Lúc đức Thích-ca Mâu-ni Như Lai còn tại thế, Ngài tùy theo căn cơ dạy họ phương pháp giải thoát của Phật-đà. Tuy tất cả giáo lí chỉ có một mùi vị giải thoát, nhưng Thanh văn đặt nặng ở “lợi mình”, hàng Bồ-tát chú trọng “lợi người” (như Bồ-tát Di-lặc), phát tâm và kết quả tu chứng có sai biệt, đây là điểm khởi đầu của sự phân chia tông phái. Phương pháp giải thoát của Phật-đà đều dựa vào căn cơ để giáo hóa, mỗi nơi mỗi khác, cho nên sự phát triển tông phái, là điều hết sức tất yếu. Sau khi đức Như Lai thị hiện nhập Niết-bàn 100 năm, số ít những vị Tì-kheo già cả lớn tuổi (thượng tọa) và đa số Tì-kheo trẻ tuổi (đại chúng), bắt đầu có những tư tưởng không đồng nhất ở thành Tỳ-xá-li. Thời kì phát triển đã đến, phân chia thành Thanh văn và Bồ-tát. Thanh văn thì có 18 kiến giải trái với chính lí, Bồ-tát cũng “hữu” “không” sai khác, phân thành hiển giáo, mật giáo. Tất cả đây đều là một thể của Phật pháp, song tùy theo lúc, căn cơ mà khéo léo sử dụng như vậy, kì thật vốn chẳng ngại gì đến Đại Bát Niết-bàn. Tại thôn Kiếp-ba-lợi ở Tích Lan, Cầu-na-bạt-ma-di có bài kệ: “Các luận có khác nhau, lí tu hành không hai. Thiên chấp có phải trái, người đạt không tranh cãi.” Quả thật là lời nói của bậc kiến đạo!
Phật giáo truyền vào Trung Quốc, được học giả Trung Quốc đón nhận và thực tập, phát dương Phật pháp, thấu triệt lẽ huyền vi, ai cũng chủ trương phát triển sở đắc của mình, do đó dần dần tông phái được thành lập. Trong số các tông phái đó, có tông phái được truyền trực tiếp từ Ấn Độ sang, có tông phái được phát triển ở Trung Quốc. Đến thời Tùy Đường, Phật giáo Trung Quốc phát triển hết sức huy hoàng, tông phái cũng phân chia mạnh mẽ.
Theo cách nói của học giả Nhật Bản, Trung Quốc có 13 tông: Câu-xá, Thành Thật, Luật, Tam Luận, Niết-bàn, Địa Luận, Tịnh Độ, Thiền, Nhiếp Luận, Thiên Thai, Hoa Nghiêm, Pháp Tướng, Mật... Sau đó người ta hợp Niết-bàn chung với Thiên Thai, Địa Luận chung với Hoa Nghiêm, Nhiếp Luận và Pháp Tướng, cuối cùng còn 10 tông. Trong đó, Câu-xá và Thành Thật là Tiểu thừa, còn 8 tông kia là Đại thừa. Nay thấy trong hệ thống văn sử Phật giáo Trung Quốc, tuy phần lớn giống nhau, nhưng vẫn có một vài điểm nhỏ khác biệt, xin nêu ra để đại chúng cùng thảo luận:
1. Thời Phù Tần, thầy Tăng-già-đề-bà đến Trung Quốc truyền đạo và phiên dịch kinh điển, có bộ luận A-tì-đạt-ma, người nghiên cứu học tập đa phần ở phía Bắc, thành tông Tì-đàm. Sau đó Trần Chân Đế và Đường Huyền Trang, dịch bộ luận Câu-xá; học giả Tì-đàm, mới chuyển đổi lại, lấy tên là tông Câu-xá.
2. Thời Bắc Ngụy, thầy Bồ-đề-lưu-chi… dịch bộ luận Thập Địa của thầy Thế Thân, lấy A-lê-da(1) làm chân thức. Học giả của tông này, lấy tên là Địa Luận tông, làm hệ thứ nhất của các tông phái Đại thừa, sau đó phát triển chuyển thành tông Hoa Nghiêm.
3. Trần Chân Đế dịch luận Nhiếp Đại Thừa ở Lãnh Nam, lấy A-lê-da làm vọng thức mà thông giải tính, làm hệ thứ hai của các tông thuộc Đại thừa, gọi là Nhiếp Luận tông. Nhưng vẫn rất khiêm tốn ở phương Nam, chuyển sang phương Bắc lại bị các Địa luận sư dung nhiếp; đến khi thầy Huyền Trang dịch pháp tướng, mới không nghiên cứu độc lập.
