Kỷ Niệm Phật Đản Nói Về Hoà Bình

     Giáo thuyết của đức Như Lai, luôn lấy sự vui vẻ cùng tồn tại của nhân sinh làm trung điểm. Đức Như Lai thị hiện xuống nhân gian, đưa thế gian đen tối, trở thành quang minh hòa bình, đây là niềm vui mừng mà chúng ta đáng được hưởng. Nhưng than ôi! Nhân tình quá ngu muội, ý nghĩa chân thật của Phật pháp chưa được phát huy triệt để, đệ tử Phật cũng chưa có khả năng phổ biến thiết thực, mãi đến ngày nay, thế giới vẫn ở trong hầm hố thống khổ loạn động. Mỗi độ đến ngày đản sinh của đức từ phụ Thích-ca Mâu-ni, làm chúng ta cảm kích vô cùng. Điều này chỉ có từ trong sự phản tỉnh hổ thẹn, nỗ lực hết sức vì hòa bình, mới không cô phụ tâm từ vô lượng của đức Như Lai!

     Theo kinh điển, a-tu-la đại biểu cho đấu tranh, còn vua trời Đế-thích đại diện cho hòa bình, họ từng tranh luận kịch liệt vì hòa bình và chiến tranh, ai cũng ra sức chỉ trích đối phương, cho rằng chân lí thuộc về mình. Kì thật, đấu tranh của họ, cố nhiên không cần thiết, ngay cả hòa bình cũng không phải là hòa bình chân chính. Lúc đầu, Đế-thích (thiên chúng) thắng thế, a-tu-la rút khỏi thiên cung. Vua trời Đế-thích ở yên trong hoàn cảnh phồn vinh phú quí, hưởng thọ dục lạc. Ông dùng chúng yêu ma quỉ quái, để duy trì nền hòa bình của thiên đường. Ông còn dùng uy quyền cướp đoạt con gái của a-tu-la vương làm vợ, chiếm hết mọi thứ tốt đẹp, thức ăn ngon, song chẳng chịu chia cho a-tu-la. Ông ta là người thắng lợi, là người chiếm hữu quyền lợi, lại muốn duy trì nền hòa bình không bình đẳng, không hợp với chính nghĩa như vậy, thử hỏi ông ta có thật sự vì hòa bình không? Tuyệt nhiên chẳng phải vì hòa bình chân chính, một khi dao động đến thống trị thiên cung, chẳng có chút do dự nào cả, làm cho thần dân tiếp thọ thống khổ, kết thành ý chí chiến đấu mà phát động chiến tranh. Còn a-tu-la, luôn chịu cảnh hiếp bức, sinh ra tính hoài nghi cực đoan, ngay cả lời chỉ dạy của đức Như Lai, cũng nửa tin nửa ngờ. Loài a-tu-la xem tất cả là kẻ thù, không dám tin, tràn đầy tư tưởng chiến đầu và thù hận. Lúc ở trong tình thế bất lợi cho mình, tuy cũng biểu thị lừa dối: Từ đây về sau hứa sẽ đối xử hòa bình với nhau. Song có thể dối trá, nhưng trong tư tưởng chiến tranh vẫn đứng đầu, hòa bình bị xem như là hoang đường. Chiến tranh và hòa bình của vua trời Đế-thích và A-tu-la, có giống với thế giới của chúng ta không? Thế giới của chúng ta, vẫn luôn có tình trạng như vậy, đôi bên vẫn luôn biểu diễn trò hề hòa bình và chiến tranh; chẳng qua gần đây trước sức ép của cộng đồng quốc tế, những trò hề đó chưa để bị lộ chân tướng mà thôi!

