Ngài là pháp thân đại sĩ nhất sinh bổ xứ, vị Bồ-tát thừa kế quả vị Phật của đức Phật A-di-đà. Công hạnh của Ngài hầu như đã viên mãn, đầy đủ, có tất cả công đức của 10 phương chư Phật. Trong kinh có đoạn ghi: Quá khứ Bồ-tát Quán Thế Âm đã là Chính Pháp Minh Như Lai, vậy Ngài là Phật hiện thân Bồ-tát. Ngài hiện thân khắp vô lượng thế giới, dùng thân Bồ-tát, để cứu vớt, đưa chúng sinh ra khỏi thống khổ của rất nhiều khổ nạn, biểu hiện bi nguyện rộng lớn vô cùng của Ngài. Bồ-tát Quán Thế Âm và đức từ phụ A-di-đà có quan hệ hết sức đặc thù, Ngài không chỉ là một trong “Tây Phương Tam Thánh”, mà còn là hóa thân của Phật A-di-đà.

    Có người hỏi: Bồ-tát Quán Thế Âm là người ở đâu? Đạo tràng của Ngài ở nơi nào? Kì thật, Bồ-tát Quán Thế Âm là cổ Phật thị hiện trở lại, không thể nói Ngài có đạo tràng cố định, bởi Ngài “không có nơi nào không hiện thân”. Ngài phụ tá với đức Phật A-di-đà hóa độ chúng sinh, đạo tràng của Ngài cũng chính là thế giới Cực Lạc. Nhưng tại núi Phổ-đà-lạc-gia bên bờ biển Nam Ấn Độ, ở thế giới Ta-bà này, là đạo tràng xưa kia của Ngài, điều này trong kinh Bi Hoa và nhiều kinh khác đều nói như vậy.

    Năm Trinh Nguyên nhà Lương, thầy Tuệ Ngạc người Nhật Bản, thỉnh thánh tượng Bồ-tát Quán Thế Âm ở Trung Quốc, định đem về Nhật Bản thờ phụng cúng dường. Ai ngờ khi đi qua quần đảo Chu sơn (huyện Định Hải tỉnh Chiết Giang ngày nay), bị sóng to gió lớn, ngăn cản hành trình. Đành phải thỉnh thánh tượng Bồ-tát vào hòn đảo nhỏ giữa biển, Mai Cầm, dựng tạm túp liều tranh cúng dường. Bồ-tát Quán Thế Âm có duyên với đảo này, ngày qua tháng lại, người đến lễ bái, kính lễ Ngài ngày càng đông, hòn đảo này trở thành đạo tràng của Ngài, cũng được đổi tên thành “Phổ Đà sơn”. Ngoài ra ở La-bà Tây Tạng, nơi đức Đạt Lai Lạt Ma trú trì, gọi là “Quán Âm cung”, điều này bởi vì người ta cho rằng đức Đạt Lai Lạt Ma là hóa thân của Bồ-tát Quán Thế Âm. Qua đây thấy được đạo tràng của Ngài, không có nhất định. Nơi nào có người kiền thành tín ngưỡng Bồ-tát Quán Thế Âm, nơi nào có tinh thần đại bi độ thế của Bồ-tát Quán Thế Âm, thì nơi đó chính là Phổ Đà, nơi đó có Quán Âm. Thầy Thái Hư nói: “Thanh tịnh làm tâm đều Bổ-đát (tức Phổ Đà), từ bi cứu vật tức Quán Âm.” Thưa các vị! Ví như hôm nay chùa Thiện Đạo ở trong đất nước Trung Quốc tự do, chẳng lẽ không phải là đạo tràng của Bồ-tát Quán Thế Âm sao?