4. Thầy Đường Huyền Trang chuyển học thuyết của thầy Vô Trước, Thế Thân, lấy Thành Duy Thức luận làm chủ, làm sáng tỏ thức A-lợi-da duy vọng duy nhiễm. Học giả gọi là Pháp Tướng tông, chứng thực cho hệ thứ ba của các tông thuộc Đại thừa. Sau đời nhà Tống, Nguyên, dần dần suy yếu, gần đây có những vị học giả xem ba hệ này, cùng làm sáng tỏ cho ba giới duy tâm, vạn pháp duy thức, có ảnh hưởng đặc biệt sâu trong Hữu bộ. Trung Quốc chú trọng đến Đại thừa, cho nên tông Tì-đàm rất ít người nghiên cứu, phần lớn đều do các học giả Đại thừa nghiên cứu luôn.
5. Thầy Pháp Hiển đời Tấn và Đàm Vô Sấm nhà Lương, dịch bộ kinh Đại Bát Niết-bàn. Do thầy Đạo Sinh đề xướng “nhất xiển-đề(2) có Phật tính”, phát triển mạnh ở đời Tống và Tề, gọi là tông Niết-bàn. Sau đó bị hợp nhất với tông Thiên Thai; còn các học giả phía Bắc, phần lớn đi theo Địa Luận sư.
6. Thầy Cưu-ma-la-thập đời Diêu Tần dịch Thành Thật luận, vào thời kì giữa nhà Tề và Lương, rất thịnh hành ở phương Nam. Trong đó thầy nói, vào ra các bộ, thông cả Đại thừa, làm sáng tỏ nghĩa Không. Người hoằng truyền lấy việc bát thông kinh luận. Trong sử Phật giáo Trung Quốc chúng ta thấy “thành luận Đại thừa sư”, quyết chẳng phải Tiểu thừa, đây quả thật tổng hợp học phái Đại thừa.
7. Thầy Cưu-ma-la-thập dịch “Trung”, “Bách” “Thập Nhị Môn luận” của thầy Long Thọ Đề-bà, lấy vô đắc chính quán làm tông, thành Tam Luận tông. Từ Bắc chí Nam, lấn át “Thành Luận”; vào đời Trần Tùy, phát triển huy hoàng rực rỡ. Nhưng người đặt nặng thiền tuệ, bị dung nhiếp vào Thiền tông; người đặt nặng giáo nghĩa, phần lớn bị dung nhiếp vào tông Thiên Thai, từ nhà Đường trở về sau, sự truyền thừa không còn rõ ràng nữa.
8. Thầy La-thập truyền sang dòng Bát-nhã Trung Quán, Tuệ Văn Bắc Tề truyền sang Tuệ Tư Nam Nhạc, đều chú trọng đến “Pháp Hoa”. Lại truyền cho thầy Trí Giả tông Thiên Thai, đặc biệt chú trọng đến “Pháp Hoa” dung hợp với “Niết-bàn”, thành tông Thiên Thai. Truyền sang phương Bắc, đoạn Niết-bàn, Thành Thật, Tam Luận mà thành học phái phương Nam.
9. Địa Luận Học Giả (một phẩm trong Thập Địa Phẩm của bổn Hoa Nghiêm), Đỗ Thuận, Trí Nghiễm, khởi Hoa Nghiêm giáo quán. Đến Đường Pháp Tạng, thành lập thành tông Hoa Nghiêm, cứu cánh viên mãn của phương Bắc Duy Tâm Luận.
10. Mật điển tuy truyền dịch đã lâu, đến giữa Đường Khai Nguyên, Thiện Vô Úy và Kim Cang Trí đến truyền hai bộ đại pháp, thành lập Mật tông. Tam Mật sự tướng, hoàn toàn đều do phương Tây (phía Tây của Trung Quốc tức Ấn Độ) truyền sang; nương theo nghĩa lí, trở thành Thiên Thai, Hiền Thủ của Trung Quốc. Rất hưng thạnh vào cuối nhà Đường, sau đó dần dần bị suy yếu; gần đây được truyền sang Nhật Bản và Tây Tạng, hiện đang bám rễ và phát triển tại những nước này.
