(truy niệm lần thứ 6 ngày Đại sư Thái Hư trở về (1953))
Từ khi Đại sư Thái Hư thành lập tập san này, đã ngót 34 năm rồi. Lúc đó, lấy tên Hải Triều Âm, nghĩa là: “Âm thanh tỉnh thức trong xã hội hỗn loạn”. Hiện tại con người luôn suy nghĩ tứ tung, hết chuyện này đến chuyện khác, chẳng có phút an định, tuy nhiên trong biển tư tưởng đó cũng có những tia sáng, song nhìn từ khía cạnh đen tối của họ, quả thật càng ngày càng ngu si, càng ngày càng điên cuồng! Tính chất biệt lập độc đoán, quan điểm vụ lợi của duy vật, làm dấy lên làn sóng cướp bóc, nô dịch, thù hận, đấu tranh. Trong xã hội hiện tại, chắc chắn tâm xảo trá càng sâu, pháp chế càng nghiêm mật, thủ đoạn càng nham hiểm, khống chế càng nghiêm, phá hoại càng kịch liệt; phát triển đến mức coi nhẹ chân lí, hủy hoại vứt bỏ đạo đức, đưa đẩy nhân loại, sai khiến bức bách nhân loại, cùng kéo nhau đến chỗ hủy diệt tập thể! 34 năm nay, tình thế này, càng ngày càng ác liệt thêm. Nếu nhân loại không tức tốc thức tỉnh, làm mới lại hoàn toàn, mà tự cho mình là đúng, lún sâu vào con đường sai lầm, quả thật đây là bi kịch của nhân loại! Chúng ta hãy dùng tinh thần của “chim nhỏ cứu lửa(1)”, quyết chẳng phải vì sức lực yếu ớt, nhỏ nhoi mà nhụt chí; noi theo bước chân của Đại sư Thái Hư, dùng hết năng lực trí tuệ của mình, truyền âm thanh tỉnh giác cho nhân loại. Chúng ta kế thừa và tiếp nhận hoài bão thương yêu của đức Như Lai, phát dương ánh sáng trí tuệ của Đức Phật, muốn từ trong chính giác của xã hội hỗn loạn, thực hiện hòa bình và tự do nhân thế và nhân tâm. Niềm tin kiên quyết này, luôn tồn tại từ khi thành lập tập san Hải Triều Âm đến nay, 34 năm như một. Sau cái mốc 34 năm này, sẽ có vô số 34 năm tiếp, tin tưởng nhất định cũng sẽ như vậy.
Vì truyền đạt “âm thanh tỉnh thức trong xã hội hỗn loạn” mà phát hành tập san này, cho nên mục đích của tập san, được Đại sư Thái Hư xác định rõ: “Phát dương chân nghĩa Đại thừa Phật giáo, khêu gợi ý nghĩ chân chính trong lòng người hiện đại”. Nhân loại vốn đã có quá nhiều nỗi khổ niềm đau, mà khổ đau của nhân loại trong hiện tại càng nhiều. Chúng ta tin tưởng: Âm thanh tỉnh giác của đức Như Lai, là con đường lớn chân chính có khả năng cho chúng sinh an lạc, có khả năng độ thoát mọi khổ ách. Phật pháp là phải biết thích nghi với mọi hoàn cảnh, mọi lúc, phải có nhiều loại phương tiện. Nhân thừa dành cho căn cơ tầm thường, Thiên thừa sâu xa bí mật, Thanh văn, Duyên giác thừa dành cho hạng người chán ghét thế giới này, vả lại chú trọng đến chính mình, những thừa này đều không có khả năng đại diện cho chỗ viên mãn mà cứu cánh của Phật giáo. Cứu cánh mà viên mãn, duy chỉ có Đại thừa. Trong Phật giáo Đại thừa, Đại sư Thái Hư phân biệt ra: Có người nương vào Nhị thừa hạnh tiến vào Bồ-tát hạnh, có người nương vào Thiên thừa hạnh tiến vào Bồ-tát hạnh, có người nương vào Nhân thừa hạnh tiến vào Bồ-tát hạnh. Lấy tâm người hiện thời để xem ba hạnh Bồ-tát này, nếu y cứ vào Nhị thừa hạnh làm phương tiện, sẽ bị người ta hiểu lầm là chỉ biết có mình, xa lánh thế gian. Nếu lấy Thiên thừa hạnh làm phương tiện, sẽ bị người chỉ trích là thần bí, quái đản. “Đức Như Lai thị hiện ở nhân gian”, “thân người khó được”, “người là nơi tốt đẹp của trời” căn bản Phật pháp chú trọng đến loài người. Mà tất cả chúng ta là người, căn cơ cần để hóa độ, chủ yếu cũng là người. Đặc biệt hơn, thời đại này là thời kì chú trọng mối quan hệ giữa người và người, Trung Quốc lại là quốc gia luôn hướng về muối quan hệ đó. Lấy Nhân thừa làm phương tiện cho Bồ-tát hạnh, mới là ý nghĩa chân chính của Phật giáo Đại thừa, mới có khả năng dẫn dắt tâm người trong thời đại này. Vào Bồ-tát hạnh, chẳng phải pháp Nhân thừa tầm thường, mà là hạnh Đại thừa phát tâm Bồ-đề, hướng thẳng đến Vô thượng Bồ-đề; là vào Bồ-tát hạnh nương tựa tín tâm và giới luật làm căn bản để xử trí, dùng từ bi và trí tuệ làm phương tiện, không rời xa thế gian, không chán ghét việc đời, mà vẫn có khả năng tự lợi lợi tha, công đức trang nghiêm. Người hành đạo Bồ-tát như vậy, những năm cuối đời Đại sư Thái Hư, nói kệ tán thán để biểu thị ý nghĩa chân thật “thành Phật ngay trong con người”, như nói: “Duy Đức Phật tôn kính, hoàn thành xong nhân cách; thành người tức thành Phật, gọi là chân hiện thực”.