     Luận đến hòa bình của đức Như Lai, có thể tóm tắt ở hai điểm chính, đó là tính siêu việt giai cấp và tính hợp lí. Hòa bình, chẳng phải của một số người, chẳng phải tạm thời, chẳng phải khoe khoang chính mình, bảo tồn bản thân hô hào khẩu hiệu. Một số quan điểm cho rằng, thứ gì cũng đều có tính giai cấp, đến nỗi hòa bình cũng không ngoại lệ. Nhưng tôi dám quả quyết, đó không phải là hòa bình của Đức Phật; hòa bình của Đức Phật, dựa vào lập trường của toàn thể nhân loại, thậm chí tất cả chúng sinh ━ lí tưởng vĩnh cửu của cộng đồng mà tồn tại. Đây chẳng phải kết luận trừu tượng được phát xuất từ khuynh hướng thông thường thiếu khuyết của nhân loại, mà là trong sự khảo sát của mỗi tình huống, quên mình, nắm rõ tất cả sự liên quan và toàn thể sự vật. Người bình thường, do không có khả năng giải phóng cho mình, thứ gì cũng vì mình tính toán cho bản thân, gia đình, dòng họ, tổ quốc… Ngược lại, không có khả năng thoát khỏi lập trường giai cấp của bản chất tự tư (tính giai cấp của nhân gian, xác thật rất phổ biến. Song đây là nguồn gốc của mọi đau khổ trên thế gian! Đây không phải chân lí, nên tiêu diệt nó đi, không nên cường điệu nó một cách thái quá). Do sai lầm căn bản này, cho nên tất cả hành động của hòa bình và chiến tranh, đều vì lợi ích bản thân, giống như các loại hiển thị thần thông của chiến tranh con buôn và hòa bình của kẻ lừa bịp! Đấu tranh giai cấp của quan điểm giai cấp, chúng ta phải phản đối một cách triệt để; hiện tại có một số người bề ngoài cực lực phản đối đấu tranh giai cấp, ngược lại chính mình lại bị giam nhốt trong lao ngục của lợi ích giai cấp, quyền lực khống chế, ngụy tạo hòa bình làm mê hoặc người khác, người như thế không thể chấp nhận. Quả thật kẻ tiểu nhân và người ngụy tạo quân tử, chẳng khác nhau là mấy! Cho nên, nếu chúng ta thật tâm có ý vì nền hòa bình nhân loại, không thể không đồng tình với tính siêu giai cấp của Phật pháp, tức là hòa bình chân thật không phải được phát xuất từ tự kỉ, mà được phát khởi từ quan điểm vô ngã (toàn thể nhân loại, tất cả chúng sinh)!

    Hòa bình của Phật pháp, quyết chẳng bằng lòng và duy trì những gì đang có. Hiện tại thực sự nhân gian đầy dẫy việc không hoàn mĩ, nhiều loại phi pháp, nhiều loại hình tội ác, không thể xem là chuyện đương nhiên được. Đức Như Lai từ bi xem thấy thấu suốt sự không hoàn mĩ của nhân gian, cho nên yêu cầu nhân loại nên làm mới lại mình, làm thế giới được trong sạch, hướng thẳng đến thế giới hòa bình tốt đẹp hợp lí. Cho nên hòa bình chân chính, tuyệt đối không được xem mình là sứ giả hòa bình, đối phương là ác quỉ của chiến tranh. Lập trường tiến bộ toàn thể, đầu tiên yêu cầu tự mình vất bỏ cái nhìn sai lệch tự tư về bản thân, gia đình, giòng họ, quốc gia…, sửa đổi sai lầm; thậm chí vì sự hòa bình tiến bộ cho nhân loại, không tiếc hi sinh mình. Trong kinh ghi: “Vì nhà quên một người, vì thôn quên một nhà, vì nước quên một thôn, vì thân quên thế gian”. Nếu không thể có được quan điểm tiến bộ toàn thể, bỏ nhỏ vì lớn, vì mọi người quên mình, thế thì tất nhiên sẽ vì lợi ích giai cấp của sự duy trì giữ gìn tự tư, nghiêng về hiện trạng hòa bình giả tạo. Các người con cưng của đức Như Lai! Hòa bình không thể biến thành công cụ của chiến tranh, cũng không nên dùng nó làm công cụ để duy trì hiện trạng bất hợp lí!

    Nhân loại ngu muội làm sao! Không chịu phản tỉnh, không chịu buông bỏ lập trường giai cấp của bản chất tự tư. Do đó, có người duy trì bảo vệ cái hiện trạng không bình đẳng, không hợp với chính nghĩa thế mà lại đi nói hòa bình; cũng có người vì cải biến hiện trạng mà nói chiến tranh. Trong đây, hiện tại chẳng có hòa bình, tương lai cũng chẳng có. Giả như có, đó chẳng qua là hội nghị hòa bình của những cuộc tấn công, hòa bình màn khói, giai đoạn tuyên bố của chiến tranh. Chẳng lẽ nhân loại ngu muội đến mức tự mình hủy diệt hết sao? Chúng ta cần phải phản tỉnh, chúng ta phải vượt ra khỏi đoàn quân đấu tranh của vua trời Đế-thích và a-tu-la, hoặc thần và quỉ, thực thi theo sự chỉ dạy hòa bình chân thật của đức Như Lai, tìm cầu hòa bình, thực hiện hòa bình từ trong ánh quang minh của hòa bình!

 
00:00