Ngoài ra, còn có ba học phái quan trọng phát triển hết sức rực rỡ, được truyền trực tiếp từ Ấn Độ sang:
1. Luật: Luật chính là gốc của Định và Tuệ, người học Phật không thể không thực tập. Lúc đầu thầy La-thập… dịch “Thập Tụng Luật”, thịnh hành cả hai miền Nam Bắc. Phật-đà Da-xá dịch bộ luật Tứ Phần, thuộc thuyết phân biệt Pháp Tạng Bộ, thông với cả Đại thừa, đến thời thầy Tuệ Quang nhà Ngụy mới thịnh hành khắp nơi. Thầy Đạo Tuyên nhà Đường tập thành “Tứ Phần” của Nam Sơn Luật tông, còn các luật khác đều lược qua.
2. Thiền: Thiền là tông phái đầy đủ nhất trong các tông, từ sau nhà Hán, Tấn, đa phần là Thiền của Kế-tân. Cuối nhà Tống, thầy Bồ-đề Đạt-ma đến phương Bắc, truyền “tông nhất thừa Nam Thiên Trúc”, gọi là Như Lai Thiền. Đến đời Đường, được thầy Lục Tổ Huệ Năng tuyên dương rực rỡ ở vùng Lãnh Nam, sau đó trở thành tông chính của Phật giáo Trung Quốc.
3. Tịnh: Vãng sinh Tây phương tịnh độ, đầu tiên do thầy Huệ Viễn ở Lô Sơn thời Đông Tấn tuyên dương. Nhưng xưng niệm thánh hiệu Phật, đến thầy Đàm Loan thời Bắc Ngụy mới bắt đầu hưng thạnh; đến thầy Thiện Đạo nhà Đường, mới trở thành tông phái lớn của Phật giáo Trung Quốc. Thiên Thai, Hiền Thủ… các tông phái, đều tán thán, hoằng dương Tịnh Độ, duy thầy Thiện Đạo, chuyên hoằng dương niệm Phật, lưu truyền khắp Trung Quốc.
Những tông phái được nêu ra ở trên, một số được sáng lập tại Trung Quốc, còn một số được truyền trực tiếp từ Ấn Độ sang. Tất cả tông phái này có cống hiến đặc biệt, kết tinh sự thực tập và hoằng dương của Phật giáo đồ Trung Quốc, hết sức khế hợp với đất nước, con người, hoàn cảnh Trung Quốc, mà Thiên Thai, Hiền Thủ, thì dung hợp tất cả, Thiền, Tịnh lại giản dị bình thật.
(1). A-lê-da (阿棃耶 tiếng Phạn Ārya) : Từ tôn xưng người hiền tài thông hiểu đạo lí.
(2). Nhất xiển-đề (一闡提 tiếng Phạn Icchantika hoặc Ecchantika): Người mất hết căn lành, không có khả năng thành Phật.
Theo Nhập Lăng-già: Xiển-đề có hai loại:
- Đoạn thiện xiển-đề: Người xưa nay thiếu nhân giải thoát (đoạn căn lành).
- Đại bi xiển-đề (cũng gọi Bồ-tát xiển-đề): Bồ-tát vốn mang bi nguyện cứu độ hết thảy chúng sinh nên cố ý không vào Niết-bàn.
Theo Đại Trang Nghiêm Kinh Luận: Xiển-đề cũng có hai thuyết:
- Hữu tính xiển-đề: Nương nhờ thần lực của Phật, cuối cùng được thành Phật.
- Vô tính xiển-đề: Bất luận đến bao giờ cũng không được thành Phật.
Ngoài ra, Thành Duy Thức Luận nêu ra ba loại xiển-đề: Đoạn thiện xiển-đề, Đại bi xiển-đề và Vô tính xiển-đề. Trong đó, Đoạn thiện xiển-đề thuộc về Hữu tính xiển-đề.
Nhất xiển-đề phát tâm rất khó, cũng như người mù bẩm sinh khó chữa trị khỏi được, nên lấy hình ảnh người mù để dụ cho xiển-đề, gọi là Sinh manh xiển-đề.
Xưa, thầy Đạo Sinh chủ trương thuyết Xiển-đề thành Phật, bị tăng đồ thủ cựu công kích dữ dội, mãi đến khi thầy Đàm Vô Sấm dịch kinh Đại Niết-bàn, thuyết này mới được tiếp thu dần. Nhưng tông Pháp Tướng vẫn chủ trương có loại chúng sinh không thể thành Phật. Còn các tông Đại thừa khác như Hoa Nghiêm, Thiên Thai thì chủ trương tất cả chúng sinh đều có khả năng thành Phật.