    Ứng hiện hóa độ tùy duyên, là điểm đặc sắc của hạnh Bồ-tát. Hôm nay tụng niệm chú Đại Bi, là Quán Thế Âm ngàn tay ngàn mắt. Ngàn tay, biểu thị cho năng lực vĩ đại cứu độ chúng sinh; ngàn mắt, biểu thị cho ánh sáng trí tuệ chiếu khắp muôn nơi. Điều này biểu trưng đại từ bi và đại trí tuệ; vì đưa chúng sinh hướng đến đạo lộ Niết-bàn, giải thoát, phương tiện ứng hiện hóa độ của Bồ-tát Quán Thế Âm, có thể nói quan tâm hết mực. Điều này trong phẩm Phổ Môn của kinh Diệu Pháp Liên Hoa nói rất rõ ràng, chi tiết. Ví như (người) cần dùng thân Phật để độ, Bồ-tát Quán Thế Âm lập tức hiện thân Phật để thuyết pháp, cho đến cần dùng thân dạ-xoa, a-tu-la, nhân phi nhân… để độ, Ngài liền hiện những thân ấy để thuyết pháp. Trong thế giới hiện thực, như cần dùng thân cư sĩ, nông phu, người buôn bán, người quân chính… để độ, Ngài cũng thị hiện những thân ấy để thuyết pháp. Tùy theo chúng sinh mà phương tiện ứng hóa khác nhau, đây là đồng sự nhiếp của Bồ-tát hạnh. Điều này chẳng phải riêng gì Bồ-tát Quán Thế Âm, Bồ-tát Di-lặc cũng nói:

Di-lặc chân Di-lặc

Phân thân thiên bách ức

Thời thời thị thời nhân

Thời nhân tự bất thức.

    Tạm dịch:

Di-lặc chân Di-lặc

Phân thân ngàn trăm ức

Luôn luôn chỉ dạy người

Người đời không tự biết.

    Chính là ý này vậy. Ngoài Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Âm, còn có Thập Bát Tý Quán Âm, Tứ Tý Quán Âm. Phổ biến nhất, thị hiện Thánh Quán Âm, tướng hảo trang nghiêm. Xưa nay có sự phân biệt khác nhau của 33 Quán Âm, nhưng cuối cùng cũng không ngoài tùy theo căn cơ hiện thân hóa độ mà thôi!

    Thánh tượng Bồ-tát Quán Thế Âm, rốt cuộc là nam hay nữ, phần lớn mọi người luôn có nghi vấn này. Kì thật, hiện thân tùy theo chúng sinh, đương nhiên có thể có thân nam, có thân nữ. Nhưng, phần lớn pháp tướng của chư Bồ-tát, đều tướng đại trượng phu. Thánh tượng Bồ-tát Quán Thế Âm trước triều đại nhà Đường, là tướng đại trượng phu. Kinh Hoa Nghiêm cũng nói: “Dũng mãnh trượng phu Quán Tự Tại”. Song, đức biểu hiện đặc thù của Ngài, là đại từ đại bi. Nói một cách ngắn gọn, ứng thân hóa độ của Ngài, một mặt phát khởi từ tâm từ bi của nội tại; một mặt thống khổ của hữu tình chúng sinh quá nhiều, cho nên Ngài cũng phải thị hiện nhiều. Ứng thân hóa độ của Bồ-tát Quán Thế Âm trong thế gian, thị hiện thân nữ tương đối nhiều, điều này có hai ý nghĩa. (1) Từ xưa đến nay, các khổ nạn của người nữ luôn nhiều hơn người nam. (2) Đặc tính nội tâm của người nữ, hiền lành, nhẫn nại, mềm mỏng. Biểu hiện qua những việc làm, cử chỉ hằng ngày của họ, là ái. Tâm lí của người nữ, lòng thương yêu quả thật nhiều hơn người nam. Như người mẹ yêu thương con mình, sâu nặng tha thiết, chăm sóc từng li từng tí; nhưng người cha yêu thương con mình không được sâu nặng và tha thiết như vậy, (nói thế không phải người cha không yêu thương con mình, có khi tình yêu thương của người cha cũng sâu nặng lắm, chẳng thua kém gì người mẹ đâu, nhưng do họ không biểu lộ ra ngoài đó thôi.) Ái, tức biểu hiện từ bi trong bóng đen của tư ngã (có cái ta chắc thật), hạn chế hóa của từ bi, khó tránh khỏi có chút gì đó bị méo mó. Từ bi, tức rộng lớn vô ngã (không có cái ta chắc thật) của yêu thương. Bởi trong nội tâm người nữ đã có đầy đủ đặc tính của người mẹ, cho nên lấy từ bi làm đức tính đặc biệt của Bồ-tát Quán Thế Âm, đây là lí do tại sao hiện thân nữ nhiều hơn thân nam. Khuyếch đại tình thương lớn một cách vô tư, lòng bác ái rộng lớn đối với hết thảy nhân loại, chúng sinh, như mẹ hiền yêu thương con mình không hai không khác. Cho nên ứng hiện thân nữ của Bồ-tát Quán Thế Âm, không chỉ yêu thương thống khổ của người nữ nhiều, mà cũng còn phát huy cao độ tấm lòng của người mẹ hiền trong thế gian, đem tình thương rộng lớn, vô tư, trở thành tinh thần từ bi bình đẳng của Bồ-tát. Do đó, chúng ta kính ngưỡng Bồ-tát Quán Thế Âm, phải nên giống như con kính ngưỡng mẹ hiền không hai không khác. Nếu có khả năng kính ngưỡng chân thành và khẩn thiết như vậy, giống sợi dây truyền thông được thông suốt giữa mẹ và con, sự cảm thông sâu sắc giữa con và mẹ, tự nhiên sẽ được sự cứu độ và gia trì của Bồ-tát Quán Thế Âm.