Tâm người đời này, có đen tối của họ, cũng có ánh sáng của họ. Nếu hướng về bình đẳng, tự do, dân chủ, đại đồng (xã hội không còn phân biệt giai cấp, dân tộc, quốc gia, mọi người đều sống bình đẳng, tự do, hạnh phúc như nhau), bất luận anh ta có khả năng thực hiện hay không, xét cho cùng không thể không nói anh ta chính xác, hợp với Phật pháp. Hoặc nếu như coi trọng lợi ích của mọi người, cuộc sống tập thể, thực nghiệm trước mắt, cũng chẳng trái với tinh thần của Phật giáo. Khế hợp tương ứng với lòng người đời này, cần xem trọng xu hướng lòng người hiện tại, khai thác chính đạo khế hợp tương ứng với lòng người đời này trong Đại thừa. Nhưng điều này quyết chẳng phải hùa theo trào lưu xã hội, trôi nổi theo sóng. Phát dương Phật pháp, cần phải truyền đạt âm thanh tỉnh thức vào lòng người hiện đại, đưa nhân loại, tiến thẳng đến tiền đồ chân bình đẳng, tự do chân thật, tràn đầy ánh sáng vô hạn. Nếu chỉ cầu thích hợp, mà không có khả năng dẫn dắt tâm người hướng thượng, hướng đến ánh sáng, đến cứu cánh; hoặc thích hợp với thú vị tầm thường, cho rằng mình đang hoằng pháp lớn, mà nào có hay đang che lấp đi ánh sáng chân thật của Phật pháp, cũng đánh mất đi ý nghĩa chân chính của Đại thừa cứu độ thế gian. Thích hợp với lòng người hiện đại của Phật pháp, phải dẫn dắt chúng sinh, làm cho nhân loại phát sinh tư tưởng chân chính hướng thượng, hướng cứu cánh, từ tư tưởng chân chính mới có được hành động chân chính, để đạt đến mục đích hóa thân Phật (giác hóa) trong dòng người đang trôi chảy theo vô minh sinh tử. Cho nên, phát dương Đại thừa của chúng ta, ngoài chú trọng đến thích hợp, còn cần phải hết sức chú ý đến dẫn dắt, hướng đến ánh sáng của chân lí, chính giác, từ bi.
Người sáng lập tập san Hải Triều Âm này. Đại sư Thái Hư, chỉ ra cho chúng ta phương châm chính xác của việc hoằng pháp lợi sinh, thích hợp với nhân sinh xã hội. Chúng ta cung kính tiếp nhận sự chỉ dạy từ bi vô lượng của thầy, hãy cùng nhau khuyến khích, cùng nhau nâng đỡ, để tiến thẳng đến phía trước. Ngày hôm nay kỉ niệm 6 năm thầy trở về, nên nhắc lại cho nhau nghe lại di huấn của thầy, để biểu thị lòng kiền thành tưởng nhớ của chúng ta; làm cho tín niệm của mình được vững chắc, nhận rõ mục đích của mình, đuổi theo bước chân của thầy mà tiến lên!
(1). Chim nhỏ cứu lửa: Đức Phật kể: Trong ngôi rừng nọ bị hỏa hoạn, lửa cháy dữ dội. Có một chú chim may mắn trốn thoát, nhưng chú nhớ thân tộc và bạn bè vẫn còn ở trong rừng, trong lòng chú vô cùng lo lắng. Thế là, chú bay đến bờ sông chầm đôi cánh xuống nước cho ướt, sau đó bay trở lại khu rừng vỗ mạnh đôi cánh tưới xuống vài giọt nước.
Cứ thế chú bay tới, bay đi vô cùng phí sức. Nhưng chú chim vẫn cứ gia sức làm. Vua trời rất cảm động liền giáng xuống trận mưa lớn, dập tắt ngọn lửa.