    Quán Thế Âm - Avalokiteśvara (A-phạ-lô-chỉ-đế-thấp-phạt-la), hiện tại trong Ấn Độ giáo, cũng có người biết được chuyện của Ngài, nhưng cũng thị hiện thân người nữ. Cho nên, từ đời nhà Đường, Tống trở về sau, các bức họa Bồ-tát Quán Thế Âm đều tướng nữ, rất có ý nghĩa và căn cứ. Trong cuộc sống dân chài, họ luôn phải đối diện với sự giận dữ của hải thần, cuồng phong, vô cùng nguy hiểm, mạng sống chẳng khác nào đèn treo trước gió, chỉ mành treo chuông, họ rất cần từ bi cứu hộ. Cho nên, trên các miền duyên hải, tín ngưỡng Bồ-tát Quán Thế Âm hết sức sâu sắc. Như đạo tràng của Bồ-tát Quán Thế Âm ở Ấn Độ là bờ biển phía Nam; còn tại Trung Quốc, như Giang (Giang Tô), Chiết (Chiết Giang), Mân (Phúc Kiến), Quảng (Quảng Đông và Quảng Tây), Đài Loan, cho đến kiều bào người Hoa ở Nam Dương, vẫn xem Bồ-tát Quán Thế Âm là vị an ủi, chỗ dựa tinh thần duy nhất của họ. Phổ Đà sơn của Trung Quốc, cũng ở trong biển Đông. Đáng chú ý nhất, Thiên Hậu cung ở Đài Loan (các tỉnh ven biển như Phúc Kiến, Quảng Đông, Quảng Tây… đều có), Ma Tổ miếu, cũng có quan hệ tín ngưỡng với tín ngưỡng của dân chài lưới, nhưng cũng đều thị hiện thân nữ. Trong học thuyết tôn giáo nhân loại, yêu cầu của từ bi cứu hộ, hiện khởi của thân nữ vô ý thức. Nhất Thần giáo ở Tây phương, vốn phản đối chuyện thiết lập tượng; mà Thiên Chúa giáo có Marie(1) - tượng thánh mẫu của Gia-tô. Marie xưng là thánh mẫu, trong truyền thuyết bà cũng có để lại một số thần tích từ bi cứu hộ, rất giống với Bồ-tát Quán Thế Âm. Cho nên trong tôn giáo, đây không ngoài tôn sùng kính ngưỡng của từ bi vô hạn, biểu hiệu của từ bi vô hạn mà thôi. Y cứ theo thuyết thị hiện của Bồ-tát Quán Thế Âm, trước khi Marie xuất thế, thánh đức của Bồ-tát Quán Thế Âm, sự tích của Ngài đã được truyền khắp trong các nước Phật giáo Đại thừa rồi. Tất cả đây có thể xem là một ứng hóa thân của Bồ-tát Quán Thế Âm, đặc biệt Thiên Hậu (Ma Tổ) hiện tại ở Đài Loan, chúng ta nên đem tinh thần của Bồ-tát Quán Thế Âm để bổ khuyết, tịnh hóa Thiên Hậu. Cần Thiên Hậu Ma Tổ thân để được độ thoát, liền hiện thân Thiên Hậu để thuyết pháp.

    Nhưng, ở đây muốn nói đến: (1) Thông thường người ta sùng kính Bồ-tát Quán Thế Âm, phần lớn vì giao dịch vụ lợi, như xin với Bồ-tát, nếu Ngài giúp con trót lọt vụ này, con hứa sẽ đền đáp. Như: “Trùng tu chùa miếu, họa, đắp lại kim thân của Ngài….” Cầu nguyện kiểu đút hối lộ thế này, không phải tín ngưỡng chân chính, chẳng phải Phật pháp! Tín ngưỡng Bồ-tát Quán Thế Âm, cầu nguyện với Ngài, phải giống như đứa con tin tưởng mẹ mình, xin mẹ điều gì đó; tin tưởng tuyệt đối, chân thành thân thiết. Chỉ cần có lợi cho con, mẹ đều không tiếc bất cứ điều gì. Nếu chúng ta cầu điều không hợp lí, hoặc không có ích gì cho mình, chẳng lẽ Bồ-tát cũng cứu giúp bạn sao? (2) Mẹ bảo hộ, giúp đỡ con, nhưng tiền đồ sáng suốt, mẹ không thể cho được, không phải nhất nhất đều ỷ lại mẹ, mình phải lập chí hướng thượng, nỗ lực trên thành quả sáng tạo. Cho nên tín ngưỡng Bồ-tát Quán Thế Âm, nhất thiết không được vứt bỏ trách nhiệm mình phải gánh vác trong cuộc sống nhân sinh, trong cuộc sống, chuyện gì cũng ỷ lại Bồ-tát, mình không cầu tiến, không dừng chỉ việc ác, tu tập điều lành, không biết quay về nương tựa ba ngôi báu, thực tập phương pháp giải thoát của Phật-đà, điên đảo mê lầm. Bồ-tát luôn đại từ đại bi, nhưng bạn bị tội nghiệp ngăn che, dù Ngài từ bi đến mấy cũng cứu không nổi bạn. Cho nên, phải ngưỡng mộ tinh thần đại từ đại bi của Bồ-tát Quán Thế Âm, thực tập phương pháp giải thoát của Phật-đà, chân thật tu tập, nhất định sẽ được sự cứu giúp và bảo hộ của Ngài. Trên lộ trình nhân sinh, nếu gặp phải những khó khăn không thể giải quyết, nếu không phải định nghiệp, không phải tội bắt buộc phải chịu, còn lại, chỉ cần chân thành tin tưởng, tự nhiên có được cảm ứng không thể nghĩ bàn của Bồ-tát Quán Thế Âm!

    Mỗi một vị đại Bồ-tát, đều biểu trưng cho một loại đức tính khác nhau, như từ bi là đức tính của Bồ-tát Quán Thế Âm. Nếu chúng ta ý thức được những khổ đau do sự giết hại gây ra, gây đau khổ cho mình và kẻ khác, yêu thương và bảo hết thảy chúng sinh, thế thì tâm địa và hành động của chúng ta, đã tương ứng với lòng từ bi của Bồ-tát Quán Thế Âm rồi vậy. Có tương ứng nhất định sẽ có tương cảm, đây là đạo lí “đồng loại tương cảm”. Cho nên, tín ngưỡng trong nội tâm của chúng ta, cần phải biểu hiện ra bằng hành động, việc làm thực sự, tương ưng với hạnh từ bi của Ngài. Được như vậy, hôm nay chúng ta mới có thể gọi thật sự kỷ niệm Bồ-tát Quán Thế Âm!

 


    (1). Marie: Théotokos, mẹ của Jésus, còn gọi là Đức Bà (Notre-Dame), Đức Mẹ (Madone), Thánh nữ đồng trinh, Đồng trinh Marie. Mẹ của Christ, thượng đế mang hình người, nhưng theo giáo điều Gia-tô giáo, bà vẫn luôn luôn là đồng trinh. Giáo điều về Sự mang thai trong trắng, được ngấm ngầm từ những buổi đầu của Kitô giáo, chỉ được chính thức công bố từ năm 1854, giải thích mẹ của thượng đế không thể mắc tội tổ tông như những người khác. Bà là con gái của Anne và Joachim, bà kết hôn với Joseph, người cũng giống như bà thuộc dòng họ David và sống ở Nazareth tai Galilée.            

 
00:00